Đàm luận Phật Pháp
- 118 -

Đệ tử cư sĩ thời Đức Phật (2)

01-donggiaithoat.jpg
01-donggiaithoat.jpg
1255 * 850
02-4thanh.jpg
02-4thanh.jpg
1413 * 850
03-duluu.jpg
03-duluu.jpg
1177 * 850
04-thanhcusi2.jpg
04-thanhcusi2.jpg
1173 * 690
05-toithang.jpg
05-toithang.jpg
1316 * 845
06-cusi.jpg
06-cusi.jpg
879 * 800
07-thanhcusi.jpg
07-thanhcusi.jpg
1298 * 833
08-thanhcusi3.jpg
08-thanhcusi3.jpg
1236 * 824

 

Tham khảo
  • Tăng chi bộ, Hòa thượng Thích Minh Châu dịch Việt.
  • The Numerical Discourses of the Buddha (Anguttara Nikaya), English translation by Bhikkhu Bodhi.
  • Tăng Nhất A-hàm, Hòa thượng thích Đức Thắng dịch Việt.
  • Dictionary of Pali Proper Names, G.P. Malalasekera
  • Great Disciples of the Buddha, Nyanaponnika Mahathera and H. Hecker
    (Đại đệ tử Phật, Thích-ca Thiền viện dịch, Hoa Kỳ)
  • The Historical Buddha, H.W. Schumann
    (Đức Phật lịch sử, Trần Phương Lan dịch)
  • John Kelly. The Buddha’s Teachings to Lay People (2011). PDF file: [en136.pdf]
    (Các lời dạy của Đức Phật cho hàng cư sĩ)

 

Ghi chú:

Hai hạng Dự lưu:

  1. Tùy tín hành (Saddhānusāri): một hành giả trên sơ đạo (Dự lưu đạo) có tín căn nổi bật trong năm căn: tín, tấn, niệm, định, tuệ.
  2. Tùy pháp hành (Dhammānusāri): một hành giả trên sơ đạo (Dự lưu đạo) có tuệ căn nổi bật trong năm căn: tín, tấn, niệm, định, tuệ.

Ba hướng tái sinh của bậc Dự lưu:

  1. Thất sinh (Sattakkhattu-parama): vị Dự lưu tái sinh tối đa bảy lần trước khi đắc quả giải thoát.
  2. Gia gia (Kolaṅkola): vị Dự lưu tái sinh vào những gia đình cao sang, từ nhà nầy sang nhà khác, trước khi đắc quả giải thoát.
  3. Nhất chủng (Ekabījī): vị Dự lưu chỉ tái sinh một lần vào cõi người trước khi đắc quả giải thoát.
Thế Tôn thuyết pháp thuận thứ:
  1. thuyết về Bố thí,
  2. thuyết về Giới,
  3. thuyết về Cõi trời,
  4. nói đến sự Nguy hại, hạ liệt, nhiễm ô của các dục, sự lợi ích của viễn ly,
  5. rồi khi tâm người nghe đã sẵn sàng, tâm đã nhu thuận, tâm không triền cái, tâm được phấn khởi, tâm được hoan hỷ, Thế Tôn thuyết về Tứ Thánh đế.
Tapassu, Tapussa
Nam cư sĩ quy y đầu tiên

Thương gia ở Ukkalā. Trên đường đến Rājagaha, ông và bạn là Bhalluka (Bhalliya) thấy Đức Phật dưới cội cây Rājāyatana. Bấy giờ Ngài vừa đắc quả Chánh Đẳng Giác được tám tuần. Được dẫn dắt bởi một vị trời, hai ông cúng dường Đức Phật cốm gạo và mật ong trong bình bát do Tứ Thiên Vương cung cấp. Hai ông trở thành hai vị cư sĩ đầu tiên của Phật; lời Quy y bấy giờ của hai ông không có “quy y Tăng” – quy y Nhị Bảo (Vin.i.3f; A.i.26; UdA.54; J.i.80).

Theo Chú giải Theragāthā (i.48f), Tapassu và Bhalluka là hai anh em, con của người trưởng đoàn xe tải ở Pokkharavatī. Về sau hai ông viếng Đức Phật tại Rājagaha (Vương xá) và được Ngài thuyết pháp; Tapassu đắc quả Dự lưu, trong khi Bhalluka xin gia nhập Tăng đoàn và đắc quả A-la-hán.

Vào thời Đức Phật Sikhī (Thi-khí), hai ông là đạo sĩ bà-la-môn ở Arunavatī. Nghe nói có hai trưởng đoàn xe tải, Ujita và Ojita, cúng dường bữa cơm đầu tiên đến Phật, hai ông ước nguyện được làm như vậy đối với vị Phật tương lai. Vào thời Phật Kassapa đã từng cúng dường chư tỳ-khưu cơm sữa trong nhiều năm (ThagA.i.48f.; AA.i.207f.; Vin.i.3f.; J.i.80. Mhv.iii.303f).

Chú giải Tăng chi (AA.i.207f) nói rằng vị trời dẫn hai ông đến cúng dường Đức Phật là mẹ của hai ông trong kiếp trước. Để đáp lại sự đảnh lễ của hai ông, Đức Phật tặng tám nhúm tóc mà Ngài vuốt lấy trên đầu. Hai ông đem tóc về tôn trí trong đền thờ ở thành phố Asitañjana, sinh quán của hai ông. Đền thờ phát ra ánh sáng xanh lơ vào mỗi ngày trai giới.

Ông Tapassu được mệnh danh là một dvevācika-upsaka – ưu-bà-tắc Nhị Bảo (AA.ii.696) và được liệt kê trong danh sách của các đại đệ tử cư sĩ của Đức Phật (A.iii.450; Dvy. 393; Mtu. iii. 303).

Trưởng lão Bhallika, Bhalliya, Bhalluka
Nam cư sĩ quy y đầu tiên

Em trai của ông Tapassu và là con của ông trưởng đoàn xe tải ở Pokkaravatī trong tỉnh Ukkalā (AA.i.207 ghi quê của hai ông là Asitañjana). Lần nọ, đoàn xe 500 chiếc của Tapassu và Ballika bỗng nhiên dừng lại gần cội cây Rājyatana nơi Đức Phật đang ngồi, tám tuần lễ sau khi Thành Đạo. Khi đi tìm nguyên do, hai ông được một vị trời, là người thân của hai ông trong tiền kiếp (mẹ của hai ông theo AA.i.207) báo cho biết sự hiện diện của Đức Phật và khuyên các ông đến cúng dường vì bảy tuần lễ qua từ lúc giác ngộ Ngài không có trai thực. Không đợi nấu nướng, hai ông bỏ mật và bơ vào bát do Tứ Đại Thiên Vương cung cấp và đến dâng cho Phật. Sau khi thọ trai, Ngài trò chuyện với hai ông. Hai ông xin quy y Phật và Pháp (quy y Nhị Bảo, Dvevācika-sarana) và trở thành hai vị đệ tử cư sĩ đầu tiên của Ngài (A.i.26) và được Ngài trao cho ít tóc để đem về lễ bái. Lúc Đức Phật đến Rājagaha (Vương Xá) sau khi thuyết giảng bài kinh Chuyển Pháp Luân, hai ông có đến viếng và nghe Ngài thuyết pháp. Liền sau đó, ông Tapassu đắc quả Dự lưu, còn ông Bhallika gia nhập Tăng đoàn và đắc quả A-la-hán.

Trong một tiền kiếp, ông Bhallika có dâng trái cây đến Phật Độc giác Sumana. Vào thời Đức Phật Sikhī (Thi-khí), ông là một đạo sĩ bà-la-môn ở Arunavatī. Nghe nói có hai ông Ujita và Ojita cúng dường bữa cơm đầu tiên đến Phật, ông và ông Tapassu thỉnh mời Phật đế thọ trai tại nhà và ước nguyện được cúng dường bữa cơm đầu tiên đến với vị Phật tương lai. Vào thời Phật Kassapa (Ca-diếp), hai ông đã từng cúng dường cơm sữa đến Phật và chư tỳ-khưu trong nhiều năm.

Trong Theragātha (vs. 5) có vần kệ của Trưởng lão Bhallika nói rằng ông không sợ hãi lúc Māra hiện hình kinh hoàng đến dọa.

Truyền thuyết (AA.i.208) ghi rằng tóc (tám nắm tay) của Đức Phật tặng Bhallika và Tapassu được tôn trí trong tháp thờ ở Asitañjana, sinh quán của hai ông, và rằng tháp chiếu hào quang xanh lơ vào những ngày trai giới.

Có truyền thống ở Tích Lan (ghi trong Pūjāvaliya) cho rằng hai ông Tapassu và Bhallika có viếng bờ biển phía đông của đảo quốc và đã xây một tịnh xá ở đó. Có một bia ký ghi nhận chuyện này.

Sujātā
Nữ cư sĩ quy y đầu tiên

Ái nữ của điền chủ Senānī trong làng Senānī gần Uruvelā. Lúc mang thai, nàng nguyện cúng dường cháo sữa đến thần cây cổ thụ trong làng nếu sinh được con trai. Ước nguyện được thành tựu, nàng bảo tỳ nữ Punnā ra gốc cổ thụ dọn dẹp để chuẩn bị lễ tạ ơn. Đến nơi, tỳ nữ thấy ngài Bồ-tát Cồ-đàm (Gotama) đang tham thiền, tưởng là thần linh xuất hiện, nên về báo cho chủ biết. Sujātā hoan hỷ đem chén vàng đựng cháo sữa đến cúng.

Ngài Bồ-tát đem bát cháo sữa đi bãi cạn Suppatitthita bờ sông Ni-liên-thuyền (Nerañjarā). Ngài ăn bát cháo sau khi tắm xong. Đây là bữa ăn duy nhất Ngài sau 49 ngày không ăn (J.i.68f.; DhA.i.71, vv.). Bát cháo sữa của Sujātā được xem như là một trong những vật thực tối quan trọng cúng dường đến Đức Phật nên được chư thiên thêm vào đó hương vị đặc biệt linh thiêng.

Yasa là con trai của Sujātā. Lúc ông đắc quả A-la-hán, cha của ông đi tìm, gặp Đức Phật, xin làm cư sĩ, và thỉnh Đức Phật về nhà thọ trai. Đức Phật đi cùng Yasa đến. Sau bữa ăn, Ngài thuyết giảng cho Sujātā cùng con dâu (vợ của Yasa), cả hai đều đắc quả Dự lưu. Hôm ấy, Sujātā xin thọ Tam quy. Bà là vị nữ cư sĩ đầu tiên xin quy y Tam Bảo (aggaṃ upāsikānaṃ paṭhamaṃ saraṇaṃ gacchantīnaṃ)( SNA.i.154; D.ii.135). Bà đã phát nguyện để được như thế vào thời Đức Phật Padumuttara (A.i.26; AA.i.217f).

Yasa Thera
Nam cư sĩ đắc A-la-hán đầu tiên

Ông sinh ra trong gia đình đại gia rất giàu có ở Benares (Ba-na-lại) và lớn lên trong nhung lụa, ở trong ba cung theo mùa và có đủ thứ vui chơi. Đêm nọ, do nhân duyên quá khứ thúc đẩy, ông thấy cảnh bất tịnh của những hầu cận, chán nản, ông bỏ nhà ra đi về hướng Isipatana (vườn nai), vừa đi vừa than: “Ôi thật đau khổ, thật hiểm nguy!” Thấy ông, Đức Phật gọi: “Này Yasa, lại đây. Ở đây không có đau khổ, không có hiểm nguy.” Hoan hỷ, ông đến, cởi giày và ngồi xuống bên Đức Phật.

Đức Phật tuần tự thuyết về bố thí, về giới cấm, về cõi trời, về sự ô nhiễm hạ liệt tai hại của các dục, về sự lợi ích của việc xuất ly, và về Bốn Sự Thật cao quý. Sau khi Ngài giảng xong, Yasa đắc Pháp (đắc quả Dự lưu). Cha của ông Yasa đi tìm con và đến gặp Đức Phật. Ngài dùng thần thông biến Yasa thành vô hình (Vsm.393) rồi thuyết pháp cho ông nghe. Sau bài pháp, ông xin quy y theo Phật. Như thế, ông là vị nam cư sĩ đầu tiên quy y Tam Bảo (tevācika upāsaka, ưu-bà-tắc Tam Bảo). Cùng lúc ấy, sau khi nghe bài pháp đó, Yasa đắc quả A-la-hán. Như thế, có thể xem như Yasa là vị cư sĩ đầu tiên đắc A-la-hán. Lúc Đức Phật thu pháp thần thông, cho Yasa gặp cha, cha ông yêu cầu con trở về với mẹ đang đau khổ vì xa con. Đức Phật bảo thế tục không còn hấp lực đối với Yasa nữa và cho phép ông gia nhập Tăng đoàn. Lúc đó, thế gian có bảy vị A-la-hán – Đức Phật, năm anh em Kiều-trần-như (Kondañña) và Yasa.

Hôm sau, Đức Phật và Yasa được cha ông thỉnh về nhà thọ trai. Sau khi ăn, Ngài thuyết pháp cho mẹ ông cùng tất cả các thành viên trong gia đình. Sau đó, mọi người đều xin trở thành đệ tử của Phật. Đó là những nữ cư sĩ đầu tiên xin quy y Tam Bảo (tevācikā upāsikā, ưu-bà-di Tam Bảo).

Nghe Yasa xuất gia, nhiều người bạn thân, các ông Vimala, Subāhu, Puṇṇaji, và Gavampati—theo ông gia nhập Tăng đoàn; về sau tất cả đều trở thành A-la-hán. Sau đó, có thêm 50 thân hữu nữa cũng theo ông xuất gia và đắc quả thánh (Vin.i.15-20; DhA.i.72). Như thế, vào lúc đó trên thế gian có sáu mươi mốt vị A-la-hán.

Vào thời Phật Sumedha, Yasa làm Xà vương Nāga có thỉnh Phật và chư tỳ-khưu về cung để thọ trai và cúng dường y. Vào thời Phật Siddhatta, ông làm một đại gia có cúng dường đến cây Bồ-đề bảy loại châu báu. Vào thời Phật Kassapa, ông là một tỳ-khưu. Ông đã từng làm vua trời trong 18 ngàn kiếp và làm vua ở cõi người một ngàn lần. Đi đến đâu, ông cũng được che bằng lọng vàng và giàn hoả trà tỳ ông được che bằng mái vàng (ThagA.i.232f). Ông được xem là Trưởng lão Sabbadyaka ghi trong Apadāna (Ap.i.333f). Trong Theragāthā có kệ của ông (vs. 117).

Yasa thường được dẫn như một người có đời sống cực kỳ xa hoa (AA.ii.596).

Chú giải Dhammapada (DhA.i.82f) nói rằng trong nhiều tiền kiếp, Yasa đi đó đi đây cùng với bốn bạn để làm các thiện sự. Một hôm họ gặp và đưa xác một nữ nhân mang thai đến chỗ hoả thiêu. Tại đó, mọi người đều bỏ đi, chỉ còn một mình ông ở lại để hoàn tất. Khi hỏa thiêu xác chết, ông phát tâm tư gờm tởm thân thể con người. Sau đó, ông chia sẻ tâm tư nầy đến bạn bè, cha mẹ và các người vợ. Họ đều tán đồng những gì ông chia sẻ. Vì lý do đó, ông cảm thấy chán nản đời sống gia đình, và cùng với những người bạn và thân quyến trong gia đình có khả năng thông hiểu Phật Pháp ngay trong giai đoạn đầu tiên của công cuộc hoằng pháp của Đức Phật.

Về sau nầy, lễ truyền giới cho Yasa được ghi khắc trên phù điêu trong Đại Tháp ở Anurādhapura do vua Dutthagāmani tạo dựng ở Tích Lan (Mhv.xxx.79).

Theo Chú giải Tăng chi (AA.i.218f), Sujātā Senānīdhītā (người dâng bát cháo sữa đến Đức Phật) là mẹ của Yasa. Bà đắc quả Dự lưu sau khi nghe Phật thuyết pháp.

Sudatta Anāthapiṇḍika (Tu-đạt Cấp Cô Độc)
Nam cư sĩ bố thí tối thắng

Đọc thêm: csnam_anathapindika.pdf

Đại gia ở Sāvatthi (Xá-vệ), nổi tiếng do lòng cúng dường rất rộng rãi. Ông gặp Đức Phật lần đầu tiên ở Rājagaha (Vương Xá), một năm sau ngày Thành Đạo (Vin.ii.154ff; SA.i.240ff, vv.). Ông đến Rājagaha vì công việc làm ăn.

Anh vợ ông cũng là một đại gia ở Rājagaha. Lúc đến nhà thăm anh, ông ngạc nhin thấy anh sửa soạn thức ăn cúng dường Đức Phật và chư Tăng; bữa cơm linh đình đến nỗi ông tưởng chừng như anh ông có tiệc cưới hoặc để chiêu đãi nhà vua. Khi biết ra lý do, ông rất mong được yết kiến Đức Phật, và sáng sớm hôm sau ông được gặp Ngài (Vin.ii.155-6). Vì quá nôn nao với cuộc diện kiến, đêm trước đó ông thức giấc ba lần. Sáng sớm hôm sau ông lên đường đến Sītavana, một khu rừng gần thành Vương Xá, nơi Phật đang lưu trú. Trời còn tối nhưng ông vẫn đi được nhờ có Sīvaka, một dạ-xoa tốt bụng đưa đường với nhiều lời khuyến khích. Hơn nữa, lòng mộ đạo thành khẩn của ông đã làm bóng đêm tan biến.

