Đàm luận Phật Pháp
- 67 -

In the Buddha’s Words – An Anthology of Discourses from the Pali Canon
Bhikkhu Bodhi (2005)


Những lời Phật dạy – Một bản trích lục các bài giảng từ kinh điển Pali
Tỳ-khưu Bodhi (2005)   

 
ibw.jpg
ibw.jpg
939 * 900
mucluc.jpg
mucluc.jpg
1235 * 868

 

Dàn bài

CHƯƠNG VII – CON ĐƯỜNG GIẢI THOÁT

Dẫn nhập

1. Tại Sao Ta Phải Vào Con Đường?

(1) Mũi Tên Của Sinh, Già, và Chết (MN 63)

(2) Cốt Lõi Của Đời Sống Tâm Linh (MN 29)

(3) Dục Tham Dần Dần Tan Biến (SN 45:41-48)

2. Phân Tích Bát Chi Thánh Đạo (SN 45:8)

3. Thiện Bạn Hữu (SN 45:2)

4. Huân Tập Từng Bước (MN 27)

5. Các Giai Đoạn Cao Hơn Của Huân Tập, Với Ví Dụ (MN 39)

–ooOoo–

CHƯƠNG VII – CON ĐƯỜNG GIẢI THOÁT

Dẫn nhập

Trong chương nầy, chúng ta tìm hiểu về tính năng đặc thù của lời dạy của Đức Phật, về con đường “siêu thế” (lokuttara) đưa đến giải thoát. Con đường nầy được xây dựng trên sự hiểu biết đã được chuyển hóa và quan kiến sâu sắc về bản chất của thế giới, bắt nguồn từ sự nhận thức của chúng ta về các nguy hại của dục lạc, về cái chết không thể tránh khỏi, và về bản chất tiêu cực của Ta-bà. Đây là những đề tài chúng ta đã khảo sát trong chương trước. Con đường đưa hành giả đến trạng thái giải thoát nằm ngoài tất cả các cõi giới hữu vi, tiến đến sự vô ưu và hạnh phúc vô nhiễm của Niết-bàn mà Đức Phật đã thực chứng trong đêm thành đạo.

Chương nầy trình bày các kinh văn liên quan đến về một cái nhìn tổng quát về con đường siêu thế của Đức Phật. Hai chương kế tiếp sẽ trình bày các kinh văn giảng chi tiết hơn về huân tập tâm và nuôi dưỡng trí tuệ, là hai nhánh chính của con đường giải thoát. Ở đây, tôi bắt đầu với những bài kinh làm rõ mục đích của con đường, soi rọi từ nhiều góc độ khác nhau. Kinh văn VII,1(1) – Tiểu kinh Māluṅkyāputta (MN 63), cho thấy rằng con đường của đạo Phật không phải được thiết kế để cung cấp các trả lời lý thuyết cho các câu hỏi triết lý. Trong bài kinh, tu sĩ Māluṅkyāputta đến gặp Đức Phật và yêu cầu Ngài trả lời cho mười câu hỏi mang tính suy đoán. Ông ấy nói sẽ rời khỏi Tăng đoàn nếu các yêu cầu của ông ta không được đáp ứng. Các học giả tranh luận không biết vì sao Đức Phật từ chối trả lời các câu hỏi đó, vì chúng trên nguyên tắc là bất khả giải đáp hay đơn giản là vì chúng không liên quan gì đến lời giải thực tế của vấn đề hoạn khổ. Hai sưu tập các bài kinh trong Tương ưng bộ – SN 33:1-10 và SN 44:7-8 – đã chỉ rõ rằng sự im lặng của Đức Phật có một cơ sở sâu sắc hơn là các mối quan tâm thực tế. Các bài kinh nầy cho thấy các câu hỏi như thế dựa trên một giả định rằng sự hiện hữu được giải thích bằng các cơ sở về một bản ngã và thế giới, trong đó, bản ngã được đặt vào thế giới ấy. Vì các cơ sở nầy không có căn cứ, câu trả lời dựa trên các cơ sở đó cũng không có giá trị. Vì thế, Đức Phật bác bỏ ngay các câu hỏi nầy.

Tuy nhiên, trong khi Đức Phật có những lý do triết lý để từ chối trả lời, Ngài cũng bác bỏ chúng vì Ngài cho rằng các quan tâm với câu trả lời cũng không có giá trị gì cho con đường tầm cầu giải thoát. Lý do nầy là quan điểm rõ ràng trong bài giảng cho ông Māluṅkyāputta, với ví dụ nổi tiếng về người đàn ông bị bắn trúng mũi tên độc. Cho dù các quan kiến nầy có đúng hay không, Đức Phật nói “vẫn có sinh, già, chết, sầu ưu, khổ não, đau đớn, chán nản, tuyệt vọng, và Ta chỉ rõ sự đoạn trừ chúng ngay bây giờ và tại nơi đây.” Đối ứng với bối cảnh Ta-bà luân hồi trình bày trong phần cuối của chương trước, lời tuyên bố nầy bây giờ có ý nghĩa mở rộng: sự “đoạn trừ sinh, lão, tử” không phải chỉ chấm dứt hoạn khổ trong một đời, mà còn là chấm dứt hoạn khổ vô lượng của tái sinh, lão hóa và tử vong, mà chúng ta trôi lăn trong vô lượng kiếp của Ta-bà.

Kinh văn VII,1(2) – Đại kinh Ví dụ Lõi cây (MN 29), chỉ rõ từ một góc độ khác về mục đích của Đức Phật khi Ngài giảng dạy giáo pháp siêu thế. Bài kinh nói về một thiện nam tử rời bỏ gia đình sống đời xuất gia để chấm dứt đau khổ. Mặc dù rất hăng hái hướng đến mục đích khi anh ta mới vừa xuất gia, khi anh ta có những vài thành quả, dù là thành quả thấp như được lợi lộc, kính trọng, hay thành quả cao hơn như có tâm định và tuệ quán, anh ta trở nên phóng dật và quên đi mục tiêu ban đầu khi anh ta bắt đầu đi theo Đức Phật. Đức Phật tuyên bố rằng các trạm dừng nghỉ dọc theo con đường – như giới luật, định tâm, ngay cả tri kiến – cũng chưa phải là mục đích cuối cùng của đời sống tâm linh. Mục tiêu chính, cốt lõi hay mục đích căn bản, là “tâm bất động,” và Ngài khuyến tấn những người gia nhập con đường ấy không nên thỏa mãn với những gì kém hơn.

Kinh văn VII,1(3) là trích lục từ Tương ưng Đạo (Maggasaṃyutta). Các bài kinh nầy chỉ rõ rằng mục đích của đời sống tâm linh là để đoạn tận các kiết sử, nhổ sạch lên các tùy miên, liễu tri hành lộ, đoạn tận các lậu hoặc, chứng ngộ được quả giải thoát nhờ minh, tự kiến, hoàn toàn tịch tịnh, không có chấp thủ. Bát chi thánh đạo là con đường để đạt các mục tiêu đó.

Bát chi thánh đạo là công thức cổ điển tạo ra con đường giải thoát, như Đức Phật đã chỉ rõ trong bài pháp đầu tiên, trong đó, Ngài nói Bát chi thánh đạo là con đường chấm dứt khổ đau (Đạo đế).  Kinh văn VII,2 ghi lại định nghĩa chính thức của mỗi chi phần, nhưng không chỉ dẫn cụ thể áp dụng như thế nào vào đời sống của vị đệ tử. Chi tiết để áp dụng sẽ được trình bày trong phần sau của chương nầy và trong chương VIII và IX.

Kinh văn VII,3 soi rọi con đường một cách khác hơn những gì ta quen nghe trong các bài giảng chuẩn. Trong khi ta thường được dạy rằng hành trì con đường Phật giáo tùy thuộc hoàn toàn vào nỗ lực cá nhân, bài kinh nầy nhấn mạnh tầm quan trọng của tình bằng hữu. Đức Phật tuyên bố rằng tình bạn tâm linh không phải chỉ là “một nữa đời sống tâm linh,” nhưng là toàn thể đời sống đó. Nỗ lực để đạt tới toàn thiện tâm linh không phải chỉ là hành trình đơn độc, nhưng xảy ra tùy thuộc vào những liên hệ cá nhân chặt chẻ. Tình thân hữu tâm linh đem một chiều hướng nhân bản không thể tách rời vào việc thực hành Giáo pháp, và gắn bó những hành giả Phật giáo trong một cộng đồng đoàn kết hàng dọc giữa thầy và trò, và hàng ngang giữa những người bạn cùng đi trên một con đường chung.

Trái ngược với quan điểm thông thường, tám chi của con đường không phải là những bước đi phải thực hành tuần tự, chi nầy theo sau chi kia. Chúng được định nghĩa thích hợp như là các phần tử, không phải là các bước đi. Tối ưu nhất, cả tám phần tử phải có mặt cùng một lúc, mỗi phần tử có sự đóng góp riêng biệt, giống như tám sợi đan xen của dây cáp quấn vào nhau để tạo sức mạnh tối đa. Tuy nhiên, cho đến khi đạt được giai đoạn đó, điều không thể tránh khỏi là các phần tử của con đường cho thấy một mức độ tuần tự trong tiến trình. Thông thường, tám yếu tố đó được xếp vào ba nhóm như sau:

1) Nhóm Giới (sı̄lakkhandha), gồm có chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng;
2) Nhóm Định (samādhikkhanda), gồm có chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định; và
3) Nhóm Tuệ (paññakkhanda) gồm có chánh kiến, chánh tư duy.

Trong kinh tạng Nikāya, tương quan nầy chỉ xảy ra một lần (MN 44); được gán cho tỳ-khưu-ni Dhammadinnā, không phải của Đức Phật. Có thể nói rằng hai chi phần Chánh Kiến và Chánh Tư Duy được đặt đầu tiên, vì chánh kiến sơ khởi và chánh tư duy sơ khởi cần phải có ngay tại điểm khởi đầu của con đường. Chánh kiến cung cấp sự hiểu biết về các khái niệm Phật giáo để hướng dẫn sự phát triển của các chi khác, và chánh tư duy cung cấp động lực đúng đắn và chiều hướng cho việc phát triển con đường.

Trong kinh tạng Nikāya, Đức Phật thường giải thích chi tiết con đường tu tập như một sự tu tập từng bước (anupubbasikkhā), được khai mở từng giai đoạn, từ bước đầu cho đến mục tiêu cuối cùng. Sự huân tập từng bước nầy là sự phân chia tinh tế hơn là phân chia ba đoạn của con đường như là giới, định, tuệ. Trong nhiều bài kinh, lúc nào ta cũng thấy giải trình tu tập từng bước bắt đầu với việc xuất gia và áp dụng đời sống tỳ-khưu, một vị tu sĩ Phật giáo. Điều nầy chứng tỏ chú tâm đến tầm quan trọng của đời sống nhà tu trong tầm nhìn thực dụng của Đức Phật. Trên nguyên tắc, toàn bộ sự thực hành Bát Chi Thánh Đạo rộng mở cho tất cả mọi người trong mọi cách sống, tại gia hay xuất gia, và Đức Phật xác nhận rằng có rất nhiều vị trong hàng cư sĩ đã đắc Pháp ,và đã đạt ba giai đoạn đầu của bốn giai đoạn giác ngộ, đến quả vị Bất lai (anāgāmī; các nhà chú giải Nam truyền nói rằng những tín đồ cư sĩ cũng có thể đắc quả vị thứ tư, quả a-la-hán, nhưng các vị đó đang ở bờ vực của cái chết hoặc sau khi đắc quả, phải nhanh chóng xuất gia). Tuy nhiên, thực tế là đời sống tại gia chắc chắn đưa đẩy vô số quan tâm trần tục và dính mắc cá nhân, làm cản trở sự quyết tâm tầm cầu giải thoát. Vì thế, Đức Phật đã bắt đầu công cuộc tầm cầu cao thượng của Ngài bằng cách rời bỏ gia đình, và sau khi giác ngộ, như là phương cách thiết thực để giúp những người khác, Ngài thành lập Tăng đoàn, đoàn thể của tu sĩ nam và tu sĩ nữ, cho những ai mong muốn dấn thân trọn vẹn cho Giáo pháp, không bị cản trở bởi đời sống tại gia.

