Đàm luận Phật Pháp
- 35 -
Mười bài Tâm ca
|
[ Home ]
|
… Cách nhìn vào quê hương, nhận diện lại quê hương của tôi trong Tâm Ca : · Tâm Ca số 1 - Tôi Ước Mơ: nhận diện cái bi đát của xã hội trong giai đoạn ấy. · Tâm Ca số 2 - Tiếng Hát To: là thái độ của tác giả trước sự bi đát đó. · Tâm Ca số 3 - Ngồi Gần Nhau: nhận diện sự chia rẽ dân tộc và kêu gọi đoàn kết. · Tâm Ca số 4 và số 6 - Giọt Mưa Trên Lá, Một Cành Củi Khô: nhận diện lại thiên nhiên, siêu nhiên, đời sống con người khi được (hay bị) đặt vào cái thiên nhiên đó và trái tim của nó hướng về những điều siêu nhiên kia. · Tâm Ca số 5 - Ðể Lại Cho Em: nhận diện lại gia tài của người đi trước để lại cho người đi sau. · Tâm Ca số 7 - Kẻ Thù Ta: nhận diện kẻ thù. · Tâm Ca số 8 - Ru Người Hấp Hối: nhận diện cái chết. · Tâm Ca số 9 - Tôi Bảo Tôi Mãi Mà Tôi Không Nghe: nhận diện chính mình. · Tâm Ca số 10 - Hát Với Tôi: một tuyên ngôn, trình bày lại thái độ (và lời mời gọi) của tác giả sau khi ta đã có cơ hội nhận diện lại mọi sự trong đời như thế. Xét về nội dung thì ta thấy rõ đó là nhũng bài hát của lương tâm, xét về hình thức thì đó là những bài hát rất giản dị, không chau chuốt mà còn có vẻ nghèo nàn là khác ...
Phạm Duy Và Tâm Ca: Lần Ðầu Tiên Tôi Thấy Ông Lão Tử Lầm
Thích Mãn Giác * Lần đầu tiên, trong chốc lát, tôi nhận thấy ông Lão Tử bị lầm. Ông Lão Ðam vốn chống sự hiện hữu của lễ nhạc và tác dụng của nó. Hình như ông cho rằng lễ nhạc hiện hữu (trong trường hợp tôi nói đây là nhạc) thì xã hội nhân sinh mất hướng thượng và chỉ xuống dốc. Suy đến cực vi cực diệu thì Phật giáo của chúng tôi và Lão giáo của phái vô vi có chỗ tương đồng cho nên trong khi mặc áo tu hành, chúng tôi vẫn dành một chỗ đáng tôn kính trong tâm tư. Nhưng có một hôm gần đây... Vâng, đúng rồi, có một hôm gần đây, vào ngày mồng ba tháng ba năm dương lịch này, tôi nói chuyện về Ảnh Hưởng Phật Giáo Nhật Bổn Sau Ðệ Nhị Thế Chiến trước một số đông giáo chức Phật tử Huế tại chùa Từ Ðàm. Và ngay tại chỗ diễn giả vừa dứt lời thì ban dân ca của Phạm Duy trình bày Tâm Ca và Trầm Ca. Trong khi Phạm Duy trình diễn, có cả một người Mỹ lấy tên Việt là Túy Phượng đứng ra ca một bài Tâm Ca. Xin thú thật là khi nghe anh Phạm Duy trình bày bài Kẻ thù ta đâu có phải là người tôi đã ứa nước mắt... Và có thể nói là tâm hồn tôi đã trải qua một tráng thái phong phú chưa từng có trong đời tu hành của tôi. Tôi nói phong phú mà không nói xúc động, cảm động... vì đó là một trạng thái mà ngôn ngữ không diễn tả được: tôi đã dùng tất cả cái nhất trí của toàn diện phần hồn của một con người để đón tất cả những âm thanh từ những bài Tâm Ca và Trầm Ca nói chung, từ bài Giọt Mưa Trên Lá tới bài Nỗi Buồn Nhược Tiểu nói riêng, vọng lên và đi thẳng vào tôi như đi vào diện tích của một mảnh đất trống cũng như một khoảng không gian trống trải nào đó; đón hết cả một ngọn gió lớn không loại đi một hơi thở thiên nhiên thoang thoáng nào. Chung quanh tôi lúc ấy có cả một xã hội nhân sinh rất