Lúc đến nơi, Anāthapiṇḍika thấy Đức Phật đang đi thiền kinh hành tới lui trong không khí dịu mát của ban mai. Đức Phật gọi ông đến và Ngài tuần tự thuyết về bố thí, về giới cấm, về cõi trời, về sự ô nhiễm hạ liệt tai hại của các dục, về sự lợi ích của việc xuất ly, và về Bốn Sự Thật cao quý. Sau khi nghe xong, Anāthapiṇḍika liền ngộ đạo và đắc quả Dự lưu. Ông mời thỉnh mời Ngài đến thọ trai ngày hôm sau và ông tự tay dâng mọi vật thực, dù rằng người anh đại gia, ông Thị trưởng thành phố Rājagaha và vua Bình-sa đều muốn được đóng góp. Sau buổi trai thực mà ông tự tay cúng dường, ông thỉnh mời Đức Phật đến ngụ Sāvatthi trong mùa mưa sắp tới. Ngài nhận lời và nói rằng: “Các bậc Như Lai đều vui thú với sự cô độc.” “Thưa Thế Tôn, con hiểu, con hiểu,” ông thưa với Đức Phật.

Lúc xong công việc ở Rājagaha, Anāthapiṇḍika trở về Sāvatthi. Ra về, ông dặn dò bạn bè và người thân chuẩn bị chỗ ở, công viên, nhà nghỉ, vật thực dọc theo đường về Sāvatthi để đón rước Phật. Biết ý Phật khi Ngài chấp nhận lời mời, Anāthapiṇḍika tìm một nơi tĩnh mịch gần Sāvatthi, chỗ mà Đức Phật và chư tăng có thể nghỉ lại, và thấy vườn Jetakumāra thích hợp nhất. Ông mua vườn nầy với giá rất đắt và xây tinh xá Jetavanārāma nổi tiếng ở đó. Vì việc làm nầy và nhiều thiện sự cúng dường khác dành cho Phật sự, ông Anāthapiṇḍika được ngợi khen là người nam cư sĩ tối thượng về bố thí (A.i.25).

Gia chủ Anāthapiṇḍika có tên riêng là Sudatta, nhưng luôn luôn được mọi người gọi là Anāthapiṇḍika (Cấp Cô Độc, người cứu giúp kẻ bần cùng, AA.i.208; MA.i.50) vì tính hào phóng của ông; nhưng ông rất hoan hỷ khi Đức Phật gọi tên riêng của ông (Vin.ii.156). Ông trả 18 crores (180 triệu đồng vàng) để mua Jetavana, một số tiền tương tự để xây tịnh xá, và 180 triệu nữa để làm lễ cúng dường. Mỗi ngày, ông cúng dường thức ăn đến ăn 100 tỳ-khưu tại nhà, cộng thêm khách, dân làng, người tàn tật, vv. Năm trăm chỗ ngồi lúc nào cũng được dành sẵn cho khách vãng lai (AA.i.208-9).

Cha của Anāthapiṇḍika là đại gia Sumana. Ông có em trai tên là Subhūti. Phu nhân của Anāthapiṇḍika là bà Puññalakkhanā (J.ii.410; J.iii.435). Ông bà có một con trai là Kāla và ba con gái, Mahā-Subhaddā, Cūla-Subhaddā và Sumanā. Con dâu của ông có tên là Sujātā, con gái của Dhanañjaya và là em gái út của bà Visākhā. Cô con dâu nầy rất kiêu ngạo và đối xử tệ với kẻ ăn người ở (J.ii.347). Về sau, cô được Đức Phật giáo hóa và trở nên người tử tế (A.iv.91f.; J.ii.347f, J.269).

Dù được cha khuyến khích, con trai ông, Kāla, không mấy mộ đạo. Chàng được cha hứa cho một ngàn đồng vàng nếu chịu đi nghe Đức Phật nói pháp và học thuộc một câu kinh. Chàng đến nghe Phật thuyết nhưng không thể nhớ thuộc câu nào cho đến khi bài kinh chấm dứt (theo ý muốn của Phật). Sau đó, chàng đắc Sơ quả và đi theo Ngài cùng một số tỳ-khưu về nhà của cha. Tại đây, chàng được mọi người trong gia đình thưởng tiền nhưng chàng bây giờ từ chối không nhận. Phật giảng lý do tại sao như thế (DhA. iii. 189 ff).

Ba người con gái lại rất sùng đạo và luôn luôn giúp cha trong việc hộ độ chư tăng. Hai người con đầu đắc quả Dự lưu, lập gia đình và ở bên chồng. Còn Sumanā đắc quả Nhất lai và sống độc thân. Sau khi chết, bà tái sinh vào cõi trời Đâu-suất (Tusita) (DhA.i.128f).

Chuyện tiền thân Bhadraghaṭa (J.ii.431) có nói đến người cháu của ông Anāthapiṇḍika hoang phí gia tài thừa hưởng giá trị 400 triệu đồng vàng. Được chú cho lần đầu 1000 đồng vàng và lần sau 500 để đi buôn, nhưng người cháu nầy tiêu pha hết. Anāthapiṇḍika còn cho hai bộ quần áo nữa. Hết tiền anh xin thêm nhưng bị chú đuổi ra ra khỏi nhà. Người ta thấy anh nằm chết dọc bên tường rào.

Sách còn kể chuyện tỳ nữ Puṇṇā, một nô lệ trong nhà của Anāthapiṇḍika. Một lần nọ, Đức Phật dự định rời Jetavana đi du hành phương xa. Anāthapiṇḍika và nhiều thí chủ khác xin Đức Phật nán ở lại thêm một thời gian nữa nhưng Đức Phật từ chối. Thấy chủ có vẻ buồn rầu, nàng Puṇṇā đến gặp Đức Phật và bạch với Ngài rằng nàng sẽ xin quy y Tam Bảo và thọ trì Ngũ Giới nếu Ngài bằng lòng hoãn lại chuyến đi. Đức Phật chấp thuận. Nhờ đó, Anāthapiṇḍika nhận nàng làm con nuôi (MA.i.347-8). Về sau, nàng xin xuất gia và đắc quả A-la-hán (Therigāthā, vs.3).

Vì sự quảng đại vị tha, ông Anāthapiṇḍika nghèo dần. Tuy nhiên ông vẫn tiếp tục bố thí dù chỉ có trong tay những hạt thức ăn cho chim hay cho hẩm. Một đêm vị nữ thần tài lộc canh cổng nhà ông xuất hiện báo cho ông biết gia tài ông đã cạn kiệt. Nữ thần còn cho biết mỗi lần Đức Phật hay chư Tăng đến nhà, bà phải rời nơi trú ngụ trên cổng, tạo nhiều bất tiện cho bà và bà trở nên ganh tị. Anāthapiṇḍika không quan tâm đến những điều đó và nói bà nên rời khỏi nhà ông. Nữ thần ra đi với với các con, nhưng không dễ tìm nơi tạm trú nên phải đến hỏi ý nhiều vị trời khác kể cả vua trời Sakka (Đế-thích). Vua Sakka khuyên bà nên tìm cách lấy lại cho Anāthapiṇḍika 180 triệu đồng tiền vàng từ những người còn mắc nợ ông, 180 triệu đồng vàng khác bị giông bão cuốn trôi và hiện nằm dưới đáy biển, luôn cả 180 triệu đồng vàng không có chủ. Bà làm thành công, đến xin sám hối với Đức Phật và được nhận trở lại nhà ông (DhA.iii.10 ff.; J.i.227 ff.).

Vào ngày bố-tát (uposatha), cả nhà ông đều giữ bát quan trai giới rất cẩn thận (J.iii.257). Mỗi ngày Anāthapiṇḍika đều đến viếng Đức Phật hai lần, có lúc đi với nhiều người bạn (J.i.95ff.). Lần nào ông cũng đem theo vật thực cúng dường đến các tỳ-khưu trẻ. Ông không bao giờ hỏi Đức Phật điều gì, sợ làm bận rộn Ngài. Ông cũng không muốn Ngài phải nói pháp cho ông nghe để đổi lại sự hào phóng của ông (DhA.i.3). Tuy nhiên Đức Phật tự động nói pháp nhiều lần cho ông. Các bài pháp này, được ghi trong Tăng chi bộ:

  • về sự quan trọng có tâm được gìn giữ chu đáo như mái nhà được bảo vệ cẩn thận (A.i.261f);
  • về những lợi lạc mà người nhận thức ăn có được (đời sống, sắc đẹp, hạnh phúc, sức lực);
  • về bốn bổn phận tạo nên nhiệm vụ của một cư sĩ mộ đạo (gihisāmikiccāni - cúng dường y, thực phẩm, thuốc men, chỗ ở) (S.v.387);
  • về bốn điều kiện thành công rất khó đạt (tài sản tạo ra bằng cách chân chánh, lời nói thiện, sống lâu, tái sinh trong hạnh phúc);
  • về bốn loại hạnh phúc mà cư sĩ muốn tìm (làm chủ, tài sản, không nợ, không bị chỉ trích)( A.ii.64ff).
  • về năm hình thức hoan hỷ do có được tài sản bằng cách chân chính (hoan hỷ cho mình cũng như người thân và bạn mình, có sẵn lúc cần, có khả năng trả thuế và cúng dường cho tôn giáo của mình, cúng dường để được tái sinh hạnh phúc)( A.iii.45-6);
  • năm thứ mong cầu khó thành đạt (sống lâu, sắc đẹp, hạnh phúc, tiếng tăm, điều kiện tốt để tái sinh) (A.iii.47-8);
  • năm hành động tội lỗi biến người thành bất thiện (phạm ngũ giới) (A.iii.204);
  • không nên chỉ thỏa mãn vì có cúng dường đến chư Tăng, thỉnh thoảng cư sĩ phải tập sống hoan hỷ độc cư viễn ly để được thêm năm sự lợi ích trong thời gian ấy: Khổ và ưu liên hệ đến dục, lạc và hỷ liên hệ đến dục, khổ và ưu liên hệ đến bất thiện, lạc và hỷ liên hệ đến bất thiện, khổ và ưu liên hệ đến thiện (một cảnh cáo nhẹ nhàng dành cho Anāthapiṇḍika) (A.iii.206-7).

Phật thuyết kinh Velāma Sutta để động viên Anāthapiṇḍika lúc ông nghĩ không còn cơ hội cúng dường vật thực quý giá đế chư tỳ-khưu vì đang bị lâm vào cảnh sa sút (A.iv.392ff). Phật dạy điều quan trọng là ở tâm trong, cẩn thận khi bố thí cúng dường. Và bố thí cao thượng nhất là biết giữ giới.

Một dịp khác, Phật kể cho ông nghe sở dĩ bậc Dự lưu có hạnh phúc vì vị ấy không còn sợ hãi nữa: sợ bị sa địa ngục, sống với thú, trong cảnh ngạ quỷ, hay trong những cõi bất hạnh khác; vị ấy chắc chắn sẽ đạt thành chánh quả (A.iv.405f, S.v.387f).

Trong kinh khác, Phật nói với Anāthapiṇḍika rằng không phải phú gia nào cũng biết vui thú một cách chính đáng và hữu ích (A.v.177ff).

Có ít nhất một kinh trả lời Anāthapiṇḍika hỏi về quà biếu và người đáng nhận quà (A.i.62-3). Cũng được biết rằng ông có thỉnh ý Phật về đám cưới của con gái ông là Cūla Subhaddā (DhA.iii.466).

Anāthapiṇḍika qua đời trước Đức Phật. Lúc bị bệnh nặng, ông có cho người đi mời ngài Xá-lợi-phất đến (có lẽ ông không muốn làm bận lòng Phật). Ngài Xá-lợi-phất đến với ngài Ānanda và nói kinh Anthapiṇḍikovda Sutta (M.iii.258f.; S.v.380-7). Ông không còn đau đớn khi ông chú tâm vào đời sống phạm hạnh và những hành động mộ đạo của ông. Sau đó, ông dâng thức ăn đến hai vị Trưởng lão và sau đó ông tắt thở, tái sinh lên cõi trời Đâu-suất. Cùng đêm hôm ấy, ông đến viếng Phật ở Jetavana và nói lời ca tụng Jetavana và ngài Xá-lợi-phất đang trú tại đó, khuyến cáo những người khác nên thực hành theo lời dạy của Phật. Trên thiên giới, ông có tuổi thọ lâu dài như bà Visākhā và vua trời Sakka (DA.iii.740).

Một số sự việc liên quan đến Anāthapiṇḍika được ghi lại trong nhiều chuyện Tiền thân (kinh Bổn sinh) khác nhau. Có lần ông được nhờ điều tra trường hợp của một tỳ-khưu-ni mang thai (J.i.148). Một lần nọ Phật du hành khỏi Jetavana, Anāthapiṇḍika rất buồn vì không còn ai để ông kính vấn an; theo lời đề nghị của Phật, một nhánh của cây Bồ-đề được trồng trước cửa Jetavana (J.iv.229) mà theo truyền thuyết vẫn còn tồn tại đến ngày nay.

Một lần khác, có một bà-la-môn nghe nói đến vận may của Anāthapiṇḍika bèn xin đến gặp để học tìm. Ông ta tìm thấy trên mồng con gà trống trắng của Anāthapiṇḍika. Ông ta xin con gà và Anāthapiṇḍika không ngần ngại biếu ngay. Nhưng cái vận may ấy chợt bay đi khắp nơi, đến đậu trên gối, rồi trên nữ trang, trên cây gậy và sau cùng trên đầu của bà Anāthapiṇḍika. Ước muốn của vị bà-la-môn không được như ý (J.ii.410f).

Anāthapiṇḍika bị người khác toan tính làm hại hai lần. Một lần ông bị dụ uống thứ rượu pha chế. Thoạt tiên ông kinh ngạc về thái độ xấc láo của bọn bất lương, nhưng sau đó ông tìm cách giáo huấn, làm họ sợ và trốn biệt (J.i.268). Lần thứ nhì bọn cướp phục kích ông trên đường về; nhờ nhanh chân ông thoát nạn (J.ii.413).

Mỗi lần đến viếng Đức Phật, Anāthapiṇḍika luôn luôn thuật lại những gì ông nghe thấy và Phật kể những điều tương tự xảy ra trong quá khứ. Các chuyện Tiền thân do Đức Phật thuyết liên quan đến những chuyện đó gồm có: Tiền thân Apaṇṇaka, Khadiraṅgāra, Rohiṇī, Vāruṇī, Puṇṇapāti, Kālakaṇṇi, Akataññū, Verī, Kusaṇāli, Siri, Bhadraghaṭa, Visayha, Hiri, Sirikālakaṇṇī, và Sulasā (xem các chuyện tương ứng trong bộ Jātaka).

Anāthapiṇḍika không những là một thương gia lanh lợi mà còn là một nhà hùng biện nhiệt tình. Tăng chi bộ (A.v.185-9) có ghi câu chuyện ông đến thăm những du sĩ ngoại đạo. Rồi một cuộc tranh luận xảy ra liên quan đến quan điểm của họ và giáo pháp của Phật do ông trình bày. Ông thuyết về vạn pháp do duyên sinh, về ba đặc tướng vô thường, khổ, vô ngã làm các du sĩ phải lặng thinh. Khi Đức Phật nghe ông kể lại, Ngài khen ngợi tài tranh luận của ông.

Thời Đức Phật Padumattara, Anāthapiṇḍika là một gia chủ ở Haṃsavatī. Một hôm ông nghe Phật nói đến một đệ tử cư sĩ được xem là người cúng dường hỗ trợ bậc nhất của Ngài. Ông bèn phát tâm ước nguyện sẽ là người cúng dường bậc nhất vào một kiếp sau, và đã thực hiện rất nhiều thiện sự cúng dường trong kiếp đó. Mong ước của ông thành tựu như ý trong kiếp hiện tại. Anāthapiṇḍika đôi khi được gọi là Mahā Anāthapiṇḍika (Đại Cấp Cô Độc) để phân biệt với Cūla Anāthapiṇḍika (Tiểu Cấp Cô Độc).


Anāthapiṇḍika Vagga — Phẩm Cấp Cô Độc (Chương 2) trong Tương ưng Thiên Tử (Devaputta Saṃyutta), Tương ưng bộ. Ghi một số kệ do chư thiên bạch Phật trong nhiều dịp khác nhau; vị trời sau cùng là Anāthapiṇḍika (tái sinh trong cõi trời (S.i.51 ff.)

Anthapiṇḍikovāda Sutta — Do ngài Sāriputta nói cho Anāthapiṇḍika nghe lúc ông hấp hối. Đó là lời động viên ông không nên bám víu vào các pháp thế gian. Sau khi nghe kinh ông khóc lớn vì chưa bao giờ ông được nghe bài thuyết giáo như vậy. Ngay sau đó ông tắt hơi, tái sinh làm vị trời, và đến viếng Phật ở Jetavana (M.iii. 258-263).

Trong kinh, ngài Sāriputta nói rằng thuyết giáo như vậy không thể thuyết cho hàng cư sĩ áo trắng mà chỉ dành cho các tỳ-khưu được được thọ giới nghiêm túc (M.iii. 261). Nhiều người cho rằng lời nói nầy cho thấy học thuyết bí truyền của Đạo Phật. Anāthapiṇḍika yêu cầu những bài kinh như thế nên được nói cho giới cư sĩ nghe vì nhiều người có mắt sáng nhưng bị che mờ.

