BuddhaSasana Home Page

Vietnamese, with Unicode Times font


Thực tập đời sống hướng nội

Thích Phước Đạt


Ngày nay, trước những cơn biến động trong xu hướng toàn cầu, đối với người Phật tử, việc thực hiện một đời sống hướng nội của mỗi cá nhân trong đời sống bình nhật là sự thật hiển nhiên, không có gì để bàn luận thêm nữa.

Tự thân tu tập, tự thân hành trì, tự thân chứng ngộ giải thoát là con đường mà bạn trải nghiệm đi qua. Theo như lời Phật dạy, con đường đó gồm 14 giai đoạn, mà mỗi người cần phải thực nghiệm, vận hành liên tục từng bước một cho đến khi kết thúc để thành đạt chánh trí, giải thoát an lạc. Hay nói cách khác, quy trình thực nghiệm đời sống đó bao gồm: Lòng tin; Đến gần; Tỏ lòng tôn kính; Lắng tai; Nghe pháp; Thọ trì pháp; Suy tư ý nghĩa các pháp; Chấp nhận các pháp; Ước muốn sanh khởi; Nỗ lực; Cân nhắc; Tinh cần; Tự thân chứng ngộ; Trí tuệ thể nhập sự thật.

*

1. Lòng tin: Là giai đoạn đầu tiên bạn thực nghiệm đời sống hướng nội. Thật là chơi vơi hay lạc lõng, thậm chí chao đảo, rối loạn tâm lý trước cả lộ trình tu tập muôn nẻo đi về. Tại đây, bạn cần đặt niềm tin trọn vẹn vào Bậc Đạo sư mà mình đã có duyên đảnh lễ, ký thác. Vị ấy là bậc minh sư có đủ khả năng khai mở tâm thức người đề tử, giới thiệu con đường giác ngộ tự thân đã đi qua.

2. Đến gần: Sau khi có niềm tin tuyệt đối vào bậc Đạo sư hoàn toàn, bạn phải thường xuyên thân cận gần gũi vị thầy của mình để thực hiện quá trình chuyển hóa nội tâm đúng Chánh pháp, hợp với căn cơ của mình. Như vậy, bạn dễ dàng thực hiện giai đoạn thứ ba là tỏ lòng tôn kính đối với Bậc Đạo sư hướng dẫn.

3. Tỏ lòng tôn kính: Tôn kính là bổn phận của người đệ tử đối với thầy, đây cũng là biểu hiện lòng thiết tha của bạn trong việc cầu học, cầu tu. Đạo lý này hợp với tinh thần "Thờ thầy" - Sự sư đệ nhị - trong Luật Phật dạy, và "Tôn sư trọng đạo" theo như tổ tiên ông bà khuyên bảo. Làm tròn bổn phận này, bạn sẽ tạo ra được một mối liên hệ tình cảm thầy trò tốt đẹp, một tâm lý tự tin học pháp. Cụ thể, bạn phải hầu thầy chu đáo như chào hỏi, vấn an sức khỏe, chăm sóc lúc thầy ốm đau..., luôn gần thầy để có cơ hội nghe thầy giảng pháp.

4. Lắng tai: Đây là thái độ tâm lý của người học trò cần phải thể hiện rõ để bậc Đạo sư hoan hỷ. Khi thầy đang thuyết giảng, bạn cần phải lắng tai nghe từng câu một, ghi nhận từng chữ một nằm lòng và chú tâm tỉnh giác để tập trung tư tưởng hiểu đúng đắn vấn đề Bậc Đạo sư cần truyền đạt. Thậm chí ngay cả lúc hầu thầy, bạn cần phải lắng tai nghe để thực hiện tốt.

5. Nghe pháp: Đây chính là giai đoạn thực hiện tiến trình "Văn tư tu" để hành trì. Bạn sẽ bị lệch lạc, hoặc không thực hiện đúng mục tiêu, ý đồ của bậc Đạo sư trong việc tu học nếu bạn nghe không rõ. Tại đây, bạn cần huy động định lực để tiếp nhận nguồn suối tâm thức mà thầy trao truyền.

6. Thọ trì pháp: Sau khi nghe pháp, bạn cần phải thọ trì pháp. Giai đoạn này yêu cầu bạn nhớ sâu các pháp đã được giảng để áp dụng vào đời sống. Thật sai lầm nếu bạn không ghi nhớ đầy đủ các pháp được nghe. Ghi nhận thọ trì đúng pháp, bạn sẽ hành trì đúng pháp.

7. Suy tư ý nghĩa các pháp: Nhờ thọ trì đúng pháp, bạn tiếp tục suy tư các pháp một cách thấu đáo được thọ lãnh từ Bậc Đạo sư. Tại đây bạn cần thẩm thấu để hiểu rõ ý nghĩa các pháp mà Bậc Đạo sư trao truyền.

