BuddhaSasana Home Page

Vietnamese, with Unicode Times font


Phật giáo Nguyên thủy

PHÁP TRÍCH LỤC - 2

Huỳnh Văn Niệm soạn dịch

Phật Bảo Tự tái bản
Pagode  Buddharatanarama
3, Rue Broca
91600  Savigny Sur Orge - France
Tel: 01 69 96 49 34


Tập III

-ooOoo-

Thiên khái-luận về Minh sát tuệ
(Vipassanã dipani)

Ledi Sayadaw Maha-Thera

Niệm tưởng biết mình (chánh niệm) là con đường ra khỏi cái chết.
Không niệm tưởng quên mình là con đường đưa vào cõi chết.
Những kẻ ghi nhớ biết mình, không chết.
Những kẻ vô-ý quên mình, cũng như đã chết rồi. --
DHAMMAPADA

Lời giới-thiệu

Nhằm giúp ích giới hành-giả Phật-tử cho mau tấn-hóa, ngài Ledi Sayadaw Maha Thera, một bậc cao-tăng thiền-sư có tên tuổi tại Miến Ðiện cách nay 58 năm, đã dày công sáng-tác ra Thiên Khái-Luận sau đây, để giải-thích đầy đủ những chi-tiết liên-quan tới các yếu-tố về pháp-môn Thiền-Ðịnh.

Mục-đích của đường lối "Minh Sát" (Vipassanã) là quán xét, phân-tách, giải tỏ tất cả những hiện-tượng Danh và Sắc (Danh Pháp , Sắc Pháp) phát-sinh trong mỗi cá-nhân để nhận-thức rõ-rệt bản-chất: Vô-thường - Khổ-não - Vô-ngã, của chúng, hầu diệt trừ ngã chấp, đi đến giác-ngộ.

Từ vô-thỉ, thành-kiến về cái ngã (Attã), mà các tôn-giáo khác thường gọi là linh-hồn, đã ăn sâu vào tâm-trí của hạng phàm-nhân (Puthujjana) vì lẽ con người thường si-mê, lầm-lạc, vô-tình hoặc gián-tiếp.

Trước khi bước vào khoa "Minh Sát", hành-giả phải tìm hiểu tại sao lý-thuyết về cái "Ngã" thành hình và do đâu nó xâm-nhập quá sâu vào kiến-thức con người. Lý-thuyết đó chỉ sụp đổ khi hành-giả trở nên thuần-thục, biết phân-tách, sắp-đặt có thứ-tự đúng theo chân-lý những vật do nguyên-nhân cấu-tạo và nhận-thức rõ-rệt các Danh-Pháp - Sắc-Pháp tùy-thuộc vào chúng.

Khi tham-thiền, hành-giả cần phải ghi nhớ rằng tất cả các pháp hữu-vi đều không bền vững, thay đổi, diễn-biến không ngừng trong mỗi chập tư-tưởng. Nghĩa là chúng nó sanh ra rồi diệt, diệt rồi sanh mãi-mãi. Nhận-thức các sự-vật như thế gọi là thấy rõ đúng theo chân-lý về ba tướng: Vô-thường - Khổ-não - Vô-ngã.

Ðức Phật dạy: "Hỡi này các tỳ-khưu! Ðạo quả thế nào cũng đến cho những ai quyết-chí kiên-trì tu tập". Ðó là Ðức Phật muốn khuyến-khích các hành-giả không nên thối chuyển, bỏ dở công-phu, mà phải bền tâm nhẫn-nại, tiếp-tục học-hành cho tới khi đắc đạo. Trong số tu-sĩ xuất-gia hay tại-gia, có vài vị giới đức viên dung, bền tâm rèn luyện, có khả-năng thấu rõ chân-lý và cũng có vài vị kém thông-minh, tiến bước chậm-chạp. Hạng sau này, nếu không giác-ngộ kiếp này, thì cũng sẽ thành-dạt đạo quả trong những kiếp sau, vì thế nào công-phu tu tập cũng mang lại quả lành.

-ooOoo-

Thiên "khái-luận"

Thiên "Khái-luận" gồm những yếu-tố sau đây:

- Vipallãsas: là những ảo-tưởng;
- Mannanãs: là những ý nghĩ ngông-cuồng về các sự-vật;
- Abhinivesas: là thành-kiến không gì lay-chuyển nổi;
- Bhũmis: là giai-đoạn căn-bản của tâm làm phát-sinh những giai-đoạn khác;
- Gatis: là những giai-đoạn tiếp nối, biến chuyển thoáng qua hoặc tiến tới;
- Saccas: là những chân-lý tương-đối và tuyệt-đối;
-
Parinnãs: là tuệ-giác nội-tâm cao cả.

1. Ảo-tưởng (Vipallãsa)

Vipallãsa có nghĩa là "Ảo-Tưởng" giả-dối, nhận-định sai-lầm, cho việc phải là quấy, cái quấy là phải.

Có ba loại ảo-tưởng:

Ảo-tưởng về sự nhận-thức (Sannã-vipallãsa)
Ảo-tưởng về sự suy-tưởng (Citta-vipallãsa)
Ảo-tưởng về kiến-thức (Diddhi-vipallãsa).

a) Ảo-tưởng về sự nhận-thức chia ra làm bốn:

Nhận-thức sai-lầm tư-cách vô-thường là trường-cửu,
Nhận-thức sai-lầm tư-cách không trong-sạch là trong sạch,
Nhận-thức sai-lầm cho rằng điều xấu là tốt,
Nhận-thức sai-lầm tư-cách không có cái Ngã (hay linh-hồn) là hữu-ngã.

b) Ảo-tưởng về sự suy-tưởng chia ra làm bốn:

Suy-tưởng sai-lầm tư-cách vô-thường là trường-cửu,
Suy-tưởng sai-lầm tư-cách không trong sạch là trong sạch,
Suy-tưởng sai-lầm cho rằng điều xấu là tốt,
Suy-tưởng sai-lầm tư-cách vô-ngã là hữu-ngã.

c) Ảo-tưởng về kiến-thức chia ra làm bốn:

Kiến-thức sai-lầm cho rằng tư-cách vô-thường là trường-cửu,
Kiến-thức sai-lầm cho rằng tư-cách không trong sạch là trong sạch,
Kiến-thức sai-lầm cho rằng điều xấu là tốt,
Kiến-thức sai-lầm cho rằng tư-cách vô-ngã là hữu-ngã.

