BuddhaSasana Home Page

Vietnamese, with Unicode Times font


Vì sao tin Phật
Hòa thượng K. Sri Dhammananda
Thích Tâm Quang dịch Việt

Nguyên tác: What Buddhists believe


Chương 5

HỌC THUYẾT CĂN BẢN

-ooOoo-

TAM TẠNG KINH ĐIỂN

Tam Tạng Kinh Điển là sự tổng hợp những lời dạy của Đức Phật thuyết giảng trên 45 năm bằng tiếng Pali, gồm có Kinh - lời dạy có tính cách qui ước, Luật - Giới luật, và Luận (Vi Diệu Pháp) - Tâm Lý Đạo Đức.

Tạm Tạng Kinh Điển được kết tập và soạn thành hình thức ngày nay là do các bậc A La Hán, những bậc thánh đã liên hệ trực tiếp với chính Đức Phật.

Đức Phật đã qua đời, nhưng Giáo Pháp siêu phàm của Ngài để lại cho nhân loại vẫn hiện hữu và thuần khiết như lúc ban đầu.

Mặc dù Đấng Đại Đạo Sư không để lại bút tích trong hồ sơ giáo lý, nhưng các đệ tử xuất chúng của Ngài đã gìn giữ các tài liệu này bằng trí nhớ và đã truyền khẩu lại từ thế hệ này đến thế hệ khác.

Ngay sau khi Đức Phật nhập diệt, 500 Vị A La Hán ưu tú triệu tập Đại Hội Kiết Tập lần thứ nhất để ghi lại học thuyết do Ngài dạy. Đức A Nan, thị giả thân tín một dạ trung thành, luôn luôn kề cận Đức Phật, nên đã được nghe tất cả những bài thuyết giảng của Ngài; Đức A Nan là người đọc lại Kinh (Pháp), Đức U Bà Ly đọc Luật, giới luật của Tăng Già.

Một trăm năm sau lần Đại Hội Kiết Tập lần thứ nhất, trong thời Vua Kalasoka, một số đệ tử nhận thấy sự cần thiết phải thay đổi một vài khinh giới. Các nhà sư chính thống cho là không có gì cần phải thay đổi trong khi các nhà sư khác đòi hỏi thay đổi một vài giới luật. Cuối cùng, sau lần kiết tập này, nhiều trường phái Phật Giáo khác biệt xuất hiện. Trong Kỳ Đại Hội lần thứ hai này, chỉ thảo luận, những vấn đề trong Luật Tạng còn về Kinh Tạng không có gì thay đổi.

Vào Thế Kỷ Thứ Ba trước Tây Nguyên, trong thời Hoàng Đế A Dục, Đại Hội Thứ Ba được triệu tập để thảo luận những quan điểm dị biệt của Tăng Già. Tại Đại Hội này không những chỉ thảo luận hạn chế về Luật Tạng, mà cũng thảo luận đến Kinh Tạng. Khi Đại Hội bế mạc, Chủ tịch Đại Hội, Đức Moggaliputta Tissa, soạn thảo một cuốn sách gọi là Kathavatthu bác bỏ các quan điểm và lý thuyết dị giáo sai lầm của một số đệ tử. Giáo lý được phê chuẩn và chấp thuận gọi là Nguyên Thủy (Theravada). Luận Tạng cũng được đem bàn cãi trong Kỳ Đại hội này. Đại Hội Lần Thứ Tư được triệu tập tại Sri Lanka năm 80 trư?c Tây Nguyên dưới sự bảo trợ của Hoàng Đế Vattagamini Abbaya, một vì Vua rất hiếu thảo. Tam Tạng Kinh Điển lần thứ nhất được kiết tập thành văn bản tại Đại Hội Sri Lanka này.

Tam Tạng Kinh Điển gồm ba phần giáo lý của Đức Phật: Luật, Kinh, và Luận.

Luật Tạng chuyên về các vấn đề luật lệ và quy tắc của Đoàn thể Tăng và Ni. Luật Tạng trình bày chi tiết sự phát triển của hệ thống Phật Giáo Đoàn. Cuộc đời Đức Phật và sứ mệnh hoằng pháp của Ngài được ghi nhận. Gián tiếp, Luật Tạng nêu lên vài sự kiện rất hữu ích về lịch sử thời cổ, phong tục của người Ấn, mỹ thuật, khoa học vân vân...

Gần hai mươi năm sau khi giác ngộ. Đức Phật không đặt giới luật để kiểm soát đoàn thể Tăng Già. Sau này, do hoàn cảnh gây nên, Ngài mới ban bố luật lệ cho đồ đệ tương lai của Tăng Già.

LUẬT TẠNG

Luật Tạng gồm năm cuốn sau:

1. Parajika Pali (Đại tội)
2. Pacittiya Pali (Khinh tội)
3. Mahavagga Pali (Đại Phẩm)
4. Cullavagga Pali (Tiểu Phẩm)
5. Parivara Pali (Phần Linh Tinh)

KINH TẠNG

Kinh Tạng gồm hầu hết các bài kinh giảng bởi chính Đức Phật trong nhiều dịp. Cũng có một vài bài kinh do các Đại Đệ Tử của Ngài thuyết giảng như các Ngài Xá Lợi Phất, A Nan, Mục Kiền Liên vân vân ...Các kinh này giống như cuốn sách gồm các toa thuốc, là những bài thuyết pháp diễn giảng thích hợp cho hoàn cảnh và tính chất tùy theo hạng người. Đôi khi hình như có vẻ mâu thuẫn, nhưng không nên hiểu lầm vì là các câu này do chính Đức Phật nói ra để phù hợp vào mục đích đặc biệt nào đó.

Kinh Tạng gồm năm bộ

1. Digha Nikaya (Trường Bộ Kinh)
2. Majjhima Nikaya (Trung Bộ Kinh)
3. Samyutta Nikaya (Tương Ứng Bộ Kinh)
4. Anguttara Nikaya (Tăng Chi Bộ Kinh)
5. Khuddaka Nikaya (Tạp Bộ Kinh)

Bộ thứ năm phân chia thành 15 cuốn:

1. Khaddakapatha (Shorter Text, Tiểu Phẩm)
2. Dhammapada (The Way of Truth, Pháp Cú Kinh)
3. Udana (Heartfelt sayings or Peacon of Joy, Tự Thuyết Kinh)
4. Iti Vuttaka('Thus said' Discourses, Phật thuyết như vậy)
5. Sutta Nipata (Collected Discourses, Kinh tập)
6. Vimana Vatthu (Stories if Celestial Mansions, Các câu chuyện về Thiên cung)
7. Peta Vatthu (Stories of Peta, Câu chuyện về Ngạ quỷ)
8. Theragatha (Psalms of Brethren, Trưởng Lão Tăng Kệ)
9. Therigatha (Palsms of the Sisters, Trưởng Lão Ni Kệ)
10. Jatakha (Birth Stories, Túc Sanh Truyện)
11. Niddesa (Expositions, Nghĩa thích)
12. Patisambhida (Analytical Knowledge, Tuệ Phân Tích)
13. Apadana (Lives of Saint, Đời Sống các Vị Thánh)
14. Buddhavamsa (The History of Buddha, Lịch Sử Đức Phật)
15. Cariya Pitaka (Modes of Conduct, Sở hạnh tạng)

LUẬN TẠNG

Đối với một nhà tư tưởng uyên thâm, Luận Tạng quan trọng và đáng chú ý nhất vì Luận Tạng hàm chứa triết lý thâm của giáo lý Đức Phật không giống như những bài thuyết giảng có tính cách làm sáng tỏ nhưng đơn giản hơn trong Kinh Tạng.

