BuddhaSasana Home Page

Vietnamese, with Unicode Times font


Bước Sen
Nữ Tu & Cư Sĩ Phật Giáo: Cuộc Sống,Tình Yêu & Thiền
Định

MARTINE BATCHELOR
Việt Dịch: Diệu-Ngộ Mỹ Thanh & Diệu-Linh Lý Thu Linh


IV. HÀN GẮN THẾ GIỚI

Chương 14

HOA TÂM THỨC

Jongmok Sunim

Jongmok Sunim, một nữ tu sĩ trẻ Hàn quốc, rất đặc biệt; cô là người chọn nhạc cho đài phát thanh Phật giáo trong chương trình nhạc cổ điển. Ngoài ra cô còn tham gia chương trình giúp đỡ người khốn khó. Là một ca sĩ tài năng, thỉnh thoảng cô cũng tổ chức những buổi hòa nhạc, rất được ưa chuộng. Tôi được chứng kiến cô giới thiệu một chương trình nhạc buổi chiều và cô tỏ ra rất thông minh: dí dỏm đồng thời cũng đầy tâm linh.

Đài Phát Thanh Phật Giáo

Ba năm nay, tôi là người quản lý chương trình nhạc ở đài phát thanh Phật giáo. Khi còn rất trẻ, tôi đã yêu thích âm nhạc, có năng khiếu sử dụng các nhạc khí và ca hát. Một khi đã bước chân vào ni viện, không còn cơ hội để sáng tác nhạc, nhưng khi đài phát thanh Phật giáo ra đời, tôi muốn truyền giáo pháp và giới thiệu âm nhạc đến mọi người.

Đối với tôi, âm nhạc được kết nối với các cảm xúc tôn giáo, không nhất thiết phải là một tôn giáo nào. Chúng ta đã được sinh ra, và đang sống. Vậy phải sống như thế nào? Sống làm sao để có thể thương yêu nhau? Tôi cố gắng chuyển tải những tình cảm, băn khoăn nầy qua âm nhạc. Tôi muốn làm một ngọn đèn nhỏ tỏa sáng, và tôi thấy âm nhạc là một phương tiện thiện xảo mà tôi có thể sử dụng để chuyển tải tình thương yêu, lòng từ bi đến với mọi người.

Thầy Bojo bảo rằng các kinh tụng Phật giáo là những bài kệ từ tâm thức sâu thẳm của Đức Phật. Đó không chỉ là những lời được lập đi lập lại. Đức Phật đã dạy rằng lời nói là hoa của tâm, và nhạc là trái của tâm. Ca hát là để bày tỏ rằng hoa đã rộ, và quả đang chín tới.

Các bản nhạc không phải chỉ là các âm thanh được cấu tạo bởi một ai đó. Tụng kinh là cách bày tỏ bằng âm thanh của cái tâm có ý hướng trở thành Phật.

Gặp Phật Qua Âm Nhạc

Tôi tổ chức các buổi họp mặt âm nhạc trong sân chùa vì tôi muốn mang những âm nhạc tuyệt vời đến cho người yêu nhạc. Tôi muốn cho các cư sĩ tại gia thấy rằng bên trong các tu viện, nơi Đức Phật hiện hữu, không phải chỉ bằng cầu nguyện, đọc tụng họ mới được diện kiến Đức Phật mà còn bằng cả âm nhạc cổ điển. Đức Phật luôn xuất hiện trong trạng thái tâm an lạc, tự tại.

Tôi rất hài lòng với các buổi họp mặt âm nhạc; chúng giúp người ta cảm nhận được một niềm vui tràn đầy. Các Phật tử có thể học về âm nhạc; nhưng giữa các con số tôi cũng chen vào vài lời giải thích kinh điển.

Tôi cố gắng truyền đạt thông điệp của Đức Phật, không chỉ bằng các Phật ngôn, mà cả trong các lời nói của Chúa Jesus, Khổng Tử và Socrates. Đức Phật là một vị thầy đã sống 2500 năm trước ở Ấn độ, nhưng qua bao thời gian, đã có rất nhiều người đang cố gắng để sống như Phật. Theo gương họ, tôi cũng hy vọng được dấn bước trên con đường trí tuệ và từ bi ấy. Được nghe về các kinh nghiệm của họ, ta có thể suy gẫm về cuộc đời, cân nhắc để sống sao cho thật tốt đẹp.

Trong cuộc sống hằng ngày tôi muốn tặng cho mọi người một cái gì đó, có thể mang đến cho họ hạnh phúc, an vui, khiến họ muốn chia sẻ tình thương yêu với mọi người.

Làn Gió Mới

Trong sân vườn nhà tôi có một loại cây. Vào mùa đông lá cây cuộn lại, rơi xuống, cong queo. Quan sát việc nầy, tôi không hiểu tại sao lá cây lại héo rụng đi, và tôi đem việc ấy hỏi bà tôi. Bà tôi bảo tất cả những gì được sanh ra rồi sẽ chết. Tôi luôn cảm nhận được sự đau khổ của sanh tử, nhưng ở trường học người ta không dạy về những điều nầy khiến tôi cảm thấy rất khó chịu. Tôi tìm kiếm một cách vô vọng cho đến một ngày tôi được gặp các vị ni sư, được trò chuyện với họ. Tôi cảm thấy như có một làn gió mới vừa thổi qua, nên tôi quyết định được giống họ, để trau dồi tâm thức và mang lại lợi ích cho người.

Tôi đã thành một tu sĩ 16 năm nay. Tôi xuất gia năm 16 tuổi, nên tôi làm thị giả cho một vị trưởng bối, là người điều hành thiền đường. Mỗi sáng, mỗi chiều, bà dạy tôi ngồi thiền. Bà hy vọng rằng tôi sẽ sống ở thế gian để truyền bá giáo pháp rộng rãi, và khuyến khích tôi giảng dạy cho giới cư sĩ ở khắp nơi trong nước.

Bước chân ra xã hội, tôi nhận thấy mình cần phải học về công tác xã hội, vì thế tôi vào đại học. Tôi rất thích công tác xã hội nhưng cũng tha thiết muốn được hành thiền. Nếu tôi bỏ thời gian ngồi yên lặng thiền định trong núi, chắc là tôi sẽ hiểu, chứng nghiệm về tự ngã của mình tốt hơn. Nhưng điều đó, dưới một khía cạnh nào đó, cũng là ái dục, vì thế tôi tự kiềm chế, dằn nén lòng ham muốn đó, để tự nhủ mình: 'Hãy sống với một tâm thức luôn biết tu tập giữa những người khốn khó.'

Gíơi Là Rào Chắn

Giới luật trong Phật giáo giống như rào chắn vậy. Dạy người ta làm điều lành thì khó, nhưng sống ích kỷ thì không cần ai dạy. Ở trường học hay ở bất cứ môi trường giáo dục nào, người ta cũng luôn nhắc nhở bạn làm điều lành, nhưng dường như rất khó cho con người luôn hành xử tốt.

Đức Phật không bao giờ cho rằng giới luật là tuyệt đối; Ngài không đặt ra các giới luật như một mệnh lệnh: 'Phải tuân theo giới luật bằng bất cứ giá nào!' Nhưng có giới luật là để giúp chúng ta kiểm soát hành vi của mình. Giới luật khiến ta xem xét lại các hành vi của mình, để cải thiện chúng một cách tự nguyện, và ta có thể sử dụng giới luật như là một phương tiện giúp đở, hỗ trợ ta trong việc tu tập.

Nếu xét kỹ về giới luật (vinaya), ta có thể nhận thấy Đức Phật tựa như một người cha chu đáo, tử tế. Chúng ta có thể thật sự cảm nhận được lòng nhân đạo của Đức Phật, ngay trong lời dạy các ni ngồi trên bồ đoàn khi hành thiền. Mỗi giới luật được đặt ra là để chỉ cho ta biết, tuỳ theo hoàn cảnh, hành vi nào có hại cho mình và cho người. Đức Phật khuyên ta không thực hiện những hành vi gây đau khổ. Đấy là điều cơ bản của các giới luật: không gây đau khổ cho mình và cho người.

Đức Phật thuyết rằng âm nhạc liên quan đến các giác quan. Chúng ta có thể dễ dàng và nhanh chóng đánh mất bản thân trong các cảm xúc, các nhiễm ô, dẩn đến sự sao lãng. Vì thế Đức Phật dạy rằng các vị tăng và ni không nên ca hát, nhảy múa, không đến những nơi vui chơi hát xướng, nhảy múa, không đeo nữ trang hay xức dầu thơm. Ý của tôi không phải là để cho chúng ta hưởng thụ khoái lạc qua các giác quan, nhưng là để qua chúng, thực hành, chứng nghiệm tình thương yêu. Do đó âm nhạc không phải là mục đích, mà là một phương tiện để mang tình thương đến với tâm thức.

Trong kinh Phật cũng có dạy: 'Các giới luật là để được chế ra và được bỏ đi', vì vậy điều quan trọng là phải biết khi nào nên áp dụng giới luật và khi nào không. Chúng ta phải cẩn thận để đừng làm cho giới luật trở nên quá hẹp hòi, hoặc bất di bất dịch, nếu không thì chúng ta có thể rơi vào sự cứng ngắc. Mặt khác, giữ giới luật quá lỏng lẽo, hoặc hoàn toàn không giữ giới luật mà chỉ hành động theo ý muốn không cân nhắc, cũng không phải là đúng cách.

Đức Phật Từ Bi

Có người hỏi một vị Đạt Lai Lạt Ma: 'Làm thế nào một người bình thường biết được Ngài là một vị Phật sống?' Vị ấy trã lời một cách dễ dàng: 'Một vị Phật là một người luôn từ bi với tất cả mọi người.' Một vị Phật không phải là người có những hành vi khác thường, có những phép thuật siêu phàm hoặc là người kiêu căng. Ngược lại, sống một cuộc sống rất bình thường, như một nông dân hoặc một người lao công, chúng ta cũng vẫn có thể luôn cố gắng tử tế với hàng xóm, láng giềng. Nếu ta có thể luôn biểu lộ được tâm từ bi thì ta đã được phú cho tâm và hành động của một vị Bồ Tát.

Đó là điều mà tôi muốn truyền đạt - lòng từ bi. Người ta thường nghĩ những lời dạy trong các tôn giáo thường rất 'cao xa' và khó hiểu. Tại sao vậy? Mỗi tôn giáo sử dụng một loại từ vựng đặc biệt, khó hiểu đối với người bình thường. Tuy nhiên, Đức Phật đã nói một cách dễ hiểu, sử dụng những từ đơn giản. Đức Phật đã nói bằng một cách khiến tất cả chúng sanh đều có thể hiểu được, và Phật đã dùng những chữ mà chúng sanh thường dùng.

Trong thiền, chúng ta thường nói "Không sanh, không diệt", nhưng đó là ngoại lệ. Ai có thân cũng biết chắc rằng họ đã được sanh ra, và sẽ chết và có thể chứng nghiệm điều đó bằng chính mắt mình, do đó thật khó tin và khó hiểu đối với lời nói trên. Chỉ những ai đã từng hành thiền mới có thể hiểu ngay điều ấy.

Các vị đại sư đã nói đến 'việc đạt ngay quả vị Phật bằng trực ngộ'. Đối với họ, không có con đường tiệm tiến. Nhưng với người bình thường, họ không hiểu cách nói nầy, vì thế chúng tôi phải giải thích ý nghĩa đó cho họ, giúp họ bước theo con đường của Phật.

