Đàm luận Phật Pháp
- 132 -
In the Buddha’s Words – An Anthology
of Discourses from the Pāli Canon
Bhikkhu Bodhi (2005)
Những lời Phật dạy – Trích lục các bài giảng trong kinh điển Pāli
Tỳ-khưu Bodhi
(2017)
KINH ĐIỂN PĀLI
nlpd0-1.jpg 1376 * 800 |
nlpd0-2.jpg 1090 * 728 |
nlpd0-3.jpg 1185 * 816 |
nlpd0-4.jpg 1096 * 712 |
nlpd0-5.jpg 1090 * 739 |
nlpd0-6.jpg 1091 * 771 |
nlpd0-7.jpg 1314 * 800 |
nlpd0-8.jpg 1032 * 800 |
Tải sách, dạng PDF:
http://budsas.net/sach/vn24a5p-v3.pdf (version 3, dung
lượng 3 MB) Sách nói (audio book): * Nghe online: * Nghe trên Youtube: * Tải về các tập tin âm thanh audio-MP3 cho
từng chương: * Quý vị có thể tải về toàn bộ 49 tập tin âm thanh (MP3, audio files) sách nói, nén lại trong 3 tập tin (Zip):
|
LỜI NÓI ĐẦU Các bài giảng của Đức Phật được bảo tồn trong Kinh điển Pāli được gọi là các sutta, tiếng Sanskrit tương đương là sūtra. Mặc dù kinh điển Pāli thuộc về một bộ phái Phật giáo – bộ phái Theravāda hay Thượng tọa bộ – không có nghĩa là các bài kinh nầy chỉ dành riêng cho Theravāda. Các bài kinh ấy bắt nguồn từ giai đoạn sớm nhất của lịch sử văn học Phật giáo, một giai đoạn kéo dài khoảng một trăm năm sau khi Đức Phật nhập diệt, trước khi cộng đồng Phật giáo nguyên thủy phân chia thành nhiều bộ phái khác nhau. Các bài kinh Pāli có các bài kinh tương ứng trong các bộ phái Phật giáo sơ kỳ khác – các bộ phái nầy nay không còn hiện hữu, kinh văn đôi khi cũng rất giống bản Pāli, khác nhau chủ yếu là về bối cảnh và cách bố trí nhưng không khác nhau về mặt giáo lý. Các bài ầy là những văn bản cổ xưa nhất về lời dạy của Đức Phật mà chúng ta có được ngày nay; đó là những gì gần nhất với các bài giảng của Đức Phật lịch sử. Những lời dạy được tìm trong đó là đầu nguồn của tất cả những dòng chảy tiến hóa của giáo lý và thực hành trong đạo Phật qua nhiều thế kỷ. Vì lý do đó, các bài kinh tạo thành một di sản g cho tất cả mọi truyền thống Phật giáo, và Phật tử của tất cả các tông phái muốn hiểu được cội rễ của Phật giáo cần phải đặt ưu tiên trong việc nghiên cứu học tập các bài kinh nầy. Trong kinh điển Pāli, các bài giảng của Đức Phật được sưu tập trong các bộ kinh Nikāya. Trong hai mươi năm qua, các bản dịch mới bằng tiếng Anh của bốn bộ kinh Nikāya chính đã được in ra trong các ấn bản in đẹp và vừa túi tiền. Nhiều người sau khi đọc các bộ kinh nầy đã nói với tôi rằng các bản dịch đó đã giúp họ hiểu biết rõ ràng hơn. Tuy nhiên, những người khác khi cố gắng tìm đọc các bản kinh Nikaya lại nói với tôi khác hơn. Họ nói rằng trong khi các bản dịch nầy đọc dễ hiểu hơn các bản dịch trước đó, họ vẫn cảm thấy khó khăn không thể thấy được cấu trúc tổng quát của các bài kinh, một khung sườn trong đó các bài kinh được sắp xếp. Ngay chính các bộ Nikāya không giúp gì nhiều trên phương diện đó, vì cách sắp xếp dường như có vẻ khá lộn xộn – với ngoại lệ của Tương ưng bộ có cấu trúc theo chủ đề. Trong loạt các bài giảng mà tôi đang tiến hành tại Tu viện Bồ-đề ở bang New Jersey, Hoa Kỳ, từ tháng Giêng 2003, tôi đã thảo ra một cấu trúc của riêng tôi để sắp xếp nội dung của Trung bộ kinh. Cấu trúc nầy phơi bày từng bước về thông điệp của Đức Phật, từ đơn giản đến phức tạp, từ sơ đẳng đến thâm sâu. Khi suy ngẫm lại, tôi thấy cấu trúc nầy không chỉ áp dụng cho Trung bộ, mà có thể dùng cho tất cả bốn bộ Nikāya. Cuốn sách nầy tổ chức các bài kinh trích lựa từ bốn bộ Nikaya đó trong khuôn khổ cấu trúc dựa theo chủ đề và tiệm tiến. Cuốn sách nhằm để phục vụ hai nhóm độc giả. Nhóm thứ nhất là những người chưa quen với các bài giảng của Đức Phật và cảm thấy cần có một sự giới thiệu có hệ thống. Đối với các độc giả như vậy, bất kỳ bộ kinh Nikāya nào cũng có vẻ mơ hồ. Tất cả bốn bộ kinh Nikāya, nếu xem cùng một lúc, có thể có vẻ giống như một khu rừng¬ – dày đặc với nhiều loại thú hoang ẩn hiện, hay như một đại dương mênh mông, đầy biến động, và hoàn toàn xa lạ. Tôi hy vọng rằng cuốn sách này sẽ phục vụ như là một bản đồ để giúp những độc giả ấy đi thông qua khu rừng của các bài kinh, hoặc như một con tàu mạnh mẽ để mang các vị ấy đi khắp đại dương của Giáo Pháp. Nhóm độc giả thứ hai mà cuốn sách này nhắm đến là những người, tuy đã quen với những bài kinh, nhưng vẫn chưa thấy các bài kinh đó kết hợp như thế nào trong một tổng thể khả tri. Đối với các độc giả như vậy, những bài kinh cá biệt có thể được hiểu riêng rẻ, nhưng các đoạn kinh văn xuất hiện giống như những mảnh giấy của một trò chơi ghép hình rải rác trên bàn. Một khi độc giả hiểu cấu trúc trong cuốn sách này, vị ấy sẽ có một ý tưởng rõ ràng về cấu trúc của các lời Phật dạy. Từ đó, với suy tư thêm nữa, vị ấy có thể xác định vị trí của bất kỳ bài kinh trong lâu đài Giáo Pháp, cho dù được hay không được đề cập trong cuốn sách. Tuyển tập trích lục nầy, hoặc bất cứ tập trích lục kinh điển nào khác, không thể thay thế cho các bộ kinh Nikāya. Hy vọng của tôi có hai phần, tương ứng với hai nhóm độc giả mà cuốn sách được thiết kế: (1) những người mới đến văn học Phật