Trang gốc

Trang web BuddhaSasana

VU Times font

 

Đường vào Thắng pháp

Tỳ khưu Chánh Minh

 

Lưu ý: Ðọc với phông chữ VU Times (Viet-Pali Unicode)


[2.2]

 Bài 18.

Sáu pháp chướng ngại
(Cha nīvaraṇāni)

 

273 -Hỏi. Nīvaraṇa nghĩa là gì? Có bao nhiêu pháp Nīvaraṇa?

Đáp. Chữ Nīvaraṇa đồng nghĩa với nivāraṇa, xuất nguyên từ ni (vào) + ngữ căn var (cản trở, ngăn).

Nivāraṇa từ động tử nivāreti (ngăn chận, cản trở).

Hay từ Nī + ngữ căn var (cản trở) [1]

Nīvaraṇa nghĩa là “sự cản trở, vật chướng ngại”.

Đức Phật gọi năm pháp này là một đống bất thiện.

Akusalarāsī’ti, bhikkhave, vadamāno pañca nīvaraṇe sammā vadamāno vadeyya:

Đống bất thiện, này các Tỳkhưu, nếu có ai nói là năm chướng ngại, người ấy nói một cách chơn chánh.

Kevalo hāyaṃ, bhikkhave, akusalarāsi, yadidaṃ - pañca nīvaraṇā:

Toàn bộ đống bất thiện này, này các Tỳkhưu, tức là năm chướng ngại” [2] .

Sở dĩ gọi là “cản trở”, vì Đức Phật có ví dụ ví như con sông chảy từ núi xuống có sức mạnh cuốn trôi mọi vật, nhưng có người mở rộng hai bên bờ sông khiến dòng sông bị chặn ở giữa, bị chuyển hướng không còn có sức mạnh cuốn trôi mọi vật [3] .

Gọi là chướng ngại vì những pháp này cản trở sự chứng đắc thiền định hay đạo quả Nípbàn.

Pañcime, bhikkhave, nīvaraṇā andhakaraṇā acakkhukaran.ā aññāṇakaraṇā paññānirodhikā vighātapakkhiyā anibbānasaṃvattannikā...:

“Năm chướng ngại này, này các Tỳkhưu, tác thành si ám, tác thành không mắt, tác thành vô trí, đoạn diệt trí tuệ, dự phần vào tổn hại, không đưa đến Nípbàn...” [4] .

Pāli có giải thích:

Jhānadika nivārentīti = nivaranāni:

“Cản trở thiền, gọi là chướng ngại” [5] .

Theo Kinh tạng, pháp chướng ngại có năm là:

Pañcimāni, bhikkhave, nīvaraṇāni. Katamāni pañca?

“Này các Tỳkhưu, có năm chướng ngại này. Thế nào là năm?

Kāmacchandanīvaraṇaṃ, byāpādanīvaranaṃ, thīnamiddhanīvaraṇaṃ, uddhaccakukkuccanīvaraṇaṃ, vicikicchānīvaraṇaṃ...”.

Dục dục chướng ngại, phẫn uất chướng ngại, hôn trầm - thụy miên chướng ngại, phóng dật - hối hận chướng ngại, nghi chướng ngại ...” [6]

Năm pháp chướng ngại này có thể phân làm 10 pháp chướng ngại, đó là:

- Tham dục chướng ngại được phân thành: Dục tham chướng ngại bên trong và dục tham chướng bên ngoài.

- Sân chướng ngại được phân thành: Sân chướng ngại bên trong và sân chướng ngại bên ngoài.

- Hôn - thụy chướng ngại được phân thành: Hôn - thụy chướng ngại bên trong và hôn - thụy chướng ngại bên ngoài.

- Trạo - hối chướng ngại được phân thành: Trạo - hối chướng ngại bên trong và trạo - hối chướng ngại bên ngoài.

- Nghi chướng ngại được phân thành: Nghi chướng ngại bên trong và  nghi chướng ngại bên ngoài [7] .

Đức Phật dạy: “Khi gột rửa được năm uế nhiễm của tâm (là năm pháp chướng ngại), nếu muốn vị ấy có thể chứng đắc thắng trí như thần thông, thiên nhãn, thiên nhĩ,... và cuối cùng là chứng đắc thánh quả Alahán” [8] .

Tuy được phân thành 10 như thế, nhưng chủ yếu vẫn là 5 chướng ngại.

Theo Tạng Thắng Pháp thì có sáu chướng ngại là có thêm “vô minh chướng ngại”. Như Kinh văn:

“Katame dhammā nīvaraṇā? Thế nào là các pháp chướng ngại?

Cha nīvaraṇā (nīvaraṇāni (syā)- kāmacchandanīvaraṇaṃ, byāpādanīvaraṇaṃ, thinamiddhaniivaranaṃ, uddhaccakukkuccanīvaraṇaṃ, vicikicchānīvaraṇaṃ, avijjānīvaraṇaṃ”.

Là sáu chướng ngại: Dục dục chướng ngại, phẫn uất chướng ngại, hôn- thụy chướng ngại, trạo - hối chướng ngại, hoài nghi chướng ngại, vô minh chướng ngại [9]

Nếu phân tích Hôn trầm (thīna) và thụy miên (middha) là 2 chướng ngại; phóng dật (uddhacca) và hối (kukkucca) là 2 chướng ngại, thành ra có 8 chướng ngại.

274 -Hỏi. Năm pháp chướng ngại được ví dụ như thế nào?

Đáp. Dục dục chướng ngại được ví như nước có nhiều màu sắc.

- Phẫn uất (byāpāda) chướng ngại ví như nước sôi sùn sục.

- Hôn trầm - thụy miên chướng ngại ví như nước có nhiều rong rêu.

- Phóng dật - hối hận chướng ngại ví như nước bị gió giao động.

- Nghi chướng ngại ví như nước đục [10] .

275 -Hỏi. Chướng ngại bên trong, bên ngoài như thế nào?

Đáp. Những cản trở do ngoại cảnh mang lại, gọi là chướng ngại bên ngoài.

Những cản trở xuất phát từ  cảnh bên trong tâm, gọi là chướng ngại bên trong.

*- Tham dục bên ngoài là “đắm nhiễm sắc, thinh, hương, vị, xúc”.

Tham dục bên trong là “đắm nhiễm sắc, thinh, hương, vị, xúc bên trong”.

Như thích thú làn da xinh đẹp của mình, thích thú âm thanh dịu ngọt của chính mình, mùi hương của chính mình, vị chất của chính mình, thích thú khi tự xoa bóp.

*- Sân bên ngoài là “không hài lòng, nghịch ý với cảnh sắc xấu...”.

- Sân bên trong là “buồn tủi cho chính mình, tự giận mình...”.

*- Hôn - thụy bên ngoài là “d0 đụng chạm mạnh khiến bất tỉnh, hoặc bị dược chất khiến buồn ngủ, hay gió mát làm buồn ngủ, nghe tiếng ru khiến buồn ngủ...”

- Hôn - thụy bên trong là “tâm mỏi mệt, tâm chán nãn, phát sinh buồn ngủ...”

*- Phóng dật (uddhacca) bên ngoài là “do nhận nhiều cảnh phát sinh lơ đảng như “nghe nhiều lần một câu chuyện nên không chú ý nữa ..”.

Phóng dật bên trong là “tâm miên man suy nghĩ ”.

*- Hối hận bên ngoài, là “tâm ray rứt” vì việc ác đã làm hay “bỏ qua việc thiện không làm”.

Hối hận bên trong, là “tâm lo âu, bồn chồn vì một sự kiện nào đó sẽ xảy đến”. Hoặc “tự trách vì thiếu suy xét nên tin lầm”...

*- Nghi bên ngoài như “phân vân chẳng biết các vị Samôn thật sự có chứng đắc các thượng nhân pháp hay không...”

Nghi bên trong là “phân vân không biết hành pháp này có đúng đường lối không...”.

276 - Hỏi. Thế nào là “dục dục chướng ngại” (kāmacchanda nīvaraṇa)? Chi pháp là gì?

Đáp. Chữ kāmacchanda nīvaraṇa = kāma (dục)+ chanda (ước  muốn) + nīvaraṇa (chướng ngại).

Nghĩa đen của kāmacchanda là “ước muốn năm trần cảnh: sắc, thinh, hương, vị, xúc”.

Nghĩa mở rộng của kāmacchanda là “đắm nhiễm vào 5 trần cảnh”.

Theo bản Sớ giải kinh Tăng chi thì kāmacchanda là: kāmarāga (khát dục), kāmanandī (thích thú dục), kāmataṅhā (dục ái) [11] .

Nên kāmacchandanīvaraṇa còn được dịch là “tham dục chướng ngại”.

Tham dục chướng ngại là sự ham mê năm trần cảnh: sắc đẹp, tiếng du dương, mùi thơm, vị ngon ngọt, sự đụng chạm êm ái.

Tham dục chướng ngại sinh lên do 2 duyên: Tướng tốt đẹp (subhanimitta) và tác ý không đúng (ayoniso manasikāra) [12] .

Sở dĩ gọi tham dục là chướng ngại, vì nó cản trở không cho tâm sở Nhất hành (ekaggatā) phát huy sức mạnh, để trở thành chi Định của thiền.

Trong thiền quán thì tham dục ngăn chận, không cho định tam tướng xuất hiện, tức là ngăn không cho Vô tướng định, Khổ tướng định, Không tánh định sinh lên.

Chi pháp tham dục chướng ngại là: Tâm sở Tham trong tám tâm Tham.

277 -Hỏi. Làm thế nào để loại trừ tham dục?

Đáp. Theo Sớ giải kinh Đại niệm xứ, có 6 cách loại trừ tham dục:

1’- Học tập về tướng không tốt đẹp (asubhanimittassa uggaha).

2’- Tu tập (hành thiền) về đề mục thể trược (asubha bhāvanānuyoga).

3’- Phòng hộ các môn quyền là: Mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý (indriyesu guttadvāra).

4’- Tiết độ trong ăn uống (là không ăn quá no) (bhojane mattaññutā).

5’- Thân cận bạn lành (kalyāna mittatā).

6’- Nghe và nói những điều lợi ích (sappāyakathā) [13] .

Nói những điều lợi ích (có 10) :

a- Nói những điều khiến người nghe ít ham muốn (appicchakathā).

b- Nói về biết đủ (santuṭṭhīkathā).

c- Nói những điều làm cho thân tâm an tịnh (paviveka kathā).

d - Nói điều hòa hợp, không gây chia rẽ (asaṃsaggā kathā).

e- Nói làm sinh khởi tinh tấn (viriyārambha kathā).

f- Nói về giới (sīla kathā).

g- Nói về định (samādhi kathā).

h- Nói về tuệ (paññā kathā).

i- Nói về giải thoát (vimutti kathā).

k- Nói về giải thoát tri kiến (vimuttiññāṇadassana kathā) (sđd, tr.153)

278 - Hỏi. Thế nào là “phẫn uất chướng ngại” (byāpāda nīvaraṇa)? Chi pháp là gì?

Đáp. “Phẫn uất chướng ngại” tương tự như “phẫn uất thân phược”, nhưng ở đây nói đến khía cạnh “cản trở”.

Mặt khác, tuy dùng từ byāpāda là chỉ cho sức mạnh của tâm sở Sân được gia tăng.

Thật ra chỉ một chút “khó chịu” cũng đủ là “chướng ngại cho thiền rồi”.

Duyên cho phẫn uất chính là tướng đối nghịch (paṭighanimitta) và tác ý không đúng (ayoniso manasikāra) (sđd).

Sở dĩ gọi phẫn uất là chướng ngại, vì nó cản trở không cho chi Hỷ (pīti) của thiền chỉ tịnh sinh lên.

Trong lãnh vực thiền Quán, phẫn uất ngăn cản Hỷ giác chi sinh lên.

Chi pháp phẫn uất chướng ngại là tâm sở Sân trong hai tâm đi chung với thọ ưu.

279 - Hỏi. Làm thế nào để loại trừ phẫn uất?

Đáp. Theo Sớ giải kinh Đại niệm xứ, có 6 cách:

1’- Học tập đề mục từ (mettā nimittassa uggaha).

2’- Tu tập tâm từ (mettābhāvanānuyoga).

3’- Suy xét “chúng sinh là người thừa tự nghiệp” (kammassakatā).

4’- Suy xét nhiều về (quả) nghiệp (paṭisankhānabahulatā).

Nghĩa là suy nghĩ rằng “nếu ta phẫn uất, đó là nghiệp bất thiện và chính ta là người nhận quả từ nghiệp bất thiện ấy”.

5’- Thân cận bạn lành (kalyaaṇa mittatā).

6’- Nghe và nói những điều lợi ích (sđd).

280 - Hỏi. Thế nào là “hôn- thụy chướng ngại (thīnamiddha nīvaraṇa)? Chi pháp là gì?

Đáp. Thīna = Căn the (co rút) + na. Thena = thāna = thīna [14] .

Thīna là trạng thái tâm “co rút lại” như lông gà gặp hơi lửa.

Thīna được dịch là “hôn trầm”, đó là  trạng thái “thiếu khả năng hoạt động” hay “sự uể oải”.

Có thể hình dung “hôn trầm” ví như người bị bỏ vào chiếc rọ, không thể cử động, hay “hoạt động khó khăn”.

Hôn trầm làm cho tâm trở nên “lười nhác”.

*- Middha xuất nguyên từ ngữ căn Middh (không hoạt động) (sđd).

Middha là tính cách dã dượi, ươn yếu.

Middha xem như hình ảnh “một người yếu sức, phải vác vật nặng cồng kềnh”, nên sự day trở khó khăn, ì ạch, chậm chạp, như “không muốn hoạt động” hay “hoạt động không nổi”..

Nếu hôn trầm làm cho tâm trở nên thụ động thì thụy miên (middha) làm cho các tâm sở trở nên uể oải, không còn năng hoạt.

Cả hai đều có tính “đối kháng với tinh tấn (viriya).

Do đó, chúng là một chướng ngại, không cho tâm hoạt động để chứng đắc thiền định hay đạo quả.

Kinh văn có định nghĩa về “hôn trầm” và “thụy miên” như sau:

“Ở đây thế nào là hôn trầm?

Pháp nào là sự không bén nhạy của tâm, không thích nghi, sự chần chờ, đình trệ, lười biếng, cách lười biếng, thái độ lười biếng, dã dượi, cách dã dượi, thái độ dã dượi của tâm. Đây được gọi là hôn trầm

Ở đây thế nào là Thụy miên?

Pháp nào là sự không bén nhạy của thân, không thích nghi, sự che lấp, đậy khuất, bít ngăn bên trong, hôn mê, bần thần, thiu thỉu, buồn ngủ. Đây được gọi là thụy miên” [15] .

Đức Phật dạy “vật thực của hôn trầm - thụy miên” là:

-“Không hân hoan, biếng nhác (tandi), uể oải (vijambhitā), ăn quá no, tâm rụt rè và tác ý không đúng” [16] .

Chi pháp của “hôn -thụy chướng ngại” là 2 tâm sở Hôn trầm và thụy miên có trong những tâm bất thiện hữu trợ (sasaṅkhārika).

281 - Hỏi. Làm thế nào để diệt trừ hôn trầm?

Đáp. Theo Sớ giải kinh Đại Niệm xứ, có 6 cách diệt trừ hôn trầm là:

1’- Quán tưởng vật thực và tri túc vật thực (atibhojane nimittaggaha).

2’- Thay đổi oai nghi cho điều hòa (iriyāpathasamparivattanatā).

3’- Tác ý  và tưởng đến ánh sáng (ālokasaññā manasikāra).

4’- Ở nơi khoáng đảng (abbhokāsavāsa) (như ở ngoài trời chẳng hạn).

5’- Thân cận bạn lành.

6’- Nghe và nói lời lợi ích.

Ngoài ra, Đức Phật chỉ dạy Đức Moggallāna 8 cách diệt trừ hôn trầm theo tuần tự như sau:

1’- Không tác ý, không tưởng nhiều đến hôn trầm.

2’- Xem xét pháp đã được nghe, đã được học.

3’- Tụng đọc pháp đã học chậm rãi.

4’- Tự kéo lỗ tai, xoa bóp tay chân.

5’- Rữa mặt rồi nhìn lên trời.

6’- Tác ý và tưởng đến ánh sáng.

7’- Đi kinh hành và trú tâm trên chỗ kinh hành.

8’- Nằm ngủ với dáng năm sư tử và tác ý đến “tưởng thức giấc”.

Khi thức giấc, phải dậy thật mau, không chú tâm đến “lạc nằm ngủ” [17] .

Có câu hỏi rằng: “Bậc Thánh Alahán còn ngủ, phải chăng do hôn trầm?”

Đáp rằng. Không phải, chỉ vì khi ấy sắc thân của các Ngài sau thời gian dài hoạt động, sắc pháp ấy cần nghỉ ngơi, khi ấy tâm các Ngài an nghỉ với “niệm tỉnh thức”.

Đức Phật có trả lời du sĩ Nigantha Saccaka có hỏi Đức Phật rằng: “Tôn giả Gotama có cho phép ngủ ban ngày không?.

- Này Aggivessana, Ta có cho phép, vào cuối tháng ba, sau khi đi bát khất thực về, xếp áo Saṅghāti (Tănggiàlê) thành bốn, chánh niệm tỉnh giác, Ta nằm xuống ngủ, nằm phía tay mặt” [18] .

282 - Hỏi. Thế nào là trạo - hối chướng ngại (uddhaccakuk-kucca nīvaraṇa)? Chi pháp là gì?

Đáp. Uddhacca = U (quá nhiều) + ngữ căndhu (chao động, rung chuyển) [19] .

Uddhacca là “rung chuyển quá nhiều” hay “rúng động ở trên”.

Uddhacca ví như tro bị bắn tung lên khi người ta ném đá vào đống tro (sđd).

Hay ví như “ngọn lửa rung chuyển ở bên trên”.

Một cách khác: Uddhacca = U ( ở trên) + căn dhā (nắm bắt).

Uddhacca là “nắm bắt ở trên”, ám chỉ “trạng thái lơ đảng”.

Uddhacca là “trạng thái tâm xao lảng không yên”, ví như chiếc lá rơi không định hướng được điểm rơi.

Uddhacca được dịch là “phóng dật”.

Kinh văn có định nghĩa Phóng dật như sau:

“Pháp nào là sự tán loạn của tâm, sự không vắng lặng, sự chao động của tâm, sự hổn loạn của tâm. Đây gọi là “phóng dật” [20] .