Chuyện con nai rừng thấy hình nộm cho là người (để giải-thích ảo-tưởng về sự nhận-thức)

Ở giữa một khu rừng lớn, có người thôn-quê làm ruộng. Mỗi khi anh ta đi vắng thì những con nai rừng thường vào ăn hết đám mạ non. Người nông-dân liền làm một cái hình nộm bằng rơm giống như hình người, để làm cho nai hoảng-sợ. Anh ta đan rơm thành thân hình, cái đầu, hai tay, hai chân, lấy nước vôi sơn một cái chậu tròn rồi trùm lên trên. Anh lấy quần áo rách mặc vào và gắn trên tay hình nộm một cái cung và cây tên.

Cũng như thường-lệ, đám nai rừng xông vào ăn mạ. Khi đến gần thấy cái hình nộm, chúng nó tưởng là người thật, nên hoảng-hốt bỏ chạy.

Ðể giải-thích, bầy nai trước kia đã có lần thấy người ta. Chúng đã ghi nhớ hình-dáng con người, tay chân, mặt mũi ... Giờ đây, chúng thấy hình giả rồi cho là người thật. Như vậy, bầy nai đã nhận-thức sai-lầm.

Ảo-tưởng này cũng có thể mô-tả bằng trường-hợp một lữ khách đi lạc đường, ngớ-ngẩn hoang-mang không biết định hướng Ðông Tây từ nơi mình đứng để tìm lối ra, tuy mặt trời vẫn lặn hay mọc và người có thể nhìn thấy với đôi mắt mở sáng. Sự lầm-lẫn này, một khi ăn sâu vào trí óc, rất khó lòng sa-thải.

Có biết bao nhiêu sự việc mà chúng ta nhận-thức sai-lầm, không đúng chân-lý, nhất là hai trạng-thái vô-thường và vô-ngã. Như vậy, ảo-tưởng về sự nhận-thức khiến chúng ta nhìn xem sự-vật khác với thực-tế, cũng như con nai rừng, tuy đôi mắt mở lớn, lại cho cái hình nộm là người thật.

Chuyện thầy phù-thủy bày phép lạ (để giải-thích ảo-tưởng về sự suy-tưởng)

Có một khoa ảo-thuật làm cho đám đông thấy những cục đất mà tưởng là vàng hay bạc. Trò ảo-thuật này có năng-lực xoay chuyển được nhãn thức thông-thường và đem thay vào đó một nhãn thức khác thường. Phương-thức ma-giáo này có thể làm đảo-lộn trong khoảnh-khắc sự xét đoán. Nhưng trò ảo-thuật đó trở nên vô-hiệu đối với người biết điều-ngự thân tâm vững-vàng. Người suy-tưởng thấy rõ đó là đất, chớ không phải vàng hay bạc. Nhưng khi người bị trò ảo-thuật áp-đảo tinh-thần (nói về người nhẹ bóng vía) thì thấy đất đó trở thành vàng hay bạc chói ra sáng ánh. Như vậy, sự nhận-định và tư-tưởng của người là sai-lầm, không đúng sự thật.

Cũng như thế đó, ý nghĩ và tư-tưởng của chúng ta sanh thói quen nhận-định sai-lầm, lấy giả làm thật và phải hoang-mang điên-đảo.

Ví-dụ lúc trời sẩm tối, thường khi chúng ta nhận lầm cái thân cây là người ta. Hoặc giả thấy một lùm cây lại tưởng là con voi hay thấy voi tưởng lùm cây.

Trên thế-gian, phần nhiều những ý nghĩ sai-lầm trong khi quan-sát các sự-vật đều do ảo-tưởng về sự suy-tưởng có tính-cách mạnh-mẽ hơn ảo-tưởng về nhận-thức. Nó lừa-đảo, khiến các sự-vật vô-lý trở thành chí-lý. Ảo-tưởng này có thể bị loại-trừ khi chúng ta biết chú-ý tìm tòi về nhân-duyên của các sự-vật.

Chuyện người đi lạc đường (để giải-thích ảo-tưởng về kiến-thức)

Có một khu rừng lớn bị nhiều ma-quỉ yêu-tinh ám-ảnh. Chúng thường biến-hóa ra thành-thị, xóm làng.

Chợt có những du-khách không thông-thạo đường lối trong rừng đi dến. Bọn yêu-tinh biến tạo ra những đô-thị, thôn-xóm đẹp-đẽ, hấp-dẫn, như cảnh thiên-đàng. Chúng lại hóa ra làm chư-thiên, nam có, nữ có. Chúng sáng-tạo ra nhiều đường xá đẹp đẽ xuyên qua những phong-cảnh huy-hoàng, chẳng kém gì thiên-giới.

Các hành-khách đến đó thấy đường của yêu-tinh, ngờ rằng nó sẽ đưa mình tới những đô-thị phồn-ba, tráng-lệ, nên bỏ đường tốt đang đi, rồi phải lang-thang vất-vả trên lộ-trình quái-gở, phỉnh-phờ, và rốt cuộc bị sa vào các thành-thị yêu-tinh, chịu khổ-não trăm bề.

Trong câu chuyện, rừng lớn ám-chỉ Tam-Giới, là: Dục Giới, Sắc Giới, Vô Sắc Giới. Những lữ-khách là hàng nhân-loại. Ðường tốt tượng-trưng cho chánh kiến. Ðường sai-lạc của ma-quỉ ngụy-tạo là tà kiến.

Ở nơi đây, chánh kiến có hai: chánh kiến thế-gian và chánh kiến siêu-thế-gian.

Chánh kiến thế-gian là nói về các chúng-sinh hiểu biết nghiệp quả lành dữ, tốt xấu, biết rằng nó là tài-sản của mình và luôn theo sát bên mình trong đời sống.

Chánh kiến siêu-thế-gian có nghĩa là suốt-thông giáo pháp nguồn-gốc của ngũ-uẩn về tư-cách vô-ngã, thấu rõ các yếu-tố chủ-quan và khách-quan của lục-căn (ãyatanas).

Trong hai loại chánh kiến đó, cái thứ nhất ám-chỉ con đường tốt đẹp của thế-gian còn ở trong vòng sanh tử luân-hồi. Con đường đưa tới cảnh an vui tương-đối của nhân-loại, Chư Thiên, Phạm Thiên, cũng như những lâu-đài, cung-điện tại trần-gian và trên thiên-giới. Cái thứ nhì mang tính-cách siêu-phàm với những yếu-tố giác-ngộ. Ðó là con đường tốt đẹp đưa người ra khỏi bánh xe sanh tử luân-hồi, đưa đến Niết-Bàn.

