Đàm luận Phật Pháp
- 324 -

Tỉnh thức trước bệnh tật và cái chết
Lời Phật dạy trong kinh văn nguyên thủy

24. QUÁN TƯỞNG VỀ CÁI CHẾT  

 
1-mucluc24.jpg
1-mucluc24.jpg
1254 * 931
2-monks.jpg
2-monks.jpg
1333 * 799

 

XXIV

24. QUÁN TƯỞNG VỀ CÁI CHẾT
Bhikkhu Anālayo, Mindfully facing disease and death (2017)

XXIV.1 GIỚI THIỆU

Những bài kinh được dịch trong các chương trước trình bày nhiều cách thức khác nhau và bổ sung cho nhau làm nổi bật sự cần thiết phải đối diện với sự vô thường, nhất là về cái chết, cũng như sự cần thiết phải có chánh niệm trong trường hợp đó. Tập hợp các bài kinh về cái chết bắt đầu từ Chương 13 với đề tài về cái chết không thể tránh khỏi, dựa theo câu chuyện của vua Pasenadi (Ba-tư-nặc) đau buồn trước cái chết của bà nội của mình.

Tính tất yếu của cái chết cũng là điểm trung tâm của chương này, trình bày các hướng dẫn để điều hướng quán niệm về cái chết của chính mình như là một pháp hành thiền cho mỗi hành giả. Các lời chỉ dạy này được ghi trong một bài kinh của Tăng nhất A-hàm (EĀ 40.8), được dịch dưới đây, và có hai bài kinh tương ứng được ghi trong Tăng chi bộ của tạng Pāli (AN 6.19 và AN 8.73). Các phiên bản này đều ghi lại câu chuyện Đức Phật thẩm vấn các vị đệ tử tu sĩ về cách thức thực hành niệm chết của các vị ấy và Ngài nhận thấy các vị này không siêng năng tinh tấn tu tập niệm chết để phát huy tối đa tiềm năng của pháp hành ấy. Sau đó, Ngài chỉ dạy làm thế nào có tinh tấn thật sự về pháp hành nhiều thử thách này để hoàn toàn trực diện với cái chết.

XXIV.2 KINH VĂN

EĀ 40.8
KINH SỐ 8
Hòa thượng Thích Đức Thắng dịch Việt
Bình Anson hiệu đính dựa theo bản Anh dịch của Bhikkhu Ānalayo

Tôi nghe như vầy. Một thời, đức Phật ở trong vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn bảo các tỳ-khưu: “Các ngươi hãy tu tập niệm tưởng về sự chết, tư duy về tưởng chết.”

Rồi có một tỳ-khưu đang ngồi ở chỗ kia, bạch Thế Tôn: “Con luôn luôn tu tập chú tâm niệm tưởng về sự chết.” Thế Tôn bảo: “Ngươi tu tập chú tâm niệm tưởng về sự chết như thế nào?”

Tỳ-khưu bạch Phật: “Con chú tâm niệm tưởng về sự chết rằng: ‘Tôi mong sống thêm bảy ngày nữa và chú tâm về bảy giác chi, để ở trong pháp Như Lai được nhiều lợi ích, sau khi chết sẽ không hối hận.’ Bạch Thế Tôn, con chú tâm niệm tưởng về sự chết như vậy.”

Thế Tôn bảo: “Thôi, thôi, tỳ-khưu! Đây chẳng phải tu tập niệm tưởng về sự chết. Đây gọi là pháp phóng dật.”

Lại có tỳ-khưu bạch Thế Tôn: “Con có khả năng tu tập niệm tưởng về sự chết.” Thế Tôn bảo:

“Ngươi tu tập niệm tưởng về sự chết như thế nào?”

Tỳ-khưu bạch Phật: “Con suy nghĩ: ‘Tôi mong sống thêm sáu ngày nữa và chú tâm tư duy về chánh pháp của Như Lai, rồi sau đó sẽ mạng chung. Như vậy mới có ích lợi cho tôi.’ Con tu tập niệm tưởng về sự chết như vậy.”

Thế Tôn bảo: “Thôi, thôi, tỳ-khưu! Đây cũng là pháp phóng dật, chẳng phải tu tập niệm tưởng về sự chết.”

Lại có tỳ-khưu bạch Phật: “Con mong sống thêm năm ngày nữa.” Có tỳ-khưu bạch Phật: “Con mong sống thêm bốn ngày nữa.” Có tỳ-khưu bạch Phật: “Con mong sống thêm ba ngày nữa.” Có tỳ-khưu bạch Phật: “Con mong sống thêm hai ngày nữa.” Có tỳ-khưu bạch Phật: “Con mong sống thêm một ngày nữa.”

Bấy giờ, Thế Tôn bảo các tỳ-khưu: “Thôi, thôi, tỳ-khưu! Đây cũng là pháp phóng dật, chẳng phải tu tập niệm tưởng về sự chết.”

Lúc ấy, lại có tỳ-khưu bạch Thế Tôn: “Con có khả năng kham nhẫn tu tập niệm tưởng về sự chết. Đến giờ khất thực, con đắp y mang bát, vào thành Xá-vệ khất thực. Rồi ra khỏi thành Xá-vệ, trở về nơi ở, vào trong tịnh thất, chú tâm về bảy giác chi. Sau đó con có thể sẽ mạng chung. Con tu tập niệm tưởng về sự chết như vậy.”

Thế Tôn bảo: “Thôi, thôi, tỳ-khưu! Đây cũng chẳng phải tu tập niệm tưởng về sự chết. Những điều mà tỳ-khưu các ngươi nói đều là các pháp hành phóng dật, chẳng phải tu tập niệm tưởng về sự chết.”

Lúc ấy, Thế Tôn lại bảo các tỳ-khưu: “Nếu ai cũng tu tập như tỳ-khưu Bà-ca-lợi (Vakkalī), đó mới gọi là tu tập niệm tưởng về sự chết. Tỳ-khưu ấy khéo chú tâm niệm tưởng về sự chết, nhàm chán thân này là nhơ nhớp bất tịnh.

“Nếu tỳ-khưu chú tâm niệm tưởng về sự chết, buộc niệm trước mặt, tâm không di động, ghi nhận hơi thở ra vào, đồng thời chú tâm về bảy giác chi, như vậy pháp của Như Lai mới tạo được nhiều lợi ích.

