BuddhaSasana Home Page

Vietnamese, with Unicode Times font


Tứ Diệu Đế

Phạm Kim Khánh


[III]

Niết bàn
Chấm dứt đau khổ

Sau khi nhận thức rằng đau khổ là chứng bệnh chung của toàn thể chúng sanh, là bản chất của đời sống dính liền theo mọi cuộc sống, và sau khi nhận diện nguyên nhân của chứng bệnh trầm kha nầy là ái dục -- lòng tham muốn khát khao duyên theo nhục dục ngũ trần, duyên theo cuộc sinh tồn, hay duyên theo những hình thức phi sinh tồn -- tiềm tàng sâu ẩn bên trong chúng ta, thì hồn nhiên chúng ta tự hỏi, "Bệnh nầy có thể chữa trị được chăng? Khi dứt bệnh, bệnh nhân sẽ ra sao?" Câu trả lời nằm trong phạm vi của Diệt Đế, chân lý thâm diệu thứ ba trong Tứ Diệu Đế, và cũng là đề tài của bài nầy.

Trong kinh Dhammacakkappavattana Sutta, Chuyển Pháp Luân, Đức Phật tuyên ngôn:

"... Bây giờ, nầy chư Tỳ Khưu, đây là chân lý thâm diệu về sự diệt khổ (dukkha nirodha ariyasacca, diệt khổ thánh đế). Đó là sự xa lánh trọn vẹn, tận diệt ái dục, là sự dứt bỏ, sự từ khước, thoát ly và tách rời ra khỏi tâm ái dục."

Và trong một đoạn sau của bài kinh nầy Ngài dạy: "Diệt khổ thánh đế nầy phải được chứng ngộ".

Như vậy, Đức Phật khẳng định rằng chứng bệnh đau khổ tuy ăn sâu, lan rộng và bám chặt vào mọi kiếp sinh tồn, vẫn có thể được chữa trị một cách toàn vẹn. Chính bản thân Ngài đã chứng nghiệm điều nầy, và trong thời gian còn tại tiền, hằng ngàn vị đệ tử lỗi lạc của Ngài đã chứng minh điều ấy.

Quả do nhân tạo. Nếu nhân diệt, tức quả cũng diệt. Không có nhân tức không có quả. Căn nguyên của bệnh đau khổ là ái dục. Nếu chấm dứt ái dục, tức nhiên chứng bệnh đau khổ chấm dứt. Một hình ảnh thí dụ: sở dĩ có trái xoài vì có cây xoài, và có cây xoài vì trước đó ta gieo trồng hột xoài. Bây giờ, nếu ta bóp nát, tận diệt hột xoài, tức nhiên không có cây và do đó, không có trái xoài. Mầm mống của chứng bệnh đau khổ là ái dục. Nếu ái dục đã bị tận diệt, không có gì làm nguyên nhân, đau khổ sẽ chấm dứt.