Trong Kinh Tạng ta thường thấy đề cập đến cá nhân, chúng sinh vân vân...nhưng trong Luận Tạng, thay vì những thuật ngữ quy ước, chúng ta thấy những thuật ngữ về chân đế như uẩn, tâm, sắc, vân vân...

Trong Kinh Tạng, ta thấy Giáo lý theo Tục Đế nhưng trong Luận tạng, ta thấy Nguyên Lý Chân Đế.

Trong Luận Tạng mỗi vấn đề đều được phân tích và giải thích chi tiết, cho nên ta gọi đó là Giáo Pháp Thậm Thâm (Vi Diệu Pháp).

Bốn Pháp Chân Đế trong Luận Tạng là Tâm, Tâm Sở, Sắc và Niết Bàn.

Cái được gọi là chúng sanh được phân tích dưới lăng kính hiển vi và các thành phần được miêu tả chi tiết. Cuối cùng mục tiêu tối hậu, và phương pháp đạt mục tiêu được giải thích với những chi tiết hết sức cặn kẽ.

Luận Tạng gồm có các tác phẩm sau đây:

1. Dhamma-Sangani (Enumeration of Phenomina, Pháp Tựu)
2. Vubhanga (The Book of the Treatise, Phân Biệt (giải từng phần khác nhau)
3. Katha Vatthu (Point of Controversy, Kệ Thuyết)
4. Puggala Pannati (Description of Individuals, Nhân Duyên Thuyết)
5. Dhatu Katha (Discussion with Reference to Elements, Giới Thuyết)
6. Yamaka (The Book of Pairs, Song Đối)
7. Pattana (The Book of Relations, Liên Đới)

Theo một cách phân loại khác do chính Đức Phật ghi nhận Giáo Lý được chia làm chín nhóm: 1- Sutta, 2- Geyy, 3- Veyyakarama, 4- Gatha, 5- Udana, 6- Itivuttaka, 7- Jataka, 8- Abbhutadhama, 9-Vedalla.

1. Sutta - (Kinh) Là những bài pháp, dài, ngắn, trung bình do Đúc phật thuyết giảng trong nhiều trường hợp như Kinh Mangala Sutta (Discourses on Blessings, Hạnh Phúc Kinh) Ratana Sutta (The Jewel Discourse, Trân Bảo Kinh), Metta Sutta (Discourse on GoodWill, Kinh về Tâm Từ) vân vân... Theo lời dẫn giải, toàn bộ Luật Tạng cũng nằm trong Kinh này.

2. Geyya - Những bài thuyết giảng lẩn lộn những câu kệ và những bài thơ như Sagathavagga của Kinh Samyutta (Tương Ưng Bộ Kinh).

3. Veyyakarana - có nghĩa Trình Bày - Toàn bộ Luận tạng gồm những bài thuyết pháp không thơ kệ, và tất cả những gì còn lại không nằm trong phân loại của bộ này.

4. Gatha - Gồm có những bài kệ trong Kinh Pháp Cú, Theragatha (Psalms of the Brethren, Trưởng lão kệ), Therigatha (Psalms of the Sisters, Trưởng lão ni kệ), và những bài kệ không có trong các Kinh.

5. Udana - Gồm Paeans of Joy ghi trong Udana, một phần Khuddaka Nikaya

6. Itivuttaka - Gồm 112 bài thuyết pháp bắt đầu với câu "Một thuở nọ, Đức Phật ...." Itivuttaka là một trong 15 bộ Kinh trong Khuddaka Nikaya.

7. Jataka - Gồm 547 chuyện về tiền thân của Đức Phật.

8. Abbhutadhamma - Một số bài giảng nói về những điều đẹp đẽ tuyệt vời thí dụ như Kinh Acchariya-Abbhutadhamma trong bộ Majjihima Nikaya (No 123)

9. Vedalla - Gồm có những bài thuyết pháp, như Chulla Vedalla, Maha Vedalla (M.N. Nos 43, 44), Samma Ditthi Sutta (M.N. No. 9) vân vân . Trong một vài bài thuyết pháp, một số giải đáp các câu hỏi được ghi nhận trong niềm hoan hỉ.

LUẬN TẠNG (VI DIỆU PHÁP) LÀ GÌ?

Luận Tạng (Vi Diệu Pháp) là giáo lý phân tích khả năng tinh thần và các yếu tố liên hệ.

Luận Tạng hàm chứa tâm lý đạo đức và triết lý sâu xa của Giáo Lý Đức Phật, trái ngược với các bài thuyết pháp đơn giản trong Kinh Tạng.

Kiến thức đạt được từ Kinh chắc chắn giúp ta vượt qua các khó khăn trở ngại, cũng như giúp ta phát triển tinh thần và rèn luyện tâm ý. Có được kiến thức này giúp ta có một đời sống bình an, đáng kính, hữu ích và cao thượng. Nghe những bài thuyết giảng, chúng ta phát triển sự hiểu biết Pháp và có thể điều hòa cuộc sống hàng ngày theo đó. Quan niệm đằng sau của một vài chữ hay từ ngữ dùng trong Kinh Tạng, có thể nên thay đổi và phải được giải nghĩa trong phạm vi môi trường thời Đức Phật tại thế. Quan niệm sử dụng trong Kinh Tạng giống như những từ ngữ quy ước mà người cư sĩ thường dùng để giải thích các đề tài khoa học. Trong khi quan niệm trong kinh theo quy ước phải được hiểu với ý nghĩ thông thường, còn quan niệm về Luận tạng phải được hiểu theo ý nghĩa rốt ráo. Quan niệm trong Luận Tạng giống như những từ ngữ hay thuật ngữ khoa học chính xác dùng bởi các khoa học gia để ngăn ngừa sự giải thích sai lầm.

Chỉ trong Luận Tạng mới thấy sự giải thích về vì sao và nơi nào đã khiến con người tạo ý tùy theo tham ái hay tâm sở khác. Những sự giải thích rõ ràng về bản chất của khả năng tinh thần khác nhau, và cách lý giải chính xác các yếu tố tạo thành được tìm thấy trong các tập thuyết giảng quan trọng.

Hiểu Phật Pháp qua kiến thức đạt được từ Kinh điển giống như kiến thức đạt được trong việc nghiên cứu các toa thuốc áp dụng cho các loại bệnh tật. Kiến thức như vậy chắc chắn là có thể chữa được một số bệnh. Mặt khác, một lương y giỏi, với kiến thức chính xác, có thể chẩn đoán một số lớn các bệnh tật, khám phá ra các nguyên nhân gây bệnh. Kiến thức đặc biệt giúp vị lương y này có vị thế tốt đẹp hơn để có thể chữa bệnh hữu hiệu hơn. Tương tự như vậy, một người nghiên cứu Luận Tạng, có thể hiểu rõ bản chất của tâm, phân tách các thái độ tinh thần khiến con người phạm lỗi, hay làm cho con người phát triển thiện ý tránh các tội lỗi.

Luận Tạng dạy rằng những niềm tin ích kỷ, và những ý niệm và cái 'Tôi" 'Anh', 'Người', và 'Thế gian' mà chúng ta thường hàng ngày hay nói tới, không diễn tả nổi đầy đủ tính chất thực sự của cuộc sống. Quan niệm thông thường không phản ảnh cái tính chất phù du của lạc thú, những cái bất trắc, vô thường của thành phần mọi sự vật duyên hợp, sự đối kháng giữa những phân tử và thực chất năng lượng nằm bên trong tất cả các vật hữu tình và vô tình.. Giáo lý của Luận Tạng trình bày rõ ràng bản chất rốt ráo của con người và đem sự phân tích về thân phận của con người xa hơn những sự nghiên cứu khác mà con người đã biết.

