BuddhaSasana Home Page
This document is written in Vietnamese, with Unicode Times font


Hạnh phúc theo quan điểm Phật giáo

Thích Phước Ðạt


Chừng nào còn hiện hữu trên cõi đời này, thì chừng đó con người còn khát vọng về hạnh phúc. Thế nhưng hạnh phúc là gì, thật có quả nhiều câu trả lời cho vấn đề này bởi con người nhìn nhận dưới những lăng kính, góc độ, quan điểm khác nhau. Tựu trung, có nhiều ý kiến cho rằng hạnh phúc là quá trình cảm thụ về lòng thỏa mãn sự mong ước, đợi chờ điều gì đó của thân và tâm, hay nói cách khác, đó là kết quả của sự vắng mặt khổ đau trong tâm thức con người.

I. Khái niệm hạnh phúc theo quan điểm Phật giáo

Phật giáo thiết lập nền tảng hạnh phúc bước đầu bằng sự tự thân tu tập theo lộ trình hướng tới giải thoát khổ đau. Bởi vì, toàn bộ giáo lý của Ðức Phật chỉ nói lên sự thật về khổ đau và con đường diệt khổ. Thế nên bước đầu tiên để hành giả tiếp xúc hạnh phúc theo Phật giáo là sự hướng tâm thực hành theo nếp sống hướng thượng. Mỗi bước đi của bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí tuệ, là mỗi bước đi ra ngoài các tác nhân xung đột tâm lý và đi vào sự an lạc bình an nội tại của tâm giải thoát. Như vậy, hành giả càng tiến sâu vào lộ trình này sẽ càng dễ dàng cảm thọ hạnh phúc cao đẹp hơn, tinh tế hơn, bền bỉ hơn. Cho đến khi hành giả thành tựu về Giới, thành tựu về Ðịnh, thành tựu về Tuệ, đầy đủ Giải thoát, Giải thoát tri kiến. Tại đây, hành giả thật sự đốt cháy hết thảy tham sân si, cội nguồn của mọi khổ đau để tiếp cận với hạnh phúc chân thật giải thoát cho chính bản thân mình, như là sự tự độ. Hành giả phải tiếp tục khuyến cáo mọi người thực hành thành tựu năm pháp này nữa mới hội đủ điều kiện để đem lại hạnh phúc cho người khác, như là sự độ tha.

Kinh Tăng Chi, phẩm "Sức mạnh", phần "Hạnh phúc cho ai", Ðức Phật đã xác lập rõ niềm hạnh phúc tự thân chỉ có thể viên mãn khi thành tựu năm pháp sau:

"Thành tựu năm pháp này, này các Tỷ kheo, Tỷ kheo đem lại hạnh phúc cho mình, không đem lại hạnh phúc cho người khác. Thế nào là năm? Ở đây, này các Tỷ kheo, Tỷ kheo đầy đủ giới hạnh, không khuyến khích người khác đầy đủ giới hạnh; tự mình đầy đủ thiền định, không khuyến khích người khác đầy đủ thiền định; tự mình đầy đủ trí tuệ, không khuyến khích người khác đầy đủ trí tuệ; tự mình đầy đủ giải thoát, không khuyến khích người khác đầy đủ giải thoát; tự mình đầy đủ giải thoát tri kiến, không khuyến khích người khác đầy đủ giải thoát tri kiến. Thành tựu năm pháp này, này các Tỷ kheo, Tỷ kheo đem lại hạnh phúc cho mình, không đem lại hạnh phúc cho người khác".

