Đàm luận Phật Pháp
- 63 -
In the Buddha’s Words – An Anthology
of Discourses from the Pali Canon
Bhikkhu Bodhi (2005)
Những lời Phật dạy – Một bản trích lục các bài giảng từ kinh điển Pali
Tỳ-khưu Bodhi
(2005)
ibw.jpg 939 * 900 |
mucluc.jpg 1235 * 868 |
Dàn bài
|
CHƯƠNG III – TIẾP CẬN GIÁO PHÁP DẪN NHẬP Một trong những khó khăn bất cứ một người tầm đạo tha thiết và cởi mở cũng phải đối diện là sự chọn lựa những lời dạy sẵn có về tôn giáo và tâm linh vốn rất phong phú và đa dạng. Bản chất của những lời giảng dạy giáo lý là thường đòi hỏi phải có lòng trung thành tuyệt đối và trọn vẹn. Những tín đồ của một tín ngưỡng nào đó thường có khuynh hướng cho rằng chỉ có tôn giáo của mình là tiết lộ được chân lý cuối cùng về vị trí của chúng ta trong vũ trụ và số phận tối hậu của chúng ta. Họ mạnh dạn đề xuất rằng chỉ có con đường của họ là cung cấp các phương tiện để đảm bảo sự cứu rỗi đời đời. Nếu chúng ta có thể đình chỉ tất cả các cam kết về niềm tin và so sánh các giáo thuyết cạnh tranh một cách công bằng, đem chúng ra thực nghiệm, có lẽ chúng ta sẽ có một phương pháp chắc chắn để quyết định chọn lựa. Nhờ đó, sự thử thách của chúng ta sẽ kết thúc. Nhưng không đơn giản như vậy. Các tôn giáo đối nghịch đều đề xuất – hay giả định – những lý thuyết mà chúng ta không thể xác định trực tiếp bằng kinh nghiệm cá nhân. Các tôn giáo nầy thường đưa ra những giáo lý đòi hỏi phải có một mức độ tin tưởng. Khi có xung đột giữa giáo lý và thực hành, chúng ta gặp phải vấn đề là tìm cách nào đó để quyết định chọn lựa và kết hợp những tuyên bố cạnh tranh về chân lý. Một giải pháp cho vấn đề này là phủ nhận có bất kỳ xung đột thực sự giữa các hệ thống tín điều. Những người đi theo giải pháp này, có thể gọi là chủ nghĩa phổ quát tôn giáo, nói rằng cốt lõi của tất cả truyền thống tâm linh trên cơ bản là giống nhau. Công thức có thể khác nhau, nhưng cốt lõi bên trong là như nhau, thể hiện khác nhau chỉ đơn thuần là để phù hợp với những sự nhạy cảm khác nhau. Điều chúng ta cần làm, theo chủ nghĩa phổ quát tôn giáo, khi phải đối diện với các truyền thống tâm linh khác nhau, là moi ra hạt nhân của sự thật bên trong, từ vỏ bọc của các tín điều hiển giáo. Trên mặt đất, mục tiêu của chúng ta có thể nhìn khác nhau, nhưng từ trên cao, chúng ta sẽ thấy mục tiêu là như nhau; cũng giống như quan sát mặt trăng từ những đỉnh núi khác nhau. Những người theo chủ nghĩa phổ quát tôn giáo trong các vấn đề của giáo thuyết thường ủng hộ chủ nghĩa chiết trung khi thực hành. Họ chủ trương là chúng ta có thể chọn bất cứ điều gì chúng ta muốn thực hành, và kết hợp chúng như các món ăn tại một bữa tiệc buffet. Giải pháp này đối với tính đa dạng của tôn giáo có một sức hấp dẫn ngay lập tức cho những người thất vọng với tuyên bố độc quyền của tôn giáo giáo điều. Tuy nhiên, với nhận định phê bình chân thật, chúng ta sẽ thấy trong những vấn đề quan trọng nhất, các tôn giáo và truyền thống tâm linh khác nhau có quan điểm khác nhau. Các tôn giáo nầy cho chúng ta câu trả lời rất khác nhau cho câu hỏi của chúng ta liên quan đến các cơ bản và mục tiêu của sự tầm cầu tâm linh. Thông thường, những khác biệt này không chỉ bằng lời nói. Bỏ qua các khác biệt đó, cho rằng chỉ khác biệt qua lời nói bên ngoài, có thể là một cách hiệu quả để đạt được sự hài hòa giữa những người theo những hệ thống tín ngưỡng khác nhau. Nhưng cách đó không thể chấp nhận khi được kiểm tra chặt chẽ. Cuối cùng, không thể nói rằng, bởi vì chúng có mỏ và cánh, đại bàng, chim sẻ, và gà về cơ bản là cùng một loại sinh vật, sự khác biệt giữa chúng chỉ đơn thuần qua cách nói bên ngoài. Đây không chỉ là các tôn giáo hữu thần dạy giáo lý vượt ra ngoài phạm vi của thực nghiệm để xác nhận ngay lập tức. Đức Phật cũng dạy những giáo thuyết mà người bình thường có thể không trực tiếp xác định được bằng kinh nghiệm hàng ngày, và những giáo thuyết này là nền tảng cho cấu trúc của sự giảng dạy của Ngài. Chúng ta đã thấy, lấy ví dụ, trong các đoạn dẫn nhập của chương I và II, rằng các bộ kinh Nikāya trình bày một vũ trụ với nhiều cõi chúng sinh trải ra trong không gian vô biên và thời gian vô hạn. Một vũ trụ mà trong đó chúng sinh đi lang thang từ đời này sang đời khác, vì vô minh, tham ái và nghiệp hành của mình. Các bộ kinh Nikāya trình bày rằng trong suốt thời gian vô thủy, vô số vị Phật xuất hiện và chuyển bánh xe Pháp. Mỗi vị Phật đạt giác ngộ sau khi vun trồng hoàn hảo các pháp ba-la-mật qua nhiều thời gian lâu dài trong vũ trụ. Khi tiếp cận Pháp, chúng ta có khuynh hướng chống lại niềm tin như vậy, và cảm thấy rằng bài kinh đó đòi hỏi quá đáng trong khả năng của chúng ta về niềm tin. Vì vậy, có lẽ chúng ta sẽ tự đặt câu hỏi, nếu chúng ta muốn làm theo lời Phật dạy, chúng ta có cần phải chấp nhận toàn bộ giáo lý Phật giáo cổ điển hay không. Đối với Phật giáo Sơ kỳ, tất cả các vấn đề chúng ta phải đối mặt trong việc quyết định chúng ta nên đặt niềm tin đến mức độ nào có thể được xử lý ngay lập tức. Đó là việc quay trở lại kinh nghiệm trực tiếp làm cơ sở tối hậu để phán quyết. Một trong những đặc điểm nổi bật của giáo lý của Đức Phật là tôn trọng kinh nghiệm trực tiếp. Các kinh văn của Phật giáo Sơ kỳ không dạy một giáo thuyết bí mật, cũng không để dành điều gì giống như một con đường huyền bí dành cho một tầng lớp tín đồ tinh hoa, không truyền bá cho những người khác. Theo Kinh văn III,1, bí mật trong trong giáo lý là dấu hiệu của quan điểm sai lầm (tà kiến) và suy nghĩ lầm lộn. Giáo lý của Đức Phật tỏa sáng một cách công khai, rạng rỡ và rực rỡ như ánh sáng của mặt trời và mặt trăng. Không bị bao trùm bởi bí mật là một đặc tính không thể thiếu của một giáo lý dành ưu tiên cho kinh nghiệm trực tiếp, mời gọi mỗi cá nhân đến kiểm tra các nguyên tắc của giáo lý đó, qua thử thách kinh nghiệm riêng của mình. Điều này không có nghĩa là một người bình thường hoàn toàn có thể xác nhận giáo thuyết của Đức Phật, bằng kinh nghiệm trực tiếp mà không cần nỗ lực đặc biệt. Ngược lại, lời dạy của Ngài chỉ có thể được thực hiện đầy đủ thông qua việc đạt được một kinh nghiệm phi thường vượt xa phạm vi của những người bình thường, vốn đang vướng bận vào các mối quan tâm của cuộc sống trần tục. Tuy nhiên, trái ngược với tôn giáo khải thị, Đức Phật không đòi hỏi chúng ta phải bắt đầu việc tầm đạo bằng cách đặt niềm tin vào các giáo thuyết nằm ngoài phạm vi của kinh nghiệm trực tiếp của chúng ta. Thay vì đòi hỏi chúng ta phải đương đầu với các vấn đề, trong điều kiện hiện tại của chúng ta, không có số lượng kinh nghiệm để có thể quyết định, Ngài dạy chúng ta nên quan tâm đến những câu hỏi đơn giản, có liên quan phúc lợi và hạnh phúc trước mắt của chúng ta, những câu hỏi mà chúng ta có thể trả lời trên cơ sở kinh nghiệm cá nhân. Tôi (tác giả) nhấn mạnh câu “trong điều kiện hiện tại của chúng ta”, bởi vì thực tế là có những vấn đề chúng ta không thể xác định đươc. Nhưng đó không phải là căn cứ để chối bỏ như là không hợp lý hoặc thậm chí không thích hợp. Nó chỉ có nghĩa rằng chúng ta nên đặt chúng sang một bên trong thời gian này, và chỉ quan tâm đến vấn đề nằm trong trong phạm vi kinh nghiệm trực tiếp. Đức Phật dạy giáo lý của Ngài là về đau khổ và sự chấm dứt đau khổ. Tuyên bố này không