BuddhaSasana Home Page
This document is written in Vietnamese, with Unicode Times font


Ðức Phật - Hiện thân của một con người

Thích Phước Ðạt


 

"Vị chiến thắng không bại,
Vị bước đi trên đời,
Không dấu tích chiến thắng,
Phật giới rộng mênh mông,
Ai dùng chân theo dõi,
Bậc không để dấu tích?" (Pháp cú, 179)

Ðức Phật, hiện thân của một con người. Lịch sử Ðức Phật Thích Ca là lịch sử của một con người, nhờ công phu tu tập đã trở thành bậc giác ngộ hoàn toàn. Ðây là hành trình thể nhập suối nguồn hạnh phúc từ trong hiện thực khổ đau của cuộc đời:

"Lang thang bao kiếp sống,
Ta tìm chưa chẳng gặp,
Người xây dựng nhà này,
Khổ thay phải tái sanh".  (Pháp cú, 153)

Giai điệu buồn tẻ ấy chính là khúc nhạc lòng tự bạch mà Thái tử Tất Ðạt Ða, con vua Tịnh Phạn và Hoàng hậu Ma Da, thốt lên khi còn sống trong cung vàng điện ngọc. Vượt qua bốn cửa thành "sanh, lão, bệnh, tử" để rồi suy tư, hành trì thiền định suốt bốn mươi chín ngày đêm dưới cội Bồ đề và trở thành bậc chánh đẳng chánh giác. Từ đây Ngài tuyên bố:

"Cửa vô sinh bất diệt đã mở cho tất cả chúng sanh. Hãy để cho ai có tai muốn nghe được hướng trọn niềm tin tưởng."

Như vậy, hiện thân đúc Phật Thích Ca là hiện thân của một con người lịch sử, vượt ra ngoài lớp sương mù huyền thoại. Chính đức Phật đã xác định Ngài hiện thân của một con người. Khi Bà la môn Dona tham vấn đức Phật: "Có phải Ngài là vị Tiên, Ngài là Càn thát bà, Ngài là Dạ xoa, hay Ngài là Người?". Với bốn câu hỏi này đức Phật đã lần lượt trả lời: "Ta không phải là Tiên, Ta không phải Càn thát bà, Ta không phải là Dạ xoa, Ta không phải là Người".

-- "Này Bà la môn, đối với những ai chưa đoạn tận được các lậu hoặc.,Ta có thể là chư Thiên với các lậu hoặc đã đoạn tận, được chặt đứt từ gốc rễ, được làm thành như cây Tala, được làm cho không thể hiện hữu, được làm cho không thể sanh khởi trong tương lai. Này Bà la môn, đối với những ai chưa đoạn các lậu hoặc, Ta có thể là Càn thát bà, Ta có thể là Dạ xoa, Ta có thể là loài Người với các lậu hoặc đã đoạn tận, được chặt đứt từ gốc rễ, được làm thành như cây Tala, được làm cho không hiện hữu, được làm cho không sanh khởi trong tương lai" (Tăng Chi, IV.36).

Tại đây, đức Phật khẳng định tùy theo tâm tưởng của chúng sanh đề cập đến mà Ngài hiện thân, điểm khác nhau giữa Ngài và các loài chúng sanh là Ngài đã đoạn tận các lậu hoặc. Ðối với những chúng sanh là chư Thiên chưa dứt trừ lậu hoặc, đức Phật là chư Thiên đã dứt trừ lậu hoặc. Cũng vậy, đối với những chúng sanh là người, đức Phật là người đã đoạn tận lậu hoặc. Con người của đức Phật giữa cuộc đời là ở điểm này. Vô minh, phiền não, quá khứ u buồn của sinh tử trầm luân được đoạn tận, để rồi Ngài "sinh ra trong đời, lớn lên trong đời, Ta sống chinh phục đời, không bị đời thấm ướt. Này Bà la môn, Ta là Phật, hãy như vậy thọ trì".

Như tiếng chuông đánh vào tâm thức mọi người, Ngài tự tuyên bố về mình: "Ta là Phật, hãy như vậy thọ trì", có nghĩa Ngài đã xác định chính vị trí con người là tối thượng, nhờ công phu tu tập trở thành bậc giác ngộ cho chính mình, và giải thoát khổ đau cho mọi người, mọi loài. Trầm tư về lời đối thoại giữa Ngài với Sàripùtta (Xá-lợi-phất), sẽ thấu hiểu điều này rất rõ:

-- "Những ai nói về Ta một cách chân chính sẽ nói như sau: Một vị hữu tình không bị ai chi phối, đã sanh ở đời vì lợi ích, vì hạnh phúc cho chúng sanh, vì lòng thương tưởng cho đời, vì lợi ích, vì an lạc cho chư Thiên và loài người".

Ðây là bức thông điệp của bậc chánh đẳng chánh giác từ một trái tim đến vạn trái tim. Tiếng nói của một con tim đầy yêu thương, đầy tình người được soi rọi bằng trí tuệ thực nghiệm thực chứng của quá trình dày công phu tu tập mà đức Phật trải qua. Tại đây, cách cửa bất tử mở toang đón nhận tất cả các loài, đặc biệt là loài người.