Sự tu tập từng bước nầy được trình bày trong hai phiên bản: phiên bản dài trong Trường bộ và phiên bản ngắn hơn ở Trung bộ. Các điểm khác biệt chính là: (1) phiên bản dài có những giải thích chi tiết hơn về việc tuân giữ nghi thức tu sĩ và sự tự kiềm chế của nhà tu khổ hạnh; (2) phiên bản dài bao gồm tám tuệ minh trong khi phiên bản ngắn chỉ có ba. Tuy nhiên, vì ba loại tuệ minh nầy là những gì ghi lại khi Đức Phật giác ngộ (xem Kinh văn II,3(2)), ba loại minh đó là quan trọng nhất. Các mô hình chính cho phiên bản dài của sự tu tập từng bước được tìm thấy ở bài kinh DN 2; phiên bản ngắn hơn ở bài kinh MN 27 và MN 51, với vài biến thể ở các bài kinh MN 38, MN 39, MN 53, MN 107 và MN 125. Ở đây, Kinh văn VII,4 bao gồm toàn thể bài kinh MN 27, trong đó sự huân tập được ví dụ như các dấu chân của con voi, và từ đó lấy làm tên của bài kinh. Kinh văn VII,5 – trích đoạn từ kinh MN 39, lặp lại các giai đoạn cao hơn của tu tập như mô tả trong kinh MN 27, nhưng bao gồm các ví dụ rất ấn tượng.

Trình tự bắt đầu với sự xuất hiện của Đức Như Lai trên thế giới và giải trình của Ngài về Giáo Pháp. Sau khi nghe giảng, vị đệ tử khởi niềm tin và xuất gia đi theo bậc Đạo sư. Vị đó tuân giữ các điều giới luật để thúc đẩy việc tinh lọc hành vi và sống chân chánh của một tu sĩ. Ba bước tiếp theo – tri túc, phòng hộ các căn, niệm và tĩnh giác – thăng hoa tiến trình thanh lọc ,và do đó, làm cầu nối cho sự chuyển hóa từ giới luật đạo đức sang định tâm.

Đoạn nói về chế ngự năm triền cái liên quan đến huân tập sơ bộ về định tâm. Năm triền cái nầy – tham dục, sân hận, hôn thụy, trạo hối, và hoài nghi – là những cản trở chính cho việc phát triển thiền, và vì thế, phải được loại trừ khỏi tâm ý để giúp tập trung và hợp nhất. Đoạn kinh thông thường về việc tu tập từng bước mô tả đại cương việc khắc phục các triền cái. Nhưng các đoạn kinh văn khác của kinh tạng Nikāya cung cấp những hướng dẫn cụ thể hơn, và các chú giải Pāli thường có những chi tiết nhiều hơn nữa. Các ví dụ trong kinh MN 39 – xem Kinh văn VII,5 – minh họa các cảm giác hỷ lạc của sự tự do khi hành giả chiến thắng, sau khi khắc phục được các triền cái.

Giai đoạn tiếp theo trong qui trình mô tả việc đắc thiền-na (jhāna), những trạng thái thâm sâu của thiền định, trong đó, tâm được hấp thu hoàn toàn vào đề mục. Đức Phật liệt kê bốn tầng thiền-na, đặt tên theo thứ tự, mỗi tầng thiền-na sau tinh tế và cao thâm hơn tầng bậc trước. Các thiền-na luôn luôn được trình bày bằng công thức giống nhau, trong đó nhiều bài kinh được tăng cường thêm bằng các ví dụ tuyệt mỹ; một lần nữa, xin xem Kinh văn VII,5. Mặc dù trí tuệ, không phải định tâm, là yếu tố quan trọng để đạt giác ngộ, Đức Phật luôn luôn bao gồm các tầng thiền-na vào con đường tu tập từng bước, ít nhất với hai lý do: thứ nhất, bởi vì chúng đóng góp vào việc hoàn thiện bên trong của con đường; và thứ hai, bởi vì chúng đưa đến mức định thâm sâu, là cơ sở để phát khởi tuệ minh. Đức Phật gọi các bậc thiền-na là “bước chân của Như Lai” (MN 27:19-22) , và chỉ rõ chúng là tiền thân của hạnh phúc Niết-bàn nằm ở điểm cuối của sự tu tập.

Từ tứ thiền (thiền-na thứ tư), có thể có ba đường hướng phát triển khác nhau. Trong một số bài kinh, ngoài đoạn kinh thông thường về con đường tu tập từng bước, Đức Phật đề cập đến bốn trạng thái tiếp tục sau trạng thái nhất tâm thiết lập trong tứ thiền. Những trạng thái nầy, mô tả như “những sự giải phóng có tính an bình và vô sắc tướng,” là những mức tinh tế hơn của tâm định. Phân biệt với những thiền-na thấp bằng tính siêu việt của những ảnh tâm tinh tế dùng làm đối tượng của thiền-na, chúng được đặt tên là không vô biên xứ, thức vô viên xứ, vô sở hữu xứ, và phi tưởng phi phi tưởng xứ.

Đường hướng thứ hai là đắc thần thông. Đức Phật thường nói đến tập hợp của sáu loại, thường được gọi là lục thông (chaḷabhiññā). Thần thông thứ sáu là lậu tận thông, là “siêu thế,” và do đó, đánh dấu đỉnh cao của đường hướng phát triển thứ ba. Năm thần thông kia chỉ là thế tục, sản phẩm của định lực cực kỳ mạnh mẽ đạt được trong tứ thiền: thần túc thông, thiên nhãn thông, thiên nhĩ thông, tha tâm thông, và túc mạng thông (xem Kinh văn VIII,4).

Các thiền-na và các chứng đắc vô sắc tự chúng không đưa đến giác ngộ giải thoát. Dù cao quý và an bình, chúng chỉ có thể đè nén các ô nhiễm tạo ra tái sinh, nhưng không thể diệt trừ chúng. Để bứng gốc các ô nhiễm tại mức độ cơ bản nhất, và từ đó đưa đến giải thoát giác ngộ, quy trình hành thiền phải đi theo đường hướng phát triển thứ ba. Đây là công phu quán soi “vạn pháp như thị,” đưa đến kết quả gia tăng minh quán thâm sâu về bản chất của hiện hữu, đưa đến mục tiêu cuối cùng, đó là chứng đắc quả A-la-hán.

Đây là đường hướng phát triển mà Đức Phật giảng dạy trong đoạn kinh về con đường tu tập từng bước. Ngài giảng trước về hai loại minh, túc mạng minh và thiên nhãn minh. Cùng với lậu tận minh, ba loại minh nầy đã nổi bật trong sự giác ngộ của Đức Phật – như ta đã thấy trong Kinh văn II,3(2) – gọi chung là tam minh (tevijjā). Mặc dù hai loại minh đầu không cần thiết cho việc thực chứng A-la-hán, có lẽ Đức Phật bao gồm chúng ở đây vì chúng giúp cho thấy rõ chiều hướng rộng lớn và sâu xa của hoạn khổ trong cõi ta-bà, và từ đó, sửa soạn cho tâm ý thấu đạt Tứ Diệu Đế, trong đó, khổ được chẩn đoán và trừ diệt.

Đoạn kinh về sự tu tập từng bước không ghi rõ quy trình quán soi mà từ đó hành giả phát triển tuệ quán. Toàn thể quy trình chỉ được ngụ ý khi đề cập đến kết quả cuối cùng, gọi là sự diệt trừ các lậu hoặc (āsavakkhayañāṇa)Đoạn văn thông thường trong nhiều bài kinh mô tả lậu hoặc là những trạng thái “liên hệ đến phiền não, sinh khởi hiện hữu, đáng sợ hãi, đưa đến quả khổ dị thục, và hướng đến sinh, già, chết trong tương lai” (MN 36). Ba loại lậu hoặc đề cập trong kinh tạng Nikāya là dục lậu, hữu lậu, và vô minh lậu. Khi tâm trí của vị đệ tử được giải thoát khỏi các lậu hoặc qua việc hoàn tất con đường của A-la-hán, vị ấy duyệt lại sự tự do mới vừa đạt được và rống lên tiếng rống sư tử: “Sanh đã diệt, phạm hạnh đã thành, việc cần làm đã làm xong, sau đời hiện tại không có đời sống nào khác nữa.”  

* * *

TRÍCH LỤC

CHƯƠNG VII – CON ĐƯỜNG GIẢI THOÁT

 

1. TẠI SAO TA PHẢI VÀO CON ĐƯỜNG?

(1) Mũi Tên của Sinh, Già, và Chết

1. Như vầy tôi nghe. Một thời, Thế Tôn trú ở Sāvatthī, Jetavana, tại tịnh xá ông Anāthapiṇḍika (Cấp Cô Ðộc).

2. Rồi Tôn giả Māluṅkyāputta, trong khi độc trú tịnh cư, khởi lên sự suy tư như sau: Có một số vấn đề này, Thế Tôn không trả lời, bỏ một bên, loại bỏ ra: “Thế giới là thường còn, thế giới là vô thường, thế giới là hữu biên, thế giới là vô biên; sinh mạng này và thân này là một, sinh mạng này và thân này là khác; Như Lai có tồn tại sau khi chết, Như Lai không có tồn tại sau khi chết, Như Lai có tồn tại và không có tồn tại sau khi chết. Như Lai không có tồn tại và không không tồn tại sau khi chết.” Thế Tôn không trả lời cho ta những vấn đề ấy. Vì Thế Tôn không trả lời cho ta những vấn đề ấy, nên ta không được hài lòng, không được thỏa mãn. Vậy ta hãy đi đến Thế Tôn, và sẽ hỏi ý nghĩa này. Nếu Thế Tôn trả lời cho ta: “Thế giới là thường còn, ... hay Như Lai không có tồn tại và không không tồn tại sau khi chết,” thì ta sẽ sống đời phạm hạnh theo Thế Tôn. Còn nếu Thế Tôn không trả lời cho ta những điều ấy, ta sẽ bỏ học pháp và hoàn tục.

3. Rồi vào buổi chiều, Tôn giả Māluṅkyāputta từ Thiền tịnh đứng dậy, đi đến Thế Tôn. Sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên, và bạch Thế Tôn:

– Ở đây, bạch Thế Tôn, trong khi độc trú tịnh cư, con khởi lên ý nghĩ như sau: Có một số vấn đề này, Thế Tôn không trả lời, bỏ một bên loại bỏ ra ... Còn nếu Thế Tôn không trả lời cho ta những điều ấy, ta sẽ bỏ học pháp và hoàn tục.

Nếu Thế Tôn biết: “Thế giới là thường còn,” Thế Tôn hãy trả lời cho con: “Thế giới là thường còn.” Nếu Thế Tôn biết: “Thế giới là vô thường.” Thế Tôn hãy trả lời cho con: “Thế giới là vô thường.” Nếu Thế Tôn không biết: “Thế giới là thường còn” hay “Thế giới là vô thường,” thì không biết, không thấy, hãy thẳng thắn trả lời: “Ta không biết, không thấy.”

Nếu Thế Tôn biết: “Thế giới là hữu biên” ... “Thế giới là vô biên”... “Sinh mạng này và thân này là một” ... “Sinh mạng này và thân này là khác” ... “Như Lai có tồn tại sau khi chết” ... “Như Lai không có tồn tại sau khi chết” ... Nếu Thế Tôn biết: “Như Lai có tồn tại và không tồn tại sau khi chết", Thế Tôn hãy trả lời cho con: “Như Lai có tồn tại và không tồn tại sau khi chết.” Nếu Thế Tôn biết: “Như Lai không tồn tại và không không tồn tại sau khi chết,” Thế Tôn hãy trả lời cho con: “Như Lai không tồn tại và không không tồn tại sau khi chết.” Nếu Thế Tôn không biết: “Như Lai tồn tại và không tồn tại sau khi chết,” hay “Như Lai không tồn tại và không không tồn tại sau khi chết,” thì không biết, không thấy, hãy thẳng thắn trả lời: “Ta không biết, không thấy.”

4. – Này Māluṅkyāputta, Ta có nói với ông: Này Māluṅkyāputta, hãy đến và sống đời phạm hạnh theo Ta, Ta sẽ trả lời cho ông: “Thế giới là thường còn” ... hay Như Lai không có tồn tại và không không tồn tại sau khi chết”?

– Thưa không, bạch Thế Tôn.

– Hay ông có nói với Ta như sau: Bạch Thế Tôn, con sẽ sống đời phạm hạnh theo Thế Tôn, nếu Thế Tôn sẽ trả lời cho con: “Thế giới là thường còn” ... hay “Như Lai không có tồn tại và không không tồn tại sau khi chết”?

– Thưa không, bạch Thế Tôn.

– Sự tình là như vậy, này kẻ ngu kia, ông là ai và ông từ bỏ cái gì?

