Trang gốc

Trang web BuddhaSasana

VU Times font

 

Khái lược Duyên Hệ

Tỳ khưu Chánh Minh

DL 2008 – PL 2552

Lưu ý: Ðọc với phông chữ VU Times (Viet-Pali Unicode)


[1.3]

5-Vật thực duyên (Āhārapaccaya).

1- Định nghĩa.

Vật thực duyên là mãnh lực trợ giúp, ủng hộ bằng cách mang dưỡng tố (ojā) vào.

Pāli có giải thích:

-Āharantīti = āhāra: Mang lại (tiến hóa) gọi là vật thực”.

- Sakasahapaccayuppanno āharoti = āhāra:

Mang bền bỉ đến pháp phụ thuộc của mình, gọi là vật thực.

- Rūpārūpānaṃ upatthambhakatthena upakārako cattāro āhāra = āhārapaccayo:

Bốn loại vật thực ủng hộ, nâng đở sắc và vô sắc gọi là “vật thực duyên”.

2- Tứ thực.

Bốn loại vật thực (cattāra āhāra) là gì? Đó là:

- Đoàn thực (kābalīkārāhāra – vật thực làm thành viên tròn).

Là những thực phẩm như thịt, cá, cơm, rau, hoa, quả … giúp cho thân thể được duy trì, lớn mạnh.

 Gọi là đoàn thực, vì những thực phẩm khi đi vào miệng, bị răng nghiền nhỏ, nát ra, trộn lẫn với nước bọt, lưỡi cuộn lại làm thành viên tròn đưa xuống thực quản.

Chi pháp của đoàn thực chính là “dưỡng tố - ojā”, loại vật thực không có dưỡng tố, dù dùng nhiều cũng không có tác dụng lớn, trái lại loại thực phẩm có nhiều dưỡng tố thích hợp, tuy dùng ít vẫn có lợi nhiều cho cơ thể .

Người dùng vài bát cháo trắng đầy vẫn mau đói so với người dùng một bát canh có nhiều dưỡng tố.

Có Pāli giải thích như sau:

“Ojāsaṅkhāto āhāro āhārasamuṭṭhānarūpaṃ ajjhoharaṇakāle ṭhānappatto samuṭṭhāpeti:

“Vật thực “được gọi là dưỡng tố (ojāsaṅkhāto)” khi được tiêu hóa và đạt đến giai đoạn trụ (ṭhānapatto), tạo ra sắc pháp do vật thực sinh ra” [1] .

Câu Pāli trên cho thấy: “Gọi là đoàn thực” vì tạo ra sắc pháp và giúp sắc pháp tăng trưởng.

- Xúc thực (phassāhāra).

Là sự gặp gỡ giữa vật (vatthu) - cảnh (ārammaṇa) và thức (viññāṇa).

Gọi là “Xúc thực”, vì đó là nhân sinh ra Thọ (vedanā), giúp cho Thọ vững mạnhnhư Kinh văn:

“Phassa paccayā vedanā: Xúc duyên thọ”.

Khi gặp cảnh đáng hài lòng, sinh khởi sự vui thích, nên không cảm thấy đói.

Hay người đang “nặng trỉu sầu lo - thọ ưu” cũng không cảm thấy đói.

Hoặc khi bắt cảnh khắn khít cùng thể loại cũng “quên đói”, như trường hợp các nhà nghiên cứu, mãi say mê với công trình.

Nên Xúc được gọi là vật thực.

Chi pháp xúc thực là “tâm sở Xúc”.

- Tư niệm thực (manasañcetanāhāra).

Mana (ý) + sañcetanā (chủ tâm – có cố ý mạnh) + āhāra = manasañcetanāhāra.

Tư niệm thực là loại vật thực do có “cố ý mạnh mẽ”.

Đó là sự “cố ý” làm viện thiện, hay bất thiện, sinh ra tâm quả làm việc tục sinh sau này.

Một người “cố ý” làm việc gì đó, y có thể quên đói, như những nhà khoa học “đang nghiên cứu đề án nào đó”, vị ấy “không biết đói”….

Mặt khác, trong đời sống hằng ngày, “sự cố ý” đôi khi giải trừ “sự đói”, như người hăng say trong công việc, có thể “bỏ bửa cơm”.

Do vậy, “sự cố ý” được gọi là “vật thực”.

Chi pháp Tư niệm thực là tâm sở Tư (cetanācetasika).

- Thức thực (viññāṇāhāra).

Là tâm, vì tâm có khả năng hưởng cảnh, là nhân trợ cho danh sắc.

Như Kinh văn:

“Viññāṇa paccayā nāmarūpaṃ: Thức duyên cho danh sắc.”

Có lần Đức Thế Tôn ngự vào làng Pañcasālā đi khất thực, vì Ngài thấy duyên lành đạo quả của 500 cô gái trong làng.

Ma vương nhập vào dân làng, khống chế dân làng không cho họ đặt vật thực cúng dường đến Đức Thế Tôn, khi ấy 500 cô thiếu nữ đang tắm ở bờ sông.

Đức Thế Tôn ra khỏi làng với bát trống không, Ma vương hóa thân đứng ở cổng làng, hỏi rằng:

- Samôn, ông có nhận được gì không?

- Này kẻ xấu kia.Đây là việc làm của ngươi.

Bấy giờ 500 thiếu nữ vừa đi đến, các cô đảnh lễ Đức Phật rồi đứng sang môt bên.

 Ma vương hỏi Đức Phật:

- Bạch Thế Tôn, Ngài không được chút ít vật thực nào, hẵn Ngài đói bụng lắm.

- Này Ma vương, cho dù hôm nay ta không dùng vật thực, tâm ta vẫn an lạc như Phạm thiên cõi Quang Âm.

Rồi Đức Thế Tôn thuyết lên kệ ngôn:

“Susukhaṃ vata jīvāma; yesaṃ no natthi kiñcanaṃ.

Pītibhakkhā bhavissāma; devā ābhassarā yathā.

Thật vậy, sống hạnh phúc; nơi đây không chướng ngại (kiñcanaṃ).

“An hưởng sự vui thích, như Trời Quang Âm. [2]

Kê. Ngôn trên mô tả “thức thực”.

Với “tâm vui thích” người ta có thể “quên đói”, hay “tâm đang sầu não” người này có thể “bỏ cơm”.

Do đó, tâm được xem là “vật thực”.

Chính tứ thực là căn bản của Vật thực duyên, nên Vật thực duyên chia thành hai duyên là:

- Sắc vật thực duyên (rūpa āhārapaccaya).

- Danh vật thực duyên (nāma āhārapaccaya).

A- Sắc vật thực duyên (Rūpa āhārapaccaya).

1- Định nghĩa.

Sắc vật thực duyên là mãnh lực trợ giúp, ủng hộ bằng dưỡng tố có trong các loại thực phẩm.

2- Chi pháp.

- Năng duyên. Tất cả sắc Vật thực nội hay ngoại đã ăn hay chưa ăn.

Tức là chất dinh dưỡng có trong cơ thể hay ngoài cơ thể.

- Sở duyên. Sắc do Vật thực tạo, và các sắc đồng nhóm với sắc Vật thực.

- Phi sở duyên. Tâm + tâm sở + sắc tâm + sắc ngoại  [3]  + sắc nghiệp + sắc âm dương.

3- Giải thích.

Mối quan hệ vật thực có hai loại là sắc và Vô sắc.

Sắc Vật thực là dưỡng tố hay chất dinh dưỡng giúp cho sắc pháp được tồn tại và tăng trưởng.

Sắc Vật thực lại chia thành: Sắc Vật thực nội (bên trong) và sắc Vật thực ngoại (bên ngoài).

Sắc Vật thực nội không tạo ra sắc pháp, chính dưỡng tố bên ngoài được cơ thể hấp thụ mới tạo ra sắc pháp

a- Phải hiểu vật thực (āhāra) theo nghĩa nào?

“Vật thực” (āhāra) được hiểu theo nghĩa “gìn giữ”, có nghĩa là “làm cho tồn tại chắc chắn”.

Được gọi là “vật thực” vì chúng giữ các nhóm của sắc pháp do bốn nhân sinh [4]  được tồn tại vững mạnh, bằng cách nuôi nấng chúng.

Tức là, “pháp năng duyên trợ giúp nuôi dưỡng pháp sở duyên được tồn tại và phát triển”.

Tuy có khả năng tạo ra sắc pháp, nhưng năng lực chủ yếu của sắc Vật thực là “nuôi dưỡng cho vững mạnh”.

Ví như bà mẹ sinh con và nuôi dưỡng con, thì nuôi dưỡng là chủ yếu, ngoài ra bà có thể nuôi dưỡng các hài tử khác tuy chúng không phải con do bà sinh ra.

b- Năng duyên.

- Sắc vật thực nội.

 Là những dưỡng tố có trong thân chúng sinh ngũ uẩn; ở cõi nhân loại khi Vật thực nội bị diệt chúng sinh ấy chết.

Vị chư thiên đắm nhiễm trong dục lạc, bỏ ăn một bữa sẽ chết ngay.

Vì sao vậy? Vì thân của chư thiên dục giới là sắc tế nên chất lửa trong thân rất mạnh, khi chúng bùng phát không có vật thực bên ngoài đưa vào để làm giảm hỏa lượng, chúng sẽ đốt cơ thể, hủy hoại sắc Vật thực nội và vị ấy chết ngay.

Chúng sinh cõi nhân loại, thân xác là sắc thô nên cường độ lửa không mạnh, dù có nhịn ăn nhiều ngày, khi sắc Vật thực nội còn tồn tại chúng sinh ấy vẫn còn sống, khi cạn kiệt sắc Vật thực nội chúng sinh ấy chết.

 Vị Thánh Anahàm hay Alahán ở cõi nhân loại, sau bảy ngày nhập thiền diệt, nếu không có vật thực ngoại đưa vào để tiếp trợ cho sắc Vật thực nội, Ngài sẽ viên tịch (chết) vào ngày thứ 8.

Có câu hỏi rằng: Có người nhịn ăn uống cả nửa tháng, một tháng vẫn sống như những du sĩ Yoga chẳng hạn.

Vì sao vị Thánh Alahán phải chết sau 7 ngày nhập thiền Diệt?

Đáp: Nếu không nhập thiền Diệt, Ngài có thể sống hơn số lượng đó, như an trú trong thiền tịnh cả 7 ngày đêm, khi xả thiền dù không có vật thực tiếp trợ Ngài vẫn sống thêm một số ngày nữa.

Vì khi nhập thiền hiệp thế vẫn còn tâm, tâm tạo ra sắc tâm, trong sắc tâm có sắc Vật thực nội.

Mặt khác tâm thiền có năng lực giải trừ sự nóng nên sắc Vật thực nội không bị hao tổn nhiều.

Khi nhập thiền Diệt thì điều này không xảy ra, nên sau 7 ngày không có vật thực ngoại tiếp trợ thì Ngài mệnh chung.

Các du sĩ Yoga tuy không dùng vật thực nhiều ngày, nhưng các vị ấy có “kỷ thuật tiết kiệm năng lượng” (như loài gấu trắng, loài dơi ngủ Đông chẳng hạn), đồng thời còn có tâm sinh diệt và tâm tạo ra sắc tâm.

Sắc Vật thực nội là những loại sắc vật thực có trong sắc nghiệp, sắc tâm, sắc thời tiết. Chúng là thành phần của đoàn bất ly.

Vật thực được ăn vào, khi đó tuy có dưỡng tố, nhưng chúng chỉ là vật thực ngoại. Bao giờ dưỡng tố này hòa nhập khắp cơ thể, nuôi dưỡng các sắc thần kinh … bấy giờ chúng trở thành vật thực nội.

Sắc vật thực nội không thể tạo ra sắc pháp nếu không có sắc vật thực ngoại hổ trợ.

*- Sắc vật thực ngoại.

Là những dưỡng tố có bên ngoài, phần lớn chúng nằm trong những động - thực vật.

Đơn thuần chúng chẳng có quan hệ gì với Sắc vật thực duyên (trong phần phi sở duyên có đề cập đến sắc ngoại, là chỉ cho loại sắc này).

Chỉ khi nào chúng được đưa vào cơ thể và được cơ thể tiếp nhận, bấy giờ chúng trở thành năng duyên, tạo ra sắc pháp. Đồng thời tiếp trợ cho sắc Vật thực nội được tồn tại.

c- Sở duyên.

- Sắc do vật thực tạo có bao nhiêu sắc?.

Sắc do vật thực tạo có 2 nhóm :

- Nhóm bất ly, gồm 8 sắc.

- Nhóm đặc biệt, gồm 11 sắc: 8 sắc bất ly + 3 sắc đặc biệt.

Chính sắc vật thực ngoại được cơ thể tiếp nhận, chúng trở thành sắc vật thực trong đoàn bất ly.

Cho dù loại sắc nào, cũng phải nương vào sắc vật thực để tồn tại.

Đức Phật có dạy:

“Katamañca, bhikkhave, rūpaṃ?

Và này các Tỷ-kheo, thế nào là sắc?

Cattāro ca mahābhūtā catunnañca mahābhūtānaṃ upādāya rūpaṃ.

Bốn đại chủng và sắc do bốn đại chủng tạo thành.

Idaṃ vuccati, bhikkhave, rūpaṃ.

Này các Tỳkhưu, đây được gọi là sắc.

 Āhārasamudayā rūpasamudayo; āhāranirodhā rūpanirodho”.

Do các thức ăn tập khởi nên sắc tập khởi. Do các thức ăn đoạn diệt nên sắc đoạn diệt” (HT. TMC dịch) [5]

Sắc vật thực ngoại là năng duyên chủ yếu trợ giúp cho các sắc pháp.

Các sắc sở duyên được trợ giúp là sắc vật thực nội và sắc mạng quyền.

Đức Phật dạy:

“Sabbe sattā āhāratthitikā: Chúng sinh tồn tại do vật thực”.

d- Phi sở duyên.

- Khi gọi “sắc do tâm tạo” là phi sở duyên. Là chỉ cho 2 sắc Biểu tri và sắc Thinh.

- Khi gọi “sắc do nghiệp tạo” là phi sở duyên. Là chỉ cho 8 sắc nghiệp (ngoại trừ sắc Mạng quyền).

Khi sắc Mạng quyền không được sắc Vật thực tiếp trợ, nó sẽ bị diệt. Khi ấy “mạng sống lẫn các sắc nghiệp khác” cũng diệt.

- Khi gọi “sắcthời tiết tạo” là phi sở duyên. Là chỉ cho 3 sắc đặc biệt và sắc Thinh.

B -Danh vật thực duyên (Nāma āhārapaccaya).

1- Định nghĩa.

Danh vật thực duyên là mãnh lực thâu bắt cảnh, giúp cho các danh pháp đồng sinh thêm vững mạnh.

Ý nghĩa của vật thực“làm cho tồn tại chắc chắn” được nỗi bật trong danh vật thực duyên.

Tức là “bám chặt” lấy cảnh để trợ giúp cho pháp đồng sinh.

2- Chi pháp.

- Năng duyên. Là ba danh thực : Xúc thực, Thức thực và Tư niệm thực.

- Sở duyên. Là tâm + tâm sở + sắc do tâm tạo và sắc nghiệp tục sinh.

- Phi sở duyên. Các sắc pháp ngoài ra và pháp vật thực (āhāradhamma) đang làm năng duyên.

3- Giải thích.

a- Ở đây, Danh vật thực có thể được giải thích theo Kinh Tạng (Suttanta).

Theo Kinh Tạng, đối với danh pháp, vật thực mang ý nghĩa là “nuôi nấng, làm cho tăng trưởng”.

Như Phật ngôn:

“Avijjampāhaṃ, bhikkhave, sahāraṃ vadāmi, no anāhāraṃ.

“Ta tuyên bố, này các tỳkhưu, vô minh có thức ăn (sāhāraṃ), không phải là không có thức ăn.

Ko cāhāro avijjāya? Pañca nīvaraṇā’tissa vacanīyaṃ…”

Và cái gì là thức ăn của vô minh? Năm triền cái, cần phải trả lời như vậy”….

“Ko cāhāro pañcannaṃ nīvaraṇānaṃ?

“Cái gì là thức ăn của năm triền cái?

Tiṇi duccaritānī’tissa vacanīyaṃ…”.

Ba ác hạnh, cần phải trả lời như vậy?....

“Ko cāhāro vijjāvimuttiyā?

“Cái gì là thức ăn cho minh giải thoát?

‘Satta bojjhaṅgā’tissa vacanīyaṃ…”.

 Bảy giác chi, cần phải trả lời như vậy…”.

“Ko cāhāro sattannaṃ bojjhaṅgānaṃ?

“Cái gì là thức ăn cho bảy giác chi?

Cattāro satipaṭṭhānā’tissa vacanīyaṃ…”.

Bốn niệm xứ, cần phải trả lời như vậy… [6] .

Ở trên, Đức Phật dạy “thức ăn” của bất thiện pháp và “thức ăn” của thiện pháp.

Còn: “Sabbe sattā āhāratthitikā: Chúng sinh tồn tại do vật thực”, là nói đến “thức ăn” cho luân hồi.

1’- Xúc thực.

Như con chim khi định hướng rồi, nó bay lượn trong hư không với đôi cánh chuyền từ cây này sang cây khác, dùng mỏ mổ lấy trái cây để ăn hay tìm vật thực tương ứng với sự sống, loại vật thực ấy duy trì khả năng tồn tại bản thân.

Cũng vậy, với sáu loại xúc  [7]  để 6 cảnh hiển lộ, sinh khởi sáu thọ, khiến chúng sinh nhận lãnh khổ, lạc hoặc thản nhiên, để rồi từ đó “sinh khởi tham ái (taṅhā)” [8] , dính mắc vào luân hồi.

Như vậy, “xúc làm sinh khởi thọ”, “nuôi dưỡng thọ được vững mạnh”.

Với pháp môn niệm thọ trong Tứ niệm xứ, nhằm mục đích “chấm dứt thọ cũ, không cho thọ mới sinh khởi”.

Thọ mới ở đây chỉ cho “thọ liên hệ với tham ái”.

Khi Xúc thực bị diệt thì thọ mới cũng diệt.

2’- Tư niệm thực.

Sáu loại hành [9] , nhận cảnh do xúc làm hiển lộ, hoạt động tương thích với cảnh.

Sáu loại hành này tạo ra nhiều loại nghiệp đi chung với tham hoặc trực tiếp, như “hành bất thiện”, hoặc gián tiếp như “hành thiện”.

Chúng sinh di chuyển từ kiếp sống này sang kiếp sống khác cũng từ các loại hành này.

