Trang gốc

Trang web BuddhaSasana

Unicode Times font

 

CÂY GIÁC NGỘ
The Tree of Enlightenment

Tiến sĩ Peter Della Santina
Thượng tọa Thích Tâm Quang chuyển dịch


PHẦN BA

KIM CANG THỪA
(tiếp theo)

-ooOoo-

CHƯƠNG HAI MƯƠI LĂM
THẦN THOẠI VÀ BIỂU TƯỢNG

Trong Chương 24 chúng ta đã nói về đặc điểm riêng của Kim Cang Thừa trong việc sử dụng tất cả kinh nghiệm để đạt kiến thức trực tiếp hay gián tiếp về tính không có hai mặt. Việc đưa toàn bộ kinh nghiệm vào năng lực sử dụng nỗ lực tinh thần hay đạo lý, thì điều quan trọng là chúng ta chọn những yếu tố kinh nghiệm có nhiều sức mạnh và ý nghĩa lù. Ðiều này không loại trừ sử dụng tất cả kinh nghiệm cho tiến bộ tinh thần. Ðúng hơn nó có nghĩa là trước hết chúng ta tập trung vào loại kinh nghiệm đặc biệt có sức mạnh và có ý nghĩa, sử dụng chúng làm khối xây dựng nhãn quan đã được biến đổi của chúng ta. Rồi chúng ta mở rộng kinh nghiệm đã biến đổi này để cuối cùng bao trùm tất cả kinh nghiệm thậm chí những kinh nghiệm có ít ý nghĩa về mặt nguồn gốc.

Trước tiên, chúng ta chọn những yếu tố kinh nghiệm đặc biệt có tiềm năng và sức mạnh. Trong quá trình này một số yếu tố nguyên mẫu bị tách ra. Yếu tố nguyên mẫu trong kinh nghiệm là những yếu tố có kiểu tồn tại thâm căn cố đế trong cả thức cá nhân và thức tập thể (tức là toàn bộ tất cả thức cá nhân) .

Hãy nhìn vào vài thí dụ đặc biệt về kinh nghiệm nguyên mẫu. Thí dụ thứ nhất thuộc về địa hạt thần thoại. Nét đặc thù nhất của thần thoại là sự tranh đấu giữa thiện và ác. Ðiều này có lẽ là chủ đề tiên khởi căn bản về thần thoại, đã được hình thành trong thần thoại từ thuở sơ khai đến ngày nay. Chẳng hạn, điểm then chốt trong việc tranh giành giữa Rama và Ravana trong Ramayana là sự tranh đấu giữa lực lượng mạnh của cái thiện và lực lượng mạnh của cái ác, và việc này tiếp tục là một chủ đề ưu thế trong hầu hết thần thoại đại chúng. Cách đây không lâu , chúng ta đã xem chủ đề tranh đấu giữa thiện và ác được thần thoại hóa trong bộ phim khoa học viễn tưởng "Chiến Tranh Giữa Các Vì Sao".

Chúng ta cũng thấy chủ đề này trong thái độ và thuật hùng biện của những chính trị gia và những nhà lãnh đạo quốc gia. Chẳng hạn như khi Tổng Thống Hoa Kỳ Ronald Reagan gọi Liên Bang xô Viết là "Ðế Quốc Ác Ðộc" , Ông đã mượn cách nói trong Chiến Tranh giữa Các Vì Sao để biểu lộ sự buộc tội của ông, cuộc chiến đấu giữa thế giới dân chủ và thế giới cộng sản là cuộc chiến đấu của thiện chống ác. Ðó là một chủ đề rất quan trọng trong văn hóa nhân loại. Khi chúng ta gọi chủ đề này là một chủ đề thần thoại, nó không làm mất giá trị của nó. Nếu có bất cứ điều gì, thì nó chỉ tăng giá trị, vì nó cho chủ đề này một chiều hướng siêu nhân, một ý nghĩa tổng quát. Gọi một chủ đề là thần thoại không làm cho nó thành hão huyền -- thật ra, nó làm cho điều đó thật hơn.

Ðương nhiên, thiện và ác là tính hai mặt (chủ thể và khách thể, ta và người khác, luân hồi và niết bàn vân vân...). Sự siêu nghiệm của tính hai mặt về thiện và ác, ưu thếvà sự đồng hóa cái ác bởi cái thiện , được tượng trưng tiêu biểu trong sự xuất hiện của các vị thần trên điện thờ Kim Cang. Trong Chương 24 chúng ta có nói về biến đổi những yếu tố kinh nghiệm và dùng chúng vì tiến bộ tinh thần. Ðiều mà chúng ta bày tỏù nơi đây là sự ưu thế của cái mà chúng ta thường nghĩ là cái ác bằng cái thiện -- đó là sự đồng hóa và biến đổi toàn bộ huyền thoại về cái ác thành hình dạng của những thành phần đặc biệt trên điện thờ Kim Cang.

Ðiều này giải thích sự xuất hiện thông thường của các vị thần trên Ðiện Thờ Kim Cang. Những ai trong số quý vị đã nhìn thấy những bức tranh mật điển và những công trình điêu khắc có thể băn khoăn tại sao những vị thần lại mang chuỗi đầu người và đồ trang sức bằng xương, và vân vân..., và cũng thấy phổ biến là da thú, xương xẩu, khí giới và những thứ tương tự. Tại sao, trong mô tả bằng tranh tượng Kim Cang , có quá nhiều tranh tượng rùng rợn?

Câu trả lời là những đồ trang sức bằng xương, những bộ phận của người và vật, khí giới và vân vân..., tất cả đều là công cụ linh tinh của lực lượng ác được nhận thức trong thức tập thể của chúng ta. Những công cụ hiện được mang và sử dụng bởi các thần Kim Cang tượng trưng một số việc: (1) nó tượng trưng sự chiến thắng cái ác bởi cái thiện ; (2) nó cho thấy việc sử dụng sức mạnh của cái ác vì mục đích của cái thiện; và quan trọng nhất là (3) nó tượng trưng sự thống nhất và siêu nghiệm của tính hai mặt về thiện và ác, niết bàn và luân hồi.

Trên phạm vi thần thoại, đây là cách chúng ta phải hiểu bản chất đặc biệt về sự xuất hiện của các thần Kim Cang -- là sự biểu lộ ưu thế và biến đổi của cái ác, và là sự biểu lộ sự siêu nghiệm về cái thiện và cái ác.

Kim Cang Thừa cũng xúc tiến sự bình đẳng của các đối tượng về ham muốn và ác cảm. Sự bình đẳng này ngụ ý sự siêu nghiệm của những cái đối lập về ham muốn và ác cảm, thiện và ác. Trong biểu tượng của Kim Cang Thừa , chúng ta thấy những đối tượng về ham muốn và ác cảm trong trạng thái gần gũi. Chẳng hạn, chúng ta thấy đồ châu báu và những đầu lâu, một hình dáng phụ nữ khêu gợi và tử thi, hoa sen, mặt trời, mặt trăng và máu, xương và thịt, sát cạnh nhau trong cùng một chân dung. Tất cả những vật này xuất hiện cạnh nhau là ï biểu hiện của sự siêu nghiệm về tính hai mặt thiện và ác, khêu gợi và khó chịu, thanh tịnh và ô uế và những cái tương tự.

Hãy khảo sát một cách cụ thể hơn, những hình dạng đặc biệt của số các biểu tượng nguyên mẫu chúng ta thấy trong Kim Cang Thừa, đa số các biểu tượng này đều liên quan đến sự siêu nghiệm của tính hai mặt. Trước nhất hãy xét đến biểu tượng hợp nhất của nam và nữ, thường thấy nhiều trong truyền thống Kim Cang. Ðó là biểu tượng nguyên mẫu theo ý nghĩa này bao giờ nó cũng là phần căn bản kinh nghiệm của chúng sinh. Nó là một thành phần thâm căn cố đế trong thức cá nhân và tập thể của chúng sinh. Sự hợp nhất nam và nữ đã được sử dụng như một biểu tượng của sự hợp nhất những cái đối nghịch -- thường là biểu tượng của sự hợp nhất trời và đất - trong nghệ thuật, thi văn, của hầu hết các nền văn hóa ở thời này hay thời khác.

Trong Kim Cang Thừa, chúng ta thấy sự sử dụng thịnh hành yếu tố kinh nghiệm mạnh mẽ và có ý nghĩa để mô tả hay tượng trưng cho sự thôáng nhất của huyễn và sắc, niết bàn và luân hồi, trí tuệ và từ bi. Vó dáng phụ nữ đại diện cho huyễn, niết bàn, và trí tuệ như chúng ta thấy ở Chương 22, tính không thực chất được tượng trưng bằng dạng các nữ thần Nairatmya và Vajtavarahi. Vóc dáng nam nhân tượng trưng cho sắc (sự xuất hiện hiện tượng), luân hồi, và từ bi (phương tiện thiện xảo) . Phái nữ cũng được tượng trưng bởi huyễn và phái nam được tượng trưng bởi tính sáng, và vân vân...

Một biểu tượng thịnh hành khác được sử dụng trong việc mô tả tượng hình trong Kim Cang là cây, cây là biểu tượng của cuộc sống, sự lớn mạnh và phát triển. Khi tìm nơi nương tựa vào lúc đầu của khóa thiền Kim Cang, thiền giả thường tưởng tượng những chỗ nương tựa vào cây. Giống như sự hợp nhất của nam và nữ, cây là biểu tượng nguyên mẫu có ý nghĩa giữa các nền văn hóa.

Tôi đã rất ngạc nhiên thấy cây xuất hiện trên biểu tượng của hầu hết tất cả những truyền thống tôn giáo lớn và văn hóa khắp hoàn cầu. Trong truyền thống cơ đốc Giáo, chúng ta thấy cây kiến thức trong Vườn Ðịa Ðàng. Trong truyền thống Phật Giáo cũng vậy, cây là một biểu tượng nguyên mẫu quan trọng. Ðặc biệt, cây để nương tựa có thể được nhận dạng là cây đa hay cây bồ đề. Nhưng cây giác ngộ quay lại một thời kỳ lịch sử Ấn Ðộ trước thời Ðức Phật Thích Ca Mâu Ni. Cây dường như cũng rất quan trọng đối với người dân của nền văn minh Thung Lũng Indus, thăng hoa vào thiên niên kỷ thứ ba trước Công Nguyên.

