BuddhaSasana Home Page

Vietnamese, with Unicode Times font


Năm chữ vàng trong Kinh tạng Pali

Như Quang


- 02 -

CHỮ GIÀ TRONG KINH TẠNG PALI

"Hãy xem bong bóng đẹp,
Chỗ chất chứa vết thương,
Bệnh hoạn nhiều suy tư,
Thật không gì trường cửu
"
-- (Kinh Pháp Cú 147)

Đó là một trong những câu kệ trong Kinh Pháp Cú, mở đầu cho Phẩm Già. Trong một chuỗi kệ ngôn về tuổi già, Đức Phật so sánh tuổi già với nhiều thứ: như chiếc bong bóng đẹp chứa đầy vật bất tịnh, như trái bầu khô héo mùa Thu, hay như chiếc long xa xinh đẹp rồi cũng bị già, bị hư hoại. Để chúng sanh có một khái niệm cụ thể về tuổi già, Đức Phật định nghĩa chữ già như sau:

"Chư Hiền, thế nào là già chết, thế nào là tập khởi của già chết, thế nào là đoạn diệt của già chết, thế nào là con đường đưa đến đoạn diệt của già chết? Thuộc bất kỳ hữu tình giới nào, trong từng mỗi loại hữu tình, sự già cả, suy lão, rụng răng, tóc bạc da nhăn, tuổi thọ ngày một hao mòn, bại hoại các căn; chư Hiền, như vậy gọi là già." -- (Kinh Trung Bộ, Phẩm Chánh Tri Kiến)

Trong kinh Tương Ưng Bộ, phẩm Tương Ưng Căn, tiểu phẩm Về Già, Đức Phật đã dạy ngài Ananda như sau:

-- Sự thể là vậy, này Ananda, tánh già nằm trong tuổi trẻ; tánh bệnh ở trong sức khỏe; tánh chết ở trong sự sống. Như vậy, màu da không còn thanh tịnh, trong sáng, tay chân rã rời, nhăn nheo, thân còm về phía trước, và các căn đang bị đổi khác, nhãn căn, nhĩ căn, tỷ căn, thiệt căn, thân căn.

Thế Tôn thuyết như vậy. Thiện Thệ nói như vậy xong, bậc Ðạo Sư lại nói thêm:

-- Bất hạnh thay tuổi già! Ðáng sợ thay cuộc sống! Tuổi già làm phai nhạt sắc diện của màu da. Hình bóng trước khả ý, nay già đã phá tan! Ai sống được trăm tuổi, cuối cùng cũng phải chết, không bỏ sót ai, tất cả bị phá sập. -- (Kinh Tương Ưng)

Nói về chữ già, có lẻ phụ nữ là người sợ hơn hết. Do đó khoa học ngày càng nổ lực tìm mọi cách để giúp phụ nữ chống lại tuổi già. Ngay cả nam giới cũng nhờ đến bàn tay khoa học để làm tăng vẻ hấp dẫn ngoại hình của mình. Khoa học phát minh các phương pháp căng da mặt, bơm hóa chất để loại bỏ những vết nhăn, những khiếm khuyết trên cơ thể người phụ nữ. Trong khi phụ nữ đua nhau nhờ khoa thẩm mỹ trau dồi nhan sắc của mình họ không biết đó chỉ là vung tiền qua cửa sổ trong khi phương pháp sửa sắc đẹp hiệu quả nhất mà lại không tốn kém chi là phương pháp diệt tâm sân. Người không tâm sân hận sẽ trẻ mãi không già. Kinh Pháp Cú có kể chuyện nàng Rohini vì sân hận mà dung nhan bị tàn phá, các mụn đỏ nổi trên mặt, trên người cô mà không thuốc nào chửa khỏi. Đó là do trong tiền kiếp cô là một hoàng hậu, vì ganh tỵ với một vũ nữ của hoàng gia nên nghiền các mày ghẻ khô thành bột rồi rắc lên giường chiếu, lên cả người cô gái khiến cô bị lở loét rất ghê tởm. Do ác nghiệp đó mà kiếp tái sinh thành Rohini cô bị ghẻ lở như thế. Kinh tạng Pali cũng có nhắc nhiều đến sự sợ già, chối bỏ cái già của những người con gái đẹp, phổ biến nhất là chuyện nàng Abhirùpa Nandà, hay nàng Khemà.

