Đàm luận Phật Pháp
- 76 -
Tỳ-khưu BODHI
(Bhikkhu Bodhi)
BHIKKHU BODHI (1944- ) Tỳ-khưu Bodhi, người Mỹ, sinh năm 1944 tại Brooklyn, NewYork.
Ngài có bằng cấp Cử nhân Triết học (1966, Đại học Brooklyn) và Tiến
sĩ Triết học (Đại học Clarement). Ngài là một học giả Phật giáo uyên
thâm nổi tiếng khắp thế giới qua các công trình dịch thuật và trước
tác của ngài. Tại đây, ngài gặp Hòa thượng Thích Minh Châu trong một chuyến công du sang Hoa Kỳ. Hòa thượng Thích Minh Châu khuyên ngài nên sang Sri Lanka để học kinh điển Pali, và viết thư giới thiệu ngài đến các vị cao tăng Sri Lanka. Năm 1972, ngài du hành đến Sri Lanka. Trên đường du hành, ngài có ghé thăm Việt Nam, lưu tại Sài Gòn trong 2 tháng. Sau khi đến Sri Lanka, ngài xin thọ giới Sa-di trong truyền thống Theravada, và năm 1973 ngài thọ giới Tỳ-khưu với vị bổn sư là Hòa thượng Ananda Maitreya, một vị học giả cao tăng thuộc hàng ngũ lãnh đạo Phật giáo Sri Lanka đương thời. Ngài học tiếng Pali và nghiên cứu kinh điển với Hòa thượng Nyanaponika, một cao tăng người Đức. Năm 1984, ngài được đề cử làm Chủ bút của Hội Xuất Bản Kinh Sách Phật Giáo (Buddhist Publication Society, BPS) của Sri Lanka, và năm 1988 là Chủ tịch của Hội này. Trong thời gian làm việc với BPS, ngài nhận được nhiều sự giúp đỡ và hướng dẫn của Hòa thượng Piyadassi – sư đệ của Hòa thượng Narada, và Phra Khantipalo – một tu sĩ người Anh và là bạn học của Hòa thượng Thích Minh Châu. Tỳ-khưu Bodhi vừa là Chủ bút, tác giả và dịch giả của nhiều kinh sách Phật giáo, quan trọng nhất là Trung Bộ (Middle Length Discourses) đựơc dịch từ tiếng Pali sang tiếng Anh (đồng dịch giả với Tỳ-khưu Ñanamoli, 1995), Tương Ưng Bộ (Connected Discourses of the Buddha, 2000), Những Lời Phật Dạy – Trích lục kinh điển Pali (In the Buddha's Words: An Anthology of Discourses from the Pali Canon, 2005), Tăng Chi Bộ (Numerical Discourses of the Buddha, 2012), Thắng Pháp Tập Yếu (Comprehensive Manual of Abhidhamma, 2000). Năm 2014, nhân dịp mừng sinh nhật 70 của ngài, hội BPS xuất bản một tập sách gồm 53 bài tham luận ngắn của ngài, viết trong những năm qua về nhiều vấn đề ứng dụng giáo pháp vào đời sống, tựa đề Dhamma Reflections (Những suy tư về Giáo Pháp). Năm 2000, ngài đã đọc bài diễn văn quan trọng tại đại lễ Phật Đản (Vesak) chính thức đầu tiên do Liên Hiệp Quốc tổ chức. Ngài trở về Mỹ năm 2002, cư ngụ tại Tu viện Bodhi (Chùa Bồ Đề, Lafayette, New Jersey) – vị trụ trì là Hòa thượng Jen-Chun (Nhân Tuấn), đệ tử của Hòa thượng Ấn Thuận (Yin-Shun), một vị cao tăng tên tuổi Đài Loan. Hiện nay, ngài Tỳ-khưu Bodhi cư ngụ tại Tu viện Chuang Yen (Chùa Trang Nghiêm, Carmel, New York) vị trụ trì là Thượng tọa Fa-Yao Dhammadipa (Pháp Diệu). Ngài giảng dạy Phật pháp tại hai tu viện nầy, và được thỉnh mời giảng dạy tại các tu viện khác ở Hoa Kỳ. Ngài cũng là Chủ tịch của Hội “Yin Shun (Ấn Thuận) Foundation”, và là sáng lập viên tổ chức Phật giáo cứu trợ toàn cầu "Buddhist Global Relief". -ooOoo- |
LẦN ĐẦU TIÊN TÔI GẶP MỘT NHÀ SƯ Bhikkhu Bodhi Đào Viên dịch (Bình Anson hiệu đính, 16-10-2014)
* * * Trong tuần lễ đầu tiên của tháng 8, năm 1965, sau khi học xong khóa hè, tôi chuẩn bị sẽ đi California từ New York bằng xe hơi. Ngày ấy tôi mới 20 tuổi và sang tháng 9 tôi sẽ vào học Đại học Brooklyn. Tôi muốn đến thăm một người bạn. Anh ấy đang ở San Francisco mùa hè ấy. Tôi đã thu xếp để cùng đi với mấy người bạn học. Chúng tôi khởi hành từ một quán ăn nhỏ gần Đại học Brooklyn vào buổi sáng thứ Hai, và sau khi lái xe cả ngày trên đường, chúng tôi dừng lại ở Madison, Wisconsin, để ngủ đêm nhờ nhà một người bạn đồng hành. Đấy là lần đầu tiên tôi được đi qua phía Tây của dãy núi Pocono, điều đó làm tôi rất thích thú. Sau một đêm ngủ khỏe, sáng hôm sau, tôi quyết định đi bộ một lúc. Đó là một buổi sáng nắng ấm. Tôi thả bước qua những phố vắng đến một cái hồ lớn rất đẹp nằm cạnh Đại học Wisconsin. Đi theo đường đất vào phía trong, tôi tiến vào khuôn viên của trường Đại học. Khi tôi đang đi vào trung tâm khuôn viên thì một sự việc rất đáng ngạc nhiên đã xảy ra. Ở tầm mắt bên phải của tôi, cánh cửa của một tòa nhà bằng đá bỗng nhiên mở ra, một người đàn ông trung niên, nét mặt miền Đông Á, mặc áo dài rộng màu vàng, bước ra. Theo ngay sau là một người Mỹ cao lớn, bước theo bắt kịp người đàn ông đó, và hai người sánh vai vừa đi vừa nói chuyện. Ngay lập tức, tôi biết là tôi đang thấy một vị tu sĩ Phật giáo. Tôi chưa bao giờ gặp một tu sĩ Phật giáo nào, và lúc ấy ở Mỹ, số tu sĩ Phật giáo thực sự có thể đếm trên đầu ngón tay. Mấy tháng trước, tôi đã bắt đầu đọc sách về đạo Phật, và qua cuốn “Siddhartha” của Hermann Hesse, tôi đã biết là các nhà sư đều mặc áo mầu vàng nghệ. Do đó, tôi nhận ra ngay người tôi trông thấy là một tỳ-khưu. Tôi cảm thấy rất ngạc nhiên và khích động khi thấy vẻ bình thản và tự tại của con người ấy, đang toát ra một sự thư thái, sự mãn nguyện của nội tâm, cùng vẻ trang nghiêm mà tôi chưa từng thấy ở một người Tây phương nào. Người Mỹ đi bên cạnh, dường như một là vị giáo sư, có vẻ như rất kính trọng và nể nang người đó. Điều đó khiến tôi nghĩ rằng ông ấy không phải là một nhà sư bình thường, mà là một người có một vị thế cao. Chỉ nhìn ông ấy đi qua, tôi cảm thấy hoan hỷ và hạnh phúc. Tôi nghĩ rằng cảm giác của tôi lúc ấy cũng tương tự như cảm giác của một thanh niên bà-la-môn xứ Ấn Độ cổ xưa, khi anh ta ngước lên và lần đầu tiên nhìn thấy, bước trên một lối đi gần đó, một vị đệ tử của nhà tu khổ hạnh Gotama, người được mọi người gọi là ”bậc Giác Ngộ”. Lúc ấy, tôi chỉ đứng cách họ khoảng 60 mét. Tôi muốn đến gần hỏi thăm nhà sư, ngài là ai và đang làm gì, và tham vấn nhiều câu khác nữa; nhưng tôi nhát quá, e rằng mình có vẻ điên khùng. Thế là tôi chỉ trân trân đứng nhìn, mắt chăm chú quan sát mọi cử chỉ của ông ấy suốt bốn, năm phút khi hai người bước qua sảnh đường. Quả thật là tôi đã chết trân ra đấy, như đã vào một nhân sinh pháp giới khác. Trong tâm tôi sôi lên một niềm ao ước. Tôi nghĩ lúc ấy nếu có ai đứng sau mà chích tôi bằng một cái kim, tôi sẽ chẳng cảm thấy gì, bởi vì đầu óc tôi đã để hết cả vào hình dáng nhà sư. Thế rồi, nhà sư với vị giáo sư đi đến một tòa nhà khác, ông giáo sư mở cửa, và hai người biến mất vào trong đó. Tôi vẫn còn cảm thấy thích thú được gặp nhà sư, nhưng sự thích thú đó nay đã bị một chút buồn bã chen lấn vào. Lòng nặng trĩu khi thấy cuộc gặp gỡ đã qua đi, và tôi đã mất cơ hội tìm đến một nguồn tuệ giác còn tại thế, đến từ Đông phương. Giờ đây, tôi nghĩ rằng nhà sư tuyệt vời đó đã đi mất, tôi phải đi đưòng tôi, và chúng tôi sẽ không bao giờ gặp nhau nữa. * Quả thực là nghiệp báo đã vận động một cách kỳ lạ và bất ngờ! Khoảng hơn một năm sau đó, vào tháng Chín năm 1966, tôi ghi danh vào Đại học Claremont tại tiểu bang California (40 km phía đông thành phố Los Angeles), để theo học chương trình Tiến sĩ Triết học. Trong lục cá nguyệt mùa Xuân năm ấy, có một nhà sư từ Việt Nam đến học, và dọn đến ở ngay tầng dưới cùng khu nội trú với tôi. Ông này không có gì là “thư thái và tự tại” như vị sư tôi gặp ở Wisconsin, mà là một loại “hỷ lạc chi nhân”, hay chơi đàn banjo, thích hát nhạc dân ca Việt Nam, hút thuốc lá Pháp, nấu ăn với thịt heo và thịt gà (mặc dù là một nhà sư Đại thừa, đáng lẽ ông ta phải ăn chay) và học khoa Chính trị – một môn học ông ta hay nói tới một cách bạo dạn có thể làm cho Henry Kissinger phải phát ngượng. Vì những lẽ đó, mặc dù tôi ưa thích Phật giáo, tôi phải “kính