Đàm luận Phật Pháp
- 54 -
Giới thiệu Kinh Điềm Lành
(Mangala Sutta)
Kinh tụng tiếng Việt:
mangala_viet.mp3
Võ Tá Hân phổ nhạc, Bảo Yến hát: mangala_by.mp3 Chư Tăng Thái Lan tụng tiếng Pali: mangala_thai.mp3 Sách PDF: 38 Pháp Hạnh Phúc, Mahà Thông Kham, Minh Đức Triều Tâm Ảnh hiệu đính (2010)
"Maṅgala" theo Bhikkhu Bodhi có nghĩa là auspicious (điềm tốt lành, thuận lợi), foretoken of good fortune (điềm, dấu hiệu báo trước cho sự may mắn, thịnh vượng). Nhưng ngài Bodhi dịch thoát ý là "blessing" (phúc lành, hạnh phúc, may mắn) để thích hợp với giọng kệ tiếng Anh. Một vị Thiên tử (con của một vị trời) đến gặp Đức Phật và xin Ngài chỉ dạy về những điềm lành để có đời sống tốt, hưng thịnh.
Đức Phật dạy đ ầu tiên có 3 điềm lành: tránh xa kẻ ngu (bāla, fool, ignorant), thân cận người hiền trí, thiện tri thức (paṇḍita), cúng dường (pūjā) những bậc xứng đáng để được cúng dường. Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng. Người ngu ở đây là người không biết phân biệt thiện ác và có khuynh hướng theo các điều xấu ác. Bậc trí hiền là những người có đạo đức, tinh cần học và hành trong giáo pháp. Tôn kính và dâng tặng phẩm vật đến các bậc tôn túc, phẩm hạnh thanh cao là một điều quý nên làm.
Có 3 điềm lành: - Trú xứ (desa) thích hợp (patirūpa) là những nơi có môi trường văn hóa xã hội tốt cho sự tu tập. Ở bầu thì dài, ở ống thì tròn. Chúng ta thường bị tác động bởi hoàn cảnh xã hội. Ở những nơi chỉ chuộng hình thức hào nhoáng bên ngoài, hưởng thụ vật chất, chạy theo nhu cầu dục lạc, lễ nghi rườm rà, chuộng các lời hoa mỹ rỗng tuếch thì cũng khó tu tập. - Nếu trong quá khứ của đời này, hay trong các đời trước, đã tạo các công đức (katapuññatā), nay, quả phước lành sẽ được gặt hái trong hiện tại. Đây là một điềm lành. Bằng không, hãy nỗ lực làm việc thiện, để tạo nhân lành cho tương lai. - Một điềm lành khác là tâm ta có định hướng chân chánh, đúng đắn (sammāpanidhi), hiệp theo lẽ đạo. Đây là điều quan trọng, phải có tác ý đúng.
Có 4 điềm lành ở đây: được học và có nhiều hiểu biết (bāhu-saccam) , có nghề nghiệp tốt (sippam), biết hành trì các nguyên tắc giới luật đạo đức (vinayo), và biết dùng ngôn từ hòa ái, chân thật.
Có 3 điềm lành: phụng dưỡng cha mẹ (mātāpitu), nuôi nấng gia đình (puttadārassa), có công việc làm không gây xung đột (anākulā) với người khác.
Có 4 điềm lành: có lòng bố thí rộng rãi (dānā), có phẩm hạnh trong sạch theo giáo pháp (dhammacariyā), biết giúp đỡ bà con họ hàng (ñātakā), có những hành động giao tiếp trong sạch, không bị chê trách (anavajjā).
Có 4 điềm lành: biết ghê sợ (āratī) tội lỗi, biết tránh xa (viratī) tội lỗi (viratī pāpā), không rượu chè say sưa làm u mê (majjapānā), tinh tấn (appamādo) làm các điều lành, thiện pháp (dhammesu).
Có 5 điềm lành: thái độ lễ phép có văn hóa (gāravo), tính khiêm hạ (nivāto), biết sống đủ, tri túc (santutthī), biết nhớ ơn, tri ân (kataññutā), và biết đến nghe Pháp (dhammassavanam) đúng thời, đúng lúc (kālena).
Có 4 điềm lành: biết kiên nhẫn (khantī) và chịu đựng, biết phục thiện dễ dạy (sovacassatā), thường thân cận các bậc tu hành (samana), và đàm luận, trao đổi học Pháp (dhammasākacchā).
