Đàm luận Phật Pháp
- 33 -

Kẻ thù ta  

 [ Home ]

 

 Pháp Cú


Hòa thượng Minh Châu dịch:

Dầu tại bãi chiến trường
Thắng ngàn ngàn quân địch,
Tự thắng mình tốt hơn,
Thật chiến thắng tối thượng. (103)


Tự thắng, tốt đẹp hơn,
Hơn chiến thắng người khác.
Người khéo điều phục mình,
Thường sống tự chế ngự (104)

Tỳ-khưu Giới Đức:

Thắng ngàn, ngàn địch chiến trường
Chẳng bằng tự thắng bản thân của mình
Thắng mình oanh liệt thật tình
Mới là chiến thắng xứng danh hàng đầu (103)

Hòa thượng Trí Quang:

Chiến thắng triệu người
tại bãi chiến trường,
cũng vẫn không bằng
chiến thắng bản thân.
Chiến thắng bản thân
mới là chiến công
trội hơn tất cả. (103)

Chiến thắng bản thân
thì vẻ vang hơn
chiến thắng người khác.
Thế nên những người
khéo thuần hóa mình
thì sống thường xuyên
với sự tự chế. (104)

Bhikkhu Khantipalo:

Though thousand times a thousand men
in battle one may conquer,
yet should one conquer just oneself
one is the greatest conqueror (103)

Greater the conquest of oneself
than subjugating others,
that one who's always well-restrained,
that one who's tamed of self (104)


 

Kẻ Thù Ta (Tâm ca số 7)
Phạm Duy (1965)

Kẻ thù ta đâu có phải là người
Giết người đi thì ta ở với ai ?

Kẻ thù ta tên nó là gian ác
Kẻ thù ta tên nó là vô lương
Tên nó là hận thù
Tên nó là một lũ ma (thế thì)

Kẻ thù ta đâu có phải là người
Giết người đi thì ta ở với ai ?

Kẻ thù ta mang áo mầu chủ nghĩa
Kẻ thù ta mang lá bài tự do
Mang cái vỏ thật to
Mang cái rổ danh từ
Mang cái mầm chia rẽ chúng ta (thế thì)

Kẻ thù ta đâu có phải là người
Giết người đi thì ta ở với ai ?

Người người ơi thương xót người nhỏ bé
Người người ơi thương xót người ngây thơ
Thương xót người bị mua
Thương xót người bị lừa
Thương xót người thương xót ta (thế thì)

Kẻ thù ta đâu có ở người ngoài
Nó nằm đây nằm ngay ở mỗi ai  

Kẻ thù ta tên nó là vu khống
Kẻ thù ta tên nó là vô minh
Tên nó là lòng tham
Tên nó là tị hiềm
Tên nó là sự ghét ghen (thế thì)

Kẻ thù ta đâu có ở người ngoài
Nó nằm đây nẵm ngay ở mỗi ai  

Kẻ thù ta trong mắt thèm lơ láo
Kẻ thù ta trong góc đầu tự kiêu
Trong cõi lòng quạnh hiu
Trong óc hẹp tiêu điều
Trong giấc mộng xâm chiếm nhau (thế thì)

Kẻ thù ta đâu có ở người ngoài
Nó nẵm đây nẵm ngay ở mỗi ai  

Người người ơi yêu mến người mãi mãi
Người người ơi yêu mến người không nguôi
Yêu mến người đầy vơi
Yêu mến người đêm ngày
Yêu mến người ta nắm tay (thế thì)

Kẻ thù ta đâu có phải là người
Giết người đi thì ta ở với ai ?
Kẻ thù ta đâu có ở người ngoài
Nó nằm đây nằm ngay ở mỗi ai  

 

Phạm Duy viết: … Tâm ca “Kẻ Thù Ta” là sự khám phá ra kẻ thù của ta, không cứ là người ngoài mà còn đích thân nằm trong ta nữa. Vậy ta phải đi tìm nó ngay trong tim ta để mà chiến thắng nó. Motif rất giản dị (do fa sib) là một sự nhẩy quãng, melody (sib do re fa sib do re – sol sib do sib sol sib do…) rất giản đơn, tiếng nhạc mà nghe như tiếng nói. Vì dễ hát nên tôi đã chứng kiến một lũ trẻ hát nghêu ngao bài này ngoài đường phố Saigon ngay sau Tâm Ca vừa ra đời.

