Đàm luận Phật Pháp
- 208 -

Thiền quán niệm: Hướng dẫn thực hành
V. Quán sự chết

 
1_contents.jpg
1_contents.jpg
1287 * 850
2_chuong5.jpg
2_chuong5.jpg
1250 * 831
3_sati_khung.jpg
3_sati_khung.jpg
1346 * 930
4_7baitap.jpg
4_7baitap.jpg
1037 * 898
5_khia-canh.jpg
5_khia-canh.jpg
1197 * 897
6_wheel3.jpg
6_wheel3.jpg
999 * 822
7_tu-thi.jpg
7_tu-thi.jpg
1291 * 914
8_hoitho.jpg
8_hoitho.jpg
1182 * 752

 

BỐN PHÁP LẬP NIỆM
Kinh Lập Niệm
Satipaṭṭhāna Sutta, MN 10

Lược trích

Này các tỳ-khưu, tỳ-khưu sống quán thân như thân, nhiệt tâm, tỉnh giác, niệm, chế ngự tham ưu ở đời. Thế nào là tỳ-khưu sống quán thân như thân?

[TỬ THI SÌNH THỐI]
1) Này các tỳ-khưu, như thể khi thấy một tử thi bị quăng bỏ trong nghĩa địa một ngày, hai ngày, ba ngày đã chết, trương phồng lên, xanh đen lại, rữa nát, tỳ-khưu so sánh thân mình với thân ấy như sau: “Thân này cũng như thế, bản chất cũng như thế, là điều tất yếu không ngoại lệ”.

Bằng cách ấy, vị ấy sống quán thân như thân bên trong … bên ngoài … bên trong và bên ngoài. Hay vị ấy sống quán tính sinh khởi … diệt tận trong thân … sinh và diệt trong thân. Hay niệm “có thân đây” được thiết lập nơi vị ấy với mức độ cần thiết để hiểu biết và ghi nhớ đầy đủ. Và vị ấy sống độc lập, không bám chấp điều gì trên đời. Như vậy là tỳ-khưu sống quán thân như thân.

2) … bị các loài quạ ăn, hay bị các loài diều hâu ăn, hay bị các chim kên ăn, hay bị các loài chó ăn, hay bị các loài giả can ăn, hay bị các loài giòi bọ ăn, tỳ-khưu so sánh thân mình với thân ấy ...

3) … bộ xương còn dính thịt và máu, được các đường gân cột lại, tỳ-khưu so sánh thân mình với thân ấy ...

4) ... bộ xương không còn dính thịt nhưng còn dính máu, còn được các đường gân cột lại, tỳ-khưu so sánh thân mình với thân ấy ...

5) ... với bộ xương không còn dính thịt và máu, còn được các đường gân cột lại, tỳ-khưu so sánh thân mình với thân ấy ...

6) ... chỉ còn các khúc xương không dính lại với nhau, rải rác chỗ này chỗ kia, tỳ-khưu so sánh thân mình với thân ấy ...

7) … xương trắng màu vỏ ốc, tỳ-khưu so sánh thân mình với thân ấy ...

8) ... xương chất đống đã hơn một năm, tỳ-khưu so sánh thân mình với thân ấy ...

9) ... xương đã mục nát thành bột, tỳ-khưu so sánh thân mình với thân ấy như sau: “Thân này cũng như thế, bản chất cũng như thế, là điều tất yếu không ngoại lệ”.

Bằng cách ấy, vị ấy sống quán thân như thân bên trong … bên ngoài … bên trong và bên ngoài. Hay vị ấy sống quán tính sinh khởi … diệt tận trong thân … sinh và diệt trong thân. Hay niệm “có thân đây” được thiết lập nơi vị ấy với mức độ cần thiết để hiểu biết và ghi nhớ đầy đủ. Và vị ấy sống độc lập, không bám chấp điều gì trên đời. Như vậy là tỳ-khưu sống quán thân như thân.