Anāthapiṇḍika Sutta — Giống như Anthapiṇḍikovda Sutta (như trên), nhưng phần lớn kinh nầy dùng lời an ủi, dũng cảm và khuyến khích do Tôn giả Sāriputta nói cho Anāthapiṇḍika nghe; được biết sau khi nghe kinh ông hết đau đớn. Không thấy đề cập đến lời khuyên không nên bám vào những pháp thế gian hay đến cái chết của Anāthapiṇḍika ngay sau đó. Nhưng có nói đến việc Anāthapiṇḍika mời hai Trưởng lão Ānanda và Sāriputta thọ trai từ thức ăn trong nồi của ông. Hai trưởng lão ra đi sau khi thọ trai xong và cám ơn ông. Ngài Ānanda trình cuộc viếng thăm và giáo giới đến Phật, Ngài tán thán trí tuệ của ngài Sāriputta (S. v. 380-5).

Anāthapiṇḍika Sutta (2) — Giống kinh trên, nhưng ngài Ānanda được xem như người khuyên bảo ông nếu có lòng tin nơi Phật, Pháp, Tăng và có giới đức đầy đủ thì không bao giờ sợ chết và Anāthapiṇḍika nói rằng ông có đầy đủ lòng tin và không có phạm một giới học nào dành cho người tại gia (gihisāmīcakāni sikkhāpadāni) (S.v. 385-7).

Anāthapiṇḍika Sutta (3) — Ghi lại chuyến viếng thăm Đức Phật của Anāthapiṇḍika. Phật nói về thánh đệ tử làm cho tịnh chỉ năm căn sợ hãi, hận thù (pañca-bhayāni verāni, về ngũ giới), thành tựu bốn Dự lưu phần (sotāpattiyaṅgāni, lòng tin Phật, Pháp, Tăng, và giới đức) và thông đạt lý duyên sinh (S.v.387-9).

Anāthapiṇḍika-putta-Kāla Vatthu —Về cuộc nói chuyện của con ông Anāthapiṇḍika là Kāla (DhA. iii. 189-92).

Visākhā (Tỳ-xá-khư) –
Nữ cư sĩ bố thí tối thắng

Đọc thêm: csnu_visakha.pdf

Nữ đại cư sĩ của Đức Phật, được Ngài khen là tối thắng về bố thí (A.i.26) và một trong những nữ cư sĩ lý tưởng (A.iv.348). Cha bà là đại gia Dhanañjaya, con của gia chủ Meṇḍaka, và mẹ bà là Sumanā. Bà sinh ra tại Bhaddiya trong xứ Aṅga.

Lúc Đức Phật cùng chư Tăng đến viếng Bhaddhiya, vì lòng bi mẫn đối với bà-la-môn Sela và nhiều bà-la-môn khác, Visākhā chỉ mới lên 7, nhưng được cha cho 500 người tuỳ tùng, 500 nô tỳ và 500 xe đưa bà đến đảnh lễ Ngài. Đến nơi, Visākhā cẩn thận dừng xe ngoài xa và đi bộ vào. Phật thuyết pháp cho bà nghe và bà đắc quả Dự lưu. Tiếp theo, trong suốt mười bốn hôm liền, cha của bà thỉnh Phật về nhà thọ trai và cúng dường.

Lúc đại gia Dhanañjaya được Vua Bimbisra cử sang xứ Kosala theo lời yêu cầu của Vua Pasenadi, Visākhā theo cha đến sống tại Sāketa. Một hôm, trên đường đi tắm về gặp trời đổ mưa, Visākhā không vội chạy núp mưa như các tuỳ tùng mà khoan thai đi vào chỗ trú. Tại chỗ trú mưa này có sứ giả của đại gia Migāra ở Sāvatthi phái đi khắp xứ tìm hôn thê cho nam tử Puṇṇavaddhana. Được các sứ giả hỏi tại sao nàng không gấp chạy vào để giữ gìn y phục, Visākhā đáp rằng nàng có nhiều y mà chỉ có một tấm thân nên thương tích gây ra cho thân là một thua thiệt lớn. Hơn nữa, nàng nói: “Gái chưa chồng như hàng đang chờ bán, không được làm hư hỏng.” Sứ giả tặng nàng bó bông, nàng nhận như quà cầu hôn rồi đi về nhà cha của bà. Các sứ giả đi theo và đặt bộ áo của Puṇṇavaddhana trước mặt ông . Ông chấp nhận lời cầu hôn và hai họ trao đổi thư từ.

Lúc nghe tin vui, Vua Pasenadi đề nghị đi cùng với Puṇṇavaddhana đến Sāketa cho thêm phần long trọng. Bá hộ Dhanañjaya tiếp đón nhà vua, Migāra, Puṇṇavaddhana, và đoàn tuỳ tùng rất trọng thể. Tất cả được mời lưu lại nhà ông trong mùa mưa và được phục vụ rất chu đáo (DhA.).

Năm trăm thợ bạc được thuê để làm trang sức bằng vàng nấu chảy cho cô dâu tương lai. Sau ba tháng gia công, trang sức chưa hoàn tất, mà củi đốt đã cạn; gia nhâ được lệnh dỡ nhà cũ lấy cây ván chụm, nhưng chỉ được nửa tháng, nên phải mở kho lấy y phục nhúng dầu để làm thức ăn. Hết tháng thứ tư các thợ bạc mới làm xong trang sức. Vào thời Phật Kassapa, bà cúng dường bát, y, kim, chỉ và vải lên 20 ngàn tỳ-khưu; do đó Visākhā được hưởng trang phục như thế trong hiện kiếp (DhA. i. 395).

Bá hộ Dhanañjaya cho con của hồi môn gồm 500 xe tiền, 500 xe chén dĩa bằng vàng, 500 xe chén dĩa bằng bạc và 500 xe chén dĩa bằng đồng, gấm vóc, bơ lỏng, la, gạo, vv. Ông cho cả cày, bừa, và 500 xe mỗi xe chở 300 nô tỳ. Còn gia súc, ông cho đứng chật trong một khuôn viên dài ba phần tư lý, ngang tám sào (=40 m). Ngòai ra, ông còn cho luôn 60 ngàn bò mộng và 60 ngàn bò cái sút chuồng tới nhập đoàn. Trong kiếp là Saṅghadāsī, bà cúng dường năm thứ sản phẩm của bò cái đến 20 ngàn tỳ-khưu và yêu cầu chư vị sử dụng, nên trong hiện kiếp Visākhā được thêm bò sút chuồng (DhA. i. 397).

Lúc Visākhā sắp rời nhà, Bá hộ Dhanañjaya dạy nàng 10 điều (mà Migāra nghe được từ phòng bên cạnh):

1. Không đem lửa trong nhà ra ngoài ngõ.
2. Không đem lửa bên ngoài vào nhà.
3. Chỉ cho đến những người biết cho.
4. Không cho đến những người không biết cho.
5. Cho đến cả hai, những người biết cho và những người không biết cho.
6. Ngồi một cách an vui.
7. Ăn một cách an vui.
8. Ngủ một cách an vui.
9. Coi chừng lửa.
10. Tôn trọng các vị Trời trong nhà.

Các điều ấy có nghĩa là:

1. Không nên nói xấu chồng và cha mẹ chồng với người ngoài. Cũng không nên đem chuyện xấu bên nhà chồng thuật lại cho người ngoài.
2. Không nên ngồi lê đôi mách, nghe ngóng những chuyện xấu của người ngoài rồi đem về nhà bàn tán.
3. Đồ trong nhà chỉ nên đưa cho những người nào mượn rồi trả lại.
4. Không nên đưa cho những người mượn đồ mà không trả lại.
5. Phải giúp đỡ thân bằng quyến thuộc nghèo khó, dầu họ trả lại được hay không.
6. Phải ngồi đúng chỗ thích nghi. Khi thấy cha mẹ chồng đến phải đứng dậy.
7. Trước khi ăn cơm phải coi có dọn đầy đủ cho cha mẹ chồng và chồng chưa. Cũng phải coi chừng xem người làm trong nhà có được chăm sóc đầy đủ không.
8. Trước khi đi ngủ phải quan sát nhà cửa, ghế bàn. Cửa đóng then gài cẩn thận. Xem coi những người giúp việc trong nhà có làm đủ bổn phận của họ chưa và cha mẹ chồng đã đi ngủ chưa. Thế thường người nội trợ phải thức khuya dậy sớm, và trừ khi đau ốm, không nên ngủ ngày.
9. Phải xem chồng và cha mẹ chồng như lửa. Mỗi khi có việc với cha mẹ chồng và chồng phải hết sức thận trọng cũng như phải thận trọng khi làm việc với lửa.
10. Cha mẹ chồng và chồng phải được tôn kính như những vị Trời trong nhà. Nên ghi nhận rằng Đức Phật thường nhắc đến cha mẹ chồng như những vị Trời trong nhà.

Về sau, các câu đố trong bài giáo huấn này được Visākhā giải cho Migāra nghe (DhA. i. 403 f.).

Hôm sau, Bá hộ Dhanañjaya cử tám gia chủ để bảo trợ và xem xét mọi khiếu nại liên quan đến Visākhā. Lúc Visākhā về nhà chồng, Bá hộ Dhanañjaya cho phép tá điền trong 14 làng của ông được tự do theo nàng nếu muốn. Do đó, dân chúng các làng đều tình nguyện đi hết; nhưng Migāra sợ phải nuôi ăn nên đuổi họ trở về. Visākhā vào thành Sāvatthi đứng trên xe để mọi người chiêm ngưỡng. Nàng được rất nhiều quà cưới nhưng không giữ lại mà đem phân phát hết cho mọi người.

Đại gia Migāra theo phái Ni-kiền-tử nên bắt Visākhā phải phục dịch họ. Phản đối lối sống lõa thể của họ, nàng từ chối đảnh lễ họ, và bị họ ép phải đuổi nàng đi, nhưng Migāra không dám đuổi nên kéo dài thời gian. Một hôm, có một tỳ-khưu đến nhà khất thực lúc Visākhā hầu quạt cho Migāra dùng cơm. Nàng đứng sang một bên để cho cha mình thấy tỳ-khưu, nhưng ông tiếp tục ăn không để ý. Nàng với tỳ-khưu rằng: "Bạch sư, xin thỉnh sư hoan hỷ bước sang nhà khác. Cha chồng tôi đang dùng những món ăn đã hư cũ”. Migāra nghe được nên nổi sân đuổi nàng đi. Nàng yêu cầu được đưa vấn đề ra cho tám vị bảo trợ minh xét. Nàng trình bày: " Lúc cha chồng tôi đang dùng cháo thì có một vị tỳ khưu vào nhà khất thực. Cha chồng tôi thấy mà làm ngơ. Nghĩ bụng rằng cha chồng tôi không làm được điều thiện nào trong hiện tại mà chỉ thọ hưởng phước báu đã tạo trong quá khứ, nên tôi bạch với vị tỳ khưu: "Bạch sư, xin thỉnh sư hoan hỷ bước sang nhà khác. Cha chồng tôi đang dùng những thức ăn đã hư cũ". Họ tuyên bố nàng vô tội. Tuy nhiên, nàng vẫn chuẩn bị ra đi trở về nhà cha mẹ ruột. Migāra yêu cầu nàng ở lại; nàng đồng ý với điều kiện ông phải thỉnh Phật và tỳ-khưu về nhà cúng dường. Ông đồng ý nhưng để không phật lòng các Ni-kiền-tử, ông không tiếp Phật và tỳ-khưu mà chỉ đứng sau rèm nghe Phật thuyết giảng. Sau bài pháp thoại, ông đắc quả Dự lưu. Ông vô cùng biết ơn Visākhā và từ đó ông dành cho Visākhā danh dự của người làm mẹ và Visākhā được gọi là Migāramātā. Chú giải (DhA.i.406 và AA.i.313) nói trong tiền kiếp, Migāra từng là trưởng nam của nàng.

Migāra quyết định biếu cho nàng một trang sức gọi là Dhanamaṭṭhaka đáng giá trăm ngàn đồng. Visākhā bán tư trang này lấy tiền xây Migāramātupāsāda (giảng đường Lộc mẫu hay Đông các giảng đường) dâng đến Đức Phật và chư Tăng.

Visākhā hạ sinh 10 nam tử và 10 nữ nhi. Mỗi con cháu bà đến đời thứ tư đều sinh con đẻ cái như vậy (tức 10 nam, 10 nữ mỗi người). Cho đến lúc bà mãn phần vào tuổi 120, bà có 84 ngàn con cháu, tất cả đều còn sống. Nhưng trong kinh Phật tự thuyết (Ud.viii.8) nói đến cái chết của một cháu nội (Dattā) khiến bà sầu muộn nhiều. Trong suốt đời bà, bà luôn luôn có vóc dáng của một thiếu nữ 16 xuân xanh. Bà có sức tương đương với năm thớt voi; truyền thuyết nói rằng có lần bà dùng hai ngón tay nắm vòi con voi (được đưa đến để đọ sức với bà) đẩy voi lùi ra (DhA. i. 409). Visākhā còn nổi tiếng là đem may mắn đến, nên được dân chúng Sāvatthi đua nhau mời mọc đến nhà trong các ngày lễ hội (DhA. i. 409).

Visākhā cúng dường thực phẩm lên 500 tỳ-khưu tại nhà mỗi ngày (J. iv. 144; DhA. i. 128). Mỗi buổi trưa bà đến nghe Phật thuyết pháp, sau đó đi quanh trong tịnh xá tìm hiểu nhu cầu của chư tỳ-khưu và tỳ-khưu ni. Nhiều lúc bà cùng đi với cư sĩ hộ trì Suppiyā. Visākhā xin và được Phật cho tám điều ước:

1. Dâng y đến chư Tăng trong mùa nhập Hạ cho đến khi bà chết.
2. Để bát những vị sư đến thành Savatthi (Xá Vệ).
3. Để bát những vị sư ra đi, rời thành Savatthi.
4. Dâng thực phẩm đến những vị sư đau ốm.
5. Dâng thực phẩm đến những vị ra công chăm sóc các sư đau ốm.
6. Dâng thuốc men đến những vị sư đau ốm.
7. Dâng lúa mạch đến chư sư.
8. Dâng y tắm đến chư tỳ-khưu-ni.

Sau khi Lộc Mẫu giảng đường được hoàn tất, bà Visākhā rất mãn nguyện. Truyền thuyết nói rằng (DhA. i. 416 f.) trong lễ lạc thành, bà cùng con cháu chắt chít đi nhiễu và nói kệ mô tả niềm phỉ lạc được thấy nguyện ước của bà bấy lâu nay đã thành sự thật.

Chuyện tới tai Phật, Ngài dạy rằng vào thời Phật Padumuttara, Visākhā là bạn của nữ đại cư sĩ hộ trì của Phật; và vào thời Phật Kassapa bà là Saṅghadsī (công chúa út của vua Kiki) từng cúng dường và lập nhiều công quả cùng với sáu chị của bà (AA. i. 219).

Theo Chuyện Thiên cung (Vv. iv. 6; VvA. 189, 191), sau khi thân hoại mạng chung, bà Visākhā sinh làm chánh hậu của Thiên vương Sunimmitta trị vì chư Thiên Nimmānarati. Luận sư Buddhaghosa (DA. iii. 740) luận rằng Visākhā, cũng như Sakka (Đế-thích) và Anāthapiṇḍika, sẽ hưởng 131 kiếp hạnh phúc trên cõi Phạm thiên trước khi nhập Niết-bàn.

Thân thích của bà Visākhā được kinh điển đề cập đến nhiều nhất là hai nam tử Migajāla và Migāra; người chị Sujātā (dâu của Trưởng giả Anāthapiṇḍika) (A. iv. 91; AA. ii. 724; J. ii. 347); cháu nội trai Saḷha; cháu nội gái Dattā (DhA. iii. 278); và Uggaha Meṇḍakanattā. Một cháu khác cũng được nhắc tới vì bà từng bạch xin Phật cho phép người cháu này được thọ giới trong mùa an cư – lúc mà chư tỳ-khưu từ chối không truyền giới (Vin. i. 153).

Phật thuyết nhiều kinh cho bà Visākhā; đặc biệt quan trọng là kinh về các ngày trai giới - ngày bát quan trai giới, uposatha, bố-tát (A.i.205 ff.; cf. iv. 255; DhA. iii. 58 f.). Ngài cũng dạy cho bà về việc thành tựu tám đức tính để tạo hạnh phúc (A.iv.269) và tám đức tính để được tái sinh cộng trú với chư Thiên cõi Trời Tha hóa Tự tại (A.iv.267); tóm tắt: làm tròn bổn phận của người vợ, người dâu trong gia đình, có đức tin nơi Tam Bảo, giữ ngũ giới, bố thí rộng rãi, và phát triển trí tuệ thẩm thấu tính sinh diệt đưa đến diệt trừ hoạn khổ.

