Đàm luận Phật Pháp
- 96 -
Niệm chết
Maranasati (Mindfulness
on Death)
"Chết là chắc chắn, điều không chắc chắn là không biết chết lúc nào và chết bằng cách nào" (Vô danh)
Niệm Chết (1) Một thời, Thế Tôn trú ở Nādika, tại Ginjakāvasattha. Tại đấy, Thế Tôn gọi các Tỳ-khưu: "Này các Tỳ-khưu" "Thưa vâng, bạch Thế Tôn". Các Tỳ-khưu ấy vâng đáp Thế Tôn. Thế Tôn nói như sau: “Niệm chết, này các Tỳ-khưu, được tu tập, được làm cho sung mãn, có quả lớn, có lợi ích lớn, nhập vào bất tử, cứu cánh là bất tử. Này các Tỳ-khưu, các Thầy hãy tu tập niệm chết.” (1) Ðược nói vậy, một Tỳ-khưu bạch Thế Tôn: - “Bạch Thế Tôn, con có tu tập niệm chết.” - Này Tỳ-khưu, Thầy tu tập niệm chết như thế nào? - Ở đây, bạch Thế Tôn, con suy nghĩ như sau: "Mong rằng ta sống ngày và đêm tác ý đến lời dạy của Thế Tôn". Con đã làm nhiều như vậy. Như vậy, bạch Thế Tôn, con tu tập niệm chết. (2) Một Tỳ-khưu khác bạch Thế Tôn: - “Bạch Thế Tôn, con cũng tu tập niệm chết.” - Này Tỳ-khưu, Thầy tu tập niệm chết như thế nào? - Ở đây, bạch Thế Tôn, con suy nghĩ như sau: "Mong rằng ta sống trọn ngày tác ý đến lời dạy của Thế Tôn". Con đã làm nhiều như vậy. Như vậy, bạch Thế Tôn, con tu tập niệm chết. (3) Một Tỳ-khưu khác bạch Thế Tôn: - “Bạch Thế Tôn, con cũng tu tập niệm chết.” - Này Tỳ-khưu, Thầy tu tập niệm chết như thế nào? - Ở đây, bạch Thế Tôn, con suy nghĩ như sau: "Mong rằng cho đến khi nào ta còn ăn đồ ăn khất thực, cho đến khi ấy, ta tác ý đến lời dạy của Thế Tôn". Con đã làm nhiều như vậy. Như vậy, bạch Thế Tôn, con tu tập niệm chết. (4) Một Tỳ-khưu khác bạch Thế Tôn: - “Bạch Thế Tôn, con cũng tu tập niệm chết.” - Này Tỳ-khưu, Thầy tu tập niệm chết như thế nào? - Ở đây, bạch Thế Tôn, con suy nghĩ như sau: "Mong rằng cho đến khi nào ta còn ăn và nuốt bốn, năm miếng đồ ăn, cho đến khi ấy, ta tác ý đến lời dạy của Thế Tôn". Con đã làm nhiều như vậy. Như vậy, bạch Thế Tôn, con tu tập niệm chết. (5) Một Tỳ-khưu khác bạch Thế Tôn: - “Bạch Thế Tôn, con cũng tu tập niệm chết.” - Này Tỳ-khưu, Thầy tu tập niệm chết như thế nào? - Ở đây, bạch Thế Tôn, con suy nghĩ như sau: "Mong rằng cho đến khi nào ta còn ăn một miếng đồ ăn, cho đến khi ấy, ta tác ý đến lời dạy của Thế Tôn". Con đã làm nhiều như vậy. Như vậy, bạch Thế Tôn, con tu tập niệm chết. (6) Một Tỳ-khưu khác bạch Thế Tôn: - “Bạch Thế Tôn, con cũng tu tập niệm chết.” - Này Tỳ-khưu, Thầy tu tập niệm chết như thế nào? - Ở đây, bạch Thế Tôn, con suy nghĩ như sau: "Cho đến khi nào, sau khi thở vào, ta thở ra, hay sau khi thở ra, ta thở vào, cho đến khi ấy, ta tác ý đến lời dạy của Thế Tôn". Con đã làm nhiều như vậy. Như vậy, bạch Thế Tôn, con tu tập niệm chết. Ðược nghe nói vậy, Thế Tôn nói với các vị Tỳ-khưu ấy: - Này các Tỳ-khưu, (1) Tỳ-khưu nào tu tập niệm chết như sau: "Mong rằng ta sống ngày và đêm, tác ý đến lời dạy của Thế Tôn. Ta đã làm nhiều như vậy". (2) Tỳ-khưu nào tu tập niệm chết như sau: "Mong rằng ta sống trọn ngày tác ý đến lời dạy của Thế Tôn. Ta đã làm nhiều như vậy". (3) Tỳ-khưu nào tu tập niệm chết như sau: "Mong rằng cho đến khi nào ta còn ăn đồ ăn khất thực, cho đến khi ấy, ta tác ý đến