Nói cách khác, tâm sở Tư làm “sinh khởi tâm quả và nuôi dưỡng chúng”, khiến chúng hiện bày trong tương lai.

Do đó, tâm sở Tư được gọi là “tư niệm thực”.

Niệm pháp trong Tứ niệm xứ, nhằm mục đích “diệt trừ Tư niệm thực này”.

3’- Thức thực.

Sáu loại thức [10]  duy trì các cảnh. Khi nhận biết cảnh, Ý thức điều khiển danh sắc này hoạt động.

Niệm tâm tứ niệm xứ nhằm mục đích “diệt trừ Thức thực” này.

Do vậy, có thể hiểu được chức năng của vật thực khác nhau và rộng lớn như thế nào.

 b - Giải thích theo Thắng pháp tạng.

 1’- Về năng duyên.

 - Tâm sở Xúc được gọi là vật thực (āhāra), vì nó “nắm giữ cảnh” giúp cho tâm cùng các tâm sở khác sinh lên một cách mạnh mẽ.

Xúc nuôi dưỡng các pháp đồng sinh từ những “cảnh toại nguyện”, hay “cảnh không toại nguyện”, nhất là đối với tâm sở Thọ (vedanācetasika).

- Tâm sở Tư được gọi là vật thực, vì nó nuôi dưỡng, cung cấp dũng lực cho các pháp đồng sinh khi “cố ý” thực hiện hành động thiện hay bất thiện qua ba cửa thân - ngữ - ý tương thích với cảnh.

Như khi người Phật tử nhìn thấy vị Samôn (cảnh), có ý cúng dường, khi ấy “sự cố ý – tâm sở Tư” nuôi dưỡng “điều này” và thực hiện qua thân môn…

 “Ý muốn cúng dường” là tâm sở Vô tham đi chung với tâm sở Dục (chanda), tâm sở Tư nuôi dưỡng 2 tâm sở này được mạnh mẽ.

Hay người Phật tử muốn nghe pháp (tâm sở Dục và tâm sở Trí), tâm sở Tư nuôi dững vững mạnh hai tâm sở này, giúp cho người ấy đi nghe pháp…

- Thức được gọi là vật thực, vì nó vượt trội trong chức năng “dẫn dắt” các pháp đồng sinh, “chăm chú cảnh”, rồi điều hành thân tâm hoạt động theo ý..

Ba vật thực vô sắc này nuôi nấng cho các pháp đồng sinh, đồng thời có ảnh hưởng đến các sắc pháp đồng sinh.

2’-Về sở duyên.

Tâm sở Xúc và tâm sở Tư là tâm sở Biến hành, khi có chúng là có tâm và ngược lại khi có tâm thì có chúng.

Khi một trong ba pháp vô sắc này là năng duyên, thì những pháp còn lại là sở duyên.

- Khi nói sở duyên là “tất cả tâm”, vì tâm sở Xúc hay tâm sở Tư có thể trợ giúp cho tất cả tâm sinh lên.

- Khi nói “tâm sở hợp”, là tùy theo tâm sinh lên thì các tâm sở sinh lên theo tương ứng.

 - Sắc tâm tạo. Ở đây chỉ cho sắc Thân biểu tri và sắc Ngữ biểu tri.

- Sắc nghiệp tục sinh. Vào thời điểm tục sinh, sắc nghiệp đồng sinh với tâm Tục sinh và được tâm Tục sinh nuôi dưỡng vững mạnh.

16- Quyền duyên (Indriyapaccaya).

1- Định nghĩa.

Quyền duyên là mãnh lực trợ giúp, ủng hộ bằng cách “cai quản”, “kiểm soát”, “điều hành”.

Pāli có giải thích:

- Indati parama issariyaṃ karotīti = indriyaṃ:

“Có uy quyền như vị chúa tể cao nhất, gọi là quyền.

- Indriyañca taṃ paccayaṃ cāti = indriyapaccayaṃ:

“Trợ giúp bằng cách “làm quyền”, gọi là “quyền duyên”.

2- Chi pháp.

- Năng duyên. Là 20 quyền (trừ Nữ quyền và Nam quyền).

Sách Thanh Tịnh Đạo có giải thích:

“Adhipatiyatṭṭhena upakārakā itthindriyapurisindriyavajjā visatindriyā indriyapaccayā:

“Ngoại trừ nữ quyền, nam quyền, hai mươi quyền còn lại trợ giúp theo cách lớn trội, gọi là quyền duyên.

Hai mươi hai quyền.

Quyền(indriya) là gì?

Quyề là “khả năng kiểm soát”.

Pháp gọi là quyền vì chúng có khả năng “kiểm soát” hay “cai quản” trong lãnh vực riêng của mình.

Có tất cả 22 quyền, phân thành hai loại: Sắc quyền và danh quyền.

a- Sắc quyền (rūpindriya). Có 8 quyền là:

1’- Nhãn quyền (cakkhundriya). Là con mắt, chúng có khả năng kiểm soát cảnh sắc, đồng thời hướng dẫn các pháp thực hiện chứ năng “thấy”.

Chi pháp là “sắc thần kinh Nhãn”.

2’- Nhĩ quyền (Sotindriya). Là lỗ tai, chúng có khả năng kiểm soát cảnh thinh, đồng thời hướng dẫn các pháp thực hiện chứ năng “nghe”.

Chi pháp là “thần kinh Nhĩ”.

3’- Tỷ quyền (ghānindriya). Là lỗ mũi, chúng có khả năng kiểm soát cảnh mùi, đồng thời hướng dẫn các pháp thực hiện chứ năng “ngửi”.

Chi pháp là “thần kinh Tỷ”.

4’- Thiệt quyền (Jīvhindriya). Là lưỡi, chúng có khả năng kiểm soát cảnh vị, đồng thời hướng dẫn các pháp thực hiện chứ năng “nếm”.

Chi pháp là “thần kinh Thiệt”.

5’- Thân quyền (kāyindriya). Là thân, chúng có khả năng kiểm soát cảnh xúc, đồng thời hướng dẫn các pháp thực hiện chứ năng “đụng”.

Chi pháp là “thần kinh Thân”.

6’- Nữ quyền (itthindriya). trạng thái nữ, nó có đặc tính hướng dẫn các pháp đồng sinh với nó, thực hiện chức năng hiện bày “tính cách nữ” (như ẻo lả, mềm mại, dịu dàng…).

Chi pháp là “sắc Nữ tính” (itthibhāvarūpa).

7’- Nam quyền (purisindriya). trạng thái nam, nó có đặc tính hướng dẫn các pháp đồng sinh với nó, thực hiện chức năng hiện bày “tính cách nam” (như hùng dũng, mạnh bạo…).

Chi pháp là “sắc Nam tính” (purisabhāvarūpa).

8’- Mạng quyền (jīvitindriya).

Về “mạng quyền” có 2 loại:

- Sắc Mạng quyền, có đặc tính “duy trì” các pháp đồng sinh được tồn tại. Sắc Mạng quyền lại có 2 loại:

* Sắc Mạng quyền duy trì tuổi thọ với các pháp đồng sinh với nó tròn đủ 51 sátna tiểu.

 Tức là các sắc Mạng quyền trong đoàn Nhãn, đoàn Nhĩ, đoàn Tỷ, đoàn Thiệt, đoàn Thân, đoàn Ý vật, đoàn Nữ tính, đoàn Nam tính.

*- Sắc mạng quyền “duy trì” tuổi thọ của chúng sinh. Tức là “đoàn sắc Mạng quyền”.

Một chúng sinh có thể bị hủy “sắc Mạng quyền” của sắc nghiệp nhưng vẫn còn sống, như bị mù, bị điếc, bị bại liệt, bị cắt lưỡi, bị xẻo mũi.

Trái lại, khi sắc Mạng quyền “tuổi thọ” bị hủy diệt thì chúng sinh ấy chết.

- Danh mạng quyền, là tâm sở Mạng quyền, có đặc tính duy trì sự tồn tại của tâm tròn đủ ba sát na tiểu.

Chi pháp của Mạng quyền là: Sắc mạng quyền và Danh mạng quyền.

b- Danh quyền (nāmindriya).

Trước tiên là:

*- Ý quyền (manindriya). Là “cai quản” sự dẫn dắt các tâm sở đồng sinh thực hiện chức năng “biết cảnh”.

Chi pháp là tất cả tâm.

*- Thọ (veda(vedanā). Có 5 quyền:

1’- Lạc quyền (sukhindriya). Là thọ lạc, có đặc tính hướng dẫn các pháp đồng sinh với nó “nhận lãnh “ sự an lạc của thân.

2’- Khổ quyền (dukkhindriya). Là thọ khổ, có đặc tính hướng dẫn các pháp đồng sinh với nó “nhận lãnh” sự đau đớn, khó chịu của thân.

3’- H quyền (somanassandriya). Là thọ hỷ. có đặc tính hướng dẫn các pháp đồng sinh với nó “nhận lãnh” sự vui của tâm.

4’- Ưu quyền (domanasandriya). Là thọ ưu, có đặc tính hướng dẫn các pháp đồng sinh với nó “nhận lãnh” sự buồn rầu, nóng bức … của tâm.

5’- Xả quyền (upekkhandriya). Là thọ xả, có đặc tính hướng dẫn các pháp đồng sinh với nó “nhận lãnh” sự “thản nhiên” của tâm.

Tất cả 5 quyền này có chung chi pháp là tâm sở Thọ (vedanaacetasika).

*- Quyền đưa đến giác ngộ (bodhipakkhiyindriya).

Gọi là quyền đưa đến giác ngộ, vì 5 quyền này là những yếu tố trợ cho tâm Đạo siêu thế xuất hiện, gọi là pháp trợ đạo. Có tất cả 5 quyền:

1’- Tín quyền (saddhindriya). Là “cai quản” sự tin tưởng, đồng thời có đặc tính hướng dẫn các pháp đồng sinh thực hiện chức năng tin tưởng nơi Tam bảo.

Chi pháp là tâm sở Tín (saddhācetasika).

2’- Tấn quyền (viriyindriya). Là “cai quản” sự cố gắng, đồng thời có đặc tính hướng dẫn các pháp đồng sinh thực hiện chức năng “cố gắng”.

Chi pháp là tânm sở Tinh tấn (viriyacetasika).

3’- Niệm quyền (satindriya). Là “cai quản” sự chú ý, đồng thời có đặc tính hướng dẫn các pháp đồng sinh thực hiện chức năng “chú ý”.

Chi pháp là tâm sở Niệm (satindriya).

4”- Định quyền (samādhindriya). Là “cai quản” sự tập trung, đồng thời hướng dẫn các pháp đồng sinh thực hiện chức năng “gom vào đối tượng”.

Chi pháp là tâm sở Nhất hành (ekaggatācetasika).

5’- Tuệ quyền (paññindriya). Là “cai quản” sự hiểu biết đúng theo sự thật, đồng thời hướng dẫn các pháp đồng sinh thực hiện chức năng “hiểu biết đúng với sự thật”.

Chi pháp là tâm sở Trí (paññindriya).

Siêu thế quyền có 3.

* Vị tri quyền (anaññātanassāmītindriya). Danh từ anaññātaṃ có nghĩa là Nípbàn trước đây chưa từng biết” [11]

Trí biết cái chưa từng biết (là Nípbàn), gọi là Vị tri trí.

Cai quản đồng thời hướng dẫn các pháp đồng sinh biết cái chưa từng biết, gọi là Vị tri quyền. Chỉ cho trí trong tâm Sơ đạo.

* Dĩ tri quyền (aññidriya). Là “cai quản” sự biết “cái đã biết”, đồng thời hướng dẫn các pháp đồng sinh cùng “biết cái đã biết”.

Chữ añña = ā (tuyệt hảo) + căn ñā (hiểu biết) (sđd).

Dĩ tri quyền chỉ cho trí trong 6 tâm Siêu thế, từ tâm Sơ quả đến tâm Alahán đạo.

* Cụ tri quyền (aññātāvitindriya). Là “cai quản “ sự “hiểu biết trọn vẹn”, đồng thời hướng dẫn các pháp đồng sinh cùng “hiểu biết trọn vẹn”.

Cụ tri quyền chỉ cho trí trong tâm Alahán quả.

Trí tuệ của vị Thánh Alahán được gọi là “Aññatāvī”, vì Ngài đã “thông suốt lý Tứ diệu đế”, đã “hiểu hiết trọn vẹn về bốn sự thật tột cùng”.

Ba Siêu thế quyền có chi pháp là tâm sở Trí.

Trong hai mươi 22 quyền, có:

Tám sắc quyền + khổ quyền + ưu quyền là “hiệp thế nhất định”.

Vị tri quyền, Dĩ tri quyền và Cụ tri quyền là “siêu thế nhất định”.

Các quyền còn lại vừa hiệp thế vừa Siêu thế bất định.

Có câu hỏi rằng: “Vì sao Quyền duyên lại loại trừ Nữ quyền và Nam quyền?”.

Đáp: Vì chúng không có chức năng của năng duyên (paccaya).

Năng duyên có ba chức năng là: Tạo ra, hỗ trợ và duy trì.

* Tạo ra. Khi B sinh lên từ A. thì A có chức năng là “tạo ra”.

Ví như trong Vô gián duyên, tâm sinh trước diệt đi, tạo điều kiện cho tâm sinh sau sinh lên.

* Hổ trợ. Khi B được tồn tại, tăng trưởng nhờ có A. thì A có chức năng là “hổ trợ”.

Ví như Sinh hậu duyên (pacchājātapaccaya), pháp sinh sau hổ trợ cho pháp sinh trước được vững mạnh.

* Duy trì. Là B được được tồn tại do nương vào A.

Trong mối quan hệ này, A có chức năng “duy trì”, nếu không có A thì B không thể tồn tại.

Điển hình là Vât thực duyên (āhārapaccayo).

Hai sắc Nữ tính và Nam tính không có bất kỳ một trong ba chức năng trên, nên chúng không là năng duyên (paccaya) trong Quyền duyên dù chúng là pháp quyền.

Sở dĩ chúng là pháp quyền, vì chúng có khả năng “kiểm soát”.

Chúng kiểm soát thân trong cấu trúc tính (liṅga) [12] , trong dấu hiệu (nimitta) riêng, trong các tính cách (kutta) riêng và trong những phô bày bên ngoài (ākappa) theo cách riêng.

Trong giai đoạn Tục sinh, nếu sắc Nữ tính sinh lên, thì tất cả những sắc do bốn nhân tạo có khuynh hướng về nữ tính, toàn bộ cơ thể phần lớn không biểu hiện gì khác ngoài “tính cách nữ”.

Nhưng chính sắc Nữ tính không tạo ra, không hổ trợ cũng không duy trì những tính chất đó.

Giống như khuôn bánh, người làm bánh đưa những vật liệu làm ra bánh vào khuôn, sau đó trút bánh ra, bánh có hình dáng như khuôn, nhưng khuôn không sinh ra bánh, không hổ trợ bánh, không duy trì bánh.

Cũng vậy khi sắc pháp sinh lên có “khuôn Nữ tính” sẽ có “tính chất nữ”, chỉ vậy thôi.

Và đó là năng lực “kiểm soát của sắc tính” làm cho năm uẩn ít nhiều phù hợp với nó.

Tương tự như vậy, sắc Nam tính “kiểm soát” các cấu trúc nam.

Do đó chúng được gọi là quyền (indriya).

Hỏi. Vì sao cùng là sắc vật, làm chỗ cho tâm nương trú, 5 sắc thần kinh là pháp quyền, còn sắc ý vật (hadayavatthu) không là pháp quyền?

Đáp. Tuy cùng là sắc vật, nhưng mỗi sắc thần kinh chỉ dung chứa hai tâm tương ứng đồng chất (như thần kinh Nhãn chỉ dung chứa Nhãn thức…).

Trong khi đó sắc Ý vật dung chứa nhiều loại tâm.

Cơ bản của 2 tâm Nhãn thức vẫn như nhau, chỉ có khác nhau ở khía cạnh nhận cảnh sắc “tốt” hay “xấu” mà thôi.

Nói cách khác, 5 sắc thần kinh chỉ “chấp nhận loại tâm tương ứng, đồng thời cai quản được những tâm ấy”, nên 5 sắc thần kinh là sắc quyền”.

- Sắc Ý vật, tuy cũng là chỗ trú tâm nhưng nó không kiểm soát được bất kỳ tâm nào.

Năm sắc quyền ví như người chủ nhà cho người khác ở trong nhà (nên có quyền); còn sắc Ý vật ví như người chủ nhà cho người khác “mướn” nhà.

Hoặc: Ví như “người gác cổng thành” và “người gác cửa cung điện”, khi cổng thành được mở mọi người có thể vào ra, người gác cổng thành không thể ngăn cấm.

Trái lại cửa cung điện chỉ dành cho một số người ra vào, người gác cửa có thể ngăn chận những người ngoài ra. Người gác cửa cung điện có quyền.

Cũng vậy, sắc thần kinh chỉ cho loại cảnh thích hợp tương ứng vào mà thôi, như thần kinh Nhãn chỉ cho “cảnh sắc” đi vào, thần kinh Nhĩ chỉ cho “cảnh thinh” đi vào … Do đó chúng “có quyền”.

Tuy nhiên, cũng nên lưu ý rằng với “sắc Ý vật thô xấu”, những tâm cao thượng khó sinh khởi, ví như con ong không đi vào đống rác.

Trái lại với “sắc Ý vật tốt”, những tâm cao thượng dễ sinh khởi hơn, ví như hoàng cung là nơi vua thường ngự.

Để cho sắc Ý vật được trong sáng, cần tinh tấn thực hiện nhiều thiện nghiệp vì sắc Ý vật là sắc do nghiệp tạo.

Nghiệp thiện sẽ cho sắc Ý vật tốt, nghiệp bất thiện sẽ cho sắc Ý vật xấu.

Tinh cần hành thiền là cách tạo ra sắc Ý vật trong sáng hữu hiệu nhất, khi sắc Ý vật tốt, trong sáng bấy giở “tâm Thiền hay tâm Đạo - quả Siêu thế” mới sinh lên.

Có Phật ngôn:

Jhāya bhikkhu mā ca pamādo:

“Tỳ khưu hãy tu thiền, đừng phóng dật”. [13]

Từ chi pháp năng duyên của 20 quyền, Quyền duyên được phân tích thành ba duyên: Đồng sinh quyền duyên, Quyền sinh tiền duyên và Sắc Mạng quyền duyên.

A- Đồng sinh quyền duyên (Sahājātindriyapaccaya).

1-Định nghĩa.

Đồng sinh quyền duyên là các danh quyền [14]  ủng hộ, trợ giúp các pháp đồng sinh bằng cách “cai quản”, “kiểm soát”.

