BuddhaSasana Home Page
This document is written in Vietnamese, with Unicode Times font


Lễ lạy

Thích Phổ Huân


 

Con người khi sinh ra đã có ngay bản tánh sân tham, cố chấp. Thảo nào mà hai bàn tay của em bé mới sinh thường hay nắm chặt lại. Nắm chặt lại như cố giữ cái sở hữu đã cố giữ từ tiền kiếp vô thỉ. Lại khi quờ quạng được vật gì là kéo bám vào mình. Không được như ý thì gào la hét khóc. Bản chất tham sân, ngã ái đã biểu hiện một cách rõ rệt ngay vừa lọt lòng mẹ. Rồi thời gian lớn lần, bản ngã tham sân cũng theo đó tăng trưởng, tạo nên lực mạnh vô hình khiến không một sức mạnh nào ngăn cản được.

Con người của lúc này đã có đầy đủ hiểu biết, kiến thức; có thể giải quyết, tạo dựng nhiều vấn đề trong cuộc sống. Tuy nhiên cũng trong lúc này, bản ngã tham sân đã kiên cố, biến thành bức thành trì định kiến vô tình ngăn chặn mọi tình cảnh hay đẹp trong cuộc sống nhân sinh. Ðể rồi tạo cho con người nuôi lớn bản ngã mang đầy bản tánh tự cao, ngã mạn. Từ bản chất như vậy, người ta đã xô đẩy đi nhiều mối thông cảm của mọi người chung quanh. Kết quả cuối cùng phải nhận lấy những thiệt thòi, đau thương do bản ngã tự đại, tự cao mà ra.

Trong đạo giáo dạy con người phải biết cung kính lễ lạy. Ðây là việc cần thiết cho cuộc sống tâm linh hầu quân bình lại mức độ nghiêng ngã về mặt tinh thần đối với thế giới vật chất. Lễ lạy không phải để van xin, quy lụy như môt số người tưởng. Lễ lạy để bày tỏ đức tính thương yêu, tôn kính. Con cái hiếu thảo có thể lễ lạy cha mẹ ngay trong lúc cha mẹ còn sống, để mừng tuổi thọ hay để tỏ lòng sám hối, thương kính. Người Phật tử quỳ lạy trước tôn tượng Phật, Bồ Tát để tỏ lòng tri ân, tôn kính như để biết ơn các Ngài đã khai mở con đường giải thoát cho chúng sanh.

Lễ lạy là sự thực hành tu tập thiết thực, không phải hình thức thường tình vô nghĩa. Người Phật tử càng hiểu biết Phật pháp càng nên thực hành lễ lạy nhiều hơn. Lễ lạy cần phải tha thiết chân thật, bày tỏ cả hai mặt thân và tâm. Thân trang nghiêm thế nào thì tâm phải nhiếp phục theo thế đó. Nếu để tâm phóng đi theo vọng tưởng trong lúc lễ lạy, thì lúc này chỉ còn là hình tướng, do vậy chẳng có ý nghĩa, công đức gì.

Lễ lạy còn quan trọng hơn, là đạp đi bản ngã, phá vỡ bức tường tự cao, ngã mạn làm ngăn chặn nhịp cầu khiêm cung, lễ nghĩa đối với các bậc tôn kính cũng như tất cả mọi người. Hình ảnh một đứa bé vòng tay cúi đầu chào người lớn tuổi, đó là cung cách lễ lạy thật đẹp giúp em nhỏ học cách đối xử nhân nghĩa. Phật tử chấp tay xá chào vị tu sĩ, và vị tu sĩ chấp tay đáp lễ cũng là một trong những cách cung kính chào hỏi trong ý nghĩa lễ lạy.

Nhận rõ ý nghĩa lễ lạy trong sự hiểu biết qua ý nghĩa tri ân, tương kính chúng ta mới thấy được giá trị hay đẹp của hành động lễ xá, bái lạy. Ngược lại chúng ta sẽ vô tình xem thường và cho đó là việc buộc làm, miễn cưởng hay vì sợ hải trước quyền lực vô hình của đấng tối cao, để hóa thành người mê mờ, nhẹ dạ.

Phật Ðản 1998
Thích Phổ Huân
Chùa Pháp Bảo,
Sydney, Australia


[Trở về trang Thư Mục]