Đàm luận Phật Pháp
- 38 -

37 Phần Bồ-đề  

 

 [ Home ]

 

 

 

Tham khảo:

1) Tương ưng bộ, thiên Ðại phẩm, http://budsas.net/uni/u-kinh-tuongungbo/tu-00.htm

2) Ba mươi bảy phẩm trợ đạo (The Requisites of Enlightenment). Hòa thượng Ledi Sayadaw (Phạm Kim Khánh dịch), http://budsas.net/uni/u-37bd/37bd-00.htm  

3) Đường đến Giác ngộ: 37 phần Bồ đề. Tỳ khưu Chánh Minh. http://budsas.net/uni/u-chanhminh/37bode-01.htm  

4) Phật Học Khái Luận. Thích Chơn Thiện, http://budsas.net/uni/u-phathoc-kl/phkl-00.htm

5) Phật lý cơ bản, Thích Đức Thắng, http://budsas.net/uni/u-phatly/pl00.htm  

6) Wings to Awakening: An Anthology from the Pali Canon. Thanissaro Bhikkhu, http://www.accesstoinsight.org/lib/authors/thanissaro/wings/index.html

7) The Buddhist Path to Awakening: A Study of the Bodhi-Pakkhiya Dhamma, R.M.L. Gethin, ISBN-10: 978-1851682850 http://budsas.net/sach/en42.zip

* * *

Các pháp đưa đến giác ngộ
(bodhipakkhiya dhammā)

Bodhi: Bồ-đề, giác ngộ; pakkhiya: liên hệ; dhamma: pháp, bodhipakkhiya dhammā: các pháp liên hệ / dẫn đến giác ngộ -
37 phần bồ đề, 37 phẩm trợ đạo, 37 yếu tố đưa đến giác ngộ (37 factors, constituents to enlightenment)
 

Tóm tắt 37 phần bồ-đề:

1) (Ðại kinh Bát-Niết-Bàn, Trường bộ 16)

Đức Thế Tôn nói với các vị Tỳ-khưu:

- Này các Tỳ-khưu, nay những pháp do Ta chứng ngộ và giảng dạy cho các ngươi, các ngươi phải khéo học hỏi, thực chứng tu tập và truyền rộng để phạm hạnh được trường tồn, vĩnh cửu, vì hạnh phúc cho chúng sanh, vì an lạc cho chúng sanh, vì lòng thương tưởng cho đời, vì lợi ích, vì hạnh phúc, vì an lạc cho loài trời và loài người.

Này các Tỳ-khưu, thế nào là các pháp do Ta chứng ngộ và giảng dạy, các ngươi phải khéo học hỏi, thực chứng, tu tập và truyền rộng để cho phạm hạnh được trường tồn, vĩnh cửu, vì hạnh phúc cho chúng sanh, vì an lạc cho chúng sanh, vì lòng thương tưởng cho đời, vì lợi ích, vì hạnh phúc, vì an lạc cho loài trời và loài người?

Đó chính là Bốn Niệm xứ, Bốn Chánh cần, Bốn Như ý túc, Năm Căn, Năm Lực, Bảy Bồ-đề phần, Tám Thánh đạo phần. Này các Tỳ-khưu, chính những pháp này do Ta chứng ngộ và giảng dạy, mà các ngươi phải khéo học hỏi, thực chứng, tu tập và truyền rộng để phạm hạnh được trường tồn, vĩnh cửu, vì hạnh phúc cho chúng sanh, vì lòng thương tưởng cho đời, vì lợi ích, vì hạnh phúc, vì an lạc cho loài trời và loài người.

2) (Ðại kinh Sakuludàyi, Trung bộ 77)

- Ta thuyết giảng con đường tu hành cho các đệ tử. Và các đệ tử của Ta y cứ theo đường tu hành này, tu tập Bốn Niệm xứ …, tu tập Bốn Chánh cần …, tu tập Bốn Như ý túc …, tu tập Năm Căn …, tu tập Năm Lực …, tu tập Bảy Giác chi …, tu tập Thánh đạo Tám ngành.

3) (Tăng chi 7.67)

- Này các Tỳ-khưu, Tỳ-khưu sống chú tâm trong sự tu tập, dầu cho không khởi lên ước muốn: "Mong rằng tâm ta được giải thoát khỏi các lậu hoặc, không có chấp thủ"; tuy vậy, tâm vị ấy được giải thoát khỏi các lậu hoặc không có chấp thủ.

Vì cớ sao? Phải nói rằng vì vị ấy có tu tập. Có tu tập cái gì? Có tu tập Bốn niệm xứ, có tu tập Bốn chánh cần, có tu tập Bốn như ý túc, có tu tập Năm căn, có tu tập Năm lực, có tu tập Bảy giác chi, có tu tập Thánh đạo tám ngành.

 

 Bát chánh đạo
(Thánh đạo tám ngành, Bát chi thánh đạo – The Noble Eightfold Path)

Ariyo aṭṭhagiko maggoariyo : noble, thánh; aṭṭhagiko : eight factors/constituents, tám phần tử; maggo : path, con đường.

