BuddhaSasana Home Page
This document is written in Vietnamese, with Unicode Times font


Phật và Thánh chúng
Thích Minh Tuệ
Sài Gòn, 1990


BÀI 3

THÁI TỬ TẤT ÐẠT ÐA XUẤT GIA

-ooOoo-

Khi còn là một Thái Tử, dù tuổi đời còn nhỏ, Tất Ðạt Ða đã trưởng thành trong tư duy, đã có cái nhìn về xã hội Ấn Ðộ, về tư tưởng đạo giáo đương thời và về cuộc sống chúng sinh thật chính xác. Lúc bấy giờ xã hội phân chia giai cấp, cuộc sống giữa người với người tràn ngập bất công, đạo Bà La Môn mang tính thần quyền, phủ nhận hết mọi khả năng của con người. Cuộc sống của nhân loại chúng sinh xây đắp tồn tại trên sức mạnh và mưu trí. Bởi thế dù sống trên mỹ vị cao lương, trong lụa là nhung gấm, châu báu tràn đầy, cung nga mỹ nữ, kẻ hầu người hạ bao quanh đáp ứng mọi nhu cầu, nhưng Tất Ðạt Ða vẫn không tự mãn. Thái Tử luôn luôn mơ đến một chân trời cao rộng, suy tìm chân lý cứu khổ cứu nạn cho trần gian.

I- NGUYÊN NHÂN THÁI TỬ ÐẠT ÐA XUẤT GIA.

Có quan niệm cho rằng: Cái khổ nạn của con người do Thượng đế an bài, hay do tiền nghiệp định đoạt hoặc ngẫu nhiên. Ðó là 3 khuynh hướng phủ nhận vai trò con người với cuộc đời và thế giới khách quan. Theo lý duyên khởi, tất cả mọi hiện tượng đều sinh tồn theo lu?t nhân quả. Tình trạng chính trị, xã hội, kinh tế, tôn giáo, tư tưởng Ấn Ðộ không tốt đẹp, không ổn định do Bà La Môn mà phát sinh. Tất Ðạt Ða đã chứng nghiệm tình trạng đó, trong lần nhập định tư duy lần thứ nhất tại miền đồng quê. Tại nơi này, cảnh mạnh hiếp yếu, khôn lấn dại của chúng sinh cũng đã phơi bày trước mắt Thái Tử. Ðó là những lý do khởi đầu nhen nhúm trong tâm tư Thái Tử Tất Ðạt Ða ý niệm phải làm gì để cứu vãn.

Khi trưởng thành, thấy không thể mãi mãi đóng khung trong hoàng cung hưởng mọi lạc thú vật chất, Thái Tử Tất Ðạt Ða xin Vua cha ra dạo các cửa thành. Biết không thể kềm hãm Thái tử một cách liên tục được, nhà Vua đã thuận theo lời yêu cầu của Thái Tử. Nhà Vua ra lệnh cho dân chúng phải quét dọn sạch sẽ trên những lộ trình Thái tử đi qua và phố nhà phải trang hoàng lộng lẫy.

Theo nhà Vua không được để một cảnh nào không đẹp đập vào mắt, gieo vào tâm tư Thái Tử.

Sau khi kinh thành đã được trang hoàng cờ hoa rực rỡ, một cỗ xe lộng lẫy và đoàn tùy tùng cũng đã chuẩn bị để đưa Thái Tử du ngo?n.

Lần thứ nhất ở một cửa thành, Thái Tử thấy một cụ già lụ khụ khập khiễng với cái gậy, thân hình tiều tụy, da thịt nhăn nheo, gân guốc nổi lên cùng mình, mặt mày thiểu não, miệng nói lắp bắp... Vì thật dị dạng, chưa từng thấy, Thái Tử hỏi Xà Ích: Người gì lạ thế? Trong tư thế không ngờ, chưa kịp chuẩn bị, Xà Ích đã trả lời: Ðó là một cụ già, con người ai cũng có thời kỳ như thế, trước khi nhắm mắt từ giã cõi đời. Nghĩ đến thân phận con người sao mà ác não đến thế, Thái Tử bỏ cuộc du ngoạn.

