BuddhaSasana Home Page
This document is written in Vietnamese, with Unicode Times font


Phật và Thánh chúng
Thích Minh Tuệ
Sài Gòn, 1990


BÀI 6

ÐỨC PHẬT GIÁO HÓA (Phần 2)

-ooOoo-

3)-Nam nữ Phật tử đầu tiên.

Dọc theo sông Phược Caran Phật cùng các đệ tử tiếp tục đi giáo hóa. Trên đường đi, Phật gặp một thanh niên dáng dấp mệt mỏi bơ phờ, nửa tỉnh nửa mê, có vẻ điên khùng. Ðể Phật giải cho nỗi thắc mắc trong tâm tư, chàng Da Xá (Yassa) trình bày với Phật giấc mộng trong đêm hôm trước. Chàng kể: Vợ chàng vốn là một vũ nữ rất kiều diễm, sắc nước hương trời, nhưng không biết tại sao đêm vừa qua, chàng mơ thấy vợ chàng xấu xí, hình dáng kỳ dị, không giống người bình thường. Ngay trong giấc mộng, chàng liền mê sảng. Khi thức dậy, chàng liền bỏ nhà ra đi, với cõi lòng tràn đầy thất vọng.

Sau khi nghe kể, Phật khuyên Da Xá nên giữ tâm bình thản. Ðã là giấc mộng cho nên sự kiện đâu phải là thực. Tâm con người cũng chịu biến dịch theo luật vô thường, cùng một sự kiện, mà hôm nay thấy khác với hôm qua. Có thể vì tâm mang ít nhiều mặc cảm vợ là một vũ nữ nên mới có ác mộng như thế.

Nghe Phật giảng giải, Da Xá lấy lại bình thản của tâm hồn xin theo Phật xuất gia và trở thành đệ tử thứ 6 của Phật.

Sau khi Da Xá bỏ nhà ra đi, Câu Lê Da, đi tìm con, giữa đường gặp Phật, nghe Phật thuyết giảng đạo lý và được Phật khuyên nên bố thí giữ giới để nâng cao giá trị con người. Câu Lê Da xin qui y và mời Phật về nhà để được cúng dường.

Chấp thuận lời thỉnh mời, Phật và các đệ tử đến nhà của Câu Lê Da. Vợ của chủ nhà cảm phục đức Phật cũng xin qui y.

Ðây là 2 nam nữ Phật tử tại gia đầu tiên của Phật.

4)- Phật độ 3 anh em ông Ca Diếp.

Vẫn trên đường đi giáo hóa, Phật đến Ưu Lầu Tần Loa (Uriviva) với mục đích chuyển hóa 3 anh em ông Ca Diếp (Kasyapa) lìa bỏ đạo thờ lửa.

Phật giả làm một lữ hành nhỡ đường, xin tá túc tại nhà Ca Diếp một đêm.

Vì đã nghe danh Ðức Phật, nhưng vốn không thích Phật, Ca Diếp cho Phật không bằng mình. Ðể hại Phật, Ca Diếp cho Phật vào ngủ trong kho chứa dụng cụ thờ lửa, nơi có nhốt một con độc long. Nhưng với đức từ bi vô lượng của Phật, dù là một loại thú dữ, độc long cảm đức của Phật nên đã không hại Phật. Sáng ngày thấy Phật bình thản rời kho bước ra. Ca Diếp rất ngạc nhiên và hỏi lý do nào mà Phật không bị độc long hại. Phật giải thích đạo lý đại bi đồng thể giữa người và vật. Con vật dù ác đến đâu, trong lòng vẫn còn chút ít từ tâm. Do đó, nó có thể bắt gặp đức từ bi của con người. Ngược lại, ác đối đầu với ác, ác sẽ gia tăng, nóng giận gặp nóng giận, hòa khí sẽ tiêu tan. Lửa đổ thêm dầu lửa sẽ cháy bạo tàn. Nhân đó, Phật nói về nạn lửa, tham, sân, si, mê vọng. Lửa là một thứ có trong thiên nhiên, khi âm dương chạm nhau phát lửa. Hai cây khô ma xát với nhau phát lửa. Lửa sưởi ấm, soi sáng, nấu chín thức ăn cho người. Nhưng lửa cũng có thể thiêu cháy cả trần gian, đặc biệt là lửa nóng giận, thiêu hủy hết rừng công đức, chơi với lửa ắt phỏng tay. Hai vật thể ma xát nhau mạnh có lửa, đó là luật tự nhiên chứ không do một vị thần lửa nào chủ quản.

Ca Diếp cảm phục đức từ bi của Phật đã chinh phục độc long và quan điểm thờ lửa của Phật rất chính xác, không những chỉ riêng tự nhân Ca Diếp mà còn đem cả 500 đệ tử trở về với Phật.