5. Này Māluṅkyāputta, nếu có ai nói như sau: Ta sẽ sống đời phạm hạnh theo Thế Tôn khi nào Thế Tôn sẽ trả lời cho ta: “Thế giới là thường còn” ... hay “Như Lai không có tồn tại và không không tồn tại sau khi chết,” người ấy sẽ chết và vẫn không được Như Lai trả lời. Này Māluṅkyāputta, ví như một người bị mũi tên bắn, mũi tên được tẩm thuốc độc rất dày. Bạn bè và bà con huyết thống của người ấy mời một vị y sĩ khoa giải phẫu đến săn sóc. Nhưng người ấy lại nói: “Tôi sẽ không để y sĩ rút mũi tên này ra khi nào tôi chưa biết được người đã bắn tôi thuộc một người sát-đế-lỵ, bà-la-môn, phệ-xá, hay thủ-đà-la.” Người ấy có thể nói như sau: “Tôi sẽ không để y sĩ rút mũi tên này ra khi nào tôi chưa biết được người đã bắn tôi tên là gì, tộc tánh là gì” ... là người cao, thấp, hay trung bình ... là da đen, da sẫm hay da vàng ... là người thuộc làng nào, thị trấn nào, hay thành phố nào ... khi nào tôi chưa biết cái cung mà tôi bị bắn, cái cung ấy thuộc loại cung thông thường hay loại cung nỏ ... khi nào tôi chưa biết được dây cung mà tôi bị bắn, dây cung ấy làm bằng cây leo, cây lau, một thứ gân, một thứ dây gai, hay một thứ cây có nhựa ... khi nào tôi chưa biết cái tên mà tôi bị bắn, cái tên ấy thuộc một loại cây lau dại hay được trồng ... khi nào tôi chưa biết cái tên mà tôi bị bắn, mũi tên ấy có kết lông gì – lông con kên, lông con cò, lông con ó, lông con công, hoặc lông một loại két ... khi nào tôi chưa biết cái tên mà tôi bị bắn, cái tên ấy được cuốn bởi loại gân nào – gân bò, gân trâu, gân nai, hoặc là gân khỉ ... khi nào tôi chưa biết cái tên mà tôi bị bắn, cái tên ấy thuộc loại tên nhọn, loại tên móc, loại tên như đầu sào, loại tên như răng bò, hay loại tên như kẽm gai.” Người ấy sẽ chết và vẫn không được biết gì cả.

Cũng vậy, này Māluṅkyāputta, ai nói như sau: Ta sẽ sống đời phạm hạnh theo Thế Tôn khi nào Thế Tôn trả lời cho ta: “Thế giới là thường còn” ... hay Như Lai không có tồn tại và không không tồn tại sau khi chết,” người ấy sẽ chết và vẫn không được Như Lai trả lời.

6. Này Māluṅkyāputta, đời sống phạm hạnh không thể nói là tùy thuộc với quan điểm “Thế giới là thường còn.” Đời sống phạm hạnh không thể nói là tùy thuộc với quan điểm “Thế giới là vô thường.” Dù có quan điểm “Thế giới là thường còn” hay quan điểm “Thế giới là vô thường,” thì vẫn có sinh, có già, có chết, có sầu, bi, khổ, ưu, não, mà Ta giảng dạy sự đoạn trừ ngay ở đây và trong hiện tại.

Đời sống phạm hạnh không thể nói là tùy thuộc quan điểm “Thế giới là hữu biên” ... “Thế giới là vô biên”... “Sinh mạng này và thân này là một” ... “Sinh mạng này và thân này là khác” ... “Như Lai có tồn tại sau khi chết” ... “Như Lai không có tồn tại sau khi chết” ... Dù có quan điểm “Như Lai có tồn tại và không có tồn tại sau khi chết,” hay quan điểm “Như Lai không có tồn tại và không không tồn tại sau khi chết,” thì vẫn có sinh, có già, có chết, có sầu, bi, khổ, ưu, não mà Ta giảng dạy sự đoạn trừ ngay ở đây và trong hiện tại.

7. Do vậy, này Māluṅkyāputta, hãy thọ trì là không trả lời những gì Ta không trả lời. Hãy thọ trì là có trả lời những gì Ta có trả lời. Và điều gì Ta không trả lời? “Thế giới là thường còn” là điều Ta không trả lời. “Thế giới là vô thường” là điều Ta không trả lời. “Thế giới là hữu biên” là điều Ta không trả lời. “Thế giới là vô biên” là điều Ta không trả lời. “Sinh mạng này và thân này là một” là điều Ta không trả lời. “Sinh mạng này và thân này khác” là điều Ta không trả lời. “Như Lai có tồn tại sau khi chết” là điều Ta không trả lời. “Như Lai không có tồn tại sau khi chết” là điều Ta không trả lời. “Như Lai có tồn tại và không tồn tại sau khi chết” là điều Ta không trả lời. “Như Lai không có tồn tại và không không tồn tại sau khi chết” là điều Ta không trả lời.

8. Vì sao điều ấy Ta không trả lời? Vì điều ấy không liên hệ đến mục đích, điều ấy không phải là căn bản đời sống phạm hạnh, điều ấy không đưa đến yểm ly, ly tham, đoạn diệt, an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn, cho nên điều ấy Ta không trả lời.

9. Và điều gì Ta trả lời? “Ðây là khổ” là điều Ta trả lời. “Ðây là khổ tập” là điều Ta trả lời. “Ðây là khổ diệt” là điều Ta trả lời. “Ðây là con đường đưa đến khổ diệt” là điều Ta trả lời.

10. Vì sao điều ấy Ta trả lời? Vì điều ấy có liên hệ đến mục đích, điều ấy là căn bản đời sống phạm hạnh, điều ấy đưa đến yểm ly, ly tham, đoạn diệt, an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn, cho nên điều ấy Ta trả lời.

Do vậy, này Māluṅkyāputta, hãy thọ trì là không trả lời những điều Ta không trả lời. Hãy thọ trì là có trả lời những điều Ta có trả lời.

Thế Tôn thuyết giảng như vậy. Tôn giả Māluṅkyāputta hoan hỷ tín thọ lời Thế Tôn dạy.

(MN 63: Tiểu kinh Māluṅkyā)

(2) Cốt Lõi Của Đời Sống Tâm Linh

1. Như vầy tôi nghe. Một thời Thế Tôn ở tại Rajagaha (Vương Xá), núi Gijjhakuta (Linh Thứu), khi Devadatta (Ðề-bà-đạt-đa) từ bỏ (chúng tăng) ra đi không bao lâu. Ở đây, nhân việc Devadatta, Thế Tôn cho gọi các tỳ-khưu và dạy như sau:

2. – Ở đây, này các tỳ-khưu, có thiện nam tử do lòng tin xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình: “Ta bị chìm đắm trong sinh, già, chết, sầu, bi, khổ, ưu, não, bị chìm đắm trong đau khổ, bị chi phối bởi đau khổ. Rất có thể, toàn bộ khổ uẩn này có thể chấm dứt được.” Vị ấy xuất gia như vậy, được lợi dưỡng, tôn kính, danh vọng. Do lợi dưỡng, tôn kính, danh vọng này, vị ấy hoan hỷ, mãn nguyện. Do lợi dưỡng, tôn kính, danh vọng này, vị ấy khen mình, chê người: “Ta được lợi dưỡng như vậy, được danh vọng như vậy. Còn các tỳ-khưu khác ít được biết đến, ít có uy quyền.” Vị ấy, vì lợi dưỡng, tôn kính, danh vọng này, trở thành mê say, tham đắm, phóng dật. Do sống phóng dật, vị ấy bị đau khổ.

Chư tỳ-khưu, ví như một người muốn được lõi cây, tìm cầu lõi cây. Trong khi đi tìm lõi cây, trước một cây lớn, đứng thẳng, có lõi cây, người ấy bỏ qua lõi cây, bỏ qua giác cây, bỏ qua vỏ trong, bỏ qua vỏ ngoài, chặt cành lá, lấy chúng mang đi, tưởng rằng đó là lõi cây. Một người có mắt thấy vậy bèn nói: “Thật sự người này không biết lõi cây, không biết giác cây, không biết vỏ trong, không biết vỏ ngoài, không biết cành lá. Người này muốn được lõi cây, tìm cầu lõi cây. Trong khi đi tìm lõi cây, trước một cây lớn, đứng thẳng, có lõi cây, người này bỏ qua lõi cây, bỏ qua giác cây, bỏ qua vỏ trong, bỏ qua vỏ ngoài, chặt cành lá, lấy chúng mang đi, tưởng rằng đó là lõi cây. Và người này không đạt mục đích mà lõi cây có thể thành tựu.” Cũng vậy, vị tỳ-khưu ấy trở thành mê say, tham đắm trong lợi dưỡng, tôn kính, và danh vọng. Vị tỳ-khưu ấy được gọi là vị đã nắm lấy cành lá của phạm hạnh, và dừng lại ở đấy.

3. Nhưng ở đây, này các tỳ-khưu, có vị thiện nam tử vì lòng tin xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình: "Ta bị chìm đắm trong sinh, già, chết, sầu, bi, khổ, ưu, não, bị chìm đắm trong đau khổ, bị chi phối bởi đau khổ. Rất có thể toàn bộ khổ uẩn này có thể chấm dứt". Rồi vị ấy xuất gia như vậy, được lợi dưỡng, tôn kính, danh vọng. Vị ấy không vì lợi dưỡng, tôn kính, danh vọng này khen mình, chê người. Vị ấy không vì lợi dưỡng, tôn kính, danh vọng này trở thành mê say, tham đắm, phóng dật. Do sống không phóng dật, vị ấy thành tựu giới đức. Do thành tựu giới đức này, vị ấy hoan hỷ, tự mãn. Do thành tựu, giới đức này, vị ấy khen mình chê người: “Ta là người trì giới, theo thiện pháp. Các tỳ-khưu khác phá giới, theo ác pháp.” Do thành tựu giới đức này, vị ấy trở thành mê say, tham đắm, phóng dật. Do sống phóng dật, vị ấy bị đau khổ.

Chư tỳ-khưu, ví như một người muốn được lõi cây, tìm cầu lõi cây. Trong khi đi tìm lõi cây, trước một cây lớn, đứng thẳng, có lõi cây, người ấy bỏ qua lõi cây, bỏ qua giác cây, bỏ qua vỏ trong, chặt vỏ ngoài, lấy chúng mang đi, tưởng đó là lõi cây. Một người có mắt thấy vậy bèn nói: “Thật sự người này không biết lõi cây, không biết giác cây, không biết vỏ trong, không biết vỏ ngoài, không biết cành lá. Người này muốn được lõi cây, tìm cầu lõi cây. Trong khi đi tìm lõi cây, trước một cây lớn, đứng thẳng, có lõi cây, người này bỏ qua lõi cây, bỏ qua giác cây, bỏ qua vỏ trong, chặt vỏ ngoài, lấy chúng mang đi, tưởng đó là lõi cây. Và người này không đạt mục đích mà lõi cây có thể thành tựu.” Cũng vậy, vị tỳ-khưu ấy trở thành mê say, tham đắm với sự thành tựu giới đức. Vị tỳ-khưu ấy được gọi là vị đã nắm lấy vỏ ngoài của phạm hạnh, và dừng lại ở đấy.

4. Nhưng ở đây, này các tỳ-khưu, có thiện nam tử vì lòng tin xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình: "Ta bị chìm đắm trong vòng sinh, già, chết, sầu, bi, khổ ưu, não, bị chìm đắm trong đau khổ, bị chi phối bởi đau khổ. Rất có thể toàn bộ khổ uẩn này có thể chấm dứt được". Rồi vị ấy xuất gia như vậy, được lợi dưỡng, tôn kính, danh vọng. Vị ấy không vì lợi dưỡng, tôn kính, danh vọng này, khen mình, chê người. Vị ấy không vì lợi dưỡng, tôn kính, danh vọng này trở thành mê say, tham đắm, phóng dật. Do sống không phóng dật, vị ấy thành tựu giới đức. Do thành tựu giới đức này, vị ấy hoan hỷ, nhưng không tự mãn. Do thành tựu giới đức này, vị ấy không khen mình, chê người. Do thành tựu giới đức này, vị ấy không trở thành mê say, tham đắm, phóng dật. Do sống không phóng dật, vị ấy thành tựu thiền định. Do thành tựu thiền định này, vị ấy hoan hỷ, tự mãn. Do thành tựu thiền định này, vị ấy khen mình chê người: “Ta có thiền định nhất tâm. Các tỳ-khưu khác không có thiền định, tâm bị phân tán.” Do thành tựu thiền định này, vị ấy trở thành mê say, tham đắm, phóng dật. Do sống phóng dật, vị ấy bị đau khổ.