giáo Sơ kỳ sẽ thấy thích thú và được động viên tìm đọc đầy đủ các bộ kinh Nikāya; và (2) những người đã có kinh nghiệm đọc các bộ Nikāya, sau khi đọc cuốn sách nầy sẽ có hiểu biết tốt hơn về nguồn kinh điển mà họ đã quen thuộc. Thêm vào đó, tôi hy vọng tập sách trích lục nầy có thể trình bày được tầm mức rộng lớn của trí tuệ Đức Phật. Đôi khi, Phật giáo Sơ kỳ được xem như là một công phu tu tập xuất ly thế tục, chủ yếu dành cho các nhà tu khổ hạnh và ẩn sĩ, nhưng các bài giảng cổ xưa trong kinh điển Pāli cho chúng ta thấy rõ ràng trí tuệ và lòng từ bi của Đức Phật đã đi sâu vào đời sống thế tục, cung cấp cho những người bình thường các hướng dẫn để có đạo đức và nhận thức đúng đắn. Không phải chỉ dành riêng cho tầng lớp tu sĩ, Phật giáo cổ xưa bao gồm sự cộng tác mật thiết giữa giới cư sĩ và tu sĩ trong nhiệm vụ kép là giữ gìn lời dạy của Đức Phật và đồng thời giúp đỡ lẫn nhau trong nỗ lực đi trên con đường đưa đến sự tận diệt đau khổ. Để hoàn thành nhiệm vụ nầy, Giáo Pháp đã cung cấp những hướng dẫn, cảm hứng, niềm vui và khích lệ dồi dào và thâm sâu. Hầu như tất cả các đoạn kinh văn trong cuốn sách này đã được lựa chọn từ các bản dịch tiếng Anh mới nhất của bốn bộ kinh Nikāya. Tuy nhiên, hầu như các đoạn trích lục đó đều chỉnh sửa, không ít thì nhiều, theo sự hiểu biết của tôi về các kinh văn và về tiếng Pāli. Tôi cũng tuyển chọn một vài bài kinh của tập Phật Tự Thuyết và Phật Thuyết Như Vậy trong bộ Nikāya thứ năm, Tiểu bộ, dựa theo bản dịch tiếng Anh của ông John Ireland, với vài sửa đổi theo cách dùng thuật ngữ của tôi. Tôi ưu tiên dùng các bài kinh văn xuôi hơn là các bài theo thể kệ, vì các bài kinh nầy giảng trực tiếp và rõ ràng hơn. Khi một bài kinh có kèm theo các câu kệ, nếu các câu kệ nầy chỉ lặp lại ý tưởng của các đoạn văn xuôi đi trước, để tiết kiệm, tôi bỏ qua các đoạn kệ đó. Mỗi chương bắt đầu với phần giới thiệu, trong đó tôi giải thích các khái niệm nổi bật, liên quan đến chủ đề của chương, và cố gắng trình bày làm thế nào tôi đã chọn các kinh văn tiêu biểu cho chủ đề đó. Để làm sáng tỏ các điểm phảt sinh trong phần giới thiệu và kinh văn trích lục, tôi có thêm phần ghi chú. Các ghi chú nầy dựa theo các bản chú giải kinh điển của ngài luận sư Budhaghosa, xuất thân từ miền Nam Ấn Độ, và đã hoằng pháp tại Sri Lanka trong thế kỷ thứ năm Công nguyên. Tôi xin tri ân ông Timothy McNeill và David Kittelstrom của nhà xuất bản Wisdom Publications đã khích lệ tôi kiên trì biên soạn và hoàn tất cuốn sách trong những lúc sức khỏe của tôi không được tốt. Tỳ-khưu Anālayo và Tỳ-khưu Nyanasobhano đã đọc và góp ý về các phần giới thiệu trong cuốn sách, và ông John Kelly đã giúp dò soát toàn thể cuốn sách. Tôi rất tri ân sự đóng góp của ba vị ấy. Cuối cùng, tôi xin tri ân các học viên các khóa Pāli và khóa Phật Pháp tại Tu viện Bồ-đề về sự quan tâm nồng nhiệt trong những lời giảng dạy của các bộ kinh Nikāya, đã tạo niềm hứng khởi cho tôi biên soạn cuốn sách nầy. Tôi đặc biệt tri ân vị sáng lập tu viện, ngài Hòa thượng Jen-Chun (Nhân Tuấn), đã đón nhận một tu sĩ của một truyền thống Phật giáo khác đến trú ngụ tại Tu viện, và đã có mối quan tâm đặc biệt nối cầu Bắc truyền và Nam truyền trong giáo lý Phật giáo Sơ kỳ. Tỳ-khưu Bodhi |
||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||
NHỮNG LỜI PHẬT DẠY GIỚI THIỆU TỔNG QUÁT
CƠ CẤU CỦA GIÁO PHÁP Mặc dù giáo pháp của Đức Phật có tính hệ thống cao, không có một đoạn kinh nào được cho là của Ngài mà trong đó, Ngài xác định cấu trúc của Giáo Pháp, một khung sườn dựa vào đó Ngài sắp đặt những giải trình đặc biệt về giáo thuyết. Trong quá trình hoằng pháp, Đức Phật đã giảng dạy nhiều cách khác nhau, tùy theo trường hợp và hoàn cảnh. Đôi khi, Ngài phát biểu các nguyên tắc bất di bất dịch vốn là trọng tâm của giáo pháp. Đôi khi Ngài giảng dạy thích ứng với khuynh hướng và căn cơ của những người tìm đến Ngài để được hướng dẫn. Đôi khi Ngài điều chỉnh sự giảng giải cho đúng với tình huống đang cần một sự đáp ứng đặc biệt. Nhưng xuyên qua tập hợp các kinh văn đã được truyền lại cho chúng ta như là “Phật ngôn” có thẩm quyền, chúng ta không thấy một bài kinh duy nhất nào, trong đó, Đức Phật gom tất cả các thành tố của giáo pháp của Ngài và đặt chúng vào những vị trí thích hợp trong một hệ thống bao hàm toàn diện. Trong một nền văn hóa dựa vào chữ viết mà trong đó các ý tưởng có hệ thống được đánh giá rất cao, không có một văn bản với chức năng thống nhất có thể được xem như là một khiếm khuyết, nhưng trong một nền văn hóa hoàn toàn truyền khẩu – như trong nền văn hóa Đức Phật đã sống và đi lại – sự thiếu vắng một chìa khóa về Phật pháp khó có thể xem như là đáng kể. Trong nền văn hóa này, thầy giáo lẫn học trò không nhắm đến sự toàn diện của khái niệm. Vị thầy không có ý định trình bày một hệ thống đầy đủ các ý tưởng; những học trò của ông không mong muốn tìm hiểu một hệ thống đầy đủ các ý tưởng. Mục đích kết hợp thầy và trò trong quá trình học tập – quá trình truyền dạy – là đào tạo thực hành, tự chuyển hóa, thực chứng chân lý, sự giải thoát không thể lay chuyển của tâm. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là việc giảng dạy luôn nhanh chóng thích nghi với tình huống. Có những lúc Đức Phật trình bày quan điểm rộng hơn về Giáo Pháp hợp nhất nhiều thành phần của con đường trong một cấu trúc được phân hạng hoặc có phạm vi rộng. Nhưng mặc dù có một số bài thuyết giảng thể hiện một phạm vi rộng lớn, các bài giảng ấy cũng không bao gồm tất cả các yếu tố của Giáo Pháp trong một hệ thống bao quát. Mục đích của cuốn sách này là để phát triển và trình bày một hệ thống như thế. Ở đây, tôi cố gắng cung cấp một bức tranh toàn diện về lời dạy của Đức Phật, kết hợp một các bài kinh khác nhau thành một cấu trúc thích hợp. Tôi hy vọng cấu trúc này sẽ làm rõ một mô hình Giáo Pháp mà Đức Phật đã lập ra, và do đó cung cấp cho người đọc những hướng dẫn để hiểu toàn bộ Phật giáo Sơ kỳ. Tôi đã chọn các bài kinh đa số từ bốn bộ sưu tập lớn, hay kinh bộ Nikāya, của Kinh điển Pāli, mặc dù tôi cũng chọn một vài kinh văn từ Phật Tự Thuyết (Udāna) và Phật Thuyết Như Vậy (Itivuttaka), hai cuốn sách nhỏ của bộ sưu tập thứ năm, Tiểu Bộ (Khuddaka Nikāya). Mỗi chương bắt đầu với đoạn giới thiệu, trong đó tôi sẽ giải thích các khái niệm cơ bản của Phật giáo Sơ kỳ mà các đoạn kinh văn minh chứng, và trình bày cách thức mà các đoạn kinh văn thể hiện các ý tưởng đó. Tôi sẽ trình bày những thông tin ngắn gọn về bối cảnh các bộ kinh trong các đoạn sau. Tuy nhiên, đầu tiên tôi xin tóm tắt khung sườn tôi sẽ dùng để sắp xếp các bài kinh. Mặc dù cách dùng khung sườn nầy có vẻ đặc biệt, đó không phải là một sáng tạo mới nhưng đó là dựa theo sự phân biệt ba điểm mà các Chú giải Pāli đã làm để phân loại các sự lợi ích của việc thực hành Pháp dẫn đến: (1) phúc lợi và hạnh phúc nhìn thấy được trong cuộc sống hiện tại này; (2) phúc lợi và hạnh phúc liên quan đến cuộc sống trong tương lai; và (3) hạnh phúc tối hậu, Niết-bàn (Nibbāna). Ba chương đầu được thiết kế để dẫn đến những chương tiếp theo nằm trong kế hoạch bộ ba nầy. Chương I là một khảo sát về tình trạng con người vì đó là bối cảnh cho sự xuất hiện của một vị Phật trong thế giới. Có lẽ đây là cách sống của con người mà vị Bồ-tát – vị Phật tương lai – quan sát khi Ngài đang trú ngụ trong cung trời Đâu-suất (Tusita) nhìn về địa cầu, chờ dịp thích hợp để đi xuống cho lần tái sinh cuối cùng. Chúng ta thấy một thế giới trong đó con người đang quay cuồng một cách bất lực qua tuổi già và cái chết; trong đó họ đang quay xung quanh các trường hợp bị áp bức bởi nỗi đau thể xác, bị ném đi bởi sự thất bại và bất hạnh, lo lắng và sợ hãi bởi những đổi thay và suy sụp. Đó là một thế giới trong đó mọi người khao khát sống trong sự hài hòa, nhưng trong đó các cảm xúc không chế ngự của họ liên tục thúc đẩy họ, đối kháng với nhận thức đúng đắn của họ, trói buộc họ vào các cuộc xung đột leo thang thành bạo lực và tàn phá. Cuối cùng, nhìn tổng quan, đây là một thế giới mà chúng sinh bị đẩy đưa, bởi vô minh và ái dục, từ đời này sang đời sau, lang thang đui mù qua các chu kỳ tái sinh được gọi là cõi Ta-bà (Saṃsāra). Chương II trình bày câu chuyện Đức Phật đi vào thế giới này. Ngài đến như là "một người" xuất hiện vì lòng bi mẫn đối với thế giới, sự xuất hiện của Ngài trên thế giới là một "biểu hiện của ánh sáng tuyệt vời (đại quang)." Chúng ta theo dõi câu chuyện thụ thai và đản sinh, rồi Ngài từ bỏ gia đình và ra đi tầm cầu giác ngộ, thực chứng Pháp, và về quyết định truyền giảng Pháp sau khi giác ngộ. Chương II kết thúc với bài giảng đầu tiên của cho năm vị tu sĩ, đó là các môn đệ đầu tiên, tại vườn Lộc Uyển gần thành Ba-la-nại (Bārāṇasi). Chương III phác họa các tính năng đặc biệt của giáo lý của Đức Phật, và thái độ mà một vị đệ tử cần có để tiếp cận sự giảng dạy. Các kinh văn nói với chúng ta rằng Pháp không phải là một giáo lý bí mật hay bí truyền, nhưng là một giáo lý "tỏa sáng khi dạy một cách công khai." Nó không đòi hỏi niềm tin mù quáng vào các kinh điển độc tôn, trong những mặc khải thiêng liêng, hoặc những giáo điều không thể sai lầm, nhưng nó mời đến thẩm tra và kêu gọi rằng chính thực nghiệm cá nhân mới là tiêu chí tối hậu để xác định giác trị của nó. Các bài giảng có liên quan với sự phát sinh và chấm dứt đau khổ, có thể quan sát thấy được trong kinh nghiệm của chính mình. Giáo pháp không đặt ra để xem ngay cả Đức Phật như là một vị có thẩm quyền bất khả xâm phạm, nhưng mời gọi chúng ta đến thẩm tra để xem Ngài có xứng đáng để chúng ta hoàn toàn có lòng tin và tín nhiệm nơi Ngài. Cuối cùng, Giáo pháp cung cấp cho chúng ta một quy trình từng bước, theo đó chúng ta có thể thử nghiệm các lời giảng dạy, và do làm được như thế, chúng ta thực chứng được chân lý tối hậu cho chính mình. Với chương IV, chúng ta đến với các kinh văn liên hệ đến ích lợi đầu tiên của ba loại lợi ích mà giáo huấn của Đức Phật nhằm mang lại. Đây là "phúc lợi và hạnh phúc được