BuddhaSasana Home Page

Vietnamese, with Unicode Times font


Bước đầu thiền quán

Dorothy Figen
Bình Anson dịch


Giới thiệu: Bà Dorothy Figen là một Phật tử người Mỹ, đã từng hướng dẫn các khóa thiền căn bản cho cư sĩ Phật tử ở Sri Lanka và Hoa Kỳ. Bài này được dịch theo một bài viết trong tập sách "Beginning Insight Meditation", Hội Xuất bản Phật giáo, Kandy, Sri Lanka (1988).

*

Đối với các bạn thiền sinh bắt đầu thực tập hành thiền, tôi nghĩ rằng các bạn cần có một thứ tự cho pháp hành của mình.

Trước tiên, các bạn cần phải có một nơi yên tịnh để hành thiền hằng ngày, không bị quấy rầy. Kế đến, bạn rửa mặt, rửa tay và chân. Nếu có đủ thì giờ, bạn nên tắm rửa sạch sẽ và mặc y phục rộng rãi và thích hợp. Mỗi ngày, nên hành thiền đều đặn đúng giờ để tạo thói quen tốt. Tôi thường hành thiền lúc 6 giờ sáng, và 6 giờ chiều khi đàn chim bắt đầu bay về tổ. Khi bắt đầu ngồi thiền, bạn cần phải để ý đến tư thế của mình. Giữ lưng thẳng và tâm trí sáng suốt, bạn nhẹ nhàng tỉnh táo chú ý đến thế ngồi của mình, không nên quá căng thẳng. Bây giờ bạn đã sẵn sàng hành thiền. Nhưng trước hết, tôi xin trình bày thêm vài những ý tưởng mở đầu.

*

Trong tập sách "Bắt đầu nhận thấy" (Beginning to see), Đại đức Sujata viết: "Hành thiền là một việc tốt nhất mà bạn có thể làm cho chính bạn". Tuy nhiên, đối với những ai mới bắt đầu tập thiền, việc đó không phải là điều dễ dàng. Cần phải có một sự thôi thúc mạnh mẽ để có thể quán nhìn sâu sắc vào nội tâm và các đối tượng khác. Cần phải có kỷ luật và ước nguyện để tiến xa hơn, không phải chỉ để trốn chạy hoặc bỏ qua những vấn đề cá nhân mà mình đang có.

Tại sao chúng ta hành thiền? Có nhiều lý do. Nhưng lý do nổi bật nhất là để tập suy nghĩ sáng suốt, và để diệt trừ ngu si, ảo tưởng, tham lam, sân hận và ham muốn. Đây là đường đến Niết Bàn, và ta phải từ bỏ mọi sự bám víu vào cái "tôi" hay "bản ngã". Rất khó dập tắt cảm giác có một cái tôi. Nó rất dai dẳng và quỷ quyệt. Thông thường, ta tưởng nó biến mất, nhưng rồi lại thấy nó hiện ra. Chỉ có sự tinh tấn và bền bỉ mới giúp ta chiến thắng nó, và đối với nhiều người, đó một con đường xa thẳm.

*

Bây giờ bạn đã ngồi xuống, xếp chân trên sàn nhà, trong một căn phòng yên tịnh. Bạn ngồi trong tư thế kiết già – nếu bạn làm được, hoặc bán kiết già, hoặc vì lý do tật bệnh bạn chỉ ngồi được trên ghế. Giữ đầu thẳng và cân bằng nhẹ nhàng trên đôi vai. Bất động nhưng không căng thẳng; giữ một thái độ thoải mái, thư giản, và chú tâm.

Bạn bắt đầu quan sát hơi thở. Chú ý nơi lỗ mũi, nơi hơi thở đi vào... đi ra..., vào... ra... Để ý đến sự chạm xúc của hơi thở trong ống mũi. Hãy chú ý đến tất cả nhưng không suy tư gì cả. Ðiều nầy thoạt nghe như có vẻ mâu thuẩn. Nhưng không hẳn thế. Bây giờ không phải là lúc mơ mộng, chạy theo những ý nghĩ lăng xăng lộn xộn. Bạn chú ý đến tư thế ngồi của mình. Rồi bạn quên đi. Bạn biết rằng quá khứ đã chết, đã qua rồi. Ý thức về những gì bạn đã trải qua, nay không còn hiện diện. Tương lai thì chưa đến. Những gì bạn đang có là cái "hiện tại", cái "vào... ra... vào... ra..." của hơi thở.