Không Có Gì Là Duy Nhất Và Vô Song

Các tôn giáo cần cẩn thận khi tuyên bố chỉ có tôn giáo của mình mới là chân lý, là duy nhất. Có người cho rằng thiền là duy nhất và vô song; người khác nói giáo lý của Đức Phật là duy nhất và vô song. Nhưng không có gì là duy nhất và vô song cả. Tuỳ theo sự đồng cảm và nghiệp mà chúng ta đi theo một con đường nào đó, và tuỳ theo khả năng mà ta thực hành con đường Phật pháp. Từng bước từng bước, chúng ta dần tiến gần đến với Đức Phật.

Thường trong một vài tôn giáo, con số tín đồ được sử dụng như một chứng cứ cho chân lý của tôn giáo đó. Nếu một tôn giáo chỉ có vài tín đồ thì dường như là tôn giáo đó ít có hoặc không có chân lý gì. Đó là một điều hết sức buồn cười - chân lý không dựa vào con số tín đồ. Điều quan trọng là họ đã thực hành và chứng nghiệm giáo lý đó như thế nào.

Dưới ảnh hưởng của một số lãnh đạo tôn giáo, người ta từ bỏ mọi thứ. Vừa qua một vị nào đó tuyên bố đã đến ngày tận thế. Người ta tin tưởng vào ông và cầu nguyện để được cứu rỗi vào ngày đó, nhưng không có gì xảy ra hết! Vì thế, chúng ta có thể thấy tôn giáo có rất nhiều quyền năng để lừa bịp con người.

Nếu ánh sáng giác ngộ tỏa chiếu rực rỡ, thì tôn giáo giống như mặt trời soi sáng mọi vật, nhưng nếu chúng ta sai lầm, chúng ta giống như người mù có thể bị té chết trong hố thẳm vì mọi thứ đều đen tối..

Đôi khi tôn giáo làm cho người ta sợ hãi, bằng cách nói rằng họ cần phải tin vào Thượng đế hoặc tin vào Phật. Nhưng Đức Phật dạy rằng tin vào tôn giáo như thế là sai lầm. Lời dạy của Đức Phật bày tỏ và chuyển tải trực tiếp lòng từ bi, và Phật giáo là tôn giáo của lòng từ bi. Tôi kính ngưỡng Đức Phật, xem Ngài là vị Thầy của tôi, và tôi muốn sống theo lời dạy của Ngài về lòng từ.

Không Làm Ếch Ngồi Đáy Giếng

Đôi khi tôi trực đường dây điện thoại Phật giáo trực tuyến, gọi là Đường Dây Từ Bi. Trước đây chưa có dịch vụ điện thoại tư vấn cho Phật tử, vì điện thoại được xem là một cái máy khiến người ta liên tưởng đến vật chất, máy móc. Phật tử thường có khuynh hướng xem mình vượt trên vật chất tầm thường. Tuy nhiên, xã hội thay đổi, điện thoại trở thành một dụng cụ bình thường trong cuộc sống và chúng tôi nhận thấy tư vấn, tham vấn qua điện thoại rất ích lợi cho nhiều người.

Để sửa soạn cho việc tư vấn, tôi thực tập sáu tháng ở một đại học cộng đồng. Rồi sáu tháng tiếp theo, tôi thực hiện việc tư vấn qua điện thoại dưới sự giám sát từ 10 giờ đêm đến 8 giờ sáng. Khi tư vấn qua điện thoại, tôi cảm nhận được nỗi đau khổ cùng cực mà người gọi phải trải qua. Tôi cảm nhận được những khó khăn mà họ phải đối mặt, và có những hoàn cảnh thật là hãi hùng.

Trước đây chủ yếu tôi chỉ liên lạc với giới cư sĩ Phật tử. Nhưng tôi muốn nhập thế giống như Đức Phật, tiếp xúc với bất cứ ai mà tôi gặp gở. Tôi cảm thấy rằng sống trong tu viện và chỉ tiếp xúc với các cư sĩ muốn tìm hiểu về Phật pháp thì cũng giống như chú ếch ngồi đáy giếng nghĩ rằng thế giới bằng với đáy giếng.

Việc tư vấn cũng khá ích lợi, nhưng tôi cảm thấy rất khổ đau, tôi đã khóc thật nhiều. Tại sao tôi khóc? Đôi khi tôi không hiểu tại sao tất cả chúng sanh không thể sống chung hoà bình, không có khổ đau? Tại sao con người không sống bằng tình thương tràn đầy trong tâm hồn đẹp đẽ của họ? Tại sao có quá nhiều người sống trong đau đớn, trải qua bao vấn đề trong cuộc sống? Trong lúc khấn nguyện trước Đức Phật, tôi suy gẫm về những thắc mắc nầy và tôi khóc.

Nhiệm vụ của người tư vấn không phải là áp dụng một giải pháp đóng khung, mà phải đặt mình vào hoàn cảnh của người. Chúng tôi phải trở thành như bạn của người ấy, một người có thể hiểu và chấp nhận họ hoàn toàn. Chúng tôi phải trở nên thân thiết đến độ không còn gì phải e dè với nhau. Nếu chúng ta nghĩ ở đầu giây bên kia là thân chủ, và bên nầy là người thầy hay người tư vấn, thì đó không phải là sự tư vấn thực sự và sẽ không thể thành công.

Tôi cũng quan tâm đến những người khiếm thính, muốn mang Phật pháp truyền đạt cho họ. Trong ba tháng, tôi học ngôn ngữ ra dấu và rất thích trao đổi với họ qua phương cách nầy, nhưng vì công việc ở đài phát thanh tôi phải dừng lại.

Giúp Láng Giềng Đang Gặp Khó Khăn

Mỗi thứ sáu trên đài phát thanh, có một tiếng đồng hồ chương trình 'Giúp láng giềng đang gặp khó khăn'. Các tình nguyện viên tìm kiếm những đang người gặp khó khăn, tìm hiểu về hoàn cảnh của họ, rồi báo cáo lại trong chương trình nầy. Chúng tôi được nghe tiếng nói của người gặp khó khăn, khi họ kể lại hoàn cảnh cũng như yêu cầu được giúp đở của họ. Qua chương trình, những người muốn giúp đở gọi đến cho chúng tôi. Tiền cứu trợ được gửi đến và trong vòng một tuần tôi chuyển số tiền ấy cho người khó khăn. 18 tháng vừa qua, 70 gia đình đã được giúp đỡ. Gặp gỡ những gia đình khó khăn đó, tôi cảm thấy mình như là một sứ giả của các vị Bồ Tát.

Một trong những kỷ niệm sâu sắc nhất là về một phụ nữ đã luống tuổi. Trong thời chiến tranh Hàn quốc, bà phải vào miền Nam với đứa con trai nhỏ, nhưng chồng bà và con trai lớn bị kẹt lại ở miền Bắc. Bà đã nuôi con lớn và người con trai nầy học rất chăm chỉ ở đại học. Trước khi tốt nghiệp, anh gặp tai nạn, bị té, khiến cho đầu óc không còn tỉnh táo, và bị đưa vào bịnh viện tâm thần.

Giờ người con trai đã 55 tuổi, đã ở trong viện tâm thần suốt 30 năm. Để đi thăm con, người mẹ phải có khoảng 20 bảng Anh để đi xe buýt và mua bánh trái, nhưng gần đây vì không có đủ tiền, bà đã không thể đi thăm con. Bà rất buồn, ngày nào cũng khóc. Hơn nữa, bà còn bị đau chân trái, không thể đi đứng bình thường. Là Phật tử, bà cầu nguyện mỗi ngày ở nhà, vì không thể đến chùa.

Qua chương trình "Giờ Giúp Đỡ" chúng tôi đã đến thăm và giúp đỡ bà. Có tài xế taxi đã đề nghị chở bà miễn phí, để bà có thể thỉnh thoảng đi thăm con. Và nhờ vào sự viếng thăm thường xuyên của bà mẹ, người con trai đã thuyên giảm bịnh.

Sau khi được giúp đỡ qua chương trình nầy, người mẹ đã nói với tôi: 'Trên thế gian nầy, không có gì xảy ra mà không có lý do.' Cần phải nhớ điều đó, nhất là đối với những người hay khi dễ kẻ khác hoặc không giúp đỡ người nghèo khó, đau khổ. Có cái gì, tôi muốn chia sẻ cái đó với người đang cần, những người khó khăn hơn tôi.

Khi người mẹ nầy nhận được một bát cơm hoặc thức ăn gì đó, bà liền chia xẻ với những người già khác trong xóm. Khi chúng tôi cho bà tiền, bà không giữ lấy cho riêng mình, mà cùng chia xẻ với người khác. Mỗi ngày bà đều dậy từ 3 giờ sáng, cầu nguyện Đức Phật và ngồi thiền. Khi được gặp những người giống như bà, tôi tràn đầy niềm vui, cảm thấy công việc của mình cũng có ích lợi. Tôi vui mừng vì cả hai chúng tôi đều có duyên lành với Đức Phật và duyên nghiệp ấy đã đưa chúng tôi đến với nhau.

Làng Sen

Một câu chuyện khác cũng gây nhiều xúc động cho tôi là câu chuyện về một người đàn ông khuyết tật rất nặng. Anh giờ đã 37 tuổi, bị bại liệt từ lúc 3 tuổi. Từ lâu anh đã không thể sử dụng phần thân dưới và chỉ có thể di chuyển trên một chiếc xe (cart) gỗ nhỏ. Cha mẹ anh đã qua đời, để lại anh và ba anh em nữa. Một người em khác cũng bị khuyết tật và đã chết. Hai người còn lại đã rời bỏ gia đình, từ đó anh không biết tin tức gì về họ.

Trong bao năm anh đã sống trong một khoảng không gian nhỏ bé chỉ vừa đủ để ngồi bán báo. Anh thường để dành cho đến khi có đủ một số tiền. Rồi anh gọi taxi, phải trả tiền gấp đôi vì sự khuyết tật của mình, đến thăm mộ mẹ, cúng ít thức ăn và cầu nguyện. Trước căn lều nhỏ của anh, có tiệm bán bánh của một cặp vợ chồng Phật tử trẻ. Tám năm nay, họ luôn giúp đỡ, chia xẻ thức ăn cho anh.

Rồi người ta quyết định làm đường lớn hơn, nghĩa là căn lều của anh phải bị tháo dở và anh không biết phải đi về đâu. Chúng tôi nghe được câu chuyện của anh, và sau khi kêu gọi giúp đở trên đài, chúng tôi nhận được 800 bảng Anh. Chúng tôi cố gắng tìm chỗ ở cho anh qua sở xã hội và các dịch vụ giúp người khuyết tật, nhưng không nơi nào nhận anh vì anh không có nguồn lợi tức thường xuyên và bị khuyết tật nặng.

Tuy nhiên, ở một tỉnh miền đông bắc có một nơi gọi là Làng Sen, do một vị sư Phật giáo thành lập để giúp đở mọi người - khuyết tật, vô gia cư và người bịnh tâm thần. Vị sư vừa là cha vừa là mẹ của tất cả họ. Cuối cùng, chúng tôi nhận được điện thoại của nhà sư bảo chúng tôi hãy đem anh đến và sư sẽ chăm lo cho anh ấy. Vào mùa thu hoạch, khi người Hàn quốc đi tảo mộ tổ tiên, vị sư lại đưa anh từ Yechon đến Inchon (một chuyến đi xa) để anh cầu nguyện nơi mộ mẹ anh, sau đó lại đưa anh trở về chùa.

Ánh Sáng Trong Bóng Tối

Mỗi sáng tôi thức dậy sớm, thực tập hít thở trong vòng 20 phút, rồi tụng kinh trước bàn thờ Phật. Sau đó tôi quán tưởng làm thế nào để nói lời chân thật, đúng sự thật bằng cách quán chiếu về ý nghĩa của các bài kinh. Trước khi kết thúc, tôi đọc một chương kinh Phật, vì tôi muốn truyền đạt, diển tả ý nghĩ và lời nói của Đức Phật hơn là ý nghĩ và lời nói của tôi.