nhìn thấy ngay trong cuộc sống hiện tại này" (diṭṭhadhamma-hitasukha), hạnh phúc đến từ việc làm theo các chuẩn mực đạo đức trong các mối quan hệ gia đình, sinh kế, và các hoạt động cộng đồng. Mặc dù Phật giáo Sơ kỳ thường được mô tả như là một trường phái căn bản của sự xuất ly để hướng đến một mục tiêu siêu việt, các bộ kinh Niāya cho thấy Đức Phật là một vị thầy từ bi và thực tế, có ý định khuyến khích một trật tự xã hội trong đó mọi người có thể sống với nhau một cách hòa bình và hài hòa, phù hợp với hướng dẫn đạo đức. Khía cạnh này của Phật giáo Sơ kỳ rõ ràng trong lời dạy của Đức Phật về các nhiệm vụ của con cái với cha mẹ, về nghĩa vụ hỗ tương của vợ chồng, về chánh nghiệp, về nhiệm vụ của người lãnh đạo đối với dân chúng, và về các nguyên tắc hài hòa và tương kính trong cộng đồng. Loại thứ hai của lợi ích mà giáo huấn của Đức Phật hướng đến là chủ đề của chương V, gọi là “phúc lợi và hạnh phúc liên quan đến cuộc sống trong tương lai” (samparāyika-hitasukha). Đây là hạnh phúc đạt được bằng cách lập một sự tái sinh tốt đẹp và thành công trong các đời sống tương lai, qua sự tích lũy phước báu. Thuật ngữ “phước báu” hay “công đức” (puñña) có liên hệ đến thiện nghiệp (kusala kamma) được xem như trong khả năng để phát sinh các kết quả thuận lợi trong vòng luân hồi. Tôi bắt đầu chương này với những lựa chọn các kinh văn về nghiệp và tái sinh. Điều này đưa chúng ta đến các kinh văn tổng quát về ý tưởng công đức, tiếp theo là các kinh văn về ba loại phước nghiệp căn bản thường thấy trong các bài kinh: bố thí (dāna), trì giới (sīla), và hành thiền (bhāvanā). Vì hành thiền có vai trò quan trọng trong loại ích lợi thứ ba sẽ đề cập trong các chương sau, loại thiền được nhấn mạnh ở đây, làm cơ sở cho công đức, đó là loại thiền tạo kết quả hiệp thế dồi dào nhất, đó là thiền quán bốn “phạm trú” (brahmavihāra) hay “tứ vô lượng tâm”, đặc biệt là phát triển tâm từ (mettā bhāvanā). Chương VI là chương chuyển tiếp, nhằm dọn đường cho các chương theo sau. Trong khi chứng minh rằng việc thực hành các lời giảng dạy sẽ đưa đến hạnh phúc và may mắn trong giới hạn của cuộc sống thế tục, để hướng chúng ta vượt qua những giới hạn đó, Đức Phật cho thấy sự nguy hiểm và bất cập trong mọi sự hiện hữu có điều kiện. Ngài chỉ ra cho thấy những khiếm khuyết trong dục lạc, những thiếu sót của các thành đạt vật chất, sự tất yếu của cái chết, và sự vô thường của tất cả các cõi giới hữu vi. Để khơi dậy trong các môn đệ của Ngài ước nguyện hạnh phúc tối hậu – Niết-bàn, Đức Phật một lần nữa và một lần nữa nhấn mạnh các hiểm nguy của cõi Ta-bà. Vì vậy chương này tiến đến đỉnh điểm với hai kinh văn đầy ấn tượng sâu sắc về mối ràng buộc bi thảm vào vòng sinh tử luân hồi. Bốn chương tiếp theo được dành cho loại lợi ích thứ ba về giáo huấn của Đức Phật là nhằm mang lại hạnh phúc tột cùng (paramattha), chứng đạt Niết-bàn (Nibbāna). Chương VII đưa ra một cái nhìn tổng quát của con đường dẫn đến sự giải thoát, phân tích định nghĩa các yếu tố của Bát Chi Thánh Đạo và qua diễn tả sinh động về công phu tu tập của một vị xuất gia. Đây là một bài kinh dài mô tả sự tu tập, từ khi vị tu sĩ bắt đầu đời sống xuất gia cho đến khi vị ấy đạt được mục đích tối hậu, quả vị A-la-hán. Chương VIII tập trung việc thuần hóa tâm, điểm nhấn quan trọng trong sự tu tập. Ở đây, tôi giới thiệu các kinh văn thảo luận về các trở ngại (triền cái) với trong sự phát triển tâm, các cách thức để khắc phục những trở ngại này, các phương pháp khác nhau của hành thiền, và trạng thái đạt được khi những trở ngại được khắc phục và hành giả kiểm soát được tâm. Trong chương này, tôi giới thiệu sự phân biệt giữa thiền an chỉ (samatha) và thiền minh quán (vipassanā), giữa pháp đưa đến định tâm (samadhi) và pháp đưa đến trí tuệ (paññā). Tuy nhiên, tôi chỉ đưa vào các kinh văn đề cập đến những phương pháp sử dụng để phát sinh tuệ quán, nhưng không đề cập đến nội dung của tuệ quán. Chương IX có tựa đề "Tỏa sáng tuệ quang", trình bày về nội dung của tuệ quán. Trong Phật giáo Sơ kỳ, thật ra hầu như là chung cho các trường phái Phật giáo, tuệ quán là công cụ chính yếu đưa đến giải thoát. Vì thế, trong chương nầy, tôi tập trung vào các bài giảng của Đức Phật về các chủ đề then chốt có phát triển trí tuệ như chánh kiến, năm uẩn, sáu căn, mười tám giới, lý duyên khởi, và Tứ Diệu Đế. Chương này kết thúc với các kinh văn về Niết-bàn, mục tiêu tối hậu của trí tuệ. Hành giả không thể nào đột ngột đạt được mục tiêu cuối cùng, vị ấy phải đi qua một loạt các giai đoạn biến đổi từ một phàm nhân thành một vị A-la-hán, bậc thánh nhân hoàn toàn giải thoát. Như thế, chương X với tựa đề “Các cấp bậc thực chứng” bao gồm các kinh văn về những giai đoạn chính trên con đường đi đến giác ngộ. Đầu tiên, tôi trình bày một loạt các các giai đoạn như là một chuỗi tiến bộ; sau đó, tôi quay trở lại điểm xuất phát và thảo luận về ba mốc quan trọng trong tiến trình này: Dự lưu, Bất lai, và A-la-hán. Tôi kết thúc với các bài kinh về Đức Phật, bậc tối thượng trong các vị A-la-hán, về danh xưng Như Lai (Tathāgata) mà Ngài thường dùng khi nói về mình. |