Tuy nhiên, tận diệt ái dục không phải là công trình dễ dàng, như chúng ta đã thấy xuyên qua đoạn "Vài Tích Chuyện Liên Quan Đến ái Dục" [9] của bài trước. Một vị sư kiến thức uyên thâm, thuộc nằm lòng Tam Tạng kinh điển, mà còn bị lôi cuốn trong mùi danh bã lợi, phải trầm luân trong vòng sanh-tử, tử-sanh. Một nhà sư khác, đã đắc Tứ Thiền mà còn ham muốn vòng vàng, trang sức, nếu không may gặp lại thầy tế độ ắt đã bị sa đọa trong nhiều kiếp sống. Túc Sanh Truyện cũng thuật lại tích chuyện Bồ Tát, tiền thân của Đức Phật Thích Ca, đã chứng đắc nhiều phép thần thông, thường ngày được vua thỉnh vào hoàng cung để dâng cúng vật thực. Nhưng bất hạnh thay, một hôm tình cờ chợt thấy hoàng hậu từ phòng tắm bước ra chỉ khoác một chiếc choàng mỏng. Trong một khoảnh khắc lơ đểnh, tâm bị xúc động, Bồ Tát đã mất hết các phép thần thông. Vào thời Đức Thế Tôn, Devadatta (Đề Bà Đạt Đa) là người đã có công tu tập nhiều kiếp mới được tái sanh trong hoàng tộc, làm họ hàng với Đức Phật khi Ngài còn là thái tử và là đệ tử sau khi Ngài Thành Đạo, tuy không thành đạt Thánh Quả nào nhưng đã đắc Tứ Thiền và có nhiều phép thần thông. Lúc ban đầu Devadatta cũng có một nếp sống gương mẫu đến độ Ngài Sàriputta (Xá Lợi Phất) đi khắp thành Ràjagaha (Vương Xá) ca ngợi tài đức. Nhưng về sau, vì danh lợi trần gian làm mù quáng, Devadatta lại ganh tỵ với Đức Phật và hoàn toàn đổi tánh, trở nên người thù thâm độc nhất, luôn luôn chủ mưu ám hại Đức Thế Tôn. Cùng với tâm ái dục, những loại tâm bất thiện khác phát sanh, làm cho bao nhiêu thần lực của ông tự nhiên tiêu mất và những ngày đen tối nhất vồn vập tới tấp đến ông. Vì lẽ ấy Đức Phật dạy rằng dây luyến ái bám níu vào nhục dục ngũ trần, vào ngọc ngà châu báu và thân bằng quyến thuộc còn bền chặt hơn tất cả mọi xiềng xích hay các loại dây sắt, dây gai.

Nhưng Đức Thế Tôn cũng dạy, "chính dây ấy, bậc thiện trí cũng cắt lìa." Để mô tả sự chấm dứt ái dục một cách trọn vẹn và đầy đủ nầy, Đức Phật dùng những danh từ có ý nghĩa tương tợ như sau, "Đó là sự dứt bỏ (càga), sự từ khước (patinissaga), sự thoát ly (mutti, tức thoát ra khỏi) và sự tách rời (anàlaya), chính ái dục ấy". Như vậy, đây là một công trình kiên trì, một sự liên tục chuyên cần tinh tấn, để tách rời, lánh xa mọi hình thức ái dục và để tự mình làm cho mình trở nên hoàn toàn trong sạch.

Ái dục, nguyên nhân sanh đau khổ, nằm bên trong chúng ta chớ không đến từ bên ngoài, hay do ai ở bên ngoài tạo nên cho chúng ta. Vậy chính chúng ta phải tận lực gia công từng phút, từng giây, từng khoảnh khắc, để dần dần tháo gỡ, thoát dần ra khỏi sức ràng buộc dẻo dai của nó, và sau cùng xa lìa, tách rời ra khỏi nó. Chính ta phải tự nguyện nỗ lực tận diệt ái dục vì chính ta muốn thoát ra khỏi vòng đau khổ triền miên, chớ không có sự cưỡng bách nào từ bên ngoài. Cũng không có ai ngoài ta, có thể làm chuyện ấy cho ta.

Đó là ý nghĩa của diệt đế, chân lý thâm diệu thứ ba trong Tứ Diệu Đế. Hai đế đầu tiên -- khổ đế và tập đế -- xác nhận thực trạng tối tăm bi thảm của kiếp sinh tồn. Diệt đế khẳng định rằng tình trạng đen tối có thể trở thành tươi sáng và hoàn cảnh bi thảm có thể trở nên rực rỡ huy hoàng. Người đã trọn vẹn dứt bỏ ái dục là bậc A-La-Hán, bậc hoàn toàn trong sạch, xứng đáng cho trời và người lễ bái cúng dường. Diệt đế dạy rằng có sự chấm dứt toàn vẹn mọi hình thức đau khổ, chứng ngộ Niết Bàn, mục tiêu cứu cánh của người tu Phật.

Niết Bàn là gì? Trong quyển "The Buddha and His Teachings" Ngài Nàrada viết: "Dầu người ta có thể viết đầy đủ và rõ ràng thế nào, dầu người ta dùng những danh từ bóng bảy đến đâu để cố gắng mô tả trạng thái vắng lặng của Niết Bàn, ngôn từ và văn tự không thể giúp ta nhận thức thế nào là Niết Bàn. Niết Bàn không phải là cái gì có thể miêu tả bằng giấy trắng mực đen hay nhận thức bằng lý trí phàm tục. Niết Bàn là siêu thế (lokuttara), chỉ có thể chứng ngộ bằng tuệ giác."