Trong thời đức Phật hiện tại, Khemà được sanh nước Magadha (Ma-kiệt-đà) ở Sàgala, thuộc gia đình hoàng tộc, tên là Khemà. Nhan sắc đẹp đẽ, với da như vàng, nàng trở thành hoàng hậu Vua Bimbisàra. Khi Thế Tôn ở tại Veluvana (Trúc Lâm), nàng không đi đến yết kiến đức Phật vì sợ Thế Tôn chỉ trích lỗi của mình. Vua muốn nàng đi thăm Trúc Lâm, nên nhờ người tán thán ngôi vườn này, và cuối cùng nàng bằng lòng cùng vua đi đến tinh xá, không thấy Thế Tôn, nhưng muốn nàng thấy cho được Thế Tôn, dầu phải bắt nàng ở lại. Khi nàng sắp sửa từ giã tinh xá nhưng không gặp được Thế Tôn, các người hầu cận giữ nàng ở lại và đưa nàng đến gặp đức Thế Tôn một cách miễn cưỡng. Ðức Thế Tôn dùng thần lực hóa hiện một tiên nữ rất đẹp đang đứng quạt cho Ngài, sắc đẹp thắng xa sắc đẹp của nàng rất nhiều. Rồi trước mắt nàng, nữ nhân được hóa hiện ấy lớn lên trở thành già yếu răng rụng, tóc bạc, da nhăn và ngồi ngã xuống đất với chiếc quạt. Khemà thấy vậy, tự hỏi không biết thân mình có chịu hoàn cảnh tương tự hay không. Thế Tôn biết được tâm trạng của nàng bèn nói lên bài kệ:

Người đắm say các dục,
Tự lao m
ình xuống dòng,
Như nhện sa lưới dệt,
Người trí cắt trừ nó,
Bỏ mọi kệ không màng.
-- (Pháp cú, 347)

Người nữ chẳng những sợ già cho chính mình mà còn sợ già cho cả con mình như Bậc Đạo Sư đã dạy:

Này các Tỷ-kheo, mẹ không muốn con mình bị già: "Ta nay bị già, mong rằng con Ta không bị già!". Hay người con không muốn mẹ mình bị già: "Ta nay bị già, mong rằng mẹ Ta không bị già!"

Thật là vô minh khi chúng sanh biết mình già lại mong người mẹ của mình không già! Để khuyến cáo chúng sanh chưa có ý thức về khổ già, Đức Thế Tôn luôn đưa ra những thí dụ về cách hành xử khôn ngoan của bậc hữu trí đối với tuổi già như thí dụ về tiền thân của ngài khi còn là một vị chuyển luân thánh vương cai trị nước Vidaha.

Thuở ấy, tại nước Vidaha, có vị vua tên là Makha-deva ở Mithilà, hành trì đúng pháp của một vị Pháp Vương. Trải qua tám mươi bốn ngàn năm, ngài đã vui chơi trong địa vị Ðại Vương. Sau một thời gian dài, vua sống như vậy. Một hôm, ngài gọi người cắt tóc và nói:

- Này khanh, khi nào khanh thấy tóc bạc trên đầu ta, hãy báo cho ta biết.

Người cắt tóc, sau một thời gian dài, thấy giữa đám tóc đen nhánh của vua, có một sợi tóc bạc, liền báo cho vua biết. Vua bảo:

- Hãy nhổ sợi tóc bạc ấy và đặt nó trên tay ta.

Nghe nói vậy, người cắt tóc lấy cái nhíp bằng vàng nhổ sợi tóc bạc và đặt lên bàn tay vua. Lúc ấy, nhà vua đang có tám mươi bốn ngàn năm còn lại để sống. Tuy vậy, thấy sợi tóc bạc, ngài cảm thấy xúc động mạnh, như thần chết đã đến đứng gần đó, như bị nhốt vào trong ngôi nhà lá đang bốc cháy. Nhà vua suy nghĩ: "Này Makhàdeva ngu si ơi, tóc bạc đã mọc lên, nhưng ngươi chưa có thể loại trừ những phiền não này".

