Trang gốc

Trang web BuddhaSasana

Times (Unicode) font

 

TÂM SỞ  (Cetasikas)
Môn Tâm lý và Triết học Phật giáo

Nguyên tác: Cetasikas
Tác giả: Nina Van Gorkom
Dịch giả: Tỳ kheo Thiện Minh


Chương 16

TÀ KIẾN (Ditthi)

Đức Phật đã dạy về chân đế vạn vật xuất hiện trong đời thường là: Thấy, nghe, tham, cứng, mềm, nóng, lạnh và tất cả mọi hiện tượng khác có thể cảm nghiệm được. Tuy  nhiên, chúng ta không biết được những thực tại chung quanh ta và ta thường có tà kiến về chúng.

Tà kiến là gì? Đó là một cách nhìn méo mó về những thực tại đang diễn ra. Một cách giải thích lệch lạc về những thực tại đó. Chúng ta có biết được, thí dụ như nghe chỉ là một yếu tố giúp ta nghe hay chúng ta còn chấp thủ với ý tưởng “bản ngã” thực hiện động tác “nghe” hay không? bạn có am tường cảnh thinh thuần tuý, như là một pháp (thực tế) có thể nghe được, hay chúng ta coi điều nghe được đó là một “con người” hay một “đồ vật” như thể là tiếng nói hay một chiếc xe hơi? Con người, tiếng nói hoặc chiếc xe hơi chỉ là những khái niệm chúng ta có thể liên tưởng tới được nhưng không thể nghe được. Nghe và tư tưởng xuất hiện ở nhiều sát-na khác nhau và những pháp (thực tại) này lại cảm nghiệm được những đối tượng khác nhau. Chỉ có một đối tượng được cảm nhận qua “môn”  thích hợp nào đó vào một sát-na nhất định mà thôi, nhưng chúng ta vẫn hiểu biết sai lệch về pháp (thực tại) đó. Qua nghiên cứu Phật Pháp chúng ta mới thu được hiểu biết lý thuyết về những thực tại cho là mọi vật đều chỉ là “vô thường” và không có “bản ngã” nào hết, nhưng tà kiến không thể được tận diệt bằng những trí tuệ lý thuyết đó mà chỉ có thể tận diệt được thông qua tu luyện, qua phát triển Bát chánh đạo mà thôi.

Chú giải Bộ Pháp Tụ (Atthasàlinì  II, phần IX chương I, 248) định nghĩa tà kiến như sau:

...trạng thái của tà kiến là nhận thức thiếu khôn ngoan. Xuyên tạc sự thật là phận sự; thành tựu chính là nhận thức sai lệch; nguyên nhân sâu xa chính là không muốn nhìn thấy những bậc thánh A-la-hán. Tà kiến phải được coi như là một lỗi lầm rất trầm trọng.

Thanh Tịnh Đạo (Visuddhimagga XIV, 164) cũng đưa ra một định nghĩa tương tự như thế về tà kiến (ditthi) Dhannasangani (§38) gọi tà kiến là “tà kiến”. Còn Chú giải Bộ Pháp Tụ (Atthasàlinì  II, Phần IX chương II, 253) thì giải thích như sau:

... do không phải chánh đạo, tà kiến là “tà đạo” vì chỉ cần chúng ta đi trật đường, cho dù chúng ta coi con đường đó sẽ dẫn đến ngôi làng ta cần tới, nhưng chúng ta không thể tới được, thế nên đây thực sự là một người có những ý tưởng sai lệch. Cho dù người đó coi đây chính là con đường dẫn đến vận mệnh hạnh phúc, nhưng người đó không đạt đến được; vì thế cho nên từ chỗ không phải chánh đạo đã trở thành tà đạo vậy...