“Vì sao vậy? Tất cả các hành đều rỗng không, chúng khởi sinh rồi tàn diệt, đều là huyễn hoá, không chân thật.

“Cho nên, này các tỳ-khưu, hãy chú tâm niệm tưởng về sự chết trong hơi thở ra vào để thoát khỏi sinh, già, bệnh, chết, buồn rầu, khổ não. Này các tỳ-khưu, hãy học tập điều này như vậy.”

Các tỳ-khưu sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.  

XXIV.3 THẢO LUẬN

Hai bài kinh trong Tăng chi bộ của tạng Pāli bắt đầu với một tỳ-khưu mong sống trọn một ngày và một đêm để chú tâm đến lời Phật dạy. Bài kinh ngắn trong hai bài kinh ấy tiếp tục với lòng mong ước sống trọn một ngày, trọn thời gian ăn xong bữa cơm, trọn thời gian nuốt vài miếng cơm, trọn thời gian nuốt một miếng cơm, và trọn thời gian đủ để thở vào thở ra. Bài kinh dài hơn thêm vào trọn thời gian sống nửa ngày và trọn thời gian ăn nửa bữa cơm. Trong cả hai bài kinh, Đức Phật khen những ai chỉ mong sống trọn thời gian nuốt một miếng cơm hay thời gian đủ để thở vào thở ra.

Thông điệp chính trong hai bài kinh trên và cũng như bài kinh trong Tăng nhất A-hàm của Hán tạng là việc niệm chết cần phải được áp dụng ngay trong thời khắc hiện tại. Sự cần thiết này phát sinh từ sự chắc chắn của cái chết, kết hợp với sự không chắc chắn lúc nào cái chết sẽ xảy ra. Những ai cho rằng cái chết của họ sẽ xảy ra tại một thời điểm nào đó trong tương lai, ngay cả trong ngày mai, được xem như là sơ suất, lơ đểnh, phóng dật trong sự tu tập. Thay vì “phóng dật” như thế, chấp nhận cái chết sẽ đến với mình cần phải được kết hợp với sự chuyên cần, tỉnh thức nhận định cái chết có thể xảy ra ngay bây giờ, theo ý nghĩa rằng cái chết đang tiến đến gần ngay bây giờ. Như Bowker giải thích [1]:

– Niệm chết là một sự chú tâm vào thực tế là cái chết (maraṇa) đang tiến đến gần tôi. Đây không phải là hành thiền về chết một cách tổng quát, mà là áp dụng sự quán soi ấy cho chính tôi.

Việc áp dụng cho tự thân và nhấn mạnh về sự liên quan đến thời khắc hiện tại là khác biệt đáng kể so với các ý nghĩ thông thường. Wayman ghi nhận rằng [2]:

– Nhân loại thông thường không tư duy theo cách này. Vì thế, pháp hành này có ngụ ý một loại chuyển đổi tâm trí, về “cái chết” từ tư duy theo các cách trước đây bằng cách quán soi cái chết.

Theo cách này, trong quan điểm của Phật giáo, câu hỏi hiện sinh mà cái chết đặt ra cho con người có thể được giải quyết trong đời sống. Trên thực tế, nó chỉ có thể giải quyết ngay trong đời sống này. Hơn nữa, nó không chỉ có thể được giải quyết mà nó cần phải được giải quyết [3]. Như Klima đã chỉ ra [4], điều này đòi hỏi

– phải có một cuộc đối đầu mật thiết với khuynh hướng đau đớn và thất vọng về cơ thể đang suy sụp và chết đi. Đây là niềm tin của các hành giả rằng chỉ có chấp nhận sự thật này thì hành giả mới có thể thoát ra khỏi sự ràng buộc cảm tính của nó.

Đối mặt với cái chết của riêng mình khi vẫn còn sống là cách sửa soạn tốt nhất để được bình an trong giờ phút lâm chung thật sự. Tiềm năng của pháp hành ấy là để giúp hành giả sống an bình, không bị các tác động của nỗi sợ chết. Chỉ khi nào cái chết trở thành một phần tự nhiên của đời sống thì hành giả mới có thể vượt ra ngoài tầm ảnh hưởng của nỗi sợ hiện sinh và từ đó hành giả trở nên sống hiện thực với cuộc đời với các diễn biến ngay trong thời khắc hiện tại. Sự thâm nhập lan tỏa khắp nơi của nỗi sợ hiện sinh về cái chết đã được Becker giải thích như sau [5]:

– Ý tưởng về cái chết, nỗi sợ hãi về nó, đặc biệt ám ảnh con người; nó là động lực chính của mọi sinh hoạt của con người – sinh hoạt được thiết kế phần lớn là để tránh tử vong, để vượt qua tử vong bằng cách nào đó phủ nhận rằng đó là điểm đến cuối cùng của con người.

Các hậu quả của nỗi sợ chết trên nhiều khía cạnh của thái độ con người đã được nghiên cứu chi tiết trong ngành tâm lý học hiện đại, đưa đến sự phát triển Lý thuyết Quản lý sự Khiếp sợ (Terror Management Theory), nghiên cứu về phương cách con người giải quyết nỗi sợ hãi hiện sinh về cái chết của chính mình. Vấn đề cơ bản có thể được tóm tắt như sau [6]:

– Sự sợ chết bắt nguồn từ bản năng tự bảo tồn mà con người chia sẻ với các loài thú vật khác. Mặc dù chúng ta có cùng chung nỗi sợ hãi này với các loài thú, chỉ có con người chúng ta là nhận thức được rằng cái chết không thể nào tránh khỏi – có nghĩa là bản năng tự bảo tồn của chúng ta chắc chắn rồi cũng sẽ không kéo dài được. Sự kết hợp lòng mong ước tự bảo tồn với nhận thức về cái chết không thể tránh tạo ra tiềm năng sợ hãi, khiếp đảm đến tê liệt [7].

Nghiên cứu về nỗi khiếp đảm đến tê liệt này đã đưa đến sự hiểu biết tốt hơn về phản ứng sâu rộng khi con người được cho biết về cái chết của chính mình, nghĩa là phản ứng lại bằng cách xoay chuyển chú tâm về hướng khác.

– Khi các ý tưởng về cái chết được đưa ra trước mắt, mỗi cá nhân sẽ phản ứng hoặc bằng cách đánh lạc hướng bản thân khỏi vấn đề, hoặc đẩy vấn đề về cái chết vào một tương lai xa xôi bằng cách chối bỏ điểm yếu của mình [8].