Và khi nghĩ đến xuất hiện của sợi tóc bạc, nhà vua cảm thấy bị nung đốt nội tâm, từ thân mồ hôi toát ra, áo quần như đè nén nhà vua và trở thành không thể chịu nổi. Nhà vua nghĩ: "Hôm nay, ta phải ra đi xuất gia".

Sau khi cho người cắt tóc hưởng lợi tức một làng trị giá một trăm ngàn đồng, vua cho gọi người con đầu và nói:

-Này con thân, trên đầu ta, tóc bạc đã hiện ra. Ta nay đã già rồi. Các dục vọng liên hệ đến con người, ta đã hưởng thụ đầy đủ. Nay ta muốn tìm cầu các dục lạc ở thiên giới. Nay là thời ta phải ra đi. Con hãy trị vì vương quốc này. Sau khi xuất gia, ta sẽ ở trong Rừng xoài của Makhàdeva và sống theo pháp Sa-môn.

Các đại thần nghe tin vua muốn xuất gia, liền đến hỏi vua vì sao lại muốn xuất gia, vua cầm sợi tóc bạc trong tay và nói bài kệ với các đại thần:

Những tóc bạc đầu ta,
Xuất hiện, cướp tuổi xanh,
Các Thi
ên sứ đã đến,
L
à thời ta xuất gia.
-- (Chuyện Tiền Thân Đức Phật số 9)

Chỉ có bậc hiền trí như vua Makhadeva mới nhận ra sự có mặt của năm vị thiên sứ và biết rõ mình phải làm gì khi các vị thiên sứ này hiện diện. Năm vị thiên sứ theo lời dạy của Đức Phật là:

1. Thiên sứ thứ nhất là sự sanh, sự chào đời của đứa bé.

2. Thiên sứ thứ hai là sự già, tức người già (sống trên đời hay có mặt trên cõi người).

3. Thiên sứ thứ ba là bệnh tật, tức là người bệnh có hiện hữu trên cõi nhân loại.

4. Thiên sứ thứ tư là sự chết, tức là người chết. Sự hiện hữu hiện tượng chết trên cõi nhân loại.

5. Thiên sứ thứ năm là người bị hành tội, tức sự hành hình của pháp luật ở trong nước chẳng hạn như: trộm cắp, cướp bóc, giết người... -- (Người và Cõi, Phần Năm Vị Thiên Sứ)

Sự có mặt của năm vị thiên sứ này là để nhắc nhở chúng sanh chớ nên dễ duôi. Vị thiên sứ thứ hai nhắc chúng ta về sự già tất đến để chúng ta tìm cách dọn đường đi cho mình.

Tương tự như tiền thân Makhadeva, trong một kiếp khác, là một hoàng tử, Bồ Tát cũng có trí tuệ, có chánh kiến, tự mình tri kiến được cái khổ của sự già.

Hoàng tử Vipassì, sau thời gian nhiều năm, nhiều trăm năm, nhiều ngàn năm, cho gọi người đánh xe: "Này khanh, hãy cho thắng các cỗ xe thù thắng, chúng ta sẽ đi đến vườn ngự uyển để xem phong cảnh." Hoàng tử Vipassì trên đường đi đến vườn ngự uyển, thấy một người già nua, lưng còng như nóc nhà, chống gậy, vừa đi vừa run rẩy, khổ não, không còn đâu là tuổi trẻ. Thấy vậy hoàng tử hỏi người đánh xe:

- Này khanh, người đó là ai vậy? Sao thân người đó không giống các người khác?

- Tâu Hoàng tử, người đó là một người được gọi là già vậy.

- Này khanh, sao người ấy được gọi là một người già?

- Tâu Hoàng tử, người ấy gọi là già vì nay người ấy sống không bao lâu nữa

- Này khanh, vậy rồi ta có bị già không, một người chưa qua tuổi già?

