Đàm luận Phật Pháp
- 136 -
In the Buddha’s Words – An Anthology
of Discourses from the Pali Canon
Bhikkhu Bodhi (2005)
Những lời Phật dạy – Trích lục các bài giảng trong kinh điển Pali
Tỳ-khưu Bodhi
(2005)
Chương IV. HẠNH PHÚC THẤY ĐƯỢC TRONG KIẾP SỐNG NẦY
Dàn bài
|
CHƯƠNG IV – HẠNH PHÚC THẤY ĐƯỢC TRONG KIẾP SỐNG NÀY
DẪN NHẬP Có phải chăng, như vài học giả tuyên bố, thông điệp nguyên thủy của Đức Phật chỉ liên quan đến sự giải thoát khỏi thế gian, không có ý nghĩa gì cho con người đang bị vướng bận vào đời sống thế tục? Có phải chăng các Phật tử thời xưa tin rằng chỉ có tu viện là nơi thật sự thực hành Giáo Pháp và chỉ có những vị xuất gia mới thực sự thích hợp nhận lãnh lời Phật dạy? Có phải chăng những lời Phật dạy cho hàng cư sĩ chỉ có ý nghĩa chiếu lệ, qua loa? Có phải chăng vai trò chính của hàng cư sĩ chỉ là để tạo phước qua việc cúng dường chư tăng ni, để các cư sĩ có thể trở thành tăng ni trong các kiếp sau, rồi mới thật sự bắt đầu hành trì? Trong một vài thời kỳ nào đó, trong hầu hết các truyền thống, những người theo đạo Phật dường như đã hỗ trợ các giả định làm nền tảng cho các câu hỏi trên. Họ bỏ qua các quan tâm về kiếp sống hiện tại, cho rằng thế gian là một thung lũng nước mắt, một ảo tưởng lừa dối, và tin rằng dấu hiệu trưởng thành tâm linh là hoàn toàn chú tâm đến giải phóng khỏi vòng tử sinh. Đôi khi, các vị tu sĩ dường như ít quan tâm chỉ dẫn những ai đang bị mắc kẹt trong thế gian làm thế nào áp dụng trí tuệ của Giáo Pháp, để đối phó với các vấn đề của cuộc sống bình thường. Do đó, hàng cư sĩ tại gia thấy không hy vọng về tiến bộ tâm linh trong cách sống mà họ đã chọn lựa. Vì thế, họ đã buông xuôi, chỉ muốn tạo phước đức bằng những sự cúng dường đến hàng tu sĩ. Mặc dù các bộ kinh Nikāya cho thấy đỉnh điểm của các lời Phật dạy là con đường đưa đến giải thoát tối hậu khỏi mọi khổ đau, nhưng đây là điều sai lầm khi chúng ta rút gọn các lời dạy, vốn rất đa dạng trong các nguồn kinh điển nguyên thủy, vào điểm tối hậu đó. Một lần nữa, chúng ta cần nhớ lại lời tuyên bố rằng Đức Phật xuất hiện ở đời, “sự xuất hiện đó đem lại hạnh phúc cho đa số, an lạc cho đa số, vì lòng thương tưởng cho đời, vì lợi ích, vì hạnh phúc, vì an lạc cho chư thiên và loài người” (Chương II). Chức năng của một vị Phật là thực chứng, và công bố Pháp toàn vẹn trong cả phạm vi lẫn chiều sâu, và điều này liên quan đến một sự hiểu biết toàn diện về các ứng dụng đa dạng của Pháp trong tất cả mọi chiều hướng. Một vị Phật không chỉ thâm nhập vào trạng thái vô vi của hạnh phúc toàn bích nằm ngoài cõi ta-bà, vượt ra khỏi sinh, lão,tử; Ngài không những chỉ tuyên bố con đường đưa đến giác ngộ toàn vẹn và giải thoát tối hậu; mà Ngài cũng còn soi sáng nhiều phương cách để áp dụng Giáo Pháp trong các điều kiện phức tạp của đời sống con người, cho những ai vẫn còn đắm chìm trong thế gian. Pháp, theo nghĩa rộng nhất, là thực chất, không thay đổi thứ tự của vũ trụ, trong đó, chân lý, tính quy củ hợp pháp và đạo đức hòa nhập với nhau, không thể tách rời. Pháp vũ trụ này được phản ánh trong tâm trí con người như là khát vọng chân lý, vẻ đẹp tinh thần, và sự tốt lành. Pháp được thể hiện trong đức hạnh con người như các nghiệp thiện lành về thân, khẩu, ý. Pháp biểu hiện qua thể chế cũng như biểu hiện trong cuộc sống của cá nhân, dựa vào đó như là nguồn hướng dẫn trong cuộc sống. Những biểu hiện nầy có cả tính thế tục và tâm linh. Truyền thống Phật giáo quan niệm rằng trách nhiệm duy trì Pháp trong lĩnh vực thế tục là của vị Chuyển Luân Vương huyền thoại (rājā cakkavattı̄). Vị Chuyển Luân Vương là người cai trị nhân từ, cầm quyền vương quốc của mình phù hợp với các chuẩn mực đạo đức cao nhất (dhammiko dhammarājā), và do đó, thống nhất thế giới một cách hòa bình, đem lại công lý phổ quát và thịnh vượng. Như Kinh văn IV.1(1) cho thấy, trong lĩnh vực tinh thần, Đức Phật là đối tác của Chuyển Luân Vương. Đức Phật cũng dựa vào Pháp và tôn trọng Pháp. Trong khi Chuẩn Luân Vương dựa vào Pháp như là nguyên tắc công bằng để cai trị quốc gia, Đức Phật dựa vào Pháp như là chuẩn mực đạo đức và tinh thần để dạy và chuyển hóa con người, hướng dẫn họ tạo các nghiệp thiện về thân, khẩu, ý. Cả Chuyển Luân Vương và Đức Phật không tạo ra Pháp mà các ngài đang hộ trì, và không thể thực hiện chức năng của mình mà không có Pháp. Pháp là nguyên tắc trật tự khách quan, hằng hữu, không cho riêng ai, dùng làm căn bản và tiêu chuẩn cho chính sách của Chuyển Luân Vương và sự truyền bá của Đức Phật. Là Pháp Vương, Đức Phật có nhiệm vụ khuyến khích điều thiện lành, an lạc và hạnh phúc cho thế gian. Ngài chỉ dạy dân chúng trên thế giới làm thế nào để sống theo Pháp. Ngài dạy họ phải tu tập như thế nào để thực chứng Pháp giải thoát, như Ngài đã thực chứng qua sự giác ngộ của mình. Các Chú giải Pāli chứng minh phạm vi rộng lớn của Pháp bằng cách phân biệt ba loại phúc lợi mà giáo huấn của Đức Phật quảng bá, phân loại thứ bậc theo giá trị tương đối: 1. An lạc và hạnh phúc trực tiếp nhìn thấy ngay trong cuộc sống hiện tại này (diḥ̣adhamma-hitasukha), đạt được bằng cách thực hiện các giao kết đạo đức và trách nhiệm xã hội. 2. An lạc và hạnh phúc liên quan đến đời sau (sampar̄yikahitasukha), đạt được bằng cách tạo nhiều công đức. 3. Toàn thiện hay mục tiêu tối hậu (paramattha), Niết-bàn, giải thoát khỏi chu kỳ tái sinh, đạt được bằng cách tu tập Bát Chi Thánh Đạo. Nhiều tác giả phương Tây viết về Phật giáo Sơ kỳ đã tập trung vào khía cạnh cuối cùng này, xem như là tiêu biểu cho lời dạy nguyên thủy của Đức Phật. Tuy nhiên, những lời dạy của Ngài cần phải được trình bày một cách cân bằng qua cả ba khía cạnh trên. Vì vậy, trong chương này và những chương tiếp theo, tôi sẽ trích dẫn các kinh văn trong các bộ kinh Nikāya để minh chứng lần lượt ba khía cạnh trên của Giáo Pháp. Chương IV này bao gồm một loạt các kinh văn về những lời dạy của Đức Phật có liên quan đến hạnh phúc có thể nhìn thấy trong cuộc sống hiện tại. Bài kinh thể hiện toàn diện nhất của kinh tạng Nikāya trong khía cạnh nầy là bài kinh Sigālaka (kinh Thiện Sinh, DN 31, cũng có tên là kinh Siṅgalovāda – kinh Giáo giới Thi-ca-la-việt), đôi khi được gọi là “Quy phạm đạo đức của cư sĩ”. Cốt lõi của bài kinh là phần “lễ bái sáu phương” – Kinh văn IV,1(2) – trong đó, Đức Phật giải thích lại một nghi lễ cổ xưa của Ấn Độ, lồng vào một ý nghĩa đạo đức mới. Việc thực hành “lễ bái sáu phương”, như Đức Phật giảng dạy, dựa trên nguyên tắc về một xã hội được duy trì bởi một mạng lưới gồm các mối quan hệ lồng vào nhau, mang lại sự gắn kết với trật tự xã hội, khi các thành viên hoàn thành nhiệm vụ và trách nhiệm đối ứng của họ trong tinh thần nhân ái, cảm thông, và thiện chí. Sáu mối quan hệ xã hội cơ bản mà Đức Phật đưa ra sau khi đem vào phép ẩn dụ của Ngài là: cha mẹ và con cái, thầy và trò, vợ và chồng, bạn bè, chủ nhân và nhân công, cư sĩ đệ tử và đạo sư. Mỗi người được xem là một trong sáu phương hướng trong quan hệ với đối tác của mình. Đối với một thanh niên trẻ như Sigālaka, cha mẹ là phía đông, thầy của mình về phía nam, vợ con ở phía tây, bạn bè ở phía bắc, các công nhân của mình ở bên dưới, và các đạo sư ở trên đầu. Với cách trình bày súc tích có hệ thống, Đức Phật gán cho mỗi thành viên của mỗi đôi, năm nghĩa vụ của mình đối với đối tác. Khi mỗi thành viên thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ, các "hướng" tương ứng đi kèm là “hòa bình và không sợ hãi”. Như vậy, trong Phật giáo Sơ kỳ, sự ổn định xã hội và an ninh góp phần vào hạnh phúc con người đạt được hiệu quả cao nhất là khi mọi thành viên trong xã hội đáp ứng các nhiệm vụ khác nhau, như được xác định bởi các mối quan hệ xã hội của họ. Mỗi người phải vượt lên trên nhu cầu hạn hẹp ích kỷ cá nhân, và phát triển mối quan tâm chân thành, rộng lượng, vì hạnh phúc của người khác và lợi ích chung của cộng đồng. Từ quy phạm đạo đức tổng quát của cư sĩ Phật tử, chúng ta chuyển sang các kinh văn cung cấp các điểm cụ thể hơn về tư vấn, bắt đầu với các bài kinh về “Gia đình.” Phần nầy có các kinh văn riêng biệt về “Cha mẹ và con cái” – Kinh văn IV,2(1), và “Vợ chồng” – Kinh văn IV,2(2). Để phù hợp với các chuẩn mực của xã hội Ấn Độ – trên thực tế, hầu như tất cả các xã hội nông nghiệp truyền thống – Đức Phật xem gia đình là đơn vị cơ bản của hội nhập xã hội và tiếp biến văn hóa. Đặc biệt là mối quan hệ yêu thương gần gũi giữa cha mẹ và con cái, nuôi dưỡng đạo đức và ý thức trách nhiệm nhân tính cần thiết cho một trật tự xã hội gắn kết. Trong gia đình, các giá trị nầy được truyền từ thế hệ nầy sang thế hệ kế tiếp,. Do đó, một xã hội hài hòa phụ thuộc nhiều vào các mối quan hệ hài hòa giữa cha mẹ và con cái. Đức Phật nhấn mạnh lòng hiếu thảo – Kinh văn IV,2(1)(a) – và lòng biết ơn của con cái đối với cha mẹ, một món nợ chỉ có thể trả đầy đủ bằng cách giúp đưa cha mẹ đến với Giáo Pháp – Kinh văn IV,2(1)(b). Mối quan hệ lành mạnh giữa cha mẹ và con cái phụ thuộc lần lượt theo tình cảm và sự tôn trọng lẫn nhau của vợ chồng. Do đó, Đức Phật cũng giảng dạy về các mối quan hệ hợp lý giữa các cặp vợ chồng. Những điều này, một lần nữa, nhấn mạnh sự cam kết chung về quy phạm đạo đức và các lý tưởng tinh thần. Đặc biệt liên quan đến chúng ta, trong thời đại mà nhiều cuộc hôn nhân sớm kết thúc qua ly dị, là lời khuyên của Đức Phật đến đôi vợ chồng Nakulapitā và Nakulamātā đáng yêu – Kinh văn IV,2(2)(b) – làm thế nào để tình yêu giữa chồng và vợ có thể được duy trì nồng thắm, để rồi họ có thể được chung sống với nhau trong các kiếp sau. Bài kinh này cũng cho thấy Đức Phật không hẳn đòi hỏi đệ tử của Ngài chối bỏ những ham muốn của thế gian. Ngài sẵn sàng chỉ dạy cho những người vẫn còn dưới sự thống trị của ham muốn trần tục, làm thế nào để có được mục tiêu mong muốn của họ. Một trong những điều kiện Ngài đặt ra là việc thực hiện mong muốn đó phải tuân thủ các nguyên tắc đạo đức. Tiếp theo là một số kinh văn về các khía cạnh khác nhau của đời sống tại gia, nhưng tất cả đều nhấn mạnh đến chánh mạng. Có hai đặc điểm nổi bật của những huấn thị Đức Phật dành cho các đệ tử cư sĩ có liên quan đến việc tầm cầu hạnh phúc thế gian. Thứ nhất, trong việc tìm kiếm “những điều tốt lành thấy được kiếp sống hiện tại này,” người cư sĩ nên luôn luôn tuân thủ nguyên tắc xử thế đúng đắn, đặc biệt là năm điều giới, và các quy tắc của chánh mạng. Vì thế, lấy thí dụ, Ngài quy định rằng tài sản phải được "sở hữu bởi sự cố gắng tràn đầy năng lực ... tài sản chính đáng từ mưu sinh chính đáng" – Kinh văn IV,3. Một lần nữa, Ngài dạy các cư sĩ đệ tử dùng tài sản họ có được, không chỉ để thỏa mãn bản thân mà còn để đem lại lợi ích cho thân quyến và những người khác sống nhờ lòng từ thiện, đặc biệt cúng dường đến các nhà tu khổ hạnh và các vị bà-la-môn có đạo đức – Kinh văn IV,4(2). Thứ hai, người cư sĩ tại gia không nên chỉ bằng lòng với tầm cầu an vui hạnh phúc trong