nhi viễn chi” nhà sư nầy. Tuy vậy, biết ông ấy rõ hơn, tôi cũng thích ông ấy, và rồi nhận ông là người thầy Phật học đầu tiên của tôi. Sang đến mùa Hè năm 1967, chúng tôi đã cùng chia chung một phòng của khu nội trú cho sinh viên Cao học, và ít lâu sau, cùng ra thuê một căn nhà nhỏ ngoài khuôn viên của trường. Một hôm (có lẽ là vào tháng 11 năm 1967), ông sư bạn tôi bảo là có một vị Hòa thượng từ Việt Nam, tên là Thích Minh Châu, hiện đang ở Mỹ và ngài sẽ đến viếng Los Angeles. Ông bạn tôi nói là ngài Minh Châu là Viện trưởng Đại học Vạn Hạnh, và là một học giả vẹn toàn. Hòa thượng đã có bằng Tiến sĩ từ Đại học Phật Giáo Nalanda bên Ấn Độ và đã viết một nghiên cứu quan trọng, so sánh đối chiếu Trung Bộ Kinh tiếng Pali và Trung A-hàm tiếng Hán. Ông sư bạn tôi cho biết sẽ đi Los Angeles để đảnh lễ ngài Thích Minh Châu và mời tôi cùng đi theo. Thế là một buổi sáng tươi đẹp mùa Thu năm ấy, chúng tôi đã đến căn nhà một gia đình Việt Nam mà ngài Minh Châu đang tạm trú. Khi ngài từ phòng riêng đi ra, tôi thấy đó là một người trung niên quấn y vàng, đi đứng bình thản vững chãi, toát ra một vẻ tử tế đầy trí huệ. Quả thật ông ta trông giống như vị sư mà tôi đã gặp hai năm trước đây khi vị ấy bước đi trong khuôn viên Đại học Wisconsin. Tuy nhiên, tôi không chắc lắm vì có thể có hai nhà sư Đông Á trông giống nhau. Tôi trông thấy vị sư ở Wisconsin cách sáu, bảy mươi mét, nên tôi không thấy rõ mặt lắm. Tôi đành phải chịu khó ngồi chờ để cho chủ nhà, ngài Minh Châu, và ông sư bạn tôi nói chuyện với nhau bằng tiếng Việt xong đã. Khi có cơ hội, tôi mới hỏi ngài: ”Thưa đây có phải là lần đầu tiên ngài sang Mỹ không?”. Ngài trả lời: “Thưa không, tôi đã đến đây vài năm về trước”. Chỉ chờ đợi có thế, tôi hỏi tiếp: “Thưa có phải là ngài đã từng đến Đại học Wisconsin vào tháng Tám, năm 1965 không?”. Và ngài trả lời: “Đúng vậy, hôm ấy tôi đến thăm một người bạn tôi là giáo sư Richard Robinson, vừa bắt đầu một chương trình nghiên cứu Phật học tại đấy”. Tôi kể lại hôm ấy tôi đã thấy ngài từ xa đi qua khuôn viên Đại học. Ngài cười nhẹ và nói: ”Thế thì đây không phải là lần đầu tiên chúng ta gặp nhau”. Nhiều năm sau, khi Hòa thượng Minh Châu trở lại Mỹ (chắc khoảng năm 1969), ngài ở lại vài ngày tại nhà trọ của chúng tôi ở Claremont. Về sau này, khi tôi chuẩn bị sang Á châu để thọ giới tỳ-khưu và học Phật pháp, ngài đã có nhiều lời khuyên bảo hữu ích và viết cho tôi một lá thư giới thiệu đến các bậc tôn túc của giới thẩm quyền Phật giáo ở Á châu. Tôi giữ kỹ bức thư đó, và đến nay, tôi vẫn còn lá thư đó với các thứ đồ đạc khác ở Kandy, Sri Lanka. Chính ngài là người đã đề nghị với tôi là khi đến Sri Lanka, tôi nên đến thọ giáo với ngài Hòa thượng Nyanaponika. Sau nhiều năm tu học ở đảo quốc, tôi mới thực hiện được lời đề nghị đó. Trong những năm đầu, thỉnh thoảng tôi viết thư đến ngài Minh Châu để tham vấn và ngài bao giờ cũng trả lời tôi rất sớm và đầy đủ. * Sau 1975, khi chiến tranh chấm dứt ở miền Nam Việt Nam, tôi không còn liên lạc với ngài Minh Châu nữa. Nhưng khi tôi chuẩn bị bài giảng nầy, nhớ lại những cuộc gặp gỡ trước đây, những kỷ niệm xưa trở lại rất sâu sắc, tôi thấy cần phải tìm cách hỏi thăm xem ngài bây giờ ra sao. Qua mạng lưới Internet, tôi liên lạc với một người Việt ở Úc, chủ một trang web Phật giáo, và được cho biết ngài Hòa thượng vẫn còn ở thành phố Hồ Chí Minh, nhưng nay thì rất yếu và bị bệnh Parkinson. Ngài chắc đã phải gần 90 tuổi. Tôi viết cho ngài một lá thư, và gửi điện thư (e-mail) đến người Úc gốc Việt đó, nhờ anh ấy chuyển thư đến người bạn anh ấy ở Việt Nam, là một tu sĩ Phật giáo, từng là đệ tử của ngài Hòa thượng Minh Châu. Trong vài chục năm vừa qua, trước khi mắc căn bệnh tàn hại, Hòa thượng Thích Minh Châu đã dịch bốn bộ kinh Nikaya từ tiếng Pali sang tiếng Việt. Tôi chỉ biết được điều đó mới gần đây thôi. Bây giờ đây là một chuyện kỳ thú và lạ lùng, khởi sinh nhiều câu hỏi thú vị. Vào ngày đầu tháng Tám năm 1965 ấy, có một chàng sinh viên Mỹ mới 20 tuổi, một anh chàng ngày nào đó sẽ trở nên người đồng dịch giả Trung Bộ Kinh, dịch giả Tương Ưng Bộ Kinh, và (hy vọng) một ngày nào đó sẽ dịch cả Tăng Chi Bộ Kinh, đã vì một sự tình cờ, được gặp một vị sư Việt Nam, lớn hơn anh ta lối ba chục năm, cũng đang dịch bốn bộ kinh đó sang tiếng Việt. Anh chàng sinh viên Mỹ ngày đó chẳng biết gì đến Phật học mà chỉ mới bắt đầu đọc ít sách về Phật giáo mà thôi. Anh ta không có ý định gặp vị sư, mà thực ra cũng đâu có giáp mặt nhau đâu. Nhìn dưới khía cạnh nhân duyên khách quan, thì cuộc gặp gỡ chỉ là một sự trùng hợp. Chàng sinh viên Mỹ chỉ ngẫu nhiên đi vào một thành phố anh tình cờ đến, nhìn thấy vị Hòa thượng từ xa, để rồi ra đi không biết vị đó là ai. Vị sư cũng không nhìn thấy chàng thanh niên Mỹ này. Cái gì đã làm tôi quyết định đi rảo bộ sáng hôm đó, rồi rẽ khỏi đường quanh hồ và đi vào khuôn viên đại học, đúng chỗ đó và lại đúng lúc đó? Phải chăng đó chỉ là một sự tình cờ, một chuỗi những quyết định ngẫu nhiên? Nếu đã nêu lên những câu hỏi đó thì hãy hỏi thêm: Có một cái vòng duyên khởi nào nối kết chuyến đi California của tôi với chuyến đi Wisconsin của nhà sư đúng lúc ấy không? Nếu tôi nhớ không lầm thì chúng tôi đã định khởi hành hai ngày trước, nhưng vì có một chút kẹt vào lúc cuối nên chúng tôi phải dời chuyến đi đến sáng thứ Hai ấy. Nếu chúng tôi đã đi đúng ngày giờ như đã dự định, thì buổi hội ngộ với nhà sư chắc đã không xảy ra. Khi tôi rời trường Đại học, yên chí rằng mình sẽ không bao giờ gặp lại nhà sư ấy nữa, tôi không bao giờ nghĩ trong thâm tâm mình phải làm thế nào để gặp lại con người ấy. Tuy nhiên, tôi đã lấy một chuỗi những quyết định, trong thâm tâm không cố ý, đưa đến việc gặp lại nhà sư lần nữa, mà lần này, hai người chúng tôi đối diện như là những pháp hữu. Tôi đã chọn học cao học tại một Đại học mà tại đó tôi đã gặp và trở thành bạn với một nhà sư Việt Nam khác, tuy rằng khi vào đó học, tôi không biết vị sư ấy cũng học trường nầy (đúng hơn, tôi không biết gì về các tu sĩ Phật giáo Việt Nam). Và qua người bạn này, tôi được gặp lại vị sư tôi đã gặp hai năm trước, một vị sư có một phong thái đã làm tôi rất chú ý – mặc dù tôi không biết là hai nhà sư này lại quen biết nhau. Dù tôi biết là Hòa thượng Thích Minh Châu đã viết một cuốn sách nghiên cứu đối chiếu Trung Bộ Kinh tiếng Pali và Trung A-hàm tiếng Hán, tôi không biết ngài dịch bộ Nikaya Pali sang tiếng Việt. Thế mà dự án dịch thuật kinh điển của hai người chúng tôi, dịch sang tiếng mẹ đẻ của mình, lại rất tương tự. Phải chăng điều đó đã được tiên liệu bởi cuộc gặp gỡ tình cờ ở Đại học Wisconsin, nơi mà tôi chưa bao giờ trở lại sau cuộc gặp gỡ ấy, và có lẽ tôi sẽ chẳng bao giờ quay lại nữa trong đời? * * * Xem nguyên tác tiếng Anh: http://bodhimonastery.org/my-first-encounter-with-a-buddhist-monk-rn.html -ooOoo- |
Người dịch kinh Phật: Phỏng vấn Tỳ-khưu Bodhi Bình Anson dịch
