BuddhaSasana Home Page
This document is written in Vietnamese, with Unicode Times font


Cuộc đời Thánh tăng Ananda

Hellmuth Hecker - Nguyễn Ðiều soạn dịch (1991)


  

Chương VI

A Nan Ða đối với các hàng huynh đệ.

-ooOoo-

Trong cộng đồng Tăng lữ chỉ có Xá Lợi Phất (Sàrìputta) là người bạn thân nhất của A Nan Ða. Còn Anuruddha (A Nậu Lâu Ðà) tuy là anh em ruột của ông, nhưng mối liên hệ giữa hai người đã tỏ ra không khắng khít cho lắm. Lý do chỉ vì Anuruddha thích sự cô độc yên tĩnh, còn A Nan Ða thường xuyên tiếp xúc với mọi người. Mặt khác, Xá Lợi Phất (Sàrìputta) là một đại đệ tử có cách thuyết pháp giống đức Phật nhất, nên khi đàm đạo với Xá Lợi Phất, A Nan Ða có cảm tưởng như mình đang nói chuyện với đức Bổn Sư.

Trong kinh còn ghi rõ ràng: Chỉ có Xá Lợi Phất và A Nan Ða là hai người đã được Phật ban cho hai "chức vụ": Xá Lợi Phất, vị "đại Như Lai Sứ giả", và A Nan Ða, vị "đại Như Lai Thinh Văn". (Tức là một người xứng đáng để diễn tả về "Ý Phật": Như Lai Sứ Giả. Và người kia xứng đáng để nhắc lại đúng như lời Phật dạy: Như Lai Thinh Văn).

Một đoạn khác trong Tam Tạng kinh điển cũng nêu rõ Xá Lợi Phất (Sàrìputta) là một biện thuyết gia rất hùng hồn, nhất là khi ông thốt lời như một con sư tử gầm (Kinh Sư Tử Hống: Sihasutta).

Còn A Nan Ða là một "Tàng kinh các", tức là"chỗ chứa đựng Phật ngôn" vững chắc nhất và nguyên vẹn nhất. (Ý nói A Nan Ða nghe Phật dạy sao thì có khả năng thuật lại y hệt, không thêm, không bớt, dù cho chỉ một chữ hay một vần).

Về điểm này, chúng ta có thể đem A Nan Ða so sánh với Mục Kiền Liên (Moggallàna). Vị đại đệ tử nổi tiếng thần thông của đức Phật này (Mục Kiền Liên) cũng có một cách thuyết pháp rất giản dị, thực thà, bình dân và dễ hiểu. Mục Kiền Liên là vị đại tông đồ thứ hai (sau A Nan Ða) nổi tiếng về đức tánh lập lại Phật ngôn một cách nguyên văn không dư sót.

Mặt khác, A Nan Ða và Xá Lợi Phất thường được đức Phật giao cho thi hành một số công tác chung. Chẳng hạn như khi ông bá hộ Cấp Cô Ðộc (Anàthapindika) đau nặng, họ đã cùng nhau đến thăm nhiều lần (Theo Majjhima Nikàyaa số 153, và Samyutta NiKàya, 55-56). Hoặc cả hai đã hợp lực trong việc giải quyết những mối bất hòa trong các hàng Tăng lữ ở Kasambi (Theo Anguttara Nikàya 221).

Còn mặt luận đạo thì A Nan Ða và Xá Lợi Phất đã trao đổi khắng khít với nhau không biết bao nhiêu lần. Bởi vậy, khi A Nan Ða hay tin Xá lợi Phất viên tịch, ông đã lập tức rụng rời, tỏ lời thương tiếc như sau:

"Bỗng dưng khung cảnh đổi buồn,
Huynh đi "tâm" đệ không còn tinh thông.
Mất huynh dòng lệ sầu tuôn,
Mất huynh như ánh đèn linh tắt rồi".

(Nguyễn Ðiều thoát dịch theo bài kệ số 1034 trong Theragatha: Tôn Túc Kinh).