Xác tín thiếu khôn ngoan[101] là trạng thái của tà kiến. Khi tà kiến xuất hiện con người ta chấp thủ lấy quan điểm sai lạc về thực tại đó. Tà kiến có phận sự “xuyên tạc”[102] vì với tà kiến người ta coi điều có tính vĩnh cửu là “vô thường”, coi “bản ngã” chỉ là “vô ngã” mà thôi. Vô minh bao trùm khắp bản chất đích thực của pháp (thực tại), và quan điểm sai lệch nhận ra toàn bộ thực tại đó là sai lệch, bằng cách bóp méo xuyên tạc sự thật. Tà kiến là yếu tố tà đạo. Nếu chúng ta đi theo tà đạo ta sẽ không tận diệt được hết mọi phiền não và như vậy chẳng còn cách nào kết thúc được “vòng luân hồi sinh tử" . Chính vì tà kiến mà một số người tin sẽ dẫn đến tinh luyện phiền não. Trong kinh Phật chúng ta đọc thấy những người sống cùng thời với Đức Phật đã theo đuổi nhiều phương cách Giới cấm thủ (Silabbata-aramana) khác nhau; họ đã ăn ở giống như loài chó hay loài bò chỉ vì họ cho là việc tu luyện như vậy có thể dẫn đến thanh tịnh.[103] Cho đến khi nào ta chưa thể tận diệt được tà kiến thì vẫn còn duyên hệ đi trệch khỏi chánh đạo, cho dù trên lý thuyết chúng ta chúng ta rất am tường chánh đạo. Đức Phật dạy rằng mọi (Pháp) thực tại, đều xuất hiện qua sáu “môn” có khả năng trở thành đối tượng của chánh niệm. Chúng ta có khuynh hướng nghĩ là không có cách nào hiểu được danh pháp và sắc pháp đang xuất hiện ngay thời điểm này trong cuộc sống đời thường. Một số người tin rằng họ đang theo đuổi một số giới luật nhằm mục đích tu luyện Niệm Xứ (satipatthana), thí dụ như kiêng không đọc không nói gì cả. Họ còn suy nghĩ phải đi tới một nơi tĩnh mịch không có tiếng động ồn ào, để cho tâm bất thiện giảm bớt không xuất hiện thường xuyên nữa. Ngay từ lúc đầu tất cả chúng ta đều có khuynh hướng suy nghĩ chúng ta không thể chánh niệm được pháp bất thiện, nhưng ngay cả pháp bất thiện cũng gồm nhiều trạng thái mà ta có nhận ra và hiểu được. Nếu thực sự ta không thể biết đích xác dưới dạng danh pháp chúng xuất hiện là do những duyên hệ riêng thì ta không thể tận diệt chúng được. Ngay cả ngu si và thất niệm về danh pháp và sắc pháp cũng là một pháp (thực tại) trong cuộc sống đời thường và trạng thái của nó khiến ta nhận biết được. Phân biệt được điều khác biệt giữa những sát-na chánh niệm và những sát-na thất niệm là điều vô cùng quan trọng. Thất niệm những thực tại đó rất thường xảy ra, nhưng đôi khi ý thức cũng xuất hiện và rồi chúng ta có thể nhận ra được sự khác biệt đó.

Nguyên nhân sâu xa của tà kiến chính là “không muốn thấy những bậc thánh thiện”[104], vì không muốn nhìn nhận họ là bậc thánh. Nếu chúng ta không nghe theo Phật Pháp như đã được “bạn hữu Phật Pháp”  giải thích và không đưa ra thực hành, thì không có duyên hệ để tu luyện chánh kiến. Thay vì nghe theo “bạn hữu tốt” chúng ta có thể liên đới với người không chân chính. Chúng ta đọc thấy trong sách Phân Tích (Book of Analysis chương 17. § 901) viết về bạn xấu như sau:

Về mặt này, thế nào là “bạn xấu”? Có những hạng người chẳng có chút niềm tin nào nơi Phật Pháp,[105] nếp sống luân lý đạo đức của họ đáng ngờ vực, thiếu trí tuệ, bần tiện, không sáng suốt thiếu thông minh. Đó chính là lệ thuộc vào người khác, hoàn toàn lệ thuộc vào người khác. Tiếp cận với họ, tiếp cận một cách thân mật, tôn vinh họ, tôn vinh hoàn toàn. Vướng mắc với họ. Điều này chính là có những người bạn xấu.

Những ai tích lũy được nhiều điều nhằm phát triển chánh kiến  thì họ có duyên hệ gặp được bạn tốt trong Phật Pháp, và những ai có khuynh hướng ngả theo tà kiến thì buộc phải liên kết với những người có tà kiến và như vậy họ lại tích lũy nhiều hơn và càng nhiều tà kiến phát sinh.