Tà kiến có nghĩa là không thông-thấu nghiệp quả lành dử, tốt xấu, đưa đến thống-khổ, bằng ước mơ vô-vọng, thiếu trí-tuệ (Natthikadiddhi), hay hoài-nghi (Ahetukadiddhi) và chấp trạng-thái hư-vô (Akiriya diddhi). Ðó là những con đường dẫn người đi lạc lối. Những cảnh-giới khổ đau được dành riêng cho: súc-sinh, A Tu La, ngạ-quỉ, tội-nhân trong các địa-ngục, ví cũng như các thành-thị của loài yêu-quái.

2. Tư-cách ngông-cuồng thiểu-trí (Mannanã)

Mannanã có nghĩa là ngông-cuồng, khờ-dại, kém thông-minh, si-mê, hay suy-nghĩ viễn-vong, tin-tưởng sai-lầm, là tư-cách vô-ý-thức làm phát-sinh những ảo-tưởng. Ảo-tưởng khiến cho tối-tăm khờ-dại và phát-sinh điên-đảo.

Có ba loại ngông-cuồng thiểu-trí:

Ngông-cuồng do ái-dục (Tanhã mannanã),
Ngông-cuồng do ngã mạng (Mãna mannanã).
Ngông-cuồng do suy-nghĩ lầm-lạc (Diddhi mannanã).

a) Ngông-cuồng do ái-dục nghĩa là có tư-tưởng kỳ-dị bao-la: "Ðây là Ta ... Ðây là bản ngã!", luyến-ái ôm-ấp cái không phải là ta, không phải là của ta, trong khi chẳng có gì có thể gọi là ta hay của ta. Tuy-nhiên, thói thường con người hay nhận-định về những sự-vật chủ-quan (của mình) và khách quan (ở bên ngoài) như vầy: "Cái này là của ta. Cái kia không phải của ta", hay là: "Cái này là bản ngã, còn cái kia không phải". Sự suy-tưởng phân-biệt mơ-hồ như vậy gọi là: ngông-cuồng do ái-dục.

Những vật chủ-quan ám-chỉ thân-thể và các bộ-phận trong con người. Còn những vật khách-quan là nói về cái chi ở bên ngoài, cũng như bà con, cha mẹ, vân-vân ..., và tài-sản của mình.

b) Ngông-cuồng do ngã mạn có nghĩa là đánh-giá quan-trọng những gì thuộc về mình, như: " Ta đây - Ta là thế này". Khi bị khuyến-khích un-đúc bởi những ý nghĩ đó, con người trở thành cống cao, ngã mạn, hiu-hiu tự-đắc. Ở đây, những yếu-tố chủ-quan là tự-đắc, ỷ-lại vào hiệu-lực hay-ho của: mắt, tai, chân tay ... của trí khôn-ngoan hiểu biết, của sức-khỏe mình, vân-vân ...

Còn những yếu-tố khách-quan là ám-chỉ sự cống cao, hống-hách về gia-đình sung-túc, quyền-thế, về sự giao-thiệp rộng-rãi, về nếp sống, nhà cửa, của tiền, vân-vân ...

c) Ngông-cuồng do suy-nghĩ lầm-lạc có nghĩa là đánh-giá quan-trọng những vật trong bản-thân, như: thân ta, lập-trường của ta, sức-khỏe, bản-chất, tâm-hồn, nghị-lực của ta. Trong ngôn-ngữ dùng để ám-chỉ cái "bình đất" hoặc cái "chén đất", người ta hiểu rằng do chất đất để làm ra "bình" và "chén", rồi khi đất thành-hình thì được gọi là "bình", là "chén".

Cũng như người ta lấy sắt làm ra bình, chén, rồi gọi là "bình sắt", "chén sắt". Như thế, đất và sắt đều là yếu chất của hai món đồ dùng đó.

Thì cũng như thế ấy, đất là bản-chất của hình-hài các chúng-sinh và của cái "Ngã", khiến con người nhận-định ngông-cuồng, cho rằng chất đất là "Bản ngã" (Ta).

(Những nguyên-tố khác cấu-hợp thành xác thân như: nước, lửa, gió, vân-vân ..., cũng được giải-thích như thể-thức trên đây).

Ðó là sự ngông-cuồng do suy-nghĩ, nhận-định sai-lầm.

Cả ba loại ngông-cuồng do: ái-dục, ngã mạn lầm-lạc cũng được gọi là ba "Thế-lực" (Gãhas) dũng-mãnh trói chặt con người. Chẳng những thế, chúng còn liên-tục gây ra nhiều sự ngông-cuồng lầm-lẫn khác xấu-xa, tội-lỗi, vô bờ bến, chẳng biết lúc nào mới chấm dứt, nên cũng được gọi là "Papancas".

3. Thành-kiến bất-di bất-dịch (Abhinivesa)

Abhinivesa có nghĩa là thành-kiến, là đức tin được ghi sâu trong trí óc một cách vững chắc, không gì lay-chuyển nổi, như những trụ lạng bằng đá trong các đền tháp, hoặc những cột cái của ngôi nhà to lớn.

Có hai loại thành-kiến bất-di bất-dịch:

Thành-kiến rắn chắc do ái-dục (Tanhãbhinivesa),
Thành-kiến do si-mê lầm-lạc (Diddhãbhinivesa).

a) Thành-kiến do ái-dục là sự tin chắc rằng: Thân này là của ta ... đầu, chân, tay, mắt, mũi, vân-vân ... đều là của ta. Nhưng trên thực-tế, chúng đâu nào phải của ta, và luôn-luôn tin như vậy trong vô-lượng kiếp.

b) Thành-kiến vì si-mê lầm-lạc là tin-tưởng chắc rằng có một cái Ngã (hay linh-hồn) trong con người hay sinh-vật, cho đó là một quyền năng tối-thượng, bất-di bất-dịch, có uy-lực điều-khiển xác thân.

Hai thứ thành-kiến nói trên cũng có thể gọi là: Tanhãnissaya và Diddhinissaya. Chúng được xem như hai cây trụ vững chắc, to lớn, nâng đỡ năm uẩn, xác thân và tâm thức, hoặc như hai cái trạm lớn để cho hạng phàm-phu (Puthujjanas) ngơi nghỉ.