nhỏ gồm có thính giả đã nghe Phạm Duy trình bày Tâm Ca, ấy thế mà chính tôi quên mất sự có mặt của thiên hạ và sự hiện diện của chính mình; cả tấm lòng của con người tôi tan vào thính giác, tràn vào cõi tế vi nhất của tâm hồn và hoà vào tế bào của cơ thể. Tôi lạ quá : có lẽ người ngồi đồng đón linh hồn những người đã khuất vào cơ thể biến thành những cá nhân khác... cũng thế thôi ! Bỗng sực nhớ: dân tộc tôi đang đau thương vì chiến tranh, đương hận thù vì máu xương, đương khóc, đương than... đương cùng với cơ thể và tâm hồn đương tiếc đương thương của chính tôi... đương hoà đương tan vào nhạc thương nhạc than của Tâm Ca và Trầm Ca khóc chuyện khói lửa chiến tranh của đất nước. Tiếng thở than chung vọng lên: tôi tưởng như nghe tiếng thở than của chính mình từ cõi sâu xa nhất của chính tâm tư mình vọng lên mênh mông và vun vút... Có lẽ họ Phạm cho là những nỗi, những niềm, những mối có tên trong từ điển là gian ác, vô lương, tị hiềm, tự kiêu... thường ăn sâu mọc lông mọc cánh trong tâm hồn con người, cần phải nhổ nó đi, dứt nó đi... thay vào đó những thực thể tâm lý khác có tên là từ bi, bác ái, hỷ xả...Thì rồi tự nhiên căm hờn ghen ghét mất, và chiến tranh cũng mất theo. Con người mới sẽ hiện ra trên trái đất. Tôi cũng đồng ý với Tchékov và Fédérico Fellini, một người xưa và một người nay, hai người đều có ý nói rằng nghệ sĩ là người chỉ có một sứ mạng phản ánh nhân sinh mà thôi. Còn việc cải tạo nhân sinh hay việc giải quyết những vấn đề nhân sinh gây đau thương là của các nhà luân lý hay là của những nhà an bang tế thế. Nghệ sĩ giỏi thì tác phẩm (văn, thi, hoạ, nhạc...) có giá trị; nghệ sĩ dở thì tác phẩm thiếu giá trị và bị lịch sử loại đi. Dân tộc Việt Nam đương chịu đau thương vì chiến tranh. Phạm Duy là người phản ảnh đúng cái đau thương ấy và làm cho thiên hạ cảm động. Phạm Duy không phải là nhà luân lý mà cũng chẳng phải là chính trị. Ở đời ai lo việc nấy, ai có sứ mạng nấy. Chung nhau mà lo thì lo được việc chung. ''Dẫm lên chân nhau'' thì hình như chỉ có một tác dụng là gây xáo trộn bất lợi cho đại cuộc. Ðã đành là ai cũng cầu nguyện cho có nhiều Maxime Gorki, Jack London... nhưng nếu lúc nào chúng ta cũng đòi cho có Maxime Gorki thì lại là ảo tưởng hơn ai hết, hơn lúc nào hết. Ðó là chưa nói tới văn nghệ gây xúc động được là làm được việc lớn rồi. Việc lớn khác sẽ đến sau. Nghe nhạc Phạm Duy sẽ cảm xúc. Sự buồn thương sẽ biến thành thương tiếc. Niềm thương tiếc sẽ biến thành giận hờn. Và có giận hờn thì mới vùng dậy. Khi con người vùng dậy là lịch sử gióng chuông. Chuông lịch sử gióng lên tức thiên hạ đứng lên. Nhà nghệ sĩ dù sao cũng là người có công đánh tiếng chuông thứ nhất -- lúc đầu. Dù chỉ là tiếng chuông suông cho người ta xúc động suông mà thôi! Phải vậy chăng? Vậy thì nghệ sĩ là kẻ có công rồi đó. Sao chúng ta lại phủ nhận? Tội nghiệp cho họ! Bây giờ độc giả đã hiểu tại sao tôi lại nói ở đầu bài này rằng trong một chốc lát, tôi đã thấy ông Lão Tử lầm... vì