* * * Hỏi: Do duyên cớ gì Sư chú tâm vào việc dịch kinh? Tỳ-khưu Bodhi: Khi mới xuất gia, tôi không có ý định trở thành một dịch giả. Vị thầy đầu tiên của tôi là một tu sĩ người Việt, và tôi ở với thầy tại California trong thập niên 1960. Thầy đã chỉ cho tôi thấy tầm quan trọng trong việc học các loại ngữ văn của kinh điển Phật giáo, bắt đầu là tiếng Pāli, như là một công cụ để thông hiểu Giáo Pháp. Khi tôi đến Sri Lanka và thọ giới Tỳ-khưu trong truyền thống Phật giáo Nguyên thủy (Theravāda) vào năm 1972, tôi tích cực học tiếng Pāli để có thể trực tiếp đọc và hiểu được những bài kinh nguyên thủy của Đức Phật. Tôi quyết định theo học với Hòa thượng Balangoda Ananda Maitreya, vì lúc ấy ngài là một trong các vị học giả giỏi nhất ở Sri Lanka. Ngài cũng rất thông thạo tiếng Anh, và là một người rất hiền hòa và từ bi. Vào năm 1974, tôi có dịp làm việc chung với vị sư người Đức, Hòa thượng Nyanaponika, chủ nhiệm và chủ bút của Hội Xuất bản Phật giáo (Buddhist Publication Society), thành phố Kandy. Trong thời gian đó, tôi sử dụng cuốn sổ tay của Hòa thượng, do ngài ghi chép từ thập niên 1950, để tăng cường sự hiểu biết về tiếng Pāli chú giải. Cuối năm 1975, tôi đến Kandy và sống với ngài Nyanaponika. Ngài xem qua vài bài dịch riêng của tôi và khuyên tôi nên dịch bài kinh Phạm Võng (Brahmajala Sutta, bài kinh đầu tiên trong Trường Bộ), cùng với những chú giải và phụ chú giải. Bản dịch đó được xuất bản trong tập sách Chú giải kinh Phạm Võng (The Discourse on the All-Embracing Net of View) vào năm 1978, đánh dấu khởi điểm cho “sự nghiệp” dịch thuật của tôi. Hỏi: Sư có những nhận xét gì về vai trò của kinh điển đối với các người phương Tây theo học Phật Pháp? Và lý do gì đã thúc đẩy Sư phổ biến những bản dịch Anh ngữ đến với họ? Tỳ-khưu Bodhi: Khoảng năm 1972, trước khi tôi rời Hoa Kỳ đi sang châu Á để thọ giới Tỳ-khưu, quan tâm về đạo Phật của giới trẻ Hoa Kỳ có khuynh hướng phản trí thức (anti-intellectual) – nghĩa là ít chú ý đến việc nghiên cứu kinh sách. Lúc đó, trong khi đa số những người Tây phương đi tu học tại các tự viện Phật giáo Nguyên thủy trong vùng rừng núi ở Thái Lan hoặc tại các trung tâm thiền tập ở Miến Điện; duyên nghiệp lại đưa đẩy tôi đến Sri Lanka, đến với những vị thầy có hiểu biết thâm sâu về kinh điển và sẵn sàng hết lòng dạy tôi. Khi tôi bắt đầu tìm đọc các bài kinh bằng tiếng Pāli, tôi rất hồ hởi bởi tính chất rõ ràng, lý luận sâu sắc, vẻ đẹp tế nhị và tình cảm tinh tế, nằm ngay bên dưới bề mặt trầm lặng của chúng. Tôi bắt đầu phiên dịch những bài kinh và các đoạn chú giải với mục đích duy nhất là để giúp cho mình thông hiểu, chứ không có ý định xuất bản. Nhưng sau một thời gian, tôi nhận thấy rằng người học Phật phương Tây có một khoảng trống rất lớn: đó là thiếu một sự hiểu biết rõ ràng về những lời dạy của Đức Phật. Do đó, tôi nghĩ rằng, điều cực kỳ quan trọng là làm sao phiên dịch những bài kinh này ra một thứ ngôn ngữ hiện đại, trong sáng, kèm theo với những chú thích để trình bày những nghĩa lý thâm sâu và giá trị thực tiễn. Đó là sự nghiệp của tôi cho đến ngày hôm nay. Hỏi: Sự uyên bác và công việc nghiên cứu kinh điển đã giúp ích được gì trong sự hành trì và phát triển tâm linh của Sư? Tỳ-khưu Bodhi: Nhiều Phật tử phương Tây thường cho rằng hành trì đồng một nghĩa với thiền tập, và rồi họ tách biệt, phân chia giữa hai lãnh vực học hỏi và thực hành. Họ cho rằng, khi một vị tu sĩ chuyên tâm nghiên cứu Phật học, vị ấy không thể nào là một hành giả nghiêm túc; như thể công việc học Phật là đối chọi lại với công phu hành trì chân thật. Tôi phải công nhận rằng sự hành thiền của tôi cũng chưa hoàn toàn như ý mong muốn, nhưng đó là vì điều kiện sức khoẻ của tôi (đây là trở ngại do nghiệp quả mà tôi phải trực diện); chứ hoàn toàn không phải vì tôi chú tâm quá nhiều cho việc nghiên cứu và phiên dịch kinh điển. Chúng ta nên nhớ rằng, ở các quốc gia Phật giáo tại châu Á, từ nhiều thế kỷ và hầu như trong mọi tông phái, công tác chính yếu của Tăng đoàn là gìn giữ và quảng bá Phật pháp, bằng cách nghiên cứu, học hỏi và truyền bá giáo lý và kinh điển. Công việc ấy đã dựng nên một nền móng vững chắc, từ đó, những thành đạt cao hơn trong việc tu tập được xây đắp; như thể bộ xương nâng đở bắp thịt và các cơ quan khác trong thân thể Phật pháp. Mặc dù trong mọi truyền thống đều có những tích truyện về những vị thiền giả tuy ít học mà vẫn đạt được những thực chứng thâm sâu, nhưng nổi bật nhất vẫn là những vị có thể phối hợp được cả hai pháp học và pháp hành. Ta cũng có thể nghi ngờ những câu chuyện tiểu sử các bậc hiền triết ít học, như là những phóng đại do tôn sùng quá đáng. Mối tương quan giữa sự học Phật uyên bác và sự thực hành, theo tôi, là một vấn đề rất phức tạp, mà ta không thể nào tìm được một câu trả lời duy nhất có thể thích hợp cho tất cả mọi người. Mỗi người có một khuynh hướng tự nhiên thiên về một phía nào đó. Có một điều ta có thể nói dứt khoát rằng, kiến thức uyên bác mà không có áp dụng thực tế sẽ trở thành cằn cỗi, và hành thiền tinh tấn nhưng thiếu sự hướng dẫn để hiểu rõ các nguyên tắc sẽ trở thành vô hiệu quả. Tôi e rằng nếu không có hiểu biết sâu sắc về kinh điển, chỉ trong vòng vài thế hệ nữa, truyền thống tu tập của chúng ta sẽ bị pha loãng, lấn áp, và nuốt trọn bởi nền văn hóa vây quanh, nhất là khi nền văn hóa ấy có tính duy thần hay có khuynh hướng chuộng vật chất. Hỏi: Xin Sư cho biết ý kiến về giá trị của việc học kinh điển trong sự tu tập của Phật tử Âu Mỹ ngày nay. Tỳ-khưu Bodhi: Trước khi giải thích về giá trị của việc học kinh điển trong sự tu tập của mình, ta nên đặt câu hỏi: Thế nào là tu tập? Tu tập có nghĩa là gì? Nếu ta không nhấn mạnh về những câu hỏi này, ta có khuynh hướng mang những giả thuyết không được xem xét rõ ràng vào mục đích của sự tu tập. Từ đó, sự tu tập của ta sẽ dễ dàng trở nên tùy tiện cho những ý đồ riêng tư, hoặc là những thiên kiến văn hóa, thay vì là một phương tiện đưa đến mục tiêu giải thoát mà Đức Phật đã đề ra. Theo tôi thấy, đó là điều đang xảy ra cho Phật giáo phương Tây, và đó cũng giải thích được lý do vì sao Phật giáo Âu Mỹ đã thay đổi truyền thống, và có người xem rằng đó như thể đã thỏa hiệp với ngành tâm lý học hiện đại hay với chủ nghĩa nhân bản thế tục. Học Phật pháp không phải là việc khuân vác một mớ văn hóa từ một xứ Ấn Độ cổ xưa đem về đổ xuống sau vườn nhà mình. Nó phải được xem xét, phân tích cẩn thận. Nếu thực hiện nghiêm túc, nghiên cứu Phật học là phương cách để ta học hỏi và hấp thu cơ cấu của Phật Pháp. Đây là cách để ta có được một sự thông hiểu tường tận về các nguyên lý nền tảng của giáo pháp. Quan trọng hơn nữa, đây là cách để ta nuôi dưỡng những hạt giống tuệ giác trong tâm mình. Công việc đầu tiên ta cần làm khi đi theo con đường của Đức Phật là phải có Chánh Kiến, chi đầu tiên của Bát Chánh Đạo, đó là kim chỉ nam cho suốt hành trình tâm linh của ta. Chánh kiến được bắt đầu bằng "văn", gồm có đọc kinh điển, nghe và học hỏi từ những vị thầy có khả năng. Kế đến là "tư", nghĩa là suy tư, quán chiếu về thực chất của giáo lý, liên quan đến cuộc sống của chính mình. Khi quan kiến của ta được sáng tỏ và sâu sắc, niềm tin nơi Đức Phật trở nên kiên cố. Lúc đó, dựa trên chánh kiến và lòng tín thành này, công phu hành thiền của ta, "tu", sẽ tiến đến đúng mục tiêu. Trí tuệ chân thật chỉ xuất hiện khi ta thẩm sát những gì thiện và những gì bất thiện, nghĩa là những gì đưa ta đến bình an hạnh phúc và đem an vui đến cho người khác, và những gì gây tai hại và đau khổ cho ta và cho người khác. Điều này phát nguồn từ việc học kinh điển nghiêm túc, và đó chỉ là một phần nhỏ những gì ta tìm được trong nguồn kinh điển. Ta cần phải thẩm tra những gì ta học được, suy tư và hấp thu vào nội tâm, và xuyên suốt qua tuệ quán. Hỏi: Bằng cách nào chúng ta có thể kết hợp việc nghiên cứu các bài kinh với sự tu tập của mình? Tỳ-khưu Bodhi: Trước hết, ta cần phải biết bắt đầu từ đâu. Cho người mới bắt đầu học kinh, tôi đề nghị tìm đọc tập sách trích lục kinh điển