Nakulapitā và Nakulamātā.—
Nam và Nữ cư sĩ nói chuyện thân mật

Đọc thêm: csnamnu_nakula.pdf

Hai ông bà gia chủ ở Suṃsumāragiri trong xứ Bhagga. Ông bà đến yết kiến Phật lúc Ngài an trú tại Bhesakaḷāvana. Gặp Phật, ông bà sụp quỳ dưới chân Ngài, gọi Ngài là “con” và hỏi sao Ngài đi xa lâu vậy. Được biết ông bà là từng là cha mẹ của ngài Bồ-tát những 500 kiếp và là họ hàng trong nhiều kiếp hơn nữa. Phật thuyết giảng và ông bà đắc Sơ quả (Dự lưu). Phật đến làng viếng ông bà một lần nữa lúc ông bà về già. Ông bà thỉnh Ngài thọ trai và bạch rằng ông bà luôn hy sinh cho nhau trong đời này và bạch xin Ngài giáo giới cho pháp để hai ông bà luôn được hạnh phúc bên nhau trong các kiếp sau (đồng tín, đồng giới, đồng thí, đồng trí). Phật tuyên bố với Tăng Đoàn ông bà là cư sĩ tối thắng về giao tiếp một cách thân mật (A. i. 26; ii. 61 f.; AA. i. 216 f., 246; ii. 514; SA. ii. 182).

Một hôm, Nakulapitā bị bệnh, bà thấy ông lo âu. Bà liền khuyên ông chớ âu lo cho ông, cho bà, hay cho con cái. Bà nói với giọng khẳng định khiến ông an tâm và khỏi bệnh. Sau đó ông đến viếng Đức Phật kể lại chuyện này. Phật tán thán ông có người vợ tốt (A. iii. 295 ff.).

Tương ưng bộ (S. iii. 1 ff.; iv. 116; A. iv. 268) có ghi lại các câu chuyện giữa Phật và ông bà gia chủ Nakulapitā (Nakulapitā Sutta). Gia chủ Nakulapitā yết kiến Phật và bạch hỏi tại sao một số chúng sinh được giải thoát trong đời này còn số khác thì không. Đó là vì chấp thủ vào sáu trần, Phật đáp. Tiếp theo, Ngài giảng giải cho ông nghe (S. iv. 107, 116). Một lần khác, gia chủ Nakulapitā xin Phật giáo giới để ông được an lạc trong lúc tuổi về chiều hay đau yếu. Phật dạy ông tu tập tâm, và luôn ghi nhớ: “Dù thân ta có đau, nhưng tâm ta sẽ không đau theo”. Tiếp theo, ông yết kiến Tôn giả Sāriputta để xin được giải thích điều Phật dạy. Tôn giả giải thích cặn kẽ pháp tu tập tâm bằng cách diệt trừ các ý tưởng về ngã đối với các uẩn (S. iii. 1 ff.).

Cả hai ông bà được Phật tuyên bố là hai vị tối thắng về “nói chuyện một cách thân mật” (A. iii. 465; iv. 348). Được biết (A. i. 216) ước muốn làm người tối thắng phát khởi nơi ông bà Nakulapitā từ thời Phật Padumuttara. Bấy giờ ông làm gia chủ ở Haṃsavatī và có mặt trong lúc Phật tuyên bố với Tăng Đoàn vị tối thắng trong số các vị cư sĩ giao tiếp một cách thân mật.

 
Hatthaka
Nam cư sĩ tối thắng về tài nhiếp phục hội chúng

Được gọi là Āḷavaka. Cư sĩ tối thắng về nhiếp phục một hội chúng nhờ Bốn nhiếp pháp (catūhi vatthūhi parisaṃ saṅgaṅhantānaṃ)( A. i. 26). Ông là thái tử của vua trị vì xứ Āḷavī (nên được gọi là Āḷavaka) được Phật cứu khỏi bị Dạ xoa Āḷavaka ăn thịt. Ông được gọi là Hatthaka vì được một Dạ xoa giao cho Phật sau khi Dạ xoa được Ngài cảm hoá, và được Phật giao lại cho các sứ giả của triều đình. Ông được “giao từ tay này qua tay khác” (hatthato hatthaṃ gatattā)( AA. i. 212; SnA. i. 240).

Khi lớn lên, ông được Phật thuyết pháp cho nghe nhiều lần và đắc quả A-na-hàm (Bất lai). Ông luôn luôn có một hội chúng tùy tùng gồm 500 cư sĩ và là một trong bảy vị cư sĩ có hội chúng đông như vậy (SA. iii. 223). Ông được gặp Phật nhiều lần. Lần tại Gomagga trong rừng Siṃsapā gần Āḷavī, ông bạch hỏi Ngài có sống an lạc không? Ngài đáp rằng lúc nào Ngài cũng là một trong số những người sống an lạc trên đời (A. i. 136 f.). Lần khác Phật hỏi ông làm sao thu nhiếp được hội chúng lớn của ông? Ông bạch rằng ông thu nhiếp với bốn nhiếp pháp (bố thí, ái ngữ, lợi hành, đồng sự) mà Ngài đã giảng. Sau khi Hatthaka ra về, Phật tán thán ông với chư tỳ-khưu rằng ông thành tựu được tám đức tính vi diệu: có lòng tin, giữ giới, có lòng xấu hổ, có lòng sợ hãi, nghe nhiều, có bố thí, có trí tuệ, thiểu dục (A. iv. 218 f.; tánh thiểu dục của ông còn được kể trong nhiều chỗ khác, như A. iv. 216).

Như gia chủ Citta-gahapati (hay Citta), thái tử Hatthaka thường được xem như một tấm gương cho nhiều người noi theo (S. ii. 235; A. i. 88; ii. 164; iii. 451).

Sau khi mạng chung, thái tử Hatthaka sanh lên cõi Avihā trong Tịnh cư thiên và từ đó không còn tái sinh nữa. Ông có lần xuống viếng Phật cố đứng thẳng nhưng cứ bị chìm xuống, không đứng thẳng được. Ngài khuyên ông hoá thành một tự thể thô xấu; ông đứng lên được. Ông bạch rằng ông luôn luôn bị bao vây bởi chư thiên muốn học Pháp, và rằng ông mạng chung trong lúc còn ba điều tiếc: không bao giờ vừa đủ được thấy Thế Tôn; không bao giờ vừa đủ được nghe diệu pháp; không bao giờ vừa đủ được phục vụ chúng Tăng (A. i. 278 f. ).

Trong Phật sử (Buddhavaṃsa, Bu. xxvi. 19), gia chủ Citta-gahapati và thái tử Hatthakāḷavaka được gọi là đại cư sĩ hộ trì (aggupaṭṭhākā) của Phật Gotama.

Citta (Cittagahapati)
Nam cư sĩ thuyết pháp tối thắng

Đọc thêm: csnam_citta.pdf

Gia chủ ở Macchikāsaṇḍa, nơi mà ông làm chủ ngân khố. Về sau ông được Phật tuyên bố là vị cư sĩ tối thắng về thuyết pháp (A. i. 26). Ngày ông sinh ra, toàn kinh thành được phủ hoa đến đầu gối; hoa có nhiều sắc nên ông được gọi như vậy.

Lúc Trưởng lão Mahānāma viếng Macchikāsaṇḍa, Citta hoan hỷ với oai nghi của ông nên mời ông về hoa viên Ambāṭakārāma của mình và xây cúng dường ngài một tịnh xá. Tại đây Trưởng lão thuyết cho ông nghe về phân biệt sáu xứ và ông đắc quả A-na-hàm. Từ đó nhiều tỳ-khưu đến viếng Ambāṭakārāma và được Citta tiếp đãi trọng hậu. Trong số quý vị đến đây có Isidatta, một bạn thân của Citta, nhưng vị Trưởng lão này ra đi sau khi tông tích mình bị lộ. Trưởng lão Mahānāma và Mahaka cũng ra đi vì lý do đó, sau khi thi triển thần thông theo lời yêu cầu của Citta. Tương ưng Citta (S. iv. 282 ff.) có đề cập đến các cuộc đàm thoại giữa Citta và nhiều vị trong Tăng đoàn, ví như tỳ-khưu Kāmabhū, Godatta và các vị đã dẫn trên. Được biết Citta còn có đàm thoại với Ni-kiền-tử Nātaputta và Acela Kassapa và từng bác bỏ giáo thuyết của quý vị Giáo trưởng ngoại đạo này.

Trong hoa viên Ambāṭakārāma có Trưởng lão Sudhamma trú thường xuyên và được Citta tận tình chăm sóc. Nhưng có lần nọ ông trách Citta vì Citta tiếp hai vị đại đệ tử (Sariputta và Moggalana) và các đại trưởng lão trước. Nghe vậy, Phật bảo Sudhamma phải đến xin lỗi Citta (Vin. ii. 15 ff.; DhA. ii. 74 f.).

Một thời gian sau, Citta đến yết kiến Phật; ông đi cùng đoàn tùy tùng gồm hai ngàn người và 500 xe đầy vật thực để cúng dường Phật và Tăng Đoàn. Lúc ông sụp lạy dưới chơn Phật, hoa ngủ sắc rơi từ không trung xuống, và Đức Thế Tôn giảng về phân biệt sáu xứ (Saḷāyatana-vibhatti, MN 137). Ông bố thí cúng dường chư Tăng trong suốt hai tuần và chư thiên tiếp tục làm đầy xe ông liên tục và đủ thứ quý giá (AA. i. 210).

Lúc Citta nằm trên giường bệnh trước giờ lâm chung, chư thiên đến viếng và khuyến khích ông ước làm Thiên vương, nhưng ông từ chối mong cầu điều vô thường. Rồi ông yêu cầu chư thiên quy tụ quanh ông để ông nói về Đức Thế Tôn và lời dạy của Ngài (S. iv. 302 f.). Ông được xem như là một cư sĩ lý tưởng (A. i. 88; ii. 164; iii. 451).

Citta sở hữu làng mang tên Migapattaka (SA. iii. 93).

Vào thời Phật Padumuttara, Citta từng ôm ấp mộng làm người cư sĩ tối thắng về giảng pháp. Vào thời Phật Kassapa ông làm thợ săn. Một hôm, thấy một tu sĩ trong thung lũng, ông hoan hỷ và lật đật về nhà soạn cơm để cúng dường cùng với bông hoa ông hái dọc đường. Sau khi cúng dường xong, ông ước nguyện không bao giờ thiếu thốn trong việc bố thí và được hoa rơi trên ông từ không trung. Trên cõi thiên ông hơn tất cả về dung sắc (AA. i. 209). Trong chuyện Tiền thân Bhisa (J. ii. 314) ông làm người nô lệ.

Dù không phải là bậc A-la-hán, Citta chứng đắc tuệ minh sát của bậc hữu học (sekha) (Vsm. 442).

 
Khujjuttarā.—
Nữ cư sĩ tối thắng về đa văn (nghe nhiều)

Nàng sinh ra trong nhà của chủ khố Ghosita (AA. i. 232) ; mẹ nàng lúc bấy giờ là vú nuôi của gia đình này. Lớn lên, nàng làm nữ tì của Hoàng hậu Sāmāvatī. Mỗi ngày nàng được Hoàng hậu cho tám đồng do vua cấp để mua bông. Nàng mua bốn đồng bông của người làm vườn Sumana, còn cất lại bốn đồng.

Một hôm, Phật viếng Sumana và thuyết kinh. Khujjuttarā được nghe kinh Phật thuyết và đắc quả Dự lưu. Hôm ấy nàng đem hết tiền ra mua bông. Hoàng hậu hỏi về số tiền lớn này, nàng trình hết tự sự. Từ hôm đó, Hoàng hậu Sāmāvatī dành cho Khujjuttarā mọi vinh dự, cho nàng hương liệu tắm, và nghe nàng nói pháp. Khujjuttarā làm như mẹ của Hoàng hậu, đi nghe pháp rồi về cung nói lại cho Hoàng hậu và 500 cung nữ nghe. Về sau, tất cả đều đắc quả Dự lưu. Khi Hoàng hậu tỏ ý muốn thấy Đức Phật, Khujjuttarā đề nghị bà cho khoét tường rồi nhìn ra khi Phật đi ngang. Sau khi Hoàng hậu quy tiên, bà dành hết thì giờ mình để nghe và thuyết pháp. Phật tuyên bố bà là vị nữ đệ tử tối thắng về nghe nhiều (bahussutānaṃ) (A. i. 26; DhA. i. 208 ff.; AA. i. 226, 237 f.; ItvA. 23 f.; PsA. 498 f.)

Một thời thuở xưa, Khujjuttarā làm tỳ nữ cho vua trị vì Benares. Một hôm, thấy vị Phật Độc giác lưng gù, nàng giả dạng gù như Phật; do vậy, nàng bị gù lưng trong kiếp này. Một lần khác, thấy tám vị Phật Độc giác đổi tay bưng bát vì vừa nhận cháo nóng trong cung cúng dường, nàng lấy tám vòng tay bằng ngà để chư vị lót bát (được biết tám vòng này hiện đang được tôn trí tại Nandamūla-pabbhāra; do đó nàng đạt được thượng trí và có thể học tinh tấn Tam Tạng Kinh trong kiếp này.

Vào thời Phật Kassapa, Khujjuttarā là con của một chủ ngân khố và có người bạn làm Tỳ-khưu-ni. Một chiều nọ, trong lúc nàng đang trang điểm, Tỳ-khưu-ni đến viếng. Vì không có sẵn nữ tỳ, nàng bảo Tỳ kheo ni làm công việc của nữ tỳ giúp nàng. Do đó, nàng sanh làm nữ tỳ trong kiếp này.

Vào thời Phật Padumuttara, Khujjuttarā thấy có người được tuyên bố là tối thắng về nghe nhiều, nàng muốn được như vậy về sau (DhA. i. 226 f. etc.; Dvy. 339-41.).

Được biết các bài kinh trong Phật Thuyết Như Vậy (Itivuttaka) là những kinh mà Khujjuttarā từng nghe Phật thuyết và được bà thuyết lại cho Hoàng hậu Sāmāvatī với cung nữ nghe. Vì tất cả các kinh này được nghe và thuyết lại tại Kosambī nên không cần nói đến địa điểm thuyết pháp; do đó câu “Ekaṃ samayaṃ Bhagavā Kosambiyaṃ viharati (Một thời Đức Thế Tôn ở tại Kosambi)” không có ghi trong kinh, trái lại, có câu “vuttaṃ h’etaṃ Bhagavatā arahatā. (Điều nầy đã được Đức Thế Tôn nói đến)” (ItvA. 32.).

Bà Khujjuttarā thường được kể như mẫu mực của các nữ cư sĩ (E. g., A. i. 88; ii. 164; iv. 368; S. ii. 236.), và trong các Chú giải (E. g., DA. iii. 910. ), bà được xem như là một ví dụ về kāmabhoginiyo (người đàn bà an lạc trong cõi dục). Bà đạt được tuệ phân tích (paṭisambhidā) trong khi là gia chủ, nhưng là tuệ phân tích của một bậc hữu học (sekha) Vsm. 442; VibhA. 388.

Bà Khujjuttarā là nữ tỳ trong Tiền thân Uraga Jātaka (J. iii. 168.) và Bhisa (J. iv. 314.), bà vú trong Tiền thân Culla-Sutasoma (J. v. 192.), và người gù lưng trong Tiền thân Kusa (Ibid., 312.). Nhờ được tinh tấn trong pháp hành (abhijānato) bà có thần thông nhớ được các kiếp trước – túc mạng thông (Mil. 78.).

Được biết khi Hoàng hậu Sāmāvatī và bạn bà bị chết cháy (UdA. 384.), Khujjuttarā thoát nạn vì bà không có tham gia vào các ác hành họ làm; lúc lửa cháy, bà không có mặt trong cung, mà ở cách đó mười dặm.

Sāmāvatī.—
Nữ cư sĩ tối thắng về lòng từ

Một trong ba chánh hậu của Vua Udena. Nàng là ái nữ Sāmā của Bá hộ Bhaddavatiya ở Bhaddavatī; Bá hộ là bạn của Bá hộ Ghosaka ở Kosambī. Lúc dịch khí lan tràn ở Bhaddavatī, nàng cùng cha mẹ chạy qua Kosambī và sống nhờ vào bố thí của Ghosaka. Vào ngày thứ ba khi đến đây, nàng chỉ xin một phần ăn thay vì hai hay ba như hai hôm trước. Mitta, người bố thí thực phẩm, lấy làm lạ, nhưng nàng cho biết cha nàng chết sau bữa ăn đầu tiên, kế đến, mẹ nàng chết sau bữa ăn thứ nhì, nay chỉ còn có một mình nàng. Xót thương, Mitta đem nàng về nuôi.

Một hôm, nàng giúp tổ chức giữ trật tự trong thí đường nên không còn cảnh la lối chen lấn nữa. Cảm khích, Bá hộ Ghosaka nhận nàng làm con nuôi và gọi nàng là Sāmāvatī (Sāmā người biết dùng rào, vì nàng đã biết dùng rào, vati, phân chia lối ra vào nơi phát cơm để giữ trật tự).

Trong ngày lễ hội nọ, Vua Udena thấy nàng trên đường đi tắm, đem lòng say mê và ra lệnh cho nàng tiến cung. Nhưng Ghosaka không thuận nên bị tịch thu gia sản. Để cứu cha, nàng xin được tấn cung và Vua Udena phong nàng làm chánh cung. Một thời gian sau, Udena tấn phong thêm một chánh cung nữa, Māgandiyā (q.v.).