lời dạy của Thế Tôn. Ta đã làm nhiều như vậy". (4) Tỳ-khưu nào tu tập niệm chết như sau: "Mong rằng cho đến khi nào ta còn ăn và nuốt bốn, năm miếng đồ ăn, cho đến khi ấy, ta tác ý đến lời dạy của Thế Tôn, ta đã làm nhiều như vậy". Những Tỳ-khưu ấy được gọi là những vị sống phóng dật, tu tập niệm chết không sắc sảo để đoạn diệt các lậu hoặc. Nhưng này các Tỳ-khưu, (5) Tỳ-khưu nào tu tập niệm chết như sau: "Mong rằng cho đến khi nào ta còn ăn một miếng đồ ăn, cho đến khi ấy, ta tác ý đến lời dạy của Thế Tôn, ta đã làm nhiều như vậy". (6) Tỳ-khưu nào tu tập niệm chết như sau: "Mong rằng cho đến khi nào sau khi thở vào, ta thở ra hay sau khi thở ra, ta thở vào, cho đến khi ấy, ta tác ý đến lời dạy của Thế Tôn, ta đã làm nhiều như vậy". Những Tỳ-khưu ấy được gọi là những vị sống không phóng dật, tu tập rất sắc sảo niệm chết để đoạn diệt các lậu hoặc. Do vậy, này các Tỳ-khưu, các Thầy cần phải tu học như sau: “Hãy sống không phóng dật! Ta sẽ tu tập một cách sắc sảo niệm chết để đoạn diệt các lậu hoặc.” Như vậy, này các Tỳ-khưu, các Thầy cần phải học tập.
Niệm Chết (2)
Một thời, Thế Tôn trú ở Nādika, tại Ginjakāvasatha. Tại đấy, Thế Tôn dạy các Tỳ-khưu: - Niệm chết, này các Tỳ-khưu, được tu tập, được làm cho sung mãn thời có quả lớn, có lợi ích lớn, thể nhập vào bất tử, cứu cánh là bất tử. Tu tập niệm chết như thế nào, làm cho sung mãn niệm chết như thế nào thời đưa đến quả lớn, lợi ích lớn, thể nhập vào bất tử, cứu cánh là bất tử? Ở đây, này các Tỳ-khưu, Tỳ-khưu khi ngày vừa tàn và đêm vừa an trú, suy tư như sau: “Các nhân duyên đem đến cái chết cho ta rất nhiều. (1) Con rắn có thể cắn ta, con bò cạp có thể cắn ta, hay con rít có thể cắn ta. Do vậy, ta có thể mệnh chung. Như vậy sẽ trở ngại cho ta. (2) Ta có thể vấp ngã và té xuống. (3) Cơm ta ăn có thể làm ta mắc bệnh khi ăn, hay (4) mật có thể khuấy động ta, (5) đàm có thể khuấy động ta. (6) Các cơn gió sắc như kiếm có thể khuấy động ta. Và như vậy có thể làm ta mệnh chung. Như vậy sẽ là chướng ngại cho ta.” Tỳ-khưu ấy cần phải suy xét như sau: "Nếu ta còn có những pháp ác bất thiện chưa được đoạn tận, nếu ta lỡ mệnh chung đêm nay, chúng có thể là chướng ngại cho ta". Nếu Tỳ-khưu trong khi suy xét như vậy, biết được như sau: "Ta có những pháp ác bất thiện chưa được đoạn tận, nếu ta lỡ mệnh chung đêm nay, chúng có thể là chướng ngại cho ta", thì Tỳ-khưu ấy, để đoạn tận các pháp ác bất thiện ấy, cần phải tận lực tác động ước muốn, tinh tấn, tinh cần, nỗ lực, không có thối chuyển, niệm và tỉnh giác. Ví như áo bị cháy hay đầu bị cháy, thời để dập tắt áo ấy hay đầu ấy, cần phải tận lực tác động ước muốn, tinh tấn, tinh cần, nỗ lực, không có thối chuyển, niệm và tỉnh giác. Cũng vậy, Tỳ-khưu ấy, để đoạn tận các ác bất thiện pháp ấy, cần phải tận lực tác động ước muốn, tinh tấn, tinh cần, nỗ lực, không có thối chuyển, niệm và tỉnh giác. Nếu Tỳ-khưu ấy, trong khi suy xét, biết được như sau: "Ta không có những pháp ác bất thiện chưa được đoạn tận, nếu ta lỡ mệnh chung đêm nay, chúng có thể là chướng ngại cho ta". Này các Tỳ-khưu, vị Tỳ-khưu ấy cần phải sống hoan hỷ, hân hoan, ngày