Vật thực làm cho phóng dật và hối chưa sinh được sinh lên, hay được tăng trưởng, chính là “tâm không định chỉ và tác ý không đúng” (sđd).

Chi pháp của “phóng dật chướng ngại” là tâm sở Phóng dật có trong 12 tâm bất thiện.

Nếu tính rộng, có 12 tâm sở phóng dật.

*- Kukkucca = ku (xấu) + kata (làm).

Kukkucca là “sự làm xấu”. Như Pāli giải thích:

Kukatassa bhāvo = kukkuccaṃ:

“Trạng thái làm sái quấy, gọi là kukkucca (hối)”.

Kukkucca là “ trạng thái lo âu, ray rứt, bồn chồn của tâm”.

Vì sao ray rứt, lo âu, bồn chồn?

Vì đã làm “điều ác” hay “không làm điều thiện”.

Kinh văn có định nghĩa “hối” như sau:

“Việc không đáng nghĩ là đáng; việc đáng nghĩ là không đáng; việc không tội nghĩ là tội; việc tội nghĩ là không tội... Sự ăn năn của tâm.

Đây gọi là hối (sđd).

Chi pháp của Hối hận chướng ngại là tâm sở Hối (kukkucca cetasika).

283 -Hỏi. Vì sao hôn trầm - thụy miên được kể chung là một chướng ngại?  Tương tự như thế với phóng dật và hối?

Đáp. Hôn trầm và thụy miên được xếp chung vào một chướng ngại, vì cả hai có đặc tính làm cho tâm cùng tâm sở phối hợp trở nên “lười nhác”.

Hôn trầm làm cho tâm uể oải, đồng thời tác động đến các tâm sở cũng uể oải.

Ví như Đức vua “bải triều” vào hậu cung nghỉ ngơi, thì các quan đại thần cũng về tư dinh nghỉ ngơi.

Thụy miên làm cho các tâm sở phối hợp “co rút”, đồng thời khiến tâm cũng rơi vào trạng thái “co rút”.

Ví như toàn thể công nhân đình công thì Giám đốc cũng “thúc thủ”.

Phóng dật và hối được xếp vào một chướng ngại, vì chúng có chung đặc tính “làm cho tâm và tâm sở bất an”.

Phóng dật làm cho tâm không thể an trụ.

Hối làm cho tâm “lo âu, bồn chồn, ray rứt”. Do đó, chúng được xếp thành một loại chướng ngại.

284 - Hỏi. Làm thế nào để diệt trừ phóng dật và hối?

Đáp. Theo Sớ giải kinh Đại Niệm xứ có 6 cách trừ phóng dật  và hối là:

1’- Nghe nhiều học rộng (bahusuttā).

2’- Hỏi pháp cho thấu đáo (paripucchakatā).

3’- Thông suốt Luật (vinaye pakataññutā).

4’- Thân cận bậc Trưởng lão (vuḍḍhasevitā).

5’- Thân cận bạn lành.

6’- Nghe và nói những điều phù hợp.

285 - Hỏi. Thế nào là “nghi chướng ngại” (vicikicchā nīvaraṇa)? Chi pháp là gì?

Đáp. Sách Vi Diệu pháp toát yếu có nêu ra hai cách giải tự (tr. 30) là:

a- Vici = vicinanto: “Tìm kiếm” hay “dò xét tìm hiểu”.

Kiccha là “mệt mỏi, e ngại, bị phiền phức”.

Vicikicchā là “trạng thái mệt mỏi khi tìm kiếm vì không thể thấu đáo”.

b- Vi (không có) + cikicchā (thuốc chữa trị).

“Thuốc chữa trị” ở đây ám chỉ “trí” hay “tri kiến”.

Nghi là trạng thái do dự, cách không quyết đoán, cách lưỡng lự... Ví như người đứng trước con đường 2 ngã.

“Dvedhāpatho’ti kho, tissa vicikicchāyetaṃ adhivacanaṃ ‘vāmo maggo’ti kho:

“Con đường chia làm hai, này Tissa, là ví cho trạng thái nghi hoặc [21]

Hoài nghi là “cách do dự, phân vân, lưỡng lự, tình trạng lay động của tâm, rối ý”(sđd).

Theo Tạng Diệu pháp thì có 8 loại hoài nghi là:

“Hoài nghi Bậc Đạo Sư, hoài nghi Giáo pháp, hoài nghi Tăng, hoài nghi điều học, hoài nghi quá khứ, hoài nghi vị lai, hoài nghi quá khứ vị lai và hoài nghi các pháp duyên liên quan tương sinh” [22]

Ở đây, “hoài nghi quá khứ là hoài nghi về nhân”; “hoài nghi vị lai là hoài nghi về quả”, “hoài nghi quá khứ vị lai là hoài nghi về nhân quả”.

Mặt khác, với 4 sự hoài nghi : “Hoài nghi Phật, hoài nghi Pháp, hoài nghi Tăng và hoài nghi Điều học”, thì không thể lớn mạnh trong Giáo pháp này [23] .

Vicikiccaṃ pahāya tiṇṇa vicikiccho viharati, akathaṃkathī kusalesu dhammesu vicīkicchāya cittaṃ parisodheti

Từ bỏ nghi ngờ, vị ấy sống thoát khỏi nghi ngờ, không phân vân lưỡng lự, gột rửa tâm hết nghi ngờ đối với thiện pháp [24] .

Vật thực cho hoài nghi là:

“Có những pháp làm trú xứ (thāniya) cho nghi hoặc và tác ý không đúng” [25] .

Pháp làm trú xứ cho hoài nghi là gì?

- Đó là “những chủ thuyết khác nhau”, những chủ thuyết này có tính đối lập nhau, bài xích lẫn nhau, nhưng mỗi chủ thuyết dường như có tính hợp lý.

Như những người Kālāmā đã phân vân trước các chủ thuyết ấy, và những người này đã bạch hỏi Đức Thế Tôn [26]

- Những điều vu khống, có tính xuyên tạc, để người nghe “phát sinh nghi hoặc”.

Như du sĩ Vacchagotta có bạch hỏi Đức Phật điều mà ông nghe về Đức Thế Tôn có đúng sự thật hay là xuyên tạc, du sĩ Vaccagotta nghe rằng:

“Đức Thế Tôn có tuyên bố: “Khi Ta đi, khi Ta đứng, khi Ta ngủ, khi Ta thức. tri kiến luôn luôn tồn tại liên tục”.

Đức Phật trả lời là : “Đó là xuyên tạc Như Lai” [27] .

Du sĩ Vacchagotta cũng nghe:

“Đức Thế Tôn nói như sau : “hãy bố thí cho Ta, không cần bố thí người khác...”.

Và Đức Thế Tôn dạy : “Đó là xuyên tạc Như Lai”  [28] .

- Những điều có tính “truyền thống”, nửa hợp lý, nửa phi lý, nên “phát sinh nghi hoặc”.

Chi pháp của “nghi chướng ngại” là tâm sở Hoài nghi.

Nếu tính rộng, đó là 8 tâm sở hoài nghi đối với 8 điều.

286 - Hỏi. Làm cách nào để diệt trừ hoài nghi?

Đáp. Theo Sớ giải kinh Đại Niệm xứ,  có 6 cách diệt trừ hoài nghi:

1’- Hiểu rõ Giáo pháp của Đức Phật.

2’- Tìm hiểu ân đức Phật pháp Tăng.

3’- Hiểu rõ giới luật.

4’-  Xác tín nơi Tam bảo.

5’ thân cận bạn lành.

6’- Lời nói thích hợp [29] .   

287 - Hỏi.Thế nào là “vô minh chướng ngại” (avijjā nīvaraṇa)? Chi pháp là gì?

Đáp. Vô minh là “không biết 8 điều:

- Không biết sự thật về khổ.

- Không biết sự thật nguyên nhân sinh khổ.

- Không biết sự thật diệt khổ.

- Không biết con đường dẫn đến diệt khổ.

- Không biết quá khứ (là không biết nhân).

- Không biết vị lai (là không biết quả).

- Không biết quá khứ - vị lai (là không biết nhân - quả).

- Không biết lý duyên sinh” [30] .

Chi pháp vô minh cái là tâm sở Si trong 12 tâm bất thiện.

Tính rộng có 12 tâm sở Si nhân 8 điều = 96 tâm sở Si.

288 - Hỏi. Các pháp chướng ngại, ngăn chận những pháp chi?

Đáp. Các pháp chướng ngại cản trở không cho các pháp Thiền hiện khởi.

Đối với thiền chỉ tịnh (samādhi) thì:

- Tham dục chướng ngại ngăn chận chi Định xuất hiện.

- Phẫn uất chướng ngại ngăn chận chi Hỷ xuất hiện.

- Hôn - thụy chướng ngại ngăn chận chi Tầm xuất hiện.

- Trạo - hối chướng ngại ngăn chận chi Lạc xuất hiện.

- Hoài nghi chướng ngại ngăn chận chi Tứ xuất hiện.

Đối với thiền Quán (vipassanā jhāna) thì:

- Tham dục chướng ngại đối trị với Định giác chi, khiến tâm không thể an trú vào 1 trong 3 tướng: Vô thường tướng, khổ tướng và vô ngã tướng .

- Phẫn uất chướng ngại đối trị với Hỷ giác chi.

- Hôn - thụy chướng ngại đối trị với Tấn giác chi.

- Trạo - hối chướng ngại đối trị với Tịnh giác chi.

- Nghi chướng ngại đối trị với Niệm giác chi (nghi ngăn che chi Tứ, khiến cảnh không hiển lộ, nên Niệm không thể ghi nhớ hay chú ý rõ được).

- Vô minh chướng ngại đối trị với Trạch pháp giác chi.

Dứt sáu pháp chướng ngại.

-ooOoo-

 

Bài 19.

Bảy pháp ngủ ngầm
(Satta anusayā).

 

289 - Hỏi. Gọi anusaya với ý nghĩa gì? Có bao nhiêu pháp anusaya?

Đáp. Anusaya thường được dịch là “ngủ ngầm”.

Anusaya = anu (đi theo) + ngữ căn SSI (ngủ).

Theo kinh điển cổ, từ này xuất hiện vô điều kiện, không đề cập đến nguyên nhân sinh khởi, nhưng đôi khi có đề cập đến nguồn gốc của “ngũ ngầm” là “khuynh hướng - abhinivesa”, hay “hướng về phía trước – purakkhata), rồi “trở thành ngủ ngầm trong tương lai”. Như:

“Kathañca, gahapati, purakkharāno hoti?

“Như thế nào, này gia chủ là hy vọng hảo huyền?

Idha, gahapati, ekaccassa evaṃ hoti:

 Này gia chủ. ở đây có người suy nghĩ như sau:

‘evaṃrūpo siyaṃ anāgatamaddhānaṃ, evaṃvedano siyaṃ anāgatamaddhānaṃ, evaṃsañño siyaṃ anāgatamaddhānaṃ, evaṃsaṅkhāro siyaṃ anāgatamaddhānaṃ, evaṃviññāṇo siyaṃ anāgatamaddhānan’ti:

“Mong rằng có sắc như thế này trong tương lai, mong rằng có thọ..., mong rằng có tưởng..., mong rằng có hành... , mong rằng có thức như thế này trong tương lai.

Evaṃ kho, gahapati, purakkharāno hoti:

Như vậy, này gia chủ là hy vọng hảo huyền”. [31]

Anusaya (ngủ ngầm) là những gì “nằm yên”, khi có cơ hội thì trổi dậy.

Cần nên hiểu pháp “ngủ ngầm” này không phải “có sẵn đang nằm yên trong tâm, như đứa bé ngủ say trong lòng người mẹ, hay cặn trà đang nằm yên dưới đáy ly”.

Đức Phật có dạy:

Sabbe saṅkhārā aniccāti: Các pháp hành là vô thường [32] .

Pháp “ngủ ngầm” là pháp hữu vi, nên không thể “thường hằng” nằm yên một chỗ.

Pháp “ngủ ngầm” ví như tiếng nổ trong khối thuốc nổ, hay ví như sóng trong nước.

Tiếng nổ không phải “có sẵn, nằm yên trong khối thuốc nổ”, tiếng nỗ chỉ xuất hiện khi bị kích hỏa vào khối thuốc nổ.

Sóng không phải có sẵn trong nước, sóng chỉ xuất hiện khi có gió tác động vào nước.

Cũng vậy, pháp “ngũ ngầm” chỉ xuất hiện khi có điều kiện thuận lợi.

Khối thuốc nổ hoàn toàn vô hại, dù để yên hằng trăm năm, nó chỉ có hại khi bị kích hỏa để phát nổ.

Sóng nước cũng hoàn toàn vô hai khi “ngủ yên”, nhưng khi có điều kiện “trổi dậy” và được phát triển, nó có thể trở thành “sóng thần”, gây tai họa khủng khiếp.

Anusaya xem như là “tất cả bất thiện pháp”, nhưng mạnh hơn cả có 7 pháp.

Từ đồng nghĩa với anusayaabhinivesa (xu hướng, thiên về).

Một từ khác là adhimutta (khuynh hướng, thiên về, ám ảnh về, say mê về) cũng  đồng nghĩa với anusaya (ngủ ngầm) theo nghĩa xấu, vì:

“Santi sattā hīnādhimuttikā, santi sattā paṇītādhimuttikā”.

*- Có những chúng sinh có khuynh hướng thấp kém, có những chúng sinh có khuynh hướng cao thượng [33]

Pāli có giải thích như sau:

“Santāna anu anu santīti = anusayā:

“(pháp) yên lặng nối tiếp liên tục, gọi là “ngủ ngầm”.

“Anurūpaṃ kāranaṃ labhitvā santi uppajjantīti = anusaya:

“(pháp) yên lặng sinh lên, hiện bày đúng lúc, gọi làngủ ngầm [34] .

Có bảy pháp ngủ ngầm là:

1 - Dục ái ngủ ngầm (kāmarāgānusaya).

2- Hữu ái ngủ  ngầm (bhavarāgānusaya).

3- Phẫn nộ  ngủ ngầm (paṭighānusaya).

4 - Ngã mạn ngủ ngầm (mānānusaya).

5- Kiến Ngủ ngầm (diṭṭhānusaya).

6- Hoài nghi ngủ ngầm (vicikicchānusaya).

7- Vô minh ngủ ngầm (avijjānusaya).

Có Pāli như sau:

“Sattānusaya – kāmarāgānusayo, bhavarāgānusayo, paṭighānusayo, mānānusayo, diṭṭhānusayo, vicikicchānusayo, avijjānusayo:

Có bảy ngủ ngầm: Dục ái ngủ ngầm, hữu ái ngủ ngầm, phẫn nộ ngủ ngầm, ngã mạn ngủ ngầm, kiến ngủ ngầm, hoài nghi ngủ ngầm, và vô minh ngủ ngầm” [35] .

290 -Hỏi. Thế nào là “dục ái ngủ ngầm” (kāmarāgānusaya)? Chi pháp là gì?

Đáp.  Khi phân tích từ thì kāmarāgānusaya = kāma (dục)+ rāga (thích thú) + anusaya (ngủ ngầm). 

Dục ái ngủ ngầm là “sự khao khát thụ hưởng 5 trần cảnh tiềm tàng ở trong tâm”.

Lẽ thường, chúng sinh chưa chứng đắc được Tam quả hay là bậc Alahán, trong tâm thường tiềm ẩn sự “thích thú hưởng dục lạc”, khi có cơ hội thuận tiện “sự thích thú này” trổi dậy.

Nói cách khác, phần nhiều chúng sinh “tiềm ẩn sự thích thú hưởng thụ hạnh phúc phát sinh từ các trần cảnh”.

Có câu chuyện sau đây minh chứng cho “thích thú sắc dục tiềm ẩn” này.

Một vị Phạm thiên mệnh chung, tái sinh vào cõi người, là vị Công tử của một gia tộc trưởng giả.

Do kiếp trước là Phạm thiên nên hài tử không chịu được mùi nữ nhân, khi cho hài tử bú, người mẹ phải dùng gối kê trước ngực mình, do vậy hài tử có tên là Anitthigandha (không có mùi nữ nhân).

Khi Anitthagandha trưởng thành, cha mẹ bảo chàng có vợ, chàng từ chối. Về sau, để làm vui lòng cha mẹ, chàng cho thợ kim hoàn đúc một pho tượng bằng vàng xinh đẹp, và bảo với cha mẹ rằng: “Nếu cha mẹ tìm được cô gái nào giống như pho tượng này, khi ấy con mới cưới cô này làm vợ”.

Cha mẹ chàng cho người mang pho tượng đi khắp nơi để tìm cô gái xinh đẹp như pho tượng.

Khi đến kinh thành Sāgala xứ Madda, thì tìm được cô gái giống y như pho tượng, nhóm người đi tìm, báo tin về gia đình Anitthagandha.

Nghe tìm được cô gái giống như pho tượng, Anitthigandha bổng phát sinh sự thương yêu cô gái nồng nhiệt, chàng nôn nóng được gặp mặt cô gái.

Nhưng trên đường đến thành Sāvatthi (Xávệ), cô gái mệnh chung.

Anitthigandha vô cùng sầu khổ, tìm đến Đức Phật.

Nhân đó Đức Phật thuyết lên kệ ngôn:

Kāmato jāyati soko; kāmato jāyati bhayaṃ.

Kāmato vippamuttassa; natthi soko kuto bhayaṃ.

“Tham dục sinh sầu muộn; tham dục sinh lo sợ.

Thoát ra khỏi tham dục; không còn sầu, lo sợ” [36] .

Các dục trần còn lại cũng được hiểu theo nghĩa tương tự.

Kinh văn có ghi nhận:

“...santamassa pariguhanti, bakukampi thokaṃ denti, paṇītampi lūkhaṃ denti,...

...“có chỗ ngồi dấu đi; từ nhiều chúng cho ít; từ đồ thù thắng, chúng cho đồ thô xấu ...” [37] .

Đoạn kinh trên trình bày 2 loại ngủ ngầm: Hoặc tham dục ngủ ngầm; hoặc sân ngủ ngầm.

Nhưng phần lớn là “tham dục ngủ ngầm”, một cư sĩ như thế, vị Tỳkhưu không nên đến nhà.

Chi pháp của “dục ái ngủ ngầm” là tâm sở Tham có trong 8 tâm Tham liên hệ đến 5 trần cảnh.

Dục ái ngũ ngầm được thánh đạo Anahàm sát tuyệt.

291 -Hỏi. Thế nào là “hữu ái ngủ ngầm”(bhavarāgānusaya)? Chi pháp là gì?

