BuddhaSasana Home Page
This document is written in Vietnamese, with Unicode Times font


Tương Ưng, IV.42.10

Về vấn đề thọ nhận vàng bạc

Giới thiệu: Trong bài kinh, Ðức Phật giảng về giới luật tu sĩ không được thọ nhận và cất giữ vàng bạc. Không giữ vàng bạc là một trong 10 giới luật căn bản của một tu sĩ Phật giáo, và cũng là một trong các giới Ưng xả đối trị (Nissaggiya pacittiya) của Tỳ khưu và Tỳ khưu ni.

Tương Ưng, IV.42.10

Manicùlaka
(Châu báu trên đỉnh đầu)

Samyutta Nikaya, IV.42.10

Maniculaka

1) Một thời Thế Tôn trú ở Ràjagaha (Vương Xá), Veluvana (Trúc Lâm), tại chỗ nuôi dưỡng các con sóc. 1) On one occasion the Blessed One was dwelling at Rajagaha in the Bamboo Grove, the Squirrel Sanctuary.
2) Lúc bấy giờ trong cung vua, quần thần nhà vua đang ngồi tụ họp, câu chuyện sau đây được khởi lên: "Các Sa-môn thuộc dòng Thích tử được phép dùng vàng bạc. Các Sa-môn Thích tử được giữ vàng bạc. Các Sa-môn Thích tử được nhận lấy vàng bạc". 2) Now on that occasion the members of the king's retinue had assembled in the royal palace and were sitting together when the following conversation arose: "Gold and silver are allowable for the recluses who are followers of the Sakyan scion; the recluses who are followers of the Sakyan scion consent to gold and silver; the recluses who are followers of the Sakyan scion accept gold and silver."
3) Lúc bấy giờ, thôn trưởng Manicùlaka đang ngồi trong hội chúng ấy. 3) Now on that occasion Maniculaka the headman was sitting in that assembly.
4) Rồi thôn trưởng Manicùlaka thưa với hội chúng ấy: "Các Tôn giả chớ có nói như vậy. Các Sa-môn Thích tử không được phép dùng vàng bạc. Các Sa-môn Thích tử không được giữ vàng bạc. Các Sa-môn Thích tử không được nhận lấy vàng bạc. Các Sa-môn Thích tử từ bỏ châu báu và vàng. họ đã ly khai vàng và bạc". Nhưng thôn trưởng Manicùlaka không có thể làm cho hội chúng ấy chấp nhận. 4) Then Maniculaka the headman said to that assembly: "Do not speak thus, masters. Gold and silver are not allowable for the recluses who are followers of the Sakyan scion; the recluses who are followers of the Sakyan scion do not consent to gold and silver; the recluses who are followers of the Sakyan scion do not accept gold and silver. They have renounced jewellery and gold; they have given up the use of gold and silver." And Maniculaka was unable to convince that assembly.
5) Rồi thôn trưởng Manicùlaka đi đến Thế Tôn; sau khi đến đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. 5) Then Maniculaka approached the Blessed One, paid homage to him, and sat down to one side.

6) Ngồi một bên, thôn trưởng Manicùlaka bạch Thế Tôn:

-- Ở đây, bạch Thế Tôn, trong cung vua, một số quần thần nhà vua đang ngồi tụ họp, và câu chuyện sau đây được khởi lên: "Các Sa-môn Thích tử được phép dùng vàng bạc. Các Sa-môn Thích tử được giữ vàng bạc. Các Sa-môn Thích tử được nhận lấy vàng bạc". Khi được nói vậy, bạch Thế Tôn, con nói với hội chúng ấy: "Các Tôn giả chớ có nói như vậy. Các Sa-môn Thích tử không được phép dùng vàng bạc. Các Sa-môn Thích tử không được giữ vàng bạc. Các Sa-môn Thích tử không được nhận lấy vàng bạc. Các Sa-môn Thích tử từ bỏ châu báu và vàng. Họ đã ly khai vàng và bạc". Nhưng bạch Thế Tôn, con không có thể làm cho hội chúng ấy chấp nhận.

Trả lời như vậy, bạch Thế Tôn, không biết con có nói đúng lời Thế Tôn? Con không xuyên tạc Thế Tôn với điều không thật? Con đã trả lời thuận pháp, đúng pháp và không một ai nói lời tương ứng đúng pháp có lý do để chỉ trích?

6) Sitting to one side, he reported to the Blessed One all that had happened, adding:

--"I hope, Venerable Sir, that when I answered thus I stated what has been said by the Blessed One and did not misrepresent him with what is contrary to fact; that I explained in accordance with the Dhamma, and that no reasonable consequence of my statement gives ground for criticism."