đời nầy, mà cũng nên tầm cầu an vui hạnh phúc cho đời sau. Điều nầy được thực hiện qua việc nuôi dưỡng các phẩm chất đưa đến tái sinh an vui và thực chứng Niết-bàn. Theo Kinh văn IV,3 và IV,5, các đức tính chủ yếu mà người cư sĩ cần phải có, đưa đến phúc lợi trong tương lai, là: (1) tín (tin tưởng vào Đức Phật là bậc Giác Ngộ), (2) giới đức (gìn giữ trọn vẹn ngũ giới), (3) rộng rãi (hành động từ thiện, bố thí, chia sẻ), và (4) trí tuệ (tuệ quán về sự sinh diệt của mọi hiện tượng). Trong Phật giáo Sơ kỳ, người cư sĩ lý tưởng không phải chỉ là một người nhiệt tâm ủng hộ tăng đoàn, nhưng còn là một người cao quý, đắc được ít nhất giai đoạn đầu tiên của bốn giai đoạn thực chứng, đó là quả thánh dự lưu (sotāpatti). Cuối cùng, Phần 6 bao gồm một số kinh văn về “Cộng đồng.” Tôi dùng từ nầy để chỉ tổng quát về Tăng-già (Saṅgha), đoàn thể các bậc xuất gia, và xã hội dân sự trong đó bất kỳ chi nhánh nào của tăng đoàn cũng phải bám rễ vào đó. Trong các bộ kinh Nikāya, rõ ràng là trong khi Đức Phật chủ yếu nhằm hướng dẫn mọi người hướng đến tiến bộ đạo đức và tâm linh, Ngài hiểu khả năng của họ để phát triển đạo đức và tâm linh phụ thuộc vào các điều kiện vật chất của xã hội mà họ đang sống. Ngài hiểu sâu sắc rằng khi người ta bị sa lầy trong nghèo khó và bị áp bức bởi đói khát và mong muốn, họ sẽ thấy khó khăn để giữ được con đường ngay thẳng đạo đức. Nỗi đau đói khát, để thỏa mãn nhu cầu thiết yếu trong đời sống và giúp đỡ gia đình, làm cho họ phải có những hành vi mà họ có thể tránh được, nếu họ có việc làm thích hợp và có thù lao đầy đủ. Vì vậy, Ngài thấy cần phải có sự công bằng trong kinh tế, và đó là điều không thể thiếu cho sự hài hòa xã hội và ổn định chính trị. Hai kinh văn đầu tiên quy định hai bộ hướng dẫn cho tăng đoàn. Cả hai là những trích đoạn từ một bài kinh dài Đức Phật giảng sau cái chết của Mahāvīra, lãnh đạo nhóm Kỳ-na giáo. Theo kinh tạng Nikāya, tiếp theo cái chết của người lãnh đạo, tăng đoàn Kỳ-na giáo bắt đầu phân ly, và Đức Phật cảm thấy cần phải đặt ra các hướng dẫn để bảo vệ tăng đoàn của Ngài, tránh trường hợp tương tự sau khi Ngài nhập diệt. Kinh văn IV,6(1) liệt kê sáu đặc tính để tránh cãi cọ và tranh chấp, mà các tu sĩ phải cảnh giác khi phát hiện ra ngay trong nhóm của mình. Mặc dù các hướng dẫn này áp dụng cho tu sĩ, chúng vẫn có thể áp dụng rộng rãi cho bất cứ tổ chức nào, thế tục hay tôn giáo, bởi vì sáu yếu tố đó là nguồn gốc của mọi sự xung đột. Đối lại các hướng dẫn cảnh báo nầy là Kinh văn IV,6(2), đưa ra “sáu nguyên tắc hòa hợp” (lục hòa) đưa đến thương yêu, kính trọng, và hòa hợp giữa các thành viên của cộng đồng. Một lần nữa, nếu được áp dụng thích ứng, các nguyên tắc nầy – những hành động từ ái về thân, khẩu, ý; chia sẻ vật dụng; cùng giữ giới; và thống nhất quan kiến – có thể áp dụng rộng rãi cho các cộng đồng rộng lớn hơn, không chỉ giới hạn trong tăng đoàn. Bài kinh đó cũng đưa ra các hướng dẫn chi tiết để gìn giữ sự hòa hợp trong tăng đoàn sau khi Đức Phật nhập diệt, nhưng có liên quan đến các khía cạnh chuyên biệt của giới luật tu sĩ, không thích hợp cho tập sách nầy. Kinh văn IV,6(3) là một trích đoạn dài từ bài kinh Assalāyana, mô tả lúc Đức Phật tranh luận với một vị học giả bà-la-môn về lời tuyên bố của các người bà-la-môn về hệ thống giai cấp. Trong thời Đức Phật, hệ thống giai cấp mới bắt đầu hình thành trong miền đông bắc Ấn Độ, chưa phân chia ra thêm vô số giai cấp phụ thuộc và các quy định cứng nhắc để vận hành xã hội Ấn Độ qua nhiều thế kỷ sau nầy. Xã hội thời đó phân chia bốn giai cấp tổng quát: bà-la-môn (brahmin), là những người đảm nhận công việc tế lễ như quy định trong kinh Vệ-đà; sát-đế-lị (khattiya), là các vua chúa, chiến sĩ, quan chức; phệ-đà (vessa), là những thương gia và nông dân; và thủ-đà-la (sudda), là kẻ hầu hạ và đầy tớ. Cũng có những người ở ngoài bốn giai cấp đó, được xem như thấp hơn cả giai cấp thủ-đà-la. Trong kinh tạng Nikāya, dường như những người bà-la-môn, trong khi được giao phó các vấn đề tôn giáo, vẫn chưa đạt được quyền bá chủ không thể bàn cãi. Những quyền này chỉ có được sau sự xuất hiện của các tác phẩm như quyển “Luật của Manu.” Quyển nầy đặt ra những luật lệ cố định của hệ thống giai cấp. Tuy nhiên, những người bà-la-môn đã bắt đầu thúc đẩy sự thống trị của họ cho các vùng còn lại của Ấn Độ, bằng cách đưa ra luận thuyết cho rằng bà-la-môn là giai cấp cao nhất, là những đứa con của Phạm thiên (Brahmā), là những người có khả năng thanh tịnh. Trái ngược với một số ý kiến phổ biến, Đức Phật không vận động cho việc bãi bỏ hệ thống giai cấp Ấn Độ và cố gắng thiết lập một xã hội không giai cấp. Tuy nhiên, trong tăng đoàn, sự phân biệt giai cấp được bãi bỏ ngay khi lúc xuất gia. Cho dù xuất thân từ bất cứ giai cấp nào trong xã hội, một người khi xuất gia với Đức Phật, người ấy từ bỏ danh hiệu đẳng cấp và đặc quyền, đơn giản trở thành đệ tử của người con dòng họ Thích-ca (đó là Đức Phật, vì Ngài xuất thân từ bộ tộc Thích-ca). Bất cứ khi nào đối mặt với tuyên bố của các người bà-la-môn rằng họ cao thượng hơn, Đức Phật và các vị đệ tử đều tranh luận mạnh mẽ chống lại họ. Như kinh văn cho thấy, Đức Phật cho rằng lời tuyên bố đó là vô căn cứ. Ngài nói rằng sự thanh tịnh là kết quả của giới hạnh, không phải do sinh ra mà có, và như thế có thể áp dụng cho tất cả bốn giai cấp. Đức Phật thậm chí tước bỏ tính di truyền của danh từ “Bà-la-môn, ” và đem danh từ đó trở về ý nghĩa ban đầu của một người thánh thiện, xác định một người bà-la-môn thật sự chính là vị A-la-hán (xem kinh số 98, Trung bộ, không bao gồm trong tập sách nầy). Hai kinh văn kế tiếp đưa ra các hướng dẫn về quản lý chính trị. Trong thời Đức Phật, có hai dạng chính thể áp dụng cho các quốc gia miền bắc Ấn Độ, trong vùng Ngài di chuyển và truyền giảng. Đó là thể chế quân chủ và thể chế bộ lạc cộng hòa. Là một đạo sư tâm linh, Đức Phật không bênh vực bất cứ thể chế nào, và Ngài cũng không tích cực can dự vào công việc của nhà nước. Nhưng trong hàng đệ tử cư sĩ, có những người lãnh đạo trong cả hai thể chế chính trị, và như thế, thỉnh thoảng, Ngài cũng cho họ các lời hướng dẫn để họ có thể quản lý xứ sở phù hợp với các chuẩn mực đạo đức. Trong phần mở đầu của Đại kinh Bát-niết-bàn (Mahāparinibbāna Sutta), ghi lại những ngày cuối cùng khi Đức Phật còn tại thế – Kinh văn IV,6(4) – chúng ta thấy thoáng qua về giai đoạn biến động của lịch sử Ấn Độ khi vương quốc Ma-kiệt-đà (Magadha), ngôi sao đang lên của các chế độ quân chủ miền bắc Ấn, đang mở rộng và thôn tính các bộ lạc cộng hòa láng giềng. Trong đoạn kinh trích ra ở đây, chúng ta thấy A-xà-thế (Ajātasattu), vua của Ma-kiệt-đà, có ý định thôn tính liên minh Vajjī (Bạt-kỳ), bộ lạc cộng hòa lớn nhất và có tổ chức tốt nhất. Trong phần đầu bài kinh, nhà vua phái một vị đại thần đến gặp Đức Phật, hỏi ý kiến Ngài xem nếu nhà vua có thể thành công khi tiến hành chiến tranh chống lại người Vajjī. Đức Phật hỏi ngài Ānanda về bảy điều kiện tạo ổn định xã hội mà trước đó, Ngài đã dạy người dân xứ Vajjī, và Ngài kết luận: “Khi nào bảy pháp bất thối được duy trì giữa dân Vajjī, khi nào dân Vajjī được giảng dạy bảy pháp bất thối này, thời dân Vajjī sẽ được cường thịnh, không bị suy giảm.” Sau đó, Ngài triệu tập tất cả các tỳ-khưu và dạy họ bảy nguyên tắc tương tự để ổn định tăng đoàn. Khi nhìn thấy cuối cùng rồi loại thể chế quân chủ dường như sẽ thắng, không thể tránh khỏi, Đức Phật tìm cách tạo một mô hình vương quyền để có thể hạn chế quyền lực độc đoán của nhà vua, đưa nhà vua lệ thuộc vào một thẩm quyền cao hơn. Ngài đưa ra lý tưởng vị “Chuyển Luân Vương,” vị vua anh minh cai trị theo Chánh Pháp, là luật khách quan của công bằng – Kinh văn IV,1(1). Chánh pháp mà nhà vua phải tuân theo là căn bản đạo đức cho sự cai trị. Được biểu tượng như một bánh xe báu thiêng liêng, Chánh Pháp giúp nhà vua thống trị tất cả các xứ sở trên thế giới mà không cần đến sức mạnh, và thiết lập một triều đại hòa bình và đạo đức toàn cầu, dựa trên sự tuân giữ năm điều giới – Kinh văn IV,6(5). Vị Chuyển Luân Vương cai trị để mang lại an vui và hạnh phúc cho dân chúng, và mở rộng sự bảo hộ che chở đến tất cả mọi chúng sinh trong vương quốc, kể cả các loài chim và loài thú. Nhà vua có nhiệm vụ kiểm soát không cho tội phạm bùng nổ trong vương quốc. Để vương quốc được an ninh, không tội phạm, nhà vua phải mang tài sản phân chia đồng đều đến những ai cần đến, vì qua cái nhìn của kinh tạng Nikāya, nghèo khó là vùng đất nuôi dưỡng tội phạm. Chủ đề này, được nói đến trong các nhiệm vụ của Chuyển Luân Vương trong Kinh văn IV,6(5), và được nói thêm chi tiết trong Kinh văn IV,6(6). Ở đây, chúng ta thấy một vị giáo sĩ khôn ngoan tư vấn nhà vua rằng phương cách đúng để chấm dứt trộm cướp trong vương quốc, không phải chỉ áp dụng các hình phạt nghiêm khắc và nặng nề, mà là làm sao giúp cho các công dân có phương tiện sinh nhai. Khi người dân vui hưởng một mức sống thỏa đáng, họ sẽ không còn quan tâm làm hại người khác, và xứ sở sẽ được hòa bình, an vui. –ooOoo- |
TRÍCH LỤC
CHƯƠNG IV – HẠNH PHÚC THẤY ĐƯỢC TRONG KIẾP SỐNG NÀY
1. GÌN GIỮ PHÁP TRONG XÃ HỘI (1) Pháp Vương Thế Tôn nói: – Này các tỳ-khưu, ngay cả một vị Chuyển Luân Vương, vị vua ngay thẳng và công bằng, cũng cần một vị cùng nhiếp chính để cai trị xứ sở Ðược nghe nói vậy, một tỳ-khưu bạch Thế Tôn: – Bạch Thế Tôn, ai là vị cùng nhiếp chính cho Chuyển Luân Vương, vị vua ngay thẳng và công bằng? – Ðó là Pháp, luật của sự công bằng, này tỳ-khưu. Thế Tôn trả lời. Ở đây, này tỳ-khưu, vị Chuyển Luân Vương, vị vua ngay thẳng và công bằng, y cứ Pháp, cung kính Pháp, kính trọng Pháp, tôn kính Pháp, lấy Pháp làm tràng phan, lấy Pháp làm cờ xí, lấy Pháp làm tối thắng, ra lệnh hộ trì, che chở, ủng hộ đúng pháp đối với quần chúng. Lại nữa, Vị Chuyển Luân Vương ra lệnh hộ trì, che chở, ủng hộ đúng pháp đối với các sát-đế-lỵ, đối với các tùy tùng, đối với quân đội, đối với các bà-la-môn và gia chủ, đối với cư dân các thị trấn và quốc độ, đối với các sa-môn, bà-la-môn, đối với các loài thú và các loài chim. Vị Chuyển Luân Vương ấy ra lệnh hộ trì, che chở, ủng hộ đúng pháp đối với tất cả, là vị chuyển bánh xe đúng Pháp. Bánh xe ấy không bị ngăn cản sự chuyển vận bởi bất cứ người nào, hay bởi bất cứ loài hữu tình thù nghịch nào. Cũng vậy, này tỳ-khưu, Như Lai, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác, vị Pháp Vương ngay thẳng và công bằng, y cứ Pháp, cung kính Pháp, kính trọng Pháp, tôn kính Pháp, lấy Pháp làm tràng phan, lấy Pháp làm cờ xí, lấy Pháp làm tối thắng, ra lệnh hộ trì, che chở, ủng hộ đúng pháp đối với thân nghiệp, nghĩ rằng: “Thân nghiệp như vậy cần phải hành trì, thân nghiệp như vậy không được hành trì;” đúng pháp đối với khẩu nghiệp, nghĩ rằng: “Khẩu nghiệp như vậy cần phải hành trì, khẩu nghiệp như vậy không được hành trì;” đúng pháp đối với ý nghiệp, nghĩ rằng; “Ý nghiệp như vậy cần phải hành trì, ý nghiệp như vậy không được hành trì.” Như Lai ấy, này tỳ-khưu, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác, ra lệnh hộ trì, che chở, ủng hộ đúng pháp đối với thân nghiệp, khẩu nghiệp, ý nghiệp, là vị chuyển bánh xe đúng Pháp. Bánh xe ấy không bị ngăn chặn sự chuyển vận bởi sa-môn, bà-la-môn, chư thiên, Ác ma, Phạm thiên, hay bất cứ một ai ở đời. (AN 3:14)