Thật vậy, khi Xá Lợi Phất viên tịch thì A Nan Ða chưa đắc Thánh quả A La Hán, thành thử nỗi buồn thương tiếc trong lòng ông, u trầm như một cơn bão lớn thổi tắt mọi ánh sáng trí tuệ trong tâm tư vị Tôn giả khả kính này. Ðó cũng là một bài học để A Nan Ða về sau hiểu được nỗi khổ não gây ra do tử biệt, thương ly (Hai trong tám pháp thế gian).

Ðức Phật thấy A Nan Ða vô cùng khổ não, bèn cứu độ ông bằng cách vấn đạo như sau:

- Này A Nan Ða! Xá Lợi Phất viên tịch có mang theo của ông một phần giới hạnh, một phần thanh tịnh, một phần trí tuệ, một phần thánh thiện hay một phần giải thoát nào không?

- Bạch đức Thế Tôn! Không!

Rồi A Nan Ða tiếp:

- Nhưng đạo huynh Xá Lợi Phất là một bậc đàn anh hằng che chở, dẫn dắt những đàn em mới chập chững bước vào Thánh đạo.

Ðức Phật sau đó liền ban bố những lời an ủi khác, hướng dẫn A Nan Ða đến một phẩm cách cao hơn. Ngài hỏi:

- Này A Nan Ða! ống nhớ chăng một chân lý mà Như Lai đã dạy rằng: Không có cái gì sinh ra rồi sẽ còn mãi mãi. Tuy sự viên tịch của Xá Lợi Phất đối với hàng ngũ Phật giáo có thể xem như một cành cây lớn đã lìa khỏi thân cây. Không có mặt của Xá Lợi Phất, cộng đồng Tăng chúng dù bị thiệt thòi rất nhiều. Nhưng không phải vì vậy mà chu đệ mắc dính vào sự hướng dẫn, che chở của người khác, dù cho người ấy là Như Lai, chứ đừng nói là Xá Lợi Phất! Vậy A Nan Ða hãy tự mình khêu sáng ngọn đuốc trí huệ cho chính mình, không nên tùy thuộc vào một tha lực (Theo Samyutta Nikàya 7, 13: Tạp A Hàm 7, 13). Nghe Phật dạy như vậy A Nan Ða mới khoan tâm, rồi tinh tấn thi hành phận sự.

Ngoài Xá Lợi Phất ra, A Nan Ða cũng thường luận đạo, gần gũi và sinh hoạt chung với một số rất nhiều Tăng chúng khác (Soạn giả chỉ xin phép nhắc lại một hai trường hợp tượng trưng):

Chẳng hạn như một hôm, Tỳ khưu Vangisa cùng đi khất thực với A Nan Ða. Trên đường đi, Vangisa bỗng cảm thấy chán nản cảnh độc thân, một tâm bệnh nguy hiểm vào bậc nhất của các hàng tu sĩ. Tâm tư ông tự nhiên nổi đầy buồn phiền, rồi đòi hỏi nhục dục. Tức khắc ông nhận thấy đời sống của một tu sĩ thật là vô nghĩa, còn hoàn tục lấy vợ và tạo một mái ấm gia đình thì hấp dẫn và hạnh phúc hơn nhiều.

Tỳ khưu Vangisa vốn là một người làm thơ có tài. óng chợt dùng lời thơ (trong kinh điển Phật giáo gọi là Kệ ngôn) yêu cầu A Nan Ða giúp ông thực hiện ý muốn ra đời.

A Nan Ða thì hiểu được những gì đang nung nấu trong tâm tư của người bạn đồng hành, bèn khuyên nhủ ông bằng những lời thanh thoát như sau đây:

"Ðời chỉ đẹp khi tình yêu nung nấu,
Kẻ mê đời không biết sẽ sầu đau.
Yêu trong đời là tình yêu sân khấu!
Màn buông xong...son phấn có gì đâu?
Này sư đệ đừng để lòng phóng túng,
Hãy gom tâm niệm tưởng biết mình thôi!
Khi mê sắc tưởng đời tu vô dụng,
Tịnh tâm rồi hạnh phúc thấy mọi nơi!".

(Nguyễn Ðiều thoát dịch theo Tôn Túc Kệ Ngôn số 1224 - 1225: Theragàthà 1224-1225).