Như đã nói trên, hạnh phúc trong Phật giáo không dừng ở phạm vi tự thân mỗi người mà còn đề cập hạnh phúc cho người khác trong mối liên hệ hữu cơ giữa cá thể với môi trường sống, cộng đồng xã hội. Bởi vì, thực tế sinh ra ở đời ai cũng muốn hạnh phúc như nhau, không ai muốn khổ đau hay an lạc chỉ một mình. Nguyên lý cuộc đời chỉ cho phép chúng ta "sống với" chứ không phải là "sống và". Giáo lý Duyên khởi mà Ðức Phật chứng ngộ dưới cội bồ đề cách đây 2500 năm về trước đã minh chứng rõ nguyên lý này. Cho nên vấn đề đặt ra cho mỗi cá nhân ngoài việc xây dựng hạnh phúc cho riêng mình bằng con đường tự thân tu tập, tự thân hành trì, tự thân chứng ngộ, giải thoát được xem như bổn phận, trách nhiệm cá thể, thì việc khuyến khích hướng dẫn mọi người tu tập thành tựu Giới đức, Tâm đức, Tuệ đức, đầy đủ Giải thoát và Giải thoát tri kiến, trở thành trách nhiệm, bổn phận cuả mỗi cá thể đối với tha nhân, cộng đồng xã hội. Mỗi khi phạm vi hoạt động tự thân lợi mình lợi người, lợi cả hai càng lớn thì nội hàm ý nghiã về hạnh phúc càng nhiều và càng lâu dài với tất cả. Bấy giờ hạnh phúc của ta chính là hạnh phúc của mọi người và đồng thời hạnh phúc của mọi người chính là hạnh phúc của chính ta. Ðây là điều kiện cần và đủ để xác lập nền tảng hạnh phúc theo quan điểm Phật giáo một cách trọn vẹn.

Cũng bản kinh này, Ðức Phật dạy:

"Thành tựu năm pháp này, này các Tỷụ kheo, Tỷụ kheo đem lại hạnh phúc cho mình, và đem lại hạnh phúc cho người khác. Thế nào là năm? Ở đây, này các Tỷụ kheo, Tỷ kheo tự mình đầy đủ giới hạnh và khuyến khích người khác đầy đủ giới hạnh; tự mình đầy đủ thiền định và khuyến khích người khác đầy đủ thiền định; tự mình đầy đủ trí tuệ và khuyến khích người khác đầy đủ trí tuệ; tự mình đầy đủ giải thoát và khuyến khích người khác đầy đủ giải thoát; tự mình đầy đủ giải thoát tri kiến và khuyến khích người khác đầy đủ giải thoát tri kiến. Thành tựu năm pháp này, này các Tỷ kheo, Tỷ kheo đem lại hạnh phúc cho mình, và đem lại hạnh phúc cho người khác".

II. Những đóng góp của khái niệm hạnh phúc theo quan điểm Phật giáo

1. Trong tất cả mọi giá trị hiện hữu ở đời thì giá trị của hạnh phúc của con người là cao nhất. Một giá trị khác nếu có mặt cũng chỉ là phương tiện để giúp con người đạt đến hạnh phúc tối hậu mà thôi. Khái niệm hạnh phúc theo Phật giáo thực chất chỉ là sự chứng đạt hành trình giải thoát tự thân để rồi khuyến giáo, chuyển hóa đến người khác cùng chứng đạt như mình. Như vậy, sự thật về hạnh phúc đó không nằm bên ngoài mà ở trong tâm thức chúng ta. Và, hạnh phúc chẳng phải là vấn đề gì siêu thực, huyền bí. Bởi vì Ðức Phật dạy: "Người là chủ nhân ông của nghiệp, đồng thời cũng là người thừa tự của nghiệp" (Trung Bộ III, tr.361). Hạnh phúc hay khổ đau đều do con người tự quyết định mà không phải là một sự ban phát.

2. Việc tu tập và hành trì theo chánh pháp là sự chuyển hoá và phát triển đời sống nội tâm từng cá thể đến mức cao nhất thông qua con đường thăng chứng. Trong kinh Tăng Chi, Ðức Phật dạy: "Này các Tỷ kheo, với tâm không bị khuấy đục, biết được lợi ích của mình, biết được lợi ích của mình của người, biết được lợi ích cả hai, sẽ chứng ngộ các pháp thượng nhân, tri kiến thù thắng xứng đáng các bậc Thánh, sự kiện này có xảy ra, vì cớ sao? Vì rằng tâm không bị khuấy đục, này các Tỷ kheo" (Tăng Chi II, tr.17). Tại đây, chúng ta có thể nói rằng tất cả các thành tựu của con người trên các lĩnh vực, đặc biệt giá trị hạnh phúc, đều bắt nguồn từ thành tựu nội tâm. Và như vậy, hạnh phúc đồng nghĩa với sự thành tựu tâm thức của từng cá thể trong mối quan hệ tương giao giữa con người và tha nhân.