Tương ưng Đạo (Tương ưng 5.45)

Bát chánh đạo là Pháp thừa (Cỗ xe pháp):

- Thánh đạo Tám ngành này, này Ananda, là đồng nghĩa với cỗ xe thù thắng, cỗ xe pháp này. Vô thượng là sự chinh phục trong chiến trận.

Chánh tri kiến, Chánh tư duy, Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh mạng, Chánh tinh tấn, Chánh niệm, Chánh định, này Ananda, được tu tập, được làm cho viên mãn, cuối cùng đưa đến nhiếp phục tham, nhiếp phục sân, nhiếp phục si.

Này Ananda, chính với pháp môn này, các ông cần phải hiểu như thế này: "Cỗ xe thù thắng, cỗ xe pháp, vô thượng là sự chinh phục trong chiến trận, là đồng nghĩa với Thánh đạo Tám ngành này".

Bát chánh đạo là con đường diệt khổ:

1) Này các Tỳ-khưu, nếu các du sĩ ngoại đạo hỏi các ông: "Này hiền giả, có con đường nào, có đạo lộ nào đưa đến liễu tri đau khổ này?" Ðược hỏi vậy, thời các ông hãy trả lời cho các du sĩ ngoại đạo ấy như sau: "Này chư hiền, có con đường, có đạo lộ đưa đến liễu tri đau khổ này".

 Này các Tỳ-khưu, thế nào là con đường, thế nào là đạo lộ đưa đến liễu tri đau khổ? Ðây là con đường Thánh đạo Tám ngành, tức là chánh tri kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định. Này các Tỳ-khưu, đây là con đường, đây là đạo lộ đưa đến liễu tri sự đau khổ này.

2) Bạch Thế Tôn, thế nào là con đường đưa đến bất tử?

- Ðoạn tận tham, đoạn tận sân, đoạn tận si, này Tỳ-khưu, được gọi là bất tử. Con đường Thánh đạo Tám ngành này là con đường đưa đến bất tử, tức là chánh tri kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định.

3)

- Có tám pháp này, này các Tỳ-khưu, được tu tập, được làm cho sung mãn, đưa từ bờ bên này đến bờ bên kia (apàràpa ramgamanàya). Thế nào là tám? Tức là chánh tri kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định.

4)

- Này các Tỳ-khưu, có năm hạ phần kiết sử này. Thế nào là năm? Thân kiến, nghi, giới cấm thủ, dục tham, sân. Này các Tỳ-khưu, đó là năm hạ phần kiết sử này. Chính vì mục đích thắng tri, liễu tri, đoạn diệt, đoạn tận năm hạ phần kiết sử này, Thánh đạo tám ngành này cần phải tu tập.

- Có năm thượng phần kiết sử này, này các Tỳ-khưu. Thế nào là năm? Sắc tham, vô sắc tham, mạn, trạo cử, vô minh. Này các Tỳ-khưu, đó là năm thượng phần kiết sử này. Chính vì mục đích thắng tri, liễu tri, đoạn diệt, đoạn tận năm thượng phần kiết sử này, này các Tỳ-khưu, Thánh đạo Tám ngành này cần phải tu tập.

Định nghĩa về tám chi phần của Bát chánh đạo:

"Này các vị tỳ-khưu, thế nào là chánh tri kiến? Đó là sự thông hiểu về khổ, sự thông hiểu về nguyên nhân của khổ, sự thông hiểu về sự diệt khổ, và sự thông hiểu về con đường diệt khổ.

Thế nào là chánh tư duy? Đó là tư duy về sự xuất ly, tư duy về vô sân, tư duy về vô hại.

Thế nào là chánh ngữ? Đó là từ bỏ nói láo, từ bỏ nói hai lưỡi, từ bỏ nói lời độc ác, từ bỏ nói lời phù phiếm.

Thế nào chánh nghiệp? Đó là từ bỏ sát sanh, từ bỏ lấy của không cho, từ bỏ hành động tà dâm.

Thế nào là chánh mạng? Đó là đoạn trừ tà mạng, nuôi sống với chánh mạng.

Thế nào là chánh tinh tấn? Đó là tinh tấn ngăn chận không cho khởi sanh các bất thiện pháp chưa sanh, tinh tấn trừ diệt các bất thiện pháp đã sanh, tinh tấn phát khởi các thiện pháp chưa sanh, và tinh tấn duy trì các thiện pháp đã sanh.

Thế nào là chánh niệm? Đó là sống quán thân trên thân, nhiệt tâm, tỉnh giác, niệm, điều phục mọi tham ưu trên đời; sống quán thọ trên thọ, nhiệt tâm, tỉnh giác, niệm, điều phục mọi tham ưu trên đời; sống quán tâm trên tâm, nhiệt tâm, tỉnh giác, niệm, điều phục mọi tham ưu trên đời; sống quán pháp trên các pháp, nhiệt tâm, tỉnh giác, niệm, điều phục mọi tham ưu trên đời.

Thế nào là chánh định? Đó là ly dục, ly pháp bất thiện, chứng và trú Thiền-na thứ nhất, một trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh, có tầm, có tứ; rồi làm cho tịnh chỉ tầm và tứ, chứng và trú vào Thiền-na thứ hai, một trạng thái hỷ lạc do định sanh, không tầm, không tứ, nội tĩnh, nhất tâm; rồi ly hỷ trú xả, niệm, tỉnh giác, thân cảm sự lạc thọ mà các bậc Thánh gọi là xả và niệm lạc trú, chứng và trú vào Thiền-na thứ ba; rồi xả lạc, xả khổ, diệt hỷ ưu đã cảm thọ trước, chứng và trú vào Thiền-na thứ tư, không khổ không lạc, xả và niệm thanh tịnh."