4. Giai-đoạn căn-bản (Bhũmi)

Bhũmi có nghĩa là giai-đoạn, hay tình-trạng, căn-bản của các sinh-vật, từ đó chúng nảy-nở, tiến triển thêm.

Tình-trạng căn-bản có hai:

Tình-trạng căn-bản của hạng phàm-nhân (Puthujjana bhũmi),
Tình-trạng căn-bản của bậc siêu-nhân (Ariya bhũmi).

a) Nếu nhận-định đúng theo chân-lý, thì tình-trạng căn-bản của người thế chỉ là một ảo-tưởng về kiến-thức mà thôi (tà kiến). Vì tất cả chúng-sinh có sự sống trên thế-gian đều mang theo ảo-tưởng về kiến-thức, nên có ý nghĩ sai-lầm, cho rằng: "Trong bản thân ta, chắc có vật gì rất cao đẹp, thiết-yếu, trường-tồn, bền-bỉ".

- Tư-cách ngông-cuồng do si-mê lầm-lạc (Diddhi mannanã),
- Kiến-thức sai-lầm (Diddhi gãha),
- Tư-cách gia-tăng sự lầm-lạc (Diddhi papanca), và
- Thành-kiến bất-di bất-dịch do si-mê lầm-lạc (Diddhi abhinivesa)

đều là những giai-đoạn, những trạm dừng chân, những vật nâng đỡ, những bến đò dành riêng cho hạng phàm-nhân ngơi nghỉ. Và khi nào bị dính mắc, được sự nâng đỡ trong một địa-thế sai-lầm vững chắc như thế, con người không sao thoát-ly ra khỏi vòng sanh tử.

b) Trái lại, tình-trạng căn-bản của bậc có giới-đức hay thánh-nhân (Ariya bhũmi) là tình-thế của hạng siêu-nhân cao-quý không còn sự lầm-lẫn nào cả. Nói theo ý-nghĩa tuyệt-đối, đó là sự hiểu biết chân-chánh (chánh kiến), sự nhận-thức chân-chánh, sự suy-nghĩ chân-chánh (Chánh Tư Duy) đưa tới nhận-định: "Ở trong ta, trong xác thân ta, chẳng có cái chi là tốt đẹp, là thiết yếu, là trường-tồn vĩnh-cửu".

Vì lẽ bậc phạm-hạnh hay thánh-nhân luôn-luôn sống trong chánh kiến, nên chánh kiến có thể gọi là giai-đoạn hoặc tình-trạng căn-bản của bậc siêu-nhân. Khi thành-đạt được chánh kiến đó, con người đã vượt qua khỏi tình-trạng căn-bản của phàm-nhân để bước qua giai-đoạn căn-bản của bậc siêu-nhân và được gọi là "Ariyan".

5. Tư-cách chuyển kiếp (Gati)

Gati có nghĩa là thay đổi, diễn biến, làm lại kiếp sống mới hoặc làm cho tiến hóa, phát-triển nhiều kiếp sống, nhiều giai-đoạn khác.

Có hai loại chuyển kiếp:

Chuyển kiếp của hạng phàm-nhân (Puthujjana gati),
Chuyển kiếp của bậc siêu-nhân (Ariya gati).

a) Chuyển kiếp của hạng phàm-nhân là tư-cách thay đổi rời rạc, không nhất-định được kiếp sống tương-lai của mình là thế nào, mà thường bị bắt buộc phải sa vào một trong 31 cảnh giới tái-sinh tùy theo sự đưa đẩy của những nghiệp (Kammas) tạo ra trong quá-khứ.

Mỗi chúng-sinh, khi xuất-hiện, nhất-quyết phải mang lấy thảm-họa của cái chết đang chờ sẵn, và lúc chết cũng chắc-chắn phải bị phân-tán (Vinipãtana), bị lọt vào bất cứ kiếp sống nào (không biết vui hay khổ, sang hay hèn). Lẽ đó, sự chết và sự phân-tán vô-định là hai nỗi thống-khổ đi đôi với nhau của mỗi chúng-sinh. Trong hai cái khổ đó, tư-cách phân-tán qua kiếp sống mới, sau khi chết, còn tệ-hại hơn cái chết. Vì lẽ bốn cảnh-giới khổ đau, mà to lớn nhất là A Tỳ địa-ngục, đang mở rộng cửa đợi chờ kẻ phàm-phu (Puthujjana) khi vừa từ-giã trần-gian, vừa bỏ lại kiếp người.

Tại sao người đời lại sợ chết? Vì sau khi chết, chúng-sinh phải bị phân-tán, chẳng biết sẽ được sanh về cõi nào. Nếu không có sự phân-tán, thì hẳn người đời có thể lựa chọn kiếp sống mới của mình tùy theo sở-thích và chẳng ai còn sợ chết nữa. Tuy-nhiên, cũng có hạng chúng-sinh muốn tìm cái chết để đổi lấy kiếp sống mới (vì đã sống quá lâu trong một kiếp, như chư-thiên cõi Vô Sắc).

Theo kinh "Kãnakaochapa Sutta", lý-do khiến những chúng-sinh bị sa vào cảnh giới khốn-cùng, khó bề được tái-sinh làm người, vì lẽ các chúng-sinh đó bị chuyển vào địa-thế thấp-hèn khốn-quẩn, luôn-luôn nhìn xuống thấp và chẳng hề ngó lên cao.

Nhìn xuống thấp có nghĩa gì? Vì sự si-mê được gia-tăng, củng-cố vững chắc thêm từ kiếp này qua kiếp khác, như nước sông rạch chảy xuống đồng bằng đất thấp, nên những chúng-sinh thuộc bốn đường ác đạo càng bị sa-đọa thêm. Ðối với chúng, các con đường đưa về cõi an vui cao-thượng đều bế-tắt và chỉ còn lại mấy đường bần-cùng, khốn-khổ, mà thôi. Ðó là ý-nghĩa của câu nói "Nhìn xuống thấp". Cũng như câu chuyện con rùa đui, các bậc hiền-triết cho rằng không gì khốn-đốn, nguy-hiểm bằng tư-cách phân-tán kiếp sống mới của người thế-tục sau khi chết.

b) Còn thế nào là tư-cách chuyển kiếp của bậc siêu-nhân (Ariya gati)?