có nghĩa là Pháp là chỉ quan tâm đến kinh nghiệm của chúng ta về đau khổ trong cuộc sống hiện tại. Nhưng nó có nghĩa là chúng ta có thể sử dụng kinh nghiệm hiện tại, được hỗ trợ bởi quán sát thông minh, như một tiêu chuẩn để xác định những gì là có lợi và những gì có hại cho tiến trình tâm linh của chúng ta. Nhu cầu tồn tại dai dẳng nhất của chúng ta, sâu thẳm trong chúng ta, là nhu cầu tự do không bị tổn hại, buồn rầu, và đau khổ; hoặc, nói một cách tích cực, nhu cầu để đạt được an lạc và hạnh phúc. Tuy nhiên, để tránh gây tổn hại và đảm bảo hạnh phúc, không phải chúng ta chỉ hy vọng đơn thuần. Đầu tiên, chúng ta phải hiểu các điều kiện mà chúng phụ thuộc. Theo Đức Phật, bất cứ điều gì phát sinh, phát sinh từ các nguyên nhân và điều kiện thích hợp. Điều này xảy ra đồng đều cho cả khổ đau lẫn hạnh phúc. Vì vậy, chúng ta phải xác định nguyên nhân và điều kiện dẫn đến gây tổn hại và đau khổ, và tương tự như vậy, nguyên nhân và điều kiện dẫn đến an lạc và hạnh phúc. Một khi chúng ta đã thấy rõ hai nguyên tắc nầy – các điều kiện dẫn đến gây tổn hại và đau khổ, và các điều kiện dẫn đến an lạc phúc và hạnh phúc – chúng ta có một phác thảo của toàn bộ quá trình dẫn đến mục tiêu tối hậu, giải thoát rốt ráo khỏi đau khổ. Bài kinh cho một ví dụ tuyệt vời của phương pháp này là một bài giảng ngắn trong Tăng chi bộ, thường được gọi là kinh Kālāma, Kinh văn III,2. Những người trong bộ tộc Kālāma sống trong một khu vực xa xôi của vùng đồng bằng sông Hằng. Các đạo sư của nhiều tôn giáo khác nhau đến thăm viếng, mỗi vị ca ngợi giáo thuyết riêng của mình và bác bỏ giáo thuyết của các đối thủ của mình. Bối rối và lúng túng bởi các xung đột trong các hệ thống tín điều, những người dân Kālāma không biết chọn ai để tin tưởng. Khi Đức Phật đi qua thị trấn của họ, họ tiến lại gần và hỏi Ngài để giúp xóa tan nghi ngờ của họ. Mặc dù kinh văn không xác định những vấn đề đặc biệt nào đã tạo ưu tư cho người Kālāma, phần sau của bài kinh chỉ rõ ràng rằng họ lúng túng xoay quanh những câu hỏi về tái sinh và nghiệp. Đức Phật bắt đầu bằng cách đảm bảo người Kālāma rằng trong tình huống như vậy, họ nghi ngờ như thế là đúng, đối với những vấn đề mà họ gặp rắc rối thực sự là nguồn gốc thông thường của nghi ngờ và bối rối. Sau đó, Ngài nói với họ không nên dựa vào mười nguồn gốc của niềm tin. Trong số đó, có bốn điều liên quan đến thành lập thẩm quyền về kinh điển (khẩu truyền, dòng dõi giảng dạy, tin đồn, và sưu tập các kinh văn); bốn điều liên quan đến căn cứ hợp lý (logic, suy luận, suy nghĩ lý luận, và việc chấp nhận một quan kiến sau khi cân nhắc); và hai điều liên quan đến người có thẩm quyền (thuyết giả có ấn tượng và giảng sư đáng kính). Lời khuyên này đôi khi được trích dẫn để chứng minh rằng Đức Phật bác bỏ tất cả các cơ quan thẩm quyền và mời gọi mỗi cá nhân tùy ý định đoạt con đường riêng để tìm chân lý. Tuy nhiên, đọc trong bối cảnh bài kinh, thông điệp của kinh Kālāma khác hẳn. Đức Phật không khuyên những người Kālāma – cần phải nhấn mạnh ở đây là những người nầy ngay lúc đó chưa phải là đệ tử của Ngài – bác bỏ tất cả các hướng dẫn có thẩm quyền để có hiểu biết tâm linh, và trở lại hoàn toàn dựa vào trực giác cá nhân của họ. Thay vào đó, Ngài chỉ cho họ một phương cách đơn giản và thực dụng, để thoát ra khỏi bãi lầy của sự nghi ngờ và lúng túng mà họ đang đắm chìm trong đó. Bằng cách sử dụng các phương pháp khéo léo của thẩm tra, Ngài hướng dẫn họ thông hiểu một số nguyên tắc cơ bản mà họ có thể xác minh bằng kinh nghiệm của mình. Từ đó, có được một điểm khởi đầu chắc chắn để phát triễn tâm linh. Tiềm ẩn dưới các câu hỏi của Đức Phật và trả lời của những người Kālāma là tiền đề ngầm hiểu rằng con người chủ yếu được thúc đẩy để hành động là từ mối quan tâm được an lạc và hạnh phúc cho mình. Khi đặt ra các câu hỏi này, mục đích của Đức Phật là để hướng dẫn người Kālāma thấy rằng, ngay cả khi chúng ta tạm thời đình chỉ tất cả mối quan tâm với các đời sống trong kiếp sau, những trạng thái tâm bất thiện như tham, sân, si, và hành động bất thiện như sát hại và trộm cắp, cuối cùng đưa đến tác hại và đau khổ cho mình ngay tại đây và ngay bây giờ. Ngược lại, trạng thái tâm hồn lành mạnh và hành động thiện lành sẽ đưa đến an lạc và hạnh phúc lâu dài ngay tại đây và ngay bây giờ. Một khi điều này được nhận thấy rõ ràng, hậu quả tác hại có thể nhìn thấy ngay lập tức do những tâm ý bất thiện trở thành một lý do đầy đủ để buông bỏ chúng. Những lợi ích có thể nhìn thấy do những tâm ý thiện lành trở thành một động lực đủ để nuôi dưỡng chúng. Sau đó, dù có hoặc không có một đời sống sau khi chết, chúng ta có lý do chính đáng trong cuộc sống hiện tại để từ bỏ những trạng thái tâm bất thiện và trau dồi trạng thái tinh thần lành mạnh. Nếu có kiếp sau, phần thưởng đương nhiên sẽ to lớn hơn nhiều. Một cách tiếp cận tương tự được trình bày trong Kinh văn III,3, trong đó, Đức Phật trình bày như thế nào đau khổ phát sinh và chấm dứt trong hiện tại, trong mối tương quan với ái dục hiện tại. Bài kinh ngắn này, dạy một cư sĩ, chính xác nói lên nguyên tắc nhân quả nằm phía sau Tứ Diệu Đế. Thay vì trình bày một cách trừu tượng, bài kinh dùng cách tiếp cận cụ thể, đơn giản gần gũi nhưng có sức hấp dẫn hiện đại đáng kể. Bằng cách sử dụng các ví dụ mạnh mẽ rút ra từ cuộc sống của một cư sĩ gắn bó với vợ và con trai, bài kinh tạo một ấn tượng sâu sắc và lâu dài cho chúng ta. Điều mà các kinh văn như bài kinh này và bài kinh Kālāma không đề cập đến giáo thuyết về nghiệp và tái sinh không có nghĩa, như đôi khi người ta suy diễn, rằng các lời dạy nầy chỉ là các phần văn hóa tăng bồi của Giáo Pháp, có thể xóa hoặc bỏ qua mà không mất phần cốt yếu. Điều nầy có nghĩa là, ngay từ đầu, Giáo Pháp có thể được tiếp cận theo nhiều cách mà không cần quy chiếu đến đời sống quá khứ và tương lai. Lời dạy của Đức Phật có nhiều mặt, và vì thế, từ góc độ nào đó, Giáo Pháp có thể được đánh giá trực tiếp đối với mối quan tâm của chúng ta về sự an lạc và hạnh phúc trong hiện tại. Một khi chúng ta thấy rằng việc thực hành các lời dạy của Ngài thực sự mang lại hòa bình, niềm vui và an toàn nội tâm ngay trong đời này, điều này sẽ tạo hứng khởi cho sự tin tưởng và tín nhiệm của chúng ta vào toàn thể Giáo Pháp, bao gồm cả những khía cạnh nằm ngoài khả năng hiện tại của chúng ta để tự xác minh. Nếu chúng ta phải tu tập thêm nữa – những pháp môn tu tập đòi hỏi phải có kỹ năng tinh nhạy và nỗ lực quyết tâm – chúng ta có thể sẽ có được những khả năng cần thiết để xác nhận các khía cạnh khác của Giáo Pháp, chẳng hạn như luật nhân quả, thực tế của tái sinh, và sự hiện hữu của các cõi giới khác (xem Kinh văn VII,4 và Kinh văn VII,5). Một vấn đề lớn mà người tầm đạo thường hay băn khoăn là các đạo sư thường đòi hỏi môn đệ phải có lòng tin vào vị đạo sư. Vấn đề này trở nên đặc biệt nghiêm trọng trong thời đại chúng ta, khi các phương tiện truyền thông sẵn sàng loan tải những yếu điểm của rất nhiều đạo sư. Họ không bỏ lỡ cơ hội để cho thấy bất kỳ một thánh nhân nào trong thời đại nầy không có gì tốt hơn so với một kẻ lừa đảo trong bộ áo choàng. Nhưng vấn đề về các đạo sư giả mạo là một trong những vấn đề có từ ngàn xưa, không phải chỉ mới bây giờ. Bất