Tà kiến phải được coi như là “lỗi lần lớn nhất” tà kiến rất nguy hại vì có thể dẫn ta đến nhiều điều xấu xa sau này. Chúng ta đọc thấy trong Tương Ưng Bộ Kinh - Gradual Sayings (cuốn I, chương XVIII) như sau:

Này chư Tỳ-khưu, ta không biết được bất kỳ điều gì thích hợp để cho các hiện trạng xấu xuất hiện hay nếu đã xuất hiện, đã tạo ra dễ nhận dạng hơn và tiến triển mạnh mẽ, đó là quan điểm truỵ lạc...

Này chư Tỳ-khưu, nơi một số những quan điểm xấu, hiện trạng xấu chưa xuất hiện, chắc chắn sẽ xuất hiện thôi và nếu đã xuất hiện thì chắc chắn sẽ tăng thêm và phát triển mạnh mẽ....

Này chư Tỳ-khưu, ta không biết thêm bất kỳ điều gì khác thích hợp để khiến cho những hiện trạng tốt xuất, hiện nếu chưa xuất hiện hoặc nếu đã xuất hiện, lại khiến điều đó mờ nhạt đi. Đó là do  tà kiến truỵ lạc mà ra....

Này chư Tỳ-khưu, nơi người nào có tà kiến về những hịên trạng tốt lành nếu chưa xuất hiện thì sẽ không xuất hiện hay nếu đã xuất hiện sẽ diệt...

Này chư Tỳ-khưu, ta chẳng biết thêm được điều gì thích hợp khiến tà kiến xuất hiện. Nếu chưa xuất hiện, hay nếu đã xuất hiện thì đó là tà kiến, là phi như lý tác ý (Ayoni manasikara)[106] vậy.

Nơi những ai không tập trung như lý tác ý vào tà kiến, nếu tà kiến chưa xuất hiện, sẽ không xuất hiện hay nếu đã xuất hiện thì sẽ  gia tăng...

Này chư Tỳ-khưu, ta chẳng biết được điều chi thích hợp sau khi thân xác đã tan biến sau khi chết, lại tạo ra tái sanh nơi những sanh vật rác rưởi, nơi chốn khổ cảnh, nơi chốn đọa xứ, nơi tầng địa ngục, chính là do quan điểm sai lạc...

Chúng ta đọc thấy mỗi trường hợp trên chánh kiến chính là điều trái ngược lại. Ngoài ra cũng trong chương đó, chúng ta còn đọc thấy tà kiến được ví như một hạt giống cây dưa, hạt giống cây leo hay cây dưa chuột.

Bất kỳ bản chất nào xuất phát từ nước hoặc đất, đều dẫn đến cay đắng, chua chát và khó chịu. Đâu là ngyên nhân phát sinh ra điều đó? Đó là do bản chất hạt giống quá tồi tệ mà ra. Chỉ có vậy, này chư Tỳ-khưu, người có tà kiến trụy lạc, toàn bộ hành vi của người ấy, bất luận là gì đi chăng nữa cũng đều dẫn đến xấu xa cả. Nguyên nhân của điều đó do tại đâu mà ra? Này chư Tỳ-khưu, đó là do chính tà kiến trụy lạc mà ra...

Chánh kiến (Right view) được so sánh với hom giống mía đường, lúa giống hay giống nho: “Bất kỳ điều gì phát sinh ra từ đất và nước tất cả cũng đều tạo ra chất vị ngọt ngào, dễ chịu thoải mái và hương vị ngọt ngào.” Cũng vậy người có chánh kiến thì mọi hành đều dẫn tới hạnh phúc.

Để hiểu rõ ý nghĩa kinh Phật này chúng ta cần xém xét sự khác biệt giữa cuộc sống những người chưa đạt đến bậc thánh và cuộc sống của thánh Nhập lưu (Sotapanna). Người chưa đạt đến bậc thánh, chưa tận điệt được tà kiến vẫn còn duyên hệ phạm phải nghiệp bất thiện (Akusala-kamma) dẫn đến tái sanh khổ cảnh và như vậy người đó đang phải trải qua một hoàn cảnh nguy hiểm. Còn vị thánh Nhập lưu vì đã tận diệt được tà kiến, sẽ không còn duyên hệ để phạm phải năm điều giới luật, không còn duyên hệ phạm phải nghiệp bất thiện tạo ra tái sanh khổ cảnh. Người đó đã tận diệt tính keo kiệt và ghen tương đã trở nên hoàn toàn rộng lượng quảng đại. Khi chúng ta không chấp thủ vào khái niệm “bản ngã” nữa và nhận ra mọi pháp (thực tại) đích thực, điều này sẽ ảnh hưởng đến các hành vi lời nói và tư tưởng của chúng ta.