Luận Tạng nêu lên những thực thể hiện hữu trong ý nghĩa rốt ráo hay paramattha (đệ nhất nghĩa đế) dhamma tiếng Pali. Có bốn thực thể đó là:

1. Citta, (Tâm hay Tâm Vương ) được giải nghĩa là cái biết hay hiểu biết một đối tượng. Tâm Vương sanh khởi như những trạng thái riêng biệt của thức.

2. Cetasika, Tâm Sở: những trạng thái của tâm sanh khởi cùng một lúc với Tâm Vương.

3. Sắc, hiện tượng vật chất, hay dạng thức vật chất.

4. Niết Bàn: trạng thái hạnh phúc hoàn toàn không điều kiện, mục tiêu cuối cùng.

Citta (Tâm Vương) và Cetasika (Tâm Sở) và sắc là thực thể có điều kiện. Chúng trỗi lên vì những điều kiện, và mất đi vì những điều kiện hỗ trợ chúng ngưng không tiếp tục nữa. Chúng ở trong tình trạng vô thuờng. Niết Bàn, mặt khác, là một sự thực không điều kiện. Niết Bàn không trỗi lên, cho nên không mất đi. Bốn sự thực này có thể chứng nghiệm dù chúng ta đặt cho chúng danh xưng nào. Ngoài bốn thực thể đó, mọi sự vật dù trong nơi chúng ta hay không nơi chúng ta, dù trong quá khứ, hiện tại hay vị lai, dù là thô sơ hay vi tế, dù là thấp hay cao, xa hay gần - vẫn là một ý niệm và không phải là một sự thực tối hậu.

Citta (Tâm Vương) và Cetisaka (Tâm Sở) và Nibbana (Niết Bàn) được gọi là Nama (Danh). Niết Bàn là một nama không điều kiện. Hai nama có điều kiện là Citta (Tâm Vương) và Cetasika (Tâm Sở), cùng với rupa (sắc) tạo thành cơ quan tâm-vật-lý, gồm cả con người. Tâm và vật hay danh sắc, được lý giải trong Luận Tạng giống như được khảo sát dưới lăng kính hiển vi. Những biến chuyển liên kết với tiến trình của sanh tử được phân tách chi tiết. Luận Tạng làm sáng tỏ những điểm phức tạp của Phật Pháp, gíúp cho hiểu được sự thật, và dẫn đến con Đường Giải Thoát. Sự hiểu biết đạt được từ Luận Tạng về cuộc sống của chúng ta và thế giới không phải trong ý nghĩa có tính cách quy ước, nhưng trong ý nghĩa của sự thật tuyệt đối.

Sự trình bày sáng sủa về những vận hành của tâm thức trong Luận Tạng không tìm thấy ở bất cứ một luận thuyết tâm lý nào ở phương Đông cũng như phía trời Tây. Thức thì được định nghĩa, trong khi những tư tưởng thì được phân tách và xếp loại từ một lập trưòng đạo đức. Thành phần của mỗi loại thức được thiết lập chi tiết. Thức trôi chảy như một dòng suối, quan điểm này được chứng minh bởi những nhà tâm lý học như William Jones, trở nên hết sức rõ ràng cho người hiểu Luận Tạng. Hơn nữa, ngưòi học Luận Tạng có thể thấu đáo thuyết Vô-Ngã, một thuyết rất quan trọng từ quan điểm triết lý lẫn đạo lý.

Luận tạng giải thích tiến trình của tái sanh trong nhiều cảnh giới sau khi chết không có một thứ gì mất đi từ kiếp này qua kiếp khác. Sự giải thích này hỗ trợ lý thuyết về Nghiệp và Tái Sanh. Nó cũng đem lại nhiều chi tiết phong phú về tâm, về những yếu tố của sức mạnh tinh thần và vật chất, đặc tính và nguồn gốc của vật, sự tương quan giữa vật và tâm.

Trong bộ luận Abhidhamma Sangaha (Thắng Pháp Tập Yếu Luận), một tác phẩm Luận Tạng, trình bày khái quát về Định Luật của Lý Nhân Duyên, với phần mô tả về sự tương quan của các nguyên nhân mà không tìm thấy tại một học thuyết nào của nhân loại trên thế giới. Vì sự phân tích và trình bày sâu xa, Luận tạng không phải là một đề tài hời hợt để cho người đọc chỉ phớt qua mà hiểu được.

Đến một mức độ nào chúng ta có thể so sánh được tâm lý học hiện đại với những lý giải của Luận Tạng? Tâm lý học hiện đại chỉ giới hạn cho đến nay trong các lãnh vực của Luận Tạng về những vấn đề tâm thức - tư tưởng, tiến trình của tư tưởng, và các tâm sở.

Sự khác biệt là Luận Tạng không chấp nhận quan niệm về linh hồn. Chưa có nguồn tư liệu nào có được sự phân tích về bản chất của tâm thức như trong Luận Tạng. Cả đến những nhà tâm lý học hiện đại cũng vẫn mờ mịt về những vấn đề như các chập tư tưởng (Javana Citta) được trình bày trong Luận tạng. Tiến Sĩ Graham Howe, một nhà Tâm Lý Học nổi tiếng của Harley Street, viết trong tác phẩm "Khoa Giải Phẫu Vô Hình" của ông như sau:

'Nhiều nhà tâm lý học, trong công cuộc nghiên cứu của họ, như nhà Tâm Lý Học C.G. Jung tiền phong trong lãnh vực này, đã thấy rằng chúng ta rất gần gữi với Đức Phật. Chỉ đọc một ít về Phật Giáo là đã thấy người Phật Tử từ hơn hai ngàn năm trăm năm đã biết nhiều về những vấn đề tâm lý hiện đại của chúng ta hơn người ta tưởng. Họ đã nghiên cứu từ lâu những vấn đề này và đã tìm được những câu giải đáp. Chúng ta bây giờ chỉ là khơi lại Trí Tuệ Cổ Xưa mà Phương Đông đã có.

Một số học giả quyết đoán là Luận Tạng không phải là giáo lý của Đức Phật, nhưng nó phát xuất từ những chú giải về giáo lý căn bản của Đức Phật. Người ta nói những chú giải này là những tác phẩm của các vị sư học giả có tầm vóc lớn. Tuy nhiên, theo truyền thống, người ta qui trọng tâm của Luận Tạng về chính Đức Phật.

Những nhà chú giải ghi rằng để nhớ ơn mẫu thân Ngài tái sanh làm chư thiên ở cõi trời, Đức Phật thuyết giảng về Luận Tạng cho mẹ Ngài cùng với các chư thiên trong ba tháng. Phần chính trong giáo lý cao thâm chẳng hạn như thiện pháp và bất thiện pháp đã được Đức Phật nhắc lại nhiều lần cho Ngài Xá Lợi Phất. Vị Đại Đệ Tử này đã tỷ mỷ ghi lại lời dạy của Đức Phật và sau này đã biên soạn thành sáu cuốn.

Từ thời thượng cổ, đã có những cuộc tranh luận về việc Đức Phật có dạy Luận Tạng không. Trong khi các cuộc bàn cãi này có thể gây chú ý về mục đích văn học, nhưng điều quan trọng cho chúng ta là kinh nghiệm và hiểu thấu được những sự thật miêu tả trong Luận Tạng. Ta sẽ chứng nghiệm đưọc rằng những chân lý thâm sâu đầy xác chứng như vậy chỉ có thể xuất phát từ một nguồn giác ngộ tối thượng, từ một Đức Phật. Đa số những gì dung chứa trong Luận Tạng cũng tìm thấy trong Kinh Tạng, và những bài thuyết giảng này chưa bao giờ được nghe thấy cho đến khi nghe được từ kim khẩu Đức Phật. Cho nên, những ai cho là Luận Tạng không do nơi Đức Phật thì cũng phải nói là Kinh Tạng không phải của Đức Phật. Lẽ dĩ nhiên, nhận xét trên đây không cung cấp đủ bằng cớ.