2- Chi pháp.

- Năng duyên: Là tám danh quyền: Tâm + tâm sở Thọ+ tâm sở Mạng quyền + 5 tâm sở Giác phần (tín, tấn, niệm, định, tuệ).

- Sở duyên: Tâm và 52 tâm sở hợp + sắc Tục sinh + sắc tâm tạo.

- Phi sở duyên: Sắc ngoại + sắc thời tiết + sắc vật thực + sắc nghiệp bình nhật + sắc nghiệp Vô tưởng.

3- Giải thích.

a- Quyền (indriya) trong “quyền đồng sinh” này được hiểu theo ý nghĩa nào?

Được hiểu theo ý nghĩa “huấn luyện và kiểm soát”.

Các năng duyên sẽ huấn luyện đồng thời kiểm soát các sở duyên thực hiện các chức năng như chính nó.

- Như khi tâm là “quyền” thì tâm “huấn luyện đồng thời kiểm soát “các tâm sở đồng sinh” cùng làm phận sự “biết cảnh” như nó.

- Khi tâm sở Thọ là “quyền”, thì nó “huấn luyện và kiểm soát” các pháp đồng sinh cùng làm phận sự “nhận lãnh” như nó .

- Khi tâm sở Tín là “quyền”, nó “huấn luyện và kiểm soát” các pháp đồng sinh cùng làm phận sự “hướng tâm tin” như nó.

- Khi tâm sở Cần là “quyền”, nó “huấn luyện và kiểm soát” các pháp đồng sinh cùng làm phận sự “nỗ lực” như nó.

- Khi tâm sở Niệm là “quyền”nó “huấn luyện và kiểm soát” các pháp đồng sinh cùng làm phận sự “ghi nhớ” như nó.

- Khi tâm sở Nhất hành là “quyền”nó “huấn luyện và kiểm soát” các pháp đồng sinh cùng làm phận sự “an trú tâm” như nó.

Khi tâm sở Trí là “quyền”nó “huấn luyện và kiểm soát” các pháp đồng sinh cùng làm phận sự “hiểu biết” như nó.

B- Quyền sinh tiền duyên (Pure jātindriyapaccaya).

1- Định nghĩa.

Quyền sinh tiền duyên là mãnh lực ủng hộ, trợ giúp bằng cách “sinh ra trước và cai quản”.

Pāli có giải thích:

“Purejāto hutvā indriyabhāvena upakārako dhammo = purejātindriyapaccayo:

“Ủng hộ bằng cách “cai quản”, nhưng sinh ra trước pháp được ủng hộ, gọi là “quyềnsinh tiền duyên.

2- Chi pháp.

Năng duyên. Là 5 sắc thần kinh ở sátna 26.

Khi nói về quyền, là nói đến ý nghĩa là cao nhất.

Trong 49 sátna trụ của 5 sắc thần kinh, từ sátna thứ 2 đến sátna 25 là “giai đoạn Tiến”, từ sátna 27 đến sátna 50 là “giai đoạn già lão (Dị)”.

Sátna thứ 26 là giai đoạn phát triển cao tột, nên gọi là “sátna Quyền”.

Chính sátna này mới có đủ năng lực cai quản điều hành các pháp sở duyên.

Sở duyên. Năm đôi thức và 7 tâm sở hợp.

Phi sở duyên. 111 tâm (trừ 5 đôi thức) và 52 tâm sở hợp + tất cả sắc pháp.

3- Giải thích.

Năm sắc thần kinh phải sinh ra trước để làm chỗ nương trú cho tâm tương ứng như:

- Sắc thần kinh Nhãn là nơi nương trú cho hai tâm Nhãn thức.

- Sắc thần kinh Nhĩ là nơi nương trú cho hai tâm Nhĩ thức ….

Đồng thời các tâm nương trú trong sắc thần kinh phải thực hiện chức năng của mình, như Nhãn thức phải thực hiện chức năng “thấy”, Nhĩ thức phải thực hiện chức năng “nghe”…

Ví như người nương trú trong nhà nào, phải theo quy định của nhà ấy.

Các tâm ngoài ra là phi sở duyên, tuy chúng vẫn có thể biết cảnh sắc, cảnh thinh… Nhưng không làm phận sự thấy, nghe …, chúng thực hiện chức năng riêng, đồng thời trú ở sắc ý vật, nên chúng không bị 5 sắc thần kinh “cai quản”.

C- Sắc mạng quyền duyên (Rūpajīvitindriyapaccaya).

1-Định nghĩa.

Sắc Mạng quyền duyên là trợ giúp các sắc pháp “duy trì” sự tồn tại cho tròn đủ tuổi thọ, tức là “cai quản” tuổi thọ của các sắc pháp đồng sinh.

2- Chi pháp.

Năng duyên. Tất cả sắc Mạng quyền.

Sở duyên. Các nhóm sắc nghiệp sinh chung với sắc Mạng quyền.

Phi sở duyên. Tâm + tâm sở + sắc tâm + sắc thời tiết + sắc vật thực và sắc Mạng quyền.

 3- Giải thích.

Sở dĩ sắc Mạng quyền được gọi là quyền, vì nó “cai quản” sự sống còn của các sắc pháp sinh chung với nó.

* Về sở duyên.

Sắc nghiệp có 9 nhóm, tất cả đều đồng sinh với sắc Mạng quyền.

Sắc Mạng quyền đang là năng duyên, nên những sắc còn lại là sở duyên.

Với những nhóm 10, ngoại trừ sắc Mạng quyền là năng duyên, 9 sắc còn lại là sở duyên, như:

- Nhóm Nhãn có 9 sắc là sở duyên: 8 sắc bất ly + sắc thần kinh Nhãn.

- Nhóm Nhĩ có 9 sắc là sở duyên: 8 sắc bất ly + sắc thần kinh Nhĩ.

- Nhóm Tỷ có 9 sắc là sở duyên: 8 sắc bất ly + sắc thần kinh Tỷ.

- Nhóm Thiệt có 9 sắc là sở duyên: 8 sắc bất ly + sắc thần kinh Thiệt.

- Nhóm Thân có 9 sắc là sở duyên: 8 sắc bất ly + sắc thần kinh Thân.

- Nhóm Nữ tính có 9 sắc là sở duyên: 8 sắc bất ly + sắc Nữ tính.

- Nhóm Nam tính có 9 sắc là sở duyên: 8 sắc bất ly + sắc Nam tính.

- Nhóm Ý vật có 9 sắc là sở duyên: 8 sắc bất ly + sắc Ý vật.

- Nhóm Mạng quyền có 8 sắc là sở duyên: 8 sắc bất ly

17- Thiền duyên (Jhānapaccayo).

1- Định nghĩa.

Thiền (Jhāna) xuất phát từ ngữ căn jhe nghĩa là “chói sáng”. Là làm cho “những gì tâm chú ý được chói sáng, hiển lộ”.

Hoặc jhāna xuất phát từ ngữ căn jhā, nghĩa là “thiêu đốt”. Là “diệt trừ những pháp đối nghịch”.

Thiền duyên là mãnh lực trợ giúp bằng cách làm cảnh “chói sáng” hay “thiêu đốt” các pháp nghịch.

Pāli có giải thích:

-Ārammaṇaṃ jhāyati upajjhāyatīti = jhānaṃ:

“Thiêu đốt hay làm cảnh “chói sáng”, gọi là thiền”.

- Jhānañ ca taṃ paccayañcati = jhānapaccayaṃ.

“Trợ giúp bằng cách “thiêu đốt” (pháp nghịch), gọi là thiền duyên”.

- Ārammaṇaṃ upagantvā tasmiṃ vā bhusaṃ daḷhaṃ nippattitta vā viya jhāyanaḍḍhena olokanaddhena upakārako dhammo = jhānapaccayo:

“Pháp trợ giúp bằng cách “nhìn chăm chú (oloka)”, hay làm cho “đối tượng (ārammaṇa) “chiếu sáng, hoặc rơi xuống”, gọi là thiền duyên.

Sách Thanh Tịnh Đạo có giải thích:

- Kusalādibhedāni satta jhānaṅgāni = jhānapaccayo:

Bảy thiền chi, trước tiên là thiện v…v, gọi là thiền duyên” [15] .

2- Phân tích.

a- Bảy thiền chi (jhānaṅga) là những pháp nào? Đó là:

1’- Chi Tầm (vitakka). Có đặc tính hướng tâm và các tâm sở vào cảnh, nó đặt các pháp đồng sinh vào cảnh một cách chắc chắn.

Chi pháp là tâm sở Tầm (vitakkacetasika).

Chi Tầm có đặc tính “thiêu đốt” chướng ngại “hôn trầm, thụy miên”.

2’- Chi tứ (vicāra). Có đặc tính xem xét cảnh và để tâm dính chặt vào cảnh.

Chi pháp là tâm sở Tứ (vicāracetasika).

Chi Tứ có tính “thiêu đốt” chướng ngại “hoài nghi”.

3’- Chi Hỷ (pīti). Có đặc tính tạo sự thích thú cảnh, làm cho tâm hài lòng với cảnh.

Chi pháp là tâm sở Hỷ (pīticetasika).

Chi Hỷ có tính “thiêu đốt” chướng ngại “bất mãn, khó chịu”.

4’- Chi Lạc (sukha). Có đặc tính “nhận lãnh” cảnh theo cách hài lòng.

Chi Lạc có tính “thiêu đốt” sự tán loạn tâm (phóng dật – uddhacca).

5’- Chi Xả (upekkhā). Có đặc tính “nhận lãnh” cảnh theo cách thản nhiên.

Chi Xả có tính “thiêu đốt” sự hối tiếc (kukkucca).

6’- Chi Ưu (domanassa). Có đặc tính “nhận lãnh” cảnh không đáng hài lòng.

Chi Ưu có tính “thiêu đốt” sự dính mắc (tham ái).

Ba chi: Lạc, xả, ưu có chung bản thể pháp là tâm sở Thọ (vedanācetasika).

Chúng buộc chặt tâm vào cảnh đáng hài lòng, cảnh trung bình hay cảnh bất toại nguyện.

7’- Chi Định. Có đặc tính giữ tâm chắc chắn vào cảnh.

Chi Địnhh có tính “thiêu đốt” tham dục.

Chi pháp chi Định là tâm sở Nhất hành (ekaggatācetasika).

Có câu hỏi rằng: Chi Ưu của thiền thuộc thiện như thế nào?.

Trước tiên, nên hiểu nghĩa “cảnh không đáng hài lòng”.

Cảnh “không đáng hài lòng” không hẳn là cảnh xấu, chỉ vì nó không đáp ứng theo ý, nên trở thành “cảnh không đáng hài lòng”.

Như thấy “người thân” thành công, “cảnh thành công là cảnh “đáng hài lòng”, thấy kẻ nghịch thành công, cảnh “thành công này” là cảnh “không đáng hài lòng.

Đối với người chạy theo dục lạc thì cảnh thiên giới là cảnh đáng hài lòng, với người mong thoát ra vòng sinh tử luân hồi thì cảnh thiên giới là cảnh “đáng chán”. Đức Phật có hỏi chư Tỳkhưu rằng:

“Sace vo, bhikkhave, aññatitthiyā paribbājakā evaṃ puccheyyuṃ -‘devalokūpapattiyā, āvuso, samaṇe gotame brahmacariyaṃ vussathā’ti?”

-“Nếu các du sĩ ngoại đạo hỏi các ngươi như sau: “Chư hiền, có phải Samôn Gotama, sống phạm hạnh để được sinh lên cõi trời?”.

Nanu tumhe, bhikkhave, evaṃ puṭṭhā aṭṭīyeyyātha harāyeyyātha jiguccheyyāthā’ti?”

“Này các Tỳkhưu, được hỏi như vậy, các ngươi có bực phiền (aṭṭiyeyyātha), tủi nhục (harāyeyyātha), chán ngấy (jigucceyyātha) hay không?

“Evaṃ, bhante…”

- Thưa có, bạch Thế Tôn… [16]

Như vậy, khi không hài lòng với cảnh làm cho thiện sinh khởi hay thiện được tăng trưởng, bấy giờ chi ưu ấy thuộc về thiện.

Như một hành giả hành pháp Minh sát, khi trí tuệ già dặn, thấy các pháp hữu vi luôn bị tiêu hoại, có tâm chán nãn pháp hữu vi, muốn thoát ra khỏi pháp hữu vi. Loại “chán nãn” này thuộc thiện.

Đức Phật có dạy:

“Domanassaṃ p’ahaṃ devānam inda duvidhena vadāmi sevitabbam pi asevitabbam pīti’ iti yan taṃ vuttaṃ idam etaṃ paticca vuttaṃ”.

-“Này Thiên chủ. Ta nói ưu có hai loại, một loại nên thân cận, một loại nên tránh xa.” [17]

Đức Phật có giảng : “Loại ưu nào khi thân cận, khiến thiện pháp suy giảm, bất thiện pháp tăng trưởng, loại ưu ấy nên xa lánh.

Loại ưu nào khi thân cận, khiến bất thiện pháp suy giảm, thiện pháp tăng trưởng, loại ưu ấy nên thân cận”.

Ưu là chi thiền ra sao?

Đức Phật có dạy: Có 2 loại ưu:

“Tattha yañ ce savitakkaṃ savicāraṃ, yañ ce avitakkaṃ avicāraṃ, ye avitakkae avicāre ce paṇītatare.

“Ở đây, có (loại ưu) có tầm có tứ, có (loại ưu) không tầm không tứ, loại không tầm không tứ thù thắng hơn” (sđd).

Loại ưu đi chung với tầm - tứ, đó là loại ưu trong tâm sân; nếu là thiện đó là loại ưu có trong tâm thiện Dục giới, như người vảm thấy “chán nản” dục lạc…

Loại ưu không đi chung với tầm - tứ là ưu có trong từ nhị thiền trở lên.

Và do đó, ưu là một chi thiền. Như thế nào?

Vị hành giả chứng đắc Sơ định, quán xét thấy rằng “chướng ngại của Nhị thiền là tầm- tứ”, nên không “hài lòng” đối với tầm - tứ, nổ lực tu tập loại trừ tầm tứ, chứng Nhị thiền.

Vị hành giả chứng Nhị thiền, quán xét thấy rằng “hỷ” là chướng ngại của Tam thiền, nên không hài lòng “hỷ” (đây chính là ưu không tầm - tứ). Nổ lực tu tập loạt trừ hỷ chứng Tam thiền…

Ở đây, “không hài lòng” chưa hẳn là “khó chịu”; cũng vậy chi Ưu trong thiền không phải chỉ trạng thái khó chịu, mà chỉ ra sự “nhận cảnh không hợp ý”.

Ví như người bịnh phải kiêng khem, món ăn thượng vị không thích hợp với người ấy, khi nhận loại vật thực ấy người bịnh “không hài lòng”.

Tóm lại, chi thiền theo bản thể pháp chỉ có 5 pháp thực tính là: Tầm, tứ, hỷ, thọ và định.

3- Chi pháp.

Năng duyên. Năm hay 7 chi thiền có trong 103 tâm (trừ 18 tâm vô nhân) [18] .

Sở duyên. 103 tâm và 52 tâm sở hợp (trừ chi thiền đang làm năng duyên) + sắc nghiệp tục sinh + sắc do tâm tạo.

Phi sở duyên. 5 đôi thức và 7 tâm sở hợp, + sắc nghiệp bình nhật + sắc ngoại + sắc vật thực + sắc âm dương+ sắc nghiệp Vô tưởng.

 4- Giải thích.

a- Nên hiểu thiền (jhāna) theo nghĩa nào?

Nên hiểu theo nghĩa “chăm chú vào đề mục (kasina)” hay “chú ý vào đối tượng”.

Như người bắn cung, từ khoảng cách xa có thể bắn mũi tên trúng vào mục tiêu.

Người cung thủ giữ vững mũi tên, hướng nó về mục tiêu, nhìn chăm chú vào mục tiêu, buông tên.

Cũng vậy, khi nói về hành giả (yogī) hay người hành thiền, chúng ta phải nói rằng vị ấy hướng tâm đến cảnh, làm cho nó được vững vàng và giữ cảnh (kasiṇa) trong tầm nhìn, đưa tâm chăm chú vào đó theo các cách của bảy chi thiền.

Sự “chú ý vào đối tượng” còn được áp dụng đối với thân, ngữ, ý, nhờ đó hiểu rõ về thân, ngữ, ý và thực hiện thân, ngữ, ý một cách đúng đắn. Như Đức Phật đã dạy trong kinh Tứ niệm xứ.

-“Hiểu rõ thân” là hiểu rõ các động tác: đi, đứng, nằm, ngồi, co tay, duỗi tay…

- “Hiểu rõ về ngữ”, nghĩa là “hiểu rõ” sự diễn đạt lời nói như các âm thanh chữ cái, các từ …

- “Hiểu rõ về ý”, là hiểu rõ với các loại tâm: Tâm Tham, tâm Sân, tâm Si, tâm thiện có trí, tâm thiện không trí ….

 Không có sự bố thí, cung kỉnh, hay sát sanh, trộm cắp, nói dối … được hình thành với tâm yếu đuối. Chúng được hình thành bời sự trợ giúp của các chi thiền.

Do đó, các hành động thiện và bất thiện được sự trợ giúp bằng chi thiền.

Nói cách khác: “Chúng là sở duyên của chi thiền theo từng trưởng hợp tương ứng”.

b- Vì sao 18 tâm vô nhân không có chi thiền?

Sách Thanh Tịnh Đạo có ghi:

- Ete pana dvepi jhāna maggapaccayā dvipañcaviññāṇāhetukacittesu na labhantīti veditabbo.

“Lại nữa, nên hiểu là thiền duyên, đạo duyên không trợ giúp trong tâm vô nhân và năm đôi thức” [19] .

- Năm đôi thức không có chi thiền là vì: Chúng chỉ nhận cảnh “theo khuôn mẫu”, không cần “chăm chú cảnh”, đồng thời chúng thực hiện phận sự của mình một cách đơn điệu, không mang tính năng hoạt.

Mặt khác, năm đôi thức trú tại nơi nào nhận cảnh chính tại nơi đó, không cần dụng công nhiều, như đứa bé lấy vật ngay tại chỗ nằm.

Nhãn thức trú tại thần kinh Nhãn, cảnh sắc cũng ở trong thần kinh Nhãn. Tương tự như vậy với các thức còn lại.

Lại nữa, năm đôi thức không tạo ra sắc tâm.

Sở dĩ các tâm vô nhân còn lại, không có chi thiền, vì chúng hoạt động theo cách tự nhiên (máy móc).

