Đàm luận Phật Pháp
- 75 -

Chuẩn bị cho cuộc hành trình cuối cùng   

Chết là chắc chắn, tại sao mình không chịu sửa soạn? Mình bỏ nhiều thời gian, công sức và tiền bạc để sửa soạn cho các chuyến du lịch phương xa, đi chơi xứ Tây, xứ Mỹ, ... mà cũng chưa chắc gì sẽ thực hiện được. Còn cái chết là một hành trình chắc chắn sẽ xảy ra cho mọi người. Tại sao mình không sửa soạn ngay từ bây giờ?

I. Chuẩn bị cho người ở lại

  • Viết di chúc (legal will) theo đúng luật địa phương: phân chia tài sản, chỉ định những người thừa kế quản lý tài sản.
  • Viết giấy ủy quyền pháp lý (power of attorney) theo đúng luật địa phương, chỉ định người đại diện pháp lý khi tôi lâm trọng bệnh.
     
  • Dặn dò những người thân trong gia đình, bằng lời nói và viết xuống giấy (last words): không cần thiết phải duy trì sự sống trong trường hợp tôi bị bệnh hay tai nạn trầm trọng vô phương cứu chữa, cho biết tôi đã đăng ký hiến nội tạng, cách thức tổ chức đám tang đơn giản (nhanh, gọn, rẻ), hỏa thiêu, chôn tro cốt ở hàng rào sân chùa, v.v.

 

 

II. Chuẩn bị của người sẽ ra đi

Quán niệm về sự chết (marana anussati)

 1. Năm điều quán tưởng hằng ngày

Thế Tôn lời dạy tỏ tường
Năm điều quán tưởng phải thường xét ra:

1) Ta đây phải có sự già
Thế nào tránh thoát lúc qua canh tàn.

2) Ta đây bệnh tật phải mang
Thế nào tránh thoát đặng an mạnh lành

3) Ta đây sự chết sẳn dành
Thế nào tránh thoát tử sanh đến kỳ.

4) Ta đây phải chịu phân ly
Nhân vật quí mến ta đi biệt mà

5) Ta đi với nghiệp của ta
Dầu cho tốt xấu tạo ra tự mình.
Theo ta như bóng theo hình
Ta thọ quả báo phân minh kết thành.

Tăng Chi 5.57
Sự Kiện Cần Phải Quan Sát
Hòa thượng Thích Minh Châu dịch

Tóm lược:

1) "Ta phải bị già, không thoát khỏi già" là sự kiện cần phải thường xuyên quán sát bởi nữ nhân hay nam nhân, bởi tại gia hay xuất gia. Sự kiêu mạn tuổi trẻ trong tuổi trẻ được hoàn toàn đoạn tận hay được giảm thiểu

2) "Ta phải bị bệnh, không thoát khỏi bệnh" là sự kiện cần phải thường xuyên quán sát bởi nữ nhân hay nam nhân, bởi tại gia hay xuất gia. Sự kiêu mạn khỏe mạnh trong khỏe mạnh được hoàn toàn đoạn tận hay được giảm thiểu

3) "Ta phải bị chết, không thoát khỏi chết" là sự kiện cần phải thường xuyên quán sát bởi nữ nhân hay nam nhân, bởi tại gia hay xuất gia. Sự kiêu mạn sự sống trong sự sống được hoàn toàn đoạn tận hay được giảm thiểu.

4) "Tất cả pháp khả ái, khả ý đối với ta sẽ phải đổi khác, sẽ phải biến diệt", là sự kiện cần phải thường xuyên quán sát bởi nữ nhân hay nam nhân, bởi tại gia hay xuất gia. Tham dục đối với các vật khả ái được đoạn tận hoàn toàn hay được giảm thiểu.

5) "Ta là chủ nhân của nghiệp, là thừa tự của nghiệp, nghiệp là thai tạng, nghiệp là quyến thuộc, nghiệp là điểm tựa. Phàm nghiệp nào ta sẽ làm thiện hay ác, ta sẽ thừa tự nghiệp ấy" là sự kiện cần phải thường xuyên quán sát bởi nữ nhân hay nam nhân, bởi tại gia hay xuất gia. Ác hạnh được hoàn toàn đoạn tận hay được giảm thiểu.

Do vị ấy thường xuyên quán sát năm sự kiện ấy, nên con đường được sanh khởi. Vị ấy sử dụng con đường ấy, tu tập, làm cho sung mãn. Do vị ấy sử dụng con đường ấy, tu tập, làm cho sung mãn, nên các kiết sử được đoạn tận, các tùy miên được chấm dứt.