Đáp. Khi phân tích từ thì bhavarāgānusaya = bhava + rāga + anusaya.

Bhavarāgānusaya là “tiềm ẩn sự thích thú tái sinh vào cảnh giới hạnh phúc, an lạc như cảnh giới chư thiên, cảnh giới Phạm thiên...

Hữu ái ngủ ngầm được xem như “một khuynh hướng” của chúng sinh thực hành thiện nghiệp Dục giới hay  của những vị tu thiền an tịnh (samādhi).

Rất khó tìm thấy “điểm khởi đầu” của hữu ái, do đó “không thể nói “trước đó không có hữu ái, sau đó mới có hữu ái”.

Nhưng hữu ái hiển lộ và tăng trưởng do duyên nào? Do duyên Vô minh.

Có Phật ngôn như sau:

“Purimā, bhikkhave, koṭi na paññāyati bhavataṇhāya – ‘ito pubbe bhavataṇhā nāhosi atha pacchā samabhavī’ti:

“Này các Tỳkhưu, khởi điểm đầu tiên của hữu ái (bhavataṅhā) không thể nêu rõ, để có thể nói: “Trước điểm này , hữu ái không có rồi sau mới có”

Và : “Idappaccayā bhavataṅhā’ti: Do duyên này hữu ái có mặt”.

Bhavataṇhāmpāhaṃ bhikkhave, sāhāraṃ vadāmi,  no anāhāraṃ:

“Này các Tỳkhưu, Ta nói rằng: “Hữu ái có thức ăn”, không phải không có thức ăn”.

Ko cāhāro bhavataṅhāya?:

Và cái gì là thức ăn cho hữu ái?

Avijjā’tissa  vacanīyaṃ:

Vô minh cần phải trả lời như vậy” [38] .

Chi pháp “hữu ái ngũ ngầm” là tâm sở Tham trong 4 tâm Tham ly tà.

Hữu ái ngủ ngầm chấm dứt khi chứng thánh đạo Alahán.

292 -Hỏi. Thế nào là “phẫn nộ ngủ ngầm”(paṭighānusaya)? Chi pháp là gì?

Đáp . Từ ngữ paṭighānusaya = paṭi (chống lại) + ngữ căn gha (chạm vào) + anusaya.

Paṭigha được hiểu là “ác ý, hận thù”.

“Phẫn nộ ngủ ngầm” là “sự ác, sự thù hận, sự bất mãn tiềm tàng trong tâm”, như có chúng sinh “nuôi dưỡng hận thù trong tâm”... Đức Phật có dạy:

“Idha, bhikkhave, ekacco puggalo sabyābajjhaṃ kāyasaṅkhāraṃ abhisaṅkharoti, sabyābajjhaṃ vacīsaṅkhāraṃ abhisaṅkharoti, sabyābajjhaṃ manosaṅkhāraṃ abhisaṅkharoti...”

“Ở đây, này các Tỳkhưu, có hạng người chất chứa các thân hành  (kāyasaṅkhāraṃ abhi saṅkharoti) có não hại (sabyāpajjhaṃ), chất chứa các ngữ hành có não hại, chất chứa các ý hành có não hại,... [39] .

Hay: “Idha, bhikkhave, ekacco puggalo kodhano hoti upāyāsabahulo appampi vutto samāno abhisajjati...”

“Này các Tỳkhưu, ở đây có người phẫn nộ, nhiều hiềm hận, dù có nói chút ít cũng tức tối...” [40] .

Hay khi thấy những cảnh “nghịch ý từ trước”, nay gặp lại sự “bất bình” trổi dậy. Như trường hợp nhữngngười cột oan trái với nhau [41] ...

Chi pháp của “phẩn nộ ngủ ngầm “ là tâm sở Sân có trong 2 tâm sân.

“Phẫn nộ ngũ ngầm” được thánh đạo Anahàm sát tuyệt.

293 -Hỏi. Thế nào là “ngã mạn ngủ ngầm”(mānānusaya)? Chi pháp là gì?

Đáp. Ngã mạn là tự hào điều gì mình hơn người, hoặc có sự so sánh “ta với người”.

a- Tự hào.

“Ngã mạn ngủ ngầm” là “khuynh hướng tự hào, thường có với chúng sinh, tiềm ẩn trong tâm của chúng sinh”.

Bộ Phân tích (vibhaṅga) trong Tạng Thắng pháp có liệt kê những trường hợp tự hào, xin nêu ra vài điều như sau:

“Tự hào về sinh chủng (jāti); tự hào về dòng dõi (gotta); tự hào về sức khỏe (ārogya); tự hào về tuổi trẻ (yobbana); tự hào về đời sống (jīvita); tự hào về lợi lộc (lābha), tự hào về danh tiếng (yasa), tự hào về dung sắc (vaṇṇa), tự hào về tài sản... tự hào về Giới hạnh, tự hào về thiền chứng (jhāna), tự hào về trí lão luyện (rattaññū); tự hào về thần thông... [42]

- “Atthi, bhikkhave, sattānaṃ yobbane yobbanamado, yena madena mattā kāyena duccaritaṃ caranti...”

“Có những loài hữu tình, này các Tỳkhưu, đang còn trẻ, kiêu mạn trong tuổi trẻ, say đắm (mattā) trong tuổi trẻ....

“Atthi, bhikkhave, sattānaṃ ārogye ārogyamado, yena madena mattā kāyena duccaritaṃ caranti...”.

“Có những loài hữu tình, này các Tỳkhưu, kiêu mạn trong khỏe mạnh, say đắm trong kiêu mạn ấy...

“Atthi, bhikkhave, sattānaṃ jīvite jīvitamado, yena madena mattā kāyena duccaritaṃ caranti...”

“Có những loài hữu tình, này các tỳkhưu, đang sống, kiêu mạn trong sự sống... [43]

Đối với 3 loại tự hào này, Đức Phật dạy:

*- Quán tưởng sự già để diệt trừ kiêu mạn tuổi trẻ.

*- Quán tưởng sự bệnh để diệt trừ kiêu mạn khỏe mạnh.

*- Quán tưởng sự chết để diệt trừ kiêu mạn sự sống [44] .

 b- So sánh.

Ngài Buddhaghosa trong sách Atthasālinī đưa ra ba cách so sánh đối với 3 hạng người, đó là “cách biểu hiện” của ngã mạn, như sau:

- Hơn so với hơn; hơn so với bằng và hơn so với thua.

- Bằng so với hơn, bằng so với bằng và bằng so với thua.

- Thua so với hơn, thua so với bằng và thua so với thua.

Tuy nhiên, trong cách “so sánh” như thế, có so sánh sai, có so sánh đúng.

Nhưng có` câu hỏi rằng: Vì sao “so sánh sai” không phải là tà kiến?

Ngài Buddhaghosa có giải thích “sự so sánh” không phải xuất phát từ bản ngã, mà xuất phát từ “điều đang có trong tâm” [45] .

Vì không kết hợp với “bản ngã” nên không liệt vào Tà kiến.

“Tự khoe điều tốt của mình” cũng là hình thức ngã mạn.

Như Ngài Anuruddha khoe mình có thiên nhãn thông, có thể nhìn thấy  ngàn thế giới như nhìn một vật trong lòng bàn tay.

Đức Sāriputta nghiêm khắc phê phán Ngài Anuruddha là “đó là kiêu mạn của hiền giả [46] .

Ngoài ra, sự “tự ty” cũng là một hình thức của ngã mạn.

Chi pháp “ngã mạn ngủ ngầm” là tâm sở Ngã mạn (mānacetasika) có trong 4 tâm tham không hợp tà kiến.

Ngã mạn ngũ ngầm chỉ bị sát tuyệt khi chứng thánh đạo Alahán.

294 -Hỏi. Thế nào là “tà kiến ngủ ngầm” (diṭṭhāsaya)? Chi pháp là gì?

Đáp. Tương tự như những loại tà kiến đã giải, nhưng ở  đây chủ yếu là “thường kiến” và “những nghi thức cúng bái sai lạc.

Hai loại này phần lớn tiềm ấn trong tâm chúng sinh.

Chi pháp là tâm sở Tà kiến có trong 4 tâm tham hợp với tà kiến.

“Tà kiến ngũ ngầm” bị thánh đạo Dự lưu sát tuyệt.

295 -Hỏi. Thế nào là “nghi ngủ ngầm”( vicikicchānusaya)? Chi pháp là gì?

Đáp. Hoài nghi là tính cách do dự, phân vân trước một vấn đề đáng ra không nên lưỡng lự, nhất là không “xác tín” nơi Tam bảo.

Vì sao? Vì rằng: Trong chuỗi dài luân hồi, chư Phật Chánh giác rất ít xuất hiện trên thế gian; có những chúng sinh khi Giáo Pháp của Đức Thế Tôn được công truyền, cũng không hề được nghe Diệu pháp.

Trong vòng luân hồi, chúng sinh này luôn thân cận với những quan điểm sai lạc, do đó khi nghe Chánh pháp, tâm khởi lên sự nghi hoặc.

Chi pháp của “nghi ngủ ngầm” là tâm sở Hoài nghi có trong tâm Si hợp hoài nghi.

“Nghi ngũ ngầm” được sát tuyệt khi chứng thánh đạo Dự lưu.

296 -Hỏi. Thế nào là “vô minh ngủ ngầm”(avijjānusaya)? Chi pháp vô minh ngủ ngầm là gì?

Đáp. “Khuynh hướng không biết bốn sự thật “ luôn tiềm ẩn trong tâm chúng sinh, gọi là vô minh ngủ ngầm.

Tương tự như hữu ái ngũ ngầm, khởi điểm của Vô minh không tìm thấy, nhưng duyên cho Vô minh sinh khởi và tăng trưởng là “năm pháp chướng ngại (nīvaraṇa)” [47] .

Chi pháp vô minh ngủ ngầm là tâm sở Si (mohacetasika) có trong 12 tâm bất thiện.

Khi chứng đắc được Tứ Đạo thì diệt trừ được “vô minh ngủ ngầm”.

297 -Hỏi. Làm thế nào để trừ diệt các pháp ngủ ngầm?

Đáp. Có rất nhiều pháp môn có mục đích diệt trừ những pháp ngủ ngầm này, như thực hành những pháp trợ đạo là: Tứ niệm xứ, Tứ chánh cần... Bát chánh đạo.

Ngoài ra, còn một số pháp môn khác, đơn cử vài pháp môn như sau:

*- Trừ diệt “dục ái ngủ ngầm”.

- Phòng hộ môn quyền, biết đủ trong các món vật dụng.

“Idha bhikkhave, bhikkhu na mahiccho hoti avighātavā, santuṭṭho, itarī taracīvarapiṇḍapā tasenā sanagilā nappaccayabhesajjaparikkhārena: 

Ở đây, này các Tỳkhưu, Tỳkhưu không có dục lớn, không có hiềm hận (avighātavā), bằng lòng với bất cứ vật dụng cần thiết nào, y phục, đồ ăn khất thực, sàng tọa, các dược phẩm trị bịnh [48] .

- Nên khởi lên “tưởng ghê tởm với vật không đáng ghê tởm”, để  dục tham không khởi lên  [49] .

*- Trừ diệt hữu ái  ngủ ngầm.

- Nên quán sát “từ bỏ”, như kinh văn:

“...Yadatthi yaṃ bhūtaṃ taṃ pajahāmī’ti upekkhaṃ paṭilabhati:

...“Cái gì có, cái gì được thành, ta đều từ bỏ. Vị ấy có được xả, không tham đắm trong sinh hữu” [50] .

- Niệm tưởng Nípbàn [51] .

*- Trừ diệt phẩn nộ ngủ ngầm. Tu tập tứ vô lượng tâm.

*- Trừ diệt nghi ngủ ngầm. Cần xác tín nơi Tam Bảo.

Như thế nào?

Chú ý lắng nghe Pháp của Bậc Đạo Sư và chú tâm quán sát lời dạy của Đức Phật theo lý nhân quả và lý tương sinh.

*- Trừ diệt kiến ngủ ngầm.

Là xa lánh những chủ thuyết tà kiến, không xem 5 uẩn hay một trong 5 uẩn là “ta, là của ta”.

Có vị Tỳkhưu đến bạch hỏi Đức Thế Tôn “vì sao các vị Thánh đệ tử không có nghi ngờ khởi lên đối với những vấn đề không được tuyên bố (ám chỉ những tà kiến). Đức Thế Tôn đáp rằng “do diệt được tà kiến [52] .

*- Trừ diệt mạn ngủ ngầm.

- Quán xét sự già để diệt trừ “tự hào về tuổi trẻ”, quán xét khổ bịnh để “trừ diệt tự hào về sức khỏe”; quán xét sự chết để trừ diệt “tự hào về sự sống”.

Dứt 7 pháp ngủ ngầm.

-ooOoo-

 

Bài 20.

Mười  sợi dây trói
(Dasa saṃyojanāni).

 

297 - Hỏi. Gọi saṃyojana với ý nghĩa gì?

Đáp. Saṃyojana = saṃ (cùng, đồng với) + ngữ căn yuj (cột trói); saṃyojana = saññojana.

Saṃyojana là “sợi dây trói buộc chúng sinh vào luân hồi”, và sợi dây này “chắc chắn”.

Yoga (ách) và yojana cùng xuất nguyên từ căn yuj, từ ngữ saṃ là tăng cường thêm.

Yoga ví như “ách” máng vào cổ con bò, còn saṃyojana ví như  sợi dây cột con bò.

Sợi dây này rất chắc chắn, nên saṃyojana còn được dịch là “kiết sử” hay “thằng thúc”.

Ngài Citta vị Thánh cư sĩ Anahàm với tuệ phân tích có giải thích.

“Ví như con bò đen bị cột chung với con bò trắng bởi một sợi dây chắc chắn” sợi dây ấy gọi là saṃyojana (kiết sử) [53] .

Cũng vậy, tâm bị cột vào cảnh giới tái sinh, hay cảnh giới tái sinh bị cột bởi tâm do saṃyojana (dây trói).

Vì sao sợi dây trói buộc chắc chắn? Vì tâm lực yếu.

Người có tâm yếu đuối không thể thoát khỏi sợi dây trói buộc này.

Đức Phật đưa ra hai hình ảnh “con chim cáy bị trói bởi sợi dây mỏng manh, nhưng nó không thể thoát ra được, trái lại con voi bị xiềng xích, con voi có thể phá tung xiềng xích”.

Vì sao? Vì con voi có sức mạnh, con chim cáy không có sức mạnh [54] .

Cũng vậy, thoát ra khỏi “dây trói buộc” phải có tâm lực mạnh, chủ yếu là sức mạnh của tinh tấn.

Pāli có giải tự saṃyojana như sau:

Saṃyojananti bandhantīti = saṃyojana.

“Pháp nào trói buộc chúng sinh, gọi là triền (dây trói buộc)” [55] .

Từ đồng nghĩa với saṃyojana là bandha.

Có Phật ngôn như sau:

“Na taṃ daḷhaṃ bandhanaṃ āhu dhīrā; ohārinaṃ sithilaṃ duppamuñcaṃ.

Sārattarattā maṇikuṇḍalesu ; puttesu dāresu ca yā apekkhā.

“Sắt, cây, gai trói buộc ; người trí xem chưa bền

Tham châu báu, trang sức ; tham vọng vợ và con”

Etaṃ daḷhaṃ bandhanaṃ āhu dhīra.

Ohārinaṃ sithilaṃ duppamuñcaṃ...

“Người có trí nói rằng; “trói buộc” này thật bền...” [56] .

298 -Hỏi. Có bao nhiêu sợi dây trói buộc chúng sinh vào luân hồi?

Đáp. Theo Tạng kinh, có 10 sợi dây trói buộc chúng sinh vào luân hồi là: Năm sợi dây trói bậc thấp (năm hạ phần kiết sử) và 5 sợi dây trói bậc cao ( 5 thượng phần kiết sử).

*- Năm sợi dây trói bậc thấp là:

- Thân kiến (là) dây trói buộc (sakkāyadiṭṭhisaṃyojana).

- Hoài nghi (là) dây trói buộc (vicikicchāsaṃyojana).

- Giới cấm sai lạc (là) dây trói buộc (sīlabbataparāmāsa saṃyojana)

- Tham dục (là) dây trói buộc (kāmacchanda saṃyojana).

- Phẫn uất (là) dây trói buộc (byāpāda saṃyojana).

*- Năm sợi dây trói buộc bậc cao.

- Ái sắc (là) dây trói buộc (rūparāga saṃyojana).

- Ái vô sắc (là) dây trói buộc (arūparāga saṃyojana).

- Ngã mạn (là) dây trói buộc (māna saṃyojana).

- Phóng dật (là) dây trói buộc (uddhacca saṃyojana).

- Vô minh (là) dây trói buộc (avijjā saṃyojana) [57] .

Như Kinh văn:

Katamāni pañcorambhāyāni saṃyojanāni?

Thế nào là 5 hạ phần kiết sử?

Sakkāyadiṭṭhi, vicikicchā, sīlabbataparāmāso, kāmacchando, byāpādo:

“Thân kiến, nghi, giới cấm sai lạc, dục tham, sân.

Imāni pañcorambhāyāni saṃyojanāni:

Đây là 5 hạ phần kiết sử”.

Katamāni pañcuddhambhāgiyāni saṃyojanāni?

Thế nào là 5 thượng phần kiết sử?

Rūparāgo, arūparāgo, māno, uddhaccaṃ, avijjā.

Imāni pañcuddhambhāgiyāni saṃyojanāni:

“Ái sắc, ái Vô sắc, mạn, phóng dật, vô minh.

Đây là 5 thượng phần kiết sử” [58] .

Trong 10 sợi dây trói buộc trong Tạng Kinh thì: Năm hạ phần kiết sử trói buộc chúng sinh vào Dục giới.

Năm thượng phần kiết sử trói buộc chúng sinh vào Sắc giới và Vô sắc giới.

Đối với phàm nhân chưa thoát ra ba kiết sử: thân kiến, hoài nghi và giới cấm sai quấy, tuy có thể sinh về nhàn cảnh, nhưng một khi hết phước vẫn có thể rơi vào bốn khổ cảnh.

Riêng bậc Dự lưu đã cắt đứt ba sợi dây: thân kiến, hoài nghi và giới cấm sai lạc nên vĩnh viễn thoát khỏi 4 khổ cảnh.

Bậc Thánh Anahàm không còn bị Dục giới trói buộc vì đã cắt đứt thêm hai sợi dây: “tham dục và sân” [59] .