Tà kiến sẽ không xuất hiện với tất cả các tâm. Tà kiến liên quan trực tiếp với thủ chấp, chỉ xuất hiện với tâm tham căn mà thôi. Có bốn loại tâm tham căn được đi kèm với tương ưng tà kiến, và trong bốn loại này có hai loại đi kèm với câu hành hỷ hay là cảm giác sảng khoái và hai loại còn lại đi kèm với cảm giác phi khổ phi lạc hay xả. Cả bốn loại trên có thể vừa là tâm vô trợ (tâm này không được bất kỳ ai hay chính mình thúc đẩy), cũng còn có cả tâm hữu trợ[107] (tâm này cần phải có thôi thúc mới xuất hiện). Tà kiến xuất hiện với tâm tham căn luôn đứng về phe vong kiến (Miccha-ditthi).

Lại có nhiều loại tà kiến và ở nhiều mức độ khác nhau. Có ba loại tà kiến nơi tiến trình hành động bất thiện, đó là nghiệp đạo bất thiện, qua ý, các tà kiến này tạo ra tái sanh khổ cảnh. Gồm ba loại tà kiến sau đây:

Tà kiến không có quả của nghiệp chướng: Vô hữu kiến (Natthika- dịtthi).

Tà kiến không có nguyên nhân xảy ra: Vô nhân kiến (Ahetuka-dịtthi).

Tà kiến không có đặc tính nghiệp: Vô hành kiến (Akiriya- dịtthi).

Tà kiến đầu tiên, do vị Tỳ-khưu Ajita Kesakambali[108] chủ trương  có đoạn diệt sau khi chết.

Tà kiến thứ nhì do vị Tỳ-khưu Makkhali. Ông dạy không có nguyên nhân nào gây truỵ lạc và thanh tịnh chúng sinh cả, không hề có cái gọi là cố gắng nhân bản, và ông còn cho rằng mọi tạo vật đều “buộc bị huỷ diệt, thay đổi và đào thải.” [109]

Còn tà kiến thứ ba do Purana Kassapa[110] giảng dạy. Ông không công nhận có nghiệp bất thiện và nghiệp thiện. Theo ông thì đau khổ của chúng sinh không do những việc ác mà ra.

Cho dù cả ba loại tà kiến này đều khác nhau rõ ràng nhưng chúng có liên hệ với nhau. Một khi bạn không nhận ra có nghiệp chướng là nguyên nhân thì bạn cũng không nhận ra kết quả của việc đó. và khi bạn không nhận ra được kết quả của nghiệp chướng thì bạn cũng chẳng nhận ra được nghiệp chướng như là nguyên nhân của công việc đó đâu.[111]

Ba tà kiến vừa đề cập đến ở trên chính là nghiệp đạo bất thiện qua ý nghiệp nếu chúng ta thâm tín chắc chắn về ba tà kiến đó. Chúng đặc biệt rất nguy hại và có thể gây ra nhiều hành động xấu.

Còn có nhiều loại tà kiến khác nữa và cho dù chúng không phải là nghiệp đạo bất thiện, chúng cũng rất nguy hiểm. Kinh Phật thường xuyên đề cập đến thường kiến và đoạn kiến. Thường kiến là một niềm tin cho là có “bản ngã” tồn tại vĩnh cửu. Đoạn kiến cũng là một niềm tin cho là vẫn còn có “bản ngã” sẽ bị đoạn diệt sau khi chết. Cũng lại còn có một chủ trương nửa thường đoạn kiến (Semi-eternalistic view): chủ trương này cho là một vài pháp (Phenomena) thì tồn tại vĩnh cửu trong đó lại có một số pháp khác thì không. Đôi khi chúng ta chấp thủ với thường kiến và đôi khi lại chấp thủ với đoạn kiến.

Trong kinh Phạm Võng Brahma-jala-sutta (mạng lưới bao trùm toàn bộ các định kiến “The all-embracing Net of Views” [112] và The Dialogues of the Buddha I, no. I) đã đề cập đến sáu mươi hai loại tà kiến. Trong đó có tới mười tám lý thuyết suy luận liên quan đến quá khứ, và bốn mươi bốn lý thuyết liên quan đến tương lai. Có nhiều lý thuyết liên quan đến thế giới chúng sinh hữu hạn và vô hạn. Về nguồn gốc “linh hồn” và nguồn gốc vũ trụ. Lại có những suy luận về điều thiện và điều bất thiện cũng như về cả Níp-bàn  nữa.