Theo truyền thống của Nguyên Thủy, cốt lõi, nền tảng và cơ bản chủ yếu của Luận Tạng đều do nơi Đức Phật và phần sắp xếp và phân loại là công trình của các đệ tử Ngài làm sau này. Điều quan trọng nhất là cốt lõi. Đó là điều mà chúng ta phải tự chứng nghiệm. Rõ‚ ràng chính Đức Phật đã tự mình sử dụng kiến thức của Luận Tạng để làm sáng tỏ những vấn đề tâm lý, siêu hình và triết lý. Ngụy biện về việc phải hay không phải Đức Phật đã dạy Luận Tạng không giúp ích gì chúng ta trong việc tìm hiểu chân lý.

Câu hỏi đặt ra là Luận Tạng có thật thiết yếu cho việc thực hành Pháp không. Câu trả lời là thiết yếu hay không thiết yếu là do nơi hành giả. Mức độ hiểu biết, tính khí, và phát triển tinh thần của mỗi người đều khác nhau. Một cách lý tưởng thì tất cả các khả năng tinh thần phải được hài hòa, nhưng một số người lại chỉ bằng lòng với cách tu tập căn cứ theo niềm tin, một số khác lại giỏi về việc phát triển tuệ giác (minh sát tuệ). Luận Tạng rất hữu ích cho những ai muốn hiểu Pháp sâu rộng và chi tiết. Luận Tạng giúp việc phát triển tuệ giác (minh sát tuệ) qua ba đặc tính của cuộc sống: vô thường, bất-toại-nguyện và vô ngã. Nó không những giúp ích trong lúc tu tập thiền định, mà cũng giúp ích ngoài giờ tu tập trong suốt thời gian làm những công việc linh tinh hàng ngày ngoài đời. Học nơi Luận Tạng chúng ta thu được lợi ích lớn lao từ khi chúng ta chứng nghiệm chân lý tuyệt đối. Ngoài ra, việc hiểu thấu Luận Tạng rất hữu ích cho những ai muốn dạy giáo lý và giảng Pháp. Tóm lại, ý nghĩa thật sự của các thuật ngữ Phật Giáo quan trọng như Pháp, Nghiệp, Luân Hồi, Hành, Duyên Sinh và Niết Bàn, không thể hiểu được nếu không có kiến thúc về Vi Diệu Pháp.

DANH VÀ SẮC (NAMA-RUPA)

Theo Phật Giáo, đời sống là sự phối hợp giữa tâm (danh) và thân (sắc). Tâm gồm sự phối hợp của cảm giác (thọ), nhận thức (tưởng), hoạt động có tác ý (hành) và thức. Sắc (thân) là sự phối hợp của bốn thành phần: đất nước, gíó lửa.

Sự sống là sự kết hợp của tâm và thân. Sự suy tàn là do thiếu sự phối hợp của tâm và sắc. Chết là sự xa lìa giữa tâm và thân. Tái sanh là sự tái phối hợp của tâm và thân. Sau khi thân xác chết đi, tâm lực tái phối hợp và nắm giữ sự phối hợp mới trong một dạng thức vật chất khác và tạo điều kiện cho một sự sống khác.

Sự tương quan giữa danh và sắc giống như sự tương quan của bình điện với bộ máy xe hơi. Bình điện giúp cho máy nổ. Máy giúp nạp điện vào bình điện. Sự phối hợp của bình điện và máy làm xe chạy. Cũng như vậy, sắc giúp tâm điều động và tâm giúp sắc hoạt động.

Phật Giáo dạy rằng sự sống không phải chỉ đơn độc yếu tố vật chất và tiến trình của cuộc sống tiếp diễn hay trôi chẩy do kết quả của tương quan nhân quả. Những yếu tố vật chất và tinh thần hình thành chúng sanh từ những vi khuẩn (amoeba) đến con voi, con người, đều đã hiện hữu từ trước dưới một dạng thức khác. Mặc dù một số người vẫn quan niệm là sự sống bắt nguồn trong vật chất mà thôi, nhưng những nhà khoa học lừng danh đã chấp nhận là tâm (thức) có trước để đời sống bắt nguồn. Trong Phật Giáo, ý niệm này được gọi là "sự tái tiếp nối của nguồn tâm thức (kiết sanh thức)".

Mỗi người trong chúng ta, theo ý nghĩa rốt ráo, không có gì ngoài danh và sắc, một tập hợp (tâm và thân) của các hiện tượng tinh thần và vật chất. Ngoài những thực thể trên tạo nên tập hợp tâm (danh) và thân, không có cái ta và cũng không có linh hồn. Phần tâm của tập hợp là cái kinh nghiệm được đối tượng. Phần sắc không kinh nghiệm được thứ gì cả . Khi thân xác bị thương, thân không cảm thấy đau đớn mà chính là phía tinh thần cảm thấy đau đớn. Khi chúng ta đói, bao tử không thấy đói, mà tâm ta cảm thấy đói. Tuy nhiên, tâm ta không ăn được để khỏi đói. Tâm và các yếu tố của nó, làm thân xác tiêu hóa đồ ăn. Cho nên cả tâm (danh) lẫn sắc đều không tự nó có sức mạnh hiệu quả gì. Cái này tùy thuộc cái kia và hỗ trợ cho nhau. Tâm và sắc trỗi lên do các điều kiện và tàn ngay đi, sự kiện trên tiếp diễn không ngừng trong sự sống của chúng ta. Bằng nghiên cứu và chứng nghiệm các thực thể trên, chúng ta sẽ đi vào tuệ giác để thấu hiểu: (1) Chúng ta thực sự là gì; (2) Chúng ta thấy gì chung quanh chúng ta; (3) Tại sao và thế nào chúng ta phản ứng với những gì trong và ngoài chúng ta; (4) Và chúng ta nên mong muốn gì để đạt tới mục tiêu tinh thần.

Đạt được tuệ giác về bản chất của sự sống tâm - vật lý là thấu hiểu rằng đời sống chỉ là một ảo ảnh, một ảo tưởng, một bọt nước, chỉ là một tiến trình hợp tan hay sinh diệt. Bất cứ gì hiện hữu, đều sanh khởi từ những nguyên nhân và điều kiện.

BỐN CHÂN LÝ CAO QUÝ (TỨ DIỆU ĐẾ)

Tại sao chúng ta ở đây? Tại sao chúng ta không có hạnh phúc với đời sống của chúng ta? Nguyên nhân của bất-toại-nguyện là gì? Làm sao ta có thể chấm dứt bất toại nguyện và đạt an lạc trường cửu?

Giáo lý của Đức Phật căn cứ vào Bốn Chân Lý Cao Quý (Tứ Diệu Đế). Muốn hiểu những chân lý này là phải hiểu và đi sâu vào bản chất thực sự của sự sống, kể cả kiến thức đầy đủ về chính bản thân mình. Khi chúng ta thấy rằng tất cả các hiện tượng của mọi vật chỉ là tạm bợ, phải chịu khổ đau, trống rỗng không có thực thể, chúng ta mới nhận thức sự thật và hạnh phúc bền vững không thể tìm thấy được trong của cải vật chất và thành tựu thế gian, và hạnh phúc thực sự chỉ đạt được bằng tâm thanh tịnh và sự rèn luyện trí tuệ.