 

2. Niệm Tam Bảo

Tụng niệm hằng ngày cho nhuần nhuyễn, thuộc lòng, ghi nhớ trong tâm và thông hiểu ý nghĩa để có được lòng tín thành và niềm hân hoan khi tụng đọc và khi nghe người khác tụng cho mình lúc lâm chung: 

Buddho Dhammo Sangho (Đức Phật, Đức Pháp, Đức Tăng)

Ân đức Tam Bảo:

Itipi so bhagavā arahaṁ sammā-sambuddho
Vijjā-caraṇa-sampanno sugato lokavidū
Anuttaro purisa-damma-sārathi satthā deva-manussānaṁ buddho bhagavā
Thật thế, Đức Thế Tôn là bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Chánh Giác,
Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ,
Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn.
Svākkhāto bhagavatā dhammo
Sandiṭṭhiko akāliko ehipassiko
Opanayiko paccattaṁ veditabbo viññūhī
Giáo pháp của đức Thế Tôn đã khéo được thuyết giảng,
hoàn toàn hiển nhiên, không bị chi phối bởi thời gian,
hãy đến và hãy thấy, có khả năng dẫn dắt về hướng (Niết-bàn),
và nên được hiểu biết tự cá nhân bởi các bậc trí tuệ.
Supaṭipanno bhagavato sāvaka-saṅgho
Uju-paṭipanno bhagavato sāvaka-saṅgho
Ñāya-paṭipanno bhagavato sāvaka-saṅgho
Sāmīci-paṭipanno bhagavato sāvaka-saṅgho
Yadidaṁ cattāri purisa-yugāni aṭṭha purisa-puggalā
Esa bhagavato sāvaka-saṅgho
Āhuneyyo pāhuneyyo dakkhiṇeyyo añjali-karaṇīyo
Anuttaraṁ puññakkhettaṁ lokassa
Tăng chúng đệ tử của đức Thế Tôn đã khéo được huấn luyện.
Tăng chúng đệ tử của đức Thế Tôn đã được huấn luyện đúng đắn.
Tăng chúng đệ tử của đức Thế Tôn đã được huấn luyện có phương pháp.
Tăng chúng đệ tử của đức Thế Tôn đã được huấn luyện làm tròn nhiệm vụ.
Điều trên có nghĩa là thế này: bốn cặp hạng người (bốn đôi Đạo Quả), tám hạng người tính đơn (bốn Đạo và bốn Quả là tám).
Tăng chúng đệ tử ấy của đức Thế Tôn đáng được cung kính,
đáng được thân cận, đáng được cúng dường, đáng được lễ bái,
là nơi để gieo nhân phước báu của thế gian không gì hơn được.

Hoặc ngắn gọn:

Arahaṁ sammāsambuddho bhagavā
Buddhaṁ bhagavantaṁ abhivādemi
Bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Chánh Giác, Thế Tôn,
Con xin đảnh lễ Đức Thế Tôn Phật.
Svākkhāto bhagavatā dhammo
Dhammaṁ namassāmi
Chánh Pháp được đức Thế Tôn giảng dạy rõ ràng,
Con xin đảnh lễ Pháp.
Supatipanno bhagavato sāvakasaṅgho
Saṅghaṁ namāmi
Tăng chúng đệ tử của đức Thế Tôn đã khéo được huấn luyện.
Con xin đảnh lễ chư Tăng.

3. Niệm Chết (Thanh Tịnh Đạo, Luận sư Buddhaghosa)

Tập niệm chết thường xuyên, như hướng dẫn trong cuốn Thanh Tịnh Đạo.Tóm lược:

  • Một người muốn tu tập phép quán này, cần đi vào độc cư và luyện sự tác ý một cách có trí tuệ như sau: "Chết sẽ xảy đến, mạng căn sẽ bị gián đoạn", hay: "Chết, chết".... Hành giả nên nhìn chỗ này chỗ kia, những người đã bị giết hoặc đã chết, và tác ý đến cái chết của những hữu tình đã chết mà trước đây mình đã trông thấy chúng hưởng thọ các lạc, tưởng nghĩ như vậy với chánh niệm, với một ý thức khẩn trương và với tri kiến, sau đó hành giả có thể tác ý: "Cái chết sẽ xảy đến, mạng căn sẽ bị gián đoạn". Làm như vậy, vi ấy tu tập niệm chết một cách có trí tuệ. Nghĩa là vị ấy tu tập niệm chết như là một phương tiện chính đáng.

    Khi một người tu tập niệm chết như vậy, thì những triền cái của chúng được điều phục, niệm được an trú với cái chết làm đối tượng, và đề mục thiền, đạt đến cận hành định.
     

