Trang gốc

Trang web BuddhaSasana

VU Times font

 

Đường vào Thắng pháp

Tỳ khưu Chánh Minh

 

Lưu ý: Ðọc với phông chữ VU Times (Viet-Pali Unicode)


[2.1]

 Phần II.

Tập hợp và phân chia theo Thắng pháp
(Samuccaya saṅgaha vibhāgo).

-ooOoo-

 Bài 12.

Đại cương

240 - Hỏi. Có bao nhiêu pháp thực tướng (salakkhaṇa)? Hãy giải thích?

Đáp. Nói gọn thì có bốn pháp có thực tướng, hay có bốn pháp “sự thật cùng tột” (paramatthasacca), đó là : Tâm, tâm sở, sắc pháp và Nípbàn.

Nếu phân tích rộng thì có 72 pháp thực tính, đó là:

- 121 tâm được kể là 1 pháp thực tính.

Vì tất cả đều có chung trạng thái (lakkhaṇa) là “biết cảnh”.

Citta xuất nguyên từ ngữ căn cit nghĩa là “suy nghĩ”, nghĩa bóng của citta là “hay biết”, hay biết cái gì?

Hay biết đối tượng (ārammaṇa - cảnh).

- 52 tâm sở (cetasikā) được kể là 52 pháp thực tính.

Vì mỗi tâm sở có trạng thái riêng.

- 18 sắc hiển lộ (nipphannarūpa) được kể là 18 pháp thực tướng.

Vì 18 sắc này hiện bày rõ rệt, đồng thời chúng làm cảnh cho tuệ quán.

Mười tám sắc đó là: Tứ đại + 5 sắc thần kinh + 4 sắc cảnh giới + 2 sắc tính + sắc ý vật + sắc mạng quyền + sắc vật thực.

Mười tám sắc này tồn tại 51 sátna tiểu hay 17 sátna tâm.

Mười sắc còn lại là: Sắc hư không (ākāsarūpa), 2 sắc biểu tri (viññattirūpa), 3 sắc đặc biệt (vikārarūpa), 4 sắc tướng (lakkhaṇarūpa) là sắc không hiển lộ, vì:

*- Sắc hư không là khe hở của 2 sắc pháp.

*- 4 sắc tướng là diễn tiến của sắc pháp.

Năm sắc này không do nhân sinh (hoặc do bốn nhân sinh: Nghiệp, tâm, vật thực và thời tiết sinh ra), chúng có chung cho các nhóm sắc pháp.

*- 2 sắc tiêu biểu đồng sinh, đồng diệt với tâm.

*- 3 sắc đặc biệt. Ba sắc nay do 3 nhân sinh ra là: Tâm - thời tiết và vật thực. Được phân tich như sau:

- Lọai do tâm sinh ra. Chúng đồng sinh và đồng diệt với tâm; do đó chúng không hiển lộ.

- Loại do thời tiết sinh ra hay vật thực sinh.

Khi chúng do vật thực sinh ra hay do thời tiết sinh ra thì chúng cũng không hiện bày rõ rệt.

Do đó, 10 sắc này được gọi là “sắc không hiễn lộ”.

- Nípbàn được kể là 1 pháp thực tướng.

Có Pāli như sau:

“Dvāsattatividhā vuttā vatthudhammā salakkhaṇā:

“Có 72 pháp thực tướng được nói đến” [1] .

241 - Hỏi. Các pháp thực tướng (salakkhaṇa) được gom lại phân chia (vibhāga) như thế nào?

Đáp. Bảy mươi hai pháp thực tính được gom lại, phân chia thành bốn loại nhóm, tùy theo sự liên hệ của chúng với nhau, đó là:

*- Bất thiện tập yếu (akusalasaṅgaha).

Là gom các pháp bất thiện chủ yếu thành nhóm, rồi tùy theo tác năng của chúng, phân ra từng thành phần khác nhau.

Bất thiện pháp là những pháp có khuynh hướng dẫn chúng sinh tạo ra ác - bất thiện nghiệp, để rơi vào khổ cảnh.

Bất thiện tập yếu bao gồm 9 thành phần như sau:

1- Bốn pháp ô nhiễm (cattāro āsavā).

2- Bốn pháp “dòng nước mạnh ” (cattāro oghā).

3- Bốn pháp “cột cứng” (cattāro yogā).

4- Bốn pháp “buộc chặt”  (cattāro ganthā).

5- Bốn pháp “nắm giữ” (cattāro upādānā).

6- Sáu pháp “chướng ngại” (cha nīvaraṇāni).

7- Bảy pháp “ngũ ngầm” (sattānusayā).

8- Mười pháp “trói buộc” (dasa saṃyojanāni).

9- Mười pháp “phiền não” (dasa kilesā).

*- Hổn hợp  tập yếu (missakasaṅgaha).

Là  gom những pháp chủ yếu có tính trộn lẫn giữa thiện, bất thiện và vô ký.

Như 3 nhân: Vô tham, vô sân, vô si có khi là thiện, có khi là vô ký ....

Hay như “dục trưởng”, có khi là thiện, có khi là bất thiện, có khi là “vô ký”...

Lại nữa, gọi là “hổn hợp tập yếu”, là những pháp có tính chất giống nhau, nhưng lại có khuynh hướng khác nhau.

Như pháp lực (baladhamma) chẳng hạn, có cùng tính chất là “không bị dao động trước nghịch pháp”, nhưng lại là bất thiện, thiện hay vô ký.

Như tấn lực, định lực có khi là thiện, có khi là bất thiện, có khi là vô ký.

Tàm lực, quý lực có khi là thiện có khi là vô ký; vô tàm lực, vô quý lực là bất thiện...  

Hoặc chúng có tính đối kháng với pháp thiện, nhưng chi pháp bất định, như tà ngữ (micchāvācī) đối kháng với chánh ngữ (samāvācī), nhưng chi pháp của “tà ngữ ” thì bất định...

Hổn hợp tập yếu bao gồm 7 phần là :

1- Sáu nhân (cha hetu).

2- Bảy chi thiền (sattajhānaṅgāni).

3- Mười hai chi đạo (dvādasa maggaṅgāni).

4- Hai mươi hai quyền (bāvīsatindriyāni).

5- Chín lực (navabāl).

6- Bốn trưởng (cattāro adhipati).

7- Bốn thực (cattāro ahāra).

*-  Giác phần tập yếu (bodhipakkhiyasaṅgaha).

Là gom những pháp chủ yếu dẫn ra khỏi luân hồi.

Giác phần tập yếu có 7 phần:

1- Tứ niệm xứ (cattāro satipaṭṭhāna).

2- Tứ chánh cần (cattāro sammapadhānā).

3- Tứ như ý (cattāro iddhipādā).

4- Ngũ quyền (pañcindriyani).

5- Ngũ lực (pañca balāni).

6- Bảy giác chi (satta bojjhaṅgā).

7- Bát chi đạo (attha maggaṅgāni).

*- Hàm tận tập yếu  [2] .

Là lấy tất cả pháp có thực tính, rồi phân chia thành từng phần.

Hàm tận tập yếu có 4 phần.

1- Năm uẩn (pañcakkhandhā).

2- Mười hai xứ (dvādasa āyatana).

3- Mười tám giới (aṭṭhārasa dhātu).

4- Bốn Thánh đế (cattāri ariyasaccāni).

Dứt phần đại cương.

-ooOoo-

A- Bất thiện tập yếu
(Akusalasaṅgaha)

 

Bài 13.

Bốn pháp ô nhiễm
(Cattāro āsavā)

 

242 - Hỏi. Thế nào là āsava? Có bao nhiêu pháp āsava?

Đáp. Āsava xuất nguyên từ ā (đến, từ) + ngữ căn su nghĩa là “chảy ra”.

Nghĩa đen của āsava là “những gì chảy  mạnh ra và tràn ngập”.

Đối với tâm linh, āsava được ví như chất say được tinh lọc từ bông hoa.

Cũng vậy, với năm trần cảnh tốt đẹp hay những pháp khả ái đáng hài lòng liên hệ đến hỷ tham, khiến tâm chúng sinh “say đắm” vào những  pháp ấy.

Chất say” thường làm chúng sinh trở nên phóng túng, trí không còn minh mẫn.

Cũng vậy, āsava  làm tâm chúng sinh rơi vào “loạn cuồng”, rơi vào “mê muội” không thể tiến cao hơn.

Ngoài ra, āsava còn được ví như “những gì nhơ bẩn tiết ra từ vết thương”.

“Idha, bhikkhave, ekacco puggalo kodhano hoti upāyāsabahulo appampi vutto samāno abhisajjati...

“Ở đây, này các Tỳkhưu, có người phẫn nộ, nhiều hiềm hận, dù có nói chút ít, cũng tức tối (abhisajjati)...

Seyyathāpi, bhikkhave, , duṭṭhāruko kaṭṭhena vā kaṭhalāya vā...”

Ví như một vết thương đang làm mủ (duṭṭhāruka), nếu bị cây gậy hay miểng sành (kaṭhalā) đánh phải, liền chảy mủ nhiều hơn”... [3]

Chữ  āsava thường được dịch là “lậu hoặc” nghĩa là “thấm rịn ra”, “chảy rịn ra”.

Ví như nước từ trong lòng núi “thấm rịn” qua kẻ nứt của đá, hay “chảy rịn ra”  từ kẻ nứt.

Cũng vậy, những chất độc của tâm linh sẽ “thấm rịn” hoặc “chảy ra” từ “kẻ nứt” của mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý khi tiếp xúc với các cảnh trần.

Chữ āsava còn được dịch là “trầm luân”, hay “ngâm tẩm”.

Tức là pháp này làm chúng sinh “chìm đắm trong luân hồi”(trầm luân), hay chúng sinh phải chịu “ngâm mình trong giòng nước luân hồi” (ngâm tẩm).

Như nước từ nguồn tuôn chảy không hề dứt, cũng vậy pháp “chảy ra” (āsava) này, chảy tràn ngập trong tất cả đời sống trong vòng luân hồi, cho đến khi tâm Chuyển tánh (gotrabhūcitta) xuất hiện, tâm này có công năng cắt đứt phần nào “giòng trôi chảy” ấy.

Và cho đến khi tâm Tiến bậc (vodanācitta) xuất hiện trong lộ tâm chứng Tứ Đạo, bấy giờ “giòng trôi chảy” này  mới chấm dứt hoàn toàn.

Vị ấy được gọi là khīṇāsavaka (bậc Lậu tận),  hay āsavakkhaya (chấm dứt ô nhiễm), đó là những danh từ để gọi bậc Thánh Alahán).

Āsava được xem như “chất độc vô cùng nguy hiểm”, nó làm ô nhiễm sự trong sạch tâm, làm hư hoại những thiện pháp mà chúng sinh này đã tích trử được, như Phật ngôn:

“Ayasā’va malaṃ samuṭṭhitaṃ; taduṭṭhāya taṃ’eva khādati.

Evaṃ atidhomacarinaṃ; sakakammāni nayanti duggatiṃ”.

Như sét từ sắt sinh; sét sanh ăn lại sắt.

Cũng vậy, quá lợi dưỡng; tự nghiệp dẫn cõi ác [4] .

Hay: “Paravajjānupassissa; niccaṃ ujjhānasaññino.

Āsavā tassa vaddhanti; ārā so āsavakkhayā.

“Ai thấy lỗi của người; thường sanh lòng chỉ trích.

Người ấy lậu hoặc (āsava) tăng; rất xa lậu hoặc diệt” [5] .

Những danh từ như ô nhiễm, đồi bại, nhơ bẩn, bợn nhơ, chất độc được xem như gần với ý nghĩa của từ ngữ āsava này [6] .

Theo Tạng Thắng Pháp (Abhidhammapiṭaka) “ô nhiễm” này có bốn là:

Dục ô nhiễm (kāmāsava), hữu ô nhiễm (bhavāsava), kiến ô nhiễm (diṭṭhāsava) và vô minh ô nhiễm (avijjāsava).

Có Pāli như sau:

“Cattāro āsavā: Kāmāsavo, bhavāsavo, diṭṭhāsavo, avijjāsavo:

Bốn ô nhiễm là: Dục ô nhiễm, hữu ô nhiễm, kiến ô nhiễm, vô minh ô nhiễm” [7] .

Theo Tạng Kinh (suttantapiṭaka) có ba pháp ô nhiễm là: Dục ô nhiễm, hữu ô nhiễm và vô minh ô nhiễm.

“Tayo me, āvuso, āsavā. Kāmāsavo, bhavāsavo, avijjāsavo – ime kho, āvuso, tayo āsavā’ti:

“Này Hiền giả, có ba ô nhiễm này: Dục ô nhiễm, hữu ô nhiễm, vô minh ô nhiễm. Này Hiền giả, đây là ba ô nhiễm” [8]

Hoặc: ... “Tassa evaṃ jānato evaṃ passato kāmāsavāpi cittaṃ vimuccati, bhavāsavāpi cittaṃ vimuccati, avijjāsavāpi cittaṃ vimuccati”.

...“Nhờ hiểu biết như vậy, nhận thức như vậy, tâm của vị ấy thoát khỏi “dục ô nhiễm”, thoát khỏi “hữu ô nhiễm”, thoát khỏi “vô minh ô nhiễm” [9] .

*- Pháp ô nhiễm này có thể phân thành 5 loại như:

“Atthi, bhikkhave, āsavā nirayagamanīyā:

Này các Tỳkhưu, có các lậu hoặc đưa đến địa ngục,

Atthi āsavā tiracchānayonigamanīyā:

Có các lậu hoặc đưa đến bàng sanh,

Atthi āsavā pettivisayagamanīyā:

Có các lậu hoặc đưa đến ngạ quỷ,

Atthi āsavā manussalokagamanīyā:

Có các lậu hoặc đưa đến thế giới loài người,

Atthi āsavā devalokagamanīyā:

Có các lậu hoặc đưa đến thế giới chư Thiên [10] .

*- Pháp ô nhiễm này có thể phân thành 6 loại, như;

- Có những lậu hoặc do phòng hộ được đoạn trừ.

- Có những lậu hoặc do thọ dụng được đoạn trừ.

- Có những lậu hoặc do nhẫn nại được đạn trừ.

- Có những lậu hoặc do tránh né được đoạn trừ.

- Có những lậu hoặc do trừ diệt được đoạn trừ.

- Có những lậu hoặc do tu tập được đoạn trừ. [11]

Kinh Trungbộ I, bài kinh Tất cả lậu hoặc (sabāsavasuttaṃ), ngoài 6 loại nêu trên, có thêm: “Có những  lậu hoặc do tri kiến được đoạn trừ”.

Như vậy, có tất cả 7 loại ô nhiễm.

243 - Hỏi. Thế nào là dục ô nhiễm (kāmāsava)?Vì sao có dục ô nhiễm? Chi pháp dục ô nhiễm là gì?

Đáp. Gọi là dục ô nhiễm, là “sự nhiễm đắm đối với 5 trần cảnh: Sắc, thinh, hương, vị,  xúc khả ái, đáng hài lòng và pháp thích ý liên hệ với 5 trần cảnh.

Như Phật ngôn:

“Itthirūpe, bhikkhave, sattā rattā giddhā gathitā mucchitā ajjhosannā:

Này các Tỳkhưu, loài hữu tình nào ái nhiễm (rattā), tham luyến (giddhā), tham đắm (gadhitā), say đắm (mucchitā), say mê (ajjhopannā) sắc đẹp của nữ nhân.

Te dīgharattaṃ socanti itthirūpavasānugā:

Chúng sẽ sầu ưu lâu dài, vì sẽ rơi vào uy lực của nữ sắc”.

Tương tự như thế với thinh, hương, vị và xúc [12] .

Hay là: “Santi, bhikkhave, cakkhuviññeyyā rūpā, iṭṭhā kantā manāpā piyarūpā kāmūpasaṃhitā rajanīyā:

“Này các Tỳkhưu, có những sắc do mắt nhận thức khả lạc, khả hỷ, khả ý, khả ái, liên hệ đến dục, hấp dẫn.

Tañce, bhikkhu, abhinandati abhivadati ajjhosāya tiṭṭhati-ayaṃ vuccati, bhikkhave, bhikkhu āvāsagato mārassa vasaṃ gato:

Nếu một Tỳkhưu hoan hỷ sắc ấy, tán dương, tham luyến an trú; thời này các Tỳkhưu, đây gọi là Tỳkhưu đã đi đến trú xứ của Ma, đã bị Ma chinh phục [13] .