Qua mọi thời đại con người thường có khuynh hướng ngả theo những suy luận thuyết và ngay cả ngày nay chúng ta vẫn có thể nhận ra những quan điểm đó vẫn còn tồn tại. Khi chúng ta  suy luận về cuộc sống trong quá khứ và cuộc sống mai hậu chúng ta thường gắn kết với “bản ngã” chuyển dịch từ cuộc sống này qua cuộc sống khác. Chúng ta quen suy luận với các từ “bản ngã”. Liên quan đến học thuyết đoạn kiến (Annihilationism), những ai tin có linh hồn hay bản ngã sẽ bị đoạn diệt sau khi chết không nhận ra là tâm tử tàn lụi đi, lại được tâm tái tục nơi cuộc sống tiếp theo kế tục ngay ngay sau khi có duyên hệ tái sinh. Đoạn kiến lại hoàn toàn khác biệt so với trí tuệ nhận biết được vô thường, tức là sinh diệt thuộc danh pháp, sắc pháp. Đối với một vị A-la-hán sẽ không còn duyên hệ tái sanh nữa. Tâm tử nơi người đó không được tâm tái tục kế tiếp. Đây không phải là sự huỷ diệt ra hư vô, mà là được giải thoát khỏi vòng luân hồi. Bậc A-la-hán thường tu luyện chánh nhân (Right conditions) để đạt đến giải thoát này.

Khi các tà kiến về “bản ngã” được tận diệt, chúng ta không còn phải chấp thủ với những lý thuyết siêu hình nữa. Nhưng cho đến khi chúng ta vẫn còn tin vào “bản ngã” chúng ta buộc phải chấp thủ lấy những lý thuyết siêu hình đó. Tất cả chúng ta ai cũng đều muốn tu tập thân kiến (Sakkaya-ditthi). Chúng ta đọc thấy trong tác phẩm Tương Ưng Bộ Kinh - Kindred Sayings (IV, citta §3, viết về Isidatta) vị Tỳ-khưu Isidatta nói với Citta, là chủ nhà như sau:

Này đây, hỡi chủ nhà, dốt nát quá chừng, ngươi không nhận ra được những bậc thánh, không có  chút thông thạo về giáo lý thánh thiện này, không được huấn luyện cho biết giáo lý thánh thiện này... họ cho là thân xác chính là “bản ngã” họ lại cho là bản ngã có một thân xác, thân xác là một con người nơi bản ngã và bản ngã lại là con người nơi thân xác...

Như vậy có tới bốn loại tà kiến thân kiến liên quan đến “thân xác” tức là sắc uẩn (Rupa-khandha). Cũng như vậy khi đề cập đến các tà kiến liên quan đến bốn danh uẩn về thọ, tưởng, hành và thức uẩn. Vì có đến bốn loại tà kiến về “thân kiến” liên quan đến mỗi uẩn thuộc ngũ uẩn khác nhau, như vậy có tới hai mươi loại tà kiến tất cả[113]. Chúng ta có thể chấp thủ với tà kiến ý tưởng “tôi thấy, “thân xác tôi” và “ý chí tôi”. Nhưng các tà kiến này chỉ là uẩn là thôi, tức là những yếu tố bị chi phối và lại sinh và diệt ngay lập tức.

Lại có tà kiến về các danh pháp như là thấy, nghe hay suy nghĩ, và liên quan cả đến sắc pháp như là tính cứng hay cảnh sắc. Rất có thể chúng ta đã coi danh pháp như nghìn thấy là bản ngã, và chúng ta cũng có thể coi cảnh sắc là một con người, một đồ vật tồn tại. Khi chúng ta coi cảnh sắc như là bản ngã chúng ta không nhận ra chúng như là những yếu tố có thể cảm nghiệm được vào lúc này qua “môn” thích hợp. Cảnh sắc chỉ là sắc pháp có thể cảm nghiệm được thông qua nhãn căn (Eyesense), chứ không phải là con người hay đồ vật và nó sẽ diệt ngay. Cảnh thinh cũng chỉ là sắc pháp có thể cảm nhận được qua nhĩ căn (Earsense), chẳng phải là một người hay là một vật. Mỗi tâm xuất hiện chỉ cảm nhận được một cảnh mỗi lần mà thôi thông qua căn môn thích hợp và rồi lại diệt ngay. Điều này rất khác với tâm có trước đó. Thấy chỉ là thấy mà thôi, thấy không thể nghe và nghĩ được. Chúng ta đọc thấy điều này trong sách Book of Analysis (ch. 16, Phân tích về hiểu biết §763) như sau:

Đừng cảm nhận đối tượng của các căn khác, nghĩa là: nhĩ thức không cảm nhận được đối tượng của nhãn thức; nhãn thức không cảm nhận được đối tượng của nhĩ thức được đâu. Tỷ thức không cảm nhận được đối tượng của nhãn thức; nhãn thức không cảm nhận được đối tượng của tỷ thức đâu. Thiệt thức không cảm nhận được đối tượng của nhãn thức, nhãn thức lại không thể cảm nhận được đối tượng của thiệt thức bao giờ. Thân thức không thể cảm nhận được đối tượng của nhãn thức và nhãn thức cũng không thể cảm nhận được đối tượng của thân thức bao giờ.

Chúng ta thường có khunh hướng chấp thủ với ý tưởng “bản ngã” để điều phối mọi kinh nghiệm khác nhau. Một số người có thể nghĩ là họ nhìn thấy và nghe được ai đó cùng một lúc. Các danh sách và phân loại chúng ta thấy được trong tác phẩm Vi Diệu Pháp không có ý chỉ để dùng trong trí tuệ lý thuyết mà thôi. Chúng còn dùng để nhắc nhớ chúng ta chánh niệm về các Pháp (thực tại) xuất hiện ngay lúc này để có thể loại bỏ dần được tà kiến. Khi nhĩ thức xuất hiện không thể có niệm là trạng thái để cho chánh kiến có thể biết được cảm giác đó: Như một loại danh pháp duy nhất chứ không phải là “bản ngã” đã nghe đâu. Chúng ta có thể nghi ngờ rất nhiều về sự khác biệt giữa trạng thái của nhĩ thức và cảm giác chú ý, đến ý nghĩa của tiếng động đó. Chúng ta thường có khuynh hướng lẫn lộn tất cả sáu căn môn. Nhưng thực ra nhĩ thức không thể cảm nghiệm được đối tượng đang được ý suy nghĩ. Khả năng hiểu biết về thực tại lại chi phối sự xuất hiện chánh niệm nhưng chúng ta thướng hay say đắm với  những đối tượng dễ chịu và loại bỏ các đối tượng khó chịu. Chúng ta quên không tập trung chánh niệm. Thí dụ, khi chúng ta cảm thấy nóng, chúng ta có ác cảm và rồi chúng ta quên mất những thực tại đó, đang khi cảm giác ác cảm xuất hiện.

Cho đến khi nào tà kiến còn chưa được tận diệt thì nó vẫn xuất hiện khi nào có duyên hệ thích hợp để xuất hiện. Chỉ thông qua chánh niệm chúng ta mới có thể biết được khi nào tà kiến xuất hiện. Khi chúng ta nghĩ đến các khái niệm như là người hay vật thì không cần có tà kiến. Chúng ta có thể nghĩ đến một người nào đó với tâm thiện, thí du, khi chúng ta dủ lòng thương cảm đến người đó. Hoặc giả khi chúng ta tưởng nhớ đến ai đó với tâm tham căn mà không có tà kiến hay với tâm căn sân.

Trước tiên tà kiến phải được tận diệt trước khi tận diệt các phiền não khác. Như chúng ta đã thấy, người chưa đạt đến bậc thánh A-la-hán, chưa tận diệt được tà kiến thì vẫn còn duyên hệ để sao lãng năm giới luật; người đó vẫn còn duyên hệ thực hiện sát sanh, trôm cắp, tà dâm, nói láo và sử dụng những chất say kể cả uống rượu. Khi chúng ta hiểu ra được chấp thủ với những khái niệm về bản ngã gây ra cho chúng ta biết bao nhiêu phiền toái trong cuộc đời, và dẫn đến những điều không thích hợp, chúng ta có thể phát hiện ra những lợi ích trong việc tu luyện chánh kiến. Nếu như chúng ta thực sự nhận ra tà kiến nguy hiểm dến mức độ nào, tà kién có thể ảnh hưởng đến chánh niệm xuất hiện và như vậy chánh kiến có thể được phát triển. Chánh kiến chỉ được phát triển nếu như chúng ta có chánh niệm ngay lúc này, nếu không thì chúng ta chỉ nghĩ ra những phương cách làm thế nào được chánh niệm hơn trong tương lai.