Nếu chúng ta nhìn xa hơn nữa về sự mô tả bằng tượng hình của Kim Cang , chúng ta thường thấy một vị thần ngồi trên ngai trên một cái cây. Cái ngai là biểu tượng nguyên mẫu của hoàng gia, của quyền lực tối cao và chủ quyền, cũng như vương miện và quyền trượng. Quý vị có thể nhớ lại ở Chương 22 chúng ta có nói về Kim Cang lấy tên từ Kim Cương, quyền trượng của Indra (Vua Ðế Thích) là biểu tượng về chủ quyền. Chắc chắn những biểu tượng này quan trọng trong thức cá nhân và tập thể của chúng ta. Cả đến những xã hội cộng hòa, có một sự mê hoặc to lớn với bảo hoàng. Người Mỹ chắc là đọc nhiều về Hoàng Gia Anh hơn là người Anh Quốc. Chắc là có tài liệu nhiều truyền hình và chuyện giật gân về Hoàng Gia Anh được sản xuất tại Mỹ nhiều hơn tại Anh. Cả đến thể chế về chếù độ tổng thống cũng liên kết với tất cả những biểu tượng về chủ quyền.

Giống như biểu tượng cây, biểu tượng bảo hoàng được thấy trong hầu hết các truyền thống tôn giáo chính. Jesus nói về vương quốc của Thượng Ðế và được gọi là Hoàng Ðế của người Do Thái. Ðức Phật được gọi là Vua của Pháp và vua của lương y. Bài thuyết pháp đầu tiên của Ðức Phật rất phổ thông được gọi là Chuyển Pháp Luân (Kinh Chuyển Pháp Luân) hiện nay được mang tên là Bài Giảng về sự thành lập Vương Quốc Pháp.

Giống như cây, ánh sáng và nước chiếm một địa vị nổi bật trong biểu tượng Kim Cang. Lửa thường bao quanh các vị thần. Ánh sáng là trung gian quan trọng để nhận dạng giữa thiền giả và những dạng thức được quán tưởng về các vị thần. Lửa và ánh sáng là những yếu tố rất quan trọng và có ý nghĩa cho kinh nghiệm của con người. Chắc là do sự khám phá ra lửa mà con người trở thành văn minh. Ngày nay tất cả điều đó vẫn còn rất rõ ràng và hiển nhiên. Có phải vì tất cả chúng ta không thích nhóm lửa, trông nom và điều khiển lửa? Trong truyền thống Kim Cang, lửa tượng trưng những ngọn lửa thiêu đốt và diệt vô minh.

Nước còn cốt yếu cho cuộc sống hơn thực phẩm, và dĩ nhiên nước cần thiết để làm cho đất mầu mỡ. Không ngạc nhiên gì, nước đóng một vai trò quan trọng trong Kim Cang, Nó là biểu tượng của lễ kết nạp (truyền tâm ấn) -- nghi lễ mật điển khích động hạt giống tiềm năng tinh thần. Giống như tưới nước vào đất, hạt giống đi vào sự sống, vậy nên bằng cách phun nước trong lễ kết nạp, hạt giống tiềm năng tinh thần của một người nảy mầm, nó có thể nẩy nở thành kiểu tồn tại hoàn toàn hiểu biết và thay đổi, thực tế của Phật Quả.

Biểu tượng hoa sen không chỉ riêng biệt cho Kim Cang mà hiện hữu trong tất cả miêu tả bằng tượng hình của Phật Giáo. Hoa sen có tính cách văn hóa đặc biệt hơn tất cả những biểu tượng khác mà ta đã xét đến từ trước đến nay. Hoa sen có lẽ liên quan chặt chẽ với ý thức văn hóa Ấn Ðộ, nó là một biểu tượng mạnh mẽ về sự tăng trưởng tinh thần và biến đổi. Vì lý do đó, hoa sen xuất hiện trong Kim Cang như một biểu tượng của sự tăng trưởng tinh thần, siêu việt và biến đổi.

Trong Kim Cang cũng có sự sử dụng đặc biệt về chữ, lời nói và chú. Hơn nữa đây là nguyên mẫu, theo ý nghĩa đó chính là yếu tố mạnh mẽ sâu xa trong thức cá nhân và tập thể. Với người "tiền sử" và người "hiện đại", cái tên của sự vật là nguồn gốc của sức mạnh trên sự vật đó. Người cổ giành được quyền lực trên những lượng thiên nhiên, đặt tên cho những lực lượng ấy. Chẳng hạn gọi sấm sét bão tố là "Indra", người Bà La Môn cổ xưa thiết lập một cơ cấu và mức độ kiểm soát trên nó.

Việc này cũng được phản ảnh rõ ràng trong những kinh nghiệm của chúng ta. Nếu người nào đó đã quệt vào xe bạn ở bãi đậu xe, bạn không có quyền lực gì đối với người này nếu bạn không biết tên họ, nhưng nếu bạn biết tên người chịu trách nhiệm, bạn có thể đòi bồi thường thiệt hại. Cho nên tên là quyền lực. Trong một ý nghĩa nào đó, các tên tạo ra thực tế về mặt vật thể mà nó đại diện. Chẳng hạn, khi tôi nói từ "kim cương" trong ý nghĩa nào đó thực tế về sự vật này đã được tạo ra cho tất cả chúng ta. Xác nhận sức mạnh của chữ, danh xưng, và lời nói, Kim Cang sử dụng chúng trong dạng thức chú để mang lại một loại thực tế nào đó .

Trong Kim Cang, giả định chân thật về quyền lực gắn liền với những cái tên là đặc tính của cuộc sống nhân loại lúc phôi thai được thay thế bằng sự hiểu biết phê phán về cái cách mà những cái tên và lời nói để tạo ra một thực tế riêng biệt. Cái cách mà chúng tác động nhờ sức mạnh của tâm. Chính sức mạnh của tâm khiến cho chữ, lời, tên và chú có một loại thực tế sáng tạo riêng biệt.

Bởi vậy chúng ta thấy trong biểu tượng Kim Cang,việc sử dụng tự do có chủ ý những biểu tượng bằng lời là những phương tiện nhằm tập trung sức mạnh của tâm để sáng tạo và thay đổi. Chẳng hạn, chúng ta tượng trưng tâm bằng âm tiết "Hum" trong tiếng Phạn, và sử dụng biểu tượng này làm phương tiện tượng trưng cho tâm nhìn bề ngoài như là mầm mống của những vị thần trong Ðiện Thờ Kim Cang. Vai trò nguyên mẫu rất sâu xa trong chữ, lời, và tên trong ý thức cá nhân và tập thể. Kim Cang Thừa dùng sức mạnh nguyên mẫu trong biểu tượng của nó, để miêu tả tâm và làm thuận tiện trong việc điều khiển và biến đổi kinh nghiệm.

Mô tả hình tượng của Kim Cang cũng công nhận tầm quan trọng và ý nghĩa của mầu sắc như biểu tượng của một số khuynh hướng và quan điểm. Ðó là một điều đã được thừa nhận bởi các tâm lý gia hiện đại. Vào khoảng giữa thập niên 30, một tâm lý gia nổi tiếng của Mỹ Quốc, đoan quyết với một hãng thuốc lá bình dân là hãy thay đổi hình vẽ trên bao thuốc từ màu xanh thành màu đỏ; bất ngờ số lượng bán ra tăng lên tới 50 , 60 phần trăm. Khi đợt hàng có màu đỏ đã bán hết, nhà sản xuất lại đổi lại từ màu đỏ trở lại màu xanh thì số lượng bán giảm cùng một số lượng. Khi biểu tượng được đổi lại thành đỏ, số lượng bán lại tăng lại. Từ đó những nhà quảng cáo và những người thiết kế đã lưu ý nhiều đến hiệu quả của màu sắc đối với người mua.

Việc này cũng được công nhận trong truyền thống Kim Cang. Có những vai trò riêng biệt và cách sử dụng cho những màu sắc riêng biệt. Chẳng hạn, màu trắng là biểu tượng của sự thanh tịnh -- một ý nghĩa thông thường, tổng quát, và rõ ràng. Nhưng mầu trắng cũng là biểu tượng của sự mờ đục, vô minh, và tùy theo lựa chọn, là một biểu tượng về kiến thức của Pháp Giới. Việc cuối này giải thích tại sao, trong mạn đà la của năm vị Phật trong thiên cảnh, Ðức Tỳ Lô Giá Na được vẽ với màu trắng, và tại sao trong điện thờ Kim Cang, Kim Cang thần được vẽ với màu trắng để biểu thị quan trọng về sự tẩy uế các tội lỗi.

Xanh và đen là biểu tượng của tính không biến đổi. Ðen, không giống như các màu khác, không thể thay đổi được. Một mặt xanh là biểu tượng sân hận, và mặt khác là kiến thức phản ảnh tất cả hiện tượng mà không bóp méo chúng (Giống như màu xanh của nước phản ảnh vô số kể vật thể một cách vô tư) . Cho nên màu xanh là mầu được gọi là tấm gương phản chiếu kiến thức.

Ðỏ là màu của lửa, biểu tượng của ham thích và cũng tượng trưng cho kiến thức biết phân biệt.

Những màu sắc này được sử dụng để mang thông điệp tượng trưng không chỉ liên hệ với năm vị Phật ở thiên giới mà còn liên hệ với những vị thần mật điển khác. Những thông điệp này thường hành hoạt ở độ vô thức hay tiềm thức, nhưng ý nghĩa đặc biệt của chúng lại gây ra một số xúc cảm hay phản ứng (hơn nữa, thường ở mức độ tiềm thức) . Một thí dụ về việc này là sự việc một số người hút thuốc mua thuốc có biểu tượng đỏ thay vì màu xanh mà không hiểu tại sao họ lại thay đổi như vậy.

Bây giờ chúng ta hãy nhìn vào những vật thể đặc biệt mà chúng ta tìm thấy trong nghệ thuật tượng hình Kim Cang, và những ý nghĩa đặc biệt của chúng -- những đồ vật như hỗ trợ, hoặc cơ bản của những vị thần Kim Cang, những đồ vật mà những thần Kim Cang cầm ở tay, và những đồ trang sức tô điểm thân hình họ. Chẳng hạn như thần Kim Cang, giẫm lên hai vị thần Ấn Giáo là Shiva và Parvati. Ðầu tiên ta có thể nghĩ đây chỉ là loại chiến thắng về phần những người Phật Tử, nhưng ý nghĩa của nó thực tế là quan trọng hơn nhiều. Shiva và Parvati tượng trưng cho những cực đoan của bất diệt và hư vô. Ðứng trên nền tảng đó mà thần Kim Cang là biểu tượng của sự siêu việt, hay tránh, hai cực đoan này. Hơn nữa chúng ta thấy thần Kim Cang Mahakala đứng trên một tử thi. Tử thi này tượng trưng cho ngã, cái tôi, và vật chất; Mahaka giẫm chân lên tử thi tượng trưng sự chiến thắng khái niệm về cái ngã hay vật chất.