Ðó là trạng-thái tương-phản của sự phân-tán (Vinipãtana), là thoát-ly ra khỏi sự phân-tán vô-định về kiếp sống sau khi chết, hoặc giả hủy-diệt sự phân-tán đi đôi với cái chết của mỗi chúng-sinh. Ðó là tư-cách chuyển kiếp về cõi an vui theo sự lựa chọn. Nghĩa là giải-thoát ra khỏi lãnh-vực chuyển kiếp của hạng phàm-nhân (Puthujjana gati) để bước sang lãnh-vực chuyển kiếp siêu-nhân (Ariya gati).

6. Chân-lý (Sacca)

Sacca là chân-lý, là thực-tại của mỗi sự-vật được nhận-định đúng theo bản-chất của nó.

Có hai loại chân-lý:

Chân-lý ước-định hay tương-đối (Sammuti sacca), hay là "tục đế".
Chân-lý cùng tột hay tuyệt-đối (Paramattha sacca), hay là "chân đế".

a) Trong hai thứ chân-lý đó, chân-lý tương-đối là khoa ngôn-ngữ mà phần đông người đời hay dùng để mô-tả: "Có một cái Ngã", "Có một linh-hồn trường-cửu", "Có một sinh-vật", "Có một con người", "Có chư-thiên", "Có Trời Ðế-Thích", "Có con voi", "Có cái đầu, cái tay", vân-vân ...

Chân-lý ước-định này (tục đế) là thực-tế đối với các sự hiện-hữu mà người đời dễ thực-hành và nó tương-phản với sự dối-trá thông-thường.

Cũng có một lề-lối ngôn-ngữ khác dùng để tránh né sự không chân-thật và chẳng làm phiền hay đụng chạm tới người khác. Ví-dụ nói: "Có thể có một cái Ngã bất-di bất-dịch, trường-tồn vĩnh-cửu", hay nói: "Cũng có thể có một linh-hồn không xuất-hiện hoặc biến mất từng lúc trong kiếp sống". Nhưng nếu nói theo chân-lý tuyệt-đối, thì đây chỉ là một ảo-tưởng (Vipallãsa), một sự nhận-định sai-lầm, cho cái vô ngã, cho cái không có thực-thể là cái Ngã (Ta). Khi nào kiến-thức lầm-lạc đó còn nguyên vẹn, thì con người khó bề thoát-ly ra khỏi bánh xe sanh tử.

b) Trái lại, chân-lý cùng tột, hay tuyệt-đối (chân đế) là tư-cách phủ-định cái thực-tại về các hiện-tượng (vật-chất và tâm-lý do giác-quan nhận xét). Xin nói về chân-lý với tính-cách quyết-định: "Nguyên-tố rắn chắc (như đất) có thật", "Nguyên-tố lưu-động (như nước) có thật", "Nguyên-tố nóng (như lửa) có thật", "Nguyên-tố rung chuyển (như gió) có thật" ... Tư-tưởng, tình-cảm, tâm thức, sự tiếp xúc ... đều có thật" hay là "sắc uẩn có thật" ...

Nhưng nói về chân-lý với tính-cách phủ-định, thì là: "Không có cái Ngã", "Không có linh-hồn trường-cửu", "Không có con người, chư-thiên, Ðế-Thích ..., không có con voi, vân-vân ...".

Khi nói như vậy, chúng ta quan-niệm rằng hiện giờ chẳng có một thực-thể nào đáng gọi là cái Ngã, hay linh-hồn trường-cửu, bất-biến. Với cách nói: "Không có chúng-sinh", không có ... v.v. ..., có nghĩa là hiện nay chỉ có những nguyên-tố tinh-thần và vật-chất mà thôi. Những nguyên-tố đó không phải con người, không phải sinh-vật, chư-thiên, v.v. ... Như thế, chẳng có một cá-nhân nào ngoài những nguyên-tố đó.

Chân-Lý sau này là cùng tột, là tuyệt-đối. Nó có tính-cách tương-phản với ảo-tưởng sai-lầm và cũng có thể lẫn-lộn với ảo-tưởng mà chúng ta gọi là "chân-lý ước-định hay tương-đối". Kẻ nào thấu rõ sự lẫn-lộn của hai loại chân-lý đó và biết tìm cách sa-thải, hủy-diệt ảo-tưởng, kẻ ấy mới có thể tránh khỏi những đau khổ của vòng sanh tử luân-hồi, làm cho đời sống đạo-đức tiến-hóa một cách cao-thượng.

Theo chân-lý tương-đối, thì con người có thật, sinh-vật có thật. Nhân-loại và các chúng-sinh khác đều di-chuyển, diễn biến liên-tục trong biển cả về nguồn sống.

Nhưng theo chân-lý tuyệt-đối thì chẳng có người hay sinh-vật nào cả. Người và sinh-vật cũng không di chuyển, diễn biến liên-tục từ kiếp này qua kiếp khác.

Vậy hai chân-lý đó tương-phản với nhau như thế nào? Cũng có thể chúng ta chấp-nhận cả hai. Vì mỗi chân-lý đều là đúng, tùy theo sự nhận-định tương-quan về các sự-vật.

Ta chớ nên chống lại khi nghe một người nọ nói: "Có con người, có sinh-vật ...". Theo chân-lý tương-đối, vì thật ra con người hay sinh-vật đang ở trước mắt ta.

Và nếu có người thứ hai nữa nói theo chân-lý tuyệt-đối rằng: "Không có người, không có sinh-vật, mà chỉ toàn là những hiện-tượng (pháp) Danh và Sắc" thì người thứ nhất cũng không nên phủ-nhận. Mà thật đúng như vậy, người có trí huệ siêu-nhân chỉ thấy toàn là những Danh Pháp và Sắc Pháp mà thôi.

Như thế, danh-từ "đất" không thể mô-tả cái bình hay cái chén, mà nó ám-chỉ chất đất. Bình và chén cũng không thể mô-tả chất đất mà đó chỉ là sự tưởng-tượng (Santhãna pannatti) do tâm-trí nhận-định theo bề ngoài xuyên qua: hình-sắc, kiểu mẫu, công-phu, để chế-biến đất thành ra bình và chén. Như vậy, phải chấp-nhận đúng theo chân-lý tuyệt-đối là: "Bình đất hay chén đất đều không có".