Tứ Diệu Đế là một khía cạnh rất quan trọng trong giáo lý của Đức Phật. Đức Phật dạy rằng vì không hiểu Tứ Diệu Đế nên chúng ta cứ phải trôi lăn trong vòng sinh tử. Ngay trong thời Pháp đầu tiên Ngài giảng về Tứ Diệu Đế và Bát Chánh Đạo trong Kinh Chuyển Pháp Luân cho năm thầy tu tại Vườn Lộc Uyển ở Sarnath. Tứ Diệu Đế là gì? Đó là:

- Chân Lý về Khổ
- Chân Lý về Nguyên Nhân của Khổ
- Chân Lý về Chấm Dứt Khổ
- Chân Lý về Con Đuờng dẫn đến chấm dứt Khổ

Từ ngữ Dukkha (Khổ) trong Phạn Ngữ có nhiều nghĩa. Từ ngữ "Dukkha" này được phiên dịch là Khổ hay bất toại nguyện, nhưng từ ngữ dùng trong Tứ Diệu Đế có nghĩa sâu rộng hơn. Ngoài nghĩa thông thường là Khổ, Dukkha còn bao gồm ý niệm thâm sâu hơn như sự bất toàn, đau đớn, vô thường, bất hòa, bất an, bứt rứt, hoặc cảm thấy không hoàn toàn, không đầy đủ (mặc cảm). Với tất cả những ý nghĩa trên, Dukkha bao hàm khổ về vật chất và về tinh thần: sanh, già, bệnh, chết, phải gần với những gì không thích, phải xa lìa những gì ưa thích, không đạt được điều mong cầu. Tuy nhiên, nhiều người không hiểu được rằng ngay trong những lúc vui và hạnh phúc, vẫn có khổ vì tất cả những lúc đó cũng đều vô thường và sẽ qua đi khi các điều kiện thay đổi. Cho nên chân lý về Khổ, bao gồm cả kiếp sống, trong tất cả các nỗi vui buồn, trong mọi khía cạnh của cuộc đời chúng ta. Chừng nào mà chúng ta còn sống là chúng ta còn phải lệ thuộc hoàn toàn vào chân lý này.

Đối với một số người cách nhìn đời là khổ như thế có vẻ hơi yếm thế. Đó không phải là bi quan mà là cách nhìn đời một cách thực tiễn. Nếu một người bị bệnh mà không nhìn nhận là mình bệnh, không tìm phương cách chữa trị thì ta sẽ không cho thái độ tinh thần của người đó là lạc quan mà là người rồ dại. Cho nên dù lạc quan hay bi quan nếu không hiểu rõ bản chất thực sự của sự sống ta không thể nào hành xử đúng trước những khó khăn trong cuộc đời. Tứ Diệu Đế khởi đầu xác nhận khổ, tiếp đến phân tích nguyên nhân khổ và cách diệt khổ. Nếu như Đức Phật ngưng lại tại Chân Lý Khổ, người ta có thể cho rằng Phật Giáo nhận biết có khổ mà không có phương sách chữa trị; nếu như vậy nhân loại sẽ ở trong tình trạng vô vọng. Nhưng Đức Phật không chỉ xác nhận Chân Lý về Khổ, Đức Phật đi đến phân tích nguyên nhân của nó, và dạy phương cách chữa trị nó. Làm sao ta có thể nói Phật Giáo bi quan nếu đã đưa ra được phương cách diệt khổ? Tóm lại, đó là một giáo lý tràn đầy niềm hy vọng.

Ngoài ra, dù Khổ Đế là một chân lý, đó không có nghĩa là không có hạnh phúc, không có vui thích hay lạc thú trong cuộc sống. Đức Phật dạy có nhiều phương pháp để đạt hạnh phúc trong đời sống hàng ngày. Tuy nhiên trong phần lý giải cuối cùng, thì tựu trung mọi lạc thú hay hạnh phúc mà ta kinh nghiệm trong đời sống đều là không vĩnh cửu (vô thường). Chúng ta có thể hưởng hạnh phúc, hoặc có người thương yêu kề bên, hoặc chúng ta vui sống với tuổi thanh xuân và sức khỏe. Không chóng thì chầy tình trạng trên cũng sẽ thay đổi và chúng ta phải chịu khổ đau. Cho nên mỗi khi cảm thấy vui thú khi ta hưởng hạnh phúc do bất cứ lý do nào, chúng ta không nên bám níu vào tình trạng hạnh phúc ấy, hoặc bị chệch hướng, và quên đi phương cách thực hành để đạt Giải Thoát hoàn toàn.

Nếu chúng ta mong muốn tự mình thoát khỏi khổ đau, trước hết phải tìm ra nguyên nhân. Theo Đức Phật, ái dục hay tham đắm là nguyên nhân của khổ đau. Đây là Diệu Đế Thứ Hai. Con người khao khát được lạc thú, khao khát vật chất, khao khát cuộc sống trường cửu, và khi thất vọng, khao khát được an giấc ngàn thu. Họ không chỉ dính mắc vào dục lạc, của cải và quyền thế, mà còn bám níu vào ý kiến, lập trường, quan điểm, ý niệm và tín ngưỡng. Và ái dục thì liên hệ với vô minh, có nghĩa là không nhìn sự vật đúng như chúng thế nào, hoặc không hiểu thực chất của kinh nghiệm và sự sống. Dưới ảo tưởng của cái Ta, và vì không chứng nghiệm được Vô-Ngã, con người bám níu vào những thứ vô thường, thay đổi, tàn lụi. Khi không thỏa mãn được tham ái đối với những thứ này sẽ đưa tới thất vọng và khổ đau .

SỰ NGUY HIỂM CỦA VỊ KỶ

Tham ái là ngọn lửa đang cháy trong mỗi chúng sinh: mỗi hành động đều thúc đẩy bỏi lòng ham muốn .

Tham ái đi từ cái đòi hỏi sinh lý đơn giản của thú vật đến cái ham muốn phúc tạp, và thường là nhân tạo của con người văn minh. Để thỏa mãn tham dục, thú vật săn mồi giết tróc lẫn nhau, và con người thì đánh đập, giết tróc, lừa gạt, dối trá và sử dụng đủ mọi hình thức hành động bất thiện đối với nhau. Tham ái là một sức mạnh tinh thần mạnh mẽ thể hiện trong mọi dạng thức sự sống, và là nguyên nhân chính của những thói xấu. Chính tham ái dẫn đến những tái sanh tiếp diễn trong vòng luân hồi.

Một khi nhận thức được nguyên nhân của khổ đau, chúng ta có thể chấm dứt được khổ đau. Vậy thì, làm sao ta có thể chấm dứt được khổ đau. Hãy loại bỏ khổ đau tận gốc rễ bằng cách diệt tham ái ngay trong tâm. Đó là Diệu Đế Thứ Ba. Trạng thái khi tham ái không còn nữa gọi là Nibbana (Niết Bàn). Từ ngữ Nibbana gồm có "Ni" và "vana", có nghĩa là sự thoát khỏi hay chấm dứt tham ái. Đó là một trạng thái thoát khỏi khổ đau và vòng sanh tử luân hồi. Đó là trạng thái không bị lệ thuộc bởi định luật sanh, bệnh, gìà và chết. Trạng thái này quá siêu phàm không ngôn ngữ nhân gian nào có thể diễn tả được. Niết Bàn là không sanh, không khởi, không tạo, không thành. Nếu không có cái không sanh, không khởi, không tạo, không thành này thì việc thoát khỏi thế gian do duyên hợp không thể làm được.

Niết Bàn vượt ngoài khả năng của luận lý và tư duy (không thể nghĩ bàn). Chúng ta có thể bàn cãi sâu rộng về Niết Bàn hay sự thật tối thượng nhưng đó không phải là phương cách để có thể thấu hiểu được nó. Muốn hiểu và nhận thức rõ được chân lý Niết Bàn, việc cần thiết cho chúng ta là phải đi vào Bát Chánh Đạo, chuyên cần và kiên nhẫn rèn luyện và tự thanh tịnh hóa. Qua sự phát triển và viên mãn tinh thần, chúng ta mới có thể chứng nghiệmđược Đế Thứ Ba.