Cách nhìn vào quê hương, nhận diện lại quê hương của tôi trong Tâm Ca :
 

·         Tâm Ca số 1 - Tôi Ước Mơ: nhận diện cái bi đát của xã hội trong giai đoạn ấy.

·         Tâm Ca số 2 - Tiếng Hát To: là thái độ của tác giả trước sự bi đát đó.

·         Tâm Ca số 3 - Ngồi Gần Nhau: nhận diện sự chia rẽ dân tộc và kêu gọi đoàn kết.

·         Tâm Ca số 4 và số 6 - Giọt Mưa Trên Lá, Một Cành Củi Khô: nhận diện lại thiên nhiên, siêu nhiên, đời sống con người khi được (hay bị) đặt vào cái thiên nhiên đó và trái tim của nó hướng về những điều siêu nhiên kia.

·         Tâm Ca số 5 - Ðể Lại Cho Em: nhận diện lại gia tài của người đi trước để lại cho người đi sau.

·         Tâm Ca số 7 - Kẻ Thù Ta: nhận diện kẻ thù.

·         Tâm Ca số 8 - Ru Người Hấp Hối: nhận diện cái chết.

·         Tâm Ca số 9 - Tôi Bảo Tôi Mãi Mà Tôi Không Nghe: nhận diện chính mình.

·         Tâm Ca số 10 - Hát Với Tôi: một tuyên ngôn, trình bày lại thái độ (và lời mời gọi) của tác giả sau khi ta đã có cơ hội nhận diện lại mọi sự trong đời như thế.

Xét về nội dung thì ta thấy rõ đó là nhũng bài hát của lương tâm,xét về hình thức thì đó là những bài hát rất giản dị, không chau chuốt mà còn có vẻ nghèo nàn là khác.

 

Phỏng Vấn Nhạc sĩ Phạm Duy (Báo GIÓ ĐÔNG, Đức Quốc, 1997)

HỎI: Tâm ca có một vị trí đặc biệt trong đời sáng tạo của bác. Biết bao nhiêu trái tim trí thức, học sinh, sinh viên miền Nam một thuở đã bị chinh phục bởi Tâm ca… Kẻ thù ta đâu có phải là người - Giết người đi thì ta ở với aỉ? Dễ hiểu vì sao các ông cai văn nghệ ở miền Bắc quy kết tâm ca là phản động, ru ngủ thanh niên... Nhưng có lẽ mười bài Tâm ca cũng là phần khó tiếp thu nhất với những người mới chỉ quen với nhạc tình Phạm Duy. Xin bác cho biết ít nét về thời kỳ tâm ca quan trọng này.

PHẠM DUY: Tôi xin được báo cáo là có ba con người trong Phạm Duy. Con người tình cảm Phạm Duy luôn làm những bản nhạc tình yêu. Con người xã hội Phạm Duy làm những bản nhạc cho đất nước. Thế nên mới có những bài ca kháng chiến. Con người thứ ba ít người biết đến là con người tâm linh. Tôi đã phát hiện ra nó khi viết Tâm ca. Tâm ca ra đời vào 1965, lúc cuộc chiến đã tới hồi cao nhất. Những ngưòi chủ trương chiến tranh, bạo động cố nhiên không thích Tâm ca. Nhưng có những người trẻ tuổị … Trong những bài như KẺ THÙ TA, như TÔI ƯỚC MƠ, tôi đã nói được cái phần tâm linh của con người đã bị chiến tranh làm tha hoá. Hay dở không biết, nhưng tôi là người dám nói. Anh em tiếp thu thế nào, như anh vừa nói, tôi lấy làm mãn nguyện. Không ngờ những bài tôi viết ra, lại có người tiếp thu, đồng thời có người đả phá (cười)...

 

Nguyễn Văn Dậu (Nghĩ Về Tâm Ca, VĂN HỌC, số 102, 1970)

… Bài làm cho tôi buồn nhất là bài Tâm ca số 7. Một lần, tôi nghe bài đó trên môi của những em mồ côi líu lo trên một chiếc G.M.C chạy trong thành phố:

Kẻ thù ta đâu có phải là người.
Giết người đi thì ta ở với ai?