Nhiều thần Kim Cang cầm dao trong tay. Việc này cho thấy trong việc mô tả tượng hình của Ðại Thừa, chúng ta thấy Ngài Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát cầm một thanh gươm trí tuệ với lưỡi gươm này Ngài cắt cái lưới của vô minh. Trong tay những thần Kim Cang, những con dao cũng là những dụng cụ tượng trưng trí tuệ dùng để cắt vô minh và ảo tưởng.

Trong mô tả tượng hình Kim Cang, chúng ta cũng thấy những vị thần đang uống máu từ những ly bằng sọ người tượng trưng cho khổ não. Bằng việc uống máu này, các vị thần chứng tỏ khả năng có thể hội nhập và làm mất tác dụng khổ đau.

Chúng ta thấy những vị thần Kim Cang thường cầm hạt kim cương và cái chuông. Kim cương tượng trưng phương tiện thiện xảo, và cái chuông tượng trưng trí tuệ. Cầm hạt kim cương và cái chuông tượng trưng sự hợp nhất phương tiện thiện xảo và trí tuệ, bề ngoài và tính không, luân hồi và niết bàn.

Nhiều thần Kim Cang đội vương miện năm đầu lâu trên đầu. Năm đầu lâu này tượng trưng cho năm kiến thức siêu việt, hay trí tuệ, thuộc năm Ðức Phật trên thiên giới: (a) kiến thức của Pháp Giới, (b) kiến thức như gương, (c) kiến thức về bình đẳng, (d) kiến thức biết phân biệt, và (e) kiến thức về thành quả. Thân hình các vị thần được trang điểm với sáu đồ trang sức bằng xương -- vòng tay, vòng chân, thắt lưng, vân vân...Sáu đồ trang sức này tượng trưng cho sáu đức hạnh viên mãn: bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định và trí tuệ.

Sự thật mà chúng ta thấy những đồ vật như vậy thịnh hành trong mô tả tượng hình Kim Cang không phải chỉ là một loại làm say mê với cái lạ lùng và kinh khủng. Ðúng hơn những đồ vật này kiên kết chặt với một số mức ý nghĩa:(i) mức ý nghĩa vô thức sâu xa (hay tiềm thức), (ii) mức ý nghĩa liên quan đến nguyên mẫu văn hóa, và (iii) mức ý nghĩa liên quan đặc biệt và chính xác đến những thành phần riêng biệt của con đường Phật Ðạo.

Trên mức độ rộng nhất, chúng ta đã giải quyết tính hai mặt chung, quan trọng: chủ đề thần thoại, chủ đề thiện và ác, nguyên mẫu của nam nữ, và vân vân... Ðặc biệt hơn nữa, chúng ta đã giải quyết vấn đề nguyên mẫu có sức mạnh đặc biệt và ý nghĩa cho chúng sinh -- những nguyên mẫu của cây, ngai vàng, lửa và vân vân...; những thái cực của chủ nghĩa bất diệt và hư vô, những giá trị của những phương tiện thiện xảo, và trí tuệ. Trên mức độ thậm chí đặc biệt hơn nữa, chúng ta đã nhìn vào những đồ vật tiêu biểu liên quan đến những khoản đặc biệt trong học thuyết Phật Giáo, như năm kiến thức siêu việt và sáu đức hạnh viên mãn.

Ðiều mà tôi cố gắng làm trong chương này là đưa ra một số chỉ dẫn về cách thức thần thoại Kim Cang và biểu tượng Kim Cang tạo ra và ý nghĩa những chân dung và hình ảnh mà chúng ta tìm thấy trong tượng hình Kim Cang. Sẽ là một sự lầm lẫn nếu coi hình ảnh và biểu tượng Kim Cang bằng một cách nào đó tùy hứng, ngẫu nhiên, hay thường là gây xúc cảm. Trái lại, truyền thống Kim Cang sử dụng thần thoại và biểu tượng một cách có ý thức và tính toán cẩn thận cho mục đích riêng biệt giúp cho hành giả tiến mau tới Phật quả.

-ooOoo-

CHƯƠNG HAI MƯƠI SÁU
NHỮNG THỰC HÀNH SƠ BỘ

Trong những Chương từ 22 đến 26, tôi cố gắng phác họa đại cương điều mà chúng ta có thể gọi là vũ trụ kinh nghiệm của Kim Cang. Ðó là lý do tại sao tôi bắt đầu bằng việc xem xét môi trường văn hóa và trí thức trong đó Kim Cang xuất hiện, rồi tiếp tục xét đến bối cảnh tôn giáo và triết lý, phương pháp học, thần thoại và biểu tượng. Trong những chương từ 27 đến 29, tôi sẽ nhìn vào những giai đoạn thực tế trong sự tu tập theo con đường Kim Cang. Nói chung có ba giai đoạn:(1) giai đoạn sơ bộ hay chuẩn bị, (2) giai đoạn nhập học, và (3) giai đoạn thực hành thực tế. Tôi đã chia giai đoạn sơ bộ thành hai loại: thường và đặc biệt.

Như đã ghi trong Chương 22, Ðại Thừa và Kim Cang thực ra là hai thành phần cấu tạo của một truyền thống. Ðiểm khởi thủy cũng như mục tiêu cuối cùng đều giống nhau; những truyền thống này chỉ khác biệt trong phương pháp sử dụng đi từ lúc khởi thủy đến mục tiêu. Từ đó chúng ta có thể hiểu được rằng, bằng những chuẩn bị sơ bộ chung, có một sự tương đồng lớn giữa cái cần đến trong tu tập Ðại Thừa và cái cần đến trong tu tập Kim Cang.

Chúng ta đề cập đến những những chuẩn bị sơ bộ ngắn gọn để nhấn mạnh lại rằng sự tu tập Kim Cang không phải là sự thực hành có thể thực thi mà không cần đến loại chuẩn bị thích hợp. Thực ra, những sự chuẩn bị chung cần cho sự tu tập Kim Cang là những chuẩn bị cần cho toàn bộ con đường Ðại Thừa. Trong loại thực hành sơ bộ chung này, chúng ta có (1) quy y kế theo sau là (2) suy ngẫm về khổ đau, (3) nghiệp luật, (4) cái chết và vô thường, và (5) tính chất đúng lúc và may mắn của hoàn cảnh được làm người, (6) trau dồi tình thương yêu và từ bi, và (7) sản sinh tư tưởng giác ngộ. Chúng ta kết thúc bằng (8) trau dồi nhất tâm, hay tập trung, và thâm nhập tuệ giác. Tất cả những điều trên đây là điều kiện tiên quyết chung cho sự tu tập Kim Cang Thừa.

Với một vài ngoại lệ, thực hành sơ bộ chung của Kim Cang Thừa giống như của Ðại Thừa. Một ngoại lệ là cách thực hành quy y. Trong khi trong truyền thống Ðại Thừa có ba đối tượng để quy y - Ðấng Giác Ngộ, Pháp của Ngài và Hội Ðồng Cao Quý của Bồ Tát Không Thối chuyển, hay các Bồ Tát đã đạt được giai đoạn thứ bẩy của Bồ Tát Ðạo cho nên không còn bị trở lại (thế gian), trong Kim Cang Thừa còn có nơi nương tựa thứ tư - sư phụ (trưởng giáo hay lạt ma). Trong một vài truyền thống trong nhóm Kim Cang, có thể có đến sáu đối tượng để quy y, hai đối tượng thêm vào là thần hộ mệnh và nữ thần dakinis (không thực chất). Thần hộ mệnh là hình tướng tối mật của Phật trong số các vị thần mật điển quan trọng - Hevajra, Chakrasamvara, và những thần tương tự - thiền về những vị này là con đường đầy đủ để giác ngộ. Dakinis là những nữ thần biểu tượng hay tượng trưng cho tính không thực chất. Trong điện thờ Kim Cang, nữ thần dakinis ở vị trí tương đồng với Hội Ðồng Cao Quý, là dạng thức mật điển đặc biệt hay dạng thức Kim Cương của Tăng Ðoàn. Mặc dầu trong một số truyền thống và phạm vi, chúng ta có nhắc đến sáu đối tượng để nương tựa, nhưng thông thường hơn là tìm bốn đối tượng để nương tựa tức là sư phụ, và Tam Bảo.

Sư phụ đặc biệt quan trọng trong truyền thống Kim Cang. Xin nhắc đến hai khái niệm minh họa vai trò và sự quan trọng của sư phụ trong truyền thống Kim Cang. Thứ nhất, sư phụ thi hành chức năng giống như một cái kính lúp. Chúng ta biết mặt trời rất nóng và có sức mạnh vĩ đại, tuy vậy nếu không có kính lúp chúng ta không thể khai thác sức nóng của mật trời để nhen lên ngọn lửa. Tương tự như vậy, mặc dù Ðức Phật và giáo lý của Ngài rất mạnh, nhưng nếu không có sư phụ không thể nhen nhóm ngọn lửa trí tuệ nơi người đệ tử. Sư phụ làm phương tiện tập trung và khai thác sức mạnh của Ðức Phật, Pháp và Tăng Già theo cách thức như vậy, làm cho sức mạnh trở thành hữu hiệu và áp dụng ngay được cho nhu cầu của chính người đệ tử.