7 giờ, tôi đến đài phát thanh. Một ngày làm việc của tôi luôn bận rộn, đôi khi tôi về trễ khoảng 8, 9 giờ tối. Dù rất mệt mỏi, mỗi tối tôi vẫn tụng kinh và lạy Phật, vị thầy của tôi. Sau đó tôi quán xét về những việc đã làm trong ngày, hành thiền, đếm hơi thở vào ra trong 20 phút trước khi đi vào giấc ngủ. Tôi sắp xếp việc hành thiền vào buổi sáng và buổi tối như một cách để nối cả một ngày cho việc thực hành tâm linh của mình.

Trong thế giới nầy giữa bao đau khổ chúng ta vẫn có thể tìm thấy hạnh phúc giống như trong bóng tối ta vẫn có thể thấy ánh sáng. Trong những nỗi đau khổ cùng cực vẫn có nhiều người sẵn sàng chia sẻ hạnh phúc của họ. Nghĩ về các số tiền đã quyên góp được, tôi thấy nhiều người đóng góp không kể đến hoàn cảnh của họ, không phân biệt giữa họ và người.

Đối với tôi điều đó còn hơn cả bạc tiền; tôi thấy những sự đóng góp từ thiện nầy là do lòng chân thành và hảo tâm của con người. Đối với người không có nhà cửa, chúng tôi cố gắng tìm cho họ một chỗ ở; đối với người cần được phẩu thuật, chúng tôi giúp họ được giải phẫu; đối với trẻ mồ côi, chúng tôi giúp tiền học phí và cố gắng làm tròn bổn phận cha mẹ đối với chúng. Chúng tôi cố gắng giúp đỡ những người khốn khó. Nếu Đức Phật còn tại thế, Ngài cũng sẽ làm như thế.

-ooOoo-

Chương 15

ĐÔI MẮT LÀ VIÊN NGỌC QUÝ

Ni Sư Chân Không

Chân Không, một ni sư Phật giáo Việt Nam, hết lòng vì sự nghiệp chuyển hoá xã hội. Hơn ba thập kỷ, Sư đã hợp tác chặt chẽ với Thiền sư Thích Nhất Hạnh ở Việt Nam cũng như ở làng Hồng bên Pháp. Lúc nào Sư cũng tìm cách giải quyết những khó khăn và tán thán niềm vui trong cuộc sống vì người khác. Làng Hồng thường vang lên giọng hát thanh thót của Sư, và phong phú hơn vì sự có mặt đầy an nhiên tự tại của Sư.

Hãy Dừng Lại Và Quán Sát

Ở nhà tôi khuyên bạn nên bỏ ít nhất năm phút vào buổi sáng chỉ để dừng lại. Thiền Phật giáo chia ra làm hai phần: dừng lại và quán sát. Dừng lại là samatha và quán sát là vipassana.

Chỉ cần năm phút cho những người rất bận rộn và cảm thấy mình không có thời gian để ngồi thiền. Bạn có thể thực hành ít nhất năm phút, trước khi đi làm: theo dõi hơi thở, thầm nhủ, 'Thở vào, tôi lắng dịu thân tâm, thở ra, tôi mỉm cười.' Hoặc bạn có thể chú tâm vào một hình ảnh được Thầy [Thích Nhất Hạnh] minh họa: 'Thở vào, tôi thấy tôi là một đoá hoa; thở ra tôi thấy mình tươi mát'. Vào buổi chiều, lúc ăn bạn có thể dành thời gian để dừng lại và theo dõi ba hơi thở trước khi ăn.

Phần thứ hai của thiền Phật giáo là quán sát. Nếu bạn tỉnh thức suốt trong ngày, thân tâm bạn sẽ không rơi vào cái bẫy của những hoạt động bất thiện. Buổi tối rất quan trọng vì bạn có thể trở nên chánh niệm về tất cả những hoạt động bạn đã làm trong ngày.

Mặc dù bạn đã cố gắng hành động một cách có chánh niệm, điều đó rất dễ quên. Vào buổi tối bạn có thể suy ngẫm về các động cơ hành động của mình. Có thể bạn được mời trở thành chủ tịch của một hội đoàn nào đó để giúp người hoạn nạn và bạn rất phấn khởi về điều đó. Khi quán sát lại, bạn sẽ ngạc nhiên để nhận ra rằng bạn không quan tâm mấy về các nạn nhân bằng việc có một vị trí quan trọng.Vì thế bạn phải quan sát sâu sắc để thấy rõ những ý nghĩ, động cơ, và chủ đích của bạn tốt hơn. Như thế, bạn sẽ không bị danh lợi, tiền tài hay tiếng tăm lôi cuốn duới cái vỏ bọc là sự quan tâm vì xã hội.

Hơi Thở Là Chốn Nương Tựa

Đức Phật thực hành việc thở trong tỉnh thức cho đến khi Ngài nhập diệt. Sau khi giác ngộ, Đức Phật thực hành chánh niệm trong hơi thở để sống nhập thế gian mà không bị vướng mắc vào các hoạt động của thế gian. Chúng ta thường nghĩ khi một người trở thành Phật, thì sẽ thường hằng. Nhưng trở thành một vị Phật cũng là vô thường, vì thế quả vị Phật của chúng ta cần luôn được vung bồi. Nếu quá tự mãn về sự chứng ngộ của mình, chúng ta có thể sa lầy. Người đã tu tập phải luôn tiếp tục tu tập.

Đức Phật dạy rằng dù thân ta ở nơi nầy, tâm của ta có thể ở rất xa. Hơi thở là sợi dây kết nối thân và tâm. Bất cứ một thiền sinh nào khi mới bắt đầu đều phải học 16 cách thở tĩnh thức mà đức Phật đã dạy trong Kinh Quán Niệm Hơi Thở (Anapanasati Sutra). Thầy tôi, Thích Nhất Hạnh, đã tóm lược 16 bài tập nầy trong những bài thơ ngắn như sau: 'Trong - Ngoài - Sâu lắng - Chậm rãi, tĩnh lặng - thư giản - mỉm cười - buông thả, giây phút hiện tại - giây phút tuyệt vời.'

Nghe thì dễ quá, như là cho trẻ con, nhưng kể cả người đã thực hành 50 năm, cũng vẫn phải tiếp tục thực hành, nhất là khi họ lo âu, giận dữ hay không an lạc. Không phải lúc nào chúng ta cũng có thể an nhiên, tự tại, vì thế ta phải luôn trở về với hơi thở - khi ngồi trên xe lửa, trên máy bay, ngay cả trong một cuộc họp quan trọng, vì không phải lúc nào chúng ta cũng có thể đến thiền đường để thực tập.

Hơi thở của chúng ta là nơi nương tựa vững chắc nhất. Khi trở về với hơi thở, ta có thể tách mình ra khỏi những phiền não. Thí dụ, trong một cuộc thảo luận ở một buổi họp, ta có thể tách mình khỏi cái miệng, khỏi đôi tai. Chúng ta thở một cách có ý thức bốn hay năm lần để chắc chắn rằng tâm đang có mặt với hơi thở vào ra.

Sau đó, chúng ta có thể chuyển thành bình tĩnh, thư giãn, bình tĩnh, thư giãn. Hoặc ta có thể cảm nhận hơi thở của mình chậm hay sâu hơn. Rồi ta sẽ thấy bình an. Đó là vì không khí làm cho các tế bào ở phổi ta dịu xuống, rồi khi hơi thở sâu hơn, theo máu đi khắp nơi, làm cho mọi tế bào trong thân bình lặng. Hít vào và thư giãn. Thư giãn tất cả các dây thần kinh, làm cho các tế bào lắng dịu. Mỉm cười và thở ra, buông xả mọi lo âu; vì thế hãy bình tĩnh, thư giãn, mỉm cười và buông xã.

Khi cườì, chúng ta buông thả tất cả những căng thẳng nơi các bắp thịt. Ta không chỉ mỉm cười trên mặt, ta còn mỉm cười với tất cả mọi tế bào trong thân. Mỗi tế bào đều mỉm cười, mỉm cười và buông thả. Khi đã cảm thấy bình tĩnh, thư thái, ta có thể trở về với giây phút hiện tại. Ta chỉ có thể là một vị Phật trong giây phút hiện tại; từ một ngạ quỷ, ta có thể chuyển hóa mình thành một vị Phật.

Không có sự khác biệt giữa bên trong và bên ngoài. Khi bạn ra ngoài với cảm giác tức giận, hãy trở về với hơi thở: vào, ra, trầm tĩnh, thư giãn, mỉm cười, buông thả. Khi bạn cảm thấy nỗi sân hận quá mãnh liệt, và với nhiều người ở xung quanh bạn không thể giải toả nó, bạn có thể đi vào phòng vệ sinh hay nhà tắm để thiền hành. Trước hết hãy dừng lại, tự trấn tĩnh mình, rồi quán sát để nhìn rõ vấn đề, để tìm giải pháp nào có thể khắc phục được vấn đề và chuyển hoá tình trạng tiêu cực thành một tình trạng tốt hơn.

Quán sát không phải là suy đoán hay vận dụng trí óc. Nó có nghĩa là thử đặt mình vào địa vị của người kia trong trường hợp đó. Cố cảm nhận được những trở ngại từ quan điểm của người. Dựa vào đó, bạn có thể hiểu và chấp nhận người kia. Nếu cần bàn luận về điều gì hoặc làm cho người kia thông hiểu, bạn có thể làm được cũng dựa trên cơ bản đó. Mỗi khía cạnh của việc bạn làm sẽ trở nên dễ chấp nhận đối với người, một khi bạn đã đặt mình vào hoàn cảnh của họ.

Sống Với Niềm Vui & An Lạc

Nhìn thấy người khác được hạnh phúc là niềm vui lớn nhất trong cuộc sống tâm linh của tôi. Tôi muốn cống hiến điều gì đó cho hạnh phúc của người. Hạt giống muốn chia sẻ hạnh phúc với người trong tôi rất mãnh liệt. Tôi muốn mang mọi người sang bờ bên kia.

Tôi cố gắng giữ chánh niệm càng nhiều càng tốt khi đi, khi ngồi, khi ăn. Tôi không nhắm tới một kết quả đặc biệt nào. Tất cả những hạt giống lành của chủ đích tôi là ở đó. Khi tôi thanh tịnh, trong sạch, tất cả mọi hạt giống tốt trong tiềm thức của tôi, như sự cởi mở, lòng tự nguyện giúp đỡ người, sẽ tự nẩy mầm.

Mục đích của tôi là đạt được niềm vui, an lạc và thanh tịnh, sống một cách sâu sắc, và làm mới lại cuộc sống trong từng giây phút. Khi ở bên cạnh ai đó, tôi cố gắng luôn có mặt, tươi cười, vui vẻ. Khi đến bưu điện để mua tem, tôi cố gắng mỉm cười, tử tế, chánh niệm hết sức mình với người làm việc ở đó. Trong mỗi bước chân, tôi không có mục đích nào khác ngoài việc làm cho mỗi bước đi đầy chánh niệm, và khi làm được như thế, niềm uớc muốn lớn lao của tôi là mang hạnh phúc đến cho nguời khác tự động phát sinh.

Tôi cố gắng hết sức để thực tập mà không có lòng kỳ vọng. Khi tôi thực tập lòng không kỳ vọng, người ta có thể nghĩ rằng tôi chẳng làm gì hết, chỉ trú trong trạng thái an lạc, hạnh phúc, thật ra tôi rất năng động, đầy tinh thần trách nhiệm. Nếu suy nghĩ quá nhiều về điều nầy, tôi có thể trở nên bất an. Nhưng khi tôi thực tập không kỳ vọng, niềm vui và an lạc trong từng bước, cố gắng tươi mát, mỉm cười, làm mới lại chính mình từng giây phút, thì khi gặp ai đó tôi có thể hoàn toàn có mặt bên họ.