Chúng ta sống trong cảnh giới mà nhà Phật gọi là "samsàra", "thế gian của sự trở thành", cảnh giới "hữu vi". Samsàra nghịch nghĩa với Niết Bàn, và thường được hiểu là vòng luân hồi, thế gian luôn luôn biến chuyển.

Đối nghịch với cảnh giới hữu tình của vòng luân hồi trong ấy tất cả đều là những hiện tượng luôn luôn biến đổi, sanh-rồi diệt, diệt rồi-sanh, Niết Bàn là vĩnh cửu, trường tồn bất biến. Theo Phật Giáo, các pháp tại thế và siêu thế được sắp xếp vào hai loại khác nhau:

Những pháp hữu vi, tùy thế, tức những hiện tượng cần phải có một hay nhiều nguyên nhân tạo điều kiện để hiện hữu, và những pháp vô vi, bất tùy thế, chỉ hiện hữu mà không cần nguyên nhân tạo duyên. Vật tùy thế luân chuyển theo ba giai đoạn, sanh, biến đổi trạng thái, và hoại diệt. Khởi sanh và trở thành là đặc tính chính yếu của mọi sự vật được cấu tạo, hữu vi, do một hay nhiều nguyên nhân tạo điều kiện để có. Cái gì phát sanh và trở thành tức nhiên phải biến đổi và phân tán. Pháp hữu vi luôn luôn trở thành và không ngừng biến đổi. Vô thường biến đổi là định luật bao quát phổ thông của mọi sự vật, vật chất lẫn tinh thần, nằm trong vũ trụ, từ tế bào hết sức vi tế đến những chúng sanh hết sức to lớn hay những hình thể khổng lồ. Tâm, tuy vô hình, biến đổi càng nhanh chóng hơn vật chất.

Sự hiện hữu của Niết Bàn, trạng thái siêu thế mà chư Phật và chư vị A-La-Hán chứng ngộ, không tùy thuộc nơi bất luận nguyên nhân nào. Vì lẽ ấy Niết Bàn không trở thành, không biến đổi, không bị phân tán. Niết Bàn là vô sanh, bất hoại, bất diệt.

Lý trí của chúng ta chỉ có thể hiểu biết và do đó, chỉ có thể suy diễn hay tưởng tượng ra từ những gì mà giác quan ta thâu nhận. Dựa theo sự hiểu biết của mình có người tưởng tượng Niết Bàn là một cảnh giới cực lạc, bao gồm tất cả những gì là tinh hoa, tuyệt mỹ trong đời. Chúng ta đã thấy đó đây những cảnh đẹp, đã nghe những âm thanh êm dịu, đã biết những trạng thái vắng lặng v.v... rồi từ đó chúng ta suy diễn, tưởng tượng ra một cảnh giới vô cùng ngoạn mục bao gồm tất cả những gì tuyệt đẹp, tuyệt mỹ, tuyệt diệu, có thể có được trên đời, và nghĩ rằng Niết Bàn cũng mường tượng như thế. Tuy nhiên, dầu ta có trí tưởng tượng phong phú đến đâu chúng ta chỉ có thể suy tưởng từ cái gì mà giác quan ta đã thâu nhận, và theo sự hiểu biết hạn định của ta. Thí dụ ta tưởng tượng một con quái vật ba đầu sáu tay, có nanh, có vuốt v.v... chưa bao giờ có ai từng thấy một con vật kỳ quái như thế. Nhưng dầu kỳ lạ thế nào nó cũng phát sanh từ những gì trước kia ta đã biết. Ta đã từng thấy đâu đây những cánh tay, những cái đầu, những nanh, những vuốt v.v... Cái mà ta cho là lạ thường là con vật ấy có đến ba đầu, thay vì một, sáu tay, thay vì hai hay bốn v.v... Điều nầy có nghĩa là chúng ta chỉ tưởng tượng ra cái mà chúng ta cho là rất lạ từ những gì mà chúng ta đã có biết được xuyên qua giác quan. Chúng ta không thể tưởng tượng cái gì ngoài cái vũ trụ sinh tồn của tâm-vật-lý như thời gian, không gian, vật chất, tâm linh, tư tưởng, cảm xúc, tác ý, tri giác, nghiệp báo v.v... , tóm tắt, chúng ta không thể tưởng tượng cái gì ngoài samsàra. Niết Bàn ngoài samsàra, ngoài thời gian, ngoài không gian, ngoài tất cả những hiểu biết bằng lý trí thuần túy của chúng ta, vì thế ta không thể dùng luận lý để thấu đạt, càng không thể dùng ngôn ngữ để diễn tả.