(2) Lễ bái sáu phương 1. Như vậy tôi nghe. Một thời Thế Tôn sống ở Rājagaha (Vương Xá), tại Veluvana (Trúc Lâm), Kalandakanivāpa (chỗ tìm ăn của loài sóc). Lúc bấy giờ, Sigālaka (Thi-ca-la-việt), gia chủ tử, dậy sớm, ra khỏi thành Vương Xá, với áo thấm nước, với tóc thấm nước, chấp tay đảnh lễ các phương hướng, hướng Ðông, hướng Nam, hướng Tây, hướng Bắc, hướng Hạ, hướng Thượng. 2. Rồi Thế Tôn buổi sáng đắp y, cầm y bát vào thành Vương Xá khất thực. Thế Tôn thấy Sigālaka, gia chủ tử, dậy sớm, ra khỏi thành Vương Xá, với áo thấm nước, với tóc thấm nước, chấp tay đảnh lễ các phương hướng, hướng Ðông, hướng Nam, hướng Tây, hướng Bắc, hướng Hạ, hướng Thượng. Thấy vậy Ngài nói với Sigālaka, gia chủ tử: – Này gia chủ tử, vì sao Ngươi dậy sớm, ra khỏi thành Vương Xá, với áo thấm ướt, với tóc thấm ướt chấp tay đảnh lễ các phương hướng, hướng Ðông, ... , hướng Thượng? – Bạch Thế Tôn, thân phụ con khi sắp lâm chung có dặn con phải làm như thế này: “Này con thân yêu, hãy đảnh lễ các phương hướng”. Do đó, con kính tín, cung kính, tôn trọng, đảnh lễ lời nói của thân phụ con, buổi sáng dậy sớm, lễ bái sáu phương hướng như vậy. – Này gia chủ tử, trong luật pháp của bậc thánh, lễ bái sáu phương không phải như vậy. – Bạch Thế Tôn, trong luật pháp của bậc thánh, thế nào là lễ bái sáu phương? Bạch Thế Tôn, trong luật pháp của bậc thánh, đảnh lễ sáu phương phải như thế nào? Lành thay! Thế Tôn hãy giảng pháp ấy cho con! – Này gia chủ tử, hãy nghe và suy nghiệm kỹ, Ta sẽ giảng. – Thưa vâng, bạch Thế Tôn. Sigālaka, gia chủ tử vâng lời Thế Tôn. Thế Tôn giảng như sau: (...) 27. Này gia chủ tử, vị thánh đệ tử hộ trì sáu phương như thế nào? Này gia chủ tử, sáu phương này cần được hiểu như sau: Phương Ðông cần được hiểu là cha mẹ. Phương Nam cần được hiểu là sư trưởng. Phương Tây cần được hiểu là vợ con. Phương Bắc cần được hiểu là bạn bè. Phương Dưới cần được hiểu là tôi tớ, lao công. Phương Trên cần được hiểu là sa-môn, bà-la-môn. 28. Này gia chủ tử, có năm trường hợp, người con phải phụng dưỡng cha mẹ như phương Ðông: Ðược nuôi dưỡng, tôi sẽ nuôi dưỡng lại cha mẹ; tôi sẽ làm bổn phận đối với cha mẹ; tôi sẽ gìn giữ gia đình và truyền thống; tôi sẽ bảo vệ tài sản thừa tự; tôi sẽ làm tang lễ khi cha mẹ qua đời. Này gia chủ tử, được con phụng dưỡng như phương Ðông, theo năm cách như vậy, cha mẹ có lòng thương tưởng đến con theo năm cách: Ngăn chận con làm điều ác; khuyến khích con làm điều thiện; dạy con nghề nghiệp, cưới vợ xứng đáng cho con; đúng thời trao của thừa tự cho con. Này gia chủ tử, như vậy là cha mẹ được con phụng dưỡng như phương Ðông theo năm cách và cha mẹ có lòng thương tưởng con theo năm cách. Như vậy phương Ðông được che chở, được trở thành an ổn và thoát khỏi các sự sợ hãi. 29. Này gia chủ tử, có năm cách, đệ tử phụng dưỡng các bậc sư trưởng như phương Nam: Ðứng dậy để chào, hầu hạ thầy, hăng hái học tập, tự phục vụ thầy, chú tâm học hỏi nghề nghiệp. Này gia chủ tử, được đệ tử phụng dưỡng như phương Nam theo năm cách như vậy, các bậc sư trưởng có lòng thương tưởng đến các đệ tử theo năm cách: Huấn luyện đệ tử những gì mình đã được khéo huấn luyến; dạy cho bảo trì những gì mình được khéo bảo trì; dạy cho thuần thục các nghề nghiệp; khen đệ tử với các bạn bè quen thuộc; bảo đảm nghề nghiệp cho đệ tử về mọi mặt. Này gia chủ tử, như vậy là bậc sư trưởng được đệ tử phụng dưỡng như phương Nam theo năm cách và sư trưởng có lòng thương tưởng đến đệ tử theo năm cách. Như vậy phương Nam được che chở, được trở thành an ổn và thoát khỏi các sự sợ hãi. 30. Này gia chủ tử, có năm cách, người chồng phải đối xử với vợ như phương Tây: Kính trọng vợ, không bất kính đối với vợ; trung thành với vợ; giao quyền hành cho vợ; sắm đồ nữ trang với vợ; Này gia chủ tử, được chồng đối xử như phương Tây theo năm cách như vậy, người vợ có lòng thương tưởng chồng theo năm cách: Thi hành tốt đẹp bổn phận của mình; khéo tiếp đón bà con; trung thành với chồng; khéo gìn giữ tài sản của chồng; khéo léo và nhanh nhẹn làm mọi công việc. Này gia chủ tử, người vợ được người chồng đối xử như phương Tây theo năm cách và người vợ có lòng thương tưởng chồng theo năm cách. Như vậy phương Tây được che chở, được trở thành an ổn và thoát khỏi các sự sợ hãi. 31. Này gia chủ tử, có năm cách vị thiện nam tử đối xử với bạn bè như phương Bắc: Bố thí, ái ngữ, lợi hành, đồng sự, không lường gạt. Này gia chủ tử, được vị thiện nam tử đối xử như phương Bắc theo năm cách như vậy, bạn bè có lòng thương kính vị thiện nam tử theo năm cách: Che chở nếu vị thiện nam tử phóng túng; bảo trì tài sản của vị thiện nam tử nếu vị này phóng túng; trở thành chỗ nương tựa khi vị thiện nam tử gặp nguy hiểm; không tránh xa khi vị thiện nam tử gặp khó khăn; kính trọng gia đình của vị thiện nam tử. Như vậy các bạn bè được vị thiện nam tử đối xử như phương Bắc theo năm cách và bạn bè có lòng thương tưởng vị thiện nam tử theo năm cách. Như vậy phương Bắc được che chở, được trở thành an ổn và thoát khỏi các sự sợ hãi. 32. Này gia chủ tử, có năm cách một vị chủ nhân đối xử với hạng nô bộc như phương Dưới: Giao việc đúng theo sức lực của họ; lo cho họ ăn uống và tiền lương; điều trị cho họ khi bệnh hoạn; chia sẻ các mỹ vị đặc biệt cho họ; thỉnh thoảng cho họ nghỉ phép. Này gia chủ tử, các hàng nô bộc được vị chủ nhân đối xử như phương Dưới với năm cách như kia, có lòng thương tưởng đối với vị chủ nhân theo năm cách như sau: Thức dậy trước khi chủ dậy; đi ngủ sau chủ; chỉ nhận lãnh các vật đã cho; khéo làm các công việc; đem danh tiếng tốt đẹp cho chủ. Này gia chủ tử, các hàng nô bộc được vị chủ nhân đối xử như phương Dưới với năm cách, có lòng thương tưởng đối với vị chủ nhân theo năm cách. Như vậy phương Dưới được che chở, được trở thành an ổn và thoát khỏi các sự sợ hãi. 33. Này gia chủ tử, có năm cách vị thiện nam tử đối xử với các vị sa-môn, bà-la-môn như phương Trên: Có lòng từ trong hành động về thân; có lòng từ trong hành động về khẩu; có lòng từ trong hành động về ý; mở rộng cửa để đón các vị ấy; cúng dường các vị ấy các vật dụng cần thiết. Này gia chủ tử, các vị bà-la-môn, sa-môn được vị thiện nam tử đối xử như phương Trên theo năm cách như vậy, có lòng thương tưởng vị thiện nam tử ấy theo năm cách sau đây: Ngăn họ không làm điều ác; khuyến khích họ làm điều thiện; thương xót họ với tâm từ bi, dạy họ những điều chưa nghe; chỉ bày con đường đưa đến cõi trời. Này gia chủ tử, các vị sa-môn, bà-la-môn được thiện nam tử đối xử như phương Trên với năm cách, và các vị sa-môn, bà-la-môn có lòng thương tưởng vị thiện nam tử theo năm cách. Như vậy phương Trên được che chở, được trở thành an ổn và thoát khỏi các sự sợ hãi. (DN 31: Kinh Thiện Sinh)
2. GIA ĐÌNH (1) Cha mẹ và con cái (a) Tôn kính cha mẹ Những gia đình nào, này các tỳ-khưu, các cha mẹ được các con đảnh lễ cúng dường ở trong nhà, những gia đình ấy được xem là cộng trú với Phạm thiên. Những gia đình nào, này các tỳ-khưu, các cha mẹ được các con đảnh lễ cúng dường ở trong nhà, những gia đình ấy được xem là cộng trú với bậc đạo sư thời xưa. Những gia đình nào, này các tỳ-khưu, các cha mẹ được các con đảnh lễ cúng dường ở trong nhà, những gia đình ấy được xem là cộng trú với chư thiên thời xưa. Những gia đình nào, này các tỳ-khưu, các cha mẹ được các con đảnh lễ cúng dường ở trong nhà, những gia đình ấy, này các tỳ-khưu, được xem là cộng trú với các bậc thánh. Phạm thiên, này các tỳ-khưu, là đồng nghĩa với cha mẹ; các bậc đạo sư thời xưa, này các tỳ-khưu, là đồng nghĩa với cha mẹ; chư thiên thời xưa, này các tỳ-khưu, là đồng nghĩa với cha mẹ; các bậc thánh, này các tỳ-khưu, là đồng nghĩa với cha mẹ. Vì cớ sao? Này các tỳ-khưu, vì cha mẹ giúp đỡ rất nhiều cho các con, nuôi dưỡng chúng lớn, và dẫn dắt chúng vào cuộc đời này. (AN 4:63)
(b) Trả ơn cha mẹ Có hai hạng người, này các tỳ-khưu, ta nói không thể trả ơn được. Thế nào là hai? Mẹ và Cha. Nếu một bên vai cõng mẹ, này các tỳ-khưu, nếu một bên vai cõng cha, làm vậy suốt trăm năm, cho đến trăm tuổi; nếu đấm bóp, thoa xức, tắm rửa, xoa gội, và dù tại đấy, mẹ cha có vãi tiểu tiện đại tiện, như vậy, này các tỳ-khưu, cũng chưa làm đủ hay trả ơn đủ mẹ và cha. Hơn nữa, này các tỳ-khưu, nếu có an trí cha mẹ vào quốc độ với tối thượng uy lực, trên quả đất lớn với bảy báu này, như vậy, này các tỳ-khưu, cũng chưa làm đủ hay trả ơn đủ mẹ và cha. Vì cớ sao? Vì rằng, này các tỳ-khưu, cha mẹ giúp đỡ rất nhiều cho các con, nuôi dưỡng chúng lớn, và dẫn dắt chúng vào cuộc đời này. Nhưng này các tỳ-khưu, ai đối với cha mẹ không có lòng tin, người ấy khuyến khích, hướng dẫn an trú cha mẹ vào lòng tin; đối với cha mẹ theo ác giới, người ấy khuyến khích, hướng dẫn, an trú cha mẹ vào thiện giới; đối với cha mẹ có lòng xan tham, người ấy khuyến khích, hướng dẫn, an trú cha mẹ vào bố thí; đối với mẹ cha theo ác trí tuệ, người ấy khuyến khích, hướng dẫn, an trú cha mẹ vào trí tuệ. Cho đến như vậy, này các tỳ-khưu, là làm đủ và trả ơn đủ cha và mẹ. (AN 2:33)
(2) Vợ chồng (a) Các loại hôn nhân khác nhau Một thời, Thế Tôn đang đi trên con đường giữa Madhurā và Verañjā. Nhiều nam gia chủ và nữ gia chủ cũng đang đi trên con đường giữa Madhurā và Verañjā. Rồi Thế Tôn từ trên đường bước vào lề, đến ngồi dưới một gốc cây, trên chỗ đã được sửa soạn. Các nam gia chủ và nữ gia chủ thấy Thế Tôn ngồi dưới gốc cây, đi đến Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Thế Tôn nói với các nam cư sĩ, nữ cư sĩ đang ngồi một bên: – Này các gia chủ, có bốn loại sống chung này. Thế nào là bốn? Ðê tiện nam sống chung với đê tiện nữ. Ðê tiện nam sống chung với thiên nữ. Thiên nam sống chung với đê tiện nữ. Thiên nam sống chung với thiên nữ. Và này các gia chủ, thế nào là đê tiện nam sống chung với đê tiện nữ? Ở đây, này các gia chủ, người chồng sát sinh, lấy của không cho, sống tà hạnh trong các dục, nói láo, đắm say rượu men rượu nấu, ác giới, tánh ác, sống ở gia đình với một tâm bị cấu uế xan tham chi phối, nhiếc mắng chưởi rủa các sa-môn, bà-la-môn. Còn người vợ cũng sát sinh, lấy của không cho, sống tà hạnh trong các dục, nói láo, đắm say rượu men rượu nấu, ác giới, tánh ác, sống ở gia đình với một tâm bị cấu uế xan tham chi phối. Như vậy, này các gia chủ, là đê tiện nam sống chung với đê tiện nữ. Và này các gia chủ, thế nào là đê tiện nam sống chung với thiên nữ? Ở đây, này gia chủ, người chồng sát sinh ... nhiếc mắng chưởi rủa các sa-môn, bà-la-môn. Còn người vợ từ bỏ sát sinh, từ bỏ lấy của không cho, từ bỏ tà hạnh trong các dục, từ bỏ nói láo, từ bỏ đắm say rượu men rượu nấu, có giới, thiện tánh, sống ở gia đình không với tâm bị cấu uế xan tham chi phối, không có nhiếc mắng chưởi rủa các sa-môn, bà-la-môn. Như vậy, này các gia chủ, là đê tiện nam sống chung với thiên nữ. Và này các gia chủ, thế nào là thiên nam sống chung với một đê tiện nữ? Ở đây, này các gia chủ, người chồng từ bỏ sát sinh ... không có nhiếc mắng chưởi rủa các sa-môn, bà-la-môn. Nhưng người vợ sát sinh, lấy của không cho ... nhiếc mắng chưởi rủa các sa-môn, bà-la-môn. Như vậy, này các gia chủ, là thiên nam sống chung với đê tiện nữ. Và này các gia chủ, thế nào là thiên nam sống chung với thiên nữ? Ở đây, này các gia chủ, người chồng từ bỏ sát sinh ... không nhiếc mắng chưởi rủa các sa-môn, bà-la-môn, và người vợ cũng là người từ bỏ sát sinh ... không nhiếc mắng chưởi rủa các sa-môn, bà-la-môn. Như vậy, này các gia chủ, là thiên nam sống chung với thiên nữ. Này các gia chủ, có bốn loại chung sống này. (AN 4:53)