Xác nhận vai trò của sư phụ bao giờ cũng có tầm quan trọng lớn nhất. Chúng ta sẽ hiểu rõ hơn nếu chúng ta xem xét câu chuyện của Marpa, một trong những nhà tu nổi tiếng của Tây Tạng du hành qua Ấn Ðộ để tiếp nhận Giáo Lý Kim Cang từ Ngài Naropa. Marpa du hành ba lần sang Ấn Ðộ và nghiên cứu tỉ mỉ cùng với Naropa. Ðược biết một lần khi thần hộ mệnh xuất hiện trước mặt, Marpa lầm lẫn đảnh lễ thần này mà không đảnh lễ sư phụ, Naropa. Nghiệp quả của sự sơ sót này khiến sau này Marpa đã mất những người con trong tai nạn và không có ai kế thừa để truyền thừa giáo lý đã nhận được. Ðây là một trong nhiều chuyện cho thấy sự cần thiết xác nhận tầm quan trọng của sư phụ trong truyền thống Kim Cang. Trong Chương 29, tôi sẽ trình bày hai bộ phận cáu thành cuối cùng trong những chuẩn bị sơ bộ nói chung này - trau dồi nhất tâm và thâm nhập tuệ giác - được áp dụng cho người tu tập trong phạm vi thiền Kim Cang. Bây giờ, tôi xin nhắc lại những chuẩn bị sơ bộ này là những điều kiện tiên quyết không thể thiếu được cho việc tu tập nghiêm chỉnh Kim Cang. Không có một truyền thống nào trong Phật Giáo Tây Tạng khuyến khích khởi tu tập Kim Cang mà lại không thực sự dành thời giờ vào việc thực hành sơ bộ này. Tất cả những truyền thống Kim Cang Tây Tạng có nhiều tài liệu truyền khẩu và thành văn về sự trau dồi và tu tập những chuẩn bị sơ bộ này. Mặc dù đôi khi cũng có người tu tập Kim Cang đãø không dành một số thì giờ thích đáng vào việc chuẩn bị sơ bộ, nhưng những người này phải tự mình chịu rủi ro. Tuy nhiên tôi không có ý thỏa thích dọa dẫm như con buôn. Ý tôi muốn nói là nếu quý vị muốn bằng cách nào đó để vào đại học mà không có các lớp dự bị đại học, thì bạn sẽ có nhiều thời gian khó khăn hơn ở đại học.

Tôi muốn có một nhận xét nữa trước khi đi vào sự tu tập sơ bộ riêng biệt rất đặc biệt trong Kim Cang. Tôi đã đi đến chỗ trình bày bản chất hợp nhất của ba truyền thống Phật Giáo chính, Nguyên Thủy, Ðại Thừa và Kim Cang Thừa, và đã cố gắng trình bày Kim Cang tượng trưng cho sự mở rộng tự nhiên của những thành phần được tìm thấy trong các truyền thống khác của Phật Giáo. Cho nên tôi muốn lưu ý quý vị về hai bước trong việc tu tập sơ bộ thông thường: quy y, và thức tỉnh về tư tưởng giác ngộ hay chấp nhận lời phát nguyện Bồ Tát. Tôi muốn gợi ý là những điều này có thể được coi như truyền tâm ấn. Một sự tu tập khác có thể được coi như tương đương với truyền tâm ấn là truyền giới hay gia nhập Tăng Ðoàn.

Tất cả ba thứ thực hành này có thể được nghĩ là những loại kết nạp khác nhau. Tất cả liên quan đến việc gia nhập vào một cộng đồng có sự tu tập đặc biệt: trong trường hợp quy y, nghi lễ tượng trưng cho sự tham gia vào cộng đồng Phật Giáo; trong trường hợp truyền giới nó tượng trưng cho sự gia nhập cộng đồng tu viện; và trong trường hợp phát nguyện Bồ tát nó tượng trưng cho sự gia nhập vào dòng dõi hay gia đình Ðức Phật. Ba nghi lễ này trong ý nghĩa nào đó là lễ kết nạp liên quan đến chấp nhận một số cam kết: quy y với cam kết cố gắng giữ giới luật của người cư sĩ; gia nhập tu viện với cam kết giữ giới luật sa di; và phát nguyện Bồ Tát là giữ lời cam kết của Bồ Tát. Có những khía cạnh thể chế về quy y, truyền giới sa di và phát nguyện Bồ Tát tương tự với những yếu tố quan trọng của truyền tâm ấn trong Kim Cang Thừa.

Chúng ta tiếp tục nhìn vào những thực hành sơ bộ đặc biệt thường cần cho sự tu tập Kim Cang. Không bắt buộc là ta phải hoàn tất những chuẩn bị sơ bộ trước khi bắt đầu bất cứ một loại tu tập nào của Kim Cang. Cũng không bắt buộc phải hoàn tất những chuẩn bị sơ bộ trước khi nhận truyền tâm ấn Kim Cang. Tuy nhiên bắt buộc là ta phải hoàn tất chúng trước khi đi vào thiền ẩn về một trong những thần hộ mệnh chính của Kim Cang. Ðể tu tập thực sự nghiêm chỉnh Kim Cang, những sự chuẩn bị sơ bộ đặc biệt cần phải có.

Thuật ngữ chỉ sự chuẩn bị sơ bộ trong tiếng Tây Tạng gọi là ngon-dro nghĩa đen là "đi trước". Bởi vậy sự thực hành đi trước sự tu tập nghiêm chỉnh. Có bốn sự thực hành sơ bộ thông thường phổ biến trong tất cả những truyền thống Kim Cang: (1) quy y, (2) sám hối, (3) sư phụ Du Già, và (4) cúng dường Mạn Ðà La. Mỗi thực hành phải thực thi trăm ngàn lần. Thêm vào bốn thực hành này, một số truyền thống đòi hỏi thực hiện lễ lạy và những truyền thống khác lại đòi hỏi những lễ nghi khác.

Quy Y - Như đã được nói đến, trong truyền thống Kim Cang, ta quy y trong bốn "đối tượng" - Ðức Phật, Pháp, Tăng Già, và sư phụ hay trưởng giáo. Quy y liên quan đến sự quán tưởng những đối tượng quy y một cách riêng rẽ hay cùng nhau: (a) ta có thể quán tưởng sư phụ cuả mình, Ðức Phật, Kinh Sách, và Hội Ðồng Cao Quý một cách riêng rẽ, hay (b) ta có thể quán tưởng cả bốn đối tượng hợp nhất lại, hay gom lại trong hình ảnh thần hộ mệnh. Một số quý vị có thể thấy sự quán tưởng này được miêu tả trong những cuộn hình, với những đối tượng quy y được vẽ trên cây, trên ngai vàng, trên hoa sen, và mặt trời hay vành trăng (nhiều biểu tượng hơn ở Chương 25). Sử dụng quán tưởng về bốn đối tượng quy y, chúng ta tụng câu chú quy y một trăm ngàn lần.

Sám Hối - Ðể tiện dụng, tôi đã gọi việc thực hành sơ bộ đặc biệt thứ hai là "sám hối" vì thông thường nó được nhắc đến bằng tên này. Tuy nhiên quan trọng là phải nhớ rằng chúng ta không quan tâm đến sám hối như một phương tiện để củng cố sự tha thứ. Chúng ta không dùng thuậtø ngữ này trong cùng một ý nghĩa nó thường được dùng trong Cơ Ðốc Giáo, nơi đây thú nhận các tội lỗi được theo sau bằng tha thứ từ một sức mạnh bên ngoài. Trong phạm vi này, sám hối chỉ ngụ ý xác nhận những hành động bất thiện của chính chúng ta trong quá khứ và quyết tâm không tái diễn chúng. Ðặc biệt quan trọng trong việc thực hành sám hối về những hành động bất thiện là Ðức Phật Vajrasattva, một hình thức đặc biệt nữa của Ðức Phật giống như những Ðức Phật (Tỳ Lô Giá Na Phật, Nam Phật, A Di Ðà Phật, Bất Không Phật và A Súc Phật). Vajrasattva là hình tướng nguyên mẫu của Ðức Phật biểu hiện tình trạng giác ngộ cho mục đích đặc biệt về sám hối và thanh tịnh hóa những hành động bất thiện.

Vajrasattva cũng xuất hiện trên điện thờ Ðại Thừa, và thực hành sám hối các hành động bất thiện là một trong những chuẩn bị sơ bộ được thi hành bởi tất cả những ai dấn thân vào Bồ Tát Ðạo. Ðức Vajrasattva mầu trắng. Ngài có một bộ mặt và hai tay cầm một hạt kim cương và một cái chuông, tượng trung cho phương tiện thiện xảo và trí tuệ. Trong thực hành sơ bộ riêng về sám hối, chúng ta thiền quán đức Vajrasattva và tụng âm tiết chú về Ðức Vajrasattva một trăm ngàn lần.

Ðược biết bốn khả năng phát ra do thực hành sám hối và thanh tịnh hóa những hành động bất thiện. Khả năng thứ nhất là "sức mạnh thánh địa" liên quan đến thần thông của Ðức Vajrasattva như một biểu tượng của sự thanh tịnh. Có một số khả năng phát ra từ việc quán tưởng đến hình tướng của Ðức Vajrasattva. Ðây là sức mạnh biểu tượng giống như loại sức mạnh phát ra trong phạm vi trần gian, từ một biểu tượng như lá cờ quốc gia. Lá cờ quốc gia có sức mạnh biểu tượng, tương tự trong phạm vi thiêng liêng của thiền định, hình ảnh của Ðức Vajrasattva có một thần thông nào đó, thần thông của biểu tượng.

Khả năng thứ hai trong bốn khả năng là "sức mạnh siêu việt" về sự vượt qua. Ðiều này liên quan đến viênï thành thật từ bỏ các hành động bất thiện. Nói một cách khác, trong khi thiền, những hành động bất thiện được vượt qua.

Khả năng thứ ba được phát ra từ sự tu tập này là "sức mạnh trừ tà đều đặn" hay sức mạnh tu sửa bền bỉ liên quan đến quyết tâm thẳng thắn không tái diễn những hành động bất thiện đã làm trong quá khứ. Ðó là sức mạnh để ngăn chận không lặp lại những hành động bất thiện trong tương lai.

Khả năng thứ tư là "sức mạnh hoàn lưu". Việc này liên quan đến các hành động bất thiện thuộc thực tế có điều kiện, chúng không thực sự thâm nhập vào thâm tâm con người, tâm Phật, hay bản chất của tính không.Những hành động bất thiện thực ra là ngẫu nhiên. Chúng giống như bụi làm bẩn vải trắng, hay khói hoặc mây làm tối bầu trời. Vì vậy, thiền về Ðức Vajrasattva dẫn đến sức mạnh hoàn lưu, đó là sự hoàn tất cái thanh tịnh nội tại của chúng ta.

Sư Phụ Du Già - Thực hành sơ bộ thứ ba gọi là sư phụ Du Già. Sư Phụ (trưởng giáo hay lạt ma) là vị sư trưởng, người truyền tâm ấn mật điển hay những kiến thức tinh thần đặc biệt. Mặc dù khá là thông thường đối với những ai không quen thuộc truyền thống Tây Tạng coi tất cả nhà sư Tây Tạng là Lạt Ma, trong truyền thống Tây Tạng, thuật ngữ này chỉ dành cho các vị sư trưởng có đủ tư cách, trong khi các nhà sư thường được gọi là gelong (bhikshu). Thuật ngữ Du Già có nghĩa là "ràng buộc vào nhau", liên kết hay đồng nhất.