(Kinh Lập Niệm - Satipaṭṭhāna Sutta, MN10)


Kinh Niệm Xứ (MA 98)
Trung A-hàm, kinh số 98

… “Tỳ-kheo quán thân như thân; Tỳ-kheo quán xác chết, mới chết từ một hai ngày đến sáu bảy ngày, đang bị quạ diều bươi mổ, sài lang cấu xé, hoặc đã được hỏa thiêu, hay đã được chôn lấp, đang bị rửa nát hư hoại. Quán rồi tự so sánh: ‘Thân ta cũng thế, đều có những trường hợp này, không sao tránh khỏi’. Tỳ-kheo khéo giữ tướng trạng tu quán, khéo nhớ điều niệm, cũng giống như vậy. Tỳ-kheo như vậy, quán nội thân như thân; quán ngoại thân như thân; lập niệm tại thân, có tri, có kiến, có minh, có đạt. Như vậy gọi là Tỳ-kheo quán thân như thân.

“Lại nữa, Tỳ-kheo quán thân như thân; Tỳ-kheo như từng thấy trong nghĩa địa, hài cốt xám xanh, rữa nát gần hết, xương vải khắp đất. Quán rồi tự so sánh: ‘Thân ta cũng thế, đều có những trường hợp này, không sao tránh khỏi,’ Tỳ-kheo khéo giữ tướng trạng tu quán, khéo nhớ điều niệm, cũng giống như vậy. Tỳ-kheo như vậy, quán nội thân như thân; quán ngoại thân như thân; lập niệm tại thân, có tri, có kiến, có minh, có đạt. Như vậy gọi là Tỳ-kheo quán thân như thân.

“Lại nữa, Tỳ-kheo quán thân như thân; Tỳ-kheo như từng thấy trong nghĩa địa, da, thịt, máu, huyết tiêu cả, chỉ còn xương dính gân. Quán rồi tự so sánh: ‘Thân ta cũng thế, đều có trường hợp này, không sao tránh khỏi’. Tỳ-kheo khéo giữ tướng trạng tu quán, khéo nhớ điều niệm, cũng giống như vậy. Tỳ-kheo như vậy, quán nội thân như thân; quán ngoại thân như thân; lập niệm tại thân, có tri, có kiến, có minh, có đạt. Như vậy gọi là Tỳ-kheo quán thân như thân.

“Lại nữa, Tỳ-kheo quán thân như thân; Tỳ-kheo như từng trong nghĩa địa thấy xương rời từng đốt, tản mác khắp nơi, xương chân, xương đùi, xương đầu gối, xương bắp vế, xương sống, xương vai, xương cổ, xương sọ, mỗi thứ một nơi. Quán rồi tự so sánh: ‘Thân ta cũng thế, đều có những trường hợp này, không sao tránh khỏi’. Tỳ-kheo khéo giữ tướng trạng tu quán, khéo nhớ điều niệm, cũng giống như vậy. Tỳ-kheo như vậy, quán nội thân như thân; quán ngoại thân như thân; lập niệm tại thân, có tri, có kiến, có minh, có đạt. Như vậy gọi là Tỳ-kheo quán thân như thân. “

Lại nữa, Tỳ-kheo quán thân như thân; Tỳ-kheo như từng thấy trong nghĩa địa, xương trắng như vỏ ốc, xanh như lông chim bồ câu, đỏ như màu máu, mục nát bể vụn. Quán rồi tự so sánh: ‘Thân ta rồi cũng thế, đều có những trường hợp này, không sao tránh khỏi’. Tỳ-kheo khéo giữ tướng trạng tu quán, khéo nhớ điều niệm, cũng giống như vậy. Tỳ-kheo như vậy, quán nội thân như thân; quán ngoại thân như thân; lập niệm tại thân, có tri, có kiến, có minh, có đạt. Như vậy gọi là Tỳ-kheo quán thân như thân.