Nan Ðề Ca Diếp (Nadi Kasyapa) và Già Da Ca Diếp (Gaya Kasyapa) bất mãn khi nghe tin người anh bỏ đạo thờ lửa và theo Phật. Hai ông đem luôn cả 250 đồ đệ đến can ngăn Ca Diếp. Nhưng qua sự thuyết phục của Ca Diếp, 2 ông cũng quay về theo Phật, xin được xuất gia.

Bấy giờ, đệ tử Phật đã lên cả ngàn người.

5)- Vua Tần Bà Sa La quy y và cúng dường Trúc Lâm.

Nhớ lời hứa với Vua Tần Bà Sa La ngày trước Phật dẫn môn đồ vào thành Vương Xá. Nhân dân và nhà Vua hay tin Phật sắp đến, tất cả đều chuẩn bị đón tiếp nồng hậu. Khi gặp lại Phật, nhà Vua chào mừng, lễ bái, cúng dường. Trong lúc giao tiếp nhà Vua hỏi Phật: "Theo Ngài nếu không ngã thì ai thọ quả báo?"

Ngã là một ảo tưởng. Phật nói, thân con người do 5 uẩn hợp thành. Người không biết cho đó là thân ta, là ngã. Nếu có ngã thì cần gì phải tu khổ hạnh! Nếu không gì hết thì giải thoát làm gì? Với con người, chỉ có tư nghiệp lưu chuyển, không có gì là ngã. Vì cho là có ngã, con người mới tham ái, nóng giận, ngu si... Từ đó người này hận thù người kia, nước này giao chiến với nước nọ, an lạc, hòa bình không có trần gian. Con người biết sống vô ngã, vị tha, xã hội, nhân thế sẽ lợi lạc biết bao!

Theo lời phát nguyện ngày trước và do nghe Phật ân cần giảng giải đạo lý vô ngã, vị tha. Vua Tần Bà Sa La xin quy y Phật và thành lập Tinh Xá tại rừng Trúc Lâm dâng cúng Phật, gọi là Trúc Lâm Tinh Xá.

Một hôm Phật bịnh, vua Tần Bà Sa La phái ngự y Kỳ Bà, đến chăm sóc Phật. Thấy Y Phật cũ kỹ, sẵn có tấm ý mới của riêng ông do một ông nhà vua nước láng giềng trao tặng, ông dâng cúng Phật. Nhân đó Phật chế pháp phục cho chư tăng và lễ dâng Y bắt đầu có từ đó.

6)- Phật thâu nhận Xá Lợi Phất, Mục Kiều Liên, Ma Ha Ca Diếp.

Danh tiếng Phật ngày một lan rộng. Bấy giờ, có Xá Lợi Phất (Sariputra), Mục Kiền Liên (Maudgalyanna) và Ma Ha Ca Diếp (Maha Kasyapa) tìm đến Tinh Xá Trúc Lâm yết kiến Phật. Cả 3 đều là những đạo sĩ lịch lãm các chủ thuyết tôn giáo, Xá Lợi và Mục Kiền Liên rất thân nhau đều thuộc phái ngoại đạo San Xa Dạ (Sanyaya). Hai ông theo Phật nhờ ngộ lý nhân duyên. Về sau Xá Lợi Phất là vị trí tuệ bậc nhất Mục Kiền Liên và vị thần thông bậc nhất, nhưng thọ mạng của 2 Ngài không lâu dài. Riêng Ma Ha Ca Diếp là vị đầu đà bậc nhất. Sau khi Phật Niết Bàn, Ca Diếp lên bậc Thượng thủ, trong hàng môn đệ của Phật.

Xá Lợi Phất có một người cậu theo Bà La Môn giáo, tên là Trường Trảo (móng tay dài). Khi nghe tin cháu theo Phật, ông vội vã đến vấn nạn Phật, với mục đích đưa Xá Lợi Phất trở về nhà. Gặp Phật, ông hỏi: "Hết thảy các pháp đều chẳng thọ, ý ông nghĩ sao?" Phật nói: "Hết thảy các pháp đều chẳng thọ, vậy ông có thọ cái kiến chẳng thọ đó không?" Ông lại nói: "Hết thảy pháp ta đều chẳng thọ, kể cả cái kiến chấp đó cũng chẳng thọ nữa. Phật nói: Ông nói hết thảy các pháp đều chẳng thọ đó ngươi cũng chẳng thọ luôn. Vậy thì ngươi cùng với người khác chẳng chống trái nhau, sao lại khởi sinh kiêu mạn? Trường Trảo biết mình tự mâu thuẫn với chính mình nên đã bái phục Phật và xin làm đệ tử, danh hiệu là Ma Ha Câu Hy La (Maha Kansthila).