cứ khi nào một người thực thi quyền bính thiêng liêng lên những người khác, rất dễ dàng cho người đó bị cám dỗ để lợi dụng lòng tin qua nhiều phương cách, gây tai hại nghiêm trọng cho chính họ và các môn đệ. Khi một môn đệ tiếp cận một vị đạo sư tuyên bố là hoàn toàn giác ngộ, và do đó, có khả năng giảng dạy con đường giải thoát tối hậu, người môn đệ đó cần phải có một số tiêu chí trong tay để thử nghiệm vị đạo sư, để xác định vị đạo sư có thực sự đúng như những gì vị ấy tuyên bố về chính mình – hay những gì người khác ca ngợi về vị ấy. Trong bài kinh Vı̄maṃsaka (kinh Tư sát), Kinh văn III,4, Đức Phật đưa ra các hướng dẫn mà một tu sĩ có thể kiểm tra vị “Tathāgata” (Như Lai), nghĩa là Đức Phật, để đánh giá tuyên bố của Ngài là đã hoàn toàn giác ngộ. Một điểm chuẩn của sự giác ngộ hoàn hảo là sự tự do của tâm trí khỏi mọi phiền não. Nếu một tu sĩ có thể không trực tiếp nhìn vào tâm trí của Đức Phật, vị ấy vẫn có thể dựa vào bằng chứng gián tiếp để xác định rằng Đức Phật được giải thoát khỏi phiền não. Điều nầy có nghĩa là, bằng cách đánh giá những hành động và lời nói của Đức Phật, vị ấy có thể suy ra rằng các trạng thái tâm ý của Đức Phật là độc nhất thanh tịnh, không bị ảnh hưởng bởi tham, sân, và si. Ngoài việc quan sát suy luận như vậy, Đức Phật khuyến khích vị tu sĩ tiếp cận Ngài và trực tiếp tìm hiểu về các trạng thái tâm ý của Ngài. Khi người môn đệ có sự tin tưởng vào Đức Phật là một đạo sư có trình độ, người ấy tiếp tục thực hiện một cuộc thử nghiệm tối hậu. Người ấy học và thực hành lời giảng dạy của vị đạo sư và thâm nhập Pháp qua trực tiếp hiểu biết. Hành động thâm nhập nầy – tương đương với điều kiện tối thiểu của quả Dự lưu – mang đến “lòng tin bất thối chuyển”, lòng tin của một người đã đi vào dòng thánh, tiến đến giải thoát rốt ráo, không còn quay lui lại nữa. Nếu đọc riêng rẻ, kinh Tư sát có thể tạo ra ấn tượng rằng ta chỉ có đức tin sau khi thực chứng lời dạy, và bởi vì sự thực chứng tự nó đã có giá trị, vì thế đức tin trở thành không cần thiết. Ấn tượng này, tuy nhiên, chỉ là một chiều. Điểm quan trọng trong bài kinh là niềm tin đó trở nên vững chắc, bất lay chuyển, như là kết quả của thực chứng, không phải niềm tin đi vào con đường tâm linh chỉ có khi hành giả thực chứng. Niềm tin, hay “tín”, là một trong năm khả năng (ngũ căn), và trong mức độ nào đó, tin tưởng vào sự giác ngộ của Đức Phật và các nguyên tắc chính trong lời giảng dạy của Ngài, , đó là một điều kiện tiên quyết cho việc tu tập cao hơn. Chúng ta sẽ thấy niềm tin có tác dụng như thế nào trong vai trò chuẩn bị này trong Kinh văn III,5, trích một đoạn dài từ bài kinh Caṅkı̄. Ở đây, Đức Phật giải thích rằng một người có niềm tin vào một cái gì đó sẽ “hộ trì chân lý” (saccānurakkhanā) khi người ấy nói rằng “đây là niềm tin của tôi.” Người ấy “hộ trì chân lý” vì người ấy chỉ đơn thuần khẳng định những gì người ấy tin, mà không nhảy đến kết luận rằng những gì người ấy tin chắc chắn là đúng sự thật và bất cứ điều gì trái với nó là sai. Đức Phật tương phản “hộ trì chân lý” với “giác ngộ chân lý” (saccānubodha), bắt đầu bằng cách đặt niềm tin vào vị đạo sư đã chứng tỏ mình xứng đáng với sự tin tưởng. Có niềm tin đạt được trong một đạo sư như vậy, sau đó đến tiếp cận vị thầy để được hướng dẫn, học Pháp, thực hành Pháp (theo một loạt các bước được mô tả tinh tế hơn so với kinh văn trước đó), và cuối cùng nhìn thấy chân lý tối cao cho chính mình. Điều này chưa đánh dấu sự kết thúc con đường cho người đệ tử. Đó chỉ là bước đột phá ban đầu về chân lý, một lần nữa tương ứng với việc đắc quả Dự lưu. Sau khi đã nhìn thấy chân lý, để đạt được “điểm đến cuối cùng của chân lý” (saccānupatti) – có nghĩa là đắc quả A-la-hán hoàn toàn giải thoát, hành giả phải tiếp tục tu tập, phát triển và nuôi dưỡng cùng một loạt các bước tu tập, cho đến khi hành giả hoàn toàn hấp thu và thấm nhập chân lý tột cùng đã được nhận ra từ lúc ban đầu. Như vậy toàn bộ quá trình tu tập Pháp bắt rễ từ kinh nghiệm cá nhân. Ngay cả đức tin cũng phải bắt rễ từ việc khảo hạch và thẫm tra, không chỉ dựa trên các khuynh hướng cảm tính và niềm tin mù quáng. Đức tin không thôi cũng chưa đủ, nhưng là cánh cửa đưa đến các mức độ sâu sắc hơn của chứng nghiệm. Đức tin được dùng để thúc đẩy, khuyến khích thực hành; thực hành dẫn đến sự hiểu biết qua kinh nghiệm; và khi sự hiểu biết của hành giả được chín muồi, nó sẽ nở ra trong thực chứng toàn vẹn.
-ooOoo- |
TRÍCH LỤC CHƯƠNG III. TIẾP CẬN GIÁO PHÁP 1. KHÔNG PHẢI GIÁO PHÁP MẬT TRUYỀN “Này các tỳ-khưu, có ba pháp được che giấu khi thực hành, không có hiển lộ. Thế nào là ba? Sở hành của nữ nhân, chú thuật của bà-la-môn, và tà kiến. “Này các tỳ-khưu, ba pháp chói sáng, được hiển lộ, không có che giấu. Thế nào là ba? Vành tròn của mặt trăng, vành tròn của mặt trời, Pháp và Luật được Như Lai tuyên thuyết.” (AN 3:131)
2. KHÔNG GIÁO ĐIỀU HAY LÒNG TIN MÙ QUÁNG Như vầy tôi nghe. Một thời, Thế Tôn đang đi du hành giữa dân chúng Kosala, cùng với đại chúng tỳ-khưu, đi đến Kesaputta, thị trấn của các người Kālāma. Các người Kālāma ở Kesaputta được nghe: “Sa-môn Gotama là Thích tử, xuất gia từ dòng họ Thích ca đã đến Kesaputta. Tiếng đồn tốt đẹp như sau được truyền đi về Sa-môn Gotama: Ngài là Thế Tôn, bậc Ứng Cúng A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác, Minh Hạnh Túc, Thiện Tuệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Ðiều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn. Sau khi tự thực chứng, Ngài đã giảng dạy chư thiên và loài người, hàng tu sĩ và cư sĩ, vua chúa cùng thường dân. Ngài đã giảng Pháp cao diệu từ chặng đầu, chặng giữa, cho đến chặng cuối. Ngài đã giảng đời sống phạm hạnh chi tiết và rõ ràng, toàn hảo, hoàn toàn tinh khiết. Lành thay, nếu chúng tôi được yết kiến một vị Ứng Cúng như vậy.” Rồi các người Kālāma ở Kesaputta đi đến Thế Tôn. Sau khi đến, có người đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên; có người nói lên với Thế Tôn những lời chào đón thăm hỏi, sau khi nói lên những lời chào đón thăm hỏi thân hữu rồi ngồi xuống một bên; có người chắp tay vái chào Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên; có người xưng tên và dòng họ rồi ngồi xuống một bên; có người im lặng rồi ngồi xuống một bên. Sau khi ngồi xuống một bên, các người Kālāma ở Kesaputta bạch Thế Tôn: – Có một số sa-môn, bà-la-môn, bạch Thế Tôn, đi đến Kesaputta. Họ làm sáng tỏ, làm chói sáng quan điểm của mình, nhưng họ bài xích quan điểm người khác, khinh miệt, chê bai, xuyên tạc. Bạch Thế Tôn, lại có một số sa-môn, bà-la-môn khác cũng đi đến Kesaputta, họ làm sáng tỏ, làm chói sáng quan điểm của mình, nhưng họ bài xích quan điểm người khác, khinh miệt, chê bai, xuyên tạc. Ðối với họ, bạch Thế Tôn, chúng con có những nghi ngờ phân vân: “Trong những tôn giả sa-môn này, ai nói sự thật, ai nói láo?” – Ðương nhiên, này các Kālāma, các ông có những nghi ngờ. Ðương nhiên, này các Kālāma, các ông có những phân vân. Trong những trường hợp đáng nghi ngờ, các ông đương nhiên khởi lên phân vân. Này các Kālāma, chớ có tin vì nghe báo cáo, chớ có tin vì nghe truyền thuyết; chớ có tin vì theo truyền thống; chớ có tin vì được kinh điển truyền tụng; chớ có tin vì lý luận suy