Kinh Nhất Nhập Đạo (SA 12.1)
Tạp A-hàm, Phẩm 12, Kinh số 1

… “Lại nữa, Tỳ-kheo quán tử thi, hoặc chết đã một ngày, hoặc hai ngày, hoặc ba ngày, hoặc bốn ngày, hoặc năm ngày, sáu ngày, bảy ngày; thân thể sình trướng, hôi thối không sạch. Tỳ- kheo lại tự quán thân mình cùng với thân kia không khác, thân ta không thoát khỏi hoạn này.

“Hoặc Tỳ-kheo quán tử thi bị quạ, se sẻ, kên kên ăn nuốt, hoặc bị hổ lang, chó sói, các loài trùng thú trông thấy ăn thịt. Tỳ- kheo lại tự quán thân mình cùng kia không khác, thân ta không tránh khỏi hoạn này. Đó là Tỳ-kheo tự quán thân mà an trú.

“Lại nữa, Tỳ-kheo quán tử thi hoặc bị ăn một nửa, rơi vãi trên đất, hôi thối không sạch. Tỳ-kheo lại tự quán thân mình cùng kia không khác, thân ta không tránh khỏi pháp này.

“Lại nữa, quán tử thi đã hết thịt, chỉ còn có xương bê bết máu. Tỳ-kheo lại đem thân mình quán sát như thân kia cũng không khác. Tỳ-kheo quán thân này như vậy.

“Lại nữa, Tỳ-kheo quán tử thi, gân ràng rịt như bó củi. Tỳ-kheo lại quán thân mình cùng kia không khác. Tỳ-kheo quán thân này như vậy.

“Lại nữa, Tỳ-kheo quán tử thi, từng đốt xương phân tán rơi vãi khắp nơi. Hoặc xương tay, xương chân mỗi thứ một nơi, hoặc xương đùi, xương hông, hoặc xương cùng, hoặc xương tay, hoặc xương vai, hoặc xương sườn, hoặc xương sống, hoặc xương cổ, hoặc đầu lâu. Lại nữa, thân này cùng kia không khác. Ta không thoát khỏi pháp này. Thân ta cũng sẽ bại hoại. Như vậy Tỳ-kheo quán thân này mà tự an trú.

“Lại nữa, Tỳ-kheo quán tử thi màu trắng, màu ngọc trắng. Tỳ- kheo lại tự quán thân cùng kia không khác, ta không lìa khỏi pháp này. Đó là Tỳ-kheo tự quán thân.

“Lại nữa, nếu Tỳ-kheo thấy tử thi, tưởng xương xanh bầm, không có gì đáng tham đắm, hoặc cùng màu tro đất không thể phân biệt. Như vậy, Tỳ-kheo tự quán thân, trừ bỏ niệm ác, không có sầu lo. Thân này vô thường, là pháp phân tán. Như vậy Tỳ-kheo quán nội tự thân, quán ngoại thân, quán nội ngoại thân, phân rã, không có gì.

* * *

 

Niệm chết

1. Niệm chết là một trong 10 tùy niệm có khả năng đưa đến giác ngộ giải thoát.

“Có một pháp, này các tỳ-khưu, được tu tập, được làm cho sung mãn, đưa đến nhất hướng nhàm chán, ly tham, đoạn diệt, an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn. Một pháp ấy là gì? Chính là niệm Phật… niệm Pháp... niệm Tăng... niệm Giới... niệm Thí... niệm Thiên... niệm Hơi thở vô, Hơi thở ra... niệm Chết... niệm Thân... niệm An tịnh.