Bậc Thánh Alahán hoàn toàn giải thoát và cắt đứt thêm năm sợi dây chắc chắn trói buộc bậc cao, thoát ra khỏi luân hồi.

Tạng Diệu pháp nêu ra 10 dây trói buộc là: Ái dục, phẫn nộ, ngã mạn, kiến, hoài nghi, giới cấm, hữu ái, ganh tỵ (issā), bỏn xẻn (macchariya) và vô minh [60] .

So sánh 2 bảng liệt kê thì:

*- Mười dây trói buộc trong tạng Kinh không có “ganh tỵ, bỏn xẻn và hữu ái”, nhưng có “ái sắc, ái vô sắc và phóng dật”.

*- Trong Tạng Diệu pháp thì không có “ái sắc, ái vô sắc và phóng dật”, nhưng có “hữu ái, ganh tỵ và bỏn xẻn”.

Các sợi dây trói buộc khác giống nhau.

209 -Hỏi. Năm sợi dây trói buộc bậc thấp ra sao? Chi pháp là gì?

Đáp. Năm sợi dây trói buộc bậc thấp có đặc tính như những pháp bất thiện đã giải ở trước, chỉ khác về khía cạnh là “dây trói buộc” mà thôi.

Ở đây chỉ giải tóm gọn, như sau:

- Thân kiến trói buộc (sakkāyadiṭṭhi saṃyojana).

Là cho rằng “một trong 5 uẩn là ta”, “bốn uẩn còn lại là của ta”. Tức là 20 thân kiến.

Chi pháp là tâm sở Tà kiến trong 4 tâm tham hợp tà.

- Hoài nghi trói buộc (vicikicchā saṃyojana).

Là phân vân, lưỡng lự, do dự... trước 8 điều: Ân đức Phật – Pháp- Tăng, học giới, quá khứ, vị lai, quá khứ - vị lai và lý duyên sinh.

Chi pháp là tâm sở Hoài nghi trong tâm Si hợp hoài nghi.

- Giới cấm sai lạc trói buộc (sīlabbataparāmāsa saṃyojana).

Là những ngghi thức lễ bái, cúng tế sái quấy.

Chi pháp là tâm sở Tà kiến có trong 4 tâm tham hợp tà.

- Tham dục trói buộc (kāmacchanda saṃyojana).

Là sự đắm nhiễm trong năm trần cảnh.

Chi pháp là tâm sở Tham trong tám tâm tham.

- Phẫn nộ trói buộc (byāpāda saṃyojana).

Là sự bất mãn, khó chịu, không hài lòng với đối tượng.

Chi pháp là tâm sở Sân trong 2 tâm sân.

210 - Hỏi. Năm dây trói buộc bậc cao ra sao? Chi pháp là gì?

Đáp. *- Ái sắc trói buộc (rūparāga saṃyojana).

Là tâm đắm nhiễm trong các cảnh thiền Sắc giới, hay trong các cõi thiền sắc giới.

Chi pháp là tâm sở Tham trong bốn tâm tham ly tà.

*- Ái Vô sắc trói buộc (arūparāga saṃyojana).

Là tâm đắm nhiễm trong các cảnh thiền Vô sắc, hay trong các cõi Vô sắc.

Chi pháp là tâm sở Tham trong bốn tâm tham ly tà.

Ái sắc và ái Vô sắc, tạng Diệu Pháp gom chung là “hữu ái trói buộc”.

*- Ngã mạn trói buộc (māna saṃyojana).

Là cách tự hào hay tự ty xuất phát từ tâm (xem ngã mạn ngủ ngầm).

Chi pháp là tâm sở Ngã mạn trong bốn tâm tham ly tà.

*- Phóng dật trói buộc (uddhacca saṃyojana).

Là sự tán loạn của tâm.

Chi pháp là tâm sở Phóng dật có trong 12 tâm bất thiện.

*- Vô minh trói buộc (avijjā saṃyojana).

Là “không biết 8 điều: Bốn sự thật, nhân, quả, nhân quả và lý tương sinh”.

Chi pháp là tâm sở Si có trong 12 tâm bất thiện.

211 - Hỏi. Thế nào là “ganh tỵ trói buộc (issā saṃyojana)? Chi pháp là gì?

Đáp. Issā = i (trong) + ngữ căn su (đố kỵ) [61] .

Issā là “đố kỵ với  sự thành công của người khác”, đó là trạng thái “không thể chịu đựng được sự thịnh vượng của người khác”.

Tạng Diệu pháp, bộ Pháp tụ (dhammasaṅgani) có định nghĩa về issā (ganh tỵ) như sau:

“... Thái độ ganh ghét đối với lợi lộc, cung kỉnh, tôn trọng, tôn vinh, đảnh lễ, cúng dường cho người khác” [62] .

Hay: “Paralābhasakkāragarūkāramānanavandanapūjanāsu issati upadussati issaṃ bandhati”.

... “Thấy người khác được lợi lộc, cung kính, tôn trọng, tôn kính , đảnh lễ, cúng dường, nó ganh tỵ, tức tối (upadussati), nó bị ganh tỵ trói buộc  [63] .

*- Ganh tỵ với lợi lộc.

Đối với vị Samôn, lợi lộc là “bốn món vật dụng”, không hài lòng trước sự cúng dường bốn món vật dụng của Phật tử đối với vị Tỳkhưu khác, đó là “ganh tỵ lợi lộc”.

Như tiền thân của Ngài Losaka là vị trụ trì trong thời Giáo pháp Đức Phật Kassapa, “không hài lòng khi thấy người cư sĩ hộ độ mình cúng dường vật thực đến vị Thánh tăng Alahán.

*- “Ganh tỵ với sự cung kính”.

Là không hài lòng trước sự lễ phép của người phật tử đối với vị tỳkhưu khác.

*- “Ganh tỵ với sự tôn kính”. Là không hài lòng khi người khác có được sự kỉnh trọng.

Như Tỳkhưu ni Thullanandā không hài lòng với Đức Mahā Kassapa, khi Ngài được Đức Ānanda tôn kính [64] ...

Ganh tỵ trói buộc là bị sợi dây “đố kỵ” buộc lại, trói lại.

Chi pháp “ganh tỵ trói buộc” là tâm sở Ganh tỵ (issā cesika).

212 - Hỏi. Thế nào là “bỏn xẻn trói buộc”(macchariya saṃyojana)? Chi pháp là gì?

Đáp. Macchariya là “sự khó chịu khi người khác xin mình vật nào đó, điều nào đó”.

Ganh tỵ là “không muốn người khác có tài sản ”; còn “bỏn xẻn” là “không muốn mất tài sản của mình”.

Có 5 sự bỏn xẻn là: Bỏn xẻn trú xứ, bỏn xẻn thân tộc, bỏn xẻn lợi lộc, bỏn xẻn danh tiếng và bỏn xẻn pháp [65] .

*- Bỏn xẻn trú xứ.

Làkhông muốn người khác trú ngụ trong chỗ ở của mình.

Như tiền thân Ngài Losaka không muốn vị Thánh Alahán ở trong tự viện của mình.

*- Bỏn xẻn thân tộc.

Thân tộc ở đây bao gồm thân bằng quyến thuộc, luôn cả tùy tùng, đồ chúng, các cư sĩ hộ độ, đệ tử...

Bỏn xẻn thân tộc là “không muốn mất những người ấy, không muốn những người ấy theo người khác”.

Như giáo chủNigantha Nātaputta cản trở tướng quân Sīha, không cho những vị này đến nghe pháp từ nơi Đức Thế Tôn, vì e ngại những vị ấy sẽ quy ngưỡng Đức Thế Tôn [66] .

Hay như Tỳkhưu Paṭika không muốn bà gia chủ hộ độ mình đến nghe pháp từ nơi Đức Thế Tôn [67] .

*- Bỏn xẻn lợi lộc.

*- Bỏn xẻn danh tiếng.

Là không muốn “khen tặng ai”, dù người ấy tinh tấn tu tập, có giới hạnh, có trí tuệ, làm những việc lành...

*- Bỏn xẻn Pháp.

Là không muốn tiết lộ những pháp thâm sâu mà mình đã học được, hay không muốn chỉ dạy những pháp hành mà mình tu tiến được...

Bỏn xẻn trói buộc là bị sợi dây trói buộc tâm vào “sự keo kiệt”.

Chi pháp là tâm sở Bỏn xẻn (macchariya cetasika).

Hai sợi dây trói buộc của “ganh tỵ và bỏn xẻn” bị diệt trừ khi chứng thánh đạo Dự lưu.

Bậc Thánh Dự lưu tuy còn sân, nhưng ba pháp “bỏn xẻn, ganh tỵ, và hối hận” đã bị diệt trừ.

Dứt mười dây trói buộc.

-ooOoo-

 

Bài 21.

Mười pháp phiền não
(Dasa kilesā).

 

214 -Hỏi. Thế nào là kilesa? Có bao nhiêu loại phiền não?

Đáp. Kilesa xuất nguyên từ ngữ căn kilis; ngữ căn này có 2 nghĩa: “làm cho sầu muộn” hay “làm cho nóng nảy”.

Ngài Buddhaghosa có giải thích trong bộ Atthasālinī như sau:

Vibādhati upatāpeti cāti atthaṃ: (ngữ căn kilis) có nghĩa là “làm cho sầu muộn” hay “làm cho nóng nảy” [68]

Từ đồng nghĩa với kilesa là klesehi (ô nhiễm, nhơ bẫn).

Như Phật ngôn:

“Tatrābhiratim iccheyya; hitvā kāme akiñcano.

Pariyodapeyya attānaṃ; cittaklesehi paṇḍito”.

Hãy cầu vui Niết bàn; bỏ dục không sở hữu.

Kẻ trí tự rữa sạch; cấu uế từ nội tâm [69] .

Nên “kilesa” thường được dịch là phiền não (sầu muộn và nóng bức).

Pāli  có giải thích như sau:

“Kilesanti upatāpantīti = kilesā:

Pháp nào làm cho nóng nảy, gọi là phiền não.

“Kilissati etehīti = kilesā:

“Làm cho nhơ bẩn, gọi là phiền não”.

Ngoài nghĩa chính như trên, kilesa còn mang ý nghĩa “dục tham”.

Như: “Yo, bhikkhave, rūpasmiṃ chandarāgo, cittasseso upakkileso...”.

Này các Tỳkhưu, dục tham đối với sắc uẩn là nhơ bẫn (upakkilesa) của tâm ...” [70]  

Kilesa mang ý nghĩa “chướng ngại”, như  “kilesāvaraṇa”...

“Evameva kho, bhikkhave, pañcime cittassa upakkilesā...”.

“Cũng vậy, các Tỳkhưu, có 5 cấu uế của tâm...”

Đức Phật giải thích “5 cấu uế “ ấy là 5 triền cái [71]

Phiền não có 10 loại, như Tạng Diệu pháp ghi nhận:

“Dasa kilesavatthūni – lobho, doso, moho, māno, diṭṭhi, vicikicchā, thinaṃ, uddhaccaṃ, ahirīkaṃ, anottappaṃ:

“Mười phiền não là: Tham, sân, si, mạn, kiến, hoài nghi, hôn trầm, phóng dật, vô tàm, vô quý.” [72]

215 - Hỏi. Ý nghĩa 10 phiền não ấy là gì? Chi pháp ra sao?

Đáp. Về ý nghĩa của 10 pháp phiền não này tương tự như đã giải ở trước, chỉ khác khía cạnh là “nhơ bẫn và nóng bức” mà thôi.

Nên ở đây chỉ giải vắn tắt.

1’- Tham phiền não (lobhakilesa).

Là sự đắm nhiễm trong 5 trần cảnh hay các pháp khả ái, khả hỷ. Hoặc thích thú với “những cảnh giới tái sinh”.

Sở dĩ tham là “nóng bức”, vì khi không được toại nguyện hay bị “mất đi”, sinh ra sầu khổ.

Như bà Visākhā mất đi đứa cháu thân yêu, bà buồn khổ, do nhân ấy Đức Phật dạy:

“Pemato jāyati soko; pemato jāyati bhāyaṃ.

Pemato vippamuttassa; nathhi soko kuto bhayaṃ”.

Ái luyến sanh sầu ưu; Ái luyến sanh sợ hãi.

Ai giải thoát  ái luyến; không sầu, đâu sợ hãi”. [73]

Chi pháp tham phiền não là tâm sở Tham có trong 8 tâm Tham  [74] .

- Sân phiền não (dosakilesa).

Là trạng thái “khó chịu, không hài lòng, bất mãn..” đối với cảnh.

Chi pháp là tâm sở Sân có trong 2 tâm sân (sđd).

3- Si phiền não (mohakilesa).

Là cách “không nhận biết “bốn sự thật”.

Chi pháp là tâm sở Si có trong 12 tâm bất thiện.

4- Mạn phiền não (mānakilesa).

Là sự kiêu hãnh làm bợn nhơ tâm.

Chi pháp là tâm sở Mạn có trong 4 tâm Tham ly tà.

5- Kiến phiền não (diṭṭhikilesa).

Là sự thấy sai, hiểu sai làm bợn nhơ tâm trí.

Chi pháp là tâm sở Tà kiến có trong 4 tâm Tham hợp tà.

6- Nghi phiền não (vicikicchākilesa).

Là tính cách “phân vân, lưỡng lự, do dự...” đối với những đối tượng trong sạch là “ân đức Phật, ân đức Pháp, ân đức Tăng...”.

Chi pháp là tâm sở Hoài nghi trong tâm si hợp Hoài nghi.

7- Hôn trầm phiền não (thīnakilesa).

Là trạng thái uể oải, lười nhác, co rút của tâm và tâm sở.

Chi pháp là tâm sở Hôn trầm có trong 5 tâm bất thiện hữu trợ.

8- Phóng dật phiền não (uddhaccakilesa).

Là trạng thái tán loạn của tâm.

Chi pháp là tâm sở Phóng dật có trong 12 tâm bất thiện.

9- Vô tàm phiền não (ahirikakilesa).

Là tính cách “không hổ thẹn với tội lỗi”, nhất là “tội lỗi luân hồi”.

Chi pháp là “tâm sở Vô tàm” có trong 12 tâm bất thiện.

10- Vô quý phiền não (anottappakilesa).

Là tính cách “không ghê sợ với tội lỗi”, nhất là “tội lỗi luân hồi”.

Chi pháp là tâm sở Vô quý có trong 12 tâm bất thiện.

Dứt 10 pháp phiền não.

-ooOoo-

 

B - Hổn hợp tập yếu.
(Missaka saṅgaha).

*

Đại Cương.

216 -Hỏi. Hổn hợp tập yếu là gì ? Có bao nhiêu thành phần.

Đáp. Chữ missaka nghĩa là “pha trộn”.

Gọi là missakasaṅgaha (hổn hợp tập yếu) là “gom những pháp chính, có tính chất “pha trộn”.

Thế nào là “pha trộn”?

Gọi là “pha trộn” vì:

- Những pháp này có khi chúng là thiện có khi chúng là bất thiện và có khi chúng không thiện cũng không bất thiện (byākatā).

Như Vô tham, Vô sân, Vô si chẳng hạn, có khi chúng là thiện, có khi chúng là vô ký.

- Hoặc “những pháp này tuy có cùng đặc tính”, nhưng có pháp thuộc về thiện, có pháp thuộc về bất thiện, có pháp thuộc về vô ký.

Như 22 quyền chẳng hạn, các sắc quyền là: Nhãn quyền, Nhĩ quyền... thuộc về Vô ký; ưu quyền thuộc về bất thiện; Vị tri quyền (anaññātanassāmītindriya) là thiện ...

Hổn hợp tập yếu có 7 phần là:

1- Sáu nhân (cha hetu) (xem bài 4).

2- Bảy chi thiền (sattajhānaṅgāni).

3- Mười hai chi đạo (dvādasa maggaṅgāni).

4- Hai mươi hai quyền (bāvīsatindriyāni).

5- Chín lực (navabāl).

6- Bốn trưởng (cattāro adhipati).

7- Bốn thực (cattāro ahāra).

Dứt phần Đại cương.

-ooOoo-

 

Bài 22.

Bảy chi thiền
(Sattajhānaṅgāni).

 

217. Hỏi. Ý nghĩa jhāna (thiền ) ra sao? Có mấy loại thiền? Có bao nhiêu chi thiền?

Đáp. Jhāna xuất nguyên từ căn jhe (soi sáng, đốt cháy).

Jhāna (thiền) có hai ý nghĩa:

*- Soi sáng đối tượng (cảnh), nghĩa bóng là “chú ý đến đối tượng”, “bám sát đối tượng”.

Như hành giả “chú ý đến đề mục đất, nước, gió , lửa...”.

Hoặc “chú ý đến những động tác co tay, duỗi tay...”

*- Là pháp thiêu đốt pháp chướng ngại (nīvaraṇa).

Ngài Buddhaghosa có giải thích jhāna trong  sách Atthasālinī như sau:

Ārammaṇa ‘upanijjhānato paccanīkajhāpanato vā =jhānaṃ:

“Chú ý đối tượng hay thiêu đốt pháp nghịch, là thiền [75] .

Thiền có hai loại:

- Thiền an tịnh (samadhajhāna). Còn gọi là thiền chỉ.

Là phương pháp làm cho tâm an tịnh.

Loại thiền này có công năng “áp chế phiền não”, “làm cho thân - tâm được an lạc”, “chứng đạt các thắng trí như Sanh tử minh, Túc mạng minh...” và “dẫn đến an trú vào định diệt thọ tưởng”.

*- Đối với phàm nhân hay bậc Thánh Hữu học Dự lưu hay Thánh Nhất lai,  thiền an tịnh có ba công năng (trừ “an trú vào định Diệt thọ tưởng”)

*- Đối với bậc Thánh Anahàm, có được 4 công dụng trên.

*- Đối với bậc Thánh Alahán chỉ có 3 công năng (trừ “áp chế phiền não”).

- Thiền xem xét rõ (vipassanājhāna). Còn gọi là thiền Quán.

Là loại thiền “xem xét các đối tương” một cách đặc biệt (vi), để thấy rõ thực tướng của chúng là “vô thường, khổ và vô ngã”.

Thiền xem xét có công năng đưa đến chứng đắc Đạo, quả Siêu thế và Nípbàn.

Thiền có 2 loại khác là:

- Thiền hiệp thế. Là thiền nhận cảnh “trong đời”.

Nói cách khác, đó chính là những chi thiền trong tâm thiền Sắc giới và Vô sắc giới.