Bát Chánh Đạo là Diệu Đế thứ tư dẫn đến Niết Bàn. Đó là một lối sống gồm có tám yếu tố. Đi trên con đường này giúp chúng ta tìm thấy được sự chấm dứt khổ đau. Vì Giáo lý của Đạo Phật hợp lý và vững chắc bao gồm mọi khía cạnh cuộc đời nên con Đường cao quý này cũng là kim chỉ nam dẫn đến một đời sống hạnh phúc. Tu tập Bát Chánh Đạo đem lợi lạc cho chính mình và cho người khác, Bát Chánh Đạo không phải là con Đường chỉ dành riêng cho người Phật Tử tu tập, mà cả cho bất cứ những ai có hiểu biết, bất kể tín ngưỡng thuộc tôn giáo nào.

BÁT CHÁNH ĐẠO - TRUNG ĐẠO

Đây là Con Đường để sống một đời đạo hạnh mà không đi tới cực đoan.

Một khía cạnh nổi bật trong Giáo Lý của Đức Phật là việc áp dụng Bát Chánh Đạo như một lối sống cao thượng. Bát Chánh Đạo cũng được gọi là Trung Đạo. Đức Phật khuyên các đệ tử tu tập con đường này để tránh cái cực đoan về hưởng lạc và khổ hạnh. Trung Đạo là một cách sống đứng đắn, không chủ trương chấp nhận mệnh lệnh do một người nào đó ngoài chính mình. Người tu tập Trung Đạo, hành trì giới hạnh, không phải do sợ hãi một sức mạnh siêu nhân bên ngoài, mà do giá trị thực chất theo sau mỗi hành động. Người đó chọn kỷ luật tự giác để đạt một cứu cánh nhất định: đó là sự tự thanh tịnh hóa.

Trung Đạo là một chương trình trau dồi tri thức và tiến bộ nội tâm. Một người có thể tiến bộ thực sự về đạo hạnh và tuệ giác bằng cách tu tập con Đưòng này, chứ không phải bằng cách thực hành các nghi lễ và cầu nguyện bên ngoài. Theo Đức Phật, người sống theo đúng Pháp, sẽ được huớng dẫn và che chở bởi chính Định Luật này. Một người khi sống đúng theo Pháp, người đó cũng sống hòa hợp với đinh luật thiên nhiên.

Đức Phật khuyến khích mỗi Phật Tử nên uốn nắn nếp sống theo khuôn khổ Bát Chánh Đạo do Ngài giảng dạy. Người nào biết điều chỉnh đời sống theo con đường cao thượng này sẽ thoát khỏi thống khổ và tai ương ngay trong kiếp sống này và những kiếp sau. Người đó có thể mở mang tâm ý bằng cách tránh dữ làm lành.

Bát Chánh Đạo có thể so sánh với bản đồ chỉ đường. Giống như một người du hành cần có bản đồ để đi tới mục tiêu, tất cả chúng ta đều cần sử dụng Bát Chánh Đạo để đạt đến Niết Bàn, mục tiêu tối hậu của đời sống con người. Muốn đạt cứu cánh này, có ba mặt của Bát Chánh Đạo mà người tu tập cần phải phát triển: đó là Giới, Định, và Huệ. Trong khi ba phương diện này cần phải được vun bồi cùng một lúc thì cường độ huân tập một trong ba lãnh vực ấy có thể thay đổi tùy theo căn cơ phát triển của mỗi người. Hành giả phải trau dồi Giới trước nhất, có nghĩa là các hành động của mình phải đem lợi ích cho các chúng sinh khác. Người đó làm như vậy do tin tưởng triệt để vào việc giữ giới như không giết hại, phỉ báng, trộm cắp, tà dâm hay dùng các chất say. Khi trau dồi giới hạnh người đó có thể kiểm soát tâm ý dễ dàng, do đó vun bồi được định lực. Cuối cùng với định tâm phát triển, trí huệ sẽ khởi sanh.

PHÁT HUY TỪNG BƯỚC MỘT

Với trí huệ vô luợng vô biên, Đức Phật hiểu rằng không phải tất cả mọi người đều cùng có một khả năng có thể đạt ngay tới mức viên mãn về tâm linh. Cho nên Ngài vận dụng Bát Chánh Đạo để phát huy lối sống tinh thần từng bước bằng phương cách thực tiễn. Ngài biết rằng không phải mọi người đều có thể trở nên toàn bích ngay trong kiếp sống này. Ngài dạy Giới Định, Huệ phải được huân tập qua nhiều kiếp sống với nỗ lực không ngừng. Cuối cùng Bát Chánh Đạo sẽ dẫn đến mức đạt đưọc sự an lạc tối thượng không còn bất- toại- nguyện nữa.

ĐỜI SỐNG CHÍNH ĐÁNG

Bát Chánh Đạo gồm có tám yếu tố sau:

GIỚI: Chánh Ngữ , Chánh Nghiệp, Chánh Mạng
ĐỊNH: Chánh Tinh Tấn, Chánh Niệm, Chánh Định
HUỆ: Chánh Kiến, Chánh Tư Duy

Chánh Kiến là gì? Chánh Kiến được giải thích là có sự hiểu biết về Tứ Diệu Đế. Nói một cách khác là hiểu sự vật đúng như chúng là vậy. Chánh Kiến cũng có nghĩa là hiểu biết bản chất của các thiện Nghiệp và bất thiện Nghiệp, và cũng ảnh hưởng của chúng đối với thân, khẩu ý như thế nào. Do hiểu Nghiệp, ta sẽ học được cách tránh việc ác, làm việc lành, tạo kết quả tốt đẹp trong đời sống. Khi một người đạt được Chánh Kiến, người ấy sẽ hiểu được Ba Đặc Tính của Sự Sống (Vô Thuờng, Khổ và Vô Ngã), và hiểu được định luật của Lý Nhân Duyên. Người có Chánh Kiến viên mãn là người thoát khỏi vô minh, và do bản chất của sự giác ngộ này, sẽ nhổ hết gốc rễ các tội lỗi trong tâm ý và đạt giải thoát. Mục đích cao thượng của một hành giả tu Phật là trau dồi Trí Tuệ và đạt được Chánh Kiến về chính bản thân, về đời sống và về tất cả các hiện tượng.

Một người có Chánh Kiến cũng phát triển hoàn mãn Chánh Tư Duy. Yếu tố này đôi khi được g?i là "Chánh Giải Pháp", "Nguyện Vọng Chân Chánh", hay "Suy Tư Chân Chánh". Nó đưa đến trạng thái tinh thần, có công năng loại bỏ những tà kiến hay khái niệm sai lầm và bồi dưỡng các yếu tố khác nhằm tiến đến Niết Bàn. Yếu tố này có hai công dụng cùng một lúc : loại bỏ các tư tưởng tội lỗi và phát triển các tu tưởng trong sạch.Chánh Tư Duy rất quan trọng vì tư tưởng của một người có thể làm cho người ấy có thể thanh tịnh hay bất tịnh.

Chánh Tư Duy có ba khía cạnh. Trước nhất, ta phải duy trì thái độ buông bỏ lạc thú thế gian, không ích kỷ bám níu vào chúng. Ta không nên có tư tưởng vị kỷ mà nên nghĩ đến phúc lợi của người khác. Thứ hai, ta phải luôn duy trì tâm từ ái, thiện chí, và bao dung, ngược lại với sân hận, ác ý, hay thù nghịch. Thứ ba, ta nên hành động với tác ý không làm hại ai, và từ bi với mọi chúng sanh, ngược lại với tính hung bạo và thiếu tôn trọng kẻ khác. Theo đà tiến trên con đuờng tu tập, tâm ta sẽ càng ngày càng thấm nhuần tính nhân ái, hiền hòa, vị tha, và lòng ta sẽ tràn đầy tình thương yêu và bi mẫn.