Chính một pháp này, này các tỳ-khưu, được tu tập, được làm cho sung mãn, đưa đến nhất hướng nhàm chán, ly tham, đoạn diệt, an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn". (AN 1.296-305)

2. Niệm Chết (Thanh Tịnh Đạo, Luận sư Buddhaghosa)

Tập niệm chết thường xuyên, như hướng dẫn trong cuốn Thanh Tịnh Đạo. Tóm lược:

  • Một người muốn tu tập phép quán này, cần đi vào độc cư và luyện sự tác ý một cách có trí tuệ như sau: "Chết sẽ xảy đến, mạng căn sẽ bị gián đoạn", hay: "Chết, chết".... Hành giả nên nhìn chỗ này chỗ kia, những người đã bị giết hoặc đã chết, và tác ý đến cái chết của những hữu tình đã chết mà trước đây mình đã trông thấy chúng hưởng thọ các lạc, tưởng nghĩ như vậy với chánh niệm, với một ý thức khẩn trương và với tri kiến, sau đó hành giả có thể tác ý: "Cái chết sẽ xảy đến, mạng căn sẽ bị gián đoạn". Làm như vậy, vi ấy tu tập niệm chết một cách có trí tuệ. Nghĩa là vị ấy tu tập niệm chết như là một phương tiện chính đáng.

    Khi một người tu tập niệm chết như vậy, thì những triền cái của chúng được điều phục, niệm được an trú với cái chết làm đối tượng, và đề mục thiền, đạt đến cận hành định.
     

  • Những người nào nhận thấy niệm chết không tiến xa đến mức ấy, thì hãy niệm chết theo tám cách như sau: (1) Có sự xuất hiện của một kẻ sát nhân, (2) Sự thành công bị phá sản, (3) So sánh, (4) Thân thể bị san sẻ với nhiều chúng sinh, (5) Mạng sống mong manh, (6) Vô tướng, (7) Sự giới hạn của đời người, (8) Sự ngắn ngủi của sát na.

(1) Có sự xuất hiện của một kẻ sát nhân: Vị ấy nên tưởng thế này: "Cũng như một kẻ sát nhân xuất hiện với cây gươm, nghĩ ta sẽ chặt đầu người này, rồi kề gươm vào cổ người ấy, cũng vậy, cái chết xuất hiện như thế". Tại sao? Vì cái chết cùng đến với sự sinh ra và cái chết đoạt mạng sống. Cái chết này, đi kèm với sinh, thật giống như một kẻ sát nhân với cây kiếm chực sẵn. Và giống như kẻ sát nhân kề gươm vào cổ, cái chết đoạn mất mạng sống và không bao giờ đem trở lại mạng sống. Do vậy, cái chết xuất hiện như một kẻ sát nhân với cây gươm chực sẵn, khi nó đã đi cùng với sinh và đoạt mất mạng sống, ta phải tưởng đến cái chết "như dạng một kẻ sát nhân".

(2) Như sự thành công bị phá sản: Tưởng đến cái chết như "như sự phá sản mọi sự nghiệp", bằng cách xem cái chết là vố phá sản cuối cùng của mọi thành công trên đời -- kể cả sức khỏe, tuổi trẻ.

(3) Bằng cách so sánh là so sánh mình với những kẻ khác: Ở đây, chết cần được tưởng bằng cách so sánh theo 7 hạng: so với hạng người có danh vọng lớn, công đức lớn, sức mạnh lớn, thần thông lớn, trí tuệ lớn, với Ðộc giác và với Chư Phật. Tất cả đều phải chết.

(Riêng đối với cá nhân tôi, mỗi khi đi dự đám tang hay được thông báo có người qua đời, tôi đến đó, lặng lẻ ngắm nhìn người chết, suy tư rằng rồi một ngày nào đó, không sớm thì muộn, mình cũng như thế nầy ...)