Qua sự nhiếp phục các nhà ngoại đạo, tên tuổi của Phật vang lừng. Nhân dân Ma Kiệt Ðà qui y Phật ngày càng đông. Tinh Xá Linh Thứu được thiếp lập để Phật có chỗ giảng đạo. Cứ thế, đạo Phật được lan rộng đến thủ đô Xá Vệ, nước Kosàla. Tại đó, một Tinh Xá nữa lại được thiết lập, đó là Tinh Xá Kỳ Viên.

7)- Trưởng giả Tu Ðạt dâng Phật Tinh Xá Kỳ Viên.

Tại thành Xá Vệ, nước Kiều Tát la (Kasàla) có trưởng giả Tu Ðạt, hiệu là Cấp Cô Ðộc, một trưởng giả rất giàu có hay làm việc bố thí, giúp đỡ người cô quạnh. Một hôm, trưởng giả đến nhà Trương Giả Thủ La (Cùda) để hỏi con gái cho con trai thứ 7. Thấy trong nhà sửa soạn lễ vật, trang hoàng nhà cửa, có vẻ rộn ràng Trương Giả hỏi lý do, chủ nhà cho biết, ngày mai sẽ thỉnh Phật và chúng tăng đến nhà chứng trai. Chủ nhà cũng cho trưởng giả biết qua về giáo thuyết, trí tuệ, phong cách của Phật.

Ðể rõ tường tận hơn, ngay hôm đó, trưởng giả Tu Ðạt đến Tinh Xá Trúc Lâm gặp Phật. Sau khi nghe Phật nói công đức, lợi ích của bố thí tài, bố thí pháp, bố thí vô úy, lý nhân duyên, nhân quả báo ứng... Trưởng giả rất tâm đắc, xin quy y và cầu thỉnh Phật về Thành Xá Vệ truyền đạo. Tu Ðạt cũng phát nguyện thiết lập một Tinh Xá để dâng cúng Phật và chúng tăng.

Trở về Xá Vệ, trưởng giả liền đi tìm vườn rừng để thực hiện ý nguyện. Tại thành Xá Vệ, chỉ có khu vườn của Thái Tử Kỳ Ðà (Gata) con Vua Ba Tư Nặc (Brasenajit) và vừa ý hơn cả. Tu Ðạt đến gặp Thái Tử Kỳ Ðà và ngỏ lời muốn mua khu vườn sát ngay thủ đô Xá Vệ. Nghĩ rằng Tu Ðạt sẽ không đủ vàng để mua, Thái Tử Kỳ Ðà ra giá, nếu trưởng giả lót vàng đủ khắp khu vườn, tôi sẽ bán. Hôm sau Tu Ðạt chở vàng đến lót gần khắp khu vườn, chỉ còn một khoảng trống nhỏ. Tu Ðạt cho người làm công ngừng tay và đứng có vẻ đăm chiêu. Thái Tử bảo: Thế là trưởng giả không đủ vàng, khu vườn vẫn là của tôi! Tu Ðạt thưa: Không phải là không đủ vàng, vì còn khoản trống nhỏ, tôi đang nghĩ xem sẽ lấy vàng ở kho nào. Nghe thế, Thái Tử rất ngạc nhiên vì nghĩ Tu Ðạt mua vườn lập Tinh Xá cúng Phật không tiếc của, chắc Phật phải là vị siêu nhân. Do đó, Thái tử phát bồ đề tâm, nói với Tu Ðạt: Phật là bậc vĩ nhân trong thiên hạ trưởng giả nên chia phước cúng dường cho người khác với. Trưởng giả đã lót vàng đầy đủ, khu đất vườn thuộc về trưởng giả, còn số cây cảnh trong khu vườn thuộc về phần tôi. Trưởng giả và tôi sẽ tiếp tục lập Tinh Xá dâng cúng Phật. Số vàng mà trưởng giả đã lót, hãy cho công nhân mang về, tôi chỉ nhận tấm lòng trọng Phật của trưởng giả là đủ rồi.

Có vườn, có cây cảnh u tịch, xinh tươi, trưởng giả trở lại Trúc Lâm trình Phật và hỏi cách thức thành lập Tinh Xá, đồng thời mời đại diện Phật và chúng Tăng qua Xá Vệ trực tiếp chỉ đạo: Phật cử Trưởng lão Xá Lợi Phất làm cố vấn xây cất cho Tu Ðạt và đổi tên khu vườn rừng là Kỳ Thọ Cấp Cô Ðộc Viên (cây của Thái Tử Kỳ Ðà, vườn của cấp Cô Ðộc).