Thời sinh viên, tôi thích làm việc với những người nghèo trong các xóm lao động ở Saigon. Chương trình học ở trường được sắp xếp để sinh viên không có nhiều bài thi trong năm, nhưng lúc cuối năm tôi phải hoàn toàn thuộc lòng 3000 trang về khoa sinh vật và ký sinh vật. Trong năm học, tôi bỏ thời gian với những người nghèo trong các khu ổ chuột, đến lúc thì tôi chỉ còn hai tháng trước khi thi. Tôi tự nhủ phải ráng học thật chăm để không làm buồn lòng cha tôi. Trong hai tháng, mỗi ngày tôi học từ 60 -100 trang. Tôi thích học như thế và tôi học đi học lại mỗi trang một cách có hệ thống. Trong hai tháng, tôi học hết 3000 trang. Vấn đề là ở chỗ biết sắp xếp, nhưng sau khi sắp xếp xong bạn có thể thực tập không kỳ vọng.

Công Bằng Xã Hội Trên Thế Gian

Tham gia công tác xã hội luôn là một phần trong đời sống của tôi. Lúc đầu, tôi không biết chi về Phật pháp, dù tôi được sanh ra trong một gia đình rất rộng rãi, thích giúp đỡ người nghèo. Khi còn trẻ tôi muốn học một cái gì đó để có khả năng giúp đỡ người nghèo một cách rộng rãì hơn. Dần dần tôi bắt đầu học về Phật giáo và những lời dạy của Đức Phật làm tôi rất cảm kích.

Tôi muốn sử dụng những lời dạy đó để tạo nên công bằng xã hội, nhưng các vị sư mà tôi biết lúc ấy không đồng ý với tôi. Họ nói rằng tôi cần phải giác ngộ trước. Chỉ khi nào tôi giác ngộ, tôi mới có thể giúp đỡ mọi người. Nhiều vị sư quá bảo thủ đến độ cho rằng làm thân người nữ là một trở ngại; họ khuyên tôi nên tu tập để được tái sinh làm người nam. Rồi sau đó, nhiều kiếp nữa tôi mới có thể trở thành Phật.

Tôi nghĩ là tôi không cần có thân người nam, tôi không cần trở thành Phật, tôi chỉ cần sử dụng một số lời dạy của Đức Phật để mang công bằng xã hội đến cho thế gian nầy. Sau nhiều năm tìm kiếm, tôi được gặp thầy Thích Nhất Hạnh. Thầy nói chỉ cần làm một việc, nhưng nếu ta làm với chánh niệm, ta có thể giác ngộ. Thầy kể cho tôi nghe chuyện một vị sư chỉ thực hành bằng cách may đồ, nhưng may với chánh niệm, trở về với mỗi hơi thở, hoàn toàn chú tâm vào công việc; sau sáu năm, vị sư nầy giác ngộ. Tương tự như thế, có một vị thầy chỉ giã gạo và một vị khác nữa đã giác ngộ khi nấu ăn.

Tôi quyết định là tôi có thể giác ngộ khi là một cán sự xã hội. Tôi không cần trở thành người nam, và trải qua nhiều kiếp để trở thành Phật. Tôi có thể giúp người nghèo, làm giảm nỗi khổ đau của họ, dần dần họ trở thành một phần của con đường đạo của tôi.

Chưa Từng Nói Lời Nào

Người ta gán cho tôi nhiều danh hiệu - 'cán sự xã hội', 'sư cô', 'hành giả'- nhưng chúng chỉ là tên gọi. Một cán sự xã hội cần phải là một người thực hành chánh niệm tinh tấn. Nếu người cán sự xã hội làm việc với chánh niệm, với sự hiểu biết sâu sắc, công việc họ làm sẽ trở nên tuyệt vời, giống như tác phẩm của một nghệ sĩ. Tên gọi chỉ là tạm bợ, những nhãn hiệu ngẫu nhiên. Tôi chỉ là tôi.

Sau 45 năm thuyết pháp, Đức Phật tuyên bố: 'Ta chưa từng nói lời nào'. Đức Phật muốn nhắn nhủ rằng Ngài chỉ sử dụng ngôn từ như chiếc bè để đưa con người từ bến bờ khổ đau sang bến bờ giác ngộ, nhưng sau khi đã sang được bên kia bờ rồi, ta không nên bám víu một cách cứng ngắc vào chiếc bè, là những lời dạy, những giáo pháp.

Khi tôi được biết đến Phật pháp lần đầu tiên vào những năm 1950, tôi muốn trở thành một ni cô, một người từ bỏ tất cả - việc làm, danh lợi, vinh quang, vân vân - để sống trọn vẹn cho người khác với tấm lòng từ bi, thông cảm. Danh hiệu 'ni cô' đối với tôi thật cao quý. Nhưng sau đó tôi đã gặp một số ni không xứng với hình ảnh tôi đã phác họa, vì vậy tôi quyết định trở thành ni cô không màng hình thức. Nghĩa là tôi vẫn để tóc, không cạo đầu trong nhiều năm, nhưng vẫn tu tập như một người ni. Gần đây, vào năm 1988, tôi quyết định trở thành một ni cô thật sự, thọ giới với thầy Thích Nhất Hạnh ở đỉnh Linh Sơn, Ấn Độ.

Đôi Mắt Là Những Viên Ngọc Quý

Tôi luôn cố gắng giúp đở các gia đình Việt Nam gặp mâu thuẫn. Có khi là người cha ghét người mẹ và ngược lại. Con cái đau khổ, hoặc gây gổ với cha chúng vì bậc cha mẹ không tôn trọng lẫn nhau. Tôi cố gắng giúp những gia đình nầy giải quyết mâu thuẫn để họ có thể sống hoà hợp.

Là một giảng sư tôi đã chuyển hoá được khá nhiều gia đình, nhiều người trong số đó sau nầy muốn giúp tôi trong công việc tôi làm, chính họ cũng trở thành các cán sự xã hội. Có người đã thành lập những cộng đồng riêng ở châu Âu, châu Úc, và châu Mỹ để giúp các trẻ em đói nghèo ở Việt Nam. Vì vậy bây giờ tôi không phải cống hiến tất cả thời gian của mình để trực tiếp giúp đỡ trẻ em nghèo, thay vào đó tôi làm việc với những người tôi có thể chuyển đổi, để rồi họ trở lại giúp tôi trong công việc chuyển đổi xã hội.

Với nhiều gia đình, tôi phải vờ dạy con cái giáo pháp để có thể gần gủi với người lớn. Khi tôi trao đổi với con cái, cha mẹ cũng thấy xúc động sâu xa, và rồi họ cũng chuyển đổi theo.

Tôi thích giảng dạy giáo pháp mà không sử dụng những từ ngữ to lớn, nhất là đối với trẻ em. Tôi có thể nói, 'Hôm nay cô có món quà cho tất cả các cháu. Không phải thuốc, không phải thức ăn. Các cháu có biết là đôi mắt của mình là những viên ngọc quý không? Khi các cháu mở mắt, các cháu được thấy mẹ, thấy cha và bầu trời trong xanh. Các cháu có thể thấy tất cả các hình dáng, tất cả màu sắc. Các cháu có viếng thăm trường dành cho người mù ở kế bên không? Họ không thể thấy, còn các cháu thì có những viên ngọc quý.

'Các cháu còn có một món quà quý hơn nữa. Hãy nhìn mẹ kìa. Mẹ thật hiền, luôn chăm sóc các con thật chu đáo. Hãy biết sự có mặt của mẹ là quý nhường bao, vì một ngày nào đó có lẽ sẽ quá muộn. Hãy nhớ điều đó.'

Bằng cách nầy tôi đã dạy cho họ biết trân trọng lẫn nhau.

Lắng Nghe

Gia đình đầu tiên mà tôi giúp đở, người con gái than phiền là cha cô rất khó chịu. Cứ khoảng 3 giờ, mỗi sáng, ông đều thức dậy, chơi đàn ghi-ta. Không ai có thể ngủ được. Tiếng đàn của ông làm phiền cả gia đình. Tôi đến thăm họ và trong một bữa ăn tôi lắng nghe người cha và các con bày tỏ sự khó chịu của họ.

Tôi hiểu rằng khi người cha dậy vào lúc 3 giờ sáng để chơi đàn ghi-ta, đó là vì ông nhớ nhà. Đối với ông, chơi đàn ghi-ta là để gắn bó với cố hương, cái nền văn hoá sâu thẳm Việt Nam mà đứa con gái lớn lên ở phương Tây, không thể nào hiểu. Đối với ông, đàn ghi-ta không phải là âm nhạc, mà là quê hương - một người em đang bệnh mà đói nghèo, một người anh lâm vòng tù tôi, và nhiều thứ nữa mà ông không thể bày tỏ bằng cách nào khác.

Con gái của ông nói tiếng Anh và lớn lên như bao cô gái Úc bình thường khác. Cô không biết gì về Việt Nam và điều nầy làm cho ông càng buồn giận. Ông không biết làm sao giải thích cho cô hiểu, vì thế ông chơi đàn. Ông còn đập phá đồ đạc để bày tỏ sự tức giận của mình. Khi tôi kể chuyện nầy với Thầy, Thầy khuyên hai cha con nên có nhiều thời gian bên nhau, bớt bận rộn để nói chuyện và lắng nghe nhau, để chia sẽ khổ đau của nhau.

Tôi xếp đặt cho hai cha con tham gia giúp đỡ những người nghèo khó ở Việt Nam và công việc nầy đã giúp cả gia đình. Lúc đầu, vì đứa con gái sống ở phương Tây không hiểu được cái khổ ở Việt Nam, nên cô bất cần. Nhưng khi bắt đầu giúp đỡ một số người trong dòng họ, cả gia đình đã bắt đầu lắng nghe người cha.

Rồi tôi giải thích với người cha: 'Con gái ông đi làm, cô rất mệt mỏi. Khi về nhà thì đã kiệt sức, cô cần được nghỉ ngơi. Ông có thể giúp con thư giãn chứ?' Bằng cách nầy, cả gia đình tập lắng nghe, tôn trọng lẫn nhau.

Lễ Hội & Vui Chơi

Tôi sử dụng âm nhạc và hát ca như một phần của sự thực tập. Âm nhạc là một nghệ thuật, nó có thể làm rung động lòng người sâu xa. Tôi thường được nhắc nhở rằng tu sĩ không nên ca hát, nhưng ở tất cả chùa Phật giáo đều có xướng tụng. Tụng kinh là âm nhạc tâm linh. Một bản nhạc thể hiện vấn đề tâm linh có thể tưới tẩm hạt giống tâm linh cho người. Tôi không phân biệt giữa âm nhạc và tụng kinh. Chỉ cần chúng sâu sắc, thanh cao, làm rung động lòng người là đủ. Thực tập thiền nhạc có nghĩa là bạn hát với tất cả tâm trí. Tôi hát với đôi mắt, với âm thanh, với cả sự hiện hữu của mình.

Chúng tôi có rất nhiều lễ hội ở Làng Mai, để tán thán cuộc sống. Có lễ hội quýt. Khi một nhóm 20 đứa trẻ, cùng ăn 20 quả quýt, quán sát quả quýt, tận hưởng cái thú khi lột vỏ, ngửi mùi quýt, và nếm vị của quýt, đó thật sự là một sự ăn mừng. Hoàn toàn khác biệt với việc ăn quýt với sự thờ ơ. Chúng tôi có nhiều lễ hội giống như thế.