Lúc Phật đến Kosambī thuyết pháp theo lời thỉnh cầu của ba Bá hộ Ghosaka, Kukkuṭa và Pāvāriya, nữ tỳ Khujjutarā của Sāmāvatī nghe pháp và đắc quả Dự lưu. Khujjutarā trình hoàng hậu Sāmāvatī sự việc xảy ra với nàng và nói lại bài pháp cho Sāmāvatī nghe. Được tin Phật sẽ đi ngang qua cung, Sāmāvatī cho khoét tường để có thể nhìn thấy và đảnh lễ Ngài. Biết được việc này và vì không có thiện cảm với Phật, Chánh hậu Māgandiyā tâu vua với mục đích hại Sāmāvatī (xem chi tiết trong s.v. Māgandīyā.). Nhưng nhà vua chẳng những không tin mà còn cho Sāmāvatī một điều ước; bà ước được thỉnh Phật vào cung thọ trai và thuyết pháp hằng ngày. Phật gởi Tôn giả Ānanda đi thế Ngài. Một hôm, Tôn giả được các nữ nhân trong cung cúng dường 500 bộ y. Tin này đến tai vua, ông nổi giận; nhưng sau khi nghe Tôn giả Ānanda thuyết rằng không có gì cúng dường đến các vị tỳ-khưu là của mất, nhà vua cúng dường thêm 500 bộ nữa.

Thất bại lần đầu, Chánh hậu Māgandiyā bày lần hai. Sāmāvatī và nhiều tuỳ tùng bị chết cháy trong cung. Lúc ấy, nhà vua đang dạo chơi trong rừng, khi trở về mới được tin bà và các cung nữ đã bị chết cháy. Được nhà vua hỏi, Phật nói rằng chư vị này có người đã đắc sơ, nhị, hay tam thiền.

Theo Chú giải, bà Sāmāvatī từng được tấn cung Benares trong tiền kiếp. Một hôm, đi tắm với vua, bà cảm thấy lạnh nên đốt mớ cỏ khô để sưởi. Cỏ cháy lan và đốt một vị Phật Độc giác đang nhập định. Để phi tang, bà và các cung nữ tuỳ tùng chất cỏ đổ dầu đốt thêm cho tiêu xác vị Phật. Do đó, trong kiếp này họ phải bị chết cháy [*]. Hai bạn của Sāmāvatī (cùng tên Sāma) đau khổ vì cái chết của bà nên xuất gia.

Sāmāvatī được xem là một nữ đại cư sĩ của Phật, và được Ngài tuyên bố là tối thắng về trú từ tâm (aggaṃ mettāvihārinaṃ) (A. i. 26; cf. iv. 348.). Thần thông của bà để tránh tên do Vua Udena bắn tới bà thường được đề cập đến (E.g., BuA. 24; ItA. 23; PSA. 498; AA. ii. 791).

[*] Chuyện của Sāmāvatī được kể trong chuyện về Udena. Xem DhA. i. 187-91, 205-225; chuyện còn được kể với đôi chút khác biệt trong AA. i. 232-4, 236 ff., được tóm lược trong UdA. 382 f. (không có chuyện Sāmāvatī bị chết cháy) và Ud. vii. 10 (chuyện Sāmāvatī bị chết cháy được mô tả tỉ mỉ ở đây). Cf. Dvy. 575 f. Theo Thanh tịnh đạo, Visuddhimagga (p. 380 f.), Māgandiyā muốn hại Sāmāvatī vì bà muốn làm chánh hậu một mình.

Uttarā Nandamātā.—
Nữ cư sĩ tối thắng về tu thiền

Nữ cư sĩ trưởng của nhóm nữ đệ tử hộ trì Phật (Bu. xxvi. 20.). Trong Tăng Chi Bộ Kinh (i. 26.), bà được mô tả như một nữ đệ tử cư sĩ tu thiền tối thắng, nhưng đó có thể là một bà Uttarā khác. Bà còn được liệt kê trong danh sách các nữ cư sĩ thọ bát quan trai giới (A. iv. 347; AA. ii. 791.).

Theo Chú giải Tăng chi bộ (i. 240 ff.), bà là con gái của Puṇṇasīha (Puṇṇaka) (q.v.), một gia nhân của tài chủ Sumana ở Rājagaha. Về sau, khi Puṇṇasīha trở thành tài chủ đàn na (dhana-seṭṭhi) vì có tài sản kếch xù do kết quả của bữa cơm cúng dường Tôn giả Sāriputta, ông lập lễ trai đàn bảy ngày để cúng dường Phật và Tăng chúng. Vào ngày thứ bảy, sau bài pháp thoại tạ ân của Phật, Puṇṇasīha và tất cả vợ con đều đắc Sơ quả.

Lúc tài chủ Sumana xin cưới Uttarā cho con trai ông, ông bị từ chối vì không thuộc giáo phái của Phật. Puṇṇa nói với Sumana rằng Uttarā là đệ tử của Phật và hằng ngày nàng dâng Phật bông hoa tốn một đồng kahāpaṇa (tiền Ấn Độ). Khi Sumana hứa giúp Uttarā dâng lên Phật mỗi ngày hai kahāpaṇa tiền bông, ông đồng ý gả Uttarā. Sau nhiều lần thuyết phục chồng để mình được chay tịnh như lúc còn bên nhà cha mẹ ruột, Uttarā không thành công. Nàng bèn xin cha 15 ngàn kahāpaṇa để mướn kỹ nữ Sirimā lo cho chồng trong mươi lăm hôm lúc bà thọ bát quan trai. Vào ngày chay cuối cùng, trong lúc Uttarā bận lo vật thực cúng dường Phật, chồng bà đi dạo cùng với Sirimā và thấy bà làm việc cực nhọc, bèn cười bà ngu si không biết hưởng gia tài sẵn có. Uttarā cười lại ông không biết dùng đúng mức gia tài sẵn có. Còn Sirimā nghĩ rằng vợ chồng họ vui cười với nhau trước mặt nàng nên ghen tức và chụp bình dầu sôi quăng tới Uttarā. Uttarā cảm thương Sirimā, và dầu sôi đó không làm phỏng được nàng. Sirimā nhận biết mình điên, bèn xin lỗi Uttarā. Uttarā đưa nàng đến yết kiến Phật, bạch Ngài câu chuyện, và xin Ngài tha tội cho Sirimā. Vì Phật thuyết pháp cho Sirimā nghe và nàng đắc Sơ quả.

Chú giải Chuyện Thiên cung (pp. 631 ff.; Vv. 11 f.) và Chú giải Pháp cú (iii. 302 ff.; xem thêm iii. 104.) có ghi lại chuyện kể trên với nhiều chi tiết khác biệt. Theo hai chú giải này, sau khi Phật kết thúc pháp thoại, Uttarā đắc quả Tư-đà-hàm (Nhất lai), còn chồng nàng và cha chồng đắc quả Dự Lưu.

Sau khi thân hoại mạng chung, Uttarā sanh về Tāvatiṃsa (Đao-lợi thiên) trong một đền đài (vimāna). Tôn giả Moggallāna có gặp nàng trong một lần viếng Tāvatiṃsa và khi nghe kể chuyện nàng, có bạch lại Phật.

Rất lạ là Nanda (Nandamātā: mẹ của Nanda) không được nhắc đến lúc nào cả. Có ý kiến (E.g., Brethren 41, n. 1.) cho rằng Uttarā Nandamātā có thể chính là bà Veḷukaṇṭī Nandamātā, nhưng tác giả Malalasekera không cho sự xác định là đúng. Chuyện của Uttarā được kể trong Visuddhimagga (p. 313.) chứng tỏ lửa không thể làm phỏng người sống trong thương yêu, và một lần nữa cho thấy ví dụ của lực thần thông được tỏa rộng bởi định lực của thiền (p. 380-1; thêm Ps. ii. 212; PsA. 497.).

Mahānāma Sākya.—
Nam cư sĩ tối thắng về bố thí các món ăn thượng vị

Phó vương thuộc dòng tộc Sākya (Thích-ca), con của Amitodana (em trai vua Tịnh Phạn, Suddhodhana), anh của Anuruddha (A-nậu-lâu-đà, A-na-luật), bạn chú bác của Phật Thích-ca. Lúc các gia đình ở Kapilavatthu cử người theo Phật gia nhập Tăng đoàn, Mahānāma cho phép Anuruddha xuất gia (1) và cúng dường rất rộng rãi nên được tiếng là cư sĩ tối thắng về bố thí các món ăn thượng vị (A. i. 26.). Một thời, ông được phép Phật để cung cấp thuốc men cho Tăng đoàn ba lần liền, cứ bốn tháng một lần. Nhóm Lục sư (Chabbaggiyā) tìm cách nói ra nhưng ông không nản lòng (2). Là một Phật tử tín thọ nơi Phật và luôn luôn muốn học hỏi, ông thường yết kiến Phật cũng như chư vị Tôn giả Ānanda, Godha và Lomasavaṅgisa (Xem s.v. Mahānāma Sutta. Xem thêm s.v. Lomasavaṅgisa).

Lần nọ Phật du hành đến Kapilavatthu, ông tìm không ra chỗ thích hợp nên đề nghị Phật tạm trú tại am thất của Sa môn Bharaṇḍu Kālāma (S. v. 327 f.). Sáng hôm sau ông đến và có cuộc đàm thoại giữa ông, Bharaṇḍu và Phật; sau đó Bharaṇḍu ra đi không trở lại Kapilavatthu vì nghĩ mình đã nói lên điều Phật bác bỏ trước mặt họ Thích Mahānāma có thế lực lớn (Xem chi tiết trong s.v. Bharaṇḍu.). Lần khác Mahānāma đến viếng Phật đang tịnh dưỡng tại Nigrodhārāma và bạch hỏi định đến trước hay sau niệm. Để Phật nghỉ ngơi, thị giả Ānanda đưa ông ra ngoài giảng cho ông giáo pháp của Phật về vấn đề này (Xem Sakka Sutta, S. i. 219 f.).

Mahānāga có một ái nữ, Vāsābhakhattiyā, với nô tỳ Nāgamuṇḍā; ái nữ này được ông đề nghị gả cho Vua Pasenadi lúc nhà vua muốn kết thân với Kapilavatthu. Để đánh tan mọi nghi ngờ về hậu ý không tốt của ông (gả cho vua người thuộc hàng hạ liệt), ông ngồi cùng bàn và dùng cơm cùng đĩa với nàng. Cơm vô miệng nhưng chưa kịp nuốt, ông được sứ giả đến triệu đi; ông bảo con tiếp tục bữa cơm (DhA. i. 345 f.; J. i. 133; iv. 145 f.).

Xem Cūla-Dukkhakkhandha Sutta (Tiểu kinh Khổ uẩn, MN 14) và Kaṅkheyya Sutta (Kinh Nghi ngờ, SN 54.12) được thuyết vì ông.

Phát tâm muốn làm người tối thắng về bố thí thực phẩm thượng vị của ông phát khởi trong một tiền kiếp, lúc ông (làm gia chủ ở Haṃsavatī) nghe Phật Padumuttara (3) tán thán một cư sĩ của Ngài như vậy (AA. i. 213.).

Ông là một cư sĩ gương mẫu có lòng tịnh tín đối với Phật (A. iii. 451.).

Theo Chú giải tạng Luật (Sp. iv. 857), ông lớn hơn Phật một tháng tuổi và là bậc Sakadāgāmī (Nhất lai, Tư-đà-hàm).


(1) Vin. ii 180 f.DhA. i. 133; iv. 124, etc.; nhưng nguồn kinh điển Đại thừa (Rockhill, p. 13) nói rằng ông là con của Dronodana. Theo ThagA. ii. 123, Ānanda là em, hay em khác mẹ, của ông, bởi Chú giải ghi rằng cha của Ānanda là Amitodana. Nhưng MA. i. 289 nói rằng cha của ông là Sukkodana còn cha của Ānanda là Amitodana.
(2) Vin. iv. 101; AA (i. 213) thêm rằng đó là thời kỳ túng thiếu của Phật và chư tỳ kheo ở Verañja. Cuối năm, ông muốn tiếp tục cung cấp nhưng Phật không cho phép.
(3) Phật Padumuttara là vị phật thứ 13 trong số 28 vị Phật, được Phật sử ghi lại.

Suppavāsā Koliyadhitā.—
Nữ cư sĩ tối thắng về bố thí các món ăn thượng vị

Mẫu thân của Trưởng lão Sīvalī. Bà chuyển bụng suốt bảy ngày liền cho đến khi Phật ban hồng ân bà mới sanh được(Xem chi tiết trong s.v. Sīvalī). Tương truyền rằng thai nhi ở trong bụng mẹ những bảy năm (xem Asātarūpa Jātaka, q.v.). Bảy năm có lẽ là vì bà bị hư thai bảy lần.
Suppavāsā là công nương của Vua trị vì xứ Koliya (J. i. 407). Nàng thành hôn với người Licchavi tên Mahāli (Ap. ii. 494 (vs. 28); nhưng xem AA. i. 244 mô tả chồng nàng là một nhà quý phái họ Thích-ca) và sống trong làng Sajjanela, xứ Koliya; tại đây nàng được Phật thuyết pháp về bố thí (A. ii. 62 f.). Nàng được Phật tuyên bố là tối thắng về bố thí các món ăn thượng vị (A. i. 26), hạnh tối thắng mà nàng đã phát nguyện từ thời Phật Padumuttara (AA. i. 244).

Suppasāvā được liệt kê trong danh sách các cận sự nữ (A. iv. 348) và được kể chung với chư vị Anāthapiṇḍika, Culla Anāthapiṇḍika và Visakhā như đại thí chủ được chư tỳ kheo nhận bố thí rất hoan hỷ (DhA. i. 339; nàng được nói sống ở Sāvatthi; đó có thể là sau khi Mahāli, q.v., đến sống ở đây; cf. DhA. iv. 193 f.).

Suppavāsā Sutta.– Phật viếng nữ thí chủ Suppavāsā ở Sajjanela. Sau khi thọ thực xong, Ngài nói pháp về bố thí: các Thánh nữ đệ tử khi bố thí đồ ăn, bố thí bốn sự cho người nhận. Bốn sự đó là: thọ mạng, dung sắc, an lạc, và sức mạnh (A. ii. 62 f.).

Ugga.—
Nam cư sĩ tối thắng về bố thí các món đồ khả ý

Gia chủ ở Vesāli được Phật tán thán là cư sĩ tối thắng vì ông bố thí các món đồ khả ý (manāpadāyakānaṃ, A. i. 26). Chú giải Tương ưng (SA. iii. 26) ghi sai là aggo panītadāyakānaṃ, đó là danh hiệu của ông Mahānāma.

Không ai biết tên thật của ông; ông được gọi là Ugga-seṭṭhi vì có thân cao lớn, là người cao thượng và có nhân cách. Lần đầu tiên yết kiến Phật, ông đắc Sơ quả và sau đó đắc quả Bất lai. Về già, một hôm ông chợt có ý tưởng sau, lúc ông độc cư: “Ta sẽ cúng dường Phật vật thực gì ta xem là khả ý với ta nhứt, và nghe nói rằng người cúng dường như vậy sẽ được sở nguyện. Ta ước ao Thế Tôn đến với ta ngay bây giờ.” Đọc được ý ông, Phật xuất hiện trước cửa nhà ông cùng với một số tỳ-khưu. Ông cung kính Phật và chư vị tỳ-khưu, cúng dường trai thực, và bạch rằng ông sẽ cúng dường Phật và chư tỳ-khưu bất kỳ vật thực gì khả ý (AA. i. 213-4.).

Lúc trú tại Kūṭāgārasālā (ngôi nhà có nóc nhọn) ở Vesāli, Phật nói với chư tỳ-khưu rằng Ugga thành tựu tám pháp kỳ diệu. (1)

Tương ưng bộ (S. iv. 109 f.) lập lại dưới đề mục Ugga ở Vesāli lần nói pháp của Phật về lý do tại sao một số loài hữu tình ngay trong hiện tại không được tịch tịnh, còn một số khác thì được? Đây có lẽ là do nơi người soạn ghép câu chuyện với Ugga nào đó.

Tăng chi bộ (A. iii. 59-51) có liệt kê những gì Ugga cho là khả ý; được biết ông cúng dường Phật các món khả ý này. Danh sách gồm có cớm gạo nắn hình bông sala, thịt heo con và vải Kāsi. Ngoài Phật, ông còn dâng cúng lên 500 tỳ-khưu nữa (AA. ii. 602). Kinh cũng có nói rằng Ugga chết sớm và tái sanh cộng trú với chư thiên Tịnh cư. Từ cõi thiên, ông đến yết kiến Phật và được biết ông sẽ đạt được sở nguyện (tức đắc quả A-la-hán).

Ugga được xếp trong danh sách gia chủ thành tựu sáu chi pháp kỳ diệu: tín tâm bất thối chuyển đối với Phật, Pháp, Tăng, phạm hạnh, trí tuệ, và giải thoát (A. iv. 451).

Ý định muốn làm gia chủ bố thí vật thực khả ý đến với ông lần đầu tiên vào thời Phật Padmuttara, lúc ông làm gia chủ ở Haṃsavatī; ông nghe Phật mô tả một cư sĩ của ông từng bố thí vật khả ý (AA. i. 213).