Có chuyện ngụ ngôn rùa và cá, được thuật lại như sau:

Thuở xưa kia có một con cá. Cá chỉ sống dưới nước và không biết gì ngoài nước. Một hôm cá nhởn nhơ bơi lội trong ao đầm quen thuộc như mọi bửa thì gặp lại chị rùa. Hỏi ra thì hèn lâu rùa đi dạo trên đất liền. Cá hỏi, "chào chị rùa, chị đi đâu mà hèn lâu tôi không gặp ?

-- À chị cá, chào chị. Mấy hôm rày tôi đi một vòng trên đất khô. Rùa trả lời.

-- Đất khô à, cá lấy làm ngạc nhiên, chị nói đất khô, vậy đất khô là gì? Đất mà làm sao khô được? Tôi chưa khi nào thấy đất mà khô. Đất khô chắc là không có gì hết.

Bẩm tánh ôn hòa, rùa nhỏ nhẹ đáp:

-- Được, tốt lắm, nếu chị muốn nghĩ như vậy cũng tốt, không ai ngăn cản chị đâu. Tuy nhiên, nơi mà tôi đi mấy hôm rày quả thật là đất khô.

-- Nầy chị rùa, đâu chị nói rõ lại coi. Đất khô mà chị nói ra làm sao, giống như cái gì? Nó có ẩm ướt không?

-- Không, đất khô không ẩm ướt.

-- Đất khô có mát mẻ, êm dịu dễ chịu không?

-- Không, đất khô không mát mẻ, êm dịu dễ chịu.

-- Đất khô có trong suốt và ánh sáng có rọi xuyên qua được không?

-- Không, đất khô không trong suốt và ánh sáng không rọi xuyên qua được.

-- Đất khô có mềm mại và dịu dàng để mình bơi lội trong ấy không?

-- Không, đất khô không mềm mại dịu dàng và không thể bơi lội trong lòng đất.

-- Đất có di chuyển và trôi chảy thành dòng không?

-- Không, đất không di chuyển và trôi chảy thành dòng.

-- Đất có nổi sóng và tan ra thành bọt không? Cá rất bực mình với loạt trả lời "không", "không" của rùa. Không, đất không nổi sóng. Rùa thành thật trả lời. Cá bỗng nhiên lộ vẻ hân hoan của người thắng cuộc và reo vang lên:

-- Thấy chưa, thật quả như tôi đã nói chớ gì nữa? Tôi đã bảo rằng đất khô của chị chỉ là hư vô, không có gì hết. Tôi hỏi, và chị đã xác nhận rằng đất khô không ẩm ướt, không mát mẻ, không êm dịu dễ chịu, không trong suốt, và ánh sáng không thể rọi xuyên qua, không mềm mại và dịu dàng để mình có thể bơi lội trong ấy, đất cũng không di chuyển và trôi chảy thành dòng, cũng không nổi sóng và không tan thành bọt. Không phải gì hết thì có phải là hư vô không?

-- Được, rùa đáp, tốt lắm, nầy chị cá, nếu chị quả quyết rằng đất là hư vô không có gì hết thì cứ tiếp tục nghĩ như thế. Thực ra, người nào đã biết nước và đất liền rồi, sẽ nói rằng chị là con cá dại dột, vì chị quả quyết rằng cái gì mà chị không biết là hư vô, không có gì hết. Nói là hư vô vì không bao giờ chị biết.