Mục đích của sư phụ du già là thiết lập một sự ràng buộc mật thiết giữa trò và thầy. Nơi đây một lần nữa, chúng ta có thể thấy tầm quan trọng của vị thầy dạy trong truyền thống Kim Cang. Sự tu tập này có thể có những dạng thức khác biệt, nhưng chỉ khác nhau chút ít. Tuy nhiên, nói chung nó liên quan đến việc tụng niệm, tụng một trăm ngàn lần một câu kệ này tỏ sự hết lòng của người đệ tử và kính ngưỡng những đức tính của sư phụ.

Tôi muốn mở rộng về điều mà tôi nói trước đây về tầm quan trọng của vị thầy dạy trong truyền thống Kim Cang - tại sao lại như vậy và phải như vậy. Truyền thống Kim Cang trước nhất và trên hết là truyền thống truyền khẩu, từ sư phụ đến đệ tử. Mối liên hệ hay liên kết giữa thầy và trò đặc biệt rất quan trọng. Sự liên kết này dẫn đến sự hình thành dòng dõi. Dòng dõi không những chỉ quan trọng trong Kim Cang Thừa mà còn cho cả truyền thống Phật Giáo nói chung, đặc biệt khi có lễ thụ phong trong tu viện. Nếu quý vị nhìn vào lịch sử chế độ tu viện ở Sri Lanka hay Thái Lan, quý vị sẽ để ý đền tầm quan trọng của dòng dõi. Vì có sự đứt quãng dòng dõi thụ phong trong tu viện, một đặc phái viên được phái đi hết quốc gia Nguyên Thủy này đến quốc gia Nguyên Thủy kia chỉ để nối lại dòng dõi.

Dòng dõi giống như một mạch điện. Khi dòng dõi bị đứt, lễ thụ phong cho đệ tử mới không thể thi hành được. Việc này cũng xẩy ra trong lịch sử tu viện của Tây Tạng, sau sự ngược đãi Phật Giáo của Vua Lan-dar-ma, dòng dõi thụ phong trong tu viện đã được tái thiết lại với sự giúp đỡ của các nhà Sư Trung Hoa. Bởi vậy dòng dõi cực kỳ quan trọng. Nó quan trọng trong truyền thống Kim Cang Thừa vì nó là dòng dõi - dây xích không bị đứt liên kết thầy và trò - đó là giáo lý Kim Cang Thừa được truyền thừa từ thế hệ này đến thế hệ kế tiếp.

Khái niệm về dòng dõi ngụ ý tính đồng nhất của mỗi mắt xích trong dây xích, mỗi thành viên của dòng dõi. Vì vậy, hình ảnh của sư phụ bảo đảm tính đồng nhất giữa thầy trò và thần hộ mệnh. Sau này, chính người đệ tử tạo dựng sợi dây xích này khi phát triển ý thức đồng nhất của mình với thầy và với vị thần hộ mệnh.

Cơ cấu dòng dõi, vì nó hiện thân trong hình ảnh của vị thầy, vượt qua thời gian và không gian. Nó bắc cầu qua hố sâu ngăn cách chúng ta, với thời gian và địa điểm cùng với lối sống của Ðức Phật. Ðó là lý do tại sao trong truyền thống Kim Cang và trong thiền hành, sư phụ đồng nhất với thần hộ mệnh, và nhiệm vụ của hành giả là phải gắn bó chặt chẽ với thần hộ mệnh qua sư phụ. Tu tập hợp nhất với vị trưởng giáo rất quan trọng để tạo nền móng cho mối quan hệ đặc biệt giữa hành giả và sư phụ.

Cúng Dường Mạn Ðà La - Thực hành sơ bộ thứ tư là cúng dường Mạn Ðà La. Nói chung, Mạn Ðà La là một vòng tròn biểu tượng thiêng liêng (hay vi diệu). Trong phạm vi lễ nghi cúng dường Mạn Ðà La tượng trưng hình dạng tiêu biểu của toàn thể vũ trụ trần tục như nó được vẽ trong vũ trụ học Phật Giáo truyền thống. Theo truyền thống, được biết là vũ trụ có Núi Tu Di ở chính giữa, bốn châu ở mỗi phía Núi, bốn châu giữa và vân vân.... Mạn Ðà La là sự tượng trưng tiêu biểu cho vũ trụ truyền thống này.

Trong việc thực hành cúng dường Mạn Ðà La, hành giả cúng dường cho bốn đối tượng quy y (Ðức Phật, Pháp, Tăng Già, và sư phụ) tất cả công đức của mình tạo được từ những hành động thiện, trong dạng tượng trưng về vũ trụ. Hành giả cúng dường tất cả những hành động thiện cho bốn đối tượng này là những kho chứa tất cả những phẩm tính tốt đẹp vì sự lợi ích giác ngộ cho tất cả chúng sinh. Sự cúng dường này được thực thi một trăm ngàn lần. Cùng với việc tụng niệm, hành giả thực hiện một nghi lễ bằng một đĩa bằng kim khí, đá hay gỗ và những hạt gạo, lúa mì hay cát tạo những nét đặc thù tiêu biểu cho vũ trụ học về vũ tru truyền thốngï.

Sự thực hành cúng dường Mạn Ðà La rất hữu hiệu vì nó là một dạng thức tốt nhất về nghiệp. Có năm điều kiện thay đổi nghiệp lực - ba chủ quan và hai khách quan. Ba điều kiện chủ quan là (a) ngoan cố hay tái diễn một hành động, (b) cố ý, và (c) không hối hận. Ðiều kiện khách quan là (d) đức tính và (e) hành động hướng đến người mà mình chịu ơn (xem Chương 8).

Trong việc cúng dường Mạn Ðà La, chúng ta có tất cả những điều kiện dẫn đến nâng cao ảnh hưởng của nghiệp thiện. Chúng ta biểu lộ kiên trì bằng cúng dường một trăm ngàn lần. Chúng ta biểu lộ ý muốn của hành giả cúng dường tất cả công đức trong hình thức tượng trưng này đến những vị giác ngộ. Chúng ta hoàn toàn không có sự hối hận. Nếu chúng ta phải cúng dường những phẩm vật, chúng ta có thể có cảm nghĩ hối hận. Thí dụ, tôi cúng dường tịnh tài cho một tu viện, sau đó tôi có thể nghĩ là tôi cúng quá nhiều. Nhưng với sự cúng dường tượng trưng kiểu này, không thể có nguyên do nào để cảm nghĩ hối hận nảy sinh, cho nên nghiệp thiện phát sinh không bị chống lại. Sau cùng, ai là người đáng được cúng dường hơn các vị giác ngộ, ai là người đáng giá cao nhất và đem lợi ích nhiều nhất cho chúng ta, từ khi chính các vị này đã làm sự giác ngộ có thể đạt được? Bởi vậy thực hành cúng dường Mạn Ðà La tạo công đức để có tiến bộ nhanh trên con đường Kim Cang Thừa.

Tóm lại, bốn việc thực hành sơ bộ đặc biệt đóng góp rất nhiều vào việc chuẩn bị tu tập Kim Cang Thừa một cách nghiêm túc. Việc tụng chú quy y khiến hành giả quyết tâm trên con đường đạo, tạo một nơi trú ẩn bảo đảm che chở ta khỏi chán nản và sao lãng. Thực hành sám hối thanh tịnh hóa những hành động bất thiện. Thực hành sư phụ Du Già đồng nhất hành giả với sư phụ, thiết lập mối tương quan rất chủ yếu cho sự tiến bộ của ta trên con đường Kim Cang Thừa. Cuối cùng, thực hành cúng dường Mạn Ðà La tạo ra khả năng tích cực, năng lực thiện mà ta cần có những tiến bộ nhanh chóng và hữu hiệu.

-ooOoo-

CHƯƠNG HAI MƯƠI BẢY
TRUYỀN TÂM ẤN KIM CANG THỪA

Với chương này, chúng ta đi vào một đề tài quan trọng trong bất cứ một sự dẫn nhập nào vào con đường Kim Cang Thừa. Khoảng hơn nửa thế kỷ Kim Cang Thừa đã được biết đến ở Phương Tây và khắp thế giới, có nhiều khả năng nó bị giải thích sai lầm và hiểu lầm.

Như đã đềø cập tại Chương 27, không có gì khác biệt về hình thức trong lễ truyền tâm ấn được thiết lập riêng ngoài những nghi lễ thông qua đóng một vai trò quan trọng trong truyền thống Phật Giáo. Khó mà hiểu tại sao người ta lại chấp thuận lễ quy y và nghi lễ truyền giới trong tu viện nhưng lại thấy khó hiểu với khái niệm lễ truyền tâm ấn Kim Cang Thừa. Tôi hy vọng rằng bằng cách trình bày nội dung của lễ truyền tâm ấn Kim Cang Thừa và vai trò cũng như chức năng của nó trong phạm vi truyền thống, một số giải thích lầm và hiểu lầm sẽ tiêu tan.

Trước hết hãy nhìn vào nghĩa của thuật ngữ abhiskekha trong tiếng Phạn, được phiên dịch là "lễ kết nạp", "lễ thụ phong", và cả "lễ trao quyền". Không một nghĩa nào trong đó dịch đúng theo nghĩa đen của thuật ngữ gốc này, thực ra có nghĩa là "phun nước" hay "tưới nước" - đặc biệt là tưới nước trên một khu đất, như một cánh đồng.

Chúng ta bắt đầu biết một ít về tính chất của lễ truyền tâm ấn Kim Cang nếu ta xét tại sao thuật ngữ abhisheka được chọn cho lễ nghi này. Câu trả lời là mục đích của nghi lễ là làm cho người đệ tử phấn chấn và tiến mau tới giác ngộ. Giống như ta phải tưới nước trên cánh đồng khi hạt giống đã được gieo, và việc tưới nước này làm hạt giống nở mạnh và nhanh, do đó trong lễ truyền tâm ấn Kim Cang chúng ta làm phấn chấn và làm hạt giống khả năng tinh thần của người đệ tử phấn chấn và phát triển nhanh.

Chúng ta có nơi đây sự ám chỉ đến khái niệm đã được triển khai trong truyền thống Ðại Thừa- ấy là khái niệm về tánh Phật, hay tiềm năng giác ngộ mà mọi người đều có. Tiến trình phát triển và thành quả của tiềm năng tinh thần này được đẩy mạnh bởi abhisheka hay "tưới nước" - một dấu hiệu rõ ràng của chức năng tưới nước hay lễ truyền tâm ấn. Mặc dầu không thuận tiện để dịch abhisheka là "tưới nước" hay "phun nước", nhưng quan trọng là phải nhớ rằng thuật ngữ nói đến một tiến trình phần nào khác về mục đích và ý đồ với cái mà chúng ta có thể nghĩ là nếu chúng ta thừa nhận ở giá trị bề ngoài của nó, coi nó như một loại truyền tâm ấn vào một hội kín hay tương tự.