Tương tự như thế với thinh, hương, vị và xúc.

Tạng Thắng Pháp, bộ Pháp Tụ (Dhammasaṅgani) có giải thích như sau:

“Yo kāmesu kāmacchando kāmarāgo kāmanandī kāmataṇhā kāmasineho kāmapariḷāno kāmamucchā kāmajjhosānaṃ. Ayaṃ vuccati kāmāsavo”.

“Pháp nào đối với các dục (kāma) là sự mong muốn dục, tham luyến dục, vui thích dục, ái nhiễm dục, luyến thương dục, nôn nóng dục, hôn mê dục, quyến luyến dục. Đây là dục ô nhiễm” [14] .

Chi pháp của dục ô nhiễm là tâm sở Tham trong tám tâm tham.

Như có Pāli sau:

Kāmāsavo aṭṭhasu lobhasahagatesu cittuppādesu uppajjati:

Dục lậu phát sanh trong tám tâm khởi sanh lên câu hành với Tham” [15]

Ngài Buddhaghosa trong sách Atthasālinī nói rằng “Tham ái năm trần cảnh, gọi là dục ô nhiễm” [16] ..

Như vậy, dục ô nhiễm có chi pháp nói rộng là: Tâm sở tham trong 8 tâm tham nhân với 5 trần cảnh = 40 tâm sở tham.

Lấy 40 tâm sở tham nhân với: Nội phần và ngoại phần = 8o tâm sở tham; lấy 8o tâm sở tham nhân cho 3 thời: Quá khứ, vị lai, hiện tại thành ra 240 tâm sở tham.

Năm trần cảnh làm ô nhiễm dòng tâm, cho đến khi tâm Vodanā (Tiến bậc) xuất hiện trong lộ tâm chứng đắc Tam Đạo, bấy giờ  tâm mới được thanh khiết hóa hoàn toàn với 5 trần cảnh.

Nói cách khác, dục ô nhiễm chỉ chấm dứt khi chứng đắc Tam Đạo, thành tựu bậc Thánh Anahàm.

Có câu hỏi rằng: “Ở cõi Phạm thiên, các vị Phạm thiên hưởng thụ những Phạm cung, những cây như ý....

Như vậy có phải là dục ô nhiễm không?”.

- Không, vì tham dục đã được vị Phạm thiên áp chế. Có áp chế được tham dục, vị hành giả mới đắc thiền, có đác thiền không bị hoại thiền mới tái sinh về Phạm thiên giới.

Dục ô nhiễm chỉ có ở cõi Dục, vị Phạm thiên tham đắm một trong năm dục, lập tức rơi về cõi Dục ngay.

Như kinh Khởi thế nhân bổn trong Trường Bộ kinh có ghi nhận “Các vị Phạm thiên cõi Quang âm Thiên, chỉ vì tham đắm vị đất, trở thành người Sơ kiếp”.

244 - Hỏi. Thế nào là “hữu ô nhiễm” (bhavāsava - hữu lậu)? Chi pháp là gì?

Đáp. Hữu (bhava) ở đây ám chỉ cho nghiệp hữu (kammabhava) và sinh hữu (jātibhava).

*- Nghiệp hữu.

Là Những hành động cho quả khác thời kỳ (vipāka) về sau.

*- Sinh hữu.

Là cảnh giới đang sinh sống hay cảnh giới tái sinh trong tương lai.

Chúng sinh tạo ra nghiệp (kamma), đó là hạt giống, nhưng nếu không có sự “thích thú” cảnh giới tái sinh sau này, thì hạt giống không thể nảy mầm.

Chính ái  (taṅhā) là “chất ẩm ướt” giúp cho “hạt giống nghiệp” sinh khởi, đưa chúng sinh ấy tái sinh vào cảnh giới mới.

Sự tái sinh vào bất kỳ cảnh giới nào đều được xem là bị ô nhiễm, như lời Phật dạy.

“Seyyathāpi bhikkhave, appamattakopi gūtho duggandho hoti:

Ví như, này các Tỳkhưu, một ít phân có mùi hôi thúi.

Evamevaṃ kho ahaṃ, bhikkhave, appamattakampi bhavaṃ na vaṇṇemi, antamaso accharāsaṅghātamattampi:

Cũng vậy, này các Tỳkhưu, Ta không tán thán về  hữu (bhava) dầu cho có ít thôi, cho đến chỉ trong thời gian búng ngón tay” [17] .

Bộ Pháp Tụ có giải thích về “hữu ô nhiễm” như sau:

“Yo bhavesu bhavachando bhavarāgo bhavanandī bhavataṇhā bhavasineho bhavapariḷāno bhavamucchā bhavajjhosānaṃ. Ayaṃ vuccati bhavāsavo:

Pháp nào đối với các hữu là sự mong muốn hữu, tham luyến hữu, vui thích hữu, ái nhiễm hữu, luyến thương hữu, nôn nóng hữu, hôn mê hữu, quyến luyến hữu. Đây là hữu ô nhiễm” [18] .

Chi pháp “hữu ô nhiễm” là tâm sở Tham có trong bốn tâm tham không hợp tà kiến. Có Pāli như sau:

“Bhavāsavo catūsu diṭṭhigatavippayutta lobhasahagatesu cittuppādesu uppajjati:

“Hữu ô nhiễm phát sanh trong bốn tâm khởi sanh câu hành Tham bất tương ưng kiến” [19] .

Vì sao không có tâm sở tham trong 4 tâm tham hợp với tà kiến?

Vì sự ái luyến hữu không có sự chấp sai.

Ngài Buddhaghosa (Giác âm) trong sách Athasālinī (Sớ giải bộ Pháp tụ) có giải thích:

Mong muốn được tái sinh về cõi Sắc và Vô sắc giới, gọi là hữu ô nhiễm” (sđd).

Sự ao ước được sinh về cõi người hay 6 cõi chư thiên Dục giới cũng được xếp vào “hữu ô nhiễm”, nhưng chỉ là thứ yếu.

Dục hữu ô nhiễm chấm dứt khi chứng đắc Tam đạo.

Hữu ô nhiễm chỉ được thanh khiết hóa khi chứng đắcTứ Đạo.

Như vậy, nếu tính rộng thì chi pháp “hữu ô nhiễm” là 4 tâm sở Tham trong tâm tham không hợp tà kiến nhân với 27 cõi = 108 tâm sở Tham.

245 - Hỏi. Có bao nhiêu hữu (bhava)?

Đáp. Nếu tính theo nghiệp hữu, hữu có 29, là: 12 nghiệp bất thiện + 8 nghiệp thiện Dục giới + 9 nghiệp thiện Đáo đại.

*- Nếu tính theo sinh hữu, hữu là 31 cõi.

Hoặc nói gọn hơn thì có 9 hữu là:

- Hữu được phân theo giới vức, có ba là: Dục hữu, Sắc hữu và Vô sắc hữu. Như Kinh văn:

“Tayo me, bhikkhave, bhavā- kāmabhavo, rūpabhavo, arūpabhavo:

“Này các Tỳkhưu, có ba hữu này: Dục hữu, sắc hữu, Vô sắc hữu” [20] .

- Hữu được phân theo uẩn (khandha), có ba là: Ngũ uẩn hữu [21] , Nhất uẩn hữu [22]  và Tứ uẩn hữu [23] .

- Hữu được phân theo tưởng (saññā), có ba là: Hữu tưởng hữu [24] , Vô tưởng hữu [25]  và Phi tưởng phi phi tưởng hữu [26] .

Có cách tính 9 hữu khác là:

1- Chúng sinh có thân hình khác nhau, tưởng khác nhau [27]  (nāmattakāyā nāmattasaññino:Thân dị tưởng dị).

Như nhân loại, chư thiên Dục giới, ngạ quỷ [28] .

2- Chúng sinh có thân hình khác nhau, tưởng giống nhau (nāmattakāyā ekattasaññino: Thân dị tưởng đồng [29] ).

Như chư Phạm thiên cõi Sơ thiền.

3- Chúng sinh có thân hình giống nhau, nhưng tưởng khác nhau (Ekattakāyā nāmattasaññino: Thân đồng tưởng dị).

Như chư Phạm thiên cõi Nhị thiền [30] .

4- Chúng sinh có thân hình giống nhau, tưởng giống nhau (ekattakāyā ekattasaññino – Thân đồng tưởng đồng).

Như chư Phạm thiên tầng Tam thiền.

5- Chúng sinh không có tưởng. Như Phạm thiên cõi Vô tưởng.

6- Chúng sinh cõi Không vô biên xứ.

7- Chúng sinh cõi Thức vô biên xứ.

8- Chúng sinh cõi Vô sở hữu xứ.

9- Chúng sinh cõi Phi tưởng phi phi tưởng xứ [31] .

Có Kinh văn như sau: ... “Nava nāma kiṃ? Nava sattāvāsa.

... “Thế nào là chín? Chín nơi trú của chúng sinh” [32] .

246 - Hỏi. Thế nào là kiến ô nhiễm (diṭṭhāsava)? Chi pháp là gì?.

Đáp. Kiến (diṭṭhi) là một thuật ngữ chỉ cho “sự hiểu sai về chân lý” hay “hiểu sai về các pháp thực tính”.

Một danh từ khác đồng nghĩa với “hiểu sai” là “đảo ngược” (vipallāsa).

Tức là “những gì vô thường cho là thường”; “những gì khổ cho là lạc”; “những gì không có bản ngã cho là có bản ngã”; “những gì không trong sạch cho là trong sạch”. Như Kinh văn:

“Trong vô thường, tưởng thường; trong khổ, tưởng là lạc.

Trong vô ngã, tưởng ngã; trong bất tịnh, tưởng tịnh.

Chúng sinh đến tà kiến; tâm động, tưởng tà vọng.

Bị ma trói buộc chặt; không thoát khỏi ách nạn.” [33]

Sự “hiểu sai” này do:

a- Do nhớ lại.

Như các Samôn, Bàlamôn có thắng trí, nhớ lại quá khứ (Túc mạng thông). Các vị ấy nhớ lại “có vị Phạm thiên sinh trước mình, vị ấy không chết, trái lại mình mạng chung tái sinh về cõi nhân loại”, nên cho rằng có một “đại ngã” thường hằng bất biến, ngoài “đại ngã” ấy, tất cả đều vô thường...

Hoặc do vị ấy kiếp trước là người Vô tưởng, tái sinh làm người nhân loại, khi nhớ lại kiếp trước không thấy, nên kết luận là “vô nhân sinh” [34] .

Sự “hiểu sai do nhớ lại”, gọi là “tưởng điên đảo” ( saññavipallāsa).

b- Do thấy.

Như có các Samôn, Bàlamôn có thắng trí, thấy được chúng sinh chết từ cảnh giới này tái sinh về cảnh giới khác, chết từ cảnh giới khác tái sinh đến cảnh giới này (Sinh tử thông).

Các vị ấy thấy có một số chúng sinh chết còn tái sinh, nhưng một số chúng sinh chết tái sinh về cõi Vô sắc, vị ấy không thấy, nên kết luận “Chúng sinh sau khi chết một phần là thường, một phần là vô thường”...(sđd).

Hay : “Thấy có những chúng sinh tạo ác nghiệp, sau khi mệnh chung tái sinh về nhàn cảnh. Có những chúng sinh tạo thiện nghiệp, sau khi chết tái sinh vào khổ cảnh” [35] , nên chủ trương “vô quả kiến”...

Sự “hiểu sai do thấy”, gọi là “kiến điên đảo” (diṭṭhivipallāsa).

c- Do suy luận.

Một số Samôn, Bàlamôn là nhà suy luận, sau khi phân tích, suy luận rồi tuyên bố “Thế giới là hữu biên, thế giới là vô biên...”(sđd).

Sự “hiểu sai do suy tư”, gọi là “tâm điên đảo”(cittavipallāsa).

Đức Phật có dạy:

“Aṭṭhānametaṃ bhikkhave, anavakāso yaṃ diṭṭhisampanno puggalo kañci saṅkhāraṃ niccato upagaccheyya. Netaṃ ṭhānaṃ vijati:

“Này các Tỳkhưu, sự kiện này không xảy ra, không có được: “Một người có chánh kiến, có thể chấp nhận (upagaccheyya) các hành (saṅkhārā) là thường còn. Sự kiện này không xảy ra.

Ṭhānañca kho etaṃ, bhikkhave, vijati yaṃ puthujjano kañci saṅkhāraṃ niccato upagaccheyya, ṭhānametaṃ vijatī’ti”.

Và sự kiện này có xảy ra, này các Tỳkhưu, kẻ phàm phu có thể chấp nhận “các hành là thường còn”, sự kiện này có xảy ra.

“Aṭṭhānametaṃ bhikkhave, anavakāso yaṃ diṭṭhisampanno puggalo kañci saṅkhāraṃ sukhato upagaccheyya. Netaṃ ṭhānaṃ vijati.

“Này các Tỳkhưu, sự kiện này không xảy ra, không có được: “Một người có chánh kiến, có thể chấp nhận các hành là lạc”, sự kiện này không xảy ra.

Ṭhānañca kho etaṃ, bhikkhave, vijati yaṃ puthujjano kañci saṅkhāraṃ sukhato upagaccheyya, ṭhānametaṃ vijatī’ti:

Và sự kiện này có xảy ra, này các Tỳkhưu, kẻ phàm phu có thể chấp nhận “các hành là lạc”, sự kiện này có xảy ra.

“Aṭṭhānametaṃ bhikkhave, anavakāso yaṃ diṭṭhisampanno puggalo kañci dhammaṃ attato upagaccheyya. Netaṃ ṭhānaṃ vijati:

“Này các Tỳkhưu, sự kiện này không xảy ra, không có được: “Một người có chánh kiến, có thể chấp nhận các pháp là ngã”. Sự kiện này không xảy ra.

Ṭhānañca kho etaṃ, bhikkhave, vijati yaṃ puthujjano kañci dhammaṃ attato sukhato upagaccheyya, ṭhānametaṃ vijatī’ti:

Và sự kiện này có xảy ra, này các Tỳkhưu, kẻ phàm phu có thể chấp nhận “các pháp là ngã”, sự kiện này có xảy ra” [36] .

Và: “Dve bhikkhave, paccayā micchādiṭṭhiyā uppādāya. Katame dve?

“Này các Tỳkhưu, có hai duyên này, khiến tà kiến sinh khởi. Thế nào là hai? Parato ca ghoso ayoniso ca manasikāro:

Tiếng nói người khác và không tác ý đúng như thật [37] .

“Kiến ô nhiễm là sự “hiểu sai” làm ô nhiễm tâm, khiến chúng sinh ấy phải rơi vào khổ cảnh.

Những dạng thức của tà kiến ra sao?

Bộ Pháp Tụ có giải thích:

“Sassato lokoti vā, asassato lokoti vā,

“Cho rằng “đời là thường còn”,  hay cho rằng “đời không thường còn”,

Antavā lokoti vā, anantavā lokoti vā,

hay cho rằng “đời cùng tột”, hay cho rằng “đời không cùng tột”

taṃ jīvaṃ taṃ sarīranti vā, aññaṃ jīvaṃ sarīranti vā hoti,

hay cho rằng “mạng sống với thân thể là một”, hay cho rằng “mạng sống là khác, thân thể là khác”,

Tathāgato paraṃ maraṇāti vā, na hoti tathāgato paraṃ maraṇāti vāhoti, Hay cho rằng “chúng sinh (tathāgata) còn tồn tại sau khi chết, hay cho rằng “chúng sinh không tồn tại sau khi chết,

ca na ca hoti tathāgato paraṃ maraṇāti vā,  

hay cho rằng “chúng sinh còn tồn tại và không còn tồn tại sau khi chết,

neva hoti na na hoti tathāgato paraṃ maraṇāti vā,... Ayaṃ vuccati diṭṭhāsavo.

hay cho rằng “chúng sinh không tồn tại cũng không không tồn tại sau khi chết”.... Đây gọi là “kiến ô nhiễm” [38] .

Ngoài ra còn có nhiều quan điểm sai lầm khác, như:

*- Có một số Samôn, Bàlamôn chủ trương về nghiệp, cho rằng:

Phàm có cảm thọ lạc,  thọ khổ, thọ không lạc không khổ trong hiện tại, tất cả đều do nhân nghiệp quá khứ (pubbe katahetū).