Chánh Kiến và Chánh Tư Duy là các yếu tố Trí Tuệ dẫn đến giới hạnh trong sạch. Có ba yếu tố trong giới hạnh: Chánh Ngữ, Chánh Nghiệp, và Chánh Mạng. Chánh Ngữ tôn trọng chân lý và tôn trọng phúc lợi của người khác. Đó có nghĩa là tránh nói dối, nói lưỡi hai chiều, nói lời thô ác, và nói chuyện vô ích. Chúng ta thường coi thường lời nói và có khuynh hướng không để ý đến khả năng của lời nói. Nhưng đôi khi chúng ta cũng bị đau đớn hoặc cũng được phấn khởi bởi lời nói của người nào đó. Có câu: một lời nói tàn nhẫn gây tổn thương còn hơn vũ khí trong khi một lời nói dịu dàng có thể cảm hóa trái tim, và trí óc của kẻ tội phạm bướng bỉnh chai đá nhất. Cho nên để phát huy một xã hội hòa hợp, chúng ta nên kiểm soát, trau dồi và sử dụng lòi nói một cách tích cực. Chúng ta nói những lòi trung thực, hài hòa, thân ái, và ý nghĩa. Có lần Đức Phật dạy: "lời nói dịu dàng như mật ngọt, lời nói ngay thẳng đẹp như cánh hoa, lời nói sai trái như rác rưới".

Yếu tố tiếp theo của giới hạnh là Chánh Nghiệp. Chánh Nghiệp tôn trọng đời sống, tôn trọng tài sản, tôn trọng sự giao tế cá nhân. Nó tương ứng với ba điều đầu tiên trong năm giới tu tập của mỗi người Phật Tử, đó là tránh xa sự giết hại, trộm cắp, và tà dâm. Đời sống quý giá với tất cả mọi người, ai cũng run sợ trước hình phạt, ai cũng sợ chết, và quý trọng mạng sống. Vậy nên, chúng ta không nên tước đoạt mạng sống mà chúng ta không thể cho được, và không nên làm hại các chúng sanh khác. Tôn trọng tài sản có nghĩa là không lấy bất cứ gì không được phép lấy bằng cách trộm cắp, lừa đảo và ép buộc. Tôn trọng tương quan cá nhân có nghĩa là không nên ngoại tình và tà dâm. Điều này quan trọng vì nó duy trì tình thương và tin tưởng giữa những người thân yêu của mình, làm xã hội trở thành một nơi tốt đẹp hơn để chung sống.

Chánh Mạng là yếu tố của đức hạnh liên quan đến cách mưu sinh trong xã hội. Nó là sự mở rộng của Chánh Ngữ và Chánh Nghiệp nhằm tôn trọng sự thật, mạng sống, tài sản, và sự tuơng quan cá nhân. Chánh Mạng có nghĩa là chúng ta nên mưu sinh mà không vi phạm những nguyên tắc của giới đức. Người Phật Tử nên tránh năm loại sanh kế: buôn bán nô lệ, buôn bán vũ khí, buôn bán súc vật để đem giết, buôn bán rượu và ma túy, và buôn bán độc dược. Một số người nói rằng vì sanh nhai nên phải buôn bán các nghề trên, cho nên họ không có gì sai quấy cả . Nhưng lý luận bào chữa này hoàn toàn vô căn cứ vì nếu việc này được chấp nhận thì những kẻ trộm cắp, giết người, cướp bác, buôn lậu và lừa đảo cũng có thể dễ dàng mà nói rằng họ làm các việc phi pháp cũng chỉ vì mưu sinh, như vậy lối sống của họ có gì là sai quấy.

Một số người tin rằng câu cá, săn thú để tiêu khiển và giết súc vật để lấy thực phẩm không trái với giới cấm của người Phật Tử. Đây cũng là một quan niệm sai lầm phát sanh do thiếu kiến thức về Pháp. Những hành đ?ng trên không chính đáng và chỉ gây đau khổ cho chúng sanh khác. Trong những hành động ấy, kẻ nào bị thiệt hại nhất chính là kẻ đã làm điều bất thiện. Duy trì cuộc sống bằng những phương tiện sai lầm không phù hợp với giáo lý của Đức Phật. Một lần Đức Phật dạy: "Nếu phải sống đến trăm tuổi cuộc đời buông lung và không tự chế, tốt hơn, quả thực vậy, thà sống một ngày đời sống đạo hạnh và biết quán tưởng (Kinh Pháp Cú, Câu 103). Thà chết là một người đức hạnh và đáng kính còn hơn sống là người tội lỗi.

Ba yếu tố còn lại của Bát Chánh Đạo là các yếu tố phát triển trí tuệ bằng cách thanh lọc tâm ý. Đó là Chánh Tinh Tấn, Chánh Niệm và Chánh Định. Hành tập những yếu tố này giúp ta củng cố và kiểm soát được tâm, giữ vững ý chí tiếp tục làm điều thiện gíúp tâm chuẩn bị chứng ngộ được Chân Lý, mở cửa đến giải thoát, đến Giác Ngộ.

Chánh Tinh Tấn là trau dồi thái độ tích cực và nhiệt tình trong công việc làm, hoặc trong nghề nghiệp,học hành, hoặc trong việc hành đạo. Với nhiệt tâm bền bỉ, và quyết tâm hoan hỷ, ta mới thành công trong việc ta làm. Chánh Tinh Tấn có bốn khía cạnh: hai khía cạnh liên quan đến bất thiện pháp và hai liên quan đến thiện pháp. Trước tiên, tinh tấn loại bỏ điều bất thiện đã phát sinh, và thứ nhì là ngăn chặn điều bất thiện phát sinh. Thứ ba là phát triển điều thiện chưa phát sinh, và thứ tư làduy trì điều thiện đã phát sinh. Áp dụng Chánh Tinh Tấn vào đời sống, chúng ta có thể tiết giảm hay loại bỏ tư tưởng bất thiện, tăng truởng và quyết tâm huân tập các tư tưởng thiện lành thành một phần tự nhiên trong tâm ý chúng ta.

Chánh Tinh Tấn liên hệ khăng khít với Chánh Niệm. Trong Đạo Phật tu Tập Chánh Niệm là tối cần thiết. Đức Phật dạy Chánh Niệm là con đuờng duy nhất để chấm dứt khổ đau. Chánh Niệm phát triển do sự chú tâm vào bốn lãnh vực đặc biệt (Tứ Niệm Xứ). Đó là dùng Chánh Niệm để ghi nhận về thân (oai nghi, hít thở vân vân..), về thọ (lạc, khổ, trung tính), về tâm (tham, sân, si hay không), và về pháp (các đối tượng của tâm như chướng ngại của tâm định hay Tứ Diệu Đế, vân vân.). Chánh Niệm rất cần thiết ngay cho đời sống hàng ngày, chúng ta luôn luôn phải chú tâm vào các hành động, cảm nghĩ và tư tưởng cũng như vào hoàn cảnh chung quanh chúng ta. Tâm luôn luôn phải sáng suốt, ý tứ không phóng dật hay mờ mịt và phiền muộn.

Trong khi Chánh Niệm là hướng tâm chú ý đến thân, cảm nghĩ (thọ), tâm và pháp (các đối tượng của tâm), hay ghi nhận các sự việc khác, nói một cách khác đó là đem tâm chú ý hướng đến đối tượng ta chọn, thì Chánh Định là dán chắc sự chú tâm trên đối tượng, không để tâm bị xao lãng. Định là công phu hành trì để phát triển khả năng gom tâm thành một điểm (nhất điểm tâm) trên một đối tượng duy nhất về vật chất hay về tinh thần. Tâm hoàn toàn tập trung vào đề mục, không bị phân tán, giao động, bất an hay hôn trầm. Tu tập duới sự huớng dẫn của một vị thầy kinh nghiệm, Chánh Định đem lại hai điều lợi ích. Thứ nhất, tinh thần và thể chất được lành mạnh, thoải mát, hoan hỉ, bình tĩnh, và tịch tịnh. Thứ hai, Chánh Định chuyển tâm trở thành một dụng cụ có khả năng nhìn sự vật đúng như chúng là, và chuẩn bị cho tâm đạt trí tuệ.