Xin được mở rộng định nghĩa căn bản và có tính cách ngôn ngữ về truyền tâm ấn trong truyền thống Kim Cang Thừa. Lễ truyền tâm ấn Kim Cang Thừa có nghĩa là giới thiệu đệ tử vào Mạn Ðà La, giới thần thánh hay có phép thần thông của một trong những thần hộ mệnh trên điện thờ Kim Cang - những vị thần có những hình tướng đặc biệt bí truyền của Ðức Phật, thiền định về các ngài có thể mang đến giác ngộ. Trong Chương 27, chúng ta biết Mạn Ðà La là miêu tả tượng trưng về vũ trụ. Trong phạm vi truyền tâm ấn, nó không tượng trưng cho vũ trụ như chúng ta biết, từ một quan điểm không giác ngộ, mà là vũ trụ thiêng liêng và thanh tịnh mà chúng ta đạt được trên mức độ giác ngộ, khi nhãn quan của chúng ta gột rửa được những khuynh hướng bất tịnh. Nhiều điều mà tôi đã nói trong Chương 26 về sự biến đổi năm uẩn thành năm Ðức Phật trên thiên giới được áp dụng vào ý niệm về vũ trụ đã thanh tịnh hoặc đã biến đổi. Cho nên, khi chúng ta nói rằng lễ truyền tâm ấn Kim Cang Thừa giới thiệu một đệ tử vào Mạn Ðà La của một trong những thần hộ mệnh mật điển, ý mà chúng ta muốn nói là giới thiệu người ấy tới vũ trụ thanh tịnh của một trong những thần ấy.

Những vị thần hộ mệnh Kim Cang có thể được chia thành bốn hạng theo thứ tự thần thông hay hiệu lực mang lại sự biến đổi từ lối sống không giác ngộ thành lối sống giác ngộ và thần thánh: (1) hạng kriya, (2) hạng charya, (3) hạng du già, và (4) hạng anuttarayoga. Lễ truyền tâm ấn là giới thiệu một đệ tử vào vũ trụ thần thánh của thần hộ mệnh thuộc một trong những hạng mật điển. Hạng kriya nói về một nhóm thần hộ mệnh và sự tu tập tiên khởi liên quan đến những nghi thức và tu tập ngoại biên. Kriya có nghĩa là "hành động", "nghi thức", "lể". Những vị thần hộ mệnh thuộc hạng này kết hợp với những sự tu tập nói chung là bên ngoài và lễ nghi. Những sự tu tập kết hợp với mật điển kriya thường kéo theo thuyết ăn chay, tắm thường xuyên và cúng dường theo nghi thức.

Trái lại, những thần hộ mệnh thuộc hạng mật điển Charya liên quan đến sự tu tập phải thực thi chủ yếu với những thái độ, ý muốn và quan niệm bên trong của hành giả. Trong khi sự tu tập mật điển kriya ở bên ngoài, thì sự tu tập liên quan đến Charya thường ở bên trong, ngoại trừ những sự tu tập bên ngoài. Hành giả của Charya thường ít giao du hơn những hành giả của hạng Kriya.

Hạng thứ ba, hạng du già của thần hộ mệnh, liên quan đến sự kết hơp tu tập thuộc cả hai hạng kriya và charya. Sự tu tập liên quan đến hạng du gia øtìm cách đi đến sự quân bình giữa sự tu tập bên ngoài và bên trong. Sự quân bình này, hay hợp nhất, giữa sự tu tập bên trong và bên ngoài, phản ảnh trong thuật ngữ yoga (du già) có nghĩa là "kết hợp" hay "hợp nhất".

Trong trường hợp những thần hộ mệnh anuttarayoga, chúng ta có sự siêu việt hay sự hủy bỏ những chướng ngại nhận định ba hạng tu tập đầu (bên ngoài, bên trong và sự kết hợp của cả hai). Anuttara có nghĩa là "siêu việt", trong trường hợp này, vượt qua sự tu tập bên ngoài cũng như bên trong. Bởi vậy thần hộ mệnh hạng anuttara là hạng phát triển cao nhất trong truyền thống Kim Cang Thừa. Chính ở mức độ này, chúng ta đạt được, trong ý nghĩa đầy đủ nhất, sự hội nhập hoàn toàn kinh nghiệm vào con đường Kim Cang, sự hội nhập tự phát dẫn đến sự thay đổi bản thân. Ðó là lý tưởng mà tôi đề cập trong Chương 24 khi bàn thảo về mục đích của phương pháp học trong Kim Cang - gọi là sự hội nhập hoàn toàn kinh nghiệm vào con đường này.

Lễ truyền tâm ấn tự nó có thể có ba loại. Loại thứ nhất là đại lễ truyền tâm ấn hầu như có chức năng toàn diện và bao trùm tất cả. Sử dụng so sánh khá thông thường, đại lễ truyền tâm ấn có lẽ giống như giấy phép lái xe cho bạn quyền được lái mọi loại xe cộ, hay quyền lực rộng rãi mà chính phủ trao cho một đặc phái viên có quyền quyết định một loạt những vấn đề đặc biệt. Ðại lễ truyền tâm ấn hầu như là trao quyền hoàn toàn thường cần phải hai ngày. Ngày thứ nhất dành cho công việc chuẩn bị thường liên quan đến việc trai giới của người đệ tử. Ngày thứ hai dành để dẫn nhập người đệ tử vào Mạn Ðà La của vị thần hộ mệnh liên quan.

Loại truyền tâm ấn thứ hai là loại truyền tâm ấn phụ giống như bằng lái xe cho phép quý vị xử lý loại công việc ít có và đặc biệt về tu tập, tuy thế mà quan trọng và rất hữu hiệu.

Loại thứ ba thậm chí nhiều lúc bị giới hạn nhiều hơn, gồm có lễ truyền tâm ấn khá đơn giản, thường chỉ cần thời gian rất ngắn để ban cho họ khả năng tham gia những công việc tương đối đơn giản liên quan đến những vị thần phụ thuộc một gia đình đông đã được giới thiệu bằng lễ truyền tâm ấn thích ứng. Những loại này đôi khi thường được gọi là ‘hậu lễ" vì theo truyền thống chúng được theo sau đại lễ hoặc lễ truyền tâm ấn phụ.

Những vị thần Kim Cang Thừa cũng được chia thành những gia đình (không liên quan gì đến bốn hạng thần hộ mệnh vừa được đề cập) liên quan với những Ðức Phật của năm gia đình -Tỳ lô Giá Na Phật, Nam Phật, A Di Ðà Phật, Bất Không Phật, và A Súc Phật. Thí dụ như thần hộ mệnh Hevajra liên quan đến gia đình Vajra cầm đầu bởi A Súc Phật, trong khi thần Chakrasamvara liên quan với gia đình của Tỳ Lô Giá Na Phật.

Ðại lễ truyền tâm ấn cũng giống như mua vé suốt mùa cho tất cả những trận đấu. Vé suốt mùa cho phép bạn tham dự bất cứ trận đấu nào hay tất cả những trận đấu, dù bạn muốn xem thì bạn cũng phải trình vé và vé phải được đóng dấu. Tương tự như vậy, đai lễ truyền tâm ấn cho phép bạn nhận tất cả các loạt lễ truyền tâm ấn ít quan trọng hơn, khi bạn nhận mỗi một lễ truyền tâm ấn, bạn vẫn phải tham dự nghi thức thích hợp.

Theo truyền thống, chính đại lễ truyền tâm ấn cho phép người đệ tử đi vào toàn bộ phạm vi của các thần Kim Cang và tu tập. Tuy nhiên trong những năm gần đây, vì nhu cầu lớn mạnh về truyền tâm ấn mật điển, các đại sư Kim Cang đôi khi làm hậu lễ truyền tâm ấn trước vì công việc liên quan với lễ nàyï đơn giản hơn. Việc này đôi khi thấy rất hữu ích, vì nó được dùng làm thử thách trong việc thực hành Kim Cang Thừa, giống như ta được cấp bằng lái xe hai bánh trước khi được cấp bằng lái xe lái tất cả các loại xe.

Tất cả những lễ truyền tâm ấn này phải được cử hành bởi một vị thầy Kim Cang đủ tư cách. Có hai loại phẩm chất cho vị thầy phải có. Trường hợp thứ nhất, vị thầy đã đạt được mức phát triển tinh thần rất cao, được trao quyền trực tiếp từ các thần liên hệ. Loại phẩm chất này là điển hình của những vị đạt đạo, hay Mahasiddhas tại Ấn và một số ít tại Tây Tạng.

Loại phẩm chất thứ hai thường thấy nhiều hơn. Trong trường hợp này, vị thầy được trao quyền của vị thần từ một thầy tổ đủ tư cách. Vị thấy ấy cũng phải thi hành những sự tu tập về thiền định - ẩn tu vân vân... - quy định bởi truyền thống, cũng như bảo đảm sự liên kết đủ thân thiết với vị thần để làm trung gian với thế lực này để giới thiệu những người khác đến Mạn Ðà La của vị thần liên hệ. Rất quan trọng là lẽ truyền tâm ấn Kim Cang Thừa phải được nhận từ một vị thầy phải ít nhất có phẩm chất thứ hai.

Trong lúc lễ truyền tâm ấn Kim Cang, người đệ tử coi người thầy là đồng nhất với vị thần hộ mệnh mà nguoiì đệ tử được giới thiệu vào giới thần thánh. Tương tự như vậy, người đệ tử coi môi trường, tình trạng của cuộc lễ, đồng nhất với vũ trụ thiêng liêng của vị thần hộ mệnh ấy. Trong khi làm lễ, người đệ tử được giới thiệu và đồng nhất với vị thần hộ mệnh (trong hình dạng của vị thầy trong cuộc lễ) và với vũ trụ thiêng liêng được tượng trưng bởi tình trạng của chính lễ truyền tâm ấn.