đêm cần phải học tập trong các thiện pháp. Ở đây, này các Tỳ-khưu, Tỳ-khưu khi đêm vừa tàn và ngày vừa an trú, suy tư như sau: “Các nhân duyên đem đến cái chết cho ta rất nhiều. (1) Con rắn có thể cắn ta, con bò cạp có thể cắn ta, hay con rít có thể cắn ta. Do vậy, ta có thể mệnh chung. Như vậy sẽ trở ngại cho ta. (2) Ta có thể vấp ngã và té xuống. (3) Cơm ta ăn có thể làm ta mắc bệnh khi ăn, hay (4) mật có thể khuấy động ta, (5) đàm có thể khuấy động ta. (6) Các cơn gió sắc như kiếm có thể khuấy động ta. Và như vậy có thể làm ta mệnh chung. Như vậy sẽ là chướng ngại cho ta.” Tỳ-khưu ấy cần phải suy xét như sau: "Nếu ta còn có những pháp ác bất thiện chưa được đoạn tận, nếu ta lỡ mệnh chung ngày hôm nay, chúng có thể là chướng ngại cho ta". Nếu Tỳ-khưu trong khi suy xét như vậy, biết được như sau: "Ta có những pháp ác bất thiện chưa được đoạn tận, nếu ta lỡ mệnh chung đêm nay, chúng có thể là chướng ngại cho ta", thì Tỳ-khưu ấy, để đoạn tận các pháp ác bất thiện ấy, cần phải tận lực tác động ước muốn, tinh tấn, tinh cần, nỗ lực, không có thối chuyển, niệm và tỉnh giác. Ví như áo bị cháy hay đầu bị cháy, thời để dập tắt áo ấy hay đầu ấy, cần phải tận lực tác động ước muốn, tinh tấn, tinh cần, nỗ lực, không có thối chuyển, niệm và tỉnh giác. Cũng vậy, Tỳ-khưu ấy, để đoạn tận các ác bất thiện pháp ấy, cần phải tận lực tác động ước muốn, tinh tấn, tinh cần, nỗ lực, không có thối chuyển, niệm và tỉnh giác. Nếu Tỳ-khưu ấy, trong khi suy xét, biết được như sau: "Ta không có những pháp ác bất thiện chưa được đoạn tận, nếu ta lỡ mệnh chung ngày hôm nay, chúng có thể là chướng ngại cho ta". Này các Tỳ-khưu, vị Tỳ-khưu ấy cần phải sống hoan hỷ, hân hoan, ngày đêm cần phải học tập trong các thiện pháp. Này các Tỳ-khưu, niệm chết, tu tập như vậy, làm cho sung mãn như vậy thì được quả lớn, được lợi ích lớn, thể nhập vào bất tử, cứu cánh là bất tử. * * * |
Niệm Chết Tập niệm chết thường xuyên, như hướng dẫn trong cuốn Thanh Tịnh Đạo.Tóm lược:
(1) Có sự xuất hiện của một kẻ sát nhân: Vị ấy nên tưởng thế này: "Cũng như một kẻ sát nhân xuất hiện với cây gươm, nghĩ ta sẽ chặt đầu người này, rồi kề gươm vào cổ người ấy, cũng vậy, cái chết xuất hiện như thế". Tại sao? Vì cái chết cùng đến với sự sinh ra và cái chết đoạt mạng sống. Cái chết này, đi kèm với sinh, thật giống như một kẻ sát nhân với cây kiếm chực sẵn. Và giống như kẻ sát nhân kề gươm vào cổ, cái chết đoạn mất mạng sống và không bao giờ đem trở lại mạng sống. Do vậy, cái chết xuất hiện như một kẻ sát nhân với cây gươm chực sẵn, khi nó đã đi cùng với sinh và đoạt mất mạng sống, ta phải tưởng đến cái chết "như dạng một kẻ sát nhân". (2) Như sự thành công bị phá sản: Tưởng đến cái chết như "như sự phá sản mọi sự nghiệp", bằng cách xem cái chết là vố phá sản cuối cùng của mọi thành công trên đời -- kể cả sức khỏe, tuổi trẻ. (3) Bằng cách so sánh là so sánh mình với những kẻ khác: Ở đây, chết cần được tưởng bằng cách so sánh theo 7 hạng: so với hạng người có danh vọng lớn, công đức lớn, sức mạnh lớn, thần thông lớn, trí tuệ lớn, với Ðộc giác và với Chư Phật. Tất cả đều phải chết.
