BuddhaSasana Home Page

Vietnamese, with Unicode Times font


HÀI NHI TÓC BẠC

Tỳ kheo Bửu chánh

(Bài giảng ở Thiền Viện Phước Sơn, Long Thành)


Hôm nay, chúng tôi trình bày bài pháp "HÀI NHI TÓC BẠC". Tựa đề bài pháp "HÀI NHI TÓC BẠC" là dùng hình ảnh một hài nhi để chuyển tải nội dung có thực trong cuộc sống hàng ngày. Thông thường, những người già mới có tóc bạc nhưng tại sao chúng tôi lại nói đến hài nhi tóc bạc? Nếu một đứa trẻ sanh ra đời mà có tóc bạc thì đó là một điều khủng khiếp, một chuyện lạ và đứa trẻ đó sẽ làm cho nguời khác sợ hãi. Hài nhi tóc bạc là ai? Hài nhi tóc bạc chính là những người già nua chúng ta. Điều thứ nhất là trên đầu người này đã có ít nhiều tóc bạc và Hài nhi tóc bạc là ai? Đó cũng chính là chúng ta - những người đã đi qua hơn nửa cuộc đời, chứ không ám chỉ những đứa trẻ sinh ra có tóc bạc. Như vậy, Hài nhi tóc bạc là chúng tôi muốn nói đến chúng sanh có hai phần là hài nhi và tóc bạc. Phần hài nhi: một chúng sanh có hai phần Danh và Sắc hoặc Tâm - Sắc. Do đó, từ "Hài nhi"muốn nói đến Tâm của mình. Còn "Tóc bạc"muốn nói sắc pháp tàn tạ này và tóc bạc đại diện cho toàn thể sắc pháp chúng ta. Như vậy Hài nhi tóc bạc là muốn nói một cơ thể chúng sanh có hai phần Tâm lý - Tâm và phần vật lý - Sắc.

Cái tâm của chúng ta là tâm hài nhi mà tóc thì đã bạc rồi. Nếu một đứa trẻ mà sinh ra đời có tóc bạc thì kinh dị quá, rùng rợn quá. Nếu trong mỗi chúng ta để tâm hài nhi cùng tồn tại với tóc bạc này thì khủng khiếp quá, ghê sợ quá. Thế nào là "Tâm hài nhi"? Tâm hài nhi là tâm của người không chánh niệm, phóng dật, không tu tập, không kiểm soát thân nghiệp, khẩu nghiệp và ý nghiệp. Một đứa trẻ muốn khóc là khóc, muốn cười là cười, khi đói bụng thì nó la hét đòi ăn, khi đòi không được thì nhõng nhẽo giận hờn; đó là một số đặc tính của một đứa trẻ. Chúng ta cũng vậy, chúng ta cũng rơi vào đặc tính đó là cũng biết khóc, giận hờn, trách móc mà những điều đó diễn ra bằng tâm phóng dật không chánh niệm. Do đó, trong chúng ta tồn tại hai thành phần đối lập là tâm hài nhi mà thể xác thì sắp chết. Theo lẽ thường cái tâm phải tương ứng cái sắc nhưng chúng ta 50 tuổi, 60 tuổi, 70 tuổi rồi mà tâm vẫn còn hài nhi. Cho nên, mỗi con người già nua chúng ta chính là hài nhi tóc bạc. Tâm hài nhi là tâm đòi cái này cái kia. Đức Phật dạy các đệ tử từ bỏ và bản thân Ngài cũng từ bỏ; nhưng chúng ta lại đi ngược lại cuộc đời để trở thành hài nhi muốn đòi hỏi khóc lóc. Do đó, chủ đề bài pháp là muốn chúng ta soi rọi phản chiếu, thấy được tâm của mình là tâm hài nhi để trở thành tâm người lớn trưởng thành nghiêm túc và tâm đó chỉ có được khi chánh niệm.