Ngay cả tâm đổng lực Sinh tiếu của vị Alahán cũng tạo nụ cười “theo thói quen”, không mang ý nghĩa gì đặc biệt cả  [20] .

18 -Đạo duyên (Maggapaccaya).

1- Định nghĩa.

Đạo duyên là mãnh lực trợ giúp bằng cách thông suốt như con đường.

Pāli có giải thích:

- Maggo viyāti maggo: Như con đường, gọi là Đạo.

- Sukhatidukkhatinaṃ nibbānassa ca abhimukhaṃ papānato = maggo:

“Đưa đến hạnh phúc hay đau khổ hoặc Nípbàn cao tột, gọi là đạo”.

- Maggabhāvena upakārako dhammo = maggapaccayo:

“Pháp trợ giúp làm tăng trưởng con đường, gọi là Đạo duyên”.

Sách Thanh Tịnh Đạo có giải thích:

- Yato tato vā niyyānaṭṭhena upakārakāni kusalādibhedāni dvādasa maggaṅgā ni paccayo:

“Mười hai chi đạo xếp theo thiện … trợ giúp theo cách “hướng dẫn thoát ra” cái gì đó, gọi là Đạo duyên”  [21] .

2- Chi pháp.

Năng duyên. Tâm sở Giới phần [22] , niệm, tấn, định, trí, tầm, tà kiến đồng sinh trong những tâm hữu nhân.

Sở duyên. Tâm hữu nhân và 52 tâm sở hợp + sắc tâm hữu nhân + sắc nghiệp Tục sinh với tâm hữu nhân.

Phi sở duyên. 18 tâm vô nhân và 12 tâm sở hợp [23] , sắc ngoại, sắc âm dương, sắc vật thực, sắc nghiệp bình nhật, sắc nghiệp vô tưởng, sắc tâm vô nhân, sắc nghiệp tục sinh với tâm vô nhân.

3- Giải thích.

a- Phải hiểu Đạo (magga) theo nghĩa nào?

Đạo được hiểu theo nghĩa “con đường dẫn đến”. Tức là: Con đường này “dẫn đến” khổ cảnh, con đường này “dẫn đến” cõi vui, con đường này “dẫn ra” khỏi tam giới.

Như Bát Chánh đạo “dẫn đến” cõi vui, dẫn đến chứng đạt Nípbàn. Bát tà đạo “dẫn đến” cõi khổ.

b- Vì sao có 12 chi đạo?

Thật ra có 16 chi đạo là: Bát chánh đạo và bát tà đạo.

Bát chánh đạo là:

- Chánh kiến. Là sự thấy đúng, chi pháp là tâm sở Trí.

- Chánh tư duy. Là sự suy nghĩ đúng, chi pháp là tâm sở Tầm.

- Chánh ngữ. Là sự nói đúng (nói chân thật), chi pháp là tâm sở Chánh ngữ.

- Chánh nghiệp. Là sự làm đúng, chi pháp là tâm sở Chánh nghiệp.

- Chánh mạng. Là sự nuôi mạng đúng, chi pháp là tâm sờ Chánh Mạng.

- Chánh niệm. Là sự chú ý đúng, chi pháp là tâm sở Niệm.

- Chánh tinh tấn. Là sự nổ lực đúng, chi pháp là tâm sở Tinh tấn.

- Chánh định. Là sự gom tâm đúng, chi pháp là tâm sở Nhất hành (hay Định).

Bát tà đạo.

- Tà kiến. Là sự thấy sai, chi pháp là tâm sở Tà kiến.

- Tà tư duy. Là sự suy nghĩ sai, chi pháp là tâm sở Tầm.

- Tà ngữ. Là lời nói sai.

- Tà nghiệp. Là làm sai.

-Tà mạng. Là nuôi mạng sái quấy.

 - Tà niệm. Là ghi nhớ sai.

- Tà tinh tấn. Là nổ lực sai, chi pháp là tâm sở Tinh tấn.

- Tà định. Là gom tâm sai, chi pháp là tâm sở Nhất hành [24] .

Với tà ngữ, tà nghiệp, tà mạng, tà niệm không có chi pháp nhất định cho những chi đạo này.

Khi nói dối có thể do tham chi phối, như người lường gạt người khác để thu lợi, hoặc do sân như vu khống người để trả thù…

Tương tự như thế với tà nghiệp, như do tà kiến nên thực hành khổ hạnh khốc liệt, thực hành hạnh con bò, hạnh con chó … Hoặc do Tham nên hành động trộm cắp bằng thân, do Sân nên sát sinh …

Với tà mạng thì: Nuôi mạng bằng sự tham như trộm cắp, nuôi mạng bằng sự sân như cướp, giết người, nuôi mạng bằng Tà kiến như bày trò mê tín dị đoan để có thù lao nuôi mạng …

Một nữ du sĩ ngoại đạo có hỏi Đức Sāriputta:

- Có phải Samôn khi dùng vật thực ngước mặt lên?

- Này nữ du sĩ, ta dùng vật thực không ngước mặt lên.

- Có phải Samôn khi dùng vật thực cúi mặt xuống.

- Này nữ du sĩ, ta dùng vật thực không cúi mặt xuống.

- Có phải Samôn khi dùng vật thực ngó bốn phía?

- Này nữ du sĩ, ta dùng vật thực không ngó bốn phía.

Và Ngài Sāriputta (Xálợiphất) đã giải thích:

- Dùng vật thực ngước mặt lên là nuôi mạng bằng nghề xem thiên văn.

- Dùng vật thực cúi mặt xuống là nuôi mạng bằng nghề xem địa lý.

- Dùng vật thực ngó bốn phía, là nuôi mạng bằng cách đem tin cho người [25] .

Tất cả những cách nuôi mạng như thế, gọi là tà mạng.

Với tà niệm như: Ghi nhớ những tà thuyết, là do tà kiến điều sử.

- Ghi nhớ thói quen của kẻ thù để tìm cách sát hại, là do sân điều sử.

- Ghi nhớ bóng dáng nữ nhân hay nam nhân là do tham điều sử…

Do đó chỉ còn 12 chi đạo có chi pháp nhất định.

Tuy nhiên nếu tính bản thể pháp thì chỉ còn 9 như đã nêu trong phần năng duyên.

Trong chín chi pháp bản thể:

- Chi Tầm, chi Định, chi Tinh tấn vừa là thiện vừa là bất thiện.

- Chi Tà kiến là bất thiện.

- Năm chi còn lại: Ba giới phần, Niệm và Trí là thiện.

c- Bát chánh đạo dẫn đến Nípbàn như thế nào?.

Khi chức năng của thiền tịnh (samadhi) làm cho tâm yên tịnh và an lạc trong cảnh, không còn bị xao động đối với cảnh.

Sự an lạc của tâm đối với cảnh thiền (jhānārammaṇa) ví như cá chìm sâu trong nước, không phải là sự mát mẻ của người đang nằm trên mặt nước.

Cảnh thiền ở đây là cảnh thiền tướng (jhānārammaṇanimitta),tức là một trong ba cảnh “vô thường tướng, khổ tướng hay vô ngã tướng”.

Khi ấy, chức năng của Đạo (magga) vạch ra “cách thức” thoát ra luân hồi, chứng đạt Nípbàn.

Tức là Đạo vạch ra cách thức “diệt nghiệp luân hồi”. Đức Phật có dạy:

-“… Và này chư tỳkhưu, thế nào là nghiệp không đen không trắng, quả không đen không trắng, nghiệp đưa đến đoạn diệt nghiệp?

Đây là chánh kiến…. chánh định.

Này các tỳkhưu, đây là nghiệp không đen không trắng, quả không đen không trắng, nghiệp đưa đến đoạn diệt nghiệp [26] ”.

d -Bát chánh đạo dẫn đến cõi vui.

Nếu chưa đủ lực (bala) “tập hợp đầy đủ bát chi đạo”, các chi đạo đang có sẽ “vạch ra” con đường dẫn đến cõi vui, đồng thời “vạch ra cách thức tập hợp các chi đạo còn lại”.

Tâm sở Tư tạo nghiệp theo cách thức ấy, tạo ra “nghiệp trắng có quả trắng” (sđd).

Như vậy, bát chi đạo chỉ hiện diện đầy đủ trong tâm Siêu thế và với những tâm thiện có trí hiệp thế khi nhận cảnh thiền tướng vững mạnh [27] .

Ngoài ra, với tâm thiện thường nhật thì bát chi đạo này không đầy đủ, nhiều lắm là 6 chi [28] .

Vì sao? Vì cảnh của ba giới phần khác nhau, nếu có chỉ có một. Có khi không có một giơái phần nào cả.

e - Tà đạo dẫn đến khổ cảnh.

Tà kiến, tà Tầm, tà Tinh tấn, tq2 ngữ, tà nghiệp, tà mạng và tà định “vạch ra” con đường dẫn xuống khổ cảnh. Đức Phật có dạy:

“Này các Tỳkhưu, sát sanh được thực hiện, được huân tập (bhāvanā), được làm cho sung mãn, đưa đến địa ngục, đưa đến loài bàng sinh, đưa đến cõi ngạ quỷ….”

“Này các Tỳkhưu,lấy của không cho … tà hạnh trong các dục … nói dối … nói hai lưỡi… nói ác khẩu … nói lời phù phiếm …

Này các Tỳkhưu, uống rượu men, rượu nấu, được thực hiện, được huân tập, được làm cho sung mãn, đưa đến địa ngục, đưa đến loài bàng sinh, đưa đến cõi ngạ quỷ….”  [29]  (HT. TMC dịh).

f- Về sở duyên.

Tâm hữu nhân có 3 loại:

- Tâm thiện hiệp thế. Với loại tâm này, các chi đạo “vạch ra cách tạo nghiệp thiện”, dẫn đến nhàn cảnh.

- Tâm thiện Siêu thế. Bát chi đạo “vạch ra cách diệt nghiệp luân hồi, chứng đắc Nípbàn”. Đồng thời tạo ra sắc tâm thiện.

 - Tâm bất thiện. Với loại tâm này, các chi đạo “vạch ra cách tạo nghiệp bất thiện”, dẫn đến khổ cảnh. Đồng thời “chỉ ra cách tạo sắc tâm bất thiện”.

- Tâm quả hữu nhân hiệp thế. Chi đạo vạch ra “đường lên nhàn cảnh tùy theo sức mạnh của tâm sở Tư”.

Và cách tạo sắc nghiệp Tục sinh vào thời điểm tục sinh; vào thời bình nhật thì “chỉ ra cách tạo sắc tâm hữu nhân bình nhật, sắc nghiệp bình nhật”.

- Tâm quả Siêu thế. Tương tự như tâm Thiện Siêu thế, nhưng trong tâm Quả Siêu Thế, bát chi đạo không được gọi là “đạo đế”, vì “sự sát trừ nghiệp luân hồi hay phiền não luân hồi đã bị diệt rồi”.

- Tâm Duy tác hữu nhân. Chi đạo “vạch ra cách tạo nghiệp đồng sinh” và “sắc tâm duy tác hữu nhân”.

19- Tương ưng duyên (Sampayuttapaccaya).

1- Định nghĩa.

Tương ưng duyên là mãnh lực trợ giúp theo cách hòa hợp (samyutta), tức là năng duyên và sở duyên hòa hợp với nhau.

Pāli có giải thích:

- Samaṃ ekuppadatādipakārehi yuttaṃti = sampayuttaṃ:

Cùng sinh lên và hòa hợp với nhau, gọi là “tương ưng”.

- Sampayuttabhāvena upakārako dhammo = sampayuttapaccayo:

“Pháp trợ giúp bằng cách làm tăng trưởng sự hòa hợp, gọi là tương ưng duyên”.

Sách Thanh Tịnh Đạo có giải thích:

- “Ekavatthuka ekārammaṇa ekuppādekanirodhasaṅkhāte sampayuttabhāvena upakārakā arūpadhammā.

“Các pháp vô sắc trợ giúp bằng cách làm tăng trưởng (bhāvena) sự hòa hợp, theo phương cách (saṅkhāta) đồng sinh, đồng diệt, đồng biết một cảnh, đồng nương một vật, gọi là Tương ưng duyên [30] .

2- Chi pháp.

Năng duyên. Tất cả tâm và tâm sở đồng sinh với nhau.

Sở duyên. Tất cả tâm và tâm sở đồng sinh với nhau.

Phi sở duyên. Sắc pháp + Nípbàn + Chế định.

3- Giải thích.

a- Phải hiểu sampayutta (hòa hợp) như thế nào?

Phải hiểu “hòa hợp theo nghĩa “là một”, hay “không còn phân biệt được”.

Ví như nước hòa với sửa, không còn phân biệt “đâu là nước, đâu là sửa” hay “nước với sửa là một”.

b -Giữa “đồng sinh” và “hòa hợp” khác nhau ra sao?

Đồng sinh là cùng sinh lên, nhưng có thể không “hòa vào nhau”, còn “hòa hợp” thì “cùng sinh lên lại hòa hợp”.

Ví như có đoàn người cùng xuống thuyền, có nhóm ngồi chung nhau trò chuyện vui vẻ (là đồng sinh hòa hợp), một số người ngồi yên một nơi (đồng sinh, không hòa hợp).

Do đó, trong phần sở duyên không đề cập đến sắc tâm tạo, hay sắc nghiệp đồng sinh với tâm tục sinh …

Ở đây, chữ ekabhāvaṃ gato (sự liên kết) có đặc tính “như một”, như tâm Nhãn thức chẳng hạn “kết hợp” với 7 tâm sở Biến hành, 8 pháp này thật sự khó nhận biết chúng riêng lẻ.

Tám pháp này được gọi chung một tên theo phận sự là “sự thấy” hay nêu ra tên chủ yếu là “Nhãn thức”.

Tương tự như thế với những loại tâm khác.

20- Bất tương ưng duyên (Vippayuttapaccaya).

1- Định nghĩa.

Bất tương ưng duyên là mãnh lực trợ giúp bằng cách “không hòa hợp”. Ví như nước lăn trên lá sen.

Pāli có giải thích:

- Ekuppāda tādipakarehi na payuttanti = vipayutta:

“Cùng sinh lên với các pháp khác khác, nhưng không hòa hợp, gọi là bất tương ưng.

- Vippayuttabhāvena upakārako dhammo = vippayttapaccayo:

“Pháp trợ giúp pháp khác bằng cách “không hòa hợp”, gọi là bất tương ưng duyên”.

 Sách Thanh Tịnh Đạo có giải thích:

- Ekavatthukādibhāvānupagamena upakārakā rūpino dhammo arūpinaṃ dhammaṃ, arūpinopi rūpinaṃ vippayuttapaccayo:

“Pháp sắc giúp cho các pháp vô sắc, pháp vô sắc giúp cho các pháp sắc theo cách không đồng nương vật, gọi là bất tương ưng duyên”.

2- Phân tích.

Theo định nghĩa trên, thì pháp năng duyên và pháp sở duyên không hòa hợp nhau. Pháp không có sự hòa hợp nhau chính là danh và sắc.

Tức là “pháp năng duyên có khi là danh, có khi là sắc”, tương tự như vậy đối với pháp sở duyên.

Mối liên hệ (pacccaya) “không hòa hợp” này có bốn cách:

a- Danh là năng duyên trợ giúp sắc.

Tức là một trong bốn hay cả bốn nhóm vô sắc: Thọ uẩn, tưởng uẩn, hành uẩn và thức uẩn; chúng trợ giúp sắc sinh ra.

Sắc được sinh ra chính là sắc tâm tạo hay sắc nghiệp Tục sinh.

Đây là cách đồng sinh bất tương ưng duyên (sahājātavippayuttapaccaya).

Lại nữa, khi danh là năng duyên, danh có thể trợ giúp cho sắc được vững mạnh, bằng cách sinh ra sau (năng duyên sinh sau trợ giúp cho sắc sinh trước).

Đây là các “Sinh hậu bất tương ưng duyên (pacchājātavippayuttapaccaya) tương tự như Sinh hậu duyên.

b - Sắc là năng duyên trợ giúp danh.

Khi ấy sắc có 3 vai trò: Là cảnh, là vật nương cho tâm, vừa là cảnh vừa là vật nương cho tâm.

Khi vật là cảnh, đó là “Cảnh sinh tiền duyên” (ārammaṇapurejātapaccaya), tương tự như cảnh duyên.

Khi là vật nương cho tâm, vật phải sinh trước tâm ít nhất một sátna tiểu.

Như vậy ở đây chính là “Vật sinh tiền bất tương ưng duyên vatthupurejātavippayuttapaccaya), tương tự như “Vật sinh tiền duyên”.

Khi vật “vừa là chỗ nương vừa làm cảnh”, chính là “Vật cảnh sinh tiền bất tương ưng duyên (vatthārammaṇapurejātavippayuttapaccaya), tương tự như Vật cảnh sinh tiền duyên.

Đồng sinh bất tương ưng duyên.

 1- Định nghĩa.

Đồng sinh bất tương ưng duyên là mãnh lực trợ giúp bằng cách cùng sinh lên nhưng không hòa hợp nhau.

2- Chi pháp.

Năng duyên. 107 tâm (trừ 5 đôi thức + 4 tâm quả Vô sắc).

Sở duyên. Sắc tâm tạo, sắc nghiệp tục sinh.

Phi sở duyên. 121 tâm và tâm sở hợp, sắc ngoại, sắc vật thực tạo, sắc âm dương tạo, sắc nghiệp vô tưởng, sắc nghiệp bình nhật.

3- Giải thích.

Tương ưng duyên và bất tương ưng duyên, hai duyên này có mục đích chỉ ra mối liên hệ “hòa hợp” hoặc không hòa hợp”.

“Hòa hợp” là chỉ ra mối liên hệ giữa danh và danh.

 “Không hòa hợp” là chỉ ra mối liên hệ giữa “danh và sắc” hay “sắc và danh”.

Vào thời tục sinh, tâm Tục sinh trợ cho các sắc nghiệp tục sinh cùng sinh lên. Tức là tâm sở Tư trong tâm Tục sinh giúp cho các sắc nghiệp xuất hiện.

Sau sátna tâm Tục sinh thì sátna tâm hữu phần 1, trợ giúp cho sắc tâm sinh lên (gọi là sắc tâm hữu phần).

Hai trường hợp trên, được gọi là “đồng sinh bất tương ưng duyên”.

Trong 107 tâm, những tâm không làm việc tục sinh, chỉ trợ giúp sở duyên trong thời bình nhật và tử.

Còn những tâm làm việc tục sinh [31]  trợ giúp cho sở duyên cả ba thời: Tục sinh và bình nhật và tử.

21- Hiện hữu duyên (Atthipaccaya).