Chư tỳ-khưu, ví như một người muốn được lõi cây, tìm cầu lõi cây. Trong khi đi tìm lõi cây, trước một cây lớn, đứng thẳng, có lõi cây, người ấy bỏ qua lõi cây, bỏ qua giác cây, chặt vỏ trong, lấy chúng mang đi, tưởng đó là lõi cây. Một người có mắt thấy vậy, bèn nói: “Thật sự người này không biết lõi cây, không biết giác cây, không biết vỏ trong, không biết vỏ ngoài, không biết cành lá. Người này muốn lõi cây, tìm cầu lõi cây. Trong khi đi tìm lõi cây, trước một cây lớn có lõi cây, người này bỏ qua lõi cây, bỏ qua giác cây, chặt vỏ trong, mang đi, tưởng đó là lõi cây. Và người này không đạt được mục đích mà lõi cây có thể thành tựu.” Cũng vậy, vị tỳ-khưu ấy trở thành mê say, tham đắm với sự thành tựu thiền định. Vị tỳ-khưu ấy được gọi là vị đã nắm lấy vỏ trong của phạm hạnh, và dừng lại ở đấy.

5. Lại nữa, ở đây, có thiện nam tử, vì lòng tin xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình: “Ta bị chìm đắm trong vòng sinh, già, chết, sầu, bi, khổ, ưu, não, bị chìm đắm trong đau khổ, bị chi phối bởi đau khổ. Rất có thể toàn bộ khổ uẩn này có thể chấm dứt.” Vị ấy xuất gia như vậy, được lợi dưỡng, tôn kính, danh vọng. Vị ấy không vì lợi dưỡng, tôn kính, danh vọng này hoan hỷ, tự mãn. Vị ấy không vì lợi dưỡng, tôn kính, danh vọng này, khen mình, chê người. Vị ấy không vì lợi dưỡng, tôn kính, danh vọng này trở thành mê say, tham đắm, phóng dật. Do sống không phóng dật, vị ấy thành tựu giới đức. Do thành tựu giới đức, vị ấy hoan hỷ, nhưng không tự mãn. Vị ấy không vì thành tựu giới đức này khen mình, chê người. Vị ấy không vì thành tựu giới đức này trở thành mê say, tham đắm, phóng dật. Do sống không phóng dật, vị ấy thành tựu thiền định. Vị ấy do thành tựu thiền định này nên hoan hỷ nhưng không tự mãn. Vị ấy không vì thành tựu thiền định này khen mình, chê người. Vị ấy không vì thành tựu thiền định này trở thành mê say, tham đắm, phóng dật. Do sống không phóng dật, vị ấy thành tựu tri kiến. Vị ấy vì tri kiến này, hoan hỷ, tự mãn. Vị ấy do tri kiến này, khen mình, chê người: “Ta sống, thấy và biết. Các tỳ-khưu khác sống, không thấy và không biết.” Vị ấy, do tri kiến này, trở thành mê say, tham đắm, phóng dật. Do sống phóng dật vị ấy bị đau khổ.

Chư tỳ-khưu, ví như một người muốn được lõi cây, tìm cầu lõi cây. Trong khi đi tìm lõi cây, trước một cây lớn, đứng thẳng, có lõi cây, người bỏ qua lõi cây, chặt giác cây mang đi, tưởng đó là lõi cây. Một người có mắt thấy vậy bèn nói: "Thật sự người này không biết lõi cây, không biết giác cây, không biết vỏ trong, không biết vỏ ngoài, không biết cành lá. Người này muốn được lõi cây, tìm cầu lõi cây. Trước một cây lớn, đứng thẳng, có lõi cây, người ấy bỏ qua lõi cây, chặt giác cây và mang đi, tưởng đó là lõi cây. Và người ấy không đạt được mục đích mà lõi cây có thể thành tựu.” Cũng vậy, vị tỳ-khưu ấy trở thành mê say, tham đắm với sự thành tựu tri kiến. Vị tỳ-khưu ấy được gọi là vị đã nắm lấy giác cây của phạm hạnh, và dừng lại ở đấy.

6. Lại nữa, ở đây, này các tỳ-khưu, có vị thiện nam tử, vì lòng tin xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình: "Ta bị chìm đắm trong vòng sinh, già, chết, sầu, bi, khổ, ưu, não, bị chìm đắm trong đau khổ, bị chi phối bởi đau khổ. Rất có thể toàn bộ khổ uẩn này có thể chấm dứt". Vị ấy xuất gia như vậy, được lợi dưỡng, tôn kính, danh vọng. Vị ấy không vì lợi dưỡng, tôn kính, danh vọng này hoan hỷ, tự mãn. Vị ấy không vì lợi dưỡng, tôn kính, danh vọng này khen mình, chê người. Vị ấy không vì lợi dưỡng, tôn kính, danh vọng này trở thành mê say, tham đắm, phóng dật. Do sống không phóng dật, vị ấy thành tựu giới đức. Do thành tựu giới đức, vị ấy hoan hỷ nhưng không tự mãn. Vị ấy không vì thành tựu giới đức này khen mình, chê người. Vị ấy không vì thành tựu giới đức này trở thành mê say, tham đắm, phóng dật. Do sống không phóng dật, vị ấy thành tựu thiền định, vị ấy do thành tựu thiền định này, hoan hỷ nhưng không tự mãn. Vị ấy không do thành tựu thiền định này khen mình, chê người. Vị ấy không do thành tựu thiền định này trở thành mê say, tham đắm, phóng dật. Do sống không phóng dật, vị ấy thành tựu tri kiến. Do thành tựu tri kiến này, vị ấy hoan hỷ nhưng không tự mãn. Vị ấy không vì thành tựu tri kiến này khen mình, chê người. Vị ấy không vì thành tựu tri kiến này trở thành mê say, tham đắm, phóng dật. Do sống không phóng dật, vị ấy thành tựu giải thoát vĩnh viễn. Vị ấy không thể nào suy thoái từ sự giải thoát thoát vĩnh viễn ấy.

Này các tỳ-khưu, ví như một người muốn được lõi cây, tìm cầu lõi cây. Trong khi đi tìm lõi cây, trước một cây lớn, đứng thẳng, có lõi cây, người ấy chặt lõi cây, mang đi và biết đó là lõi cây. Một người có mắt thấy như vậy, có thể nói: “Người này biết lõi cây, biết giác cây, biết vỏ trong, biết vỏ ngoài, biết cành lá. Người này muốn được lõi cây, tìm cầu lõi cây. Trong khi đi tìm lõi cây, trước một cây lớn, đứng thẳng, có lõi cây, người ấy chặt lõi cây, mang đi và tự biết đó là lõi cây. Và người ấy đạt được mục đích mà lõi cây có thể thực hiện.” Cũng vậy, vị tỳ-khưu ấy đã thành tựu giải thoát vĩnh viễn.

7. Như vậy, này các tỳ-khưu, phạm hạnh này không phải vì lợi ích do lợi dưỡng và danh vọng, không phải vì lợi ích thành tựu giới đức, không phải vì lợi ích thành tựu thiền định, không phải vì lợi ích thành tựu tri kiến. Và này các tỳ-khưu, tâm giải thoát bất động chính là mục đích của phạm hạnh này, là lõi cây, là mục tiêu cuối cùng của phạm hạnh.

Thế Tôn thuyết giảng như vậy. Các tỳ-khưu ấy hoan hỷ, tín thọ lời Thế Tôn dạy.

(MN 29: Mahāsāropama Sutta)

(3) Dục Tham Dần Dần Tan Biến

– Này các tỳ-khưu, nếu các du sĩ ngoại đạo hỏi các ông như sau: “Vì mục đích gì, này chư hiền, phạm hạnh được sống dưới Sa-môn Gotama?” Ðược hỏi vậy, các ông cần phải trả lời các du sĩ ngoại đạo ấy như sau: “Vì mục đích đoạn tận tham, này chư hiền, phạm hạnh được sống dưới Sa-môn Gotama".

Này các tỳ-khưu, nhưng nếu các du sĩ ngoại đạo hỏi các ông như sau: “Có con đường nào, có đạo lộ nào, này chư hiền, đưa đến đoạn tận tham?” Ðược hỏi như vậy, này các tỳ-khưu, các ông phải trả lời cho các du sĩ ngoại đạo ấy như sau: “Có con đường, này chư hiền, có đạo lộ đưa đến đoạn tận tham.”

Và này các tỳ-khưu, thế nào là con đường, thế nào là đạo lộ đưa đến đoạn tận tham? Chính là Bát Chi Thánh Đạo này, tức là chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định. Đây là con đường, đây là đạo lộ đưa đến đoạn tận tham.

Ðược hỏi vậy, này các tỳ-khưu, các ông cần phải trả lời như vậy cho các du sĩ ngoại đạo ấy.

[Hoặc nữa, các ông cần phải trả lời cho các du sĩ ngoại đạo ấy như sau:] “Vì mục đích đoạn tận các kiết sử ... Vì mục đích nhổ sạch lên các tùy miên ... Vì mục đích liễu tri hành lộ ... Vì mục đích đoạn tận các lậu hoặc ... Vì mục đích chứng ngộ được quả của tuệ giác và giải thoát ... Vì mục đích thấy và biết ... Vì mục đích Niết-bàn tối hậu, không có chấp thủ, này chư hiền, phạm hạnh được sống dưới Thế Tôn.”

Này các tỳ-khưu, nhưng nếu các du sĩ ngoại đạo hỏi các ông như sau: “Có con đường nào, có đạo lộ nào, này chư hiền, đưa đến chứng đạt Niết-bàn tối hậu, không có chấp thủ?” Ðược hỏi như vậy, này các tỳ-khưu, các ông phải trả lời cho các du sĩ ngoại đạo ấy như sau: “Có con đường, này chư hiền, có đạo lộ đưa đến chứng đạt Niết-bàn tối hậu, không có chấp thủ.”

Và này các tỳ-khưu, thế nào là con đường, thế nào là đạo lộ đưa đến chứng đạt Niết-bàn tối hậu, không có chấp thủ? Chính là Bát Chi Thánh Đạo này, tức là chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định. Đây là con đường, đây là đạo lộ đưa đến chứng đạt Niết-bàn tối hậu, không có chấp thủ.

Ðược hỏi vậy, này các tỳ-khưu, các ông cần phải trả lời như vậy cho các du sĩ ngoại đạo ấy.

(SN 45:41-48)

2. PHÂN TÍCH BÁT CHI THÁNH ĐẠO

– Này các tỳ-khưu, Ta sẽ giảng và phân tích Bát Chi Thánh Đạo này. Hãy lắng nghe và khéo tác ý. Ta sẽ giảng.

– Thưa vâng, bạch Thế Tôn.

Các tỳ-khưu ấy vâng đáp Thế Tôn. Thế Tôn nói như sau:

– Này các tỳ-khưu, thế nào là Bát Chi Thánh Đạo? Tức là chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định.

Và này các tỳ-khưu, thế nào là chánh kiến? Này các tỳ-khưu, chính là trí về khổ, trí về khổ tập, trí về khổ diệt, trí về con đường đưa đến khổ diệt. Này các tỳ-khưu, đây gọi là chánh kiến.

Và này các tỳ-khưu, thế nào là chánh tư duy? Này các tỳ-khưu, chính là xuất ly tư duy, vô sân tư duy, vô hại tư duy. Này các tỳ-khưu, đây gọi là chánh tư duy.

Và này các tỳ-khưu, thế nào là chánh ngữ? Này các tỳ-khưu, chính là từ bỏ nói láo, từ bỏ nói hai lưỡi, từ bỏ nói lời độc ác, từ bỏ nói lời phù phiếm. Này các tỳ-khưu, đây gọi là chánh ngữ.

Và này các tỳ-khưu, thế nào là chánh nghiệp? Này các tỳ-khưu, chính là từ bỏ sát sinh, từ bỏ lấy của không cho, từ bỏ phi phạm hạnh. Này các tỳ-khưu, đây gọi là chánh nghiệp.

Và này các tỳ-khưu, thế nào là chánh mạng? Ở đây, này các tỳ-khưu, vị thánh đệ tử đoạn trừ tà mạng, nuôi sống với chánh mạng. Này các tỳ-khưu, đây gọi là chánh mạng.