Nỗi khiếp đảm về cái chết, nếu chưa được hóa giải, đưa đến thiết lập các cơ chế phòng thủ. Một trong số các cơ chế này là đẩy cái chết và một tương lai xa xôi. Đây là các trường hợp ghi lại trong bài kinh của Tăng nhất A-hàm và hai bài kinh tương đương trong Tăng chi bộ mà Đức Phật chê trách. Một cơ chế phòng thủ khác phát sinh ngay khi nhận thức về cái chết của chính mình không còn là điểm chú tâm quan trọng nữa là như sau:

– Những ý tưởng về cái chết thông thường trở thành quá đe dọa nếu được chú tâm trong một thời gian dài. Một khi ý tưởng về chết không còn là điểm tập trung của chú tâm, người ta sẽ dựa vào một vùng đệm thành phần kép có tính âu lo văn hóa, gồm thế giới quan văn hóa và lòng tự trọng, để quản lý sự hiểu biết ngấm ngầm về cái chết không thể tránh khỏi của mình. Người ta tạo ra và duy trì niềm tin và thực hành (một thế giới quan văn hóa) để cung cấp trật tự và ý nghĩa trong cuộc sống, các tiêu chuẩn về giá trị phải đạt đến, và bảo vệ chống lại cái chết dưới hình thức của sự bất tử có tính tượng trưng [9].

Theo cách này, nỗi sợ chết mở rộng nhiều cánh tay khác nhau như khối u polyp, thiết lập và củng cố ý thức về bản sắc của mỗi cá nhân. Điều này cung cấp một bối cảnh cho sự liên hệ giữa niệm chết và giác ngộ, sự hiện thực của bất tử, như ghi trong kinh văn của Phật giáo sơ kỳ. Nỗi sợ chết là có liên hệ mật thiết với ý thức về nhân thân, sakkāya. Vì thế, một người đã hoàn toàn thấu đạt về chân lý vô ngã thì vượt qua khỏi nỗi sợ chết.

Liều thuốc cần thiết để chữa bệnh này thì rất đơn giản: Chú tâm vào khả năng cái chết của mình có thể xảy ra ngay tại đây và ngay bây giờ. Tất cả những gì cần thiết là đem sự tử vong của mình vào nhận thức từng thời khắc trong hiện tại. Thực hành được như thế có một hiệu ứng chuyển hóa rất đáng kể không những cho chính mình, mà còn tác động đến những người khác. Như Kübler-Ross chỉ ra [10]:

– Nếu tất cả chúng ta nỗ lực hết lòng để quán tưởng cái chết của mình, để đối phó với những nỗi lo âu của chúng ta chung quanh khái niệm về chết, và để giúp người khác làm quen với các ý tưởng đó, có lẽ sẽ giảm thiểu các sự tàn phá chung quanh chúng ta.

Hành giả có thể áp dụng pháp hành này để đem cái chết của chính mình và nhận thức từng thời khắc hiện tại, qua pháp niệm hơi thở. Trong phần kết luận tiếp theo, tôi sẽ trình bày chi tiết các hướng dẫn về pháp quán niệm hơi thở bao gồm mười sáu bước thực tập. Trong trường hợp niệm chết, sự thực hành thì đơn giản hơn. Quán niệm về mỗi hơi thở chỉ cần kết hợp chặt chẻ với nhận thức rằng thực tế là hơi thở này có thể là hơi thở cuối cùng của mình.

Việc thực hành áp dụng ở đây mà tôi muốn giới thiệu có liên quan đến quán tưởng rằng cái chết của mình có liên quan đến các hơi thở vào. Với mỗi hơi thở hít vào, hành giả nhận thức rằng đây có thể là lần hít vào cuối cùng, và với hơi thở ra, hành giả tập buông xả và thư giãn.

Thực tập theo cách này giúp hành giả điều chỉnh cường độ chú tâm vào niệm chết để duy trì sự cân bằng tâm trí, tiến hành theo khả năng riêng của mỗi người và các nhu cầu của hoàn cảnh hiện tại. Đôi khi ý tưởng về cái chết của chính mình có thể trở nên khá thách thức, ngay cả đưa đến sợ hãi và kích động. Nếu sự kiện này xảy ra, hành giả chú tâm ghi nhận hơi thở ra và buông xả. Điều này giúp tâm an định. Có khi pháp hành trở nên trì trệ và nhàm chán, có nghĩa là sự kiện về cái chết của chính mình không thật sự có ấn tượng sâu đậm trong tâm. Lúc ấy, hành giả chú tâm nhiều hơn về hơi thở hít vào, nhận thức rằng đây có thể là lần hít vào cuối cùng rồi chết.

Chắc chắn rằng sớm hay muộn gì ta cũng sẽ hít vào một hơi thở cuối cùng, và cũng chắc chắn rằng thời điểm này càng lúc càng tiến đến gần hơn với từng hơi thở. Do đó, hơi thở hiện tại, ngay cả khi không phải là hơi thở cuối cùng, chắc chắn là một hơi thở tiến gần hơn với cái chết.

Every breath, closer to death – Mỗi hơi thở hết, tiến gần cái chết.
Every breath, closer to death – Mỗi hơi thở hết, tiến gần cái chết.
Every breath, closer to death – Mỗi hơi thở hết, tiến gần cái chết.

--ooOoo--

THAM KHẢO

[1] Bowker, John 1991: The Meanings of Death, Cambridge: Cambridge University Press.

[2] Wayman, Alex 1982: “The Religious Meaning of Concrete Death in Buddhism”, in Sens de la mort, dans le christianisme et les autres religions, M. Dhavamony et al. (ed.), 273–95, Rome: Gregorian University.

[3] Schmidt-Leukel, Perry 1984: Die Bedeutung des Todes für das menschliche Selbstverständnis im Pali-Buddhismus, Munich: Missio Verlags- und Vertriebsgesellschaft.

[4] Klima, Alan 2002: The Funeral Casino, Meditation, Massacre, and Exchange with the Dead in Thailand, Princeton: Princeton University Press.

[5] Becker, Ernest 1973: The Denial of Death, New York: Simon & Schuster.

[6] Greenberg, Jeff, T. Pyszczynski, and S. Solomon 1986: “The Causes and Consequences of a Need for Self-esteem: A Terror Management Theory”, in Public Self and Private Self, R.F. Baumeister (ed.), 189–212, New York: Springer-Verlag.