- Thiền Siêu thế. Là thiền nhận cảnh “ngoài đời”.

Nói cách khác, đó là những chi thiền trong tâm Đạo và tâm Quả Siêu thế khi nhận cảnh Nípbàn.

Thiền có 2 loại khác là:

- Thiền cảnh. Là loại thiền nhận cảnh là “danh sắc hoặc chế định”.

*- Nhận cảnh là “chế định”. Như 15 tâm thiền Sắc giới.

*- Nhận cảnh là danh pháp. Như 3 tâm thiền Thức vô biên xứ...

*- Nhận cảnh là danh sắc. Như thiền Tứ niệm xứ: “Quán thân trong thân” là nhận sắc pháp làm cảnh; “quán tâm trong tâm, quán thọ trong thọ” là nhận danh pháp làm cảnh; “quán pháp trong pháp” là nhận danh sắc làm cảnh.

- Thiền tướng.

Là nhận một trong ba tướng vô thường, khổ, vô ngã làm cảnh.

Thiền có 2 loại khác nữa là:

- Tà thiền. Là những chi thiền trong tâm Tham, tâm Sân và tâm Si.

- Chánh thiền. Là những chi thiền trong tâm Thiện hay tâm Duy tác hữu nhân.

Có tất cả bảy chi thiền là: Tầm, tứ, hỷ, lạc, định, xả và ưu.

Như kinh văn:

“Sattajhānaṅgāni: Vitakko, vicāro, pīti, ekaggatā, somanassaṃ, domanassaṃ, upekkhā:

Bảy chi thiền là: Tầm, tứ, hỷ. nhất hành, vui thích (lạc), ưu và xả.” [76]

218 -Hỏi: Chi tầm của thiền ra sao?

Đáp.  Vitakka = vi (đặc biệt) + căn takk (suy gẫm).

Vitakka là “suy gẫm đặc biệt”.

Chức năng của tâm sở  Tầm là “Hướng  tâm chú ý đến cảnh (đề mục)”

*- Trong lãnh vực thiền chỉ, có 3 ấn tướng là: Parikammanimitta (Sơ tướng); uggahanimitta (Thô tướng) và paṭibhāganimitta (tịnh tướng hay quang tướng).

Với Sơ tướng, tâm sở Tầm “hướng dẫn các pháp đồng sinh với nó tìm đúng đối tượng (tức là đề mục)”.

Ví như con ong ra khỏi tổ, hướng về cánh hoa.

Vì sao? Vì khi ấy, cảnh đề mục đang nằm trong sắc thần kinh, là sắc pháp được định danh là “đất, nước, lửa, gió, xanh, vàng...”, tâm sở Tầm không thể “đưa tâm cùng sở hữu đến cảnh” được (ở cõi ngũ uẩn, tâm sở Tầm và các pháp đồng sinh với nó, trú trong sắc ý vật).

Khi tâm sở Tưởng phối hơp với tâm sở Niệm phát huy sức mạnh, bấy giờ Sơ tướng trở thành Thô tướng, là cảnh sắc tưởng, hay “cảnh danh chế định”,  cảnh này nằm trong luồng hữu phần.

Bấy giờ tâm sở Tầm “đưa tâm và tâm sở đồng sinh với nó đến đúng đối tượng” (gọi là đưa tâm đến cảnh).

Ví như vị Đại thần hướng dẫn người cầu kiến đến gặp ngay đức vua.

Tương tự như vậy, đối với Tịnh tướng (paṭibhāganimitta).

Tầm trong thiền chỉ có công năng đối trị với “hôn trầm - thụy miên”.

*- Trong thiền quán, Tầm hướng dẫn các pháp đồng sinh đến đúng đối tượng là một trong ba tướng: Vô thường tướng, khổ tướng và vô ngã tướng.

Tầm trong thiền quán có công năng đối trị với “lười nhát, uể oải” giúp Tấn giác chi phát huy sức mạnh.

*- Với ý nghĩa là “suy gẫm đặc biệt”, tâm sở  Tầm trở thành Chánh Tư duy, khi “suy gẫm về tai hại của dục lạc, của sân hận và sự bức hại”. Và có ý hướng thoát ra ba tai hại này.

Ba sự suy nghĩ này là “đúng đắn”, nên là “suy gẫm đặc biệt”.

Sư “suy nghĩ đặc biệt đúng đắn” có được là do có tác ý đúng (yoniso manasikāra), nếu có tác ý không đúng (ayoniso manasikāra) thì trở thành tà Tầm (micchāvitakka), tức là tâm sở Tầm trong 10 tâm bất thiện.

Tâm sở Tầm có trong tâm vô ký, nó không mang tính thiện hay tính bất thiện.

219 -Hỏi. Thế nào là chi Tứ của thiền.

Đáp. Vicāra = vi + căn sar (đi lang thang)

Trạng thái chính của vicāralà quan sát đối tượng”.

Đức Nārada trong bộ Vi diệu pháp toát yếu (Ô. Phạm Kim Khánh dịch, tr112) có đưa ra ba ví dụ để phân biệt vitakka (tầm) và vicāra (tứ) như sau:

a- Tầm ví như con ong hướng đến cánh hoa, Tứ ví như con ong bay quanh cánh hoa.

b- Tầm ví như con chim cất cánh bay lên không trung, Tứ ví như con chim bay lượn trên bầu trời.

c- Tầm ví như dùi trống (hay chuông) đánh vào cái trống (hay chuông), Tứ ví như tiếng ngân của trống – chuông.

Những ví dụ trên, nêu lên ý nghĩa:

“Tầm làm chấn động cảnh, còn Tứ làm cho dư hưởng của Tầm kéo dài”.

Điều này giải thích “Nhị thiền không cần có Tầm ”. Sự gỏ vào chuông hay trống không còn nhưng tiếng ngân thì còn.

Ngài Buddhaghosa trong sách Atthasālinī có cho ví dụ như sau:

Tầm ví như bàn tay nắm lấy cái bát bẩn, Tứ ví như bàn tay kia dùng cọ quét sạch bụi.

Cũng vậy chi Tầm “nắm giữ đối tượng” còn chi Tứ làm “sáng rực đối tượng”; khi đối tượng sáng rồi thì không cần phải “nắm giữ”nữa (ví như trạng thái Nhị thiền không có Tầm).

Chi Tứ của thiền chỉ “áp chế” được “chướng ngại nghi hoặc”, vì khi ấy “đối tượng đã rõ ràng”.

Chi Tứ trong thiền quán cũng có công năng “áp chế nghi hoặc” vì cảnh tam tướng hiện rõ, đồng thời giúp cho “niệm giác chi” phát huy sức mạnh.

Chi Tứ khi ở trong tâm bất thiện thuộc tính bất thiện, ở trong tâm thiện thuộc tính thiện và ở trong tâm Duy tác và tâm quả Siêu thế, thuộc tính vô ký.

Chi pháp của chi Tứ là tâm sở Tứ khi phát huy sức mạnh.

220 -Hỏi. Thế nào là chi Hỷ của thiền?

Đáp. Pīti xuất nguyên từ căn pi (hân hoan, thích thú).

Chi Hỷ của thiền là “sự hân hoan trước đối tượng”.

Có năm loại hỷ là:

- Khuddakapīti (tiểu hỷ): Là sự vui thích làm rởn óc hay “nổi da gà”.

- Khaṇika pīti (sátna hỷ): Còn gọi là (quang hỷ) là cái vui nhanh chóng vượt qua hay “ánh sáng xẹt qua nhanh chóng”.

- Okkantikaīti (ba hỷ): Cái vui như sóng tạt vào người.

- Ubbegapīti (khinh hỷ): Cái vui khiến thân thể nhẹ nhàng.

- Pharaṇa pīti (sung mãn hỷ): Cái vui ngập tràn khắp châu thân.

“Sung mãn hỷ” là dấu hiệu báo trước cho chi Lạc của thiền sắp xuất hiện.

Pīti vừa là chi thiền, cũng là Hỷ giác chi.

Chi Hỷ có công năng “áp chế sân”.

Chi Hỷ trong 8 tâm tham thọ hỷ là Hỷ bất thiện; trong những tâm thiện thọ hỷ là Hỷ thiện, trong những tâm vô ký thọ hỷ là Hỷ vô ký.

Chi pháp chi Hỷ là tâm sở Hỷ khi phát huy sức mạnh.

221 - Hỏi. Thế nào là chi Lạc của thiền?

Đáp. Sukha (an lạc) là thọ hỷ (somanassa vedanā) khi phát huy sức mạnh tột độ.

Sukha (lạc) là trạng thái “an lạc” khắp thân tâm.

Chi Lạc của thiền đối trị với “phóng dật”.

Trong bảy pháp giác chi, chi Lạc chính là Tịnh giác chi (passaddhibojjhaṅga).

Chi pháp của chi Lạc là tâm sở thọ lạc (sukhavedanā).

222 - Hỏi. Thế nào là chi Định của thiền?

Đáp. Ekaggata = eka (một) + agga (cao tột) + tā

Ekaggatā là “điểm cao tột”, còn được dịch là Nhất hành (eka (một) + gatā (đi đến) = ekaggatā).

Gọi là chi Định (samādhi) là khi tâm sở Nhất hành phát huy sức mạnh, bấy giờ “tâm và ấn tướng (nimitta) trở thành một điểm”.

Ví như đầu cây kim cắm vào khung vải thêu.

Chi Định trong thiền chỉ áp chế được “tham dục”. Định  này có ba loại:

- Kanikasamādhi (sátna định). Là định trong từng sátna.

- Upacārasāmadhi (cận  định). Chỉ có 4 chi thiền là: Tầm, tứ, hỷ và lạc.

- Appamāna samādhi (định vững vàng). Là đắc định.

Sơ thiền có 5 chi thiền: Tầm, tứ, hỷ, lạc và định.

Nhị thiền có 4 chi thiền: Tứ, hỷ, lạc, định.

Tam thiền có ba chi thiền: Hỷ. lạc, định.

Tứ thiền có 2 chi thiền: Lạc và định.

Ngũ thiền có hai chi: Xả và định (mất chi Lạc, thay thế là chi Xả).

Định có ba loại khác là:

* Định trong tâm bất thiện: gọi là tà định (micchā samādhi).

Là định trong sắc, thinh, hương, vị, xúc và pháp có kiên hệ với năm dục.

Tức là tâm sở Nhất hành có trong 8 tâm Tham, 2 tâm Sân và 2 tâm Si.

Lại nữa, tà định là chỉ cho cận định trong chú thuật.

* Định trong tâm thiện.

* Định trong tâm vô ký.

Chi Định trở thành Định giác chi, hay Chánh định trong Bát chánh đạo.

Chi pháp của chi Định là “tâm sở Nhất hành”..

223 -Hỏi. Thế nào là chi Xả của thiền?

Đáp: Upekkhā (xả) của chi thiền không phải là thọ xả (upekkhā vedanā).

Chi thiền Xả là sự phát triển cao độ của thiền chỉ, chỉ khi nào loại trừ được chi Lạc bấy giờ chi Xả mới sinh lên.

Chi pháp của chi xả thiền chính là tâm sở Tatramajjhattatā (hành xả).

Chi Xả của thiền có trạng thái thản nhiên, không thích thú cũng không khó chịu đối với ấn tướng.

Trong thiền chỉ tịnh, chi Xả của thiền luôn đi chung với thọ xả.

Chi Xả của thiền cũng chính là Xả giác chi, là trạng thái thản nhiên đối với pháp hữu vi (aṅkhāradhamma) không thích thú cũng không  khó chịu với chúng.

Xả giác chi vững mạnh trong tuệ Hành xả (saṅkhārapekkhāñāṇa) của tuệ quán (vipassanāñāṇa).

Trong thiền quán chi Xả của thiền có khi đi chung với thọ hỷ, có khi đi chung với thọ xả.

Như tâm Sơ đạo Sơ thiền chẳng hạn, tâm này có Xả giác chi nhưng đi chung với thọ hỷ.

Hoặc tâm Sơ đạo ngũ thiền, tâm này có Xả giác chi đi chung với thọ xả.

Chi Xả của thiền có hai tính: thiện hoặc vô ký.

224 - Hỏi. Thế nào là chi Ưu của thiền?

Đáp: Dosanassa có tính cách “khó chịu với đối tượng” hay “không hân hoan, chán nản, không hài lòng với đối tượng”.

Chi Ưu là trạng thái đối nghịch với “sự thích thú, sự hài lòng”.

Trong thiền an tịnh, chính chi ưu xuất hiện giúp hành giả loại trừ Tầm Tứ, để chứng đắc Nhị thiền.

Vì sao? Hành giả đắc Sơ định quán xét rằng “trạng thái Sơ thiền này không vững chắc vì có Tầm - Tứ”.

Ví như người lái xe, xe lăn bánh trên đường gồ ghề, nhiều hố, chiếc xe dễ lật ngã, con đường lấp bằng phẳng, xe chạy được an toàn.

Cũng vậy, hành giả đắc Sơ định muốn loại trừ Tầm - Tứ để định được vững mạnh.

Mặt khác, chính tầm tứ là chướng ngại của Nhị thiền, nên hành giả không hân hoan, không thích thú với tầm tứ, đó chính là chi Ưu của thiền.

Tương tự như vậy đối với các chi thiền hỷ, lạc.

Đức Phật có dạy:

Domanassaṃ p’haṃ devānaṃ inda duvidhena vadāmi sevitabbaṃ pi asevitabbaṃ pīti...

“Này Thiên chủ, Ta nói ưu có 2 loại, một loại nên thân cận, một loại nên tránh xa....” [77]

Và Đức Phật có dạy “ưu không tầm không tứ thù thắng hơn” (sđd).

Rõ ràng, loại ưu này chỉ có trong tâm từ Tam thiền (hay Tứ thiền - thiền 5 bậc) trở lên.

Trong thiền quán chi Ưu xuất hiện khi hành giả đạt đến Tuệ chán nãn (nibbidañāṇa) vì thấy được sự nguy hiểm của pháp hữu vi.

Chi Ưu khi xuất hiện trong tâm bất thiện Sân là Ưu bất thiện.

Chi Ưu xuất hiện trong thiện dục giới, là sự “nhàm chán đối với ác bất thiện pháp” là Ưu thiện.

Chi Ưu xuất hiện trong thiện Sắc giới hay thiện Vô sắc giới như thế nào?

Đối với thiện Sắc giới như đã giải thích, còn đối với thiện Vô sắc giới thì như thế này.

Hành giả đắc được thiền “không vô biên xứ” nhận xét rằng “thiền này không vững, còn mỏng manh dễ rơi xuống thiền Sắc giới” nên không hài lòng với tầng thiền này và thay đổi đề mục thành “cái biết vô cùng tận - thức vô biên xứ”,...

Chi pháp của chi Ưu là tâm sở thọ ưu.

Dứt 7 chi thiền.

-ooOoo-

 

Bài 23.

Mười hai chi đạo
(Dvādasa maggaṅgāni).

 

225 -Hỏi. Thế nào là đạo (magga)? Có bao nhiêu chi đạo?

Đáp: Magga (đạo) là con đường dẫn đến.

Như: “So evamāha – ‘ethāyaṃ maggo ayaṃ paṭipadā yathāpaṭipanno ahaṃ anuttaraṃ brahmacariyogadhaṃ sayaṃ abhiññā sacchikatvā pavedemi...”.

“Vị ấy nói như sau: "Ðây là con đường, đây là đạo lộ, nhờ thực hành con đường này, Ta đã thể nhập vô thượng Phạm hạnh, tự mình với thắng trí, chứng đạt, an trú và tuyên thuyết...” [78]

Hay: “Arahattamaggaṃ vā samāpannā ete tesaṃ aññatarā’ti”.

... “Những vị đang đi trên đường hướng đến Đạo quả Alahán” [79] .

Con đường” có nhiều, nhưng tựu trung có 2 con đường là:

Con đường dẫn đến cảnh giới đau khổ là tà đạo.

Còn đường dẫn đến nhàn cảnh, Nípbàn là chánh đạo.

Pāli có giải thích:

Sugatidugatiṃ nibbānassa ca abhimukhaṃ pāpunato = magga:

“Với ý nghĩa cùng tột (abhimukhaṃ), con đường dẫn đến khổ, lạc  và Nípbàn, gọi là “đạo” [80] .

Hay: “Này Tissa, con đường tay trái, ví cho tà đạo có 8 ngành, tức là tà kiến.... tà định.

“Này Tissa, con đường tay phải, ví cho chánh đạo, có 8 ngành là chánh kiến... chánh định” [81]

Ngoài ra còn có:

- “Con đường tham đắm trong dục vọng, lại cho là “không có tội, gọi là “thâm cố đạo lộ (āgāḷhā paṭipadā).

- Con đường khổ hạnh kịch liệt, gọi là “kịch khổ đạo lộ (nijjhāmā paṭipadā).

- Con đường giữa, là “trung đạo (majjhimā paṭipadā) [82] .

Trong bản Abhidhammatthasaṅgaha (Thắng pháp tập yếu) Ngài Anuruddha nêu ra 12 chi đạo vì 12 chi này có chi pháp rõ ràng, còn 3 chi tà ngữ, tà nghiệp, tà mạng, tà trí thì chi pháp không rõ ràng, hay chi pháp bất định.

Trong Tăng chi kinh, pháp 10 chi, với những bài kinh Rữa xương (dhovanaṃ suttaṃ), Y thuật (Tikicchakasuttaṃ), Mữa (vamanasuttaṃ); chúng ta tìm thấy có 16 chi đạo là:

*- Chánh đạo có 8 chi là: Chánh kiế, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh mạng, chánh nghiệp, chánh tinh tấn, chánh niệm và chánh định.

*- Tà đạo có 8 chi là: Tà kiến, tà tư duy, tà ngữ, tà nghiệp, tà mạng, tà ttinh tấn, tà niệm và tà định.

226 - Hỏi. Thế nào là chánh kiến (sammādiṭṭhi)?

Đáp: Chánh kiến là “thấy đúng, hiểu đúng”. Tức là thấy rõ tứ đế,

Hay thấy rõ, hiểu rõ, vị ngọt của pháp hành, nguy hại của ngũ uẩn và phương pháp ra khỏi pháp hành [83] .

Chánh kiến trong tu tập có 5 là:

- Thấy, biết rõ “nhân duyên” của danh sắc.

-Thấy rõ ba tướng.

- Trí trong tâm đạo “biết, thấy rõ” phiền não bị diệt trừ.