Và này các tỳ-khưu, thế nào là chánh tinh tấn? Ở đây, này các tỳ-khưu, với mục đích khiến cho các ác, bất thiện pháp từ trước chưa sinh không cho sinh khởi, khởi lên ý muốn, cố gắng, tinh tấn, sách tấn, trì tâm; với mục đích khiến cho các ác, bất thiện pháp đã sinh được trừ diệt, khởi lên ý muốn, cố gắng, tinh tấn, sách tấn, trì tâm; với mục đích khiến cho các thiện pháp từ trước chưa sinh nay được sinh khởi, khởi lên ý muốn, cố gắng, tinh tấn, sách tấn, trì tâm; với mục đích khiến cho các thiện pháp đã được sinh có thể duy trì, không có lu mờ, được tăng trưởng, được quảng đại, được tu tập, được viên mãn, khởi lên ý muốn, cố gắng, tinh tấn, sách tấn, trì tâm. Này các tỳ-khưu, đây gọi là chánh tinh tấn.

Và này các tỳ-khưu, thế nào là chánh niệm? Ở đây, này các tỳ-khưu, tỳ-khưu sống quán thân trên thân, nhiệt tâm, tỉnh giác, niệm, với mục đích điều phục tham ưu ở đời; tỳ-khưu sống quán thọ trên các thọ, nhiệt tâm, tỉnh giác, niệm với mục đích điều phục tham ưu ở đời; tỳ-khưu sống quán tâm trên tâm, nhiệt tâm, tỉnh giác, niệm với mục đích điều phục tham ưu ở đời; tỳ-khưu sống quán pháp trên các pháp, nhiệt tâm, tỉnh giác, niệm với mục đích điều phục tham ưu ở đời. Này các tỳ-khưu, đây gọi là chánh niệm.

 Và này các tỳ-khưu, thế nào là chánh định? Ở đây, này các tỳ-khưu, tỳ-khưu ly dục, ly pháp bất thiện, chứng và trú thiền thứ nhất, một trạng thái hỷ lạc do ly dục sinh, có tầm, có tứ. Làm cho tịnh chỉ tầm và tứ, chứng và trú thiền thứ hai, một trạng thái hỷ lạc do định sinh, không tầm, không tứ, nội tĩnh, nhất tâm. Vị ấy ly hỷ trú xả, chánh niệm, tỉnh giác, thân cảm sự lạc thọ mà các bậc thánh gọi là xả niệm lạc trú, chứng và trú thiền thứ ba. Xả lạc, xả khổ, diệt hỷ ưu đã cảm thọ trước, chứng và trú thiền thứ tư, không khổ không lạc, xả niệm thanh tịnh. Này các tỳ-khưu, đây gọi là chánh định.

(SN 45:8)

3. THIỆN BẠN HỮU

Một thời, Thế Tôn trú giữa các dân chúng Sakya, tại thị trấn của dân chúng Sakya tên là Nāgaraka. Rồi Tôn giả Ānanda đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Ngồi một bên, Tôn giả Ānanda bạch Thế Tôn:

– Một nửa phạm hạnh này, bạch Thế Tôn, là thiện bạn hữu (kalyāṇamittatā), thiện bạn đãng (kalyāṇasahāyatā), thiện thân tình (kalyāṇasampavaṅkatā).

– Chớ có nói vậy, này Ānanda! Chớ có nói vậy, này Ānanda! Toàn bộ phạm hạnh này, này Ānanda, là thiện bạn hữu, thiện bạn đãng, thiện thân tình. Với thiện bạn hữu, thiện bạn đãng, thiện thân tình, vị tỳ-khưu tu tập và làm cho viên mãn Bát Chi Thánh Đạo.

Và này Ānanda, thế nào là tỳ-khưu với thiện bạn hữu, thiện bạn đãng, thiện thân tình, tu tập và làm cho viên mãn Bát Chi Thánh Đạo? Ở đây, này Ānanda, tỳ-khưu tu tập chánh kiến liên hệ đến viễn ly, liên hệ đến ly tham, liên hệ đến đoạn diệt, hướng đến từ bỏ. Tỳ-khưu ấy tu tập chánh tư duy... chánh ngữ ... chánh nghiệp ... chánh mạng ... chánh tinh tấn ... chánh niệm ... tu tập chánh định liên hệ đến viễn ly, liên hệ đến ly tham, liên hệ đến đoạn diệt, hướng đến từ bỏ. Như vậy, này Ānanda, là tỳ-khưu với thiện bạn hữu, thiện bạn đãng, thiện thân tình, tu tập và làm cho viên mãn Bát Chi Thánh Đạo.

Này Ānanda, chính với pháp môn này, ông cần phải hiểu thế nào toàn bộ phạm hạnh này là thiện bạn hữu, thiện bạn đãng, thiện thân tình. Nhờ lấy Ta làm thiện bạn hữu, này Ānanda, nên các chúng sinh bị sinh được giải thoát khỏi sinh; các chúng sinh bị già được giải thoát khỏi già; các chúng sinh bị chết được giải thoát khỏi chết; các chúng sinh bị sầu, bi, khổ, ưu, não được giải thoát khỏi sầu, bi, khổ, ưu, não. Chính với pháp môn này, này Ānanda, ông cần phải hiểu thế nào toàn bộ phạm hạnh này là thiện bạn hữu, thiện bạn đãng, thiện thân tình.

(SN 45:2)

4. HUÂN TẬP TỪNG BƯỚC

1. Như vầy tôi nghe. Một thời Thế Tôn ở Sāvatthī (Xá-vệ) tại Jetavana (Kỳ-đà Lâm), vườn ông Anāthapiṇḍika (Cấp Cô Ðộc).

2. Lúc bấy giờ bà-la-môn Jāṇussoṇi, với một cỗ xe toàn trắng do ngựa cái kéo, vào buổi sáng sớm, ra khỏi thành Sāvatthī. Bà-la-môn Jāṇussoṇi thấy du sĩ Pilotika từ xa đi đến, liền nói với du sĩ Pilotika:

– Tôn giả Vacchāyana đi từ đâu về sớm như vậy?

– Tôn giả, tôi từ Sa-môn Gotama đến đây.

– Tôn giả Vacchāyana nghĩ thế nào? Sa-môn Gotama có trí tuệ sáng suốt không? Tôn giả có xem Sa-môn Gotama là bậc có trí không?

– Tôn giả, tôi là ai mà có thể biết Sa-môn Gotama có trí tuệ sáng suốt? Chỉ có người ngang bằng  Sa-môn Gotama mới có thể biết Sa-môn Gotama có trí tuệ sáng suốt.

– Tôn giả Vacchāyana thật sự tán thán Sa-môn Gotama với lời tán thán tối thượng.

– Này Tôn giả, tôi là ai mà có thể tán thán Sa-môn Gotama, bậc tối thượng được tán thán trong các bậc được tán thán, bậc tối thượng giữa chư thiên và loài người?

– Nhưng Tôn giả Vacchāyana thấy được lý do gì ở Sa-môn Gotama mà Tôn giả có lòng tin tưởng như vậy?

3. – Này Tôn giả, như một người săn voi thiện xảo vào một khu rừng có voi ở, và thấy một dấu chân voi lớn, dài bề dài và rộng bề ngang. Người đó đi đến kết luận: “Con voi này là con voi lớn.” Cũng vậy, tôi đã thấy bốn dấu chân của Sa-môn Gotama và đi đến kết luận: “Thế Tôn là bậc Chánh Ðẳng Giác, Pháp được Thế Tôn khéo giảng, và Tăng chúng khéo hành trì.” Thế nào là bốn?

4. Tôi thấy ở đây có một số sát-đế-lị bác học, tế nhị, nghị luận biện tài, biện bác như chia chẻ sợi tóc. Những vị này đi chỗ này chỗ kia, như muốn đả phá các tà kiến với trí tuệ của họ. Những vị này nghe: “Sa-môn Gotama sẽ đến thăm ngôi làng này hay thị trấn này.” Họ sắp đặt câu hỏi: “Chúng ta, sau khi đến, sẽ hỏi Sa-môn Gotama câu hỏi này. Khi bị chúng ta hỏi như vậy, nếu Sa-môn Gotama trả lời như thế này, thì chúng ta sẽ chất vấn như thế kia. Khi chúng ta hỏi như vậy, nếu Sa-môn Gotama trả lời như thế kia, thì chúng ta sẽ chất vấn như thế này.”

Những vị này nghe: “Sa-môn Gotama đã đến thăm ngôi làng này hay thị trấn này.” Những vị này đến chỗ Sa-môn Gotama ở. Sa-môn Gotama với pháp thoại, khích lệ, làm cho phấn khởi, làm cho hoan hỷ các vị này. Ðược Sa-môn Gotama với pháp thoại khích lệ, làm cho phấn khởi, làm cho hoan hỷ, họ không hỏi Sa-môn Gotama câu hỏi đã định trước, huống nữa là chất vấn. Trái lại, họ trở thành đệ tử của Sa-môn Gotama. Này Tôn giả, khi tôi thấy dấu chân thứ nhất này của Sa-môn Gotama, Tôi đi đến kết luận: “Thế Tôn là bậc Chánh Ðẳng Giác, Pháp được Thế Tôn khéo giảng, và Tăng chúng khéo hành trì.”

5. Này Tôn giả, lại nữa, tôi thấy ở đây có một số bà-la-môn bác học, tế nhị, nghị luận biện tài, biện bác như chia chẻ sợi tóc ... họ trở thành đệ tử của Sa-môn Gotama. Này Tôn giả, khi tôi thấy dấu chân thứ hai này của Sa-môn Gotama, tôi đi đến kết luận: “Thế Tôn là bậc Chánh Ðẳng Giác, Pháp được Thế Tôn khéo giảng, và Tăng chúng khéo hành trì.”

6. Này Tôn giả, lại nữa, tôi thấy ở đây có một số gia chủ bác học, tế nhị, nghị luận biện tài, biện bác như chia chẻ sợi tóc ... họ trở thành đệ tử của Sa-môn Gotama. Này Tôn giả, khi tôi thấy dấu chân thứ ba này của Sa-môn Gotama, tôi đi đến kết luận: “Thế Tôn là bậc Chánh Ðẳng Giác, Pháp được Thế Tôn khéo giảng, và Tăng chúng khéo hành trì.”

7. Này Tôn giả, lại nữa, tôi thấy ở đây có một số Sa-môn bác học, tế nhị, nghị luận biện tài, biện bác như chia chẻ sợi tóc. Những vị này đi chỗ này chỗ kia, như muốn đả phá các tà kiến với trí tuệ của họ. Những vị này nghe: "Sa-môn Gotama sẽ đến thăm ngôi làng này hay thị trấn này". Họ sắp đặt câu hỏi: "Chúng ta sau khi đến sẽ hỏi Sa-môn Gotama câu hỏi này. Khi bị chúng ta hỏi như vậy, nếu Sa-môn Gotama trả lời như thế này, thì chúng ta sẽ chất vấn như thế kia. Khi bị chúng ta hỏi như vậy, nếu Sa-môn Gotama trả lời như thế kia, thì chúng ta sẽ chất vấn như thế này.”

Những vị này nghe: “Sa-môn Gotama đã đến ngôi làng này hay thị trấn này.” Những vị này đến chỗ Sa-môn Gotama ở. Sa-môn Gotama với pháp thoại khích lệ, làm cho phấn khởi, làm cho hoan hỷ các vị này. Ðược Sa-môn Gotama với pháp thoại khích lệ, làm cho phấn khởi, làm cho hoan hỷ, họ không hỏi Sa-môn Gotama câu hỏi đã định sẵn, huống nữa là chất vấn. Trái lại, họ xin phép Sa-môn Gotama được xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình. Sa-môn Gotama cho họ được xuất gia. Ðược xuất gia như vậy, một số các vị ấy sống một mình, không phóng dật, nỗ lực, tinh cần, và không bao lâu tự tri, tự chứng, tự đạt và an trú, ngay trong hiện tại, mục đích tối thượng của phạm hạnh mà những thiện nam tử chơn chánh xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình hướng đến.

Họ nói như sau: “Thật sự chúng ta gần hoại vong. Thật sự chúng ta gần hoại diệt. Xưa kia chúng ta không phải là sa-môn lại tự xem là sa-môn, không phải là bà-la-môn lại tự xem là bà-la-môn, không phải là bậc A-la-hán, lại tự xem là bậc A-la-hán. Nay chúng ta mới thật là sa-môn. Nay chúng ta mới thật là bà-la-môn. Nay chúng ta mới thật là A-la-hán.” Khi tôi thấy dấu chân thứ tư của Sa-môn Gotama, tôi đi đến kết luận: “Thế Tôn là bậc Chánh Ðẳng Giác, Pháp được Thế Tôn khéo giảng, và Tăng chúng khéo hành trì.”