Ví dụ: cái đi của đứa trẻ không ý thức muốn đi như thế nào thì đi, chúng ta cũng vậy nếu đi trong phóng dật thì cái đi đó là của đứa trẻ. Chúng ta cũng đứng, nằm, ngồi nhưng đó đều là đặc tính của đứa trẻ bởi vì chúng ta không chánh niệm. Người nào đang tu tập thiền chánh niệm thì người đó là người lớn cho dù đó là một đứa trẻ đang tu tập Thiền Minh Sát. Còn chúng ta lớn rồi nhưng không tu tập thì tự biến mình từ người lớn thành đứa trẻ, vì trạng thái tâm lí đó cũng là tâm lí của đứa trẻ mà thôi. Và hãy xem lại mình là người lớn tóc bạc, trưởng lão tóc bạc hay hài nhi tóc bạc? Và trưởng lão tóc bạc là ai? Là những người tu dù nhỏ tuổi. Trong kinh có dạy khi thí chủ cúng dường thì nên cúng đến bậc trì giới và trưởng lão, trưởng lão ở đây không phải người già mà ám chỉ người có tu tập. Tự mỗi người hãy xem tâm của mình là tâm hài nhi hay tâm trưởng lão.

Bốn từ "Hài nhi tóc bạc" ám chỉ cái gì? Hài nhi là tâm, còn tóc bạc là thân xác này. Thân này đã già nua rồi nhưng tâm vẫn còn như đứa trẻ. Chỉ có những người tu tập Thiền Minh Sát, tu tập Giới Định Tuệ, niệm thân - niệm thọ - niệm tâm - niệm pháp thì những người này không phải hài nhi. Và dù da đã nhăn, tóc đã bạc, mắt đã mờ, tai đã điếc mà tâm còn phóng dật thì vẫn là hài nhi. Như chúng tôi đã trình bày, nếu một đứa trẻ sinh ra mà có tóc bạc sẽ làm cho người khác sợ hãi, cho nên thân xác này tóc bạc mà ôm ấp tâm hài nhi thì đi đến đâu người ta sẽ sợ hãi đến đó. Người nào không tu tập, không chánh niệm thì đến đâu cũng làm người khác sợ hãi vì mang hình tượng hài nhi tóc bạc. Một trong mười hai vị thiền sư tu tập tại Lào, Thái Lan dạy rằng người thiền sinh chỉ cần kiểm soát thân tâm. Có vị thiền sư dạy rằng kiểm soát, quán sát, theo dõi cảm thọ, vui buồn của mình. Có vị dạy rằng chúng ta theo dõi ngũ uẩn (sắc - thọ – tưởng – hành - thức) hoặc theo dõi hơi thở. Nói đề tài hài nhi tóc bạc là chúng ta xem lại tâm của mình là tâm hài nhi hay tâm trưởng lão và xem thân này bây giờ đi đến đâu rồi, có như vậy chúng ta mới khẩn trương gấp rút tu tập Thiền Minh Sát.

Nói đến "Hài nhi tóc bạc"nghĩa là hết cuộc đời rồi mà tâm hài nhi vẫn còn. Từ khi mới sanh đã có tâm đứa trẻ mà sắc pháp đã đi quá xa rồi. Tâm hài nhi là khi thấy chuyện gì bất bình không vừa lòng, tâm liền khó chịu giống như một đứa trẻ khi thấy điều không thích là bộc lộ ra ngay, đó là đặc tánh của đứa trẻ. Còn người lớn thì không vội phán xét sự kiện mà xem do nhân gì, duyên gì, hoàn cảnh như thế nào, bối cảnh lịch sử như thế nào, đó là tư cách người lớn. Đứa trẻ thì nhìn hiện tượng phán xét bản chất, còn người lớn nhìn hiện tượng chưa vội phán xét bản chất bởi có những hiện tượng phản ánh đúng bản chất, có những hiện tượng phản ánh xuyên bản chất. Thể xác này đã già mà tâm vẫn còn hài nhi, nghĩa là tâm hấp tấp vội vàng vẫn còn hiện diện cho đến hơi thở cuối cùng, đó là điều bất hạnh. Tâm trưởng lão khi thấy niệm thấy, khi nghe niệm nghe, khi đụng niệm đụng. Ví dụ, khi đang đi thấy chiếc xe đậu giữa đường chúng ta bực dọc tự hỏi ai đậu chiếc xe này, đó là tâm không chánh niệm không tu tập. Nếu thấy niệm thấy, từ từ dựng chiếc xe sang một bên, đó là tâm tu tập không để ngoại cảnh tác động làm ta phiền não.