của Hòa thượng Nyanatiloka, "Phật ngôn" (The Word of the Buddha). Hoặc tìm đọc theo hệ thống các bài kinh căn bản trình bày tại trang web "Truy cập Tuệ quán" (Access to Insight, www.accesstoinsight.org); và tôi cũng đề nghị đọc bài "Làm bạn với kinh điển” ("Befriending the Suttas") của ông John Bullitt, chủ biên trang web. Kế đến, bạn có thể đọc cuốn “Những Lời Dạy của Đức Phật” (In the Buddha’s Words), do tôi trích lục từ kinh tạng. Sau đó, cho những ai muốn đọc đầy đủ hơn, tôi đề nghị tìm đọc Trung Bộ (Majjhima Nikāya). Trang web của Tu viện Bodhi (Bodhi Monastery, www.bodhimonastery.net) có lưu trữ các bài giảng kinh Trung Bộ của tôi, thu âm trong suốt ba năm thuyết giảng, có thể tải xuống để nghe. Như thế, sẽ giúp người nào muốn tìm hiểu nghiêm túc chi tiết các kinh văn này. Phương pháp học tập: Tôi đề nghị là trong lần đầu, ta gắng đọc lướt qua toàn bài kinh để làm quen với mạch văn. Sau đó, đọc lại lần thứ nhì cẩn thận hơn và ghi chú các chi tiết. Khi đã quen với nhiều bài kinh, liệt kê một số các đề tài có vẻ vượt trội và các chủ đề trùng lặp, và dùng chúng như là các đề mục cho việc học kinh trong tương lai. Khi ta tiếp tục đọc kinh, nên lấy ghi chú và sắp xếp chúng theo từng chủ đề, tạo thêm chủ đề mới nếu cần thiết; nhưng luôn luôn ghi rõ xuất xứ các đoạn kinh. Dần dần – sau một năm hay vài năm – ta sẽ có được một cái nhìn tổng thể về Phật Pháp; cuối cùng, ta sẽ thấy các bài pháp ấy kết hợp với nhau thành một khối đồng nhất, như thể các mảnh hình nhỏ được kết nối lại trong trò chơi ráp hình. Tôi cũng muốn nhấn mạnh ở đây là các bản kinh Pāli bắt nguồn từ thời kỳ cổ xưa nhất của lịch sử kinh văn Phật giáo và vì thế, là một di sản chung cho mọi truyền thống Phật giáo. Vì vậy, học tập các bản kinh này không phải là công việc dành riêng cho Phật tử Nam tông hay những hành giả thiền Minh sát; đó là công việc, và cũng là nhiệm vụ, của mọi Phật tử thuộc tất cả các tông phái, nếu họ thật tâm muốn thông hiểu cội rể của Đạo Phật. Hỏi: Có những cạm bẫy hay nguy cơ nào trong việc sử dụng kinh điển không? Tỳ-khưu Bodhi: Có một điều nguy hiểm trong việc sử dụng kinh điển đã được Đức Phật chỉ ra rất rõ ràng trong bài kinh Xà dụ (kinh "Người bắt rắn", Trung Bộ, 22). Đức Phật nói về những người học kinh điển, thay vì đem ra thực hành các lời giảng dạy, lại sử dụng những kiến thức ấy để phê phán kẻ khác, hoặc để khoe tài năng của mình khi tranh luận với kẻ khác. Đức Phật ví dụ họ như người bắt rắn nhưng nắm ở đằng đuôi, họ sẽ bị con rắn quay đầu lại cắn, gây đau đớn trầm trọng hoặc mất mạng. Tôi thấy nhiều Phật tử Tây phương đã rơi vào cạm bẫy này, nhiều lúc có cả chính tôi. Mặc dù ta bắt đầu với ý định tốt nhất, nhưng ta lại nắm bắt Phật Pháp bằng thái độ giáo điều cố chấp, dùng học thức của mình để tranh cãi với kẻ khác, và rồi, dính mắc vào "trận chiến diễn dịch" với những ai có sự giải thích kinh văn khác với mình. Một nguy hiểm khác là ta buông bỏ khả năng suy xét của mình và hoàn toàn tin vào bất cứ những gì ghi lại trong kinh. Thật ra, cũng có những điều trong kinh không còn đúng và thích hợp nữa, qua kiến thức khoa học hiện đại. Ta không thể phê bình những người tin theo thuyết sáng tạo của Ky-tô giáo để rồi mình cũng bị chấp dính vào những thái độ tương tự. Hỏi: Có những đoạn kinh nào mà Sư ưa thích nhất? Tỳ-khưu Bodhi: Khi tôi mới bắt đầu đọc kinh điển Phật giáo, lúc còn học đại học, tôi cảm thấy rất hứng khởi với những lời dạy của Đức Phật về lý nhân duyên, ngũ uẩn, vô ngã, v.v., vì chúng đưa ta thẳng vào trọng tâm của Pháp. Nhưng một trong những bài kinh gây ấn tượng nhất cho tôi lại không phải là những bài kinh giảng thâm sâu về hành thiền hoặc về thực chứng giải thoát. Khi đọc những bài kinh giảng về lý duyên khởi và vô ngã, tôi nghĩ: Đức Phật quả là một bậc giác ngộ, nhưng có lẽ cũng chưa toàn vẹn lắm. Nhưng khi tôi đọc đến bài kinh Giáo thọ Thi-ca-la-việt (Sigalovāda Sutta, Trường Bộ, 31), những nghi ngờ của tôi hoàn toàn tan biến. Khi tôi đọc bài kinh này, đặc biệt là đoạn kinh giảng về “cách lễ lạy sáu phương", tôi nhận thấy rằng mặc dù đã thấu đạt những chân lý sâu xa nhất về sự hiện hữu, Đức Phật vẫn có thể giảng dạy rất chi tiết cho bậc cha mẹ về cách dạy con cái, cho vợ chồng về cách thương yêu tương kính, cho người chủ về cách chăm sóc người làm của mình, v.v.; khi ấy, tôi chợt hiểu rằng, vị Thầy này quả là một bậc giác ngộ hoàn toàn. Trong tâm tôi, bài kinh này chứng minh rằng, Đức Phật không những đã đạt được một “trí tuệ siêu thế" cao quý nhất, mà Ngài còn có cả " trí tuệ hiện thế" với lòng từ bi bao trùm khắp thế gian, mang sự hiểu biết của mình hòa nhập với trình độ của thế tục, để dạy dỗ và hướng dẫn mọi người bằng những phương cách phù hợp với căn cơ của họ. Một trong những đặc điểm của kinh điển mà tôi có ấn tượng nhất, ngay từ khi bắt đầu học kinh và mãi cho đến bây giờ, là các ví dụ so sánh. Dường như Đức Phật có thể đem bất cứ một hiện tượng thiên nhiên nào, hay là bất cứ một việc gì trong đời sống hằng ngày, biến thành một ví dụ sâu sắc để làm sáng tỏ một điểm quan trọng nào đó trong bài giảng. Mặt trời, trăng sao, hoa lá, cỏ cây, sông núi, biển hồ; bốn mùa thay đổi; sư tử, khỉ, voi, ngựa; vua, quan và chiến sĩ; nghệ nhân, y sĩ và đạo tặc – danh sách về những đề tài ví dụ của Đức Phật hầu như nhiều vô tận. Đôi khi chúng ta đọc một loạt những bài kinh có vẻ rất khô khan, rồi đột nhiên ta gặp một ví dụ rất tươi mới và sáng rõ, và hình ảnh ấy không bao giờ phai nhạt trong tâm ta, ngay cả sau nhiều thập niên. Hỏi: Khi dịch kinh điển, Sư gặp những khó khăn đặc biệt nào? Tỳ-khưu Bodhi: Tôi nghĩ rằng bất cứ ngôn ngữ nào cũng có một cấu trúc nhận thức cơ bản của mỗi nền văn hóa, chứa đựng những ẩn dụ để tạo dựng từ ngữ, và bao gồm các ý nghĩa phụ thuộc và sắc thái riêng của từ ngữ. Vi thế, khi chuyển dịch từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác, lúc nào ta cũng gặp vấn đề không hòa hợp giữa hai cấu trúc nhận thức đó. Điều này dẫn đến các xung đột mà thông thường chỉ giải quyết được bằng cách hy sinh những liên hệ quan trọng về khái niệm trong ngữ văn gốc để chuyển dịch sao cho suông sẻ và dễ hiểu. Vấn đề này trở nên trầm trọng hơn khi ta phải chuyển dịch từ một cổ ngữ, với những ẩn dụ cổ xưa, sang ngôn ngữ hiện đại với một nền văn hóa rất khác biệt. Ta có thể thấy vấn đề này ngay ở những từ Pāli đơn giản. Thí dụ như từ "samādhi" (định), tiếng Anh dịch là: concentration - tập trung; composure - an tĩnh; collectedness - tự chủ, mental unification - hợp nhất tâm, v.v. nhưng các từ này không chuyển tải được ý nghĩa của samādhi để chỉ một trạng thái luyện tâm đặc biệt, hay một hệ thống các trạng thái luyện tâm, trong hệ thống huân tập tâm ý của đạo Phật (và trong các đạo giáo Ấn Độ). Ngay cả từ "sati" (niệm), tiếng Anh thường dịch là "mindfulness", cũng không phải là không có vấn đề. Từ này phát nguồn từ động từ "sarati", nghĩa là "ghi nhớ", và đôi khi trong ngữ văn Pāli, sati vẫn được hiểu như có liên quan đến ý nghĩa về sự ghi nhớ. Nhưng khi từ ngữ đó được dùng trong các pháp hành thiền, chúng ta không có chữ tiếng Anh nào để dịch cho chính xác. Một dịch giả nào đó đã tạo ra chữ "mindfulness", lúc đó chưa xuất hiện trong cuốn tự điển của tôi. Chữ dịch này cũng khá hay, nhưng tự nó không bảo tồn được ý nghĩa về sự ghi nhớ, đôi khi rất cần thiết để thông hiểu một đoạn kinh. Từ "satipatthāna" thường được dịch là "foundation of mindfulness" (niệm xứ, nền tảng