Trong bài kệ môn trên đây, A Nan Ða đã chỉ cho Vangisa thấy rằng: "Vì ông đang bị ái dục nung nấu trong tâm tư, nên Vangisa không thể nào nhận ra chân lý đau khổ (Khổ đế), nhất là đau khổ trong tình trạng bị sắc đẹp của phái nữ quyến rũ. Khi sự thèm khát tình yêu chiếm trọn tâm tư rồi thì con người dễ trở thành nhục chí và thất vọng. Trường hợp nếu nạn nhân là một đạo sĩ thì nó làm cho họ chán ghét đời sống phạm hạnh. Vì vậy A Nan Ða khuyên Vangisa phải bình tĩnh nhớ lại mọi hình dung trên đời, như vẻ đẹp trên sân khấu, tuy bề ngoài có vẻ đẹp đẽ, đáng ôm ấp, nhưng thực tế bề trong rất xấu xa, đáng nhờm gớm... để ông hiểu rằng "xác thân này, dù đẹp hay xấu, bệnh hoạn hay khỏe mạnh, tàn tật hay nguyên vẹn, vốn là nguồn gốc của những đau khổ trên đời". Sa môn nào quán xét thấy rõ được như vậy, sẽ hoan hỷ tiếp tục đời sống phạm hạnh".

Một trường hợp khác, sau khi Phật nhập Niết bàn: Tỳ khưu Channa có lần bị pháp hoài nghi (Vicikiccà) quấy nhiễu. Tuy ông biết rằng xác thân ngũ uẩn này vô thường, nhưng ông vẫn cứ thương mến, và lo sợ rằng: "Mình tin vào Niết bàn là rơi vào đoạn kiến!" hay: "Phải chăng Niết bàn là trạng thái tuyệt diệu?" hoặc: "Vô ngã tương đương với một con số không?".

Vì đời sống của mọi sinh vật trên thế giới này chỉ có ý nghĩa khi chính trong sự sống ấy có một cái gì thiêng liêng bất diệt. Nếu ta tu hành để trở thành một trạng thái "biến mất" thì sự tu hành ấy dựa trên cơ sở đoạn kiến.

Suy nghĩ như vậy, nên Channa vội tìm đến A Nan Ða để nhờ giải tỏa những thắc mắc trong tâm.

A Nan Ða liền nhắc cho Channa nhớ rằng: Chính đức Thế Tôn đã từng dạy: Khi một sự thắc mắc như thế nổi lên trong tâm tư một hành giả là khi trình độ tu tập của người ấy đang tiến tới bậc cao, chuẩn bị đột phá bức tường cuối cùng của cái vòng sinh tử luân hồi. Bức tường ấy là sự Chấp Hữu (cho là có) và Chấp Vô (cho là không)...

Rồi A Nan Ða thuyết lại trọn bài pháp nói về Hữu và Vô của đức Phật đã chỉ giáo, cho Channa nghe. Khi chỉ nghe lại đoạn mở đầu, Channa chợt cảm thấy giải tỏa trong lòng. ông chăm chú nghe trọn bài pháp một cách càng lúc càng hoan hỷ. Ðoạn ông tán dương những lời Phật dạy do A Nan Ða nhắc lại, như sau:

- Thật là tuyệt diệu được nghe chánh pháp! Thật là may mắn cho tiểu đệ có một sư huynh thông thái như bậc thầy. Nếu sự hoài nghi trước đây đã làm cho tâm đệ bị mê mờ, bị cùng quẩn, suýt trở thành bất trị, thì bây giờ nghe lại chân lý, tâm hồn đệ đang được soi sáng, đắc rõ chính đạo. (Theo Samgutta Nikàya 12-15-22-90: Tạp A Hàm các đoạn 12-15-22-90).

-ooOoo-

 Ðầu trang | I | II | III | IV | V | VI | VII | VIII | IX | X | Mục lục


Chân thành cám ơn anh HDC đã giúp tổ chức đánh máy vi tính (Bình Anson, 05-2001)


[Trở về trang Thư Mục]

update: 19-05-2001