8. Khi được nói vậy, bà-la-môn Jāṇussoṇi, từ cỗ xe toàn trắng do ngựa cái kéo, bước xuống, đắp thượng y lên một bên vai, chấp tay hướng về Thế Tôn vái lạy, và thốt ra ba lần cảm hứng ngữ sau đây: “Ðảnh lễ Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác! Ðảnh lễ Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác! Ðảnh lễ Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác! Rất có thể, tôi sẽ gặp Tôn giả Gotama tại một lúc nào, một chỗ nào đó. Rất có thể, sẽ có một cuộc đàm luận với Ngài.”

9. Rồi bà-la-môn Jāṇussoṇi đi đến chỗ Thế Tôn ở, sau khi đến, nói lên những lời chào đón hỏi thăm xã giao với Thế Tôn, rồi ngồi xuống một bên. Sau khi ngồi xuống một bên, bà-la-môn Jāṇussoṇi đem tất cả câu chuyện của du Sĩ Pilotika, thuật lại với Thế Tôn. Sau khi nghe vậy, Thế Tôn nói với bà-la-môn Jāṇussoṇi:

– Này bà-la-môn, ví dụ dấu chân voi như vậy chưa được đầy đủ một cách rộng rãi. Này bà-la-môn, với tầm mức như thế nào ví dụ dấu chân voi được đầy đủ một cách rộng rãi? Hãy nghe và khéo tác ý, Ta sẽ nói:

– Thưa vâng, Tôn giả.

Bà-la-môn Jāṇussoṇi vâng đáp Thế Tôn. Thế Tôn thuyết giảng như sau:

10. – Này Bà-la-môn, ví như một người săn voi vào một khu rừng có voi ở. Người đó thấy một dấu chân voi lớn trong rừng voi, dài bề dài và rộng bề ngang. Nếu người đó là một thợ săn voi thiện xảo, người đó không đi đến kết luận: “Con voi này chắc chắn là voi đực to lớn.” Vì sao vậy? Trong rừng voi, có những loại voi cái lùn thấp, có dấu chân lớn, có thể dấu chân này thuộc loại voi này. Người đó đi theo dấu chân ấy. Trong khi đi theo, người đó thấy trong rừng voi một dấu chân voi lớn, dài bề dài và rộng bề ngang, và những cây cao đều bị cọ xát. Nếu người đó là một thợ săn voi thiện xảo, người đó không đi đến kết luận: “Con voi này chắc chắn là voi đực to lớn.” Vì sao vậy? Trong rừng voi, có những loại voi cái có ngà, có dấu chân lớn, có thể dấu chân này thuộc loại voi này. Người đó đi theo dấu chân ấy. Trong khi đi theo, người đó thấy trong rừng voi, một dấu chân voi lớn, dài bề dài và rộng bề ngang, những cây cao bị cọ xát, và những cây cao bị ngà voi cắt chém. Nếu người đó là một thợ săn voi thiện xảo, người đó không đi đến kết luận: “Con voi này chắc chắn là voi đực to lớn.” Vì sao vậy? Trong rừng voi, có những loại voi cái to cao có ngà lớn, có dấu chân lớn, có thể dấu chân này thuộc loại voi này. Người đó đi theo dấu chân ấy. Trong khi đi theo, người đó thấy trong rừng voi một dấu chân voi lớn, dài bề dài và rộng bề ngang, những cây cao bị cọ xát, những cây cao bị ngà voi cắt chém, và những cây cao bị gãy các cành. Và người đó thấy một con voi đực dưới gốc cây hay ở ngoài trời, đang đi, đang đứng, đang ngồi hay đang nằm, người đó đi đến kết luận: “Con voi này quả thật là con voi đực to lớn.”

11. Cũng vậy, này bà-la-môn, ở đây Như Lai xuất hiện ở đời, là bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ Ðiều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn. Với thắng trí, Ngài tự thân chứng ngộ thế giới này, cùng với thiên giới, Ma giới, Phạm thiên giới, cùng với chúng sa-môn, bà-la-môn, các loài trời và loài người. Khi đã chứng ngộ, Ngài tuyên thuyết điều Ngài đã chứng ngộ, Ngài thuyết pháp sơ thiện, trung thiện, hậu thiện, văn nghĩa đầy đủ. Ngài giảng dạy phạm hạnh hoàn toàn đầy đủ, trong sạch.

12, Người gia trưởng, hay con vị gia trưởng, hay một người sinh ở những giai cấp khác, nghe được Pháp ấy. Sau khi nghe Pháp, người ấy sinh lòng tín ngưỡng Như Lai. Khi có lòng tín ngưỡng, vị này suy nghĩ: “Ðời sống gia đình đầy những triền phược, con đường đầy những bụi đời. Ðời sống xuất gia phóng khoáng như hư không. Thật rất khó cho một người sống ở gia đình có thể sống theo phạm hạnh hoàn toàn đầy đủ, hoàn toàn thanh tịnh, trắng bạch như vỏ ốc. Vậy ta nên cạo bỏ râu tóc, đắp áo cà-sa, xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình.” Một thời gian sau, người ấy từ bỏ tài sản nhỏ hay từ bỏ tài sản lớn, từ bỏ bà con quyến thuộc nhỏ hay từ bỏ bà con quyến thuộc lớn, cạo bỏ râu tóc, đắp áo cà-sa, và xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình.

13. Khi đã xuất gia như vậy, vị ấy thành tựu học giới và nếp sống tỳ-khưu, từ bỏ sát sinh, tránh xa sát sinh, bỏ trượng, bỏ kiếm, biết tàm quý, có lòng từ, sống thương xót tất cả chúng sinh và các loài hữu tình. Vị ấy từ bỏ lấy của không cho, tránh xa lấy của không cho, chỉ lấy những vật đã cho, chỉ mong những vật đã cho, tự sống thanh tịnh, không có trộm cướp. Vị ấy từ bỏ phi phạm hạnh, sống theo phạm hạnh, sống tránh xa phi phạm hạnh, từ bỏ dâm dục tục pháp.

Từ bỏ nói láo, tránh xa nói láo, vị ấy nói những lời chân thật, y chỉ trên sự thật, chắc chắn, đáng tin cậy, không phản lại đời. Vị ấy từ bỏ nói hai lưỡi, tránh xa nói hai lưỡi, nghe điều gì ở chỗ này, không đến nói chỗ kia để sinh chia rẽ ở những người này, nghe điều gì ở chỗ kia, không đi nói với những người này để sinh chia rẽ ở những người kia. Vị ấy sống hòa hợp những kẻ ly gián, khuyến khích những kẻ hòa hợp, hoan hỷ trong hòa hợp, thoải mái trong hòa hợp, hân hoan trong hòa hợp, nói những lời đưa đến hòa hợp. Vị ấy từ bỏ nói lời độc ác, tránh xa nói lời độc ác, vị ấy nói những lời nhẹ nhàng, thuận tại, dễ thương, thông cảm đến tâm, tao nhã, đẹp lòng nhiều người, vui lòng nhiều người, vị ấy nói những lời như vậy. Vị ấy từ bỏ nói phù phiếm, tránh xa nói lời phù phiếm, nói đúng thời, nói những lời chân thật, nói những lời có ý nghĩa, nói những lời về Chánh pháp, nói những lời về Luật, nói những lời đáng được gìn giữ, những lời hợp thời, thuận lý, có mạch lạc, hệ thống, có ích lợi.

Vị ấy từ bỏ làm hại đến các hột giống và các loại cây cỏ. Vị ấy dùng mỗi ngày một bữa, không ăn ban đêm, từ bỏ ăn phi thời. Vị ấy từ bỏ đi xem múa, hát nhạc, các cuộc trình diễn. Vị ấy từ bỏ trang sức bằng vòng hoa hương liệu, dầu thoa, các thời trang, các thời sức. Vị ấy từ bỏ dùng giường cao và giường lớn. Vị ấy từ bỏ nhận các hạt sống. Vị ấy từ bỏ nhận thịt sống. Vị ấy từ bỏ nhận đàn bà, con gái. Vị ấy từ bỏ nhận nô tỳ gái và trai. Vị ấy từ bỏ nhận cừu và dê. Vị ấy từ bỏ nhận gia cầm và heo. Vị ấy từ bỏ nhận voi, bò, ngựa và ngựa cái. Vị ấy từ bỏ nhận ruộng nương và đất đai. Vị ấy từ bỏ nhận người môi giới hoặc tự mình làm môi giới. Vị ấy từ bỏ buôn bán. Vị ấy từ bỏ các sự gian lận bằng cân, tiền bạc và đo lường. Vị ấy từ bỏ các tà hạnh như hối lộ, gian trá, lừa đảo. Vị ấy từ bỏ làm thương tổn, sát hại, câu thúc, bức đoạt, trộm cắp, cướp phá.

14. Vị ấy bằng lòng với tấm y để che thân, với đồ ăn khất thực để nuôi bụng, đi lại chỗ nào cũng mang theo y bát. Ví như con chim bay đến chỗ nào cũng mang theo hai cánh; cũng vậy, tỳ-khưu bằng lòng với tấm y để che thân, với đồ ăn khất thực để nuôi bụng, đi tại chỗ nào cũng mang theo y bát. Vị ấy thành tựu thánh giới uẩn này, vị ấy cảm giác lạc thọ thuộc nội tâm, không lỗi lầm.

15. Khi mắt thấy sắc, vị ấy không nắm giữ tướng chung, không nắm giữ tướng riêng. Những nguyên nhân gì khiến con mắt không được chế ngự, khiến tham ái ưu bi, các ác bất thiện pháp khởi lên, vị ấy tự chế ngự nguyên nhân ấy, hộ trì con mắt, thực hành sự hộ trì con mắt. Khi tai nghe tiếng ... mũi ngửi hương ... lưỡi nếm vị ... thân cảm xúc ... ý nhận thức các pháp, vị ấy không nắm giữ tướng chung, không nắm giữ tướng riêng. Những nguyên nhân gì khiến ý căn không được chế ngự, khiến tham ái ưu bi và các ác bất thiện pháp khởi lên, vị ấy tự chế ngự nguyên nhân ấy, hộ trì ý căn, thực hành sự hộ trì ý căn. Vị ấy thành tựu Thánh hộ trì các căn này, cảm giác lạc thọ thuộc nội tâm, không vẩn đục.

16. Vị ấy khi đi tới, khi đi lui đều tỉnh giác; khi nhìn thẳng, khi nhìn quanh đều tỉnh giác; khi co tay, khi duỗi tay đều tỉnh giác; khi mang y kép, y bát đều tỉnh giác; khi ăn, uống, nhai, nuốt, đều tỉnh giác; khi đi đại tiện, tiểu tiện đều tỉnh giác; khi đi, đứng, ngồi nằm, thức, nói, yên lặng đều tỉnh giác.

17. Vị ấy thành tựu thánh giới uẩn này, thành tựu thánh hộ trì các căn này, và thành tựu thánh niệm tỉnh giác này, lựa một chỗ thanh vắng, tịch mịch như rừng, gốc cây, khe núi, hang đá, bãi tha ma, lùm cây, ngoài trời, đống rơm.

18. Sau khi đi khất thực về và ăn xong, vị ấy ngồi xếp chéo, lưng thẳng, và an trú niệm trước mặt. Vị ấy từ bỏ tham ái ở đời, sống với tâm thoát ly tham ái, gột rửa tâm hết tham ái. Vị ấy từ bỏ sân hận, vị ấy sống với tâm không sân hận, lòng từ mẫn thương xót tất cả chúng hữu tình, gột rửa tâm hết sân hận. Vị ấy từ bỏ hôn trầm thụy miên, vị ấy sống thoát ly hôn trầm thụy miên, với tâm tưởng hướng về ánh sáng, niệm tỉnh giác, gột rửa tâm hết hôn trầm thụy miên. Vị ấy từ bỏ trạo cử hối quá, vị ấy sống không trạo cử, nội tâm trầm lặng, gột rửa tâm hết trạo cử, hối quá. Vị ấy từ bỏ nghi ngờ, vị ấy sống thoát khỏi nghi ngờ, không phân vân lưỡng lự, gột rửa tâm hết nghi ngờ đối với thiện pháp.