*- Có một số Samôn, Bàlamôn cho rằng:

Phàm có cảm thọ lạc,  thọ khổ, thọ không lạc không khổ trong hiện tại, tất cả đều do nhân Tạo hóa gây ra (Issaranimmānahetu).

*- Có một số Samôn, Bàlamôn cho rằng:

Phàm có cảm thọ lạc,  thọ khổ, thọ không lạc không khổ trong hiện tại, do không nhân – không duyên (ahetu-appaccāya)”.

Đức Thế Tôn chỉ ra những “hiểu sai” ấy, đại ý như sau:

*- Với quan điểm (a), Đức Phật bác bỏ, vì rằng:

“Những chúng sinh tạo ác nghiệp như sát sinh, trộm cắp ... cũng do “nghiệp quá khứ” sao?”

*- Với quan điểm (b), Đức Phật bác bỏ vì rằng:

“Những chúng sinh tạo ác nghiệp, có tà kiến...; cũng do Tạo hóa” tạo ra sao?

*- Với quan điểm (c), Đức Phật bác bỏ:

Những chúng sinh tạo ra ác nghiệp, tà kiến....; không có nhân, không có duyên sao?” [39] .

*- Một số Samôn, Bàlamôn chủ trương về nghiệp lại có 4 quan điểm khác:

a- Khổ do tự mình làm.

b- Khổ do người khác làm.

c- Khổ do mình (làm) và người khác làm.

d- Khổ không do mình (làm), không do người khác làm.

Và những du sĩ ngoại đạo ấy hỏi Đức Sāriputta (Xálợiphất), lời dạy của Đức Thế Tôn như thế nào về khổ?.

Đức Sāriputta đáp rằng:

“Paṭiccasamuppannaṃ kho, āvuso, dukkhaṃ vuttaṃ bhagavā. Kiṃ paṭicca? Phassaṃ paṭicca”.

“Chư Hiền giả, Thế Tôn đã dạy “khổ do duyên sanh”. Do duyên gì? Do duyên xúc” [40] .

Chúng sinh có tà kiến chỉ có hai sinh thú chờ đợi, đó là địa ngục và loài bàng sinh [41] .

Chi pháp của “kiến ô nhiễm” là tâm sở Tà kiến có trong bốn tâm Tham hợp tà kiến. Như kinh văn:

“Diṭṭhāsavo catūsu diṭṭhigatasampayuttesu cittuppādesu uppajjati:

“Kiến ô nhiễm phát sinh trong bốn tâm  khởi sinh hòa hợp với tà kiến”. (sđd)

Nếu tính rộng thì: 4 tâm sở Tà kiến trong 4 tâm Tham hợp tà nhân có 62 loại tà kiến = 248 tà kiến.

“Kiến ô nhiễm” này chỉ được chấm dứt khi tâm Chuyển tánh (gotrabhū) xuất hiện trong lộ đắc Sơ đạo.

Nói cách khác, “kiến ô nhiễm” chỉ chấm dứt khi thành tựu Thánh Đạo Dự lưu.

247 - Hỏi. Thế nào là Vô minh ô nhiễm (avijjhāsava)? Chi pháp là gì?

Đáp. Vô minh là không biết 8 điều:

- Không biết đến khổ.

- Không biết nguyên nhân sinh khổ.

- Không biết sự diệt khổ.

- Không biết con đường  thực hành dẫn đến diệt khổ.

- Không biết quá khứ.

- Không biết vị lai.

- Không biêt quá khứ - vị lai.

- Không biết lý duyên sinh” [42] .

Ngoài ra, vô minh là “không biết vị ngọt, không biết nguy hại và không biết xuất ly của sắc, thọ, tưởng, hành và thức” [43]

Vô minh là nền tảng của tất cả bất thiện pháp, chính sự không biết Tứ đế làm ô nhiễm chúng sinh, ngăn chận chúng sinh giải thoát khỏi luân hồi.

Chi pháp của vô minh ô nhiễm là tâm sở Si (mohacetasika) có trong 12 tâm bất thiện. Như kinh văn:

“Avijjāsavo sabbākusalesu uppajjati:

“Vô minh ô nhiễm phát sinh trong tất cả bất thiện tâm.” (sđd).

Vô minh ô nhiễm chỉ được diệt trừ khi chứng Đạo Alahán.

Nêu tính rộng thì lấy tâm sở Si trong 12 tâm bất thiện nhân với 8 điều không biết = 96 tâm sở Si

248 - Hỏi. Làm thế nào để diệt trừ những ô nhiễm?

Đáp. Để diệt trừ mọi ô nhiễm, Bát chánh đạo là phương phápthực hành rốt ráo.

Ngoài ra, còn có một số pháp môn khác cũng có khả năng diệt trừ những ô nhiễm, như trong bài kinh “Tất cả ô nhiễm (sabbāsavasuttaṃ)” [44]  Đức Thế Tôn có dạy :

“Ayoniso, bhikkhave manasikaroto anuppannā c’eva āsavā uppajjanti uppannā ca āsavā pavaddhanti.

“Này các Tỳkhưu, do “không tác ý đúng phương pháp (ayoni so manasikāra)”, các ô nhiễm chưa sinh được sinh khởi, các ô nhiễm đã sinh được tăng trưởng.

“Yoniso ca bhikhave manasikaroto anuppannā c’eva āsavā  na upajjanti upannā ca āsavā phiyanti.

“Và này các Tỳkhưu, do “tác ý đúng phương pháp (yoniso manasikāra), các ô nhiễm chưa sinh, không sinh ra; các ô nhiễm đã sinh được trừ diệt”.

“Tác ý đúng phương pháp” như thế nào?

- Đối với các pháp hữu vi (saṅkhāradhammā), phải tác ý “ đây là khổ, đây là nguyên nhân sinh khổ, đây là sự diệt khổ, đây là con đường dẫn đến diệt khổ”.

Trong bài kinh này, Đức Thế Tôn nêu ra 7 cách diệt trừ các ô nhiễm là:

1- Atthi āsavā dassanā pahātabbā:

“Có những ô nhiễm do “thấy rõ (dassanā)” được trừ diệt”.

Dassanā ở đây chỉ cho Đạo Dư Lưu, tức là “hiểu thấu đáo Nípbàn”.

2- Atthi āsavā saṃvarā pahātabbā:

“Có những ô nhiễm do phòng hộ được diệt trừ”.

3-Atthi āsavā paṭisevanā pahātabbā:

“Có những ô nhiễm do thọ dụng được diệt trừ”.

4- Atthi āsavā adhivāsanā pahātabbā:

Có những ô nhiễm do kham nhẫn được diệt trừ”.

5- Atthi āsavā parivajjanā pahātabbā:

Có những ô nhiễm do tránh né được diệt  trừ”.

6- Atthi āsavā vinodanā pahātabbā:

Có những ô nhiễm do trừ diệt được diệt trừ”.

7- Atthi āsavā bhāvanā pahātabbā:

“Có những ô nhiễm do tu tập được diệt trừ”.

Ngoài ra, có những pháp môn khác cũng có công năng ngăn chận hay diệt trừ những ô nhiễm, như:

*- Nghiêm trì giới luật.

“Dve me bhikkhave, atthavase paṭicca tathāgatena sāvakānaṃ sikkhāpadaṃ paññattaṃ. Katame dve?

Do thấy hai lợi ích này (atthavase), Như Lai chế lập học giới cho các đệ tử. Thế nào là hai?

“Diṭṭha dhammikānaṃ āsavānaṃ saṃvarāya samparāyikānaṃ āsavānaṃ paṭighātāya:

Ngăn ngừa các ô nhiễm trong hiện tại, ngăn chận, diệt trừ các ô nhiễm trong tương lai”. [45]

Hoặc là:

Tīhi, bhikkhave, dhammehi samannāgato bhikkhu apaṇṇakapaṭipadaṃ paṭipanno hoti, yoni cassa āraddhā hoti āsavānaṃ. Katamehi tīhi?

“Thành tựu ba pháp này, này các Tỳkhưu, Tỳkhưu thực hành con đường không có lỗi lầm (apaṇṇakataṃ paṭipadaṃ), và có những căn bản thắng tấn (yoni āraddha) để đoạn diệt các ô nhiễm. Thế nào là ba?

Idha, bhikkhave, bhikkhu indriyesu guttadvāro hoti, bhojane mattaññū hoti, jāgariyaṃ anuyutto hoti:

Ở đây, này các Tỳkhưu, Tỳkhưu hộ trì các quyền (indriya), tiết độ trong ăn uống và chú tâm cảnh giác (jāgariyaṃ anuyutto) [46] .

*- Hộ trì các quyền là khi mắt thấy sắc trần, không nắm giữ tướng chung, không nắm giữ tướng riêng, gìn giữ tâm không cho sắc trần lôi kéo vào bất thiện pháp.

Tương tự như thế với các tiếng, các mùi, các vị và các sự đụng chạm.

*- Tiết độ ăn uống là “thọ dụng  vật thực với tác ý “không phải để vui đùa, không phải để đắm nhiễm, không phải để thân được xinh đẹp. Mà thọ dụng với sự gìn giữ thân để hành Phạm hạnh”.

*- Chú tâm cảnh giác là luôn luôn ghi nhận những sở hành “đi đứng, nằm, ngồi...” để tâm thoát ra 5 chướng ngại là: “Hôn trầm, hoài nghi, sân ác, phóng dật và tham dục.

Dứt bốn ô nhiễm.

--ooOoo-

 

Bài 14.

Bốn giòng nước mạnh
(Cattāro oghā [47] ).

 

249 - Hỏi. Ogha là gì?

Đáp. Ogha từ ava (đến, đi vào) + ngữ căn han (sát hại, gây thương tổn).

Ogha chỉ cho dòng nước mạnh – mah’ogha” hay lũ lụt”, nên ogha thường được dịch là “bộc lưu” hay “bạo lưu”. Như Phật ngôn:

“Pupphāni h’eva pacinantaṃ; byāssattamanasaṃ naraṃ

Suttaṃ gāmaṃ mah’ogho’va; maccu ādāya gacchati.

“Người nhặt các loại hoa; ý đắm say tham nhiễm.

Bị thần chết mang đi; như lụt (mah’ogha) trôi làng ngủ”. [48]

Hay: “Asakkhiṃ vata attānaṃ, uddhātuṃ udakā thalaṃ.

Vuyhamāno mahogheva, saccāni paṭivijjhahan’ti”

“Ta có thể tự mình; kéo nước từ đất liền.

Như bị nước lớn cuốn trôi (mah’ogha); ta thể nhập sự thật [49] .

Ogha cũng có thể dịch là “nước xoáy”, như Đức Phật trả lời vị chư Thiên như sau:

“Yadākhvāhaṃ, āvuso, santiṭṭhāmi tadāssu saṃsīdāmi yadākhvāhaṃ, āvuso, āyūhāmi tadāssu nibbuyhāmi:

“Này hiền giả, khi Ta đứng lại, thời Ta chìm xuống. Này hiền giả, khi Ta bước tới, thời ta trôi giạt (nibbuyhāmi).

Evaṃ khvāhaṃ, āvuso, appatiṭṭhaṃ anāyūhaṃ oghamatarin’ti”.

Do vậy, này hiền giả, không đứng lại, không bước tới, Ta vượt nước xoáy.

Và vị Chư thiên tán dương Đức Phật như vầy:

“Cirassaṃ vata passāmi, brāhmanaṃ parinibbutam;

Appatiṭṭhaṃ anāyūhaṃ, tiṇṇaṃ loke visattikan’ti”.

“Từ lâu tôi mới thấy; Bàlamôn tịch tịnh.

Không đứng, không bước tới. Vượt chấp trước ở đời” [50] .

Như vậy, ogha trong kệ ngôn trên chỉ cho “giòng nước nắm giữ (chấp thủ)”.

Ogha là pháp cuốn lôi, nhận chìm chúng sinh trong luân hồi, tách lìa chúng sinh ra khỏi “sự thoát ra luân hồi”.

Pāli có giải thích:

“Oghā viyāti =ōghā: Chảy tràn, gọi là “nước mạnh”.

- Avattharitvaa hanantīti = ogha:

“Tràn ngập, làm hại chúng sinh, gọi là “ogha - nước mạnh”.

Avahananti osidāpentīti = ogha:

“Làm chúng sinh chìm đắm, gọi là nước xoáy [51] .

Thoát ra khỏi ogha được xem là thành tựu bậc Thánh Alahán.

Tóm lại, ogha (lũ lụt) được xem như một “chướng ngại tinh thần”, nó ngăn chận sự “thoát ra khỏi luân hồi”.

250 - Hỏi. Có bao nhiêu “giòng nước mạnh (ogha)?

Đáp. Chúng ta tìm thấy trong Tương ưng kinh, trước tiên là “năm giòng nước mạnh”.

Pañcoghatiṇṇo atarīdha chaṭṭhaṃ:

Đã vượt năm bộc lưu (ogha), lại gắng vượt thứ sáu...” [52] .

Năm “giòng nước mạnh” này dường như bao gồm 15 giòng nước là:

- 5 giây trói buộc bậc thấp (5 hạ phần kiết sử).

- 5 giây trói buộc bậc cao (5 thượng phần kiết sử).

- Và 5 gút (saṅgā) là: Tham, sân, si, mạn và kiến.

Hoặc chỉ riêng cho Tham, sân, si, mạn và kiến. Như sau:

“Pañca chinde pañca jahe, pañca c’uttari bhāvaye.

pañcasaṅgātigo bhikkhu, oghatiṇṇoti vuccati”.

“Năm được cắt, năm bỏ; năm thượng pháp tu tập.

Tỳkhưu vượt năm gút; được gọi vượt bộc lưu (ogha) [53] .

Bản Sớ giải giải thích:

- Năm được cắt là 5 sợi dây trói buộc bậc thấp, hay 5 sợi dây trói buộc vào cõi dục (kāmabhūmi) là: Thân kiến, hoài nghi, giới cấm thủ, tham dục và sân.

- Năm được bỏ là 5 sợi dây trói buộc bậc cao, là: Ái sắc, ái vô sắc, ngã mạn, phóng dật và vô minh.

- Năm thượng pháp là: Tín, tấn, niệm, định, tuệ,

- Năm gút (saṅga) là: Tham, sân, si, mạn và kiến.

Oghatiṇṇo là “vượt qua nước xoáy”.

Người đã “vượt qua giòng nước xoáy”, chính là bậc Alahán. Như Kinh văn:

.... “Pavuttha jātiṃ akhilaṃ ogha tiṇṇaṃ anāsavaṃ

Dakkhem ogha taraṃ nāgaṃ candaṃ va asitātigaṃ”.

...“Nói rằng: "Sanh đã tận; then cài không còn nữa.

Bộc lưu đã vượt qua; đã thành bậc Vô Lậu” [54] .

Nhưng tại sao lại “gắng vượt qua thứ sáu” ở kệ ngôn trên?

Đáp rằng: “Vượt qua thứ sáu” ám chỉ vị Thánh Alahán chỉ còn giai đoạn sau cùng là viên tịch (parinibbāna), “chấm dứt trọn vẹn dòng sinh diệt của pháp hành”.

Gần cuối tập Tương Ưng Kinh, chúng ta tìm thấy “bốn giòng nước mạnh” là:

- “Giòng nước mạnh của dục lạc” (kāmohga).

- “Giòng nước mạnh của các sinh hữu”(bhavogha).

- “Giòng nước mạnh của thấy sai”(diṭṭhogha).

- “Giòng nước mạnh của vô minh” (avijj’ogha).

Như kinh văn sau:

“Mahā  udakaṇṇavoti kho, bhikkhave, catunnetaṃ oghānaṃ adhivacanaṃ kāmoghassa, bhavoghassa, diṭṭhoghassa, avijjoghassa:.

“Này các Tỳkhưu, vùng nước lớn, là đồng nghĩa với bốn giòng nước xoáy (ogha): Dục bộc lưu, hữu bộc lưu, kiến bộc lưu và vô minh bộc lưu” [55] .

Đức Sāriputta (Xálợiphất) có trả lời cho du sĩ Jambukhādaka

“Cattārome, āvuso, oghā. Kāmogho, bhavogho, diṭṭhogho, avijjogho”.

“Này hiền giả, có bốn “giòng nướcxoáy” này: Dục bộc lưu, hữu bộc lưu, kiến bộc lưu và vô minh bộc lưu” [56] .

Vậy có bốn hay năm giòng nước mạnh?