Lần thứ hai, ra một cửa thành khác, Tất Ðạt Ða gặp một người bịnh trướng bụng to như cái trống, hơi thở khò khò, tay chân teo tóp, đầy cả gân xanh, miệng rên rỉ bi thiết, mắt tràn lệ nóng... Thái Tử hỏi: Xà Ích, đây là thứ gì mà ghê gớm đến thế! Xà Ích đáp: Ðó là một người mắc bệnh hiểm nghèo, hiện thân của sự suy tàn. Con người ai cũng có thời nhuốm bịnh kể cả tôi và Thái Tử. Tiếng rên của con bịnh khiếp đảm quá, Thái Tử cho xe giá trở lại, bỏ cuộc du ngoạn, tâm tư đầy chua xót.

Lần thứ ba, đi ra một cửa thành khác bốn người khiêng một xác chết với nhiều người theo sau đầu tóc rối bù, mặt mày ảm đạm, than khóc thê thảm. Thái Tử hỏi Xà Ích: - Người khiêng cái gì thế! Tại sao lại có người đi theo sau với những tiếng nấc như nghẹn ngào ai oán !... Xà Ích đáp: Tâu Hoàng Tử đó là một xác chết. Vì bịnh tật hoành hành, hơi thở hắt ra không còn trở lại, cơ thể con người lạnh như tảng băng. Người chết mất hết trí khôn, không còn cảm giác để thụ hưởng các lạc thú trần gian. Ai cũng bước đến con đường tử vong, kể cả tôi và Thái Tử. Nghe rùng rợn quá, Thái Tử lại bỏ cuộc du ngoạn trở về với nhiều suy tư dày vò.

Với 3 lần du ngoạn, thấy các cảnh tượng già, bệnh, và chết luôn luôn đe dọa con người cứ mãi hiện trong đầu óc, Thái Tử càng thêm chán ngán cuộc sống ở đời. Thái Tử rất bi quan và không còn ý muốn ra khỏi hoàng cung. Nhà Vua lại do Thái Tử có thể bị nhuốm bịnh vì quá ưu tư, sầu não... Ðể có thể giải sầu cho Thái Tử, nhà Vua đặc tránh cho Ưu Ðà Di toàn quyền tìm phương pháp làm vui Thái Tử. Ưu Ðà Di tuyển thêm cung nữ, bày thêm nhiều trò vui để làm lung lạc Thái Tử. Trong các cung nữ có Tôn Ðà Ly là một mỹ nữ kiều diễm nhất. Ưu Ðà Di dạy cho cung nữ các yêu thuật để mê hoặc và quyến rũ Thái Tử. Cuối cùng vẫn không lung lạc được Thái Tử, Ưu Ðà Di chấp nhận sự thất bại và xin được cùng Thái Tử bàn về cái nổi thống khổ của con người và bàn đến lạc thú trần gian những thứ làm mù tối con người.

Sau một thời gian suy gấm, Thái Tử lại xin Vua cha cho đi du ngoạn ngoài hoàng cung. Ðể tránh các cảnh già, bịnh, chết có thể xảy ra, để những gì thiếu, thẩm mỹ không diễn ra trước mắt Thái Tử, nhà Vua ra lệnh nếu trật tự an ninh không chu đáo ở khu vực nào, người có trách nhiệm ở khu vực đó sẽ bị bay đầu. Do sự đề phòng chu đáo, cảnh giàu bệnh, chết không xảy ra, nhưng một cảnh khác lại quyến rũ Thái Tử thật phi thường. Lần du ngoạn thứ tư này ở một cửa thành, Thái Tử gặp một đạo sĩ mặt mày phương phi tóc râu như tuyết, dáng người thanh cao, siêu thoát. Cho xa giá dừng lại, Thái Tử hỏi đạo sĩ: Ông là ai? Có phải là người không, trang phục của người sao thật lạ đời? Ðạo sĩ đáp:

- Tôi là một người bình thường như tất cả mọi người, nhưng tôi đã dẹp hết phiền muộn ưu sầu. Cuộc sống của tôi đã dứt hết sự ràng buộc vấn vương của gia đình. Các lạc thú vật chất tôi không màng đến. Tôi luôn luôn vui vẻ đối với tất cả mọi người, ai oán ghét tôi, tôi vẫn không thù hận. Tôi tìm mọi cách để cứu giúp người khi họ cần đến. Tôi mặc áo hoại sắc, nuôi sống bằng cách đi khất thực, từ nơi này qua nơi khác. Tôi thích sự an tịnh của núi rừng, vì nơi đó không có sự tranh chấp của con người. Các phiền não cũng nhờ đó mà dứt sạch. Sanh, già, bệnh, tử là những tai họa lớn lao đối với con người, cho nên tôi cố gắng tự sách tấn tu hành để sớm được giác ngộ và giải thoát vòng luân hồi ràng buộc.