của niệm), nghe có vẻ thanh lịch; nhưng nếu ta hiểu Pāli, ta có thể nghi ngờ, hợp từ ấy không bắt nguồn từ sati + patthāna (từ đó, dịch là niệm xứ), mà là sati + upatthāna, nghĩa là "establishment of mindfulness" (sự thiết lập niệm). Rồi, nếu ta hiểu kinh văn gốc, ta sẽ thấy có rất nhiều câu, trong đó, sati được dùng với những từ có liên hệ đến upatthāna, như upatthitassati (người có niệm được thiết lập), mà không có câu nào kết hợp sati với các từ có liên hệ đến patthāna. Điều này xác minh cho việc chúng ta nên dịch satipatthāna là "sự thiết lập niệm - establishment of mindfulness", hơn là dịch "nền tảng của niệm, niệm xứ". Cho dù từ "niệm xứ - foundation of mindfulness" nghe có vẻ thanh lịch, điểm quan trọng ở đây là tiến trình nội tâm để thiết lập chánh niệm, chứ không phải là về đối tượng của quán niệm. Hỏi: Khi Sư thấy truyền thống Phật giáo Nguyên thủy đang được các vị giáo thọ Tây phương biến đổi để thích nghi trong thời đại mới, những điều nào Sư nghĩ là có ích lợi và những điều nào không có ích lợi? Tỳ-khưu Bodhi: Tôi rất ngần ngại khi phê bình về việc làm của các vị thầy khác, nhưng tôi chỉ xin đề cập đến một vấn đề quan trọng đang xảy ra trong việc giảng dạy thiền quán Vipassana, mà có thể ta không chú ý đến. Tôi có cảm tưởng rằng mục đích của thiền quán niệm, đang được dạy ở Tây phương, đã bị biến đổi rất nhiều, khác xa chức năng truyền thống của nó. Có lẽ là vì đa số các vị giáo thọ Âu Mỹ giảng dạy ra ngoài khuôn khổ của giáo lý Phật giáo cổ điển. Ngày nay, dường như pháp thiền quán niệm được dạy như là một cách thức để làm tăng trưởng kinh nghiệm của ta trong giây phút hiện tại. Mục đích của pháp hành là để giúp ta chấp nhận tất cả những gì xảy đến cho mình mà không phân biệt. Qua sự nâng cao chánh niệm trong giây phút hiện tại, ta học cách chấp nhận mọi việc như tự bản chất chúng là tốt đẹp, nhìn thấy mọi vấn đề như đáng để học hỏi, thể nghiệm mọi sự như đáng ân thưởng. Vì vậy mà ta chỉ cần an trú trong hiện tại, sẵn sàng tiếp nhận bất cứ việc gì xảy ra, hoàn toàn cởi mở đón nhận dòng chảy của các sự kiện luôn tươi mới và luôn bất định. Ở một cấp độ nào đó, đường lối giảng dạy ấy cho ta nhiều bài học giá trị. Đương nhiên, chấp nhận bất cứ những gì xảy đến cho ta bao giờ cũng tốt hơn là sống mà cứ náo nức đeo đuổi lạc thú và sợ sệt trốn tránh khổ đau. Càng khôn ngoan hơn nếu ta thấy được các bài học tích cực trong những nỗi đau, mất mát và đổi thay, thay vì than van, trách móc cho số phận. Thế nhưng, theo quan kiến của tôi, nếu chỉ trình bày những điều này như là điểm chính của lời Phật dạy, thì đó là một sự suy diễn sai lầm về Pháp. Lời dạy của Đức Phật, ghi lại trong các bài kinh, có những luận cứ khác biệt. Mục đích tối hậu của Giáo pháp không phải là để chấp nhận cuộc đời, nhưng là để giúp ta vượt qua giới hạn của kinh nghiệm hữu vi, để thăng hoa cuộc đời, đạt đến trạng thái không có già, không có chết, nghĩa là chấm dứt mọi khổ đau. Nếu ta chỉ đơn giản duy trì nhận thức trong hiện tại để có một sự chấp nhận không ràng buộc về hiện tại, nó có thể gián tiếp đưa ta đến sự thỏa hiệp với cõi Ta-bà luân hồi (samsara), nghĩa là sẽ lại dính mắc vào Ta-bà, chứ không giải thoát khỏi nó. Trong giáo pháp truyền thống, qua chú tâm tỉnh giác trong hiện tại, ta tập trung quán sát tiến trình sinh và diệt của mọi hiện tượng để phát triển tuệ giác về đặc tính vô thường của chúng. Nhưng nếu chúng ta dừng lại ở tính vô thường của mọi vật, thì đó không phải là cách để ta chấm dứt khổ đau. Tuệ giác về vô thường (anicca), phải là cửa ngõ đưa đến tuệ giác về khổ (dukkha), đặc tính bất chu toàn của mọi pháp hữu vi, và về tính vô ngã (anatta) của mọi pháp. Với tuệ giác về ba đặc tính này, ta nhàm chán về mọi pháp hữu vi. Do nhàm chán, xả ly phát sinh. Do xả ly, giải thoát phát sinh, đưa đến thực chứng Niết-bàn tại đây và ngay bây giờ. Cốt lõi của Phật pháp không phải chỉ là luận thuyết cho rằng tháo gỡ được sự dính mắc sẽ giúp ta sống một cuộc đời không có lo sợ và đau buồn. Thật ra, luận thuyết đó chỉ là một phần về sự liên hệ của hai Diệu Đế đầu – Khổ Đế và Tập Đế, nhưng chưa đủ sâu sắc. Phân tích thâm sâu hơn về Tứ Diệu Đế là phải thấy rõ rằng dính mắc của năm uẩn là ý nghĩa chính của Khổ Đế; phải thấy rõ rằng hoạn khổ bắt nguồn từ sự thèm khát khoái lạc của các giác quan và sự thèm khát vào một sự hiện hữu tiếp nối; và phải thấy rõ rằng hoạn khổ – đau khổ của dính mắc vào vòng sinh tử luân hồi – chỉ chấm dứt khi nào sự thèm khát hoàn toàn tàn diệt. Nếu không thấy được như thế, giảng dạy về Tứ Diệu Đế, trọng tâm của Phật Pháp, sẽ không đầy đủ. Dĩ nhiên, mỗi vị giáo thọ phải tự quyết định lúc nào là thích hợp để trình bày đầy đủ giáo thuyết ấy. Đức Phật ngày xưa, chỉ giảng dạy Tứ Diệu Đế khi nào Ngài biết thính chúng có khả năng để lĩnh hội. Nhưng nếu ta muốn Phật Pháp được hưng thịnh, ít ra, ta phải chấp nhận ý nghĩa chân chính của các lời dạy trên; cho dù chúng ta quyết định rằng bây giờ cần phải chuẩn bị trước với những phương cách khác, thích nghi hơn, của con đường đưa đến giải thoát. Hỏi: Chúng tôi rất ngạc nhiên khi thấy trong kinh điển, Đức Phật không bao giờ đề nghị người nào đi theo con đường Bồ-tát của Ngài để đắc quả vị Phật, nhưng Ngài chỉ dạy về đạo quả A-la-hán như là mục đích chính. Theo Sư, tại sao như thế? Tỳ-khưu Bodhi: Đây là câu hỏi mà tôi đã từng suy tư rất nhiều, nhưng vẫn chưa tìm được câu trả lời tối hậu. Có nhiều ý tưởng về quả vị Phật tìm thấy trong kinh điển nguyên thủy hướng đến giáo thuyết ban sơ về con đường Bồ-tát trong thời Đức Phật còn tại thế. Trong thời đó, có lẽ cũng có những người hứng khởi về tấm gương của Ngài như là một Bậc Giải thoát Từ bi, và họ, thay vì nhắm đến quả vị A-la-hán, ước nguyện đắc quả vị Chánh Đẳng Giác trong một tương lai nào đó. Cũng có thể họ có đến gặp Đức Phật để xin Ngài hướng dẫn để đạt mục tiêu ấy, và Ngài đã giảng dạy cho họ. Tuy nhiên, trong trường hợp đó, sẽ phát sinh câu hỏi sau đây: -“Tại sao trong các bài kinh, chúng ta không tìm thấy các lời giảng rõ ràng về con đường tiến đến quả vị Phật? Tại sao các lời giảng ấy chỉ được ghi trong kinh văn hậu tác như là Chuyện Tiền thân (Jatakas), Sử tích (Apadānas), và các bộ kinh Đại thừa phát triển về sau?” Tôi không có câu trả lời chính xác về câu hỏi khó khăn nhưng thích thú này, nhưng tôi có thể tạm thời đưa ra hai giả thuyết trái ngược, mặc dù tôi cũng chưa vừa lòng với giả thuyết nào. Đó là: (i) Trong thời kỳ nguyên khai, Đức Phật chỉ được xem như là vị A-la-hán đầu tiên, vượt trội hơn các vị A-la-hán khác về tài năng giảng dạy và uy tín cá nhân của Ngài. Phản biện: Nếu như thế, giả thuyết này ngầm hiểu rằng hầu như tất cả những gì ghi lại trong các bài kinh về các uy lực của Đức Phật, các tuệ giác cao quý và phẩm hạnh cao thượng của Ngài đều được ghi thêm vào sau này, như thế là gián tiếp làm suy giảm giá trị khả tín của các bài kinh. (ii) Các kỳ Kết tập Kinh điển đầu tiên là do các vị tu sĩ có khuynh hướng đi theo con đường A-la-hán tổ chức trùng tuyên; vì thế, các vị ấy đã gạt bỏ những đoạn kinh không liên quan đến con đường của mình, kể cả các bài kinh về con đường Bồ-tát. Phản biện: Giả thuyết nầy không có cơ sở, vì trong kinh tạng nguyên thủy lưu truyền đến ngày nay, có bao gồm nhiều bài giảng của Đức Phật cho hàng cư sĩ tại gia, các bà nội trợ cũng như các vua quan, để chu toàn nhiệm vụ thường ngày của họ, mà không liên quan gì đến sự hành trì của hàng tu sĩ; và như