Đàm luận Phật Pháp
- 138 -
In the Buddha’s Words – An Anthology
of Discourses from the Pali Canon
Bhikkhu Bodhi (2005)
Những lời Phật dạy – Trích lục các bài giảng trong kinh điển Pali
Tỳ-khưu Bodhi
(2005)
Chương VI. QUAN KIẾN THÂM SÂU VỀ THẾ GIỚI
Dàn bài CHƯƠNG VI – QUAN KIẾN THÂM SÂU VỀ THẾ GIỚI
|
CHƯƠNG VI – QUAN KIẾN THÂM SÂU VỀ THẾ GIỚI Dẫn nhập
Để tìm hiểu kinh điển, chúng ta cần phải biết về bối cảnh mà trong đó bài kinh được giảng và về thành phần thính chúng được nghe giảng bài kinh đó. Trong suốt cuộc đời hoằng pháp, Đức Phật có những bài giảng thích hợp với khả năng và nhu cầu của người nghe. Cho những ai có những hành vi buông lung, Ngài dạy họ phải từ bỏ lối sống tự hại và thực hành các hành động thiện lành để có quả báo tốt đẹp. Cho những ai đầu hàng trước số phận, Ngài dạy họ phải cố gắng nỗ lực trong hiện tại, để đảm bảo phẩm chất đời sống hiện tiền và vận mệnh tương lai. Cho những ai tin rằng sự hiện hữu chấm dứt khi thân thể chết đi, Ngài dạy rằng chúng sinh vẫn tiếp tục sau khi thân thể tan rã, tái sinh theo nghiệp của họ. Cho những ai chưa đủ chín muồi để thành tựu cao hơn, Ngài dạy họ nhắm đến tái sinh vào cõi trời và vui hưởng hạnh phúc và vinh quang của thiên đàng. Tái sinh vào cảnh trời nhàn lạc, tuy nhiên, không phải là mục đích tối hậu mà Đức Phật giảng dạy Giáo Pháp. Tốt nhất, đó chỉ là một trạm dừng tạm thời. Mục tiêu tối hậu là chấm dứt đau khổ. Hạnh phúc ở các cõi trời, cho dù rất an lạc, không thể nào giống như sự chấm dứt mọi đau khổ. Theo lời dạy của Đức Phật, tất cả các trạng thái hiện hữu trong vòng tái sinh, ngay cả các cõi trời, cũng là phù du, không chắc chắn, trói buộc bởi đau khổ. Như thế, mục đích tối hậu của Giáo Pháp là sự giải thoát, có nghĩa là hoàn toàn thoát ra vòng sinh tử. Những gì ở ngoài vòng tái sinh là một trạng thái không có điều kiện, gọi là Niết-bàn (Nibbāna). Niết-bàn vượt lên trên thế giới hữu vi, nhưng nó có thể đạt được trong sự tồn tại hữu vi nầy, ngay trong đời sống nầy, và được thực chứng như một sự chấm dứt đau khổ. Đức Phật thực chứng Niết-bàn khi Ngài giác ngộ, và trong bốn mươi lăm năm tiếp theo, Ngài cố gắng giúp những người khác để tự thực chứng điều đó. Sự thực chứng Niết-bàn đến với nở hoa trí tuệ và mang lại bình an toàn hảo, hạnh phúc trong sạch, và an định mọi thu thúc trong tâm. Niết-bàn là hủy diệt mọi khát khao, thèm muốn. Nó là một hải đảo an toàn trong sóng gió dữ dội của tuổi già, bệnh tật, và tử vong. Để hướng dẫn các vị đệ tử đã trưởng thành trong tâm trí, Đức Phật đưa họ vượt lên trên các phần thưởng hạnh phúc, vốn có được trong đời sống tương lai qua việc thực hiện những hành động thiện lành. Ngài đã làm như thế qua các khía cạnh “siêu thế” của các lời giảng, các khía cạnh được thiết kế để đưa các vị đệ tử vượt khỏi “tam giới” của dục giới, sắc giới, và vô sắc giới. Xuyên suốt các bài giảng, Đức Phật trình bày sắc bén, không thỏa hiệp, về những nguy hại vốn có sẵn trong các trạng thái tồn tại hữu vi của chúng sinh. Ngài gióng một tín hiệu rõ ràng, cảnh báo tất cả mọi trạng thái hiện hữu đều nguy hại và đau khổ. Ngài nhấn mạnh, rõ ràng, về niềm hy vọng để có được sự an toàn vĩnh cửu là ở trong một tâm trí hoàn toàn thanh tịnh và giải thoát. Ngài trình bày con đường cắt ngang qua toàn bộ vô minh và ái dục, và xua tan mọi dính mắc ngay cả trong những trạng thái tinh tế nhất của thiền định. Trong bài giảng từng bước để thực hành Giáo Pháp, cho những người mới tiếp cận lời dạy của Ngài, Đức Phật thường bắt đầu bằng cách thảo luận về bố thí và trì giới. Ngài khen ngợi các đức tính như lòng quảng đại, vô hại, và tự chế. Ngài giải thích bằng cách nào các hành động tạo phước sẽ đưa đến an lạc trong tái sinh về cõi trời. Đến lúc đó, Ngài mới tiết lộ về “sự nguy hiểm, suy thoái, và ô nhiễm trong các dục lạc, và sự an vui của xuất ly.” Như thế, sau khi làm chín muồi tâm trí của người nghe, Ngài giảng tiếp theo một giáo thuyết đặc biệt của riêng Ngài, đó là Tứ Diệu Đế: khổ, tập, diệt, đạo. Khi Đức Phật dạy về Tứ Diệu Đế, mục đích của Ngài không phải dạy cho thính chúng một bài học về căn bản Đạo Phật, nhưng để đánh thức họ để có được “Pháp nhãn”, đó là thực chứng đầu tiên về chân lý siêu thế, đưa vị đệ tử nhập vào con đường tiến đến giải thoát, không còn thối lui. Mặc dù đôi khi chúng ta đọc trong kinh tạng có những vị đệ tử thực chứng giác ngộ lần đầu tiên, ngay khi nghe Đức Phật giảng, điều đó không có nghĩa Giáo Pháp là dễ hiểu. Những vị đệ tử đó có thể thấu suốt chân lý dường như dễ dàng bởi vì các căn của họ đã trưởng thành. Cũng có lẽ họ đã tích tụ đầy đủ các điều kiện hỗ trợ từ nhiều kiếp trước. Bởi vì chính bản chất của Giáo Pháp siêu thế là đi ngược với tâm trần tục. Đức Phật mô tả Giáo Pháp là “vi tế, thâm sâu, rất khó nhìn thấy.” Một trong những điều làm cho khó thấy Giáo Pháp là luận đề về hạnh phúc cao thượng nhất không thể có được qua nhân nhượng các khao khát của trái tim, nhưng phải qua sự chế ngự chúng. Luận án nầy vận hành hoàn toàn trái ngược với tư duy, thái độ, và hành động của con người đang đắm mình trong thế giới. Chừng nào chúng ta vẫn còn say mê với các quyến rũ gợi cảm của giác quan, chừng nào chúng ta vẫn còn ưa thích trở thành cái nầy cái nọ, chúng ta vẫn thấy Giáo Pháp cao quý nầy như là một bí ẩn, một vấn đề khó hiểu. Vì thế, Đức Phật nhận ra rằng thách thức đầu tiên Ngài gặp phải khi thiết lập Giáo Pháp siêu thế là phải phá vỡ sự kìm kẹp mà các dục lạc và dính mắc thế gian đã đặt vào tâm trí các vị đệ tử. Ngài phải đem tâm thức đó ra khỏi sự han rỉ và làm cho nó vận hành theo một hướng khác. Ngài phải chỉ đạo các đệ tử tránh xa các cạm bẫy của dục lạc và dính mắc thế tục, và hướng dẫn họ hướng đến sự nhàm chán, hoàn toàn thản nhiên, và giác ngộ. Đức Phật đã dùng tất cả các kỹ năng của một vị thầy để đạt các yêu cầu của công việc trên. Ngài đã tận dụng khả năng của mình để điều chỉnh chính xác sự giảng dạy thích hợp cho khuynh hướng tâm trí của những người tìm đến Ngài để được chỉ dạy. Có khi Ngài lên tiếng thẳng thắn, cho dù thẳng thắn có thể gây oán trách. Có khi Ngài tham gia tranh luận, mặc dù Ngài thích sống ẩn dật an bình. Ngài dùng các ví dụ so sánh, ẩn dụ, ngụ ngôn để minh họa cụ thể, giúp cho các lập luận được hấp dẫn hơn. Có khi Ngài bảo vệ mạnh mẽ các nguyên tắc của mình, khi đối phương là những nhà tu khổ hạnh thù địch hay các tu sĩ hư đốn trong giáo đoàn của Ngài (xem thêm phần mở đầu của các bài kinh MN 22 và MN 38). Sự thành công tốt đẹp của Đức Phật khi thực hiện công việc khó khăn nầy được liệt vào những sự thành tựu tuyệt vời và vi diệu. Kinh văn VI,1 là một bằng chứng hùng hồn cho điều đó. Trong giai đoạn nầy, khi phơi bày giáo thuyết của Ngài, Đức Phật nhắm đến truyền đạt cho chúng ta một sự giáo dục hoàn toàn mới lạ trong cách nhận thức. Muốn đi theo Đức Phật trong chiều hướng Ngài muốn dẫn dắt, chúng ta phải học cách nhìn bên dưới bề mặt long lanh của thú vui, địa vị, quyền lực mà thường thu hút chúng ta. Cùng một lúc, phải học cách nhìn xuyên qua các biến dạng lừa đảo của suy tưởng, tư duy, và quan kiến đã quen che đậy tầm nhìn của chúng ta. Thông thường, chúng ta nhìn sự vật qua lăng kính của thành kiến chủ quan. Những thành kiến nầy được uốn nắn bởi tham ái và chấp thủ, và từ đó, củng cố thêm tham ái và chấp thủ. Chúng ta chỉ thấy những gì ta muốn thấy. Chúng ta xóa đi những gì đe dọa hay làm phiền ta, những gì khuấy động sự mãn nguyện, những gì đặt ra câu hỏi về những giả định an ổn về ta và đời sống của ta. Để thay đổi quá trình nầy, chúng ta phải quyết tâm với chân lý, thông thường rất bất an, nhưng về lâu dài sẽ đem lại thư thái và giải thoát. Sự giáo dục mà Đức Phật ban cho chúng ta là giúp ta có quan kiến thâm sâu về thế giới. Để giúp ta thay đổi nhận thức và làm quan kiến chúng ta về thế giới được sâu sắc hơn, Ngài cung cấp cho chúng ta ba quan điểm, dựa vào đó, ta thẩm định các giá trị về cuộc sống của mình. Ba quan điểm nầy cũng có xem như ba giai đoạn trong tiến trình khai mở tuệ quán, bắt đầu bằng các thái độ thông thường của chúng ta và tiến dần đến tuệ giác, giác ngộ, và giải thoát. Ba bước đó là vị ngọt (assāda), nguy hại (ādı̄nava), và xuất ly (nissaraṇa). Trong ba Kinh văn VI,2(1)-(3), tiến trình nầy áp dụng chung cho thế giới. Trong các bài kinh khác của kinh tạng Nikāya, tiến trình nầy được áp dụng đặc biệt hơn cho tứ đại (SN 14:31-33), ngũ uẩn (SN 22:26-28), sáu nội căn và sáu ngoại căn (SN 35:13-18). Đức Phật nhấn mạnh tầm quan trọng của tiến trình nầy với lời tuyên bố rất khẳng định là cho đến khi nào Ngài chưa như thật giác tri như thế, Ngài không có xác nhận đã chứng đạt vô thượng chánh đẳng chánh giác. Để tiến bước có hệ thống trong tiến trình nầy, ta bắt đầu bằng cách nhận ra một thực tế không thể nghi ngờ rằng các hiện tượng thế gian như đối tượng cảm giác, hình thể, và cảm thọ cho chúng ta vài cấp độ ngọt ngào. Vị ngọt nầy gồm có lạc thú (sukha-somanassa) ta thực nghiệm khi ta thành công trong thỏa mãn các mong muốn. Khi đã nhận ra điều đó, ta có thể tìm hiểu sâu xa hơn, bằng cách tự hỏi các lạc thú như thế có hoàn toàn thỏa mãn hay không. Nếu ta trả lời câu hỏi nầy một cách hết sức thành thật, trong khung tâm thức vô tư, ta sẽ nhận ra rằng những lạc thú đó không thật sự thỏa lòng. Ngược lại, chúng có những hạn chế và khiếm khuyết từ tầm thường đến thảm khốc, những khiếm khuyết mà chúng ta luôn tự che dấu, để ta có thể tiếp tục tầm cầu vị ngọt mà không bị cản trở. Đó là sự nguy hại, là bước thứ hai hay là bước quan sát. Sự nguy hại phổ biến nhất núp đằng sau mặt tiền vô tội của các dục lạc thế gian là bản chất vốn có của vô thường (anicca), gắn liền với đau khổ và bất toại nguyện (dukkha), của những sự đổi thay không tránh được và suy tàn (vipariṇāmadhamma). Bước thứ ba, sự xuất ly, đi theo bước thứ hai. “Xuất ly” ở đây không có nghĩa là thoát chạy – một từ có hàm ý nỗ lực để tránh đối mặt các vấn đề của mình, bằng cách giả vờ như chúng không hiện hữu và tìm cách lãng quên. Xả ly chân thật là hoàn toàn ngược lại. Đây là hành động khôn ngoan, hợp lý và đúng đắn nhất mà chúng ta thực hiện khi ta nhận định chính xác về mối hiểm nguy. Đây là sự tìm kiếm lối thoát ra khỏi tòa nhà đang bị cháy, hay đến gặp bác sĩ khi ta bị nóng sốt liên tục, hay sự quyết định bỏ hút thuốc lá khi ta hiểu rõ nó tạo nguy hại cho sức khỏe. Một khi ta thấy các đối tượng ta chấp thủ là không tốt, chứa đầy các nguy hiểm ẩn tàng, ta nhận thức được rằng con đường xả ly là từ bỏ các chấp thủ vào chúng. Đây là “tháo gỡ, loại bỏ các ham muốn và dục vọng” (chandarāga-vinaya, chandarāga-pahāna). Không ngạc nhiên khi các nhà chú giải Pāli liên kết ba bước nầy với Tứ Diệu Đế. “Vị ngọt” hàm chứa trong Sự Thật Thứ Hai, vì dục lạc đưa đến thèm muốn, là nguồn gốc của khổ. “Nguy hại” chính là Sự Thật Về Khổ. Và “xuất ly” là Sự Thật Về Khổ Diệt, và cũng hàm chứa trong Bát Chi Thánh Đạo, Sự Thật Về Đạo, con đường diệt khổ. Trong Kinh văn VI,3, Đức Phật dùng tiến trình ba bước nầy để đánh giá chi tiết ba đối tượng chính của chấp thủ. Đó là dục lạc giác quan, thân sắc, và cảm thọ. Phần chính của bài kinh dành cho việc tra xét những