Có thể hiểu, trước thời Đức Phật, ogha được quan niệm là “5 giòng nước mạnh”, đó là: Năm hạ phần kiết sử; nhưng khi Đức Phật xuất hiện, Ngài hệ thống lại và xếp 5 hạ phần kiết sử cùng 5 thượng phần kiết sử vào “10 giây trói buộc - saṃyojana”; còn ogha chỉ có bốn mà thôi.

251 - Hỏi: Vì sao trước thời Đức Phật chỉ có 5 hạ phần kiết sử?.

Đáp. Trước khi Đức Phật xuất hiện trên thế gian, các Bàlamôn quan niệm: “Đấng Phạm thiên là vị Sáng tạo chủ thế gian, Đấng Phạm thiên là người tạo ra thế gian”.

Cứu cánh của Bàlamôn giáo là “trở về với Đại ngã là Phạm thiên”.

Do đó, thành tựu được thiền chứng xem như “giải thoát”, không còn lui tới cõi Dục nữa, nên quan niệm cũ “chỉ có 5 giây trói buộc vào cõi Dục”.

“5 sợi dây trói buộc bậc cao” chỉ có trong Phật giáo, nên khi đề cập đến “giòng nước mạnh”, kinh văn chỉ chú trọng đến “5 giây trói buộc bậc cao” (xem giải thích bên dưới).

252 - Hỏi. Thế nào là “giòng nước mạnh dục lạc” (kāmogha - dục bộc lưu)?. Chi pháp dục bộc lưu là gì?

Đáp. “Dòng nước mạnh dục lạc” (kāmogha).

Là sự “mong muốn” hưởng thụ 5 dục lạc (sắc, thinh, hương, vị và xúc).

Chính sự “mong muốn” này là một sức mạnh như giòng thác “cuốn trôi” bất cứ những gì lọt vào nó; tâm lọt vào “giòng nước mong muốn hưởng thụ năm trần cảnh”, sẽ không thể đứng vững trong thiện pháp, sẽ bị bất thiện pháp cuốn trôi.

Kāmogha (dục bộc lưu) là một tên gọi khác chỉ cho ái (taṅhā).

Như Phật ngôn: ... “Rūpā saddā rasā gandhā phoṭṭhabbā ca manoramā.

Tesaṃ kāmoghavūḷhānaṃ, kāme apariḷānataṃ ...

... “Sắc, thinh, hương, vị, xúc. Hấp dẫn và đẹp ý.

Bị thác nước dục vọng; tràn ngập và cuốn trôi.” [57]  

Và: “Gedhaṃ brūmi mahoghoti..

“Tham muốn, Ta gọi giòng nước mạnh...” [58]

Gedha (sự tham muốn) cũng là tên gọi khác của tham hay ái.

Bộ Pháp Tụ (Dhammasaṅgani) trong Tạng Thắng Pháp có định nghĩa “dục bộc lưu” như sau:

“Yo kāmesu kāmacchando kāmarāgo kāmanandī kāmataṇhā kāmasineho kāmapariḷāno kāmamucchā kāmajjhosānaṃ. Ayaṃ vuccati kām’ogho”:

“Pháp nào đối với các dục (kāma) là sự mong muốn dục, tham luyến dục, vui thích dục, ái nhiễm dục, luyến thương dục, nôn nóng dục, hôn mê dục, quyến luyến dục. Đây là dục bộc lưu” [59] .

Tóm lại: “Sự  mong muốn hưởng thụ sắc, thinh, hương, vị, xúc và pháp lạc thú đáng hài lòng, đáng ưa thích , gọi là kāmogha (dục bộc)”.

Chi pháp của “giòng nước mạnh dục lạc” là tâm sở Tham (lobha cetasika) có trong tám tâm Tham.

Nếu tính rộng thì đó là 5 loại tham ái: Tham sắc, tham thinh, tham hương, tham vị và tham xúc.

- Khi mong muốn hưởng thụ cảnh sắc tốt, là “sắc dục bộc”.

- Khi mong muốn hưởng thụ cảnh thinh tốt là “thinh dục  bộc”.

- Khi mong muốn hưởng thụ cảnh hương tốt là “hương dục bộc”.

- Khi mong muốn hưởng thụ cảnh vị tốt là “vị dục bộc”.

- Khi mong muốn hưởng thụ cảnh xúc tốt là “xúc dục bộc”.

- Khi mong muốn hưởng thụ cảnh pháp lạc thú đáng hài lòng là “pháp dục bộc”.

Như kinh văn:

“...Tañce bhikkhu abhinandati abhivadati ajjhosāya tiṭṭhati-ayaṃ vuccati, bhikkhave, bhikkhu āvāsagato mārassa, mārassa vasaṃ gato, paṭimukkassa mārapāso:

.... Nếu Tỳkhưu hoan hỷ pháp ấy, tán dương, tham luyến an trú; thời này các Tỳkhưu, đây gọi là Tỳkhưu đã đi đến trú xứ của Ma, đã bị Ma chinh phục [60]

Lấy 5 loại dục này nhân với 8 tâm Tham = 40 tâm sở Tham.

Lấy 40 tâm sở Tham nhân cho 2 loại: Bên ngoài và bên trong = 80 tâm sở Tham, lấy 80 tâm sở Tham nhân cho 3 thời: Quá khứ, hiện tại, vị lai = 240 tâm sở Tham.

253 - Hỏi. Thế nào là “giòng nước mạnh của hữu (bhavogha- hữu bộc lưu)”? Chi pháp “hữu bộc lưu” là gì?

Đáp. Thật ra, trong “dục bộc lưu” cũng hàm ẩn “hữu bộc lưu”, nhưng có sự khác biệt là: “Dục bộc lưu chỉ nói riêng về 5 trần cảnh ở cõi dục”; còn “hữu bộc lưu bao gồm cả Dục giới, Sắc giới và Vô sắc giới”.

Nói cách khác, “Dục bộc lưu chỉ cho 5 hạ phần kiết sử”, còn hữu bộc lưu chỉ cho 5 thượng phần kiết sử.

Trong phần Tương ưng Niệm xứ, Tương ưng Chánh cần, Tương ưng Như ý túc, Tương ưng quyền, Tương ưng Lực, Tương ưng Giác chi; trong  phẩm Bộc lưu, kinh văn luôn đề cập đến 5 thượng phần kiết sử [61] .

Có thể nói “gọi là hữu bộc lưuchú trọng vào 5 thượng phần kiết sử”, còn “5 hạ phần kết sử chỉ là thứ yếu”.

Bộ Dhammasaṅgani (Pháp Tụ) trong Tạng Thắng pháp (Abhidhammapiṭaka) có định nghĩa về “hữu bộc lưu” như sau:

“Yo bhavesu bhavachando bhavarāgo bhavanandī bhavataṇhā bhavasineho bhavapariḷāno bhavamucchā bhavajjhosānaṃ. Ayaṃ vuccati bhav’ogho”:

“Pháp nào đối với các hữu là sự mong muốn hữu, tham luyến hữu, vui thích hữu, ái nhiễm hữu, luyến thương hữu, nôn nóng hữu, hôn mê hữu, quyến luyến hữu. Đây là hữu bộc lưu” [62] .

Đoạn kinh văn trên cho thấy “hữu bộc lưu” là “thích thú vào những cảnh giới tái sinh trong tương lai”.

Những cảnh giới tái sinh quyến rũ tâm thích thú chính là 27 nhàn cảnh: Cõi người, 6 cõi trời Dục,  16 cõi Sắc giới, 4 cõi Vô sắc giới.

Trong đó “cõi Sắc giới và cõi Vô sắc giới là chủ yếu”, còn 7 cõi vui Dục giới (cõi người + 6 cõi trời Dục) là thứ yếu.

Vì sao 7 cõi vui Dục giới là thứ yếu?

Đáp rằng: Vì 7 cõi vui Dục giới dễ dàng đạt đến, người hành thiện như bố thí, trì giới, phục vụ, cung kỉnh... có thể sinh về 7 cõi này.

Còn muốn sinh về cõi Sắc hay cõi Vô sắc phải đạt được thiền chứng và không bị hoại thiền.

Sự đạt được thiền chứng phải là người tam nhân. người Nhị nhân nổ lực tu thiền cũng chỉ đạt đến cận định (upacārasamādhi) và cũng chỉ tái sinh về cõi trời Dục mà thôi.

Tóm lại “hữu bộc lưu là giòng nước mạnh cuốn trôi chúng sinh vào các cảnh giới tái sinh tốt đẹp”.

Chi pháp “hữu bộc lưu” là tâm sở Tham trong 4 tâm Tham không hợp tà kiến.

Vì sao không đề cập đến tâm sở Tham trong 4 tâm tham hợp với tà kiến?

Vì những tâm tham hợp với tà kiến dẫn chúng sinh sinh vào 4 cõi khổ, mà 4 cõi khổ “không thể quyến rũ” tâm chúng sinh.

Nếu tính rộng thì lấy 4 tâm sở Tham có trong 4 tâm Tham không hợp tà kiến nhân với 27 cõi vui = 108 tâm sở Tham.

254 - Hỏi. Thế nào là “giòng nước mạnh sai lầm” (diṭṭhogha – kiến bộc lưu)? Chi pháp là gì?

Đáp. “Giòng nước mạnh sai lầm”. Là “sự thấy sai, hiểu sai lôi cuốn chúng sinh đắm chìm trong luân hồi”.

Kiến thức sai lầm này có một là : “Cho rằng có một bản ngã (atta) thường hằng, không hề thay đổi”.

Kiến thức sai lầm có 2 là:

- Cho rằng “bản ngã này bất biến, gọi là thường kiến”.

- Cho rằng “bản ngã này sau khi chết sẽ bị hoại diệt”.

Đây là 2 loại “kiến thức sai lầm chính”.

Từ 2 loại kiến thức này, nảy sinh nhiều quan niệm sai lầm khác, như trong kinh Trường bộ, bài kinh Phạm Võng có ghi nhận đến 62 loại quan điểm sai lầm.

Từ quan điểm “chết là hết”, nảy sinh 3 quan điểm: Vô nhân kiến, vô quả kiến và vô hành kiến.

Chính những quan kiến trên “lôi cuốn” chúng sinh rơi vào khổ cảnh, nên chúng được xếp vào “giòng nước mạnh”.

Ngoài ra, còn rất nhiều quan điềm sai lầm khác, là “giòng nước lôi cuốn chúng sinh thực hành theo những quan điểm ấy”, để rồi phải rơi vào khổ cảnh”. Như cho rằng “muốn giải thoát khỏi sinh tử luân hồi, phải thực hành khổ hạnh”....

Kinh “Người thực hành hạnh con chó (kukkuravatikasuttaṃ), trong Trung bộ Kinh II có nêu lên điều này. Và Đức Phật dạy:

“Iti kho Puṇṇa sampajjamānaṃ kukkuravataṃ kukkurānaṃ sahabyataṃ upaneti, vipajjamānaṃ nirayaṃ - ti

“Như vậy, này Puṇna, nếu hạnh con chó được thành tựu, thời được sinh trong loài chó, nếu không thành tựu thời sinh vào địa ngục”.

Tướng quân Sāḷha có bạch hỏi Đức Thế Tôn rằng:

“Santi, bhante, eke samaṇabrāhmaṇā dvayena oghassa nittharaṇaṃ paññapenti sīlavisuddhihetu ca tapojigucchaahetu ca:

-“Bạch Thế Tôn, có những Samôn, Bàlamôn trình bày sự “vượt qua giòng nước mạnh” với hai (pháp môn): Nhân giới thanh tịnh và nhân khổ hạnh nhàm chán.

Idha, bhante, bhagavā kimāhā’ti?

Ở đây, Bạch Thế Tôn, Thế Tôn có nói gì?

Đức Thế Tôn trả lời cho Tướng quân Sāḷha rằng:

“Giới thanh tịnh chỉ là chi phần của Samôn hạnh, còn cho rằng “nhân khổ hạnh nhàm chán”, là cốt lõi”. Bám chấp vào khổ hạnh, không thể nào vượt qua dòng nước mạnh” [63] .

Tóm lại “giòng nước mạnh sai lầm” là “không thấu triệt nhân quả hay lý duyên sinh, hoặc bám chấp vào tự ngã hoặc đại ngã”.

Những quan điểm sai lạc trên “như giòng thác cuốn trôi chúng sinh vào cảnh giới khổ”.

Chi pháp của kiến bộc lưu là tâm sở Tà kiến (diṭṭthi cetasika) có trong bốn tâm Tham hợp với Tà kiến.

Kiến bộc lưu chỉ được diệt trừ khi tâm Gotrabhū (Chuyển tánh) trong lộ đắc Sơ đạo xuất hiện.

Nói cách khác, khi vị ấy thành tựu bậc Thánh Dự lưu thì “giòng nước sai lạc” mới chấm dứt.

Giữa “kiến ô nhiễm - diṭṭhāsava” và “kiến nướ xoáy - diṭṭh’ogha”, tuy cùng chi pháp là tâm sở Tà kiến, nhưng có sự khác nhau là:

- Kiến ô nhiễm là bao gồm tất cả tà kiến”.

- Còn “kiến nước xoáy”, là bám chặt vào 1 tà kiến nào đó, gọi là “tà kiến nhất định” (diṭṭhi niyama).

Nếu tính rộng thì có 4 tâm sở Tà kiến trong 4 tâm Tham hợp tà nhân cho 62 chủ thuyết tà kiến = 248 tâm sở Tà kiến..

255 - Hỏi. Thế nào là “giòng nước mạnh vô minh” (avijj’ogha- vô minh bộc lưu)? Chi pháp là gì?

Đáp. Vô minh là “không thấu đạt bốn sự thật”.

Chính vì không hiểu thấu “bốn sự thật cao quý – ariyasacca”, nên chúng sinh bị giòng nước này cuốn trôi vào giòng luân hồi vô tận.

Đức Phật có dạy:

“Ariyassa bhikkhave sīlassa ananubodhā appaṭivedhā evaṃ idaṃ dīghaṃ addhānaṃ sandhāvitaṃ saṃsaritaṃ mamañc’eva tumhākañ ca:

“Này các Tỳkhưu, chính vì không giác ngộ, không chứng đạt Thánh giới mà Ta và các ngươi lâu đời phải trôi lăn trong biển sinh tử.

Ariyassa bhikkhave samādhissa... paññāya... ananubodhā appaṭivedhā.

Này các Tỳ khưu, chính vì không giác ngộ, không chứng đạt Thánh định.... Thánh tuệ...

Ariyassa bhikkhave vimuttiyā ananubodhā appaṭivedhā evaṃ idaṃ dīghaṃ addhānaṃ sandhāvitaṃ saṃsaritaṃ mamañc’eva tumhākañ ca:

Này các Tỳkhưu, chính vì không giác ngộ, không chứng đạt Thánh giải thoát mà Ta và các ngươi lâu đời phải trôi lăn trong biển sinh tử” [64] .

Tóm lại: “Sự không biết tứ Thánh đế , không biết nhân, không biết quả, không biết nhân - quả và không biết lý tương sinh “là giòng nước mạnh vô minh” (xem vô minh ô nhiễm).

Chi pháp của Vô minh bộc lưu là tâm sở Si (moha cetasika) có trong 12 tâm bất thiện.

Nếu tính rộng thì lấy 12 tâm sở Si nhân cho 8 điều bất tri = 96 tâm sở Si.

256 - Hỏi. Làm thế nào để vượt thoát bộc lưu?

Đáp. Trước tiên là đặt niềm tin vào Đức Phật và thực hành theo lời dạy của Ngài, như Dạxoa Ālavaka bạch hỏi Đức Thế Tôn:

“Kathaṃsu tarati oghaṃ? - Thế  nào vượt bộc lưu”?

Đức Phật đáp: “Saddhāya tarati oghaṃ - Với tín, vượt bộc lưu” [65]

“Tín ở đây chỉ cho “niềm tin đặt vào Đức Phật và lời dạy của Ngài”, có niềm tin mới thực hành pháp.

Và phải thực hành pháp nào?

Thực hành những pháp dẫn đến giác ngộ như: Tứ niệm xứ, tứ Chánh cần, tứ Như ý, ngũ Quyền, ngũ Lực, Thất Giác chi, nhất là Bát chánh đạo.

Như Kinh văn:

“Sabbadā sīlasampanno, paññavā susamāhito.

Āraddhavīriyo pahitatto, oghaṃ tarati duttaraṃ”.

Vị luôn luôn trì giới;trí tuệ, khéo định tĩnh.