(b) Làm sao có thể sống chung trong các kiếp sau Một thời, Thế Tôn trú ở giữa dân chúng Bhagga tại núi Suṃsumāra, rừng Bhesakalā, ở vườn Nai. Rồi Thế Tôn, vào buổi sáng đắp y, cầm y bát, đi đến trú xứ gia chủ cha Nakulā, sau khi đến, ngồi xuống trên chỗ đã soạn sẵn. Rồi gia chủ cha Nakulā và nữ gia chủ mẹ Nakulā đi đến Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, gia chủ cha Nakulā bạch Thế Tôn: – Từ khi nữ gia chủ mẹ Nakulā được đem về đây cho con khi con còn trẻ tuổi, con không bao giờ biết con có điều gì xâm phạm đến vợ con, cho đến ý nghĩ cũng không, chớ đừng nói gì đến thân. Vì rằng bạch Thế Tôn, chúng con muốn thấy mặt nhau trong đời này, mà còn muốn thấy mặt nhau trong đời sau nữa. Nữ gia chủ mẹ Nakulā bạch Thế Tôn: – Bạch Thế Tôn, từ khi con được đem về đây cho gia chủ cha Nakulā khi con còn trẻ tuổi, con không bao giờ biết con có điều gì xâm phạm đến gia chủ cha Nakulā, cho đến ý nghĩ cũng không, chớ đừng nói gì đến thân. Vì rằng bạch Thế Tôn, chúng con muốn thấy mặt nhau, trong đời này, mà còn muốn thấy mặt nhau trong đời sau nữa. Thế Tôn nói như sau: – Vậy này các gia chủ, khi cả hai vợ và chồng muốn thấy mặt nhau trong đời này, và cũng muốn thấy mặt nhau trong đời sau nữa, và cả hai người là đồng tín, đồng giới, đồng thí, đồng trí tuệ, thời trong đời hiện tại, các người được thấy mặt nhau, và trong đời sau, các người cũng được thấy mặt nhau. Cả hai, tín, bố thí, Ðời sống nhiều hạnh phúc, Ở đây sống theo Pháp, (AN 4:55)
(c) Bảy hạng vợ Một thời, Thế Tôn trú ở Sāvavatthī (Xá-vệ), tại Jetavana (Kỳ-đà Lâm), khu vườn ông Anāthapiṇḍika (Cấp Cô Độc). Rồi Thế Tôn đắp y, vào buổi sáng, cầm y bát, đi đến trú xứ của Anāthapiṇḍika; sau khi đến, ngồi xuống trên chỗ đã soạn sẵn. Lúc bấy giờ, trong trú xứ của gia chủ Anāthapiṇḍika có nhiều người nói cao tiếng, nói lớn tiếng. Rồi Anāthapindika đi đến Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi một bên. Thế Tôn nói với gia chủ Anāthapindika đang ngồi xuống một bên: – Này gia chủ, vì sao trong nhà của ông lại có nhiều người nói cao tiếng, nói lớn tiếng như những người đánh cá đang giành giựt cá? – Bạch Thế Tôn, có nàng dâu Sujātā giàu có đến đây từ một gia đình giàu có. Nàng không vâng lời mẹ chồng, không vâng lời cha chồng, không vâng lời chồng, cũng không cung kính, không tôn trọng, không lễ bái, không cúng dường Thế Tôn. Rồi Thế Tôn cho gọi nàng dâu Sujātā: – Hãy đến đây Sujātā! – Thưa vâng, bạch Thế Tôn. Nàng dâu Sujātā vâng đáp Thế Tôn, đi đến Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn, rồi ngồi xuống một bên. Thế Tôn nói với nàng dâu Sujātā đang ngồi một bên: – Này Sujātā có bảy hạng vợ này cho người đàn ông. Thế nào là bảy? Vợ như người sát nhân, vợ như người ăn trộm, vợ như người chủ nhân, vợ như người mẹ, vợ như người chị, vợ như người bạn, vợ như người nữ tỳ. Này Sujātā, có bảy hạng vợ cho người đàn ông. Và con thuộc hạng vợ nào? – Bạch Thế Tôn, lời dạy tóm tắt này của Thế Tôn, con không hiểu rõ ý nghĩa một cách rộng rãi. Lành thay, bạch Thế Tôn, nếu Thế Tôn, nếu Thế Tôn thuyết pháp cho con để con có thể hiểu ý nghĩa một cách rộng rãi lời dạy tóm tắt này của Thế Tôn. – Vậy này Sujātā, hãy nghe và suy nghiệm kỹ, Ta sẽ nói. – Thưa vâng Sujātā vâng đáp Thế Tôn. Thế Tôn nói như sau: Ai tâm bị uế nhiễm, Còn hạng nữ nhân nào, Không ưa thích làm việc, Ai luôn luôn từ mẫn, Ai như người em gái, Ai ở đời thấy chồng, Không tức giận, an tịnh, Ở đời các hạng vợ, Ở đời các hạng vợ, Này Sujātā, có bảy hạng vợ này đối với người đàn ông. Con thuộc hạng người nào? – Bạch Thế Tôn, bắt đầu từ hôm nay, Thế Tôn hãy xem con là người vợ đối với chồng như người vợ nữ tỳ. (AN 7:59)
3. PHÚC LỢI HIỆN TẠI, PHÚC LỢI TƯƠNG LAI Một thời, Thế Tôn trú ở giữa dân chúng Koliya, tại một thị trấn tên là Kakkarapatta. Rồi Koliya tử Dīghajānu (đầu gối dài) đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, Koliya tử Dīghajānu bạch Thế Tôn: – Bạch Thế Tôn, chúng con là những người gia chủ thọ hưởng những dục vọng, sống hệ phược với vợ con, dùng các hương chiên-đàn ở Kāsi, đeo và dùng các vòng hoa, hương liệu, phấn sáp, thọ lãnh vàng và bạc; bạch Thế Tôn, Thế Tôn hãy thuyết pháp cho những người như chúng con, thuyết như thế nào để những pháp ấy đem đến cho chúng con hạnh phúc an lạc ngay trong hiện tại, và hạnh phúc an lạc trong tương lai. – Này Byagghapajja (chân cọp), có bốn pháp này đưa đến hạnh phúc hiện tại, an lạc hiện tại cho thiện nam tử. Thế nào là bốn? Ðầy đủ sự tháo vát, đầy đủ phòng hộ, làm bạn với thiện, sống thăng bằng điều hòa. Này Byagghapajja, thế nào là đầy đủ sự tháo vát? Ở đây, này Byagghapajja, thiện nam tử làm bất cứ nghề gì để sống – nghề nông, hoặc đi buôn, hoặc nuôi bò, hoặc làm người bắn cung, hoặc làm việc cho vua, hoặc nghề gì khác – trong các nghề ấy, người ấy thiện xảo, không biết mệt, biết suy tư hiểu phương tiện vừa đủ để tự làm và điều khiển người khác làm. Này Byagghapajja, đây gọi là đầy đủ sự tháo vát. Và này Byagghapajja, thế nào là đầy đủ phòng hộ? Ở đây, này Byagghapajja, những tài sản của thiện nam tử do tháo vát tinh tấn thâu hoạch được, do sức mạnh bàn tay cất chứa được, do mồ hôi đổ ra đúng pháp, thâu hoạch được đúng pháp, vị ấy giữ gìn chúng, phòng hộ và bảo vệ: “Làm thế nào các tài sản này của ta không bị vua mang đi, không bị trộm cướp mang đi, không bị lửa đốt, không bị nước cuốn trôi, không bị các người con thừa tự không khả ái cướp đoạt.” Này Byagghapajja, đây gọi là đầy đủ sự phòng hộ. Và này Byagghapajja, thế nào là làm bạn với thiện? Ở đây, này Byagghapajja, thiện nam tử sống tại làng hay tại thị trấn. Tại đấy có gia chủ hay con người gia chủ, những trẻ được nuôi lớn trong giới đức, hay những người lớn tuổi được lớn lên trong giới đức, đầy đủ lòng tin, đầy đủ giới đức, đầy đủ bố thí, đầy đủ trí tuệ. Vị ấy đến làm quen, nói chuyện, thảo luận. Với những người đầy đủ lòng tin, vị ấy học tập với đầy đủ lòng tin. Với những người đầy đủ giới đức, vị ấy học tập với đầy đủ giới đức. Với những người đầy đủ bố thí, vị ấy học tập với đầy đủ bố thí. Với những người đầy đủ trí tuệ, vị ấy học tập với đầy đủ trí tuệ. Này Byagghapajja, đây gọi là làm bạn với thiện. Và này Byagghapajja, thế nào là sống thăng bằng, điều hòa? Ở đây, này Byagghapajja, thiện nam tử sau khi biết tài sản nhập, và sau khi biết tài sản xuất, sinh sống một cách điều hòa, không quá phung phí, không quá bỏn xẻn. Ví như, người thợ kim hoàn cầm cân hay đệ tử người ấy cầm cân, sau khi cầm cân biết rằng: “Với chừng ấy, cân nặng xuống, hay với chừng ấy, cân bổng lên.” Nếu thiện nam tử này có tiền nhập vào ít, nhưng sống nếp sống rộng rãi, hoang phí, thời người ta nói: “Người thiện nam tử này ăn tài sản của vị ấy như ăn trái cây sung.” Nếu người thiện nam tử này có tiền nhập lớn, nhưng sống nếp sống cơ cực, thời người ta sẽ nói: “Người thiện nam tử này sẽ chết như người chết đói.” Sau khi biết tài sản nhập và tài sản xuất, thiện nam tử sống không quá phung phí, không quá bỏn xẻn. Này Byagghapajja, đây gọi là nếp sống thăng bằng điều hòa. Như vậy, này Byagghapajja, có bốn cửa xuất để tiêu phí tài sản thâu nhập: Ðam mê đàn bà, đam mê rượu chè; đam mê cờ bạc; thân cận với kẻ ác. Ví như, này Byagghapajja, một hồ nước lớn, có bốn cửa nước chảy vào, có bốn cửa nước chảy ra, có người đóng lại các cửa nước chảy vào, mở ra các cửa nước chảy ra, trời lại không mưa đúng lúc, như vậy, này Byagghapajja, chờ đợi là hồ nước ấy bị giảm thiểu, không có tăng trưởng. Cũng vậy, này Byagghapajja, có bốn cửa xuất để tiêu phí tài sản được thâu nhập. Như vậy, Này Byagghapajja, có bốn cửa vào để tài sản được hưng khởi: Không say đắm đàn bà, không say đắm rượu chè; không say đắm cờ bạc; thân cận với người thiện. Ví như, này Byagghapajja, một hồ nước lớn, có bốn cửa nước chảy vào, có bốn cửa nước chảy ra, có người đóng lại các cửa nước chảy ra, mở ra các cửa nước chảy vào, và trời lại mưa đúng lúc, như vậy, này Byagghapajja, chờ đợi là hồ nước ấy tăng trưởng, không có giảm thiểu. Cũng vậy, này Byagghapajja, có bốn cửa vào để tài sản được hưng khởi. Bốn pháp kể trên, này Byagghapajja, đưa đến hạnh phúc hiện tại, an lạc hiện tại cho các thiện nam tử. Có bốn pháp này, này Byagghapajja, đưa đến hạnh phúc tương lai, an lạc tương lai cho thiện nam tử. Thế nào là bốn? Ðầy đủ lòng tin, đầy đủ giới đức, đầy đủ bố thí, đầy đủ trí tuệ. Và này Byagghapajja, thế nào là đầy đủ lòng tin? Ở đây, này Byagghapajja, thiện nam tử có lòng in, tin tưởng ở sự giác ngộ của Như Lai: “Ðây là Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Ðiều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn.” Này Byagghapajja, đây gọi là đầy đủ lòng in. Và này Byagghapajja, thế nào là đầy đủ giới đức? Ở đây, này Byagghapajja, thiện nam tử từ bỏ sát sinh, từ bỏ lấy của không cho, từ bỏ tà hạnh trong các dục, từ bỏ nói láo, từ bỏ đắm say rượu men, rượu nấu. Này Byagghapajja, đây gọi là đầy đủ giới đức. Và này Byagghapajja, thế nào là đầy đủ bố thí? Ở đây, này Byagghapajja, thiện nam tử sống ở gia đình, với tâm không bị cấu uế, xan tham chi phối, bố thí rộng rãi, với bàn tay mở rộng, vui thích từ bỏ, sẵn sàng để được yêu cầu, vui thích chia sẻ vật bố thí. Này Byagghapajja, đây gọi là đầy đủ bố thí. Và này Byagghapajja, thế nào là đầy đủ trí tuệ? Ở đây, này Byagghapajja, thiện nam tử có trí tuệ để thấy được sự sinh diệt của mọi hiện tượng, có trí tuệ cao quý and thâm sâu đưa đến tận diệt khổ đau. Này Byagghapajja, đây gọi là đầy đủ trí tuệ. Bốn pháp này, này Byagghapajja, đưa đến hạnh phúc tương lai, an lạc tương lai. (AN 8:54)
4. CHÁNH MẠNG (1) Tránh tà mạng Có năm nghề buôn bán này, này các tỳ-khưu, một đệ tử cư sĩ không nên làm. Thế nào là năm? Buôn bán đao kiếm, buôn bán người, buôn bán thịt, buôn bán rượu, buôn bán thuốc độc. (AN 5:177)