diễn; chớ có tin vì diễn giải tương tự; chớ có tin vì đánh giá hời hợt những dữ kiện; chớ có tin vì phù hợp với định kiến; chớ có tin vì phát xuất từ nơi có uy quyền, chớ có tin vì vị sa-môn là bậc đạo sư của mình. Nhưng này các Kālāma, khi nào tự mình biết rõ như sau: “Các pháp này là bất thiện; các pháp này là đáng chê; các pháp này bị các người có trí chỉ trích; các pháp này nếu thực hiện và chấp nhận sẽ đưa đến bất hạnh khổ đau,” thời này Kālāma, hãy từ bỏ chúng. Các ông nghĩ thế nào, này Kālāma? Khi tham, sân, si khởi lên trong nội tâm người nào, khởi lên như vậy là đưa lại hạnh phúc hay bất hạnh? – Bất hạnh, bạch Thế Tôn. – Này các Kālāma, khi tham, sân, si khởi lên trong nội tâm người nào, tâm người ấy bị tham, sân, si chinh phục, tâm bị xâm chiếm, người ấy sẽ giết các sinh vật, lấy của không cho, đi đến vợ người, nói láo, khích lệ người khác cũng làm như vậy. Như vậy, có làm cho người ấy bất hạnh đau khổ lâu dài hay không? – Thưa có, bạch Thế Tôn. – Các ông nghĩ thế nào, này các Kālāma, các pháp này là thiện hay bất thiện? – Là bất thiện, bạch Thế Tôn. – Đáng chê hay không đáng chê? – Đáng chê, bạch Thế Tôn. – Bị người có trí quở trách hay không bị người có trí quở trách? – Bị người có trí quở trách, bạch Thế Tôn. – Nếu được thực hiện, được chấp nhận, có đưa đến bất hạnh đau khổ không? Hay ở đây, là như thế nào? – Ðược thực hiện, được chấp nhận, bạch Thế Tôn, chúng đưa đến bất hạnh, đau khổ, ở đây, đối với chúng con là vậy. – Như vậy, này các Kālāma, điều Ta vừa nói với các ông: “Chớ có tin vì nghe báo cáo, ... chớ có tin vì vị sa-môn là bậc đạo sư của mình.” Nhưng này các Kālāma, khi nào tự mình biết rõ như sau: “Các pháp này là bất thiện; các pháp này là đáng chê; các pháp này bị các người có trí quở trách; các pháp này nếu thực hiện và chấp nhận sẽ đưa đến bất hạnh khổ đau,” thời này Kālāma, hãy từ bỏ chúng. Này các Kālāma, chớ có tin vì nghe báo cáo, ... chớ có tin vì vị sa-môn là bậc đạo sư của mình. Nhưng này các Kālāma, khi nào tự mình biết như sau: “Các pháp này là thiện; các pháp này là không đáng chê; các pháp này không bị các người có trí chỉ trích; các pháp này nếu thực hiện và chấp nhận sẽ đưa đến hạnh phúc an lạc,” thời này Kālāma, hãy tự đạt đến và an trú. Các ông nghĩ thế nào, này các Kālāma? Khi không tham, không sân, không si khi khởi lên trong nội tâm người nào, khởi lên như vậy, là đưa lại hạnh phúc hay bất hạnh cho người ấy? – Hạnh phúc, bạch Thế Tôn. – Này các Kālāma, khi không tham, không sân, không si khởi lên trong nội tâm người nào, tâm người không bị tham, sân, si chinh phục, tâm không bị xâm chiếm, không giết các sinh vật, không lấy của không cho, không đi đến vợ người, không nói láo, khích lệ người khác cũng làm như vậy. Như vậy, có làm cho người ấy hạnh phúc an lạc lâu dài hay không? – Thưa có, bạch Thế Tôn. – Các ông nghĩ thế nào, này các Kālāma, các pháp này là thiện hay bất thiện? – Là thiện, bạch Thế Tôn. – Các pháp này là đáng chê hay không đáng chê? – Không đáng chê, bạch Thế Tôn. – Bị người có trí quở trách hay được người có trí tán thán? – Ðược người trí tán thán, bạch Thế Tôn. – Nếu được thực hiện, được chấp nhận, có đưa đến hạnh phúc an lạc không, hay ở đây, là như thế nào? – Ðược thực hiện, được chấp nhận, bạch Thế Tôn, chúng đưa đến hạnh phúc, an lạc. Ở đây, đối với chúng con là vậy. – Này các Kālāma, chớ có tin vì nghe báo cáo, ... chớ có tin vì vị sa-môn là bậc đạo sư của mình. Nhưng này các Kālāma, khi nào tự mình biết rõ như sau: “Các pháp này là thiện; các pháp này là không có tội; các pháp này được người có trí tán thán; các pháp này nếu được thực hiện, được chấp nhận sẽ đưa đến hạnh phúc an lạc,” thời này Kālāma, hãy chứng đạt và an trú. – Này các Kālāma, vị thánh đệ tử nào ly tham, ly sân, ly si như vậy, tỉnh giác, chánh niệm, với tâm câu hữu với Từ biến mãn một phương; cũng vậy phương thứ hai; cũng vậy phương thứ ba; cũng vậy phương thứ tư. Như vậy, cùng khắp thế giới, trên, dưới, bề ngang, hết thảy phương xứ, cùng khắp vô biên giới, vị ấy an trú biến mãn với tâm câu hữu với Từ, quảng đại, đại hành, vô biên, không hận, không sân. Vị thánh đệ tử nào ly tham, ly sân, ly si như vậy, tỉnh giác, chánh niệm, với tâm câu hữu với Bi biến mãn một phương; cũng vậy phương thứ hai; cũng vậy phương thứ ba; cũng vậy phương thứ tư. Như vậy, cùng khắp thế giới, trên, dưới, bề ngang, hết thảy phương xứ, cùng khắp vô biên giới, vị ấy an trú biến mãn với tâm câu hữu với Bi, ... tâm câu hữu với Hỷ, ... tâm câu hữu với Xả biến mãn một phương; cũng vậy phương thứ hai; cũng vậy phương thứ ba; cũng vậy phương thứ tư. Như vậy, cùng khắp thế giới, trên, dưới, bề ngang, hết thảy phương xứ, cùng khắp vô biên giới, vị ấy an trú biến mãn với tâm câu hữu với Xả, quảng đại, đại hành, vô biên, không hận, không sân. Vị thánh đệ tử, này các Kālāma, với tâm không oán như vậy, không sân như vậy, không uế nhiễm như vậy, thanh tịnh như vậy, ngay trong hiện tại, người ấy đạt được bốn sự an ổn: i) “Nếu có đời sau, nếu có kết quả dị thục các nghiệp thiện ác, sau khi thân hoại mạng chung, ta sẽ sinh lên cõi thiện, cõi trời, cõi đời này,” đây là an ổn thứ nhất vị ấy có được. ii) “Nếu không có đời sau, nếu không có kết quả dị thục các nghiệp thiện ác, thời ở đây, trong hiện tại, ta tự sống với tâm không oán, không sân, không phiền não, được an lạc,” đây là an ổn thứ hai vị ấy có được. iii) “Nếu quả ác đến với người làm ác, nhưng ta không có tâm ác đối với ai và ta không làm điều ác, sao ta có thể cảm thọ khổ đau được,” đây là an ổn thứ ba vị ấy có được. iv) “Nếu quả ác không đến với người làm ác, ta quán thấy ta hoàn toàn thanh tịnh trong cả hai phương diện không có tâm ác và không làm điều ác,” đây là an ổn thứ tư vị ấy có được. Vị thánh đệ tử, này các Kālāma, với tâm không oán như vậy, với tâm không sân như vậy, với tâm không uế nhiễm như vậy, với tâm thanh tịnh như vậy, ngay trong hiện tại, người ấy đạt được bốn sự an ổn nầy. – Sự việc là như vậy, bạch Thế Tôn! Sự việc là như vậy, bạch Thiện Thệ! Vị thánh đệ tử, với tâm không oán như vậy, với tâm không sân như vậy, với tâm không uế nhiễm như vậy, với tâm thanh tịnh như vậy, ngay trong hiện tại, người ấy được bốn an ổn nầy. Thật vi diệu thay, bạch Thế Tôn! Thật vi diệu thay, bạch Thế Tôn! Bạch Thế Tôn, như người dựng đứng những gì bị quăng ngã xuống, hay trình bày cái gì bị che kín, hay chỉ đường cho người bị lạc hướng, hay cầm đèn sáng vào bóng tối để những ai có mắt có thể thấy sắc. Cũng vậy, Chánh pháp đã được Tôn giả Gotama dùng nhiều phương tiện thuyết giảng. Chúng con nay xin quy y Thế Tôn, quy y Pháp, quy y Tăng chúng tỳ-khưu. Mong Thế Tôn nhận chúng con làm đệ tử cư sĩ, từ nay cho đến mạng chung, chúng con xin trọn đời quy ngưỡng. (AN 3:65)