Ví như ngọn núi kiên trì
Gió cuồng tứ hướng dễ gì chuyển xoay
Tiếng đời chê dở khen hay
Không làm chao động đôi mày trí nhân

Tâm người chánh niệm như ngọn núi kiên trì, cho dù hoàn cảnh bên ngoài tác động không làm lay chuyển; còn đứa trẻ thì hoàn cảnh như thế nào bị tác động như thế đó. Ví dụ: đứa trẻ đến giờ ăn thì đòi ăn, còn người lớn cho dù đói như thế nào cũng kềm chế chứ không lẽ khóc? Vì vậy, người chánh niệm phải kềm chế trong mọi hoàn cảnh, đừng để hoàn cảnh làm ta phiền não. Tâm người chánh niệm giống như ngọn núi kiên trì, còn ngoại cảnh như gió cuồng tứ hướng không làm lay chuyển ngọn núi tâm người chánh niệm. Chánh niệm có mặt thì trí tuệ, giới-định-tuệ và một loạt các thiện pháp có mặt. Những cái đó kết lại thành núi đá mà những trận cuồng phong trong cuộc đời không làm lay chuyển và những lời khen tiếng chê không làm lay động tâm người chánh niệm; đó là trưởng lão tóc bạc chứ không phải người già tóc bạc hay hài nhi tóc bạc. Chúng ta đứng, ngồi, nằm, làm thinh trong chánh niệm để xây dựng tâm người lớn tuổi có chánh niệm. Cho nên khi thiết lập chánh niệm trở thành con người thật sự là một con người.

Tuy nhiên cái bất hạnh là tóc bạc. Bình thường, chúng ta sử dụng tâm hài nhi nhưng khi có chuyện đụng chạm tự ái thì dùng tóc bạc nói chuyện. Điều này thật nghịch lý. Khi sân hận, nóng nảy, buồn phiền, đua đòi với nhau ta dùng tâm hài nhi nhưng khi đụng chạm đến tự ngã con người đó lại dùng tóc bạc nói chuyện. Hình thức là tóc bạc mà nội dung là hài nhi. Chúng ta không có đủ thẩm quyền để dùng tóc bạc này nói chuyện với người khác, ta dùng hình ảnh tóc bạc để thiết lập quan hệ với người khác thì ta không có quyền- nghĩa là ta chỉ là đứa trẻ mà đứa trẻ này có tóc bạc thì không đủ tư cách nói chuyện nghiêm túc. Thông thường ta dùng tóc bạc áp đặt người khác. Mỗi người xem xác thân này đã sắp chấm dứt cuộc đời chưa? Và chúng ta lấy bình quân 60 tuổi là hết một đời, như vậy chúng ta chỉ còn vài năm nữa mà tâm vẫn còn hài nhi. Nghĩa là tâm muốn nói là nói, muốn nằm là nằm, muốn đi là đi không kiểm soát được còn người lớn thì phải kiểm soát. Chẳng lẽ khi đi dự lễ đến 11 giờ chúng ta lại đòi ăn nhưng đứa trẻ đi chung sẽ đòi ăn? Nếu như chúng ta đối diện với một người hài nhi tóc bạc gây cho chúng ta phiền não thì liệu chúng ta có giận không? Vì họ là một đứa trẻ, mà đã là đứa trẻ thì cần phải tha thứ. Và nếu một người quen mình đã chết lâu rồi thì liệu chúng ta có tha thứ cho họ hay không? Cũng tha thứ họ rồi.