Có lễ hội, chúng tôi làm mới lại những dây liên hệ với gốc rễ của mình, và người dự lễ đến để cảm nhận, hiểu rõ hơn giá trị của nền văn hoá của mình.

Chân Không

Pháp danh của tôi, Chân Không, nghĩa là 'cái không thực sự'. Trong Phật giáo chữ "không" được dịch từ tiếng Sankrit sunyata có nghĩa 'vắng bóng một cái ngã riêng biệt'. Đây không phải là một từ tiêu cực, tuyệt vọng. Đây là sự tán thán về các mối liên kết nội tại, của sự tương tức. Nó có nghĩa là không có gì có thể hiện hữu riêng lẻ, rằng tất cả các pháp đều liên hệ một cách chặt chẽ với nhau.

Tôi biết là tôi phải luôn tu tập để nhớ rằng tôi không có một tự ngã riêng biệt, mà mang bao kỳ diệu của vũ trụ, bao gồm lòng rộng lượng của ông bà, cha mẹ, bao thiện hữu tri thức, các vị thầy đã giúp đỡ, hỗ trợ tôi trên con đường đạo. Chúng ta 'những hiện hữu liên kết', do đó chúng ta không có một cá tính tách biệt khỏi mối liên kết ấy.

-ooOoo-

Chương 16

AI CHỮA LÀNH?

Daehaeng Sunim

Daehaeng Sunim, một nữ tu sĩ Hàn quốc, là người chữa bệnh nổi tiếng. Bà sinh năm 1926, đã trải qua nhiều đau khổ thời còn trẻ khi quân Nhật chiếm đóng đất nước bà. Bà được thọ giới ở tuổi đôi mươi, và đã trải qua nhiều năm ở trong núi sâu, hành thiền, sống đạm bạc. Chính trong thời gian nầy, bà phát triển khả năng chữa bệnh.

Quý sư cô ở tu viện của bà rất nhiệt tình, câu chuyện lập tức chuyển ngay sang việc hành thiền trong cuộc sống hàng ngày. Mục đích của họ là theo dõi tâm thức trong ngày và tin tưởng vào Nhất Tâm (One Mind). Họ không thực hành nhiều việc ngồi thiền, vì họ nghĩ cần phải chuyển động theo thời gian và không phân biệt giữa sự bận rộn và tỉnh lặng.

Vị ni trưởng, là đệ tử của ni sư Daehaeng Sunim, dáng người nhỏ bé nhưng rất mạnh bạo. Bà tiếp nhận người bệnh đến từ mọi miền trên đất nước Hàn, để được ni sư Daehaeng Sunim chữa bệnh. Bà hỏi lý do tại sao họ đến - đau lưng, đau bụng, bịnh tâm thần, phiền muộn với chồng hay con (vì phần đông người đến là phụ nữ). Ngay sau khi họ kể lể bịnh tình, Ni trưởng bảo họ đây không phải là nhà thương, đây là nơi tu tập. Tại sao họ muốn gặp ni sư Daehaeng Sunim? Chỉ có họ mới có thể chữa bệnh của chính mình. Cuối cùng mọi người cũng sẽ được gặp ni sư chữa bệnh, nhưng chỉ sau khi họ suy nghĩ sâu xa về động cơ, về nguồn gốc căn bệnh.

Quan Sát Và Thử Nghiệm

Khi ai đó đến gặp tôi, bất cứ đau khổ hay khó khăn gì họ gặp phải, về tinh thần hay thể chất, tôi khuyên họ gom tất cả sức lực, khả năng của họ lại, rồi hãy để mọi việc cho Ju In Gong (thầy của cơ thể). Ju In Gong là cái tâm thức khiến cho cái 'Tôi' hiện tại, di chuyển, nói năng, ăn uống, nghĩ suy. Nguồn năng lượng của vũ trụ trực tiếp nối kết với tâm thức nầy, vì thế nguồn năng lượng này được gọi là Ju In Gong.

Quan sát tâm trong mọi hành động có nghĩa là trong đời sống hằng ngày không có gì không phải là thiền. Đấy cũng có nghĩa là khi đang tham công án, thì tất cả đều là công án. Chúng ta không thể nói là mình giữ công án riêng biệt ở nơi nào đó. Không có gì riêng biệt khi nói đến việc khám phá ra cái ngã thật sự của chúng ta, vì chân lý nguyên thuỷ của vũ trụ không thể chia cắt.

Bạn cần phải hiểu và tin ở bản thân. Để biết được những khó khăn hay nỗi khổ của mình, bạn phải để việc đó cho vị thầy nội tại bên trong bạn. Không cần phải coi nỗi khổ là mình, vì tất cả đều là không và không có gì để bạn bám víu vào. Vì lẽ đó, hãy buông xả nó, rồi như nó là, nó sẽ tan biến đi.

Tuỳ vào cách bạn đã sống trong quá khứ, mọi thứ đều tự động ghi lên số phận của bạn. Khi một việc gì đó đã được ghi lại, thế là nó sẽ xuất hiện trong hiện tại. Hãy đặt mọi thứ xuống, để nó lại chỗ đã xảy ra. Nếu bạn làm như thế, thì cả nghiệp tốt lẫn nghiệp xấu của bạn sẽ hoà tan, biến mất. Cái máy ghi băng đã lưu trữ dữ liệu của tất cả các nghiệp sẽ trở nên trống rỗng. Cái gì sẽ được ghi lại trên cuộn băng trống ấy? Bạn hãy tự quyết định.

Bỏ mọi thứ xuống, tất cả những điều bạn biết hay không biết. Nếu bạn biết một điều gì đó, có thể bạn cũng không biết một điều gì khác, như thế bạn không thể biết định luật của nhất nguyên, không đối đãi. Bất cứ là điều gì, tất cả mọi thứ bạn có thể biết, hãy buông bỏ. Nếu bạn không buông bỏ, tôi không thể nào thấy được bản ngã chân thật của bạn.

Cuộc Sống Mỗi Ngày Là Thiền

Tôi sống đời sống một nữ tu, bỏ hết mọi thứ sang một bên, như thế tôi hành động không một chút phân biệt. Hãy sống không phân biệt. Khi bạn làm một việc gì đó, bạn có thể nói rằng bạn đã thật sự làm việc đó không? Nhìn, nghe, nói - mọi thứ đều xuất phát từ thiên hình, vạn trạng của sự vật trong từng phút giây.

Khi bạn thấy một vật gì, nghe một điều gì hoặc làm một việc chi, bạn có thể nói là tôi đã thấy, nghe hay làm gì đó không? Thế giới của tâm linh bao gồm vạn pháp, và bạn có thể gọi đó là nhất tâm. Nó giống như không gian - bạn không thể thấy hoặc nắm bắt được, nhưng tâm đó vẫn hiện hữu.

Chỉ có sự tĩnh lặng không thể là thiền. Ồn ào quá cũng không phải là thiền. Cái được gọi là 'Thiền' cũng không dính với chữ 'công án'. Thiền đứng, thiền nằm và thiền ngồi - tất cả đều là Thiền. Trong suốt cuộc sống, không có cái gì không phải là thiền. Bất cứ tôi làm gì - vào nhà vệ sinh, ăn, ngủ - tất cả đều là thiền. Bạn có thể gọi là gì khác hơn? Kể cả cái gọi là 'thiền', bạn cũng không thể bám víu vào, vì nó chỉ là nó.

Với quý tăng, ni hay cư sĩ, tôi đều giảng dạy giống như thế. Vì trong cuộc sống, không có cái gì không phải là Thiền, cuộc sống mỗi ngày là thiền. Cứ như thế, hãy quan sát, cứ như thế, hãy hành động, đó là thiền.

Vì lý do đó mỗi người tự chữa bệnh cho mình. Chính họ phải làm cho nỗi đau, nỗi khổ biến mất, chính họ phải làm cho gia đình hoà hợp, như thế họ mới tiến bộ được. Tôi không thể cho họ lòng từ và trí tuệ; chỉ có họ tự biết, và tự tìm kiếm. Nếu bạn quan sát, nếu bạn thử nghiệm, trí tuệ sẽ tăng trưởng, các vấn đề sẽ được giải quyết.

Con người có nỗi khổ tuỳ theo nghiệp của họ. Bạn có thể tự suy ngẫm, và không nuôi dưỡng oán giận, hãy nói năng, hành động một cách dịu dàng. Tất cả mọi việc hãy để cho Ju In Gong. Nếu bạn làm việc gì cũng nhẹ nhàng, dịu dàng, mọi vấn đề sẽ được giải quyết. Khi đêm tối, nếu bạn đốt đèn lên thì bạn có thể sống trong ánh sáng.

Không Có Gì Cố Định

Giữ giới luật có nghĩa là bạn giữ mọi việc trong lòng mình. Đừng đổ lỗi cho ai. Nếu bạn sống không tham lam, thì bạn không chỉ giữ được 100, 200, 300 giới luật, mà bạn còn có thể hoàn toàn giữ được mọi thứ khác. Kể cả trí tuệ. Nó còn có thể ở nơi nào khác nữa? Trí tuệ không xa rời giới luật.

Rỗng không nghĩa là những gì bạn thấy không cố định. Bạn có thể thấy, nghe cái nầy hay cái kia, đến nơi nầy, nơi khác, gặp gở người này, người kia, ăn thứ nầy, thứ khác. Không có gì cố định. Vì lý do này, khi tôi làm một việc gì đó, tôi không thể nói tôi đã làm cái gì đó, và khi tôi thấy một cái gì, tôi không thể nói tôi đã thấy cái gì đó. Kể cả cái tôi cũng rỗng không. Tất cả đều rỗng không.

Đức Phật có nghĩa là nguồn gốc cuộc sống. Giáo lý muốn nói là bạn thấy và không thấy, vạn pháp trong thế gian, tất cả đều nối kết, xoay vần với nhau. Sự hòa nhập của vạn pháp là một bài pháp. Vì thế giáo lý của Đức Phật không có biên giới, không rào chắn, hay giới hạn; Phật giáo là sự diển tả chân lý rốt ráo nhất.

Người Tây phương có khuynh hướng suy nghĩ quá nhiều về trạng thái tâm của họ, kết quả là họ đau khổ. Khi khổ đau dấy khởi, nếu bạn giao nó cho Nhất Tâm, thì tâm trở nên an lạc. Như thế, bạn sẽ không có vấn đề gì trong việc hành thiền, không đuổi theo các vọng tưởng. Bên ngoài bạn không bị dính mắc, và nội tâm trở thành nơi thực tập quan sát, giữ gìn, chứng nghiệm.

Chữa Lành

Bạn, chính bạn là Đức Phật Dược Sư, Bồ Tát Quán Âm, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, tất cả mọi thứ. Bạn có thể trú nơi bản tâm, nhưng bạn cũng phải quan sát, giữ gìn tâm thức của mình. Bằng cách nầy, người ta có thể tự chữa bệnh trong khi thực tập, rồi đau khổ của họ sẽ biến mất.

Tâm của tôi và tâm của người cư sĩ không phải là hai. Giống như dòng điện: cần có hai dây để tạo ra ánh sáng. Tương tự như thế, tâm của người cư sĩ và tâm của tôi kết hợp với nhau để tạo ra năng lượng. Ai có thể nói là người nào chữa bệnh cho người nào? Vì hai tâm thức nầy giống như dây điện và bóng đèn, cần phải chạm vào nhau, kết hợp nhau để tạo ra ánh sáng, khi có sự va chạm, ánh sáng tự động phát ra. Vì lẽ nầy, không bên nào có thể nói là chính mình làm việc ấy. Điều duy nhất chúng ta có thể nói là đức Phật đã lành bệnh.