  • Những người nào nhận thấy niệm chết không tiến xa đến mức ấy, thì hãy niệm chết theo tám cách như sau: (1) Có sự xuất hiện của một kẻ sát nhân, (2) Sự thành công bị phá sản, (3) So sánh, (4) Thân thể bị san sẻ với nhiều chúng sinh, (5) Mạng sống mong manh, (6) Vô tướng, (7) Sự giới hạn của đời người, (8) Sự ngắn ngủi của sát na.

(1) Có sự xuất hiện của một kẻ sát nhân: Vị ấy nên tưởng thế này: "Cũng như một kẻ sát nhân xuất hiện với cây gươm, nghĩ ta sẽ chặt đầu người này, rồi kề gươm vào cổ người ấy, cũng vậy, cái chết xuất hiện như thế". Tại sao? Vì cái chết cùng đến với sự sinh ra và cái chết đoạt mạng sống. Cái chết này, đi kèm với sinh, thật giống như một kẻ sát nhân với cây kiếm chực sẵn. Và giống như kẻ sát nhân kề gươm vào cổ, cái chết đoạn mất mạng sống và không bao giờ đem trở lại mạng sống. Do vậy, cái chết xuất hiện như một kẻ sát nhân với cây gươm chực sẵn, khi nó đã đi cùng với sinh và đoạt mất mạng sống, ta phải tưởng đến cái chết "như dạng một kẻ sát nhân".

(2) Như sự thành công bị phá sản: Tưởng đến cái chết như "như sự phá sản mọi sự nghiệp", bằng cách xem cái chết là vố phá sản cuối cùng của mọi thành công trên đời -- kể cả sức khỏe, tuổi trẻ.

(3) Bằng cách so sánh là so sánh mình với những kẻ khác: Ở đây, chết cần được tưởng bằng cách so sánh theo 7 hạng: so với hạng người có danh vọng lớn, công đức lớn, sức mạnh lớn, thần thông lớn, trí tuệ lớn, với Ðộc giác và với Chư Phật. Tất cả đều phải chết.

(Riêng đối với cá nhân tôi, mỗi khi đi dự đám tang hay được thông báo có người qua đời, tôi đến đó, lặng lẻ ngắm nhìn người chết, suy tư rằng rồi một ngày nào đó, không sớm thì muộn, mình cũng như thế nầy ...)

(4) Về sự san sẻ thân xác với nhiều chúng sanh: Cái thân này được nhiều chúng sinh cộng trú. Nơi thân này, có các loại chúng sinh sống bám vào để sinh sống. Và tại đấy chúng sinh già, chết, bài tiết phẩn tiểu, thân thể là nhà bảo sanh của chúng, là dưỡng đường của chúng, nghĩa địa của chúng, chỗ đại tiện, tiểu tiện của chúng. Thân thể cũng có thể đi đến chết chóc vì một cuộc nổi loạn của những sâu bọ này. Không những thân này được san sẻ với  sâu bọ, mà còn san sẻ với hàng trăm thứ bệnh nội thương và nhiều nguyên nhân gây ra chết chóc từ bên ngoài như rắn rết, bò cạp, v.v...

(5) Về sự mong manh của đời sống: sự sống này bất lực và mong manh. Và đời sống con người gắn liền với hơi thở, gắn liền với những uy nghi đi đứng nằm ngồi, gắn liền với lạnh và nóng, gắn liền với tứ đại, gắn liền với thức ăn.

Sự sống chỉ xảy ra khi hơi thở vào và hơi thở ra có đều đặn. Nhưng khi hơi gió trong lỗ mũi đã đi ra mà không vào lại, và khi nó đi vào mà không ra lại, thì khi ấy một con người được kể là đã chết.

Sự sống cũng chỉ có, khi bốn uy nghi được điều hoà, khi một trong bốn uy nghi trội hẳn ba cái kia, thì sự sống bị gián đoạn.

Sự sống cũng chỉ có khi nóng lạnh điều hoà. Khi quá nóng hoặc quá lạnh thì con người không thể sống.

Sự sống cũng chỉ xảy đến khi bốn đại điều hoà. Nhưng với sự rối loạn của một đại, ngay cả một người mạnh cũng có thể chết.

Và sự sống cũng chỉ xảy ra nơi một người được thực phẩm đúng thời, nếu không được ăn, thì hết sống.

(6) Vô tướng (signless): nghĩa là không thể xác định (indefinable), không thể đoán trước được (unpredictable).

Thọ mạng không có tướng, vì không thể định đoạt những điều sau: phải sống chừng ấy thời gian, không nhiều hơn.