 

Tứ niệm xứ (Tứ lập niệm)

Tương ưng Niệm xứ (Tương ưng 5.47)

- Ở đây, này các Tỳ-khưu, Tỳ-khưu trú, quán thân trên thân, nhiệt tâm, tỉnh giác, niệm, nhiếp phục tham ưu ở đời; Tỳ-khưu trú, quán thọ trên các cảm thọ, nhiệt tâm, tỉnh giác, niệm, nhiếp phục tham ưu ở đời; Tỳ-khưu trú, quán tâm trên tâm, nhiệt tâm, tỉnh giác, niệm, nhiếp phục tham ưu ở đời; Tỳ-khưu trú, quán pháp trên các pháp, nhiệt tâm, tỉnh giác, niệm, nhiếp phục tham ưu ở đời.

Tứ niệm xứ là ngọn đèn:

- Vậy này Ananda, hãy tự mình là ngọn đèn cho chính mình, hãy tự mình nương tựa chính mình, chớ nương tựa một điều gì khác. Dùng Chánh pháp làm ngọn đèn, dùng Chánh pháp làm chỗ nương tựa, chớ nương tựa một gì khác.

Và này Ananda, thế nào là Tỳ-khưu tự mình là ngọn đèn cho chính mình, tự mình nương tựa chính mình, không nương tựa một điều gì khác, dùng Chánh pháp làm ngọn đèn, dùng Chánh pháp làm chỗ nương tựa, không nương tựa một gì khác?

Này Ananda, ở đây, Tỳ-khưu trú, quán thân trên thân, quán thọ trên các thọ, quán tâm trên tâm, quán pháp trên các pháp, nhiệt tâm, tỉnh giác, niệm, nhiếp phục tham ưu ở đời.

Này Ananda, như vậy là Tỳ-khưu tự mình là ngọn đèn cho chính mình, tự mình nương tựa cho chính mình, không nương tựa một điều gì khác, dùng Chánh pháp làm ngọn đèn, dùng Chánh pháp làm chỗ nương tựa, không nương tựa một điều gì khác.

Kết quả:

- … Khi vị ấy trú, quán như thế (thân, thọ, tâm, pháp), tâm được ly tham, được giải thoát khỏi các lậu hoặc, không có chấp thủ.

Tứ niệm xứ & Thất giác chi:

Ngài Xá-lợi-phất thưa với Đức Phật:

- Bạch Thế Tôn, tất cả các vị A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác trong quá khứ, tất cả vị Thế Tôn trong quá khứ đã diệt trừ Năm Triền cái, những pháp làm uế nhiễm khiến cho trí tuệ yếu ớt, đã an trú tâm vào Bốn Niệm xứ, đã chân chánh tu tập Bảy Giác chi, đã chứng được Vô thượng Chánh Ðẳng Giác. Bạch Thế Tôn, tất cả các vị A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác trong tương lai, tất cả Thế Tôn trong tương lai cũng sẽ diệt trừ Năm Triền cái, những pháp làm uế nhiễm khiến cho trí tuệ yếu ớt, sẽ an trú tâm vào Bốn Niệm xứ, chân chánh tu tập Bảy Giác chi, chứng được Vô thượng Chánh Ðẳng Giác. Bạch Thế Tôn, Thế Tôn hiện tại đã diệt trừ Năm Triền Cái, những pháp làm uế nhiễm khiến cho trí tuệ yếu ớt, đã an trú tâm vào Bốn Niệm xứ, đã chân chánh tu tập Bảy Giác chi, đã chứng được Vô thượng Chánh Ðẳng Giác.

 

Tứ chánh cần

Tương ưng Chánh cần (Tương ưng 5.49)

- Này các Tỳ-khưu, có bốn chánh cần này. Thế nào là bốn ?

Ở đây, này các Tỳ-khưu, Tỳ-khưu đối với các ác, bất thiện pháp chưa sanh, khởi lên ý muốn không cho sanh khởi, tinh cần, tinh tấn, quyết tâm, cố gắng.

Ðối với các ác, bất thiện pháp đã sanh, khởi lên ý muốn đoạn tận, tinh cần, tinh tấn, quyết tâm, cố gắng.

Ðối với các thiện pháp chưa sanh, khởi lên ý muốn làm cho sanh khởi, tinh cần, tinh tấn, quyết tâm, cố gắng.

Ðối với các thiện pháp đã sanh, khởi lên ý muốn làm cho an trú, không cho vong thất, làm cho tăng trưởng, làm cho quảng đại, tu tập, làm cho viên mãn, tinh cần, tinh tấn, quyết tâm, cố gắng.

Như vậy, này các Tỳ-khưu, Tỳ-khưu tu tập bốn chánh cần, làm cho sung mãn bốn chánh cần, thiên về Niết-bàn, hướng về Niết-bàn, xuôi về Niết-bàn.