(4) Về sự san sẻ thân xác với nhiều chúng sanh: Cái thân này được nhiều chúng sinh cộng trú. Nơi thân này, có các loại chúng sinh sống bám vào để sinh sống. Và tại đấy chúng sinh già, chết, bài tiết phẩn tiểu, thân thể là nhà bảo sanh của chúng, là dưỡng đường của chúng, nghĩa địa của chúng, chỗ đại tiện, tiểu tiện của chúng. Thân thể cũng có thể đi đến chết chóc vì một cuộc nổi loạn của những sâu bọ này. Không những thân này được san sẻ với  sâu bọ, mà còn san sẻ với hàng trăm thứ bệnh nội thương và nhiều nguyên nhân gây ra chết chóc từ bên ngoài như rắn rết, bò cạp, v.v...

(5) Về sự mong manh của đời sống: sự sống này bất lực và mong manh. Và đời sống con người gắn liền với hơi thở, gắn liền với những uy nghi đi đứng nằm ngồi, gắn liền với lạnh và nóng, gắn liền với tứ đại, gắn liền với thức ăn.

Sự sống chỉ xảy ra khi hơi thở vào và hơi thở ra có đều đặn. Nhưng khi hơi gió trong lỗ mũi đã đi ra mà không vào lại, và khi nó đi vào mà không ra lại, thì khi ấy một con người được kể là đã chết.

Sự sống cũng chỉ có, khi bốn uy nghi được điều hoà, khi một trong bốn uy nghi trội hẳn ba cái kia, thì sự sống bị gián đoạn.

Sự sống cũng chỉ có khi nóng lạnh điều hoà. Khi quá nóng hoặc quá lạnh thì con người không thể sống.

Sự sống cũng chỉ xảy đến khi bốn đại điều hoà. Nhưng với sự rối loạn của một đại, ngay cả một người mạnh cũng có thể chết.

Và sự sống cũng chỉ xảy ra nơi một người được thực phẩm đúng thời, nếu không được ăn, thì hết sống.

(6) Vô tướng (signless): nghĩa là không thể xác định (indefinable), không thể đoán trước được (unpredictable).

Thọ mạng không có tướng, vì không thể định đoạt những điều sau: phải sống chừng ấy thời gian, không nhiều hơn.

Bệnh không có tướng, vì không thể định như sau: các hữu tình chỉ chết vì bệnh này, không chết vì bệnh nào khác. Chúng sinh thường chết vì đủ thứ bệnh.

Thời gian không có tướng, vì không thể định đoạt rằng ta phải chết vào lúc này, không vào lúc nào khác. Vì các hữu tình có thể chết bất cứ vào thời khoảng nào, sáng trưa chiều tối.

Nơi chốn thân xác sẽ được đặt xuống cũng không có tướng, bởi vì không thể định rằng, khi người ta chết, chúng phải để thây của chúng nằm xuống tại chỗ này, không chỗ nào khác. Vì người sinh trong làng có thể chết để thây ở ngoài làng, người sinh ngoài làng, có thể chết để thây trong làng. Cũng thế, có kẻ sinh ra trên nước mà chết để thây trên đất, có kẻ sinh ra trên đất, chết để thân trên nước. Tương tự nhiều cách.

Số phận cũng không tướng, vì không thể định rằng một kẻ chết chỗ kia phải tái sinh tại chỗ này. Vì có người chết từ thiên giới mà tái sinh ở cõi người, có người chết ở nhân gian mà tái sinh ở cõi trời v.v... Và với cách ấy thế giới xoay vần, chúng sinh xoay chuyển trong năm sanh thú (cõi) như con bò được gắn vào một cái máy.

(7) Giới hạn của đời người: Cõi người ngày nay có giới hạn ngắn ngủi. Một người sống lâu cũng chỉ sống trên dưới một trăm tuổi.

Do đó đức Thế tôn nói: "Này các tỳ-khưu, đời người ngắn ngủi. Có đời sống mới phải đi đến, có các nghiệp thiện phải làm, có đời phạm hạnh phải được sống. Ðối với cái gì đã sinh ra, không có chuyện không chết. Người nào sống lâu cũng chỉ sống trên dưới một trăm năm".

