Đàm luận Phật Pháp
- 420 -

MƯỜI PHÁP QUÁN TƯỞNG
Hướng dẫn hành thiền
Bình Anson soạn dịch (2019)   

 
slide1.jpg
slide1.jpg
960 * 720
slide2.jpg
slide2.jpg
960 * 720
slide3.jpg
slide3.jpg
960 * 720
slide4.jpg
slide4.jpg
960 * 720
slide5.jpg
slide5.jpg
960 * 720
slide6.jpg
slide6.jpg
960 * 720
slide7.jpg
slide7.jpg
960 * 720
slide8.jpg
slide8.jpg
960 * 720
slide9.jpg
slide9.jpg
960 * 720
slide10.jpg
slide10.jpg
960 * 720
slide11.jpg
slide11.jpg
960 * 720
slide12.jpg
slide12.jpg
960 * 720
slide13.jpg
slide13.jpg
960 * 720
slide14.jpg
slide14.jpg
960 * 720
slide15.jpg
slide15.jpg
960 * 720
slide16.jpg
slide16.jpg
960 * 720
slide17.jpg
slide17.jpg
960 * 720
slide18.jpg
slide18.jpg
960 * 720
slide19.jpg
slide19.jpg
960 * 720
slide20.jpg
slide20.jpg
960 * 720
slide21.jpg
slide21.jpg
960 * 720
slide22.jpg
slide22.jpg
960 * 720
slide23.jpg
slide23.jpg
960 * 720

 

 

DẪN NHẬP

Trước tiên tôi (Bhikkhu Anālayo) sẽ tóm tắt ngắn gọn một số điểm chính về phương cách đối diện với bệnh tật và cái chết. Sau đó, tôi sẽ trình bày cách tiếp cận thực tiễn về các hướng dẫn hành thiền mà Đức Phật đã dạy cho Trưởng lão Girimānanda trong bài kinh số 60, chương Mười Pháp của Tăng chi bộ, tạng Pāli (AN 10.60)

Điểm quy chiếu cơ sở và nền tảng cho quan điểm của Phật giáo sơ kỳ về bệnh tật và cái chết là sự giảng dạy về Tứ Thánh đế. Sự nhìn nhận chân thành về tham ái và chấp thủ là những nguyên nhân đưa đến hoạn khổ (dukkha) là nền tảng chẩn đoán cần thiết để dùng trí tuệ Phật giáo như là liều thuốc chữa trị cho các trường hợp bị tác động bởi bệnh tật và cái chết. Kết hợp vào sự giảng dạy này là Bát chi Thánh đạo nhắm đến thực chứng toàn bộ sức khỏe tâm linh qua sự giác ngộ hoàn toàn. Mặc dù việc huân tập tâm trong Phật giáo sơ kỳ tạo ra nhiều điều kiện để chữa bệnh và chăm sóc xoa dịu cơn đau, mục đích tối hậu là giúp vượt xa hơn nữa, tiến đến mục tiêu cuối cùng là thoát vòng sinh tử luân hồi.

Dựa trên điểm quy chiếu đó, sự phân biệt giữa những cơn đau về thân và về tâm cần phải được nhận thức rõ ràng. Bằng cách tránh các mũi tên đau đớn về tâm, tâm trí có thể được giữ khỏe mạnh ngay cả khi thân thể đau đớn. Giữ tâm khỏe mạnh đòi hỏi phải có tập luyện tâm, nhất là giữ Niệm, chi phần đầu tiên của bảy chi phần đưa đến giác ngộ (thất giác chi) và cũng là phẩm chất quan trọng được vun trồng qua công phu thực hành bốn pháp lập niệm (satipaṭṭhana). Qua các lời dạy của Đức Phật, tiềm năng của Niệm để đối mặt với các cơn đau và dẫn đến chữa lành luôn luôn được nhắc đến trong Phật giáo sơ kỳ. Thậm chí áp dụng cho những ai có khả năng nhập thiền, vốn có thể giúp đè nén các cơn đau, các vị ấy vẫn chọn cách đối diện cơn đau với chánh niệm.