Đến đây rùa bỏ cá ở lại một mình với ao đầm nhỏ bé, quay đầu lội đi và suy tưởng đến một cuộc viễn du khác trên đất khô, nơi mà cá tưởng tượng là hư vô.

Và Ngài Đại Đức Nàrada giải thích: "Câu chuyện lý thú nầy ngụ ý rằng tuy đã có sống trong nước và trên đất khô, rùa không thể giải thích cho cá biết bản chất thật sự của đất, vì cá là sinh vật chỉ biết có nước. Mà cá cũng không thể nhận thức được thế nào là đất liền vì chỉ biết có nước. Cùng thế ấy, chư vị A-La-Hán từng biết thế nào là thế gian, và trạng thái siêu thế là thế nào, nhưng các Ngài không thể dùng ngôn ngữ của người thế để mô tả trạng thái siêu thế. Mà người tại thế cũng không thể nhận thức, bằng sự hiểu biết của người thế gian, trạng thái siêu thế là sao."

Một câu chuyện ngụ ngôn tương tợ thuật lại cuộc đối thoại giữa con nhái và con nó là nòng nọc. Nòng nọc là nhái con mới nở, có cái đuôi như cá và chỉ lội dưới nước như cá chớ không thể lên bờ. Khi nhái đi lên bờ trở về, nòng nọc hỏi thăm nhái đi đâu, và sau đó hỏi đất liền là thế nào. Dầu nhái cố gắng giải thích và mô tả đến đâu, nòng nọc không thể tưởng tượng đất liền là thế nào. Sau cùng, nhái bảo con, "con không nên nóng lòng hiểu biết, cũng không nên vội vã đi đến một kết luận sai lầm. Chừng nào trưởng thành, rụng cái đuôi, rồi con sẽ biết. Con sẽ lên bờ và tự nhiên con sẽ biết đất liền là thế nào."

Về định nghĩa của danh từ Niết Bàn, Ngài Nàrada giải thích như sau:

"Danh từ Pàli Nibbàna (Sanskrit Nirvàna) gồm hai thành phần, "ni" và "vàna". "Ni" là hình thức phủ định, không. "Vàna" là dệt, trong ý nghĩa dệt vải, hay ái dục. ái dục nầy được xem như sợi chỉ nối liền hai kiếp sống.

"Gọi là Niết Bàn vì Niết Bàn là sự dứt bỏ, sự tách rời (ni) ra khỏi ái dục (vàna) tức lòng khát khao nhục dục."

Ngày nào còn bị ái dục, hay luyến ái, trói buộc. thì còn tạo thêm nghiệp mới, và cái nghiệp mới nầy phải trổ quả dưới một hình thức nào trong vòng sanh-tử, tử-sanh, vô cùng tận. Đến khi mọi hình thức ái dục chấm dứt, năng lực của nghiệp tái tạo cũng dứt, tức nhiên không còn tạo nghiệp nữa, và ta thành đạt Niết Bàn, thoát ra khỏi vòng sanh tử triền miên.

Quan niệm giải thoát trong Phật Giáo chính là sự vượt thoát ra khỏi vòng sanh tử triền miên vô tận, chớ không phải chỉ là sự trốn thoát ra khỏi tội lỗi và địa ngục.

Cũng có nơi giải thích Niết Bàn là sự dập tắt lửa tham, lửa sân, và lửa si. "Toàn thể thế gian nằm trong những ngọn lửa. Lửa gì đã nhúm lên những ngọn ấy? Chính lửa tham, lửa sân, lửa si, lửa sanh, lửa già, lửa chết, lửa phiền não, lửa ta thán, lửa đau đớn, lửa khổ sở, lửa thất vọng, đã nhúm lên những ngọn lửa ấy."

Nhận định theo một lối, Niết Bàn là sự dập tắt các ngọn lửa ấy. Nhưng không phải vì thế mà có thể nói rằng Niết Bàn chỉ là sự dập tắt các ngọn lửa ấy. Nên phân biệt phương tiện và mục tiêu. ở đây, dập tắt các ngọn lửa tham, sân, si, chỉ là phương tiện để đến Niết Bàn.