nguy hiểm của dục lạc giác quan. Bài kinh bắt đầu bằng cái nhìn cận cảnh của những khổ nạn mà một “thiện nam tử” – một cư sĩ chuyên gia trong ngữ cảnh Ấn Độ – có thể trải qua trong việc thỏa mãn các nhục dục. Theo trình tự trong bài kinh, phạm vi thẩm tra mở rộng từ cá nhân đến tập thể, bao gồm các hậu quả về xã hội và chính trị. Bài kinh đạt đến đỉnh cao khi nhấn mạnh đến chiến tranh và tàn phá con người, đi theo những thúc dục điên cuồng hàng loạt để thỏa mãn dục lạc. “Sắc” là hình dạng thân thể. Đức Phật bắt đầu giảng về sắc bằng cách hỏi các vị tu sĩ hãy nhận thức về cô gái trẻ đẹp. Rồi Ngài giảng lần lượt về các giai đoạn suy tàn của cơ thể, qua già nua, bệnh tật, chết, và phân hủy thân xác cho đến khi xương tan rã thành bột. Để chỉ nguy hại của “cảm thọ”, Đức Phật chọn các cảm thọ của một tu sĩ trong thiền-na, các tầng thiền định, đó là những chứng nghiệm tinh tế nhất của thế gian về hỷ lạc và an bình. Ngài chỉ ra rằng ngay cả các cảm thọ tuyệt đỉnh nầy rồi cũng vô thường, bất toại nguyện, và có thể thay đổi. Mặc dù các kinh văn tiếp theo không chỉ rõ tiến trình ba bước, sự hiện diện của tiến trình nầy rất hiển nhiên. Nhấn mạnh ở đây là về sự nguy hại. Hai kinh văn trong phần 4 của chương nầy, một lần nữa làm nổi bật những cạm bẫy của dục lạc, nhưng trình bày khác với các kinh văn trong phần trước. Trong Kinh văn VI,4(1), Đức Phật đối thoại với một gia chủ kiêu ngạo, ông ta tưởng rằng mình đã “dứt bỏ mọi vấn đề thế tục.” Để phá tan sự tự mãn ấy, Đức Phật dùng một loạt các ảnh dụ để phơi bày các dối trá của dục lạc cho ông ta thấy “dứt bỏ các vấn đề thế tục” có nghĩa là gì trong hệ thống huân tập của ông ta. Sử dụng các ảnh dụ cũng được thấy trong Kinh văn VI,4(2), mô tả Đức Phật đối thoại với một người theo chủ nghĩa khoái lạc có tên là Māgandiya. Ở đây, Đức Phật cho rằng thú vui nhục dục chỉ có được qua biến dạng của nhận thức. Nhưng khi nhìn đúng, chúng như là ngọn lửa đang cháy trong hầm than – “đau đớn khi sờ vào, nóng, và thiêu đốt.” Đoạn kinh nầy bao gồm các ví dụ mạnh mẽ nhất trong kinh tạng Nikāya mà Đức Phật đã sử dụng để chỉ dạy. Sử dụng các ảnh dụ cũng nổi bật trong Kinh văn VI,5, với chủ đề về kiếp nhân sinh ngắn ngủi. Văn học Phật giáo thường khuyên chúng ta nên suy quán về sự chắc chắn của cái chết và sự bất định về thời điểm chết. Sự khuyến khích nầy không phải đặt ra để ta có thái độ bi quan về cái chết, nhưng để giúp ta phá vỡ sự mê đắm vào cuộc sống và giúp phát triển tâm xả ly. Vì thế, suy quán về sự chết là một trong những đề mục quan trọng trong pháp thiền Phật giáo. Ở những bài kinh khác, Đức Phật dạy rằng quán niệm về sự chết “khi phát triển và nuôi dưỡng, sẽ giúp bước vào sự Bất tử và đạt đến Bất tử” (AN 7:46). Ở đây, đời sống ngắn ngủi được tính bằng cách đếm ngày, đếm mùa, ngay cả đếm các bữa ăn trong một kiếp sống. Kinh văn VI,6 là trích đoạn từ Kinh Raṭṭhapāla, nói về cuộc đời của vị đệ tử mà Đức Phật khen là “đệ tử tối thắng, xuất gia vì lòng tin.” Ngài Raṭṭhapāla là một chàng trai trẻ trong một gia đình giàu có, đã phát lòng tin kiên cố khi ngài nghe Đức Phật giảng, và lập tức quyết định sống đời xuất gia của một tu sĩ. Đức Phật bảo ngài phải xin phép cha mẹ, nhưng song thân, vì quá yêu thương con, từ chối, không cho phép. Vì thế, ngài Raṭṭhapāla nằm xuống đất và từ chối ăn uống, quyết định sẽ chết tại đó nếu không được phép cho xuất gia. Cuối cùng, song thân nhượng bộ và cho phép ngài xuất gia, với điều kiện sau nầy ngài phải trở về thăm cha mẹ. Nhiều năm sau đó, khi ngài trở về thăm cha mẹ, song thân tìm cách lôi kéo ngài trở lại đời sống thế tục, nhưng ngài đã đắc A-la-hán nên ngài đã vượt lên trên các tình trạng hoàn tục. Sau khi rời nhà cha mẹ, ngài đi đến khu vườn ngự uyển của nhà vua, và giảng một bài pháp cho vua Koravya về “bốn Thuyết giáo Chánh pháp”. Bài kinh nầy truyền đạt tuệ quán thâm sâu của ngài về chiều sâu và tính phổ quát của đau khổ, giải thích bằng từ ngữ giản dị nhưng rõ ràng về lý do tại sao ngài – cũng như vô số thanh niên, thiếu nữ trẻ nhiều năng lực – đã từ bỏ những tiện nghi của cuộc sống gia đình để sống cuộc đời vô gia cư, bất định. Thèm khát dục lạc là một cạm bẫy ràng buộc chúng ta vào vòng luân hồi. Một cạm bẫy khác là chấp thủ vào quan kiến. Như thế, để dọn sạch con đường đưa đến Niết-bàn, Đức Phật không những chỉ dạy xua tan các thú vui dục lạc, nhưng Ngài cũng còn chỉ rõ hiểm nguy của kiến chấp. Đây là chủ đề của phần 7. Nguy hại nhất của chấp thủ vào tà kiến là những quan kiến chối bỏ hay làm suy yếu các nền tảng của đạo đức. Kinh văn VI,7(1) gom lại một số nguy hại của loại tà kiến nầy. Quan trọng nhất là nguy hại đưa đến tái sinh vào các cõi thấp hơn. Có những quan kiến đưa dến sự suy diễn một chiều, sai lệch về thực tại mà chúng ta bám vào đó, cho rằng là chính xác và đầy đủ. Người nào bám chặt vào quan kiến riêng của họ trong một tình huống đặc biệt nào đó, thường tạo xung đột với những người trong tình huống đó nhưng có một cái nhìn khác biệt. Những quan kiến như thế thường phát sinh mâu thuẫn và tranh chấp. Có lẽ không có văn bản nào trong các tài liệu trên thế giới diễn tả một cách súc tích về sự nguy hại của việc bám thủ vào giáo điều như ngụ ngôn nổi tiếng về những người mù sờ voi, ghi lại trong Kinh văn VI,7(2). Kinh văn VI,7(3) trình bày sự tương phản của cặp quan kiến sai lệch thường được biết là thuyết bất diệt (thường kiến, sassatavāda) và hư vô (đoạn kiến, ucchedavāda), và cũng được gọi là quan kiến về hiện hữu (bhavadiṭṭhi) và về bất hiện hữu (vibhavadiṭṭhi). Chủ thuyết thường kiến xác định có một phần tử bất diệt trong mỗi cá nhân, một cái ngã bất hoại diệt, và một căn bản vĩnh hằng của thế giới, chẳng hạn như một Thượng đế toàn năng. Chủ thuyết đoạn kiến chối bỏ những gì còn tiếp tục sau khi chết, cho rằng một cá nhân hoàn toàn kết thúc khi thân thể ngưng hoạt động. Theo Đức Phật, thường kiến đưa đến việc vui hưởng trong hiện hữu và trói buộc chúng sinh trong chu kỳ hiện hữu. Đoạn kiến thường đi kèm với sự ghê tởm hiện hữu, và một cách nghịch lý, cũng trói buộc những ai theo chủ thuyết này vào vòng hiện hữu mà họ ghê tởm. Như chúng ta sẽ thấy dưới đây, lời dạy của Đức Phật về lý duyên khởi giúp ta tránh được cả hai ngõ cụt vô ích đó (xem thêm chương IX). Kinh văn VI,8 nêu rõ một vấn đề đặc biệt được đặt ra bởi thường kiến. Thường kiến tạo cảm hứng cho người hành thiền đạt được các trạng thái an lạc thiền định thâm sâu làm cho họ tưởng chừng như hòa nhập với một thực thể thiêng liêng, hay thực chứng được một cái ngã vĩnh hằng. Tuy nhiên, từ góc nhìn của giáo lý Đức Phật, các sự chứng đắc như thế chỉ tạo tiềm năng để tái sinh vào cõi giới mà trong đó, kinh nghiệm thiền định trở thành điều kiện cơ bản của ý thức. Hay nói cách khác, chứng đạt các trạng thái đó trong cõi người đưa đến tái sinh vào trong những cõi của sắc giới hay vô sắc giới. Trong khi nhiều tôn giáo hướng đến một cõi thiêng liêng như là lời giải đáp tối hậu cho các đau khổ của con người, giáo lý Đức Phật cho rằng những cõi giới nầy không đưa ra một lối thoát khỏi sự vô thường và khổ đau của Ta-bà. Kinh văn trích dẫn ở đây cho thấy một vài người hành thiền có thể đạt “bốn trú xứ thiêng liêng”, và tái sinh vào cõi giới tương ứng của phạm thiên, và trú ở nơi đó trong một thời gian lâu dài có thể đến năm trăm đại kiếp. Nhưng cuối cùng, họ cũng sẽ chết, không tránh được, và có thể tái sinh rơi xuống những cõi khổ. Có những bài kinh tương tự không trích dẫn ở đây (AN 3:114, 4:124) cũng nói tương tự về các cõi tái sinh tương ứng với các tầng thiền-na và đắc vào các cảnh giới vô sắc. Hai bài kinh cuối trong phần 9 của chương nầy một lần nữa nói về trạng thái bất toại nguyện và bất an của sự hiện hữu có điều kiện, nhấn mạnh thông điệp đó bằng một hình ảnh gây cảm xúc mạnh mẽ. Trong Kinh văn VI,9(1), Đức Phật tuyên bố rằng số lượng nước mắt chúng ta đổ ra trong khi lang thang trong vòng luân hồi sinh tử còn nhiều hơn nước của bốn đại dương. Trong Kinh văn VI,9(2), Ngài nói với một nhóm ba mươi tỳ-khưu rằng số lượng máu đổ ra khi họ bị giết và tàn sát trong chu kỳ của những kiếp tái sinh còn nhiều hơn nước của bốn đại dương. Theo các nhà biên tập bài kinh, tác động của bài kinh nầy vào ba mươi tỳ-khưu đó mạnh mẽ đến nỗi tất cả các vị đều được giải thoát hoàn toàn ngay tại chỗ. -ooOoo- |
TRÍCH LỤC CHƯƠNG VI – QUAN KIẾN THÂM SÂU VỀ THẾ GIỚI
1. BỐN PHÁP VI DIỆU Này các tỳ-khưu, khi Như Lai, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác xuất hiện, có bốn pháp vi diệu chưa từng có này xuất hiện. Thế nào là bốn? Này các tỳ-khưu, quần chúng ưa thích chấp giữ, thích thú chấp giữ, hoan hỷ chấp giữ, khi pháp không chấp giữ được Như Lai thuyết giảng, họ khéo nghe, lắng tai, chánh trí an trú tâm. Này các tỳ-khưu, khi Như Lai, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác xuất hiện, đây là sự vi diệu chưa từng có thứ nhất xuất hiện. Này các tỳ-khưu, quần chúng ưa thích kiêu mạn, thích thú kiêu mạn, hoan hỷ kiêu mạn, khi pháp không kiêu mạn được Như Lai thuyết giảng, họ khéo nghe, lắng tai, chánh trí an trú tâm. Này các tỳ-khưu, khi Như Lai, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác xuất hiện, đây là sự vi diệu chưa từng có thứ hai xuất hiện. Này các tỳ-khưu, quần chúng ưa thích không an tịnh, thích thú không an tịnh, hoan hỷ không an tịnh, khi pháp an tịnh được Như Lai thuyết giảng, họ khéo nghe, lắng tai, chánh trí an trú tâm. Này các tỳ-khưu, khi Như Lai, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác xuất hiện, đây là sự vi diệu chưa từng có thứ ba xuất hiện. Này các tỳ-khưu, quần chúng đi đến vô minh, trở thành mù quáng, bị trói buộc che đậy, khi Như Lai thuyết pháp nhiếp phục vô minh, họ khéo nghe, lắng tai, chánh trí an trú tâm. Này các tỳ-khưu, khi Như Lai, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác xuất hiện, đây là sự vi diệu chưa từng có thứ tư xuất hiện. Này các tỳ-khưu, khi Như Lai, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác xuất hiện, có bốn pháp vi diệu chưa từng có này xuất hiện. (AN 4:128)
2. VỊ NGỌT, NGUY HẠI, VÀ XUẤT LY (1) Trước khi giác ngộ Này các tỳ-khưu, trước khi Ta giác ngộ, chưa chánh đẳng giác, còn là bồ-tát, ta suy nghĩ như sau: “Cái gì là vị ngọt ở đời, cái gì là nguy hại, cái gì là xuất ly?” Rồi này các tỳ-khưu, về vấn đề ấy, tư tưởng sau đây khởi lên nơi ta: “Do duyên với đời, khởi lên lạc hỷ gì, đây là vị ngọt ở đời. Cái gì ở đời là vô thường, khổ, chịu sự biến hoại, đấy là nguy hại ở đời. Ðiều phục dục tham ở đời, đoạn tận tham dục, đấy là xuất ly ở đời.” Này các tỳ-khưu, cho đến khi nào ta chưa như thật giác tri vị ngọt ở đời là vị ngọt, nguy hại là nguy hại, xuất ly là xuất ly, cho đến khi ấy, này các tỳ-khưu, ta không xác nhận Ta đã giác liễu vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, cùng với thế giới gồm có thiên giới, Ma giới, Phạm thiên giới, cùng với quần chúng sa-môn, bà-la-môn, chư thiên và loài người. Này các tỳ-khưu, cho đến khi nào ta như thật giác tri vị ngọt ở đời là vị ngọt, nguy hại là nguy hại, xuất ly là xuất ly, cho đến khi ấy, này các tỳ-khưu, ta mới xác nhận Ta đã giác liễu vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, cùng với thế giới gồm có thiên giới, ma giới, phạm thiên giới, cùng với quần chúng sa-môn, bà-la-môn, chư thiên và loài người. Tri kiến khởi lên nơi ta: “Bất động là tâm giải thoát của ta. Ðây là đời sống cuối cùng. Nay không còn tái sinh nữa.” (AN 3:101)