Bên cạnh yếu tố Niệm, một khía cạnh quan trọng khác trong Phật giáo sơ kỳ để đối diện bệnh tật và cái chết là sự nhấn mạnh liên tục về tâm không dính mắc, nhất là đối với năm uẩn và sáu căn giác quan. Ở đây, nền tảng cho sự không dính mắc này là tuệ quán về vô thường, về tính không có khả năng tạo hài lòng lâu dài của năm uẩn và sáu căn (khổ) và về kết luận rằng chúng là rỗng không (vô ngã). Trau dồi sự tự do sâu sắc thoát khỏi mọi ràng buộc đó được dựa trên nền tảng của giới hạnh, tự nó cung cấp nguồn lực về vô úy – không sợ hãi, khi hành giả bị bệnh hoặc tiến gần đến cái chết.

Khi giúp hướng dẫn những người trong giây phút cận tử, việc tinh luyện dần dần các động lực nội tại để hướng đến hạnh phúc có thể được áp dụng để giúp người sắp chết ra đi với nội tâm an bình mà không còn các hình thức bám víu thô tháo. Trong giờ phút lâm chung, phương cách tốt nhất là giúp người ấy đem tâm an trú vào bốn nơi thiêng liêng (brahmavihāra – tứ phạm trú: từ, bi, hỷ, xả) để tiếp cận với trạng thái “thiên đàng trên trái đất” trong tâm.

Không chỉ trong trường hợp bệnh tật mà còn khi đối mặt với cái chết, yếu tố Niệm rất có giá trị giúp người ấy giữ tâm cân bằng với các cảm thọ và chống lại khuynh hướng gây ra các phản ứng bất thiện trong tâm. Thực hành như thế, giờ phút lâm chung trở thành một cơ hội để phát sinh tuệ quán giải thoát. Bên cạnh giá trị hỗ trợ chúng ta đối diện với cái chết, Niệm còn có vai trò chuyển hóa các kinh nghiệm đau buồn. Để quán tưởng về cái chết của mình, niệm hơi thở có thể giúp ta hiểu biết rõ ràng rằng thật ra, một người chỉ sống đến hơi thở tiếp theo.

Các phương cách đối diện bệnh tật và cái chết có thể tập hợp lại trong một khung hành thiền như Đức Phật đã dạy cho ngài Girimānanda, bao gồm tuệ quán về tính vô thường của năm thủ uẩn, tính vô ngã của sáu căn, bản chất bệnh hoạn của cơ thể, nhu cầu thanh lọc tâm, tâm trí thiện lành là mục đích tối hậu và các hướng dẫn chi tiết về niệm hơi thở. Thực hiện một chương trình hành thiền như đã giúp ngài Girimānanda phục hồi sức khỏe là một phương cách áp dụng những lời dạy trong kinh điển nguyên thủy về bệnh tật và cái chết vào công phu hành thiền của mỗi hành giả.

CÁC HƯỚNG DẪN HÀNH THIỀN CHO NGÀI GIRIMĀNANDA

Tiếp theo đây, tôi (Bhikkhu Anālayo) sẽ trình bày một phương cách mà qua đó, các hướng dẫn ghi trong kinh Girimānanda và phiên bản Tây Tạng tương ứng có thể được áp dụng thực hành. Mục đích của tôi ở đây chỉ là để góp ý, giúp tạo hứng khởi để thực hành, mà không phải để ngầm hiểu đây là phương cách đúng nhất để thực hiện điều đó. Hành giả được tự do điều chỉnh để thích hợp với hoàn cảnh riêng của mình và những gì tôi trình bày ở đây chỉ đơn thuần là một ví dụ.

Tóm tắt, Đức Phật bảo ngài Ānanda đến gặp ngài Girimānanda đang lâm trọng bệnh và nói lại mười pháp quán tưởng như sau:

(1) Tưởng vô thường trong năm uẩn;
(2) Tưởng vô ngã trong sáu căn và sáu trần;
(3) Tưởng bất mỹ (bất tịnh) về các bộ phận của cơ thể;
(4) Tưởng nguy hại về khả năng cơ thể có thể bị bệnh;
(5) Tưởng từ bỏ các tâm bất thiện;
(6) Tưởng ly tham để hướng về Niết-bàn;
(7) Tưởng đoạn diệt để hướng về Niết-bàn;
(8) Tưởng nhàm chán đối với toàn thế giới để hướng về Niết-bàn;
(9) Tưởng vô thường trong tất cả các hành để hướng về Niết-bàn; và
(10) Niệm hơi thở trong mười sáu bước.