[7] Harmon-Jones, Eddie, L. Simon, J. Greenberg, T. Pyszczynski, S. Solomon, and H. McGregor 1997: “Terror Management Theory and Self-esteem: Evidence that Increased Self-esteem Reduces Mortality Salience Effects”, Journal of Personality and Social Psychology, 72/1: 24–36.

[8] Pyszczynski, Tom, J. Greenberg, S. Solomon, J. Arndt, and J. Schimel 2004: “Why Do People Need Self-esteem? A Theoretical and Empirical Review”, Psychological Bulletin, 130/3:435–68.

[9] Niemic, Christopher P., K.W. Brown, T.B. Kashdan, P.J. Cozzolino, W.E. Breen, C. Levesque-Bristol, and R.M. Ryan 2010: “Being Present in the Face of Existential Threat: The Role of Trait Mindfulness in Reducing Defensive Responses to Mortality Salience”, Journal of Personal and Social Psychology, 99/2: 344–65.

[10] Kübler-Ross, Elisabeth 1969/1982: On Death and Dying, London: Tavistock Publications.

* * *

 

EĀ 40.8
KINH SỐ 8
Hòa thượng Thích Đức Thắng dịch Việt
Bình Anson hiệu đính dựa theo bản Anh dịch của Bhikkhu Ānalayo

Tôi nghe như vầy. Một thời, đức Phật ở trong vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn bảo các tỳ-khưu: “Các ngươi hãy tu tập niệm tưởng về sự chết, tư duy về tưởng chết.”

Rồi có một tỳ-khưu đang ngồi ở chỗ kia, bạch Thế Tôn: “Con luôn luôn tu tập chú tâm niệm tưởng về sự chết.” Thế Tôn bảo: “Ngươi tu tập chú tâm niệm tưởng về sự chết như thế nào?”

Tỳ-khưu bạch Phật: “Con chú tâm niệm tưởng về sự chết rằng: ‘Tôi mong sống thêm bảy ngày nữa và chú tâm về bảy giác chi, để ở trong pháp Như Lai được nhiều lợi ích, sau khi chết sẽ không hối hận.’ Bạch Thế Tôn, con chú tâm niệm tưởng về sự chết như vậy.”

Thế Tôn bảo: “Thôi, thôi, tỳ-khưu! Đây chẳng phải tu tập niệm tưởng về sự chết. Đây gọi là pháp phóng dật.”

Lại có tỳ-khưu bạch Thế Tôn: “Con có khả năng tu tập niệm tưởng về sự chết.” Thế Tôn bảo:
“Ngươi tu tập niệm tưởng về sự chết như thế nào?”

Tỳ-khưu bạch Phật: “Con suy nghĩ: ‘Tôi mong sống thêm sáu ngày nữa và chú tâm tư duy về chánh pháp của Như Lai, rồi sau đó sẽ mạng chung. Như vậy mới có ích lợi cho tôi.’ Con tu tập niệm tưởng về sự chết như vậy.”

Thế Tôn bảo: “Thôi, thôi, tỳ-khưu! Đây cũng là pháp phóng dật, chẳng phải tu tập niệm tưởng về sự chết.”

Lại có tỳ-khưu bạch Phật: “Con mong sống thêm năm ngày nữa.” Có tỳ-khưu bạch Phật: “Con mong sống thêm bốn ngày nữa.” Có tỳ-khưu bạch Phật: “Con mong sống thêm ba ngày nữa.” Có tỳ-khưu bạch Phật: “Con mong sống thêm hai ngày nữa.” Có tỳ-khưu bạch Phật: “Con mong sống thêm một ngày nữa.”

Bấy giờ, Thế Tôn bảo các tỳ-khưu: “Thôi, thôi, tỳ-khưu! Đây cũng là pháp phóng dật, chẳng phải tu tập niệm tưởng về sự chết.”

Lúc ấy, lại có tỳ-khưu bạch Thế Tôn: “Con có khả năng kham nhẫn tu tập niệm tưởng về sự chết. Đến giờ khất thực, con đắp y mang bát, vào thành Xá-vệ khất thực. Rồi ra khỏi thành Xá-vệ, trở về nơi ở, vào trong tịnh thất, chú tâm về bảy giác chi. Sau đó con có thể sẽ mạng chung. Con tu tập niệm tưởng về sự chết như vậy.”

Thế Tôn bảo: “Thôi, thôi, tỳ-khưu! Đây cũng chẳng phải tu tập niệm tưởng về sự chết. Những điều mà tỳ-khưu các ngươi nói đều là các pháp hành phóng dật, chẳng phải tu tập niệm tưởng về sự chết.”

Lúc ấy, Thế Tôn lại bảo các tỳ-khưu: “Nếu ai cũng tu tập như tỳ-khưu Bà-ca-lợi (Vakkalī), đó mới gọi là tu tập niệm tưởng về sự chết. Tỳ-khưu ấy khéo chú tâm niệm tưởng về sự chết, nhàm chán thân này là nhơ nhớp bất tịnh.
“Nếu tỳ-khưu chú tâm niệm tưởng về sự chết, buộc niệm trước mặt, tâm không di động, ghi nhận hơi thở ra vào, đồng thời chú tâm về bảy giác chi, như vậy pháp của Như Lai mới tạo được nhiều lợi ích.

“Vì sao vậy? Tất cả các hành đều rỗng không, chúng khởi sinh rồi tàn diệt, đều là huyễn hoá, không chân thật.

“Cho nên, này các tỳ-khưu, hãy chú tâm niệm tưởng về sự chết trong hơi thở ra vào để thoát khỏi sinh, già, bệnh, chết, buồn rầu, khổ não. Này các tỳ-khưu, hãy học tập điều này như vậy.”

Các tỳ-khưu sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.


AN 6.19
Niệm Chết
Hòa thượng Thích Minh Châu dịch Việt
Bình Anson hiệu đính dựa theo bản Anh dịch của Bhikkhu Bodhi

Một thời, Thế Tôn trú ở Nādika, tại Giñjakāvasatha (giảng đường Lò Gạch). Tại đấy, Thế Tôn gọi các tỳ-khưu: “Này các tỳ-khưu!”

“Thưa vâng, bạch Thế Tôn.” Các tỳ-khưu ấy vâng đáp Thế Tôn. Thế Tôn nói như sau:

“Niệm chết, này các tỳ-khưu, được tu tập, được làm cho sung mãn, có quả lớn, có lợi ích lớn, nhập vào bất tử, cứu cánh là bất tử. Này các tỳ-khưu, các thầy hãy tu tập niệm chết. Nhưng này các tỳ-khưu, các thầy tu tập niệm chết như thế nào?”