(2) Tầm cầu xuất ly Này các tỳ-khưu, ta đã đi tìm cầu vị ngọt ở đời. Vị ngọt ở đời là gì, Ta đã tìm được. Cho đến như thế nào, vị ngọt có mặt ở đời, với trí tuệ, ta khéo thấy vị ngọt ấy. Này các tỳ-khưu, ta đã tìm cầu nguy hại ở đời. Nguy hại ở đời là gì, Ta đã tìm được. Cho đến như thế nào, nguy hại có mặt ở đời, với trí tuệ, ta khéo thấy nguy hại ấy. Này các tỳ-khưu ta đã tìm cầu xuất ly ở đời. Xuất ly ở đời là gì, Ta đã tìm được. Cho đến như thế nào, xuất ly có mặt ở đời, với trí tuệ ta, ta khéo thấy xuất ly ấy. (AN 3:101)
(3) Nếu không có vị ngọt. Này các tỳ-khưu, nếu không có vị ngọt ở đời, thì các loài hữu tình không có tham nhiễm đối với đời. Vì rằng, này các tỳ-khưu, có vị ngọt ở đời, nên các loài hữu tình có tham nhiễm ở đời. Này các tỳ-khưu, nếu không có nguy hại ở đời, thì các loài hữu tình không có nhàm chán đối với đời. Vì rằng, này các tỳ-khưu, có nguy hại ở đời, nên các loài hữu tình có nhàm chán đối với đời. Này các tỳ-khưu, nếu không có xuất ly ra khỏi đời, thời các loài hữu tình không có xuất ly đối với đời. Vì rằng, này các tỳ-khưu, có xuất ly đối với đời, nên các loài hữu tình có xuất ly ra khỏi đời. (AN 3:102)
3. HIỂU BIẾT HOÀN TOÀN VỀ CÁC DỤC 1. Tôi nghe như vầy. Một thời, Thế Tôn ở Sāvatthī, tại Jetavana (Kỳ-đà Lâm), trong vườn ông Anāthapiṇḍika (Cấp Cô Ðộc). 2. Lúc ấy nhiều tỳ-khưu buổi sáng đắp y, cầm y bát, vào thành Sāvatthī khất thực. Rồi các tỳ-khưu ấy suy nghĩ: “Nay còn quá sớm để đi khất thực ở Sāvatthī. Chúng ta hãy đi đến ngôi vườn các du sĩ ngoại đạo.” Các tỳ-khưu ấy đi đến ngôi vườn các du sĩ ngoại đạo, nói lên những lời chúc tụng hỏi thăm xã giao, rồi ngồi xuống một bên. Các du sĩ ngoại đạo ấy nói với các tỳ-khưu đang ngồi xuống một bên: 3. – Chư hiền, Sa-môn Gotama nêu rõ sự hiểu biết hoàn toàn về các dục, chúng tôi cũng nêu rõ sự hiểu biết hoàn toàn về các dục. Sa-môn Gotama nêu rõ sự hiểu biết hoàn toàn về các sắc pháp, chúng tôi cũng nêu rõ sự hiểu biết hoàn toàn về các sắc pháp. Sa-môn Gotama nêu rõ sự hiểu biết hoàn toàn về các cảm thọ, chúng tôi cũng nêu rõ sự hiểu biết hoàn toàn về các cảm thọ. Chư hiền, ở đây có sự đặc thù nào, sự dị biệt nào, sự sai khác nào giữa Sa-môn Gotama và chúng tôi về vấn đề thuyết pháp hay vấn đề giáo huấn? 4. Các tỳ-khưu ấy không hoan hỷ cũng không chỉ trích những lời nói của các du sĩ ngoại đạo. Không hoan hỷ, không chỉ trích, các tỳ-khưu từ chỗ ngồi đứng dậy, từ biệt với ý nghĩ: “Chúng ta sẽ học ý nghĩa lời nói này từ Thế Tôn.” 5. Rồi các tỳ-khưu ấy, sau khi khất thực ở Sāvatthī, khi ăn xong và đi khất thực trở về, liền đến chỗ Thế Tôn ở, đảnh lễ Ngài và ngồi xuống một bên. Sau khi ngồi xuống một bên, các tỳ-khưu ấy kể lại chuyện đã xảy ra. 6. Đức Phật nói: – Này các tỳ-khưu, các du sĩ ngoại đạo nói như vậy cần được trả lời như sau: “Chư hiền, thế nào là vị ngọt của các dục, thế nào là sự nguy hiểm, thế nào là sự xuất ly? Thế nào là vị ngọt của các sắc pháp, thế nào là sự nguy hiểm, thế nào là sự xuất ly? Thế nào là vị ngọt của các cảm thọ, thế nào là sự nguy hiểm, thế nào là sự xuất ly?” Khi được hỏi vậy, các du sĩ ngoại đạo không thể trả lời được, và sẽ bị mắc vào các khó khăn khác. Vì sao vậy? Vì vấn đề này không thuộc khả năng hiểu biết của họ. Này các tỳ-khưu, Ta không thấy một ai trong thế giới này với chư thiên, Dạ-ma, Phạm thiên, trong chúng sinh với các sa-môn, bà-la-môn, chư thiên và loài người, mà câu trả lời các câu hỏi được chấp nhận, trừ Như Lai, đệ tử Như Lai và những ai được nghe hai vị này. [Các dục] 7. (i) Và này các tỳ-khưu, thế nào là vị ngọt của các dục? Này các tỳ-khưu, có năm pháp tăng trưởng dục: Các sắc pháp do nhãn căn nhận thức, khả ái, khả lạc, khả ý, khả hỷ, tương ứng với dục, hấp dẫn. Các âm thanh do nhĩ căn nhận thức ... Các mùi hương do tỷ căn nhận thức ... Các vị do thiệt căn nhận thức ... Các xúc do thân căn nhận thức, khả ái, khả lạc, khả ý, khả hỷ, tương ứng với dục, hấp dẫn. Có năm pháp tăng trưởng dục như vậy. Y cứ vào năm pháp tăng trưởng dục này, có hỷ lạc khởi lên, như vậy là vị ngọt của các dục. 8. (ii) Này các tỳ-khưu, thế nào là sự nguy hiểm của các dục? Ở đây, này các tỳ-khưu, có thiện nam tử nuôi sống với nghề nghiệp, như đếm ngón tay, như tính toán, như ước toán, như làm ruộng, như buôn bán, như chăn bò, như bắn cung, như làm công cho vua, như làm một nghề nào khác. Người ấy phải chống đỡ lạnh, phải chống đỡ nóng, phải chịu đựng sự xúc chạm của ruồi, muỗi, gió, sức nóng, mặt trời, các loài bò sát, bị chết đói chết khát. Như vậy là sự nguy hiểm của các dục, khổ đau nhận thấy ngay trước mắt, lấy dục làm nhân, lấy dục làm nguồn gốc, lấy dục làm nền tảng, nguyên nhân chính là các dục. 9. Nếu thiện nam tử ấy nỗ lực như vậy, tinh cần như vậy, tinh tấn như vậy, nhưng các tài sản ấy không được đến tay mình, vị ấy than vãn, buồn phiền khóc than, đấm ngực, mê man bất tỉnh: “Ôi! Nỗ lực của ta thật sự là vô ích, tinh cần của ta thật sự không kết quả.” Như vậy là sự nguy hiểm của các dục, ..., nguyên nhân chính là các dục. 10. Nếu thiện nam tử ấy nỗ lực như vậy, tinh cần như vậy, tinh tấn như vậy, và các tài sản ấy được đến tay mình, vì phải hộ trì các tài sản ấy, vị ấy cảm thọ sự đau khổ, ưu tư: “Làm sao các vua chúa khỏi cướp đoạt chúng, làm sao trộm cướp khỏi cướp đoạt chúng, làm sao lửa khỏi đốt cháy, nước khỏi cuốn trôi, hay các kẻ thừa tự không xứng đáng khỏi cướp đoạt chúng?” Dù vị ấy hộ trì như vậy, giữ gìn như vậy, vua chúa vẫn cướp đoạt các tài sản ấy, trộm cướp vẫn cướp đoạt, lửa vẫn đốt cháy, nước vẫn cuốn trôi, hay các kẻ thừa tự không xứng đáng vẫn cướp đoạt chúng. Vị ấy than vãn, buồn phiền, khóc than, đấm ngực, mê man bất tỉnh: “Cái đã thuộc của ta, nay ta không có nữa.” Như vậy là sự nguy hiểm của các dục, ..., nguyên nhân chính là các dục. 11. Lại nữa, do dục làm nhân, do dục làm nguồn gốc, do dục làm nền tảng, do nguyên nhân chính là các dục, vua tranh đoạt với vua, sát-đế-lị tranh đoạt với sát-đế-lị, bà-la-môn tranh đoạt với bà-la-môn, gia chủ tranh đoạt với gia chủ, mẹ tranh đoạt với con, con tranh đoạt với mẹ, cha tranh đoạt với con, con tranh đoạt với cha, anh em tranh đoạt với anh em, anh tranh đoạt với chị, chị tranh đoạt với anh, bạn bè tranh đoạt với bạn bè. Khi họ đã dấn mình vào tranh chấp, tranh luận, tranh đoạt, thì họ công phá nhau bằng tay, họ công phá nhau bằng đá, họ công phá nhau bằng gậy, họ công phá nhau bằng kiếm. Từ đó, họ đi đến tử vong, đi đến sự đau khổ gần như tử vong. Như vậy là sự nguy hiểm của các dục, ..., nguyên nhân chính là các dục. 12. Lại nữa, do dục làm nhân ... họ đeo cung và tên, họ dàn trận hai mặt, và tên được nhắm bắn nhau, đao được quăng ném nhau, kiếm được vung chém nhau. Họ bắn đâm nhau bằng tên, họ quăng đâm nhau bằng đao, họ chặt đầu nhau bằng kiếm. Từ đó, họ đi đến tử vong, đi đến sự đau khổ gần như tử vong. Như vậy là sự nguy hiểm của các dục, ..., nguyên nhân chính là các dục. 13. Lại nữa, do dục làm nhân ... họ cầm mâu và thuẫn, họ đeo cung và tên, họ công phá thành quách mới trét vôi hồ, và tên được nhắm bắn nhau, đao được quăng ném nhau, kiếm được vung chém nhau. Họ bắn đâm nhau bằng tên, họ quăng đâm nhau bằng đao, họ đổ nước phân sôi, họ đè bẹp nhau bằng đá, họ chặt đầu nhau bằng kiếm. Từ đó, họ đi đến tử vong, đi đến sự đau khổ gần như tử vong. Như vậy là sự nguy hiểm của các dục, ..., nguyên nhân chính là các dục. 14. Lại nữa, do dục làm nhân ... họ đột nhập nhà cửa, họ cướp giật đồ đạc, họ hành động như kẻ cướp, họ phục kích các đường lớn, họ đi đến vợ người. Các vua chúa khi bắt được một người như vậy liền áp dụng nhiều hình phạt sai khác. Họ bị đánh bằng roi, họ bị đánh bằng gậy, họ bị đánh bằng côn, họ bị chặt tay, họ bị chặt chân, họ bị chặt tay chân, họ bị xẻo tai, họ bị cắt mũi, họ bị xẻo tai cắt mũi, họ bị dùng hình phạt vạc dầu, họ bị dùng hình phạt bối đồi hình (xẻo đỉnh đầu thành hình con sò), họ bị dùng hình phạt la-hầu khẩu hình, hỏa man hình (lấy lửa đốt thành vòng hoa), chúc thủ hình (đốt tay), khu hành hình (lấy rơm bện lại rồi siết chặt), bì y hình (lấy vỏ cây làm áo), linh dương hình (hình phạt con dê núi), câu nhục hình (lấy câu móc vào thịt), tiền hình (cắt thịt thành hình đồng tiền), khối trấp hình, chuyển hình, cao đạp đài, họ bị tưới bằng dầu sôi, họ bị cho chó ăn, họ bị đóng cọc, họ bị chặt đầu bằng gươm. Do đó, họ đi đến tử vong, đi đến sự đau khổ gần như tử vong. Như vậy là sự nguy hiểm của các dục, ..., nguyên nhân chính là các dục. 15. Lại nữa, do dục làm nhân, do dục làm nguồn gốc, do dục làm nền tảng, do nguyên nhân chính là các dục, họ làm các ác hạnh về thân, về lời nói, và về ý. Do họ làm các ác hạnh về thân, về lời nói, và về ý, khi thân hoại mạng chung, họ sinh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục. Như vậy là sự nguy hiểm của các dục, khổ đau nhận thấy ngay trước mắt, lấy dục làm nhân, lấy dục làm nguồn gốc, lấy dục làm nền tảng, nguyên nhân chính là các dục. 16. (iii) Này các tỳ-khưu, thế nào là sự xuất ly các dục? Đó là sự điều phục dục tham đối với các dục, sự đoạn trừ dục tham. Như vậy là sự xuất ly các dục. 17. Những sa-môn, bà-la-môn nào không như thật tuệ tri vị ngọt của các dục là vị ngọt như vậy, sự nguy hiểm là sự nguy hiểm như vậy, sự xuất ly là sự xuất ly như vậy, những vị này nhất định sẽ không như thật tuệ tri các dục của họ, họ cũng không có thể đặt người khác trong một địa vị tương tự, nghĩa là như thật tuệ tri các dục, sự kiện như vậy không thể xảy ra. Những sa-môn, bà-la-môn nào như thật tuệ tri vị ngọt của các dục là vị ngọt như vậy, sự nguy hiểm là sự nguy hiểm như vậy, sự xuất ly là sự xuất ly như vậy, những vị này nhất định sẽ như thật tuệ tri các dục của họ, họ cũng có thể đặt người khác trong một địa vị tương tự, nghĩa là như thật tuệ tri các dục – sự kiện như vậy có xảy ra. [Các sắc pháp] 18. (i) Và này các tỳ-khưu, thế nào là vị ngọt của các sắc pháp? Này các tỳ-khưu, như các thiếu nữ sát-đế-lị, thiếu nữ bà-la-môn hay thiếu nữ gia chủ, tuổi khoảng độ mười lăm hay mười sáu tuổi, không quá lớn, không quá thấp, không quá ốm, không quá mập, không quá đen, không quá trắng, này các tỳ-khưu, có phải trong thời ấy, họ đạt đến mỹ diệu tối thượng, sắc đẹp tối thượng? – Bạch Thế Tôn, phải. – Này các tỳ-khưu, y cứ sắc đẹp mỹ diệu ấy, khởi lên lạc thọ và hỷ thọ, như vậy là vị ngọt của các sắc pháp. 19. (ii) Và này các tỳ-khưu, thế nào là sự nguy hiểm của các sắc pháp? Ở đây người ta có thể thấy thiếu nữ ấy trong một thời khác, khoảng tám mươi tuổi, chín mươi tuổi hay một trăm tuổi, già yếu, cong như nóc nhà, lưng còm, phải dựa gậy để chống đỡ, vừa đi vừa run rẩy, đau ốm, tuổi trẻ đã tận, râu rụng, tóc bạc, hư rụng, sói đầu, da nhăn, tay chân bị khô đét tái xám. Này các tỳ-khưu, các ông nghĩ thế nào? Có phải sự mỹ diệu về sắc đẹp xưa kia của người đó nay đã biến mất và sự nguy hiểm đã