Có cái gì không phải là Phật không? Bên trong Đức Phật, có chúng sanh; trong chúng sanh có Phật. Đó là sự phản chiếu. Đôi khi người ta hỏi tôi nếu giáo pháp có thể trị được bệnh, nhưng thật ra có ai ở đó để được chữa bệnh? Khi bạn tu tập là bạn đã tự chữa bệnh cho chính mình.

-ooOoo-

Chương 17

PHẬT PHÁP TRONG ĐỜI SỐNG GIA ĐÌNH

Christina Feldman

Christina Feldman, giáo sư dạy thiền, và là mẹ của hai đứa con nhỏ, sống ở Toronto, Devon. Rất mực lo cho con cái, nhưn bà cũng tham gia các hoạt động ở Gaia House, một trung tâm dạy thiền mà bà đã đồng sáng lập vào năm 1984. Giữa bao bộn bề, bà vẫn đơn giản, dể thương. Bà là tác giả của quyển sách Quest Of The Warrior Woman (Cuộc Truy Lùng Của Người Nữ Chiến Binh, NXB Aquarian, 1994) và nhiều sách khác.

Một Hoàn Cảnh Đầy Thử Thách

Khi đã có gia đình, tôi vẫn quyết tâm tiếp tục tu hành. Vì thế nhiều người bảo rằng tôi không thể nào kham nổi việc đó. Họ nghĩ nếu đã có con nhỏ, lý ra tôi đã phải nghỉ dạy vì việc chăm sóc các con đã chiếm hết thì giờ và sức lực của tôi; việc hành thiền, dạy thiền phải gác lại cho sau nầy. Nhưng tôi kiên quyết phá bỏ các ý kiến, quan niệm gò bó nầy, dầu đó không phải là động cơ chính của tôi.

Đó là một thử thách vì có rất ít các thầy cô giáo là phụ huynh, lại càng ít hơn các cô giáo có con nhỏ. Vì thế khi tôi có đứa con đầu lòng, người ta đã nghĩ là tôi sẽ nghỉ dạy, đến khi tôi có đứa thứ hai, họ nói rằng: 'Giờ thì chắc chắn rằng cô ấy phải nghỉ dạy thôi!'; nhưng tôi vẫn tiếp tục. Có con không có nghĩa là chấm dứt việc hành thiền và dạy thiền, chỉ hoàn toàn lo bổn phận làm mẹ cha, trong khi tôi coi việc nầy dưới nhiều khía cạnh là một thử thách lớn để mình tu tập.

Nếu sống ở tu viện, bạn dể hành thiền hơn. Cũng thế, bạn dể là thiền giả khi ở trong một môi trường lý tưởng, được bảo vệ như ở các khóa tu thiền. Nhưng thử thách cam go của pháp hành là khả năng sống trong pháp, áp dụng pháp của chúng ta, không chỉ trong những lúc vui vẻ, thoả mái mà cả trong những hoàn cảnh khó khăn. Tôi phát nguyện mạnh mẽ trong tâm rằng phải tiếp tục việc hành và dạy thiền của mình.

Tôi rất may mắn được làm người hướng dẩn hành thiền vì tôi không phải làm các công việc nhàm chán mỗi ngày từ sáng tới chiều. Tôi cũng được sự hỗ trợ của chồng, là người có lòng ngưỡng mộ Phật pháp sâu xa, cũng như công việc truyền bá Phật pháp. Anh luôn sẵn lòng giúp đở tôi chăm sóc con cái. Khi các con còn nhỏ, còn phụ thuộc nhiều vào tôi, tôi phải đặt ra những kỷ luật khắc khe cho mình để có thể tiếp tục tu hành, giảng dạy một cách sống động, đầy khám phá.

Khi các con còn nhỏ, tôi thường không thể bắt đầu làm việc hay có thời gian để tĩnh lặng, quán tưởng hoặc viết lách cho đến khoảng chín, mười giờ tối, mà rồi cũng chỉ được có vài tiếng đồng hồ. Có lẻ cha mẹ nào cũng biết, trẻ con thường cứ hai ba tiếng lại thức giấc. Thật rất cần một sự rèn luyện khắc khe khi các con còn nhỏ và còn phụ thuộc nhiều vào mình, đó là điều tối cần thiết; nều không công phu tu tập của tôi chắc đã bị gián đoạn.

Đôi khi tôi phải cắn răng chịu đựng để tuân giữ các kỷ luật đó. Đến khi các con ngủ, tôi cũng rất muốn đọc sách hay nằm xuống nghỉ ngơi. Vậy mà mỗi đêm tôi vẫn dành thời gian tọa thiền, nhưng cuối cùng tôi nhận thấy rằng mình đã góp phần duy trì sự sống của một đường hướng nội tâm, của cái thấy nội tâm, mà không bất cứ vai trò nào khác của tôi trong cuộc sống có thể chi phối nó. Mỗi lần được hành thiền như vậy là một cảm giác tươi mát, đầy định hướng như lan sang cả ngày hôm sau. Từng phút giây tọa thiền đều đáng trân quý, dầu rằng đôi khi tôi cũng ở trong trạng thái hôn trầm.

Hành Thiền & Nuôi Con

Khi các con lớn hơn, chúng càng khiến tôi thấy việc hành thiền thêm cấp bách. Bổn phận làm cha mẹ là một thách thức ở mọi lúc, mọi nơi. Tất cả những yếu tố quan trọng trong việc hành thiền như -kiên nhẫn, tha thứ, buông bỏ, từ bi, kiên định và xả ly- cũng là những yếu tố quan trọng trong việc nuôi dạy con cái. Con cái tạo cho chúng ta cơ hội để phát triển, vung trồng, bồi dưỡng các đặc tính nầy một cách trực tiếp, mạnh mẽ.

Một số điều trong thiền mang đến cho bạn sự sâu lắng, hiểu biết và thanh tịnh, cũng áp dụng được trong việc nuôi dạy con cái. Tôi nhận thấy hình như sự buông xả là mối liên hệ quan trọng nhất giữa tham thiền và làm cha mẹ -chỉ là không bám víu vào các sự việc, hình ảnh của những gì vừa xảy ra ít phút trước, của những bất ổn từ giây phút nầy qua giây phút khác. Sống với tâm rộng mở, tươi mát khiến cho việc nuôi dạy con cái trở thành một kinh nghiệm thiền định hơn là một bổn phận.

Nếu các bậc cha mẹ phải đến một thiền viện để tu tập chuyên sâu, họ sẽ cần có lòng từ bi, xả ly, tinh tấn và kỷ luật. Nếu bạn mời một vị tăng hay ni đến nhà để chăm sóc con bạn, họ cũng cần phải vung trồng đầy đủ các đức tính kể trên. Cốt yếu là chúng ta phải trân trọng các đức tính nầy như một phần của cuộc hành trình đời sống nầy, trong bất cứ hoàn cảnh nào. Chúng không thể thiếu trong việc tu tập cũng như nuôi dạy con cái.

Tôi rất quan tâm đến cuộc sống của các con. Tôi theo dõi sát sao việc học hành của chúng, liên hệ tốt với các thầy cô của chúng, và giúp đở trường học của chúng khá thường xuyên. Tôi cố gắng tạo cho con cái có những hoạt động hữu ích bên ngoài học đường. Khi các con rảnh rỗi, chúng tôi dành nhiều thời gian ở bên chúng, phần lớn là ở ngoài thiên nhiên. Chúng tôi rất cởi mở, chia sẻ tâm tình với con cái. Khi chúng lớn hơn, có những điều trong cuộc sống, chúng sẽ không muốn tôi quan tâm đến. Ngay chính bây giờ, có những việc chúng đã không mời tôi tham dự, và tôi cũng không buồn phiến vì chúng đã làm như thế.

Khoảng thời gian mà các con xa tôi lâu nhất là tám ngày. Tôi luôn mang chúng theo khi tôi phải dạy các khoá thiền ở nước ngoài. Tôi không bao giờ muốn mình trở thành những người cha, người mẹ luôn vắng bóng, và con cái chúng tôi biết cha mẹ luôn có mặt bên cạnh mình. Đối với tôi, cha mẹ có ý thức có nghĩa là họ phải sẳn sàng tham dự vào cuộc sống của nhau. Tôi tin rằng mối dây thân thiết mà chúng ta thiết lập từ khi con cái còn nhỏ sẽ tạo nên một nền tảng vững chắc cho sự tự lập của chúng khi chúng trưởng thành.

Là những người cha mẹ theo Phật giáo có nghĩa là chúng ta phải thiết lập trong gia đình một sự hiểu biết sâu xa về các vấn đề đạo đức, những điều luật mà các con phải tuân theo. Những giá trị đạo đức mà giờ chúng phải tuân theo, sẻ thành một phần của cuộc đời chúng. Điều đó liên quan đến cái nhìn của chúng ta về cuộc sống, cảm nhận của chúng ta về sự tuơng quan và trách nhiệm đối với nhau.

Tâm Linh Của Con Cái

Khi các con tôi lớn hơn, chúng cảm nhận được rằng Phật pháp là trọng tâm đời sống của tôi. Nhưng chúng cũng dự phần lớn trong đó và tôi khuyến khích chúng tự chọn lựa con đường tâm linh của mình. Chúng ủng hộ một cách tự nguyện công việc tôi làm, việc giảng dạy của tôi, cũng như khi chúng theo tôi đến các khóa tu thiền.

Con cái thường tìm con đường riêng của chúng trong vấn đề tâm linh và sứ mệnh của tôi không phải là ép con cái vào một khuôn mẫu nào đó của những người hành pháp. Tuy nhiên hầu hết cha mẹ không thể tránh được việc ảnh hưởng đến con cái qua các hành động, lời nói, việc làm của mình. Điều quan trọng là tôi đã ảnh hưởng tốt đến các con, khuyến khích chúng biết tự suy xét, tìm hiểu vấn đề.

Tôi đề nghị là chúng ta dạy cho con cái những nền tảng đạo đức trong Phật pháp, các giới luật. Những điều nầy đã là một phần trong cuộc sống của các con tôi từ khi chúng mới biết nghe, và nhờ sự ảnh hưởng nầy, các con tôi dần có một sự hiểu biết sâu xa về các mối liên hệ. Thí dụ, chúng sẽ không làm hại bất cứ sinh vật nào, vì chúng biết, từ kinh nghiệm bản thân, rằng đó là sự xâm phạm cuộc sống. Dỉ nhiên các giá trị đạo đức của chúng không thể tách rời khỏi sự ảnh hưởng của cha mẹ, của kinh nghiệm thời thơ ấu, nhưng chúng đã thấm nhuần các điều nầy. Chúng tôi dạy cho các con biết về chánh niệm, lòng từ bi, sự tỉnh thức bằng các kinh nghiệm của chúng. Nhưng bạn không thể khiến chúng tỉnh thức, bạn không thể bó buộc chúng phải như thế nào đó. Chúng phải tự chọn cuộc hành trình cho mình, cha mẹ chỉ là người hướng dẩn, giống như vị pháp sư cũng chỉ là một hướng dẫn viên.

Trong 10 năm, tôi đã làm người hướng dẫn các khóa tu thiền chuyên sâu dành cho các gia đình ở Barre (tiểu bang Massachusetts, Hoa Kỳ). Mục đích của một khóa tu gia đình là để tạo cơ hội cho các bậc cha mẹ có thể tu tập mà không phải rời xa con cái. Chúng tôi có tổ chức giữ trẻ, để cha mẹ có những giờ phút yên ổn hành thiền. Việc nầy ít có ở phương Tây, vì rất ít các trung tâm tu thiền chịu tiếp nhận trẻ nhỏ.