thế, nếu có các bài giảng khác cho những ai ước nguyện theo con đường Bồ-tát thì ắt hẳn chúng cũng được trùng tuyên. Cho nên, hai giả thuyết trên đều không đứng vững. Câu trả lời dễ nhất mà tôi nghĩ ra – mặc dù không phải là lời giải đáp mà tôi hoàn toàn ưng ý – qua đức hạnh của Ngài, Đức Phật là một tấm gương cho những người muốn theo đường Bồ-tát, nhưng bởi vì giáo pháp tối hậu của Ngài là đưa đến giải thoát, Ngài không thể dạy những khái niệm tranh đua nhau để tiến đến mục tiêu cuối cùng. Ở đây, lời giảng của Ngài là phải đề cao những vị đã thực chứng được mục tiêu tối hậu, đó là các vị A-la-hán, và mô tả con đường đưa đến quả vị đó. Dù trong bất cứ trường hợp nào, con đường A-la-hán như đã mô tả trong kinh tạng nguyên thủy vẫn là nền tảng cho con đường Bồ-tát phát triển về sau trong thời kỳ Phật giáo Bộ phái và Phật giáo Đại thừa; cho nên, con đường sau không thể có được nếu không có con đường trước. Hỏi: Vài người nhận định rằng các bản chú giải, nhất là các chú giải của Luận sư Phật Âm (Buddhaghosa), trình bày một quan kiến khác với các bài kinh – như là một sự diễn dịch hạn hẹp hơn về sự hành trì Pháp. Sư nghĩ thế nào về sự thông hiểu căn bản về pháp nghĩa của các bài kinh, so với các giải thích trong chú giải? Chúng giống nhau hay khác nhau như thế nào? Tỳ-khưu Bodhi: Sự liên hệ giữa các bản kinh và các bản chú giải cực kỳ phức tạp và đây là một điều nguy hiểm nếu ta có những phê phán tổng quát cho sự liên hệ đó. Các chú giải thật ra không phải là các tác phẩm nguyên gốc của ngài Phật Âm, mà là các phiên bản biên tập của các chú giải cổ xưa đã được gìn giữ ở Sri Lanka. Nguồn gốc lịch sử của chúng không rõ ràng, nhưng chắc là bắt nguồn từ chính các bản kinh; nghĩa là có những bản kinh mang ý nghĩa chú giải cho các bản kinh khác (thí dụ: Trung Bộ 141, Tương Ưng 12:31; Tương Ưng 22:3,4). Trong thời kỳ ban đầu của sự truyền khẩu, các vị trưởng lão Phật giáo ắt hẳn có triển khai một tập hợp chú giải đi kèm với bản văn gốc, và ắt hẳn các chú giải này đã tích tụ qua nhiều thế hệ, như thể trái banh tuyết lăn tròn và lớn rộng ra với nhiều lớp tuyết dính vào. Các cổ bản chú giải Sri Lanka – không còn hiện hữu – mà ngài Phật Âm dựa vào đó để biên soạn, có lẽ là một kho tàng các tư liệu tích lũy qua nhiều thế kỷ, và có lẽ bắt nguồn từ các vị đại đệ tử của Đức Phật. Ngay cả trong các bản chú giải mà chúng ta thừa hưởng hôm nay, có những tầng lớp dường như đã hiện hữu trước cả thời kỳ phân chia Tăng đoàn thành các bộ phái, vì chúng có những tư liệu dùng chung cho các bản luận giải của nhiều tông phái khác nhau. Những tư liệu mới hơn thì bắt nguồn các vị thầy tổ của tông phái Theravāda (Trưởng lão bộ) sau khi tông phái nầy thành hình, và vì thế, phản ánh những phương cách diễn dịch riêng biệt. Ngoài ra, còn có một khuynh hướng trao đổi tư liệu diễn giải giữa các tông phái; tuy nhiên, nhờ tính bảo thủ, các vị tu sĩ Theravāda đã nghiêm ngặt tách rời các tư liệu mới nầy ra khỏi phần kinh văn ghi lời Đức Phật giảng. Để hiểu tác động của các chú giải ở cấp độ giáo thuyết, chúng ta nên nhớ rằng các bài kinh thật ra không phải chỉ là kinh văn của tông phái Theravāda. Đây là sự truyền tải của các tu sĩ Theravāda về một hạng kinh điển chung cho các tông phái Phật giáo trong thời kỳ nguyên khai, mỗi tông phái ắt hẳn có phương cách diễn dịch riêng. Những bản chú giải mà chúng ta có được từ Luận sư Phật Âm (và nhiều vị khác) tiếp tục nhiệm vụ diễn giải các kinh điển này qua quan kiến của tông phái Theravāda. Vì thế, quan kiến của các vị ấy dĩ nhiên là phải hạn hẹp hơn là các kinh văn vì cần phải có tính đặc thù: họ nhìn thế giới tâm ý của các bản kinh qua lăng kính của các phương pháp bình luận thánh thư do các vị thầy tổ Theravāda triển khai, dùng những phương pháp nầy để giải thích chi tiết về các bài giảng của Đức Phật. Nếu ta so sánh ví dụ các bản kinh như là một vùng lãnh thổ đất đai rộng lớn, quan sát từ trên cao để thấy các điểm chính của địa hình nhưng chi tiết lại rất sơ sài; lúc đó, các chú giải có thể ví như một báo cáo chi tiết về phương hướng, vị trí của lãnh thổ đó. Câu hỏi ở đây là: Các chú giải này chỉ đi đến để mô tả phong cảnh với nhiều chi tiết, hay chúng mang theo các toán thợ xây dựng và các dự án xây nhà, xây thương xá và xa lộ trên vùng đất hoang sơ? Câu trả lời, theo tôi, là kết hợp cả hai. Tóm lại, có hai thái độ cực đoan khi chúng ta đánh giá các chú giải. Một cực đoan, thường được các nhà Theravāda chính thống chấp nhận, là xem chúng có giá trị hầu như ngang hàng với các bản kinh. Một cực đoan khác là hoàn toàn gạt bỏ chúng, và cho rằng chúng đại diện cho sự diễn dịch khác với Pháp. Tôi nghĩ rằng thái độ cẩn thận trung dung là chúng ta tham khảo các bản chú giải và sử dụng chúng, nhưng không chấp dính vào chúng. Các diễn giải thường giúp làm sáng tỏ kinh văn, nhưng ta cũng nên ghi nhận rằng chúng chỉ đại diện cho một sự hệ thống hóa đặc thù của các bài kinh giảng nguyên sơ. Đôi khi, các bài kinh nầy không cần có thêm các chú giải, và có vài điểm, các chú giải có vẻ không tương thích với bài kinh giảng. Hỏi: Rất nhiều bài kinh khi kết thúc có ghi rằng những người khi nghe các lời dạy của Đức Phật, thông hiểu, rất hoan hỷ, và đôi khi được giác ngộ chỉ nhờ nghe và hiểu. Điều này quả thật rất kỳ lạ, rất khó suy ngẫm! Tỳ-khưu Bodhi: Chính các bản kinh cũng không giải thích rõ, chỉ nói rằng trong khi Đức Phật giảng dạy, tâm của người nghe trở nên "sẵn sàng, tiếp nhận, không còn những chướng ngại, hoan hỷ và tự tin." Nhưng thông thường, kinh cũng ghi rằng, Đức Phật giảng bài kinh đặc biệt cho một người hay một nhóm người nào đó trong thính chúng, cho nên có thể Đức Phật đã biết trước người ấy hay nhóm người ấy có khả năng thấu đạt chân lý. Theo tôi, sự nhanh nhẹn thấu đạt Chân Pháp của họ là do ba yếu tố. Thứ nhất, họ đã tích lũy được đầy đủ các hạnh ba-la-mật (paramis), hay các phẩm hạnh cao quý, trong nhiều kiếp trưtin hoàn toàn vào nguyên lý tái sinh, và tôi tin rằng sự giác ngộ là kết quả của công phu tu tập qua nhiều kiếp sống, kiện toàn những phẩm hạnh như bố thí, trì giới, nhẫn nại, tinh tấn, thiền định, trí tuệ, từ bi, xả ly, cương quyết, v.v. Vì thế, mặc dù những vị này có thể chưa hành trì Chánh Pháp trong đời này trước khi họ gặp Đức Phật, nhưng họ đã chu toàn các hạnh ba-la-mật với nhiều vị Phật trong quá khứ. Thứ hai là một sự khát khao sâu xa trong tiềm thức, mong đạt được sự thanh tịnh và thấu đạt chân lý. Sự khát khao này có thể không hiển lộ trên bề mặt của tâm – có thể họ đang sống như các thương gia bận rộn, các bà nội trợ khiêm tốn, những người đầy tớ bình dị – nhưng vào những giây phút tĩnh lặng, một sự thúc đẩy nào đó hướng về chân lý, về sự toàn thiện và hoàn mỹ tinh thần đã choáng ngợp tâm các vị ấy, tạo nên một cảm giác bất an sâu đậm trong lòng, một nỗi bức rức chỉ được dập tắt khi họ gặp Đức Phật và nghe Ngài giảng dạy. Thứ ba, trong vài trường hợp, có thể các vị ấy đã trực diện với một khổ đau khắc nghiệt, thô tháo hay vi tế, và khổ đau ấy đã xé toang được tấm màn vô minh trước mắt và thúc đẩy họ đi tìm một con đường giải thoát tối hậu. Khi hai hoặc ba yếu tố này được trọn vẹn, các vị ấy như những đóa hoa sen trên mặt hồ, chờ mặt trời mọc để bừng nở. Sự xuất hiện của Đức Phật là mặt trời mọc lên, và Giáo Pháp của Ngài là những tia nắng sáng chói khai mở các đóa hoa sen trong tâm thức để tiếp nhận chân lý tối hậu. Bình Anson dịch -ooOoo- |
Làm thế nào để giác ngộ?