Sau khi hoàn thành việc xây cất Tinh Xá Kỳ Viên, Phật được cung đón về nước Xá Vệ với một nghi lễ vô cùng trang trọng.

Lúc bấy giờ Tinh Xá Linh Thứu nước Ma Kiệt Ðà và Tinh Xá Kỳ Viên nước Kiết Tát La là 2 tịnh xá lớn nhất, ở hai trung tâm văn hóa của Ấn Ðộ.

8)- Vua Ba Tư Nặc qui y.

Khi Phật đến Tinh Xá Kỳ Viên, Vua Ba Tư Nặc xin vào yết kiến. Lòng Vua Ba Tư Nặc luôn luôn nghĩ, Phật là một đạo sĩ tốt tướng, phương phi, cao lớn, tóc bạc, lông mi dài phủ đuôi mắt. Nhưng ngược lại Phật là con người còn trẻ tuổi mới khoảng 40. Do đó nhà vua hỏi Phật: Trẩm thường biết kẻ tu hành phải dày công khổ hạnh, mãi đến già vẫn có thể chưa thành đạo quả. Tuổi ông vẫn còn ở thời kỳ tráng niên có thể nào không đã thành Phật Tổ?

Phật nói: Tâu đại vương xưa nay, nhiều người khinh khi tuổi trẻ, nhưng ở đời có 4 điều không thể coi thường được. Ðó là vương tử hài nhi, rồng con mới đẻ, đóm l?a cỏn con và tu sĩ niên thiếu. Tước vị đại vương ẩn trong vương tử hài nhi. Bởi thế, khi lớn khôn, vương tử là một đại vương thống nhiếp thiên hạ. Rồng lớn nào vẫn qua thời kỳ rồng con. Rồng con tuy chẳng ra gì, nhưng khi được nuôi dưỡng sẽ thành rồng lớn. Ðám cháy rừng lớn bắt nguồn từ một tàn lửa nhỏ. Khi gặp gió và có cỏ khô, tàn lửa nhỏ sẽ thành đám cháy lớn, thiêu hủy cả lâu đài, thành quách, núi rừng. Trí giác Phật đã tàng ẩn trong một chú tiểu bé nhỏ, khi mới xuất gia tuổi còn non dại, nhưng qua công phu tu tập, trí tuệ lớn dần với cơ thể, chú tiểu đạt thành chính giác Phật đà.

Nghe Phật giảng đạo lý một cách từ tốn. Vua Ba Tư Nặc rất xúc động và tan biến hết tính cống cao ngã mạn. Nhà vua xin qui y Phật và phát nguyện làm hộ pháp, bảo vệ chính đạo.

9)- Chuyện Cò và Cá.

Là một đệ tử, nên phải thường thăm viếng sư phụ và để có dịp học hỏi đạo lý, nghe tin Ðức thế Tôn sắp rời Trúc Lâm, lên đường về Ca Tỳ La Vệ vua Tần Bà Sa La cùng hoàng tử A Xà Thế (Apatasatru) đến vấn an Phật.

Thấy Hoàng tử trẻ, Phật quay về nhà vua và nói: "Thưa Quốc vương "! Ðấng đạo sư xin chúc phúc, Thái tử A Xà Thế sẽ xứng đáng với lòng tin yêu của Quốc Vương!

Quay về phía Hoàng tử, Phật nói: "Này A Xà Thế! Ðể đáp lại thịnh tình của Quốc vương, ta kể cho Thái tử nghe một câu chuyện. Xưa có một thời kỳ nắng hạn, ao hồ đều khô cạn. Một hôm, có một con cò đến thăm cá, tôm, ở một ao hồ sắp khô, hết nước. Cò tỏ lời thương cảm cá, tôm... và mách cho cá, tôm... biết ở bên kia đồi, cây xanh còn nhiều và có mạch nước ngầm, một hồ sen ở đó không bao giờ khô cạn. Cá hỏi cò, có cách nào có thể đến đó để tránh nạn chết khô. Cò bảo: nếu cần, tôi sẽ đưa bà con đến đó. Vốn biết cò luôn luôn rình bắt cá, tôm - mới hỏi: Làm thế nào để tin lòng chân thật của anh. Cò đáp: các chú sẽ cử một ai đó làm sứ giả tôi sẽ gắp đến hồ sen quan sát rồi về tin lại hư thực. Cá chọn một con cá già khôn ngoan, cho cò gắp đi. Ðược đưa đi và đưa về đúng hạn, cá rất tin tưởng cò và tuần tự để cò gắp từng con một. Gắp hết cá, đến lượt tôm càng, tôm thủ thế, không cho cò gắp ở miệng. Tôm nằm trên lưng cò và lấy càng kẹp vào cổ cò. Bay đến một gốc cổ thụ, cò xin hạ cánh để được nghỉ ngơi chốc lát. Thấy ở gốc cây đầy xương cá, tôm biết là cò đã dụ dỗ cá và đưa đến đây ăn thịt. Bởi thế, tôm dùng càng xiết cổ cò. Ðau quá và chẳng thể nào lừa được tôm, cò đành đưa tôm đến hồ sen. Khi đến nơi, để trị tội cò, tôm xiết cổ cò mãi đến lúc cò trút hơi thở cuối cùng, tôm mới buông càng xuống hồ bơi lội...