Hôm nay qua bài pháp này nếu như những người xung quanh chúng ta là những đứa trẻ nghịch ngợm, làm buồn phiền thì mình có tha thứ không? Nếu không tha thứ thì là hai đứa trẻ giận nhau, hai đứa trẻ chơi chung rồi giận nhau chia tay không chơi nữa. Nếu như mình là người lớn thì sẽ tha thứ cho đứa trẻ đó. Nếu gặp một người tóc bạc rồi nhưng làm cho tâm ta buồn phiền thì niệm tâm đó - tâm hài nhi tức niệm tâm phóng dật- quán tâm trên ngoại tâm. Dùng hình tượng hài nhi để dễ nực cười, dễ tha thứ. Nếu gặp người 60 tuổi, 70 tuổi làm ta buồn thì ta niệm tâm hài nhi tóc bạc - tâm không buồn phiền nữa. Các vị cư sĩ trong chúng ta cũng vậy, việc không đáng buồn cũng buồn vì nghĩ rằng người ta là "Trưởng lão tóc bạc" Đường đường là "Trưởng lão tóc bạc"mà lại có những hành vi như vậy, nói những câu như thế thì mình buồn là phải, còn đây lại là "Hài nhi tóc bạc"thì buồn làm chi? Nhất là khi thấy hình ảnh hài nhi mà tóc bạc thì còn phải thương họ nữa, tội nghiệp họ bởi cái nghiệp nặng quá.

Trong một tờ báo có đăng hình một đứa trẻ mà tóc bạc, má sọm xuống, được bạn đọc gửi tiền cho rất nhiều và được thế giới mời trị bệnh tại Nhật Bản. Cho nên gặp hài nhi nào tóc bạc, mình còn phải gửi tiền cho họ nữa, mua quà tặng họ vì họ đang bị bệnh "Hài nhi tóc bạc". Theo như thế thì thì khi gặp một vị trưởng lão về mặt thể xác mà làm mình buồn phiền thì nên vận động tặng tiền cho ho. Ở đây ai cũng tóc bạc cả rồi. Chúng tôi cũng vậy, tóc cũng đã bạc rồi và nhìn lại, tự thấy mình cũng là hài nhi tóc bạc, bởi tâm vẫn còn vọng móng thích cái này cái kia. Không biết quí vị ra sao, còn chúng tôi tâm hài nhi vẫn còn hoạt động thường xuyên, lâu lâu tâm trưởng lão mới có. Cho nên mỗi người cần xem tâm của mình là hài nhi hay trưởng lão và nhìn thể xác của mình là tóc đã bạc hay chưa bạc. Không phải đợi đến 80 tuổi mới là già, 30 tuổi cũng đã già. Cái già ở đây là mắt lờ, tai điếc, quên tới quên lui- đó là hình ảnh đại diện cho thành phần già từng phút từng giây. Người trẻ mà mang bệnh nan y là tuổi thọ sắp hết rồi, nếu không bệnh thì có thể sống thêm đến 60 tuổi, 70 tuổi. Còn người bệnh thì chỉ còn 5-10 năm nữa thôi, dầu người đó là người đang trẻ.

Nghe bài pháp này quí vị hãy tự nhìn để thấy Danh - Sắc của mình luôn sanh diệt. Để tâm được an lạc thì phải thương xót những hài nhi tóc bạc khác, đừng buồn giận họ, bởi họ cũng chỉ là hài nhi tóc bạc mà thôi. Nếu một đứa trẻ la khóc quấy rầy mình thì mình phải hỷ xả hết và nếu đứa trẻ đó là con mình thì quí vị nghĩ sao? Mình có tha thứ được không? Ngài Thiền sư Achan Chah (Thái Lan) dạy rằng: "Người nào gây phiền toái cho mình, đừng để ý người gây phiền toái mà hãy để tâm vào phiền não của mình thì tức khắc tâm an lạc". Đức Phật dùng tâm gì để cải hóa chúng sanh? Đề-Bà-Đạt-Đa là người phá hoại Giáo Pháp, chia rẽ Tăng Già, hãm hại Đức Phật. Ngài là dòng họ Thích Ca - dòng họ vua chúa và Ngài có thể sử dụng quyền lực để bỏ tù hay xử trảm Đề-Bà-Đạt-Đa nhưmg Ngài đã dùng tâm gì đối với chúng sanh như thế? Chúng tôi dùng hình ảnh "Hài nhi tóc bạc"để quí vị tự nhìn Thân và Tâm của mình; dùng hình ảnh "Hài nhi tóc bạc"để nói lên thái độ của chính mình đối với người khác bởi khi mình nhìn mình thì không có điều gì nhưng khi nhìn người khác thì tâm khó chịu sẽ xảy ra.