- Tâu Hoàng tử, Hoàng tử và cả con nữa, chúng ta tất cả sẽ bị già nua, dầu chúng ta chưa qua tuổi già!

- Này khanh, thôi nay thăm vườn ngự uyển như vậy là vừa rồi. Hãy cho đánh xe trở về cung.

Hoàng tử Vipassì về trong cung, đau khổ, sầu muộn và suy nghĩ. "Sỉ nhục thay, cái gọi là sanh. Và ai sanh ra cũng phải già yếu như vậy!" Rồi Bồ-tát Vipassì suy nghĩ: "Cái gì có mặt, già chết mới có mặt? Do duyên gì, già chết sanh?" Sau khi như lý tư duy, nhờ trí tuệ, hoàng tử phát sanh minh kiến sau đây: "Do sanh có mặt, nên già, chết có mặt. Do duyên sanh, già chết sanh".

Ngoài duyên sinh sanh ra, già còn đến từ những nguyên nhân khác như do ăn nhiều, giống truyện vua Pasenadi ở nước Kosala.

Lúc bấy giờ, vua Pasenadi nước Kosala thường ăn bữa ăn thịnh soạn. Một hôm vua Pasenadi nước Kosala sau khi ăn xong, no đủ, thỏa thích, đi đến Thế Tôn sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn và ngồi xuống một bên. Thế Tôn sau khi biết vua Pasenadi nước Kosala đã ăn xong, no đủ, thỏa thích, ngay lúc ấy nói lên bài kệ:

Con người thường chánh niệm,
Ðược ăn, biết phải chăng,
Chừng mực, cảm thọ mạnh,
Gi
à chậm, tuổi thọ dài.

-- (Kinh Tương Ưng, Phẩm Kosala, Tiểu Phẩm Đại Thực)

Nhờ nghe những lời giáo huấn này mà Đức vua biết thu thúc, trở nên mạnh khoẻ và minh mẫn hơn.

Vua Makhàdeva hoặc Hoàng tử Vipassì hiểu đau khổ của sự già ngay khi còn trẻ. Có những người phải đợi đến hơn trăm tuổi rồi mới tìm đến Đức Thế Tôn để xin học cách sống hạnh phúc và có sự an lạc, lâu dài.

Có hai vị Bà-la-môn già yếu, trưởng lão, tuổi lớn, cuộc đời đã được trải qua, đã đến đoạn cuối cuộc đời, đã 120 tuổi, đi đến Thế Tôn, đảnh lễ, nói lên những lời chào đón thăm hỏi thân hữu rồi ngồi xuống một bên. Những Bà-la-môn ấy bạch Thế Tôn:

- Thưa Tôn giả Gotama, chúng tôi là những Bà-la-môn già yếu, trưởng lão, tuổi lớn, cuộc đời đã được trải qua, đã đến đoạn cuối cuộc đời, đã 120 tuổi, nhưng chúng tôi không làm điều lành, không làm điều thiện, không làm những điều để chấm dứt các sợ hãi. Tôn giả Gotama hãy răn dạy chúng tôi, Tôn giả Gotama hãy giảng dạy chúng tôi. Nhờ vậy, chúng tôi sẽ được hạnh phúc, an lạc lâu dài.

- Thật vậy, các ông là những Bà-la-môn già yếu, trưởng lão, tuổi lớn, cuộc đời đã được trải qua, đã đến đoạn cuối cuộc đời, đã 120 tuổi, nhưng các Ông không làm điều lành, không làm điều thiện, không làm những điều để chấm dứt các sợ hãi. Thật vậy, này các Bà-la-môn, thế giới này đã bị già, bệnh, chết dắt dẫn. Thế giới đã bị già, bệnh, chết dắt dẫn như vậy, này các Bà-la-môn, thời chế ngự thân, chế ngự lời nói, chế ngự ý trong đời này, đối với kẻ đã đi đến cõi chết, phải là chỗ nương tựa, là hang trú ẩn, là hòn cù lao (hay ngọn đèn), là chỗ quy y và là đích xứ nó đến.