Mục đích ở đây là để làm sạch mọi thứ rác rến trong tâm, đó là các ý nghĩ vẩn vơ đang xâm chiếm tâm. Bạn chỉ ghi nhận hơi thở đi vào và đi ra, đừng bao giờ ép buộc hay điều khiển hơi thở. Bạn không phải là người đang thở, nhưng hơi thở đang thở cho bạn. Bạn, cái “ta” đó, sẽ dần dần phai nhạt và tan biến.

Chỉ để tâm cảm nhận sự xúc chạm của hơi thở khi nó đi vào, đi ra. Trong những buổi hành thiền ban đầu, bạn không cần phải thực hiện thêm gì khác. Bạn sẽ thấy hơi thở từ từ mỏng dần khi nó trở nên nhu nhuyến nhẹ nhàng hơn, cho đến lúc bạn bắt đầu có cảm giác là mình không còn thở nữa. Đây là lúc hơi thở được "yên tịnh". Bạn thấy nó dễ chịu, khoan khoái.

Tôi thường thắp một cây nến trong phòng thiền. Ngọn nến này có ba mục đích. Thứ nhất, nếu tâm suy nghĩ vẩn vơ, ánh sáng của nến là điểm giúp ta chú tâm. Bạn mở mắt, quan sát ngọn nến, rồi từ từ nhắm mắt lại. Mặc dù mắt nhắm, bạn vẫn cảm nhận được sự hiện diện của ánh nến. Ta thấy nó qua con mắt của tâm. Nó đưa tâm lang thang trở về hiện tại. Thứ hai, ngọn nến tượng trưng cho ánh sáng của Phật Pháp, là căn bản cho pháp hành thiền của chúng ta. Thứ ba, ngọn nến giúp tạo một bầu không khí trang nghiêm nhưng dễ chịu. Bạn có thể lập thêm một bàn thờ nhỏ có tượng Phật và hương hoa, nhưng cũng không cần thiết lắm. Thật ra, bạn có thể hành thiền bất cứ ở đâu, ở nơi yên tịnh, không bị quấy rầy. Khi hành thiền ở nhà, bạn có thể tắt máy điện thoại để tránh các cú gọi đến nhà.

Bạn cũng nên nhớ rằng nơi chốn hành thiền không phải là yếu tố quan trọng. Tuy nhiên, bạn nên tìm một chỗ nhất định, giờ giấc nhất định để tạo lập thói quen hành thiền tốt. Đức Phật hành thiền dưới cội cây bồ đề khi Ngài giác ngộ. Một thiền sinh nhiều kinh nghiệm có thể chọn bất kỳ nơi chốn nào để hành thiền – chợ búa đông đảo, nghĩa địa, hang động, công viên hay bãi rác. Khi người ấy hướng tâm vào bên trong, người ấy không còn bị ngoại cảnh chi phối; trái lại, người ấy có thể dùng ngoại cảnh để làm đề mục thiền quán khi tâm người ấy càng lúc càng tiến sâu hơn, trong tiến trình hành thiền. Điều quan trọng cần ghi nhớ là các ý tưởng đó phải được huân tập và điều hướng. Chúng phải được tập trung lại.

Thế nhưng bây giờ, bạn chỉ ở trong các giai đoạn sơ khởi. Những ý nghĩ tản mạn sẽ tiếp tục xâm nhập tâm bạn. Ðiều nầy cũng tự nhiên thôi. Bạn sẽ ngạc nhiên khi thấy các ý nghĩ ngoại nhập đó xảy ra rất nhiều và rất vụn vặt. Bạn phải học xử lý chúng một cách khoan thai. Đừng quăng bỏ chúng với lòng sân hận. Hãy dịu dàng, tử tế với chúng. Đặt tên cho từng ý nghĩ đó... Đó là quá khứ, hiện tại, vị lai? Có giá trị? Không có giá trị? Oán thù? Háo danh? Ham muốn? Vị kỷ? Gắn lên những nhãn hiệu như thế sẽ giúp tiêu diệt chúng. Khi chúng bắt đầu tan biến, tâm bạn sẽ nhẹ nhàng trở về với hơi thở nơi ống mũi. Hơi thở dần dần trở nên an định.

Các trở ngại khác cũng được đối trị tương tự như thế. Tiếng động ồn ào đi vào tâm thức của bạn – tiếng con nít đùa giỡn la hét, tiếng xe buýt hoặc máy bay... Bạn đặt cho chúng những nhãn hiệu mà bạn đã làm như trên với những ý nghĩ ngoại nhập. Chú tâm nơi hơi thở, luồng hơi thở chầm chậm đi ra, đi vào. Sau một thời gian hành thiền, tiếng động cũng sẽ tan biến. Khi bạn thấy tâm mình ở "ngoài kia", hãy đem tâm trở về "nơi nầy" và "ngay bây giờ". Khi bạn có thể hành thiền khoảng nửa giờ mà không có ý nghĩ lang thang, hơi thở sẽ chậm lại, đến độ hầu như không còn phân biệt được nhịp thở nữa, cho đến lúc nó đang thở cho bạn, chứ không phải ngược lại.