Mỗi người tự thương mình, mà thương mình là thiết lập chánh niệm và là nhìn tâm hài nhi của mình cùng tâm hài nhi của người khác để tha thứ cho họ. Nếu sống trong giáo pháp này, chúng ta đi đứng nằm ngồi đều phiền não thì cũng như không. Đạo Giải Thoát của Đức Phật chỉ một con đường là diệt phiền não.

Đạo ta chỉ một con đường
Tự lòng thanh tịnh mà thương cuộc đời.

Đạo Giải Thoát này chỉ con đường duy nhất "Này các Tỳ kheo đây là con đường duy nhất đưa đến thanh tịnh cho chúng sanh, vượt khỏi sầu não, diệt trừ khổ, thành tựu chứng trí, chứng ngộ Niết Bàn - đó là Tứ Niệm Xứ. Đạo này chỉ một con đường đưa đến an vui cho chúng sanh, cuộc đời này nhiêu khê mà lòng mình thanh tịnh sẽ thấy thương cuộc đời. Cuộc đời là gì? Cuộc đời là những người xung quanh đây chưa thuần thục giáo pháp, là những cái thiện và cái ác đang diễn ra. Những người nào đi theo giáo pháp này sẽ cảm thấy thương cuộc đời nhiêu khê này, cuộc đời thực tế này chứ không phải cuộc đời chúng ta tự vẽ ra trong đầu.

Quí vị bỏ gia đình lên đây tu mà đi, đứng, nằm, ngồi, làm thinh, cũng buồn thì lên đây làm chi? Phải là an vui đi đứng nói cười, ai phiền não mặc ai, riêng mình có chánh niệm bỏ túi thì quí vị sẽ an lạc và điều này chúng tôi cần ở quí vị. Nhiều vị lên đây không thấy an lạc mà thấy toàn phiền não, thấy vị Sư này chưa được rồi tìm vị Sư khác rồi cũng chưa được, thấy cô tu nữ này chưa được tìm cô tu nữ khác, mình "thấy"chỉ niệm "thấy"thì không phiền não. Đừng nhìn hiện tượng: giờ ngồi thiền lại đi giặt đồ, giờ ăn cơm thì ngồi thiền mà ta chỉ niệm "thấy, thấy"và nghĩ rằng chúng sanh muốn sao cho vậy. Bây giờ tóc đã bạc mà tâm vẫn còn hài nhi, nhưng dù sao quí vị cũng có thiện chí bỏ con bỏ cháu lên đây tu tập. Ở tuổi đây của quí vị cũng có con cháu ẵm bồng nhưng quí vị đã từ bỏ thì tại sao lên đây lại bồng theo phiền não? Cho nên tất cả phải bỏ hết. Chúng ta tìm đâu nơi bình yên trong cõi đời dục giới này? Lẽ nào chúng ta đi tìm, tìm mãi hay sao? Cho nên quí vị cũng có phước vì ở đây có một số vị Sư, tu nữ, cư sĩ thiền sinh đến đây cũng nhìn xem tâm này, sắc pháp này diễn tiến như thế nào- như thế nơi đây cũng là môi trường tốt lành cho quí vị tu tập trong ba tháng hạ này.

Trích: Nội San CHUYỂN PHÁP LUÂN, 01-2004, GHPGVN.

-ooOoo-


[Trở về trang Thư Mục]
last updated: 11-02-2004