||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||
NGUỒN GỐC CÁC BỘ KINH NIKĀYA Như đã trình bày ở trên, các kinh văn tôi đã trích ra để bố trí vào khung sườn của cuốn sách là những lựa chọn từ các bộ kinh Nikāya, các bộ sưu tập kinh điển Pāli. Tôi xin có vài dòng để giải thích nguồn gốc và bản chất của các nguồn kinh văn này. Đức Phật không viết lại những lời dạy của mình, giáo lý của Ngài cũng không được các môn đệ ghi lại. Trong thời Đức Phật còn tại thế, văn hóa Ấn Độ chủ yếu không dựa vào chữ viết. Đức Phật du hành từ thành phố này đến thành phố kia trong vùng đồng bằng sông Hằng, hướng dẫn các vị tăng ni, thuyết giảng cho các cư sĩ đến nghe Ngài, trả lời các câu hỏi của người tò mò muốn hiểu biết, và tham gia vào các cuộc thảo luận với mọi người trong mọi tầng lớp xã hội. Các biên bản về giáo lý của Ngài mà chúng ta có được ngày nay không đến từ ngòi bút của Ngài hoặc từ sự ghi chép của những người đã được nghe Ngài thuyết giảng, nhưng từ các hội nghị kết tập kinh điển do các vị tu sĩ tổ chức sau khi Ngài bát-niết-bàn (parinibbāna) – nghĩa là sau khi Ngài nhập Niết-bàn – để gìn giữ giáo pháp của Ngài. Không chắc chắn những gì kết tập trong các hội nghị đó ghi lại đúng nguyên văn các lời giảng của Đức Phật. Đức Phật nói một cách tự nhiên và giảng bày các chủ đề của Ngài trong vô số phương cách để đáp ứng các nhu cầu khác nhau của những người tìm đến để được Ngài hướng dẫn. Không thể nào bảo tồn qua truyền khẩu những lời giảng đa dạng và sâu rộng như thế. Để rập khuôn các bài giảng vào một dạng thức thích hợp cho việc bảo tồn, các vị tu sĩ có trách nhiệm có lẽ đã sưu tập và chỉnh sửa các bài giảng đó cho thích hợp để nghe, lưu giữ, trì tụng, ghi nhớ và lặp lại – đó là năm yếu tố quan trọng của khẩu truyền. Quy trình này, có lẽ đã bắt đầu ngay khi Đức Phật còn tại thế, đưa đến một mức độ hợp lý về việc đơn giản hóa và chuẩn hóa các bài giảng để bảo tồn. Trong suốt cuộc đời hoằng pháp của Đức Phật, những bài thuyết giảng được phân thành chín loại theo thể loại văn học: khế kinh (sutta), ứng tụng (geyya), ký thuyết (veyyākaraṇa), kệ ngôn (gāthā), cảm hứng ngữ (udāna), như thị thuyết (itivuttaka), bổn sanh (jātaka), vị tằng hữu (abbhūtadhamma), và phương quảng (vedalla). Vào thời điểm nào đó sau khi Ngài nhập diệt, hệ thống phân loại này được thay thế bằng một cấu trúc mới, sắp xếp các bài giảng vào trong các bộ sưu tập lớn gọi là Nikāya trong truyền thống Phật giáo Theravāda, hay Āgama (A-hàm) trong các trường phái Phật giáo Bắc Ấn. Không thể biết hệ Nikāya-Āgama này bắt đầu xuất hiện chính xác vào lúc nào, nhưng khi chúng xuất hiện, hệ thống phân loại này hoàn toàn thay thế hệ thống cũ. Tiểu Phẩm, một trong những bộ của Luật tạng Pāli, tường thuật việc kinh điển được kết tập trong Hội nghị Kết tập Kinh điển Phật giáo lần thứ nhất, tổ chức ba tháng sau khi Đức Phật bát-niết-bàn (parinibbāna). Theo tường thuật nầy, không lâu sau khi Đức Phật nhập diệt, ngài Trưởng lão Ma-ha Ca-diếp (Mahākassapa), xem như là vị lãnh đạo Tăng đoàn, chọn năm trăm vị tỳ-khưu, tất cả đều là A-la-hán hay bậc giác ngộ, gặp nhau để biên tập một phiên bản có thẩm quyền về các lời dạy của Đức Phật. Hội nghị xảy ra trong mùa mưa an cư tại thành Vương Xá (Rājagaha, bây giờ là Rajgir), kinh đô xứ Ma-kiệt-đà (Magadha), là quốc gia có thế lực bao trùm vùng Trung Ấn. Ngài Ma-ha Ca-diếp đầu tiên mời ngài Ưu-ba-li (Ūpali), vị trưởng lão nổi tiếng thông suốt giới luật, trùng tụng Luật tu sĩ. Dựa theo sự trùng tụng này, Luật tạng (Vinaya Piṭaka) được hình thành. Tiếp theo, ngài Ma-ha Ca-diếp mời ngài Ānanda trùng tụng Pháp (Dhamma), nghĩa là các bài kinh giảng (sutta), và từ đó, Kinh tạng (Sutta Piṭaka) được thiết lập. Tiểu Phẩm tường thuật rằng sau khi ngài Ānanda trùng tụng Kinh tạng, các bộ Nikāya có nội dung tương tự như ngày nay, với các bài kinh được sắp xếp theo cùng một trình tự như bây giờ được thấy trong kinh điển Pāli. Câu chuyện nầy chắc là ghi lại lịch sử quá khứ qua lăng kính của thời kỳ về sau. Các bộ Āgama của các bộ phái Phật giáo khác hơn phái Theravāda cũng có bốn bộ tương ứng với bốn bộ Nikāya, nhưng phân loại và sắp xếp các bài kinh theo thứ tự khác với các bộ Nikāya. Điều nầy cho thấy nếu sự sắp xếp Nikāya-Āgama phát sinh trong hội nghị kết tập lần thứ nhất, hội nghị chưa sắp đặt dứt khoát vị trí các bài kinh trong cấu trúc nầy. Ngoài ra, có thể cấu trúc bốn bộ nầy được tạo ra trong thời kỳ sau. Cũng có thể cấu trúc nầy được tạo ra tại thời điểm nào đó sau lần hội nghị đầu tiên nhưng trước khi Tăng đoàn phân chia thành nhiều bộ phái. Nếu cấu trúc nầy được tạo ra trong thời kỳ phân chia bộ phái, có lẽ nó được một bộ phái nào đó tạo ra và được các bộ phái khác vay mượn, và các bộ phái sắp xếp các bài kinh qua những tiêu chuẩn khác nhau vào cấu trúc bốn bộ nầy. Tường thuật trong Tiểu Phẩm về