1) Dù thuộc về
bất cứ tông phái hay hệ phái nào, là Phật tử, chúng tôi đều quy
kính Đức Phật là vị Thầy đã truyền dạy chúng tôi.
2) Chúng tôi
đều tìm nơi nương tựa ở Tam Bảo: Đức Phật, Giáo Pháp của Ngài,
và Tăng đoàn là cộng đồng chư vị thánh tăng.
3) Dù là Nam
tông hay Bắc tông, chúng tôi đều không chấp nhận có một Thượng
đế tạo ra và cai quản thế giới này.
4) Noi gương
Đức Phật, vị Thầy của chúng tôi, hiện thân của Đại Bi và Đại
Trí, chúng tôi xem ý nghĩa của cuộc sống là phát triển lòng Từ
bi cho mọi chúng sinh không phân biệt, và hành động để mang lại
lợi ích, hạnh phúc, và hòa bình cho tất cả; đồng thời phát triển
Trí tuệ đưa đến thực chứng Chân lý Tối hậu.
5) Chúng tôi
chấp nhận Tứ diệu đế. Đó là Khổ, sự hiện hữu của chúng ta trên
thế gian là vô thường, bất toàn, bất toại ý, và đầy xung đột;
Tập, nguyên nhân của tình trạng này là từ lòng vị kỷ dựa trên ảo
tưởng về ngã; Diệt, sự giải thoát ra khỏi tình trạng này bằng
cách diệt trừ lòng ích kỷ vị ngã; và Đạo, con đường có tám yếu
tố, tiến đến toàn thiện về Giới, Định, Tuệ.
6) Chúng tôi
chấp nhận nguyên lý phổ quát về nhân quả như đã giảng trong lý
Duyên sinh, và từ đó, chấp nhận rằng mọi việc đều tương đối,
liên hệ với nhau, và không có gì là tuyệt đối, thường hằng trong
thế giới này.
7) Chúng tôi
hiểu rằng, theo lời Phật dạy, tất cả các pháp hữu vi đều vô
thường, bất toàn và khổ phiền, và tất cả các pháp hữu vi và vô vi
đều vô ngã.
8) Chúng tôi
chấp nhận ba mươi bảy phần bồ-đề là những dạng thái khác nhau
của Con đường đưa đến Giác ngộ, như Đức Phật đã dạy. Đó là: tứ
chánh cần, tứ niệm xứ, tứ như ý túc, ngũ căn, ngũ lực, thất giác
chi, và bát chi thánh đạo.
9) Có ba
phương cách để đạt Giác ngộ tùy theo khả năng và căn duyên của
mỗi cá nhân: như là vị đệ tử Thanh văn, như là vị Phật độc giác,
và như là vị Phật Chánh đẳng giác. Chúng tôi công nhận con đường
cao quý nhất là con đường của Bồ-tát tiến đến quả vị Phật Chánh
đẳng giác để cứu độ chúng sinh. Ba dạng thức này đều cùng chung
một con đường giải thoát, không phải là những con đường khác
nhau.
10) Chúng tôi
ghi nhận có những sự khác biệt tại các quốc độ khác nhau về
đường lối sinh hoạt của Tăng đoàn, niềm tin và thực hành của đại
chúng, các nghi lễ, nghi thức, phong tục, tập quán. Tuy nhiên,
đây chỉ là những hình thức biểu lộ bên ngoài, không nên lẫn lộn
với những lời dạy tinh yếu của Đức Phật.
[*] Hội nghị
thứ Nhất gồm đại diện Tăng-già của Sri Lanka, Ấn Độ, Pakistan, Tây
Tạng, Việt Nam, Malaysia, Đài Loan, Hồng Kông, Nepal, Campuchia,
Thái Lan, Lào, Miến Điện, Singapore, và Anh Quốc. Hòa thượng Thích
Tâm Châu, đại diện Phật giáo Việt Nam, là thành viên sáng lập của
Hội đồng Tăng-già Phật giáo Thế giới (World Buddhist Sangha Council). Hội nghị thứ Hai tổ chức tại Sài Gòn và
Đà Lạt vào năm 1969. Hiện nay, Hội đồng Tăng-già đặt trụ sở tại Đài
Loan. Xem thêm:
http://wbsc886.org/Enlish/E-index2/E-index.html