chính tôi, tôi thâu nhận tác dụng của lễ nhạc. Và ở trường hợp này là Nhạc vậy. Không phải bỏ lễ nhạc đi thì con người mới trở về được cái đắc nhất hay lẽ vô vi của Lão Giáo. Lễ nhạc đã có rồi thì phải dùng nhạc để hướng con người về bản thể trạm tịch thường hằng. Nghĩa là nhạc có tác dụng giáo hoá vậy. Khi loài người chưa phát sinh và có mặt trên trái đất thì ông Lão Tử có lý. Ngày nay, lễ nhạc đã cùng với loài người phát sinh rồi thì ông Lão Tử đáng tôn kính lại không hợp lý nữa, ngược lại ông Khổng Tử có lý hơn vì ông Vạn thế sư biểu là người đặt vấn đề tác dụng văn hoá của âm thanh. Ngay đến nhạc của cửa Thiền, chúng tôi cũng đã có từ ngàn xưa. Nói gì xa xôi, hãy nói chuyện gần. Ðó chỉ vì nghe mãi nghe quen nên tiếng mõ sớm, tiếng chuông chiều trở nên thông thường đấy thôi. Thực ra những âm thanh thông thường hằng ngày ấy đã từng tác dụng. Con người vốn không kiểm soát nổi cái cõi cực tế cực vi của tiềm thức và vô thức. Vả lại tôi chưa từng thấy âm nhạc tôn giáo nào thúc đẩy sự hờn oán bao giờ, Từ trong mọi Phật đường, giáo đường bước ra người ta vốn muốn gần nhau. Nhưng đi sâu vào đời sống ồn ào, tạm thể nó mới biến đi đấy thôi. Thích Mãn Giác
Viết Về Tâm Ca
Thích Nhất Hạnh Chưa bao giờ tôi khóc khi nghe người ta hát. Thế mà tối hôm đó nước mắt tôi cứ chực trào xuống trong suốt thời gian tôi ngồi nghe nhạc sĩ Phạm Duy hát bài tâm ca số 5 của anh. Buổi họp mặt gồm có ba trăm thanh niên nam nữ, phần lớn là những người đang theo học trường Thanh Niên Phụng Sự Xã Hội, một số các vị giáo sư và thân hữu của trường. Bài tâm ca mang tên là Ðể Lại Cho Em, những lời tự thú của một người anh bốn mươi tuổi nói với em hai mươi tuổi. Phải, đúng là những lời tự thú. Những lời tự thú thẳng thắn, đầy ân hận, đầy đau thương; những lời tự thú làm cho xót thương dâng lên tràn ngập lòng người, người của thế hệ đi trước cũng như của thế hệ đi sau. Những lời tự thú khiến cho giận hờn và trách móc tan biến và khiến cho nguồn thông cảm được khơi mở. Trong ánh mắt của những trẻ tuổi hôm ấy, tôi quả đã đọc thấy tha thứ và tin yêu. Tôi rưng rưng nước mắt, vì tôi được nghe chính tiếng nói của lòng tôi, tiếng tự thú của lòng tôi, do một nhạc sĩ tài ba hát lên. Phạm Duy đã hát gì? Thế hệ của những người đi trước -- là chúng tôi -- đã để lại cho thế hệ đi sau -- là những người em hai mươi tuổi ngày hôm nay -- những hèn kém, những tội lỗi của họ. Một giải non sông gấm vóc, một miền oai linh hiển hách bây giờ chỉ còn là một mảnh đất chia cắt, cày xới lên bởi bom đạn. Hận thù nhân danh chủ nghĩa, bạo lực vênh vang bề thế, các anh đã để lại cho các em những giọt máu dân lành, những nấm mồ chưa xanh cỏ, những khăn sô, những thành buồn trong đó loài người tranh nhau từng đám bụi đen. Các anh đã vụng về, đã hèn kém, đã để lại cho em một quê hương nghèo khổ, đói lạnh, dù ruộng đồng của tổ quốc ta vốn rất mầu mỡ phì nhiêu. Ðường về tương lai nghẽn lối, bàn tay anh đang lẽ phải thơm tho mùi đất nay thành ra