hội nghị kết tập đầu tiên có thể bao gồm huyền thoại trộn lẫn với dữ kiện lịch sử, nhưng không có lý do gì để nghi ngờ vai trò của ngài Ānanda trong việc bảo tồn các bài kinh giảng. Là thị giả của đức Phật, ngài Ānandd đã học được các bài giảng từ Đức Phật và các vị đại đệ tử khác, ghi nhớ, và giảng lại cho người khác. Trong suốt thời gian Đức Phật còn tại thế, ngài Ānanda được khen ngợi về khả năng nhớ lâu và được Đức Phật khen là vị tỳ-khưu “đệ nhất đa văn” (etadaggaṃ bahussutānaṃ). Ít có vị tu sĩ nào có khả năng nhớ nhiều như ngài Ānanda, nhưng trong thời Đức Phật còn tại thế, các vị tu sĩ đã bắt đầu chia thanh từng nhóm để ghi nhớ các bài giảng. Việc chuẩn hóa và đơn giản hóa các bài giảng đã giúp nhiều cho việc ghi nhớ. Khi các bài kinh được sắp xếp vào các bộ Nikāya hay Āgama, vấn đề bảo tồn và truyền tải di sản các bài kinh được giải quyết bằng cách tổ chức các nhóm chuyên sư kinh văn phụ trách riêng biệt từng bộ kinh. Mỗi nhóm như thế trong Tăng đoàn tập trung ghi nhớ và giải thích một bộ sưu tập khác nhau, và nhờ đó, làm giảm gánh nặng cho mỗi cá nhân trong Tăng đoàn phải ghi nhớ tất cả các bài kinh. Qua cách đó, toàn thể giáo pháp tiếp tục được lưu truyền qua ba hay bốn trăm năm kế tiếp, cho đến khi kinh điển được viết xuống. Trong những thế kỷ sau khi Đức Phật nhập diệt, Tăng đoàn bắt đầu phân ly vì những vấn đề giới luật và giáo thuyết, cho đến thế kỷ thứ ba sau ngày bát-niết-bàn, đã có ít nhất là mười tám bộ phái của Phật giáo Bộ phái. Mỗi bộ phái có lẽ có những bộ sưu tập kinh điển riêng, mặc dù có những bộ phái có liên hệ chặt chẻ với nhau có thể dùng chung các bộ kinh có thẩm quyền. Trong khi các bộ phái Phật giáo có thể tổ chức các bộ sưu tập khác nhau và mặc dù một số bài kinh cho thấy có thể có những chi tiết khác nhau, các bài kinh riêng rẻ thông thường rất tương tự, đôi khi hầu như giống hệt, và các giáo thuyết và sự thực hành được vạch ra trên căn bản là rất giống nhau. Những khác biệt về giáo thuyết giữa các bộ phái không phải bắt nguồn từ các bài kinh, nhưng là từ sự diễn giải của các vị kinh sư. Sự khác biệt đó được thành hình sau khi các bộ phái đối nghịch bắt đầu chính thức hóa các nguyên tắc triết lý trong các luận giải và chú giải để trình bày những quan điểm đặc biệt về vấn đề trong giáo lý. Qua những gì chúng ta có thể nhận định được, các hệ thống triết lý tinh tế chỉ có tác động tối thiểu trên các bài kinh nguyên thủy, vì dường như các bộ phái không có ý định sửa đổi các bài kinh cho phù hợp với giáo thuyết riêng của họ. Thay vào đó, qua những chú giải, họ đã cố gắng diễn giải các bài kinh qua một cách nào đó để rút ra các ý tưởng để hỗ trợ quan điểm của mình. Không phải là bất thường khi thấy các diễn giải nầy có vẻ như là chống chế, dàn dựng, biện hộ đối với những lời lẻ của kinh văn gốc. |
||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||
TAM TẠNG KINH ĐIỂN PĀLI Một điều buồn là những bộ sưu tập kinh điển của hầu hết các bộ phái chính của Phật giáo Ấn Độ đã mất đi khi Phật giáo Ấn Độ bị tàn phá bởi những người Hồi giáo xâm chiếm miền Bắc Ấn trong thế kỷ thứ mười một và mười hai. Những cuộc xâm lược nầy là hồi chuông báo tử cho Phật giáo tại xứ sở phát sinh đạo Phật. Chỉ có một bộ sưu tập kinh điển đầy đủ thuộc một trong các bộ phái tiên kỳ của Phật giáo Ấn Độ là còn tồn tại nguyên vẹn. Đây là bộ sưu tập được bảo tồn trong một ngữ văn mà chúng ta biết ngày hôm nay là Pāli. Bộ sưu tập này thuộc về bộ phái Theravāda cổ xưa, trước đó đã được đem vào Sri Lanka trong thế kỷ thứ ba trước Công nguyên, và nhờ đó, đã tránh thoát khỏi sự tàn phá Phật giáo ở quê hương. Đồng thời, Theravāda cũng được truyền bá đến vùng Đông Nam Á, và trong nhiều thế kỷ sau này, đã bao trùm cả khu vực. Kinh điển Pāli là tập hợp các kinh văn mà bộ phái Theravāda xem như là Phật ngôn (buddhavacana). Sự kiện mà các kinh văn của bộ sưu tập nầy được bảo tồn như một bộ kinh điển duy nhất không có nghĩa là các bài kinh được sưu tập trong cùng một thời kỳ; cũng không nhất thiết có nghĩa là các kinh văn tạo lập những cốt lõi cổ xưa nhất là xem như cổ xưa hơn các kinh văn tương ứng của các bộ phái Phật giáo khác, mà phần lớn được bảo tồn trong bản dịch tiếng Hán và tiếng Tây Tạng như là một phần của toàn bộ các kinh điển, hay trong một số ít trường hợp, trong các bài kinh riêng rẻ bằng một thứ tiếng Ấn Độ khác. Tuy nhiên, kinh điển Pāli có tầm quan trọng đặc biệt cho chúng ta, đó là vì có ít nhất là ba lý do. Lý do đầu tiên, đây là một bộ sưu tập đầy đủ của một bộ phái duy nhất. Mặc dù chúng ta có thể tìm ra các dấu vết rõ ràng trong các phát triển theo lịch sử giữa các phần khác nhau của kinh điển, sự liên kết với một bộ phái duy nhất làm cho các kinh văn có được một cấp độ nhất quán. Trong các kinh văn bắt nguồn trong cùng một thời kỳ, chúng ta có thể nói về tính đồng nhất của nội dung, một hương vị duy nhất nằm bên dưới các biểu hiện đa dạng của nội dung. Tính đồng nhất nầy được nhận thấy rõ rệt trong