hiện ra? – Bạch Thế Tôn, sự thật là vậy. – Này các tỳ-khưu, như vậy là sự nguy hiểm của các sắc pháp. 20. Lại nữa, người ta có thể thấy thiếu nữ ấy bị bệnh hoạn đau khổ, trầm bệnh, nằm đắm mình trong phân tiểu của mình, phải có người nâng dậy, phải có người đỡ nằm. Này các tỳ-khưu, các ông nghĩ thế nào? Có phải sự mỹ diệu về sắc đẹp xưa kia của người đó nay đã biến mất và sự nguy hiểm đã hiện ra? – Bạch Thế Tôn, sự thật là vậy. – Này các tỳ-khưu, như vậy là sự nguy hiểm của các sắc pháp. 21. Lại nữa, người ta thấy thiếu nữ ấy với thi thể bị quăng vào nghĩa địa, một ngày, hai ngày hay ba ngày, thi thể ấy trương phồng lên, xanh đen lại, nát thối ra. Này các tỳ-khưu, các ông nghĩ thế nào? Có phải sự mỹ diệu về sắc đẹp xưa kia của người đó nay đã biến mất và sự nguy hiểm đã hiện ra? – Bạch Thế Tôn, sự thật là vậy. – Này các tỳ-khưu, như vậy là sự nguy hiểm của các sắc pháp. 22-29. Lại nữa, người ta thấy thiếu nữ ấy với thi thể bị quăng vào nghĩa địa, bị các loài quạ ăn, hay bị các loài diều hâu ăn, hay bị các chim kên ăn, hay bị các loài chó ăn, hay bị các loài giả can ăn, hay bị các loài côn trùng ăn ... với bộ xương còn dính thịt và máu, được các đường gân cột lại ... với bộ xương không còn dính thịt nhưng còn dính máu, được các đường gân cột lại ... với bộ xương không còn thịt và máu, được các đường gân cột lại ... chỉ còn có xương rời rạc rải rác chỗ này chỗ kia – ở đây là xương tay, ở đây là xương chân, ở đây là xương ống, ở đây là xương bắp vế, ở đây là xương mông, ở đây là xương sống, ở đây là xương đầu ... chỉ còn toàn xương trắng màu vỏ ốc ... chỉ còn một đống xương lâu hơn một năm ... chỉ còn các xương thối trở thành cát bụi. Này các tỳ-khưu, các ông nghĩ thế nào? Có phải sự mỹ diệu về sắc đẹp xưa kia của người đó nay đã biến mất và sự nguy hiểm đã hiện ra? – Bạch Thế Tôn, sự thật là vậy. – Này các tỳ-khưu, như vậy là sự nguy hiểm của các sắc pháp. 30. (iii) Và này các tỳ-khưu, thế nào là sự xuất ly khỏi các sắc pháp? Đó là sự điều phục dục tham đối với các sắc pháp, sự đoạn trừ dục tham. Như vậy là sự xuất ly khỏi các sắc pháp. 31. Những sa-môn, bà-la-môn nào không như thật tuệ tri vị ngọt của các sắc pháp là vị ngọt như vậy, sự nguy hiểm là sự nguy hiểm như vậy, sự xuất ly là sự xuất ly như vậy, những vị này nhất định sẽ không như thật tuệ tri các sắc pháp của họ, họ cũng không có thể đặt người khác trong một địa vị tương tự, nghĩa là như thật tuệ tri các sắc pháp, sự kiện như vậy không xảy ra. Những sa-môn, bà-la-môn nào như thật tuệ tri vị ngọt của các sắc pháp là vị ngọt như vậy, sự nguy hiểm là sự nguy hiểm như vậy, sự xuất ly là sự xuất ly như vậy, những vị này nhất định như thật tuệ tri các sắc pháp của họ, họ cũng có thể đặt người khác trong một địa vị tương tự, nghĩa là như thật tuệ tri các sắc pháp – sự kiện như vậy có xảy ra. [Các cảm thọ] 32. (i) Và này các tỳ-khưu, thế nào là vị ngọt của các cảm thọ? Ở đây, vị tỳ-khưu ly các dục, ly các bất thiện pháp, tự chứng và an trú vào thiền thứ nhất, một trạng thái hỷ lạc do ly dục sinh, có tầm có tứ. Trong lúc ấy, vị ấy không nghĩ đến tự hại, không nghĩ đến hại người, không nghĩ đến hại cả hai. Vị ấy cảm giác một cảm thọ vô hại. Ta nói đó là vị ngọt tối thượng của các cảm thọ. 33-35. Lại nữa, vị tỳ-khưu diệt tầm và tứ, chứng và trú vào thiền thứ hai, một trạng thái hỷ lạc do định sinh, không tầm không tứ, nội tỉnh nhất tâm ... Vị tỳ-khưu ly hỷ trú xả, chánh niệm tỉnh giác, thân cảm sự lạc thọ mà các bậc thánh gọi là xả niệm lạc trú, chứng và trú thiền thứ ba ... vị tỳ-khưu xả lạc xả khổ, diệt hỷ ưu đã cảm thọ trước, chứng và trú thiền thứ tư, không khổ không lạc, xả niệm thanh tịnh. Trong lúc ấy, vị ấy không nghĩ đến tự hại, không nghĩ đến hại người, không nghĩ đến hại cả hai. Vị ấy cảm giác một cảm thọ vô hại. Ta nói đó là vị ngọt tối thượng của các cảm thọ. 36. (ii) Và này các tỳ-khưu, thế nào là sự nguy hiểm của các cảm thọ? Các cảm thọ là vô thường, khổ, biến hoại. Như vậy là sự nguy hiểm của các cảm thọ. 37. (iii) Và này các tỳ-khưu, thế nào là sự xuất ly các cảm thọ? Này các tỳ-khưu, sự điều phục dục tham đối với các cảm thọ, sự đoạn trừ dục tham. Như vậy gọi là sự xuất ly các cảm thọ. 38. Những sa-môn, bà-la-môn nào không như thật tuệ tri vị ngọt của các cảm thọ là vị ngọt như vậy, sự nguy hiểm là sự nguy hiểm như vậy, sự xuất ly là sự xuất ly như vậy, những vị này nhất định sẽ không như thật tuệ tri các cảm thọ của họ, họ cũng không có thể đặt người khác trong một địa vị tương tự, nghĩa là như thật tuệ tri các cảm thọ, sự kiện như vậy không xảy ra. Những sa-môn, bà-la-môn nào như thật tuệ tri vị ngọt các cảm thọ là vị ngọt như vậy, sự nguy hiểm là sự nguy hiểm như vậy, sự xuất ly là sự xuất ly như vậy, những vị này nhất định như thật tuệ tri các cảm thọ của họ, họ có thể đặt các người khác trong một địa vị tương tự, nghĩa là như thật tuệ tri các cảm thọ – sự kiện như vậy có xảy ra. Thế Tôn thuyết giảng như vậy. Các tỳ-khưu ấy hoan hỷ, tín thọ lời dạy của Thế Tôn. (MN 13: Đại kinh Khổ uẩn)
4. CÁC NGUY HIỂM CỦA DỤC LẠC (1) Đoạn tận tất cả các tục sự [Gia chủ Potaliya hỏi Đức Thế Tôn] – Bạch Thế Tôn, như thế nào là sự đoạn tận toàn diện, toàn bộ và toàn mặt tất cả tục sự trong giới luật bậc Thánh? Lành thay, bạch Thế Tôn, nếu Thế Tôn thuyết pháp cho con biết như thế nào là sự đoạn tận toàn diện, toàn bộ, toàn mặt tất cả tục sự trong giới luật bậc Thánh. – Này gia chủ, vậy ông hãy nghe và khéo tác ý, Ta sẽ giảng. – Thưa vâng, bạch Thế Tôn. Gia chủ Potaliya vâng đáp Thế Tôn. Thế Tôn thuyết giảng như sau: 15. – Này gia chủ, ví như có con chó đói lả, suy nhược, đi đến một lò thịt giết bò. Ở đây, có người giết bò thiện xảo hay người đệ tử quăng cho nó một khúc xương, khéo lóc, tận lóc, không có thịt, chỉ có dính máu. Này gia chủ, ông nghĩ thế nào? Con chó ấy, khi gặm khúc xương ấy, khéo lóc, tận lóc, không có thịt, chỉ có dính máu có thể đoạn trừ được đói lả suy nhược của nó không? – Bạch Thế Tôn, không. Vì sao vậy? Với khúc xương khéo lóc, tận lóc, không có thịt, chỉ có dính máu ấy, bạch Thế Tôn, con chó kia chỉ có mệt nhọc khốn khổ mà thôi. – Cũng vậy, này gia chủ, vị thánh đệ tử suy nghĩ như sau: “Thế Tôn đã nói, dục được ví như khúc xương, khổ nhiều, não nhiều, tai họa ở đây càng nhiều hơn.” Sau khi thấy như chân như vậy với chánh trí tuệ, sau khi từ bỏ loại xả thuộc loại đa chủng, y cứ đa chủng, đối với loại xả thuộc loại nhứt chủng, y cứ nhất chủng, ở đây, mọi chấp thủ đối với thế vật được đoạn trừ hoàn toàn, không có dư tàn, vị ấy tu tập loại xả như vậy. 16. Này gia chủ, ví như con chim kên, con chim diều hâu, hay con chim ưng giành được miếng thịt liền bay bổng lên; các con chim kên khác, chim diều hâu khác, hay chim ưng khác bay đuổi theo, đuổi sát theo giành giựt xé nát miếng thịt ấy. Này gia chủ, ông nghĩ thế nào? Nếu con chim kên, chim diều hâu hay chim ưng ấy không vứt bỏ ngay miếng thịt ấy, nó có thể do nhân duyên ấy, đi đến chết hay đi đến khổ gần như chết không? – Thưa có, bạch Thế Tôn. – Cũng vậy, này gia chủ, vị thánh đệ tử suy nghĩ như sau: “Thế Tôn đã nói, dục được ví như miếng thịt, khổ nhiều, não nhiều, tai họa ở đây càng nhiều hơn.” Sau khi thấy như chân như vậy với chánh trí tuệ, sau khi từ bỏ loại xả thuộc loại đa chủng, y cứ đa chủng, đối với loại xả thuộc loại nhứt chủng, y cứ nhứt chủng, ở đây mọi chấp thủ đối với thế vật được đoạn trừ hoàn toàn, không có dư tàn, vị ấy tu tập loại xả như vậy. 17. Này gia chủ, ví như một người cầm một bó đuốc cỏ đang cháy rực đi ngược gió. Này gia chủ, ông nghĩ thế nào, nếu người ấy không vứt bỏ ngay bó đuốc ấy, bó đuốc cỏ đang cháy rực ấy có thể đốt cháy tay, hay đốt cháy cánh tay, hay đốt cháy một thân phần của người ấy, người ấy có thể do nhân duyên ấy, đi đến chết, hay đi đến khổ gần như chết không? – Thưa có, bạch Thế Tôn. – Cũng vậy, này gia chủ, vị thánh đệ tử suy nghĩ như sau: “Thế Tôn đã nói, dục được ví như bó đuốc cỏ, khổ nhiều, não nhiều, tai họa ở đây càng nhiều hơn.” Sau khi thấy như chân như vậy với chánh trí tuệ, ... vị ấy tu tập loại xả như vậy. 18. Này gia chủ, ví như một hố than hừng, sâu hơn thân người, đầy những than hừng, cháy không thành ngọn, cháy không thành khói, và một người đi đến muốn sống, muốn không chết, muốn lạc, né tránh khổ. Nhưng có hai nhà lực sĩ, nắm chặt hai cánh tay người ấy và lôi người ấy đến hố than hừng. Này gia chủ, ông nghĩ thế nào? Người ấy có co rúm thân, vật qua vật lại phía này phía kia không? – Bạch Thế Tôn, có. Vì sao vậy? Bạch Thế Tôn, vì người ấy biết: “Nếu ta rơi vào hố than hừng này, do nhân duyên này, ta sẽ đi đến chết hay đau khổ gần như chết.” – Cũng vậy, này gia chủ, vị thánh đệ tử suy nghĩ như sau: “Thế Tôn đã nói, dục được ví như hố than hừng, khổ nhiều, não nhiều, tai họa ở đây càng nhiều hơn.” Sau khi thấy như chân như vậy với chánh trí tuệ, ... vị ấy tu tập loại xả như vậy. 19. Này gia chủ, ví như có người nằm mộng, thấy vườn khả ái, rừng núi khả ái, đất đai khả ái, ao hồ khả ái; khi tỉnh dậy, người ấy không thấy gì cả. Cũng vậy, này gia chủ, vị thánh đệ tử suy nghĩ như sau: “Thế Tôn đã nói, dục được ví như một cơn mộng, khổ nhiều, não nhiều, tai họa ở đây càng nhiều hơn.” Sau khi thấy như chân như vậy với chánh trí tuệ, ... vị ấy tu tập loại xả như vậy. 20. Này gia chủ, ví như có người vay mượn tài vật – như xe cộ sang trọng, châu báu hoa tai mỹ diệu – và người ấy đi vào chợ phố, đi trước và chung quanh là những đồ vật vay mượn ấy. Quần chúng thấy người ấy bèn nói: “Người này thật sự giàu sang, và người giàu sang hưởng thọ tài vật như vậy.” Nhưng những người chủ thấy người ấy ở chỗ nào liền đến lấy về những vật sở hữu của mình. Này gia chủ, ông nghĩ thế nào? Như thế có phải đủ để người ấy trở thất vọng? – Thưa vâng, bạch Thế Tôn. Vì sao vậy? Bạch Thế Tôn, vì những người chủ đến lấy về những vật sở hữu của mình. – Cũng vậy, này gia chủ, vị Thánh đệ tử suy nghĩ như sau: “Thế Tôn đã nói, dục được ví như tài vật vay mượn, khổ nhiều, não nhiều, tai họa ở đây càng nhiều hơn.” Sau khi thấy như chân như vậy với chánh trí tuệ, ... vị ấy tu tập loại xả như vậy. 21. Này gia chủ, ví như gần thôn làng hay gần thị tứ có một nhóm rừng, ở đấy, có một cây đầy những trái chín, nhưng không có trái nào rơi xuống đất. Rồi một người đi đến, ước mong trái cây, tìm cầu trái cây, đi khắp đó đây để tìm trái cây. Người ấy đi sâu vào ngôi rừng ấy, thấy cây ấy đầy những trái chín. Người ấy có thể nghĩ như sau: “Cây này đầy những trái chín nhưng không có trái nào rơi xuống đất, nhưng ta biết leo cây. Vậy ta hãy leo lên cây ấy ăn cho thỏa thích và bọc đầy áo (để đem về). Rồi người ấy leo lên cây ấy, ăn cho thỏa thích và bọc đầy áo (để đem về).” Rồi một người thứ hai đi đến, ước mong trái cây, tìm cầu trái cây, đi khắp đó đây để tìm trái cây, và tay mang một búa sắc bén. Người này đi sâu vào ngôi rừng ấy, thấy cây ấy đầy những trái chín. Người này có thể nghĩ như sau: “Cây này đầy những trái chín, nhưng không có trái nào rơi xuống đất. Nhưng ta không biết leo cây. Vậy ta hãy chặt cây này tận gốc, ăn cho thỏa thích, và bọc đầy áo (để đem về).” Rồi người này chặt cây ấy tận gốc. Này gia chủ, ông nghĩ thế nào? Nếu người kia không leo xuống thật nhanh, thì cây ấy khi rơi đổ xuống, sẽ làm cho người thứ nhất, hoặc bị gãy tay, hoặc bị gãy chân, hoặc bị gãy một phần thân thể. Và do nhân duyên ấy, sẽ bị chết hay đi đến đau khổ gần như chết? – Thưa vâng, bạch Thế Tôn. – Cũng vậy, này gia chủ, vị thánh đệ tử suy nghĩ như sau: “Thế Tôn đã nói, dục được ví như cây có trái, khổ nhiều, não nhiều, tai họa ở đây càng nhiều hơn.” Sau khi thấy như chân như vậy với chánh trí tuệ, sau khi từ bỏ loại xả thuộc loại đa chủng, y cứ đa chủng, đối với loại xả thuộc loại nhứt chủng, y cứ nhứt chủng, ở đây mọi chấp thủ đối với thế vật được đoạn trừ hoàn toàn, không có dư tàn, vị ấy tu tập loại xả như vậy. (MN 54: Kinh Potaliya)