Cách thức giới thiệu và đồng nhất được tiến hành qua việc sử dụng các biểu tượng. Những biểu tượng này vừa đặc biệt vừa thông thường. Những biểu tượng đặc biệt được tượng trưng bằng nhiều đồ vật lễ nghi. Những đồ vật lễ nghi này liên quan đến, và đại diện cho những thành phần, hay những diễn viên tham gia trong tấn kịch thiêng liêng những người sống trong vũ trụ thiêng liêng này. Trong những cuộc thảo luận của chúng ta về những biểu tượng của Kim Cang Thừa và năm Ðức Phật nguyên mẫu của năm gia đình, chúng ta nói về một số biểu tượng có những ý nghĩa đặc biệt (Xem các Chương 25 và 26). Chúng ta nói về năm gia đình Ðức Phật được tượng trưng bằng những biểu tượng kim cương, vương miện, chuông vân vân...Trong lễ truyền tâm ấn Kim Cang, những đồ vật này là biểu tượng đặc trưng, bằng những vật này, người đệ tử có thể được giới thiệu vào vũ trụ thiêng liêng và rồi tự đồng nhất với vũ trụ thiêng liêng đó, chiêm nghiệm thuần túy về lối sống giác ngộ. Trong lễ truyền tâm ấn, người ta đưa cho người đệ tử kim cương và chuông để cầm, một vương miện để đội và vân vân... Những hành động tượng trưng này được làm để (a) tiến dẫn người đệ tử vào vũ trụ thiêng liêng, và (b) đồng nhất người đệ tử với vũ trụ thiêng liêng đó.

Ngoài những đồ vật tượng trưng đặc biệt này, còn có những biểu tượng đồng nhất thông thường và năng động hơn. Ðó là những biểu tượng về ánh sáng và nước, cũng đã được nói đến trong các cuộc thảo luận về biểu tượng Kim Cang Thừa (xem Chương 25). Trong cuộc lễ, ánh sáng và nước được sử dụng làm phương cách đồng nhất người đệ tử với vị thần hộ mệnh và với vũ trụ thiêng liêng. Ánh sáng được sử dụng làm trung gian để đồng nhất người đệ tử với vị thầy, mà trong phạm vi cuộc lễ là vị thần hộ mệnh. Tương tự như vậy, nước dùng làm biểu tượng để đồng nhất người đệ tử với nhiều mức độ hiểu biết về vũ trụ thiêng liêng. Trong cuộc lễ, ánh sáng và nước hình thành loại cầu nối giữa hai lối sống lúc đầu khác nhau - ấy là sự phân biệt giữa người đệ tử và thầy trong hình thái của vị thần hộ mệnh, và sự phân biệt giữa kinh nghiệm của người đệ tử và kinh nghiệm của vũ trụ thiêng liêng. - được đồng nhất và làm thành một. Người đệ tử được yêu cầu tham gia vào tiến trình quán tưởng lấy ánh sáng và nước làm trung gian đồng nhất với vũ trụ thanh tịnh được hình dung trong lễ truyền tâm ấn Kim Cang.

Lễ truyền tâm ấn là một phương tiện để biến đổi hay gọi nó một cách thô thiển hơn, để tái sinh, hay phục hưng. Thực tế cho thấy là trong đại lễ truyền tâm ấn, người đệ tử được đặt tên mới, giống như tên mới được đặt cho người Phật tử lúc quy y hay khi được truyền giới. Ban tặng tên mới tượng trưng cho sự phục hưng của người đệ tử trong một hình thức mới, vì sự tiến dẫn và sự đồng nhất của người đệ tử với cảø hình thức của thần hộ mệnh và kinh nghiệm của vũ trụ thiêng liêng.

Lễ truyền tâm ấn quan trọng không những vì tự nó là sự tiến dẫn và đồng nhất với vũ trụ thiêng liêng, mà còn cung cấp cho người đệ tử những phương pháp, hay những điều chủ yếu mà sau này người ấy có thể tái tiến dẫn, tái đồng nhất, và tự mình hội nhập với vũ trụ thiêng liêng đã gặp gỡ lần đầu tiên trong cuộc lễ. Những phương pháp hay những điều chủ yếu là (i) quán tưởng với những gì được cung cấp trong phạm vi truyền tâm ấn, khi người ấy nhìn thấy lần đầu tiên vũ trụ thiêng liêng và thanh tịnh dưới hình thức biểu tượng, và (ii) câu chú thích hợp với vị thần hộ mệnh được truyền trao trong tiến trình cuộc lễ.

Bằng sự quán tưởng và câu chú này, người đệ tử có thể tái tạo sự quán tưởng thiêng liêng, tự mình khai tâm đến kinh nghiệm thiêng liêng và tự tái đồng nhất với vũ trụ thiêng liêng. Việc này sẽ xẩy ra sau, trong khi hành thiền thích hợp với vị thần hộ mệnh riêng biệt, vị này truyền tâm ấn cho đệ tử. Trong phạm vi thiền định này, người đệ tử sẽ dùng những điều chủ yếu nhận được trong cuộc le ã- quán tưởng và câu chú - để tự mình tái tạo, tái tiến dẫn, và tái đồng nhất chính mình với kinh nghiệm thiêng liêng. Người ấy không còn cần đến sự hỗ trợ môi trường bên ngoài của cuộc lễ. Ðúng hơn, người ấy có thể tái tạo, tái tiến dẫn, và tái đồng nhất chính mình bằng kinh nghiệm thuần túy tượng trưng bởi những phương tiện của những thành phần mà người ấy nhận được tại đấy. Ðó là vai trò và chức năng đầu tiên của lễ truyền tâm ấn Kim Cang Thừa.

Giống như những lễ truyền tâm ấn khác, truyền tâm ấn Kim Cang đưa ra một số ràng buộc mà người đệ tử phải tôn trọng và gìn giữ. Những việc bình thường như có bằng để lái xe hay hành nghềø y, cũng có cam kết phải tuân theo một số quy tắc hay luật lệ về hành động và mục đích. Tương tự như vậy, trong truyền thống Phật Giáo nói chung, những nghi thức như quy y và truyền giới trong dòng tu viện có một số cam kết mà người đệ tử phải chu toàn.

Trong những điều kiện thông thường, có ba bộ cam kết trong truyền thống Phật Giáo - những cam kết thích ứng cho giải thoát cá nhân (nguyện Ba La Ðề Mộc Xoa), những cam kết thích ứng cho quyết tâm giải thoát tất cả chúng sinh (nguyện Bồ Tát), và những cam kết thích ứng cho việc tu tập Kim Cang Thừa (nguyện Kim Cang). Tóm lại, dặc tính cốt yếu của những cam kết thích ứng cho giải thoát cá nhân là tránh làm thương tổn người khác, đặc tính cốt yếu của cam kết Bồ Tát là để đem lợi ích cho người khác, và đặc tính cốt yếu của cam kết Kim Cang là coi tất cả chúng sinh là một phần của sự quán tưởng thuần túy, là những vị thần của vũ trụ thiêng liêng mà người đệ tử đã tư hữu được do lễ truyền tâm ấn Kim Cang.

-ooOoo-

CHƯƠNG HAI MƯƠI TÁM
TU TẬP KIM CANG THỪA PHẬT GIÁO

Trong chương cuối cùng của bảy chương về con đường Kim Cang Thừa, tôi muốn xét đến việc thiền hành đặc biệt được biết là Sadhana Kim Cang Thừa. Chữ Sadhana có nghĩa là "đạt được", "chứng đắc", hay "chứng minh". Sadhana Kim Cang Thừa là những phương tiện nhờ nó ta có thể đạt được, chứng đắc hay thiết lập kinh nghiệm về vũ trụ thiêng liêng, kinh nghiệm về giác ngộ. Người dấn thân vào tu tập sadhana được gọi là sadhaka. Chứng đắc tự nó được gọi là siddhi và người chứng đắc gọi là siddha. Tôi nhắc đến việc này vì trong Chương 22 tôi có nói đến các vị đạt đạo hay Mahasiddhas, những người đã đạt được kinh nghiệm về giác ngộ do sự tu tập thiền định Kim Cang Thừa, hay sadhana.

Trong Chương 28 chúng ta có nói rằng trong lễ truyền tâm ấn Kim Cang, hành giả được cho những điều chủ yếu để đi vào chứng nghiệm vũ trụ thiêng liêng. Nói chung, những điều chủ yếu này được truyền trao là sự quán tưởng về thần hộ mệnh và những câu kệ miệng đặc biệt hay câu chú, liên quan đến vị thần hộ mệnh. Những việc này hình thành những yếu tố quan trọng trong thiền Kim Cang mà mục đích là tái tạo và thiết lập vũ trụ thiêng liêng. Nhưng nếu chúng ta định tìm hiểu làm thế nào thiền hành Kim Cang có thể giúp cho hành giả đạt kinh nghiệm giác ngộ, thì chúng ta cần phải xét đến sắc thái chung và nội dung thiền Kim Cang Thừa.

Trong khi giải thích thiền hành Kim Cang Thừa, tôi sẽ dùng một cấu trúc tuyệt đối không phổ thông. Quý vị sẽ gặp một số thực tiễn không phù hợp trong từng chi tiết với kiểu mà tôi sẽ dùng nơi đây: chúng có thể khác biệt trong thứ tự về thành phần của chúng, hay có thể được trình bày một cách hơi khác. Tuy nhiên nói rộng ra, những thành phần của cấu trúc này hiện diện trong tất cả những dạng thức thực sự của thiền Kim Cang Thừa. Hơn nữa, sự giải thích mà tôi soạn thảo tỷ mỷ đưa vào những trình bày có thẩm quyền trong luận tạng của truyền thống Kim Cang Thừa.

Một điểm nói chung khác mà tôi muốn nhấn mạnh là thiền Kim Cang Thừa là cả phương pháp (con đường) lẫn mục tiêu (hay kết quả). Ðiều mà tôi muốn nói về phương pháp là bằng cách thiền hành Kim Cang Thừa, ta có thể đạt chứng nghiệm giác ngộ. Trong ý nghĩa ấy, thiền hành Kim Cang Thừa là một phương pháp. Nhưng khi ta tiến hành việc hành thiền, khi ta kiện toàn phương pháp, phương pháp trở thành mục tiêu. Bởi vậy, ở cùng một mức độ thiền Kim Cang Thừa là một phương pháp, nhưng khi hành giả kiện toàn phương pháp, thiền trở thành mục tiêu. Thiền vẫn là phương pháp liên quan đến những cá nhân kém phát triển khác.Ðể tôi thử giải thích việc này bằng cách giới thiệu sự giải thích chung về thiền Kim Cang Thừa mà tôi đề nghị áp dụng - gọi thiền Kim Cang Thừa là mẫu hình, sự tái thiết, sự noi gương hay bản sao sự nghiệp của Bồ Tát và Ðức Phật. Sự nghiệp của Bồ Tát và Ðức Phật vừa là phương pháp vừa là mục tiêu. Khi Bồ Tát tiến trên Bồ Tát Ðạo, con đường là phương pháp. Một khi vị Bồ Tát đạt Phật quả, Bồ Tát Ðạo và sự nghiệp Ðức Phật trở thành mục tiêu, dù liên quan với những chúng sinh khác, chúng vẫn là phương pháp. Thí dụ, như chúng ta thấy tại Chương 15, trong phạm vi Ðại Thừa, sự nghiệp của Ðức Phật - sự ra đời, từ bỏ cuộc đời trần tục, tu khổ hạnh, và đạt Phật quả - chỉ là một tấn kịch được trình diễn vì sự giác ngộ của chúng sinh.