Sau khi đạo sĩ dứt lời, tâm tư của Thái Tử vô cùng sảng khoái, nhẹ nhàng như gánh nặng sanh, giàu bệnh, tử đè nặng lên đôi vai Thái Tử đã được buông xuống. Thái Tử thấy hạnh nguyên của đạo sĩ giống với ước mong của chính mình. Thế rồi, Thái Tử tạm biệt đạo sĩ với quyết tâm ra khỏi "ngục vàng" tìm đạo giác ngộ và giải thoát.

II- THÁI TỬ TẤT ÐẠT ÐA XUẤT GIA.

Khi trở về hoàng cung, Thái Tử tâu trình với Vua cha, ý định muốn từ giã kinh thành, xuất gia cầu mong giải thoát. Bị xúc động nhà Vua nghẹn ngào khuyên nhủ Thái Tử, đại ý nói: Tuổi con còn trẻ, chưa thấu hiểu hết mọi lẽ ở đời. Già, bệnh, chết là luật của Thượng đế an bài, con đâu có thể cưỡng lại được. Còn những gì khó khăn, gian khổ của con người lúc nào cũng đầy dẫy, một mình con đâu có thể khỏa bằng để cõi đời thường xuyên an lạc được. Còn nếu bảo xuất gia để tìm sự nhàn tịnh, không bận rộn việc thế tục, vấn đề đó con nên nhường lại cho cha. Vì cha tuổi già sức yếu đang muốn lên ngôi Thái Thượng Hoàng, nhường lại sơn hà xã tắc cho con. Vì hiếu đạo, con nên ở lại hoàng cung thay cha lo việc an dân trị quốc. Giữa tình nhân loại và hiếu đạo trong gia đình, tuy thật nghẹn ngào khi nghe vua cha phán, nhưng Thái Tử lại tâu: Con sẽ ở lại hoàng cung nếu Vua cha ban cho được 4 điều: Ðó là mạng sống của con sẽ không kết thúc bằng cái chết, bệnh tật sẽ không tàn hại nhan sắc, sức khỏe luôn luôn dồi dào, cái già sẽ không theo sau tuổi xuân, tai họa sẽ không hủy diệt sự phồn vinh của con người và nhân dân Thành Ca Tỳ La Vệ.

Vua Tịnh Phạn cho Thái Tử đòi hỏi quá nhiều. Vì không đáp lại được yêu cầu, Thái Tử xin nhà Vua đừng cản ngăn ý nguyện của Thái Tử trên con đường xuất gia, suy tìm chân lý giác ngộ và giải thoát. Trong một đêm trăng tròn của Tháng Vésaka, Thái Tử dứt khoát ra đi theo tiếng gọi của tình nhân loại. Dọc theo hành lang Thái Tử lửng thửng đi về phía gian phòng của Da Du Ðà La để tỏ lời từ biệt. Ngang qua các gian phòng được trang trí để các vũ nữ múa hát giúp vui trong buổi tiệc chiều tối vừa rồi, Thái Tử nhìn tận mắt cái vẻ đẹp yêu kiều duyên dáng của các cung phi mỹ nữ không còn nữa. Các cô có vẻ mệt mỏi ngủ say mê, đầu tóc rối bù phấn son nhòe nhoẹt, xiêm áo tả tơi... Các cô hoàn toàn trở về với nguyên trạng của con người. Lúc vào phòng, tiến đến bên giường của Da Du, Thái Tử định đánh thức nàng dậy nhưng e sự bịn rịn của nhi nữ thường tình sẽ cản trở bước đi. Do đó, Thái Tử lại nhẹ lui bước. Vẫn còn là con người, tình cảm thương yêu vợ con làm Thái Tử xao xuyến. Thái Tử đã phải ba phen bước vào rồi bước ra. Cuối cùng, Thái Tử dứt khoát với ý niệm lặng lẽ ra đi là ổn hơn hết, mặc cho cõi lòng còn vấn vương ray rứt...