3. CÓ THỂ THẤY NGUỒN GỐC VÀ DIỆT TẬN PHIỀN NÃO Một thời Thế Tôn trú ở giữa dân chúng Malla tại Uruvelakappa, một thị trấn của dân chúng Malla. Rồi thôn trưởng Bhadraka đi đến Thế Tôn;. Sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn, rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, thôn trưởng Bhadraka bạch Thế Tôn: – Lành thay, bạch Thế Tôn, nếu Thế Tôn thuyết cho con về sự tập khởi và sự chấm dứt của khổ! – Này thôn trưởng, nếu y cứ vào thời quá khứ, Ta thuyết cho ông về sự tập khởi và sự chấm dứt của khổ, nói rằng: “Như vậy đã xảy ra trong thời quá khứ,” ông sẽ phân vân, sẽ có nghi ngờ. Nếu y cứ vào thời vị lai, Ta thuyết cho ông về sự tập khởi và sự chấm dứt của khổ, nói rằng: “Như vậy sẽ xảy ra trong thời tương lai,” ông sẽ có phân vân, sẽ có nghi ngờ. Nhưng nay Ta ngồi chính ở đây, này thôn trưởng, với ông cũng ngồi ở đây, Ta sẽ thuyết cho ông về sự tập khởi và sự chấm dứt của khổ. Hãy lắng nghe và suy nghiệm kỹ, Ta sẽ nói. – Thưa vâng, bạch Thế Tôn. Thôn trưởng Bhadraka vâng đáp Thế Tôn. Thế Tôn nói như sau: – Ông nghĩ thế nào, này thôn trưởng, ở tại Uruvelakappa có những người, nếu họ bị giết, hay bị tù, hay bị thiệt hại, hay bị chỉ trích, ông có khởi lên sầu, bi, khổ, ưu, não không? – Thưa có, bạch Thế Tôn. Ở tại Uruvelakappa có những người, nếu họ bị giết hay bị tù, hay bị thiệt hại, hay bị chỉ trích, thì con có khởi lên sầu, bi, khổ, ưu, não. – Này thôn trưởng, ở tại Uruvelakappa nhưng cũng có những người, nếu họ bị giết, hay bị tù, hay bị thiệt hại, hay bị chỉ trích, ông không khởi lên sầu, bi, khổ, ưu, não? – Thưa có, bạch Thế Tôn, ở tại Uruvelakappa có những người, nếu họ bị giết, hay bị tù, hay bị thiệt hại, hay bị chỉ trích, nhưng con không khởi lên sầu, bi, khổ, ưu, não. – Do nhân gì, do duyên gì, này thôn trưởng, đối với một số người ở tại Uruvelakappa, nếu họ bị giết, hay bị bắt, hay bị thiệt hại, hay bị chỉ trích, thì ông có khởi lên sầu, bi, khổ, ưu, não? Do nhân gì, do duyên gì, đối với một số người khác, ông lại không khởi lên sầu, bi, khổ, ưu, não? – Ðối với một số người ở tại Uruvelakappa, bạch Thế Tôn, nếu họ bị giết, hay bị bắt, hay bị thiệt hại, hay bị chỉ trích, con có khởi lên sầu, bi, khổ, ưu, não, là vì con có dục và tham đối với họ. Nhưng đối với một số người khác, con lại không khởi lên sầu, bi, khổ, ưu, não, là vì con không có dục và tham đối với họ. – Này thôn trưởng, với nguyên tắc về những gì phải được thấy, được biết, được đạt tới tức thời, được thể nhập, ông áp dụng phương pháp ấy về thời quá khứ và vị lai. Nếu có khổ nào khởi lên trong quá khứ, tất cả khổ ấy khởi lên lấy dục làm căn bản, lấy dục làm sở nhân. Dục là căn bản của khổ. Phàm có khổ nào khởi lên trong tương lai, tất cả khổ ấy khởi lên lấy dục làm căn bản, lấy dục làm sở nhân. Dục là căn bản của khổ. – Thật vi diệu thay, bạch Thế Tôn! Thật hy hữu thay, bạch Thế Tôn! Thật là khéo nói, lời nói này của Thế Tôn: “Phàm có khổ gì khởi lên, tất cả khổ ấy khởi lên đều lấy dục làm căn bản, lấy dục làm sở nhân. Dục là căn bản của khổ.” Bạch Thế Tôn, con có người con trai tên là Ciravāsī, sống xa ở đây. Khi giờ nó dậy, bạch Thế Tôn, con cử người đi và nói: “Này ông, hãy đi và hỏi thăm đứa trẻ Ciravāsī.” Cho đến khi người ấy trở về, bạch Thế Tôn, con ở trong tình trạng bồn chồn, hồi hộp: “Không biết đứa trẻ Ciravāsī có bệnh tật gì không?” – Ông nghĩ thế nào, này thôn trưởng, nếu đứa trẻ Ciravāsī của ông bị giết, hay bị bắt, hay bị thiệt hại, hay bị chỉ trích, ông có khởi lên sầu, bi, khổ, ưu, não không? – Bạch Thế Tôn, nếu đứa con trai Ciravāsī của con bị giết, hay bị bắt, hay bị thiệt hại, hay bị chỉ trích, hay sinh mạng bị đổi khác, thời làm sao con không khởi lên sầu, bi, khổ, ưu, não được? – Như thế, này thôn trưởng, ông cần phải hiểu như sau: “Phàm có khổ nào khởi lên, tất cả khổ ấy đều lấy dục làm căn bản, lấy dục làm sở nhân. Dục là căn bản của khổ.” Ông nghĩ thế nào, này thôn trưởng, nếu trước kia ông không thấy, không nghe mẹ của Ciravāsī, ông có lòng dục, lòng tham hay lòng ái đối với mẹ của Ciravāsī không? – Thưa không, bạch Thế Tôn. – Nhưng này thôn trưởng, khi ông thấy được, khi ông nghe được mẹ của Ciravāsī, thời ông có lòng dục, lòng tham, hay lòng ái đối với mẹ của Ciravāsī không? – Thưa có, bạch Thế Tôn. – Ông nghĩ thế nào, này thôn trưởng, nếu mẹ của Ciravāsī bị giết, hay bị bắt, hay bị thiệt hại, hay bị chỉ trích, thời ông có khởi lên sầu, bi, khổ, ưu, não không? – Bạch Thế Tôn, nếu mẹ của Ciravāsī bị giết, hay bị bắt, hay bị thiệt hại, hay bị chỉ trích, hay sinh mạng bị đổi khác, thời làm sao con không khởi sầu, bi, khổ, ưu, não được? – Như thế, này thôn trưởng, ông cần phải hiểu như sau: “Phàm có khổ gì khởi lên, tất cả khổ ấy đều lấy dục làm căn bản, lấy dục làm sở nhân. Dục là căn bản của đau khổ.” (SN 42:11)
4. HÃY TÌM HIỂU BẬC ĐẠO SƯ 1. Như vầy tôi nghe. Một thời Thế Tôn ở Sāvatthī, tại Jetavana, tịnh xá của ông Anāthapinḍịka (Cấp Cô Ðộc). Ở đây, Thế Tôn thuyết giảng như sau: 2. – Này các tỳ-khưu, vị tư sát tỳ-khưu muốn biết rõ tập tánh của người khác, cần phải tìm hiểu về Như Lai, để ý thức được Ngài có Chánh Ðẳng Giác hay không? 3. – Bạch Thế Tôn, đối với chúng con, các pháp dựa Thế Tôn làm căn bản, hướng Thế Tôn làm bậc lãnh đạo, nương tựa Thế Tôn làm y cứ. Bạch Thế Tôn, tốt lành thay, Thế Tôn thuyết giảng cho ý nghĩa này. Sau khi được nghe Thế Tôn, các tỳ-khưu sẽ hành trì. – Vậy này các tỳ-khưu, hãy nghe và khéo tác ý, Ta sẽ giảng. – Thưa vâng, bạch Thế Tôn. Các tỳ-khưu ấy vâng đáp Thế Tôn. Thế Tôn thuyết giảng như sau: 4. – Này các tỳ-khưu, vị tư sát tỳ-khưu muốn biết rõ tập tánh của người khác, cần phải tìm hiểu về Như Lai trên hai loại pháp – các pháp do mắt, do tai nhận thức – nghĩ rằng: “Những pháp ô nhiễm do mắt, tai nhận thức, những pháp ấy có hiện khởi ở Như Lai hay không hiện khởi?” Sau khi tìm hiểu như vậy, vị tỳ-khưu được biết như sau: “Những pháp ô nhiễm do mắt, tai nhận thức, những pháp ấy không có hiện khởi ở Như Lai.” 5. Vị ấy tìm hiểu thêm: “Những tạp pháp – khi nhiễm khi tịnh – do mắt, do tai nhận thức; những pháp ấy có hiện khởi ở Như Lai hay không hiện khởi?” Sau khi tìm hiểu như vậy, vị tỳ-khưu biết được như sau: “Những tạp pháp do mắt, do tai nhận thức, những pháp ấy không có hiện khởi ở Như Lai.” 6. Vị ấy tìm hiểu thêm: “Những pháp hoàn toàn thanh tịnh, do mắt, do tai nhận thức; những pháp ấy có hiện khởi ở Như Lai hay không hiện khởi?” Sau khi tìm hiểu như vậy, vị tỳ-khưu biết được như sau: “Những pháp hoàn toàn thanh tịnh do mắt, tai nhận thức, những pháp ấy có hiện khởi ở Như Lai.” 7. Vị ấy tìm hiểu thêm: “Vị tôn giả này thành tựu thiện pháp này trong một thời gian lâu dài hay trong một thời gian ngắn?” Sau khi tìm hiểu như vậy, vị tỳ-khưu biết được như sau: “Vị tôn giả này thành tựu thiện pháp này trong một thời gian lâu dài, vị tôn giả này thành tựu thiện pháp này không phải trong một thời gian ngắn.” 8. Vị ấy tìm hiểu thêm: “Vị tôn giả nầy khi được diết đến và có danh tiếng, một số nguy hiểm có khởi lên cho vị ấy ở đây không?” Này các tỳ-khưu, một số nguy hiểm không khởi lên cho vị tỳ-khưu nào chưa được biết đến, chưa có danh tiếng. Nhưng khi vị tỳ-khưu ấy được biết đến, có danh tiếng, một số nguy hiểm có thể khởi lên cho vị ấy. Sau khi tìm hiểu như vậy, vị tỳ-khưu biết được như sau: “Vị tôn giả này, khi được biết đến, có danh tiếng, một số nguy hiểm không khởi lên cho vị ấy ở đây.” 9. Vị ấy tìm hiểu thêm: “Có phải vị tôn giả này tự chế không vì sợ hãi, không phải tự chế vì sợ hãi mà từ bỏ? Có phải vị nầy do vì đoạn diệt tham ái, không còn tham ái, nên từ bỏ vui thú trong các dục?” Sau khi tìm hiểu như vậy, vị ấy biết được như sau: “Vị tôn giả này