Chí siêng năng dõng mãnh, vượt bộc lưu khó vượt [66] .

Hay: “Atthi panāvuso, maggo atthi paṭipadā, etesaṃ oghānaṃ pahānāyā’ti?

- Này Hiền giả, có con đường nào, có đạo lộ nào đưa đến đoạn tận các bộc lưu ấy?

Atthi kho, āvuso, maggo atthi paṭipadā, etāsaṃ oghānaṃ pahānāyā’ti.

- Này Hiền giả, có con đường, có đạo lộ đưa đến đoạn tận các bộc lưu ấy.

Ayameva kho, āvuso, ariyo aṭṭhaṅgiko maggo, etesaṃ oghānaṃ, seyyathidaṃ, sammādiṭṭhi....sammāsamādhi.

Đây là Thánh đạo Tám ngành, này Hiền giả, tức là chánh tri kiến... chánh định.

Ayaṃ kho, āvuso, maggo ayaṃ paṭipadā, etesaṃ oghānaṃpahānāyā’ti:.

Ðây là con đường, đây là đạo lộ, này Hiền giả, đưa đến đoạn tận các bộc lưu ấy  [67] .

Hay:

Pañca chinde psñca jahe ; pañc’uttari bhāvaye.

Pañca saṅgātino bhikkhu ; oghatiṇṇo’ti vuccati.

Cắt đứt năm, từ bỏ năm ; tu tập năm cao tột.

Thoát ra năm trói buộc; Tỳkhưu thoát bộc lưu.” [68]

Dứt “bốn giòng nước mạnh”.

-ooOoo-

 

Bài 15.

Bốn pháp “cột cứng”
(Cattāro yogā)

 

257 - Hỏi. Gọi yoga với ý nghĩa gì? Yoga có bao nhiêu pháp?

Đáp.Yoga từ ngữ căn yuj nghĩa là “mắc vào, cột vào”.

Yoga như “cái ách” đặt lên cổ con bò.

Con bò không thể thoát ra khỏi cái ách như thế nào, yoga “cột cứng” chúng sinh, không cho thoát ra khỏi luân hồi như thế ấy.

Yoga thường được dịch là “ách”, “kết” (chắc chắn).

Yoga là sự “cột gút,  xiết cứng lại”. Pāli có giải thích:

-Vaṭṭasmiṃ satte yojentīti = yogā:

“Thắt chặt chúng sinh vào vòng luân hồi, gọi là cột cứng”.

Pháp “cột cứng” có bốn là: Dục cột cứng, hữu cột cứng, kiến cột cứngvô minh cột cứng.

Như Kinh văn:

“Cattārome, bhikkhave, yogā. Katame cattāro?

“Này các Tỳkhưu, có bốn cột cứng (yogā) này. Thế nào là bốn?

Kāmayogo, bhavayogo, diṭṭhiyogo, avijjāyogo:

Dục cột cứng, hữu cột cứng, kiến cột cứng và vô minhcột cứng” [69] .

258 - Hỏi. Thế nào là “dục cột cứng” (kāmayoga)? Chi pháp là gì?

Đáp. Gọi là “dục cột cứng” là hạng chúng sinh bị dục chi phối, không thể buông lìa được dục lạc.

Vì như người nghiện ma túy, khó có thể buông bỏ “chất độc”này, hay ví như tù nhân bị khóa chặt tay chân, không thể thoát ra khỏi nhà lao.

Cũng vậy, với người đắm nhiễm trong các trần cảnh, không thể buông bỏ các trần cảnh, gọi là “dục cột cứng”.

Sở dĩ bị dục cột cứng vì không biết vị ngọt, sự nguy hại và sự ra khỏi các dục.

Đức Phật có dạy:

“Tassa kāmānaṃ samudayañca atthaṅgamañca assādañca ādīnavañca nissaraṇaṇañca yathābhūtaṃ appajānato yo kāmesu:

Do không như thật quán tri sự tập khởi, sự chấm dứt của vị ngọt, nguy hại, xuất ly các dục,  

kāmarāgo kāmanandī kāmasneho kāmamucchā kāmapipāsā kāmapariḷāho kāmajjhosānaṃ kāmataṅhā sānuseti: 

nên dục tham, dục hỷ, dục luyến (kāmasneho), dục đam mê, dục khát ái, dục não, dục chấp thủ (kāmajjhosāmaṃ), dục ái trong các dục xâm chiếm và tồn tại (sānuseti).

Ayaṃ vuccati, bhikkhave, kāmayogo:

Này các Tỳkhưu, đây gọi là dục ách (sđd).

Chi pháp “Dục cột cứng” là tâm sở Tham trong 8 tâm tham [70] .

259 -Hỏi. Thế nào là “hữu cột cứng” (bhavayoga)? Chi pháp là gì?

Đáp. “Hữu cột cứng” là chỉ cho chúng sinh bị những sinh hữu trói chặt, không thể thoát ra.

Hay chỉ cho những chúng sinh còn thích thú những sinh hữu thù diệu như những tầng thiền Sắc hoặc Vô sắc.

Chúng sinh bị “hữu cột cứng”, chỉ vì không hiểu biết vị ngọt của hữu, không hiểu biết nguy hại của hữu và không biết cách thoát ly ra khỏi hữu.

Đức Phật có dạy:

Tassa bhavānaṃ samudayañca atthaṅgamañca assādañca ādīnavañca nissaraṇaṇañca yathābhūtaṃ appajānato yo bhavesu:

“Do không như thật quán tri sự tập khởi, sự chấm dứt của vị ngọt, nguy hại, xuất ly các hữu.

Bhavarāgo bhavanandī bhavasneho bhavamucchā bhavapipāsā bhavapariḷāho bhavajjhosānaṃ bhavataṅhā sānuseti:

Nên hữu tham, hữu hỷ, hữu luyến (bhavasneho), hữu đam mê, hữu khát ái, hữu não, hữu chấp thủ (bhavajjhosāmaṃ), hữu ái trong các hữu xâm  chiếm và tồn tại (sānuseti).

Ayaṃ vuccati, bhikkhave, bhavayogo:

Này các Tỳkhưu, đây gọi là hữu ách”.(sđd)

Chi pháp “hữu cột cứng” là tâm sở Tham trong bốn tâm tham ly tà.

26o - Hỏi. Thế nào là “kiến cột cứng” (diṭṭhiyoga)? Chi pháp là gì?

Đáp: Gọi là “kiến cột cứng” là nắm giữ những tư tưởng sái quấy, không thể thoát ra những tư tưởng ấy.

Sở dĩ chúng sinh bị “kiến cột cứng” vì không biết vị ngọt, sự nguy hại và sự ra khỏi các kiến thức sái quấy.

Đức Phật có dạy:

Tassa diṭṭhīnaṃ samudayañca atthaṅgamañca assādañca ādīnavañca nissaraṇaṇañca yathābhūtaṃ appajānato yo diṭṭhīsu:

“Do không như thật quán tri sự tập khởi, sự chấm dứt của vị ngọt, nguy hại, xuất ly các kiến.

Diṭṭhirāgo bdiṭṭhinandī diṭṭhisneho diṭṭhimucchā diṭṭhipipāsā diṭṭhipariḷāho diṭṭhijjhosānaṃ diṭṭhitaṅhā sānuseti:

Nên kiến tham, kiến hỷ, kiến luyến, kiến đam mê, kiến khát ái, kiến não, kiến chấp thủ (diṭṭhijjhosāmaṃ), kiến ái trong các kiến xâm  chiếm và tồn tại (sānuseti).

Ayaṃ vuccati, bhikkhave, diṭṭhiyogo:

Này các Tỳkhưu, đây gọi là kiến ách”(sđd).

Đoạn kinh văn trên cho thấy:

“Mỗi chủ thuyết đều có nét hấp dẫn và có vẻ hợp lý”, chính vì thế mới lôi cuốn chúng sinh nghe theo và thích thú với chủ thuyết ấy.

Chúng ta lấy một điển hình như sau:

Phái “lõa thể” cho rằng “khi mới sinh ra, chúng sinh chẳng có gì che thân, chỉ vì có y phục che thân mới bị dính mắc,bị trói buộc.

Đứa bé thản nhiên trần truồng, nó không bị trói buộc chi cả, cũng vậy, nếu tâm thản nhiên như đứa trẻ khi trần trường, người ấy không bị trói buộc.

Từ đó có phái Nigantha (ly hệ phược) xuất hiện, có rất nhiều chúng sinh ngưỡng mộ và thích thú.

Chi pháp “kiến cột cứng” là tâm sở Tà kiến trong bốn tâm tham hợp tà kiến.

261 -Hỏi: Thế nào là “vô minh cột cứng” (avijjāyoga)? Chi pháp là gì?

Đáp: Gọi là “vô minh cột cứng” vì không biết vị ngọt của sáu xúc xứ [71] , nên bị vô minh buộc chặt vào dòng luân hồi.

Đức Phật có dạy:

Tassa channaṃ phassaayatanānaṃ samudayañca atthaṅgamañca assādañca ādīnavañca nissaraṇaṇañca yathābhūtaṃ appajānato yā chasu phassāyatanesu avijjā aññāṇaṃ sānuseti:

Do không như thật quán tri sự tập khởi, sự chấm dứt của vị ngọt, nguy hại, xuất ly của sáu xúc xứ (phassāyatanānaṃ).

Nên vô  minh, vô trí (avijjā aññāṇaṃ) trong sáu xúc xứ xâm chiếm và tồn tại.

Ayaṃ  vuccati, bhikkhave, avijjāyogo:

Này các Tỳkhưu, đây gọi là vô minh ách”.(sđd)

Chi pháp của “vô minh cột cứng” là tâm sở Si trong 12 tâm bất thiện.

Tóm lại, gọi là “cột cứng” (yoga), chỉ vì không biết vị ngọt, nguy hại và sự xuất ly năm thủ uẩn (pañcupādānakkhandha).

Ba pháp: “ô nhiễm, dòng nước mạnh, cột cứng” đều có cùng chi pháp, nhưng nói lên những khía cạnh khác nhau của các pháp này:

- Khi nói về khía cạnh “nhơ bẩn”, thì chúng được gọi là āsava (ô nhiễm).

- Khi nói về khía cạnh “cuốn trôi”, thì chúng được gọi là ogha (dòng nước mạnh).

- Khi nói về khía cạnh “cột cứng”, thì chúng được gọi là yoga.

Dứt “bốn cột cứng”

-ooOoo-

 

Bài 16.

Bốn pháp Cột chắc
(Cattāro ganthā)

 

262 - Hỏi. Gantha là gì? Có bao nhiêu pháp gantha?

Đáp. Gantha là “sự kết hợp lại”, “bó lại”,“cột trói lại”.

Tuy yoga và gantha đều cùng ý nghĩ “cột trói”, nhưng yoga có tính “cột cứng thành gút”.

Nên yoga còn được dịch  là “kết = chắc chắn”, hay như cái ách “đặt cứng chắc trên cổ con bò, nên yoga còn được dịch là “ách”.

Còn gantha, tuy cũng “cột chắc” nhưng không “thắt chặc” như yoga.

Gantha thường được dịch là “hệ phược = liên hệ cột chắc lại” hay “phược= cột chắc”.

Ví như người dùng sợi dây chắc, cột chặt bó đủa lại”.

Do đó mỗi pháp “cột chắc” thường đi kèm chữ kāya, như abhijjhā kāyagantha (nhóm tham ác cột chắc)...

Kāya không phải chỉ cho thân vật chất, mà mang ý nghĩa “một khối”, “một nhóm”, “gom lại”.

Như chúng ta có chữ nāmakāya (danh thân), rūpakāya (sắc thân).

Pāli có giải thích từ kāya như sau:

- Kāyaṃ ganthentīti = kāyagantha: “Ràng buộc thành nhóm, gọi là nhóm cột chắc”.

- Kāyena kāyaṃ ganthentīti = kāyagantha:

“Pháp cột chắc làm thành nhóm, gọi là nhóm cột chắc” [72] .

Gantha có bốn pháp là:

- “Nhóm tham ác cột chắc” (abhijjhā kāyagantha).

- “Nhóm hiềm hận cột chắc” (byāpāda kāyagantha) [73] .

- “Nhóm giới cấm khinh thị cột chắc” (sīlabbata-parāmāsa kāyagantha).

-“Nhóm chấp đây là sự thật cột chắc” (idaṃ saccābhiniveso).

Như kinh văn:

“Cattārome bhikkhave, ganthā. Katame cattāro?

“Này các Tỳkhưu, có bốn cột chắc này. Thế nào là bốn?

Abhijjhā kāyagantho, byāpādo kāyagantho, sīlabbataparāmāso kāyagantho”

“Nhóm tham ác cột chắc, nhóm phẫn uất cột chắc, nhóm tà giới cột chắc và  nhóm chấp đây là sự thật  cột chắc [74] .

263 - Hỏi. Thế nào là “nhóm tham ái cột chắc” (abhijjhā kāyagantha)? Chi pháp là gì?

Đáp. Theo từ nghuyên abhijjhā = abhi (cao tột) + căn jhe (đốt cháy).

Abhijjhā nghĩa đen là “sự đốt cháy cao”, hiểu theo nghĩa bóng là “thiêu đốt thân tâm”.

Abhijjhā được dịch là “tham ái”. tham là ngọn lửa thiêu đốt thân tâm vừa mạnh và dai dằng nhất.

Còn sân, si cũng là ngọn lửa, nhưng không bằng ngọn lửa tham.

Đức Phật có dạy:

“Natthi rāgasamo aggi: “Không có lửa nào bằng tham ái.

Natthi dosasamo gaho: “Không có ngục tù nào bằng sân hận”.

Natthi mohasamaṃ jālaṃ: “Khộng có lưới nào bằng si mê”.

Natthi taṇhāsamā nadī: “Không có sông nào như sông ái” [75] .

Hay: “... So abhijjhaṃ loke pahāya vigatābhijjhena cetasā viharatī:

“...Vị ấy từ bỏ tham ái ở đời, sống với tâm thoát ly tham ái.

Abhijjhāya cittaṃ parisodheti: Gột rửa tâm hết tham ái” [76] .

Nhưng vì theo sau là từ kāyagantha (nhóm cột chắc), nên abhijjhā kāyagantha được dịch là “tham ái thân phược”.

“Tham ái thân phược” là “sự ham muốn, thèm khát quá độ để nổi không thể buông bỏ được”, có thể trở thành “tham ác”.

Như một người “thích tiền quá đổi” trở thành kẻ “keo kiệt”.

Câu truyện trưởng giả Macchariyakosiya (Kosiya keo kiệt) là điển hình.

Trưởng giả Kosiya có gia tài lên đến 800 đồng vàng, nhưng ông không hề bố thí cho ai đồng nào. Thậm chí, tiêu xài cho bản thân, ông cũng không dám.

Có lần ông ông thèm bánh rán mật ong, ngay cả vợ con, ông cũng không muốn cho họ dùng loại bánh rán mật ong ấy [77] .

Đây là một trường hợp điển hình cho tham ái trói chặt trở thành “tham ác”.

Trường hợp khác là “sự quyến luyến quá độ, không thể buông lìa”, đó cũng là “tham ái cột chặt”.

Có một công tử được cha mẹ hết lòng thương mến, chàng xuất gia trong giáo pháp này. Cha mẹ chàng cũng xuất gia trong Giáo pháp này để được gần gủi người con.

Thế rồi, cả ba người không thể sống xa rời nhau, chư Tỳkhưu chê trách thái độ ấy, bạch với Đức Thế Tôn. Do nhân đó Đức Phật thuyết lên kệ ngôn:

“Tasmā piyaṃ na karirātha; piyāpāyo hi pāpako.

Ganthā  na vijjanti; yesaṃ natthi piyāppiyaṃ”.

“Do vậy chớ yêu ai; ái biệt ly là ác.

Những ai không yêu ghét; không thể có buộc ràng”  [78]

Hoặc câu truyện tiền thân của cận sự nam Mahākāla là vị quan giữ rừng.

Vì ái luyến nhan sắc vợ của người qua rừng, ông đã vu oan cho người chồng trộm ngọc, đánh chết người chồng để chiếm vợ người [79] .

Đây cũng là hình thức của tham ái trở thành “tham ác”.

Tóm lại, “tham ái, mà không thể từ bỏ được, trở thành tham ác”, vì tìm mọi cách để đạt cho được mục đích, theo đường hướng bất thiện, chúng trở thành tham ác.

Có ví dụ sau để mô tả tham áitham ác.