(1) Khi nghe nói vậy, một tỳ-khưu bạch Thế Tôn: “Bạch Thế Tôn, con có tu tập niệm chết.”

“Này tỳ-khưu, thầy tu tập niệm chết như thế nào?”

“Ở đây, bạch Thế Tôn, con suy nghĩ như sau: ‘Mong rằng ta sống trọn một ngày và một đêm tác ý đến lời dạy của Thế Tôn.’ Con đã làm được nhiều như vậy. Bạch Thế Tôn, con tu tập niệm chết như vậy.”

(2) Một tỳ-khưu khác bạch Thế Tôn: “Bạch Thế Tôn, con cũng tu tập niệm chết.”

“Nhưng này tỳ-khưu, thầy tu tập niệm chết như thế nào?”

“Ở đây, bạch Thế Tôn, con suy nghĩ như sau: ‘Mong rằng ta sống trọn một ngày tác ý đến lời dạy của Thế Tôn.’ Con đã làm được nhiều như vậy. Bạch Thế Tôn, con tu tập niệm chết như vậy.”

(3) Một tỳ-khưu khác bạch Thế Tôn: “Bạch Thế Tôn, con cũng tu tập niệm chết.”

“Nhưng này tỳ-khưu, thầy tu tập niệm chết như thế nào?”

“Ở đây, bạch Thế Tôn, con suy nghĩ như sau: ‘Mong rằng ta sống trọn thời gian bằng khi ăn đồ ăn khất thực, tác ý đến lời dạy của Thế Tôn.’ Con đã làm được nhiều như vậy. Bạch Thế Tôn, con tu tập niệm chết như vậy.”

(4) Một tỳ-khưu khác bạch Thế Tôn: “Bạch Thế Tôn, con cũng tu tập niệm chết.”

“Nhưng này tỳ-khưu, thầy tu tập niệm chết như thế nào?”

“Ở đây, bạch Thế Tôn, con suy nghĩ như sau: ‘Mong rằng ta sống trọn thời gian bằng khi nhai và nuốt bốn, năm miếng đồ ăn, tác ý đến lời dạy của Thế Tôn.’ Con đã làm được nhiều như vậy. Bạch Thế Tôn, con tu tập niệm chết như vậy.”

(5) Một tỳ-khưu khác bạch Thế Tôn: “Bạch Thế Tôn, con cũng tu tập niệm chết.”

“Nhưng này tỳ-khưu, thầy tu tập niệm chết như thế nào?”

“Ở đây, bạch Thế Tôn, con suy nghĩ như sau: ‘Mong rằng ta sống trọn thời gian bằng khi nhai và nuốt một miếng đồ ăn, tác ý đến lời dạy của Thế Tôn.’ Con đã làm được nhiều như vậy. Bạch Thế Tôn, con tu tập niệm chết như vậy.”

(6) Một tỳ-khưu khác bạch Thế Tôn: “Bạch Thế Tôn, con cũng tu tập niệm chết.”

“Nhưng này tỳ-khưu, thầy tu tập niệm chết như thế nào?”

“Ở đây, bạch Thế Tôn, con suy nghĩ như sau: ‘Mong rằng ta sống trọn thời gian bằng hơi thở ra hay bằng hơi thở vào, tác ý đến lời dạy của Thế Tôn.’ Con đã làm được nhiều như vậy. Bạch Thế Tôn, con tu tập niệm chết như vậy.”

Ðược nghe nói vậy, Thế Tôn nói với các vị tỳ-khưu ấy:

“Này các tỳ-khưu, (1) tỳ-khưu nào tu tập niệm chết như sau: ‘Mong rằng ta sống trọn một ngày và một đêm tác ý đến lời dạy của Thế Tôn.’; và (2) tỳ-khưu nào tu tập niệm chết như sau: ‘Mong rằng ta sống trọn một ngày tác ý đến lời dạy của Thế Tôn.’; và (3) tỳ-khưu nào tu tập niệm chết như sau: ‘Mong rằng ta sống trọn thời gian bằng khi ăn đồ ăn khất thực, tác ý đến lời dạy của Thế Tôn.’; và (4) tỳ-khưu nào tu tập niệm chết như sau: ‘Mong rằng ta sống trọn thời gian bằng khi nhai và nuốt bốn, năm miếng đồ ăn, tác ý đến lời dạy của Thế Tôn.’; thì các vị ấy gọi là tỳ-khưu sống phóng dật. Các vị ấy tu tập lờ đờ về niệm chết để đoạn diệt các lậu hoặc.

“Nhưng (5) tỳ-khưu nào tu tập niệm chết như sau: ‘Mong rằng ta sống trọn thời gian bằng khi nhai và nuốt một miếng đồ ăn, tác ý đến lời dạy của Thế Tôn.’; và (6) tỳ-khưu nào tu tập niệm chết như sau: ‘Mong rằng ta sống trọn thời gian bằng hơi thở ra hay bằng hơi thở vào, tác ý đến lời dạy của Thế Tôn.’; các vị ấy gọi là tỳ-khưu sống không phóng dật. Các vị ấy tu tập hăng hái về niệm chết để đoạn diệt các lậu hoặc.

“Do vậy, này các tỳ-khưu, các thầy cần phải học tập như sau: ‘Chúng tôi sẽ sống không phóng dật. Chúng tôi sẽ tu tập hăng hái về niệm chết để đoạn diệt các lậu hoặc.’ Này các tỳ-khưu, các thầy cần phải học tập như thế.”


AN 8.73
Niệm Chết
Hòa thượng Thích Minh Châu dịch Việt
Bình Anson hiệu đính dựa theo bản Anh dịch của Bhikkhu Bodhi

Một thời, Thế Tôn trú ở Nādika, tại Giñjakāvasatha (giảng đường Lò Gạch). Tại đấy, Thế Tôn gọi các tỳ-khưu: “Này các tỳ-khưu!”

“Thưa vâng, bạch Thế Tôn.” Các tỳ-khưu ấy vâng đáp Thế Tôn. Thế Tôn nói như sau:

“Niệm chết, này các tỳ-khưu, được tu tập, được làm cho sung mãn, có quả lớn, có lợi ích lớn, nhập vào bất tử, cứu cánh là bất tử. Này các tỳ-khưu, các thầy hãy tu tập niệm chết. Nhưng này các tỳ-khưu, các thầy tu tập niệm chết như thế nào?”