- Trí trong tâm Quả siêu thế, biết rõ  phiền não đã diệt trừ

- Trí trong tâm phản khán là “biết, thấy rõ” phiền não còn tồn tại, phiền đã diệt trừ xong.

Đối nghịch với chánh kiến là tà kiến (xemnhững loại tà kiến ở phần trước).

Ngoài ra thấy đảo ngược (diṭṭhi vipallāsa) như:

Những gì vô thường thấy là thường; những gì khổ thấy là lạc; những gì vô vô ngã thấy là ngã, những gì không trong sạch thấy là trong sạch [84] . Được xem là tà kiến.

Chi pháp chánh kiến là tâm sở Trí,  chi pháp tà kiến là tâm sở Tà kiến.

227 -Hỏi. Thế nào là Chánh tư duy (samāsaṅkappa)? Thế nào là tà tư duy?

Đáp. Chánh tư duy (sammā saṅkappa) là sự “suy gẫm đúng” tức là:

- Suy nghĩ đến ly dục.

- Suy nghĩ đến ly sân. Đồng nghĩa là tu tập tâm Từ

- Suy nghĩ đến ly hại.Đồng nghĩa là tu tập tâm Bi.

Đây là sự suy nghĩ thông thường bên ngoài, vì lấy đối tượng là 5 trần cảnh hay “chúng sinh”.

Chánh tư duy ở bên trong là:

- Suy gẫm về tính vô thường của năm uẩn.

- Suy gẫm về tính khổ của năm uẩn.

- Suy gẫm về tính vô ngã của năm uẩn.

- Suy ngẫm về tính không trong sạch của ngũ uẩn.

- Suy ngẫm về sự an tịnh.

- Suy gẫm về sự nguy hại của ngũ uẩn.

- Suy nghĩ về “ly tham”, “đoạn trừ”...

Đối nghịch với chánh tư duy là tà tư duy.

Tà tư duy là: Suy gẫm “tìm kiếm các dục lạc” (kāmavitakka); suy gẫm về hiềm hận (byāpādavitakka), suy gẫm về hại người (haṃsavitakka)[85].

Mặt khác, “suy gẫm thích thú với những tà thuyết” cũng là tà tư duy.

Chi pháp chánh tư duy và tà tư duy là tâm sở Tầm.

228 -Hỏi. Thế nào là Chánh ngữ (sammāvācā), tà ngữ (micchāvācā)?

Đáp. Chánh ngữ (sammāvācā) theo nghĩa đen là nói đúng.

Tức là xa lánh bốn ngữ bất thiện: nói dối, nói ác, nói hai lưỡi và nói hý luận (tức là nói những điều không thực hay tán thán những tà thuyết).

Ngoài ra, chánh ngữ là “những lời sự thật mang đến lợi ích và hợp thời” [86] . Hay là lời “dịu ngọt đúng pháp”.

Hoặc nói về giới - định - tuệ - giải thoát - giải thoát tri kiến.

Chánh ngữ bên trong là “xác định sự thật”.

“Nói” chỉ là biểu tượng bên ngoài của “khẩu môn”, nhưng bên trong ý môn “là xác nhận sự thật, chấp nhận sự thật”.

“Xác định đây là vô thường, khổ, vô ngã, đây là Niếtbàn”.

Hay “chấp nhận đây là vô thường, khổ...

Chính vì tính “xác định sự thật này” nên chánh ngữ trợ thành chi đạo trong tâm đạo.

Và cũng giải thích vì sao Ngài Añña Kondañña nghe kinh Chuyển pháp luân lần đầu, chứng quả Dự lưu, trong khi Ngài Añña Kondañña không hề nói lên lời nào.

Chi pháp của chánh ngữ là tâm sở Chánh ngữ.

Tà ngữ.

Trước tiên là những lời sai sự thật, lời ác bất thiện, như: nói dối, nói  lời tà thuyết “xác định sự thật là phi sự thật”, “phi sự thật là sự thật” ....

Chi pháp của tà ngữ bất định, có thể do tham điều sử.

Như: Vì tham lợi nên nói dối, nói đâm thọc, nói vu khống...

Có thể do sân điều sử. Như, vì đố kỵ hay bỏn xẻn nên nói dối...

Có thể tà kiến đêìu sử. Như không tán thán người không đáng tán thán, không tán thán người đáng tán thán....

Có thể do si điều sử. Như các Samôn, Bàlamôn do không thấu đáo quả của nghiệp nên tuyên bố lên ác kiến [87] .

Có thể do Mạn điều sử. Như do ngã mạn nên nói dối, chê bai không đúng sự thật...

229 -Hỏi. Thế nào là Chánh nghiệp (sammā kammanta)? Thế nào là Tà nghiệp (micchā kammata)

Đáp. Chánh nghiệp theo nghĩa đen là “việc làm đúng của thân”.

Như: thân không sát sinh, không trộm cắp, không tà hạnh trong dục, hoặc không làm năm nghề: buôn bán người, buôn bán thú, buôn bán vũ khí, buôn bán chất độc, buôn bán chất say.

Hay không bố thí chất độc, không bố thí chất say, không bố thí vũ khí, không bố thí tình dục ...

Ngoài ra, “việc làm đúng của thân” là thực hành những pháp thiện” như “bố thí, phục vụ, cung kỉnh...”. Đó là “việc làm đúng bên ngoài”.

Chánh nghiệp còn là “việc làm đúng bên trong”.

Như thế nào?

Là “tu tập tâm” và hướng tâm thoát khỏi luân hồi.

*-Tu tập tâm. Như có Phật ngôn:

Này các Tỳkhưu, tâm được tu tập, đưa đến lợi ích lớn [88]

Hay “ Có 2 pháp cần tu tập là : Chỉ và Quán [89] ...

*- Hướng tâm thoát khỏi luân hồi.

Là chứng đạt Nípbàn, diệt trừ phiền não thô từ thân, đưa tâm thoát khỏi luân hồi.

Điều này đã giải thích vì sao trong những tâm thiền hiệp thế không có tâm sở Chánh nghiệp phối hợp, trái lại trong tâm Đạo, tâm sở Chánh nghiệp xuất hiện như một chi đạo.

Đối nghịch với chánh nghiệp là tà nghiệp là “những việc làm sái quấy” như: sát sinh, trộm cắp, tà hạnh trong dục, cung kỉnh người đáng không cung kỉnh, cúng dường người không đáng cúng dường, thân cận kẻ xấu...

Chi pháp tà ngiệp cũng bất định như tà ngữ.

230 -Hỏi. Thế nào là Chánh mạng (sammā-ājīvā)? Thế nào là Tà mạng (micchā- ājīva)?

Đáp. Trước tiên Chánh mạng là “sự nuôi mạng đúng”, là “lánh xa sự nuôi mạng sái quấy”.

Nghĩa bóng của chánh mạng là “trong sạch tuyệt đối”.

Khi tâm trong sạch tuyệt đối, bấy giờ mới có khả năng nhận cảnh “trong sạch tuyệt đối” là Nípbàn.

Tâm thiền hiệp thế tuy trong sạch nhưng chưa tuyệt đối, vì còn nhận “cảnh trong đời”.

Và cũng vì thế nên những tâm này không có tâm sở Chánh mạng phối hợp.

Chi pháp của Chánh mạng là tâm sở Chánh mạng.

Đối nghịch với Chánh mạng là tà mạng. Chi pháp tà mạng cũng bất định như tà ngữ, tà nghiệp. Vì sao?

Vì sự nuôi mạng liên quan đến thân môn và ngữ môn; thân môn hay ngữ môn thực hàbnh sái quấy với mục đích nuôi mạng, bấy giờ trở thành tà mạng.

231 -Hỏi. Thế nào là Chánh tinh tấn (sammā vāyāma)? Thế nào là  Tà tinh tấn (micchā vāyāma)?

Đáp.  Chánh tinh tấn là “sự nổ lực, gắng sức đúng đắn”.

Như thế nào? Đó là:

- Cố gắng làm cho những thiện pháp chưa sinh được sinh khởi.

- Cố gắng làm cho những thiện pháp đã sinh khởi được tăng trưởng.

- Cố gắng làm cho những bất thiện pháp đã sinh bị diệt trừ.

- Cố gắng làm cho cácv bất thiện pháp chưa sinhkhông sinh khởi.

Hay: “nỗ lực tu tập để chứng đắc thiền định hoặc đạo quả siêu thế”.

Lại nữa, chánh tinh tấn là “cố gắng an trú tâm trong vô tướng định, vô nguyện định hay không tánh định”.

*- Tà tinh tấn là “cố gắng làm cho ác bất thiện pháp sinh khởi”, như: “cố gắng thực hành những khổ hạnh pháp” hay “cố gắng trộm cắp tài vật của người khác...”..

Chi pháp của chánh tinh tấn và tà tinh tấn đều là tâm sở Tinh tấn (viriya cetasika).

232 -Hỏi. Thế nào là Chánh niệm (sammā sati)? Thế nào là Tà niệm (micchā sati)?

Đáp. Chánh niệm là “sự chú ý ghi nhập đúng”. Hay “sự chú ý ghi nhận không có lầm lỗi”.

Tức là chú ý ghi nhận những đề mục thiền, hay những thực tính pháp: như khi đi ghi nhận là sắc đi, khi đứng ghi nhận là sắc đứng...

Trong kinh Tứ niệm xứ, khi ghi nhận thân - thọ - tâm – pháp.

Đức Phật dùng sati pajānāti (ghi nhận - biết rõ), hoặc sati sampajaññā (ghi nhận - tỉnh thức).

Còn trong Bát Chánh Đạo, Đức Phật dùng từ sammā sati (chánh niệm)

Điều này cho thấy chánh niệm ở đây, Đức Phật dạy “ghi nhận được Tam tướng”.

Niệm ở trong tâm thiện là tính thiện, ở trong tâm quả hay tâm duy tác là tính vô ký.

Tà niệm là “sự chú ý, ghi nhận theo khuynh hướng bất thiện”.

Như tên trộm ghi nhớ tài sản của người để trong đêm tối, lẽn đến lấy đi hoặc như Devadatta “chú ý lăn đá rơi xuống để sát hại Đức Phật”.

Chi pháp của tà niệm cũng bất định như tà ngữ, tà nghiệp, tà mạng.

233 -Hỏi. Thế nào là Chánh định(sammā samādhi)? Thế nào là Tà định (micchā samādhi)?

Đáp. Chánh định là “an trú tâm trong cảnh, làm phát sinh hay tăng trưởng pháp tốt đẹp (saddhamma).

Chánh định có ba loại là:

- Sátna định (khaṇika samādhi) có trong tâm thiện dục giới.

- Cận định (upacāra samādhi) có trong tâm thiện dục giới có trí.

- An chỉ định (appanā samādhi) có trong tâm thiền.

*- Chánh định có hai loại là: Định hiệp thế và định siêu thế.

- Định hiệp thế là định trong những tâm thiền hiệp thế, nhận cảnh là “chế định”, “danh sắc” hoặc “một trong ba tướng”.

- Định siêu thế là định trong những tâm siêu thế, nhận cảnh là Nípbàn.

*- Tà định là “an trú tâm trong cảnh làm phát sinh hay tăng trưởng bất thiện pháp” như an trú tâm trong dục lạc (sắc, thinh, hương, vị, xúc).

Nói cách khác, đó là tâm sở Nhất hành trong tâm Bất thiện.

Mặt khác, tà định là “an trú tâm trong những đề mục luyện chú thuật”.

Chi pháp của chánh định và tà định đều là tâm sở Nhất hành.

Dứt 16 chi đạo.

-ooOoo-

 

Bài 24.

Hai mươi hai quyền
(Bāvīsatindriyāni).

 

234 - Hỏi. Quyền (indriya) là gì? Có bao nhiêu quyền?

Đáp. Gọi là quyền vì những pháp này:

- Có sự “cai quản” những pháp khác, như: Nhãn quyền “cai quản sự thấy”...

- Có “khả năng kiểm soát” những pháp khác và điều khiển chúng cùng làm chung một việc như nó.

Như Tín quyền điều khiển các pháp đồng sinh cùng “hướng tâm tin”...

- Thoát ra khỏi “áp lực” của nghịch pháp.

Như: “Vị ấy đoạn trừ bất tín, đang tu tập tín quyền” [90] .

Sách Thanh tịnh đạo có giải thích indriya (quyền) có 5 ý nghĩa, như sau:

1’- Dấu hiệu của chủ tể.

Nghiệp là vị chủ tể, vì không có ai làm chủ các nghiệp; các quyền được sinh ra từ nghiệp, nên nói “là dấu hiệu của chủ tể”.

2’- Được chuẩn bị bởi vị chủ tể.

Là các quyền được nghiệp thiện hay nghiệp bất thiện chuẩn bị cho sinh khởi trong tương lai. Nên nói là “được chuẩn bị bởi vị chủ tể”.

3’- Được giảng bởi vị chủ tể.

Không ai làm hiển lộ được 22 quyền, ngoại trừ Đức Thế Tôn, nên nói “được giảng thuyết bởi vị chủ tể”.

4’- Được thấy bởi vị chủ tể.

Là không ai thấy trọn vẹn 5 quyền như Đức thế Tôn. Vì các bậc Thánh Thượng thủ chí đến Đức Độc giác không có trí “thấy các quyền mạnh hay yếu của chúng sinh”, chỉ có bậc Chánh giác mới có trí này.

5’- Được nuôi dưỡng bởi vị chủ tể.

Đức Thế Tôn biết rõ vật thực nào cho các quyền. [91]

Có bao nhiêu quyền?

Trong Tương ưng kinh, phẫm Tương ưng quyền (Indriyasaṃyuttaṃ), có nêu ra tất cả là 22 quyền, sắp xếp như sau:

*- Thọ quyền có 5 là :

- Lạc quyền (sukhindriya).

- Khổ quyền (dukkhindriya).

- Hỷ quyền (somanassindriya).

- Ưu quyền (domanassindriya).

- Và Xả quyền (upekkhindriya) [92]

*- Năm quyền khác là:

- Tín quyền (saddhindriya).

- Tấn quyền (viriyindriya).

- Niệm quyền (satindriya).

- Định quyền (samādhindriya).

- Tuệ quyền (paññindriya) [93] .

*- Sáu quyền khác là:

- Nhãn quyền (cakkhindriya).

- Nhĩ quyền (sotindiriya).

- Tỷ quyền (ghānindriya).

- Thiệt quyền (jīvhindriya).

- Thân quyền (kāyindriya).

-  Ý quyền (mānindriya) [94] .

*- Ba quyền khác là: Nữ quyền (iṭṭhindriya), nam quyền (purisindriya) và mạng quyền (jīvitindriya) [95] .

*- Ba quyền khác là: Vị tri quyền (anaññātanassāmītindriya), dĩ tri quyền (Aññindriya) và cụ tri quyền (Aññātāvindriya) (sđd).

Trong 22 quyền có: Nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, nữ và nam quyền (7 quyền) thuộc sắc pháp.

Năm thọ quyền + tín, tấn, niệm, định, tuệ , ý quyền, vị tri, dĩ tri và cụ tri quyền (14 quyền) thuộc danh pháp.

Mạng quyền có cả danh lẫn sắc.

235 . Hỏi. Bảy sắc quyền ra sao? Chi pháp 7 sắc quyền là gì?

Đáp. Bảy sắc quyền là:

1’- Nhãn quyền (cakkhundriya).

Là tinh chất của tứ đại nằm trong con mắt, cai quản các danh pháp trú trong con mắt, chỉ làm phận sự duy nhất là “thấy” mà thôi.

Do đó được gọi là “quyền”.

Chi pháp Nhãn quyền là “sắc thần kinh Nhãn”.  

2’- Nhĩ quyền (sotindriya).

Là tinh chất tứ đại nằm trong lỗ tai, cai quản các danh pháp đồng sinh trú trong lỗ tai, chỉ làm phận sự duy nhất là “nghe” mà thôi.

Do  đó được gọi là quyền.

Chi pháp là “sắc thần kinh Nhĩ”.

3’- Tỷ quyền (ghānidriya).

Là tinh chất tứ đại nằm trong lỗ mũi, cai quản các danh pháp đồng sinh trú trong mũi, chỉ làm phận sự duy nhất là “ngửi” mà thôi.

Do  đó được gọi là quyền.

Chi pháp là “sắc thần kinh Tỷ”.

4’- Thiệt quyền (jīvhindriya).

Là tinh chất tứ đại nằm trong lưỡi, cai quản các danh pháp đồng sinh trú trong lưỡi, chỉ làm phận sự duy nhất là “nếm” mà thôi.

Do  đó được gọi là quyền.

Chi pháp là “sắc thần kinh Thiệt”.

5’- Thân quyền (kāyindriya).

Là tinh chất tứ đại nằm trong thân, cai quản các danh pháp đồng sinh trú trong thân, chỉ làm phận sự duy nhất là “đụng chạm” mà thôi.

Do  đó được gọi là quyền.

Chi pháp là “sắc thần kinh Thân”.

6’- Nữ quyền (iṭṭhindriya).

Là loại sắc pháp có một chức năng duy nhất là “phô bày tướng nữ”, “thái độ nữ” mà thôi.

Như Kinh văn:

“Sắc nào của nữ, là nữ căn, tướng nữ, nết nữ, thái độ nữ, tánh hạnh nữ, trạng thái nữ. Đây gọi là nữ quyền” [96] .

Chi pháp nữ quyền là “sắc Nữ tính” (iṭṭhibhavarūpa).

7’- Nam quyền (purisindriya).

Là loại sắc pháp có một chức năng duy nhất là “phô bày tướng nam”, “thái độ nam” mà thôi.

Như Kinh văn:

“Sắc nào của nam, là nam căn, tướng nam, nết nam, thái độ nam, tánh hạnh nam, trạng thái nam. Đây gọi là “nam quyền” (sđd).

Chi pháp là “sắc Nam tính” (purisabhavarūpa)”.

236 - Hỏi. Mạng quyền ra sao? Chi pháp mạng quyền là gì?

Đáp. Jīvitindriya = jīvita (mạng sống) + indriya (cai quản, kiểm soát).

“Cai quản sư sống” hay “kiểm soát sự sống”, gọi là Mạng quyền.

Ngài Buddhaghosa trong tậpAtthasālinī có giải thích:

“Mạng quyền ví như nước nuôi dưỡng hoa sen được tồn tại” hay “như người nhũ mẫu bảo vệ hài tử” [97] .

Như vậy “bảo vệ những pháp đồng sinh với nó được tồn tại, gọi là Mạng quyền.”