hôi mùi thuốc súng; các anh đã để lại cho các em những giả dối, đê hèn và vụng dại của các anh. Nhưng cơ sự đã xẩy ra như thế rồi, xin các em đừng trách móc hờn giận: hãy thương chúng tôi và hãy can đảm nhận và hãy can đảm nhận lấy cái gia tài khốn khổ khốn nền do các anh để lại. Nếu chúng ta biết thương nhau, nếu các em biết thương yêu và tha thứ cho chúng tôi, nếu chúng ta cùng gom sức mới, cùng nhận lời tranh đấu thì chắc chắn chúng ta cũng sẽ tìm được một lối thoát cho nhau. Nếu các em biết tha thứ thì hồn nước cũng sẽ giật mình, đời chúng ta thêm sức sống, tủi hờn sẽ lắng xuống và niềm kiêu hãnh sẽ dâng lên. Nếu các em biết thương yêu và tha thứ thì súng đạn cũng sẽ phải thở dài, tàu bay cũng phải khóc, lựu đạn sẽ phải im tiếng và quê hương ta sẽ không không còn là một bãi chiến trường. Một bài hát như thế quả thực đã là tiếng nói phát ra từ tâm niệm thành khẩn, từ ý thức trách nhiệm, từ những khổ đau của nhận thức. Một bài hát như thế không còn là một bài hát nữa. Ðó là máu, đó là xương, đó là linh hồn, đó là những khúc ruột quặn đau, đó là sự sống. Chúng tôi, những người anh bốn mươi tuổi hôm nay nhân danh Mẹ tổ quốc, Mẹ tình thương, chờ mong em đáp lại tiếng kêu bi thương đó, kêu gọi em trở về với tình huynh đệ, ngồi lại bên nhau, bàn bạc với nhau để tìm ra một lối thoát. Em đừng oán giận trách móc nữa, và cũng đừng nghĩ rằng những điều chúng tôi nói, chúng tôi viết đây là những lời than trách, nhục mạ, lên án tuổi trẻ nữa. Tôi biết tuổi trẻ còn nhiều trong trắng, còn nhiều tha thứ. Tôi biết em sẵn sàng tha thứ, cũng như chúng tôi cũng từng đã biết tha thứ cho những vụng dại, những thành kiến của lớp người đã làm cho chúng tôi khổ đau. Em hãy nhìn lại chúng tôi: trán chúng tôi cũng bị cày lên những đường nét ưu tư, khổ đau, mắt chúng tôi vì cát bụi cuộc đời cũng không còn trong xanh nữa; niềm tin và sự trong trắng của tâm hồn cũng đã sứt mẻ và vỡ nát nặng nề. Chúng tôi cũng đã bơ vơ như em bây giờ còn đang bơ vơ. Chúng tôi nào phải là muốn lên giọng đạo đức để nhục mạ em. Ðến nước này mà còn nhục mạ nhau, còn lên giọng đạo đức với nhau thì quả thực là chúng ta đã điên mất rồi. Quê hương thân yêu tan nát, chúng ta, những người lớn cũng như người nhỏ, hầu như không còn là chúng ta nữa. Chúng ta đã đổ trách nhiệm lên đầu nhau, đổ oán giận lên đầu nhau, để càng xa nhau, để càng không hiểu nhau. Ðau thương đã lớn lao quá rồi, chúng ta đừng gây nhiều thêm nữa. Trong giai đoạn này chỉ có lòng xót thương mới có thể giúp cho chúng ta còn là chúng ta, mới có thể giúp cho chúng ta có đủ bình tĩnh và thương yêu để tự lái con thuyền chúng ta ra khỏi cơn bão táp. Hãy hướng về chắp tay xót thương cho tổ quốc, cho giống nòi, xót thương Mẹ, xót thương Em, xót thương mảnh vườn xanh xưa của thời thơ ấu. Chất liệu xót thương sẽ biến khổ đau thành hoa trái ngọt ngào. Thương nhau chúng ta sẽ tìm thấy con đường. Thương nhau chúng ta sẽ làm nên lịch sử. Thích Nhất Hạnh |
[ Home ]
17-07-2017