3. Nếu hạnh phúc là sự thành tựu về năm pháp và khuyến khích tha nhân thành tựu năm pháp nói trên thì đây chính là mục tiêu xây dựng nếp sống đạo đức Phật giáo, đem lại hạnh phúc chân thật cho con người. Với giới đức thanh tịnh hoàn toàn, một tâm thức trong sáng, nhu nhuyễn dễ sử dụng, vớitrí tuệ đầy đủ chánh kiến của tư duy vô ngã, đầy đủ giải thoát và giải thoát tri kiến thì đây chính là những giá trị chuẩn về đạo đức thiết thực hiện tại cần thiết xây dựng cho mỗi con người, mỗi xã hội. Mọi giá trị khác nếu được thiết lập thì cũng phải được xoay quanh trục của nó. Tại đây, chúng ta có thể nói rằng hạnh phúc là sự phát triển hoàn toàn mọi đức tính của con người trong một nếp sống đạo đức hướng thượng. Ngược lại, nơi nào không có những điều kiện cơ sở cho hạnh phúc phát triển thì nơi đó không định hình được nếp sống đạo đức, nhất là nếp sống đạo đức Phật giáo có khả năng giới thiệu con đường sống đầy an lạc phù hợp mọi căn cơ, mọi không gian, thời gian với vùng văn hóa khác nhau, ngay giữa dòng sống vô thường. Ðúng như thông điệp của Ðức Phật: "Hãy du hành vì hạnh phúc của quần sanh, vì an lạc cho quần sanh, vì lòng thương tưởng cho đời, vì lợi ích, vì an lạc cho chư Thiên và loài người" (Tương Ưng 1, tr.128).

4. Thông điệp Phật giáo gởi đến con người là những tuyên bố về sự thật của cuộc đời, đấy cũng chính là sự thật về khổ đau và con đường đoạn diệt khổ đau. Ðiều này minh chứng chính Ðức Phật là hành giả đầu tiên đặt chân đến niềm hạnh phúc chân thật tối hậu. Về sau, các bậc Thánh đệ tử và rất nhiều hành giả đã đi qua, thực nghiệm đời sống tâm linh, hành trì để chứng đạt và tuyên thuyết về kết quả thành tựu năm pháp nói trên. Ðây chính là cơ sở để thiết lập những giá trị tâm linh đạo đức cao cả bằng cái nhìn chứng đạt sự thật các pháp là duyên sinh vô ngã. Con người nhất định sẽ được an lành và hạnh phúc dù ở bất cứ nơi đâu, nếu có một trái tim biết yêu thương và hiểu biết, định hướng tư duy vô ngã. Ðây sẽ là một giải pháp cho các vấn đề khủng hoảng môi sinh, sự băng hoại các giá trị đạo đức truyền thống do lòng tham, sân, si đem lại.

Cuối cùng, mỗi người cần tự suy ngẫm và thực hành theo pháp mà Ðức Phật dạy; bởi Ngài thuyết pháp để cho người biết, người thấy, không phải cho người không biết, không thấy; và pháp Ngài giảng là thiết thực và hiện tại có khả năng đưa chúng ta ngay bây giờ, ở đây đoạn tận khổ đau và mê lầm, sống an lạc, hướng tới giải thoát và giác ngộ chân lý cuộc đời. Do vậy, bao lâu chúng ta thực hành theo giáo lý của Ðức Phật, chắc rằng bấy lâu chúng ta sẽ an trú trong niềm hạnh phúc an lạc.

Thích Phước Ðạt
(Trích nguyệt san Giác Ngộ, số Xuân Canh Thìn, 2000)


Source: LotusNet Production, http://www.lotuspro.net/ 


[Trở về trang Thư Mục]