Tỳ-khưu Bodhi * Danh từ "phật-đà" (buddha) đã được biết và sử dụng trước khi Đức Phật lịch sử xuất hiện tại Ấn Độ. Danh từ này có nghĩa là "giác ngộ", và các đạo sĩ thời đó thường bàn luận về câu hỏi "Thế nào là một vị Phật? Ai là người giác ngộ?" Một lần nọ, có một vị đạo sĩ già, tên Brahmayu, nghe tin có ngài ẩn sĩ Cồ-đàm, người ta tin rằng là một vị Phật, vừa du hành đến thị trấn của ông ta, nên ông quyết định đến thăm Ngài (Trung bộ, kinh 91). Khi đạo sĩ Brahmayu đến nơi Đức Phật ngự, Ngài đang thuyết giảng cho hội chúng cư dân vùng đó. Hội chúng ấy thấy đạo sĩ Brahmayu từ xa đi đến, liền nhường chỗ cho ông vì ông được nhiều người biết đến và có danh tiếng. Biết ông là một vị bà-la-môn đáng kính, bậc thầy có nhiều đệ tử, Đức Phật mời ông đến trước hội chúng và ngồi cạnh Ngài. Rồi vị bà-la-môn Brahmayu nói: "Kính thưa Ngài Cồ-đàm, tôi có vài thắc mắc muốn hỏi Ngài." Đức Phật mời ông nêu ra những thắc mắc trong lòng, và đạo sĩ nêu ra các câu hỏi qua một bài kệ bốn câu, đại ý chính là: "Làm thế nào để được gọi là Phật, một bậc Giác Ngộ?" Đức Phật trả lời qua bốn câu kệ như sau:
Câu trả lời ngắn gọn này giúp chúng ta biết về ba đặc tính của một bậc Giác Ngộ. Đây không chỉ là ba đặc tính của một vị Phật, mà cũng là ba mục tiêu chúng ta phải hướng đến khi thực hành những lời Phật dạy. Nếu người nào đó hỏi: “Bạn quy y Tam Bảo chính yếu là để làm gì? Bạn giữ giới để làm gì? Bạn hành thiền để làm gì?" v.v., câu trả lời của chúng ta phải bao gồm ba điểm tương tự: -"Để biết rõ những gì cần biết rõ; để từ bỏ những gì cần từ bỏ; và để tu tập những gì cần tu tập." Đây là những mục tiêu của đạo Phật, và hoàn tất ba mục tiêu này đánh dấu sự kiện chứng đắc đạo quả giác ngộ. Nếu chúng ta quen thuộc với bài kinh đầu tiên, kinh Chuyển Pháp Luân, ta sẽ nhận ra ngay lập tức ba công việc trên có liên hệ đến ba trong Bốn Sự Thật Cao Diệu (Tứ Diệu Đế). Sự thật đầu tiên là về khổ, Khổ Đế. Chúng ta cần phải làm gì đối với sự thật này? Khổ cần phải biết, biết rõ ràng và rốt ráo, thông hiểu tường tận. Đối với sự thật thứ hai, sự thật về nguyên nhân của khổ, Tập Đế, là do lòng tham thủ, và lòng tham thủ này cần phải từ bỏ, hay đoạn tận. Sự thật thứ tư, Đạo Đế, là về Bát Chánh Đạo, là con đường cần phải được tu tập. Còn một sự thật không thấy đề cập trong bốn câu kệ nêu trên, là sự thật về sự tàn diệt của khổ, Diệt Đế. Trong kinh Chuyển Pháp Luân, chúng ta biết rằng sự thật này cần phải được “thực chứng". Tuy nhiên, khi ba công việc kia được hoàn tất, nghĩa là hiểu rõ, từ bỏ và tu tập, việc thực chứng sự thật về khổ diệt đương nhiên sẽ theo sau. * 1) Công việc đầu tiên cần phải làm là "biết rõ những gì cần biết rõ". Điều đó có nghĩa là gì? Những gì ta phải biết rõ, phải thông hiểu tường tận, là những gì gần gủi với ta nhất, những gì ta thường gọi là bản ngã, cái tôi. Chúng ta thường quy chiếu cái thân và tâm phức tạp này như là cái tôi. Phần đông chúng ta, từ khi mới chào đời cho đến lúc chết, tâm ta thường hướng ra ngoài, tầm cầu không ngưng nghỉ những khoái lạc giác quan, để củng cố bản ngã, để xác nhận quan niệm về sự hiện hữu của cái tôi. Rất ít người chịu ngồi lại, quán soi, để trả lời câu hỏi: “Cái gọi là ‘tôi’ thật sự là gì? Cái gì là ‘tôi’ phía sau những gì thường được quy chiếu vào đó?” Nếu ta dừng lại, và chỉ suy tư trong giây phút, ta sẽ thấy đó là câu hỏi quan trọng nhất cần phải được nêu ra. Nếu, từ ngày bạn sinh ra đến ngày bạn thở hơi cuối cùng, mỗi khi có ai hỏi: "Anh là ai? Lý lịch của anh là gì?", bạn chỉ biết cho họ xem bằng lái xe hay giấy khai sinh của bạn, trong đó có ghi tên tuổi và ngày sinh, nhưng không biết thật sự mình là ai hay mình là gì, như thế, quả thật là một điều đáng tiếc cho cuộc hành trình của bạn từ nơi sinh đến nơi chết. Thực hành theo lời Phật dạy là phải thẩm tra về những gì ta thường cho là "tôi", "bản ngã", và "của tôi." Chúng ta thường đồng hóa những từ ngữ này với một cái gì đó riêng biệt, tồn tại, một chủ thể với một sự xác minh đặc thù. Nhưng Đức Phật dạy rằng tất cả các ý tưởng đó chỉ là hư vọng. Khi chúng ta nhìn rõ, thẩm tra về sự quy chiếu của các chữ "tôi", "bản ngã", và "của tôi", chúng ta thấy đó chỉ là các thành tố của thân và tâm, hay danh và sắc. Để giúp ta hiểu rõ hơn, Đức Phật đã phân chia chúng thành năm nhóm, thuật ngữ Phật giáo gọi là năm uẩn (ngũ uẩn). Kinh điển gọi là "năm nhóm của sự tham thủ” (ngũ uẩn thủ), vì đó là những gì chúng ta thường bám níu vào đó, với các ý tưởng "đây là tôi", "đây là cái ngã của tôi", "đây là cái của tôi." Như vậy, ta sẽ nhận định được rằng cái gọi là "tôi" và "ngã" thật ra chỉ là năm uẩn: sắc uẩn, là phần vật chất cấu tạo nên thân thể; thọ uẩn, là các cảm giác an lạc, khổ đau, và không khổ không lạc; tưởng uẩn, là các chức năng của tâm để nhận định, suy xét, đặt tên, ghi nhớ đối tượng; hành uẩn, là các chức năng của tâm để phản ứng, quyết định, tạo hành động; và thức uẩn, là phần nhận thức, hiểu biết, phát sinh từ sáu giác căn (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý). Đối với mỗi người chúng ta, đây là những gì ta gọi là tự ngã. Công việc của chúng ta khi hành theo lời Phật dạy là để biết, để hiểu rõ bản chất thật sự của năm uẩn đó. Từ đó, ta biết được những gì tạo ra lý lịch thật sự của mình. Từ khi sinh ra, lớn lên, già yếu rồi chết, cả một tiến trình sống này chỉ là một chuỗi nối tiếp năm uẩn, kết hợp với nhau qua các điều kiện tương quan và các hiện tượng do nhân duyên sinh khởi. Sắc uẩn, hay thân thể vật lý này, là nền tảng, và dựa vào đó, các yếu tố tâm lý khởi sinh rồi tàn diệt. Qua công phu hành thiền, chúng ta khảo sát thâm sâu, với chú tâm tinh tế, về bản chất của năm uẩn này khi chúng hiện hữu từ thời khắc này sang thời khắc khác. Ta thấy chúng khởi sinh, an trụ, rồi tàn diệt, và từ đó cho ta một nhận thức tường tận về tính vô thường. Từ sự thông hiểu về tính vô thường, nảy sinh tuệ quán về khổ, về bản chất bất toại nguyện của năm uẩn. Từ đó, ta nhận ra rằng năm uẩn luôn thay đổi này là bấp bênh, không an toàn, không thể tin cậy được, và do vậy, không thể xem như là cái tôi chắc chắn, trường tồn: chúng là rỗng không, hay chúng là vô ngã. 2) Công việc thứ hai cần phải làm khi ta thực hành theo lời Phật dạy là "từ bỏ những gì cần từ bỏ." Những gì cần từ bỏ ở đây là các lậu hoặc. Đức Phật dùng chữ "kilesas" (lậu hoặc) như là một danh từ tổng quát, để chỉ chung cho tất cả các trạng thái tâm lý tạo ra đau khổ, không hạnh phúc trong đời sống của ta. Giáo pháp của Đức Phật cho chúng ta một đường lối chi tiết để giúp ta khảo sát và hiểu biết cách thức vận hành của tâm. Nhưng sự khảo sát này không phải chỉ để thực hiện một cách đơn thuần như môn tâm lý học hiện nay dùng để mô tả sự vận hành của tâm. Tâm lý học Phật giáo xác định rõ ràng và rành mạch về các loại giá trị. Giá trị đạo đức được trình bày và phân tích rõ ràng giữa thiện và bất thiện, không do dự hay mơ hồ, vì sự phân biệt rạch ròi về giá trị đạo đức như thế là điều tối cần thiết để thành đạt ý nguyện của chúng ta là có được hạnh phúc, tránh mọi đau khổ. Theo