Một vài quan niệm chủ trương rằng Niết Bàn là hậu quả dĩ nhiên của sự tận diệt ái dục. Đúng hơn ta phải nói Niết Bàn là pháp siêu thế mà ta thành đạt sau khi tận diệt ái dục. Niết Bàn là vĩnh cửu, vô sanh, bất diệt. Niết Bàn không là nguyên nhân, cũng không phải là hậu quả của bất luận gì. Nếu Niết Bàn là quả thì hẳn Niết Bàn là sản vật của nhân, và do đó Niết Bàn có sanh. Niết Bàn do điều kiện tạo nên, tức Niết Bàn là pháp hữu vi, tùy thế. Niết Bàn ở ngoài vòng luân hồi, samsàra, ngoài định luật vô thường, ngoài định luật nghiệp báo và tái sanh, ngoài nhân và quả. Chúng ta có thể theo một con đường để trèo lên đến đỉnh núi. Nhưng đỉnh núi không phải là con đường, cũng không phải là hậu quả của con đường. Cùng thế ấy, ta thấy ánh sáng. Nhưng ánh sáng không phải là sự thấy, cũng không phải là hậu quả của sự thấy. Không nên lẫn lộn ngón tay chỉ mặt trăng và chính mặt trăng.

Một quan niệm sai lầm khác cho rằng Niết Bàn là hư vô, trống không, không có gì hết, vì giác quan ta không thể tri giác. Một người mù từ thuở mới sanh ra tức nhiên không thể thấy ánh sáng. Nếu vì chính mình không thấy ánh sáng mà anh ta quả quyết rằng trên đời không có ánh sáng thì có hợp lý không? Trong câu chuyện rùa và cá, để trả lời những câu hỏi dựa trên sự hiểu biết hạn định của cá, rùa chỉ thành thật trả lời "không". Loạt "không" "không" làm cho cá tin chắc rằng đất liền chỉ là hư vô. Làm thế nào cá, chưa từng ra khỏi nước, chỉ biết có nước, có thể quan niệm được gì ngoài nước? Đối với người điếc từ khi lọt lòng mẹ thì danh từ "âm nhạc" có nghĩa lý gì?

Trong quyển The Buddha and His Teachings, Đại Đức Nàrada viết, "Niết Bàn là một Đạo Quả. Có thể chứng ngộ Niết Bàn như một đối tượng tinh thần. Sự kiện nầy rõ ràng chứng tỏ rằng Niết Bàn không phải là một trạng thái hư vô. Nếu Niết Bàn là hư vô ắt Đức Phật không mô tả bằng những danh từ như vô tận, bất tùy thế, vô song, tối thượng, tối cao, bĩ ngạn, chỗ nương tựa tối thượng, châu toàn, đảm bảo, hạnh phúc, duy nhất, phi nhân, bất khả diệt, tuyệt đối thanh tịnh, siêu thế, vĩnh cửu, giải thoát, vắng lặng v.v..."

Và Ngài viết tiếp, "... Vậy, Niết Bàn không phải là hư vô, cũng không phải chỉ là sự chấm dứt. Niết Bàn không phải là thế nào thì ta có thể nói một cách quả quyết. Nhưng nếu phải mô tả chính xác Niết Bàn là thế nào thì ngôn ngữ của thế gian không thích hợp, vì Niết Bàn là tuyệt đối, duy nhất. Phải tự mình chứng ngộ."

Niết Bàn ở đâu? Trong sách Milinda Panha, Vua Milinda Vấn Đạo, Đức Nagasena giải đáp câu hỏi ấy như sau: Không có nơi nào nhìn về hướng Tây, hướng Nam, hướng Đông, hướng Bắc, phía trên, hay phía dưới, hay phía ngoài ta mà có thể nói là Niết Bàn. Tuy nhiên Niết Bàn thật sự có, và người nào có đời sống chân chánh, giới hạnh trang nghiêm, chuyên cần giữ chánh niệm và chú tâm minh sát, thì dầu ở Hy Lạp, Trung Hoa, Alexandria, hay Kosala, đều có thể thành tựu Đạo Quả Niết Bàn."