Âm điệu đó thật buồn. Lời đó cũng thật buồn. Nhất là điệp khúc đó lại thoát ra từ cửa miệng của những em bé ngây thơ, tôi không thể không xúc động được.

 

Nguyễn Minh Hiển (Đọt Chuối Non, http://dotchuoinon.com , 10-03-2011):

Tâm ca là bài hát về Con tim. Tâm ca “Kẻ thù ta” thoạt đầu tưởng như là một bài hát gây chia rẽ hay tuyên truyền. Nhưng không phải như vậy.

“Kẻ thù ta” là những tội lỗi chứ không phải người tội lỗi. Kẻ thù ta là gì? Những cái vỏ thật thật to, cái rổ danh từ, là… một lũ ma.

Bài hát kêu gọi người hãy yêu lấy người. Đừng nhìn người như kẻ thù mà hãy nhìn người đáng thương, thấy ra được nỗi khổ, sự vô minh của người để cứu lấy người.

 

 Ðỗ Thái Nhiên (Mùa Xuân và ''Một Lũ Ma'', báo NGƯỜI VIỆT, California, 1988)

 …. Nhân dịp Xuân về, Tết đến, thay vì rộn ràng chúc nhau ''năm mới hạnh phúc'' chúng ta hãy thử tìm hiểu xem bao giờ lòng Người mới có mùa Xuân? Làm thế nào để tin yêu là gạch nối giữa Người với Người. Tại sao Người lại hận thù Người? Kẻ thù đích thực của Người là ai? Những câu hỏi về tư tưởng thường được giải đáp bởi các nhà tư tưởng. Nhưng đối với vấn đề xác định và mô tả kẻ thù của loài Người, chúng ta phải nhìn nhận là Phạm Duy diễn đạt một cách tài tình nhất:

Kẻ thù ta đâu có phải là người
Giết người đi thì ta ở với ai?
Kẻ thù ta tên nó là gian ác
Kẻ thù ta tên nó là vô lương
Tên nó là hờn căm
Tên nó là hận thù
Tên nó là một lũ ma...

Thực vậy, kẻ thù của chúng ta chắc chắn không phải là Người. Chúng ta rất sợ bị nhiễm bệnh nhưng kẻ thù của chúng ta không phải là bệnh nhân của bệnh truyền nhiễm. Kẻ thù của chúng ta chính là vi trùng bệnh. Diệt trừ vi trùng sẽ làm cho sự ngăn cách giữa Người bệnh và Người khoẻ mạnh bị tan biến.

Chúng ta đã nhiều lần bực mình về cử chỉ và ngôn ngữ Người say rượu. Nhưng kẻ thù của chúng ta không phải là người say. Kẻ thù của chúng ta chính là men rượu. Thay vì tiêu diệt người say, chúng ta hãy tiêu diệt men rượu. Không có men rượu làm thế nào có mâu thuẫn giữa người tỉnh và người say?

Chúng ta ghê tởm tệ nạn hiếp dâm nhưng kẻ thù của chúng ta không phải là phạm nhân của tội hiếp dâm. Kẻ thù của chúng ta chính là dục tính của động vật. Vật tính này đã xâm nhập vào đầu óc của một người bình thường để biến y thành kẻ hiếp dâm. Chúng ta thù ghét những hành vi tham ô, trộm cướp, nhưng kẻ thù của chúng ta không phải là những kẻ tham ô, trộm cướp. Kẻ thù của chúng ta chính là tính thoả mãn nhu yếu theo kiểu ''mạnh được yếu thua'' của động vật. Vật tính này tiềm ẩn trong lòng kẻ tham ô, trộm cướp.

Chúng ta không bao giờ chấp nhận những cuộc chém giết giữa Người với Người. Nhưng kẻ thù của chúng ta không phải là kẻ hiếu sát. Kẻ thù của chúng ta chính là tính tự vệ theo cung cách bá chủ sơn lâm của động vật. Vật tính này mai phục trong tim óc của kẻ hiếu sát.