Bộ Pháp Tụ vủa Tạng Diệu pháp có định nghĩa “Mạng quyền” như sau:

“Pháp là sự thọ mạng, sự duy trì, sự nuôi sống, sự nuôi dưỡng, sự tồn tại, sự gìn giữ... Đây gọi là “Mạng quyền” [98] .

Mạng quyền có 2 loại : Sắc mạng quyền và danh mạng quyền (tâm sở Mạng quyền).

*- Sắc Mạng quyền (jīvitindriyarūpa).

Có định nghĩa về sắc Mạng quyền như sau:

“Sắc nào là sự thọ mạng, sự duy trì, sự nuôi sống, sự nuôi dưỡng... sự sống còn, quyền sống còn của sắc pháp. Đây gọi là “sắc mạng quyền [99] .

Có hai loại sắc Mạng quyền.

- Sắc Mạng quyền tuổi thọ chúng sinh.

Là loại Mạng quyền duy trì “kiếp sống của chúng sinh trong cõi sắc uẩn”.

Như sắc Mạng quyền của người Vô tưởng duy trì kiếp sống là 500 kiếp địa cầu, sắc Mạng quyền của chư thiên cõi Đao lợi là 36 triệu năm tính theo nhân loại...

- Sắc Mạng quyền của các sắc nghiệp.

Là “bảo vệ các pháp đồng sinh tròn đủ 51 sátna tiểu”.

Như sắc Mạng quyền trong các sắc nghiệp : Nhãn, nhĩ, tỷ... [100]

Chi pháp là sắc Mạng quyền.

*- Danh Mạng quyền.

Là loại mạng quyền bảo vệ đời sống danh pháp tồn tại đủ 3 sátna tiểu (sinh - trụ - diệt).

Danh Mạng quyền cũng có 2 loại:

- Danh Mạng quyền trong dòng tâm hữu phần.

Là loại danh Mạng quyền duy trì “đời sống tâm thức tròn đủ tuổi thọ của kiếp sống”.

- Danh Mạng quyền trong những sátna tâm khách quan (ngoài tâm hữu phần).

Là loại danh Mạng quyền duy trì đời sống một cái tâm tròn đủ 3 sátna tiểu.

Chi pháp là tâm sở Mạng quyền.

237 -Hỏi. Thế nào là lạc quyền (sukhindriya)? Chi pháp là gì?

Đáp.  Ngài Buddhaghosa trong sách Atthasālinī (Chú giải bộ Pháp tụ), có giải thích từ sukha với 5 ý nghĩa:

“Sukhavedanā-sukhamūla-sukhārammaṇa-sukhahetu-sukhapaccayaṭṭhāna” [101] .

1- Sukha là “thọ nhận cảm giác sãng khoái” (sukhavedanā).

Như “Sơ  thiền là trạng thái hỷ lạc do ly dục sinh [102] .

2- Là “nguồn gốc an lạc” (sukhamūla). Như:

“Sukho buddhānaṃ: Hạnh phúc thay chư Phật xuất hiện” [103]

3- Là “cảnh an lạc” (sukharammaṇa), như:

“Này Mahāli, vì rằng sắc là lạc, rơi trên lạc, nhập cuộc với lạc...” [104] .

4- Là “nhân an lạc” (sukhahetu). Như

“Các thiện nghiệp là nguồn an lạc”, “tài sản phát sinh đúng pháp là nguồn an lạc”... [105]

5- An lạc đồng nghĩa với Nípbàn. Như

Nibbānaṃ paramaṃ sukhaṃ: Nípbàn là hạnh phúc cao tột” [106]

Trong 5 loại sukha (lạc) trên, lạc quyền ở đây chỉ cho thọ lạc.

Lạc quyền (sukhindriya).

Là “cai quản, kiểm soát” các pháp đồng sinh cùng làm chung việc hưởng thụ cảm giác sãng khoái, dễ chịu của thân.

Như Kinh văn ghi:

“Ở đây, lạc quyền là thế nào?

Cái chi là sự sảng khoái thuộc về thân, sự dễ chịu thuộc về thân... sự cảm giác sãng khoái dễ chịu sinh từ thân xúc. Đây gọi là lạc quyền [107] .

Lạc quyền nổi bật nhất là Lạc Tam thiền.

Chi pháp Lạc quyền là tâm sở Thọ (lạc) thuộc về thân [108] .

238 - Hỏi. Thế nào là khổ quyền (dukkhindriya)? Chi pháp là gì?

Đáp. Khổ rất có nhiều loại, nhưng ở đây chỉ cho thọ khổ, ngược với thọ lạc.

Khổ quyền (dukkhindriya).

Là “cai quản, kiểm soát” các pháp đồng sinh cùng làm chung việc đón nhận sự đau đớn của thân.

Như Kinh văn ghi:

Ở đây, khổ quyền là thế nào?

“Cái chi là sự bất an thuộc về thân, sự khó chịu thuộc về thân...sự cảm giác bất an, khó chịu sinh từ thân xúc. Đây gọi là khổ quyền (sđd).

Chi pháp khổ quyền là tâm sở thọ (khổ) thuộc về thân [109] .

239 -Hỏi. Thế nào là hỷ quyền (somanassindriya). Chi pháp là gì?

Đáp. Somanassa = su (tốt đẹp)+ manassa (của tâm).

“Hỷ” là trạng thái “vui thích, thích thú, hân hoan “của tâm”.

Ngài Buddhaghosa trong sách Atthasālini [110] có cho ví dụ về lạchỷ như sau:

Ví như người đi trong sa mạc, bị nóng bức thân, môi khô. Người ấy thấy hồ nước trong mát, tâm hân hoan vui thích (ví như thọ hỷ). Đến hồ nước, người ấy xuống hồ tắm rữa, uống nước, rồi lên ngồi dưới gốc cây có bóng mát lớn, thân tâm thư thái (ví như thọ lạc).

Hỷ quyền (somanassindriya).

Là cai quản, kiểm soát các pháp đồng sinh, cùng đón nhận “sự thích thú, sự hài lòng” của tâm.

Kinh văn có ghi:

Ở đây, hỷ quyền là thế nào?

Cái chi là sự sảng khoái thuộc về tâm, sự dễ chịu thuộc về tâm... sự cảm giác sãng khoái dễ chịu sinh từ tâm xúc. Đây gọi là hỷ quyền.

Chi pháp hỷ quyền là tâm sở thọ (hỷ) có trong những tâm thọ hỷ.

240 - Hỏi. Thế nào là ưu quyền (domanassindriya)? Chi pháp là gì?

Đáp. Domanassa = du (khó chịu) + manassa.

Ưu là trạng thái “không hân hoan, không hài lòng, khó chịu” của tâm.

Ưu quyền (domanassindriya).

Là cai quản, kiểm soát các pháp đồng sinh, cùng có trạng thái buồn chán, không hài lòng, bất mãn, khó chịu.

Có Kinh văn sau:

Ở đây, ưu quyền là thế nào?

Cái chi là sự bất an thuộc về tâm, sự khó chịu thuộc về tâm... sự cảm giác bất an, khó chịu sinh từ tâm xúc. Đây gọi là ưu quyền.

Chi pháp là tâm sở thọ (ưu) trong 2 tâm sân.

241 - Hỏi. Thế nào là xả quyền (upekkhindriya)? Chi pháp là gì?

Đáp. Xả là “thản nhiên”, hay “quân bình tâm đối với cảnh”.

Xả quyền (upekkhindriya). Là cai quản, kiểm soát các pháp đồng sinh, cùng làm chung việc “thản nhiên trước đối tượng”.

Có kinh văn sau:

Ở đây, xả quyền là thế nào?

Cái chi là sự không vui không buồn thuộc về tâm, trạng thái không khổ không lạc sinh từ tâm xúc. Đây gọi là xả quyền.

Xả quyền tối thắng nhất là thọ xả trong những tâm thiền.

Chi pháp là tâm sở thọ (xả) trong những tâm thọ xả.

242 - Hỏi. Ý quyền(manindriya) ra sao? Chi pháp là gì?

Đáp. Ý quyền là cai quản, kiểm soát các pháp đồng sinh, cùng làm chung công việc là “biết cảnh”.

Chi pháp ý quyền là “tất cả tâm”.

243 - Hỏi. Ý nghĩa củaTín quyền (saddhindriya) ra sao? Chi pháp là gì?

Đáp. “Tín” (saddhā) có nghĩa là “hướng tâm tin” hay “trong sạch nơi đối tượng”.

Khi “hướng tâm tin” này trở nên mãnh liệt, bấy giờ trở thành “quyền”.

Tín quyền có nghĩa là “cai quản các pháp đồng sinh cùng làm chung việc “tin tưỡng mãnh lịệt nơi Tam bảo”.

Paṭi sambhidāmagga có giải thích:

“Adhimokkhaṭṭhena saddhindriyaṃ abhiññeyyaṃ:

“Nên hiểu  tín quyền với ý nghĩa “vững chắc” [111] .

Như vậy, “tín quyền” là sự “sự tin tưởng vững chắc (adhimokkha) nơi Tam bảo”.

Niềm tin thì có nhiều như tin Phật, tin pháp,  tin tăng, tin học giới...

Nhưng khi nói đến tín quyền thì phải đề cập đến “niềm tin nơi Tam Bảo”.

Đức Phật có dạy:

“Kattha saddhindriyaṃ daṭṭhabbaṃ?

“Cần tìm tín quyền ở đâu?”

Catūsu sotāpattiyaṇyesu ettha saddhindriyaṃ daṭṭhabbaṃ:

“Cần phải tìm tín quyền ở bốn chi phần của bậc Dự lưu” [112] .

Bốn chi phần của bậc Dự Lưu là:  “Niềm tin bất động nơi Tam bảo và 5 giới hoàn toàn trong sạch”.

Trước sátna đắc Dự lưu đạo, tín quyền là “niềm tin mãnh liệt nơi Tam bảo”.

Trong sátna đắc đạo Dự lưu, tín quyền  được xem là “niềm tin vững chắc nơi Pháp”.

Sau sátna Dự lưu Đạo, tín quyền là “niềm tin kiên cố nơi Tam bảo”.

Những niềm tin sai lạc tuy rất mãnh liệt, nhưng không thể trở thành tín quyền.

Vì sao?

Vì không có chi pháp rõ ràng, như những người “thờ cúng những linh thú, ngẫu tượng, lửa ... tin rằng nó đem lại  hạnh phúc”, đó là “tà kiến”, không phải “đức tin” thật sự.

Hạnh phúc là quả lành, quả lành có được là do thực hành thiện nghiệp trong quá khứ hay trong hiện tại, sự lễ bái linh thú, các ngẫu tượng... không thể mang lại hạnh phúc, vì chúng không phải là những đối tượng “có ân đức” [113] .

Hay tin mãnh liệt vào những môn “chú thuật”, đó là “tà tầm, tà tưởng đi chung với tâm Tham”...

Trong bộ Phân tích (vibhaṅga) của Tạng Diệu pháp, trong phần Phân tích Quyền, phần vấn đáp có nêu rõ: “Bốn quyền có thể là thiện, có thể là vô ký”(sđd số 242).

Bốn quyền đó là “tín quyền, niệm quyền, tuệ quyền và Dĩ tri quyền”.

Khi trong tâm thiện là thiện, khi trong tâm vô ký là pháp vô ký.

Rõ ràng Tín quyềrn không thể là bất thiện.

Có 3 pháp nuôi dưỡng “đức tin” để trở thành tín quyền là:

“Assaddhe puggale parivajjayato.

- Xa lánh người vô tín (là người không có niềm tin nơi Tam bảo).

Saddhe puggale sevato bhajato payirupāsato.

- Thân cận, cung kỉnh và học tập nơi người có đức tin.

Pasādanīye suttante paccavekkhato”.

- Suy gẫm và quán xét các bài kinh [114] .

Chi pháp Tín quyền là tâm sở Tín.

244 - Hỏi. Thế nào là Tấn quyền (viriyindriya)? Chi pháp là gì?

Đáp. Viriya là “sự cố gắng”, từ đồng nghĩa với tấn quyền là viriyārambha (siêng năng với sự nỗ lực) hay ātāpa (nhiệt tâm)...

Tấn quyền là “cai quản các pháp đồng sinh, cùng làm chung một việc “gắng sức”. Gắng sức như thế nào?

- Gắng sức đẩy lùi tham dục.

- Gắng sức cắt đứt “những trói buộc”.

- Gắng sức “đến bờ kia”

- Gắng sức thành đạt được mục đích ...

Như có một nhóm người cùng chung sức đẩy tảng đá lớn sang một bên, Một người ra lịnh “lên”, tất cả đồng nỗ lực đẩy tảng đá. Người ra lịnh ví như tấn quyền.

Sách “Vô ngại giải đạo” (Paṭisambhidāmagga) có giải thích:

“Paggahaṭṭhena vīriyindriyaṃ abhiññeyyaṃ:

“Nên hiểu Tấn quyền trong ý nghĩa nỗ lực”(sđd, Trí ngữ, câu số 19).

Tấn quyền có 2 loại:

- “Cố gắng thực hành những ác pháp, cố gắng thực hành những phương pháp khổ hạnh sai lệch như “hạnh con chó, hạnh con bò...”, gọi là tà tinh tấn hay “tà tấn quyền”.

Ví như chúa cướp ra lịnh, nhóm tùy tùng xông vào làng mạc, cướp phá tài sản, giết người...

- “Cố gắng thực hành những thiện pháp, cố gắng thực hành để diệt các ác bất thiện pháp, cố gắng thực hành trung đạo”, gọi là “chánh tấn quyền”.

Bộ Phân tích trong tạng Diệu pháp có giải thích:

“Sáu quyền có thể là thiện, có thể là bất thiện, có thể là vô ký (Vph2, số 243).

Sáu quyền đó là: Ý quyền, hỷ quyền, xả quyền, Mạng quyền, tấn quyền và định quyền.

Về tấn quyền (thiện), chính là bốn pháp chánh cần (sammappadhāna). Như Đức Phật dạy:

Kattha viriyindriyaṃ daṭṭhabbaṃ?

“Cần tìm tấn quyền ở đâu?”

Catūsu sammappadhānesu ettha vīriyindriyaṃ daṭṭhabbaṃ:

“Cần phải tìm tấn quyền ở bốn chi Chánh cần”(sđd, s.v, 196).

Có 3 pháp nuôi dưỡng tấn quyền là:

Kusīte puggale parivajjayato,

“Lánh xa người lười nhát”.

Āraddhavīriye puggale sevato bhajato payirupāsato.

- “Thân cận, cung kính, học tập  các bậc tinh cần”.

Sammappadhāne paccavekkhato”

“Thường quán xét về 4 pháp chánh cần” (sđd. Pts, số 19)

Chi pháp của Tấn quyền là tâm sở Tinh tấn

245 - Hỏi. Thế nào là niệm quyền (satindriya)? Chi pháp là gì?

Đáp. Sati là “ghi nhớ, ghi nhận, chú ý rõ ràng”.

Niệm quyền (satindriya). Là cai quản các pháp đồng sinh, cùng làm chung việc “ghi nhận rõ đối tượng”.

Sách Paṭisambhidāmagga (Vô ngại giải đạo) có giải thích:

Upaṭṭhena satindriyaṃ abhiññeyyaṃ:

“Nênhiểu niệm quyền trong ý nghĩa “khắn khít (upa)” (sđd, số 19).

Tương tự như tín quyền, niệm quyền chỉ có 2 tính: Thiện và Vô ký.

Đức Phật dạy:

Kattha satindriyaṃ daṭṭhabbaṃ?

“Cần tìm niệm quyền ở đâu?”

Catūsu satipaṭṭhānesu ettha satindriyaṃ daṭṭhabbaṃ:

“Cần phải tìm niệm quyền ở bốn niệm xứ”(sđd, s.v, 196).

Có 3 pháp nuôi dưỡng Niệm quyền là:

Muṭṭhassatī puggale parivajjayato;

“Xa lánh người lơ đểnh”.

Upaṭṭhitassatī puggale sevato bhajato payirupāsato:

“Thân cận, cung kỉnh, học tập người có niệm”.

Satipaṭṭhāne paccavekkhato:

“Thường quán xét các pháp niệm xứ” (sđd).

Chi pháp niệm quyền là tâm sở Niệm.

246 - Hỏi. Thế nào là Định quyền (samādhindriya)? Chi pháp là gì?

Đáp. “Định” (samādhi) là tên gọi của tâm sở Nhất hành, khi tâm tâm sở này phát huy được sức mạnh.

Khi chưa đù sức nạnh, tâm sở Nhất hành chỉ có khả năng “gom tâm cùng các tâm sở trên đối tương hay đề mục”.

Khi có sức mạnh, tâm sở Nhất hành có khả năng “vượt qua chướng ngại để hòa nhập vào ấn tướng”, gọi là “đắc định”.

Định quyền”. Là cai quản các pháp đồng sinh cùng hòa nhập vào đối tượng.

Sách Vô ngại giải đạo có giải thích:

Avikkhepaṭṭhena samādhindriyaṃ abhiññeyyaṃ:

Nên hiểu định quyền với ý nghĩa là “không loạn động”.

Tương tự như tấn quyền, định quyền cũng có thể rơi vào tà pháp, là tà định, thật ra, chưa hẳn tâm sở Nhất hành là một đối với cảnh. Nhưng nó có sức ạmnh “dán chặt tâm cùng các pháp đồng sinh trên một đối tượng”.

Như trường hợp người lắng nghe âm nhạc, quên cả mọi việc chung quanh...

Đối với Định quyền chân chánh, Đức Phật dạy:

Kattha samādhindriyaṃ daṭṭhabbaṃ?

“Cần tìm định quyền ở đâu?”

Catūsu jhānesu ettha samādhindriyaṃ daṭṭhabbaṃ:

“Cần phải tìm niệm quyền ở bốn thiền chứng”(sđd, s.v, 196).

Sách Vô ngại giải Đạo nêu ra “pháp nuôi dưỡng định quyền là:

Asamāhite puggale parivajjayato:

“Lánh xa người tâm không an trú”.

Samāhite puggale sevato bhajato payirupāsato:

“Thân cận, cung kỉnh, học tập nơi người có định nhập”.

Jhānavimokkhe paccavekkhato:

“Suy xét về thiền tịnh và giải thoát”.

Chi pháp của Định quyền là tâm sở Nhất hành.

247 - Hỏi. Thế nào là Tuệ quyền (paññindriya)? Chi pháp là gì?

Đáp. Paññā là tên gọi khác của trí,  tuệ là sự “hiểu biết trọn vẹn”.