Ra khỏi hành lang, Thái Tử bước vội xuống chuồng ngựa, bảo Xa Nặc dắt ngựa trắng Kiền trắc (Kamthakia) ra và hãy cùng Thái Tử trốn khỏi cung điện trước khi bình minh ló dạng. Hai thầy trò với ngựa Kiền Trắc vun vút đi dưới ánh trăng rằm tỏ rạng.

Ðến bên bờ sông A Nô Ma, trời vừa sáng và đã cách xa kinh thành khoảng 10 dặm. Thái Tử thấy xa xa hiện rõ một khu rừng gọi là khổ hạnh lâm. Nơi đó là khu rừng của các nhà khổ hạnh trú ngụ, tu tập. Khi Kiền Trắc vừa dừng bước, một thợ săn cũng vừa từ đằng xa đi tới. Thái Tử liền nghĩ đến con đường vào rừng khổ hạnh không để nhung lụa gấm vóc còn dính thân. Do đó, Thái Tử đem chiếc áo đổi cho người thợ săn. Trao đổi xong, Thái Tử cởi hết áo mão, lấy gươm cắt tóc giao cho Xa Nặc để đem v? tâu trình với Phụ Vương, nhưng Xa Nặc không chịu và đỏi theo chân Thái Tử. Cuộc đối thoại giữa hai thầy trò Thái Tử xảy ra với nhiều chi tiết thật lâm ly, bi thiết dằng dai kể từ nơi chuồng ngựa cho đến bên giòng A Nô Ma. Bởi tình nghĩa thầy trò đâu có thể dễ dàng cắt đứt trong chốc lát. Nhưng qua sự giải thích lập trường dứt khoát của Thái Tử, Xa Nặc đành phải chấp nhận yêu cầu của Thái Tử để trở về với ngựa Kiền Trắc và mái tóc, áo mão tư trang của Thái Tử.

Sau khi Xa Nặc lui bước, với cõi lòng nặng trĩu đau buồn, Thái Tử choàng tấm áo vải thô của người thợ săn và đi về phía rừng khổ hạnh, đến tu với đạo sĩ Bạt Gia. Thế là Thái Tử hoàn toàn chấm dứt cuộc đời vương giả, với bạc vàng châu báu, cung phi mỹ nữ, xa hẳn tình nghĩa gia đình, cha mẹ vợ con. Ðó là một bước ngoặc lịch sử bi hùng nhất trong cuộc đời của Thái Tử Tất Ðạt Ða với sứ mạng tìm phương pháp giải thoát cho chính mình và nhân loại chúng sinh. Thái Tử phát lời thề nguyện: "Nếu chưa tìm ra chân lý và đạo giải thoát cho nhân thế, ta sẽ không trở về thăm Ca Tỳ La Vệ". - Lúc bấy giờ, Thái Tử 29 tuổi.

III- NHẬN THỨC VÀ KẾT LUẬN.

Cuộc thoát ly "ngục vàng" này của Thái Tử Tất Ðạt Ða thật vô cùng vĩ đại. Vì từ xưa đến nay đâu có một Ðế Vương nào chịu từ bỏ cuộc sống xa hoa, cung tần mỹ nữ, vợ đẹp con ngoan, trừ một Trần Nhân Tôn của Việt Nam cách Phật 10 thế kỷ (Trần Nhân Tôn nhường ngôi cho con để vào tu tại núi Yên Tử năm Kỷ Hợi 1299).