Chúng ta thường than phiền về thái độ sống của những người trọn đời chỉ biết cơm ăn và địa vị cá nhân cho chính mình. Nhưng kẻ thù của chúng ta không phải là những người ích kỷ. Kẻ thù của chúng ta chính là xã hội tính của động vật. Ðộng vật sống theo bầy nhưng động vật không bao giờ biết nghĩ đến những con vật chung quanh lại càng không bao giờ biết lo lắng cho tương lai của bầy động vật. Vật tính này là cha đẻ của tính ích kỷ.

Tóm lại kẻ thù của Người chắc chắn không phải là Người. Kẻ thù của Người chính là bốn yếu tính của động vật:

- Tính không tình cảm trong nhục dục.
- Tính hiếu sát trong tự vệ.
- Tính chèn ép trong nhu yếu.
- Tính vị kỷ trong xã hội.

Bốn vật tính vừa nêu xâm nhập vào trí óc của Người, biến thể thành muôn hình vạn trạng thói hư tật xấu. Từ đó Người chống đối Người. Người hận thù Người. Ðiều này có nghĩa rằng: Mâu thuẫn giữa Người và Người chỉ là mâu thuẫn phụ, mâu thuẫn biểu kiến. Mâu thuẫn giữa Nhân tính và Vật tính mới là mâu thuẫn chủ yếu. Chừng nào nhân tình khống chế được vật tính chừng đó mâu thuẫn giữa Người với Người lập tức tan biến. Phạm Duy gọi vật tính là ''một lũ ma''. Chính lũ ma này đã đẩy Người rơi xuống hố tội lỗi :

Kẻ thù ta đâu có ở người ngoài
Nó nằm đây nằm ngay ở mỗi ai
Kẻ thù ta tên nó là vu khống
Kẻ thù ta tên nó là vô minh
Tên nó là lòng tham
Tên nó là tị hiềm
Tên nó là sự ghét ghen...

Sau khi xác định và mô tả kẻ thù, Phạm Duy kêu gọi mọi người hãy thương yêu nhau bởi vì ''kẻ thù của ta'' chẳng bao giờ là Người :

Người người ơi yêu mến người mãi mãi
Người người ơi yêu mến người không nguôi
Yêu mến người đầy vơi
Yêu mến người đêm ngày
Yêu mến người ta nắm tay...

 

Toàn cầu hóa trong đôi mắt thiền quán
Thích Thái Hòa
http://thuviencophap-net.blogspot.com

Lòng tham là một trong những nguyên nhân sinh khởi khổ đau cho ta, nên ta muốn từ bỏ khổ đau là ta phải biết từ bỏ lòng tham ở nơi chính ta.

Quan điểm này là chính xác, nhưng làm sao để ta có thể từ bỏ được nó?

Nếu lòng tham của ta có hình tướng cụ thể, và ta không thích nó, thì ta cắt bỏ nó rất là dễ, nhưng lòng tham của ta không có hình tướng, nó lại nằm sâu trong lòng ta và mỗi khi ta nhìn thấy tiền bạc, hình sắc, danh vọng, quyền lợi và các thực phẩm quyến rũ, thì nó mới xuất hiện để điều khiển ta đi về hướng ấy và chạy theo những cái ấy để bám víu, từ đó thất vọng và khổ đau sinh khởi trong đời sống của ta.

Như vậy, ta biết khổ mà không trừ được nguyên nhân gây khổ thì khổ đau và thất vọng của ta càng tăng lên gấp bội; ta biết bệnh mà không trừ được nguyên nhân gây bệnh, thì thân thể ta có nguy cơ hủy diệt, và sự lo sợ của ta đối với bệnh và nguyên nhân gây bệnh lại tăng lên nhanh chóng, khổ đau trong đời sống của ta cũng từ đó mà hiện hữu và lớn mạnh.

Cũng vậy, một vị tướng cầm quân đi đánh giặc, không biết giặc ẩn núp ở nơi nào, thì đó là một sự rủi ro cho cuộc đời làm tướng. Và rủi ro cũng như bất hạnh hơn nữa, khi ông ta biết đó là giặc, không diệt được nó, mà phải đầu hàng với nó, thì sự khổ đau của ông ta khó lòng tả nổi.

