Thư mục BuddhaSasana

Lưu ý: Đọc với phông chữ CN-Times nâng cấp hay Arial Unicode MS


 

Trung A H m Kinh
Mục Lục Tổng Quát
01. PHẨM BẢY PHÁP
02. PHẨM NGHIỆP TƯƠNG ƯNG
03. PHẨM XÁ-LÊ TỬ TƯƠNG ƯNG
04. PHẨM VỊ TẰNG HỮU PHÁP
05. PHẨM TẬP TƯƠNG ƯNG
06. PHẨM VƯƠNG TƯƠNG ƯNG
07. PHẨM TRƯỜNG THỌ VƯƠNG
08. PHẨM UẾ
09. PHẨM NHÂN
097. Kinh Đại Nhân
098. Kinh Niệm Xứ
099. Kinh Khổ Ấm (I)
100. Kinh Khổ Ấm (II)
101. Kinh Tăng Thượng Tâm
102. Kinh Niệm
103. Kinh Sư Tử Hống
104. Kinh Ưu-Ðàm-Bà-Là
105. Kinh Nguyện
106. Kinh Tưởng
10. PHẨM LÂM
11. PHẨM ĐẠI (Phần đầu)
12. PHẨM PHẠM CHÍ (Phần đầu)
12. PHẨM PHẠM CHÍ (Phần sau) 
13. PHẨM CĂN BỔN PHÂN BIỆT
14. PHẨM TÂM
15. PHẨM SONG
16. PHẨM ĐẠI (Phần sau)
17. PHẨM BÔ-ĐA-LỢI
18. PHẨM LỆ

 

Source: LotusMedia lotusmedia.net
 
中 阿 含 經
KINH TRUNG A HÀM
Hán Dịch: Phật Ðà Da Xá & Trúc Phật Niệm,
Việt Dịch & Hiệu Chú: Thích Tuệ Sỹ

9. PHẨM NHÂN

106. KINH TƯỞNG[1]

Tôi nghe như vầy:

Một thời Đức Phật du hóa tại nước Xá-vệ, trong rừng Thắng, vườn Cấp cô độc.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Nếu có Sa-môn, Phạm chí đối với đất có tư tưởng về đất, cho rằng: ‘Đất tức là thần ngã, đất là sở hữu của thần ngã, thần ngã là sở hữu của đất[02]’. Vị ấy đã cho đất tức là ngã, do đó không biết rõ đất. Cũng như vậy, đối với nước, lửa, gió, thần, trời, Sanh chủ[03], Phạm thiên, Vô phiền thiên, Vô nhiệt thiên[04], vị ấy đối với Tịnh thiên[05] có tư tưởng về Tịnh thiên, ‘Tịnh thiên tức là thần ngã, Tịnh thiên là sở hữu của thần ngã, thần ngã là sở hữu của Tịnh thiên’. Vị ấy đã cho Tịnh thiên tức là thần ngã, do đó không biết rõ Tịnh thiên. Đối với Vô lượng không xứ, Vô lượng thức xứ, Vô sở hữu xứ, Phi hữu tưởng, Phi vô tưởng xứ, với nhất thể, dị biệt, đa thù, cái được thấy, cái được nghe, cái được nhận thức, cái được liễu tri, cái được làm, cái được quán sát; cái được tác ý, cái được ý tư duy, từ đời này đến đời kia, từ đời kia đến đời này, cho đến, cái tất cả. Vị ấy đối với cái tất cả có tư tưởng về cái Tất cả, ‘Tất cả là thần ngã, tất cả là sở hữu của thần ngã, thần ngã là sở hữu của tất cả’. Vị ấy đã cho Tất cả tức là ngã, do đó không biết rõ cái Tất cả.