1- Định nghĩa.

“Hiện hữu duyên” là mãnh lực trợ giúp theo phương cách “đang tồn tại”.

Sách Thanh Tịnh Đạo có giải thích:

-Paccupannalakkhaṇena atthibhāvena tādisasseva dhammassa upathaṃ bhakatthena upakārako dhammo = atthipaccayo:

“Pháp trợ giúp, ủng hộ pháp sở duyên bằng cách trạng thái hiện trú, gọi là Hiện hữu duyên [32] .

2- Phân tích.

Có 7 trường hợp, pháp năng và pháp sở cùng hiện hữu với nhau, như sau:

a- Bốn uẩn vô sắc hiện hữu với nhau.

b- Tứ đại sắc hiện hữu với nhau,

c- Vào lúc nhập thai ở cõi ngũ uẩn, danh - sắc hiện hữu với nhau.

d- Tâm và tâm sở hiện hữu với sắc tâm tạo.

e- Tứ đại hiện hữu với sắc y sinh.

f- Năm sắc thần kinh làm chỗ nương cho 5 thức, nên hiện hữu với năm thức.

g- Sắc Ý vật làm chỗ nương cho Ý giới và Ý thức giới, nên hiện hữu với Ý giới và Ý thức giới.

Như vậy, Hiện hữu duyên được phân tích thành 6 duyên:

1’- Đồng sinh hiện hữu duyên (tức Đồng sinh duyên).

2’- Cảnh sinh tiền hiện hữu duyên (tức Tiền sinh duyên).

3’- Vật sinh tiền hiện hữu duyên (tức Vật tiền sinh y duyên).

4’- Sinh hậu hiện hữu duyên (tức Sinh hậu duyên).

5’- Vật thực hiện hữu duyên ( tức sắc Vật thực duyên).

6’- Quyền hiện hữu duyên (tức sắc Mạng quyền duyên).

22- Vô hữu duyên (Natthipaccaya).

1- Định nghĩa.

“Vô hữu duyên” là mãnh lực trợ giúp bằng cách “vắng mặt”.

Pāli có giải thích:

- Paramattha sabhāvena natthitaya upakārako dhammo = natthipaccayo.

“Pháp trợ giúp bằng cách “vắng mặt” đối với pháp có thực tướng tột cùng, gọi là vô hữu duyên.

Sách Thanh Tịnh Đạo có giải thích:

- Attano anantarā uppajjamānānaṃ arūpadhammānaṃ pavatti-okāsadānena upakārakā samanantaraniruddhā arūpadhammā natthipaccayo:

“Các pháp vô sắc theo diễn tiến của mình đã diệt, trợ giúp pháp vô sắc mới sinh lên theo cách diễn tiến của mình, gọi là Vô hữu duyên [33] .

2- Giải thích.

Theo định nghĩa trên, thì Vô hữu duyên chính là Vô gián duyên hay Đẳng vô gián duyên, chỉ khác khía cạnh là “vắng mặt”.

Vô gián duyên với ý nghĩa trợ giúp “không gián đoạn”.

Đẳng vô gián duyên với ý nghĩa trợ giúp “liên tiếp”.

Nhưng năng duyên và sở duyên không cùng có mặt, xem như là “vô hữu”.

Như vậy, cả ba duyên trên xem như “đồng nghĩa khác từ” mà thôi.

Hiện hữu duyênVô hữu duyên chỉ ra khía cạnh “liên hệ” bằng cách “có mặt” và “vắng mặt”.

 Mặt khác, atthinatthi chỉ ra 2 chủ thuyết “thường” và “đoạn”, là 2 quan niệm sai lầm “chấp vào tự ngã”.

Đức Phật chỉ ra chủ thuyết cho rằng “có tự ngã”, thật ra đó chính là “hiện hữu duyên” (atthipaccaya).

Còn “cái gọi là đoạn diệt”, thật ra chúng không đoạn diệt, vì chúng còn trợ giúp cho pháp khác sinh lên, nhưng chúng vắng mặt (là Vô hữu duyên), có thế thôi.

Ở đây có đoạn kinh minh chứng cho vấn đề này:

Sabba matthīti kho, Kaccāna, ayam eko anto.

“Này Kaccāna, tất cả đều là một cực đoan.

Sabbaṃ natthīti ayaṃ dutiyo anto ti”.

 Tất cả đều không là cực đoan thứ hai”. [34]

Đức Phật thuyết lên hai duyên “Hiện hữu duyên” và “Vô hữu duyên”, để chỉ rõ “sự sai lầm” khi cho rằng “có một tự ngã”.

Thật ra “tự ngã” không hề có, nên không thể cho rằng “còn tự ngã “ hay “không còn tự ngã”. Bao giờ “có tự ngã” khi ấy mới cho rằng “còn tự ngã” hay “không còn tự ngã”.

Ví như người có tài sản mới bảo rằng “tôi còn tài sản” hay “tôi không còn tài sản”.

Để nhấn mạnh vấn đề “còn tự ngã – không còn tự ngã” này, Đức Phật thuyết tiếp hai duyên “Ly duyên” và “Bất ly duyên”.

23- Ly duyên (Vigatapaccayo)

Định nghĩa.

a- Ly duyên.

“Ly duyên” là mãnh lực trợ giúp bằng cách “lìa nhau”.

Pāli có giải thích:

- Vigata nirodhassa pattitāya upakārako dhammo = vigatapaccayo.

Pháp ủng hộ bằng cách diệt mất, xa lìa, gọi là ly duyên.

Sách Thanh Tịnh Đạo giải thích:

- Te eva vigatabhāvena upakārakattā vigatapaccayo:

“Cũng chính chúng (tâm và tâm sở) trợ giúp bằng cách biến mất, gọi là ly duyên.

Chi pháp tương tự như “vô hữu duyên”.

24- Bất ly duyên (Avigatapaccayo).

Định nghĩa.

“Bất ly duyên là mãnh lực trợ giúp bằng cách “không xa lìa nhau”.

Pāli có giải thích:

Avigatabhāvena nirodhassa appattiyā tādisasseva dhammassa upathaṃ bhakaṭṭhena upakārako dhammo = avigatapaccayo:

“Pháp trợ giúp, ủng hộ pháp khác bằng cách đang còn, không diệt mất, gọi là “bất ly duyên”.

Sách Thanh Tịnh Đạo có giải thích:

- Avigatabhāvena upakārattā avigatapaccayo:

“Ủng hộ theo cách “không lìa bỏ”, là bất ly duyên [35] .

Chi pháp tương tự như “hiện hữu duyên”.

Dứt 24 duyên.

 

-ooOoo-

 

Tổng lược về duyên hệ (Paccayasabhāgo).

A- Đặc trưng.

Trong 24 duyên, chúng ta rút ra được 5 đôi:

1- Đôi “nghĩa lý đồng nhau”. Gọi là “atthayuga”, đó là Vô gián duyên và Đẳng vô gián duyên.

2- Đôi “âm – thanh đồng nhau”. Gọi là “saddayuga”, đó là Y duyên và Cận y duyên.

3- Đôi “nghịch thời với nhau”. Gọi là “kālapatipakkhayuga”, đó là Sinh tiền duyên và Sinh hậu duyên.

4- Đôi “nghịch cách với nhau”. Gọi là “aññamaññapatipakkhayuga”, đó là Tương ưng duyên và Bất tương ưng duyên.

5- Đôi “nhân quả”. Gọi là “hetuppaphalayuga”, đó là Nhân duyên và Quả duyên.

B- Duyên không phân tích và duyênphân tích.

Trong 24 duyên có 14 duyên không phân tích, đó là:

1- Nhân duyên (hetupaccaya).

2- Cảnh duyên (ārammaṇa).

3- Vô gián duyên (anantarapaccaya).

4- Đẳng vô gián duyên (samanantarapaccaya).

5- Đồng sinh duyên (sahajātapaccaya).

6- Hổ tương duyên (aññamaññapaccaya).

7- Sinh hậu duyên (pacchājātapaccaya).

8- Tập hành duyên (āsevanapaccaya).

9- Quả duyên (vipākapaccaya).

10- Thiền duyên (jhānapaccaya)

11- Đạo duyên (maggapaccaya)

12- Tương ưng duyên (sampayuttapaccaya)

13- Vô hữu duyên (nathipaccaya)

14-Ly duyên (vigatapaccaya).

Có 10 duyên được phân tích là:

1- TRƯỞNG DUYÊN (adhipatipaccaya) phân tích thành 2 duyên:

- Cảnh trưởng duyên (ārammaṇādhipatipaccaya)

- Trưởng đồng sinh duyên (sahajātādhipatipaccaya).

2- SINH TIỀN DUYÊN (purejātapaccaya), được phân tích thành 2 duyên:

- Vật sinh tiền duyên (vatthupure jāta paccaya).

- Cảnh sinh tiền duyên (ārammaṇapurejātapaccaya).

3- NGHIỆP DUYÊN (kammapaccaya), được phân tích thành hai duyên:

- Nghiệp đồng sinh duyên (kammasahajātapaccaya).

- Nghiệp dị thời duyên (nānakkhaṇapaccaya).

4-VẬT THỰC DUYÊN (āhārapaccaya), được phân thành 2 duyên:

- Sắc vật thực duyên (rūpāhārapaccaya)

- Danh vật thực duyên (nāmāhārapaccaya).

5- Y DUYÊN (nissayapaccaya), được phân tích thành 2 duyên:

- Đồng sinh y duyên (sahājātanissayapaccaya).

- Sinh tiền y duyên (purejātanissayapaccaya).

Trong Sinh tiền y duyên lại phân tích thành 2 duyên:

* Vật sinh tiền y duyên (vatthupurejāta upanissayapaccaya).

* Vật cảnh sinh tiền y duyên (vatthārammaṇapurejāta-upanissayapaccaya).

6- CẬN Y DUYÊN (upanissayapaccaya), được phân tích thành 3 duyên:

- Cảnh cận y duyên (ārammaṇūpanissaya).

- Vô gián cận y duyên (anantarūpanissayapaccaya).

- Thường cận y duyên(pakatūpanissayapaccaya).

7- QUYỀN DUYÊN (indriyapaccaya), được phân tích thành 3 duyên:

- Quyền đồng sinh duyên (sahājātindriyapaccaya)

- Quyền sinh tiền duyên (purejātindriyapacaya).

- Sắc mạng quyền duyên (rūpajīvitindriyapaccaya).

8- BẤT TƯƠNG ƯNG DUYÊN (vippayuttapaccaya), được phân tích thành 4 duyên:

- Sinh tiền bất tương ưng duyên (purejātavippayuttapaccaya).

- Vật sinh tiền bất tương ưng duyên (vatthupurejātavippayuttapaccaya).

- Cảnh vật sinh tiền bất tương ưng duyên (vatthārammaṇa purejāta vippayuttapaccaya).

- Sinh hậu bất tương ưng duyên (pacchājātavippayuttapaccaya).

9- HIỆN HỮU DUYÊN (atthipaccaya), được phân tích thành 5 duyên:

- Đồng sinh hiện hữu duyên (sahajātatthipaccaya)

- Sinh tiền hiện hữu duyên (purejātatthipaccaya).

- Sinh hậu hiện hữu duyên (pacchājātatthipaccaya).

- Vật thực hiện hữu duyên (āhāratthipaccaya).

- Quyền hiện hữu duyên (indriyatthipaccaya).

Từ “sinh tiền hiện hữu duyên”, phân tích thành 2 duyên:

* Cảnh sinh tiền hiện hữu duyên (ārammaṇapurejātatthipaccaya)

* Vật sinh tiền hiện hữu duyên (vatthupurejātatthipaccaya)

10- BẤT LY DUYÊN (avigatapaccaya), được phân tích thành 5 duyên:

- Đồng sinh bất ly duyên (sahajātavigatapaccaya).

-Sinh tiền bất ly duyên (purejātavigatapaccaya).

- Sinh hậu bất ly duyên (pacchājātavigatapaccaya).

- Vật thực bất ly duyên (āhāravigatapaccaya).

- Quyền bất ly duyên (indriyavigatapaccaya).

Sinh tiền bất ly duyên lại phân tích thành 2 duyên:

* Cảnh sinh tiền bất ly duyên (ārammaṇapurejātavigatapaccaya).

*- Vật sinh tiền bất ly duyên (vatthupurejātavigatapaccaya).

Như vậy, tổng cộng có 47 duyên.

C- Duyên phân theo giống (jāti).

 Mối liên hệ giữa năng duên và sở duyên có ba thời điểm: Đồng sinh, sinh trước và sinh hậu.

Ngoài ra còn có những nét đặc trưng riêng như “cảnh”, “quyền”, “tương ưng”…

1- Giống đồng sinh (sahajātajāti).

Tức là năng duyên và sở duyên cùng sinh lên. Có 15 duyên.

* Có bốn duyên đồng sinh cơ bản là:

 1’- Đồng sinh duyên (sahajāta paccaya).

2’- Đồng sinh y duyên (sahajātanissaya).

3’- Đồng sinh hiện hữu duyên (sahajātatthipaccaya).

4’- Đồng sinh bất ly duyên (sahajāta – avigatapaccaya).

* Bốn duyên đồng sinh trung bình là:

1’- Hổ tương duyên (aññamaññapaccaya).

2’- Quả duyên (vipākapaccaya).

3’- Tương ưng duyên (sampayuttapaccaya).

4’- Đồng sinh bất tương ưng duyên (sahajātavippayutta).

* Bảy duyên đồng sinh đặc biệt là:

1’- Nhân duyên (hetupaccaya).

2’- Đồng sinh trưởng duyên (sahajātādhipati).

3’- Đồng sinh nghiệp duyên (sahajātakammapaccaya).

4’- Danh vật thực duyên (nāmāharapaccaya).

5’- Đồng sinh quyền duyên (sahajātindhriyapaccaya).

6’- Thiền duyên (jhānapaccaya).

7’- Đạo duyên (maggapaccaya).

Tổng cộng giống đồng sinh có 15 duyên.

2- Giống cảnh (ārammaṇajāti).

Năng duyên làm cảnh (ārammaṇa) trợ giúp cho tâm (sở duyên) sinh lên.

 Giống cảnh có 8 duyên là:

1’- Cảnh duyên (ārammaṇapaccaya).

2’- Cảnh trưởng duyên (ārammaṇādhipatipaccaya).

3’- Cảnh vật sinh tiền y duyên (vatthārammaṇapurejātanissayapaccaya)

4’- Cảnh cận y duyên (ārammaṇūpanissayapaccaya)

5’- Cảnh sinh tiền duyên (ārammaṇapurejātapaccaya).

6’- Cảnh vật sinh tiền bất tương ưng duyên (vatthārammaṇapurejātavippayuttapaccaya).

7’- Cảnh sinh tiền hiện hữu duyên (ārammaṇapurejātatthipaccaya).

8’- Cảnh sinh tiền bất ly duyên (ārammaṇapurejātavigatapaccaya).

3- Giống liên tiếp (anantarajāti).

Tuy có thể xếp vào nhóm tiền sinh, nhưng nêu ra riêng vì có tính cách “không gián đoạn".

Năng duyên sinh trước trợ giúp sở duyên sinh sau; năng và sở “liên tiếp, không gián đoạn”. Có 7 duyên là:

1’- Vô gián duyên (anantarapaccaya).

2’- Đẳng vô gian duyên (samantarapaccaya).

3’- Vô gián cận y duyên (anantarūpanissayapaccaya).

4’- Tập hành duyên (āsevanapaccaya).

5’- Nghiệp dị thời thường cận y duyên (chỉ tâm sở Tư trong tâm Đạo).

6’- Vô hữu duyên (natthipaccaya).

7’- Ly duyên (vigataapccaya).

4- Giống sinh tiền (purejāti).

Có thể được nêu ra 17 duyên, trong đó:

a- Vật sinh tiền (vatthupurejāta), có 6 duyên:

1’- Vật sinh tiền duyên (vatthu- purejātapaccaya).

2’- Vật sinh tiền y duyên (vatthu-purejātanissaya).

3’- Quyền sinh tiền duyên (purejātindriya paccaya).

4’- Vật sinh tiền bất tương ưng duyên (vatthu-purejātavippayuttapaccaya).

5’- Vật sinh tiền hiện hữu duyên (vatthu-purejātathipaccaya).

6’- Vật sinh tiền bất ly duyên (vatthu-purejāta-avigapaccaya).

b- Cảnh vật sinh tiền (vatthārammaṇa – purejāta), có 5 duyên:

1’- Cảnh vật sinh tiền duyên (vatthārammaṇa-purejātapaccaya).

2’- Cảnh vật sinh tiền y duyên (vatthārammaṇa-purejāta-nissayapaccaya).

3’- Cảnh vật sinh tiền bất tương ưng duyên (vatthārammaṇa-purejāta-vippayuttapaccaya).

4’- Cảnh vật sinh tiền hiện hữu duyên (vatthārammaṇa-purejātatthipaccaya).

5’- Cảnh vật sinh tiền bất ly duyên (vatthārammaṇa-purejāta-avigatapaccaya).

c- Cảnh sinh tiền (ārammaṇapurejāta), có 6 duyên:.

1’- Cảnh sinh tiền duyên (ārammaṇapurejātapaccaya).

2’- Một phần của cảnh duyên (ārammṇapaccaya).

3’- Cảnh trưởng duyên (ārammaṇādhipatipaccaya).

4’- Cảnh cận y duyên (ārammaṇūpanissayapaccaya).

5’- Cảnh sinh tiền hiện hữu duyên (ārammaṇa-purejātatthipaccaya).

6’- Cảnh sinh tiền bất ly duyên (ārammaṇa-purejāta-avigata accaya).

Các từ “kiñci” và “koci” trong kiñci ārammaṇam … được dùng chỉ cho các sắc thành tựu (nipphannarūpa).

5- Giống sinh hậu (pacchājāti).

Là năng duyên sinh sau trợ giúp cho sở duyên sinh trước.

 Có 4 duyên là:

1’- Sinh hậu duyên (pacchājātapaccaya).

2’- Sinh hậu bất tương ưng duyên (pacchājātavippayuttapaccaya).

3’- Sinh hậu hiện hữu duyên (pacchājātātthipaccaya).

4’- Sinh hậu bất ly duyên (pacchājātāvigatapaccaya).

6- Giống vật thực (āhārajāti).

Là năng duyên “nuôi dưỡng “ sở duyên được tăng trưởng, vững mạnh.

Có ba duyên là:

1’- Sắc vật thực duyên (rūpāhārapaccaya).

2’- Vật thực hiện hữu duyên (āhāratthipaccaya)

3’- Vật thực bất ly duyên (āhārāvigatapaccaya).