Thông thường cha mẹ phải tạm xa con cái để theo đuổi, phát triển đời sống tâm linh cho riêng họ. Dưới mắt con cái, cách làm nầy thật kỳ quặc, vì có vẻ như tâm linh là một việc mà cha mẹ phải đi đâu mới thực hiện được; cha mẹ của bạn bè chúng thì đi nhà thờ hay thánh đường, trong khi cha mẹ chúng phải đi đâu đó để hành thiền. Qua các khoá tu thiền dành cho gia đình, chúng tôi muốn tìm cách phá vỡ sự cách biệt nầy.

Con cái sẽ không có khái niệm gì về thiền cả, nên chúng sẽ coi tâm linh là một vấn đề lạ lẫm, kỳ quặc, khó hiểu. Tôi thấy rõ nhiều trẻ em không hề biết đến tâm linh trong cuộc sống của chúng. Cha mẹ chúng thuộc thế hệ bác bỏ mọi tôn giáo truyền thống, không hề đến nhà thờ, chùa chiềng, nên những đứa trẻ nầy hoàn toàn không biết đến một biểu tượng tôn giáo nào. Ở Mỹ, việc giáo dục tôn giáo ở nhà trường là bất hợp pháp; thay vào đó trẻ em được dạy về các biểu tượng của chủ nghĩa tiêu thụ, lòng ham muốn, sự tẩy chay. Rõ ràng là Phật giáo ở phương Tây cần để cập đến những vấn đề nầy, và góp phần đào tạo một thế hệ mới của những người có ý thức tâm linh.

Tâm linh có thể bao gồm tất cả mọi vấn đề trong cuộc sống của chúng ta, kể cả việc nuôi dạy con cái, các mối liên hệ, sự ứng xử với người chung quanh,cũng như trong công việc. Như thế, tâm linh không phải là sự ngụy trang hay lốt áo ta mặc vào khi đến các khoá tu, rồi lại cởi bỏ ra khi trở về nhà. Cho con cái theo đến các khóa tu là một cách để nhận nhìn vấn đề nầy. Trong việc giảng dạy thiền ở phương Tây, người ta thường nghĩ rằng cuộc hành trình tâm linh là lãnh địa của người lớn, nên cuộc sống tâm linh của người trẻ tuổi thường ít được đề cập đến. Tựa như là con cái không có những lãnh vực tâm linh và nhu cầu tâm linh của riêng chúng. Hình như là chúng ta mong mỏi con cái mình sẽ trửơng thành trong nền văn hóa phương Tây, tạo ra những lỗi lầm gì đó, tích luỹ những vấn đề không thể giải quyết nào đó mà chúng có thể tích lũy, rồi khi đã đủ trưởng thành, chúng sẽ tìm đến một khóa tu nào đó để giải quyết tất cả.

Vì thế với các khóa tu gia đình, chúng tôi bắt đầu cho con cái dự trong những thời khóa ngắn, và cho cả gia đình hành thiền với nhau. Các cháu sẽ đến thiền đường mỗi ngày một lần trong nửa tiếng và chúng tôi sẽ hành thiền quán từ bi, tụng một ít kinh hay thực hiện một nghi lễ gì đó. Tôi cũng không biết các bậc phụ huynh có chấp nhận việc tôi dạy Phật pháp cho con cái họ hay không, nên năm đầu tiên, việc nầy được thực hiện rất giới hạn.

Với thời gian, một số em có những nhu cầu khác, nên đã ra đi, và các em mới đển lại thế chỗ vào. Các em muốn có thêm trong khóa tu những gì liên quan đến các nhu cầu của các em, hơn là những gì người khác nghĩ là các em cần. Các em lớn hơn nữa, lại yêu cầu có thêm các nhóm thảo luận, giảng dạy và thực hành. Các em cũng thực hành một số thời khóa tọa thiền và kinh hành. Các em nhỏ hơn thì có những sinh hoạt hơi khác, và cũng còn cần nhiều thay đổi.

Qua quá trình gần gủi các em, nhất là những em đã đến với khóa tu thiền hơn một lần, tôi nhận thấy rằng các em rất cởi mở, có thiện chí, có hứng thú trong việc tìm hiểu Phật pháp, là điều gây khá nhiều ấn tượng nơi tôi.

Dần dần tôi cảm thấy tự tin hơn vào khả năng truyền dạy Phật pháp cho các em cũng như khả năng lãnh hội của chúng. Tôi nghĩ điều quan trọng và thiết yếu là chúng ta phải xem các em như những người có đầy đủ trách nhiệm tâm linh. Các em có thể chưa phát triển đầy đủ về thể xác, còn thiếu sót trong giao tế, nhưng các em cũng được thụ hưởng tâm cởi mở và một khả năng lãnh hội đáng kể.

Giải Thoát Không Đòi Hỏi Giới Hạnh Hoàn Hảo

Thiền tựu trung là sự tỉnh thức trong cuộc sống và trong chính nội tâm của ta. Đó là tâm điểm của mọi con đường đạo. Chánh niệm giúp chúng ta tỉnh thức, có mặt trong từng giây phút hiện tại, và một số nghi thức, cũng như công phu hành thiền là những việc làm để nhắc nhở chúng ta chánh niệm. Khi mới bắt đầu tu thiền, tôi không có kế hoạch gì đối với những gì tôi đang theo đuổi, tôi thường dựa vào các vị thầy của tôi. Họ khuyến khích tôi quán về từ bi, về các mối liên hệ hay sự vô thường, về cái không ngay chính trong các kinh nghiệm của bản thân.

Dần dần, tôi phát triển lòng tin, tín tâm sâu đậm, cả trong việc thực hành lẫn trí tuệ phát sinh từ việc thực hành. Giờ tôi thấy sự hành thiền của mình đã có nền nếp riêng, không liên quan gì đến sự chọn lựa của tôi. Nó có những giây phút vận hành riêng, đôi khi không lường trước được. Có những lúc tôi có ý phát triển định, tâm từ hay tâm nghi, nhưng nhiều khi sự hành thiền của tôi lại phát triển theo một cách khác, không liên quan gì đến ý hướng của tôi.

Định không nhất thiết phải có trước khi đạt được trí tuệ, nhưng sự bình an, tĩnh lặng giúp cho trí tuệ thêm sâu lắng và sự chuyển hoá được tinh tế hơn. Bất cừ ai muốn được giác ngộ đều được lợi ích khi biết cách phát triển trạng thái thanh tịnh, tâm sáng suốt, là những yếu tố liên quan mật thiết đến sự phát triển chánh niệm.

Thật khó mà bày tỏ các sự lợi ích của chánh niệm, chú tâm với người khác, mà không hàm ý rằng việc đạt được giác ngộ tùy thuộc phần lớn vào sự hoàn thiện của từng cá nhân. Động lực chính thúc đẩy người ta bắt đầu hành thiền là người ấy phải thật sự muốn chuyển đổi, muốn hoàn thiện bản thân, muốn tìm con đường giải thoát khỏi mọi khổ đau. Thiền không phải chỉ là theo đuổi việc hoàn thiện bản thân và hạnh phúc cá nhân; con đường tâm linh là nhằm chấm dứt khổ đau cũng như nguyên nhân của khổ đau, nhằm phát triển lòng từ bi vô hạn, cũng như trí tuệ giải thoát.

Khả năng biểu lộ trí tuệ qua các hành động khôn ngoan, từ bi không nhất thiết phải gắn với các chứng nghiệm cao sâu nào trong thiền định. Bám víu vào sự hoàn hảo, vào kết quả của các chứng nghiệm, cùng với sự tự đánh giá không ngừng nghỉ trong nội tâm dựa vào sự có đạt được chứng nghiệm hay không là một trong những rối loạn thần kinh trầm trọng của người hành thiền.

Có hàng ngàn phương pháp tu thiền khác nhau, nhưng mục đích chính trong phần lớn các phương pháp vẫn là để giúp cho người hành thiền đến gần hơn với sự sống trong từng giây phút hiện tại, vì vậy các phương pháp đều nhằm vào phát triển sự tỉnh thức. Do đó các đề mục được xử dụng -dầu là câu niệm, một hơi thở hay sắc thân- điều đó không quan trọng lắm. Đề mục có thể thay đổi tùy theo sự thích hợp của mỗi người, tùy theo điều gì đem lại cho thiền giả nhiều lợi ích nhất. Không có một quy trình thứ lớp nào cho các đề mục thiền quán; theo dõi hơi thở để phát triển trí tuệ không hẳn là tốt hơn việc xử dụng một câu chú niệm hay ngược lại.

Tất cả mọi người bắt đầu đến với thiền đều đã được trang bị đầy đủ những gì cần có. Họ không cần phải học nhiều điều trước khi bắt đầu hành thiền; mọi người đều có hơi thở để trụ vào đó, chú tâm theo dõi. Bạn không cần phải có bí truyền hay mật truyền gì, không cần có nhiều kinh nghiệm hay một môi trường đặc biệt nào. Đó là điều quý báu nhất của thiền -bạn không cần phải là một người đặc biệt nào đó, hay ở một nơi đặc biệt nào khác. Tỉnh thức là chuyển hóa, nó phá vỡ các thành kiến, sự bám víu, ảo tưởng, xuyên tạc, để nhanh chóng mang đến cho nội tâm ta sự bình an, hạnh phúc.

Tỉnh Thức Mang Lại Hạnh Phúc

Tôi cố gắng giữ cho cuộc sống của mình đơn giản, quyết tâm không để cho cuộc đời mình chịu nhiều xáo trộn. Tôi không muốn có những xáo trộn, đó không phải là điều tôi chọn lựa, chúng không đem lại lợi ích gì cho tôi. Khi có nhiều việc phải làm, tôi cẩn thận sắp xếp các việc phải làm mỗi ngày. Đó là những lúc tôi làm được việc. Nếu tôi tiếp xúc với tâm an tĩnh, thì cuộc sống tôi được an tĩnh ngay cả khi tôi rất đang bận rộn. Ngược lại nếu tôi không cảm thấy an tĩnh, thì tôi không thể tìm được sự an tĩnh, hoà hợp bất cứ ở đâu trong cuộc sống. Tôi không nghĩ rằng sự xáo trộn, mất thăng bằng gắn liền với cuộc sống; mà đúng hơn là với sự lựa chọn của chúng ta trong cuộc sống và cách sống của chúng ta.

Tôi luôn sống trong chánh niệm. Dầu đang viết lách, tiếp chuyện với người, gặp gở các thiền sinh hay đọc sách báo, phần nhiều tôi luôn giữ chánh niệm. Đôi khi chúng ta dể nghĩ rằng được mộng mơ cũng thích, như khi ta chìm trong những giấc mộng, trong sự tưởng tượng nhưng thực ra, tôi cảm thấy sống xa rời thực tế như thế mới đúng là phiền não.

Tôi rất cần tạo cho mình những khoảng thời gian được một mình, vì tôi cảm thấy sự đơn độc tái tạo sinh lực, làm tươi mát tôi hơn. Ở phương Tây, chúng ta có nhiều cách thư giãn rất lạ kỳ. Chúng ta đọc sách, nghe nhạc, ăn uống và mơ mộng cùng một lúc, vậy mà ta lại nghĩ là mình đang chăm sóc bản thân. Đối với tôi, đó là đơn đặt hàng cho sự xáo trộn.

Khi hướng dẫn một khóa tu thiền, tôi cũng coi đó là một khóa tu dành cho bản thân. Tôi không coi đó là khoảng thời gian chỉ để dạy người khác. Vì các khóa tu tạo cho tôi những cơ hội quý báu để tham dự vào nhiều thời khóa tu thiền, tĩnh lặng. Do đó tôi không cảm thấy mình chỉ là người dạy.