Ðời sống bị dắt dẫn
Mạng sống chẳng là bao
Bị già kéo dẫn đi
Không có nơi nương tựa
H
ãy luôn luôn quán tưởng
Sợ hãi tử vong này
Hãy làm các công đức
Ðưa đến chơn an lạc.
Ở đây chế ngự thân,
Chế ngự lời v
à ý,
Kẻ ấy dầu có chết,
Cũng được hưởng an lạc,
V
ì khi còn đang sống
Ðã làm các công đức.

-- (Kinh Tăng Chi, Phẩm Các Bà La Môn, tiểu Phẩm Hai Người)

Việc tu tập cho ngày già giống như việc chôn của để dành. Khi còn khoẻ mạnh, nếu không biết tích lủy của cải cho ngày sau cũng giống như con cò không biết cất giữ cho những ngày mưa lạnh thì về già sẽ không tránh khỏi cảnh "Như cò già bên ao. Ủ rủ không tôm, cá."

"Lúc trẻ, không phạm hạnh,
Không tìm kiếm bạc tiền.
Như cò già bên ao,
Ủ rũ, không tôm cá."

-- (Pháp Cú 155)

Hoặc cảnh một lữ hành cô độc lầm lủi trên đường trường không một chỗ nghĩ chân, không một chút tư lương:

"Ngươi nay giống lá héo,
Diêm sứ đang chờ ngươi,
Ngươi đứng trước cửa chết,
Ðường trường thiếu tư lương."
-- (Pháp Cú 235)

"Ðời ngươi nay sắp tàn,
Tiến gần đến Diêm Vương.
Giữa đường không nơi nghỉ,
Ðường trường thiếu tư lương."
-- (Pháp Cú 237)

Một trong những cách giáo hóa chúng sanh của Đức Phật là thân giáo. Để giúp cho chúng sanh thấu đáo sự già, ngài đem chính mình ra làm thí dụ:

"Này Ananda, Ta nay đã già, đã thành bậc trưởng thượng, đã đến tuổi lâm chung, đã đến tám mươi tuổi. Này Ananda, như cỗ xe đã già mòn, sở dĩ còn chạy được là nhờ dây thắng chằng chịt, cũng vậy thân Như Lai được duy trì sự sống giống như chính nhờ chống đỡ dây chằng. Này Ananda, chỉ trong khi Như Lai không tác ý đến tất cả tướng, với sự diệt trừ một số cảm thọ, chứng và an trú vô tướng tâm định, chính khi ấy thân Như Lai được thoải mái.”

Và ngài còn nhấn mạnh thêm:

Ta đây phải có sự già
Thế nào tránh thoát lúc qua canh tàn
-- (Năm Điều Quán Tưởng)

Với sự đau khổ của già như thế, Đức Thiện Thệ dạy cho chúng sanh cách tránh khỏi tuổi già:

"Xe vua đẹp cũng già.
Thân này rồi sẽ già,
Pháp bậc thiện, không già.
Như vậy bậc chí thiện
Nói lên cho bậc thiện."
-- (Pháp Cú 151)

Và ngài đã chỉ cho chúng sanh một con đường tránh thoát khổ già bằng cách hành trì giới luật cho được trong sạch vì mọi thứ đều già, trừ giới và tín:

Giới là tốt không già,
Tín là tốt trường cữu
Tuệ, vật báu loài người
Công đức, cướp không đoạt.
-- (Kinh Tương Ưng, Phẩm Già)

Mong cho tất cả chúng sanh đều thoát khỏi cảnh già.

NHƯ QUANG

Tài liệu tham khảo:

Kinh Tăng Chi Bộ
Kinh Tiểu Bộ
Kinh Trung Bộ
Kinh Trường Bộ

Truy cập từ trang web: www.budsas.org

-ooOoo-

Ðầu trang | Mục lục | 01 | 02 | 03 | 04 | 05

Chân thành cám ơn đạo hữu Như Quang đã gửi tặng bản vi tính (Bình Anson, 02-2007)


[Trở về trang Thư Mục]
last updated: 10-03-2007