(2) Sử dụng tài sản đúng [Thế Tôn nói với gia chủ Anāthapiṇḍika:] – Này gia chủ, với tài sản thâu hoạch được do nỗ lực tinh tấn, tích lũy do sức mạnh cánh tay, do mồ hôi đổ ra, đúng pháp, thâu hoạch đúng pháp, vị thánh đệ tử là người làm được bốn hành động cao quý. Thế nào là bốn? Ở đây, này gia chủ, thánh đệ tử, với tài sản thâu hoạch được do nỗ lực tinh tấn, tích lũy được do sức mạnh cánh tay, do mồ hôi đổ ra đúng pháp, thâu hoạch đúng pháp, tự làm mình an lạc hoan hỷ và chơn chánh duy trì sự an lạc ấy; giúp cha mẹ được an lạc hoan hỷ và chơn chánh duy trì sự an lạc ấy; giúp vợ con, người phục vụ, người làm công được an lạc hoan hỷ và chơn chánh duy trì sự an lạc ấy; giúp bạn bè thân hữu được an lạc hoan hỷ và chơn chánh duy trì sự an lạc ấy. Này gia chủ, đây là trường hợp thứ nhất, vị ấy đi đến được, đạt được sự hưởng thọ đúng phương xứ. Lại nữa, này gia chủ, thánh đệ tử, với tài sản thâu hoạch được như thế, vị ấy tự làm cho mình được an toàn, chống lại những tai họa từ lửa đến, từ nước đến, từ vua đến, từ ăn trộm đến, từ các thừa tự thù nghịch đến. Này gia chủ, đây là trường hợp thứ hai, vị ấy đi đến được, đạt được sự hưởng thọ đúng phương xứ. Lại nữa, này gia chủ, vị thánh đệ tử với tài sản thâu hoạch được như thế, vị ấy tổ chức năm loại lễ hiến cúng: hiến cúng cho bà con, hiến cúng cho khách, hiến cúng cho các vong linh tổ tiên, hiến cúng cho vua, hiến cúng cho chư thiên. Này gia chủ, đây là trường hợp thứ ba, vị ấy đi đến được, đạt được sự hưởng thọ đúng phương xứ. Lại nữa, này gia chủ, thánh đệ tử với tài sản thâu hoạch được như thế, vị ấy cúng dường đến các vị sa-môn, bà-la-môn sống từ bỏ kiêu mạn, phóng dật, an trú trên nhẫn nhục, nhu hòa, an tịnh tự mình, nhiếp phục tự mình, làm lắng dịu tự mình, tiến đến Niết-bàn – sự cúng dường tối thượng, đem đến quả lạc dị thục, đưa đến thiên giới. Này gia chủ, đây là trường hợp thứ tư, vị ấy đi đến được, đạt được sự hưởng thọ đúng phương xứ. Này gia chủ, đó là bốn hành động cao quý mà vị thánh đệ tử làm được với tài sản thâu hoạch được do nỗ lực tinh tấn, tích lũy được do sức mạnh cánh tay, do mồ hôi đổ ra đúng pháp, thâu hoạch đúng pháp. Nếu tài sản của ai được tiêu dùng không đúng với bốn hành động này, tài sản ấy được gọi là tài sản không đi đến lợi ích, không đi đến thành đạt, không đạt được sự hưởng thọ đúng phương xứ. Nếu tài sản của ai được tiêu dùng đúng với bốn hành động này, tài sản ấy được gọi là tài sản đi đến lợi ích, đi đến thành đạt, đạt được sự hưởng thọ đúng phương xứ. (AN 4:61)
(3) Hạnh phúc của gia chủ Thế Tôn nói với gia chủ Anāthapiṇḍika: – Có bốn loại an lạc này, này gia chủ, người tại gia thọ hưởng các dục thâu hoạch được, tùy thời gian, tùy thời cơ khởi lên cho vị ấy. Thế nào là bốn? Lạc vì được sở hữu, lạc vì được tạo phước, lạc vì không mắc nợ, lạc vì không phạm tội. Và này gia chủ, thế nào là lạc sở hữu? Ở đây, này gia chủ, tài sản của người thiện nam tử, thâu hoạch được do nỗ lực tinh tấn, tích lũy được do sức mạnh cánh tay, do mồ hôi đổ ra đúng pháp, thâu hoạch đúng pháp. Vị ấy suy nghĩ: “Ta có tài sản, thâu hoạch được do nỗ lực tinh tấn, tích lũy được ... thâu hoạch đúng pháp.” Nghĩ vậy, vị ấy được lạc, được hỷ. Này gia chủ, đây gọi là lạc vì được sở hữu. Và này, thế nào là lạc tài sản? Ở đây, này gia chủ, thiện nam tử thọ hưởng những tài sản thâu hoạch được do nỗ lực tinh tấn, tích lũy được ... thâu hoạch đúng pháp. Vị ấy hoan hỷ làm các việc phước đức. Vị ấy nghĩ rằng: “Ta thọ hưởng những tài sản thâu hoạch được do nỗ lực tinh tấn ... thâu hoạch đúng pháp và ta làm các việc phước đức.” Nghĩ vậy vị ấy được lạc, được hỷ. Này gia chủ, đây gọi là lạc vì được tạo phước. Và này gia chủ, thế nào là lạc không mắc nợ? Ở đây, này gia chủ, vị thiện gia nam tử không có mắc nợ ai một điều gì, ít hay nhiều. Vị ấy nghĩ rằng: “Ta không có mắc nợ ai một điều gì, ít hay nhiều.” Nghĩ vậy, vị ấy được lạc, được hỷ. Này gia chủ, đây gọi là lạc vì không mắc nợ. Và này gia chủ, thế nào là lạc không phạm tội? Ở đây, này gia chủ, vị thánh đệ tử thành tựu thân hành không phạm tội, thành tựu khẩu hành không phạm tội, thành tựu ý hành không phạm tội. Vị ấy nghĩ rằng: “Ta thành tựu thân hành không phạm tội, khẩu hành không phạm tội, ý hành không phạm tội”. Nghĩ vậy, vị ấy được lạc, được hỷ. Này gia chủ, đây gọi là lạc vì không phạm tội. Có bốn loại lạc này, này gia chủ, người tại gia thọ hưởng các dục thâu hoạch được, tùy thời gian, tùy thời cơ, khởi lên cho vị ấy. (AN 4:62) 5. NGƯỜI ĐÀN BÀ TRONG GIA ĐÌNH Một thời, Thế Tôn trú ở Sāvavatthī, tại Ðông viên, lâu đài mẹ của Migāra. Rồi Visākhā, mẹ của Migāra đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Thế Tôn nói với Visākhā, mẹ của Migārā đang ngồi một bên: – Này Visākhā, đầy đủ bốn pháp, nữ nhân thành tựu sự chiến thắng ở đời này, và thành công trong đời nầy. Thế nào là bốn? Ở đây, này Visākhā, nữ nhân có khả năng khéo làm các công việc, biết thâu nhiếp các người phục vụ, sở hành vừa ý chồng, biết giữ gìn tài sản cất chứa. Này Visākhā, thế nào là nữ nhân có khả năng khéo làm các công việc? Ở đây, này Visākhā, nữ nhân phàm có những công việc trong nhà, thuộc về len hay vải bông, ở đây, nữ nhân ấy thông thạo, không biếng nhác, tự tìm phương pháp làm, vừa đủ để tự mình làm, vừa đủ để sắp đặt người làm. Như vậy, này Visākhā, là nữ nhân có khả năng khéo làm những công việc. Và này Visākhā, thế nào là nữ nhân biết thâu nhiếp các người phục vụ? Ở đây, này Visākhā, trong nhà người chồng, phàm có nô tỳ nào, hay người giúp việc, hay người công thợ, nữ nhân giám sát và biết họ đã làm đầy đủ công việc hay còn thiếu; biết họ khỏe mạnh hay đau bệnh; biết phân chia thức ăn thích ứng đến cho họ. Như vậy, này Visākhā, là nữ nhân biết thâu nhiếp những người phục vụ. Và này Visākhā, thế nào là nữ nhân sở hành vừa ý chồng? Ở đây, này Visākhā, những gì người chồng không vừa ý, nàng cũng không làm dù cho sinh mạng bị mất. Như vậy, này Visākhā, là nữ nhân sở hành vừa ý chồng. Và này Visākhā, thế nào là nữ nhân biết giữ gìn tài sản thâu hoạch được? Ở đây, này Visākhā, phàm có tiền bạc, lúa gạo, bạc và vàng mà người chồng đem về, nữ nhân ấy bảo vệ, phòng hộ chúng, giữ gìn để khỏi bọn ăn trộm, ăn cắp, kẻ uống rượu, kẻ phá hoại. Như vậy, là nữ nhân biết giữ gìn tài sản thâu hoạch được. Thành tựu bốn pháp này, này Visākhā, nữ nhân thành tựu sự chiến thắng ở đời này, và thành công trong đời nầy. Này Visākhā, đầy đủ bốn pháp, nữ nhân thành tựu sự chiến thắng ở đời sau, và thành công trong đời sau. Thế nào là bốn? Ở đây, này Visākhā, nữ nhân đầy đủ lòng tin, đầy đủ giới đức, đầy đủ bố thí, đầy đủ trí tuệ. Và này Visākhā, thế nào là nữ nhân đầy đủ lòng tin? Ở đây, này Visākhā, nữ nhân có lòng tin, tin tưởng ở sự giác ngộ của Như Lai: “Ðây là Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Ðiều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn.” Như vậy, này Visākhā, là nữ nhân đầy đủ lòng tin. Và này Visākhā, thế nào là nữ nhân đầy đủ giới đức? Ở đây, này Visākhā, từ bỏ sát sinh, từ bỏ lấy của không cho, từ bỏ tà hạnh trong các dục, từ bỏ nói láo, từ bỏ đắm say rượu men, rượu nấu. Như vậy, này Visākhā, là nữ nhân đầy đủ giới đức. Và này Visākhā, thế nào là nữ nhân đầy đủ bố thí? Ở đây, này Visākhā, nữ nhân sống ở gia đình với tâm tư từ bỏ cấu uế của xan tham, bố thí rộng rãi, với bàn tay cởi mở, vui thích từ bỏ, sẵn sàng đáp ứng các yêu cầu, vui thích chia sẻ các vật dụng bố thí. Như vậy, này Visākhā, là nữ nhân đầy đủ bố thí. Và này Visākhā, thế nào là nữ nhân đầy đủ trí tuệ? Ở đây, này Visākhā, nữ nhân có trí tuệ để thấy được sự sinh diệt của mọi hiện tượng, có trí tuệ cao quý and thâm sâu đưa đến tận diệt khổ đau. Như vậy, này Visākhā, là nữ nhân đầy đủ trí tuệ. Thành tựu bốn pháp này, này Visākhā, nữ nhân thành tựu sự chiến thắng ở đời sau, và thành công trong đời sau. (AN 8:49)
6. CỘNG ĐỒNG (1) Sáu nguyên nhân tranh chấp 6. Này Ānanda, có sáu căn bản tranh chấp này. Thế nào là sáu? Ở đây, tỳ-khưu phẫn nộ, sân hận. Này Ānanda, vị tỳ-khưu nào phẩn nộ, sân hận, vị ấy sống không cung kính, không tôn trọng bậc Ðạo sư; sống không cung kính, không tôn trọng Pháp; sống không cung kính, không tôn trọng Tăng chúng, và sống không viên mãn sự học tập. Này Ānanda, tỳ-khưu nào sống không cung kính, không tôn trọng bậc Ðạo sư; sống không cung kính, không tôn trọng Pháp; sống không cung kính, không tôn trọng Tăng chúng; và sống không viên mãn sự học tập, vị ấy khởi lên tranh chấp giữa Tăng chúng. Sự tranh chấp này đưa đến bất an cho đa số, bất hạnh cho đa số, thất lợi cho đa số, bất an, đau khổ cho loài trời, loài người. Này Ānanda, nếu ông thấy có gốc rễ tranh chấp như vậy, bên trong hay bên ngoài, ông phải tinh tấn đoạn trừ gốc rễ ác ấy. Nếu ông không thấy có gốc rễ tranh chấp như vậy, bên trong hay bên ngoài, ông phải tinh tấn ngăn ngừa để không có gốc rễ ác xẩy ra trong tương lai. Như thế, có sự đoạn diệt các gốc rễ ác của tranh chấp, có sự ngăn ngừa để không có gốc rễ ác của tranh chấp xẩy ra trong tương lai. 7-11. Lại nữa này Ānanda, vị tỳ-khưu hiềm hận não hại ... tật đố, xan tham ... gian manh, xảo trá ... ác dục tà kiến ... chấp thủ thế trí, cố chấp, khó thuyết phục. Này Ānanda, tỳ-khưu nào chấp thủ thế trí, cố chấp khó thuyết phục, vị ấy sống không cung kính, không tôn trọng bậc Ðạo sư; sống không cung kính, không tôn trọng Pháp; sống không cung kính, không tôn trọng Tăng chúng; và sống không viên mãn sự học tập. Này Ānanda, tỳ-khưu nào sống không cung kính, không tôn trọng bậc Ðạo sư; sống không cung kính, không tôn trọng Pháp; sống không cung kính, không tôn trọng Tăng chúng; và sống không viên mãn sự học tập, vị ấy khởi lên tranh chấp giữa Tăng chúng. Sự tranh chấp này đưa đến bất an cho đa số, bất hạnh cho đa số, thất lợi cho đa số, bất an, đau khổ cho loài trời, loài người. Này Ānanda, nếu ông thấy có gốc rễ tranh chấp như vậy, bên trong hay bên ngoài, ông phải tinh tấn đoạn trừ gốc rễ ác ấy. Nếu ông không thấy có gốc rễ tranh chấp như vậy, bên trong hay bên ngoài, ông phải tinh tấn ngăn ngừa để không có gốc rễ ác xẩy ra trong tương lai. Như thế, có sự đoạn diệt các gốc rễ ác của tranh chấp, có sự ngăn ngừa để không có gốc rễ ác của tranh chấp xẩy ra trong tương lai. Đó là sáu căn bản tranh chấp. (MN 104: Kinh Làng Sāma)