tự chế không vì sợ hãi, không phải tự chế vì sợ hãi. Vị nầy do vì đoạn diệt tham ái, không còn tham ái, nên từ bỏ vui thú trong các dục.” 10. Này các tỳ-khưu, nếu có những người khác hỏi vị tỳ-khưu ấy như sau: “Dựa vào luận cứ nào, bằng chứng nào mà tôn giả nói: ‘Vị tôn giả kia tự chế không vì sợ hãi, không phải tự chế vì sợ hãi. Vị ấy do vì đoạn diệt tham ái, không còn tham ái, nên từ bỏ vui thú trong các dục?’” Vị tỳ-khưu ấy phải trả lời chân chánh như sau: “Vị tôn giả ấy sống giữa Tăng chúng hay sống một mình, dù cho trong đó có các vị sống có thiện hạnh hay ác hạnh, có các vị giáo giới hội chúng, có các vị chuyên trọng tài vật hay không bị ô nhiễm bởi tài vật, vị tôn giả ấy không vì vậy mà khinh bỉ bất cứ người nào vì những lý do ấy. Và tôi đã nghe và biết từ miệng Thế Tôn: ‘Ta tự chế không vì sợ hãi, không phải tự chế vì sợ hãi. Ta do vì đoạn diệt tham ái, không còn tham ái, nên từ bỏ vui thú trong các dục.’” 11. Ở đây, này các tỳ-khưu, Như Lai cần phải được hỏi thêm như sau: “Các pháp ô nhiễm do mắt, do tai nhận thức, những pháp ấy có hiện khởi ở Như Lai hay không có hiện khởi?” Ðược hỏi vậy, Như Lai sẽ trả lời như sau: “Những pháp ô nhiễm do mắt, do tai nhận thức, những pháp ấy không hiện khởi ở Như Lai.” 12. Nếu được hỏi: “Những tạp pháp – khi nhiễm khi tịnh – do mắt, do tai nhận thức; những pháp ấy có hiện khởi ở Như Lai hay không hiện khởi?” Ðược hỏi vậy, Như Lai sẽ trả lời như sau: “Những tạp pháp do mắt, do tai nhận thức, những pháp ấy không có hiện khởi ở Như Lai.” 13. Nếu được hỏi: “Những pháp hoàn toàn thanh tịnh do mắt, do tai nhận thức, những pháp ấy có hiện khởi ở Như Lai hay không có hiện khởi?” Ðược hỏi vậy, này các tỳ-khưu, Như Lai trả lời như sau: “Những pháp hoàn toàn thanh tịnh do mắt, do tai nhận thức, những pháp ấy có hiện khởi ở Như Lai. Ta lấy như vậy làm đạo lộ, làm hành giới, nhưng Ta không đồng hóa với các pháp đó.“ 14. Này các tỳ-khưu, một đệ tử phải đến gần bậc Ðạo Sư có nói như vậy để được nghe Pháp. Bậc Ðạo Sư thuyết pháp cho vị ấy từ thấp đến cao, từ vi diệu này đến vi diệu khác, các pháp hắc bạch cùng với các pháp tương đương. Khi bậc Đạo Sư thuyết pháp cho vị tỳ-khưu như thế, vị ấy chứng tri được các điều dạy trong Pháp, và có kết luận về các điều giảng dạy. Vị ấy khởi lòng tịnh tín đối với bậc Ðạo Sư: “Thế Tôn là bậc Chánh Ðẳng Giác, Pháp được Thế Tôn khéo thuyết giảng, chúng Tăng thật khéo hành trì”. 15. Này các tỳ-khưu, nếu có người khác hỏi tỳ-khưu ấy như sau: “Dựa vào luận cứ nào, bằng chứng nào mà tôn giả nói: ‘Thế Tôn là bậc Chánh Ðẳng Giác, Pháp được Thế Tôn khéo thuyết giảng, chúng Tăng thật khéo hành trì?’“ Vị tỳ-khưu ấy phải trả lời chân chánh như sau: “Thế Tôn thuyết pháp cho tôi ấy từ thấp đến cao, từ vi diệu này đến vi diệu khác, các pháp hắc bạch cùng với các pháp tương đương. Khi bậc Thế Tôn thuyết pháp cho tôi như thế, tôi chứng tri được các điều dạy trong Pháp, và có kết luận về các điều giảng dạy. Tôi khởi lòng tịnh tín đối với Thế Tôn: ‘Thế Tôn là bậc Chánh Ðẳng Giác, Pháp được Thế Tôn khéo thuyết giảng, chúng Tăng thật khéo hành trì.’” 16. Này các tỳ-khưu, đối với ai mà lòng tin đối với Như Lai được an lập, căn cứ, an trú trên những luận cứ, những lời nói, những câu nói như vậy, lòng tin ấy được gọi là có luận cứ đầy đủ, căn cứ trên chánh kiến, vững chắc, không thể bị phá hoại bởi một sa-môn, bà-la-môn, chư thiên, Māra, Phạm thiên hay bất cứ ai ở đời. Như vậy, này các tỳ-khưu, là sự tìm hiểu về Như Lai đúng theo Pháp, và như vậy Như Lai mới được khéo tìm hiểu đúng theo Pháp. Thế Tôn thuyết giảng như vậy. Các tỳ-khưu ấy hoan hỷ, tín thọ lời Thế Tôn dạy. (MN 47: Vı̄maṃsaka Sutta - Kinh Tư sát)
5. NHỮNG BƯỚC TIẾN ĐẾN THỰC CHỨNG CHÂN LÝ 10. Rồi bà-la-môn Caṅkī, cùng với đại chúng bà-la-môn đi đến Thế Tôn. Sau khi đến, nói lên với Thế Tôn những lời chào đón hỏi thăm. Sau khi nói lên những lời chào đón hỏi thăm thân hữu, rồi ngồi xuống một bên. 11. Lúc bấy giờ Thế Tôn đang ngồi và nói lên với những bà-la-môn trưởng thượng những lời thân hữu về vấn đề này, vấn đề khác. Khi ấy có thanh niên bà-la-môn tên Kāpatḥika, trẻ tuổi, đầu cạo trọc, mới có mười sáu tuổi, từ khi sinh, thông hiểu ba tập Veda với danh nghĩa, lễ nghi, ngữ nguyên, chú giải và lịch sử truyền thống là thứ năm, thông hiểu ngữ pháp và văn phạm, biệt tài về thuận thế luận và đại nhân tướng. Thanh niên này đang ngồi giữa hội chúng ấy. Thanh niên này thỉnh thoảng cắt đứt cuộc đàm luận giữa Thế Tôn và các vị bà-la-môn trưởng thượng. Rồi Thế Tôn khiển trách thanh niên bà-la-môn Kāpatḥika: – Hiền giả Bhāradvāja, chớ có cắt ngang cuộc đàm luận của các bà-la-môn trưởng thượng. Hiền giả Bhāradvāja hãy chờ cho đến khi câu chuyện chấm dứt. Khi nghe nói vậy, bà-la-môn Caṅkī bạch Thế Tôn: – Tôn giả Gotama, chớ có khiển trách thanh niên bà-la-môn Kāpatḥika. Thanh niên bà-la-môn Kāpatḥika là thiện nam tử. Thanh niên bà-la-môn Kāpatḥika là bậc đa văn. Thanh niên bà-la-môn Kāpatḥika phát ngôn thiện xảo. Thanh niên bà-la-môn Kāpatḥika là bậc có trí. Thanh niên bà-la-môn Kāpatḥika có thể đàm luận với Tôn giả Gotama trong vấn đề này. 12. Thế Tôn nghĩ như sau: “Thật sự thanh niên bà-la-môn Kāpatḥika này đã thông hiểu ba tập Veda, và các bà-la-môn tôn trọng người này.” Và thanh niên bà-la-môn Kāpatḥika nghĩ như sau: “Khi nào Sa-môn Gotama lấy mắt nhìn con mắt ta, ta sẽ hỏi Sa-môn Gotama.” Rồi Thế Tôn với tâm tư của mình biết được tâm tư của thanh niên bà-la-môn Kāpatḥika, liền lấy mắt nhìn thanh niên bà-la-môn Kāpatḥika. Thanh niên bà-la-môn Kāpatḥika suy nghĩ: “Sa-môn Gotama chăm chú nhìn ta, vậy ta hãy hỏi Sa-môn Gotama một câu hỏi.” Rồi thanh niên bà-la-môn Kāpatḥika bạch Thế Tôn: – Thưa Tôn giả Gotama, về các câu chú thuật bà-la-môn cổ xưa được truyền khẩu, được gìn giữ trong các thánh tạng, các vị bà-la-môn đã kết luận chắc chắc rằng: “Chỉ đây là sự thật, ngoài ra đều là sai lầm”. Ở đây, Tôn giả Gotama đã nói gì? 13. – Nhưng này Bhāradvāja, có một bà-la-môn nào giữa các vị bà-la-môn đã nói như sau: “Tôi biết việc này, tôi thấy việc này. Chỉ đây là sự thật, ngoài ra đều là sai lầm”? – Thưa không, Tôn giả Gotama. – Nhưng này Bhāradvāja, có một vị tôn sư nào của các vị bà-la-môn, cho đến vị tôn sư của các vị tôn sư trở lui cho đến bảy đời đã nói như sau: “Chỉ đây là sự thật, ngoài ra đều là sai lầm”? – Thưa không, Tôn giả Gotama. – Nhưng này Bhāradvāja, thuở xưa những vị ẩn sĩ giữa các bà-la-môn, những tác giả các chú thuật, những nhà tụng tán các chú thuật, đã hát, đã nói lên, đã sưu tầm những thánh cú mà nay những bà-la-môn hiện tại cũng hát lên, nói lên, đọc lên giống như các vị trước đã làm – như là Aṭṭhaka, Vāmaka, Vāmadeva, Vessāmitta, Yamatagggi, Angirasa, Bhāradvāja, Vāseṭṭha, Kassapa, Bhagu – có vị ẩn sĩ nào đã nói như sau: “Chỉ đây là sự thật, ngoài ra đều là sai lầm”? – Thưa không, Tôn giả Gotama. – Như vậy này Bhāradvāja, không có một bà-la-môn nào giữa các vị bà-la-môn đã nói như sau: “Tôi biết việc này, tôi thấy việc này. Chỉ đây là sự thật, ngoài ra đều là sai lầm”. Không có một vị tôn sư nào của các vị bà-la-môn, cho đến vị tôn sư của các vị tôn sư trở lui cho đến bảy đời đã nói như sau: “Chỉ đây là sự thật, ngoài ra đều là sai lầm”. Thuở xưa những