 

Tứ Như ý túc
(cattāro iddhi-pādā)

Giải thích:

Iddhi: power, magical power, success (thành tựu); iddhi-pādā: road/base to success

Dục định: chanda-samādhi, desire
Tinh tấn định: virya-samādhi, endeavour, persistence, energy
Tâm định: citta-samādhi, mind, intent, will, consciousness
Tư duy định: vīmaṃsā-samādhi , investigation, analysis, deliberation, examine (thẩm tra)

Dục, Cần, Tâm, Thẩm (Hòa thượng Tịnh Sự)

1) Theo Tỳ khưu Chánh Minh:

Ijjhana iddhi : iddhi nghĩa là thành-tựu; Iddhiyā pādo iddhipādo : Nền-tảng đạt đến sự thành-tựu gọi là như ý. Chữ pāda ngoài ý-nghĩa là cái chân, còn có nghĩa là nền-tảng, đứng vững. Iddhi được định nghĩa là sự thành-tựu. Ngoài ra, chữ iddhi còn có nghĩa là pháp thần-thông, ở đây ý-nghĩa thần-thông là sự thành-tựu đặc biệt.

Có bốn căn-bản cho sự thành-tựu (iddhipāda) là:

1- Chandiddhipāda : Dục như-ý túc.
2- Vīriyiddhipāda : Cần như-ý túc.
3- Ciṭṭiddhipāda : Tâm như-ý túc.
4- Vimaṃsiddhipāda : Trí như-ý túc.

Dục (chanda) là muốn có được, muốn đạt được, muốn thành-tựu. Ở đây, dục như-ý túc là sự biểu lộ ước muốn mãnh-liệt, không một chướng-ngại nào khởi lên từ bên ngoài hay bên trong có thể ngăn chặn được ước muốn ấy.

Ðược gọi là tấn như-ý túc, là sự nỗ-lực vượt trội hơn lúc bình thường đi kèm với ý muốn mãnh-liệt "đạt được mục tiêu". Một cách khác: tấn như-ý túc là sự nỗ-lực với ý muốn thành-tựu mục-đích, nếu không có ý muốn này thì chỉ là sự tinh-tấn suông giống như người đi dạo trong lúc nhàn rỗi, dù là thường xuyên đi tản bộ, nhưng không có mục-đích rõ rệt, chỉ là sự đi dạo bình thường.

Tâm như-ý túc là sự gắn bó khắn khít với pháp thành-tựu (iddhi), sự gắn bó này mang tính mong cầu tha thiết.

Người có tâm như-ý túc, là người có tâm hướng đến giải-thoát, cho dù sống giữa những xa-hoa xinh đẹp của thế-gian, giữa quyền lực, địa vị tiền tài cùng những điều an-vui thế-tục, giữa những bộ sách huyền thuật và đang nghiên cứu chúng. Người này vẫn không bị lôi cuốn bởi hạnh-phúc thế-gian, tâm luôn hướng đến những lợi-ích cao siêu, tức là tâm hướng đến thành-đạt (iddhi) sự giải-thoát khổ.

Người có trí như-ý túc, một loại trí suy-gẫm về sự thống-khổ cùng với phương-pháp thoát khỏi khổ, không còn cảm thấy vui thích với khoái-lạc của thế-gian. Người ấy chỉ thỏa-thích, hài lòng với pháp iddhi thâm sâu vi diệu. Nếu như ước muốn của người này càng to lớn cao cả thì trí này khi thành-đạt càng thâm-sâu vi-diệu bấy nhiêu.

2) Theo Thượng tọa Thích Đức Thắng:

- Thiền định phát khởi là nhờ sức mạnh của ý muốn tư tưởng mà đạt được thần thông. Dục ở đây chỉ cho ước muốn, mong cầu một cách thiết tha, mong muốn đạt được những gì đang ở ngòai tầm tay hành giả; hay mong cầu những ước muốn của chúng ta cho đến khi đạt được những sở nguyện đó mới thôi, theo nghĩa dục như ý túc.

- Thiền định phát khởi là nhờ vào sức tinh tấn nổ lực tu tập của hành giả. Khi hành giả đã có mong cầu ước muốn rồi mà không có sự tinh tấn nổi lực để thực hành  tu tập thì ước muốn đó cũng thành vô dụng, chỉ có trên lý thuyết thôi, mà trong thực tế thì là con số không. Do đó tinh tấn nổ lực là điều kiện tất yếu để hòan thành bổn nguyện của hành giả.

- Thiền định phát sinh nhờ sức mạnh của tâm niệm. Một lòng chuyên nhất trụ nương vào sức mạnh của tâm, nên định dẫn phát mà khởi lên. Hành giả tu tập khi tâm mình định nhất vào một đối tượng nào đó một cách chuyên nhất thì, vọng tâm sẽ không khởi lên được và không bị tán loạn, khi đó không việc gì không thành tựu.  

- Thiền định phát sinh nhờ sức mạnh tư duy quán sát Phật lý. Hành giả nương vào sức mạnh tư duy quán sát nên định dẫn phát mà sinh khởi.Quán là dùng trí tuệ quán sát tư duy lý pháp mình đang tu và, nhờ đó mà định phát sinh và, khi định đã có thì định tuệ quân bình. Khi quán trí này do định phát sanh thì, trí này là tịnh trí, chính vì nhờ tịnh cho nên nó có thể thông đạt thật nghĩa của các pháp trong vũ trụ một cách như thật.