Lần nữa, đức Phật xác định sự hiện hữu của Ngài giữa cuộc đời là sự kiện vô cùng thù thắng, quý hiếm. Tái sanh làm thân người đã khó để rồi trở thành con người "giác ngộ" lại càng khó hơn. Ðức Phật hiện thân một con người, nhưng một con người đã giác ngộ, đã điều phục, đã tịch tịnh, đã vượt qua, đã chứng ngộ Niết bàn. Chúng ta cũng là những con người, con người đắm chìm trong các nẻo về của Tự ngã, của những cái "Tôi" tràn đầy, danh tướng hão huyền, hư vô phân biệt, nghĩa và vô nghĩa bám chặt.

Chính đức Phật đã đề cao giá trị tối thắng tự thân mỗi người đi từ ý nghĩa Nhân bản sang Phật bản. Nếu đức Phật được xưng tán là: "Thế Tôn đã giác ngộ, Ngài thuyết pháp để giác ngộ, Thế Tôn đã điều phục, Ngài thuyết pháp để tịch tịnh. Thế Tôn, Ngài thuyết pháp để tịch tịnh. Thế Tôn đã vượt qua. Thế Tôn đã chứng Niết bàn". Cũng vậy, tự thân mỗi người đã biết dụng công tu tập theo chánh pháp hành trì đời sống phạm hạnh thì sẽ trở thành bậc giác ngộ giải thoát như Ngài:

"Ai quy y đức Phật
Chánh pháp và chư Tăng
Ai dùng chánh tri kiến
Thấy được Bốn thánh đế
Thấy khổ và khổ tập
Thấy sự khổ vượt qua
Thấy dòng Thánh tám ngành
Ðưa đến khổ não tận". (Pháp cú, 190-191)

Sự chói sáng của đức Phật thực chất là sự trác tuyệt về con đường diệt khổ mà Ngài đã giảng dạy trong 45 năm thuyết pháp hoằng pháp độ sanh. Tất cả những người đi theo dấu chân, hành trì của Ngài thì sẽ đoạn tận khổ đau, giải thoát ngay giữa cuộc đời, không cần một đấng thần linh nào cứu rỗi:

"Nếu ai đi theo đường này
Ðau khổ được đoạn tận
Ta chỉ dạy con đường
Với trí, gai chướng diệt.
Hãy tự nhiệt tâm làm
Với trí gai chướng diệt
Hãy tự nhiệt tâm làm
Như Lai chỉ thuyết dạy
Tự hành trì thiền định
Thoát trói buộc ác ma". (Pháp cú, 275-276)

Ðức Phật dạy chúng ta hãy tin vào tự thân của chính mình, hãy tin khả năng mình, sau khi tự mình suy tư, tự mình chiêm nghiệm biết rõ:

-- Này, các Kàlàma, khi nào tự mình biết rõ như sau: "Các pháp này là pháp bất thiện, các pháp này là có tội; các pháp này bị các người có trí chỉ trích; các pháp này nếu được thực hiện và chấp nhận đưa đến bất hạnh khổ đau, thời này Kàlàma các người hãy từ bỏ chúng". Này các Kàlàma, khi nào tự mình biết rõ như sau: "Các pháp này là thiện; các pháp này là không có tội; các pháp này được người có trí tán thán, các pháp này nếu được thực hiện và chấp nhận đưa đến hạnh phúc và an lạc, thời này, Kàlàma, hãy chứng đạt và an trú". (Tăng Chi, I)

Chính tinh thần cao đẹp này đã trở thành truyền thống giáo dục Phật giáo đặc thù không thể lẫn lộn bất cứ nền giáo dục nào hiện hữu giữa cuộc đời này. Ðó là một nền giáo dục hoàn thiện được đặt trên nền tảng giá trị của tự thân của con người. Trong ý nghĩa đích thực, con người giáo dục là con người biết nương tựa vào chính mình, tự mình xây dựng hòn đảo riêng cho chính mình, chính mình là bậc đạo sư của mình:

"Ta hàng phục tất cả
Ta rõ biết tất cả
Không bị nhiễm pháp nào
Ta từ bỏ tất cả
Ái diệt tự giải thoát
Ðã tự mình thắng trí
Ta - Ai gọi thầy ta". (Pháp cú, 353)

Hôm nay, kỷ niệm ngày đản sanh của đức Từ phụ, chúng ta ghi lại vài cảm nhận về sự hiện hữu của Ngài giữa cõi đời này. Thật ra, không có một ngôn từ nào diễn tả đầy đủ công hạnh tu tập của Ngài. Chỉ những ai sống theo giáo pháp của Ngài, tu tập theo con đường giải thoát như Ngài mới có thể gần gũi bên Ngài.

Thích Phước Ðạt


Source: LotusNet Production, http://www.lotuspro.net


[Trở về trang Thư Mục]