19. Vị ấy từ bỏ năm triền cái làm cho tâm ô uế, làm cho trí tuệ muội lược, ly dục, ly pháp ác bất thiện, chứng và trú thiền thứ nhất, một trạng thái hỷ lạc do ly dục sinh, có tầm có tứ. Này bà-la-môn, như vậy gọi là dấu chân của Như Lai, dấu cọ xát của Như Lai, dấu cắt chém của Như Lai. Nhưng vị thánh đệ tử không đi đến kết luận: “Thế Tôn là bậc Chánh Ðẳng Giác, Pháp được Thế Tôn khéo thuyết giảng, chúng Tăng khéo hành trì.”

20. Lại nữa, này bà-la-môn, tỳ-khưu diệt tầm và tứ, chứng và trú thiền thứ hai, một trạng thái hỷ lạc, do định sinh, không tầm không tứ, nội tĩnh nhất tâm. Này bà-la-môn, như vậy gọi là dấu chân của Như Lai, dấu cọ xát của Như Lai, dấu cắt chém của Như Lai. Nhưng vị thánh đệ tử không đi đến kết luận: “Thế Tôn là bậc Chánh Ðẳng Giác, Pháp được Thế Tôn khéo thuyết giảng, chúng Tăng khéo hành trì.”

21. Lại nữa, này bà-la-môn, tỳ-khưu ly hỷ trú xả, niệm tỉnh giác, thân cảm sự lạc thọ mà các bậc thánh gọi là xả niệm lạc trú, chứng và trú thiền thứ ba. Này bà-la-môn, như vậy gọi là dấu chân của Như Lai, dấu cọ xát của Như Lai, dấu cắt chém của Như Lai. Nhưng vị thánh đệ tử không đi đến kết luận: “Thế Tôn là bậc Chánh Ðẳng Giác, Pháp được Thế Tôn khéo thuyết giảng, chúng Tăng khéo hành trì.”

22. Lại nữa, này Bà-la-môn, tỳ-khưu xả lạc, xả khổ, diệt hỷ ưu đã cảm thọ trước, chứng và trú thiền thứ tư, không khổ không lạc, xả niệm thanh tịnh. Này bà-la-môn, như vậy gọi là dấu chân của Như Lai, dấu cọ xát của Như Lai, dấu cắt chém của Như Lai. Nhưng vị thánh đệ tử không đi đến kết luận: “Thế Tôn là bậc Chánh Ðẳng Giác, Pháp được Thế Tôn khéo thuyết giảng, chúng Tăng khéo hành trì.”

23. Với tâm định tĩnh, thuần tịnh, không cấu nhiễm, không phiền não, nhu nhuyến, dễ sử dụng, vững chắc, bình thản như vậy, vị ấy dẫn tâm, hướng tâm đến túc mạng minh. Vị ấy nhớ đến các đời sống quá khứ, như một đời, hai đời, ba đời, bốn đời, năm đời, mười đời, hai mươi đời, ba mươi đời, bốn mươi đời, năm mươi đời, một trăm đời, hai trăm đời, một ngàn đời, nhiều hoại kiếp, nhiều thành kiếp, nhiều hoại và thành kiếp. Vị ấy nhớ rằng: “Tại chỗ kia, ta có tên như thế này, dòng họ như thế này, giai cấp như thế này, thọ khổ lạc như thế này, tuổi thọ đến mức như thế này. Sau khi chết tại chỗ kia, ta được sinh ra tại chỗ nọ. Tại chỗ ấy, ta có tên như thế này, dòng họ như thế này, giai cấp như thế này, thọ khổ lạc như thế này, tuổi thọ đến mức như thế này. Sau khi chết tại chỗ nọ, ta được sinh ra ở đây.” Như vậy, vị ấy nhớ đến nhiều đời sống quá khứ cùng với các nét đại cương và các chi tiết. Này bà-la-môn, như vậy gọi là dấu chân của Như Lai, dấu cọ xát của Như Lai, dấu cắt chém của Như Lai. Nhưng vị thánh đệ tử không đi đến kết luận: “Thế Tôn là bậc Chánh Ðẳng Giác, Pháp được Thế Tôn khéo thuyết giảng, chúng Tăng khéo hành trì.”

24. Với tâm định tĩnh, thuần tịnh, không cấu nhiễm, không phiền não, nhu nhuyến, dễ sử dụng, vững chắc, bình thản như vậy, vị ấy dẫn tâm, hướng tâm đến trí tuệ về sinh tử của chúng sinh (sinh tử minh). Vị ấy với thiên nhãn thuần tịnh, siêu nhân, thấy sự sống và chết của chúng sinh. Vị ấy biết rõ ràng, chúng sinh, người hạ liệt kẻ cao sang, người đẹp đẽ kẻ thô xấu, người may mắn kẻ bất hạnh, đều do hạnh nghiệp của họ. Những chúng sinh làm những ác hạnh về thân, lời và ý, phỉ báng các bậc thánh, theo tà kiến, tạo các nghiệp theo tà kiến. Những người này sau khi thân hoại mạng chung, phải sinh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục. Còn chúng sinh nào làm những thiện hạnh về thân, lời và ý, không phỉ báng các bậc thánh, theo chánh kiến, tạo các nghiệp theo chánh kiến, những người này, sau khi thân hoại mạng chung, được sinh lên các thiện thú, cõi trời, trên đời này. Như vậy, vị ấy với thiên nhãn thuần tịnh, siêu nhân, thấy sự sống chết của chúng sinh. Vị ấy biết rõ rằng chúng sinh, người hạ liệt kẻ cao sang, người đẹp đẽ kẻ thô xấu, người may mắn kẻ bất hạnh, đều do hạnh nghiệp của họ. Này bà-la-môn, như vậy gọi là dấu chân của Như Lai, dấu cọ xát của Như Lai, dấu cắt chém của Như Lai. Nhưng vị thánh đệ tử không đi đến kết luận: “Thế Tôn là bậc Chánh Ðẳng Giác, Pháp được Thế Tôn khéo thuyết giảng, chúng Tăng khéo hành trì.”

25. Với tâm định tĩnh, thuần tịnh, không cấu nhiễm, không phiền não, nhu nhuyến, dễ sử dụng, vững chắc, bình thản như vậy, vị ấy dẫn tâm, hướng tâm đến lậu tận minh. Vị ấy biết như thật: “Ðây là khổ,” biết như thật: “Ðây là nguyên nhân của khổ,” biết như thật: “Ðây là khổ diệt,” biết như thật: “Ðây là con đường đưa đến khổ diệt,” biết như thật: “Ðây là những lậu hoặc,” biết như thật: “Ðây là nguyên nhân của lậu hoặc,” biết như thật: “Ðây là các lậu hoặc diệt,” biết như thật: “Ðây là con đường đưa đến sự diệt trừ các lậu hoặc.” Này bà-la-môn, như vậy gọi là dấu chân của Như Lai, dấu cọ xát của Như Lai, dấu cắt chém của Như Lai. Nhưng vị thánh đệ tử không đi đến kết luận: “Thế Tôn là bậc Chánh Ðẳng Giác, Pháp được Thế Tôn khéo thuyết giảng, chúng Tăng khéo hành trì.”

26, Vị ấy nhờ biết như vậy, nhờ thấy như vậy, tâm của vị ấy thoát khỏi dục lậu, thoát khỏi hữu lậu, thoát khỏi vô minh lậu. Ðối với tự thân đã giải thoát như vậy, khởi lên sự hiểu biết: “Ta đã giải thoát.” Vị ấy biết: “Sinh đã tận, phạm hạnh đã thành, việc cần làm đã làm, không có trở lui đời sống này nữa”.

Này bà-la-môn, như vậy gọi là dấu chân của Như Lai, dấu cọ xát của Như Lai, dấu cắt chém của Như Lai. Này bà-la-môn, tới mức độ này, vị thánh đệ tử đi đến kết luận: “Thế Tôn là bậc Chánh Ðẳng Giác, Pháp được Thế Tôn khéo thuyết giảng, chúng Tăng khéo hành trì.” Này Bà-la-môn, tới mức độ này, ví dụ dấu chân con voi thật sự được đầy đủ một cách rộng rãi.

27. Ðược nghe nói vậy, bà-la-môn Jànussoni bạch Thế Tôn:

– Thật vi diệu thay, Tôn giả Gotama! Thật vi diệu thay, Tôn giả Gotama! Như người dựng đứng lại những gì bị quăng ngã xuống, phơi bày ra những gì che kín, chỉ đường cho người bị lạc hướng, đem đèn sáng vào trong bóng tối để những ai có mắt có thể thấy sắc. Cũng vậy, Chánh pháp đã được Tôn giả Gotama dùng nhiều phương tiện trình bày, giải thích. Con xin quy y Tôn giả Gotama, quy y Pháp, và quy y chúng tỳ-khưu Tăng. Mong Tôn giả Gotama nhận con làm đệ tử, từ nay trở đi cho đến mệnh chung, con trọn đời quy ngưỡng.

(MN 27: Tiểu kinh Dụ dấu chân voi, Cūlahatthipadopama Sutta)

5. CÁC GIAI ĐOẠN CAO HƠN CỦA HUÂN TẬP VỚI CÁC VÍ DỤ

12. Này các tỳ-khưu, thế nào là các công việc đáng phải làm hơn nữa? Ở đây, này các tỳ-khưu, tỳ-khưu lựa một chỗ thanh vắng, tịch mịch, như khu rừng, gốc cây, khe núi, hang đá, bãi tha ma, lùm cây, ngoài trời, đống rơm.

13. Sau khi đi khất thực về và ăn xong, vị ấy ngồi xếp chân, lưng thẳng, và an trú niệm trước mặt. Vị ấy từ bỏ tham ái ở đời, sống với tâm thoát ly tham ái, gột rửa tâm hết tham ái. Từ bỏ sân hận, vị ấy sống với tâm không sân hận, lòng từ mẫn thương xót tất cả chúng hữu tình, gột rửa tâm hết sân hận. Từ bỏ hôn trầm thụy miên, vị ấy sống thoát ly hôn trầm và thụy miên, với tâm tưởng hướng về ánh sáng, niệm tỉnh giác, gột rửa tâm hết hôn trầm thụy miên. Từ bỏ trạo cử hối quá, vị ấy sống không trạo cử hối tiếc, nội tâm trầm lặng, gột rửa tâm hết trạo cử hối tiếc. Từ bỏ nghi ngờ, vị ấy sống thoát khỏi nghi ngờ, không phân vân lưỡng lự, gột rửa tâm hết nghi ngờ đối với thiện pháp.

14. Này các tỳ-khưu, như một người mắc nợ liền làm các nghề nghiệp. Những nghề này được phát đạt, người ấy không những trả được nợ cũ, còn có tiền dư để nuôi dưỡng vợ. Người ấy nghĩ: “Ta trước kia mắc nợ nên làm các nghề nghiệp. Những nghề này được phát đạt, ta không những trả được những nợ cũ, còn có tiền dư để nuôi dưỡng vợ.” Người ấy nhờ vậy được sung sướng, hoan hỷ. Này các tỳ-khưu, như một người bị bệnh, đau đớn, trầm trọng, ăn uống không tiêu, thể lực suy yếu. Sau một thời gian, người ấy khỏi bệnh, ăn uống tiêu thông, thể lực khôi phục. Người ấy nghĩ: “Ta trước kia bị bệnh, đau đớn trầm trọng, ăn uống không tiêu, thể lực suy yếu. Nay ta khỏi bệnh, ăn uống tiêu thông, thể lực khôi phục.” Người ấy nhờ vậy được sung sướng, hoan hỷ. Này các tỳ-khưu, như một người bị nhốt trong ngục. Người ấy sau một thời gian được khỏi tù tội, an lạc kiện toàn, tài sản không bị tổn giảm. Người ấy nghĩ: “Ta trước kia bị nhốt trong ngục, nay ta được khỏi tù tội, an lạc kiện toàn, tài sản không bị tổn giảm.”Người ấy nhờ vậy được sung sướng, hoan hỷ. Này các tỳ-khưu, như một người nô lệ, không được tự chủ, lệ thuộc người khác, không được tự do đi lại. Người ấy sau một thời gian thoát khỏi cảnh nô lệ, được tự chủ, không lệ thuộc người khác, một người thoát khỏi cảnh nô lệ, được tự chủ, không lệ thuộc người khác, một người giải thoát, được tự do đi lại. Người ấy nghĩ: “Ta trước kia bị cảnh nô lệ, không được tự chủ, lệ thuộc người khác, không được tự do đi lại. Nay ta thoát khỏi cảnh nô lệ, được tự chủ, không lệ thuộc người khác, một người giải thoát, được tự do đi lại.” Người ấy nhờ vậy được sung sướng, hoan hỷ. Này các tỳ-khưu, như một người giàu có, nhiều tài sản, đang đi qua bãi sa mạc. Người ấy sau một thời gian đã đi khỏi bãi sa mạc ấy, đến đầu làng, yên ổn, không có nguy hiểm, tài sản không bị tổn giảm. Người ấy nghĩ: “Ta trước kia giàu có, nhiều tài sản, đi qua bãi sa mạc. Nay ta đã đi qua khỏi bãi sa mạc ấy, yên ổn, không có nguy hiểm, tài sản không bị tổn giảm.” Người ấy nhờ vậy được sung sướng, hoan hỷ.