Kể xong chuyện, Phật giải thích: ở đời, con người không thể thoát được nghiệp báo, trừ khi biết phục thiện. Bởi thế, mưu chước không bao giờ thành công. Ác lai thì ác báo. Cò đã gian dối nên phải chịu mất mạng. Hoàng tử luôn luôn hãy ghi nhớ câu chuyện này để xử thế về sau.

- Kính cám ơn Thế Tôn đã dạy cho Thái Tử một bài học quí giá vô vàn, lời Vua Ba Tư Nặc, con xin tạm biệt để Thế Tôn chuẩn bị lên đường.

10)- Phật về Ca Tỳ La Vệ.

Ðã bao năm tháng, không thấy Thái tử Tất Ðạt Ða trở về thăm quê hương. Vua Tịnh Phạn, và Ma Ha Ba Xà Ba Ðề và nhất là Da Du Ðà La rất bồi hồi, ngóng trông mòn mỏi... Ðể vợ con Thái tử bớt lo âu, vua Tịnh Phạn sai sứ thần đi tìm Phật và trình Phật biết sự mong nhớ của nhà vua, vợ con và triều đình, cùng nhân dân Ca Tỳ La Vệ. Sứ thần nào ra đi rồi cũng không về, vì tất cả đều noi theo bước chân của Phật, cắt ái từ thân, sống cuộc đời độc cư viễn ly, tịch tịnh...

Sau cùng chỉ có Ưu Ðà Di, dù cũng đã xuất gia, nhưng vẫn nhớ trình xin Phật về thăm Ca Tỳ La Vệ, đáp lại sự nhớ trông của nhà vua tuổi cao sức yếu, mạng sống như chỉ mành... Không chỉ thăm viếng, còn có mục đích giáo hóa cho Vương gia và nhân dân, Phật rời Tinh Xá Trúc Lâm, về thành Ca Tỳ La Vệ, trong mùa nắng ấm, muôn vật tốt tươi. Phố xá, cờ hoa rực rỡ, nhân dân chờ đợi trên các nẻo đường từ biên giới đến cung đình. Vua Tịnh Phạn cùng dân xa giá ra khỏi thành chờ đón Thái Tử. Nhưng vô cùng thất vọng, khi nhà vua nhìn thấy từ xa đi lại, Thái Tử và đoàn tùy tùng, tay ôm bát với y phục bạc màu phong sương, chấp vá nhiều mảnh... Nhà vua tỏ thái độ không vừa ý và giục Thái Tử mau lên xa giá.

Sau khi vái chào, Phật nói: "Tâu phụ vương! Giờ đây, bần đạo không còn là Thái tử Tất Ðạt Ða. Bần đạo không theo truyền thống của thế tục, của cung đình. Bần đạo nối gót Chư Phật, sống hạnh đầu đà, đi khắp đó đây, truyền bá tri kiến đã được chứng đắc ở gốc cây Bồ Ðề. Lần về Ca Tỳ La Vệ này, bần đạo sẽ trình bày cho Vương gia, đình thần và nhân dân rõ nguyên nhân của sinh tử luân hồi và con đường dẫn đến giác ngộ, giải thoát. Ở đời, con người vì ái dục, mê vọng, ngã chấp mà hiếp đáp nhau. Chia ra giai cấp này ưu tú, giai cấp kia hạ đẳng, thực sự con người sinh ra đều cùng dòng máu đỏ, nước mắt mặn. Ai sinh ra mà đã có sẵn dấu Tin Ca ở trán! Thân, khẩu, ý của con người tạo nghiệp xấu, để cuộc sống giống như đang ở trong nhà lửa. Chúng ta cần tạo dựng một cuộc sống bình đẳng giữa người với người để cõi đời được an lạc, làm thềm thang tiến lên xây dựng cảnh giới Niết Bàn tịch tịnh, vĩnh viễn được thường, lạc, ngã, tịnh. Con sẽ đền đáp công ơn của Phụ vương qua nhiều ước vọng như thế.