Sau khi nghe mười tưởng này, bệnh của Tôn giả Girimā-nanda được thuyên giảm ngay lập tức. Bốn pháp quán tưởng đầu tiên trong kinh Girimānanda tương ứng với bốn tưởng điên đảo (vipallāsa): trong vô thường, nghĩ là thường – quán tưởng (1); trong vô ngã, nghĩ là ngã – quán tưởng (2); trong bất tịnh (không hấp dẫn), nghĩ là tịnh (hấp dẫn) – quán tưởng (3); trong khổ, nghĩ là lạc – quán tưởng (4).

Quán tưởng về từ bỏ (5) liên quan đến từ bỏ dục tâm (5a), sân tâm (5b), hại tâm (5c) và các ác, bất thiện tâm khác (5d); tạo thành một bộ bốn tiếp theo. Quán tưởng về ly tham (6), về đoạn diệt (7), về nhàm chán đối với toàn thế giới (8) và về vô thường trong tất cả các hành (9) tạo thành một bộ bốn khác. Cuối cùng, pháp quán niệm hơi thở (10) được thực hiện trong mười sáu bước, chia thành bốn nhóm bộ bốn tương ứng với bốn pháp lập niệm (thân, thọ, tâm, pháp).

Nhịp điệu bộ bốn trong toàn thể tiến trình mười pháp quán tưởng là như sau:

• Vô thường (1), vô ngã (2), bất mỹ (3), nguy hại (4);
• Từ bỏ dục tâm (5a), sân tâm (5b), hại tâm (5c), bất thiện tâm (5d);
• Ly tham (6), đoạn diệt (7), nhàm chán đối với toàn thế giới (8), vô thường trong tất cả các hành (9);
• Niệm hơi thở: bộ bốn thứ nhất (10a), bộ bốn thứ hai (10b), bộ bốn thứ ba (10c), bộ bốn thứ tư (10d).

Bốn pháp lập niệm giúp tăng thêm giá trị của các hướng dẫn hành thiền trong bài kinh Girimānanda. Khảo sát đối chiếu bài kinh Lập niệm trong tạng Pāli (MN 10) và bài kinh tương ứng trong bộ A-hàm Hán tạng cho thấy các chủ đề chính của bốn pháp ấy là: quán về bản chất thật sự của cơ thể là bất mỹ, vô ngã và bản chất tử vong (A), quán về bản chất của các cảm thọ (B); quán về bản chất của tâm (C); và quán về các pháp trong phương cách trau dồi những điều kiện dẫn đến giác ngộ (D).

Trong bài kinh, các chủ đề tương ứng đó được thực hành trước khi bắt đầu một chuỗi các bước niệm hơi thở. Thật thế, quán tưởng về bất mỹ hay bất tịnh (3) tương ứng với một trong các pháp quán thân được ghi trong tất cả các phiên bản của kinh Lập niệm hay Niệm xứ (Satipaṭṭhāna-sutta, MN 10).

Quán tưởng về nguy hại hay trở ngại (4) trong kinh Girimānanda và phiên bản Tây Tạng tương đương bắt đầu bằng một câu tóm tắt rằng thân thể có nhiều đau đớn. Đây là một trong ba loại cảm thọ, chủ đề của pháp lập niệm thứ hai (quán thọ). Quán tưởng về từ bỏ (5) rõ ràng có liên quan đến tâm, dựa trên sự phân biệt cơ bản giữa thiện và bất thiện và điều này liên quan đến những trạng thái tâm đầu tiên ghi trong kinh Lập niệm của mọi phiên bản để quán tâm. Các pháp quán tưởng kế tiếp (từ 6 đến 9) hướng tâm đến mục tiêu cuối cùng và do đó là chủ đề để bồi đắp các chi phần giác ngộ vốn là tâm điểm của quán pháp trong các bài kinh Lập niệm.

Tóm lại:

• Tưởng bất tịnh (3) – quán thân;
• Tưởng nguy hại (4) – quán thọ;
• Tưởng từ bỏ (5) – quán tâm;
• Tưởng (6) đến (9) – quán các pháp.