“Nếu có Sa-môn, Phạm chí đối với đất thì biết đất, ‘Đất không phải là thần ngã, đất không phải là sở hữu của thần ngã, thần ngã không phải là sở hữu của đất’. Vị ấy đã không cho đất tức là thần ngã, vậy vị ấy biết rõ đất. Cũng như vậy, đối với nước, lửa, gió, thần, trời, Sanh chủ, Phạm thiên, Vô phiền thiên, Vô nhiệt thiên; vị ấy đối với Tịnh thiên thì biết Tịnh thiên, ‘Tịnh thiên không phải là thần ngã, Tịnh thiên không phải là sở hữu của thần ngã, thần ngã không phải là sở hữu của Tịnh thiên’. Vị ấy đã không cho Tịnh thiên tức là thần ngã, vậy vị ấy biết rõ Tịnh thiên. Đối với Vô lượng không xứ, Vô lượng thức xứ, Vô sở hữu xứ, Phi hữu tưởng, Phi vô tưởng xứ, với nhất thể, dị biệt, đa thù, cái được thấy, cái được nghe, cái được nhận thức, cái được liễu tri, cái được làm, cái được quán sát; cái được tác ý, cái được ý tư duy, từ đời này đến đời kia, từ đời kia đến đời này, cho đến, cái tất cả. Vị ấy đối với cái Tất cả thì biết là Tất cả, ‘Cái Tất cả không phải là ngã, cái Tất cả không phải là sở hữu của ngã, ngã không phải là sở hữu của cái Tất cả’. Vị ấy đã không cho cái Tất cả là thần ngã, vậy vị ấy đã biết rõ cái Tất cả.

“Ta đối với đất thì biết đất, ‘Đất không phải là thần ngã, đất không phải là sở hữu của thần ngã, thần ngã không phải là sở hữu của đất’. Ta đã không cho đất tức là thần ngã, vậy Ta đã biết rõ đất. Cũng như vậy, đối với nước, lửa, gió, thần, trời, Sanh chủ, Phạm thiên, Vô phiền thiên, Vô nhiệt thiên; Ta đối với Tịnh thiên thì biết Tịnh thiên, ‘Tịnh thiên không phải là thần ngã, Tịnh thiên không phải là sở hữu của thần ngã, thần ngã không phải là sở hữu của Tịnh thiên’. Ta đã không cho Tịnh thiên tức là thần ngã, vậy Ta biết rõ Tịnh thiên. Đối với Vô lượng không xứ, Vô lượng thức xứ, Vô sở hữu xứ, Phi hữu tưởng, Phi vô tưởng xứ, với nhất thể, dị biệt, đa thù, cái được thấy, cái được nghe, cái được nhận thức, cái được liễu tri, cái được làm, cái được quán sát; cái được tác ý, cái được ý tư duy, từ đời này đến đời kia, từ đời kia đến đời này, cho đến, cái tất cả. Ta đối với cái Tất cả thì biết là Tất cả, ‘Cái Tất cả không phải là ngã, cái Tất cả không phải là sở hữu của ngã, ngã không phải là sở hữu của cái Tất cả’. Ta đã không cho cái Tất cả là ngã, vậy là Ta đã biết rõ cái Tất cả”.

Phật thuyết như vậy. Các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.

-ooOoo-

Chú thích:

[01] Tương đương Pāli, M. 1. Mūlapariyāyasuttaṃ, Hán, biệt dịch. No.56.
[02] Địa tức thị thần, địa thị thần sở, thần thị địa sở 地 即 是 神, 地 是 神 所, 神 是 地 所. Đối chiếu Pāli: (...) pathiviṃ pathivito saññatvā pathivṃ maññati pathivito... pathiviyā... pathivito... maññati... pathiviṃ meti maññati pathiviṃ abhinandati, sau khi từ đất mà có ấn tượng về đất, người ấy tư duy đất (đối tượng), tư duy trên đất (sở y), tư duy từ đất (xuất xứ),... người đó tư duy đất là của tôi, người ấy hoan hỷ đất.
[03] Sanh chủ 生 主. Pāli: Pajāpati, chúa tể (hay tổ phụ) của muôn loài.
[04] Vô phiền, Vô nhiệt. Hai trong năm Tịnh cư thiên. Bản Pāli không đề cập.
[05] Tịnh 淨. Đây chỉ cho Ngũ tịnh cư thiên, không phải các Tịnh thiên ở Tứ thiền, vì thấp hơn Vô phiền và Vô nhiệt đã kể ở trước. Bản Pāli không đề cập.

-ooOoo-

trang trước

đầu trang

trang kế


[Thư mục BuddhaSasana]