Tôi chưa bao giờ có cảm giác mình đã đạt được điều gì trong công phu tu tập của bản thân; hình như lúc nào cũng có một điều gì nữa cần được khám phá, vì thế việc hành thiền của tôi luôn sống động, mãnh liệt. Nếu thiền chỉ là một điều gì đó tôi thực hiện cho người khác, chắc là tôi chẳng còn hứng thú gì. Tôi chưa từng có cảm giác đó, và hy vọng rằng tôi sẽ chẳng bao giờ có cảm giác rằng mình đã đến đích.

Cộng Đồng Tâm Linh: Một Sa Mạc Hay Ốc Đảo?

Để hành thiền trong cuộc sống đời thường, quan trọng là ta phải thường dành thời gian để tĩnh lặng, để tiếp xúc với những người đồng chí hướng. Đối với nhiều người, rõ ràng là có một khoảng cách lớn giữa cuộc sống đời thường và cuộc sống ở các khóa tu thiền, đó chính là do sự thiếu vắng một cộng đồng tâm linh. Nhu cầu thành lập tăng đoàn là điều cần phải nhấn mạnh ở đây. Ở phương Đông thì không thiếu vắng các tăng đoàn, vì hầu như ở mọi góc đường đều có chùa chiềng, nhưng ở phương Tây có một khoảng cách lớn giữa các mối liên hệ tâm linh, và nhiều người đành phải trú trong những sa mạc tâm linh khi tiếp xúc với thế giới bên ngoài. Nếu họ đã trãi qua những giai đoạn phát triển tâm linh sâu xa ở các khóa tu thiền chuyên sâu, rồi sau đó lại đánh mất chúng, thì họ cần xét lại lối sống, cách làm việc, các mối liên hệ của mình rốt ráo hơn.

Nhiếu người quá coi trọng sự chứng nghiệm đến nỗi họ coi thường con đường của trí tuệ đạt được do thiền quán bên ngoài các khoá tu. Trí tuệ chứng nghiệm được từ công phu tu thiền nghiêm mật, khi chúng ta có thể trực tiếp chứng nghiệm được cái không, sự vô thường, hay sự liên hệ giữa khổ đau và nguyên nhân của khổ đau. Những chứng nghiệm trực tiếp, bóc trần chúng ta đến từng lớp tế bào. Nhưng người ta nhận thấy rằng các chứng nghiệm nầy không phải là giải thoát trừ khi họ có thể áp dụng chúng. Trong cuộc sống, buông bỏ, sống trong tinh thần của cái không, của từ bi có nghĩa là gì? Trí tuệ do thiền quán mang lại, được coi như mang nhiếu dấu ấn của truyền thống Tây Tạng, do đó có lẻ không được quan tâm đủ trong truyền thống Nguyên thủy, cũng như trong đời sống của nhiều người phương Tây.

Các Khóa Chuyên Tu Dài Hạn

Trong các khóa tu ngắn hạn, từ vài ngày đến một tuần, tôi có một phương cách tiêu chuẩn cho việc thực hành, nhấn mạnh đến chánh niệm, trí tuệ và cái không. Ở các khóa tu dài hạn, tôi thường trao đổi với thiền sinh xem có điều gì họ muốn chú tâm thực hành. Họ có thể muốn phát triển định sâu xa hơn hay ổn định các trạng thái tâm. Đôi khi họ chỉ muốn thực hành tâm không phân biệt.

Người tham gia các khóa tu dài hạn là người có trách nhiệm cao đối với con đường đạo và cuộc hành trình tâm linh của mình. Vì vậy, tôi không cảm thấy đúng để biểu hiện quyền lực của mình bằng cách bảo điều gì mới đúng cho họ, điều gì họ cần phải phát triển. Có người cảm thấy tâm họ có khuynh hướng hay sân hận hay ham muốn, nên muốn thực hành niệm xả nhiều hơn. Người khác lại có những khuynh hướng khác. Tôi để họ tự quyết định hướng đi của họ hơn là áp đặt ý tưởng của tôi.

Phát triển các trạng thái định sâu xa hơn và các tầng thiền định, đòi hỏi một thời gian dài, cũng như môi trường, sự hỗ trợ nào đó. Nhiều khi một khóa tu dài hạn là nơi duy nhất mà thiền sinh có thể có đủ hết các điều kiện nầy. Tuy nhiên, tôi không nghĩ rằng các khóa tu dài hạn là điều thiết yếu để được chứng nghiệm, vì sự chứng nghiệm không liên quan gì đến thời gian. Có người chỉ đến các khóa tu ngắn hạn hay không đến một khóa tu nào cũng có thể đạt được những chứng nghiệm sâu xa. Tuy nhiên, các khóa tu dài hạn tạo cho bạn một môi trường mà bạn có thể có được một cái đầu chín chắn, sung mãn và một trái tim cao cả.

Một Phương Pháp Kết Hợp

Tôi bắt đầu hành thiền với Geshe Rabten, một vị thầy khả kính trong Phật giáo Tây Tạng, ở Dharamsala, Ấn Độ. Trong nhiều năm, tôi thực hành theo truyền thống Tây Tạng, kể cả quán tưởng, quán chiếu và tất cả các nghi thức trong Kim Cang thừa. Sau đó tôi tham gia một vài khóa thiền minh sát khi tôi vẫn còn theo thầy Geshe Rabten, rồi thêm các khóa tu dài hạn, một mình cũng như theo nhóm, thực hành theo thiền minh sát. Lúc đó tôi cũng thực hành thiền định và theo một số phương pháp của thiền Nguyên thuỷ.

Sau một vài năm, tôi từ bỏ các cách tu hoàn toàn theo Phật giáo Tây Tạng. Tuy nhiên, tôi đem theo các căn bản về quán tưởng vào việc thực hành thiền minh sát. Đó vẫn còn là nền tảng mà tôi thường dùng để giảng dạy và thực hành.

Phần lớn việc thực hành của Nguyên thủy (Theravada) là về sự khám phá bản thân và tuệ giác, nhất là tuệ giác về các đặc tính của hiện hữu như là: vô thường, khổ và vô ngã. Đó là con đường có thể mang lại một số chứng nghiệm, khám phá, tiến bộ. Điều nguy hiểm là chúng ta có thể bị kẹt vào những khám phá về bản thân mà quên đi những lãnh vực rộng lớn hơn trong Phật giáo Đại thừa (Mahayana), nhấn mạnh đến việc phát triển tâm từ bi.

Đôi khi người ta hình như không tìm thấy mục đích gì trong Phật giáo Nguyên thủy truyền thống ngoài việc chấm dứt khổ đau, giải thoát bản thân. Những phát triển sau nầy của Nguyên thuỷ như là thiền quán về từ bi, được xem như yếu tố phụ thuộc. Trong Đại thừa (Mahayana), nhấn mạnh về động lực và ý muốn hoàn thiện các đặc tính của tâm tri, có vẻ hỗ trợ một nền tảng rộng rãi hơn cho việc hành thiền.

Hai nền tảng Phật giáo nầy trong tôi bổ túc cho nhau chứ không hề gây một xung đột nào. Tuy nhiên, đôi khi tôi cũng thấy khó khăn khi giảng dạy mà đều nhấn mạnh đến cả hai. Khi tôi được huấn luyện theo truyến thống Đại thừa, nhấn mạnh đến văn, tư, tu và giới luật. Trong khi theo truyền thống Nguyên thủy (Theravada) như được dạy ở phương Tây (không nhất thiết giống như thế ở phương Đông), lại nhấn mạnh đến thanh tịnh tâm, đưa đến tĩnh lặng.

Tự Nguyện

Chúng ta cần phải quán xét kỹ càng xem mình phải áp dụng Phật pháp như thế nào vào cuộc sống. Trong các khoá tu, điều chính yếu khiến người ta có thể chuyển hóa hay chứng đạt là nhờ vào sự tự nguyện chú tâm chánh niệm của họ. Nếu họ đến với các khóa tu với ý nghĩ giống như đi nghỉ phép, thì họ cũng chỉ được có thế. Họ có thể cũng dự mọi buổi tọa thiền, nhưng sẽ chỉ để ngủ. Chính lòng tự nguyện chú tâm chánh niệm mới đem lại cho sự hành thiền của ta sự sống động, mãnh liệt. Điều đó đến từ người tham dự khóa tu, chứ không phải tự trong môi trường tu.

Sự tự nguyện để chú tâm chánh niệm là yếu tố tiên quyết để chúng ta có được cái cảm giác mình đang trên một cuộc hành trình tâm linh. Nếu trong mọi khía cạnh của cuộc sống, chúng ta cũng đều có sự tự nguyện chú tâm chánh niệm, chúng ta sẽ cảm thấy mình thực sự sống đầy tâm linh ngày nầy qua ngày khác. Nếu đánh mất lòng tự nguyện chú tâm chánh niệm đến những gì xảy ra trong từng giây phút, thì thiền trở thành một hoạt động tĩnh tại chỉ xảy ra khi chúng ta ngồi trên gối thiền.

-ooOoo-

Chú thích:

Hiệu đính dựa theo "Tự Điển Phật giáo & Thiền", Shambhala (Shambhala's Dictionary Of Buddhism & Zen, 1991).

(1) Kaguypa: Một trong bốn môn phái chính trong Phật giáo Tây Tạng. Môn phái nầy nhấn mạnh vào việc truyền tâm ấn (great seal). Được mang từ Tây Tạng đến Ấn Độ vào thế kỷ thứ 11 bởi để tử của ngài Milarepa.

(2) Mahamudra: 'Đại Ngộ (Great Seal), là những giáo lý chỉ thẳng, trực tiếp trong Kim Cang thừa để chắng đặc tâm chân thật. Ở Tây Tạng, đặc biệt được truyền dạy trong tông phái Kagyupa.

(3) Chenrezi: Được coi như Bồ Tát Quan Thế Âm trong Phật giáo Tây Tạng. Thường được thể hiện bằng hình tượng có bốn tay, ngồi trên toà sen.

(4) Tara: Là hình ảnh của Bồ Tát Quán Thế Âm, rất phổ biến trong Phật giáo Tây Tạng. Được biết qua 21 hình tướng, màu sắc khác nhau.

(5) Gelugpa: Một trong bốn tông phái chánh của Phật giáo Tây Tạng, chú trọng vào giới luật và sự thông suốt kinh điển. Do Tsongkhapa sáng lập vào thế kỷ thứ 15.

(6) Nyingmapa: Một trong bốn tông phái chánh của Phật giáo Tây Tạng, 'Trường phái Cổ Điển', kết hợp mọi truyền thống Phật giáo cổ điển nhất của Tây Tạng, được truyền bá từ Ấn Độ.

(7) Maechee: Tên gọi nữ tu sĩ Phật giáo ở Thái Lan.

(8) Indra's Net: Nhân đà la võng. Lưới trời Đế Thích. Vô số châu ngọc trang trí bao phủ cung trời Đế Thích hình thành một 'mạng lưới' bao quát các châu ngọc nầy cùng phản chiếu lẫn nhau hình thành một 'mạng lưới trùng trùng cảnh giới' bên trong mỗi viên ngọc. Điều nầy được sử dụng như một ẩn dụ để minh họa sự tương nhập và hỗ dung của Pháp giới Viên Dung của Hoa Nghiêm. (Theo Bảng Tự Điển Thuật Ngữ của Thanh Lương-Thích Thiện Sáng trong Triết Học Phật giáo Hoa Nghiêm Tông, 1971)

-ooOoo-

Ðầu trang | Mục lục | 1a | 1b | 2 | 3 | 4

Chân thành cám ơn Chị Diệu Liên đã gửi tặng bản vi tính (Bình Anson, 04-2005)


[Trở về trang Thư Mục]
last updated: 02-04-2005