Bệnh không có tướng, vì không thể định như sau: các hữu tình chỉ chết vì bệnh này, không chết vì bệnh nào khác. Chúng sinh thường chết vì đủ thứ bệnh.

Thời gian không có tướng, vì không thể định đoạt rằng ta phải chết vào lúc này, không vào lúc nào khác. Vì các hữu tình có thể chết bất cứ vào thời khoảng nào, sáng trưa chiều tối.

Nơi chốn thân xác sẽ được đặt xuống cũng không có tướng, bởi vì không thể định rằng, khi người ta chết, chúng phải để thây của chúng nằm xuống tại chỗ này, không chỗ nào khác. Vì người sinh trong làng có thể chết để thây ở ngoài làng, người sinh ngoài làng, có thể chết để thây trong làng. Cũng thế, có kẻ sinh ra trên nước mà chết để thây trên đất, có kẻ sinh ra trên đất, chết để thân trên nước. Tương tự nhiều cách.

Số phận cũng không tướng, vì không thể định rằng một kẻ chết chỗ kia phải tái sinh tại chỗ này. Vì có người chết từ thiên giới mà tái sinh ở cõi người, có người chết ở nhân gian mà tái sinh ở cõi trời v.v... Và với cách ấy thế giới xoay vần, chúng sinh xoay chuyển trong năm sanh thú (cõi) như con bò được gắn vào một cái máy.

(7) Giới hạn của đời người: Cõi người ngày nay có giới hạn ngắn ngủi. Một người sống lâu cũng chỉ sống trên dưới một trăm tuổi.

Do đó đức Thế tôn nói: "Này các tỳ-khưu, đời người ngắn ngủi. Có đời sống mới phải đi đến, có các nghiệp thiện phải làm, có đời phạm hạnh phải được sống. Ðối với cái gì đã sinh ra, không có chuyện không chết. Người nào sống lâu cũng chỉ sống trên dưới một trăm năm".

"Và này các tỳ-khưu, khi một tỳ-khưu tu tập niệm chết như sau: Mong rằng ta sống thời gian nhai nuốt một miếng ăn, tác ý đến lời dạy của Thế tôn, như vậy ta đã làm nhiều". Khi một tỳ-khưu tu tập niệm chết như sau: "Mong rằng ta sống khoảng thời gian hơi thở vào ra, hay trong khoảng thời gian hơi thở ra vào, tác ý đến lời dạy của Thế Tôn, như vậy ta đã làm nhiều". Ðây gọi là những tỳ-khưu trú trong tinh cần, sắc bén tu tập niệm chết để đoạn diệt các lậu hoặc".

Cuộc đời quả thật ngắn ngủi đến độ không chắc nó có kéo dài trong khoảng kịp nhai nuốt bốn hay năm miếng. Đây là niệm chết bằng cách tưởng đến thời khắc ngắn ngủi.

(8) Về tánh cách ngắn ngủi trong sát-na: Nói cho cùng, đời sống chúng sinh vô cùng ngắn ngủi chỉ trong khoảng một niệm. Như cái bánh xe, khi lăn chỉ lăn trên một điểm và khi nghỉ cũng chỉ nghỉ trên một điểm - điểm tiếp giáp với mặt đất, cũng như thế, đời sống của chúng sinh chỉ kéo dài trong khoảng một niệm. Khi niệm ấy qua đi, chúng sinh ấy được coi như đã chấm dứt, như lời trích dẫn sau đây: "Trong một niệm quá khứ nó đã sống, khi ấy nó không có mặt trong hiện tại, mà cũng không có trong vị lai. Trong một niệm vị lai nó sẽ sống, khi ấy nói không có mặt trong hiện tại hay quá khứ. Và trong niệm hiện tại, nó đang sống, thì nó không có mặt trong quá khứ hay vị lai".

Kết luận:

Một hành giả niệm chết luôn luôn tinh cần tinh tấn. Vị ấy không tham luyến với bất cứ loại hiện hữu nào. Vị ấy chinh phục được sự bám víu vào đời sống. Vị ấy chê trách các ác pháp. Vị ấy tránh tích trữ nhiều của cải. Vị ấy không bị cấu uế bởi lòng tham các vật dụng. Niệm tưởng về vô thường dần dần phát triển trong tâm vị ấy, và theo sau đó là niệm tưởng về khổ và vô ngã. Trong khi đối những ai chưa tu tập niệm chết, tư tưởng của họ thường là nạn nhân của hãi hùng, kinh sợ, bối rối vào lúc chết, như thể thình lình bị dã thú vồ, bị ma quỷ bắt, rắn mổ, bị kẻ cướp hay sát nhân sấn tới, thì người tu tập niệm chết ngược lại, chết một cách tỉnh giác không vọng tưởng, không sợ hãi, không rơi vào bất cứ một tình trạng nào như thế. Và cho dù không đạt đến bất tử ngay trong hiện tại, ít ra vị ấy cũng hướng đến một cõi tốt đẹp khi thân hoại mạng chung (Vism VIII.41).