Hai người cùng chung vốn để đi buôn, sau chuyến buôn có lãi nhiều, một người nảy ra ý “chiếm trọn vẹn”, nên sát hại người bạn đồng hành. Đó là tham ác.

Ngài Buddhaghosa có cho thêm ví dụ về tham ái và tham ác như sau:

Có hai người cùng tạo phước, một người muốn tái sinh về cõi chư thiên. Đó là tham ái.

Một người chẳng những muốn tái sinh cõi chư thiên, mà còn muốn là chúa chư thiên. Đó là tham ác [80] .

Có 10 điều ràng buộc chúng sinh, nêu không thể “xa lìa” được, sẽ trờ thành gantha (cột chắc).

Đó là: Mẹ (mātā), cha (pitā), vợ (bhāriyā), con (putta), thân tộc (ñāti), bạn (mitta), tài sản (dhana), lợi lộc (lābhāsakkāra), danh vọng (yasa) và 5 dục tăng trưởng (kāmaguṇa) [81] .

Chi pháp của “nhóm tham ác cột chắc” là tâm sở Tham trong 8 tâm Tham.

Như Kinh văn:

Abhijjhā kāyagantho aṭṭhasu  lobhasahagatesu cittuppādesu upajjati:

“Nhóm tham ác cột chắc phát sinh trong tám tâm đi chung với tham” [82]

264 - Hỏi. Thế nào là “nhóm phẫn uất cột chắc” (byāpāda kāyagantha)? Chi pháp là gì?

Đáp. Byāpāda còn được viết dưới dạng vyāpāda, có nghĩa là “bực tức, ác cảm, ác tâm”, nhưng vì theo sau là cụm từ kāyagantha, nên được dịch là “phẫn uất”, “sân ác”, “sân độc”.

Tức là sự ác cảm hay bực tức không thể buông bỏ được.

Như Kinh văn:

Vyāpāda padosaṃ pahāya avyāpanna citto viharati, sabba pāṇa bhūta hitā nukampī vyāpāda padosā cittaṃ parisodheti.

Từ bỏ sân ác, hiềm hận,  vị ấy sống với tâm không sân hận, lòng từ mẫn thương xót tất cả chúng hữu tình, gột rửa tâm hết sân hận [83] .

Một từ đồng nghĩa khác của byāpāda là paṭigha (phẫn nộ, hiềm hận), vì có tiếp đầu ngữ paṭi làm tăng cường sức mạnh cho dosa (sân hận).

Một từ khác đồng nghĩa với byāpāda là vera (hận thù).

Có Phật ngôn: “Akkocchi maṃ  avaddhi maṃ; ajini maṃ  ahāsi me.

Ye taṃ upanayhanti; veraṃ tesaṃ na sammati.

Nó mắng tôi, đánh tôi; nó thắng tôi, cướp tôi.

Ai ôm ý nghĩ ấy; hận thù không thể nguôi” [84] .

Phẫn uất này thường đối kháng với cái chi?

Phẫn uất này thường đối kháng với chúng sinh hữu tình.

Có rất nhiều trường hợp “bực tức vô lý”, như có người bực tức với “trời mưa, trời nắng”, y phẫn nộ “mưa gì mà mưa hoài”, “nắng gì mà nắng mãi”, hoặc khi quét rác, mặc y không được,  y lại bực tức với gió ...

Nhưng phẫn uất này không “cột chắc” trong tâm của y.

“Phẫn uất cột chắc trong tâm”, chỉ có đối với “kẻ nghịch”, tức là “chúng sinh khác”.

Sự hiềm hận cột chắc” với chúng sinh hữu tình qua 9 cách:

- Do nghĩ rằng “kẻ ấy đã làm hại đến ta”.

- Do nghĩ rằng “kẻ ấy đang làm hại đến ta”.

- Do nghĩ rằng “kẻ ấy sẽ làm hại đến ta”.

- Do nghĩ rằng “kẻ ấy đã làm hại đến người thân của ta”.

- Do nghĩ rằng “kẻ ấy đang làm hại đến người thân của ta”.

- Do nghĩ rằng “kẻ ấy sẽ làm hại đến người thân của ta”.

- Do nghĩ rằng “kẻ ấy đã làm lợi đến kẻ thù của ta”.

- Do nghĩ rằng “kẻ ấy đang làm lợi đến kẻ thù của ta”.

- Do nghĩ rằng “kẻ ấy sẽ làm lợi đến kẻ thù của ta”.

Những “phẩn nộ vô lý” ở trên, nếu không buông bỏ, cũng được liệt vào “nhóm phẫn uất cột chắc” [85] .

Đừng nói chi là “hiềm hận không buông với người”, ngay cả những con vật, cũng không buông bỏ “tâm hiềm hận”, như có người “ghét cay ghét đắng loài chó”, chỉ vì có lần y bị chó cắn, hay có người “hiềm hận loài rắn”, gặp rắn là “tìm cách sát hại chúng” dù chúng chẳng làm hại gì y.

Vì sao vậy? Vì nghĩ rằng “chúng sẽ làm hại đến ta”...

Chúng ta có thể tìm thấy rất nhiều trường hợp “không thể bỏ hiềm hận” tạo thành những ác nghiệp, như tích Ngạ quỷ Trăn, câu chuyện người học trò của Ngài Mahā Kassapa vì phẫn nộ Ngài, đã đốt liêu thất của Ngài... [86]

Tóm lại, “nhóm phẫn uất cột chặt” là “không buông bỏ hiềm hận với bất kỳ điều nào”.

Chi pháp của “nhóm phẫn uất cột chặt” là tâm sở Sân trong 2 tâm sân.

Như Kinh văn:

“Byāpādo kāyagantho dvīsu domanassasahagatesu cituppadesu upajjhati.

Nhóm sân ác cột chắc khởi sanh trong 2 tâm đi chung với ưu” [87]

265 - Hỏi. Thế nào là “nhóm giới cấm khinh thị cột chắc” (sīlabbataparāmāsa kāyagantha)? Chi pháp là gì?

Đáp. Sīlabbaparāmāsa được phân tích thành sīlabata + parāmāsa.

- Sīlabba là “nghi thức cúng tế, lễ bái” hay “giới cấm”.

- Parāmāsa = para + ā + mṛs’, nghĩa là “bị ảnh hưởng bởi (bên ngoài -para)”.

Parāmāsa (hay parāmasa) được dùng theo nghĩa thuật ngữ là “dính mắc với”, “bị ảnh hưởng của”, “bị ô nhiễm”.

Ngài Buddhaghosa (Giác Âm) trong sách Atthasālinī có giải thích:

Parato āmasantīti = parāmāsa:

“Va chạm với bên ngoài, gọi là parāmāsa”.

Một nghĩa khác của parāmāsa  là “lầm đường”, “đảo ngược ”.

Như kinh văn:

“Kāmesanā bhavesanā, brahmacariyesanā saha.

Iti saccaparāmāso, diṭṭhiṭṭhānā samussayā”.

“Khao khát dục và hữu; luôn cả khao khát phạm hạnh.

Như vậy, sai sự thật; là nơi kiến tụ hội [88]

Khao khát phạm hạnh” hay “phạm hạnh tầm cầu”, là chỉ cho “thường kiến”, nghĩa là cho rằng “Đấng Phạm thiên thường hằng bất biến”, nỗ lực tu tập để trở về với Đại ngã ấy.

Paramāsa cũng đồng nghĩa với abhinivesa (nghiêng về, xu hướng theo).

Chữ para với ý nghĩ “bên ngoài” là: “bên ngoài Phật giáo” hay “bên ngoài đạo lộ giải thoát”.

Điều này giải thích “vì sao bậc Thánh Dự lưu không còn xu hướng theo ngoại giáo”“những gì ngoài đạo lộ giải thoát các Ngài đã thấy rõ, biết rõ” nên không còn xu hướng với những nghi thức ấy.

Chữ para với ý nghĩa “điều khác”, nghĩa là “điều không đúng với chánh kiến”.

Như trường hợp Tôn giả Yamaka tuyên bố:

“Tathāhaṃ bhagavatā dhammaṃ desitaṃ ājānāmi,  yathā khīṇāsavo bhikkhu kāyassa bhedā ucchijjati vinassati, na hoti paraṃ maraṇā’ti”.

“Như Ta hiểu lời Thế Tôn giảng, Tỳkhưu đoạn tận các ô nhiễm (āsava), sau khi mệnh chung, sẽ đoạn tận, sẽ diệt tận, sẽ không có gì nữa sau khi chết”.

Chư Tỳkhưu phản bác lời Tôn giả Yamaka, cho rằng Tôn giả Yamaka xuyên tạc Đức Thế Tôn và thỉnh cầu Đức Sāriputta đến giải trừ ác kiến của Tôn giả Yamaka.

Đức Xálợiphất thuyết lên tính vô thường của 5 uẩn để giải trừ tà kiến của Tôn giả Yamaka [89] .

Theo bản Sớ giải: “Nếu Tôn giả Yamaka nói rằng “vị Tỳkhưu đoạn tận các lậu hoặc, vị ấy chấm dứt tái sinh” thì không có gì sai lầm”.

Nhưng cho rằng “sẽ đoạn tận, sẽ diệt tận” là một tà kiến. Vì sao?

Vì cho rằng “có một bản ngã”, “bản ngã “ ấy bị diệt tận, bị diệt tận.

Từ parāmāsa  còn mang ý nghĩa là “điều sai lầm”. Như:

“Aparantānudiṭṭhīnaṃ asati, thāmaso parāmāso na hoti”

“Do không có nhìn theo (anudiṭṭhi) tương lai, không kiên trì “sai lệch” (thāmaso parāmāso)” [90] .

Hay: “Bhikkhave, Nigaṇṭhā, sandiṭṭhiparāmāsā ādhānaggāhī duppaṭinissaggino, bhikkhave, Nigaṇṭhā, kuhakā, bhikkhave, Nigaṇṭhā”.

“Này các Tỳkhưu, các Nigantha (Nikiềntử), nhận thức sai lầm (sanḍṭthiparāmāsa), cứng cõi, gìn giữ, nương tựa (vào) sự chống đối, này các Tỳkhưu, là các Nikiềntử giả trá (kuhakā). [91]

Hoặc là:

“Yo so, bhikkhave, bhikkhu sandiṭṭhiparāmāsī hoti adhānaggāhī duppaṭinissaggī:

Này các Hiền giả, Tỳkhưu nào nhận thức sai lầm (sandiṭṭhiparāmāsaī), khó dạy (ādhāna), gìn giữ, nương tựa vào sự chống đối (duppaṭi).

So sattharipi agāravo viharati appatisso...”

Vị ấy sống không cung kỉnh, không tùy thuộc vào Bậc Đạo Sư. .. [92]

Sīlabbaparāmāsa có những ý nghĩa như sau:

1 - Những nghi thức cúng tế không đúng pháp.

Bàlamôn Ujjaya (và bàlamôn Udāyi) có hỏi Đức Phật:

“Có phải Samôn Gotama không tán thán tế đàn?”.

Đức Phật đáp:

“Này Bàlamôn, Ta không tám thán tất cả mọi tế đàn.

Nhưng này Bàlamôn, Ta không phải không tán thán tất cả mọi tế đàn”.

Và Đức Phật giải thích “những tế đàn nào có sát sinh, bậc Alahán không đi đến”; “những tế đàn nào không có sát sinh, tức là bố thí thường làm từ lâu, cầu hạnh phúc cho gia đình (yadidaṃ niccadānaṃ anukalayaññaṃ), bậc Alahán có đi đến  [93] .

Đoạn kinh văm trên cho thấy: “Đức Thế Tôn  không tán thán tất cả mọi tế đàn”, nghĩa là “nếu tế đàn mang ý nghĩa nghi thức, tế lễ, hay tế đàn có sát sinh thì Đức Phật không tán thán”.

Còn “tế đàn” mang ý nghĩa “tạo phước”“thường bố thí, cầu hạnh phúc cho gia đình” thì Đức Phật tán thán.

Mà bố thí, cúng dường thì không có nghi thức.

Lại nữa, bộ Cūlaniddesa (Tiểu Xiển Minh) có giải thích:

Theo quan điểm của người xưa, có 5 đối tượng để lễ bái, cúng dường, đó là:

-Bậc xuất gia.

- Linh thú. Đối với một số tín ngưỡng thì bò, quạ, voi, sư tử ... là linh vật, cần phải lễ bái, thờ cúng.

- Biểu tượng vô tri. Đối với một số tín ngưỡng, người ta thờ ngọc Mani, linga-yoni (biểu tượng sinh tồn của Bàlamôn giáo, đó là bộ phận sinh dục nam - nữ), lửa, mặt trời, mặt trăng, hay đảnh lễ các phương hướng [94]  ...

- Hạ đẳng thần. Một số người lại thờ Rồng, Kim xí điểu, Dạ xoa, Thần quỷ Atula, Cànthátbà (gandhabba)...

-Thượng đẳng thần. Một số người lại thờ Phạm thiên, Đế thích, thần Visnu, thần Siva...

Những đối tượng thờ cúng sai lệch như linh thú, lửa ... thậm chí cả thượng đẳng thần với sự “mê tín” hay “cuồng tín”, đều xếp vào giới cấm sai lạc (sīlabbata parāmāsa).

2* - Những giới cấm không đúng pháp.

Tức là những giới luật không phù hợp với Phật giáo.

Lõa thể Kassapa có trình bày pháp khổ hạnh của một số Samôn Bàlamôn như:

- Sống phóng túng, không theo lễ nghi (như đứng mà đi đại tiểu tiện, đứng ăn, không chịu ngồi theo lễ nghi)

- Liếm tay cho sạch (sau khi ăn, không chịu rửa).

- Ði khất thực không chịu bước tới (theo yêu cầu để thí chủ bỏ đồ ăn vào bát)

- Không nhận đồ ăn mang đến (cho mình, trước khi đi khất thực).

- Không nhận đồ ăn đặc biệt nấu cho mình.

- Không nhận mời đi ăn. - Không nhận đồ ăn từ nơi nồi chảo (sợ nồi chảo bị nạo, bị cạy để cúng dường đồ ăn)

- Không nhận đồ ăn tại ngưỡng cửa (sợ dành riêng cho mình),không nhận vật thực từ người nữ cho con bú ... [95]

3- Những chủ thuyết sai lầm.

Như cho rằng “chấm dứt đau khổ nhờ minh hay nhờ hạnh”...

Đức Sāriputta có trả lời Đức Upavāna khi vị ấy hỏi:

Kiṃ panāvuso sāriputta, vijjāntakaro hotī’ti?

“Thưa hiền giả Sāriputta, có thể có người chấm dứt (đau khổ) nhờ minh hay không”?

- No hidaṃ, āvoso: Thưa không, này hiền giả.

Kiṃ panāvuso Sāriputta, caraṇenantakaro hotī’ti?

Thưa Hiền giả Sāriputta, có thể có người chấm dứt (đau khổ) nhờ hạnh hay không?

- No hidaṃ, āvuso: Thưa không, này Hiền giả.

Kiṃ panāvuso Sāriputta, vijjācaraṇenantakaro hotī’ti?

“Thưa Hiền giả Sāriputta, có thể có người chấm dứt (đau khổ) nhờ minh và hạnh hay không”?

- No hidaṃ, āvuso: Thưa không, này Hiền giả.

Kiṃ panāvuso Sāriputta, aññatra vijjācaraṇenantakaro hotī’ti?

“Thưa Hiền giả Sāriputta, có thể có người chấm dứt (đau khổ) ngoài minh và hạnh hay không”?

- No hidaṃ, āvuso. Thưa không, này Hiền giả.

Đức Sāriputta có giải thích:

- Vijjāya ce, āvuso, antakaro abhavissa, sa-upādānova samāno antakaro abhavissa: Nếu có người chấm dứt (đau khổ) nhờ minh, thời người ấy vẫn là người chấm dứt (đau khổ) với chấp thủ”.

Caraṇena ce, āvuso, antakaro abhavissa, sa-upādānova samāno antakaro abhavissa: Nếu có người chấm dứt (đau khổ) nhờ hạnh, thời người ấy vẫn là người chấm dứt (đau khổ) với chấp thủ”.

“Vijjācaraṇena ce, āvuso, antakaro abhavissa, sa-upādānova samāno antakaro abhavissa: Nếu có người chấm dứt (đau khổ) nhờ minh và hạnh, thời người ấy vẫn là người chấm dứt (đau khổ) với chấp thủ.