(2) Sáu nguyên tắc sống hòa hợp Này Ānanda, có sáu khả niệm pháp này, tác thành khả ái, tác thành tôn kính, đưa đến đoàn tụ, không tranh luận, hòa hợp, đồng nhất. Thế nào là sáu? Ở đây, này Ānanda, tỳ-khưu an trú thân nghiệp trong tâm từ đối với các vị đồng phạm hạnh, chỗ đông người và chỗ vắng người. Khả niệm pháp này, tác thành khả ái, tác thành tôn kính, đưa đến đoàn tụ, không tranh luận, hòa hợp, đồng nhất. Và lại nữa, này Ānanda, tỳ-khưu an trú khẩu nghiệp trong tâm từ đối với các vị đồng phạm hạnh, chỗ đông người và chỗ vắng người. Khả niệm pháp này, tác thành khả ái, tác thành tôn kính, đưa đến đoàn tụ, không tranh luận, hòa hợp, đồng nhất. Và lại nữa, này Ānanda, tỳ-khưu an trú ý nghiệp trong tâm từ đối với các vị đồng phạm hạnh, chỗ đông người và chỗ vắng người. Khả niệm pháp này tác thành khả ái, tác thành tôn kính, đưa đến đoàn tụ, không tranh luận, hòa hợp, đồng nhất. Và lại nữa, này Ānanda, với mọi sở đắc như pháp, mọi lợi dưỡng đúng pháp cho đến những thọ lãnh trong bình bát, tỳ-khưu là vị san sẻ các lợi dưỡng như vậy, là vị thọ hưởng chúng cùng với các vị đồng phạm hạnh có giới đức. Khả niệm pháp này cũng tác thành khả ái, tác thành tôn kính, đưa đến đoàn tụ, không tranh luận, hòa hợp, đồng nhất. Và lại nữa, này Ānanda, đối với mọi giới luật nào, không sứt mẻ, không tỳ, không vết, không ô uế, giải thoát, được người trí tán thán, không chấp thủ, đưa đến thiền định, tỳ-khưu sống thành tựu những giới luật như vậy cùng với các vị đồng phạm hạnh giữa chỗ đông người và tại chỗ vắng người. Khả niệm pháp này cũng tác thành khả ái, tác thành tôn kính, đưa đến đoàn tụ, không tranh luận, hòa hợp, đồng nhất. Và lại nữa, này Ānanda, đối với mọi tri kiến thánh thiện, đưa đến xuất ly, dẫn đến sự chơn chánh, đoạn diệt khổ đau cho những ai thực hành theo, tỳ-khưu sống thành tựu những tri kiến như vậy cùng với các vị đồng phạm hạnh trước chỗ đông người và tại chỗ vắng người. Khả niệm pháp này cũng tác thành khả ái, tác thành tôn kính đưa đến đoàn tụ, không tranh luận, hòa hợp, đồng nhất. Này Ānanda, sáu pháp khả niệm này tác thành khả ái, tác thành tôn kính, đưa đến đoàn tụ, không tranh luận, hòa hợp, đồng nhất. (MN 104: Kinh Làng Sāma)
(3) Tất cả bốn giai cấp đều có thể thanh tịnh 1. Như vầy tôi nghe. Một thời, Thế Tôn trú ở Sāvatthī (Xá-vệ), tại Jetavana (Kỳ-đà Lâm), khu vườn ông Anāthapiṇḍika (Cấp Cô Độc). 2. Lúc bấy giờ khoảng năm trăm bà-la-môn từ nhiều quốc độ khác nhau trú tại Sāvatthī vì một vài công việc. Những vị bà-la-môn ấy suy nghĩ: “Sa-môn Gotama này chủ trương cả bốn giai cấp đều có thể thanh tịnh. Ai có thể cùng với Sa-môn Gotama thảo luận vấn đề này?” 3. Lúc bấy giờ thanh niên Assalāyana trú ở Sāvatthī, trẻ tuổi, đầu cạo trọc, chỉ có mười sáu tuổi, tinh thông ba tập Veda, với tự vựng, lễ nghi, ngữ nguyên và thứ năm là các cổ truyện, thông hiểu từ ngữ và văn phạm, thâm hiểu thuận thế luận và đại nhân tướng. Rồi các bà-la-môn nghĩ rằng thanh niên ấy có thể thảo luận với Sa-môn Gotama về vấn đề này. 4. Rồi các bà-la-môn ấy đi đến thanh niên Assalāyana và nói: – Tôn giả Assalāyana, Sa-môn Gotama chủ trương cả bốn giai cấp đều có thể thanh tịnh. Tôn giả Assalāyana hãy đến thảo luận với Sa-môn Gotama về vấn đề này. Khi nghe nói vậy, thanh niên Assalāyana nói với các bà-la-môn ấy: – Sa-môn Gotama là vị nói đúng pháp. Và những ai nói đúng pháp thật rất khó thảo luận. Tôi không có thể thảo luận với Sa-môn Gotama về vấn đề này. Các bà-la-môn yêu cầu lần thứ hai, rồi lần thứ ba. Đến lần thứ ba, thanh niên Assalāyana ưng thuận. 5. Rồi thanh niên Assalāyana cùng với đại chúng bà-la-môn đi đến Thế Tôn, sau khi đến nói lên với Thế Tôn những lời chào đón hỏi thăm. Sau khi nói lên những lời chào đón hỏi thăm thân hữu, liền ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, thanh niên Assalāyana bạch Thế Tôn: – Thưa Tôn giả Gotama, các vị bà-la-môn nói như sau: “Chỉ có bà-la-môn là giai cấp tối thượng, giai cấp khác là hạ liệt; chỉ có bà-la-môn có màu da trắng, giai cấp khác có màu da đen; chỉ có bà-la-môn là được thanh tịnh, các giai cấp phi bà-la-môn không được như vậy; chỉ có bà-la-môn mới là con chính thống của Phạm thiên, sinh từ miệng Phạm thiên, do Phạm thiên sinh, do Phạm thiên tạo ra, là con cháu thừa tự của Phạm thiên.” Ở đây, Tôn giả Gotama nói thế nào? – Nhưng này Assalāyana, các nữ bà-la-môn, vợ các bà-la-môn được thấy là có kinh nguyệt, có mang thai, có sinh con, có cho con bú. Dù vậy, các vị bà-la-môn ấy sinh ra từ nữ căn lại nói: “Bà-la-môn là giai cấp tối thượng, giai cấp khác là hạ liệt; chỉ có bà-la-môn có màu da trắng, giai cấp khác có màu da đen; chỉ có bà-la-môn là được thanh tịnh, các giai cấp phi bà-la-môn không được như vậy; chỉ có bà-la-môn mới là con chính thống Phạm thiên, sinh từ miệng Phạm thiên, do Phạm thiên sinh, do Phạm thiên tạo ra, là con cháu thừa tự của Phạm thiên.” 6. – Dù Tôn giả Gotama có nói như vậy, nhưng các vị bà-la-môn vẫn tự nghĩ rằng: “Chỉ có bà-la-môn là giai cấp tối thượng, giai cấp khác là hạ liệt ... là con cháu thừa tự của Phạm thiên.” – Này Assalāyana, ông nghĩ thế nào? Ông có nghe rằng tại Yona, Kamboja và các biên địa quốc độ khác, chỉ có hai giai cấp: chủ nhân và đầy tớ. Sau khi làm chủ nhân, lại trở thành đầy tớ; sau khi làm đầy tớ, lại trở thành chủ nhân? – Thưa vâng, con có nghe như thế. – Ở đây, này Assalāyana, do luận cứ gì hay do thẩm quyền gì của các bà-la-môn mà các vị ấy lại nói: “Chỉ có giai cấp bà-la-môn là tối thượng, giai cấp khác là hạ liệt ... là con cháu thừa tự của Phạm thiên?” 7. – Dù Tôn giả Gotama có nói như vậy, nhưng ở đây vị bà-la-môn vẫn nghĩ như sau: “Chỉ có giai cấp bà-la-môn là tối thượng, giai cấp khác là hạ liệt ... là con cháu thừa tự của Phạm thiên.” – Này Assalāyana, ông nghĩ thế nào? Chỉ có người khattiya (sát-đế-lỵ) sát sinh, lấy của không cho, có tà hạnh trong các dục, nói láo, nói hai lưỡi, nói ác khẩu, nói lời phù phiếm, có tâm tham, có tâm sân, có tà kiến; sau khi thân hoại mạng chung mới bị sinh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục; còn các bà-la-môn không phải như vậy? Và chỉ có người vessa (phệ-đà) và người sudda (thủ-đà-la) sát sinh, lấy của không cho, có tà hạnh trong các dục, nói láo, nói hai lưỡi, nói ác khẩu, nói lời phù phiếm, có tham tâm, có sân tâm, có tà kiến; sau khi thân hoại mang chung, mới bị sinh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục; còn các bà-la-môn không phải như vậy? – Không phải như vậy, Tôn giả Gotama. Dù là người khattiya, vessa, sudda, hay bà-la-môn – tất cả bốn giai cấp, nếu sát sinh, lấy của không cho, có tà hạnh trong các dục, nói láo, nói hai lưỡi, nói ác khẩu, nói lời phù phiếm, có tham tâm, có sân tâm, có tà kiến; sau khi thân hoại mạng chung đều sinh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục. – Ở đây, này Assalāyana, do luận cứ gì hay do thẩm quyền gì của các bà-la-môn mà các vị ấy lại nói: “Chỉ có giai cấp bà-la-môn là tối thượng, giai cấp khác là hạ liệt ... là con cháu thừa tự của Phạm thiên?” 8. – Dù Tôn giả sa-môn có nói như vậy, nhưng ở đây, các bà-la-môn vẫn nghĩ như sau: “Chỉ có bà-la-môn là giai cấp tối thượng, giai cấp khác là hạ liệt ... là con cháu thừa tự của Phạm thiên.” – Này Assalāyana, ông nghĩ thế nào? Chỉ có bà-la-môn từ bỏ sát sinh, từ bỏ lấy của không cho, từ bỏ tà hạnh trong các dục, từ bỏ nói láo, từ bỏ nói hai lưỡi, từ bỏ ác khẩu, từ bỏ nói lời phù phiếm, không có tham tâm, không có sân tâm, có chánh kiến; sau khi thân hoại mạng chung được sinh vào cõi thiện thú, vào thiên giới; còn người khattiya, vessa, sudda không được như vậy? – Không phải vậy, Tôn giả Gotama. Dù là người khattiya, vessa, sudda, hay bà-la-môn – tất cả bốn giai cấp, nếu từ bỏ sát sinh, từ bỏ lấy của không cho, từ bỏ tà hạnh trong các dục, từ bỏ nói láo, từ bỏ nói hai lưỡi, từ bỏ ác khẩu, từ bỏ nói lời phù phiếm, không có tham tâm, không có sân tâm, có chánh kiến, thì sau khi thân hoại mạng chung, đều được sinh vào cõi thiện thú, vào thiên giới. – Ở đây, này Assalāyana, do luận cứ gì hay do thẩm quyền gì của các bà-la-môn mà các vị ấy lại nói: “Chỉ có bà-la-môn là giai cấp tối thượng, giai cấp khác là hạ liệt ... là con cháu thừa tự của Phạm thiên?” 9. – Dù Tôn giả Gotama có nói như vậy, nhưng ở đây, các bà-la-môn vẫn nghĩ rằng: “Chỉ có bà-la-môn là giai cấp tối thượng, giai cấp khác là hạ liệt ... là con cháu thừa tự của Phạm thiên.” – Này Assalāyana, ông nghĩ thế nào? Trong quốc độ này, chỉ có bà-la-môn mới có thể tu tập tâm từ, không hận, không sân; còn người khattiya, vessa, sudda không thể tu tập được? – Không phải vậy, Tôn giả Gotama. Trong quốc độ nầy, người khattiya, vessa, sudda, hay bà-la-môn – tất cả bốn giai cấp, đều có thể tu tập tâm từ, không hận, không sân. – Ở đây, này Assalāyana, do sức mạnh gì, do xác tín gì của bà-la-môn, mà các bà-la-môn lại nói: “Bà-la-môn là giai cấp tối thượng, giai cấp khác là hạ liệt ... là con cháu thừa tự của Phạm thiên?” 10. – Dù Tôn giả Gotama có nói như vậy, nhưng ở đây các bà-la-môn vẫn nghĩ rằng: “Bà-la-môn là giai cấp tối thượng, giai cấp khác là hạ liệt ... là con cháu thừa tự của Phạm thiên.” – Này Assalāyana, ông nghĩ thế nào? Chỉ có bà-la-môn mới có thể cầm bàn chải và bột tắm đi đến sông tắm sạch bụi bặm, còn người khattiya, vessa, sudda không thể làm được như thế? – Không phải vậy, thưa Tôn giả Gotama. Dù là người khattiya, vessa, sudda, hay bà-la-môn – tất cả bốn giai cấp, tất cả bốn giai cấp đều có thể cầm bàn chải và bột tắm đi đến sông tắm sạch bụi bặm. – Ở đây, này Assalāyana, do luận cứ gì hay do thẩm quyền gì của các bà-la-môn mà các vị ấy lại nói: “Bà-la-môn là giai cấp tối thượng, giai cấp khác là hạ liệt ... là con cháu thừa tự của Phạm thiên?” 11. – Dù Tôn giả Gotama có nói như vậy, nhưng ở đây các bà-la-môn vẫn nghĩ như sau: “Bà-la-môn là giai cấp tối thượng, giai cấp khác là hạ liệt ... là con cháu thừa tự của Phạm thiên.” – Này Assalāyana, ông nghĩ thế nào? Ở đây, nếu có vua khattiya đã làm lễ quán đảnh, cho hội họp một trăm người thuộc nhiều chủng tánh khác nhau và nói: “Quý vị hãy đến đây, quý vị nào thuộc gia đình khattiya, thuộc gia đình bà-la-môn, hay thuộc hoàng tộc, hãy đem đến phần trên của đồ quay lửa làm bằng loại cây tốt, quay cho lửa và sức nóng hiện ra. Rồi những người thuộc gia đình sudda, thuộc gia đình săn bắn, thuộc gia đình làm đồ tre, thuộc gia đình làm xe cộ, thuộc gia đình đổ phân, hãy đem đến phần trên của đồ quay lửa làm bằng gỗ máng cho chó ăn, hay máng cho heo ăn, hay máng giặt đồ, hay củi khô từ cây thầu dầu, và quay cho bậc lửa và sức nóng hiện ra.” Này Assalāyana, ông nghĩ thế nào? Có phải chỉ có ngọn lửa được đốt lên và sức nóng được tạo ra từ nhóm người thứ nhất là có ngọn, có màu sắc, có ánh sáng, và chỉ có ngọn lửa ấy mới dùng được vào các công việc do lửa đem lại. Còn ngọn lửa được đốt lên và sức nóng được tạo ra từ nhóm người thứ hai lại không có ngọn, không có màu sắc, không có ánh sáng, và ngọn lửa ấy không có thể dùng được vào các công việc do lửa đem lại? – Không phải vậy, thưa Tôn giả Gotama. Ngọn lửa được đốt lên và sức nóng được tạo ra từ nhóm người thứ nhất là có ngọn, có màu sắc, có ánh sáng, và ngọn lửa ấy dùng được vào các công việc do lửa đem lại. Nhưng ngọn lửa được đốt lên và sức nóng được tạo ra từ nhóm người thứ hai cũng có ngọn, có màu sắc, có ánh sáng, và ngọn lửa ấy cũng có thể dùng được vào các công việc do lửa đem lại. Bởi vì tất cả loại lửa đều có ngọn, đều có màu sắc, đều có ánh sáng, tất cả loại lửa đều có thể được dùng vào các công việc do lửa đem lại. – Ở đây, này Assalāyana, do luận cứ gì hay do thẩm quyền gì của các bà-la-môn mà các vị ấy lại nói: “Bà-la-môn là giai cấp tối thượng, giai cấp khác là hạ liệt ... là con cháu thừa tự của Phạm thiên?” 