Sau đây, là sự phân-tách, đúng theo chân-lý tuyệt-đối, 28 Sắc pháp căn-bản:

A) 18 Ðặc-tính vật-chất có khả-năng nảy-nở và phát-triển (Jãta rũpani):

1) Nguyên-tố rắn chắc hay duỗi ra (như đất)
2) Nguyên-tố lưu-động hay kết-hợp (như nước)
3) Nguyên-tố nóng hay rọi sáng (như lửa)
4) Nguyên-tố xúc-động hay rung-chuyển (như gió)

Tứ Đại

5) Mắt
6) Tai
7) Mũi
8) Lưỡi
9) Thân
10) Tâm

Lục Căn

11) Giống cái (hay nữ)
12) Giống đực (hay nam)

Hai giống

13) Sinh-lực

Ðặc-tính vật-chất của sự sống

14) Vật thực

Ðặc-tính vật chất để nuôi mạng

15) Hình-sắc (Sắc)
16) Âm-thanh (Thinh)
17) Mùi (Hương)
18) Vị

Bốn Trần

B) 10 Ðặc-tính không có khả-năng vật-chất để nảy-nở và phát-triển (Ajãta rũpani):

19) Không-gian (có tính-cách giới hạn)

 

20) Tiếp-xúc bằng thân
21) Tiếp-xúc bằng lời nói

Hai sự đụng

22) Tư-cách nhẹ-nhàng
23) Tư-cách dịu-dàng
24) Tư-cách thích-hợp

Ba tính chất

25) Tư-cách kết-hợp
26) Tư-cách tiếp-nối
27) Tư-cách suy-nhược
28) Tư-cách vô-thường (làm cho hư hoại hay hết)

Bốn đặc điểm

7. Tuệ-giác nội-tâm cao-thượng (Parinnã)

Minh sát cho thấy rõ ba tướng: "Vô-thường - Khổ-não - Vô-ngã" làm phát-sinh ba tuệ-giác nội-tâm như sau:

- Tuệ-giác nội-tâm thấy rõ trạng-thái Vô-thường (Anicca vipassanãnãna)
- Tuệ-giác nội-tâm thấy rõ trạng-thái Khổ-não (Dukkha vipassanãnã
na)
- Tuệ-giác nội-tâm thấy rõ trạng-thái Vô-ngã (Anattã vipassanãnã
na).

Trong ba tuệ-giác đó, cái thứ ba là thiết-yếu nhất để phá-tan si-mê lầm-lạc về lý-thuyết "Linh-hồn" (hay cái Ngã). Nhưng muốn đắc tuệ-giác về vô-ngã, hành-giả cần phải hiểu rõ điểm thứ nhất (tư-cách vô-thường). Vì nhận-định được trạng-thái vô-thường, người mới biết thế nào là vô-ngã. Nhưng hiểu biết cái thứ nhất (vô-thường) chưa đủ để thấu-đáo triệt-để cái thứ nhì (khổ-não). Do cái tuệ thứ hai chưa được đạt đáo hoàn-toàn, nên mới có sự phân chia ra bốn quả thánh, vì ái-dục và ngã mạn (vi-tế) vẫn còn tồn-tại, đến hai quả sau là: "A Na Hàm và A La Hán" mới dứt tuyệt.

Như thế, trong kiếp này, may-mắn được gặp giáo pháp của Ðức Phật, chúng ta nên cố công trì-chí tham-thiền, quán tưởng về trạng-thái vô-thường của vạn-vật, để thông-thấu triệt-để trạng-thái vô-ngã (tuệ-giác thứ ba). Sau đây là câu Phật-Ngôn để chứng-minh điều đó:

"Hỡi này Meghiya! Kẻ nào thông-suốt trạng-thái vô-thường, tất-nhiên tư-cách vô-ngã phát-sinh rõ-rệt. Kẻ nào thấu-đáo tư-cách vô-ngã, thì sự ngông-cuồng, cố-chấp sai-lầm về cái Ngã cũng tiêu-tan".

Muốn tham-thiền về Minh Sát Tuệ, ngoài những nơi thanh-vắng rất cần-thiết cho pháp-môn Tịnh-Tâm (Samatha), hành-giả, về Vipassanã, có thể thực-hành tu tập bất cứ tại chỗ nào. Khi công-phu tao-luyện được chín mùi, tuệ-giác nội-tâm làm thấy rõ tư-cách vô-thường có thể phát-sinh trong lúc ta đang nghe một bài diễn-văn, hoặc còn sống giữa gia-đình. Ðối với những hành-giả hiểu biết thâm sâu, các hiện-tượng ở trong bản-thân hay ngoài bản-thân, ở trong nhà hay ngoài nhà, ở trong làng hay ngoài làng, đâu-đâu cũng là những đề-mục quán-tưởng để thành-đạt tuệ-giác về sự vô-thường.

Muốn hành pháp Minh Sát cho có kết-quả, cần nhất phải quán xét, phân-tách luôn-luôn những trạng-thái thay đổi, hay diễn biến cấp-bách toàn-diện (Santativiparinãma), hoặc thay đổi nhỏ-nhen từ-từ nhưng liên-tục (Santatianathã-bhãva) của các sự-vật mà chúng ta có thể thấy và trắc-nghiệm. Tóm lại, tuệ-giác nội-tâm chỉ phát-sinh tùy theo sự nhận-định sáng-suốt, đúng theo chân-lý, ba trạng-thái: Vô-thường - Khổ-não - Vô-ngã, của các pháp.

Sau đây là những điểm cốt-yếu dành riêng cho các hành-giả tu "Minh Sát Tuệ":

Trong ba tuệ-giác nội-tâm, trước nhất phải cố-gắng thành-đạt cái Tuệ về "Vô-thường". Vì hạng phàm-nhân hằng ngày luôn-luôn tiếp-xúc với cảnh-vật bên ngoài, nên dễ có cơ-hội để trắc-nghiệm. Những cử-động của một tài-tử trên màn ảnh, thực-hiện bằng vô-số hình nhỏ trong cuộn phim cho thấy nhiều sự thay-đổi liên-tiếp và đó là một trạng-thái "Vô-thường". Trên sân-khấu, những anh kép hát tới lui, nhảy nhót, ca hát, bày trò với nhiều điệu-bộ luôn-luôn thay đổi cũng là một trạng-thái vô-thường. Sự hoạt-động, thay đổi của những cơ-quan hay tế-bào trong thân-thể chúng ta cũng là những trạng-thái vô-thường. Ðứa trẻ nằm khi mới sanh, vài tháng sau biết lật, biết ngồi. Rồi ít lâu sau biết đi, biết nói và tiếp-tục lớn thêm, cũng là những trạng-thái vô-thường. Nhưng đây là vô-thường có tính-cách chậm-chạp, từ-từ, liên-tục, gọi là "Santatianathãbhãva".