 

Câu hỏi:

     1.       Đâu là những ví dụ điển hình về Giới cấm thủ (silabbata-aramana) người ta thường theo đuổi hiện nay?

     2.       Tại sao nguyên nhân sâu xa của tà kiến lại là không muốn thấy “những bậc thánh hiền”?

     3.       Điểm khác nhau giữa đoạn kiến, quan niệm cho là bản ngã sẽ bị tiêu diệt sau khi chết, và việc nhận ra tính chất vô thường nơi các pháp hữu vi (Sankhata-dhammas)?

     4.       Bằng cách nào chúng ta có thể liên tưởng đến cuộc sống quá khứ chung với tà kiến?

     5.       Ta có thể tận diệt được thân kiến qua chánh niệm danh pháp (Nama) và sắc pháp (Rupa) không? Tại sao thế?

     6.       Tại sao chúng ta không chấp thủ với các lý thuyết siêu hình khi tận diệt được thân kiến?

     7.       Khi chúng ta không chánh niệm thì lúc nào cũng xuất hiện tà kiến hay sao?

     8.       Đâu là điểm khác biệt giữa  si (Moha) và tà kiến (Ditthi)?

     9.       Tại sao ba loại tà kiến là nghiệp đạo bất thiện (Akusala-kamma-patha) lại tỏ ra nguy hiểm một cách đặc biệt?

 10.       Tại sao chúng ta tin là có thể thấy và nghe cùng một lúc được là sai?

 11.       Thực chất một khi chưa tận diệt được tà kiến ảnh hưởng gì sẽ xảy đến với hành vi đạo đức (giới luật) của chúng ta?

[101] Tiếng Pàli là anyonso abhnivesa, khuynh hướng thiếu khôn ngoan, gắn bó thiếu không ngoan.

[102] Tiếng Pàli là paramasa, có nguồn gốc từ chữ paramasati, có nghĩa là đụng tới, nắm giữ lấy, gắn kết với hay là trở thành nạn nhân với.

[103] Đây chính là điều “giới cấm thủ” (Silabbatupadana), xem dialogues of the Buddha III, số 24. những điều kỳ thú bí ẩn, 1, 7.

[104] Xem (tác phẩm Mulapariyaya Sutta) do Đại đức Bhikkhu Boldi, BPS Kandy dịch năm 1980.

[105] Tin tưởng vào những gì hoàn hảo.

[106]Phi như lý tác ý (Ayoniso manasikara) không khéo tác ý (Ayoni manasikarra).

[107] Xem (Vi Diệu Pháp) abhidhamma in Daily life, chương4

[108] xem Middle Length Sayings II, số 60 bàn về điều chắc chắn, (on the sure), 401

[109] cùng như trên tr. 407, dialogue of the Buddha I số 2  “ the fruits of the life of a recluse” , 54.

[110]  Xem Middle Length Sayings II số 60, 404

[111] xemTương Ưng Bộ Kinh-- Kindred Sayings III, Khandha-vagga,Tương Ưng Bộ Kinh-- Kindred Sayings on View, I điều 5-7 và Dialogue ò the Buddha,I, số 2, 52-56 và cả Chú giải bộ Pháp Tụ (Atthasàlinì)  I phần III ch. V, 101.

[112] Do Đại-đức Boldi, BPS. Kandy, 1978 (dịch trong tác phẩm chú giải của ông.)

[113] Xem  Pháp tụ (Dhammasangani) điều 1003.


 Mục lục | Lời nói đầu | Lời giới thiệu |
 01 | 02 | 03 | 04 | 05 | 06 | 07 | 08 | 09 | 10 | 11 | 12 | 13 | 14 | 15 | 16 | 17 | 18 | 19 |
20 | 21 | 22 | 23 | 24 | 25 | 26 | 27 | 28 | 29 | 30 | 31 | 32 | 33 | 34 | 35 | 36 | Phụ lục

 

Source: http://www.phatgiaonguyenthuy.com

[Trở về trang Thư Mục]
last updated:
08-08-2004