-ooOoo-

NHỮNG GÌ SẼ ÐEM THEO VỀ CÕI CHẾT
Phạm Duy (Saigon, 1966)

 

Tấn Sơn hát:  https://www.youtube.com/watch?v=Ci-kdA4MmHY 

Mai Khôi hát: https://www.youtube.com/watch?v=SYykRMprZ8A

Phạm Duy giới thiệu và hát với Khánh Ly https://www.youtube.com/watch?v=MQyY2GTTS7Y 

Đức Tuấn hát: https://www.nhaccuatui.com/bai-hat/nhung-gi-dem-theo-vao-coi-chet-duc-tuan.pYdTauAwROjX.html

 

Rồi mai đây tôi sẽ chết
Trên đường về nơi cõi hết
Tôi sẽ đem theo với tôi những gì đây?
Rồi mai đây tôi hoá kiếp
Trong lòng còn bao luyến tiếc
Tôi sẽ đem theo với tôi những gì đây?

Tôi không đem theo với tôi được tiền tài hay danh vọng
Tôi không đem theo với tôi được gái đẹp hay rượu nồng
Tôi không đem theo với tôi được lầu vàng hay gác tía
Tôi không đem theo với tôi được mộng giầu sang phú quý
Tôi xin đem theo với tôi một nụ cười không nghi ngại
Tôi xin đem theo với tôi đôi mắt trẻ thơ đẹp ngời
Em giương to đôi mắt, soi vào cuộc đời đang bước tới
Tương lai vui hay tối thui cũng là nhờ anh lớn thôi.

Rồi mai đây tôi sẽ chết
Trên đường về nơi cõi hết
Tôi sẽ đem theo với tôi những gì đây?
Rồi mai đây tôi hoá kiếp
Trong lòng còn bao luyến tiếc
Tôi sẽ đem theo với tôi những gì đây?

Tôi không đem theo với tôi được quyền hành trong giai đoạn
Tôi không đem theo với tôi được giới hạn tiếng anh hùng
Tôi không đem theo với tôi được tượng đồng, bia đá trắng
Tôi không đem theo với tôi được tuổi vàng trong cõi sống
Tôi xin đem theo với tôi một cuộc tình không quen thuộc
Ðôi uyên ương xin mến thương không khó nhọc hay ngượng ngùng
Trong đêm thâu ôm ấp nhau bên cột đèn hay khóm trúc
Không ai ngăn hay lấy cung vì phạm thuần phong mỹ tục.

Rồi mai đây tôi sẽ chết
Trên đường về nơi cõi hết
Tôi sẽ đem theo với tôi những gì đây?
Rồi mai đây tôi hoá kiếp
Trong lòng còn bao luyến tiếc
Tôi sẽ đem theo với tôi những gì đây?

Tôi không đem theo với tôi được nhiều điều tôi mong đợi
Tôi không đem theo với tôi danh với lợi ra ngoài đời
Tôi không đem theo với tôi được cả buồn vui mấy nỗi
Tôi không đem theo với tôi, và để lại cho thế giới
Tôi xin dâng cho thế gian một vài điều tôi công nhận
Tôi xin dâng cho thế gian ôi số phận sinh làm người
Thương cho em chưa thoát thai trong cuộc đời chưa hết chuyến
Tôi xin dâng cho cái quên của một người sẽ tái duyên.

(Kết:)
Rồi mai đây tôi sẽ chết,
Trên đường về nơi cõi Niết
Tôi sẽ không đem theo với tôi những gì đâu!
Rồi mai đây tôi hoá kiếp,
Trong lòng mừng không hối tiếc
Tôi sẽ không đem theo với tôi những gì đâu!

* * *

Ghi chú (Bình Anson):

Có lẽ Phạm Duy không phải là Phật tử, mặc dù nội dung bài hát rất ý nghĩa, nhưng tôi không đồng ý với câu kết của bài hát:

a) Cõi chết không phải là cõi Niết, không phải ai chết rồi cũng về Niết-bàn
b) Mặc dù khi chết, ta không mang theo được gì, nhưng có lẽ phải thêm câu: - ngoại trừ cái Nghiệp của mình.

 

[ Home ]

07-04-2024