Bát Chánh Đạo là chân lý quan trọng thứ tư do Đức Phật dạy. Như một lương y giỏi về tâm linh, Ngài đã tìm ra căn bệnh gây tai họa cho tất cả mọi thứ trong đời sống, đó là Khổ hay Bất-toại-nguyện. Rồi Ngài tìm ra nguyên nhân bất-toại-nguyện là do lòng tham vị kỷ và bám níu. Ngài khám phá ra có một phưong cách chữa khỏi bệnh này: Niết Bàn, trạng thái chấm dứt tất cả bất-toại-nguyện và toa thuốc đó là Bát Chánh Đạo. Khi một bác sĩ giỏi chữa một bệnh nhân mắc bệnh nặng, toa thuốc chữa trị không những về thân bệnh mà còn về tâm bệnh nữa. Bát Chánh Đạo, con đường chấm dứt khổ đau, là một phương pháp trị liệu có hệ thống chuyên chữa bệnh luân hồi sinh tử bằng cách rèn luyện Thân và Khẩu, phát triển tâm ý, và thay đổi toàn bộ mức độ hiểu biết và giá trị tư tưởng của một con người. Bát Chánh Đạo chỉ dạy đường lối đạt đến mức toàn hảo về tâm linh, và giải thoát hoàn toàn mọi khổ đau.

MỌI VẬT ĐỀU THAY ĐỔI

Cái gì có hiện hữu đều thay đổi và cái gì không thay đổi thì không hiện hữu.

Nhìn vào đời sống, chúng ta nhận thấy mọi thứ hiện hữu không ngừng thay đổi giữa những cực đoan và tương phản. Ta chứng kiến mọi thăng trầm, mọi thành công và thất bại, mọi được thua; ta kinh nghiệm mọi vinh nhục, mọi khen chê; ta đã cảm thấy tâm ta đáp ứng như thế nào trước tất cả những nỗi vui buồn ấy, thích thú và chán chường, thất vọng và thỏa mãn, sợ hãi và hy vọng. Những luồng sóng hùng mạnh của cảm xúc đó đem chúng ta lên cao, dìm chúng ta xuống đáy, không mấy chốc chúng ta chẳng còn an lạc, rồi chúng ta lại bị đẩy đưa bởi sức mạnh của luồng sóng mới. Làm sao chúng ta có thể đứng vững vàng trên đầu những ngọn sóng ấy? Nơi đâu chúng ta sẽ xây dựng được lâu đài của cuộc sống giữa cái chao đảo không bao giờ ngừng nghỉ của đại dương?

Đó chính là một thế giới mà niềm vui thì ít mà chỉ thấy nhiều thất vọng, chán chường, và thất bại. Đó là một thế giới mà niềm vui lại rất ít giữa bệnh não, thất vọng và tử thần. Đó là một thế giới mà chúng sanh mới giao tiếp với ta bằng niềm vui trìu mến thì ngay sau đó lại cần đến lòng bi mẫn. Với một thế giới như vậy. sự trầm tĩnh rất cần thiết. Đó là bản chất của thế giới mà chúng ta đang sống thân thích với các bạn bè hôm nay nhưng hôm sau họ lại trở thành kẻ thù hãm hại chúng ta.

Đức Phật miêu tả thế giới như một dòng bất tận của sự tái sanh. Mọi thứ đều thay đổi, chuyển hóa liên tục, đột biến không ngừng và như một dòng suối tuôn chảy. Mọi thứ lúc có lúc không. Mọi thứ tuần hoàn hiện hữu rồi lại biến mất khỏi cuộc sống. Mọi thứ đều chuyển động từ lúc sanh đến lúc ch?t. Sự sống là một sự chuyển động liên tục của sự thay đổi tiến đến cái chết. Vật chất (Sắc Pháp) hay các dạng thức vật chất biểu lộ hay không biểu lộ trong đời sống, cũng là một chuyển động không ngừng của sự thay đổi đi đến tàn lụi hoại diệt. Giáo lý về tính chất vô thường của mọi sự vật này là một trọng điểm then chốt của Đạo Phật. Không có gì trên trái đất này có thể chia sẻ được tính chất của sự thật tuyệt đối. Sự thật đó là không thể có cái gì có sanh ra mà không có chết. Bất cứ gì lệ thuộc vào sự duyên hợp thì cũng phải lệ thuộc vào sự tan rã. Thay đổi chính nó là thành phần của mọi thực thể.

Công nhận định luật vô thường, Đức Phật bác bỏ sự hiện hữu của những sự vật trường cửu. Vật chất và tinh thần đều là các ý niệm trừu tượng không thật, thật sự chỉ là những yếu tố luôn thay đổi (Pháp), liên hệ lẫn nhau, sanh khởi tùy thuộc lẫn nhau.

Ngày nay các khoa học gia đều công nhận Đức Phật là người khám phá ra định luật vô thường. Khoa học gia mặc nhận không một thứ gì có thực chất, vững chắc và xác thực trong thế giới này. Mọi sự vật chỉ là cơn lốc của nhiệt lượng, không bao giờ giữ nguyên không thay đổi trong hai giây phút liên tiếp. Cả thế giới rộng lớn này đều bị xoáy vào vòng gió cuốn và cơn lốc của vô thường. Một trong những nguyên lý mặc nhận bởi các khoa học gia là viễn tượng của sự nguội lạnh cực điểm, và theo sau là cái chết hay sự tiêu diệt của mặt trời. Người Phật Tử không bị mất tinh thần vì viễn tượng ấy. Đức Phật đã dạy rằng các vũ trụ hay các chu kỳ của thế giới, cứ tiếp tục trỗi lên và mất đi vô cùng tận. giống như đời sống của con người. Thế giới của chúng ta chắc chắn sẽ có ngày cùng tận. Việc này đã sẩy ra cho những thế giới trước đây, và lại sẽ sẩy ra sau này.

Thế giới là một hiện tượng đang trôi qua. Tất cả chúng ta đều thuộc về thế gi?i của thời gian. Mỗi chữ viết, mỗi viên đá chạm, mỗi bức tranh vẽ, mỗi cấu trúc của nền văn minh, mỗi thế hệ của loài người, tan tác đi qua giống như hoa, lá tàn tạ cuối hè. "Cái gì hiện hữu thì thay đổi, cái gì không thay đổi thì không hiện hữu."

Tất cả chư thiên, con người, thú vật và tất cả dạng thức vật chất - tất cả mọi thú trong vũ trụ - đều bị chi phối bởi luật vô thường. Đạo Phật dạy:

"Sắc Thân như bèo bọt;
Thọ như bóng nước;
Tưởng như ảo giác ;
Hành như thân cây chuối (tách ra chẳng còn gì)
Và Thức như trò múa rối" - (Tương Ưng Bộ Kinh)

(xem tiếp phần b)

-ooOoo-

Ðầu trang | Mục lục | 01 | 02 | 03 | 04 | 05a | 05b | 06 | 07 | 08 | 09 | 10 | 11 | 12 | 13 | 14 | 15 | 16 | 17

Chân thành cám ơn Tỳ-kheo Thích Tâm Quang đã gửi tặng phiên bản điện tử
(Bình Anson, tháng 11-2001)

Xem bản Anh ngữ: What Buddhists believe


[Trở về trang Thư Mục]
updated: 03-11-2001