* * *

Tương ưng Như ý túc (Tương ưng 5.51)

- Có bốn như ý túc này, này các Tỳ-khưu, được tu tập, được làm cho sung mãn, đưa từ bờ bên này đến bờ bên kia [*]. Thế nào là bốn?

Ở đây, này các Tỳ-khưu, Tỳ-khưu tu tập như ý túc, câu hữu với dục định tinh cần hành; tu tập như ý túc, câu hữu với tinh tấn định tinh cần hành; tu tập như ý túc, câu hữu với tâm định tinh cần hành; tu tập như ý túc, câu hữu với tư duy định tinh cần hành. Những pháp này, này các Tỳ-khưu, là bốn như ý túc, được tu tập, được làm cho sung mãn, đưa từ bờ bên này đến bờ bên kia.

[*] Các diễn giải khác của Đức Phật: (i) đưa đến chân chánh đoạn diệt khổ đau; (ii) đưa đến nhứt hướng yếm ly, ly tham, đoạn diệt, an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn; (iii) đưa đến đoạn diệt các lậu hoặc, tự mình chứng ngộ với thắng trí, chứng đạt và an trú vô lậu tâm giải thoát, tuệ giải thoát; (iv) làm cho nhãn khởi lên, trí khởi lên, tuệ khởi lên, minh khởi lên, quang khởi lên.

[*] Theo Tk Chánh Minh: Ở đây, chữ câu hữu nghĩa là đi kèm, dính liền với. Ðịnh có nghĩa là dán chặt vào đối-tượng, nghĩa là có mục-đích (đối tượng) rõ ràng. Tinh-cần hành là kiên-trì tu-tập. Chính vì có mục-đích nên sự tinh-tấn có mục tiêu để đạt đến mới trở thành tấn như-ý túc.

Nền tảng là Bát chánh đạo:

- Này các Tỳ-khưu, thế nào là con đường đưa đến tu tập như ý túc? Ðây là Thánh đạo tám ngành, tức là chánh tri kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định. Này các Tỳ-khưu, đây là con đường đưa đến sự tu tập như ý túc.

Chấm dứt, không vướng mắc:

- Khi Tỳ-khưu nào là bậc A-la-hán, các lậu hoặc đã đoạn tận, phạm hạnh đã thành, các việc nên làm đã làm, đã đặt gánh nặng xuống, đã đạt được mục đích, hữu kiết sử đã đoạn, chánh trí, giải thoát. Lòng dục mà vị ấy có trước để chứng được A-la-hán thì khi chứng được A-la-hán rồi, lòng dục ấy được tịnh chỉ. Sự tinh tấn mà vị ấy có trước để chứng đạt A-la-hán, thì khi chứng được A-la-hán rồi, tinh tấn ấy được tịnh chỉ. Tâm mà vị ấy có trước để chứng đạt A-la-hán, thì khi chứng được A-la-hán rồi, tâm ấy được tịnh chỉ. Tư duy mà vị ấy có trước để chứng đạt A-la-hán, thì khi chứng được A-la-hán rồi, tư duy ấy được tịnh chỉ.

 

Ngũ căn, Ngũ lực

Tương ưng Căn (Tương ưng 5.48)

- Này các Tỳ-khưu, có năm căn này. Thế nào là năm? Tín căn, ấn căn, niệm căn, định căn, tuệ căn.

Và này các Tỳ-khưu, thế nào là tín căn? Ở đây, này các Tỳ-khưu, vị Thánh đệ tử có lòng tin, đặt lòng tin ở sự giác ngộ của Như Lai: "Ðây là Như Lai, bậc Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Ðiều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhơn Sư, Phật, Thế Tôn". Này các Tỳ-khưu, đây gọi là tín căn.

Và này các Tỳ-khưu, thế nào là tấn căn? Ở đây, này các Tỳ-khưu, vị Thánh đệ tử sống tinh cần, tinh tấn đoạn trừ các pháp bất thiện, làm cho đầy đủ các thiện pháp, với nỗ lực kiên trì, tinh tấn, không có từ bỏ gánh nặng các thiện pháp (anikkhittadhuro). Này các Tỳ-khưu, đây gọi là tấn căn.

Và này các Tỳ-khưu, thế nào là niệm căn? Ở đây, này các Tỳ-khưu, vị Thánh đệ tử chánh niệm, thành tựu niệm tuệ, tối thắng (satinepakkena), ức niệm, tùy niệm các việc làm từ lâu, các lời nói từ lâu. Này các Tỳ-khưu, đây gọi là niệm căn.

Và này các Tỳ-khưu, thế nào là định căn? Ở đây, này các Tỳ-khưu, vị Thánh đệ tử sau khi từ bỏ pháp sở duyên, được định, được nhứt tâm. Này các Tỳ-khưu, đây gọi là định căn.