(1) Khi nghe nói vậy, một tỳ-khưu bạch Thế Tôn: “Bạch Thế Tôn, con có tu tập niệm chết.”

“Này tỳ-khưu, thầy tu tập niệm chết như thế nào?”

“Ở đây, bạch Thế Tôn, con suy nghĩ như sau: ‘Mong rằng ta sống trọn một ngày và một đêm tác ý đến lời dạy của Thế Tôn.’ Con đã làm được nhiều như vậy. Bạch Thế Tôn, con tu tập niệm chết như vậy.”

(2) Một tỳ-khưu khác bạch Thế Tôn: “Bạch Thế Tôn, con cũng tu tập niệm chết.”

“Nhưng này tỳ-khưu, thầy tu tập niệm chết như thế nào?”

“Ở đây, bạch Thế Tôn, con suy nghĩ như sau: ‘Mong rằng ta sống trọn một ngày tác ý đến lời dạy của Thế Tôn.’ Con đã làm được nhiều như vậy. Bạch Thế Tôn, con tu tập niệm chết như vậy.”

(3) Một tỳ-khưu khác bạch Thế Tôn: “Bạch Thế Tôn, con cũng tu tập niệm chết.”

“Nhưng này tỳ-khưu, thầy tu tập niệm chết như thế nào?”

“Ở đây, bạch Thế Tôn, con suy nghĩ như sau: ‘Mong rằng ta sống trọn nửa ngày tác ý đến lời dạy của Thế Tôn.’ Con đã làm được nhiều như vậy. Bạch Thế Tôn, con tu tập niệm chết như vậy.”

(4) Một tỳ-khưu khác bạch Thế Tôn: “Bạch Thế Tôn, con cũng tu tập niệm chết.”

“Nhưng này tỳ-khưu, thầy tu tập niệm chết như thế nào?”

“Ở đây, bạch Thế Tôn, con suy nghĩ như sau: ‘Mong rằng ta sống trọn bằng thời gian khi ăn đồ ăn khất thực, tác ý đến lời dạy của Thế Tôn.’ Con đã làm được nhiều như vậy. Bạch Thế Tôn, con tu tập niệm chết như vậy.”

(5) Một tỳ-khưu khác bạch Thế Tôn: “Bạch Thế Tôn, con cũng tu tập niệm chết.”

“Nhưng này tỳ-khưu, thầy tu tập niệm chết như thế nào?”

“Ở đây, bạch Thế Tôn, con suy nghĩ như sau: ‘Mong rằng ta sống trọn bằng nửa thời gian khi ăn đồ ăn khất thực, tác ý đến lời dạy của Thế Tôn.’ Con đã làm được nhiều như vậy. Bạch Thế Tôn, con tu tập niệm chết như vậy.”

(6) Một tỳ-khưu khác bạch Thế Tôn: “Bạch Thế Tôn, con cũng tu tập niệm chết.”

“Nhưng này tỳ-khưu, thầy tu tập niệm chết như thế nào?”

“Ở đây, bạch Thế Tôn, con suy nghĩ như sau: ‘Mong rằng ta sống trọn thời gian bằng khi nhai và nuốt bốn, năm miếng đồ ăn, tác ý đến lời dạy của Thế Tôn.’ Con đã làm được nhiều như vậy. Bạch Thế Tôn, con tu tập niệm chết như vậy.”

(7) Một tỳ-khưu khác bạch Thế Tôn: “Bạch Thế Tôn, con cũng tu tập niệm chết.”

“Nhưng này tỳ-khưu, thầy tu tập niệm chết như thế nào?”

“Ở đây, bạch Thế Tôn, con suy nghĩ như sau: ‘Mong rằng ta sống trọn thời gian bằng khi nhai và nuốt một miếng đồ ăn, tác ý đến lời dạy của Thế Tôn.’ Con đã làm được nhiều như vậy. Bạch Thế Tôn, con tu tập niệm chết như vậy.”

(8) Một tỳ-khưu khác bạch Thế Tôn: “Bạch Thế Tôn, con cũng tu tập niệm chết.”

“Nhưng này tỳ-khưu, thầy tu tập niệm chết như thế nào?”

“Ở đây, bạch Thế Tôn, con suy nghĩ như sau: ‘Mong rằng ta sống trọn thời gian bằng hơi thở ra hay bằng hơi thở vào, tác ý đến lời dạy của Thế Tôn.’ Con đã làm được nhiều như vậy. Bạch Thế Tôn, con tu tập niệm chết như vậy.”

Ðược nghe nói vậy, Thế Tôn nói với các vị tỳ-khưu ấy:

“Này các tỳ-khưu, (1) tỳ-khưu nào tu tập niệm chết như sau: ‘Mong rằng ta sống trọn một ngày và một đêm tác ý đến lời dạy của Thế Tôn.’; và (2) tỳ-khưu nào tu tập niệm chết như sau: ‘Mong rằng ta sống trọn một ngày tác ý đến lời dạy của Thế Tôn.’; và (3) tỳ-khưu nào tu tập niệm chết như sau: ‘Mong rằng ta sống trọn nửa ngày tác ý đến lời dạy của Thế Tôn.’; và (4) tỳ-khưu nào tu tập niệm chết như sau: ‘Mong rằng ta sống trọn bằng thời gian khi ăn đồ ăn khất thực, tác ý đến lời dạy của Thế Tôn.’; và (5) tỳ-khưu nào tu tập niệm chết như sau: ‘Mong rằng ta sống trọn bằng nửa thời gian khi ăn đồ ăn khất thực, tác ý đến lời dạy của Thế Tôn.’; và (6) tỳ-khưu nào tu tập niệm chết như sau: ‘Mong rằng ta sống trọn thời gian bằng khi nhai và nuốt bốn, năm miếng đồ ăn, tác ý đến lời dạy của Thế Tôn.’; thì các vị ấy gọi là tỳ-khưu sống phóng dật. Các vị ấy tu tập lờ đờ về niệm chết để đoạn diệt các lậu hoặc.