Cũng vậy này các tỳ-khưu, khi năm triền cái chưa đoạn trừ, vị tỳ-khưu quán thấy chúng như món nợ, như bệnh hoạn, như ngục tù, như cảnh nô lệ, như con đường qua sa mạc. Nhưng khi vị ấy đã tự mình đoạn trừ năm triền cái, vị ấy quán thấy như còn không mắc nợ, không bị bệnh tật, được khỏi tù tội, được tự do, đến được đất lành yên ổn.

15. Sau khi đã đoạn trừ năm triền cái này, những triền cái làm ô nhiễm tâm tư, làm yếu ớt trí tuệ, vị tỳ-khưu ly dục, ly ác, bất thiện pháp chứng và trú thiền thứ nhất, một trạng thái hỷ lạc do ly dục sinh, có tầm, có tứ. Vị ấy thấm nhuần, tẩm ướt, làm cho sung mãn, tràn đầy thân này với hỷ lạc do ly dục sinh, không một chỗ nào trên toàn thân không có hỷ lạc do ly dục sinh ấy thấm nhuần. Như một người hầu tắm lão luyện, hay đệ tử người hầu tắm, sau khi rắc bột tắm trong thau bằng đồng, liền nhồi bột ấy với nước, cục bột tắm ấy được thấm nhuần nước ướt, nhào trộn với nước ướt, thấm ướt cả trong lẫn ngoài với nước, nhưng không chảy thành giọt. Cũng vậy, vị tỳ-khưu thấm nhuần, tẩm ướt, làm cho sung mãn, tràn đầy thân này với hỷ lạc do ly dục sinh, không một chỗ nào trên toàn thân không được hỷ lạc do ly dục sinh ấy thấm nhuần.

16. Lại nữa, này các tỳ-khưu, vị tỳ-khưu diệt tầm và tứ, chứng và trú thiền thứ hai, một trạng thái hỷ lạc do định sinh, không tầm không tứ, nội tĩnh nhất tâm. Vị ấy thấm nhuần, tẩm ướt, làm cho sung mãn, tràn đầy thân này với hỷ lạc do định sinh, không một chỗ nào trên toàn thân không được hỷ lạc do định sinh ấy thấm nhuần. Ví như một hồ nước, nước từ trong dâng lên, phương Ðông không có lỗ nước chảy ra, phương Tây không có lỗ nước chảy ra, phương Bắc không có lỗ nước chảy ra, phương Nam không có lỗ nước chảy ra, và thỉnh thoảng trời mưa lớn. Suối nước mát từ hồ nước ấy phun ra, thấm nhuần, tẩm ướt, làm cho sung mãn, tràn đầy hồ nước ấy, với nước mát lạnh, không một chỗ nào của hồ nước ấy không được nước mát lạnh thấm nhuần. Cũng vậy, vị ấy thấm nhuần, tẩm ướt, làm cho sung mãn, tràn đầy thân mình với hỷ lạc do định sinh không một chỗ nào trên toàn thân không được hỷ lạc do định sinh thấm nhuần.

17. Lại nữa, này các tỳ-khưu, vị tỳ-khưu ly hỷ trú xả, niệm tỉnh giác, thân cảm sự lạc thọ mà các bậc thánh gọi là "xả niệm lạc trú", chứng và trú thiền thứ ba. Vị ấy thấm nhuần, tẩm ướt, làm cho sung mãn, tràn đầy thân này với lạc thọ không có hỷ ấy, không một chỗ nào trên toàn thân không được lạc thọ không có hỷ ấy thấm nhuần. Ví như trong hồ sen xanh, hồ sen hồng, hồ sen trắng, có những sen xanh, sen hồng hay sen trắng. Những bông sen ấy sinh trong nước, lớn lên trong nước, không vượt khỏi nước, nuôi sống dưới nước, từ đầu ngọn cho đến gốc rễ đều thấm nhuần, tẩm ướt, tràn đầy thấu suốt bởi nước mát lạnh ấy, không một chỗ nào của toàn thể sen xanh, sen hồng hay sen trắng không được nước mát lạnh ấy thấm nhuần. Cũng vậy, vị ấy thấm nhuần, tẩm ướt, làm cho sung mãn, tràn đầy thân này với lạc thọ không có hỷ ấy, không một chỗ nào trên toàn thân không được lạc thọ không có hỷ ấy thấm nhuần.

18. Lại nữa, này các tỳ-khưu, vị tỳ-khưu xả lạc xả khổ, diệt hỷ ưu đã cảm thọ trước, chứng và trú thiền thứ tư, không khổ không lạc, xả niệm thanh tịnh. Vị ấy thấm nhuần toàn thân mình với tâm thuần tịnh trong sáng, không một chỗ nào trên toàn thân không được tâm thuần tịnh trong sáng ấy thấm nhuần. Ví như một người ngồi, dùng tấm vải trắng trùm đầu, không một chỗ nào trên toàn thân không được vải trắng ấy che thấu. Cũng vậy, này các tỳ-khưu, vị ấy ngồi thấm nhuần toàn thân mình với tâm thuần tịnh trong sáng, không một chỗ nào trên toàn thân không được tâm thuần tịnh trong sáng ấy thấm nhuần.

19. Với tâm định tĩnh, thuần tịnh trong sáng, không cấu nhiễm, không phiền não, nhu nhuyến, dễ sử dụng, vững chắc, bình tĩnh như vậy, vị ấy dẫn tâm, hướng tâm đến túc mạng minh. Vị ấy nhớ đến các đời sống quá khứ, như một đời, hai đời, ba đời, bốn đời, năm đời, mười đời, hai mươi đời, ba mươi đời, bốn mươi đời, năm mươi đời, một trăm đời, một ngàn đời, một trăm ngàn đời, nhiều hoại kiếp, nhiều thành kiếp, nhiều hoại và thành kiếp. Vị ấy nhớ rằng: “Tại chỗ kia, ta có tên như thế này, dòng họ như thế này, giai cấp như thế này, thọ khổ lạc như thế này, tuổi thọ đến mức như thế này. Sau khi chết tại chỗ kia, ta được sinh ra tại chỗ nọ. Tại chỗ ấy, ta có tên như thế này, dòng họ như thế này, giai cấp như thế này, thọ khổ lạc như thế này, tuổi thọ đến mức như thế này. Sau khi chết tại chỗ nọ, ta được sinh ra ở đây.” Như vậy, vị ấy nhớ đến nhiều đời sống quá khứ cùng với các nét đại cương và các chi tiết. Ví như một người đi từ làng mình đến làng khác, từ làng ấy đi đến một làng khác nữa, và từ làng này lại trở về làng của mình, người ấy nghĩ: “Ta từ làng của mình đi đến làng kia, nơi đây, ta đã đứng như thế này, đã ngồi như thế này, đã nói như thế này, đã yên lặng như thế này. Từ nơi làng nọ, ta đã trở về làng của ta.” Như vậy, vị ấy với tâm định tĩnh, thuần tịnh trong sáng, không cấu nhiễm, không phiền não, nhu nhuyến, dễ sử dụng, vững chắc, bình tĩnh như vậy, vị ấy dẫn tâm, hướng tâm đến túc mạng minh ... Như vậy, vị ấy nhớ đến nhiều đời sống quá khứ cùng với các nét đại cương và các chi tiết.

20. Với tâm định tĩnh, thuần tịnh trong sáng, không cấu nhiễm, không phiền não, nhu nhuyến, dễ sử dụng, vững chắc, bình tĩnh như vậy, vị ấy dẫn tâm, hướng tâm đến trí tuệ về sinh tử của chúng sinh (sinh tử minh). Vị ấy với thiên nhãn thuần tịnh, siêu nhân, thấy sự sống và chết của chúng sinh. Vị ấy biết rõ rằng chúng sinh, người hạ liệt, kẻ cao sang, người đẹp đẽ, kẻ thô xấu, người may mắn, kẻ bất hạnh đều do hạnh nghiệp của họ. Những chúng sinh làm những ác hạnh về thân, lời và ý, phỉ báng các bậc thánh, theo tà kiến, tạo các nghiệp theo tà kiến. Những người này, sau khi thân hoại mạng chung, phải sinh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục. Còn những chúng sinh nào làm những thiện hạnh về thân, lời và ý, không phỉ báng các bậc thánh, theo chánh kiến, tạo các nghiệp theo chánh kiến. Những người này, sau khi thân hoại mạng chung, được sinh lên thiện thú, cõi trời, trên đời này. Như vậy, vị ấy với thiên nhãn thuần tịnh siêu nhân, thấy sự sống chết của chúng sinh. Vị ấy biết rõ rằng chúng sinh, người hạ liệt, kẻ cao sang, người đẹp đẽ, kẻ thô xấu, người may mắn, kẻ bất hạnh, đều do hạnh nghiệp của họ. Này các tỳ-khưu, ví như có hai nhà có cửa, và ở đây, một người có mắt đứng ở giữa, người này có thể thấy các người khác đi vào nhà, đi ra, đi qua, đi lại. Cũng vậy, này các tỳ-khưu, vị ấy với thiên nhãn thuần tịnh, siêu nhân, thấy sự sống chết của chúng sinh ... Vị ấy tuệ tri rằng, chúng sinh, người hạ liệt, kẻ cao sang, người đẹp đẽ, kẻ thô xấu, người may mắn, kẻ bất hạnh, đều do hạnh nghiệp của họ.

21. Với tâm định tĩnh, thuần tịnh, không cấu nhiễm, không phiền não, nhu nhuyến, dễ sử dụng, vững chắc, bình thản như vậy, vị ấy dẫn tâm, hướng tâm đến lậu tận minh. Vị ấy biết như thật: “Ðây là khổ,” biết như thật: “Ðây là nguyên nhân của khổ,” biết như thật: “Ðây là khổ diệt,” biết như thật: “Ðây là con đường đưa đến khổ diệt,” biết như thật: “Ðây là những lậu hoặc,” biết như thật: “Ðây là nguyên nhân của lậu hoặc,” biết như thật: “Ðây là các lậu hoặc diệt,” biết như thật: “Ðây là con đường đưa đến sự diệt trừ các lậu hoặc.” Nhờ hiểu biết như vậy, nhận thức như vậy, tâm của vị ấy thoát khỏi dục lậu, thoát khỏi hữu lậu, thoát khỏi vô minh lậu. Ðối với tự thân đã giải thoát như vậy, vị ấy khởi lên sự hiểu biết: “Ta đã giải thoát.” Vị ấy tuệ tri: “Sinh đã tận, phạm hạnh đã thành, những việc cần làm đã làm xong, không có trở lui đời sống này nữa.”

Này các tỳ-khưu, ví như tại dãy núi lớn có một hồ nước, thuần tịnh, trong sáng, không cấu nhiễm, một người có mắt, đứng trên bờ sẽ thấy con hến, con sò, những hòn đá, hòn sạn, những đàn cá bơi qua lại hay đứng một chỗ. Vị ấy nghĩ: “Ðây là hồ nước thuần tịnh, trong sáng, không cấu nhiễm. Ðây là những con hến, con sò, những hòn đá, hòn sạn, những đàn cá đang bơi qua lại hay đứng yên một chỗ.” Cũng vậy, vị tỳ-khưu ấy biết như thật: “Ðây là khổ,” ... Vị ấy tuệ tri: “Sinh đã tận, phạm hạnh đã thành, những việc cần phải làm đã làm xong, không có trở lui đời sống này nữa.”

(MN 39:  Ðại kinh Xóm ngựa, Mahā Assapura Sutta)

* * *

Nguồn:

1)      In the Buddha’s Words - An Anthology of Discourses from the Pali Canon, Bhikkhu Bodhi, 512 pages, US$18.95. ISBN 9780861714919
  http://www.wisdompubs.org/book/buddha%E2%80%99s-words  
   http://www.bookdepository.com/Buddhas-Words-Bhikkhu-Bodhi/9780861714919

2)      E-book: http://budsas.net/sach/en43.zip

 

 

 [ Home ]

27-09-2015