Có 4 điềm lành: sống tinh cần tự chế (tapo), sống đời sống phạm hạnh (brahmacariya), thẩm thấu chân lý nhiệm mầu (ariyasaccā) – tức là tứ thánh đế, thực chứng Niết bàn (nibbāna sacchikiriyā).
Có 4 điềm lành: Tâm bất động, không lay chuyển khi bị gió đời hay pháp thế gian (lokadhamma) – khen chê, được mất, vinh nhục, buồn vui – thổi đến. Ba điềm lành khác: không còn sầu não (asoka), sống an nhiên (khema), không còn uế nhiễm (virajam).
Đức Phật kết luận: Những ai được như thế là nhập vào dòng thánh giải thoát. Khi ấy, cho dù sống trong dòng đời, đi đến đâu cũng không bao giờ bị tham sân si đánh bại (sabbattha aparājitā), đi đến đâu cũng bình an tự tại, an toàn (sabbattha sotthim gacchanti). Đó là điềm lành cao quý nhất.
|
Chú giải Kinh Tập - Tóm tắt Kinh Điềm Lành Giờ đây, để làm quen với những phúc lành này, chúng cần được hiểu ở đây ngay từ đầu: Những chúng sinh nào ước ao có hạnh phúc trong đời hiện tại và đời sau và hạnh phúc siêu thế, phải bắt đầu bằng việc không kết hợp với những người ngu si, nương tựa nơi người khôn ngoan, và tôn kính những người xứng đáng tôn kính (1-2). Bằng cách cư trú ở một nơi thích hợp, tạo nhiều công đức trong quá khứ, được động viên tham gia vào các việc thiện lành, họ có định hướng đúng đắn (3). Họ trang bị cho mình nhiều học tập, nghề thủ công và giới luật, và nói những lời nói hòa ái phù hợp với giới luật (4). Khi còn sống trong đời cư sĩ, họ giải quyết các khoản nợ cũ bằng cách chăm sóc cha mẹ, giải quyết nợ mới bằng cách nuôi nấng vợ và con cái, và tạo tài sản bằng nghề nghiệp lương thiện (5). Với lòng bố thí san sẻ, họ sử dụng tài sản hợp lý, và với đức hạnh, họ có cuộc sống đúng đắn. Qua giúp đỡ những người thân, họ giúp những người ấy được hưng thịnh, và bằng những hành động không chê trách, họ giúp những người khác được hưng thịnh (6). Bằng cách tránh xa điều ác, họ không làm hại người khác, và bằng cách tránh các thứ rượu say sưa, họ không làm hại mình. Bằng cách chu đáo với những phẩm chất tốt đẹp, họ tăng nguồn thiện lành của họ (7). Vì nguồn thiện đó tăng lên, họ từ bỏ đời cư sĩ, bắt đầu đời tu sĩ, và với sự tôn kính và khiêm tốn thực hiện nhiệm vụ của họ đối với Đức Phật, các vị đệ tử của Ngài, thầy truyền giới, thầy giáo thọ, và những vị khác. Sống biết đủ, họ từ bỏ lòng tham các vật dụng cần thiết; với lòng biết ơn họ đứng vào hàng của những người tốt; lắng nghe Pháp, họ từ bỏ tâm trạng lừ đừ (8). Với kiên nhẫn họ vượt qua mọi trở ngại; sẵn sàng nghe theo lời khuyên bảo, họ tự bảo vệ mình; quan sát các vị tu khổ hạnh, họ thấy áp dụng vào thực hành; và qua thảo luận về Pháp, họ xua tan những nghi ngờ về những điều tạo ra nghi ngờ (9). Nghiêm túc chế ngự giác quan, họ tự thanh lọc để có hành vi tốt; bởi đời sống tâm linh bao gồm các nhiệm vụ của một nhà tu khổ hạnh, họ làm thanh tịnh tâm ý và thực hiện bốn pháp thanh lọc tiếp theo; và bằng cách thực hành này, họ làm thanh tịnh tri kiến, hiển lộ bởi “thấy rõ các sự thật cao thượng”[*]. Qua đó họ chứng ngộ Niết-bàn, ở đây là chứng đắc quả vị A-la-hán (10). Khi họ thực chứng như thế, tâm trí của họ không bị chao đảo bởi tám điều kiện thế gian giống như núi Tu-di không bị lay chuyển bởi gió thổi mạnh, và họ không ưu sầu, không bị bợn nhơ và sống an nhiên (11). Những ai sống an nhiên như thế ở mọi nơi không bị ai đánh bại, và họ đi đứng an toàn ở mọi nơi. Vì thế, Đức Thế Tôn đã nói: “Ai làm được như thế,
----------------------------------------------- |
Bài kinh nầy trong Hán tạng được xem như tương đương với kinh Điềm Lành (Mangala Sutta) trong tạng Pali. Pháp Cú Kinh (T210), Phẩm Cát Tường, Chương 39 Kinh Điềm Lành Lớn Nhất Bài
kệ 1 Bụt được tôn quý hơn cả trong hai giới trời và người vì Ngài thường có khả năng đưa ra những giáo nghĩa mầu nhiệm của một bậc Như Lai. Một ngày kia, có một vị đạo sư Bà la môn tới hỏi: Cái gì mới thật là điềm lành lớn nhất?