Tôi thấy rằng trong lúc hành thiền, ta nên mỉm cười, giống như nụ cười của Đức Phật. Làm như thế sẽ giúp tâm ta thêm tươi sáng, an vui hơn.

*

Trong giai đoạn sơ khởi khi bạn bắt đầu hành thiền, nếu bạn ngồi được nửa giờ hay lâu hơn, bạn có thể tiếp tục hay chấm dứt buổi thiền. Hoặc bạn có thể chuyển sang thực hành pháp thiền tâm Từ. Pháp thiền này rất tốt, giúp tiêu trừ lòng oán ghét, ganh tị, sân hận, và tự ti. Nó giúp đem lòng thương yêu, diệt bản ngã, đem tâm hoan hỷ truyền đến tất cả mọi loài chúng sinh còn sống hay đã chết. Bạn mở rộng lòng Từ để bao trùm cả địa cầu và vũ trụ. Dần dần, bạn sẽ cảm thấy không còn dễ dàng sát hại chúng sinh, cho dù một loại côn trùng nhỏ bé.

Khi trải rộng lòng Từ, điều quan trọng nhất là đầu tiên, bạn phải thương yêu chính mình. Đương nhiên là phải thương yêu đúng cách. Bạn đạt được điều nầy khi bạn loại trừ các ô nhiễm, cấu uế trong tâm. Hãy tự nguyện: "Giờ đây, tôi sẽ loại trừ những cấu uế như sân hận, oán ghét, si mê, sợ hãi, tham lam, thèm muốn. Tôi sẽ làm cho tâm tôi trong sáng, tươi mát và thanh tịnh. Tâm tôi như thể là một cánh cửa sổ trong suốt. Sau đó, với tâm thanh tịnh không cấu uế, tôi sẽ phát ra các ý nghĩ từ bi, với tình thương yêu và lòng tử tế."

Bạn tạo ra hình ảnh của đối tượng mà bạn đang hướng lòng từ đến. Bạn hòa nhập với người ấy. Cảm nhận được nhân cách của người ấy đang thâm nhập bạn, bạn điều hướng tâm Từ của mình đến thẳng trí óc và trái tim người ấy. Một lúc nào đó, bạn sẽ cảm nhận như thể có một loại thần giao cách cảm đang khởi sinh. Bạn sẽ cảm nhận một sự đáp ứng nồng ấm. Không nên dừng lại ở đây. Bạn tiếp tục hướng tâm Từ đến người kế tiếp, và đến những người khác... Hãy tỏa ra sự nồng ấm và tử tế từ tâm hồn bạn và truyền dẫn hướng đến mọi loài chúng sinh. Nếu bạn thực hành pháp thiền tâm Từ này một hoặc hai lần mỗi ngày, chân trời của bạn sẽ được mở rộng. Bạn sẽ thấy mình đang điều hướng những rung cảm nầy đến tất cả mọi loài chúng sinh xuất hiện trong tâm thức của bạn, không loại trừ một chúng sinh nào, kể cả người bạn mới quen, không thân thiết. Những người không quen biết, chỉ gặp trên đường phố. Những người còn sống hay đã chết. Quen và không quen. Tất cả mọi sinh vật, hữu tình và vô tình... Và trong dòng chảy của tâm Từ này, bản ngã sẽ tan biến, tất cả đều hoà nhập vào dòng chảy đó.

*

Khi bạn hoàn tất công phu ngồi thiền, về sau này, bạn có thể thực hành thêm pháp đi kinh hành, và từ đó, quán soi để nhận biết tường tận về Bốn Sự Thật Cao Diệu mà Đức Phật đã truyền dạy, về sự phiền khổ của mọi chúng sinh, v.v... Tiếp tục tinh tấn tìm lối thoát, con đường chấm dứt hoạn khổ – con đường Tám Chánh. Đem con đường vững chắc này áp dụng vào đời sống của riêng mình, và khi thực chứng được con đường ấy, bạn sẽ thấy được Niết Bàn là ở ngay tại đây, trên địa cầu nầy.

Bình Anson lược dịch
Tây Úc, tháng 07-1989
(Hiệu đính: tháng 10-2007)

*

Ghi chú:
- Xin xem thêm bản Việt dịch của Mỹ Thanh: Bước đầu để hiểu sâu sắc về thiền định.

-ooOoo-


[Trở về trang Thư Mục]
last updated: 15-10-2007