vị ẩn sĩ giữa các bà-la-môn, những tác giả các chú thuật, những nhà tụng tán các chú thuật, đã hát, đã nói lên, đã sưu tầm những thánh cú mà nay những bà-la-môn hiện tại cũng hát lên, nói lên, đọc lên giống như các vị trước đã làm – như là Aṭṭhaka, Vāmaka, Vāmadeva, Vessāmitta, Yamatagggi, Angirasa, Bhāradvāja, Vāseṭṭha, Kassapa, Bhagu – những vị ấy cũng không nói như sau: “Chỉ đây là sự thật, ngoài ra đều là sai lầm”. Ví như này, Bhāradvāja, một chuỗi người mù ôm lưng nhau, người trước không thấy, người giữa cũng không thấy, người cuối cùng cũng không thấy; cũng vậy, này Bhāradvāja, Ta nghĩ rằng, lời nói của các bà-la-môn cũng giống như chuỗi người mù: người trước không thấy, người giữa cũng không thấy, người cuối cùng cũng không thấy. Này Bhāradvāja, ông nghĩ thế nào? Sự kiện là như vậy, có phải lòng tin của các vị bà-la-môn trở thành không có căn cứ? 14. – Thưa Tôn giả Gotama, các bà-la-môn không phải chỉ dựa trên lòng tin, các bà-la-môn ở đây còn dựa trên truyền thống trì tụng. – Trước hết, này Bhāradvāja, ông đi đến lòng tin, nay ông nói đến truyền thống trì tụng. Này Bhāradvāja, có năm pháp có thể đưa đến hai kết quả khác nhau ngay trong hiện tại. Thế nào là năm? Tín, tùy hỷ, tùy văn, cân nhắc suy tư các lý do, và chấp nhận quan điểm. Năm pháp này có thể đưa đến hai kết quả khác nhau ngay trong hiện tại. Này Bhāradvāja, có điều được khéo tin tưởng, có thể là trống không, trống rỗng, hư vọng. Trái lại, có điều không được khéo tin tưởng, có thể là thật, chân, không thay đổi. Lại nữa này Bhāradvāja, có điều được khéo tùy hỷ ... được khéo tùy văn ... được khéo cân nhắc suy tư ... được khéo chấp nhận, có thể là trống không, trống rỗng, hư vọng. Trái lại, có điều không được khéo chấp nhận, có thể là thật, chân, không thay đổi. Hộ trì chân lý, này Bhāradvāja, không đủ để một người có trí đi đến kết luận một chiều là: “Chỉ đây là sự thật, ngoài ra đều là sai lầm.” 15. – Nhưng thưa Tôn giả Gotama, cho đến mức độ nào là hộ trì chân lý? Cho đến mức độ nào, chân lý được hộ trì? Chúng con hỏi Tôn giả Gotama về hộ trì chân lý. – Này Bhāradvāja, nếu có người có lòng tin và nói: “Ðây là lòng tin của tôi”, người ấy hộ trì chân lý, nhưng người ấy không đi đến kết luận một chiều: “Chỉ đây là sự thật, ngoài ra đều là sai lầm”. Cho đến như vậy, này Bhāradvāja, là sự hộ trì chân lý. Cho đến như vậy, chân lý được hộ trì. Và cho đến như vậy, chúng tôi chủ trương hộ trì chân lý. Nhưng ở đây, chưa phải là giác ngộ chân lý. Này Bhāradvāja, nếu có người có lòng tùy hỷ, ... nếu có người có lòng tùy văn, ... nếu có người có sự cân nhắc suy tư các lý do, ... nếu có người chấp nhận một quan điểm và nói: “Ðây là sự chấp nhận quan điểm của tôi”, người ấy hộ trì chân lý. Nhưng người ấy không đi đến kết luận một chiều: “Chỉ đây là sự thật, ngoài ra là sai lầm”. Cho đến như vậy, này Bhāradvāja, là sự hộ trì chân lý. Cho đến như vậy, chân lý được hộ trì. Và cho đến như vậy, chúng tôi chủ trương hộ trì chân lý. Nhưng ở đây, chưa phải là giác ngộ chân lý. 16. – Cho đến như vậy, thưa Tôn giả Gotama, là hộ trì chân lý. Cho đến như vậy, thưa Tôn giả Gotama, chân lý được hộ trì. Cho đến như vậy, thưa Tôn giả Gotama, chúng con nhìn thấy hộ trì chân lý. Nhưng thưa Tôn giả Gotama, cho đến mức độ nào là giác ngộ chân lý? Cho đến mức độ nào chân lý được giác ngộ? Chúng con hỏi Tôn giả Gotama về giác ngộ chân lý. 17. – Ở đây, này Bhāradvāja, tỳ-khưu sống gần một làng hay một thị trấn. Một gia chủ hay con trai một gia chủ đi đến vị ấy và tìm hiểu vị ấy trong ba pháp, tức là tham pháp, sân pháp, si pháp. Người này nghĩ rằng: “Không hiểu vị tôn giả ấy có tham ái hay không, do những tham ái này, tâm vị ấy bị chi phối đến nỗi dù không biết, vẫn nói: ‘Tôi biết;’ dù không thấy, vẫn nói: ‘Tôi thấy;’ hay xui khiến người khác có những hành động khiến người ấy không được hạnh phúc, phải đau khổ lâu dài?” Trong khi xem xét vị ấy, người này biết như sau: “Vị tôn giả ấy không có những tham pháp. Thân hành và khẩu hành của vị ấy không bị chi phối bởi lòng tham. Tôn giả ấy thuyết pháp, pháp ấy thâm sâu, khó thấy, khó chứng, tịch tịnh, thù thắng, vượt ngoài luận lý suông, tế nhị, được người trí chấp nhận; pháp ấy không thể do một người có lòng tham khéo giảng”. 18. Sau khi xem xét vị ấy và thấy vị ấy trong sạch không có những tham pháp, người kia lại xem xét thêm vị ấy về các sân pháp: “Không hiểu vị tôn giả ấy có sân pháp hay không, do những sân pháp này, tâm vị ấy bị chi phối đến nỗi dù không biết, vẫn nói: ‘Tôi biết,’ dù không thấy, vẫn nói: ‘Tôi thấy;’ hay xui khiến người khác có những hành động khiến người ấy không được hạnh phúc, phải đau khổ lâu dài”. Trong khi xem xét vị ấy, người này biết như sau: “Tôn giả ấy không có những sân pháp. Thân hành và khẩu hành của vị ấy không bị chi phối bởi lòng sân. Tôn giả ấy thuyết pháp, pháp ấy thâm sâu, khó thấy, khó chứng, tịch tịnh, thù thắng, vượt ngoài luận lý suông, tế nhị, được người trí chấp nhận; pháp ấy không thể do một người có lòng sân khéo giảng”. 19. Sau khi xem xét vị ấy và thấy vị ấy trong sạch không có những sân pháp, người kia lại xem xét thêm vị ấy về các si pháp: “Không hiểu vị tôn giả ấy có si pháp hay không, do những si pháp này, tâm vị ấy bị chi phối đến nỗi dù không biết, vẫn nói: ‘Tôi biết,’ dù không thấy, vẫn nói: ‘Tôi thấy;’ hay xui khiến người khác có những hành động khiến người ấy không được hạnh phúc, phải đau khổ lâu dài.” Trong khi xem xét vị ấy, người này biết như sau: “Tôn giả ấy không có những si pháp. Thân hành và khẩu hành của vị ấy không bị chi phối bởi lòng si. Tôn giả ấy thuyết pháp, pháp ấy thâm sâu, khó thấy, khó chứng, tịch tịnh, thù thắng, vượt ngoài luận lý suông, tế nhị, được người trí chấp nhận; pháp ấy không thể do một người có lòng si khéo giảng”. 20. Sau khi xem xét vị ấy và thấy vị ấy trong sạch, không có những si pháp, người này sinh lòng tin đối với vị ấy; với lòng tin, người này đến gần; khi đến gần, liền thân cận giao thiệp; do thân cận giao thiệp, liền lóng tai; khi lóng tai, người ấy nghe pháp; sau khi nghe, liền thọ trì pháp; rồi tìm hiểu ý nghĩa các pháp được thọ trì; trong khi tìm hiểu ý nghĩa, các pháp được hoan hỷ chấp nhận; khi các pháp được hoan hỷ chấp nhận, ước muốn sinh; khi ước muốn sinh, liền cố gắng; sau khi cố gắng, liền cân nhắc; sau khi cân nhắc, người ấy tinh cần. Trong khi tinh cần, người ấy tự thân chứng ngộ tối thượng chân lý; và thể nhập chân lý ấy với trí tuệ. Cho đến mức độ này, này Bhāradvāja là sự giác ngộ chân lý, cho đến mức độ này, chân lý được giác ngộ, và cho đến mức độ này, chúng tôi chủ trương sự giác ngộ chân lý. Nhưng như vậy chưa phải là chứng đạt chân lý. 21. – Cho đến như vậy, thưa Tôn giả Gotama, là giác ngộ chân lý, cho đến như vậy, chân lý được giác ngộ, và cho đến như vậy chúng con thấy giác ngộ chân lý. Nhưng thưa Tôn giả Gotama, cho đến mức độ nào là chứng đạt được chân lý, cho đến mức độ nào chân lý được chứng đạt? Chúng con hỏi Tôn giả Gotama về sự chứng đạt chân lý. – Này Bhāradvāja, chính nhờ luyện tập, tu tập và hành tập nhiều lần, chân lý mới được chứng đạt. Cho đến như vậy, này Bhāradvāja, là chứng đạt chân lý, cho đến như vậy, chân lý được chứng đạt, cho đến như vậy, chúng tôi chủ trương sự chứng đạt chân lý. 22. – Cho đến như vậy, thưa Tôn giả Gotama, là chứng đạt chân lý, cho đến như vậy chân lý được chứng đạt, và cho đến như vậy, chúng con thấy chứng đạt chân lý. Nhưng trong sự chứng đạt chân lý, thưa Tôn giả Gotama, pháp nào được hành trì nhiều? Chúng con hỏi Tôn giả Gotama, trong sự chứng đạt chân lý, pháp nào được hành trì nhiều. – Trong sự chứng đạt chân lý, này Bhāradvāja, tinh cần được hành trì nhiều. Nếu không tinh cần theo đuổi chân lý thì không thể chứng đạt chân lý. Nhưng nếu tinh cần thì chứng đạt được chân lý. Do vậy, trong sự chứng đạt chân lý, tinh cần được hành trì nhiều. 