"Và này các tỳ-khưu, khi một tỳ-khưu tu tập niệm chết như sau: Mong rằng ta sống thời gian nhai nuốt một miếng ăn, tác ý đến lời dạy của Thế tôn, như vậy ta đã làm nhiều". Khi một tỳ-khưu tu tập niệm chết như sau: "Mong rằng ta sống khoảng thời gian hơi thở vào ra, hay trong khoảng thời gian hơi thở ra vào, tác ý đến lời dạy của Thế Tôn, như vậy ta đã làm nhiều". Ðây gọi là những tỳ-khưu trú trong tinh cần, sắc bén tu tập niệm chết để đoạn diệt các lậu hoặc".

Cuộc đời quả thật ngắn ngủi đến độ không chắc nó có kéo dài trong khoảng kịp nhai nuốt bốn hay năm miếng. Đây là niệm chết bằng cách tưởng đến thời khắc ngắn ngủi.

(8) Về tánh cách ngắn ngủi trong sát-na: Nói cho cùng, đời sống chúng sinh vô cùng ngắn ngủi chỉ trong khoảng một niệm. Như cái bánh xe, khi lăn chỉ lăn trên một điểm và khi nghỉ cũng chỉ nghỉ trên một điểm - điểm tiếp giáp với mặt đất, cũng như thế, đời sống của chúng sinh chỉ kéo dài trong khoảng một niệm. Khi niệm ấy qua đi, chúng sinh ấy được coi như đã chấm dứt, như lời trích dẫn sau đây: "Trong một niệm quá khứ nó đã sống, khi ấy nó không có mặt trong hiện tại, mà cũng không có trong vị lai. Trong một niệm vị lai nó sẽ sống, khi ấy nói không có mặt trong hiện tại hay quá khứ. Và trong niệm hiện tại, nó đang sống, thì nó không có mặt trong quá khứ hay vị lai".

Kết luận:

Một hành giả niệm chết luôn luôn tinh cần tinh tấn. Vị ấy không tham luyến với bất cứ loại hiện hữu nào. Vị ấy chinh phục được sự bám víu vào đời sống. Vị ấy chê trách các ác pháp. Vị ấy tránh tích trữ nhiều của cải. Vị ấy không bị cấu uế bởi lòng tham các vật dụng. Niệm tưởng về vô thường dần dần phát triển trong tâm vị ấy, và theo sau đó là niệm tưởng về khổ và vô ngã. Trong khi đối những ai chưa tu tập niệm chết, tư tưởng của họ thường là nạn nhân của hãi hùng, kinh sợ, bối rối vào lúc chết, như thể thình lình bị dã thú vồ, bị ma quỷ bắt, rắn mổ, bị kẻ cướp hay sát nhân sấn tới, thì người tu tập niệm chết ngược lại, chết một cách tỉnh giác không vọng tưởng, không sợ hãi, không rơi vào bất cứ một tình trạng nào như thế. Và cho dù không đạt đến bất tử ngay trong hiện tại, ít ra vị ấy cũng hướng đến một cõi tốt đẹp khi thân hoại mạng chung (Vism 8.41).

* * *

 

Thu âm và phổ biến trên YouTube:

Tham khảo:

Nghe hướng dẫn từng bài tập:

https://www.windhorsepublications.com/wp-content/uploads/2018/03/1.-Anatomy.mp3

https://www.windhorsepublications.com/wp-content/uploads/2018/03/2.-Elements.mp3

https://www.windhorsepublications.com/wp-content/uploads/2018/03/3.-Death.mp3

https://www.windhorsepublications.com/wp-content/uploads/2018/03/4.-Feeling.mp3

https://www.windhorsepublications.com/wp-content/uploads/2018/03/5.-Mind.mp3

https://www.windhorsepublications.com/wp-content/uploads/2018/03/6.-Hindrances.mp3

https://www.windhorsepublications.com/wp-content/uploads/2018/03/7.-Awakening.mp3