Nghe Phật giải thích, vua Tịnh Phạn dần dần lấy lại được sự bình thản tâm hồn và nét mặt trở nên tươi mát. Vì biết Thái Tử lúc này không còn là một con người tầm thường mà là một con người siêu tuyệt. Sau cuộc gặp gỡ đặc kỳ, Phật thánh chúng, vua Tịnh Phạn và các nhân vật của triều đình tiến vào hoàng thành. Tại cung đình, Phật lên tòa thuyết giảng đạo lý xây dựng xã hội, con đường xuất thế cho vương tộc và bá quan văn võ nghe. Thấm nhuần mưa pháp, nhiều vương hầu đã phát tâm xuất gia như Ðề Bà Ðạt Ða (Devadatha), A Nan (Ananda), A Na Luật (Anirudha), Ma Ha Bạt Ðề vì thấm nhuần đạo lý bình đẳng. A Na Luật đã gọi Ưu Ba Ly (Upali), người giai cấp cùng đinh, vốn đã là nô lệ trong gia đình, đến cạo đầu cho chính mình.

Thấy hình dáng Phật và thánh chúng vô cùng giải thoát, Ưu Ba Ly ước vọng được xuất gia. Một hôm gặp Xá Lợi Phất, Ưu Ba Ly bày tỏ nguyện vọng. Xá Lợi Phất trình Phật. Vì để thực hiện giáo đoàn bình đẳng, Phật chấp thuận cho Ưu Ba Ly rời nhà thế tục. Về sau, Ưu Ba Ly trổư thành nhà luật học đệ nhất, A Na Luật thiên nhãn đệ nhất, A Nan Ða văn đệ nh?t. Nhân lúc lưu trú tại lâm trường Ni Câu Ðà (Niagricha) cạnh thành Xá Vệ. Phật nhận thấy vua Tịnh Phạn đã già yếu, trong khi lân quốc bốn phía luôn luôn dòm ngó với ý đồ thôn tính nước Kiều Tát La, quê hương của Phật. Tình cảnh đất nước có thể bị nguy vong, Vương Ðệ Nan Ðà (Nanda) và vương tôn của phụ vương là La Hầu La (Rahula) lại ham mê dục lạc. La Hầu La cứ mãi ở bên cạnh người phụ nữ rất đa tình là Tôn Ðà Ly (Sundari). Hy vọng để giữ đất nước bờ cõi, Phật dụ Nan Ðà và La Hầu La xuất gia, vào rừng để có thời gian rèn luyện đức tính, hầu có thể kế thừa phụ vương về sau. Xá Lợi Phất cạo đầu truyền giới Sa Di cho La Hầu La. Ðó là vị Sa Di đầu tiên. Nhờ sự kềm chế của Xá Lợi Phất về sau La Hầu La nhất tâm hướng thượng, quyết không hoàn tục, và trở thành vị có mật hạnh bậc nhất, Nan Ðà cũng chí quyết tu hành, vì thế ngôi vua được chuyển lại cho Ma Ha Nam tức là Ma Nam Câu Ly một trong những đệ tử của Phật, đồng thời cũng là đường đệ, con của Cam lộ Phạn vương.

11)- Tỳ kheo ni đầu tiên.

Vua Tịnh Phạn băng hà năm 93 tuổi. Ngài Nan Ðà trở lại ham mê tửu sắc, La Hầu La còn nhỏ, Phật bàn với vương tộc, đưa Ma Ha Nam anh ruột của A Na Luật, con trưởng của Cam Lộ Phạn vương lên ngai vàng. Thu xếp việc triều chính xong, Phật và chúng đệ tử đến ở rừng Ni Câu Ðà, ngoài thành Ca Tỳ La Vệ.

Một hôm bà Ma Ha Ba Xà Ba Ðề dẫn 500 thể nữ đến Ni Câu Ðà dâng Phật 2 tấm y mới do bà may cắt. Phật bảo nên cúng cho chúng tăng được phước nhiều hơn, Bà tỏ vẻ không bằng lòng. Với tính cách là thành phần của tăng, Phật nhận một tấm và khuyên bà để tấm còn lại dâng cho một vị Tăng khác. Dâng y xong, bà xin phép Phật cho bà và 500 thể nữ thuộc dòng Thích Ca được xuất gia như nam giới. Phật không chấp thuận.

Thấy nội tình nước Kiều Tát La không có gì bất trắc, Phật và thánh chúng lên đường du hóa khắp vùng lưu vực sông Hằng. Khi Phật đang ở tại Tinh Xá Na Ma Ðề Kiều Ni, Ma Ha Ba Xà Ba Ðề lại dẫn 500 thể nữ đến cổng Tinh Xá ngồi đợi được vào yết kiến Phật, với hình thức đầu đã cạo, mình đã mặc pháp y. Tình cờ gặp A Nan đi ra, bà tỏ bày nguyện vọng xin xuất gia năn nỉ A Nan xin Phật giúp.