7- Giống sắc mạng quyền (indriyajāti).

Là năng duyên “gìn giữ, nuôi dưỡng” sở duyên được tròn đủ tuổi thọ.

Có ba duyên là:

1’- Sắc mạng quyền duyên (jīvitindriyapaccaya).

2’- Quyền hiện hữu duyên (jīvitindriyatthipaccaya).

3’- Quyền bất ly duyên (jīvitindriyāvigatapaccaya).

8- Giống thường cận y duyên.

Có 2 duyên:

1’- (Thuần túy ) Thường cận y duyên (pakatūpanissayapaccaya).

Là tâm và tâm sở + sắc pháp + chế định sinh trước, có sức mạnh trợ giúp cho tâm và tâm sở sinh lên sau.

2- (Biệt thời) Thường cận y duyên.

Là tâm sở Tư ( trừ tâm sở Tư trong tâm Đạo) có sức mạnh, trợ giúp cho các danh uẩn quả sinh lên khác thời gian.

9- Giống nghiệp dị thời.

Có một duyên, là “dị thời nghiệp duyên”.

Đây là cách phân duyên thành chín giống.

Nên ghi nhận:

* Giống sinh tiền (purejāta), giống sinh hậu (pacchājāta), giống vật thực (āhāra) và giống sắc mạng quyền (jīvitindriya), là các mối liên hệ hiện diện (atthi). Tức là “thời hiện tại”

* Những cách liên hệ: Không gián đoạn (anantara), khác thời kỳ (nānākkhaṇika), nghiệp (kamma) là các mối liên hệ “vắng mặt” (natthi). Tức là “thời quá khứ”

* Mối liên hệ cảnh (ārammaā) và thường cận y (pakatūpanissaya), gồm cả ba thời: Quá khứ, hiện tại, vị lai.

* Nípbàn và chế định (paññatti) luôn luôn là ngoại thời (kālavimutti).

Nípbàn và chế định là pháp “không có điều kiện (appaccaya)”, “không sinh thành (asaṅkhata)” [36] .

Tại sao? Vì chúng hoàn toàn không có sự trở thành.

Những pháp có tái sinh hay hình thành thì là sappaccaya (hữu duyên), saṅkhata (trở thành) và paṭiccasamuppanna (tương sinh).

Do vậy, Nípbàn và chế định không phải là “pháp được trở thành”, “được sinh ra”.

Trong các pháp ngoài Nípbàn và Chế định, không có danh sắc nào thường hằng, bất biến.

Tất cả danh sắc đều vô thường do chúng có khả năng bị biến hoại.

Tại sao? Vì khi vào một kiếp sống, chúng có mối quan hệ với một số nhân và các nhân của chúng thì cũng vô thường.

Có câu hỏi. Nibbānachế định không phải là những pháp năng duyên (paccaya-dhamma) sao? Nípbàn và Chế định thường hằng và bất biến, vì sao sở duyên không thường hằng bất biến?

Đáp. Đúng vậy, tuy Nípbàn và Chế định là pháp năng duyên, là thường hằng, nhưng Nípbàn và chế định không phải là nhân duy nhất làm sinh khởi danh sắc.

Danh sắc được sinh khởi bởi nhiều nhân, nhân của chúng lại không thường hằng, nên chúng cũng không thường hằng.

Ví dụ như Nípbàn là cảnh, sẽ làm sinh khởi tâm Đạo, ngoài ra tâm đạo còn có nhân sinh khác là các tâm sở, sắc ý vật.

Tâm sở và sắc ý vật không thường hằng, d0 đó tâm Đạo hay tâm Quả Siêu thế cũng không thường hằng.

Ví như một vật được đặt trên 3 cây chụm lại, trong đó có một cây lớn nhất được cấm sâu vào đất vững vàng (ví như Nípbàn), 2 cây kia gá hờ.

Khi 2 cây gá hờ rơi xuống, vật đặt trên đó (ví như danh sắc) cũng rơi xuống.

Những pháp mà không thường hằng thì luôn có khổ.

Tức là có khổ khổ (dukkha-dukkhatā), hành khổ (saṅkhāra-dukkhatā) hoại khổ (vipariṇāma-dukkhatā).

Tất cả các pháp đều vô thường và tan rã trong từng mỗi oai nghi [37] , thậm chí trong từng sátna.

Như vậy, làm sao mà có tự ngã hay có một “thực thể thường hằng” trong chúng sinh qua các cuộc sống.

Tóm lại, khi trình bày về 24 mối liên hệ, Đức Phật chỉ ra thực tế:

- “Tất cả pháp hữu vi trở thành hay tồn tại là nhờ các nhân – duyên, không phải nhờ vào sự mong muốn hay ra lệnh của chúng sinh”.

 - “Tất cả các pháp do nhân - duyên, không có pháp nào có từ một vài nhân; chúng thật sự sinh lên do nhiều nhân”.

Và duyên hệ là nói lên đỉnh cao tột của pháp vô ngã.

D - Duyên hệ với danh sắc.

 Các duyên đối với danh sắc.

Các duyên hổ trợ cho danh sắc theo quy luật duyên hệ (gọi là paṭṭhānanaya).

a- Danh trợ danh.

Danh ở đây chỉ cho tâm và tâm sở. Cả năng duyên lẫn sở duyên đều là tâm và tâm sở.

Có 7 duyên, theo hai mô thức:

* Theo cách không gián đoạn.

Theo mô thức này có sáu duyên là:

1’- Vô gián duyên (anantarapaccaya).

2’- Đẳng vô gián duyên (samanantarapaccaya).

3- Vô gián cận y duyên (anantarūpanissayapaccaya)

4’- Tập hành duyên ( āsevanapaccayo).

5’- Vô hữu duyên (natthipaccayo).

6’- Ly duyên (vigatapaccayo).

* Theo cách hòa hợp. Có một duyên là:

7- Tương ưng duyên (samyuttapaccayo).

b- Danh trợ danh - sắc.

Năng duyên: Tâm và tâm sở.

Sở duyên: Tâm và tâm sở + sắc pháp.

Có 8 hay 9 duyên:

1’- Nhân duyên (hetupaccayo).

2’- Trưởng đồng sinh duyên (sahajātādhipatipaccaya).

3’- Nghiệp duyên (kammapaccaya).

Trong nghiệp duyên có hai loại:

* Nghiệp đồng sinh duyên (sahajātakammapaccaya)

* Nghiệp dị thời duyên (nānakkhaṇakammapaccaya).

4’- Quả duyên (vipākapaccaya).

5’- Danh vật thực duyên (nāmāhārapaccaya)

6’- Quyền đồng sinh duyên (sahajātindriyapaccaya).

7’- Thiền duyên (jhābapaccayo).

8’- Đạo duyên (maggapaccayo).

c- Danh trợ cho sắc.

Năng duyên: Tâm và tâm sở.

Sở duyên: Sắc pháp.

Có 4 duyên:

1’- Sinh hậu duyên (pacchājātapaccayo).

2’-Sinh hậu bất tương ưng duyên (pacchājātavippayuttapaccaya).

3’- Sinh hậu hiện hữu duyên (pacchājātatthipaccaya).

4- Sinh hậu bất ly duyên (pacchājātāvigatapaccaya).

d- Sắc trợ cho danh.

Năng duyên: Sắc pháp.

Sở duyên: Tâm và tâm sở.

Trong mô thức này nếu tính hẹp thì có 1 duyên là: Sinh tiền duyên (purejātapaccayo). Nếu tính rộng có 11 duyên:

1’- Vật sinh tiền y duyên (vatthupurejātanissayapaccaya) .

2’- Vật cảnh sinh tiền y duyên (vatthārammaṇapurejātanissayapaccay) .

3’-Vật sinh tiền duyên (vatthupurejātapaccaya).

4’-Cảnh sinh tiền duyên (ārammaṇapurejātapaccaya).

5’-Quyền sinh tiền duyên (indriyapurejātapaccaya).

6’-Vật sinh tiền bất tương ưng duyên (vatthupurejātavippayuttapaccaya).

7’- Vật cảnh sinh tiền bất tương ưng duyên (vatthārammaṇapurejāta vippayuttapaccaya).

8’- Vật sinh tiền hiện hữu duyên (vatthupurejātātthipaccaya).

9’- Cảnh sinh tiền hiện hữu duyên (ārammaṇapurejātāvigatapaccaya)

10’- Vật sinh tiền bất ly duyên (vatthupurejātāvigatapaccaya).

11- Cảnh sinh tiền bất ly duyên āarammaṇapurejātāvigatapaccaya).

e- Sắc trợ cho danh sắc.

Năng duyên: Sắc pháp.

Sở duyên: Tâm và tâm sở + sắc pháp. Không có duyên nào.

f- Danh sắc trợ cho danh.

Năng duyên: Tâm và tâm sở + sắc pháp.

Sở duyên: Tâm và tâm sở.

Có 2 duyên:

1’- Cảnh trưởng duyên (ārammaṇādhipatipaccaya).

2’- Cảnh cận y duyên (ārammaṇūpanissayapaccaya).

g- Danh sắc trợ cho sắc.

Không có duyên nào.

h- Danh sắc trợ cho danh sắc.

Cả năng lẩn sở đều là danh - sắc.

Có 9 duyên là:

1’- Trưởng duyên (adhipatipaccayo).

2’- Đồng sinh duyên (sahājātapaccayo).

3’ - Hổ tương duyên (aññamaññapaccayo).

4’- Y duyên (nissayapaccayo).

5’- Vật thực duyên (āhārapaccayo).

Vật thực duyên có hai loại là:

* Sắc vật thực duyên. Là sắc trợ cho sắc.

* Danh vật thực duyên. Là danh trợ cho danh.

Khi phân tích duyên thì như vậy, nhưng nếu gom làm một thì đó là mô thức “danh sắc trợ cho danh sắc”.

6’- Quyền duyên (indriyapaccayo).

7’-Bất tương ưng duyên (vippayuttapaccayo).

8’- Hiện hữu duyên (gatapaccayo).

9’- Bất ly duyên (atthipaccayo).

i- Chế định và danh sắc trợ cho danh.

 Năng duyên: Chế định (paññatti), tâm và tâm sở + sắc pháp.

Sở duyên: Tâm và tâm sở.

Có hai duyên là:

1’- Cảnh duyên (ārammaṇapaccayo),

2”- Thường cận y duyên (pakatūpanissayapaccaya).

 k- Chế định và danh sắc trợ cho sắc.

Không có duyên nào.

Có kệ Pāli như sau:

“Chadhā nāmantu nāmassa; pañcadhā nāmarūpīnaṃ.

Ekadhā puna rūpassa; rūpaṃ nāmassa cekadā.

Paññatti nāmarūpāni; nāmassa duvidhā dvayaṃ.

Dvayassa navadhā ceti; chabhidhā paccayā kathaṃ

“DANH phò DANh đặng sáu thiên;

DANH phò DANH SẮC Phật truyền có năm.

DANH phò SẮC một chớ lầm.

SẮC phò DANH một nghĩa nhằm kệ trên.

CHẾ ĐỊNH cùng với SẮC tên

Trợ cho DANH pháp đặng nên hai phần.

DANH SẮC đồng trợ chín nhân.

Giúp nhau tính cả gồm phân sáu miền.

(Đại Trưởng lão Tịnh Sự dịch).

E- Mãnh lực của 24 duyên hệ.

Duyên hệ có 3 mãnh lực: Mãnh lực trợ sinh, mãnh lực ủng hộ, mãnh lực trợ sinh và ủng hộ.

* Mãnh lực trợ sinh. Là pháp sở duyên được sinh ra từ pháp năng duyên.

Có 8 duyên trợ sinh là: Vô gián duyên, Đẳng vô gián duyên, Vô gián cận y duyên, Thường cận y duyên, Nghiệp biệt thời duyên, Tập hành duyên, Vô hữu duyên và Ly duyên.

* Mãnh lực ủng hộ. Là pháp sở duyên vững mạnh nhờ pháp năng duyên.

Có 4 duyên ủng hộ là: Sainh hậu duyên, Sinh hậu bất tương ưng duyên, Sinh hậu hiện hữu duyên và Sinh hậu bất ly duyên.

* Mãnh lực trợ sinh và ủng hộ. Là pháp sở duyên được sinh ra và vững mạnh nhờ pháp năng duyên.

Ngoài 12 duyên vừa kể trên, tất cả những duyên còn lại đều có mãnh lực trợ sinh và ủng hộ.

F - Danh sắc liên kết với duyên hệ

(Paccaya ghaṭanānaya).

Danh sắc được gọi là pháp “hữu duyên (sappaccaya)”, pháp “được trợ sinh (saṅkhatā)” và pháp “liên quan tương sinh (paṭiccasamuppannā)”.

Danh sắc khi sinh lên và an trụ, tất cả đều có thể trở thành năng duyên (paccaya) trong 24 hay 47 duyên hệ.

I- Danh pháp.

Danh pháp ở đây chỉ cho 121 tâm và 52 tâm sở.

 1 -Tâm (citta).

Tâm được chia thành 7 dhātu (giới) là:

* Nhãn thức giới: Hai tâm Nhãn thức.

* Nhĩ thức giới: Hai tâm Nhĩ thức.

* Tỷ thức giới: Hai tâm Tỷ thức.

* Thiệt thức giới: Hai tâm Thiệt thức.

* Thân thức giới: Hai tâm Thân thức.

Năm giới này được gọi chung là “năm giới thức của giác quan”.

* Ý giới: Là tâm Hướng ngũ môn và 2 tâm Tiếp thâu.

* Ý thức giới: Bao gồm những tâm còn lại (108 tâm).

2 - Tâm sở (cetasika).

Tâm sở được chia thành bốn nhóm là:

* Bảy tâm sở Biến hành

* Sáu tâm sở Biệt cảnh

* Tâm sở Bất thiện: có 14 tâm sở.

* Tâm sở Tịnh hảo (sobhana), có 25 tâm sở.

Có những tâm sở là năng duyên, có tâm sở không là năng duyên.

a- Tâm là năng duyên.

Trong 24 duyên hệ, tâm là “năng duyên” với 16 duyên thường có với tất cả các danh pháp là:

1- Cảnh duyên (ārammaṇa paccaya).

2- Vô gián duyên (anantarapaccaya).

3- Đẳng vô gián duyên (samanantarapaccaya).

4- Đồng sinh duyên (sahajātapaccaya).

5- Hổ tương duyên (aññamaññapaccaya),

6- Y duyên (nissayapaccaya).

7- Cận y duyên (upanissayapaccaya).

8- Vật thực duyên (āhārapaccaya).

9- Quyền duyên (indriyapaccaya).

10- Tương ưng duyên (sampayutta).

11- Hiện hữu duyên (atthipaccaya).

12- Vô hữu duyên (natthipaccaya).

13- Ly duyên (vigatapaccaya).

14- Bất ly duyên (avigatapaccaya).

Vì sao có 15 duyên này? Vì:

- Không có tâm hay tâm sở nào sanh lên mà không có “cảnh (ārammaṇa)” là nhân trợ sinh.

Trong khi đó, tâm có thể thành cảnh cho tâm khác biết. Như trường hợp vị có Tha tâm thông chẳng hạn, hoặc như hành giả hành pháp tứ niệm xứ “niệm tâm trong tâm”…

- Các tâm và tâm sở diệt rồi sinh nối tiếp nhau, không có gián đoạn nên có “Vô gián duyên”, “Đẵng vô gián duyên”.

- Tâm và tâm sở cùng sinh cùng diệt, nên là “Đồng sinh duyên”…

Tương tự như vậy với các mối liên hệ  [38] nhân quả các duyên còn lại, như

 Tương ưng duyên ….

Riêng Sinh hậu duyên chỉ có cho một số tâm (trừ 4 tâm quả Vô sắc giới và tâm tái tục) …

Một số tâm chỉ liên hệ với 7 duyên, đó là:

1- Nhân duyên (hetupaccya) chỉ có với tâm hữu nhân.

2- Trưởng duyên (adhipatipaccaya) chỉ có với các tâm đổng lực (javanacitta).

3- Tập hành duyên (āsevanapaccaya) chỉ có với tâm đổng lực thiện, bất thiện và Duy tác.

4- Quả duyên (vipākapaccaya) chỉ có với những tâm quả.

- Thiền duyên (jhānapaccaya) chỉ có với những tâm hữu nhân có sức mạnh.

- Đạo duyên (magga) chỉ có với những tâm hữu nhân.

- Bất tương ưng duyên (vippayuttapaccaya) không có với những tâm Vô sắc giới.

* Tâm không là năng duyên của Sinh tiền duyên (purejātapaccaya) và Nghiệp duyên (kammapaccaya).

2- Tâm sở là năng duyên(paccaya).

a- Các tâm sở Biến hành.

* Bảy tâm sở Biến hành là: Xúc (phassa), thọ (vedanā), tưởng (saññā), tư (cetanā), nhất hành (ekaggatā), mạng quyền (jīvitindriya) và tác ý (manasikāra).

- Xúc là năng duyên trong Vật thực danh duyên (nāmāhārapaccaya).

- Thọ là năng duyên trong Quyền duyên (indriyapaccaya) và Thiền duyên (jhānapaccaya).

- là năng duyên trong Nghiệp duyên (kammapaccaya) và Danh vật thực duyên.

- Nhất hành là năng duyên trong Quyền duyên (indriyapaccaya), Thiền duyên (jhānapaccaya) và Đạo duyên (maggapaccaya).

- Mạng quyền là năng duyên trong Quyền duyên (indriyapaccaya).

Hai tâm sở tưởngtác ý không là năng duyên của duyên nào cả.

b- Tâm sở Biệt cảnh (pakiṇṇaka).

Có sáu tâm sở Biệt cảnh (pakiṇṇaka) là: Tầm (vitakka), tứ (vicāra), thắng giải (adhimokkha), cần (vīriya), hỷ (pīti), dục (chanda).

- Tầm là năng duyên trong Thiền duyên, và Đạo duyên.

- Tứ là năng duyên trong Thiền duyên.

- Cần là năng duyên trong Trưởng duyên, Quyền duyên và Đạo duyên.

- Hỷ là năng duyên trong Thiền duyên.

- Dục là năng duyên trong Trưởng duyên.

- Thắng giải không là năng duyên của duyên nào.

c- Tâm sở Bất thiện.

Có 14 tâm sở bất thiện là:

- Bốn tâm sở Si phần: Si (moha), vô tàm (ahirika), vô quý (anottappa), phóng dật (uddhacca).

- Ba tâm sở Tham phần: Tham (lobha), tà kiến (micchādiṭṭhi), ngã mạn (māna).

- Bốn tâm sở Sân phần: Sân (dosa), tật (issā), lận (macchāriya), hối (kukuccha).