(4) Về sự san sẻ thân xác với nhiều chúng sanh: Cái thân này được nhiều chúng sinh cộng trú. Nơi thân này, có các loại chúng sinh sống bám vào để sinh sống. Và tại đấy chúng sinh già, chết, bài tiết phẩn tiểu, thân thể là nhà bảo sanh của chúng, là dưỡng đường của chúng, nghĩa địa của chúng, chỗ đại tiện, tiểu tiện của chúng. Thân thể cũng có thể đi đến chết chóc vì một cuộc nổi loạn của những sâu bọ này. Không những thân này được san sẻ với sâu bọ, mà còn san sẻ với hàng trăm thứ bệnh nội thương và nhiều nguyên nhân gây ra chết chóc từ bên ngoài như rắn rết, bò cạp, v.v... (5) Về sự mong manh của đời sống: sự sống này bất lực và mong manh. Và đời sống con người gắn liền với hơi thở, gắn liền với những uy nghi đi đứng nằm ngồi, gắn liền với lạnh và nóng, gắn liền với tứ đại, gắn liền với thức ăn.
(6) Vô tướng (signless): nghĩa là không thể xác định (indefinable), không thể đoán trước được (unpredictable).
(7) Giới hạn của đời người: Cõi người ngày nay có giới hạn ngắn ngủi. Một người sống lâu cũng chỉ sống trên dưới một trăm tuổi.
(8) Về tánh cách ngắn ngủi trong sát-na: Nói cho cùng, đời sống chúng sinh vô cùng ngắn ngủi chỉ trong khoảng một niệm. Như cái bánh xe, khi lăn chỉ lăn trên một điểm và khi nghỉ cũng chỉ nghỉ trên một điểm (điểm tiếp giáp với mặt đất), cũng thế, đời sống của chúng sinh chỉ kéo dài trong khoảng một niệm. Khi niệm ấy qua đi, chúng sinh ấy được coi như đã chấm dứt, như lời trích dẫn sau đây: "Trong một niệm quá khứ nó đã sống, khi ấy nó không có mặt trong hiện tại, mà cũng không có trong vị lai. Trong một niệm vị lai nó sẽ sống, khi ấy nói không có mặt trong hiện tại hay quá khứ. Và trong niệm hiện tại, nó đang sống, thì nó không có mặt trong quá khứ hay vị lai". Kết luận: Một tỳ-khưu niệm chết luôn luôn tinh cần tinh tấn. Vị ấy được sự không tham luyến đối với bất cứ loại hiện hữu nào. Vị ấy chinh phục được sự bám víu vào đời sống. Vị ấy thống trách ác pháp và tránh tích trữ nhiều. Vị ấy không bị cấu uế của lòng tham bốn vật dụng. Vô thường tưởng dần dần phát triển trong tâm vị ấy, và theo sau đó là tưởng về khổ và vô ngã. Trong khi những chúng sinh chưa tu tập, tư tưởng thường là nạn nhân của hãi hùng, kinh sợ, bối rối vào lúc chết, như thể thình lình bị dã thú vồ, bị ma quỷ bắt, rắn mổ, kẻ cướp hay sát nhân sấn tời, thì người tu tập niệm chết ngược lại, chết một cách tỉnh giác không vọng tưởng, vô uý, không rơi vào bất cứ một tình trạng nào như trên. Và cho dù không đạt đến bất tử ngay trong hiện tại, ít ra vị ấy cũng hướng đến một cõi tốt đẹp khi thân hoại mạng chung. -ooOoo- |
9
điều quán tưởng về Chết
THE INEVITABILITY OF DEATH - CHẾT KHÔNG THỂ TRÁNH ĐƯỢC
THE UNCERTAINTY OF THE TIME OF DEATH - KHÔNG BIẾT CHẮC CHẮN LÀ CHẾT LÚC NÀO
THE FACT THAT ONLY THE PRACTICE OF DHARMA CAN HELP US AT THE TIME OF DEATH - CHỈ CÓ THỰC HÀNH PHẬT PHÁP LÀ GIÚP TA KHI CHẾT
-ooOoo- |
|
[ Home ]
03-07-2016
30/12/2018