Khi ta tiến bộ trên con đường đạo, phương pháp và mục tiêu trở thành không thể phân biệt. Sự hành trì trở thành mục tiêu cho hành giả, tuy nó vẫn là phương pháp cho những người khác cần phải dẫn đến Phật quả. Cho nên thiền Kim Cang Thừa vừa là phương pháp vừa là mục tiêu - tùy thuộc vào vị trí trên con đường, vào mức độ về hiểu biết và chứng đắc.

Chúng ta hãy chia thiền Kim Cang Thừa thành hai phần, mỗi phần có thể chia thành hai phần phụ. Muốn đạt Phật quả, ta phải hoàn thiện việc thành tựu công đức và kiến thức, hai điều kiện tiên quyết này cần thiết cho việc đạt Phật quả. Thực hành viên mãn về bố thí, trì giới, và nhẫn nhục dẫn đến thành tựu công đức, trong khi viên mãn thiền định và trí tuệ dẫn đến thành tựu kiến thức. Tinh tấn, viên mãn thứ tư, cần thiết cho cả hai thành tựu này.

Phần thứ nhất của thiền hành Kim Cang Thừa là noi gương - biểu lộ tượng trưng tiếp thu, và suy tư Bồ Tát Ðạo, qua đó công đức và kiến thức được hoàn hảo. Thiền Kim Cang Thừa bắt đầu với việc quy y. Trong hầu hết các trường hợp nó tiếp tục, với sự tỉnh thức về tư tưởng giác ngộ và nhớ lại việc thực hành lục độ viên mãn và tứ vô lượng tâm (từ, bi, hỷ và xả). Tất cả những sự thực hành này là biểu lộ tượng trưng, tiếp thu, suy tư, về sự tích lũy công đức của Bồ Tát.

Khi chúng ta xét kỹ nội dung của Sadhana Kim Cang Thừa, chúng ta hầu như đi đến thiền về tính không. Ðây chính là biểu lộ tượng trưng tiếp thu về sự đạt kiến thức của Bồ Tát. Bồ Tát đạt kiến thức do thiền viên mãn và trí tuệ viên mãn. Nơi đây chúng ta có thiền về tính không, một sự hợp nhất thiền và trí tuệ.Cho đến bây giờ, chúng ta mới xét đến phần đầu của thiền Kim Cang, phần này tương ứng với sự nghiệp của Bồ Tát cho đến đạt được Phật quả với sự đạt được công đức và kiến thức. Những điều này được tượng trưng tiêu biểu bởi quy y, tỉnh thức về tư tưởng giác ngộ, tu tập tứ vô lượng tâm, và thiền về tính không.

Sau khi chứng đắc giác ngộ, một khi Phật quả đạt được, thành tựu công đức và kiến thức dẫn đến hai thành quả. Hai thành quả này là hai cõi của Phật quả - cõi sắc và cõi vô sắc. Những cảnh giới này nảy sanh trực tiếp từ thành tựu công đức và trí tuệ. Trong phần thứ hai của thiền Sadhana Kim Cang Thừa, chúng ta có sự biểu lộ tượng trưng, trầm tư mặc tưởng, mẫu hình, hay bản sao về cái thực tế Phật quả gồm có hai cõi này. Ðiều này được tượng trưng trong Sadhana do sử dụng khái niệm về hai tiến trình: (1) tiến trình sáng tạo, nguồn gốc, hay sự sinh ra, và (2) tiến trình hoàn tất, hay viên mãn. Hai tiến trình này tương ứng với hình thái và hai cõi Phật qủa siêu việt.

Trên phương diện nào hai tiến trình sáng tạo và viên mãn được phản ảnh một cách biểu tượng- tái tạo trong kinh nghiệm thiền định - trong phạm vi của thiền Kim Cang Thừa? Theo sau biểu tượng đạt Phật quả, chúng ta quán tưởng về dạng thức của thần hộ mệnh, nói một cách khác, tạo cõi hiện tượng của Phật quả trong hình bóng của vị thần hộ mệnh riêng biệt mà thiền định liên quan tới. Hành giả tạo một mô phỏng có ý thức về cõi Phật quả có tính chất hiện tượng dưới hình thức thần hộ mệnh đang được nói đến. Thêm vào, chúng ta tụng câu chú của thần ấy. Tụng chú này là một biểu tượng tiếp thu gương thiền định về giáo lý Ðức Phật, về Pháp. Hai bộ phận cấu thành này - tạo hình dạng của thần hộ mệnh và tụng chú - và tạo thành tiến trình sáng tạo. Chúng tương ứng với cõi sắc của Phật quả, và là sự mô phỏng những hoạt động huện tượng của Ðức Phật.

Kế theo việc tạo ra hình dạng thần hộ mệnh và tụng chú là sự tan biến hình dạng của thần hộ mệnh thành huyễn (tính không), và sự ngừng tụng chú. Sự tan biến và ngừng lại này là mô hình biểu tượng, trầm tư về cõi siêu việt của Phật quả.

Tuy nhiên trong phần hai của thiền Kim Cang Thừa, chúng ta có sự mô phỏng những hoạt động và sự nghiệp của Ðức Phật, với các cõi Phật quả hiện tượng và siêu việt. Sự mô phỏng này được thực hiện qua việc sử dụng quan niệm tiến trình sáng tạo và viên mãn. Tiến trình sáng tạo cấu thành quán tưởng về vị thần hộ mệnh và việc tụng chú, những việc này là mô hình cõi hiện tượng của Phật - tương ứng với hoạt động và Giáo Pháp của Ngài. Tiến trình hoàn tất cấu thành sự tan biến của thần hộ mệnh và sự ngưng tụng chú, là mô hình về cõi siêu việt của Ðức Phật. Tóm lại trong thiền Kim Cang thừa, chúng ta có một mô hình đầy đủ hay sự mơ phỏng sự nghiệp của chư Bồ Tát và chư Phật. Phần thiền đầu tiên là mô hình thành tựu của Bồ Tát về công đức và kiến thức. Phần hai là mô hình về cõi hiện tượng và siêu việt của Ðức Phật.

Tôi muốn trở lại về khái niệm thiền định và trí tuệ. Ðiểm này đủ để nhấn mạnh tính trọn vẹn hoàn toàn của Phật Giáo, vì đó là đặc tính tuyệt đối của tất cả truyền thống Phật Giáo khẳng định việc kết hợp của tập trung và tuệ giác, sự thống nhất của tịch tịnh và quán tưởng sâu cắc hay trí tuệ. Cũng trong phạm vi của thiền Kim Cang Thừa, sự hợp nhất này rất thiết yếu. Khi hành giả thiền về tính không trong phạm vi mô phỏng thành tựu kiến thức của Bồ Tát, người đó phải hợp nhất thiền định và trí tuệ. Trong trường hợp này, khả năng tập trung tâm vào đối tượng được áp dụng để hiểu biết về tính không. Còn trước đây hành giả trau dồi khả năng tập trung tâm với sự hỗ trợ bên ngoài, chẳng hạn như cái đĩa xanh, ở đây trong phạm vi thiền Kim Cang, người đó có thể tập trung thẳng vào sự hiểu biết về tính không. Bằng cách đó, qua thiền định về tính không, hành giả mô phỏng thành tựu kiến thức của Bồ Tát qua sự trau dồi viên mãn thiền định và trí tuệ.

Cũng phải có sự hợp nhất thiền và trí tuệ trong phạm vi quán tưởng thần hộ mệnh và tụng chú. Ở đây đối tượng của tập trung là hình dạng quán tưởng về thần hộ mệnh và âm thanh của câu chú, để trong lúc quán tưởng và tụng chú, hành giả coi sự quán tưởng và âm thanh là mẫu mực của hiện tượng trống rỗng - giống ảnh phản xạ, ảo tưởng thần diệu, tiếng vọng. Ðúng là như thế vì, giống như xạ ảnh hay tiếng vọng xẩy ra liên quan đến nguyên nhân và điều kiện, vậy quán tưởng về thần hộ mệnh và âm thanh tụng chú phát sinh và tồn tại liên quan đến nguyên nhân và điều kiện.

Trong phạm vi thiền Kim Cang Thừa, sự quán tưởng và việc tụng chú cũng là mô hình về hiện tượng duyên khởi tùy thuộc lẫn nhau và về tính không. Trong thiền Kim Cang Thừa, cũng như trong các truyền thống Phật Giáo khác về sự phát triển tinh thần, sự hợp nhất thiền và trí tuệ tuyệt đối cần thiết. Ðó là lý do tại sao Ngài Long Thọ trong "Lá thư gửi bạn" (Suhrillekha) nói là không có thiền thì không có trí tuệ, và không có trí tuệ thì không có thiền. Nhưng đối với hành giả kết hợp thiền và trí tuệ, thì toàn thể đại dương luân hồi có thể bị khô cạn giống như nước đọng ở vết chân bò trong bùn sẽ bị khô cạn bởi ánh nắng mặt trời ban trưa. Bằng cách kết hợp thiền và trí tuệ trong phạm vi thiền Kim Cang Thừa, ta có thể đạt được chứng nghiệm về vũ trụ thiêng liêng, chứng nghiệm về Phật quả. Việc này được hoàn tất dần dần do sự làm quen và chiếm dụng vũ trụ thiêng liêng được miêu tả trong thiền sadhana, đó là thế giới vi mô trầm tư được tiếp thu về sự nghiệp của chư Bồ Tát và của các chư Phật. Bằng cách này, ta có thể đạt được mục tiêu Phật quả. Do đó, kinh nghiệm giác ngộ của ta trở thành phương tiện dẫn dắt chúng sinh tới cùng một vũ trụ thiêng liêng, cùng một mục tiêu.

-ooOoo-

Ðầu trang | Mục lục | 1.1 | 1.2 | 1.3 | 1.4 | 2.1 | 2.2 | 3.1 | 3.2 | 4.1 | 4.2 | 5.0

 

Chân thành cám ơn  Thượng tọa Thích Tâm Quang đã gửi tặng bản vi tính (Bình Anson, 05-2003)

[Trở về trang Thư Mục]
last updated: 20-05-2003