Từ góc nhìn này, niệm hơi thở trong bài kinh Girimā-nanda diễn ra trong cùng địa bàn hành thiền của bảy quán tưởng trước (3 đến 9), khởi đầu trên nền tảng tuệ quán thành lập bởi hai quán tưởng đầu tiên (1 và 2). Vì thế, niệm hơi thở (10) tóm tắt và làm viên mãn những gì đã được thực hiện trước đó, đồng thời kết hợp các chủ đề khác nhau này thành một chủ thể duy nhất, dựa trên sự tỉnh giác ghi nhận tiến trình thay đổi của hơi thở.

Bối cảnh câu chuyện của bài kinh Girimānanda cũng giúp hành giả thực tập các hướng dẫn dành riêng cho ngài Girimānanda. Dựa trên giả thuyết hợp lý rằng các lời tụng của ngài Ānanda có chức năng như là một buổi thiền có hướng dẫn, có lẽ khi chăm chú lắng nghe, ngài Girimā-nanda thực hành mười quán tưởng đồng thời với việc trì tụng của ngài Ānanda. Điều này giúp ta ước đoán thời gian cần thiết để hoàn tất một chương trình gồm mười quán tưởng.

Cách trì tụng như thế thông thường sẽ mất khoảng từ hai mươi đến ba mươi phút để trì tụng toàn thể bài kinh. Cho phép được ngừng một khoảng thời gian ngắn sau khi tụng mỗi quán tưởng để lời dạy của Đức Phật thấm sâu vào tâm và như thế, có lẽ tổng số thời thời gian trì tụng bài kinh là không hơn một giờ đồng hồ hay có thể ngắn hơn. Kinh Girimānanda và phiên bản Tây Tạng tương đương đã ghi rõ ràng trong bất cứ cách nào ngài Girimā-nanda theo dõi bài kinh, kết quả là bài kinh đó giúp ngài khỏi bệnh. Dựa vào đó, có vẻ hợp lý khi cho rằng thực hành mười pháp quán tưởng này trong khoảng thời gian từ bốn mươi lăm đến sáu mươi phút của một buổi thiền là phù hợp với những gì kinh văn dường như chỉ ra cho thấy như thế.

Dĩ nhiên để thuần thục với từng pháp quán tưởng này cần phải mất nhiều thời gian hơn. Trong lúc ban đầu, tôi đề nghị hành giả chỉ thực hành một pháp quán tưởng trong mỗi buổi thiền. Về sau, khi đã thuần thục, có thể kết hợp lại thành một tiến trình các quán tưởng nối tiếp nhau trong một buổi thiền. Trong Kinh tạng không có nhiều thông tin về ngài Girimānanda, không biết rõ là ngài đã quen thuộc với các pháp quán tưởng này hay không. Có lẽ ngài đã có nhiều kinh nghiệm thực hành riêng rẽ và điều mới mẻ ở đây đối với ngài là cách kết hợp các pháp quán tưởng ấy thành một chuỗi các bước liên tục nối tiếp nhau trong khi hành thiền.

Dù thế nào đi nữa, một khi đã quen thuộc mười pháp quán tưởng này, hành giả có thể hoàn thành toàn bộ chương trình hành thiền trong một buổi thiền. Ưu điểm về việc có nhiều đề mục thiền như thế trong một khoảng thời gian tương đối hạn chế là để giúp giữ kín tâm trí, không để tạo cơ hội để tâm phóng đi nơi khác. Ngay cả nếu có phóng tâm, sự kiện này dễ dàng và nhanh chóng được ghi nhận. Bằng cách này, hành giả thực hành sống động và tránh được cảnh đơn điệu phải thực hành một cách máy móc. Dựa vào việc xây dựng sự liên tục trong hành thiền mà phương cách này đã tạo ra, trong thời gian còn lại của buổi thiền, hành giả có thể chuyển sang cách hành thiền tự do, ít gò bó hơn, chẳng hạn như chỉ đơn thuần ghi nhận dòng chảy thay đổi của các chứng nghiệm trong thời khắc hiện tại. Sau các quan sát sơ bộ này, giờ đây chúng ta sẵn sàng chuyển sang sự thực hành các pháp quán tưởng đó.

[ Home ]
02-02-2020