Và này các Tỳ-khưu, thế nào là tuệ căn? Ở đây, này các Tỳ-khưu, vị Thánh đệ tử có trí tuệ, thành tựu trí tuệ về sự sanh diệt các pháp, trí tuệ các bậc Thánh thể nhập (các pháp), đưa đến chơn chánh đoạn tận khổ đau. Này các Tỳ-khưu, đây gọi là tuệ căn.

Một định nghĩa khác:

… Này các Tỳ-khưu, cần phải quán tín căn ở chỗ nào? Ở đây, cần phải quán tín căn trong bốn chánh tín (Phật, Pháp, Tăng, và Giới).

Và này các Tỳ-khưu, cần phải quán tấn căn ở chỗ nào? Ở đây, cần phải quán tấn căn trong bốn chánh cần.

Và này các Tỳ-khưu, cần phải quán niệm căn ở chỗ nào? Ở đây, cần phải quán niệm căn trong bốn niệm xứ.

Và này các Tỳ-khưu, cần phải quán định căn ở chỗ nào? Ở đây, cần phải quán định căn trong bốn Thiền.

Và này các Tỳ-khưu, cần phải quán tuệ căn ở chỗ nào? Ở đây, cần phải quán tuệ căn trong bốn Thánh đế.

Kết quả:

- Do tu tập, do làm cho sung mãn năm căn này, này các Tỳ-khưu, Tỳ-khưu đoạn tận các lậu hoặc, ngay trong hiện tại, tự mình chứng ngộ với thắng trí, chứng đạt và an trú vô lậu tâm giải thoát, tuệ giải thoát.

(…)

- Với sự toàn diện, với sự viên mãn năm căn này, là bậc A-la-hán. Yếu nhẹ hơn là vị đang thực hành để chứng ngộ quả A-la-hán (A-la-hán hướng). Yếu nhẹ hơn là bậc Bất lai. Yếu nhẹ hơn là vị đang thực hành để chứng ngộ quả Bất lai (A-na-hàm hướng). Yếu nhẹ hơn là bậc Nhất lai. Yếu nhẹ hơn là vị đang thực hành để chứng ngộ quả Nhất lai (Nhất lai hướng). Yếu nhẹ hơn là bậc Dự lưu. Yếu nhẹ hơn là vị đang thực hành để chứng ngộ quả Dự lưu (Dự lưu hướng).

*

Tương ưng Lực (Tương ưng 5.50)

- Có năm lực này, này các Tỳ-khưu. Thế nào là năm? Tín lực, tấn lực, niệm lực, định lực, tuệ lực. Những pháp này, này các Tỳ-khưu, là năm lực.

Ví như, này các Tỳ-khưu, sông Hằng thiên về phương Ðông, hướng về phương Ðông, xuôi về phương Ðông. Cũng vậy, này các Tỳ-khưu, Tỳ-khưu tu tập năm lực, làm cho sung mãn năm lực, thiên về Niết-bàn, hướng về Niết-bàn, xuôi về Niết-bàn. Tỳ-khưu tu tập tín lực, tu tập tấn lực, tu tập niệm lực, tu tập định lực, tu tập tuệ lực.  liên hệ đến viễn ly, liên hệ đến ly tham, liên hệ đến đoạn diệt, hướng đến từ bỏ.

 

Thất giác chi

Tương ưng Giác chi (Tương ưng 5.46)

Lợi ích:

- Con đường nào, đạo lộ nào, này các Tỳ-khưu, đưa đến đoạn tận khát ái? Tức là bảy giác chi. Thế nào là bảy? Niệm giác chi, trạch pháp giác chi, tinh tấn giác chi, hỷ giác chi, khinh an giác chi, định giác chi, xả giác chi.

-  Bảy giác chi này, này các Tỳ-khưu, nếu được tu tập, được làm cho sung mãn, thì sẽ đưa đến giải thoát, dắt dẫn người sở hành chơn chánh đoạn diệt khổ đau. Thế nào là bảy? Niệm giác chi, trạch pháp giác chi, tinh tấn giác chi, hỷ giác chi, khinh an giác chi, định giác chi, xả giác chi.

- Bảy giác chi này, này các Tỳ-khưu, nếu được tu tập, được làm cho sung mãn, thì sẽ đưa đến nhứt hướng nhàm chán, ly tham, đoạn diệt, an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn.

 - Bảy giác chi này, này các Tỳ-khưu, nếu được tu tập, được làm cho sung mãn, thì sẽ đưa từ bờ bên này qua bờ bên kia.

- Do vị ấy tu tập bảy giác chi này, tâm được giải thoát khỏi dục lậu, tâm được giải thoát khỏi hữu lậu, tâm được giải thoát khỏi vô minh lậu. Trong sự giải thoát, trí khởi lên: "Ta đã được giải thoát". Vị ấy biết rõ: "Sinh đã tận, Phạm hạnh đã thành, những việc nên làm đã làm, không còn trở lui trạng thái này nữa". Chúng đưa đến giác ngộ, này Tỳ-khưu, nên chúng được gọi là giác chi.

Thất giác chi là bảy pháp bất thối:

 - Này các Tỳ-khưu, khi nào chúng Tỳ-khưu tu tập niệm giác chi, tu tập trạch pháp giác chi, tu tập tinh tấn giác chi, tu tập khinh an giác chi, tu tập định giác chi, tu tập xả giác chi, thời này các Tỳ-khưu, chúng Tỳ-khưu sẽ được cường thịnh, không bị suy giảm.