Tải về toàn bộ 7 bài tập, dạng nén ZIP (111 Mb):

https://www.windhorsepublications.com/wp-content/uploads/audio/satipatthana-meditation/satipatthana-recordings.zip


  1. Satipaṭṭhāna: Con Đường Thẳng Tới Chứng Ngộ, Cư sĩ Nguyễn Văn Ngân dịch (2017) - http://budsas.net/sach/vn43.pdf
     
  2. Satipaṭṭhāna: The Direct Path to Realization, Bhikkhu Analayo (2004) - http://budsas.net/sach/en41.zip  (dạng nén Zip, cần phải giải nén trước khi đọc)
     
  3. Phụ đính: MN 10 Satipatthana-sutta, in: A Comparative Study of the Majjhima-Nikaya, Bhikkhu Analayo (2011) - http://budsas.net/sach/en140.pdf
     
  4. Perspectives on Satipaṭṭhāna, Bhikkhu Analayo (2013) - http://budsas.net/sach/en141.zip  (dạng nén Zip, cần phải giải nén trước khi đọc)

 

Bhikkhu ANALAYO (1962-)
Centre for Buddhist Studies, University of Hamburg, Germany

Tỳ-khưu Analayo sinh năm 1962 tại Đức. Sư xuất gia gieo duyên năm 1990 tại chùa Wat Suan Mokkh ở miền nam Thái Lan. Năm 1994, Sư đến Sri Lanka xuất gia với ngài Hòa thượng Balangoda Ananda Maitreya, và sau đó thọ giới tỳ-khưu với Hòa thượng Pemasiri vào năm 2007 trong hệ phái Shwegyin Nikaya (bắt nguồn từ hệ phái chính Amarapura Nikaya). Tuy nhiên, Bhikkhu Bodhi là vị thầy chính.

Sư hoàn tất chương trình tiến sĩ tại University of Peradeniya năm 2000 và luận án tiến sĩ được xuất bảm thành sách với tựa đề “Satipaṭṭhāna, the Direct Path to Realization”. Cuốn sách được nhiều người khen ngợi, đã được tái bản nhiều lần và dịch sang 10 thứ tiếng. Bản tiếng Việt được Cư sĩ Nguyễn Văn Ngân dịch, với tựa đề “Satipaṭṭhāna, Con đường thẳng tới giác ngộ”, xuất bản năm 2017.

Hiện nay, Sư là giáo sư Phật học tại Trung tâm Phật học của Đại học Hamburg, Đức quốc (Centre for Buddhist Studies, University of Hamburg), Đại học Phật giáo Pháp Cổ, Đài Loan (Dharma Drum Buddhist College, Taiwan). Sư là đồng sáng lập viên Nhóm Nghiên cứu A-hàm (Āgama Research Group) và là giảng sư của Trung tâm Phật học Barre, Hoa Kỳ (Barre Center for Buddhist Studies).

Hiện nay (2018), ngài trú và tịnh tu tại Trung tâm Phật học Barre, bang Massachusetts, Hoa Kỳ.

Các nguồn thông tin:

1) Wikipedia: https://en.wikipedia.org/wiki/Bhikkhu_Analayo 
2) University of Hamburg: https://www.buddhismuskunde.uni-hamburg.de/en/personen/analayo.html 

------------------

Cư sĩ NGUYỄN VĂN NGÂN

Cư sĩ Dhammaruci Nguyễn Văn Ngân cư ngụ tại Canada, là dịch giả các cuốn sách:

Abhidhamma Áp Dụng (2002)
Giải Thoát Bằng Năm Tập Hợp (2003)
Phân Tích (2005)
Đạo Vô Ngại Giải (2006); tái bản (2015)
Những Ngày Cuối Cùng Của Đức Phật (2016)
Satipaṭṭhāna, Con đường thẳng tới giác ngộ (2017)

 

[ Home ]

21-10-2018