Tuệ quyền (paññindriya). Là cái quản các pháp đồng sinh, cùng làm chung việv “hiểu rõ pháp”.

Sách Vô ngại giải đạo có giải thích:

Dassanaṭṭhena paññindriyaṃ abhiññeyyaṃ:

“Nên hiểu tuệ quyền với ý nghĩa “thấy rõ”.

Tương tự như Tín quyền, Niệm quyền; Tuệ quyền chỉ có 2 tính : Thiện và vô ký.

Đức Phật dạy:

Kattha paññindriyaṃ daṭṭhabbaṃ?

“Cần tìm tuệ quyền ở đâu?”

Catūsu ariyasaccesu ettha paññindriyaṃ daṭṭhabbaṃ:

“Cần phải tìm Tuệ quyền ở bốn Thánh đế”(sđd, s.v, 196).

Pháp nuôi dưỡng tuệ quyền là:

Duppaññe puggale parivajjayato:

- Lánh xa người ác tuệ (ám chỉ người tà kiến).

Paññavante puggale sevato bhajato payirupāsato:

- Thân cận, cung kỉnh, học tập theo bậc trí

Gambhīrañāṇacariyaṃ paccavekkhato:

- Quán xét những pháp thâm sâu” (sđd).

Pháp thâm sâu là những pháp dẫn đến giác ngộ.

Chi pháp của tuệ quyền là tâm sở Trí.

248 - Hỏi. Thế nào là  “đương tri vị tri quyền (anaññātaññassāmītindriya)? Chi pháp là gì?

Đáp. Anaññātaññassāmitindriya = na+aññata+ ñanassāmi + t + indriya.

Na (không) + aññāta (hiểu biết) = anaññāta nghĩa đen là “không hiểu biết”.

Nhưng tiếp theo sau là:

Ñānassa (đang thông suốt, đang hiểu rõ)+ ami (rộng lớn, không bờ bến) = ñānassāmi.

Đương tri vị tri quyền, gọi tắt là “vị tri quyền”, nghĩa là “biết điều chưa từng biết.

Ám chỉ “hiểu biết trạng thái Nípbàn lần đầu tiên”.

Vi tri quyền là “cai quản các pháp đồng sinh cùng hiểu biết cái chưa từng biết”. Bộ Pháp tụ có định nghĩa “vị tri quyền” như sau:

Trí biết pháp chưa từng biết, thấy pháp chưa từng thấy, chứng đạt pháp chưa từng chứng đạt, hiểu pháp chưa từng hiểu...” [115]

Chi pháp “vị tri quyền” là tâm sở Trí trong tâm Sơ đạo.

249 -Hỏi. Thế nào là tri dĩ tri quyền (aññidriya)? Chi pháp là gì?

Đáp. Aññindriya = añña + indriya.

Añña = ā (tuyệt hảo) + ngữ căn ñā (hiểu biết).

Aññindriya là chỉ cho “trí hiểu rõ Nípbàn đã từng biết”.

Tức là ám chỉ cho trí trong 6 tâm Siêu thế từ tâm Sơ quả đến tâm Alahán Đạo.

Bộ Pháp tụ có định nghĩ “tri dĩ tri quyền” như sau:

“Đối với các pháp được tác chứng, được hiểu, được thấy, được thông, được chứng đắc, trí hiểu rõ...” (sđd, số 273).

Chi pháp “tri dĩ tri quyền” là tâm sở Trí trong 6 tâm Siêu thế từ tâm Sơ quả đến tâm Alahán đạo.

250 - Hỏi. Thế nào là tri cụ tri quyền (aññātāvidriya)? Chi pháp là gì?

Đáp. Trí trong tâm Thánh quả Alahán gọi là “tri cụ tri quyền”, nghĩa là “hiểu trọn vẹn cái từng biết”.

Bộ Pháp tụ có định nghĩa “Cụ tri quyền” như sau:

Đối với các pháp đã thấu triệt, có sự hiểu rõ hoàn toàn...” (sđd, số 471).

Chi pháp “Cụ tri quyền” là tâm sở Trí trong tâm Thánh quả Alahán.

251 - Hỏi. Hai mươi hai quyền có bao nhiêu là thiện? Bao hiêu là bất thiện? bao nhiêu là vô ký? Bao nhiêu là siêu thế? Bao nhiêu là hiệp thế?

Đáp. Bộ Phân tích trong Tạng Diệu pháp [116]  có ghi nhận:

“Mười quyền là vô ký; ưu quyền là bất thiện; vị tri quyền là thiện.

Bốn quyền có thể là thiện, có thể là vô ký.

Sáu quyền có thể là thiện, có thể là bất thiện, có thể là vô ký”.

Giải thích:

*- Mười quyền là vô ký. Đó là 7 sắc quyền + Lạc quyền + Khổ quyền + Cụ tri quyền.

*- Ưu quyền có trong 2 tâm sân là nhất định nên là bất thiện. Ngoài ra là bất định nên không thể nói là “thiện hay bất thiện”.

*- Bốn quyền có thể là thiện có thể là vô ký. Đó là Tín quyền, Niệm quyền, Tuệ quyền và Dĩ tri quyền.

Khi bốn quyền này hợp trong tâm thiện là thiện, hợp trong tâm Vô ký là vô ký.

*- Sáu quyền. Đó là Hỷ quyền, Xả quyền, Mạng quyền, Ý quyền, Tấn quyền, Định quyền.

Trong 22 quyền có:

- Ba quyền là Siêu thế, là : Vị tri quyền, dĩ tri quyền và cụ tri quyền.

- Mười quyền có khi là Siêu thế, có khi là hiệp thế, đó là: Mạng quyền, ý quyền, tín, tấn, niệm, định, tuệ, lạc, hỷ  và xả quyền.

-Chín quyền là hiệp thế, là: 7 sắc quyền, khổ và ưu quyền.

Dứt 22 quyền.

-ooOoo-

 

 



 [1] - Đức Nārada- Ô. Phạm Kim Khánh (d) – Vi Diệu pháp toát yếu, tr.387.

 [2] - S.v, 145, tương ưng Niệm xứ (Satipaṭṭhānasaṃyuttaṃ), kinh đống bất thiện (Akusalarāsisuttaṃ).

 [3] - A.iii, 63, Pháp 5 chi, phẩm triền cái, kinh ngăn chặn.

 [4] - S.v, 96, tương ưng Giác chi (Bojjhaṅgasaṃyuttaṃ), kinh Chướng ngại (Nīvaraṇasuttaṃ).

 [5] - ĐĐ Giác Chánh. Vi Diệu pháp Nhập môn.

 [6]  S.v, 60, Tương ưng đạo (Maggasaṃyuttaṃ), kinh các chướng ngại (nīvaraṇasuttaṃ).

 [7] - S.v, 108. Tương ưng Giác chi, kinh Pháp môn (pariyāyasuttaṃ)

 [8] - A.iii, 16. Pháp năm chi, kinh Các uế nhiễm (upakkilesāsuttaṃ).

 [9] - Dhs. Câu số 748.

 [10]  - Đức Bưu Chơn – Kho tàng Pháp học.

 [11] - Sớ giải kinh tăng chi, pháp một chi (A.i, 3), phẩm đoạn triền cái (), kinh tịnh tướng () 

 [12] - S.v, 64. Kinh Thân (kāyasuttaṃ).

 [13] - Đức Bửu Chơn – Kho tàng pháp bảo, tr. 90

 [14] - Đức Nārada.Ô. Phạm Kim Khánh (d) – Vi Diệu Pháp toát yếu, tr. 121.

 [15] -  Dhs. Câu số 751.

 [16] - S.v, 64. Tương ưng Giác chi, kinh Thân.

 [17] - A.iv, 85. Pháp 7 chi, kinh ngủ gục (pacalāyamānasuttaṃ).

 [18] - M.i, kinh Saccaka đại kinh (Mahāsaccakasuttaṃ)

 [19]  - Đức Nārada- Ô. Phạm Kim Khánh (d). Vi Diêu Pháp toát yếu, tr. 30 – 118.

 [20] - Đức Tịnh Sự (d). Dhs, phần tụ cái (Nīvaraṇagocchakaṃ), số 752.

 [21]  S.iii, 106.Tương ưng uẩn (khandhasaṃyutta), kinh Tissa

 [22] - Dhs. Câu số 753.

 [23] - M.i, kinh Tâm hoang vu (cetokhilasuttaṃ).

 [24] - D.i,  kinh Samôn quả.

 [25] - S.v, 64. Tương ưng Giác chi, kinh Thân.

 [26]  - A.i, 188, pháp 3 chi, kinh Các vị ở Kesaputta.

 [27] - M.ii, kinh Tevijja vacchagottasuttaṃ).

 [28] - A.i, 160, pháp 3 chi, kinh Vacchgotta (Vacchagottasuttaṃ)

 [29] -  Thiền Sư U Sīlānanda. Tỳ khưu Khánh Hỷ (Trần Minh Tài) (d). Kinh Đại Niệm xứ, tr.163.

 [30] - Dhs. Phần tụ cái (nīvaranagocchaka), số 753.

 [31] - S.iii,9. Tương ưng Uẩn (Khandhasaṃyuttaṃ), kinh Hāliddikāni (Hāliddikānisuttaṃ).

 [32] - Dhp, câu số 277

 [33] - Vbh II, số 844. (Đại trưởng lão Tịnh Sự dịch – tr.533) 

 [34] - Đại trưởng lão Tịnh Sự (soạn); Siêu lý Sơ học.

 [35] - Abhs. Chương VII.  A.iv, 9. Pháp 7 chi, kinh Tùy miên (anusayasuttaṃ)

 [36] - DhpA. Câu số 215.

 [37] - A.iv, 1o. Pháp 7 chi, kinh Gia đình (kulasuttaṃ).

 [38]  – HT. TMC (d). A.v, 116, pháp 10 chi, phẩm VII, kinh Hữu ái (bhavataṅhāsuttaṃ).

 [39] - A.i, 122. Pháp ba chi, kinh chất chứa (Saṅkhārasuttaṃ).

 [40] - A.i, 123. Pháp ba chi, kinh vết thương làm mủ (Vajirūpamasuttaṃ).

 [41] - Xem DhpA, câu số 5.

 [42] - Đại trưởng lão Tịnh Sự (d)- Vbh II. Tiểu Tông phân tích (khuddakavatthuvibhaṅga), số 849 .

 [43] -  A.iii, 71. Pháp 5 chi; kinh Sự kiện cần quán sát (Abhiṇhapaccavekkhitabbaṭhānasuttaṃ).

 [44] - A.i, 145. Pháp ba chi, kinh Được nuôi dưỡng tế nhị (sukhumālasuttaṃ)

 [45] - Tỳkhưu Siêu Minh (d)- Chú giải bộ Phân tích; tr. 729.

 [46] - A.i, 281 .Pháp 3 chi, kinh Anuruddha 2 (Dutiya Anuruddhasuttam.). Và khi ấy Đức Anuruddha chỉ đạt được tầng Thánh thứ ba, là bậc Anahàm.

 [47] - A.v, 113,pháp 10 chi, phẩm VII, kinh Vô minh (avijjāsuttaṃ).

 [48] - A,iii, 434. Pháp 6 chi, kinh Ngày và đêm (Rattidivasasuttaṃ).

 [49] - A.iii, 169. Pháp 5 chi; kinh Tại rừng Tikaṇḍakī (Takaṇḍakīsuttaṃ).

 [50] - A.iv, 70. Pháp 7 chi. Kinh Sinh thú của loài người (purisagatisuttaṃ).

 [51] - A.iii, 444 . Pháp 6 chi, kinh Không có hạn chế (atammayasuttaṃ).

 [52] - A.iv, 67. Pháp 7 chi, kinh Không tuyên bố (Abyākatasuttaṃ).

 [53] - S.iv, 281. Tương ưng Citta, kinh Kiết sử (saṃyojanasuttaṃ)

 [54] - M.ii, Kinh ví dụ con chim cáy (Laṭukikopamasuttaṃ).

 [55] - ĐĐ Giác Chánh (biên soạn); Vi Diệu pháp nhập môn, tr.213.

 [56] - HT. TMC (d). Dhp, câu 345 – 346.

 [57] - A.v, 17. Pháp 10 chi, Kinh các  Kiết sử (saṃyojanasuttaṃ).

 [58] - A.v, 16. Pháp 10 chi, kinh Các kiết sử (Saṃyojanasuttam.)

 [59]  A.iv, 70, Pháp 7 chi. Kinh Sinh thú của loài người (purisagatisuttaṃ).

 [60] - Đức Tịnh Sự (d), Dhs, phần tụ triền (saññojanagocchakaṃ), số 719.

 [61] - Đức Nārada.Ô. Phạm Kim Khánh (d)- Vi Diệu pháp toát yếu, tr. 120.

 [62] - Đức Tịnh sự (d). Dhs, phần tụ triền, số 727.

 [63] - HT. TMC (d). A.ii, 202, pháp ba chi, kinh Mallikā (Mallikāsuttaṃ).

 [64] - S.ii, 214. Tương ưng Kassapa, kinh Trú xứ.

 [65] - Dhs. Phần tụ triền, số 728.

 [66] - A.iv, pháp 8 chi, kinh Tướng quân Sīha.

 [67] - DhpA. Câu số 50.

 [68] - ĐĐ Khải Minh (d) - Giải Mẫu đề tam.

 [69] - Dhp. số 88. 

 [70] - HT. TMC (d)- S.iii, 234. Tương ưng phiền não, kinh Uẩn (khandhasuttaṃ).

 [71]  – S.v, 92. Tương ưng Giác chi, kinh Cấu uế (upakkilesasuttaṃ).

 [72] - Đai trưởng lão Tịnh sự (d). Dhs.  Phần tụ phiền (kilesagocchakaṃ), số 791.

 [73] - HT. TMC (d). Dhp. Câu số 213.

 [74] - Đai trưởng lão Tịnh sự (d). Dhs.  Phần tụ phiền (kilesagocchakaṃ), số 962 .

 [75] - Đức Nārada(soạn). Ô. Phạm Kim Khánh (d). Vi diệu pháp toát yếu, tr. 62.

 [76] - Abhs . Chương VII, Missasaṅgaho (Hổn hợp tập yếu).

 [77] -  HT. TMC (d). D.iii, kinh Đế thích sở vấn (Sakkapañhāsuttaṃ)

 [78] - HT. TMC (d). A .i, 168, pháp ba chi, kinh Sangārava (saṅgāravasuttaṃ)

 [79]  S.i, 78. Tương ưng Kosala (Kosalasaṃyuttaṃ), kinh Bện tóc (sattajaṭilasuttaṃ).

 [80] - Đức Nārada (soạn).Ô. Phạm Kim Khánh (d). Tr. 396. 

 [81] -S.iii, 106, Tương ưng Uẩn (khandhadamyutta), phẫm 4, kinh Tissa (Tissasuttaṃ)

 [82] - A.i, 295 ,pháp 3 chi, kinh Đạo lộ (paṭipadāsuttaṃ)

 [83] - A.i 258. Pháp 3 chi, kinh Trước khi giác ngộ.

 [84] - A.ii, 52, kinh Tưởng điên đảo. 

 [85] - M.i, kinh Song tầm (Dvedhāvitakkasutta).

 [86] - M. ii. Kinh Vương tử Abhaya (Abhayarājakumārasutta).

 [87] - M.i, Kinh Đại nghịệp phân biệt.

 [88] ‑A.5. Pháp một chi, Kinh Tâm không tu tập.

 [89] - D.iv. Kinh Thập thượng (dasuttarasuttaṃ)

 [90] - Pts. Luận đề Quyền (indriyakathā), số 4.

 [91] - Sư cô Thích nữ Trí Hải (d). Vsm II. Chương XVI: Mô tả về Quyền, tr. 836.

 [92] - S.v, 207 . Tương ưng quyền , kinh Thanh tịnh.

 [93] - S.v, 193.

 [94] - S.v, 205.

 [95] - S.v, 204.

 [96] - Đại trưởng lão Tịnh Sự (d). VbhII. Quyền phân tích, số 238.

 [97] - ĐĐ Siêu Minh (d). Atthasālinī (Chú giải Bộ Pháp Tụ),  Phần IV, chương I, tr.257.

 [98] - Đậi trưởng lão Tịnh Sự (d). Dhs. số 214.

 [99] - Đức Tịnh Sự (d). Dhs. 

 [100]  - Nghiệp tạo ra 9 sắc là : 5 sắc thần kinh, 2 sắc tính (tính nữ, tính nam), sắc ý vật và sắc Mạng quyền.

 [101] - DhsA. Chương tâm sinh (cittuppādakaṇḍo), phần Mẫu đề (mātikā), số 2.

 [102] - D.i, kinh Sa môn quả.

 [103] - Dhp. Câu 194.

 [104] - S.iii, 69. Chương I, Kinh Mahāli.

 [105] - A.ii,65. Pháp 4 chi, phẫm VII, kinh Bốn nghiệp công đức.

 [106] - Dhp. Câu 203 – 204 .

 [107]  Đại trưởng lão Tịnh Sự (d).VbhII. Quyền phân tích (indriyavibhaṅgo), số 236.

 [108] - Là Thân thức thọ lạc.

 [109] - Là Thân thức thọ khổ.

 [110] - Ats (quyển I). Phần IV, chương I. 

 [111] - Pts. Phần trí ngữ (ñāṇakathā), câu số 19. 

 [112] -S.v, 196, tương ưng quyền (Indriyasamṃyuttaṃ), kinh Phân tích 1 (pathamavibhaṅgasuttaṃ) 

 [113] - Người Phật tử lễ bái Kim thân Phật cần phải liên tưởng đến ân Đức Phật, không khéo cũng rơi vào tà tín. Pho tượng Phật không phải là “nguồn sinh phước”, nguồn sinh phước là “Ân đức Tam bảo” (xem Tăng chi kinh, pháp 4 chi, kinh nguồn sinh phước đối với cư sĩ).

 [114] - Pts.   Phần Luận đề Quyền (indriyakathā), Câu số 185.

 [115] - Dhs, câu số 215.

 [116] - Đức Tịnh Sự (d)- Vbh1, số 243.

-ooOoo-

Ðầu trang | Mục lục | 1.1 | 1.2 | 1.3 | 2.1 | 2.2 | 2.3

 

Chân thành cám ơn Tỳ khưu Chánh Minh đã gửi tặng bản vi tính (Bình Anson, 2008).

[Trở về trang Thư Mục]
last updated: 20-04-2009