(2) Nhiệt não của dục lạc 10. – Này Māgandiya, Ta thuở trước, khi còn là tại gia, Ta sống hưởng thụ một cách đầy đủ, một cách sung mãn, năm dục trưởng dưỡng. Các sắc pháp do mắt nhận thức, các sắc pháp này là khả ái, khả hỷ, khả lạc, khả ý, liên hệ đến dục, hấp dẫn. Các âm thanh do tai nhận thức ... Các mùi hương do mũi nhận thức ... Các vị do lưỡi nhận thức ... Các xúc do thân nhận thức, các xúc này là khả ái, khả hỷ, khả lạc, liên hệ đến dục, hấp dẫn. Ta có ba tòa lâu đài, một cho mùa mưa, một cho mùa đông, một cho mùa hạ. Trong bốn tháng mùa mưa, Ta sống hưởng thụ trong lâu đài mùa mưa, được những nữ nhạc công giúp vui và không bước xuống khỏi lâu đài ấy. Rồi Ta sau một thời gian, sau khi như chơn biết được sự tập khởi, sự đoạn diệt, vị ngọt, sự nguy hiểm và sự xuất ly của các dục vọng, sau khi đoạn tận dục ái, sau khi trừ diệt nhiệt não của các dục, Ta trú với khát ái được đoạn trừ, với nội tâm an tịnh. Rồi Ta thấy các chúng sinh khác, chưa xả ly tham ái đối với các dục, đang bị các dục ái nhai nghiến, đang bị dục nhiệt não thiêu đốt, đang chạy theo các dục. Ta không ước vọng được như họ; ở đây, Ta không ham thích. Vì sao vậy? Vì rằng, này Māgandiya, có hỷ lạc này, ly dục, ly bất thiện pháp, vượt qua cả thiên lạc. Vì Ta an trú, hoan hỷ trong hỷ lạc ấy, Ta không ao ước cái gì thấp kém; ở đây, Ta không ham thích. 11. Ví như, này Māgandiya, một gia chủ hay con một người gia chủ, giàu sang, tài vật nhiều, sở hữu nhiều, sống thọ hưởng một cách đầy đủ, một cách sung mãn, năm dục trưởng dưỡng. Các sắc pháp do mắt nhận thức, khả ái, khả hỷ, khả lạc, khả ý, liên hệ đến dục, hấp dẫn. Các âm thanh do tai nhận thức ... Các mùi hương do mũi nhận thức ... Các vị do lưỡi nhận thức ... Các xúc do thân nhận thức, khả ái, khả hỷ, khả lạc, khả ý, liên hệ đến dục, hấp dẫn. Vị ấy, sau khi làm thiện thân hành, sau khi làm thiện khẩu hành, sau khi làm thiện ý hành, khi thân hoại mạng chung, được sinh lên thiện thú, thiên giới, cọng trú với chư thiên ở cõi trời Ba mươi ba. Vị ấy ở đây, trong rừng Nandana, được chúng thiên nữ vây quanh, thọ hưởng năm thiên dục trưởng dưỡng một cách đầy đủ, một cách sung mãn. Nếu như vị ấy thấy người gia chủ hay con người gia chủ đang thọ hưởng năm dục trưởng dưỡng thuộc loài người một cách đầy đủ, một cách sung mãn. Này Māgandiya, ông nghĩ thế nào? Thiên tử ấy, được chúng thiên nữ vây quanh, thọ hưởng năm thiên dục trưởng dưỡng một cách đầy đủ, một cách sung mãn, vị ấy có ước vọng được như người gia chủ ấy, hay con người gia chủ ấy với năm dục trưởng dưỡng thuộc loài người, hay trở lui về với các dục thuộc loài người? – Không có vậy, thưa Tôn giả Gotama! Vì sao vậy? Vì thiên dục, thưa Tôn giả Gotama, là kỳ diệu hơn, là vi diệu hơn nhân dục. 12. – Cũng vậy, này Māgandiya, Ta thuở trước, khi còn là tại gia. Ta hưởng thụ một cách đầy đủ, một cách sung mãn các dục trưởng dưỡng các sắc pháp do mắt nhận thức, các sắc pháp này là khả ái, khả hỷ, khả lạc, khả ý, liên hệ đến dục, hấp dẫn. Các tiếng do tai nhận thức ... Các hương do mũi nhận thức ... Các vị do lưỡi nhận thức ... Các xúc do thân nhận thức, các xúc này là khả ái, khả hỷ, khả lạc, khả ý, liên hệ đến dục, hấp dẫn. Rồi Ta sau một thời gian, sau khi như chơn biết được sự tập khởi, sự diệt trừ, vị ngọt, sự nguy hiểm và sự xuất ly của các dục, sau khi đoạn tận dục ái, sau khi trừ diệt nhiệt não của các dục, Ta trú với khát ái được đoạn trừ, với nội tâm an tịnh. Rồi Ta thấy các chúng sinh khác chưa xả ly tham ái đối với các dục, đang bị các dục ái nhai nghiến, đang bị dục nhiệt não thiêu đốt, đang chạy theo các dục. Ta không ước vọng được như họ; ở đây, Ta không ham thích. Vì sao vậy? Vì rằng, này Māgandiya, có hỷ lạc này, ly dục, ly bất thiện pháp, vượt qua cả thiên lạc. Vì Ta an trú, hoan hỷ trong hỷ lạc ấy, Ta không ao ước cái gì thấp kém; ở đây, Ta không ham thích. 13. Ví như, này Māgandiya, một người bị bệnh cùi; với thân (đầy) những lở lói, với thân hư thối, nứt chảy, bị các loại trùng đục khoét, đang cào rách miệng các vết thương với móng tay, hơ đốt thân mình trên hố than hừng. Các bạn bè thân hữu, bà con huyết thống của người ấy mời một y sĩ khoa mổ xẻ. Vị y sĩ khoa mổ xẻ này cho người ấy thuốc. Người ấy dùng thuốc, được khỏi bệnh cùi, không bệnh, an lạc, tự do, tự tại, có thể đi chỗ nào người ấy muốn. Người ấy thấy một người bị bệnh cùi khác, với thân (đầy) những lở lói, với thân hư thối, nứt chảy, bị cái loài trùng đục khoét, đang cào rách miệng các vết thương với móng tay, hơ đốt thân mình trên hố than hừng. Này Māgandiya, ông nghĩ thế nào? Người ấy có ước vọng được như người cùi kia, hố than hừng, hay sự thọ dụng dược liệu không? – Không, thưa Tôn giả Gotama. Vì sao vậy? Thưa Tôn giả Gotama, khi có bệnh thì cần thuốc trị bệnh, và khi không bệnh, thì không cần thuốc trị bệnh. 14. – Cũng vậy, này Māgandiya, Ta thuở trước, khi còn là tại gia, ... Ta không ao ước cái gì thấp kém; ở đây, Ta không ham thích. 15. Ví như, này Māgandiya, một người bị bệnh cùi, với thân (đầy) những lở lói, với thân hư thối, nứt chảy, bị các loại trùng đục khoét, đang cào rách miệng các vết thương với móng tay, hơ đốt thân mình trên hố than hừng. Các bạn bè thân hữu, bà con huyết thống của người ấy mời một y sĩ khoa mổ xẻ. Vị y sĩ khoa mổ xẻ này cho người ấy thuốc. Người ấy dùng thuốc được khỏi bệnh cùi, không bệnh, an lạc, tự do, tự tại, có thể đi chỗ nào người ấy muốn. Rồi có hai lực sĩ, nắm chặt (hai) cánh tay người ấy và lôi kéo người ấy đến hố than hừng. Này Māgandiya, ông nghĩ thế nào? Người ấy có co rút thân, vật qua vật lại phía này phía kia không? – Thưa Tôn giả Gotama, có. Vì sao vậy? Vì sự xúc phạm với lửa, là đau khổ, thưa Tôn giả Gotama, rất là nồng cháy, rất là nhiệt não. – Này Māgandiya, ông nghĩ thế nào? Có phải chỉ hiện tại sự xúc chạm với lửa ấy là đau khổ, rất là nồng cháy, rất là nhiệt não, hay là trước đây, sự xúc chạm với lửa ấy đã là đau khổ, rất là nồng cháy, rất là nhiệt não? – Thưa Tôn giả Gotama, hiện tại sự xúc chạm với lửa ấy là đau khổ, rất là nồng cháy, rất là nhiệt não, và xưa kia, sự xúc chạm với lửa ấy đã là đau khổ, rất là nồng cháy và rất là nhiệt não. Tuy vậy, thưa Tôn giả Gotama, kẻ bị bệnh cùi này, với thân (đầy) những lở lói, với thân hư thối nứt chảy, bị các loài trùng đục khoét, đang cào rách miệng các vết thương với móng tay, với các căn bị hư hoại do sự xúc chạm đau khổ với ngọn lửa, lại có phản tưởng là được lạc thọ. 16. – Cũng vậy, này Māgandiya, sự xúc chạm với các dục trong thời quá khứ cũng là đau khổ, rất là nồng cháy, rất là nhiệt não, và sự xúc chạm với các dục trong thời vị lai cũng là đau khổ, rất là nồng cháy, rất là nhiệt não, và sự xúc chạm với các dục trong thời hiện lại cũng là đau khổ, rất là nồng cháy, rất là nhiệt não. Và này Māgandiya, những chúng sinh này chưa đoạn trừ tham ái đối với các dục, đang bị các dục ái nhai nghiến, đang bị dục nhiệt não thiêu đốt, với các căn bị hư hoại, do sự xúc chạm đau khổ với các dục, lại có phản tưởng là được lạc thọ. 17. Ví như, này Māgandiya, một người bị bệnh cùi thân (đầy) lở lói, thân bị hư thối nứt chảy, bị các loài trùng đục khoét, đang cào rách miệng các vết thương với móng tay, hơ đốt thân mình trên hố than hừng. Người ấy càng hơ đốt thân mình trên hố than hừng chừng nào thời miệng các vết thương ấy lại càng thêm bất tịnh, càng thêm hôi thối và càng thêm thối nát, và người ấy chỉ có cảm giác dễ chịu, thỏa thích do nhân duyên gãi ngứa miệng các vết thương. Cũng vậy, này Māgandiya, các chúng sinh, chưa đoạn trừ tham ái đối với các dục, đang bị các dục ái nhai nghiến, đang bị dục nhiệt não thiêu đốt, chạy theo các dục. Các chúng sinh ấy càng chạy theo dục chừng nào, thì dục ái của các chúng sinh ấy càng tăng trưởng, họ càng bị dục nhiệt não thiêu đốt, và họ chỉ có cảm giác dễ chịu, thỏa thích do duyên năm dục trưởng dưỡng. (MN 75: Kinh Māgandiya)
5. CUỘC SỐNG NGẮN NGỦI, PHÙ DU – Thuở xưa, này các tỳ-khưu, có đạo sư tên là Araka thuộc ngoại đạo đã ly tham đối với các dục. Đạo sư ấy có đến hàng trăm đệ tử, và thuyết pháp cho các đệ tử như sau: “Này các bà-la-môn, ít oi là đời sống của loài người, nhỏ bé, không đáng kể, nhiều khổ đau, nhiều ưu não. Các ông hãy hiểu rõ như thế. Hãy làm điều lành, sống đời phạm hạnh. Không ai sinh ra mà có thể thoát khỏi cái chết. Ví như giọt sương trên đầu ngọn cỏ, khi mặt trời mọc, mau chóng biến mất, không tồn tại lâu dài. Cũng vậy, như giọt sương là đời sống loài người, nhỏ bé, không đáng kể, nhiều khổ đau, nhiều ưu não. Các ông hãy hiểu rõ như thế. Hãy làm điều lành, sống đời phạm hạnh. Không ai sinh ra mà có thể thoát khỏi cái chết. Ví như, khi trời mưa nặng hạt, bong bóng nước trên nước mau chóng biến mất, không tồn tại lâu dài. Cũng vậy, như bong bóng nước là đời sống của loài người, nhỏ bé, không đáng kể, nhiều khổ đau, nhiều ưu não. Các ông hãy hiểu rõ như thế. Hãy làm điều lành, sống đời phạm hạnh. Không ai sinh ra mà có thể thoát khỏi cái chết. Ví như con sông trên núi chảy xa, dòng nước chảy nhanh, lôi cuốn theo vật này vật khác, không có sát-na nào, không có giây phút nào, không có thời khắc nào có dừng nghỉ, nó phải chảy tới, cuồn cuộn chảy, thúc đẩy chảy tới. Cũng vậy, như con sông ấy là đời sống của loài người, nhỏ bé, không đáng kể ... Không ai sinh ra mà có thể thoát khỏi cái chết. Ví như người lực sĩ tụ lại một cục nước miếng trên đầu lưỡi và nhổ đi không có phí sức. Cũng vậy, như cục nước miếng là đời sống loài người, nhỏ bé, không đáng kể ... Không ai sinh ra mà có thể thoát khỏi cái chết. Ví như một miếng thịt được quăng vào một nồi sắt được hâm nóng cả ngày, mau chóng biến mất, không tồn tại lâu dài. Cũng vậy, như miếng thịt là đời sống con người, nhỏ bé, không đáng kể ... Không ai sinh ra mà có thể thoát khỏi cái chết. Ví như con bò cái sắp bị giết, được dắt đến lò thịt, mỗi bước chân giơ lên là bước gần đến bị giết, gần đến chết. Cũng vậy, như con bò cái sắp bị giết là đời sống con người, nhỏ bé, không đáng kể, nhiều khổ đau, nhiều ưu não. Các ông hãy hiểu rõ như thế. Hãy làm điều lành, sống đời phạm hạnh. Không ai sinh ra mà có thể thoát khỏi cái chết.” Lúc bấy giờ, này các tỳ-khưu, tuổi thọ của loài người lên đến 60.000 năm. Người con gái 500 tuổi có thể đến tuổi lấy chồng. Lúc bấy giờ, loài người có sáu loại bệnh: lạnh, nóng, đói, khát, đại tiện, tiểu tiện. Dù với loài người thọ mạng dài như vậy, sống lâu như