Những biến-chuyển xảy ra thình-lình, bất cập, chớp nhoáng, đem lại sự thay đổi toàn diện, như: chết chóc, nạn hỏa, nạn lụt, sát sanh, chiến tranh tàn sát khủng-khiếp, tai-nạn lưu-thông, bệnh nặng cấp-kỳ, giàu trở thành nghèo hay nghèo trở nên giàu một cách mau chóng bất ngờ, đều là những trạng-thái vô-thường, nhưng với tính-cách mau chóng và quan-trọng, nên gọi là "Santativiparinãma".

Trạng-thái vô-thường là đặc-tính sau cùng (thứ 28) trong bản liệt kê trên đây, cho biết rằng nó đồng nghĩa với tư-cách "hủy-diệt hay chết". Thấy được vô-thường, tất-nhiên thấy rõ tư-cách sanh diệt của các Danh và Sắc pháp.

Trước hết, hành-giả nên tham-thiền, quán tưởng các hiện-tượng vật-chất, nhất là "tứ đại", và sáu cái tâm ái-dục về sắc trần thuộc phần tâm-lý.

Nếu trong một ngày, hành-giả thấy rõ một cách liên-tục vô-số lần tư-cách sanh diệt của tứ đại (đất-nước-lửa-gió), thì tư-cách sanh diệt của các Sắc pháp tùy-thuộc vào tứ đại cũng phát-hiện. Về những Danh pháp cũng thế, khi thấy được tư-cách sanh diệt của những loại tâm ái-dục, thì các Danh pháp khác tùy-thuộc cũng xuất-hiện cùng lúc, nhất là các pháp liên-quan tới mấy uẩn: Thọ-Tưởng-Hành-Thức.

Vô-số sự thay đổi trong một bước đi, một cử-động hoặc oai-nghi, đều là những trạng-thái vô-thường. Chúng ta có thể nhận-định rõ-rệt tư-cách vô-thường và hủy-diệt các Danh và Sắc pháp bằng cách quán xét các sự thay đổi thường-xuyên trong bản-thân mình, để thành-đạt tuệ-giác nội-tâm về tư-cách "hủy-diệt các pháp". Như thế có nghĩa là chúng ta đã thuần-thục trong việc Minh Sát tất cả những diễn biến, thay đổi, từ lớn đến nhỏ, trong mỗi giây, mỗi chập, về các bộ-phận trong cơ-thể. Chừng đó, sự rèn-luyện pháp Minh Sát của hành-giả được xem như đã hoàn-tất đầy đủ.

Hoàn-tất đầy đủ ở đây có nghĩa là được thực-hành đúng-đắn và tuệ-giác này (thấy rõ vô-thường) mang lại sự sáng-suốt thường-xuyên trong đời sống, chớ chưa hẳn là hoàn-toàn giác-ngộ. Tư-cách giác-ngộ để đắc đạo quả thánh-nhân đến mau hay chậm, còn tùy-thuộc vào duyên nghiệp và cơ-hội viên-mãn do các pháp hành cao-thượng hơn. Cũng không biết chắc-chắn lúc nào đạo quả phát-sinh. Dù là bậc thánh Tu Ðà Huờn cũng không biết chắc lúc mình được nhập lưu, vì thời-gian tồn-trữ của những ô-nhiễm tiềm-tàng không thể nào biết nổi. Có nhiều hành-giả chưa thấu-đáo chu-kỳ của các ô-nhiễm tiềm-tàng, tưởng rằng mình đã nhập lưu, nhưng vẫn còn tà kiến và hoài-nghi.

Dù sao, các hành-giả về Minh Sát Tuệ cũng nên tiếp-tục cố-công quán tưởng về tư-cách vô-thường cho tới khi kết-thúc. Ðến bậc thánh A La Hán cũng không hề xao-lãng trong pháp hành Minh Sát, để giữ cho nội tâm yên-tịnh. Nếu bền tâm trì-chí tu tập suốt đời. Ðến khi vượt qua khỏi tình-tạng phàm-nhân (Puthujjana bhũmi) thì hành-giả sẽ bước sang giai-đoạn siêu-nhân (Ariya bhũmi) hoặc trước khi chết hay trong lúc chết, và được tái-sinh về thiên-giới.

Ledi  Sayadaw, 1915

-ooOoo-

Lời của soạn-giả:

Ảo-tưởng (Vipallãsa), Tư-cách ngông-cuồng, si mê, lầm lẫn (Mannanã), và Thành-kiến không gì lay-chuyển nổi (Abhivivesa) được đề-cập trong Thiên Khái-Luận là ba yếu-tố rất tai-hại, làm cho người đời thêm tối-mê ngã chấp, mà cũng là những vật chướng-ngại lớn-lao chận đứng bước tiến của người hành đạo. Khi bị các chướng-ngại đó chế-ngự rồi, thì con người trở nên tà kiến, lầm-lẫn và kéo dài vô-tận cảnh-tượng sanh tử khổ đau.

1. Ảo-Tưởng

Có một số hành-giả tu thiền-định thuộc các đạo-giáo bị các ảo-tưởng lôi cuốn, đặc-biệt là ảo-tưởng về kiến-thức (Diddhivipallãsa), lấy giả làm thiệt, thấy trật tưởng trúng, cho Tà là Chánh. Nhiều khi thấy đi dạo cảnh tiên, nói chuyện với trời Phật thánh thần, hoặc nhiều chuyện quái-gở khác, rồi say mê ôm-ấp các cảnh giới giả-tạo đó khiến cho tinh-thần hoang-mang điên-đảo.

Ảo-tưởng này được giải-thích bằng câu chuyện "Người đi lạc trong rừng" thấy đường xá phong-cảnh giả-tạo đẹp đẽ liền bỏ lộ-trình cũ, xông vào nẻo mới, đi đến đô-thị của loài yêu-quái, rồi bị lạc trong rừng lớn là Tam Giới: Dục Giới - Sắc Giới - Vô Sắc Giới, không sao thoát ra khỏi đặng.

2. Tư-cách ngông-cuồng suy-nghĩ viễn-vong lầm-lẫn (Mannanã)

Ba Sự ngông-cuồng lầm-lẫn do ái-dục, ngã mạn và suy-nghĩ tà tây, khi khởi đầu không mấy tai-hại, nhưng lâu năm chầy tháng sẽ trở-thành những thế-lực "Gãha" hay "Thành-kiến" tạo thêm nhiều sự lầm-lẫn khác. Bị dính mắc vào đó, con người càng gia-tăng ái-dục cống cao và không sao đi đến giải-thoát đặng, như chuyện vị Ðại Phạm Thiên Baka và Uruvela Kassapa, giáo-chủ nhóm thờ thần lửa rất ngã mạn, tự cho mình là trong sạch cao-thượng hơn Ðức Phật.