(1) Kinh Ugga (AN 8.21)
Tám pháp vi diệu mà ông Ugga đã thành tựu:

1) Lần đầu tiên chỉ từ xa thấy Thế Tôn thôi, tâm ông được tịnh tín. Thưa Tôn giả, đây là pháp vi diệu thứ nhất, được có ở nơi tôi.
2) Ông nghe Thế Tôn thuyết pháp thuận thứ: thuyết về bố thí, thuyết về giới, thuyết về cõi trời, nói đến sự nguy hại, hạ liệt, nhiễm ô của các dục, sự lợi ích của viễn ly, rồi tâm ông đã sẵn sàng, tâm đã nhu thuận, tâm không triền cái, tâm được phấn khởi, tâm được hoan hỷ, Thế Tôn thuyết về Tứ Thánh đế. Ông mở pháp nhãn, thấy được “phàm pháp gì được tập khởi, tất cả pháp ấy đều bị đoạn diệt”. Sau đó, ông quy y Tam bảo và thọ trì ngũ giới với giới thứ ba là giữ phạm hạnh (sống độc thân).
3) Ông có bốn vợ trẻ, nhưng ông cho phép họ được lập gia đình với người khác.
4) Ông có nhiều tài sản nhưng ông phân chia cho những người có giới và những người tốt lành.
5) Ông kính trọng và chu đáo hộ trì một tỳ-khưu.
6) Nếu vị tỳ-khưu ấy thuyết pháp cho ông, ông nghe rất cẩn thận. Nếu vị ấy không thuyết pháp cho ông, thì ông thuyết pháp cho vị ấy nghe.
7) Ông không bao giờ tự hào là được chư thiên đến viếng và trò chuyện.
8) Ông đã thấy rõ năm hạ phần kiết sử đã được đoạn tận nơi ông.

Ugga (Uggata).—
Tối thắng hộ trì Tăng chúng

Gia chủ ở Hattigāma(ka) trong xứ Vajji. Ông được Phật tán thán là gia chủ tối thắng về hộ trì Tăng chúng (saṇghupaṭṭhākānaṃ)(A. i. 26). Sau khi cha chết, ông được cử làm chủ ngân khố (seṭṭhi). Lần nọ, khi Phật du hành đến Hattigāma và trú trong Nāgavanuyyāna, Ugga đến yết kiến Ngài tại hoa viên; ông đi cùng nhiều vũ nữ sau một tiệc rượu kéo dài bảy ngày. Gặp Phật, Ugga rất đổi hỗ thẹn nên cơn say của ông tan mất. Phật nói pháp cho ông nghe, và sau đó ông đắc quả Bất lai. Từ đó, ông giải tán đám vũ nữ và bắt đầu lo hộ trì Tăng chúng. Đêm đến, chư thiên xuất hiện kể chuyện chứng đắc khác nhau của các tỳ-khưu, ngụ ý ông nên chọn tỳ-khưu phạm hạnh mà cúng dường. Nhưng ông cúng dường mọi tỳ-khưu với tâm hoan hỷ bình đẳng (AA. i. 214-5).

Có lần Phật nói Ugga thành tựu tám pháp kỳ diệu. Một tỳ-khưu nghe vậy đến hỏi ông về tám pháp ấy. Ugga nói rằng ông không biết gì về lời Phật dạy, rồi ông tiếp tục mô tả tám pháp ông chứng nghiệm: [1] Ngay sau khi gặp Phật, cơn say của ông biến mất. Ông theo Phật và được Phật thuyết nhiều pháp môn, như bố thí, trì giới, v.v. [2] Ông được Phật thuyết cho nghe Tứ Thánh Đế, khi Phật thấy ông đủ duyên; ông hiểu và chứng đắc. [3] Ông có bốn bà vợ trẻ đẹp mà ông cung cấp rất đầy đủ khi ông quyết định bước vào đời độc thân; đối với một bà muốn lập lại gia đình, ông tìm cho một tấm chồng mà tâm ông không mảy may hờn ghen. [4] Ông bố thí tài sản to lớn của ông cho người sống đời phạm hạnh. [5] Ông hộ trì rất đắc lực bất kỳ tỳ-khưu nào được ông hộ trì; ông tinh tấn nghe bất kỳ tỳ-khưu nào thuyết pháp; đối với tỳ-khưu không thuyết pháp, ông dạy cho pháp. [6] Chư thiên nói về các sự chứng đắc khác nhau của các tỳ-khưu, nhưng ông cúng dường mọi tỳ-khưu như nhau. [7] Ông không hãnh diện được hầu chuyện với chư thiên. [8] Ông không âu lo ngày mệnh chung, vì Phật có nói ông không còn tái sinh vào thế giới này nữa.

Vị tỳ-khưu bạch lại Phật câu chuyện Ugga nói với ông, và Phật nói rằng đó là tám pháp mà Phật có trong trí khi tán dương Ugga (A. iv. 212-6).

Tương ưng bộ (S. iv. 109 f) có ghi lại chuyến viếng thăm Phật của Ugga tại Hatthigāmaka. Ông bạch hỏi Phật tại sao ngay trong hiện tại có một số loài hữu tình được hoàn toàn tịch tịnh, còn một số khác thì không. Vì tham ái, Phật đáp.

Ugga từng làm gia chủ vào thời Phật Padumuttara. Có lần ông nghe Phật thuyết và nói đến một cư sĩ hộ trì Tăng Đoàn rất chu đáo, ông muốn được như vị cư sĩ đó và hành thiện để đạt mục đích ấy (AA. i. 214). v.l. Uggata.

Sūra-Ambaṭṭha.—
Lòng tịnh tín bất động tối thắng

Nam cư sĩ được Phật tán thán là tối thắng về có lòng tịnh tín bất động (aggaṃ aveccappasannānaṃ). Ông phát nguyện được sự tối thắng này từ thời Phật Padumuttara (A. i. 26; cf. iii. 451).

Vào thời Phật hiện tiền, ông sinh làm con của một gia đình chủ ngân khố ở Sāvatthi và đi tu theo ngoại đạo. Một hôm, thấy Sūra đủ duyên lành, Phật đến khất thực ở nhà ông. Ông thỉnh Ngài vào nhà, đặt Ngài ngồi trên một sàng toạ đầy đủ tiện nghi và mời Ngài thọ trai. Lúc Ngài nói lời tuỳ hỷ, ông đắc quả Dự lưu.

Sau khi Phật ra về không bao lâu, Māra (Ma vương) giả dạng Ngài đến để nói rằng Ngài muốn nói lại điều Ngài vừa nói trước đó. Trước đó, Ngài nói các hành là vô thường, v.v. nhưng suy nghĩ lại, bây giờ Ngài kết luận chỉ có một số, không phải tất cả, các hành là vô thường. Sūra nhận ra và đuổi Māra đi (AA. i. 215; cf. DA. iii. 864).

Jīvaka-Komārabhacca (Kỳ-vực).–
Tối thắng được dân chúng kính mến

Đây là vị lương y tài danh. Ông là con của kỹ nữ Sālavatī ở Rājagaha (thành Vương Xá) (AA. (i. 216) ghi rằng Abhayarājakumāra là cha của bé). Ngay sau khi lọt lòng, bé bị bỏ rơi trong đống rác và được vương tử Abhaya cứu. Lúc Abhaya hỏi, người ta nói rằng “bé sống” (jīvati) nên bé được gọi là Jīvaka. Và vì được ông hoàng nuôi dưỡng (kumārena posāpito) nên bé có thêm tên Komārabhacca (có thể Komārabhacca mang ý nghĩa là bậc thầy về khoa Kaumārabhṛtya (nhi đồng); VT. ii. 174; trong Dvy (506-18) chàng được gọi là Kumārabhūta).

Lúc trưởng thành chàng theo bạn đi Takkasilā học mà Abbhaya không hay biết. Chàng học y trong bảy năm. Thân chủ đầu tiên của vị tân lương y là phu nhân của một chủ ngân khố ở Sāketa. Ông được trả công bằng 16 ngàn kahāpaṇa, một nam nô tỳ, một nữ nô tỳ và chiếc xe ngựa. Lúc trở về Rājagaha, ông được Abhaya cho nhà riêng để mở nơi trị bệnh. Ông trị bệnh lỗ rò (fistula) của Vua Bimbisāra (Bình-sa) và được Vua ban cho tất cả nữ trang của 500 cung phi của ông. Rồi ông được cử làm ngự y chữa trị cho Vua, cung phi, Phật, và chư tỳ-khưu trong Tăng đoàn. Ngoài ra ông còn giải phẫu cho chủ ngân khố ở Rājagaha, và trị bệnh đường ruột cho con chủ ngân khố ở Benares (Ba-na-lại) và được trả cho 16 ngàn kahāpaṇa.

Lúc Vua Candappajjota xứ Ujjeni lâm bệnh, Vua Bimbisāra gởi Jīvaka đến Ujjeni trị cho ông. Candappajjota ghét bơ sữa trâu lỏng nhưng đó lại là thuốc cần cho ông. Jīvaka bốc thuốc rồi dùng ngự tượng Bhaddavatikā ra đi trước khi nhà vua khám phá thuốc bơ sữa trâu lỏng. Nhà vua cho nô tỳ Kāka rượt bắt ông. Bấy giờ ông đang ăn sáng ở Kosambī, và Kāka không từ chối được lời mời nên ăn nửa bánh myrobalan (hạt Chiêu Liêu hay Kha Tử) và bị xổ nặng. Jīvaka khuyên Kāka hoãn chuyến về và giải thích tại sao ông trốn đi. Rồi ông trả lại voi và lên đường về Rājagaha. Vua Pajjota lành bệnh và gởi biếu Jīvaka bộ y bằng hàng quý của xứ Sīveyyaka và ông cúng dường bộ y đó đến Phật (Vin. i. 268-81; AA. i. 216).

Jīvaka rất quý mến Phật. Lần nọ Phật lâm bệnh, ông thấy cần bốc cho Phật một liều thuốc xổ, dùng mỡ thoa lên thân Ngài, và dùng bông sen để tăng hương thơm cho không khí Ngài thở. Bấy giờ Jīvaka cần phải đi. Lúc nhớ rằng ông không có bạch Phật tắm nước nóng sau khi thuốc xổ có hiệu nghiệm, nhưng Phật đã tắm như được bạch trước vì Ngài đọc được tâm ý của Jīvaka (1).

Sau khi Jīvaka đắc quả Dự lưu, ông muốn được yết kiến Phật mỗi ngày hai lần, nhưng Veḷuna (Trúc Lâm) lại ở xa. Ông bèn xây trong khu vườn xoài của ông ở Rājagaha một tịnh xá để cúng dường Phật và chư tỳ-khưu (DA. i. 133; MA. ii. 590).

Sau khi Vua Bimbisāra băng hà, Jīvaka tiếp tục làm ngự y cho Vua Ajātasattu (A-xà-thế) và thu xếp để đưa nhà vua này đến yết kiến Phật vì ăn năn tội giết cha (Xem Sāmaññaphala Sutta để biết chi tiết; xem thêm J. i. 508 f.; v. 262, v.v.).

Là một ngự y danh tiếng, Jīvaka rất bận rộn, tuy nhiên không khi nào ông xao lãng nhiệm vụ đối với Tăng Đoàn. Do đó có nhiều người bị bệnh nhưng không chạy chữa nổi nên xin gia nhập Tăng đoàn để được ông trị bệnh. Thấy có sự lạm dụng, ông bạch Phật chế giới cắm thu nhận vào Tăng đoàn những người mắc phải một số bệnh (Vin. i. 71 ff). Jīvaka được Phật tuyên bố là tối thắng trong các vị nam cư sĩ được dân chúng kính mến (A. i. 26) Ông còn được liệt kê trong danh sách nam nhân sống thấy được bất tử, chứng ngộ được bất tử (Ibid., iii. 451; DhA. i. 244, 247; J. i. 116 f).

Jīvaka có lần thỉnh Phật về thọ trai. Phật không chịu dùng bữa vì thấy còn thiếu tỳ-khưu Cūlapanthaka (Chu-lợi Bàn-đặc) không được mời. Lúc tỳ-khưu này được đưa đến Ngài mới bắt đầu thọ thực (Chi tiết, xem câu chuyện về. Cūlapanthaka).

Có thể kinh Jīvaka ảnh hưởng đến sự chuyển hoá của Jīvaka. Jīvaka đến viếng Phật tại Vườn Xoài và bạch hỏi có phải Phật vẫn dùng thịt của thú vật mà Ngài biết được giết để cúng dường Ngài? Phật bảo đó là xuyên tạc và dạy có ba trường hợp không được phép dùng thịt, đó là khi có thấy, nghe và nghi con vật ấy đã vì mình mà bị giết. Jīvaka tán thán Phật và xin Phật nhận mình làm đệ tử (M.i.368, MN 55)

Tăng chi bộ có ghi câu chuyện ông bạch hỏi Phật thế nào là một nam cư sĩ, Phật trả lời rằng nam cư sĩ (upāsaka, ưu-bà-tắc) là người quy y Phật, Pháp và Tăng; là người giữ ngũ giới; là người thực hành vừa tư lợi vừa lợi tha (A. iv. 222 f).

Jīvaka có người em gái là Sirimā(SnA. i. 244; DhA. iii. 106).

Theo khuyến cáo của Jīvaka, Phật có chỉ thị cho các tỳ-khưu tập thể dục. Lần ấy đến Vesāli công tác, ông có ghi nhận nước da xanh xao và tình trạng không mấy khoẻ mạnh của các vị tỳ-khưu (Vin. ii. 119).


(1) Vin. i. 279 f.; DhA. (ii. 164 f.) có kể một chuyện tương tợ nhưng trong một trường hợp khác. Lúc Phật bị miểng đá trúng chân chảy máu, Ngài được đưa từ Maddakucchi đến Ambavana, và được Jīvaka rịt thuốc cầm máu. Sau đó Jīvaka đi công chuyện định lúc về sẽ tháo băng thuốc. Nhưng lúc trở về ông không vào thành được vì cổng đã đóng lúc chạng vạng. Ông nóng lòng vì sợ thuốc qua đêm sẽ làm Phật đau nhức. Nhưng Phật đọc được tâm ý của Jīvaka và tự tháo băng thuốc ra. Xem thêm J. v. 333.

Jīvakambavana.—Vườn Xoài của Lương y Jīvaka ở Rājagaha. Trong vườn ông có xây một tịnh xá và Phật có đến đây an trú nhiều lần. Có lần vì Vua Ajātasattu Phật thuyết Sāmaññaphala Sutta (Kinh Sa-môn quả, D. i. 47 ff); nhà vua được đưa tới yết kiến Phật vì hối hận đã giết cha là Bimbisāra. Các bài kinh Jīvaka Suttā khác cũng được Phật thuyết tại đây.

Vườn Xoài này gần Maddakucchi nơi Phật bị miểng đá trúng chân chảy máu, Ngài được đưa đến đây (DhA. ii. 164, v.v.). Tại vườn này, ngài Cūlapanthaka đắc quả A-la-hán; lúc bấy giờ có 500 tỳ-khưu trú tại đây (J. i. 114 f., v.v.). Các vị tỳ-khưu-ni cũng được nói có đến Vườn Xoài để nghỉ trưa (ThigA. 245 f.).

Suppiyā.—
Tối thắng về săn sóc người bệnh

Nữ cư sĩ ở Benares. Bà và chồng, ông Suppiya, rất sùng đạo. Một hôm, bà đến tịnh xá thấy một tỳ-khưu bị bệnh đang cần canh thịt. Bà bảo tỳ nữ đi mua nhưng khắp Benares không đâu có thịt. Bà cắt đùi mình đưa cho bếp nấu canh dâng tỳ-khưu. Lúc biết được câu chuyện, ông Suppiya rất hoan hỷ và thỉnh Phật về nhà thọ trai. Đến nhà ông, Phật hỏi về bà. Thấy Ngài, vết thương bà lành ngay. Vì chuyện của Bà Suppiyā, Phật chế giới luật cấm tỳ-khưu ăn thịt người, dầu được hiến dâng (Vin. i. 216 f).

Suppiyā là ví dụ của người mà công đức đem lại quả ngay trong hiện kiếp (Mil. 115; cf. 291). Bà được Phật tuyên thuyết là tối thắng về săn sóc người bệnh (A. i. 26) , hạnh tối thắng mà bà từng phát nguyện từ thời Phật Padumuttara (AA. i. 244 f.; bà được đề cập trong danh sách những cận sự nữ tối thắng (A. iv. 348).

Kātiyānī (Kaccānī).—
Tối thắng về lòng tịnh tín bất động

Nữ cư sĩ được Phật tuyên bố là tối thắng về lòng tịnh tín bất động (aveccappasāda) (A. i. 26). Bà quyết tâm đạt sự tối thắng này từ thời Phật Padumuttara.

Trong kiếp này, bà sinh trong thành phố Kuraraghara và có một người bạn sùng tín tên Kāḷī. Một hôm bà đi với bạn đến nghe Trưởng lão Soṇa Koṭikaṇṇa thuyết cho mẹ ông nghe. Trong lúc bà đi vắng, trộm viếng nhà bà. Nữ tỳ được sai đi lấy dầu để thắp đèn đến cho bà hay nhà có trộm, nhưng bà không ra về cho đến khi pháp thoại chấm dứt. Tên chúa trộm hoan hỷ với thái độ của bà nên ra lệnh cho thuộc hạ đem trả lại bà tất cả đồ đạc đánh cắp. Sau khi pháp thoại dứt, bà đắc Sơ quả. Hôm sau bọn trộm đến xin lỗi bà. Bà đưa họ tới gặp vị trưởng lão và được vị này truyền giới; về sau tất cả đều đắc quả A la hán (AA. i. 245 f.).

Kāḷi.—
Lòng tịnh tín đối với lời nghe đồn

Còn gọi là Kururagharikā, được xem như vị nữ cư sĩ đệ tử có lòng tịnh tín đối với lời nghe đồn tối thắng (anussavappasannānaṃ) (A. i. 26).