Niết Bàn không phải là một cảnh giới cực lạc hay một cảnh trời trong ấy có nhiều hình thức khoái lạc mà người đời ham muốn và nơi ấy ta mặc tình thọ hưởng. Hạnh phúc Niết Bàn không phải thuộc loại hạnh phúc phát sanh do giác quan, và không có gì liên hệ đến "thọ", hay cảm giác.

"Cái gì nhập Niết Bàn?" là câu hỏi khác thường được nhắc đến. Niết Bàn không phải là một cảnh giới, một lãnh thổ, một nơi chốn hay một trạng thái, hiểu theo nghĩa thông thường mà ta có thể di chuyển từ ngoài vào trong. Mặc khác, Phật Giáo phủ nhận một linh hồn trường cửu xem như một thực thể đơn thuần, thì hẳn không có "cái gì" để "nhập" Niết Bàn.

Theo Phật Giáo, cái được gọi chúng sanh là sự cấu hợp của năm uẩn -- sắc, thọ, tưởng, hành, thức -- luôn luôn biến đổi. Ngoài năm uẩn ấy không có cái chi thường còn, không có gì tồn tại như một thực thể mà ta gọi là linh hồn trường cửu, hay một cái "ta", một "bản ngã" nguyên vẹn không đổi thay. Do đó, nói rằng "cái gì" "nhập" Niết Bàn là không thích nghi.

Khi đề cập đến Niết Bàn kinh sách thường nhắc đến Hữu Dư Niết Bàn và Vô Dư Niết Bàn. Trên thực tế, không phải có hai hạng Niết Bàn, mà có hai hình thức chứng nghiệm Đạo Quả Niết Bàn. Khi Đạo Quả được thành tựu trong kiếp sống hiện tiền, nghĩa là trong lúc còn ngũ uẩn, tức thân và tâm nầy, thì gọi là Hữu Dư Niết Bàn. Lúc lìa bỏ ngũ uẩn, vị A-La-Hán -- đã chứng đắc Đạo Quả trong kiếp sống -- thành đạt Parinibbàna, Đại Niết Bàn, không còn ngũ uẩn. Chừng ấy gọi là Vô Dư Niết Bàn, tức Niết Bàn mà không còn ngũ uẩn. Một vị Phật hay một vị A-La-Hán, lúc còn tại tiền, chứng nghiệm Hữu Dư Niết Bàn, không còn tạo nghiệp mới, nhưng những nhân thiện hay bất thiện đã tạo trong quá khứ vẫn còn có thể trổ quả chí đến lúc danh và sắc tan rã, Vô Dư Niết Bàn.

Đã là pháp siêu thế, Niết Bàn vượt ra ngoài phạm vi của mọi luận lý, mọi hiểu biết hạn định của chúng ta. Một em bé đang học lớp mẫu giáo chắc chắn không sẵn sàng để có một ý niệm về những lý thuyết toán học của bậc cao đẳng. Nhưng có những chương trình đã vạch sẵn. Nếu cần cù chăm học, một ngày kia em bé sẽ đến nơi đến chốn, và chừng ấy tự nhiên sẽ lãnh hội những lý thuyết mà ngày nào em tưởng chừng như không bao giờ hiểu. Cùng thế ấy, đối với phần đông chúng ta ngày nay, mục tiêu cứu cánh quả còn diệu vợi xa vời, nhưng con đường dẫn đến đó, con đường xưa cũ mà chư Phật và chư vị A-La-Hán đã trải qua, đã được Đức Thế Tôn truyền dạy một cách rõ ràng minh bạch. Lời di huấn tối hậu của Ngài là, "hãy liên tục kiên trì nỗ lực". Khi ta đi hết đoạn đường, đám mây mờ vô minh không còn che lấp ánh trăng trong trí tuệ, chừng ấy mục tiêu sẽ phát hiện rõ ràng. Nòng nọc rụng đuôi, lên bờ, và tự nhiên chứng nghiệm, hiểu biết đất liền là gì.

-ooOoo-

Chú thích:

[9] Xem Phần II

-ooOoo-

Ðầu trang | 01 | 02 | 03 | 04.a | 04.b

Chân thành cám ơn Bác Phạm Kim Khánh đã gửi tặng bản vi tính (Bình Anson, 02-2003)


[Trở về trang Thư Mục]
last updated: 22-02-2003