Với tinh thần bình đẳng và với nhiệt tâm cầu thỉnh cao độ của di mẫu Phật chấp thuận, với điều kiện phải giữ thêm một số giới, đứng đầu là 8 kỉnh pháp:

1)- Tỳ kheo ni phải y chỉ chúng Tỳ kheo mà cầu thọ giới cụ túc.

2)- Tỳ kheo ni, mỗi nửa tháng phải đến trú xứ Tỳ kheo làm lễ thỉnh giáo Thầy giáo thọ.

3)- Tỳ kheo ni mỗi năm một lần kiết hạ an cư. Nhưng nếu trong vùng không có chúng Tỳ kheo thì tuyệt đối không được phép tự lập kiết hạ riêng.

4)- Tỳ kheo ni được cử tội hay nói lỗi làm của Tỳ kheo. Ngược lại Tỳ kheo có quyền nói lỗi của Tỳ kheo ni.

5)- Tỳ kheo ni nếu phạm tội tăng tàn phải tự mình xin sám hối trước hai bộ chúng Tỳ kheo và Tỳ kheo ni. Trong kỳ bố tát hàng tháng gần nhất.

6)- Tỳ kheo ni dù đã thọ giới cụ túc lâu 100 năm, nhưng đối với Tỳ kheo mới thọ giới vẫn phải đảnh lễ, cung kính vái chào.

7)- Tỳ kheo ni sau mùa an cư phải đến trước Tỳ kheo ni xin chỉ những việc bất xứng ý của mình, qua mắt thấy, tai nghe hoặc nghi ngờ.

8)- Tỳ kheo ni có điều gì cần hỏi Tỳ kheo mà nếu vì một cớ nào đó Tỳ kheo không đáp, không được gạn hỏi thêm.

Lý do Phật chế 8 kinh pháp là một phương tiện. Vì Phật e ngại sự hiện diện của nữ giới trong giáo hội có thể làm cho chính pháp biến thể hoặc sớm hoại diệt.

Nghe các điều giao ước, Ma Ha Ba Xà Ba Ðề và 500 thể nữ đều hoan hỉ chấp hành theo lời Phật dạy. Ma Ha Ba Xà Ba Ðề trở thành Tỳ kheo ni đầu tiên trong giáo hội Phật giáo. Về sau bà và một số trong nhóm thế nữ cũng chứng đạo quả rực rỡ không khác nam giới.

Noi gương di Mẫu, Da Du Ðà La cũng xin Phật xuất gia làm Tỳ kheo ni và Phật cũng hoan hỉ chấp thuận.

NHẬN THỨC VÀ KẾT LUẬN

Qua 9 mẫu truyện hoằng hóa của Phật ở trên, gợi cho chúng ta có vài nhận thức như sau:

* Trước hết, nhờ sự giáo hóa của Phật, người xuất gia ngày một đông đảo. Từ đó, có quan niệm cho rằng nếu mọi người đi tu, nhân loại sẽ diệt chủng. Ðây là sự lo lắng chẳng khác nào lo voi chết không hòm. Người đi tu phải giống một chiến sĩ kiên cường, chiến đấu với 5 dục lạc bên ngoài và đặc biệt còn chiến thắng ma phiền não kiến tư hoặc bên trong tự thân. Phải tam thường (ăn, mặc, ngủ) bất túc mới tiến tu được đạo nghiệp. Do đó, cạo tóc, đổi áo chẳng có gì khó khăn nhưng mấy ai thực hiện được hoặc thực hiện cho thật trọn vẹn. Ngày nay thế giới kêu gọi mọi người hãy kế hoạch để tránh nạn nhân mãn. Tại sao con người không chịu tiết dục để nhân loại khỏi lo thiếu lương thực? Bởi thế, chấp thuận cho con người cắt ái, bớt tham, sân si, sống cuộc sống hòa đồng theo Phật giáo là điều đáng khuyến khích, chứ chẳng có gì đáng quan ngại.

* Một vấn đề khác, trên đường hóa đạo, Ðức Phật thể hiện tâm bình đẳng, bằng cách thu nhận vào giáo đoàn của Ngài cả giai cấp cùng đinh và đặc biệt là phụ nữ, Ưu Ba Ly là một thợ cạo tóc dòng nô lệ - Thủ Ðà la, không những được bình đẳng trong giáo đoàn mà là bậc thông hiểu luật học hàng đầu trong thánh chúng. Ma Ha Ba Xà Ba Ðề và 500 thế nữ vẫn được xuất gia và có vị đã chứng thánh quả. Về sau này chúng ta sẽ thấy dâm nữ Ma Ðăng Già cũng được vào giáo đoàn của Phật. Có điều Ðức Phật phương tiện chế thêm giới, đứng đầu 8 kinh pháp, để đề phòng về sau các tranh chấp điên đảo có thể xảy ra. Quân đội không có kỹ luật sắt sẽ trở thành ô hợp, không thể đánh thắng quân địch. Người tu hành giới luật không nghiêm minh, phẩm hạnh sẽ không cao, đặc biệt là giữa nam và nữ. Ni giữ nhiều giới hơn Tăng, vì tư chất của phụ nữ khác với nam giới.