bốn bộ Nikāya đầu tiên và phần cổ xưa của bộ Nikāya thứ năm, và cho chúng ta lý do để tin rằng với các kinh văn nầy, chúng ta đã tiến đến tầng lớp cổ xưa nhất của văn học Phật giáo có thể tìm được – nhưng với sự dè dặt nêu trên, rằng cũng có các kinh văn tương đương trong các bộ phái Phật giáo khác nhưng không còn hiện diện. Lý do thứ hai, toàn bộ sưu tập kinh điển đã được bảo tồn bằng một loại ngôn ngữ Trung Ấn Arya, một loại ngôn ngữ có liên hệ chặt chẻ với ngôn ngữ (hay có thể những phương ngữ khác nhau) do chính Đức Phật đã sử dụng. Chúng ta gọi loại ngôn ngữ nầy là Pāli, nhưng tên gọi cho ngôn ngữ nầy thật ra bắt nguồn một sự nhầm lẫn. Từ “pāli” đúng ra có nghĩa là “văn bản”, nghĩa là văn bản của kinh điển, để phân biệt với các chú giải. Các nhà chú giải gọi loại ngôn ngữ dùng để bảo tồn kinh điển là “pālibhāsā”, “ngôn ngữ của văn bản”. Tại một thời điểm nào đó, từ ngữ nầy bị ngộ nhận và mang ý nghĩa “ngôn ngữ Pāli”, và khi ngộ nhận nầy phát sinh, nó bắt đầu đâm rễ và ở lại với chúng ta cho đến bây giờ. Các nhà học giả xem ngôn ngữ nầy như một dạng kết hợp nhiều phương ngữ Prakit dùng trong thế kỷ thứ ba trước Công nguyên, qua một tiến trình Sanskrit-hóa bán phần. Mặc dù ngôn ngữ nầy không giống với bất cứ loại ngôn ngữ nào mà Đức Phật sử dụng, nó nằm trong một gia đình các ngôn ngữ trong đó có các ngôn ngữ của Đức Phật, và bắt nguồn từ cùng một cấu trúc các khái niệm. Như thế, ngôn ngữ nầy phản ánh thế giới các ý tưởng của nền văn hóa Ấn Độ mà Đức Phật đã thừa hưởng, và do đó, các từ ngữ diễn tả được các sắc thái tinh tế của thế giới ý tưởng đó mà không có những xâm nhập của các ảnh hưởng xa lạ không thể tránh được ngay trong các bản dịch tốt và thận trọng nhất. Điều nầy trái ngược với các bản dịch kinh văn sang tiếng Hán, tiếng Tây Tạng, tiếng Anh, thường bị tác động bởi cách chọn lựa từ ngữ để chuyển tải. Lý do thứ ba làm cho kinh điển Pāli có tầm quan trọng đặc biệt là bộ sưu tập này là thẩm quyền của một bộ phái Phật giáo đương đại. Không giống như các bộ sưu tập kinh điển của các bộ phái khác của Phật giáo Sơ kỳ nay đã biến mất – mà ngày nay chỉ còn ở trong phạm vi học thuật, bộ sưu tập kinh điển Pāli vẫn còn đầy sức sống. Bộ kinh điển là nguồn tâm linh tín thành của hàng triệu Phật tử từ các làng mạc và tu viện ở Sri Lanka, Myanmar, và Đông Nam Á, cho đến các thành phố và thiền viện ở châu Âu và châu Mỹ. Bộ sưu tập nầy đã uốn nắn sự hiểu biết, hướng dẫn họ để đối diện với các chọn lựa khó khăn về đạo đức, cung cấp thông tin về công phu hành thiền, và cung cấp cho họ những chìa khóa đưa đến tuệ quán giải thoát. Kinh điển Pāli thường được gọi là bộ Tipiṭaka (Tam Tạng), Ba Giỏ Chứa hay Ba Bộ Sưu Tập. Phân hạng bộ ba nầy không phải chỉ duy nhất của bộ phái Theravādā, nhưng là căn bản chung cho các bộ phái Phật giáo Ấn Độ như là một phương cách để phân loại các kinh văn Phật giáo. Ngay cả ngày nay, kinh điển bảo tồn trong bản dịch tiếng Hán cũng được biết như là Tam Tạng Trung Quốc. Ba bộ sưu tập của kinh điển Pāli là:
Tạng A-tỳ-đàm rõ ràng là sản phẩm của giai đoạn sau này trong quá trình tiến hóa của tư tưởng Phật giáo, sau hai tạng kia. Phiên bản Pāli đại diện cho nỗ lực của bộ phái Theravāda nhằm hệ thống hóa các bài giảng trong thời kỳ đầu. Dường như các bộ phái tiên kỳ khác cũng có hệ thống A-tỳ-đàm riêng. Chỉ có tạng A-tỳ-đàm của Hữu bộ (Sarvāstivāda) là còn giữ được nguyên vẹn. Giống như phiên bản Pāli, tạng A-tỳ-đàm của Hữu bộ cũng gồm có bảy bộ. Các bộ này nguyên khởi được biên soạn bằng tiếng Sanskrit nhưng chỉ được bảo tồn trọn vẹn trong bản dịch tiếng Hán. Hệ thống dùng trong các bộ này có nhiều khác biệt đáng kể so với tạng A-tỳ-đàm của Theravāda về cả hai phương diện công thức và triết học. Kinh tạng, chứa trong đó các bài giảng của ĐứcPhật, gồm năm bộ gọi là Nikāya. Trong thời đại của các nhà chú giải, các bộ nầy cũng được gọi là Āgama (A-hàm), tên gọi tương tự như trong Phật giáo Bắc truyền. Bốn bộ Nikāya chính là:
Trường bộ và Trung bộ, nếu chỉ thoạt nhìn, dường như được thành lập chủ yếu trên cơ sở độ dài của bài kinh: các bài kinh dài được xếp vào Trường bộ, các bài kinh trung bình được xếp vào Trung bộ. Nếu cẩn thận nhận xét nội dung của các bài kinh ấy, chúng ta thấy có thể còn có yếu tố khác làm cơ sở cho sự khác biệt giữa hai bộ sưu tập này. Các bài kinh của Trường bộ chủ yếu nhằm vào đối tượng thính chúng phổ thông, và dường như nhằm thu hút những người ngoại đạo đến với đạo Phật bằng cách bày tỏ tính ưu việt của Đức Phật và giáo lý của Ngài. Các bài kinh của Trung bộ là chủ yếu hướng vào bên trong cộng đồng Phật giáo và dường như được thiết kế để giúp các tu sĩ mới xuất gia làm quen với những học thuyết và thực hành của đạo Phật. Đây vẫn còn là một câu hỏi còn đang bỏ ngỏ, không biết các mục đích thực dụng nầy là tiêu chuẩn để sắp xếp hai bộ kinh, hay tiêu chuẩn chính là độ dài bài kinh và các mục đích thực dụng chỉ là kết quả tất yếu theo độ dài của bài kinh. Tương ưng bộ được sắp xếp theo chủ đề. Mỗi chủ đề là một “ách” (saṃyoga) để kết nối các bài kinh thành một tương ưng (saṃyutta) hay chương. Do đó, bộ nầy có tên là Tương ưng bộ. Tập hay Thiên đầu tiên, Thiên có Kệ, là tập độc nhất chứa các bài kinh dựa theo phân loại thể văn – thể kệ. Tập nầy gồm các bài kinh có văn xuôi và thi kệ hỗn hợp, sắp xếp trong mười một chương theo chủ đề. Còn bốn tập (thiên) kia, mỗi tập có các chương dài trình bày các giáo thuyết căn bản của Phật giáo Sơ kỳ. Tập II, III và IV, mỗi tập bắt đầu bằng một chương dài dành cho một chủ đề có tầm quan trọng lớn, lần lượt là: duyên sinh (Tương ưng Duyên, Nidānasaṃyutta, chương 12); năm uẩn (Tương ưng Uẩn, Khandhasaṃyutta, chương 22); sáu nội xứ và sáu ngoại xứ (Tương ưng Xứ, Saḷāyatanasaṃyutta, chương 35). Tập V nói về các nhóm chính của các yếu tố tu tập, mà trong giai đoạn hậu kỳ được đặt tên là ba mươi bảy phần trợ giúp để giác ngộ (bodhipakkhiyā dhammā). Các nhóm nầy gồm có Bát Chi Thánh Đạo (Tương ưng Đạo, Maggasaṃyutta, chương 45), bảy yếu tố giác ngộ (Tương ưng Giác chi, Bojjhaṅgasaṃyutta, chương 46), và bốn pháp lập niệm (Tương ưng Niệm, Satipaṭṭhānasaṃyutta, chương 47). Từ nội dung của Tương ưng bộ kinh, chúng ta có thể suy ra rằng có lẽ bộ kinh nầy nhắm đến phục vụ nhu cầu của hai nhóm tu sĩ. Một nhóm gồm các vị tu sĩ chuyên về giáo thuyết để đào sâu vào Giáo Pháp, và để giúp họ giải thích rõ ràng các chủ đề đó cho các bạn đồng tu trong tăng đoàn. Nhóm kia gồm những vị chuyên về hành thiền để phát triển tuệ quán. Tăng chi bộ gồm những bài kinh sắp xếp theo cấu trúc đánh số thứ tự bắt nguồn từ một tính năng đặc biệt của phương pháp sư phạm của Đức Phật. Để giúp thông hiểu và ghi nhớ dễ dàng, Đức Phật thường tạo lập các bài giảng qua các nhóm số chi pháp, một dạng thức để giúp thính chúng dễ dàng lưu giữ trong tâm trí về các ý tưởng của Ngài. Tăng chi bộ tập hợp các bài kinh có số chi pháp vào bộ sưu tập đồ sộ, gồm có mười một nipāta hay chương. Như thế, bắt đầu là chương Một Pháp (ekakanipāta), chương Hai Pháp (dukanipāta), chương Ba Pháp (tikanipāta), và tăng dần lên, kết thúc với chương Mười Một Pháp (ekādasanipāta). Vì nhiều nhóm khác của các yếu tố trong con đường giải thoát đã được bao gồm trong Tương ưng bộ, Tăng chi bộ chú tâm đến những phương diện tu tập không được đề cập đến trong các nhóm đó. Tăng chi bộ bao gồm một số lượng đáng kể các bài kinh giảng cho hàng cư sĩ liên quan đến các quan tâm về mặt đạo đức và tâm linh của cuộc sống trong thế gian, kể cả các mối quan hệ gia đình (vợ chồng, cha mẹ và con cái) và cách thức thích hợp để tạo lập, để dành, và sử dụng tài sản. Có những bài kinh giảng về sự tu tập của hàng tu sĩ. Sự sắp xếp theo pháp số của bộ kinh này đặc biệt thuận lợi cho các hướng dẫn chính thức, tạo dễ dàng cho các vị trưởng lão dùng để dạy các vị học trò, và các vị truyền đạo dùng để thuyết giảng cho hàng cư sĩ. Bên cạnh bốn bộ Nikāya chính, Kinh tạng Pāli còn có bộ Nikāya thứ năm, gọi là Tiểu bộ (Khuddaka Nikāya). Gọi là Tiểu bộ có lẽ là vì ban đầu chỉ là tập hợp các bài kinh nhỏ không thích hợp để đưa vào bốn bộ Nikāya chính. Nhưng qua nhiều thế kỷ, nhiều kinh văn được biên soạn và đưa thêm vào đó, bộ sưu tập dần dần lớn rộng thêm và trở thành bộ kinh đồ sộ nhất trong năm bộ Nikāya. Tuy nhiên, phần tinh túy của Tiểu bộ là tập hợp các bài kinh ngắn chỉ gồm các câu kệ (Pháp cú, Trưởng lão kệ, và Trưởng lão ni kệ) và các bài kinh hỗn hợp văn xuôi và thể kệ (Kinh tập, Phật tự thuyết, và Phật thuyết như vậy) mà nội dung và văn phong có thể xem như rất cổ xưa. Các tập kinh khác của Tiểu bộ – như tập Phân tích đạo (Paṭisambhidāmagga) và Diễn giải (Niddesa) – đại diện cho quan điểm của bộ phái Theravāda, và do đó có lẽ được biên soạn trong thời kỳ phân chia bộ phái, khi các bộ phái sơ kỳ đã bắt có những hướng đi riêng biệt trong sự phát triển giáo lý. Bốn bộ Nikāya của kinh tạng Pāli có các bộ A-hàm tương ứng của Tam tạng Trung quốc, mặc dù các bộ A-hàm nầy có nguồn gốc từ nhiều bộ phái khác nhau. Tương ứng với Trường bộ là Trường A-hàm, có lẽ là của bộ phái Pháp Tạng (Dharmaguptaka), dịch từ bản gốc tiếng Prakit. Tương ứng với Trung bộ và Tương ưng bộ là Trung A-hàm và Tạp A-hàm của Hữu bộ (Sarvāstivāda), dịch từ bản gốc tiếng Sanskrit. Tương ứng với Tăng chi bộ là Tăng nhất A-hàm, thường được xem là của một nhánh từ Đại chúng bộ (Mahāsāṅghika), dịch từ bản gốc của một loại phương ngữ Trung Ấn hay một loại phương ngữ có pha trộn tiếng Prakit và Sanskrit. Tam tạng Trung quốc cũng bao gồm bản dịch của một số bài kinh riêng rẻ từ bốn bộ sưu tập chính, có lẽ từ những bộ phái khác chưa xác định, và bản dịch các tập riêng rẻ của Tiểu A-hàm, như hai bản dịch tập Pháp cú – trong đó có một tập rất gần với bản Pháp cú tiếng Pāli – và nhiều phần của Kinh tập, nhưng bộ Tiểu A-hàm nầy không còn tồn tại toàn vẹn như một bộ sưu tập. |
||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||
BẢNG CÁC CHỮ VIẾT TẮT
|
[ Home ]
06-08-2017