BuddhaSasana Home Page
This document is written in Vietnamese, with Unicode Times font


Chánh Niệm và Niết Bàn

Maha Thera Ghosananda


Giới thiệu: Dưới đây là một vài đoạn văn trích dịch từ quyển sách "Step by Step: Meditations on Wisdom and Compassion" (Từng Bước Một: Thiền Quán về Trí Tuệ và Từ Bi) của Hòa Thượng Maha Thera Ghosananda, Tăng Thống Giáo Hội Phật Giáo Cam Bốt, do Parallax Press xuất bản tại Mỹ năm 1992.

-oOo-

1. Hiện Tại là Bà Mẹ của Tương Lai

Chúng ta có thể nhận biết rằng bình hoa trên bàn kia là đẹp tuyệt vời, nhưng những bông hoa ấy không bao giờ nói cho chúng ta biết về vẻ đẹp của chúng. Chúng ta không bao giờ nghe những bông hoa đó khoe khoang về mùi hương ngọt ngào của chúng.

Khi một người nào đã thực chứng Niết Bàn, thì người ấy cũng có thái độ tương tự. Ông ấy hay bà ấy không cần phải nói gì cả. Chúng ta cảm nhận được vẻ đẹp, mùi hương khi người ấy đến với chúng ta.

Chúng ta không cần phải lo lắng về chuyện dĩ vảng hay chuyện tương lai. Chìa khóa của an lạc là hoàn toàn thực chứng với những gì đang có trước mặt, sống trọn vẹn trong giờ phút hiện tại. Chúng ta không thể quay lùi lại mà sửa đổi quá khứ. Chuyện đó đã qua rồi! Chúng ta cũng không thể bó buộc tương lai. Vậy thì chúng ta không cần phải lo lắng chi cả!

Lần tới khi tôi phải du hành bằng máy bay, ai mà biết được chuyện gì sẽ xẩy ra? Có thể tôi sẽ đến nơi an toàn, mà cũng có thể không. Khi chúng ta làm các kế hoạch, chúng ta chỉ tạo ra chúng trong giờ phút hiện tại. Ðây là giây phút mà ta có thể kiểm soát được. Chúng ta có thể vui hưởng giây phút hiện tại và sử dụng nó cho đúng. Những đau khổ trong quá khứ không còn tác động lên ta, nếu ta biết săn sóc giờ phút hiện tại.

Săn sóc giờ phút hiện tại, và tương lai sẽ trở nên tốt đẹp. Chánh Pháp lúc nào cũng ở trong hiện tại, và hiện tại là bà mẹ của tương lai. Săn sóc bà mẹ trước, rồi thì bà mẹ sẽ săn sóc đứa con của bà.

2. Buông thả mọi đau khổ

Ðức Phật đã giảng rằng: "Ta chỉ dạy có hai điều: Hoạn khổ và sự Diệt khổ."

Cái gì là nguyên nhân của hoạn khổ? Hoạn khổ bắt nguồn từ sự chấp thủ. Nếu tâm thức bảo rằng: "Tôi là thế nầy," thì hoạn khổ phát sinh. Nếu tâm thức bảo: "Tôi không là thế nầy," thì hoạn khổ cũng phát sinh. Khi tâm thức vắng lặng, thì nó trở nên an lạc và tự do.

Chấp thủ có 108 tên gọi. Nó có thể có tên là tham lam, sân hận, ganh tị, hoặc hèn nhát. Chấp thủ như là con rắn lột xác. Dưới lớp da dầy nầy, nó lại luôn luôn có một lớp da khác nữa.

Làm thế nào để chúng ta có thể vượt thoát mọi khổ đau? Chúng ta chỉ cần buông thả nó. "Chúng ta nuôi dưỡng nó một cách đau đớn, và chúng ta buông thả nó một cách an vui." Hoạn khổ lúc nào cũng bám theo người có tâm thức chưa được huân tập, như thể cái xe kéo theo con bò. An lạc lúc nào cũng bám theo người có tâm thức đã được huân tập, như bóng luôn luôn theo hình.

Chấp thủ luôn luôn mang đến khổ đau. Ðây là luật thiên nhiên, như là định luật của lửa. Bạn có tin là lửa có sức nóng hay không, thì điều đó không cần thiết. Mỗi khi bạn sờ tay vào lửa, thì nó sẽ đốt cháy bạn.

Chánh Pháp dạy chúng ta nhận thức, rèn luyện, và giải phóng tâm thức. Khi tâm thức được rèn luyện, thì mọi Pháp được rèn luyện. Chìa khóa của sự rèn luyện tâm thức là gì? Ðó là Chánh Niệm.

Ðể giải thoát khỏi mọi hoạn khổ thì có lâu lắm không? Không lâu đâu, vì sự giác ngộ lúc nào cũng có mặt ở đây, ngay lúc nầy. Tuy nhiên, để chứng đắc được điều đó thì có khi cũng phải trải qua nhiều đời, nhiều kiếp!

3. Pháp Thừa

Chánh Pháp thì toàn thiện ngay ở lúc đầu, lúc giữa, và lúc cuối. Toàn thiện ở lúc đầu là thiện tính của giới luật -- không sát hại, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối, không dùng mê dược. Toàn thiện ở lúc giữa là sự định tâm. Toàn thiện ở lúc cuối là tuệ giác và Niết Bàn.

Chánh Pháp lúc nào cũng hiện diện tại đây và ngay lúc nầy. Nó luôn luôn có mặt ở mọi nơi. Chánh Pháp không tùy thuộc vào thời gian. Kết quả của việc hành trì Chánh Pháp có thể thu lượm được ngay tức khắc.

Trong Ðạo Phật, chúng ta thường nói đến Tam Thừa, hay ba cỗ xe Pháp, nhưng thật ra thì không cỗ xe nào cao sang hơn cỗ xe nào. Cả ba đều chuyên chở cùng một Chánh Pháp. Tuy nhiên có một cỗ xe thứ tư có tính phổ quát hơn. Ðó là Pháp Thừa (Dhammayana), vốn là toàn thể vũ trụ, bao gồm mọi đường lối đưa đến an lạc và tình thương. Bởi vì nó toàn vẹn, Pháp Thừa không phân chia tông phái. Nó không bao giờ chia rẻ chúng ta, giữa những người anh chị em chúng ta.

Mời các bạn đến và thử nghiệm cho chính các bạn. Cỗ xe Pháp sẽ đưa các bạn đến Niết Bàn ngay tại đây và ngay lúc nầy. Từng bước một, từng giây phút một, mọi người đều có khả năng thông hiểu Chính Pháp. Ðây là Pháp Thừa mà tôi hằng yêu mến.

4. Niết Bàn

Một vị mục sư Ki Tô Giáo khả kính có hỏi tôi, "Niết Bàn ở đâu? Trong thời đại nầy thì người ta còn có thể đến Niết Bàn được không?" Tôi trả lời, "Niết Bàn ở tại đây, ngay trong lúc nầy."

Niết Bàn ở khắp mọi nơi. Nó không lưu ngụ tại một nơi chốn đặc biệt nào cả. Nó ở trong tâm thức. Nó chỉ được tìm thấy trong giờ phút hiện tại.

Niết Bàn là sự vắng mặt của hoạn khổ. Nó trống không, và không chứa một khái niệm nào cả. Không một cái gì có thể kết tạo ra Niết Bàn. Niết Bàn vượt qua nhân và quả. Niết Bàn là hạnh phúc tối thượng. Nó là an lạc tuyệt đối. An lạc trên thế gian nầy còn tùy thuộc vào nhiều điều kiện, nhưng an lạc trong Niết Bàn là vĩnh viễn.

Niết Bàn là sự vắng mặt của nghiệp hành, vốn là hậu quả các hành động của ta. Nghiệp hành theo đuổi chúng ta qua nhiều kiếp sống. Khi ta chết đi, nghiệp quả đi theo như là ánh lửa truyền sang từ cây nến nầy sang cây nến khác. Trong trạng thái Niết Bàn, ta không còn chấp thủ, mong đợi, hay ham muốn nữa. Mỗi một giây phút là một giây phút tươi mới và hồn nhiên. Các nghiệp quả đã được giũ sạch như thể chúng ta đã xóa băng cassette trong máy ghi âm.

Hoạn khổ dẫn đường cho ta đến Niết Bàn. Khi ta thông hiểu được bản chất thật sự của hoạn khổ, ta sẽ được giải thoát.

(Binh Anson trích dịch, tháng 10-1996).


[Trở về trang Thư Mục]