“Nhưng (7) tỳ-khưu nào tu tập niệm chết như sau: ‘Mong rằng ta sống trọn thời gian bằng khi nhai và nuốt một miếng đồ ăn, tác ý đến lời dạy của Thế Tôn.’; và (8) tỳ-khưu nào tu tập niệm chết như sau: ‘Mong rằng ta sống trọn thời gian bằng hơi thở ra hay bằng hơi thở vào, tác ý đến lời dạy của Thế Tôn.’; các vị ấy gọi là tỳ-khưu sống không phóng dật. Các vị ấy tu tập hăng hái về niệm chết để đoạn diệt các lậu hoặc.

“Do vậy, này các tỳ-khưu, các thầy cần phải học tập như sau: ‘Chúng tôi sẽ sống không phóng dật. Chúng tôi sẽ tu tập hăng hái về niệm chết để đoạn diệt các lậu hoặc.’ Này các tỳ-khưu, các thầy cần phải học tập như thế.”


 

Itipi so Bhagavā Arahaṃ Sammāsambuddho
Vijjācaraṇasampanno Sugato Lokavidū
Anuttaro Purisadammasārathi
Satthā devamanussānaṃ
Buddho Bhagavāti.

Svākkhāto bhagavato dhammo
Sandiṭṭhiko akāliko ehipassiko
Opanayiko paccattaṃ veditabbo viññūhīti.

Supaṭipanno bhagavato sāvakasaṅgho
Ujupaṭipanno bhagavato sāvakasaṅgho
Ñāyapaṭipanno bhagavato sāvakasaṅgho
Sāmīcipaṭipanno bhagavato sāvakasaṅgho
Yadidaṃ cattāri purisayugāṇi atthapurisapuggalā
Esa bhagavato sāvakasaṅgho
Āhuneyyo pāhuneyyo dakkhiṇeyyo añjalikaranīyo
Anuttaraṃ puññakkhettaṃ lokassāti.

Đầu ngọn cờ
Dhajagga Sutta, SN 11.3

"Này các Tỳ-khưu, Ta nói như sau: Khi quý vị đi vào rừng, đi đến gốc cây hay đi đến nhà trống, nếu run sợ, hoảng hốt, hay lông tóc dựng ngược có khởi lên, trong khi ấy hãy niệm nhớ đến Ta: 'Ngài là Thế Tôn, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ Ðiều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn'.

Này các Tỳ-khưu, khi quý vị niệm nhớ đến Ta, thời sợ hãi, hoảng hốt hay lông tóc dựng ngược có khởi lên, sẽ được tiêu diệt.

Nếu quý vị không niệm nhớ đến Ta, hãy niệm nhớ đến Pháp: 'Ðây là Pháp do Thế Tôn khéo thuyết, thiết thực hiện tại, có quả tức thời, đến để mà thấy, có khả năng hướng thượng, do người trí tự mình giác hiểu.'

Này các Tỳ-khưu, khi quý vị niệm nhớ đến Pháp, thời sợ hãi, hoảng hốt hay lông tóc dựng ngược có khởi lên sẽ tiêu diệt.

Nếu quý vị không niệm nhớ đến Pháp, hãy niệm nhớ đến chúng Tăng: 'Chúng Tăng đệ tử Thế Tôn là bậc Thiện hạnh; chúng Tăng đệ tử Thế Tôn là bậc Trực hạnh; chúng Tăng đệ tử Thế Tôn là bậc Chánh hạnh; chúng Tăng đệ tử Thế Tôn là bậc Như pháp hạnh, tức là bốn đôi, tám chúng. Chúng Tăng đệ tử này của Thế Tôn đáng được cúng dường, đáng được hiến dâng, đáng được bố thí, đáng được chấp tay, là vô thượng phước điền ở trên đời.'

Này các Tỳ-khưu, khi quý vị niệm nhớ đến chúng Tăng, thời sợ hãi, hoảng hốt, hay lông tóc dựng ngược có khởi lên sẽ tiêu diệt.

Vì sao? Này các Tỳ-khưu, Như Lai, bậc Ứng Cúng, Chánh Biến Tri đã ly tham, ly sân, ly si, không nhát gan, không hoảng hốt, không hoảng sợ, không hoảng chạy.

* * * * * *

 

Tỉnh thức trước bệnh tật và cái chết
Lời Phật dạy trong kinh văn nguyên thủy

Bhikkhu Analayo (2017). Mindfully Facing Disease and Death: Compassionate Advice from Early Buddhist Texts.

MỤC LỤC TỔNG QUÁT

Dẫn nhập

BỆNH TẬT

Chương 01 - Đức Phật như là một vị y sĩ vô thượng
Chương 02 - Thân bệnh, tâm an
Chương 03 - Mũi tên của đau khổ
Chương 04 - Phẩm chất của bệnh nhân và người chăm sóc
Chương 05 - Tiềm năng chữa bệnh của các chi phần giác ngộ
Chương 06 - Giảm thiểu cơn đau trong tỉnh thức
Chương 07 - Chịu đựng cơn đau trong tỉnh thức
Chương 08 - Tỉnh thức đối mặt bệnh tật
Chương 09 - Không sợ hãi khi bị bệnh
Chương 10 - Liều thuốc nội quán
Chương 11 - Những lời dạy giải thoát từ một bệnh nhân
Chương 12 - Chương trình hành thiền chữa bệnh

CÁI CHẾT

Chương 13 - Chết là điều tất nhiên
Chương 14 - Tự do tỉnh thức không buồn rầu
Chương 15 - Cận tử và các phạm trú
Chương 16 - Các hướng dẫn trước khi chết
Chương 17 - Không chấp thủ và bệnh bất trị mạt kỳ
Chương 18 - Lời khuyên về chăm sóc thoa dịu
Chương 19 - Chết trong tỉnh thức
Chương 20 - Tiềm năng giải thoát của cái chết
Chương 21 - Sức mạnh của nội quán lúc cận tử
Chương 22 - Những lời cuối của một đệ tử cư sĩ thành đạt
Chương 23 - Trạng thái thiền của Đức Phật khi nhập diệt
Chương 24 - Quán tưởng về cái chết

Kết luận và các hướng dẫn hành thiền

Dẫn nhập
Các hướng dẫn hành thiền cho ngài Girimānanda
(1) Quán vô thường
(2) Quán vô ngã
(3) Quán bất tịnh
(4) Quán nguy hại
(5) Quán từ bỏ
(6) Quán xả ly
(7) Quán diệt tận
(8) Quán không tham luyến vào toàn thế giới
(9) Quán các hành là vô thường
(10) Quán hơi thở

 