23. – Trong sự tinh cần, thưa Tôn giả Gotama, pháp nào được hành trì nhiều? Chúng con hỏi Tôn giả Gotama, trong sự tinh cần, pháp nào được hành trì nhiều. – Trong sự tinh cần, này Bhāradvāja, sự cân nhắc được hành trì nhiều. Nếu không cân nhắc thì không thể tinh cần theo đuổi chân lý. Nếu có cân nhắc sẽ được tinh cần; do vậy, trong sự tinh cần, cân nhắc được hành trì nhiều. 24. – Trong sự cân nhắc, thưa Tôn giả Gotama, pháp nào được hành trì nhiều? Chúng con hỏi Tôn giả Gotama, trong sự cân nhắc, pháp nào được hành trì nhiều. – Trong sự cân nhắc, này Bhāradvāja, cố gắng được hành trì nhiều. Nếu không cố gắng thì không thể cân nhắc. Nhưng nếu có cố gắng thì có cân nhắc; do vậy trong sự cân nhắc, thì cố gắng được hành trì nhiều. 25. – Trong sự cố gắng, Tôn giả Gotama, pháp nào được hành trì nhiều? Chúng con hỏi Tôn giả Gotama, trong sự cố gắng, pháp nào được hành trì nhiều. – Trong sự cố gắng, này Bhāradvāja, ước muốn được hành trì nhiều. Nếu ước muốn đối với chân lý ấy không khởi lên thì không có cố gắng. Vì ước muốn có khởi lên nên có cố gắng, do vậy, trong sự cố gắng, ước muốn được hành trì nhiều. 26. – Trong ước muốn, thưa Tôn giả Gotama, pháp nào được hành trì nhiều? Chúng con muốn hỏi Tôn giả Gotama, trong ước muốn, pháp nào được hành trì nhiều. – Trong ước muốn, này Bhāradvāja, hoan hỷ chấp nhận pháp được hành trì nhiều. Nếu không hoan hỷ chấp nhận pháp thì ước muốn không khởi lên. Vì có hoan hỷ chấp nhận pháp nên ước muốn khởi lên; do vậy, trong ước muốn, hoan hỷ chấp nhận pháp được hành trì nhiều. 27. – Nhưng trong sự hoan hỷ chấp nhận pháp, thưa Tôn giả Gotama, pháp nào được hành trì nhiều? Chúng con hỏi Tôn giả Gotama, trong sự hoan hỷ chấp nhận pháp, pháp nào được hành trì nhiều. – Trong sự hoan hỷ chấp nhận pháp, này Bhāradvāja, tìm hiểu ý nghĩa được hành trì nhiều. Nếu không tìm hiểu ý nghĩa thì không hoan hỷ chấp nhận pháp. Và vì có tìm hiểu ý nghĩa nên có sự chấp nhận pháp; do vậy, trong sự hoan hỷ chấp nhận pháp, tìm hiểu ý nghĩa được hành trì nhiều. 28. – Nhưng trong sự tìm hiểu ý nghĩa, thưa Tôn giả Gotama, pháp nào được hành trì nhiều? Chúng con hỏi Tôn giả Gotama, trong sự tìm hiểu ý nghĩa, pháp nào được hành trì nhiều. – Trong sự tìm hiểu ý nghĩa, này Bhāradvāja, ghi nhớ pháp được hành trì nhiều. Nếu không có ghi nhớ pháp thì không tìm hiểu ý nghĩa. Và vì có ghi nhớ pháp, nên có tìm hiểu ý nghĩa; do vậy, trong sự tìm hiểu ý nghĩa, ghi nhớ pháp được hành trì nhiều. 29. – Trong sự ghi nhớ pháp, thưa Tôn giả Gotama, pháp nào được hành trì nhiều? Trong sự ghi nhớ pháp, chúng con hỏi Tôn giả Gotama, pháp nào được hành trì nhiều. – Trong sự ghi nhớ pháp, này Bhāradvāja, nghe pháp được hành trì nhiều. Nếu không nghe pháp thì không có ghi nhớ pháp. Và do có nghe pháp nên có ghi nhớ pháp; do vậy, trong sự ghi nhớ pháp, nghe pháp được hành trì nhiều. 30. – Trong sự nghe pháp, thưa Tôn giả Gotama, pháp nào được hành trì nhiều? Chúng con hỏi Tôn giả Gotama, trong sự nghe pháp, pháp nào được hành trì nhiều. – Trong sự nghe pháp, này Bhāradvāja, lóng tai được hành trì nhiều. Nếu không có lóng tai thì không có nghe pháp. Và vì có lóng tai nên có nghe pháp; do vậy, trong sự nghe pháp, lóng tai được hành trì nhiều. 31. – Trong sự lóng tai, thưa Tôn giả Gotama, pháp nào được hành trì nhiều? Chúng con hỏi Tôn giả Gotama, trong sự lóng tai, pháp nào được hành trì nhiều. – Trong sự lóng tai, này Bhāradvāja, tôn kính bậc đạo sư được hành trì nhiều. Nếu không có tôn kính bậc đạo sư thì không có lóng tai. Vì có tôn kính bậc đạo sư nên có lóng tai; do vậy, trong sự lóng tai, tôn kính bậc đạo sư được hành trì nhiều. 32. – Trong sự tôn kính bậc đạo sư, thưa Tôn giả Gotama, pháp nào được hành trì nhiều? Chúng con hỏi Tôn giả Gotama, trong sự tôn kính bậc đạo sư, pháp nào được hành trì nhiều. – Trong sự tôn kính bậc đạo sư, này Bhāradvāja, đi đến gặp bậc đạo sư được hành trì nhiều. Nếu không đi đến gặp thì không có tôn kính bậc đạo sư. Và vì có đi đến gặp nên có tôn kính bậc đạo sư ; do vậy, trong sự tôn kính bậc đạo sư, đi đến gặp được hành trì nhiều. 33. – Trong sự đi đến gặp bậc đạo sư, thưa Tôn giả Gotama, pháp nào được hành trì nhiều? Chúng con hỏi Tôn giả Gotama, trong sự đi đến gặp, pháp nào được hành trì nhiều. – Trong sự đi đến gần, này Bhāradvāja, lòng tin nơi bậc đạo sư được hành trì nhiều. Nếu lòng tin không sinh thì không đi đến gặp. Và vì lòng tin sinh, nên có đi đến gặp; do vậy, trong sự đi đến gặp, lòng tin được hành trì nhiều. 34. – Chúng con đã hỏi Tôn giả Gotama về hộ trì chân lý. Tôn giả Gotama đã trả lời về hộ trì chân lý. Chúng con tùy hỷ và chấp nhận, và do vậy, chúng con hoan hỷ. Chúng con đã hỏi Tôn giả Gotama về giác ngộ chân lý. Tôn giả Gotama đã trả lời về giác ngộ chân lý. Chúng con tùy hỷ và chấp nhận; do vậy, chúng con hoan hỷ. Chúng con đã hỏi Tôn giả Gotama về chứng đạt chân lý. Tôn giả Gotama đã trả lời về chứng đạt chân lý. Chúng con tùy hỷ và chấp nhận; do vậy, chúng con hoan hỷ. Trong sự chứng đạt chân lý, chúng con hỏi Tôn giả Gotama về pháp nào được hành trì nhiều. Trong sự chứng đạt chân lý, Tôn giả Gotama đã trả lời pháp nào được hành trì nhiều. Chúng con tùy hỷ và chấp nhận; do vậy, chúng con hoan hỷ. Chúng con đã hỏi Tôn giả Gotama về bất cứ điều gì, Tôn giả Gotama đã trả lời các điều ấy. Chúng con tùy hỷ và chấp nhận; do vậy, chúng con hoan hỷ. Thưa Tôn giả Gotama, xưa kia chúng con biết (sự phân biệt) như sau: “Và ai là những sa-môn trọc đầu, tiện nô, hắc nô, sinh từ gót chân của Phạm thiên, và ai là những người hiểu biết Chánh Pháp”. Thật sự Tôn giả Gotama đã làm sống dậy nơi con lòng ái kính sa-môn đối với các sa-môn, lòng tin kính sa-môn đối với các sa-môn. 35. Thật vi diệu thay, Tôn giả Gotama! Thật vi diệu thay, Tôn giả Gotama! Như người dựng đứng lại những gì bị quăng ngã xuống, phơi bày ra những gì bị che kín, chỉ đường cho người bị lạc hướng, đem đèn sáng vào trong bóng tối để những ai có mắt có thể thấy sắc; cũng vậy, Chánh pháp đã được Tôn giả Gotama dùng nhiều phương tiện trình bày, giải thích. Con xin quy y Thế Tôn, quy y Pháp và quy y Tăng chúng tỳ-khưu. Mong Tôn giả Gotama nhận con làm đệ tử, từ nay cho đến mạng chung, con xin trọn đời quy ngưỡng. (MN 95: Kinh Caṅkı̄) * * * |
Nguồn: In the Buddha’s Words - An Anthology of Discourses from the Pali Canon, Bhikkhu Bodhi, 512 pages, US$18.95. ISBN 9780861714919 http://www.wisdompubs.org/book/buddha%E2%80%99s-words http://www.bookdepository.com/Buddhas-Words-Bhikkhu-Bodhi/9780861714919 2) E-book: http://budsas.net/sach/en43.zip |
[ Home ]
16-08-2015