3. Thành-kiến không gì lay-chuyển nổi (Abhinivesa)

Thành-kiến sai-lầm do ái-dục (Tanhãbhinivesa) khiến con người khư-khư tin chắc rằng thân-xác này là của mình. Nhưng nguy hại nhất là thành-kiến do si-mê lầm-lẫn (Dittha bhinivesa), cho rằng có một linh-hồn bất-di bất-dịch chế-ngự con người. Ðây là nguồn cội của đức tin về thần-quyền tha lực, về một quyền năng tối-thượng, về đấng tạo-hóa điều-khiển muôn loài vạn vật, không đúng với tôn-chỉ của đạo Phật.

4. Tư-cách chuyển kiếp (Gati)

Danh-từ chuyển kiếp ở đây không đồng nghĩa với "luân-hồi", mà ám-chỉ sự di-chuyển của chúng-sinh từ cảnh-giới này qua cảnh-giới khác.

Phân-tán kiếp sống sau khi chết (Vinipãtana) có nghĩa là con người, khi lìa trần, sẽ bị phân chia tản lạc vào các cảnh-giới mới.

Người đời ghê sợ bị phân-tán sau khi chết hơn là sợ chết, vì lẽ không biết chắc mình sẽ tái-sinh về đâu trong 31 cảnh giới. Không biết mình sẽ được sanh làm người nữa chăng? Hay là bị sa vào bốn đường ác đạo? Nói tóm lại, con người vô đạo đức, chẳng thông nghiệp quả, thì không thể lựa chọn kiếp sau của mình là thế nào.

Trái lại, những bậc phạm-hạnh tại-gia hay xuất-gia quyết-tâm hành đạo, dù hiện nay chưa giác-ngộ, thế nào đạo quả cũng sẽ đến trong những kiếp tương-lai, như hột giống gieo xuống đất mọc lên cây và thế nào cũng đơm bông trổ trái trong thời-gian nào đó. Chỉ có những bậc thánh mới biết chắc về kiếp tới của mình: Tu Ðà Huờn biết còn tái sanh 7 kiếp. Tư Ðà Hàm, một kiếp. A Na Hàm không trở lại thế-gian nữa và A La Hán đã chấm-dứt nguồn sanh tử.

5. Chân-lý tương-đối  "tục-đế" và tuyệt-đối "chân-đế" (Sammuti Sacca và Paramattha Sacca)

Mỗi chân-lý đều có ý-nghĩa riêng của nó:

- Chân-lý tương-đối, hay ước-định, là thực-tiển đối với hạng phàm-nhân, chỉ biết nhận xét các sự-vật xuyên qua hoạt-động của các giác-quan. Rất khó bề phủ-nhận cái hiện tướng của cây xoài hay con chó khi chúng nó ở trước mắt chúng ta. Cũng như niềm vui hay khổ thật sự được biểu-lộ bằng nụ cười hay tiếng khóc.

- Trái lại, chân-lý tuyệt-đối là sự xét đoán đúng theo thực-tế của "tuệ-giác nội tại" dựa theo ba trạng-thái: Vô-thường, Khổ-não, Vô-ngã, của những sự-vật phát-sinh tùy-thuộc Danh và Sắc pháp.

Ðối với hạng thế-nhân, hai chân-lý đó có thể lẫn-lộn, mơ-hồ, khó phân-biệt rõ-rệt.

Nhưng các bậc hiền-triết, nhờ cố gắng trì-chí tìm-tòi học-hành và, khi đi đến trình-độ cao cả, thành-đạt tuệ-giác nội tại, thì các ngài biết phân chia ranh-giới giữa hai chân-lý tương-đối và tuyệt-đối, rồi sa-thải cái chân-lý ước-định của người thế-tục, để chấp-nhận chân-lý tuyệt-đối siêu-thoát và bước qua lãnh-vực siêu-nhân.

6. Tuệ-giác nội tại (Parinna)

Tuệ-giác nội tại thấy rõ trạng-thái vô-thường (Aniccavipassanãnãna) có hai thứ:

- Trạng-thái thay đổi cấp-bách toàn-diện (Santativi-parinnãma),
- Trạng-thái thay đổi nhỏ-nhen, nhưng từ-từ liên-tục (Santatianathãbhãva).

Phần đông, người thế chỉ quan-niệm tư-cách vô-thường về trạng-thái thứ nhất, như chết chóc, tai-nạn, ốm đau, giàu nghèo, vân-vân ..., và ít để ý tới cái thứ hai.

Trái lại, các bậc phạm-hạnh tại-gia hoặc xuất-gia, ngoài việc nhận-thức những diễn biến lớn lao bất cập, các ngài luôn-luôn để tâm đến các sự thay đổi của đứa bé mới sanh rồi từ-từ trưởng-thành, đến những trạng-thái diễn biến ở ngoài và trong bản-thân, từ hơi thở, từ các cử-động, ăn nói, từ hoạt-động của cơ-thể đến các tư-tưởng, để quan-niệm đúng theo chân-lý về các Danh và Sắc pháp hữu-vi giả tạm, hầu lướt qua khỏi giai-đoạn phàm-nhân (Puthujjana bhũmi) để bước sang giai-đoạn siêu-nhân (Ariya bhũmi).

Lược giải trên đây nhằm mục-đích làm sáng tỏ thêm cho những độc-giả chưa quen với lối diễn tả thâm sâu của Ðại-Ðức Thiền-Sư Ledi Sayadaw.

Và những hành-giả nhiệt-thành với Minh Sát Tuệ nên phấn-khởi đặt hy-vọng vào câu Phật-Ngôn:

"Viriyavato bhikkhave kim nãma na sijjhati".
"Hỡi này các tỳ-khưu! Thật ra thế nào thành quả cũng đến với những ai luôn-luôn tinh-tấn thực-hành".

-ooOoo-

Đầu trang | 00 || 11 | 12 | 13 | 14 | 15 || 21 | 22 | 23 | 24 | 25 || 31 | 32 | 33 | 34 | 35


[Trở về trang Thư Mục]

updated: 19-04-2002