- Hai tâm sở Hôn phần: Hôn trầm (ṭhīna), thụy miên (middha).

- Tâm sở Hoài nghi.

Trong đó:

- Tâm sở Tham, Sân, Si là năng duyên của Nhân duyên.

- Tà kiến là năng duyên của Đạo duyên.

Mười tâm sở còn lại, không là năng duyên của duyên nào.

d- Tâm sở tịnh hảo     

Có 25 tâm sở Tịnh hảo (sobhana), trong đó:

- Ba tâm sở: Vô tham, Vô sân, Vô si là năng duyên của Nhân duyên.

- Tín, niệm là năng duyên của Quyền duyên.

- Trí với tên sammādiṭṭhi (chánh kiến) và Giới phần; là năng duyên của Đạo duyên.

- Trí xuất hiện với tên là vimaṃsa (xem xét kỷ - thẩm sát), là năng duyên của Trưởng duyên.

- Niệm là năng duyên của Đạo duyên.

Mười bảy tâm sở còn lại không là năng duyên của duyên nào.

G -Duyên hệ trong các tâm.

Trước tiên là 18 tâm Vô nhân.

1- Năm đôi thức.

*- Tâm Nhãn thức hợp với bảy tâm sở Biến hành, thành danh pháp nhóm 8 (nhóm danh pháp cơ bản).

Trong tâm Nhãn thức có nhiều duyên phối hợp lẫn nhau.

Trước tiên có Đồng sinh duyên (sahajātapaccaya).

- Tâm liên hệ với các tâm sở bằng Vật thực duyên và Quyền duyên.

- Xúc liên hệ với bảy danh pháp bằng Vật thực duyên.

- Thọ liên hệ với bảy danh pháp bằng Quyền duyên.

- liên hệ với 7 danh pháp bằng Nghiệp duyên và Vật thực duyên.

- Nhất hành liên hệ với 7 danh pháp bằng Quyền duyên (tuy nhất hành là chi thiền, nhưng trong “năm đôi thức” không có Thiền duyên).

- Mạng quyền liên hệ với 7 danh pháp bằng Quyền duyên.

Tâm Nhãn thức sinh lên do có nhân là: sắc “thần kinh Nhãn (cakkhupasādarūpa), sắc “cảnh sắc”  [39]  nên:

- Thần kinh Nhãn liên hệ với tám danh pháp này theo 6 duyên của Vật sinh tiền duyên (vatthupurejātapaccaya).

- Các cảnh sắc hiện tại lọt vào thần kinh Nhãn, có mối liên hệ với tám danh pháp này theo bốn loại Cảnh sinh tiền duyên (ārammaṇapurejātapaccaya).

Tâm Hướng ngũ môn tại sátna diệt trước khi Nhãn thức sinh lên, liên hệ với 8 pháp này bằng 5 loại Vô gián duyên (anatarapaccaya) [40] .

Các nghiệp thiện và bất thiện đã làm trong các kiếp trước có mối liên hệ nhân quả với tám danh pháp quả thiện và quả bất thiện [41]  một cách tương ứng theo Nghiệp dị thời duyên (nānākkhaṇakammapaccaya).

Vô minh (avijjā), ái (taṇhā) thủ (upādāna) cùng hoạt động với nghiệp (kamma) trong kiếp trước, cùng với chỗ ngụ, con người, các lý do, vật thực… của kiếp sống này, đã có mối liên hệ nhân quả với tám danh pháp này theo Thường cận y duyên (pakatūpanissayapaccaya).

Sáu duyên là: Nhân duyên, Trưởng duyên, Cận y duyên, Sinh hậu duyên, Tập hành duyên, Thiền duyên, Đạo duyên không có trong loại tâm này.

Như vậy, tâm Nhãn thức liên hệ được với 18 duyên [42] , không liên hệ với 6 duyên.

(Chỉ một tâm đơn giản sinh lên mà có bấy nhiêu duyên hội tụ như thế, thì thật là …)

Tương tự như vậy với các tâm Nhĩ thức, Tỷ thức, Thiệt thức và Thân thức.

2- Tâm vô nhân (ahetukacitta) còn lại.

Ngoại trừ “năm đôi thức”, những tâm vô nhân còn lại là: Tâm Hướng ngũ môn, tâm Hướng ý môn, 2 tâm Tiếp thu, 3 tâm Quan sát, tâm Sinh tiếu.

a- Tâm Hướng ngũ môn.

Hợp với 1o tâm sở là: 7 tâm sở Biến hành + Tầm (vitakka) + Tứ (vicāra) + Thắng giải (adhimokkha), tạo thành nhóm 11 danh pháp [43] .

Trong nhóm 11 danh pháp Hướng ngũ môn, ngoại trừ 7 tâm sở Biến hành có liên hệ với các duyên như “một trong 5 đôi thức” đã giải ở trên, còn lại:

- Tầm, Tứ, Nhất hành có liên hệ với Thiền duyên (jhānapaccaya)”.

Tâm Hướng ngũ môn có nhân sinh là: Cảnh ngũ, sắc Ý vật, nên duyên liên hệ tương tự như tâm Nhãn thức.

-Tâm Hướng ngũ môn không có mối liên hệ với Quả duyên và Cận y duyên (upanissayapaccaya).

Như vậy, tâm Hướng ngũ môn có liên hệ với 18 duyên (lấy 18 duyên cơ bản trừ Quả duyên, thêm vào Thiền duyên), không liên hệ với 6 duyên.

b - Hai tâm Tiếp thâu và 2 tâm Quan sát xả thọ: Lấy 18 duyên cơ bản thêm vào Thiền duyên thành ra 19 duyên, không liên hệ với 5 duyên.

c- Tâm Quan sát thọ hỷ có thêm tâm sở Hỷ (pīticetasika), thành nhóm 12 danh pháp.

Tuy có thêm tâm sở Hỷ, chi hỷ chỉ liên hệ với Thiền duyên, nên tâm Quan sát thọ hỷ có liên hệ 19 duyên, không liên hệ 5 duyên.

(Ba tâm Quan sát có mối liên hệ và không liên hệ với các duyên giống nhau).

d- Tâm Hướng ý môn có thêm tâm sở Cần, nên thành nhóm 12 danh pháp.

Tuy có tâm sở Cần, nhưng trong tâm Hướng ý môn, tâm sở Cần chỉ liên hệ đến Quyền duyên, không liên hệ với Trưởng duyên và Đạo duyên.

Như vậy, tâm Hướng ý môn có liên hệ với 18 duyên, không liên hệ với 6 duyên như tâm Hướng ngũ môn.

 e- Tâm Sinh tiếu. Là nhóm 13 danh pháp (gồm 12 tâm sở Tợ tha (trừ tâm sở Dục) + tâm Sinh tiếu).

Tâm Sinh tiếu là loại tâm Đổng lực, nên có liên hệ với Tập hành duyên (āsevanāpaccaya).

Như vậy, tâm Sinh tiếu liên hệ với 19 duyên, không liên hệ với 5 duyên.

3- Tâm bất thiện.

a- Hai tâm Si.

Hai tâm Si có 15 tâm sở phối hợp, thành nhóm 16 danh pháp.

*- Tâm Si hợp phóng dật.

Trong tâm này có: Si thuộc về Nhân duyên; Tầm và Cần thuộc về Đạo duyên; tâm sở Nhất hành do ảnh hưởng của tâm sở Phóng dật quá mạnh nên không thuộc về Quyền duyên, Đạo duyên và Thiền duyên.

Tâm Si hợp phóng dật không có liên hệ với Trưởng duyên, Sinh tiền duyên và Quả duyên.

Như vậy, tâm Si hợp phóng dật liên hệ được 19 duyên, không liên hệ 5 duyên.

* Tâm Si hợp hoài nghi.

Trong tâm này, tâm sở Nhất hành là Quyền duyên, Thiền duyên và Đạo duyên.

Tâm Si hợp hoài nghi không có Trưởng duyên, Sinh tiền duyên và Quả duyên.

Như vậy chúng liên hệ được 21 duyên, không liên hệ 3 duyên.

b- Tám tâm Tham.

Có 22 tâm sở hợp trong tám tâm Tham.

- Tham Si là năng duyên của Nhân duyên.

- Tâm Tham, Dục, Cần là năng duyên của Trưởng duyên.

Cảnh trưởng duyên cũng có ở đây.

- là năng duyên của Nghiệp duyên.

- Tâm Tham, Xúc, Tư là năng duyên của Vật thực duyên.

- Tâm Tham, Thọ, Nhất hành, Mạng quyềnCần là năng duyên của Quyền duyên.

- Tầm (vitakka), Tứ, Hỷ,(thọ) Lạc Định là năng duyên của Thiền duyên.

- Tầm (vitakka), Định, Tà kiến và Cần là năng duyên của Đạo duyên.

Không có Sinh tiền duyên và Quả duyên.

Như vậy, tâm Tham chỉ liên hệ 22 duyên, không liên hệ với 2 duyên.

c - Hai tâm Sân.

Tương tự như 8 tâm Tham, chỉ khác là tâm sở Sân thay thế tâm sở tham năng duyên của Nhân duyên.

Trong tâm sân có thọ ưu, được kể là năng duyên của Thiền duyên.

4- Tâm Tịnh hảo.

Tâm Tịnh hảo là những tâm tốt đẹp, được phân theo giới vức như sau:

a- Tâm Dục giới tịnh hảo. Có 24 tâm là:

*- Tám tâm thiện Dục giới.

Có 38 tâm sở phối hợp với tám tâm thiện này. Trong đó:

- Ba nhân thiện: Vô tham, vô sân, vô si là năng duyên của Nhân duyên.

- Tám danh pháp: Tâm (citta), thọ, định (ekaggatā), mạng quyền (jīvita), tín, niệm, cần (vīriya) và trí là năng duyên của Quyền duyên.

- Dục, cần , tâm (citta), trí là năng duyên của Trưởng duyên.

 - Tư (cetanā) là năng duyên của Nghiệp duyên.

- Tâm (citta), xúc, tư là năng duyên của Vật thực duyên.

- Tầm (vitakka), tứ (vicāra), thọ, hỷ, định là năng duyên của Thiền duyên.

- Tầm (vitakka), trí, Giới phần, niệm, định, cần là năng duyên của Đạo duyên.

Tâm thiện không có Quả duyên và Sinh tiền duyên.

Như vậy, tâm thiện Dục giới liên hệ với 22 duyên, không liên hệ 2 duyên.

-Tám tâm quả Dục giới.

Trong tâm quả Dục giới, không có Giới phần và Vô lượng phần.

Trong tâm quả không có Trưởng duyên, Sinh tiền duyên, Sinh hậu duyên và Tập hành duyên, nhưng có thêm Quả duyên.

Như vậy, tâm quả Dục giới liên hệ với 20 duyên, không liên hệ với 3 duyên.

* Tâm Duy tác Dục giới.

Đây là loại tâm có trong đời sống thường ngày của vị Thánh Alahán, cấu trúc như tâm thiện Dục giới, chỉ khác là đặc tính vô ký mà thôi.

Tâm Duy tác có liên hệ với 22 duyên, không liên hệ 2 duyên như tâm thiện Dục giới.

 b - Tâm Sắc giới. Có 15 tâm.

Có 35 tâm sở hợp với 15 tâm Sắc giới là 38 tâm sở  [44] trừ đi Giới phần (nói chung).

Như tâm thiện Dục giới, tâm thiện Sắc giới và tâm Duy tác sắc giới liên hệ với 22 duyên, không liên hệ với 2 duyên là Sinh tiền duyên và Quả duyên.

Tâm quả Sắc giới liên hệ với 21 duyên trừ Trưởng duyên, Sinh tiền duyên và Tập hành duyên.

c - Tâm Vô sắc giới. Có 12 tâm.

Có 30  [45]  tâm sở hợp với 12 tâm Vô sắc giới.

Tâm thiện Vô sắc giới và tâm Duy tác vô sắc giới liên hệ với 22 duyên, không liên hệ với Sinh tiền duyên và Quả duyên.

Tâm quả Vô sắc giới liên hệ với 20 duyên, không liên hệ với 4 duyên: Sinh tiền duyên, Trưởng duyên, Tập hành duyên và Sinh hậu duyên.

 d - Tâm Siêu thế: Có 40 tâm. Là 20 tâm Đạo và 20 tâm quả Siêu thế.

Có 38 tâm sở hợp với 40 tâm Siêu thế.

Tâm Đạo không liên hệ với Sinh tiền duyên, Quả duyên và Tập hành duyên. Nên liên hệ với 21 duyên, không liên hệ vớ 3 duyên.

Tâm quả Siêu thế không liên hệ với Tập hành duyên, Sinh tiền duyên. Nên liên hệ với 22 duyên, không liên hệ với 2 duyên.

Có câu hỏi: Các tâm thiện Dục giới, Sắc giới, Vô sắc giới đều liên hệ với 22 duyên; vì sao các tâm thiện Sắc giới cao hơn tâm thiện Dục giới, tâm thiện Vô sắc giói lại cao hơn tâm thiện Sắc giới?

Tâm Đạo chỉ liên hệ với 21 duyên, vì sao được gọi là tâm Siêu thế?.

 Đáp. Vì mãnh lực của Tập hành duyên (āsevanāpaccaya).

Những tâm thiền được thành tựu do thiền tướng và Tập hành duyên.

Khi thiền tướng được nâng cao bởi Tập hành duyên thì tâm đó được nâng cao.

Tương tự như vậy với tâm Đạo, tâm Đạo được thành tựu từ thiền tướng Vô tướng hoặc vô nguyện hoặc không tánh [46]  cùng với sức mạnh của Tập hành duyên.

Thiền tướng này cùng với sức mạnh cực điểm của Tập hành duyên, nên các Quyền duyên, Thiền duyên, Đạo duyên trở nên cao tột.

Khi những duyên này trở thành cao nhất thì tâm đó cũng trở nên cao nhất và trở thành Siêu thế.

II - Sắc pháp.

Trong 28 sắc pháp:

- Sắc Tứ đại (đất, lửa, gió, nước), là năng duyên của năm duyên:

Đồng sinh duyên, Hổ tương duyên, Y duyên, Vô hữu duyên Bất ly duyên.

- Sắc mạng quyền (jīvitindriyarūpa), là năng duyên của sắc nghiệp tạo (kammajarūpa), theo cách Quyền duyên (indiyapaccaya).

- Sắc vật thực (āhāra), là năng duyên của các sắc vật thực tạo (āhārajarūpa), theo cách Vật thực duyên (āhārapaccaya).

Có 13 sắc là: 5 sắc thần kinh, 7 sắc cảnh và sắc Ý vật, có liên hệ với danh pháp theo một số duyên riêng.

* Năm sắc thần kinh.

Liên hệ với “năm đôi thức” như mẹ với con, theo 3 cách Sinh tiền là: Vật sinh tiền duyên, Quyền sinh tiền duyên Vật sinh tiền bất tương ưng duyên.

* Bảy sắc cảnh.

Liên hệ với Ý giới, năm đôi thức và 3 tâm Quan sát như người cha đối với con, bằng Cảnh sinh tiền duyên .

* Sắc ý vật.

Như cây có mối quan hệ với vị thọ thần ngụ tại đó.

Sắc Ý vật có mối liên hệ với 2 tâm Quan sát thọ xả theo cách Đồng sinh y duyên (sahajātanissaya) vào thời điểm Tục sinh.

Trong thời bình nhật thì liên hệ với danh pháp bằng Vật sinh tiền duyên, Vật sinh tiền bất tương ưng duyên.

Các sắc còn lại không là năng duyên cho bất cứ duyên nào.

H- Duyên phân theo cõi.

Có bốn duyên luôn hiện diện trong ba cõi Dục, Sắc, và Vô sắc giới là:

- Đồng sinh duyên (sahajātapaccaya).

- Y duyên (nissayapaccaya).

- Hiện hữu duyên (atthipaccaya).

-Bất ly duyên (avigatapaccaya).

a - Cõi năm uẩn.

Có đủ 24 hoặc 47 duyên.

b - Cõi bốn uẩn.

Có 21 hoặc 25 duyên:

1’- Nhân duyên (hetupaccaya).

2’- Cảnh duyên (ārammaṇapaccaya).

3’- Trưởng duyên (adhipatipaccaya).

Trưởng duyên được phân tích thành 2 duyên: Cảnh trưởng duyên, Trưởng đồng sinh duyên.

4’- Vô gián duyên (anantarapaccaya).

5’- Đẳng vô gián duyên (samantarapaccaya).

6’- Đồng sinh duyên (sahajātapaccaya).

7’-Hổ tương duyên (aññamaññapaccaya).

8’- Đồng sinh y duyên (sahajātanissayapaccaya).

9’- Cận y duyên (upanissayapaccaya).

Cận y duyên được phân tích thành 3 duyên : Cảnh cận y duyên, Vô gián cận y duyên và Thường cận y duyên).

10’- Tập hành duyên (āsevanāpaccaya).

11’- Nghiệp duyên (kammapaccaya).

Nghiệp duyên được phân tích thành 2 duyên: Nghiệp đồng sinh duyên, Nghiệp biệt thời duyên.

12’- Quả duyên (vipākapaccaya).

13’- Danh vật thực duyên (nāmāhārapaccaya).

14’- Quyền đồng sinh duyên (sahajātindriyapaccaya).

15’- Thiền duyên (jhānapaccaya).

16- Đạo duyên (maggapaccaya),

17’- Tương ưng duyên (sampayuttapaccaya).

18’- Đồng sinh hiện hữu duyên (sahajātātthipaccaya).

19’- Vô hữu duyên (natthipaccaya).

20’- Ly duyên (vigatapaccaya).

21’- Đồng sinh bất ly duyên (sahajātāvigatapaccaya).

c- Cõi một uẩn.

Có 7 duyên.

1’- Đồng sinh duyên.

2’- Hổ tương duyên.

3’-Đồng sinh y duyên.

4’- Nghiệp biệt thời duyên.

5’-Sắc quyền duyên.

6- Quyền hiện hữu duyên.

7- Quyền bất ly duyên.

d- Với vật vô mạng quyền.

Là chỉ cho sông, núi, cây cỏ, đất đá… Có 5 duyên.

1’- Đồng sinh duyên.

2’- Hổ tương duyên.

3’- Đồng sinh y duyên.

4’- Đồng sinh hiện hữu duyên.

5- Đồng sinh bất ly duyên.

2- Duyên phân theo thời (kāla).

a- Thời hiện tại.

Có 17 hoặc 36 duyên.

1’- Nhân duyên.

2’-Trưởng đồng sinh duyên.

3’- Trưởng duyên.