8. Chấp nhận các pháp: Giai đoạn này bạn cần chấp nhận các pháp sau khi đã qua giai đoạn suy tư chín chắn kỹ lưỡng, giữ vững lập trường để hành trì một cách tinh tấn.

9. Ước muốn sanh khởi: Chấp nhận các pháp đã thọ trì, bạn cần sanh tâm hoan hỉ, sanh tâm ước muốn làm thế nào để các pháp này nhanh chóng thành tựu viên mãn.

10. Nỗ lực hành trì pháp: Do tâm ước muốn sanh khởi thực thi các pháp trong mọi điều kiện có thể, bạn nỗ lực tinh cần hành pháp. Nhờ vậy, bạn thành tựu từng pháp học.

11. Cân nhắc: Đến đây, bạn cần có một thái độ cân nhắc kỹ lưỡng như là một thái độ kiểm chứng về quá trình tu tập của mình. Đó là hiệu quả của sự hành trì với những thuận duyên, nghịch duyên trong khi vận hành tu tập thực nghiệm.

12. Tinh cần tu tập: Nhiệt tâm tinh cần hành trì không biết mệt mỏi là yếu tố cần và đủ thực thi giai đoạn này. Cần phải tẩy trừ những vọng niệm khởi lên, không phóng dật để ra tâm hành trì các pháp đã được chọn lọc và cân nhắc.

13. Tự thân chứng ngộ sự thật: Với sự tinh tấn nỗ lực liên tục hành trì pháp, bạn bắt đầu thể nhập sự thật chứng ngộ tối thượng.

14. Trí tuệ thể nhập sự thật: Đây là giai đoạn cuối cùng, bạn thành tựu chánh trí, đạt được quả vị giải thoát hoàn toàn. Như vậy, bạn đã trải qua 14 giai đoạn thực hiện một giai trình thực nghiệm đời sống hướng nội có điểm mở đầu và kết thúc.

*

Tuy nhiên, trong sự vận hành chuyển hóa nội tâm, Thế Tôn nhận thấy có những khó khăn chướng duyên trong khi tu tập đến quả vị giải thoát đối với những người đang nỗ lực tu tập. Vì vậy, Phật giới thiệu thêm 4 tùy pháp để bạn dễ dàng tu tập:

Tùy pháp thứ nhất: Bạn là người đệ tử Phật, luôn có lòng tịnh tín đối với bậc Đạo sư là Thế Tôn, giáo pháp đã thể nhập tự chứng ngộ. Tùy pháp này khởi lên:"Bậc Đạo sư là Thế Tôn, đệ tử là con. Bậc Đạo sư biết, con không biết." Ý thức được tùy pháp này, Thế Tôn là Bậc Đạo sư, mình là người đệ tử, nhờ vậy bạn là người hành giả có sức mạnh hành trì các pháp.

Tùy pháp thứ hai: Tùy pháp này khởi lên do tâm mình tìm thấy sức mạnh trong giáo pháp của Đức Phật. Đây chính là đòn bẩy để vượt lên phía trước của cuộc hành trình thực nghiệm tu tập, chứng đạt quả vị giải thoát hoàn toàn.

Tùy pháp thứ ba: Là sự phát tâm dũng mãnh của người thực tập đời sống hướng nội: "Dẫu chỉ còn da, gân và xương, dầu thịt bị khô héo, vẫn mong rằng sẽ có tinh tấn lực để chứng đắc, nhờ trượng phu nhẫn nại, nhờ trượng phu tinh tấn, nhờ trượng phu cần dõng", bạn vẫn sẵn sàng thể nhập Chánh pháp, chứng đạt chánh trí. Dẫu cho hoàn cảnh nào xảy ra đi nữa, bạn vẫn tiếp tục hành trình đến mục đích tối hậu.

Tùy pháp thứ tư: Bạn hãy trầm tư làm thế nào để chứng đắc một trong hai quả vị sau đây: "Chánh trí ngay trong hiện tại và nếu có dư y chứng Bất lai."

Như vậy, bạn đã đang thực hiện một đời sống hướng nội để hướng đến sự chứng đạt quả vị giải thoát, chứng ngộ Niết bàn. Xem ra, từ địa vị phàm phu, bạn có thể trở thành bậc Thánh giữa cõi đời này nếu bạn biết dụng công tu tập. Tại đây, bạn tự hóa giải tất cả mọi vấn đề khủng hoảng tâm linh, sinh thái môi trường, đạo đức xã hội. Trong ý nghĩa đó, bạn là người hạnh phúc và an lạc giữa cuộc sống vốn là dòng chảy không ngừng.

Trích Tuần báo Giác ngộ, 24.06.2004

-ooOoo-


[Trở về trang Thư Mục]
last updated: 30-12-2004