CÁC CHỦ ĐỀ GIÁO THUYẾT TRONG MỖI CHƯƠNG

Chương 01 - Tứ thánh đế và Bát chi thánh đạo, danh hiệu của Như Lai
Chương 02 - Năm uẩn chấp thủ, vị ngọt và nguy hại
Chương 03 - Bảy khuynh hướng ngủ ngầm và ba loại cảm thọ
Chương 04 - Bốn phạm trú
Chương 05 - Năm triền cái, bảy chi phần giác ngộ và cách tu dưỡng
Chương 06 - Bốn pháp lập niệm, pháp nhãn, và đạt thiền diệt
Chương 07 - Tầm quan trọng của chư thiên
Chương 08 - Bốn cấp bậc giác ngộ, năm hạ phần kiết sử, và tam vô lậu học
Chương 09 - Bốn chi phần Dự Lưu và ngũ giới
Chương 10 - Hai mươi loại thân kiến và ba lậu hoặc
Chương 11 - Vô ngã và sự khác biệt giữa Dự Lưu và giác ngộ hoàn toàn
Chương 12 - Bốn tưởng điên đảo

Chương 13 - Phật Độc Giác và mười lực, bốn pháp vô sở úy của Như Lai
Chương 14 - Năm vô lậu học và ba mươi bảy chi phần đưa đến giác ngộ
Chương 15 - Vai trò các cõi trời
Chương 16 - Tam Bảo và đường đến quả Dự Lưu
Chương 17 - Ba tướng và bốn loại thức ăn
Chương 18 - Tinh luyện tiệm tiến của hạnh phúc
Chương 19 - Duyên sinh
Chương 20 - Chánh kiến lúc cận tử
Chương 21 - Sáu căn
Chương 22 - Tầm quan trọng của Chuyển Luân Vương
Chương 23 - Bốn tầng thiền hữu sắc và bốn tầng thiền vô sắc
Chương 24 - Quán tưởng về cái chết

* * *

 

Bhikkhu ANALAYO (1962-)
Centre for Buddhist Studies, University of Hamburg, Germany

Tỳ-khưu Analayo sinh năm 1962 tại Đức. Sư xuất gia gieo duyên năm 1990 tại chùa Wat Suan Mokkh ở miền nam Thái Lan. Năm 1994, Sư đến Sri Lanka xuất gia với ngài Hòa thượng Balangoda Ananda Maitreya, và sau đó thọ giới tỳ-khưu với Hòa thượng Pemasiri vào năm 1997 trong hệ phái Shwegyin Nikaya (bắt nguồn từ hệ phái chính Amarapura Nikaya). Tuy nhiên, Bhikkhu Bodhi là vị thầy chính.

Sư hoàn tất chương trình tiến sĩ tại University of Peradeniya năm 2000 và luận án tiến sĩ được xuất bảm thành sách với tựa đề “Satipaṭṭhāna, the Direct Path to Realization”. Cuốn sách được nhiều người khen ngợi, đã được tái bản nhiều lần và dịch sang 10 thứ tiếng. Bản tiếng Việt được Cư sĩ Nguyễn Văn Ngân dịch, với tựa đề “Satipaṭṭhāna, Con đường thẳng tới giác ngộ”, xuất bản năm 2017.

Hiện nay, Sư là giáo sư Phật học tại Trung tâm Phật học của Đại học Hamburg, Đức quốc (Centre for Buddhist Studies, University of Hamburg), Đại học Phật giáo Pháp Cổ, Đài Loan (Dharma Drum Buddhist College, Taiwan). Sư là đồng sáng lập viên Nhóm Nghiên cứu A-hàm (Āgama Research Group) và là giảng sư của Trung tâm Phật học Barre, Hoa Kỳ (Barre Center for Buddhist Studies).

Hiện nay (2018), ngài trú và tịnh tu tại Trung tâm Phật học Barre, bang Massachusetts, Hoa Kỳ.

Các nguồn thông tin:

1) Wikipedia: https://en.wikipedia.org/wiki/Bhikkhu_Analayo 
2) University of Hamburg: https://www.buddhismuskunde.uni-hamburg.de/en/personen/analayo.html 

------------------

Giáo sư AMING TU

Giáo sư Aming Tu (杜正民 - Đỗ Chính Dân, Du Zhengmin) là một sáng lập viên của hội CBETA (Chinese Buddhist Electronic Text Association, Hiệp hội Kinh văn Điện tử Phật giáo Trung Hoa) và đã từng là Giám đốc Điều hành của Hội (1998-2006). Ông là giáo sư Tin học và đã có nhiều đóng góp quan trọng trong dự án số hóa Tam tạng Kinh điển tiếng Hán. Năm 2005, ông bị bệnh và được chẩn đoán là bị bệnh ung thư gan, phải vào bệnh viện 10 ngày và trải qua một cơn đau đớn rất khắc nghiệt.

Sau khi rời bệnh viện, ông tìm đọc các bản kinh trong Hán tạng và tạng Pali có ghi lại các lời dạy của Đức Phật và các vị đại đệ tử để đối phó với cơn đau, bệnh tật và cái chết. Ông suy ngẫm và thực hành theo đó, và nhờ vậy, đã giúp ông rất nhiều để chịu đựng các cơn đau và viễn ảnh của cái chết không thể tránh được.

Ông thảo luận các vấn đề nầy với Tỳ-khưu Anālayo – lúc ấy, Sư đang nghiên cứu và dịch các bản kinh A-hàm. Ông đề nghị Sư khai triển thành một cuốn sách với nội dung về phương cách đối diện với bệnh tật và cái chết, dựa theo các bản kinh của Phật giáo Sơ kỳ – bộ A-hàm trong Hán tạng và Nikāya trong tạng Pāli, cùng với những hướng dẫn thực tế để hành thiền, giúp hành giả có đủ nghị lực, hiểu biết và tỉnh thức để trực diện với các vấn đề tất yếu đó của kiếp người.

Sau khi Sư hoàn tất viết cuốn sách, Gs Tu đọc bản thảo, rất hoan hỷ và viết Lời Bạt, đề cập đến nguyên nhân ra đời của cuốn sách. Cuốn sách được xuất bản vào đầu năm 2017 và được nhiều vị thiền sư, học giả khen ngợi, tán thán. Một điều buồn là Gs Aming Tu không thấy được ấn bản chính thức. Ông qua đời vào tháng 11 năm 2016.

* * *

[ Home ]

14-09-2020