BuddhaSasana Home Page

Vietnamese, with Unicode Times font


Ðức Phật và Căn Bản Nhân Quyền

Hòa thượng Bửu Chơn


Hiện nay trên thế giới đang cổ võ nhân quyền (quyền sống bình đẳng của mọi dân tộc) hầu tránh khỏi nạn kỳ thị chủng tộc trong một vài quốc gia.

Vì thế mà Liên Hiệp Quốc đã vượt qua những nỗi khó khăn để thành lập Luật Nhân Quyền quốc tế. Tuy đã có Luật Nhân Quyền quốc tế, nhưng một vài quốc gia cũng vẫn còn vấn đề kỳ thị chủng tộc.

Vấn đề nhân quyền, trước kỷ nguyên Tây lịch đã được các đại tư tưởng gia khởi xướng như Socrate (Hy lạp), Khổng Phu Tử (Trung Hoa) và Ðức Phật (Ấn Ðộ). Những nhà tư tưởng này chỉ có đức Phật là quan trọng và đáng chú ý hơn hết. Lời giảng dạy của Ðức Phật cho nhân loại có liên quan về tinh thần và ảnh hưởng cho xã hội. Ngài kêu gọi con người nên vui thích trong sự phục vụ cho kẻ khác với tình thương bao la của tất cả sinh mạng và nên chế ngự những tham vọng phi pháp, phi nhân đạo.

Con đường của Ðức Phật dạy có hai điều là tri thức và tinh thần để đem đến mục tiêu đạt được bằng sự tự thu thúc trong kỷ luật, đời sống được trong sáng và những tư tưởng được cao cả,. Ngài khởi xướng sự công bằng cho nhân loại. Vì vậy mà nhân quyền quốc tế càng nâng cao thêm cho nền giáo lý của Ngài.

Trở lại thời kỳ của Ðức Phật tại thế, cách đây 25 thế kỷ đã qua, những người phụ nữ và hạng nô lệ của xã hội Ấn không được nhìn nhận và đối xử tử tế. Chính Ðức Phật đã phá tan cái hàng rào giai cấp ấy.

Ngài đã cho hàng phụ nữ xuất gia theo phái Tỳ khưu Ni để thâu ngắn sự khổ não trong vòng sanh tử luân hồi và được đắc các qủa Thánh.

Sư bình đẳng trong xã hội cũng như chánh trị giữa nam và nữ trong các quốc gia cũng không có chi lấy làm lạ như bà Indira Gandhi làm Thủ tướng xứ Ấn Ðộ, bà Bandananaraike làm thủ tướng xứ Sri Lanka, bà Elizabeth, nữ hoàng nước Anh, và bà Trưng, bà Triệu cũng một thời kỳ làm nữ vương Việt Nam.

Ðức Phật không phân biệt giữa người và người, vì mọi người đều bình đẳng trong kiến thức của Ngài và không có một nhân vật nào mà không có ý nghĩa, vì Ngài hướng dẫn họ trên con đường đạo đức. Từ người hành khất cho đến bậc Ðế Vương, đều ở trong tình thương vằ lòng trắc ẩn của Ngài. Trong thời kỳ của Ngài tại Ấn Ðộ, họ rất kỳ thị các chủng tộc nhưng Ngài cách mạng chống lại sự bất công ấy. Ngài hoan hỷ thu nhận tất cả những hạng người hoặc chủng tộc gọi là thấp hèn nhất trong xã hội vào hàng Tăng già. Chẳng hạn như Ngài nhận cho xuất gia ông Sumita là người mà xã hội đã ruồng bỏ, ông Sati là con người thợ làm chài lưới, cô Ambabali là một cô kỹ nữ giang hồ, cô Punnà và Punkà là người tôi mọi.

Có vài vị Tăng trong dòng tộc quý phái cho rằng Ðức Phật đã lật đổ chế độ quý phái,. Nhân dịp ấy Ðức Phật nói rằng: "Con người không phải vì saự sanh mà được cao thượng, không phải sự sanh mà con người trở nên thấp hèn. Con người được cao thượng là bởi hành vi của mình, con người bị thấp hèn cũng bởi hành vi của mình".