vậy, ít bệnh như vậy, đạo sư Araka lại thuyết pháp cho các đệ tử như vậy: “Ít oi là đời sống của loài người, nhỏ bé, không đáng kể, nhiều khổ đau, nhiều ưu não. Các ông hãy hiểu rõ như thế. Hãy làm điều lành, sống đời phạm hạnh. Không ai sinh ra mà có thể thoát khỏi cái chết.” Nhưng ngày nay, này các tỳ-khưu, ai nói một cách chơn chánh, phải nói như sau: “Ít oi là đời sống của loài người, nhỏ bé, không đáng kể, nhiều khổ đau, nhiều ưu não. Các ông hãy hiểu rõ như thế. Hãy làm điều lành, sống đời phạm hạnh. Không ai sinh ra mà có thể thoát khỏi cái chết.” Người ta sống một trăm tuổi, ít hơn hay nhiều hơn. Mạng sống 100 tuổi, được chia thành 300 mùa: một trăm mùa đông, một trăm mùa hạ, một trăm mùa mưa. Khi sống qua ba trăm mùa, người ấy sống 1.200 tháng: 400 tháng lạnh, 400 tháng nóng, 400 tháng mưa. Khi sống 1200 tháng, người ấy sống 2.400 lần nửa tháng: 800 nửa tháng lạnh, 800 nửa tháng nóng, 800 nửa tháng mưa. Và khi sống 2.400 lần nửa tháng, người ấy sống 36.000 đêm: 12.000 đêm lạnh, 12.000 đêm nóng, 12.000 đêm mưa. Khi sống 36.000 đêm, người ấy ăn chỉ có 72.000 bữa cơm: 24.000 bữa cơm vào mùa lạnh, 24.000 bữa cơm vào mùa nóng, 24.000 bữa cơm vào mùa mưa. Ðây gồm có với sữa mẹ và thời gian không có đồ ăn. Ở đây, có những khi không có bữa ăn này, nghĩa là tức giận không ăn cơm, khổ đau không ăn cơm, bệnh hoạn không ăn cơm, trai giới không ăn cơm, không thâu hoạch được nên không ăn cơm. Như vậy, này các tỳ-khưu, tuổi thọ một trăm năm của loài người được Ta gọi là tuổi thọ, được gọi là lượng của tuổi thọ, được gọi là thời tiết, được gọi là năm, được gọi là tháng, được gọi là nửa tháng, được gọi là đêm, được gọi là đêm ngày, được gọi là bữa ăn, được gọi là giữa bữa ăn. Này các tỳ-khưu, những gì bậc đạo sư phải làm, vì hạnh phúc, vì lòng thương tưởng đệ tử, những việc ấy Ta đã làm, vì lòng thương tưởng các ông. Này các tỳ-khưu, đây là những gốc cây, đây là những căn nhà trống. Này các tỳ-khưu, hãy hành thiền, chớ có phóng dật. Đừng để hối tiếc về sau. Ðó là lời giáo huấn của Ta cho các ông. (AN 7:74)
6. BỐN THUYẾT GIÁO CHÁNH PHÁP 26. Tôn giả Raṭṭhapāla đi đến vườn Nai của vua Koravya, sau khi đến liền ngồi xuống nghỉ trưa dưới một gốc cây. 27. Rồi vua Koravya nói với người thợ săn: – Này thợ săn, hãy dọn dẹp đất vườn ở Lộc Uyển, ta muốn đi thăm viếng cảnh đẹp. – Thưa vâng, Ðại vương. Người thợ săn vâng đáp vua Koravya, trong khi dọn dẹp vườn Nai, thấy Tôn giả Raṭṭhapāla đang ngồi dưới gốc cây để nghỉ trưa. Sau khi thấy vậy, người ấy liền đến vua Koravya, sau khi đến liền tâu vua Koravya: – Tâu Ðại vương, vườn Nai đã được dọn dẹp. Và ở đấy có thiện nam tử tên là Raṭṭhapāla là con một thế gia ở Thullakoṭṭhita mà Ðại vương thường hay tán thán, vị ấy đang ngồi dưới một gốc cây để nghỉ trưa. – Này thợ săn, hôm nay thế là vừa đủ về vườn cảnh. Nay chúng ta muốn cung kính cúng dường Tôn giả Raṭṭhapāla. 28. Rồi vua Koravya, sau khi nói: “Ở đây, hãy đem bố thí tất cả món ăn đã soạn sẵn, loại cứng và loại mềm,” ra lệnh cho thắng nhiều cỗ xe thù thắng, leo lên một cỗ xe thù thắng, liền cùng với các cỗ xe đi ra khỏi Thullakoṭṭhita để yết kiến Tôn giả Raṭṭhapāla với đại uy phong của bậc đế vương. Sau khi cỡi xe cho đến chỗ đất còn có thể cỡi xe được, Ngài xuống xe, đi bộ, cùng với hàng tùy tùng vương hầu, đến chỗ của Tôn giả Raṭṭhapāla. Sau khi đến, nói lên những lời chào đón hỏi thăm với Tôn giả Raṭṭhapāla. Sau khi nói lên những lời chào đón hỏi thăm thân hữu, liền đứng một bên. Ðứng một bên, vua Koravya bạch Tôn giả Raṭṭhapāla: – Ở đây xin mời Tôn giả Raṭṭhapāla ngồi xuống trên nệm voi. – Thôi vừa rồi, Ðại vương! Ðại vương hãy ngồi. Tôi đã ngồi trên chỗ ngồi của tôi. Rồi vua Koravya ngồi trên chỗ ngồi đã soạn sẵn. Sau khi ngồi, vua Koravya bạch Tôn giả Raṭṭhapāla: 29. – Bạch Tôn giả Raṭṭhapāla, có bốn sự suy vong này. Chính do bị bốn sự suy vong này mà ở đây, có người cạo bỏ râu tóc, đắp áo cà-sa, xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình. Thế nào là bốn? Lão suy vong, bệnh suy vong, tài sản suy vong, thân tộc suy vong. 30. Thế nào là lão suy vong? Ở đây, thưa Tôn giả Raṭṭhapāla có người niên cao, lạp lớn, đã đến tuổi trưởng thượng, đã sống mãn kỳ, đã gần mệnh chung. Vị ấy suy tư như sau: “Nay ta đã già, niên cao lạp lớn, đã đến tuổi trưởng thượng, đã sống mãn kỳ, đã gần mệnh chung. Thật không dễ gì cho ta thâu được các tài vật chưa thâu hoạch được, hay làm tăng trưởng các tài vật đã thâu hoạch. Vậy ta hãy cạo bỏ râu tóc, đắp áo cà-sa, xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình.” Vị này, do bị lão suy vong nên cạo bỏ râu tóc, đắp áo cà-sa, xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình. Như vậy được gọi là lão suy vong. Nhưng Tôn giả Raṭṭhapāla nay còn trẻ, niên thiếu, còn thanh niên, tóc đen nhánh, trong tuổi thanh xuân, trong sơ kỳ tuổi đời. Tôn giả Raṭṭhapāla đâu có lão suy vong? Tôn giả đã biết gì, đã thấy gì, hay đã nghe gì mà xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình? 31. Và thế nào là bệnh suy vong? Ở đây, thưa Tôn giả Raṭṭhapāla, có người bị bệnh, khổ đau, mang trọng bệnh. Vị ấy suy nghĩ như sau: “Ta bị bệnh, khổ đau, mang trọng bệnh, thật không dễ gì cho ta thâu được các tài vật chưa thâu hoạch được, hay làm tăng trưởng các tài vật đã thâu hoạch được. Vậy ta hãy cạo bỏ râu tóc, đắp áo cà-sa, xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình.” Vị này do bị bệnh suy vong nên cạo bỏ râu tóc, đắp áo cà-sa, xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình. Như vậy, được gọi là bệnh suy vong. Nhưng Tôn giả Raṭṭhapāla nay ít bệnh, ít não, tiêu hóa được điều hòa, không quá lạnh, không quá nóng. Tôn giả Raṭṭhapāla đâu có bệnh suy vong? Tôn giả đã biết gì, đã thấy gì hay đã nghe gì mà xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình? 32. Và thế nào là tài sản suy vong? Ở đây, thưa Tôn giả Raṭṭhapāla có người giàu sang, tiền của nhiều, tài vật nhiều, và những tài vật của vị ấy dần dần đi đến chỗ suy vong. Vị ấy suy nghĩ như sau: “Ta trước đây giàu sang, tiền của nhiều, tài sản nhiều. Những tài vật ấy của ta dần dần đã đi đến suy vong. Thật không dễ gì cho ta thâu được những tài vật chưa thâu hoạch được, hay làm cho tăng trưởng những tài vật đã thâu hoạch được. Vậy ta hãy cạo bỏ râu tóc, đắp áo cà-sa, xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình.” Vị này do bị tài sản suy vong nên cạo bỏ râu tóc, đắp áo cà-sa, xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình. Như vậy, được gọi là tài suy vong. Nhưng Tôn giả Raṭṭhapāla chính tại Thullakoṭṭhita này, là con của một lương gia đệ nhất. Tôn giả Raṭṭhapāla đâu có tài sản suy vong? Tôn giả đã biết gì, đã thấy gì, hay đã nghe gì mà xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình? 33. Và thế nào là thân tộc suy vong? Ở đây, thưa Tôn giả Raṭṭhapāla có người có nhiều thân hữu quen biết, bà con huyết thống, những thân hữu quyến thuộc của người ấy dần dần đi đến chỗ suy vong. Người ấy suy tư như sau: “Trước kia, ta có nhiều người thân hữu quen biết, bà con huyết thống. Những thân hữu quyến thuộc ấy của ta dần dần đi đến chỗ suy vong. Thật không dễ gì cho ta thâu được những tài vật chưa thâu hoạch được, hay làm cho tăng trưởng những tài vật đã thâu hoạch được. Vậy ta hãy cạo bỏ râu tóc, đắp áo cà-sa, xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình.” Vị này do bị thân tộc suy vong nên cạo bỏ râu tóc, đắp áo cà-sa, xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình. Như vậy, được gọi là thân tộc suy vong. Nhưng Tôn giả Raṭṭhapāla ở chính tại Thullakoṭṭhita này, có nhiều thân hữu quen biết, bà con huyết thống. Tôn giả Raṭṭhapāla đâu có thân tộc suy vong? Vậy Tôn giả đã biết gì, đã thấy gì hay đã nghe gì mà xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình? 34. Thưa Tôn giả Raṭṭhapāla, đây là bốn loại suy vong, do bị bốn loại suy vong này mà ở đây, có người cạo bỏ râu tóc, đắp áo cà-sa, xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình. Tôn giả Raṭṭhapāla đâu có những loại ấy? Vậy Tôn giả đã biết gì, đã thấy gì, hay đã nghe gì mà xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình? 35. – Thưa Ðại vương, có bốn sự thuyết giáo Chánh pháp, được Thế Tôn, bậc Tri Giả, Kiến giả, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác giảng dạy. Do tôi biết, tôi thấy và tôi nghe thuyết giáo ấy, mà tôi xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình. Thế nào là bốn? 36. (1) “Thế giới là vô thường, đi đến hủy diệt,” thưa Ðại vương, đó là thuyết giáo Chánh pháp thứ nhất, do Thế Tôn, bậc Tri Giả, Kiến Giả, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác, thuyết giảng. Do tôi biết, tôi thấy và tôi nghe thuyết giáo ấy, mà tôi xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình. (2) “Thế giới là vô hộ, vô chủ,” thưa Ðại vương, đó là thuyết giáo Chánh pháp thứ hai, do Thế Tôn, bậc Tri Giả. Kiến Giả, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác thuyết giảng. Do tôi biết, tôi thấy và tôi nghe thuyết giáo ấy, mà tôi xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình. (3) “Thế giới là vô sở hữu, ra đi là phải bỏ lại tất cả,” thưa Ðại vương đó là thuyết giáo Chánh pháp thứ ba, do Thế Tôn, bậc Tri Giả, Kiến Giả, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác thuyết giảng. Do tôi biết, tôi thấy, và tôi nghe thuyết giáo ấy, mà tôi xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình. (4) “Thế giới là thiếu thốn, khao khát, nô lệ cho tham ái,” thưa Ðại vương, đó là thuyết giáo Chánh pháp thứ tư, do Thế Tôn, bậc Tri Giả, Kiến Giả, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác thuyết giảng. Do tôi biết, tôi thấy, và tôi nghe thuyết giáo ấy, mà tôi xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình. 37. Thưa Ðại vương, đây là bốn sự thuyết giáo Chánh pháp, được Thế Tôn, bậc Tri Giả, Kiến Giả, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác giảng dạy. Do tôi biết, tôi thấy, và tôi nghe thuyết giáo ấy, mà tôi xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình. 38. – Tôn giả Raṭṭhapāla đã nói: “Thế giới là vô thường đi đến hủy diệt,” ý nghĩa của lời nói này cần phải được hiểu như thế nào? – Thưa Ðại vương, Ðại vương nghĩ thế nào? Khi Ngài 20 hay 25 tuổi, Ngài có thiện nghệ về voi, thiện nghệ về ngựa, thiện nghệ về xe, thiện nghệ về cung, thiện nghệ về kiếm, bắp vế mạnh và cánh tay mạnh, có khả năng và thiện nghệ trong nghề đánh giặc? – Thưa Tôn giả Raṭṭhapāla, khi tôi được 20 hay 25 tuổi, tôi thiện nghệ về voi, tôi thiện nghệ về ngựa, thiện nghệ về xe, thiện nghệ về cung, thiện nghệ về kiếm, bắp vế mạnh, và cánh tay mạnh, có khả năng và thiện nghệ trong nghề đánh giặc. Có đôi lúc, thưa Tôn giả Raṭṭhapāla, tôi cảm thấy có thần lực và xem không ai có thể bằng tôi về sức mạnh. – Thưa Ðại vương, Ðại vương nghĩ thế nào? Nay Ðại vương vẫn còn bắp vế mạnh, cánh tay mạnh, có khả năng và thiện nghệ đánh giặc như vậy không? – Không như vậy, thưa Tôn giả Raṭṭhapāla. Nay tôi đã già, niên cao, lạp lớn, đã đến tuổi trưởng thượng, đã sống mãn kỳ, đã gần mệnh chung, gần 80 tuổi thọ. Có đôi lúc, tôi nghĩ: “Ta sẽ bước chân tại đây,” nhưng