“Aññatra vijjācaraṇena ce, āvuso, antakaro abhavissa, puthujjano antakaro abhavissa: Nếu có người chấm dứt (đau khổ) ngoài minh và hạnh, thời một người phàm phu có thể là người chấm dứt (đau khổ).

Và Ngài Sāriputta có dạy: “Nhưng với minh - hạnh, người ấy thấy như thật, biết như thật. Người ấy giải thoát [96] .

Sở dĩ không thể nói “chấm dứt đau khổ nhờ minh - hạnh”, vì bậc Thánh Alahán “không còn tái sinh, không còn khổ luân hồi”, nhưng khi còn thân ngũ uẩn, các Ngài vẫn còn khổ thân, khổ sinh diệt và khổ do pháp hành. Vậy  thì “làm sao chấm dứt đau khổ được, trong khi vị Alahán có minh - hạnh đầy đủ”.

Ngoài ra “sīlabbataparāmāsa còn mang ý nghĩa là “những điều mê tín dị đoan”.

Kinh văn có ghi:

“Đối với các Samôn, Bàlamôn ngoài giáo pháp này, cho rằng thanh tịnh nhờ hạnh giói, thanh tịnh nhờ hạnh tu, thanh tinh nhờ giới cấm; kiến nào như vậy là thiên kiến, kiếp chấp...” [97]

Chi pháp của “nhóm tà giới cột chắc” là tâm sở Tà kiến trong 4 tâm hợp với tà kiến.

266 - Hỏi. Thế nào là “nhóm chấp đây là sự thật cột chắc” (idaṃ saccābhiniveso)? Chi pháp là gì?.

Đáp.“Đây là sự thật” là cho rằng “chỉ đây là sự thật, ngoài ra là hư ngụy”.

Bám chặt vào quan điểm sai lầm ấy, không buông bỏ “quan điểm ấy”, gọi là “cột chắc”.

Như có một số Samôn, Bàlamôn chủ trương:

-“Khổ - lạc là do Tạo hóa sắp đặt, điều này là sự thật, ngoài ra là hư ngụy”.

- Hay “khổ - lạc do nhân nghiệp quá khứ”, điều này là sự thật, ngoài ra là hư ngụy”.

- Hoặc là “khổ - lạc tự nhiên sinh, không do nhân do duyên ...”

Đức Phật giải thích:

- Nếu khổ lạc d0 nhân Tạo hóa, thì quan điểm này có một Tạo hóa ác độc.

- Nếu “khổ - lạc do nhân quá khứ” thì khi một hành giả tinh tấn hành đạo phát sinh khổ thọ, còn không tinh tấn hành đạo thì không sinh khổ thọ. Vậy “nhân quá khứ ở đâu?”

Lại nữa, chẳng lẽ do “nghiệp quá khứ” phải sát sinh, trộm cắp... hay bố thí, cúng dường... [98]

Xét kỹ quan điểm này cũng rơi vào tà kiến, vì rằng “khổ lạc do nhân nghiệp quá khứ cũng có, do nhân nghiệp hiện tại cũng có”, nhưng không chấp nhận “do nghiệp hiện tại”, đó là tà kiến.

Quan điểm thứ 3 rõ ràng là “tà kiến” rồi.

Ngoài ra, còn có những quan điểm sai lầm khác như:

- Cho rằng “đời là thường còn, điều này là thực, còn điều khác là vọng”, hay

- Cho rằng “đời là không thường, điều này là thực, còn điều khác là vọng”... [99] .

Chi pháp “nhóm chấp đây là sự thật cột chắc” cũng là tâm sở Tà kiến trong bốn tâm hợp tà (sđd, số 925).

Dứt bốn pháp cột chắc.

-ooOoo-

 

Bài 17.

Bốn pháp “nắm giữ chắc”
(Cattāro upādānā)

 

267 - Hỏi. Thế nào là “nắm giữ chắc” (upādāna)? Có bao nhiêu pháp “nắm giữ chắc”.

Đáp. Phân tích từ upādāna (nắm giữ) = upa (gần, khắn khít) + ā+ căn dā (cho, buông ra) [100] .

Upa (khắn khít) + ādāna (bám lấy, níu lấy).

Upādāna thường được dịch là thủ (nghĩa là “nắm giữ chắc”),  là “ái quá mạnh”.

Ái ví như tên trộm sờ soạng trong đêm tối, còn “nắm giữ” (upādāna) ví như tên trộm lấy được món đồ, không buông ra (sđd).

“Upādāniyesu, bhikkhave, dhammesu assādānupassino viharato taṅhā pavaḍḍhati. Taṅhāpaccayā upādānaṃ:

“Này các Tỳkhưu, ai sống thấy vị ngọt trong các pháp được nắm giữ, ái được tăng trưởng. Do duyên ái nên thủ sinh khởi” [101]

Có Pāli giải thích như sau:

“Upādīyantīti = upānāni:

Pháp nào chấp cứng với cảnh, gọi là thủ (nắm giữ) [102]

Có bốn pháp “nắm giữ” là:

- Dục thủ (kāmupādāna).

- Kiến thủ (diṭṭhupādāna).

- Giới cấm thủ (sīlabbatupādāna) .

- Ngã luận thủ (attavādupādāna).

Như kinh văn:

“Cattārimāni, bhikkhave, upādānaṃ:Này các Tỳkhưu, có 4 thủ”

Kāmupādānaṃ, diṭṭhupādānaṃ. sīlabbatupādānaṃ, attavādupādānaṃ:

Dục thủ, kiến thủ, giới cấm thủ và ngã luận thủ” [103]

268 - Hỏi. Thế nào là” dục thủ” (kāmupādāna)? Vì sao có dục thủ? Chi pháp dục thủ là gì?

Đáp. Dục thủ là “nắm giữ năm trần cảnh: sắc, thinh, hương , vị và xúc”.

Với 5 trần cảnh “xinh đẹp”, đó là vị ngọt của chúng. Chúng sinh không biết “nguy hại” của 5 trần cảnh (là tính vô thường biến hoại), nên tham đắm, dính mắc vào chúng, “nắm giữ” lấy chúng, thế là dục thủ hình thành.

Thiên chủ Sakka (Đế Thích) có bạch với Đức Thế Tôn:

“Ko pana, bhante, hetu, ko paccaya yena midhekacce sattā diṭṭheva dhamme parinibbāyantī’ti?

“Bạch Đức Thế Tôn, do nhân gì, duyên gì, ở đây một số hữu tình ngay trong hiện tại không viên tịch?

Đức Phật dạy:

Santi kho, devānaminda, cakkhuviññeyyā rūpā, iṭṭhā kantā manāpā piyarūpā kāmūpasaṃhitā rajanīyā:

Này Thiên chủ, có những sắc do mắt nhận thức, khả lạc, khả hỷ, khả ý, khả ái liên hệ đến dục, hấp dẫn.

Tañce bhikkhu abhinandati abhivadati ajjhosāya tiṭṭhati:

“Nếu vị Tỳkhưu hoan hỷ sắc ấy, tán dương, tham luyến an trú.

Tassa taṃ abhinandato abhivadato ajjhosāya tiṭṭhato tannissitaṃ viññāṇaṃ hoti tadupādānaṃ:

“Do vị ấy hoan hỷ sắc ấy, tán dương, tham luyến an trú, y cứ vào đấy, thức khơi  lên, chấp thủ sắc ấy.

Sa-upādāno, devānaminda, bhikkhu no parinibbāyati:

“Vì có chấp thủ, này Thiên chủ, Tỳkhưu ấy không đắc viên tịch [104] .

Tương tự như thế với thinh, hương, vị và xúc.

Tạng Diệu pháp, bộ Pháp tụ (Dhammasaṅganī) có định nghĩa “dục thủ” như sau:

“Yo kāmesu kāmacchando kāmarāgo kāmanandī kāmataṅhā kāmasineho kāmapariḷāho kāmamucchā kāmajjhosānaṃ. Idaṃ vuccati kāmupādānaṃ”

“Pháp nào đối với các dục là sự mong muốn dục, tham luyến dục, luyến thương dục, nôn nóng dục, hôn mê dục, quyến luyến dục. Đây được gọi là dục thủ  [105] ”.

Chi pháp của Dục thủ là tâm sở Tham trong 8 tâm tham (sđd, số 956).

Đây là nói về phàm nhân, riêng bậc Thánh Dự lưu và Nhất lai, dục thủ chỉ là tâm sở Tham có trong 4 tâm tham ly tà.

Riêng bậc Thánh Anahàm dứt trừ dục thủ.

269 - Hỏi. Thế nào là “kiến thủ” (diṭṭhūpādāna)?  Chi pháp kiến thủ là gì?

Đáp. Kiến thủ là “nắm giữ chắc những điều sái quấy”.

Điều sái quấy ở đây là gì? Chính là “đoạn kiến” hay nói rộng là ba loại tà kiến: Vô hành kiến, vô nhân kiến, vô quả kiến.

Như Kinh văn:

“Natthi dinnaṃ, natthi yiṭṭhaṃ, natthi hutaṃ, natthi sukatadukkaṭānaṃ kammānaṃ phalaṃ vipāko:

“Cho là không có sự bố thí, không có sự cúng dường, không có tế lễ, không có quả dị thục của nghiệp tốt xấu,

Natthi ayaṃ loko, natthi paro loko, natthi mātā, natthi pitā,natthi sattā opapātikā:

Không có đời này, không có đời sau, không có mẹ, không có cha, không có chúng sinh hóa sinh.

Natthi loke samaṇabrāhmaṇā sammaggatā (samaggatā) sammāpaṭipannā, ye imañca lokaṃ parañca lokaṃ sayaṃ abhiññā sacchikatvā pavedentīti:

Trong đời này không có các vị Samôn, Bàlamôn chánh hướng chánh hạnh, là những vị đã tự mình với thắng trí chứng đạt rồi tuyên bố đời này, đời sau.

Yā evarūpā diṭṭhi diṭṭhigataṃ diṭṭhigahanaṃ ...

Kiến nào như vậy là thiên kiến, kiến chấp ... [106]

Chi pháp kiến thủ là tâm sở Tà kiến trong 4 tâm tham hợp tà.

270 -Hỏi. Thế nào là “ giới cấm thủ” (sīlabbatupādāna)?  Chi pháp là gì?

Đáp. Sīlabba là “những nghi thức cúng tế ” hay “những giới cấm”

Những điều này chưa hẵn là xấu, nhưng vì theo sau là upādāna (nắm giữ chắc) nên trở thành những nghi thức cúng tế sai lạc, hoặc những tri kiến sai lạc.

Vì sao? Vì upādāna là tham cường thịnh

*- “Những nghi thức cúng tế sai lạc”. Như tục lệ cúng bái các thần quỷ,  tục lệ tế thần lửa bằng cách sát hại chúng sinh khác...

*- Những giới cấm sai lạc”. Như “không dùng nước lạnh theo thuyết  của giáo chủ Purāṇa kassāpa”, hay những cách tu khổ hạnh ...

Kinh văn có ghi:

Đối với các Samôn, Bàlamôn ngoài giáo pháp này, cho rằng thanh tịnh nhờ hạnh giói, thanh tịnh nhờ hạnh tu, thanh tinh nhờ giới cấm; kiến nào như vậy là thiên kiến, kiếp chấp... (sđd số 783)”.

Ngoài ra, tuy là những nghi thức có hình thức tốt, nhưng được làm với sự hiểu biết  lầm lạc cũng được xem là sīlabbatupādāna.

Như cho rằng “chỉ cần niệm phật là sẽ giải thoát” hay “chỉ cần bố thí, trì giới là được giải thoát”, chí đến cho rằng “hành thiền an tịnh, đắc Tứ định là giải thoát” (nếu hiểu giải thoát theo nghĩa: chấm dứt sinh tử luân hồi” thì đó là tà kiến).

Những nghi thức tế lễ phù hợp với đức tin trong sạch, hợp với trí tuệ là điều đáng làm.

Thế nào là hợp với trí tuệ?

Tức là những nghi thức này làm tăng trưởng phước báu, chỉ là “tạm thời giải thoát khổ”, muốn diệt trừ khổ phải “tinh tấn hành thiền quán, chứng đạt Nípbàn”.

Chi pháp giới cấm thủ là tâm sở Tà kiến trong 4 tâm tham hợp tà kiến.

271 - Hỏi.Thế nào là “ngã luận thủ” (attavādupādāna)? Chi pháp là gì?

Đáp. Ngã luận thủ là “nắm giữ cứng về chủ thuyết cái ta”.

Nói cách khác là “cho rằng có cái ta trong 5 uẩn”.

Luận thuyết về “cái ta” có 2 loại: “Tha ngã” và “tự ngã”.

*- Tha ngã là “cái ta” của chúng sinh khác, hay “cái ta” của Thượng Đế, của Đấng Sáng tạo chủ...

Như cho rằng “đời là thường còn, đời không thường còn, chúng sinh sau khi chết còn tồn tại, chúng sinh sau khi chết không tồn tại,  sinh mạng với thân thể là một, sinh mạng với thân thể là khác...”

Tất cả những vấn đề này, Đức Như Lai không trả lời [107] . Vì sao?

Vì tất cả những vấn đề này “liên quan đến tự ngã”.

Sự hiện hữu của chúng sinh là do “nhân duyên”, nói cách khác là do “ái”.

Chúng sinh nào còn ái thì còn tái sinh, chúng sinh nào không còn ái thì không còn tái sinh.

Còn” là cho rằng “ngã tồn tại”, “không còn” là cho rằng “ngã bị diệt tận”. Nhưng “ngã” vốn không có.

Đức Phật trả lời cho Tôn giả Kaccāyanagotta rằng:

“Sabbaṃ atthī’ti kho, Kaccāna, ayameko anto. ‘Sabbaṃ natthī’ti ayaṃ dutiyo anto’.

“Tất  cả  là   này Kaccāyān là một cực đoan. “Tất cả là không có” là một cực đoan thứ hai.

Ete te, Kaccāna, ubho ante anupagamma majjhena tathāgato dhammaṃ deseti:

Này Kaccāyana, xa lìa 2 cực đoan ấy, Như Lai thuyết về trung đạo” [108] .

Hay “Taṃ jīvaṃ taṃ sarīranti vā, bhikkhu, diṭṭhiyā sati brahmacariyavāso na hoti:

Này Tỳkhưu, chỗ nào có (tà) kiến: "Sinh mạng và thân thể là một", chỗ ấy không có Phạm hạnh trú.

Aññaṃ jīvaṃ aññaṃ sarīranti vā, bhikkhu diṭṭhiyā sati brahmacariyavāso na hoti.

Này Tỳkhưu, chỗ nào có (tà) kiến: "Sinh mạng và thân thể là khác", chỗ ấy không có Phạm hạnh trú.

Ete te, bhikkhu, ubho ante anupagamma majjhena tathāgato dhammaṃ deseti-‘jātipaccayā jarāmaraṇan’ti”:

Này Tỳkhưu, từ bỏ hai cực đoan này, Như Lai thuyết pháp theo trung đạo và nói: "Do duyên sanh nên có già chết” [109] .

Dù bàn luận về “tha ngã” hay “tự ngã”, chung quy đều đề cập đến “cái ta”  với nhiều hình thức sai khác.

Như kinh văn:

“Ye hi keci, bhikkhave, samaṇā vā brāhmaṇā vā anekavihitaṃ attānaṃ samanupassamānā samanupassanti, sabbete pañcupādānakkhandhe samanupassanti:

“Này các Tỳkhưu, những Samôn, Bàlamôn bám víu vào “cái ta” nhiều cách khác nhau,  xem xét (anupassati) giống nhau hoặc khác nhau, xem xét cả 5 thủ uẩn hay xem xét một trong năm thủ uẩn” [110]

Và khi có cái ta tất nhiên dẫn đến có cái của ta”.

Một từ khác chỉ cho loại tà kiến này là sakkāyadiṭṭhi (có thân kiến), là “nhóm (kāya) thấy sai, hiểu sai về danh sắc”.

Thấy sai, hiểu sai như thế nào?

Về sắc uẩn chẳng hạn thì thấy rẳng:

- “Sắc là tự ngã” hay “tự ngã có sắc”, hay “sắc ở trong tự ngã”, hay “tự ngã ở trong sắc”.

Tương tự như thế với thọ, tưởng, hành và thức [111]

Chi pháp “ngã luận thủ” là tâm sở Tà kiến có trong 4 tâm Tham hợp tà.