4’- Hổ tương duyên.

5’- Y duyên (đồng sinh y duyên, Vật sinh tiền y duyên, cảnh vật sinh tiền y duyên).

6’- Sinh tiền duyên (Vật sinh tiền duyên, cảnh sinh tiền).

7’- Sanh hậu duyên.

8’- Nghiệp đồng sinh duyên.

9’- Quả duyên.

10’- Vật thực duyên (Vật thực sắc, vật thực danh).

11’- Quyền duyên (Quyền đồng sinh duyên, Quyền sinh tiền duyên, và sắc Mạng quyền duyên).

12’- Thiền duyên.

13’- Đạo duyên.

14’- Tương ưng duyên.

15’- Bất tương ưng duyên (Đồng sinh duyên, Vật sinh tiền duyên, Cảnh vật sinh tiền bất tương ưng duyên, Sinh hậu duyên).

16’- Hiện hữu duyên ( Đồng sinh hiện hữu duyên, Cảnh sinh tiền hiện hữu duyên, Vật sinh tiền hiện hữu duyên, Sinh hậu hiện hữu duyên, Vật thực hiện hữu duyên, Quyền hiện hữu duyên).

17’- Bất ly duyên ( Đồng sinh bất ly duyên, Cảnh sinh tiền bất ly duyên, Vật sinh tiền bất ly duyên, Sinh hậu bất ly duyên, Vật thực bất ly duyên, Quyền bất ly duyên).

b- Thời quá khứ và vị lai.

Có hai duyên:

1’- Cảnh trưởng duyên.

2’- Cảnh cận y duyên.

c- Thời quá khứ, vị lai và ngoại thời.

Có hai duyên:

1’- Cảnh duyên.

2’- Trưởng cận y duyên.

I- Duyên phân theo hợp trợ (ghaṭanā).

Gọi là “hợp trợ” vì “cùng giống”, đồng thời có chi pháp năng duyên trùng nhau. Xin minh họa bằng “Nhân duyên” như sau:

Nhân duyên. Thuộc giống đồng sinh, có chi pháp năng duyên là “6 nhân tương ưng”.

1’- Trưởng đồng sinh duyên. Có chi pháp năng duyên trùng là “tâm sở Trí”.

2’- Đồng sinh duyên. Có chi pháp năng duyên là “tất cả danh pháp”.

3’- Hổ tương duyên. Có chi pháp năng duyên là “tất cả danh pháp”.

4’- Đồng sinh y duyên. Có chi pháp năng duyên là “tất cả danh pháp”.

5’- Quả duyên. Có chi pháp năng duyên trùng là “3 nhân : Vô tham, vô sân và trí trong tâm quả”.

6’- Quyền đồng sinh duyên. Có chi pháp trùng là “tâm sở Trí”.

7’- Đạo duyên. Có chi pháp trùng là “tâm sở Trí”.

8’- Tương ưng duyên. Có chi pháp năng duyên là “tất cả danh pháp”.

9’- Đồng sinh bất tương ưng duyên. Như trên

10’- Đồng sinh hiện hữu duyên. Như trên.

11’- Đồng sinh bất ly duyên. Như trên.

Đồng sinh nghiệp duyên (sahajātakammapaccaya). Có chi pháp năng duyên là “tâm sở Tư”.

Danh vật thực duyên (nāmāharapaccaya). Có chi pháp năng duyên là “tâm sở Xúc, tâm sở Tư và tâm”.

Hai duyên này không có chi pháp năng duyên trùng với chi pháp năng duyên của “Nhân duyên”, nên chúng không hợp trợ với Nhân duyên.

Như vậy Nhân duyên có 11 duyên hợp trợ (Học viên tìm lấy những duyên hợp trợ các duyên sau).

b- Cảnh duyên.

Có 7 duyên hợp trợ:

1’- Cảnh trưởng duyên.

2’- Cảnh vật sinh tiền y duyên.

3’- Cảnh cận y duyên.

4’- Cảnh sinh tiền duyên.

5’- Cảnh vật sinh tiền bất tương ưng duyên.

6’- Cảnh sinh tiền hiện hữu duyên.

7’- Cảnh sinh tiền bất ly duyên.

c - Cảnh trưởng duyên.

Có 7 duyên hợp trợ:

1’- Cảnh duyên.

2’- Cảnh vật sinh tiền y duyên.

3’- Cảnh cận y duyên.

4’- Cảnh sinh tiền duyên.

5’- Cảnh vật sinh tiền bất hợp duyên.

6’- Cảnh sinh tiền hiện hữu duyên.

7’- Cảnh sinh tiền bất ly duyên.

d - Trưởng đồng sinh duyên.

Có 12 duyên hợp trợ:

1’- Nhân duyên.

2’- Đồng sinh duyên.

3’- Hổ tương duyên.

4’- Đồng sinh y duyên.

5’- Quả duyên.

6’- Vật thực danh duyên.

7’- Quyền đồng sinh duyên.

8’- Đạo duyên.

9’- Tương ưng duyên.

10’- Đồng sinh bất tương ưng duyên.

11’- Đồng sinh hiện hữu duyên.

12’- Đồng sinh bất ly duyên.

e - Vô gián duyên.

Có 6 duyên hợp trợ:

1’- Đẳng vô gián duyên.

2’- Vô gián cận y duyên.

3’- Tập hành duyên.

4’- Nghiệp biệt thời duyên.

5’- Vô hữu duyên.

6’- Ly duyên.

f- Đồng sinh duyên.

Có 7 duyên hợp trợ:

1’- Hổ tương duyên.

2’- Đồng sinh y duyên.

3’- Quả duyên.

4’- Tương ưng duyên

5’- Đồng sinh bất tương ưng duyên.

6’- Đồng sinh hiện hữu duyên.

7’- Đồng sinh bất ly duyên.

g- Hổ tương duyên.

Có 7 duyên hợp trợ:

1’- Đồng sinh duyên.

2’- Đồng sinh y duyên.

3’- Quả duyên.

4’- Tương ưng duyên

5’- Đồng sinh bất tương ưng duyên.

6’- Đồng sinh hiện hữu duyên.

7’- Đồng sinh bất ly duyên.

h- Vật sinh tiền y duyên.

Có 5 duyên hợp trợ:

1’- Cảnh sinh tiền y duyên.

2’- Vật sinh tiền duyên.

3’- Vật sinh tiền bất tương ưng duyên.

4’- Vật sinh tiền hiện hữu duyên.

5’- Vật sinh tiền bất ly duyên.

j - Cảnh vật sinh tiền y duyên.

Có 8 duyên hợp trợ:

1’- Cảnh duyên.

2’- Cảnh trưởng duyên.

3’- Cảnh cận y duyên.

4’- Cảnh sinh tiền duyên.

5’- Cảnh vật sinh tiền duyên.

 6’- Cảnh vật sinh tiền bất hợp duyên.

7’- Cảnh sinh tiền hiện hữu duyên.

8’- Cảnh sinh tiền bất ly duyên.

k- Thường cận y duyên.

Có 1 duyên hợp trợ:

1’- Nghiệp biệt thời duyên.

l- Cảnh sinh tiền duyên.

Có 7 duyên hợp trợ:

1’- Cảnh duyên.

2’- Cảnh trưởng duyên.

3’- Cảnh vật sinh tiền y duyên.

4’- Cảnh cận y duyên.

5’- Cảnh vật sinh tiền bất tương ưng duyên.

6’- Cảnh sinh tiền hiện hữu duyên.

7’- Cảnh sinh tiền bất ly duyên.

o - Sinh hậu duyên.

Có 3 duyên hợp trợ:

1’- Sinh hậu bất tương duyên.

2’- Sinh hậu hiện hữu duyên.

3’- Sinh hậu bất ly duyên.

m- Tập hành duyên.

Có 5 duyên hợp trợ:

1’- Vô gián duyên.

2’- Đẳng vô gián duyên.

3’- Vô gián cận y duyên.

4’- Vô hữu duyên.

5’- Ly duyên.

n- Nghiệp đồng sinh duyên.

Có 9 duyên trợ:

1’- Đồng sinh duyên.

2’- Hổ tương duyên.

3’- Đồng sinh y duyên.

4’- Quả duyên.

5’- Vật thực danh duyên.

6’- Tương ưng duyên.

7’- Đồng sinh bất tương ưng duyên.

8’- Đồng sinh hiện hữu duyên.

9’- Đồng sinh bất ly duyên.

p - Nghiệp biệt thời duyên.

Có 6 duyên:

1’- Vô gián duyên.

2’- Đẳng vô gián duyên.

3’- Vô gián cận y duyên.

4’- Thường cận y duyên

5’- Vô hữu duyên.

6’- Ly duyên.

q - Quả Duyên.

Có 7 duyên hợp trợ:

1’- Đồng sinh duyên.

2’- Hổ tương duyên.

3’- Đồng sinh y duyên.

4’- Tương ưng duyên.

5’- Đồng sinh bất tương ưng duyên.

6’- Đồng sinh hiện hữu duyên.

7’- Đồng sinh bất ly duyên.

r - Vật thực sắc duyên.

Có hai duyên hợp trợ:

1’- Vật thực hiện hữu duyên.

2’- Vật thực bất ly duyên.

t- Danh vật thực duyên.

Có 11 duyên hợp trợ.

1’- Trưởng đồng sinh duyên.

2’- Đồng sinh duyên.

3’- Hổ tương duyên.

4’- Đồng sinh y duyên

5’- Nghiệp đồng sinh duyên.

6’- Quả duyên.

7’- Quyền đồng sinh duyên.

8’- Tương ưng duyên.

9’- Đồng sinh bất tương ưng duyên.

10’- Đồng sinh hiện hữu duyên.

11’- Đồng sinh bất ly duyên.

s- Đồng sinh quyền duyên.

Có 13 duyên hợp trợ:

1’- Nhân duyên.

2’- Trưởng đồng sinh duyên.

3’- Đồng sinh duyên.

4’- Hổ tương duyên.

5’- Đồng sinh y duyên.

6’- Quả duyên.

7’- Vật thực danh duyên.

8’- Thiền duyên.

9’- Đạo duyên.

10’- Tương ưng duyên.

11’- Đồng sinh bất tương ưng duyên.

12’- Đồng sinh hiện hữu duyên.

13’- Đồng sinh bất ly duyên.

i- Quyền sinh tiền duyên.

Có 5 duyên hợp trợ:

1’- Vật sinh tiền y duyên.

2’- Vật sinh tiền duyên.

3’- Vật sinh tiền bất tương ưng duyên.

4’- Vật sinh tiền hiện hữu duyên.

5’- Vật sinh tiền bất ly duyên.

y - Sắc Mạng quyền duyên.

Có hai duyên hợp trợ:

1’- Quyền hiện hữu duyên.

2’- Quyền bất ly duyên.

u - Thiền duyên.

Có 10 duyên hợp trợ:

1’- Đồng sinh duyên.

2’- Hổ tương duyên.

3’- Đồng sinh y duyên.

4’- Quả duyên.

5’- Quyền đồng sinh duyên.

6’- Đạo duyên.

7’- Tương ưng duyên.

8’- Đồng sinh bất tương ưng duyên.

9’- Đồng sinh hiện hữu duyên.

10’- Đồng sinh bất ly duyên.

w - Đạo duyên.

Có 12 duyên hợp trợ:

1’- Nhân duyên.

2’- Trưởng đồng sinh duyên.

3’- Đồng sinh duyên.

4’- Hổ tương duyên.

5’- Đồng sinh y duyên.

6’- Quả duyên.

7’- Quyền đồng sinh duyên.

8’- Thiền duyên.

9’- Tương ưng duyên.

10’-Đồng sinh bất tương ưng duyên.

11’- Đồng sinh hiện hữu duyên.

12’- Đồng sinh bất ly duyên.

z - Tương ưng duyên.

Có 6 duyên hợp trợ:

1- Đồng sinh duyên.

2- Hổ tương duyên.

3- Đồng sinh y duyên.

4- Quả duyên.

5- Đồng sinh hiện hữu duyên.

6- Đồng sinh bất ly duyên.

 v’-Đồng sinh bất tương ưng duyên.

Có 6 duyên hợp trợ:

1’- Đồng sinh duyên.

2’- Hổ tương duyên.

3’- Đồng sinh y duyên.

4’- Quả duyên.

5’- Đồng sinh hiện hữu duyên.

6’- Đồng sinh bất ly duyên.

Dứt phần khái lược duyên hệ.

-ooOoo-



 [1] - Abhs. Chương VI. Phần 3.

 [2] - DhP. Câu 200.

 [3] - Là sắc bên ngoài thân chúng sinh.

 [4] - Do nghiệp tạo, do tâm tạo, do vật thực tạo và do khí hậu tạo.

 [5] - S.iii, 58 . Kinh Thủ chuyển (Upādānaparipavattasuttaṃ).

 [6] - A.v, 113. Pháp 10 chi. Phẩm song đối (Yamakavaggo); kinh Vô minh (avijjā suttaṃ).

 [7] - Là : Nhãn xúc, nhĩ xúc, tỷ, xúc, thiệt xúc, thân và ý xúc.

 [8] - Vedanā paccaya taṅhā :  Thọ duyên ái.

 [9] - Là: Thân hành, ngữ hành, ý hành, phi phúc hành, phúc hành và bất động hành.

 [10] - Là: Nhãn thức, nhĩ thức, tỷ thức, thiệt thức, thân thức và ý thức.

 [11] - Đại trưởng lão Nārada. Vi diệu pháp toát yếu; Ô. Phạm Kim Khánh dịch; tr. 397.

 [12] - Bộ phận sinh dục.

 [13] - Dhp. Câu 371.

 [14]  – Có 15 Danh quyền có 14 là: Ý quyền, danh Mạng quyền,  5 Thọ quyền, 5 giác phần quyền và 3 Siêu thế quyền. Nếu nói theo chi pháp thì có 8 là: Ý quyền, danh Mạng quyền, Thọ quyền, Tín quyền, Tấn quyền, Niệm quyền, định quyền và Tuệ quyền.  

 [15] - Vsm. Chương 17. 610.

 [16] - A.i, 115. Pháp ba chi, kinh Thiên giới (Devalokasuttaṃ).

 [17] -D.iii, kinh Đế Thích vấn đạo (Sakkapañhasuttaṃ).

 [18] - Trong Siêu lý cao học của Đức Tịnh sự biên soạn ghi là: 11 1 tâm (trừ  10 thức).

 [19] - Vsm. Chương 17. 611.

 [20] -  Tuy nhiên, các Giáo thọ sư sau này,  cho rằng: Tâm vô nhân có chi thiền, vì các tâm này có tinh năng hoạt. 

 [21] - Vsm. Chương 17. 611.

 [22] - Là 3 tâm sở: Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh mạng.

 [23] - 13 tâm sở Tợ tha – tâm sở dục = 12 tâm sở.

 [24] - A.ii, 222. Kinh Con đường (maggasuttaṃ).

 [25] - S.iii, 238. Tương ưng Xá Lợi Phất, Sūcimukhi suttaṃ. 

 [26] - A.ii, 235. Pháp bốn chi. Kinh Thánh đạo (ariyamaggasuttaṃ).

 [27] - Là những tâm thiện trong lộ đắc đạo.

 [28] - Năm chi có thể hiện diện đầy đủ là : trí, tầm, tấn, niệm và định.

 [29] - A.iv, 247 . Pháp 8 chi .Kinh Rất là nhẹ.

 [30] - Vsm. Chương 17, 612.

 [31] - Là 15 tâm = 2 tâm quan sát xả thọ + 8 tâm quả dục giới hữu nhân + 5 tâm qaủ Sắc giới.

 [32] - Vsm. Chương 17. 614.

 [33] - Vsm. Chương 17, 615.

 [34] - S.iii, 132. Tương ưng Uẩn (Khandhasamyuttaṃ), kinh Channa (Channasuttaṃ)

 [35] - Vsm. Chương 17, 615.

 [36] -  Ở đây, từ appaccaya không phải là cụm từ kammadhāraya mà là của nhóm Bahubbīhi. Nên: Natthi paccayā etesaṃ ti appacay: Không có điều kiện ở đây, gọi là “không điều kiện”.

Asaṅkhata là một cụm từ kammadhāraya.

do vậy:: Saṃkariyante ti saṅkhatā: Có sự tạo tác, gọi là trở thành.

: Na saṅkhatā ti asaṅkhatā: Không có sự tạo tác, gọi là “không trở thành”..

 [37] -  Có bốn oai nghi cho tất cả chúng sanh là ngồi, đứng, đi và nằm.

 [38] - Mối liên hệ ở đây, ám chỉ cho năng duyên  (paccya)– Ns.

 [39] -  Nhân sinh nhãn thức có bốn là: Có thần kinh nhãn, có cảnnh sắc, có ánh sáng và có tác ý.

 [40] - Tức là : Tâm Nhãn thức là sơ duyên của tâm Hướng ngũ môn qua Vô gián duyên hay Đẳng vô gián duyên.

 [41] - Là tâm Nhãn thức quả thiện và tâm Nhãn thức quả bất thiện.

 [42] - Tạm gọi 18 duyên này là duyên cơ bản. Ns.

 [43] - Có 5 nhóm 11 danh pháp, là: Nhóm Hướng ngũ môn,  2 nhóm Tiếp thâu, 2 nhóm Quan sát thọ xả.

 [44] - 13 tâm sở Tợ tha + 25 tâm sở Tịnh hảo = 38 tâm sở. Đây là nêu tổng quát, nếu tính từng tâm thì lần lượt trừ đi, như tâm nhị thiền trừ đi tầm, tâm tam thiền trừ đi tứ…

 [45] - 38 tâm sở - (3 giới phần + 2 vô lượng phần + tầm, tứ, hỷ)=  30 tâm sở.

 [46] - Hành giả  ghi nhận được “ tướng vô thường”, quán xét “tướng vô thường, an trú tâm trong tướng vô thường ấy, gọi là an trú tâm trong vô tướng định”.

Hành giả ghi nhận được “tướng khổ”, quán xét tướng khổ,  an trú tâm tâm trong tướng khổ, gọi là an trú tâm trong vô nguyện tướng.

Hành giả ghi nhận được tướng vô ngã, quán xét tướng vô ngã, an trú tâm trong tướng vô ngã, gọi là an trú tâm trong không tánh tướng.

-ooOoo-

Ðầu trang | Mục lục | 1.1 | 1.2 | 1.3 | 2.1 | 2.2 | 2.3

 

Chân thành cám ơn Tỳ khưu Chánh Minh đã gửi tặng bản vi tính (Bình Anson, 2008).

[Trở về trang Thư Mục]
last updated: 20-04-2009