12. – Dù Tôn giả Gotama có nói như vậy, nhưng ở đây các bà-la-môn vẫn nghĩ như sau: “Bà-la-môn là giai cấp tối thượng, giai cấp khác là hạ liệt ... là con cháu thừa tự của Phạm thiên.” – Này Assalāyana, ông nghĩ thế nào? Ở đây, một nam tử khattiya cưới một nữ nhân bà-la-môn làm vợ. Do hôn phối này, họ sinh được đứa con trai. Ðứa con trai ấy sinh ra từ nam tử khattiya và nữ nhân bà-la-môn. Nó được gọi là khattiya theo cha nó, hay được gọi là bà-la-môn theo mẹ nó? – Thưa Tôn giả Gotama, đứa con trai ấy có thể được gọi cả hai. 13. – Này Assalāyana, ông nghĩ thế nào? Ở đây, một nam tử bà-la-môn cưới một nữ nhân khattiya và do hôn phối này, họ sinh được đứa con trai. Ðứa con trai ấy sinh ra từ nam tử khattiya và nữ nhân bà-la-môn. Nó được gọi là bà-la-môn theo cha nó, hay được gọi là khattiya theo mẹ nó? – Thưa Tôn giả Gotama, đứa con trai ấy có thể được gọi cả hai. 14. – Này Assalāyana, ông nghĩ thế nào? Ở đây, có con ngựa cái giao phối với con lừa. Do sự giao phối này, chúng sinh được con thú nhỏ. Con thú ấy được gọi là ngựa, hay nó được gọi là lừa? – Tôn giả Gotama, do sự giao phối khác giống như vậy, nó là con la. Ðó là sự sai biệt tôi thấy trong trường hợp nầy. Nhưng tôi không thấy sự sai biệt gì trong hai trường hợp trên. 15. – Này Assalāyana, ông nghĩ thế nào? Ở đây, có hai anh em thanh niên cùng một mẹ; một người đọc tụng, thông hiểu thánh điển; một người không đọc tụng, không hiểu thánh điển. Ở đây, giữa hai vị này, các bà-la-môn sẽ cúng dường ai trước trong các tang lễ, trong các lễ tế đàn, trong các lễ hy sinh, hay trong các bữa tiệc đãi khách? – Thưa Tôn giả Gotama, vị thanh niên nào đọc tụng, thông hiểu thánh điển, các bà-la-môn sẽ cúng dường cho người ấy trước. Bởi vì, cúng dường cho người không đọc tụng, không thông hiểu thánh điển thì làm sao có quả báo lớn được! 16. – Này Assalāyana, ông nghĩ thế nào? Ở đây, có hai anh em thanh niên bà-la-môn cùng một mẹ; một người đọc tụng thông hiểu thánh điển, theo ác giới, hành ác pháp; một người không đọc tụng, không thông hiểu thánh điển, nhưng trì giới, hành thiện pháp. Ở đây, giữa hai vị này, các bà-la-môn sẽ cúng dường ai trước trong các tang lễ, trong các lễ tế đàn, trong các lễ hy sinh, hay trong các bữa tiệc đãi khách? – Thưa Tôn giả Gotama, vị thanh niên nào không đọc tụng, không thông hiểu thánh điển, nhưng trì giới, hành thiện pháp; các bà-la-môn sẽ cúng dường cho người ấy trước. Bởi vì cúng dường cho người theo ác giới, hành ác pháp thì làm sao có quả báo lớn được! 17. – Này Assalāyana, trước hết ông dựa vào sinh chủng, sau đó, ông dựa vào sự học thánh điển. Rồi sau đó, ông đi đến sự thanh tịnh của bốn giai cấp mà Ta đã chủ trương. Nghe nói vậy, thanh niên Assalāyana ngồi im lặng, ủ rũ, co vai, cúi đầu, sửng sờ, mở miệng không ra lời. (MN 93: Kinh Assalāyana)
(4) Bảy nguyên tắc giúp xã hội được bền vững 1.1. Như vầy tôi nghe. Một thời Thế Tôn ở tại Rājagaha (Vương Xá), trên núi Gijjhakūta (Linh Thứu). Lúc bấy giờ, Ajātasattu Vedehiputta (A-xà-thế, con bà Vi-đề-hi), vua nước Magadha (Ma-kiệt-đà), muốn chinh phục dân Vajjī (Bạc-kỳ). Vua tự nói: “Ta quyết chinh phạt dân Vajjī này, dù chúng có uy quyền, có hùng mạnh; ta quyết làm cỏ dân Vajjī; ta sẽ tiêu diệt dân Vajjī; ta sẽ làm cho dân Vajjī bị hoại vong”. 1.2. Rồi Ajātasattu Vedehiputta, vua nước Magadha, nói với bà-la-môn Vassakāra (Vũ-xá), đại thần nước Magadha: – Này bà-la-môn, hãy đi đến Thế Tôn, và nhân danh ta, cúi đầu đảnh lễ chân Ngài, vấn an Ngài có thiểu bệnh, thiểu não, khinh an, khỏe mạnh, lạc trú: “Bạch Thế Tôn, Ajātasattu Vedehiputta, vua nước Magadha cúi đầu đảnh lễ chân Thế Tôn, vấn an Ngài có thiểu bệnh, thiểu não, khinh an, lạc trú.” Và khanh bạch tiếp: “Bạch Thế Tôn, Ajātasattu Vedehiputta, vua nước Magadha muốn chinh phục dân Vajjī, vua tự nói: ‘Ta quyết chinh phạt dân Vajjī này, dù chúng có uy quyền, có hùng mạnh; ta quyết làm cỏ dân Vajjī; ta sẽ tiêu diệt dân Vajjī; ta sẽ làm cho dân Vajjī bị hoại vong.’” Thế Tôn trả lời khanh thế nào, hãy ghi nhớ kỹ và nói lại ta biết. Các bậc Thế Tôn không bao giờ nói lời hư vọng. 1.3. – Ðại vương, xin vâng! Bà-la-môn Vassakāra, đại thần nước Magadha vâng theo lời dạy của Ajātasattu Vedehiputta, vua nước Magadha, cho thắng những cỗ xe thù thắng, tự mình cỡi lên một chiếc, cùng với các cỗ xe ấy đi ra khỏi Rājagaha (Vương Xá), đến tại núi Linh Thứu. Đi xe đến chỗ còn dùng xe được, rồi xuống xe đi bộ đến chỗ Thế Tôn. Khi đến liền nói những lời chào đón hỏi thăm xã giao với Thế Tôn, rồi ngồi xuống một bên. Sau khi ngồi xuống một bên, bà-la-môn Vassakāra, đại thần nước Magadha, bạch Thế Tôn: – Tôn giả Gotama, Ajātasattu Vedehiputta, vua nước Magadha cúi đầu đảnh lễ chân Tôn giả Gotama, vấn an ngài có thiểu bệnh, thiểu não, khinh an, khỏe mạnh, lạc trú. Tôn giả Gotama, Ajātasattu Vedehiputta, vua nước Magadha muốn chinh phục dân xứ Vajjī. Vua tự nói: “Ta quyết chinh phạt dân Vajjī này, dù chúng có uy quyền, có hùng mạnh, ta quyết làm cỏ dân Vajjī, ta sẽ tiêu diệt dân Vajjī, ta sẽ làm cho dân Vajjī bị hoại vọng.” 1.4. – Lúc bấy giờ, Tôn giả Ānanda đứng quạt sau lưng Thế Tôn. Thế Tôn nói với Tôn giả Ānanda: (1) – Này Ānanda, ông có nghe dân Vajjī thường hay tụ họp và tụ họp đông đảo với nhau không? – Bạch Thế Tôn, con có nghe dân Vajjī thường hay tụ họp và tụ họp đông đảo. – Này Ānanda, khi nào dân Vajjī thường hay tụ họp và tụ họp đông đảo với nhau, dân Vajjī sẽ được cường thịnh, không bị suy giảm. (2) Này Ānanda, ông có nghe dân Vajjī tụ họp trong niệm đoàn, kết giải tán trong niệm đoàn kết, và làm việc trong niệm đoàn kết không? – Bạch Thế Tôn, con có nghe dân Vajjī tụ họp trong niệm đoàn kết, giải tán trong niệm đoàn kết, và làm việc trong niệm đoàn kết. – Này Ānanda, khi nào nghe dân Vajjī tụ họp trong niệm đoàn kết, giải tán trong niệm đoàn kết, và làm việc trong niệm đoàn kết, dân Vajjī sẽ được cường thịnh, không bị suy giảm. (3) Này Ānanda, ông có nghe dân Vajjī không ban hành những luật lệ không được ban hành, không hủy bỏ những luật lệ đã được ban hành, sống đúng với những gì đã được ban hành theo truyền thống cổ xưa không? – Bạch Thế Tôn, con nghe dân Vajjī không ban hành những luật lệ không được ban hành, không hủy bỏ những luật lệ đã được ban hành, sống đúng với những gì đã được ban hành theo truyền thống cổ xưa. – Này Ānanda, khi nào dân Vajjī, không ban hành những luật lệ đã không được ban hành, không hủy bỏ những luật lệ đã được ban hành, sống đúng với những gì đã được ban hành theo truyền thống cổ xưa, dân Vajjī sẽ được cường thịnh, không bị suy giảm. (4) Này Ānanda, ông có nghe dân Vajjī tôn sùng, kính trọng, đảnh lễ, cúng dường các bậc trưởng lão Vajjī và nghe theo lời dạy của những vị này không? – Bạch Thế Tôn, con có nghe dân Vajjī tôn sùng, kính trọng, đảnh lễ, cúng dường các bậc trưởng lão Vajjī và nghe theo lời dạy của những vị này. – Này Ānanda, khi nào dân Vajjī tôn sùng, kính trọng, đảnh lễ, cúng dường các bậc trưởng lão Vajjī và nghe theo lời dạy của những vị này, dân Vajjī sẽ được cường thịnh, không bị suy giảm. (5) Này Ānanda, ông có nghe dân Vajjī không có bắt cóc và cưỡng ép những phụ nữ và thiếu nữ Vajjī phải sống với mình không? – Bạch Thế Tôn, con có nghe dân Vajjī không có bắt cóc và cưỡng ép những phụ nữ và thiếu nữ Vajjī phải sống với mình. – Này Ānanda, khi nào Vajjī không có bắt cóc và cưỡng ép những phụ nữ và thiếu nữ Vajjī phải sống với mình, dân Vajjī sẽ được cường thịnh, không bị suy giảm. (6) Này Ānanda, ông có nghe dân Vajjī tôn sùng, kính trọng, đảnh lễ, cúng dường các tự miếu của Vajjī ở trong và ngoài tỉnh thành, không bỏ phế các cúng lễ đã cúng từ trước, đã làm từ trước đúng với quy pháp không? – Bạch Thế Tôn, con có nghe dân Vajjī tôn sùng, kính trọng, đảnh lễ, cúng dường các tự miếu của Vajjī ở trong và ngoài tỉnh thành, không bỏ phế các cúng lễ đã cúng từ trước, đã làm từ trước đúng với quy pháp. – Này Ānanda, khi nào dân Vajjī tôn sùng, kính trọng, đảnh lễ, cúng dường các tự miếu của Vajjī ở trong và ngoài tỉnh thành, không bỏ phế các cúng lễ đã cúng từ trước, đã làm từ trước đúng với quy pháp, dân Vajjī sẽ được cường thịnh, không bị suy giảm. (7) Này Ānanda, ông có nghe dân Vajjī bảo hộ, che chở, ủng hộ đúng pháp các vị A-la-hán, khiến các vị A-la-hán chưa đến sẽ đến ở tại đấy, và những vị A-la-hán đã đến được sống an lạc không? – Bạch Thế Tôn, con nghe dân Vajjī bảo hộ, che chở, ủng hộ đúng pháp các vị A-la-hán, khiến các vị A-la-hán chưa đến sẽ đến ở tại đấy, và những vị A-la-hán đã đến được sống an lạc. – Này Ānanda, khi nào dân Vajjī bảo hộ, che chở, ủng hộ đúng pháp các vị A-la-hán, khiến các vị A-la-hán chưa đến sẽ đến ở tại đấy, và những vị A-la-hán chưa đến sẽ đến trong xứ và những vị A-la-hán đã đến được sống an lạc, dân Vajjī sẽ được cường thịnh, không bị suy giảm. 1.5. Rồi Thế Tôn nói với bà-la-môn Vassakāra, đại thần nước Magadha: – Này bà-la-môn, một thời Ta sống ở Vesāli, tại tự miếu Sārandada, Ta dạy cho dân Vajjī bảy pháp bất thối này. Này bà-la-môn, khi nào bảy pháp bất thối được duy trì giữa dân Vajjī, khi nào dân Vajjī được giảng dạy bảy pháp bất thối này, thời bà-la-môn, dân Vajjī sẽ được cường thịnh, không bị suy giảm. Khi được nói vậy, bà-la-môn Vassakāra, đại thần nước Magadha bạch Thế Tôn: – Tôn giả Gotama, nếu dân Vajjī chỉ hội đủ một pháp bất thối này, thời dân Vajjī nhất định được cường thịnh, không bị suy giảm, huống nữa là đủ cả bảy pháp bất thối. Tôn giả Gotama, Ajātasattu Vedehiputta, vua nước Magadha không thể đánh bại dân Vajjī ở chiến trận trừ phi dùng ngoại giao hay kế ly gián. Tôn giả Gotama, nay chúng con phải đi, chúng con có nhiều việc và có nhiều bổn phận. – Này bà-la-môn, ông hãy làm những gì ông nghĩ là hợp thời. Bà-la-môn Vassakāra, vị đại thần nước Magadha hoan hỷ, tán thán lời dạy của Thế Tôn, từ chỗ ngồi đứng dậy và từ biệt. 1.6. Khi bà-la-môn Vassakāra đi chưa bao lâu, Thế Tôn nói với Tôn giả Ānanda: – Này Ānanda, ông hãy đi tập họp tại giảng đường tất cả những vị tỳ-khưu sống gần Rājagaha (Vương Xá). – Xin vâng, bạch Thế Tôn! Tôn giả Ānanda vâng theo lời dạy Thế Tôn, đi tập họp tất cả những vị tỳ-khưu sống gần Vương Xá rồi đi đến Thế Tôn, đảnh lễ Ngài, đứng một bên và bạch Thế Tôn: – Bạch Thế Tôn, tỳ-khưu Tăng đã tụ họp. Bạch Thế Tôn, Ngài hãy làm những gì Ngài nghĩ là hợp thời. Rồi Thế Tôn, từ chỗ ngồi đứng dậy, đi đến giảng đường, ngồi trên chỗ ngồi đã soạn sẵn và nói với các vị tỳ-khưu: – Này các tỳ-khưu, Ta sẽ giảng bảy pháp bất thối. Hãy nghe và suy nghiệm kỹ. Ta sẽ giảng. – Xin vâng, bạch Thế Tôn! Những vị tỳ-khưu ấy trả lời Thế Tôn. Thế Tôn giảng như sau: – (1) Này các tỳ-khưu, khi nào chúng tỳ-khưu thường xuyên tụ họp với nhau, chúng tỳ-khưu sẽ được cường thịnh, không bị suy giảm. (2) Này các tỳ-khưu, khi nào chúng tỳ-khưu tụ họp trong niệm đoàn kết, giải tán trong niệm đoàn kết, và làm việc Tăng sự trong niệm đoàn kết, chúng tỳ-khưu sẽ được cường thịnh, không bị suy giảm. (3) Này các tỳ-khưu, khi nào chúng tỳ-khưu không ban hành những luật lệ đã không được ban hành, không hủy bỏ những luật lệ đã được ban hành, sống đúng với những học giới được ban hành, chúng tỳ-khưu sẽ được cường thịnh, không bị suy giảm. (4) Này các tỳ-khưu, khi nào chúng tỳ-khưu tôn sùng, kính trọng, đảnh lễ, cúng dường các bậc tỳ-khưu thượng tọa giàu kinh nghiệm, niên cao lạp trưởng, bậc cha và bậc thầy của chúng Tăng và nghe theo lời dạy của những vị này, chúng tỳ-khưu sẽ được cường thịnh, không bị suy giảm. (5) Này các tỳ-khưu, khi nào chúng tỳ-khưu không bị chi phối bởi tham ái đưa đến tái sinh, chúng tỳ-khưu sẽ được cường thịnh, không bị suy giảm. (6) Này các tỳ-khưu, khi nào chúng tỳ-khưu thích sống tại những chỗ nhàn tịnh, chúng tỳ-khưu sẽ được cường thịnh, không bị suy giảm. (7) Này các tỳ-khưu, khi nào chúng tỳ-khưu tự thân an trú chánh niệm, khiến các bạn đồng tu chưa đến muốn đến ở, và các bạn đồng tu đã đến ở, được sống an lạc, chúng tỳ-khưu sẽ được cường thịnh, không bị suy giảm. Này các tỳ-khưu, khi nào bảy pháp bất thối này được duy trì giữa các vị tỳ-khưu, khi nào các vị tỳ-khưu được dạy bảy pháp bất thối này, chúng tỳ-khưu sẽ được cường thịnh, không bị suy giảm. (DN 16: Đại kinh Bát-niết-bàn) (5) Vị Chuyển luân Thánh vương 3. Này các tỳ-khưu, sau nhiều năm, nhiều trăm năm, nhiều ngàn năm, vua Daḷhanemi cho gọi một người và bảo: – Này khanh, khi nào khanh thấy thiên bảo luân có lặn xuống một ít, có rời khỏi vị trí cũ, thì báo cho Ta biết. – Tâu Ðại vương, xin vâng! Này các tỳ-khưu người ấy vâng theo lời dạy vua Daḷhanemi. Này các tỳ-khưu, sau nhiều năm, nhiều trăm năm, nhiều ngàn năm, người ấy thấy thiên bảo luân lặn xuống một ít, có rời khỏi vị trí cũ. Thấy vậy, người ấy liền đến vua Daḷhanemi, khi đến xong, liền báo cho vua biết: – Ðại vương có biết chăng, thiên bảo luân của Ngài đã lặn xuống một ít, đã rời khỏi vị trí cũ? Này các tỳ-khưu, vua Daḷhanemi liền cho mời thái tử và nói rằng: – Này thái tử thân yêu, thiên bảo luân của ta đã lặn xuống một ít, đã rời khỏi vị trí cũ. Ta nghe nói như sau: “Nếu thiên bảo luân của Chuyển luân Pháp vương lặn xuống và rời khỏi vị trí cũ, thời vua còn sống không bao lâu nữa”. Ta đã thọ hưởng dục lạc loài người một cách đầy đủ. Nay đã đến lúc tìm cầu dục lạc chư thiên. Này thái tử thân yêu, hãy trị vì trái đất này cho đến hải biên. Ta sẽ cạo bỏ râu tóc, đắp áo cà sa, xuất gia từ bỏ gia đình, sống không gia đình. Này các tỳ-khưu, vua Daḷhanemi sau khi đã khéo đặt hoàng tử con đầu trên ngôi vương vị, liền cạo bỏ râu tóc, đắp áo cà sa, xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình. Này các tỳ-khưu, sau khi vị vua hiền triết xuất gia bảy ngày, thiên bảo luân liền biến mất. 4. Này các tỳ-khưu, một người khác đi đến vua Quán đảnh Sát-đế-lỵ, khi đến xong liền tâu vua Quán đảnh Sát-đế-lỵ: – Tâu Ðại vương, Ngài đã biết thiên bảo luân đã biến mất chưa? Này các tỳ-khưu, khi vua Quán đảnh Sát-đế-lỵ nghe tin thiên bảo luân đã biến mất, liền không được vui, cảm thấy sầu muộn. Rồi vua ấy đến chỗ vua cha hiền triết ở, và thưa với vua cha hiền triết: – Ðại vương có biết chăng, thiên bảo luân đã biến mất? Này các tỳ-khưu, khi nghe nói vậy, vua cha hiền triết nói với vua Quán đảnh Sát-đế-lỵ: – Này thái tử thân yêu, chớ có không vui vẻ, chớ có sầu muộn. Này thái tử thân yêu, thiên bảo luân không phải là gia bảo tổ tiên để lại. Này thái tử thân yêu, hãy hành trì Thánh vương Chánh pháp. Sự tình này sẽ xảy ra, khi con hành trì Thánh vương Chánh pháp vào ngày rằm bố-tát, con gội đầu trai giới, đi lên lầu cao, thì thiên bảo luân sẽ hiện ra đầy đủ ngàn căm, vành xe, trục xe và đầy đủ các bộ phận. 5. - Tâu Ðại vương, thế nào là Thánh vương Chánh pháp? – Này thái tử thân yêu, con y cứ vào Pháp, kính trọng Pháp, cung kính Pháp, đảnh lễ Pháp, cúng dường Pháp, tôn trọng Pháp, tự con trở thành Pháp tràng, Pháp kỳ, xem Pháp là thầy, tự trở thành người bảo vệ hợp pháp cho những người trong dòng tộc, cho quân đội, cho sát-đế-lỵ và quần thần, cho bà-la-môn và gia chủ, cho thị dân và thôn dân, cho sa-môn và bà-la-môn, cho các loài thú và loài chim. Đừng để tội phạm lấn áp trong quốc độ của con. Hãy chia tài sản cho những người đang cần đến. Nếu trong quốc độ có những sa-môn và bà-la-môn từ bỏ dục vọng, không phóng dật, thực thành nhẫn nhục từ ái, nhiếp phục tự kỷ, an chỉ tự kỷ, giải thoát tự kỷ, thỉnh thoảng con đến gặp các vị ấy và hỏi: “Này các tôn giả, thế nào là thiện, thế nào là bất thiện, thế nào là có tội, thế nào là không có tội, như thế nào nên thực hành, như thế nào không nên thực hành, hành động như thế nào lâu ngày sẽ đem lại bất lợi và đau khổ, hành động như thế nào lâu ngày sẽ đem lại lợi ích và hạnh phúc?” Con hãy nghe họ, tránh làm điều bất thiện và cố gắng làm điều thiện. Như vậy là Thánh vương Chánh pháp. – Thưa vâng, tâu Ðại vương! Này các tỳ-khưu, vua Quán đảnh Sát-đế-lỵ trả lời vua cha hiền triết và thực hành Thánh vương Chánh pháp. Khi thực hành Thánh vương Chánh pháp vào ngày rằm bố-tát, vua gội đầu trai giới, đi lên lầu cao, thì thiên bảo luân hiện ra đầy đủ ngàn căm, vành xe, trục xe và đầy đủ các bộ phận. Thấy vậy vua Quán đảnh Sát-đế-lỵ nghĩ rằng: “Ta được nghe nói như sau: ‘Khi Quán đảnh vương Sát-đế-lỵ nào vào ngày rằm bố tát thấy thiên bảo luân hiện ra đầy đủ như thế, thì vị vua ấy là Chuyển luân Thánh vương.’ Như vậy phải chăng ta là Chuyển luân Thánh vương?” 6. Này các tỳ-khưu, vua Quán đảnh Sát-đế-lỵ từ chỗ ngồi đứng dậy, đắp thượng y qua một bên vai, tay trái cầm bình nước, tay mặt tưới nước trên bảo luân và nói: “Hãy lăn, này thiên bảo luân, hãy nhiếp phục tất cả.” Bảo luân lăn về hướng đông, Chuyển luân Thánh vương theo sau cùng với bốn loại binh chủng. Và này các tỳ-khưu, chỗ nào bảo luân ấy dừng lại, chỗ ấy Chuyển luân Thánh vương an trú, cùng với bốn loại binh chủng. Này các tỳ-khưu, các vị vua chư hầu ở hướng đông đều đến yết kiến Chuyển luân Thánh vương và nói: – Hãy đến đây, Ðại vương! Thiện lai, Ðại vương! Tất cả đều thuộc của Ðại vương! Ðại vương hãy thuyết giảng! Chuyển luân Thánh vương bèn nói: – Chớ có sát sinh! Chớ có lấy của không cho! Chớ có sống tà hạnh trong các dục! Chớ có nói láo! Chớ có uống rượu! Và hãy thọ hưởng theo những gì đã có để thọ hưởng! Này các tỳ-khưu, các vị vua thù nghịch ở hướng Ðông đều trở thành chư hầu của Chuyển luân Thánh vương. 7. Này các tỳ-khưu, bảo luân ấy chìm xuống biển hướng Ðông, vượt qua biển ấy, lăn về hướng Nam ... trở thành chư hầu Chuyển luân Thánh vương. Này các tỳ-khưu, rồi bảo luân ấy chìm xuống biển hướng Nam, vượt qua biển ấy, lăn về hướng Tây ... trở thành chư hầu Chuyển luân Thánh vương. Này các tỳ-khưu, rồi bảo luân chìm xuống biển hướng Tây, vượt qua biển ấy, lăn về hướng Bắc ... trở thành chư hầu Chuyển luân Thánh vương. Này các tỳ-khưu, khi bảo luân ấy chinh phục quả đất cho đến hải biên, liền trở về kinh đô, và đứng lại trước cửa điện, trong nội cung Chuyển luân Thánh vương và chói sáng nội cung của vua. (DN 26: Kinh Chuyển luân Thánh vương Sư tử hống)
(6) Đem an bình đến cho xứ sở 9. Sau khi ngồi xuống một bên, bà-la-môn Kūtạdanta bạch Thế Tôn: – Tôn giả Gotama, tôi được nghe như sau: “Sa-môn am hiểu ba cách thức tế tự và mười sáu tế vật.” Tôi không biết đến các điều đó, nhưng tôi muốn cử hành đại tế tự. Tốt đẹp thay nếu Tôn giả Gotama giảng cho tôi về các điều đó. – Này bà-la-môn, vậy người hãy nghe và suy nghĩ kỹ, ta sẽ nói: – Dạ vâng. Bà-la-môn Kūtạdanta trả lời Thế Tôn. Thế Tôn thuyết như sau: 10. – Này bà-la-môn, thuở xưa có vị vua tên là Mahāvijita, giàu có, đại phú, tài sản sung mãn, có nhiều vàng bạc, có nhiều vật dụng, có nhiều tài vật ngũ cốc, kho tàng sung mãn. Này bà-la-môn, một hôm trong khi vua Mahāvijita đang ngồi yên lặng tại một tịnh xứ, sự suy tư sau đây được khởi lên: “Ta nay đặng vô lượng tài sản thuộc nhân gian, chinh phục đại địa cầu và sống an trú như vậy. Ta hãy tổ chức đại tế đàn, và nhờ vậy ta sẽ hưởng được hạnh phúc an lạc lâu ngày”. Vua Mahāvijita liền cho mời vị bà-la-môn chủ tế, nói lên sự suy tư ấy và nói tiếp: “Này bà-la-môn, ta muốn tổ chức đại tế đàn, khanh hãy khuyên ta như thế nào để ta được hưởng hạnh phúc an lạc lâu ngày?” 11. Này bà-la-môn, khi nghe nói vậy, vị bà-la-môn chủ tế tâu với vua Mahāvijita như sau: “Tâu Ðại vương, vương quốc này chịu tai ương, chịu ách nạn, đầy rẫy bọn cướp làng, đầy rẫy bọn cướp ấp, đầy rẫy bọn cướp đô thị, đầy rẫy bọn cướp đường. Trong quốc độ chịu tai ương, chịu ách nạn như vậy, nếu Đại vương đánh thuế má mới, như vậy không phải là điều đúng nên làm. Nếu Đại vương có ý nghĩ: ‘Ta hãy trừ diệt bọn giặc cỏ này, hoặc bằng tử hình, hoặc bằng cấm cố, hoặc bằng phạt vạ, hoặc bằng khiển trách, hoặc bằng tẩn xuất.’ Nhưng bọn giặc cỏ này sẽ không được trừ diệt một cách hoàn toàn. Những bọn còn sót lại, không bị hình phạt, về sau lại tiếp tục hoành hành vương quốc này. Nhưng nếu làm theo phương pháp sau đây, bọn giặc cỏ ấy sẽ được trừ diệt một cách hoàn toàn. Những vị nào trong quốc độ có nỗ lực về nông nghiệp và mục súc, Đại vương hãy cấp cho hột giống và thực vật. Những vị nào trong quốc độ có nỗ lực về thương nghiệp, Đại vương hãy cấp cho vốn đầu tư. Những vị nào trong quốc độ có nỗ lực làm việc cho chính phủ, Đại vương hãy cấp cho vật thực và lương bổng. Như thế, những người ấy sẽ chuyên tâm vào nghề nghiệp riêng của mình, sẽ không nhiễu hại quốc độ nhà vua. Ngân quỹ nhà vua sẽ được dồi dào, quốc độ sẽ được an cư lạc nghiệp, không có tai ương, ách nạn. Dân chúng sẽ hoan hỷ vui vẻ, vui chơi với trẻ con, sống với nhà cửa mở rộng.” – Này bà-la-môn, vua Mahāvijita nghe theo lời khuyên của vị bà-la-môn chủ tế. Những vị nào có nỗ lực về nông nghiệp và mục súc, nhà vua cấp cho hột giống và thực vật. Những vị nào có nỗ lực về thương nghiệp, nhà vua cấp cho vốn đầu tư. Những vị nào có nỗ lực làm việc cho chính phủ, nhà vua cấp cho vật thực và lương bổng. Như thế, những người ấy chuyên tâm vào nghề nghiệp riêng của mình, sẽ không nhiễu hại quốc độ nhà vua. Ngân quỹ nhà vua được dồi dào, quốc độ được an cư lạc nghiệp, không có tai ương, ách nạn. Dân chúng hoan hỷ vui vẻ, vui chơi với trẻ con, sống với nhà cửa mở rộng. (DN 5: Kinh Cứu-la-đàn-đầu) |
Tải sách, dạng PDF:
http://budsas.net/sach/vn24a5p-v3.pdf (version 3, dung
lượng 3 MB) Sách nói (audio book): * Nghe online: * Nghe trên Youtube: * Tải về các tập tin âm thanh audio-MP3 cho
từng chương: * Quý vị có thể tải về toàn bộ 49 tập tin âm thanh (MP3, audio files) sách nói, nén lại trong 3 tập tin (Zip):
|
[ Home ]
03-09-2017