tôi lại bước chân tại chỗ khác. – Chính liên hệ với nghĩa này, này Ðại vương, mà Thế Tôn, bậc Tri Giả, Kiến Giả, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác đã nói: “Thế giới là vô thường, đi đến hủy diệt;” và sau khi biết, sau khi thấy và sau khi nghe như vậy, tôi đã xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình. – Thật vi diệu thay, Tôn Giả Raṭṭhapāla! Thật hy hữu thay! Ý nghĩa này được Thế Tôn, bậc Tri Giả, Kiến Giả, Bậc A la hán, Chánh Ðẳng Giác đã khéo nói: “Thế giới là vô thường, đi đến hủy diệt.” Quả thật là như thế! 39. Nhưng thưa Tôn giả Raṭṭhapāla, ở vương quốc này, có đội quân voi, cũng có đội quân ngựa, cũng có đội quân xa, cũng có đội quân bộ, nếu chúng tôi gặp nguy khốn thời các đội quân bảo vệ chúng tôi. Tôn giả Raṭṭhapāla đã nói: “Thế giới là vô hộ, vô chủ,” ý nghĩa của lời nói này cần phải được hiểu như thế nào? – Thưa Ðại vương, Ðại vương nghĩ thế nào? Ðại vương có mắc chứng bệnh kinh niên nào không? – Thưa Tôn giả Raṭṭhapāla, tôi có bệnh phong kinh niên. Nhiều khi, thân hữu quen biết, bà con huyết thống đứng xung quanh tôi và nói: “Nay vua Koravya sẽ mệnh chung, nay vua Koravya sẽ mệnh chung.” – Thưa Ðại vương, Ðại vương nghĩ thế nào? Ðại vương có thể ra lệnh các thân hữu quen biết, bà con huyết thống của Ðại vương: “Các thân hữu quen biết, bà con huyết thống hãy làm vơi nhẹ sự đau khổ của tôi. Tất cả hãy san sẻ cảm thọ này, để tôi có thể có một cảm thọ nhẹ nhàng hơn”? Hay là Ðại vương chỉ có thể thọ lãnh cảm thọ ấy một mình? – Thưa Tôn giả Raṭṭhapāla, tôi không thể ra lệnh các thân hữu quen biết, bà con huyết thống của tôi như thế. Tôi chỉ có thể thọ lãnh cảm thọ ấy một mình. – Chính liên hệ với nghĩa này, này Ðại vương, mà Thế Tôn, bậc Tri Giả, Kiến Giả, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác đã nói: “Thế giới là vô hộ, vô chủ;” và sau khi biết, sau khi thấy và sau khi nghe như vậy, tôi đã xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình. – Thật vi diệu thay, Tôn giả Raṭṭhapāla! Thật hy hữu thay! Ý nghĩa này được Thế Tôn bậc Tri Giả, Kiến Giả, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác đã khéo nói: “Thế giới là vô hộ, vô chủ.” Quả thật là như thế! 40. Nhưng thưa Tôn giả Raṭṭhapāla, ở vương quốc này có rất nhiều vàng nén và tiền vàng dưới đất và trên mặt đất. Tôn giả Raṭṭhapāla đã nói: “Thế giới là vô sở hữu, ra đi cần phải từ bỏ tất cả,” ý nghĩa của lời nói này cần phải được hiểu như thế nào? – Thưa Ðại vương, Ðại vương nghĩ thế nào? Dù cho nay Ðại vương sống thụ hưởng mãn túc, cụ túc năm món dục trưởng dưỡng, Ðại vương có thể nói được như sau: “Chính như vậy, tôi thọ hưởng mãn túc, cụ túc năm món dục trưởng dưỡng này”? Hay là người khác sẽ thọ hưởng tài sản này, còn Ðại vương sẽ phải đi theo nghiệp của mình? – Thưa Tôn giả Raṭṭhapāla, dù cho nay tôi sống thụ hưởng mãn túc, cụ túc năm món dục trưởng dưỡng, tôi không thể nói được như thế. Chính người khác sẽ thọ hưởng tài sản này, còn tôi phải đi theo nghiệp của tôi. – Chính liên hệ với nghĩa này, này Ðại vương, mà Thế Tôn, bậc Tri Giả, Kiến Giả, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác đã nói: “Thế giới là vô sở hữu, cần phải ra đi, từ bỏ tất cả;” và sau khi biết, sau khi thấy và sau khi nghe như vậy, tôi đã xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình. – Thật vi diệu thay, Tôn giả Raṭṭhapāla! Thật hy hữu thay! Ý nghĩa này được Thế Tôn bậc Tri Giả, Kiến Giả, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác đã khéo nói: “Thế giới là vô sở hữu, cần phải ra đi, từ bỏ tất cả.” Quả thật là như thế! 41. Tôn giả Raṭṭhapāla đã nói: “Thế giới là thiếu thốn, khao khát, nô lệ cho tham ái,” ý nghĩa của lời nói này cần phải được hiểu như thế nào? – Thưa Ðại vương, Ðại vương nghĩ thế nào? Có phải Ðại vương trị vì ở Kuru, một nước phồn thịnh? – Thưa vâng, Tôn giả Raṭṭhapāla. Tôi trị vì ở Kuru, một nước phồn thịnh. – Thưa Ðại vương, Ðại vương nghĩ thế nào? Nếu có người đáng tin cậy, chánh trực, đến với Ðại vương từ phương Ðông, và sau khi đến tâu với Ðại Vương: “Tâu Ðại vương, Ðại vương có biết chăng? Tôi từ phương Ðông lại. Ở đấy, tôi có thấy một quốc độ lớn, phú cường, phồn thịnh, dân cư trù mật. Tại đấy có nhiều đội voi, đội ngựa, đội xe, bộ đội. Tại đấy có nhiều ngà voi, có nhiều vàng nén, tiền vàng chưa làm và đã làm, có nhiều phụ nữ. Đại vương có thể chinh phục quốc độ ấy với vũ lực. Tâu Ðại vương, hãy đi chinh phục.” Ðại vương sẽ hành động như thế nào? – Thưa Tôn giả Raṭṭhapāla, tôi sẽ đi chinh phục và trị vì quốc độ ấy. – Thưa Ðại vương, Ðại vương nghĩ thế nào? Nếu có người đáng tin cậy, chánh trực, đến với Ðại vương từ phương Tây ... từ phương Bắc ... từ phương Nam ... từ bờ biển bên kia, người ấy đáng tin cậy, chánh trực, tâu với Ðại vương: "Tâu Ðại vương, Ðại vương có biết chăng? Tôi từ bờ biển bên kia lại. Ở đây, tôi thấy có một quốc độ lớn, phú cường, phồn thịnh, ... Tâu Ðại vương , hãy đi chinh phục". Ðại vương sẽ hành động như thế nào? – Thưa Tôn giả Raṭṭhapāla, sau khi chinh phục quốc độ ấy, tôi sẽ trị vì. – Chính liên hệ với nghĩa này, này Ðại vương, mà Thế Tôn, bậc Tri Giả, Kiến Giả, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác đã nói: “Thế giới là thiếu thốn, khao khát, nô lệ cho tham ái;” và sau khi biết, sau khi thấy, sau khi nghe như vậy, tôi đã xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình. – Thật vi diệu thay, Tôn giả Raṭṭhapāla! Thật hy hữu thay! Ý nghĩa này được Thế Tôn, bậc Tri Giả, Kiến Giả, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác đã khéo nói: “Thế giới là thiếu thốn, khao khát, nô lệ cho tham ái”. Quả thật là như thế! (MN 82: Kinh Ratthapāla) 7. NGUY HIỂM CỦA KIẾN CHẤP (1) Tác hại của tà kiến Này các tỳ-khưu, Ta không thấy một pháp nào khác, do pháp ấy, các pháp bất thiện chưa sinh được sinh khởi, và các pháp bất thiện đã sinh đi đến tăng trưởng, quảng đại, như là tà kiến. Với người có tà kiến, các pháp bất thiện chưa sinh được sinh khởi, và các pháp bất thiện đã sinh đi đến tăng trưởng, quảng đại. Này các tỳ-khưu, Ta không thấy một pháp nào khác, do pháp ấy, các pháp thiện chưa sinh không sinh khởi, và các pháp thiện đã sinh bị đoạn diệt, như là tà kiến. Với người có tà kiến, các pháp thiện chưa sinh không sinh khởi, và các pháp thiện đã sinh bị đoạn diệt. Này các tỳ-khưu, Ta không thấy một pháp nào khác, do pháp ấy, các chúng sinh sau khi thân hoại mạng chung, bị sinh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục, như là tà kiến. Các chúng sinh có tà kiến, sau khi thân hoại mạng chung, bị sinh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục. Này các tỳ-khưu, đối với người có tà kiến, phàm mọi thân nghiệp, khẩu nghiệp hay ý nghiệp được người ấy thực hiện theo tà kiến, phàm có tư tâm sở nào, phàm có khát khao nào, phàm có ước nguyện nào, và phàm có các hành nào do người ấy tạo ra theo tà kiến, tất cả pháp ấy đưa đến không khả lạc, không khả hỷ, không khả ý, đưa đến bất hạnh, đau khổ. Vì cớ sao? Vì tánh ác của tà kiến, này các tỳ-khưu. (AN 1:306, 308, 312, 314) (2) Người mù và con voi Một thời Thế Tôn trú ở Sāvatthī, tại Jetavana, khu vườn ông Anāthapiṇḍika. Lúc bấy giờ một số đông các ngoại đạo sai khác. Các sa-môn, bà-la-môn, các du sĩ ngoại đạo đều vào Sāvatthī để khất thực. Họ có quan điểm khác nhau, có kham nhẫn khác nhau, có sở thích khác nhau, y cứ nương tựa vào quan điểm khác nhau. Họ sống cạnh tranh, luận tranh, đấu tranh, đả thương nhau bằng binh khí miệng lưỡi: “Như thế này mới là pháp. Như thế kia không phải là pháp. Như thế này không phải là pháp. Như thế kia mới là pháp.” Rồi nhiều Tỳ-khưu vào buổi sáng đắp y, cầm bát đi vào Sāvatthī, để khất thực, Khất thực ở Sāvatthī xong sau buổi ăn, khi đi khất thực trở về, đi đến Thế Tôn, sau khi đến đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, các tỳ-khưu ấy kể lại chuyện ấy đến Thế Tôn. [Đức Thế Tôn nói:] – Này các tỳ-khưu, các du sĩ ngoại đạo là những người mù, không có mắt, không biết mục đích, không biết phải mục đích, không biết pháp, không biết phi pháp. Do họ không biết mục đích, do họ không biết không phải mục đích, do không biết pháp, do không biết phi pháp, họ sống cạnh tranh, luận tranh, đấu tranh, đả thương nhau bằng binh khí miệng lưỡi: “Như thế này mới là pháp. Như thế kia không phải là pháp. Như thế này không phải là pháp. Như thế kia mới là pháp.” Này các tỳ-khưu, thuở xưa tại thành Sāvatthī này, có một ông vua. Ông vua ấy bảo một người: “Này người kia, phàm có bao nhiêu những người sinh ra đã mù ở Sāvatthī hãy nhóm lại một chỗ tất cả.” – “Thưa vâng, Ðại vương.” Người ấy vâng đáp, rồi làm theo lệnh vua. Rồi nhà vua bảo người ấy: – Này khanh, hãy đưa ra một con voi cho những người mù. – Thưa vâng, Ðại vương. Này các tỳ-khưu, người ấy vâng đáp, rồi đưa ra một con voi cho những người mù: “Này các người mù, đây là con voi.” Với một số người mù, ông ta đưa cái đầu và nói: “Này các người mù, đây là con voi.” Ðối với một số người mù khác, ông ta đưa cái lỗ tai con voi ... Ðối với một số người mù, ông ta đưa các ngà con voi ... Ðối với một số người mù khác, ông ta đưa cái vòi con voi ... Ðối với một số người mù khác, ông ta đưa cái thân con voi ... Ðối với một số người mù khác, ông ta đưa cái chân ... Ðối với một số người mù khác, ông ta đưa cái lưng ... Ðối với một số người mù khác, ông ta đưa cái đuôi ... Ðối với một số người mù khác, ông ta đưa cái lông đuôi và nói: “Này các người mù, đây là con voi.” Sau đó, ông ta báo cáo với nhà vua mọi việc đã làm xong. Nhà vua đi đến các người mù ấy và hỏi họ: “Này các người mù, hãy nói cho ta biết con voi là như thế nào?” Những người được sờ đầu con voi trả lời: “Thưa Ðại vương, con voi là như cái ghè.” Những người được sờ cái tai con voi trả lời: “Thưa Ðại vương, con voi là như cái rổ sàng gạo.” Những người được sờ cái ngà con voi trả lời: “Thưa Ðại vương, con voi là như cái lưỡi cày.” Những người được sờ cái vòi con voi trả lời: “Thưa Ðại vương, con voi là như cái cày.”Những người được sờ cái thân con voi trả lời: “Thưa Ðại vương, con voi là như cái thùng chứa.” Những người được sờ cái chân con voi trả lời: “Thưa Ðại vương, con voi là như cái cột.” Những người được sờ cái lưng con voi trả lời: “Thưa Ðại vương, con voi là như cái cối.” Những người được sờ cái đuôi con voi trả lời: “Thưa Ðại vương, con voi là như cái chày.” Những người được sờ cái lông đuôi con voi trả lời: “Thưa Ðại vương, con voi là như cái chổi.” Rồi họ cãi nhau: – “Con voi các ông nói như vậy không phải là con voi. Con voi không phải như vậy. Như thế này mới là con voi.” Cho đến khi họ đánh nhau bằng tay. Và ông vua ấy vui thích. Cũng vậy, này các tỳ-khưu, các du sĩ ngoại đạo là những người mù, không có mắt, không biết mục đích, không biết phải mục đích, không biết pháp, không biết phi pháp. Do họ không biết mục đích, do họ không biết không phải mục đích, do không biết pháp, do không biết phi pháp, họ sống cạnh tranh, luận tranh, đấu tranh, đả thương nhau bằng binh khí miệng lưỡi: “Như thế này mới là pháp. Như thế kia không phải là pháp. Như thế này không phải là pháp. Như thế kia mới là pháp.” (Ud 6:4)