Trong thực tế con người đầy tham, sân, si, chấp ngã cho nên trước ngũ dục, ít người giữ được đạo đức vô ngã, vị tha. Thái Tử Tất Ðạt Ða thoát được Hoàng Cung là do Thái Tử đã quyết liệt, tự chiến đấu với chính bản thân, với bao tình cảm ràng buộc của Vua Tịnh Phạn, của Da Du, của người thân cận như Xa Nặc... Thái Tử ra đi cũng không phải do một thiêng liêng nào thúc đẩy hộ trì, mà do đức tính từ bi trí tuệ và dũng cảm của Thái Tử. Bởi khi du ngoạn 4 cửa thành, Thái Tử đã chứng kiến cảnh một người già, một người bịnh, một người chết và một đạo sĩ thanh cao, tự tại, giải thoát...

Ba hình ảnh đầu khai thị cho Thái Tử. Hình ảnh sau cùng giới thiệu cho Thái Tử một con đường dẫn đến giải thoát sinh, già, bịnh, chết. Bởi thế, Thái Tử quyết chí xuất gia và thành đạo với danh hiệu là Thích Ca Mâu Ni. Trên đường du hóa Ðức Phật đã nói Kinh Thánh Cầu để phác họa lại hình ảnh những luẩn quẩn của Thân trong vòng khổ đau: Sinh, già, bịnh, chết, như sau:

"Này các Tỳ Kheo, Ta cũng vậy trước khi giác ngộ, khi chưa chứng Chánh Ðẳng Giác, khi còn là Bồ Tát, tự mình bị sinh lại tìm cầu cái bị sinh, tự mình bị già, lại tìm cầu cái bị già, tự mình bị bịnh... tự mình bị chết... tự mình bị sầu... tự mình bị ô nhiễm. Này các Tỳ Kheo: Rồi ta suy nghĩ như sau: Tại sao Ta tự mình bị sinh, lại cầu cái bị sinh, tự mình già, tự mình bịnh... tự mình bị sầu... tự mình bị ô nhiễm... Vậy Ta tự mình bị sinh sau khi biết rõ sự nguy hại của cái bị sinh, hãy tìm cầu cái không sinh, vô thượng an ổn, khỏi các khổ ách, Niết Bàn. Tự mình bị già... cái không già, tự mình bị bệnh... cái không bệnh, tự mình bị sầu... cái không sầu, tự mình bị ô nhiễm... cái không ô nhiễm, vô thượng an ổn bởi các khổ ách, Niết Bàn. (Trung bộ Kinh 1-163/HT. Thích Minh Châu dịch).

Qua tư duy về sinh, già, bịnh, ưu sầu, ô nhiễm của cuộc sống, Thái Tử Tất Ðạt Ða quyết tâm xuất gia để giải quyết các ưu tư, Kinh Thánh Cầu lại ghi:

"Rồi này các Tỳ Kheo! Trong thời gian Ta còn nhỏ trẻ, niên thiếu, tóc đen nhánh, đầy đủ huyết khí của tuổi thanh xuân, trong thời vàng son cuộc đời mặc dầu cho Cha Mẹ không bằng lòng, nước mắt đầy mặt than khóc, Ta cạo bỏ râu tóc, đắp đồ Cà sa, xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình. Ta xuất gia như vậy, để đi tìm cái gì chí thiện, tìm cầu vô thượng tối thắng an định đạo Lý Tối Thắng, hướng đến tịch tỉnh".

* * *

CÂU HỎI THẢO LUẬN.

1)- Tại sao Thái Tử Tất Ðạt Ða xuất gia?

2)- Vua Tịnh Phạn đã ngăn cản bước tiến xuất gia của Thái Tử Tất Ðạt Ða bằng cách nào?

3)- Trước giờ ra đi, Thái Tử Tất Ðạt Ða đã thấy gì và làm gì?

4)- Bên giòng A Nô Ma Thái Tử Tất Ðạt Ða làm gì?

5)- Qua cuộc thoát ly xuất gia tìm đạo của Thái Tử, chúng ta có suy nghĩ gì?

-ooOoo-

Ðầu trang | 1.01 | 1.02 | 1.03 | 1.04 | 1.05 | 1.06 | 1.07 | 1.08 |
| 2.01 | 2.02 | 2.03 | 2.04 | 2.05 | 2.06 | 2.07 | 2.08 | 2.09 | 2.10 | 3 | Mục lục

Chân thành cám ơn Đại đức Giác Đồng đã gửi tặng phiên bản điện tử (Bình Anson, 07-2001)


[Trở về trang Thư Mục]