Cũng như thế đó, ta muốn từ bỏ khổ đau, từ bỏ nguyên nhân khổ đau, nhưng không biết nó nằm ở đâu trong đời sống của ta, và ta không thể từ bỏ được chúng, thì khổ đau trong đời sống của ta càng tăng lên với cấp lũy thừa. Và như vậy, an lạc và hạnh phúc đối với ta chỉ là những ước mơ mà không bao giờ trở thành hiện thực.

Nên, với thiền quán có tuệ giác từ bi, ta không từ chối và xua đuổi lòng tham trong ta, mà ta hãy nhìn nó một cách sâu sắc, đằm thắm và định tĩnh, mỗi khi các quan năng của ta tiếp xúc với các đối tượng mà ta cho là khả ý, khả ái và khả lạc, là lòng tham của ta liền xuất hiện và có mặt ở đó, cho ta tiếp xúc, nhận diện và quán chiếu.

Trong khi tiếp xúc với nó, ta đừng đồng cảm với nó và đừng biến nó thành ta, hay ta đừng để nó biến ta thành nó. Nó biến thành ta hay ta biến thành nó đều là giặc, cướp mất hạnh phúc của ta và gây thiệt hại cho nhiều người khác.

Ta cũng không biến nó trở thành những đối tượng thù ghét của ta. Nếu ta biến nó trở thành đối tượng thù ghét của ta, thì trong ta không những có mặt của tham mà còn có mặt của sân, của giận dữ và thù hận, nên khổ đau của ta càng lúc càng tăng lên mà không giảm xuống.

Vì vậy, ta không biến tham lam trở thành đối tượng thù ghét của ta, mà ta chỉ nhận diện đơn thuần đối với nó và ôm nó vào trong đôi mắt thiền quán của ta, ta cám ơn và hết lòng chăm sóc nó bằng chất liệu của tuệ giác từ bi.

Khi ta tiếp xúc và ôm ấp lòng tham của ta bằng tuệ giác từ bi, thì lòng tham không còn là lòng tham nữa. Ta nuôi dưỡng lòng tham trong ta bằng chất liệu của tuệ giác từ bi, thì lòng tham của ta sẽ lớn lên trong tuệ giác ấy, thì nó không còn là nó nữa, nó là tuệ giác từ bi.

Nếu, ta nhìn sâu vào lòng tham của ta, ta biết chính xác, nó là nguyên nhân gây khổ, và ta cũng biết chính xác rằng, nó cũng có thể thay đổi, để trở thành tuệ giác từ bi, đem lại rất nhiều an lạc cho ta và cho tất cả mọi người.

Ngày xưa đất nước còn chiến tranh, người đứng bên này chiến tuyến xem người bên kia chiến tuyến là kẻ thù và người bên kia chiến tuyến xem người bên này chiến tuyến là kẻ thù, và người ta sẵn sàng sử dụng bạo lực để đối xử với nhau mỗi khi trực diện, và người ta đã giết nhau chết như rạ.

Hồi ấy, thầy Nhất Hạnh có làm bài thơ: “Kẻ thù ta không phải là người. Kẻ thù ta là lòng tham, là vu khống, là bạo tàn. Chúng ta chống những cái cuồng tín, bạo tàn, tham lam, vu khống nhưng mà ta không chống con người”.

Dựa vào ý thơ này, Phạm Duy đã phổ thành bản nhạc Kẻ thù ta không phải là người. Bản nhạc này được phổ biến vào thời ấy và có nhiều người rất thích, nhất là những năm 1966. Thuở ấy, tôi cũng hay hát và rất thích lời và nhạc trong bản nhạc này, nhưng ngày nay thì không còn thích chút nào nữa.

Bởi vì ngày nay tu tập, trong tôi không thấy ai là kẻ thù cả, ngay cả lòng tham, lòng hận thù trong tôi và trong tất cả mọi người.

Trong thực tế, ta không thể nào tách rời con người ra khỏi tâm thức của họ và ta không thể nào tách rời tâm thức ra khỏi con người của họ. Nên, ta không thể nói, tôi ghét tâm thức của anh, nhưng tôi không ghét anh, hay tôi thương anh, nhưng tôi không thể thương tâm thức của anh. Và cũng không thể nói, tôi chống anh, nhưng tôi không chống cái tâm thức của anh; hoặc tôi thương anh, nhưng tôi không thương cái tâm thức của anh.