Liên hệ với Bát chánh đạo:

- Này các Tỳ-khưu, những ai tinh tấn tu Bảy giác chi thì cũng tinh tấn tu Thánh đạo Tám ngành đưa đến tận diệt khổ. Thế nào là bảy? Niệm giác chi, trạch pháp giác chi, tinh tấn giác chi, hỷ giác chi, khinh an giác chi, định giác chi, xả giác chi.

Tu tập:

1) - Này các Tỳ-khưu, như thế nào là Tỳ-khưu như lý tác ý, tu tập bảy giác chi, làm cho sung mãn Bảy giác chi? Ở đây, này các Tỳ-khưu, Tỳ-khưu tu tập niệm giác chi, trạch pháp giác chi, tinh tấn giác chi, hỷ giác chi, khinh an giác chi, định giác chi, xả giác chi, có liên hệ đến viễn ly, liên hệ đến ly tham, liên hệ đến đoạn diệt, hướng đến từ bỏ.

2) (Tôn giả Upavàna đáp lời Tôn giả Sàriputta)

- Thưa Hiền giả Sàriputta, Tỳ-khưu có thể biết được, do tự mình như lý tác ý, bảy giác chi được khéo bắt đầu trong ta, đưa đến lạc trú. Thưa Hiền giả, Tỳ-khưu chỉ bắt đầu niệm giác chi, biết được: "Tâm ta được khéo giải thoát. Hôn trầm thụy miên trong ta được khéo nhổ sạch. Trạo hối trong ta được khéo điều phục. Tinh tấn giác chi đã bắt đầu trong ta. Lấy giác chi ấy làm đối tượng (atthikatvà), ta dụng tâm tác ý. Giác chi ấy không có thối thất (linàm)"

(tương tự cho: trạch pháp giác chi, tinh tấn giác chi, hỷ giác chi, khinh an giác chi, định giác chi, xả giác chi)

Cũng vậy, thưa Hiền giả Sàriputta, Tỳ-khưu có thể biết được, do tự mình như lý tác ý, bảy giác chi được khéo an trú trong ta, đưa đến lạc trú.

3) Hộ trì sáu căn là nền tảng:

(Đức Phật dạy đạo sĩ Kundaliya)

- Nhưng thưa Tôn giả Gotama, những pháp nào được tu tập, được làm cho sung mãn khiến cho minh trí và giải thoát được viên mãn?

- Này Kundaliya, bảy giác chi được tu tập, được làm cho sung mãn, khiến cho minh trí và giải thoát được viên mãn.

- Nhưng thưa Tôn giả Gotama, những pháp nào được tu tập, được làm cho sung mãn, khiến cho bảy giác chi được viên mãn?

- Này Kundaliya, bốn niệm xứ được tu tập, được làm cho sung mãn, khiến cho bảy giác chi được viên mãn.

- Nhưng thưa Tôn giả Gotama, những pháp nào được tu tập, được làm cho sung mãn, khiến cho bốn niệm xứ được viên mãn?

- Này Kundaliya, ba thiện hành (thân, khẫu, ý) được tu tập, được làm cho sung mãn, khiến cho bốn niệm xứ được viên mãn.

- Nhưng thưa Tôn giả Gotama, những pháp nào được tu tập, được làm cho sung mãn, khiến cho ba thiện hành được viên mãn?

- Này Kundaliya, hộ trì sáu căn được tu tập, được làm cho sung mãn, khiến cho ba thiện hành được viên mãn. Nhưng này Kundaliya, hộ trì sáu căn tu tập như thế nào, làm cho sung mãn như thế nào, khiến cho ba thiện hành được viên mãn?

Ở đây, này Kundaliya, Tỳ-khưu khi mắt thấy sắc khả ý, tai nghe tiếng khả ý, mũi ngửi hương khả ý, lưỡi nếm vị khả ý, thân cảm xúc khả ý, khi ý biết pháp khả ý, vị ấy không có tham trước, không có hoan hỷ, không để tham dục (ràga) khởi lên. Thân của vị ấy được an trú, tâm an trú, nội phần khéo an trú, khéo giải thoát.

Và khi mắt thấy sắc không khả ý, tai nghe tiếng không khả ý, mũi ngửi hương không khả ý, lưỡi nếm vị không khả ý, thân cảm xúc không khả ý, khi ý biết pháp không khả ý, vị ấy không có tuyệt vọng (manku), tâm không có dao động, ý không có chán nản (àdìnamànaso), tâm không có tức tối (avyàpannàcetaso). Thân của vị ấy được an trú, tâm được an trú, nội phần khéo an trú, khéo giải thoát.

Đối trị 5 triền cái:

- Năm triền cái này, này các Tỳ-khưu, tác thành si ám, tác thành không mắt, tác thành vô trí, đoạn diệt trí tuệ, dự phần vào tổn hại, không đưa đến Niết-bàn. Thế nào là năm? Dục tham, Sân, Hôn trầm thụy miên, Trạo hối, Nghi hoặc. Năm triền cái, tác thành si ám, tác thành không mắt, tác thành vô trí, đoạn diệt trí tuệ, dự phần vào tổn hại, không đưa đến Niết-bàn.