“Nhóm thân kiến” có 20 tà kiến; tức là “mỗi uẩn có 4 cách thấy sai, hiểu sai nhân 5 uẩn = 20 thân kiến”

Nếu phân tích rộng thì như sau:

*- Sắc uẩn có 28 nhân 4 = 112 tà kiến.

*- Thọ uẩn có 108 nhân 4 = 432 tà kiến.

*- Tưởng uẩn có 108 nhân 4 = 432 tà kiến.

*- Hành uẩn có 50 tâm sở nhân 4 = 200 tà kiến.

*- Thức uẩn có 64 tâm (81 tâm hiệp thế - 17 tâm Duy tác hữu nhân của bậc thánh Alahán) nhân cho 4 = 256 tà kiến.

272 - Hỏi. Bốn pháp “nắm giữ”  lần lượt được trừ diệt ra sao?

Đáp. Bậc Dự lưu trừ tuyệt 3 pháp thủ là “kiến thủ, giới cấm thủ và ngã luận thủ”.

Bậc Anahàm trừ tuyệt dục thủ.

Có câu hỏi rằng. Bậc Anahàm còn tái sinh, vậy cái gì duyên cho hữu?

Đáp. Chính Thắng giải (adhimokkha) duyên cho hữu [112] .

Bậc Thánh Anahàm chỉ có lộ ý cận tử và chỉ có cảnh nghiệp tướng xuất hiện vào lúc sắp lâm chung, cảnh nghiệp tướng này là “cảnh thiền tướng”.

Một trong những lộ cận tử sẽ xuất hiện tâm thiền tương ứng, rồi sau đó trải qua hằng trăm hàng ngàn tâm lộ cận tử, sau cùng tâm tử xuất hiện và tâm tục sinh sẽ là “tâm quả thiền tương ứng”.

Kinh văn ghi rằng:

... Thọ duyên cho Tịnh tín; Tịnh tín duyên cho Thắng giải; Thắng giải duyên cho hữu... (sđd).

Điều này cũng có cho phàm nhân đắc thiền mà không bị hoại thiền.

 

Dứt bốn pháp nắm giữ chắc.

-ooOoo-

 

 [1] -  Abhs. Chương VII.

 [2] - Sabbasaṅgaha còn được dịch là “hàm tận tập yếu”.

 [3] - HT. TMC (d). A.i, 123. Pháp ba chi; kinh Vết thương làm mủ (Vajirūpamasuttaṃ).

 [4] - HT. TMC (d). Dhp, câu 240.

 [5] - HT. TMC (d). Dhp, câu 253.

 [6]  -Đại trưởng lão Narada. Ô. Phạm Kim Khánh (dịch); Vi diệu pháp toát yếu, tr.385.

 [7]  – Abhs. Chương VII.

 [8] - S.iv, 256. Tương ưng Jambukhādaka (jambukhādakasaṃyuttaṃ); kinh ô nhiễm (āsavapañhāsuttaṃ).

 [9] - A.i, 163. Pháp ba chi, kinh Tikaṇna (Tikaṇṇasuttaṃ).

 [10] - A.iii, 410. Pháp 6 chi, kinh Một pháp môn quyết trạch (Nibbedhikasutta).

 [11] -A.iii 387. Pháp 6 chi, kinh Các lậu hoặc (āsavasuttaṃ).

 [12] - HT. TMC (d). A.iii, 67. Pháp 5 chi; kinh Mẹ và con (mātāputtasuttaṃ).

 [13] - HT. TMC (d). S.iv, 91. Tương ưng sáu xứ  (Saḷāyatanasaṃyuttaṃ), phẩm Th ế giới dục công đức (lokakāmaguṇavaggo), kinh Ma lưới bẫy (Mārapāsasuttaṃ).

 [14] -Đại trưởng lão Tịnh Sự (d).  Dhs. Phần Tụ lậu (āsavagocchakam.), số 709

 [15] - Đại trưởng lão Tịnh Sự (d).Dhs. Phần Tụ lậu, số 913.

 [16] - Atthasālinī (Sớ giải bộ Pháp Tụ).Chương II, Những nhị đề và các nhóm khác.

 [17] - HT. TMC (d) . A.i, 33. Pháp một chi; Phần 16, phẩm 3 (tatiyavaggo), kinh số 320.

 [18] - Đại trưởng lão Tịnh Sự (d). Dhs. Phần tụ lậu (āsavagocchakam.), số 710.

 [19] - Đại trưởng lão Tịnh Sự (d). Dhs. Phần Tụ Lậu (āsavagocchaka), số 913.

 [20] - HT. TMC (d). S.ii, 2. Tương ưng nhân duyên (Nidānasaṃyuttaṃ), kinh Phân biệt (Vibhaṅgasuttaṃ).

 [21] - Bao gồm: 11 cõi Dục giới + 15 cõi Sắc giới hữu tưởng = 26 cõi.

 [22] - Chỉ cho cõi Vô tưởng (asaññībhūmi).

 [23] - Chỉ cho 4 cõi Vô sắc.

 [24] - Chỉ cho 29 cõi là: 11 cõi dục + 15 cõi sắc hữu tưởng + 3 cõi Vô sắc (trừ cõi Phi tưởng phi phi tưởng xứ).

 [25] - Chỉ cho cõi Vô tưởng.

 [26] - Chỉ cho cõi Phi tưởng phi phi tưởng xứ

 [27] - Tưởng ở đây chì cho tâm Tục sinh. Tưởng dị là “chỉ cho tâm Tục sinh khác nhau”.

 [28] - Một số ngạ quỷ có thể tục sinh bởi tâm quả Nhị nhân hay tam nhân, như Diêm chúa chẳng hạn.

 [29]  - Là tục sinh bằng tâm quả Sơ thiền.

 [30] - Tâm quả Nhị thiền và tâm quả Tam thiền, cùng cho tái sinh về cõi Nhị thiền, nên gọi là “tưởng dị”. Chư Phạm thiên cõi Nhị thiền có thân giống nhau, chỉ khác nhau về “ánh sáng”, nên gọi là “thân đồng”.

 [31] - KhdA. Sớ giải kinh Vấn Sadi (Pañhāsamanerasuttaṃ).

 [32] - A.v, 53. kinh những câu hỏi lớn (Paṭhamamahāpañhāsuttaṃ)

 [33] - A. ii, 52. Pháp bốn chi, kinh Tưởng điên đảo (Vipallāsuttaṃ).

 [34] - Xem D.i, kinh Phạm Võng (Brahmajālasuttaṃ).

 [35] - M.iii, kinh Đại nghiệp phân biệt (Mahākammavibhaṅgasuttaṃ).

 [36] - A.i, 26. Pháp một chi. Phần XV. Phẩm thứ nhất (pathamavaggo), kinh số 1, 2, 3.

 [37] - A.i, 86. Pháp 2 chi. Phẩm XI, các hy vọng (āsāduppajahavaggo), số 8.

 [38] - Dhs. Phần Tụ lậu, số 711. (Đại trưởng lão Tịnh Sự dịch).

 [39] - Xem A.i, 173. Pháp 3  chi, Phẩm lớn (Mahāvaggo), kinh Sở y xứ (Titthāyatanādisuttaṃ). M.ii, kinh “người thực hành hạnh con chó” (kukkuravatikasuttaṃ).

 [40] - Xem S.ii, 32, Tương ưng nhân duyên (Paṭiccasamuppādasuttaṃ), kinh Ngoại đạo sư (Aññatitthiyasuttaṃ).

 [41] - A.i,59. Pháp hai chi. Phẩm III, Người ngu, kinh số 8.

 [42] - Dhs. Phần Tụ lậu.

 [43] - S.iii, 173. Tương ưng Uẩn (khandhasaṃyuttaṃ); kinh Vị ngọt (Assādasuttaṃ).

 [44] - M.i, kinh Tất cả ô nhiễm (sabbāsavasuttaṃ)

 [45] - A.i, 98. Pháp 2 chi. Phẩm thứ  XVII. 

 [46] - A.i, 113. Pháp 3 chi. Kinh Con đường không có lỗi lầm (Apaṇṇakasuttaṃ). (HT. TMC dịch).

 [47] - Ogha thường được dịch là “bộc lưu” hay “bạo lưu”. Và cũng thường được viết với số ít (ogha).

 [48] - Dhp; câu 47 (HT. TMC dịch).

 [49] - Thera- 13; Trưởng lão Ajjuna, kệ số 88. (HT. TMC dịch).

 [50] - S.1, 1. Tương ưng chư thiên (Devatāsaṃyuttaṃ) , kinh Bộc lưu (oghataraṇasuttaṃ).

 [51] - Đại Đức Giác Chánh; Vi diệu pháo nhập môn; tr 207.

 [52] - S.i, 126.

 [53] - Thera – 65; Trưởng lão Sona Kolivisa, kệ số 633. Dhp, câu 370; S.i; 5.

 [54] - D.ii, kinh Đại hội (mahāsamayasutta)

 [55] - S.iv, 175. Phẩm Rắn độc (āsīvisavaggo), kinh rắn độc (āsīvisopamasuttaṃ).

 [56] - S.iv, 257. Tương ưng Jambukhādakasaṃyuttaṃ, kinh Bộc lưu (oghapañhāsuttaṃ).

 [57] - A.iii, 67. Pháp 5 chi; kinh Mẹ và con (mātāputtasuttaṃ).

 [58] - Sn, 182. Kinh Chấp trượng (attadaṇḍasuttaṃ), Kệ số 951.

 [59] - Dhs. 747 . Phần tụ Bộc, số 1156. ( Đại trưởng lão Tịnh Sự dịch).

 [60] - S.iv, 91. Tương ưng sáu xứ

 [61] - Xem  Kinh Tương ưng V.

 [62]  - Dhs. 747 . Phần tụ Bộc;  số 1156 ( Đại trưởng lão Tịnh Sự dịch).

 [63] - Xem A.ii, 200; Pháp 4 chi; kinh Sāḷha (sāḷhasuttaṃ).

 [64] - D.iii, kinh Đại viên tịch (Mahāparinibbānasuttanta) (HT. TMC dịch).

 [65] - S.i, 218. Tương ưng Dạ xoa; kinhAlava (alavasuttaṃ)

 [66] -S.i,53, Tương ưng Thiên tử, kinh Candana (candanasuttaṃ)

 [67] - S.iv, 257; Tương ưng Jambukhādakasaṃyuttaṃ, kinh Bộc lưu (oghapañhāsuttaṃ).

 [68] - Dhp . Câu số 370.

 [69] - A.ii, 10. Pháp bốn chi, kinh Các ách (Yogasuttaṃ).

 [70] - Cách tính rộng, giống như bài “bốn giòng nước mạnh”.

 [71] - Sáu xúc xứ là: nhãn xúc xứ, nhĩ xúc xứ, tỷ xúc xứ, thiệt xúc xứ, thân xúc xứ và ý xúc xứ.

 [72] - Đại trưởng lão Tịnh Sự (soạn)- Siêu lý Sơ học.

 [73] - Chữ byāpāda có gốc là dosa (sân), khi  do sa hiển lộ, hay có sức mạnh thì trở thành byāpāda, nên byāpāda có nhiều nghĩa như “sân độc, sân ác, hiềm hận, phẫn uất...”. Trong pháp “chướng ngại - nīvaraṇa” cũng có byāpādanīvaraṇa, nhưng “ chỉ khó chịu, không hài lòng” cũng đủ làm trở ngại chi thiền, hay Hỷ giác chi.

 [74] - S.v, 59. Tương ưng Đạo (Maggasaṃyuttaṃ), phẩm VIII Bộc lưu (oghavagga), kinh Hệ phược (ganthasuttaṃ).

 [75] - Dhp. Câu 251.

 [76] -  D.i,  kinh Samôn quả

 [77] - DhpA. Câu số 49.

 [78] - HT. TMC (d)- Dhp, câu 211.

 [79] - DhpA. Câu số 161.

 [80] - Atthasalinī. Chương II, Những Nhị đề và các phần khác.

 [81] - Đức Bửu Chơn – Kho tàng Pháp bảo ; pháp 10 chi.

 [82] -  Đại trưởng lão Tịnh Sự (d). Dhs. 925; phần Tụ phược.

 [83] -D.i,  kinh Samôn quả.

 [84] - HT. TMC (d) -Dhp, câu 3.

 [85]   - Đại trưởng lão Tịnh Sự (d). Dhs. Phần tụ phược (ganthagocchakam.), số738.

 [86] - Xin xem DhpA. Câu 61.

 [87] -  Đại trưởng lão Tịnh Sự (d). Dhs. Phần tụ phược (ganthagocchakam.), số 925.

 [88] - A.ii, 41. Pháp ba chi, kinh Độc hành (patilīnasuttaṃ).

 [89] - S.iii, 109. Tương ưng uẩn (khandhasaṃyuttaṃ); phẩm IV, kinh Yamaka (yamakasuttam.)

 [90] - S.iii, 46. Tương ưng uẩn (khandhasaṃyuttaṃ); phẩm V, Tự mình làm hòn đảo (attadīpavaggo), kinh Vô thường II (dutiya – aniccasuttaṃ)

 [91] - A. v, 150, Pháp 10 chi, kinh Ni Kiền Tử (Nigaṇṭhasuttaṃ).

 [92] - A. iii, 334, Pháp 6 chi, kinh Gốc rễ của đấu tranh (vivādamūlasuttaṃ).

 [93] - A.iii, 42. Pháp bốn chi, kinh Ujjaya.

 [94] - D.iv, kinh Thi Ca La Việt (sigālovāda).

 [95] - D.ii, bài kinh số 8;  Kinh Cadiếp – Sư tử hống (Kassapa-sīhanādasutta).

 [96] - A.ii, 163. Pháp bốn chi; kinh Upavāna (upavānasuttaṃ).

 [97] ‑- Đại trưởng ãlo Tịnh Sự (d). Dhs, phần Tụ phược, số 739. 

 [98] - M.iii, kinh Thiên Tý (devadahasutta). A.i, 173. Pháp 3 chi, kinh Sở y xứ.

 [99] - Xem Đại Trưởng lão Tịnh Sự (d).Dhs, phần tụ Phược, số 740.

 [100] - HT. TMC (d). Thắng pháp tập yếu luận (abhidhammatthasaṅgaha), chương VII.

 [101] - HT.TMC (d). S.ii, 84; Tương ưng Nhân duyên (Nidānasaṃyuttaṃ), phẩm VI, kinh Thủ (Upādānasuttaṃ).

 [102] - ĐĐ Giác Chánh. Vi Diệu Pháp nhập môn.

 [103] -HT. TMC (d). S.ii,2.Tương ưng nhân duyên (Nidānasaṃyuttaṃ), kinh Phân biệt (Vibhaṅgasuttaṃ).

 [104] - HT. TMC (d). S.iv, 101  Tương ưng sáu xứ (Saḷāyatanasaṃyuttaṃ) , kinh Sakka.

 [105] - Đức Tịnh Sự (d). Dhs, phần Tụ thủ (upādānagocchaka), số 781.

 [106] - Đại trưởng lão Tịnh Sự (d). Dhs. Phần tụ thủ (upādānagocchakaṃ), số 782.

 [107] - Xem S.vi, 395. Tương ưng không thuyết (Asaṅkhatasaṃyuttaṃ), kinh Vaccha (vacchasuttaṃ).

 [108] - HT. TMC (d). S.ii, 16, Tương ưng nhân duyên, kinh Kaccāyanagotta.

 [109] - HT. TMC (d). S.ii, 60, Tương ưng nhân duyên (Nidānasaṃyuttaṃ), kinh Do duyên vô minh (Avijjāpaccayasuttaṃ).

 [110] - S.iii, 46. Tương ưng uẩn (khandhasaṃyutta), kinh Quán kiến (Samanupassanāsuttaṃ).

 [111] - Xem S.iii, 1. Tương ưng uẩn (khandhasaṃyutta), kinh Nakulapitā.

 [112] - Đai Trưởng lão Tịnh Sự (d). Vbh. Duyên khởi phân tích theo Vi Dệu pháp. Tâm thiện Sắc giới, tr.273.

-ooOoo-

Ðầu trang | Mục lục | 1.1 | 1.2 | 1.3 | 2.1 | 2.2 | 2.3

 

Chân thành cám ơn Tỳ khưu Chánh Minh đã gửi tặng bản vi tính (Bình Anson, 2008).

[Trở về trang Thư Mục]
last updated: 20-04-2009