Những cách nói ấy, không phù hợp với sự thực nghiệm giáo lý “tương tức” của Phật dạy.

Nên, phải biết nhận diện và quán chiếu thân thể ta, cảm thọ của ta, các tâm hành của ta và các nhận thức của ta bằng tuệ giác từ bi, thì ta mới thực sự có an lạc và có đời sống hòa bình của thân tâm. Và ta cũng đem tuệ giác từ bi ấy để tiếp xúc, nhận diện quán chiếu đối với thân thể, cảm thọ, tâm hành, nhận thức của mọi người và mọi loài, để ta có thể đồng cảm và sống chung hòa bình với tất cả.

Thế giới ngày nay, người ta đang nỗ lực để toàn cầu hóa đời sống con người về những lãnh vực kinh tế, chính trị, thông tin, khoa học, v.v... nhưng chắc chắn không thể tạo ra hạnh phúc và hòa bình cho con người. Trái lại, nó sẽ phát sinh những lo lắng, sợ hãi và khổ đau mới cho con người. Bởi lẽ, nguyên nhân sinh khởi khổ đau chưa được con người nhìn nhận và đánh giá đúng mức để giải quyết tận căn để.

Con người ngày nay đang nỗ lực toàn cầu hóa về kinh tế, thông tin khoa học và chính trị, nhưng vắng mặt của tuệ giác từ bi trong toàn cầu hóa ấy thì đời sống con người sẽ xảy ra những thảm trạng bi đát và khổ đau hơn mà con người không thể nào lường trước được.

Toàn cầu hóa kinh tế, chính trị và thông tin khoa học mà thiếu tuệ giác từ bi, ta sẽ làm mồi cho lòng tham trong ta bộc phát ngày thêm lớn rộng và mãnh liệt.

Như vậy, đến khi nào con người mới có an lạc và thế giới loài người có đời sống hòa bình đúng nghĩa?

Ta muốn toàn cầu hóa về kinh tế, chính trị và thông tin khoa học thì trước hết phải biết vai trò và giá trị của tâm trong việc toàn cầu hóa ấy.

Tác động của tâm không phải chỉ là toàn cầu hóa mà đã hóa toàn cầu.

Nếu tác động của tâm đi kèm theo với các thuộc tính tham lam, hận thù, si mê, cố chấp vào những ngã tính và ngã kiến, thì toàn cầu hóa là hóa ra tăm tối toàn cầu, quả đất bị khoanh vùng từng khu vực, để ăn chia quyền lợi và sát phạt nhau cũng như kiểm soát nhau bằng những dụng cụ khoa học kỹ thuật tân kỳ bởi những quốc gia hùng mạnh.

Như vậy, càng toàn cầu hóa, con người lại càng mất tự do và bi đát hơn.

Và nếu tác động của tâm đi kèm theo các thuộc tính tự giác, tự trọng, tự chịu trách nhiệm về hành vi của mình, có sự hiểu biết lớn, có sự thương yêu sâu, có sự bao dung, xả kỷ, vô ngã và vị tha, thì toàn cầu hóa là làm cho toàn cầu hóa ra sự chia sẻ, quân bình, cảm thông, tạo ra một thế giới trong sạch, hòa bình và an lạc.

Bởi vậy, toàn cầu hóa mà ta không biết cách hóa toàn cầu của tâm, mà chỉ nhắm tới toàn cầu hóa về kinh tế, chính trị, khoa học thông tin,... là ta chưa thấy được căn để của vấn đề về con người và thế giới của nó.

Căn để của con người và thế giới của nó là nơi tâm của họ. Tâm của con người cá nhân quyết định sự thấp kém hay văn minh của chính nó. Và tâm thức cộng đồng, tâm thức xã hội quyết định sự văn minh hay thấp kém của cộng đồng hay xã hội ấy.

Cách đây hơn bốn mươi năm, khi bước chân vào chùa hành điệu, thầy tôi đã trao cho tôi bài kệ của kinh Hoa Nghiêm và buộc học thuộc lòng để thực tập [*]. Bài kệ như sau:

“Nhược nhơn dục liễu tri
tam thế nhất thiết Phật
ưng quán pháp giới tánh
nhất thiết duy tâm tạo”.*

Nghĩa là:

Nếu người nào muốn biết
tất cả Phật ba đời
nên nhìn tính vũ trụ
tâm tạo thành tất cả.