Hơn nữa, giáo lý của Ngài được ví như bể cả. Dòng nước của các con sông như Gangà, Sarabhù, Yamunà, Màhì khi chảy vào bể cả rồi thì mất hẳn tên riêng của mình, chỉ còn được gọi là nước bể. Dầu cho bốn hạng người trong xã hội như vua, Bà la môn, thương gia và nô lệ, một khi đã xuất gia vào Phật giáo rồi thì cũng bỏ hẳn dòng giống riêng biệt của mình mà chỉ gọi là dòng Thích Ca tử (Sakya putta) trong Phật pháp mà thôi.

Hơn nữa, trong sự kỳ thị chủng tộc ở Trung Ấn Ðộ thời bấy giờ, dòng quý phái không bao giờ ăn uống chung hoặc tự tay lãnh vật chi của phái thấp hèn tôi mọi. Nhưng chỉ có người trong Phật pháp mới phá bỏ sự cố chấp ấy. Như Ðại đức Ananda thuộc dòng quý phái và là một đệ tử hầu cận của Ðức Phật, một hôm đại đức theo Ðức Phật trong đường hoằng pháp, dọc đường Ðại đức khát nước.

Ði ngang qua giếng nước trong một làng nọ, ngài thấy cô Pakati là một thiếu nữ của dòng nô lệ đang xách nước. Ðại đức hỏi xin nước uống, cô gái ấy do dự và trả lời rằng: "Thưa ngài là dòng quý phái. Tôi là kẻ thấp hèn nô lệ không dám dâng nước cho Ngài đâu!"

Ðại đức Ananda trã lời rằng "Này em gái, tôi không cần đến dòng giống, nhưng chỉ cần dùng đến nước uống mà thôi". Cô gái ấy lấy làm vui thích và đem nước lại dâng.

Như thế thì trong Phật giáo không có sự kỳ thị chủng tộc. Ðức Phật lúc nào cũng bác bỏ vấn đề kỳ thị chủng tộc trong mọi hình thức. Vì vậy mà trong giáo phái của Ngài, người xuất gia sau, dầu cho là dòng vua cũng phải lễ bái kính trọng người đã xuất gia trước mình cho dù người ấy thuộc dòng nô lệ. Ðó là ý định của Ngài muốn phá tan cái tâm ngã mạn của chúng sanh vậy.

Ðức Phật luôn luôn thành lập một căn bản công bằng bác ái bằng những cách nêu lên những gương tốt. Như một hôm, có một vị Tỳ Khưu bị bệnh ghẻ lở đầy mình, mùi hôi thúi thấy rất ghê tởm, không ai muốn lại gần ông. Khi Ðức Phật đi ngang qua biết được chuyện ấy, Ngài bèn vào chỗ cư ngụ của vị Tỳ khưu bất hạnh này. Ngài bảo đem nước nóng lại, chính Ngài chăm sóc rửa ráy cho vị Tỳ khưu ấy, rồi tuyên bố rằng: "Người nào mà phụng sự cho bệnh nhân, người ấy gọi là phụng sự cho Như Lai vậy".

Sự tự do tín ngưỡng là một đức tính cao cả mà Ðức Phật thường giảng dạy là phải có độ lượng khoan hồng từ bi và không có xung đột lẫn nhau. Ngài còn dạy con người không nên khinh bỉ hoặc nói xấu đến các tôn giáo khác.

Lời huấn từ này được vua A Dục đem ra áp dụnng trong suốt thời kỳ ngài trị vì xứ Ấn Ðộ. Ngài cho khắc huấn từ và mệnh lệnh trong mọi nơi như vầy: "Tất cả các đạo gìáo đều phải được tôn trọng. Hành vi như vậy là đã tán dương đạo giáo của mình và đồng thời giúp đỡ những người của tôn giáo khác".

Ðức Phật luôn luôn kêu gọi sự tự do giải thoát của nhân loại. Con người không nên tự ràng buộc dưới một thần quyền hay một nhân vật tối thượng nào và Ngài khuyên con người không nên vội vàng chấp nhận giáo lý nếu chính tự mình không quán triệt được lý luận rõ rệt của tôn giáo ấy. Nên Ngài có thuyết một câu kệ rằng:

"Attadhipà attasaranà annasaranà dhamma dhipà dhamma saranà". Nghĩa là: "Tự mình hãy tìm ánh sáng, tự mình hãy nương nhờ lấy, không nên ỷ lại và nương nhờ kẻ khác".

Nên tìm ánh sáng và nương nhờ nơi chân lý cho sự giải thoát của mình.

Trích Tuần báo Giác Ngộ, số 187, 28-08-2003

-ooOoo-


[Trở về trang Thư Mục]
last updated: 15-12-2003