lời dạy của Đức Phật, các hành động phi đạo đức và trạng thái tâm bất tịnh không bao giờ có thể đưa đến hạnh phúc thật sự và lâu dài. Mặt khác, hành động phi đạo đức và trạng thái tâm bất tịnh chắc chắn là mầm mống cho hoạn khổ, không hạnh phúc. Thật ra, trạng thái tâm ô uế, đặc biệt là tâm ích kỷ và tham luyến, thường được đi kèm với sự sung sướng, khoái lạc. Nếu không như thế, ắt hẳn thế giới này đã có đầy những bậc giác ngộ. Tuy nhiên, sự khoái lạc đi kèm với lòng luyến ái và tham lam chỉ là vỏ bọc bên ngoài của một hạt giống xấu. Khi hạt giống đó nảy mầm và tạo ra cây trái, nó sẽ mang theo đau đớn và khổ não ngay trong kiếp này, và nếu không, sẽ trổ quả trong các kiếp sau. Ngược lại, các trạng thái tâm thiện lành đôi khi có thể đi kèm với vài sự đau đớn, vì muốn phát triển chúng, ta phải bơi ngược dòng, đối nghịch với khuynh hướng thông thường của tâm phàm thế. Nhưng khi các trạng thái thiện lành trổ quả, chắc chắn chúng sẽ đưa đến hạnh phúc, an bình, và phúc lợi nội tâm. Đây là một phần của cùng một định luật, định luật về nhân duyên đạo đức. Các trạng thái tâm bất thiện này được gọi là "kilesas", lậu hoặc. Từ này cũng có thể dịch là "tai ách, hoạn nạn", vì chúng mang đến sự đau khổ. Cũng có thể dịch là "cấu uế, ô nhiễm", vì chúng làm nhơ bẩn, thối nát tâm chúng ta. Đức Phật đã phân tích bản chất của cấu uế và đã giảng giải rất khéo léo về nguồn gốc của các cấu uế đó, dẫn đến ba gốc rễ của tâm cấu uế là tham lam, sân hận, và si mê. Công việc của chúng ta khi thực hành theo lời Phật dạy, tức là thực hành Pháp, là để vượt qua, trừ khử, từ bỏ các cấu uế của tham lam và sân hận vì chúng làm sinh khởi nhiều nhánh cấu uế khác. Nhưng tham lam và sân hận là bắt nguồn từ si mê hay vô minh. Vì thế, để diệt trừ tất cả mọi cấu uế, chúng ta phải diệt trừ vô minh. Vô minh che phủ năm uẩn, những gì ta quy chiếu là tôi, của tôi, bản ngã. Cho nên, cách thức diệt trừ vô minh là phải hoàn tất công việc đầu tiên, "biết rõ những gì cần biết rõ." Khi ta biết rõ những gì cần biết rõ, vô minh sẽ rơi rụng; tham lam, sân hận và các cấu uế khác cũng sẽ tan biến. Không thể nào chỉ có lòng mong cầu suông là có thể hoàn tất được việc đó. Chúng ta không thể chỉ nghĩ đơn giản: “ Tôi muốn biết rõ những gì cần biết rõ" là lập tức ta thông hiểu tường tận. Đó là lý do tại sao toàn thể pháp hành của Đạo Phật là một tiến trình để bước đi trên con đường tu tập. Món quà vĩ đại mà Đức Phật tặng cho thế gian không phải chỉ là một triết lý cao siêu, không phải chỉ là một môn tâm lý học thâm sâu, mà là một con đường thực tiễn, có hệ thống, từng bước một, để chúng ta hành trì trong mọi tình huống của đời sống. 3) Hành trì theo con đường đó nghĩa là "tu tập những gì cần tu tập." Đây là công việc thứ ba Đức Phật thuyết trong bài kệ bốn câu: "Những gì cần tu tập, Ta đã tu tập." Ta hành trì theo con đường là để “từ bỏ những gì cần từ bỏ", đó là từ bỏ các ô uế hay lậu hoặc. Hơn nữa, ta hành trì theo con đường là để “biết rõ những gì cần biết rõ", nghĩa là biết rõ bản chất của năm uẩn. Thế nào là tu tập theo con đường này? Nên biết rằng con đường tu tập được bố trí để chúng ta tiến bước, không đột ngột, không bất ngờ, từ từ từng bước một, giúp ta trèo lên từng bậc thang để đến tột đỉnh của sự giác ngộ. Ta phải bắt đầu kiểm soát các lậu hoặc thô tháo, bằng cách thọ trì tuân giữ các điều giới, năm giới hay tám giới của người cư sĩ. Những điều giới này giúp kiểm soát sự hiển lộ thô tháo của lậu hoặc, những lậu hoặc có thể bùng ra qua các dạng thức của hành động bất thiện. Gìn giữ giới hạnh không phải chỉ tránh các hành động tiêu cực. Ta cũng phải nuôi dưỡng các hành động đạo đức, thiện lành. Các hành động tốt lành này giúp tâm ta được lớn mạnh với các đức tính tinh khiết, trong sạch. Ta phải tập từ bi và tử tế với mọi người, lương thiện khi giao tiếp với người khác, lúc nào cũng chân thật khi nói năng, có trách nhiệm đối với gia đình và xã hội, có việc làm chân chính, siêng năng, kính trọng người khác, biết kham nhẫn, khiêm nhường và ngay thẳng. Tất cả các đức tính đó sẽ giúp ta từ từ thanh lọc tâm ý, giúp cho tâm được trong sạch, thông minh, và sáng chói. Tu tập những gì cần tu tập, không phải chỉ đơn thuần nuôi dưỡng đạo đức. Cần phải tiến xa hơn nữa qua sự tu tập thiền định. Khi cố gắng gom thu và tập trung tâm ý, ta bắt đầu hiểu được tâm ta vận hành như thế nào. Ta có tuệ quán để hiểu được sự vận hành của tâm ta. Qua sự thông hiểu đó, dần dần ta uốn nắn tâm mình. Đầu tiên, ta bắt đầu làm suy yếu các tính chất bất thiện làm uế trược tâm. Ta đang gạt bớt lớp đất mà cội rễ bất thiện đã bám sâu trong đó. Cần nên nhớ rằng những cội rễ bất thiện đã ăn sâu trong tâm trong nhiều đời, nhiều kiếp. Tiến trình thanh lọc này không nhanh chóng mà cũng không dễ dàng. Nó đòi hỏi một nỗ lực liên tục, bền bỉ, và lâu dài. Khi ta kiên trì tu tập như thế, cuối cùng tâm sẽ lắng đọng, tập trung vững chắc. Nó thu nhận những kỹ năng cần thiết để liên tục bám sát vào một đối tượng, không lay chuyển, và qua đó, tạo ra cơ hội để trí tuệ nảy sinh. Trí tuệ là đặc tính thứ ba cần phải được phát triển. Trí tuệ xảy đến qua thẩm tra, trạch vấn. Đương nhiên, trí tuệ không phải chỉ phát khởi qua công phu hành thiền. Ngay cả trong sinh hoạt hằng ngày, khi học hỏi các lời dạy của Đức Phật, nhất là những bài kinh quan trọng về việc phát triển trí tuệ, chẳng hạn như là các bài về năm uẩn, lý duyên khởi, Tứ Diệu Đế, chúng ta vấn trạch giáo pháp và từ đó tạo duyên cho trí tuệ sinh khởi. Ta phát triển trí tuệ trong cấp bậc khái niệm, để đào sới vào gốc rễ của vô minh. Như thế, qua học hỏi và suy tư về giáo pháp, ta bắt đầu lay chuyển gốc rễ thâm sâu của vô minh. Nhưng trí tuệ tối hậu là phải chứng nghiệm. Khi có được một tâm thức an định, ta dùng nó để khảo sát năm uẩn. Khi quán sát kinh nghiệm của chính mình, ta nhìn trực tiếp vào bản chất thật sự của năm uẩn ấy, vào "các tính chất chân thật của mọi hiện tượng." Thông thường, đầu tiên là thấy rõ được sự khởi sinh rồi tàn lụi của năm uẩn. Nghĩa là thấy rõ được tính vô thường. Ta thấy vì chúng vô thường, nên chúng là phiền khổ. Không có gì đáng cho ta phải bám níu vào chúng. Vì chúng là vô thường và phiền khổ, ta không thể nào xác nhận một trong năm uẩn đó là cái tôi thật sự hiện hữu. Đây là tính chất rỗng không hay vô ngã của năm uẩn. Điều này đánh dấu sự khởi sinh của tuệ quán chân chính. * Với tuệ quán, ta càng lúc càng đào sâu vào gốc rễ của vô minh cho đến khi ta hoàn toàn hiểu biết thông suốt về tính chất của năm uẩn. Khi làm được điều đó, ta có thể nói rằng mình đã "biết rõ những gì cần biết rõ". Khi đã hoàn toàn biết rõ những gì cần biết rõ, các uế nhiễm trong tâm là "những gì cần từ bỏ" được từ bỏ, và con đường hành đạo là "những gì cần tu tập" được tu tập. Lúc ấy, ta thực chứng những gì cần được thực chứng, đó là sự dập tắt mọi phiền khổ ngay tại đây và ngay trong lúc này. Và, như Đức Phật đã thuyết qua bốn câu kệ nêu trên, đó là lý do Ngài được tôn vinh là bậc Giác Ngộ. Tỳ-khưu Bodhi Bình Anson lược dịch -ooOoo- |
[ Home ]
13-07-2015