Bà có chồng là người trong tộc Kururughara ở Avantī và có con là Soṇa Kuṭikaṇṇa. Lúc sắp sửa sinh con, bà về nhà cha mẹ ở Rājagaha. Đêm nọ, đứng hứng gió trên bao lơn, bà nghe Sātāgira và Hemavata nói về đức hạnh của Phật và tính ưu việt của giáo pháp Ngài, bà thành tựu lòng tin nơi Phật và đắc Sơ quả. Chính trong đêm ấy bà hạ sinh Soṇa. Sau đó, bà trở lại Kururughara và tại đây bà đến yết kiến Trưởng lão Mahā Kaccāna mà câu chuyện được ghi lại trong Kāḷi Jātaka (q.v.). Lúc Soṇa gia nhập Tăng Đoàn dưới sự chủ trì của Mahā Kaccāna và đến yết kiến Phật, bà cho con tấm thảm quý để trải trong liêu của Đức Phật. Khi Soṇa về nhà sau lần viếng Phật vừa nói, bà yêu cầu con thuyết pháp lại cho bà nghe như ông từng thuyết cho Phật nghe và được chính Đức Phật và các thiên thần ở vạn cõi tán thán.

Kāḷi được xem như vị niên trưởng trong số các nữ đệ tử đắc quả Dự lưu (AA. i. 133 ff.; SnA. i. 208 f.). Bà là người bạn trung thành và thân thiết của Kātiyānī (AA. i. 245). Ước vọng trở thành bậc tối thắng trong đời này đã được bà khấn nguyện từ thời Phật Padumuttara lúc bà nghe một nữ cư sĩ được tuyên bố là tối thắng vể lòng tịnh tín đối với lời nghe đồn (Ibid., 247).

Có lần bà đến viếng Tôn giả Mahā Kaccāna và nhờ ông giải thích rộng rãi những vần kệ vắn tắt trong các câu hỏi của các người con gái của Māra (Kumāripañha, SN 4.25). Đó liên quan đến mười thiền án kasina (A. v. 46 f., AN 10.25).

 

Đại kinh Bát-niết-bàn (DN 16)

Tại làng Nādikā gần thành phố Vesāli của dân Vajjī (Bạt-kỳ), Đức Phật nói với ngài Ānanda:

– (…) Này Ānanda, cư sĩ Sudatta, diệt trừ ba kiết sử làm giảm thiểu tham, sân, si, chứng quả Nhất lai sau khi trở lại đời này một lần nữa sẽ diệt tận khổ đau.

Nữ cư sĩ Sujātā diệt trừ ba kiết sử, chứng quả Dự lưu, nhất định không còn đọa vào ác đạo, đạt đến Chánh giác.

Cư sĩ Kakudha đoạn trừ năm hạ phần kiết sử, hóa sanh (thiên giới), và từ đó nhập Niết-bàn không còn trở lại đời này nữa. Cư sĩ Kālinga ... cư sĩ Nikaṭa ... cư sĩ Kaṭissabha ... cư sĩ Tuṭṭha ... cư sĩ Santuṭṭha ... cư sĩ Bhadda ... cư sĩ Subhadda đoạn trừ năm hạ phần kiết sử, được hóa sanh (thiên giới), và từ đó nhập Niết-bàn không còn trở lại đời này nữa. Này Ānanda, hơn năm mươi cư sĩ mệnh chung tại Nādikā, đoạn trừ năm hạ phần kiết sử, hóa sanh (thiên giới) và từ đó nhập Niết-bàn không còn trở lại đời này nữa.

Này Ananda, hơn chín mươi cư sĩ mệnh chung tại Nādikā, diệt trừ ba kiết sử, làm giảm thiểu tham, sân si, chứng quả Nhất lai, sau khi trở lại đời này một lần nữa sẽ diệt tận khổ đau.

Hơn năm trăm cư sĩ, mệnh chung tại Nadika, diệt trừ ba kiết sử, chứng quả Dự lưu, nhất định không còn đọa vào ác đạo, đạt đến Chánh giác.

(…)
Tại đền Cāpāla gần thành Vesāli, Māra gđến gặp Đức Phật và nhắc lại lời tuyên bố của Ngài về thời điểm bát-niết-bàn của Đức Phật:

– (…) Bạch Thế Tôn, nay những tỳ khưu … những tỳ-khưu-ni …. những nam cư sĩ … những nữ cư sĩ của Thế Tôn đã trở thành những đệ tử chân chánh, sáng suốt, có kỷ luật, sẵn sàng, đa văn, duy trì Chánh pháp, thành tựu Chánh pháp và tùy pháp, sống chân chánh, sống theo Chánh pháp, sau khi học hỏi giáo lý đã có thể tuyên bố, diễn giảng, trình bày, xác định, khai minh, phân tách, và giải thích rõ ràng Chánh pháp; khi nào có tà đạo khởi lên, đã có thể chất vấn và hàng phục một cách khéo léo, có thể truyền bá Chánh pháp một cách thần diệu.

 

Ðại kinh Vaccaghotta, MN 73

– Này Vaccha, không phải chỉ một trăm, hai trăm, ba trăm, bốn trăm, năm trăm mà còn nhiều hơn thế nữa là những nam cư sĩ và nữ cư sĩ, là đệ tử sống tại gia, mặc áo trắng, tuy hưởng thụ vật dục, nhưng thực hành thánh giáo, chấp nhận giáo huấn, đã đoạn nghi hoặc, chứng đắc vô sở úy, không dựa vào người khác, sống trong thánh giáo của bậc Ðạo sư [1].

– Này Vaccha, không phải chỉ một trăm, hai trăm, ba trăm, bốn trăm, năm trăm mà còn nhiều hơn thế nữa là những nam cư sĩ và nữ cư sĩ, là đệ tử sống tại gia, mặc áo trắng, theo phạm hạnh, sau khi đoạn trừ năm hạ phần kiết sử, được hóa sinh, nhập Niết-bàn tại chỗ ấy, không trở lại đời này nữa [2].

[1] bậc Dự lưu và Nhất lai; [2] bậc Bất lai.

 

21 nam cư sĩ đắc thánh quả (AN 6:119-139)

– Thành tựu sáu pháp, này các tỳ-khưu, gia chủ Tapussa… Bhallika... Sudatta Anāthapiṇḍika... Citta ở Macchikāsaṇḍika... Hatthaka ở Āḷavī... Mahānāma bộ tộc Sakya... Ugga ở Vesālī... Uggata... Sūra ở Ambaṭṭha... Jīvaka Komārabhacca... Nakulapitā... Tavakaṇṇika... Pūraṇa... Isidatta... Sandhāna... Vijaya... Vajjiyamāhita... Meṇḍaka... Vāseṭṭha... Ariṭṭha... Sāragga đi đến cứu cánh nơi Như Lai, sống thấy được bất tử, chứng ngộ được bất tử. Thế nào là sáu?

Đó là lòng tịnh tín bất động đối với Phật, với lòng tịnh tín bất động đối với Pháp, với lòng tịnh tín bất động đối với Tăng, có thánh giới, thánh trí, thánh giải thoát.

Thành tựu sáu pháp này, này các tỳ-khưu, các cư sĩ nầy đi đến cứu cánh nơi Như Lai, sống thấy được bất tử, chứng ngộ được bất tử.

27 nữ cư sĩ đắc thánh quả (AN 8:91-117)

– (…) Bojjhā... Sirimā... Padumā... Sudhanā... Manujā... Uttarā... Muttā... Khemā... Somā... Rucī... công chúa Cundī... Bimbī... công chúa Sumanā... hoàng hậu Mallikā... Tissā... mẹ của Tissā... Soṇā ... mẹ của Soṇā... Kānā... mẹ của Kānā... Uttarā Nandamātā... Visākhā Migāramātā... Khujjuttarā... Sāmāvatī... Suppavāsā người thiếu nữ Koliya... Suppiyā... Nakulamātā…

 

CÁC VỊ ĐỆ TỬ CƯ SĨ THỜI ĐỨC PHẬT

Hiệu đính từ bản dịch của Hòa thượng Thích Minh Châu.

NAM CƯ SĨ (AN 1:248-257)
1. Trong các vị đệ tử nam cư sĩ của Ta, này các tỳ-khưu, đã quy y đầu tiên, tối thắng là các người buôn bán Tapassu và Bhallika.
2. Trong các vị đệ tử nam cư sĩ ... bố thí, tối thắng là gia chủ Sudatta Anāthapiṇdika.
3. Trong các vị đệ tử nam cư sĩ ... thuyết pháp, tối thắng là Citta ở Macchikāsaṇdika.
4. Trong các vị đệ tử nam cư sĩ ... nhiếp phục một hội chúng nhờ bốn nhiếp pháp, tối thắng là Hatthaka ở Āḷavī.
5. Trong các vị đệ tử nam cư sĩ ... bố thí các món ăn thượng vị, tối thắng là Mahānāma Sākya.
6. Trong các vị đệ tử nam cư sĩ ... bố thí các món đồ khả ý, tối thắng là gia chủ Ugga ở Vesālī.
7. Trong các vị đệ tử nam cư sĩ ... hộ trì Tăng chúng, tối thắng là Uggata ở Hatthigāma.
8. Trong các vị đệ tử nam cư sĩ ... có lòng tịnh tín bất động, tối thắng là Sūra Ambaṭṭha.
9. Trong các vị đệ tử nam cư sĩ ... được dân chúng kính mến, tối thắng là Jīvaka Komārabhacca.
10. Trong các vị đệ tử nam cư sĩ … nói chuyện một cách thân mật, tối thắng là gia chủ Nakulapitā.

NỮ CƯ SĨ (AN 1:258-267)
1. Trong các vị đệ tử nữ cư sĩ của Ta, này các tỳ-khưu, người đi đến quy y đầu tiên là Sujātā, con gái của Senānī.
2. Trong các vị đệ tử nữ cư sĩ ... bố thí, tối thắng là Visākhā Migāramātā.
3. Trong các vị đệ tử nữ cư sĩ ... nghe nhiều, tối thắng là Khujjuttarā.
4. Trong các vị đệ tử nữ cư sĩ ... an trú từ tâm, tối thắng là Sāmāvatī.
5. Trong các vị đệ tử nữ cư sĩ ... tu thiền, tối thắng là Uttarā Nandamātā.
6. Trong các vị đệ tử nữ cư sĩ ... bố thí các món ăn thượng vị, tối thắng là Suppavāsā, con gái bộ tộc Koliya.
7. Trong các vị đệ tử nữ cư sĩ ... săn sóc người bệnh, tối thắng là nữ cư sĩ Suppiyā.
8. Trong các vị đệ tử nữ cư sĩ ... có lòng tịnh tín bất động, tối thắng là Kātiyānī.
9. Trong các vị đệ tử nữ cư sĩ ... nói chuyện một cách thân mật, tối thắng là nữ gia chủ Nakulamātā.
10. Trong các vị nữ cư sĩ đệ tử … có lòng tịnh tín đối với lời nghe đồn tối thắng là Kāḷī, nữ cư sĩ ở Kuraraghara.

*
English translation, Sutta Central
http://awake.kiev.ua/dhamma/tipitaka/2Sutta-Pitaka/4Anguttara-Nikaya/Anguttara1/1-ekanipata/014-Etadaggapali-e.html

MALE LAY DISCIPLES:
1. Bhikkhus, out of my lay disciples the first to take the three refuges are Tapassu and Balluka, the
tradesmen.
2. Anāthapiṇḍika, that is the householder Sudatta is the foremost lay devotee.
3. Citta Macchikasandika the householder for explaining the Teaching.
4. Hatthaka Aalavaka to establish liberality, kind speech, leading an useful life and a state of equality among the others.
5. Mahanāma the Sakya is the foremost distinguished devotee.
6. Ugga the householder of Vesāli the most pleasant devotee.
7. Uggata the householder of Hatthigāma for attending on the Community.
8. Surambaṭṭha for reconcillation
9. Jīvaka Komārabhacca for pleasantness to all persons.
10. Nakulapita the householder the best confide

FEMALE LAY DISCIPLES:
1. Bhikkhus, out of my lay female disciples the first to take the three refuges is Sujāta the daughter of Seniya
2. Visakhā the mother of Migāra is the foremost female devotee.
3. Kujjuttarā the most learned.
4. Samawathie for developing loving kindness.
5. Uttaranandamātā for jhanas.
6. Suppavāsa the daughter of the Koliyas the most pleasant devotee.
7. Suppiyā the female lay devotee for attending on the sick.
8. Katiyāni for permanent pleasantness.
9. Nakulamāta, the householder's wife for undivided pleasantness.
10. Kāli Kulagharikā, the female lay devotee for adhering to hearsay.

*
Bhikkhu Bodhi’s translation

MALE LAY DISCIPLES:
1. “Bhikkhus, the foremost of my male lay followers in being the first to go for refuge are the merchants Tapussa and Bhallika.”
2. “... among donors is the householder Sudatta Anāthapiṇḍika.”
3. “... among speakers on the Dhamma is the householder Citta of Macchikāsaṇḍa.”
4. “... among those who make use of the four means of attracting and sustaining others is Hatthaka of Āḷavī.”
5. “... among those who give what is excellent is Mahānāma the Sakyan.”
6. “... among those who give what is agreeable is the householder Ugga of Vesālī.”
7. “... among attendants of the Saṅgha is the householder Uggata.”
8. “... among those with unwavering confidence is Sūra Ambaṭṭha.”
9. “... among those with confidence in persons is Jīvaka Komārabhacca.”
10. “... among those who have trust is the householder Nakulapitā.”

FEMALE LAY DISCIPLES:
1. “Bhikkhus, the foremost of my female lay followers in being the first to go for refuge is Sujātā, daughter of Senānī.”
2. “... among donors is Visākhā Migāramātā.”
3. “... among those who are learned is Khujjuttarā.”
4. “... among those who dwell in loving-kindness is Sāmāvatī.”
5. “... among meditators is Uttarā Nandamātā.”
6. “... among those who give what is excellent is Suppavāsā the Koliyan daughter.”
7. “... among those who attend on the sick is the female lay follower Suppiyā.”
8. “... among those with unwavering confidence is Kātiyānī.”
9. “... among those who are intimate is the housewife Nakulamātā.”
10. “... among those whose confidence is based on hearsay is the female lay follower Kāḷī of Kuraraghara.”

*

 

Tăng nhất A-hàm, thiên Một Pháp
(Hòa thượng Thích Đức Thắng dịch, Thượng tọa Tuệ Sỹ chú thích)

PHẨM THANH TÍN SĨ [1]

1. Ưu-bà-tắc đệ nhất trong hàng đệ tử của Ta, người đầu tiên nghe pháp dược [2] mà chứng thành Hiền thánh, chính là thương khách Tam Quả.[3]
2. Trí tuệ đệ nhất, chính là Gia chủ Chất-đa.[4]
3. Thần đức đệ nhất, chính là Kiền-đề A-lam.[5]
4. Hàng phục ngoại đạo, chính là Gia chủ Quật-đa.[6]
5. Thường nói pháp sâu, chính là Gia chủ Ưu-ba-quật.[7]
6. Thường tọa thiền tư duy, chính là Ha-Xỉ A-la-bà.[8]
7. Hàng phục bọn ma [9], chính là Gia chủ Dũng Kiện.[9]
8. Phước đức sung mãn, chính là Gia chủ Xà-lợi.[11]
9. Chủ đại đàn thí, chính là Gia chủ Tu-đạt.[12]
10. Thành tựu môn tộc, chính là Gia chủ Mẫn-dật.[13]
11. Ưa hỏi nghĩa thú, chính là Bà-la-môn Sanh Lậu.[14]
12. Lợi căṇ thông minh, chính là Phạm-ma-du.[15]
13. Tín sứ của chư Phật, chính là Ngự Mã Ma-nạp.[16]
14. Xét thân vô ngã, chính là Bà-la-môn Hỷ Văn Cầm.[17]
15. Bàn luận không ai hơn, chính là Bà-la-môn Tỳ-cừu.[18]
16. Hay sáng tác kệ tụng, chính là Gia chủ Ưu-bà-ly. Nói năng nhanh lẹ, cũng là Gia chủ Ưu-bà-ly.[19]
17. Thích bố thí của báu tốt, không có lòng tiếc, chính là Gia chủ Thù-đề.[20]
18. Kiến lập gốc thiện, chính là Ưu-ca Tỳ-xá-ly.[21]
19. Hay nói pháp vi diệu, chính là Ưu-bà-tắc Tối Thượng Vô Úy.[22]
20. Những điều nói ra không sợ, khéo xem xét căn cơ mọi người, chính là đại tướng lãnh Đầu-ma thành Ty-xá-ly.[23]
21. Vui ban ân huệ, chính là vua Bình-sa.[24]
22. Sở thí ít ỏi, chính là vua Quang Minh.[25]
23. Kiến lập gốc lành, chính là vua Ba-tư-nặc.[26]
24. Được tín tâm thiện vô căn [27], khởi lòng hoan hỷ, chính là vua A- xà-thế.[28]
25. Chí tâm hướng về Phật, ý không biến dịch, chính là vua Ưu-điền.[29]
26. Thừa sự chánh pháp, chính là Vương tử Nguyệt Quang.[30]
27. Cung phụng Thánh chúng, ý luôn bình đẳng, chính là vương tử Tạo Kỳ-hoàn.[31]
28. Thường thích giúp người, hơn là tự vì mình, chính là vương tử Sư Tử.[32]
29. Khéo phụng kính người, không phân cao thấp, chính là vương tử Vô Úy.[33]
30. Tướng mạo đoan chánh, đẹp đẽ hơn người, chính là vương tử Kê-đầu.[34]
31. Thường hành tâm từ, chính là Gia chủ Bất-ni.[35]
32. Tâm thường bi niệm tất cả các loài, chính là Thích chủng Ma- ha-nạp.[36]
33. Thường hành tâm hoan hỷ, chính là Thích chủng Bạt-đà.[37]
34. Thường giữ tâm không mất thiện hành, chính là Ưu-bà-tắc Tỳ- xà-tiên.[38]
35. Khả năng hành nhẫn nhục, chính là Đại tướng Sư Tử.[39]
36. Luận biện nhiều đề tài, chính là Ưu-bà-tắc Tỳ-xá-ngự.[40]
37. Im lặng như Hiền thánh, chính là Ưu-bà-tắc Nan-đề-bà-la.[41]
38. Siêng tu hạnh lành không dừng nghỉ, chính là Ưu-bà-tắc Ưu-đa-la.[42]
39. Các căn tịch tĩnh, chính là Ưu-bà-tắc Thiên-ma.[43]
40. Người chứng quả cuối cùng trong hàng đệ tử của Ta, chính là Câu-di-na Ma-la.[44]