* Sau cùng là thiên chức của tu sĩ đối với quốc gia xã hội, Phật là bậc đã ra khỏi ràng buộc của cuộc sống, nhưng không vì thế mà Phật không quan tâm đến quốc gia, xã hội. Phật đã đích thân về thăm và giáo hóa công tôn, vương tử cùng nhân dân nước Kiều Tát La. Khi vua Tịnh Phạn băng hà, Phật hợp với triều đình đưa hoàng thân Ma Ha Nam lên nhiếp chánh. Thiết lập vương vị xong xuôi, Phật còn nán lại xem có gì bất trắc. Khi thấy mọi việc đều tốt đẹp, Phật mới lên đường tiếp tục đi hóa đạo. Khi gặp A Xà Thế, một Hoàng tử của vua Tần Bà Sa La, một thân hữu ngày trước, Phật kể chuyện cò và cá để giúp cho Thái Tử có kinh nghiệm hầu mong Thái Tử khi lên ngôi thay vua cha, sẽ xử thế bằng vương đạo, chứ không dùng bá đạo. Vì mưu sâu thì họa cũng sâu (quít dày có móng tay nhọn - chó le lưỡi, mang cũng dạc móng).

* Noi gương Ðức Phật, tu sĩ Việt Nam đã tham gia nhiều trong công cuộc dựng đất và giữ nước, vào thời Lý Trần, nhiều Thiền sư đã tham dự việc sơn hà xã tắc, Pháp Thuận đã làm ông lái đò đưa sứ Tàu để đủ sức đối đáp. Nhiều thiền sư đã làm quốc sư, để cố vấn việc xây dựng đất nước được giàu mạnh, như Khuông Việt, Vạn Hạnh... Ngày ở thôn quê trước đây, các nhà sư cũng bịt khăn mỏ quạ ra đồng cày cấy với dân làng. Ðêm hôm, dân làng có việc cần thiết cũng réo gọi nhà sư, trong nhà có người chết hoặc thân nhân đau ốm, sư được mời đến tụng kinh, cho thuốc. Sư có bổn phận an ủi vỗ về cho những gia đình có người thân thương vừa nhắm mắt. Nhà sư cũng được mời đến để cho thuốc thang, cắt lễ, cứu mạng bệnh nhân, giữa đêm trường cô đơn, hiu quạnh, thuốc thang ở xa mà phương tiện lại nghèo thiếu. Như vậy, ở đâu có con người, có sinh hoạt xã hội, tăng sĩ đều hiện hữu, làm việc cứu khổ cứu nạn. Từ đó, cho thấy người đi tu không phải là kẻ trốn đời.

* * *

CÂU HỎI THẢO LUẬN

1)- Phật đã nói gì với Da Xá?

2)- Tại sao Ưu Lầu Tần Loa Ca Diếp theo Phật?

3)- Vua Tần BÀ Sa La hỏi Phật điều gì và Phật trả lời như thế nào?

4)- Cậu của Xá Lợi Phất là người như thế nào?

5)- Tinh Xá Kỳ Viên do ai thiết lập và những vấn đề liên quan đến Tinh Xá như thế nào?

6)- Phật nói gì với vua Ba Tư Nặc?

7)- Phật kể chuyện cò và cá cho Thái tử A Xà Thế nghe với mục đích gì ? Truyện kể như thế nào?

8)- Phật đã dùng phép gì làm nhà vua Tịnh Phạn hết thất vọng, khi Phật gặp lại nhà vua?

9)- Tám kinh pháp là những gì?

10)- Giữa tăng đoàn Phật giáo và nhân dân xã hội có cách biệt nhau không? Tại sao?

-ooOoo-

Ðầu trang | 1.01 | 1.02 | 1.03 | 1.04 | 1.05 | 1.06 | 1.07 | 1.08 |
| 2.01 | 2.02 | 2.03 | 2.04 | 2.05 | 2.06 | 2.07 | 2.08 | 2.09 | 2.10 | 3 | Mục lục

Chân thành cám ơn Đại đức Giác Đồng đã gửi tặng phiên bản điện tử (Bình Anson, 07-2001)


[Trở về trang Thư Mục]