Như vậy, tâm không những tạo nên con người mà còn tạo nên vũ trụ cho con người. Và tâm không những tạo nên chư Phật ba đời mà còn tạo nên thế giới của các Ngài nữa.

Tâm mê tạo thành thế giới của chúng sanh, tâm giác tạo thành thế giới của chư Phật.

Thông điệp ấy, đức Phật đã nói cho chúng ta qua mấy ngàn năm, và đã mấy ngàn năm lịch sử nhân loại truyền thừa. Vậy thì hạnh phúc và khổ đau, văn minh và chậm tiến của con người nằm ở nơi nào? Thế mà ngày nay con người vẫn cứ khắc khoải kiếm tìm và điều đáng buồn cười nhất là họ đã và đang dắt tay nhau đi tìm bình đẳng đối tác nơi các công trường sản xuất, đi tìm hạnh phúc nơi các thị trường tiêu thụ, đi tìm tự do nơi các khế ước và đi tìm hòa bình nơi các vũ khí hạt nhân!

Vậy, ta muốn toàn cầu hóa có hiệu quả, trước hết là phải hóa tuệ giác từ bi toàn cầu nơi tâm của những người chủ xướng và cổ súy ấy. Nếu không thì toàn cầu hóa không phải là đời sống con người mà chỉ là những ý tưởng và ảo giác. Vả lại, những sợ hãi cô đơn, già, bệnh và chết của con người không những còn nguyên vẹn mà lại còn tăng lên gấp bội.

[*] Hoa Nghiêm, kinh 10, Hán, Phật-đà-bạt-đà-la, tr 466A, Đại Chính 9

-ooOoo-

 

 

Giọt mưa trên lá
(
Tâm ca số 4)

Giọt mưa trên lá nước mắt mẹ già
Lã chã đầm đìa trên xác con lạnh giá.
Giọt mưa trên lá nước mắt mặn mà
Thiếu nữ mừng vì tan chiến tranh chồng về
Giọt mưa trên lá tiếng khóc oa oa
Ðứa bé chào đời cho chúng ta nụ cười
Giọt mưa trên lá tiếng nói bao la
Tóc trắng đậm đà êm ái ru tình già.

Giọt mưa trên lá tiếng nói thầm thì
Bóng dáng Phật về xoa vết thương trần thế
Giọt mưa trên lá tiếng nói tinh khôi
Lúc Chúa vào đời xin đóng đanh vì người
Giọt mưa trên lá tiếng khóc chơi vơi
Thế giới lạc loài chưa thoát ra phận người
Giọt mưa trên lá cố gắng nguôi ngoai
Nói với loài người: xin cứ nuôi mộng dài

Giọt mưa trên lá bối rối, bồi hồi,
Ráo riết, miệt mài, em (anh) biết yêu lần cuốị
Giọt mưa trên lá bỡ ngỡ, xôn xao,
Cuống quít, dạt dào, anh (em) biết yêu lần đầu
Giọt mưa trên lá thấp thoáng, bơ vơ
Khép nép, đợi chờ, xa cách nhau vài giờ
Giọt mưa trên lá dĩ vãng xa xôi
Sớm tối bùi ngùi, xa cách nhau một đời

Ù … u … u … ú ! Ù … u … u … ú !
Ù … u … u … ú ! Ù … u … u … ú !

* * *

The rain on the leaves
English Lyric: Mitch Miller

 The rain on the leaves is the tears of joy
Of the girl whose boy returns from the war.
The rain on the leaves is the bitter tears
When the mother hears her son is no morẹ
The rain on the leaves is the cry that is torn
From a baby just born as life is begun
The rain on the leaves is an old couplés love
Much greater now than when they were young.

The rain on the leaves is the passionate voice
In a final choice when last love is near.
The rain on the leaves is the voice surprised
As it realizes its first love is herẹ
The rain on the leaves is the heart's distress
And a loneliness, as life passes bỵ
The rain on the leaves is the last caress
And a tenderness before love can die

-ooOoo-

 

[ Home ]

25-03-2011