----------
GHI CHÚ:
[1] Về các ưu-bà-tắc đệ nhất, tham chiếu Pāli A.1.14. 6] (R. i. 26).
[2] 法藥 pháp dược: thuốc là pháp
[3] Tam Quả 三果. Pāli, hai thương khách Tapussa-Bhallika, hình như bản Hán đọc là Ta(ya?)pussa-Phalika.
[4] Chất-đa 質多. Pāli: Citta-gahapati. Nhưng A.i. 26] nói là đệ nhất thuyết pháp (dhammakathikānaṃ).
[5] Kiền-đề A-lam 犍提阿藍.
[6] Quật-đa 掘多.
[7] Ưu-ba-quật 優波掘.
[8] Ha-Xỉ A-la-bà 呵侈 阿 羅婆 . Pāli: Haṭṭhaka (Haṭṭhi theo bản Hán) Āḷavaka; A.i. 26: đệ nhất hành bốn nhiếp sự để đoàn kết đại chúng.
[9] Để bản: Ma cung 魔宮. TNM: Ma hoạn .
[10] Dũng Kiện 勇健.
[11] Xà-lợi 闍利.
[12] Tu-đạt 須達. Pāli: Sudatta, tên thật của Cấp Cô Độc.
[13] Để bản: Mẫn- thố 泯兔. TNM: Mẫn dật.
[14] Sanh Lậu 生漏. Sanh Lậu 生漏, bản Minh chép là Sanh Mãn. Có lẽ là Bà-la-môn Sanh Lậu được thấy trong Tạp, kinh 737, 739, 757. Pāli: Jāṇussoṇi. Bản Hán đọc là Jānāsava.
[15] Phạm-ma-du 梵摩俞. Pāli: Brahmāyu, cf. M.iii.133.
[16] Ngự Mã Ma-nạp 御馬摩納.
[17] Hỷ Văn Cầm喜聞笒.
[18] Tỳ-cừu 毘裘.
[19] Ưu-bà-ly 優婆離. Pāli: Upāli-gahapati. Cf. M.i.371.
[20] Thù-đề 殊提.
[21] Ưu-ca Tỳ-xá-ly 優迦毘舍離. Pāli: Ugga-Vesālika, đệ nhất bố thí vật thích ý (mānapadāyakānaṃ).
[22] Vô Úy 無畏.
[23] Đầu-ma 頭摩.
[24] Tỳ-sa vương 毘沙王. Pāli: Bimbisāra.
[25] Quang Minh 光明.
[26] Ba-tư-nặc 波斯匿. Pāli: Pasenadī.
[27] A-xà-thế 阿闍世. Do giết cha, đã đoạn thiện căn, nhưng về sau tin Phật nên nói là thiện vô căn. Xem Trường A-hàm 17, T1n1, tr. 109b26. Cf. Pāli, D.i. 49.
[28] Pāli: Ajātasatta.
[29] Ưu-điền 優填. Pāli: Udena.
[30] Nguyệt Quang 月光.
[31] Tạo Kỳ-hoàn Vương tử 造祇洹. Pāli: Jeta.
[32] Sư Tử 師子.
[33] Vô Úy 無畏. Pāli: Abhaya-kumāra.
[34] Kê-đầu 雞頭.
[35] Bất-ni 不尼
[36] Ma-ha-nạp (Ma-ha-nam) Thích chủng 摩訶納釋種. Pāli: Mahānāma-Sakka.
[37] Bạt-đà 拔陀.
[38] Tỳ-xà-tiên 毘闍先.
[39] Sư Tử Đại tướng 師子大將. Pāli: Sīha-senapati.
[40] Tỳ-xá-ngự 毘舍御. Pāli: Visākha, cf. M.i..299.
[41] Nan-đề-bà-la 難提婆羅
[42] Ưu-đa-la 優多羅
[43] Thiên-ma 天摩.
[44] Câu-di-na Ma-la 拘夷那摩羅, có lẽ chỉ một người Mạt-la ở Câu-thi-na. Pāli: Kusināgara-Malla. [Đó là ông Subhada người xứ Malla ở Kusinara – Bình Anson]

* * *

PHẨM THANH TÍN NỮ [1]

1. Ưu-bà-di đệ nhất trong hàng đệ tử của Ta, người đầu tiên thọ trì đạo mà chứng quả, chính là Ưu-bà-di [2] Nan-đà Nan-đà-bà-la.[3]
2. Trí tuệ đệ nhất, chính là Ưu-bà-di Cửu-thọ-đa-la.[4]
3. Thường thích tọa thiền, chính là Ưu-bà-di Tu-tỳ-da-nữ.[5]
4. Huệ căn tỏ rõ, chính là Ưu-bà-di Tỳ-phù.[6]
5. Kham năng nói pháp, chính là Ưu-bà-di Ương-kiệt-xà.[7]
6. Khéo diễn nghĩa kinh, chính là Ưu-bà-di Bạt-đà-sa-la Tu-diệm- ma.[8]
7. Hàng phục ngoại đạo, chính là Ưu-bà-di Bà-tu-đà.[9]
8. Âm vang trong suốt, chính là Ưu-bà-di Vô Ưu.[10]
9. Hay luận giải nhiều đề tài, chính là Ưu-bà-di Bà-la-đà.[11]
10. Dõng mãnh tinh tấn, chính là Ưu-bà-di Tu-đầu.[12]
11. Cúng dường Như Lai, chính là Phu nhân Ma-lợi.[13]
12. Thừa sự chánh pháp, chính là Phu nhân Tu-lại-bà.[14]
13. Cúng dường Thánh chúng, chính là Phu nhân Xả-di.[15]
14. Chiêm ngưỡng Hiền sĩ quá khứ tương lai, chính là Phu nhân Nguyệt Quang.[16]
15. Đàn việt đệ nhất, chính là Phu nhân Lôi Điện.[17]
16. Luôn hành từ tam-muội, chính là Ưu-bà-di Ma-ha Quang.[18]
17. Hành bi tâm, hằng thương xót, chính là Ưu-bà-di Tỳ-đề.[19]
18. Tâm hỷ không dứt tuyệt, chính là Ưu-bà-di Bạt-đề.[20]
19. Hành nghiệp thủ hộ, chính là Ưu-bà-di Nan-đà Mẫu.[21]
20. Được tín giải thoát, chính là Ưu-bà-di Chiếu Diệu.[22]
21. Thường hành nhẫn nhục, chính là Ưu-bà-di Vô Ưu.[23]
22. Hành Không tam-muội, chính là Ưu-bà-di Tỳ-thù-tiên.[24]
23. Hành Vô tưởng tam-muội [25], chính là Ưu-bà-di Ưu-na-đà.[26]
24. Hành Vô nguyện tam-muội, chính là Ưu-bà-di Vô Cấu.[27]
25. Thích dạy dỗ người, chính là Ưu-bà-di Phu nhân Thi-lợi.[28]
26. Khéo hay trì giới, chính là Ưu-bà-di Ương-kiệt-ma.[29]
27. Dung mạo đoan chánh, chính là Ưu-bà-di Lôi Diệm.[30]
28. Các căn tịch tĩnh, chính là Ưu-bà-di Tối Thắng.[31]
29. Nghe nhiều, biết rộng, chính là Ưu-bà-di Nê-la.[32]
30. Thường sáng tác kệ tụng, chính là Ưu-bà-di Tu-ma-ca-đề Tu-đạt Nữ.[33]
31. Không chỗ khiếp nhược, cũng là Ưu-bà-di Tu-đạt Nữ.[34]
32. Ưu-bà-di thủ chứng cuối cùng trong hàng Thanh văn của Ta, chính là Ưu-bà-di Lam.[35]

----------
GHI CHÚ:
[1] Về các Ưu-bà-di đệ nhất. A. 1. 14. 7.
[2] Nguyên trong bản: Ưu-bà-tư 優婆斯.
[3] Nan-đà Nan-đà-bà-la 難陀難陀婆羅. Không rõ tiểu sử. Pāli, A.i. 25: Nữ quy y đầu tiên là Sujātā Seniyadhīta.
[4] Cửu-thọ-đa-la 久壽 多羅 . Pāli: Khujjuttarrā, đa văn đệ nhất (bahussutānaṃ).
[5] Tu-tỳ-da-nữ 須毘耶. A.i.26: đệ nhất tọa thiền, Uttarā Nandamātā. Hán có thể đồng nhất với Suppiyā của Pāli, cf. Vin. 1. 216, Xem Tứ phần 42, T22n1428, tr. 868c7.
[6] Tỳ-phù 毘浮.
[7] Ương-kiệt-xà鴦竭闍.
[8] Bạt-đà-sa-la Tu-diệm-ma 跋陀娑羅須焰摩.
[9] Bà-tu-đà 婆修陀.
[10] Vô Ưu 無優.
[11] Bà-la-đà婆羅陀.
[12] Tu-đầu 須頭.
[13] Ma-lợi 摩利. Pāli: Mallikā.
[14] Tu-lại-bà 須賴婆.
[15] Xả-di 捨彌.
[16] Nguyệt Quang 月光.
[17] Lôi Điện 雷電. A.i. 26: đệ nhất bố thí, Visākhā.
[18] Để bản: Ma-ha Quang 摩訶光. TNM: Ma ha tiên. Pāli, A.i. 26: đệ nhất hành từ vô lượng, Sāmāvatī (mettāvihārinaṃ).
[19] Tỳ-đề 毘提.
[20] Bạt-đề 拔提.
[21] Nan-đà Mẫu 難陀母. Pāli: (Uttarā) Nandamātā.
[22] Chiếu Diệu 照曜.
[23] Vô Ưu 無優.
[24] Tỳ-thù-tiên 毘讎先.
[25] 無想三昧 vô tưởng tam-muội, tức là vô tướng tam-muội, PāIi: animittasamādhi.
[26] Ưu-na-đà 那陀.
[27] Vô Cấu 無垢.
[28] Thi-lợi 尸利.
[29] Ương-kiệt-ma 鴦竭摩.
[30] Lôi Diệm 雷焰.
[31] Tối Thắng 最勝.
[32] Nê-la 泥羅.
[33] Tu-ma-ca-đề Tu-đạt Nữ 脩摩迦提須達女.
[34] Tu-đạt Nữ 須達女.
[35] Lam 藍.

 



Bản dịch của Hòa thượng Thích Thanh Từ (lược trích)

PHẨM THANH TÍN SĨ (ƯU-BÀ-TẮC)

Trong đệ tử của Ta, người đầu tiên nghe pháp dược mà chứng Hiền thánh là Thương khách Tam Quả. Trí tuệ bậc nhất là Trưởng giả Chất-đa. Thần đức bậc nhất là Kiền-đề-a-lam. Hàng phục ngoại đạo là Trưởng giả Quật-đa. Hay thuyết những pháp sâu xa là Trưởng giả Ưu-ba-quật. Hằng tọa thiền suy tư là Ha-xỉ-a-la-bà. Hàng phục ma cung là Trưởng giả Dũng Kiện. Phước đức tràn đầy là Trưởng giả Ðồ-lợi. Ðại thí chủ là Trưởng giả Tu-đạt (Cấp Cô Ðộc). Môn tộc thành tựu là Trưởng giả Mẫn-dật.

(…) Thích hỏi nghĩa thú là Bà-la-môn Sanh Lậu. Lợi căn thông minh là Phạm-ma-du. Chư Phật tin cậy sai khiến là Ngự-mã-ma-nạp. Biết thân vô ngã là Bà-la-môn Hỷ Văn Cầm. Nghị luận hơn người là Bà-la-môn Tỳ-cừu. Hay làm kệ tụng là Trưởng giả Ưu-ba-ly. Nói năng mau lẹ cũng là Trưởng giả Ưu-ba-ly. Thích cho báu tốt, không có lẫn tiếc là Trưởng giả Thù-đề. Kiến lập gốc lành là Ưu-ca-tỳ-xá-ly. Hay thuyết diệu pháp là Ưu-bà-tắc Tối Thượng Vô Úy. Thuyết giảng không sợ hãi, khéo quan sát căn cơ của người là đại tướng lãnh của thành Tỳ-xá-ly tên Ðầu-ma.

(…) Vui thích ban bố ân huệ là Bình-sa Vương. Bố thí ít ỏi là vua Quang Minh. Kiến lập gốc lành là vua Ba-tư-nặc. Ðược niềm tin tốt lành không căn cứ, khởi lòng hoan hỉ là vua A-xà-thế. Chí tâm hướng về Phật, ý không biến đổi là vua Ưu-điền. Thừa sự chánh pháp là vương tử Nguyệt Quang. Cung phụng Thánh chúng, ý hằng bình đẳng là vương tử tạo Kỳ-hoàn. Thường ưa giúp người khác, không vì chính mình là vương tử Sư Tử. Khéo cung phụng người không có tâm cao thấp là vương tử Vô Úy. Nhan mạo đoan chánh, thù thắng hơn người là vương tử Kê-đầu.

(…) Hằng hành tâm từ là Trưởng giả Bất ni. Tâm hằng thương nhớ tất cả mọi loài là họ Thích Ma-ha-nạp. Thường hành tâm hỷ là họ Thích Bạt-đà. Thường hành tâm xả, không làm mất hạnh lành là Ưu-bà-tắc Tỳ-xà-tiên. Kham nhậm hành nhẫn nhục là đại tướng Sư Tử. Hay luận mọi chuyện là Ưu-bà-tắc Tỳ-xá-ngự. Im lặng như hiền thánh là Ưu-bà-tắc Nan-đề-bà-la. Siêng tu hạnh lành không ngừng nghỉ là Ưu-bà-tắc Ưu-đa-la. Các căn tịch tĩnh là Ưu-bà-tắc Thiên-ma. Ðệ tử chứng quả cuối cùng trong đệ tử của Ta là Câu-di Na-ma-da.

PHẨM THANH TÍN NỮ (ƯU-BÀ-DI)

Ưu-bà-di bậc nhất trong đệ tử của Ta về: Ðược chứng đạo đầu tiên là Ưu-bà-di Nan-đà-nan-đà-bà-la. Trí tuệ bậc nhất là Ưu-ba-di Cửu-thọ-đa-la. Hằng ưa tọa thiền là Ưu-bà-di Tu-tỳ-da-nữ. Huệ căn sáng rỡ là Ưu-bà-di Tỳ-phù. Có thể thuyết pháp là Ưu-bà-di Ương-kiệt-xà. Khéo diễn nghĩa kinh là Ưu-bà-di Bạt-đà-sa-la-tu-diệm-ma. Hàng phục ngoại đạo là Ưu-bà-di Bà-tu-đà. Âm thanh trong trẻo là Ưu-bà-di Vô Ưu. Hay luận đủ loại là Ưu-bà-di Bà-la-đà. Dũng mãnh tinh tấn là Ưu-bà-di Tư-đầu.

(…) Cúng dường Như Lai là phu nhân Mạt-lợi. Thừa sự Chánh pháp là phu nhân Tu-lại-bà. Cúng dường Thánh chúng là phu nhân Xả-di. Chiêm ngưỡng bậc hiền đời quá khứ và tương lai là phu nhân Lôi Ðiện. Hằng hành Từ tam muội là Ưu-bà-di Ma-ha Quang. Hằng thương xót lân mẫn là Ưu-bà-di Tỳ-đề. Tâm vui chẳng dứt là Ưu-bà-di Bạt-đề. Hành nghiệp thủ hộ là Ưu-bà-di Nan-đà Mẫu. Ðược tín giải thoát là Ưu-bà-di Chiếu Diệu.

(…) Hằng hành nhẫn nhục là Ưu-bà-di Vô Ưu. Hành Không tam muội là Ưu-bà-di Tỳ-thù-tiên. Hành Vô tưởng tam-muội là Ưu-bà-di Na-đà. Hành Vô nguyện tam-muội là Ưu-bà-di Vô Cấu. Thích dạy dỗ người khác là Ưu-bà-di phu nhân Thi-lợi. Khéo hay trì giới là Ưu-bà-di Ương-kiệt-ma. Hình mạo đoan chánh là Ưu-bà-di Lôi Diệm. Các căn tịch tĩnh là Ưu-bà-di Tối Thắng. Nghe nhiều, biết rộng là Ưu-bà-di Ni-la. Hay làm kệ tụng là Ưu-bà-di Tu-ma-ca-đề-tu-đạt-nữ. Không bị khiếp nhược cũng là Ưu-bà-di Tu-đạt-nữ. Ưu-bà-di thủ chứng cuối cùng trong hàng Thanh văn của Ta là Ưu-bà-di Lam.

*  

[ Home ]

30-01-2017