(3) Bị xâm chiếm bởi hai loại tà kiến Này các tỳ-khưu, chư thiên và loài người bị xâm chiếm bởi hai loại tà kiến, một số người chấp chặt, một số người đi quá trớn; chỉ có một số người có mắt mới thấy được. Này các tỳ-khưu, thế nào là một số người chấp chặt? Có chư thiên và những người vui thích sinh hữu, hoan hỷ trong sinh hữu. Khi các pháp đoạn diệt sinh hữu được giảng cho họ, tâm họ không có phấn khởi, không có tín thành, không có an trú, không có kiên quyết. Như vậy, này các tỳ-khưu, đó là một số người chấp chặt. Và này các tỳ-khưu, thế nào là một số người đi quá trớn? Có một số lo âu, xấu hổ, nhàm chán với sinh hữu, hoan hỷ trong phi sinh hữu. Họ nói: “Vì rằng khi thân hoại mạng chung, tự ngã này bị chặt đứt, bị hoại diệt, không có tồn tại sau khi chết. Quan điểm này là thiết thực, là thù thắng, là chân thật.” Như vậy, này các tỳ-khưu, đó là một số người đi quá trớn. Và này các Tỳ Kheo, thế nào là một số có mắt mới thấy được? Ở đây, vị tỳ-khưu thấy sự sinh hữu là sinh hữu. Sau khi thấy như thế, vị ấy hướng đến nhàm chán, ly tham, đoạn diệt. Như vậy, này các tỳ-khưu, đó là những người có mắt được thấy. (It 49) 8. TỪ CÕI TRỜI ĐẾN ĐỊA NGỤC – Có bốn hạng người này, này các tỳ-khưu, có mặt, hiện hữu ở đời. Thế nào là bốn? (1) Ở đây, này các tỳ-khưu, có hạng người với tâm cùng khởi với từ, biến mãn một phương rồi an trú; cũng vậy phương thứ hai, cũng vậy phương thứ ba, cũng vậy phương thứ tư, như vậy, cùng khắp thế giới, trên, dưới, bề ngang, hết thảy phương xứ, cùng khắp vô biên giới. Vị ấy an trú biến mãn với tâm cùng khởi với từ, quảng đại, vô biên, không hận, không sân. Vị ấy nếm được vị ngọt của thiền ấy, ái luyến thiền ấy và do vậy tìm được an lạc; an trú trên ấy, chú tâm trên ấy, sống phần lớn với thiền ấy, không có thối đọa; khi thân hoại mạng chung, được sinh cộng trú với chư thiên ở cõi Phạm chúng thiên. Một tăng-kỳ kiếp, này các tỳ-khưu, là tuổi thọ vô lượng của chư thiên ỏ cõi Phạm chúng thiên. Tại đấy, kẻ phàm phu, sau khi an trú cho đến hết tuổi thọ ấy, sau khi sống trọn vẹn tuổi thọ của chư thiên ấy, đi đến địa ngục, đi đến bàng sinh, đi đến ngạ quỷ. Còn đệ tử Như Lai, tại đấy, sau khi an trú cho đến hết vẹn tuổi thọ ấy, sau khi sống trọn vẹn tuổi thọ của chư thiên ấy, nhập Niết-bàn trong hiện hữu ấy. Đây là sự đặc thù, đây là sự thù thắng, đây là sự sai khác giữa thánh đệ tử có nghe pháp và kẻ phàm phu không nghe pháp, tức là vấn đề sinh thú. (2) Lại nữa, này các tỳ-khưu, ở đây có hạng người với tâm cùng khởi với bi, biến mãn một phương rồi an trú; cũng vậy phương thứ hai, cũng vậy phương thứ ba, cũng vậy phương thứ tư, như vậy, cùng khắp thế giới, trên, dưới, bề ngang, hết thảy phương xứ, cùng khắp vô biên giới. Vị ấy an trú biến mãn với tâm cùng khởi với bi, quảng đại, vô biên, không hận, không sân. Vị ấy nếm được vị ngọt của thiền ấy, ái luyến thiền ấy và do vậy tìm được an lạc; an trú trên ấy, chú tâm trên ấy, sống phần lớn với thiền ấy, không có thối đọa; khi thân hoại mạng chung, được sinh cộng trú với chư thiên ở cõi Quang âm thiên. Hai tăng-kỳ kiếp, này các tỳ-khưu, là tuổi thọ vô lượng của chư thiên ỏ cõi Quang âm thiên. Tại đấy, kẻ phàm phu, sau khi an trú cho đến hết tuổi thọ ấy, sau khi sống trọn vẹn tuổi thọ của chư thiên ấy, đi đến địa ngục, đi đến bàng sinh, đi đến ngạ quỷ. Còn đệ tử Như Lai, tại đấy, sau khi an trú cho đến hết vẹn tuổi thọ ấy, sau khi sống trọn vẹn tuổi thọ của chư thiên ấy, nhập Niết-bàn trong hiện hữu ấy. Đây là sự đặc thù, đây là sự thù thắng, đây là sự sai khác giữa thánh đệ tử có nghe pháp và kẻ phàm phu không nghe pháp, tức là vấn đề sinh thú. (3) Lại nữa, này các tỳ-khưu, ở đây có hạng người với tâm cùng khởi với hỷ, biến mãn một phương rồi an trú; cũng vậy phương thứ hai, cũng vậy phương thứ ba, cũng vậy phương thứ tư, như vậy, cùng khắp thế giới, trên, dưới, bề ngang, hết thảy phương xứ, cùng khắp vô biên giới. Vị ấy an trú biến mãn với tâm cùng khởi với hỷ, quảng đại, vô biên, không hận, không sân. Vị ấy nếm được vị ngọt của thiền ấy, ái luyến thiền ấy và do vậy tìm được an lạc; an trú trên ấy, chú tâm trên ấy, sống phần lớn với thiền ấy, không có thối đọa; khi thân hoại mạng chung, được sinh cộng trú với chư thiên ở cõi Biến tịnh thiên. Bốn tăng-kỳ kiếp, này các tỳ-khưu, là tuổi thọ vô lượng của chư thiên ở cõi Biến tịnh thiên. Tại đấy, kẻ phàm phu, sau khi an trú cho đến hết tuổi thọ ấy, sau khi sống trọn vẹn tuổi thọ của chư thiên ấy, đi đến địa ngục, đi đến bàng sinh, đi đến ngạ quỷ. Còn đệ tử Như Lai, tại đấy, sau khi an trú cho đến hết vẹn tuổi thọ ấy, sau khi sống trọn vẹn tuổi thọ của chư thiên ấy, nhập Niết-bàn trong hiện hữu ấy. Đây là sự đặc thù, đây là sự thù thắng, đây là sự sai khác giữa thánh đệ tử có nghe pháp và kẻ phàm phu không nghe pháp, tức là vấn đề sinh thú. (4) Lại nữa, này các tỳ-khưu, ở đây có hạng người với tâm cùng khởi với xả, biến mãn một phương rồi an trú; cũng vậy phương thứ hai, cũng vậy phương thứ ba, cũng vậy phương thứ tư, như vậy, cùng khắp thế giới, trên, dưới, bề ngang, hết thảy phương xứ, cùng khắp vô biên giới. Vị ấy an trú biến mãn với tâm cùng khởi với xả, quảng đại, vô biên, không hận, không sân. Vị ấy nếm được vị ngọt của thiền ấy, ái luyến thiền ấy và do vậy tìm được an lạc; an trú trên ấy, chú tâm trên ấy, sống phần lớn với thiền ấy, không có thối đọa; khi thân hoại mạng chung, được sinh cộng trú với chư thiên ở cõi Quảng quả thiên. Năm trăm tăng-kỳ kiếp, này các tỳ-khưu, là tuổi thọ vô lượng của chư thiên ở cõi Quảng quả thiên. Tại đấy, kẻ phàm phu, sau khi an trú cho đến hết tuổi thọ của chư thiên ấy, sau khi sống trọn vẹn tuổi thọ của chư thiên ấy, đi đến địa ngục, đi đến bàng sinh, đi đến ngạ quỷ. Còn đệ tử Như Lai, tại đấy, sau khi an trú cho đến hết tuổi thọ ấy, sau khi sống trọn vẹn tuổi thọ của chư thiên ấy, nhập Niết-bàn trong hiện hữu ấy. Đây là sự đặc thù, đây là sự thù thắng, đây là sự sai khác giữa thánh đệ tử có nghe pháp và kẻ phàm phu không nghe pháp, tức là vấn đề sinh thú. Này các tỳ-khưu, có bốn hạng người này có mặt, hiện hữu ở đời. (AN 4:125)
9. HIỂM HỌA CỦA CÕI TA-BÀ (1) Suối nước mắt – Vô thỉ là luân hồi này, này các tỳ-khưu, khởi điểm không thể nêu rõ đối với sự lưu chuyển luân hồi của các chúng sinh bị vô minh che đậy, bị tham ái trói buộc. Các ông nghĩ thế nào, này các tỳ-khưu, cái gì là nhiều hơn? Dòng nước mắt tuôn chảy do các ông than van, khóc lóc, phải hội ngộ với những gì không ưa, phải biệt ly với những gì mình thích, khi các ông phải lưu chuyển luân hồi trong thời gian dài này, hay là nước trong bốn biển lớn? – Bạch Thế Tôn, theo như lời Thế Tôn thuyết pháp, chúng con hiểu rằng, cái này, bạch Thế Tôn, là nhiều hơn, tức là dòng nước mắt tuôn chảy do chúng con than van, khóc lóc, phải hội ngộ với những gì không ưa, phải biệt ly với những gì mình thích, khi phải lưu chuyển luân hồi trong thời gian dài này, chứ không phải là nước trong bốn biển lớn. – Lành thay, lành thay, này các tỳ-khưu! Lành thay, các ông đã hiểu Pháp do Ta dạy. Cái này là nhiều hơn, tức là dòng nước mắt tuôn chảy do các ông than van, khóc lóc, phải hội ngộ với những gì không ưa, phải biệt ly với những gì mình thích, khi các ông phải lưu chuyển luân hồi trong thời gian dài này chớ không phải nước trong bốn biển lớn. Trong một thời gian dài, này các tỳ-khưu, các ông chịu đựng cha chết ... mẹ chết ... anh chết ... chị chết ... con trai chết ... con gái chết ... bà con chết ... tai họa về tiền của ... tai họa của bệnh tật. Cái này là nhiều hơn, tức là dòng nước mắt tuôn chảy do các ông than van, khóc lóc, phải hội ngộ với những gì mình không ưa, phải biệt ly với những gì mình thích, khi các ông phải chịu đựng tai họa của bệnh tật, chứ không phải là nước trong bốn biển. Vì sao? Vô thỉ là luân hồi này, này các tỳ-khưu, khởi điểm không thể nêu rõ đối với sự lưu chuyển luân hồi của các chúng sinh bị vô minh che đậy, bị tham ái trói buộc. Cho đến như vậy, này các tỳ-khưu, là vừa đủ để các ông nhàm chán, là vừa đủ để các ông từ bỏ, là vừa đủ để các ông giải thoát đối với tất cả các hành. (SN 15:3)
(2) Suối máu Khi Đức Thế Tôn trú ở Vương Xá, Trúc Lâm, ba mươi vị tỳ-khưu xứ Pāvā, tất cả sống ở rừng, tất cả đi khất thực, tất cả mang y phấn tảo, tất cả mang ba y, tất cả đang còn kiết sử, cùng đi đến Thế Tôn. Sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Rồi Thế Tôn suy nghĩ: "Ba mươi vị tỳ-khưu xứ Pāvā này, tất cả sống ở rừng, tất cả đi khất thực, tất cả mang y phấn tảo, tất cả mang ba y, tất cả đang còn kiết sử. Vậy Ta hãy thuyết pháp cho họ như thế nào để ngay tại chỗ ngồi này, tâm của họ được giải thoát khỏi các lậu hoặc, không có chấp thủ". Rồi Thế Tôn gọi các tỳ-khưu: “Này các tỳ-khưu!” – “Thưa vâng, bạch Thế Tôn,” các tỳ-khưu ấy vâng đáp Thế Tôn. Thế Tôn nói như sau: – Vô thỉ là luân hồi này, này các tỳ-khưu. Khởi điểm không thể nêu rõ, đối với sự lưu chuyển luân hồi của các chúng sinh bị vô minh che đậy, bị tham ái trói buộc. Các ông nghĩ thế nào, này các tỳ-khưu, cái nào là nhiều hơn, dòng máu tuôn chảy do bị chặt đầu khi các ông lưu chuyển luân hồi trong thời gian dài này, hay là nước trong bốn biển lớn? – Bạch Thế Tôn, theo như lời Thế Tôn thuyết pháp, chúng con hiểu rằng cái này là nhiều hơn, tức là dòng máu tuôn chảy do bị chặt đầu, khi chúng con lưu chuyển luân hồi trong thời gian dài này, chứ không phải là nước trong bốn biển lớn. – Lành thay, lành thay, này các tỳ-khưu! Lành thay, các ông đã hiểu Pháp Ta dạy như vậy. Cái này là nhiều hơn, tức là dòng máu tuôn chảy do bị chặt đầu khi các ông lưu chuyển luân hồi trong thời gian dài này, chứ không phải là nước trong bốn biển lớn. Này các tỳ-khưu, dòng máu tuôn chảy do bị chặt đầu khi các ông là những con bò, ... những con trâu, ... những con cừu, ... những con dê, ... những con nai, ... những con gà, ... những con heo, những đạo tặc, ... những người ăn cướp đường, ... những người tư thông vợ người, khi các ông lưu chuyển luân hồi trong thời gian dài này, chứ không phải là nước trong bốn biển lớn. Vì sao? Vô thỉ là luân hồi này, này các tỳ-khưu ... là vừa đủ để được giải thoát đối với tất cả các hành... Vì sao? Vô thỉ là luân hồi này, này các tỳ-khưu, khởi điểm không thể nêu rõ đối với sự lưu chuyển luân hồi của các chúng sinh bị vô minh che đậy, bị tham ái trói buộc. Trong thời gian dài như thế, nầy các tỳ-khưu, các ông đã chịu hoạn nạn, đau khổ, tai ách, và chất đầy các nghĩa trang. Cho đến như vậy, này các tỳ-khưu, là vừa đủ để các ông nhàm chán, là vừa đủ để các ông từ bỏ, là vừa đủ để các ông giải thoát đối với tất cả các hành. Thế Tôn nói như vậy, các vị tỳ-khưu ấy hoan hỷ tín thọ lời Thế Tôn dạy. Và trong khi lời dạy này được tuyên bố, đối với ba mươi vị tỳ-khưu xứ Pāvā, tâm các vị ấy được giải thoát khỏi các lậu hoặc, không có chấp thủ. (SN 15:13) * * * |
Tải sách, dạng PDF:
http://budsas.net/sach/vn24a5p-v3.pdf (version 3, dung
lượng 3 MB) Sách nói (audio book): * Nghe online: * Nghe trên Youtube: * Tải về các tập tin âm thanh audio-MP3 cho
từng chương: * Quý vị có thể tải về toàn bộ 49 tập tin âm thanh (MP3, audio files) sách nói, nén lại trong 3 tập tin (Zip):
|
[ Home ]
18-09-2017