Bài kệ 2 Ngay lúc đó với lòng xót thương, Bụt đã thuyết giảng về những gì thiết yếu và chân thật. Ngài dạy: Có niềm tin nơi chánh pháp và có hạnh phúc trong khi học hỏi giáo pháp. Đó là điềm lành lớn nhất.
Bài kệ 3 Không đi theo trời và người để cầu mong ban phúc và tránh họa, cũng không đến cầu đảo ở các đền miếu. Đó là điềm lành lớn nhất.
Bài kệ 4 Chọn được môi trường tốt, có nhiều bạn hiền, có dịp làm những việc phúc đức, giữ lòng cho trinh bạch và chân chánh. Đó là điềm lành lớn nhất.
Bài kệ 5 Biết bỏ ác theo lành, không uống rượu, biết tiết chế, không đắm trong sắc dục. Đó là điềm lành lớn nhất.
Bài kệ 6 Học rộng biết trì giới. Siêng năng tu tập theo giáo pháp và luật nghi. Biết tu dưỡng thân tâm, không vướng vào các cuộc tranh chấp. Đó là điềm lành lớn nhất.
Bài kệ 7 Là người con hiếu thảo, có cơ hội phụng dưỡng mẹ cha. Biết chăm sóc gia đình, giữ cho trong nhà êm ấm, không để cho lâm vào cảnh nghèo đói. Đó là điềm lành lớn nhất.
Bài kệ 8 Không kiêu mạn, không cho mình là hơn người. Biết tri túc, biết xét suy. Có thì giờ đọc tụng và thực tập kinh điển. Đó là điềm lành lớn nhất.
Bài kệ 9 Biết nhẫn nhục khi nghe điều bất như ý. Có hạnh phúc mỗi khi được gặp người xuất gia. Mỗi khi nghe pháp hết lòng tiếp nhận để hành trì. Đó là điềm lành lớn nhất.
Bài kệ 10 Biết ăn chay, biết tu theo phạm hạnh. Có hạnh phúc khi gặp các hiền đức. Biết nương vào các bậc có trí sáng. Đó là điềm lành lớn nhất.
Bài kệ 11 Có niềm tin, có một đời sống tâm linh. Tâm ý ngay thẳng, không bị hoài nghi che lấp. Có quyết tâm lánh xa ba nẻo về xấu ác. Đó là điềm lành lớn nhất.
Bài kệ 12 Biết bố thí với tâm niệm bình đẳng. Biết phụng sự những bậc đắc đạo. Biết tôn quý những kẻ đáng tôn quý trong hai giới nhân và thiên. Đó là điềm lành lớn nhất.
Bài kệ 13 Biết xa lìa tham dục, sân hận và si mê. Thường tu tập để mong đạt được chánh kiến. Đó là điềm lành lớn nhất.
Bài kệ 14 Biết buông bỏ những nghiệp vụ phi nghĩa. Có khả năng áp dụng đạo pháp vào đời sống hằng ngày. Biết theo đuổi một lý tưởng đáng được theo đuổi. Đó là điềm lành lớn nhất.
Bài kệ 15 Vì tất cả nhân loại vun bón tâm đại từ. Nuôi dưỡng tình thương để đem lại an bình cho thế gian. Đó là điềm lành lớn nhất.
Bài kệ 16 Là bậc trí giả ở trong cuộc đời thường tập hạnh tạo tác những điềm lành cho đến khi chính mình thành tựu được tuệ giác lớn. Đó là điềm lành lớn nhất. * |
[
Home ]
21-12-2017