Bảy giác chi này, này các Tỳ-khưu, tác thành mắt, tác thành trí, làm tăng trưởng trí tuệ, không dự phần vào tổn hại, đưa đến Niết-bàn. Thế nào là bảy? Niệm Trạch pháp, Tinh tấn, Hỷ, Khinh an, Ðịnh, Xả. Bảy giác chi này, tác thành mắt, tác thành trí, làm tăng trưởng trí tuệ, không dự phần vào tổn hại, đưa đến Niết-bàn.

* * *

Bojjhaṅga Paritta   
The Factor-of-Awakening Protection

Bojjhaṅgo sati-saṅkhāto
Dhammānaṃ vicayo tathā
Viriyam-pīti-passaddhi-
Bojjhaṅgā ca tathāpare
Samādh'upekkha-bojjhaṅgā
Satt'ete sabba-dassinā
Muninā sammadakkhātā
Bhāvitā bahulīkatā
Saṃvattanti abhiññāya
Nibbānāya ca bodhiyā
Etena sacca-vajjena
Sotthi te hotu sabbadā.

The factors for Awakening include mindfulness,
Investigation of qualities,
Persistence, rapture, and serentiy factors for Awakening, plus
Concentration and equanimity factors for Awakening.
These seven, which the All-seeing Sage
Has rightly taught, when developed and matured,
Bring about heightened knowledge, Liberation, and Awakening.
By the saying of this truth, may you always be well.

Ekasmiṃ samaye nātho
Moggallānañca Kassapaṃ
Gilāne dukkhite disvā
Bojjhaṅge satta desayi
Te ca taṃ abhinanditvā
Rogā mucciṃsu taṃkhaṇe
Etena sacca-vajjena
Sotthi te hotu sabbadā.

At one time, our Protector — seeing that Moggallana and Kassapa
Were sick and in pain — taught them the seven factors for Awakening.
They, delighting in that, were instantly freed from their illness.
By the saying of this truth, may you always be well.

Ekadā dhamma-rājā pi
Gelaññenābhipīḷito
Cundattherena taññeva
Bhaṇāpetvāna sādaraṃ
Sammoditvā ca ābādhā
Tamhā vuṭṭhāsi ṭhānaso
Etena sacca-vajjena
Sotthi te hotu sabbadā.

Once, when the Dhamma King was afflicted with fever,
He had the Elder Cunda recite that very teaching with devotion.
And as he approved, he rose up from that disease.
By the saying of this truth, may you always be well.

Pahīnā te ca ābādhā
Tiṇṇannam-pi mahesinaṃ
Maggāhata-kilesā va
Pattānuppattidhammataṃ
Etena sacca-vajjena
Sotthi te hotu sabbadā.

Those diseases were abandoned by the three great seers,
Just as defilements are demolished by the Path
In accordance with step-by-step attainment.
By the saying of this truth, may you always be well.

* * *

Bản dịch của Tỳ-khưu Hộ Pháp ("Bài Kinh Cho Người Bệnh", 2006)

Đức Thế Tôn là bậc Toàn Tri.
Thuyết giảng bảy pháp giác chi là:
Niệm giác chi, phân tích giác chi,
Tinh tấn giác chi, hỷ giác chi,
An tịnh giác chi, định giác chi,
Và xả giác chi, gồm bảy pháp.
Bảy pháp giác chi được thực hành,
Pháp hành càng được tăng trưởng nhiều,
Để ngộ chân lý Tứ Thánh Đế,
Để chứng đắc Thánh Đạo Thánh Quả,
Để chứng đạt Niết Bàn cao thượng.
Do năng lực lời chân thật này,
Cầu phước lành thường có đến người.


Một thuở nọ, Đức Thế Tôn thấy
Trưởng Lão Má-ha-kắt-xá-pá,
Và Má-ha-mốc-ganh-la-ná
Lâm bệnh nặng trầm trọng khổ thân,
Ngài ngự đến tận nơi thuyết giảng
Thất giác chi tế độ mỗi vị.
Hai vị phát sinh tâm hoan hỷ,
Bảy pháp giác chi của Đức Phật.
Chứng bệnh liền khỏi ngay tức khắc.
Do năng lực lời chân thật này,
Cầu phước lành thường có đến người.


Một thời Đức Phật lâm bệnh nặng,
Ngài truyền Đại đức Chun-đá rằng:
“Con hãy tụng bảy pháp giác chi”
Đại đức Cun-da thành kính tụng
Bảy pháp giác chi ấy vừa xong.
Đức Thế Tôn vô cùng hoan hỷ,
Chứng bệnh liền khỏi ngay tức thì.
Do năng lực lời chân thật này,
Cầu phước lành thường có đến người.


Phiền não nào bị diệt đoạn tuyệt
Do bởi Thánh Đạo Tuệ nào rồi.
Phiền não ấy không sinh lại được,
Cũng như chứng bệnh của Đức Phật,
Và hai vị Đại đức Trưởng Lão,
Bệnh ba vị đều đã khỏi hẳn,
Không bao giờ tái phát lại nữa.
Do năng lực lời chân thật này
Cầu phước lành thường có đến người.

 

[ Home ]

12-06-2016