7) -- Trả lời như vậy, này Thôn trưởng, Ông nói đúng lời của Ta. Ông không xuyên tạc Ta với điều không thật. Ông đã trả lời thuận pháp, đúng pháp và không một ai nói lời tương ứng đúng pháp có lý do để chỉ trích. 7) --"For sure, headman, when you answered thus you stated what has been said by me and did not misrepresent me with what is contrary to fact; you explained in accordance with the Dhamma, and no reasonable consequence of your statement gives ground for criticism.
8) Này Thôn trưởng, các Sa-môn Thích tử không được phép dùng vàng bạc. Các Sa-môn Thích tử không được giữ vàng bạc. Các Sa-môn Thích tử không được nhận lấy vàng bạc. Các Sa-môn Thích tử đã từ bỏ châu báu và vàng bạc. Họ đã ly khai vàng và bạc. Ðối với ai được dùng vàng bạc, người ấy cũng được phép dùng năm dục trưởng dưỡng. Ðối với ai được phép dùng năm dục trưởng dưỡng, người ấy hoàn toàn thọ trì phi Sa-môn pháp, phi Thích tử pháp. 8) For, headman, gold and silver are not allowable for the recluses who are followers of the Sakyan scion; the recluses who are followers of the Sakyan scion do not consent to gold and silver; the recluses who are followers of the Sakyan scion do not accept gold and silver. They have renounced jewellery and gold; they have given up the use of gold and silver. If gold and silver are allowable for anyone, the five cords of sensual pleasure are allowable for him. If the five cords of sensual pleasure are allowable for anyone, you can definitely consider him to be one who does not have the character of a recluse or of a follower of the Sakyan scion.
9) Này Thôn trưởng, Ta nói như sau: Cỏ được đi tìm cầu bởi ai cần đến cỏ. Củi được đi tìm cầu bởi ai cần đến củi. Cỗ xe được đi tìm cầu bởi ai cần đến cỗ xe. Người được đi tìm cầu bởi ai cần đến người. Nhưng này Thôn trưởng, không bất cứ một lý do gì Ta nói rằng vàng, bạc được chấp nhận, được tìm cầu. 9) Further, headman, I say this: "Grass may be sought by one needing grass; wood may be sought by one needing wood; a cart may be sought by one needing a cart; a man may be sought by one needing a man". But I do not say that there is any method by which gold and silver may be consented to or sought.

(Hòa thượng Thích Minh Châu dịch Việt)

(English translation by Bikkhu Bodhi)

Ghi chú: Theo Tỳ khưu Bodhi,

- "Vàng bạc" (gold and silver) ở đây có thể hiểu theo nghĩa rộng là "tiền bạc" (money).
- "Năm dục trưởng dưỡng" (five cords of sensual pleasure, kamaguna): Dục lạc khởi từ mắt, tai, mũi, lưỡi, thân.


Tu sĩ và Tiền bạc

Tỳ khưu Brahmavamso
Tu viện Bodhinyana, Tây Úc.

... Trong bài viết này, tôi xin trình bày một vấn đề thường được bàn luận, đó là việc thọ nhận tiền bạc của hàng tu sĩ.

Vấn đề này đã được bàn cãi hơn 2.000 năm qua. Khoảng 200 năm sau khi Đức Phật nhập diệt, đã có một cuộc tranh luận rất lớn "... với các lời bàn cãi bất tận được sanh khởi nhưng không một lời phát biểu nào có ý nghĩa" (Tiểu Phẩm, Chương 12, Tạng Luật). Một trong những nguyên nhân chính của sự tranh luận này là vì có một hội chúng tỳ khưu đã thọ nhận tiền bạc, chống trái với giới luật. Các sự kiện về sự tranh luận nầy về sau được biết đến như là Nghị Hội Thứ Hai, và từ đó đưa đến việc phân chia tông phái trong Phật Giáo.

Vào thời đó, cũng như thời nay, không có lý do nào để nghi ngờ sự minh bạch về điều giới này, bởi vì lời tuyên bố của Đức Phật rất rõ ràng.

Tu sĩ Phật giáo, tỳ khưu và tỳ khưu ni, không được phép thọ nhận tiền bạc cho riêng mình. Các vị này cũng không được phép nhờ một cư sĩ thân tín nhận tiền bạc và giữ hộ cho mình (thí dụ như mở một tài khoản ngân hàng cho cá nhân). Điều giới cấm này có ghi rõ ràng trong điều khoản 18 trong phần Ưng xả đối trị (Nissaggiya Pācittiya) của Tạng Luật:

"Vị tỳ khưu nào nhận lấy hoặc bảo nhận lấy vàng bạc hoặc ưng thuận (vàng bạc) đã được mang đến thì (vật ấy) nên được xả bỏ và (vị ấy) phạm tội pācittiya (ưng đối trị)" (Tạng Luật, Tỳ khưu Indacanda dịch).

Các vị tu sĩ cũng không được phép mua bán trao đổi bằng tiền bạc. Đây là giới cấm thứ 19 trong phần Ưng xả đối trị:

"Vị tỳ khưu nào tiến hành việc trao đổi bằng vàng bạc dưới nhiều hình thức thì (vật ấy) nên được xả bỏ và (vị ấy) phạm tội pācittiya (ưng đối trị)" (Tạng Luật, Tỳ khưu Indacanda dịch).

Có người lý luận rằng hai điều luật trên chỉ liên hệ đến vàng bạc, nhưng cũng không thể biện minh cho quan kiến này. Giới luật tu sĩ có nói rõ ràng là hai điều giới trên bao gồm bất cứ vật nào hay phương cách nào dùng trong kinh doanh, nghĩa là tất cả các dạng thức trao đổi.

Có người muốn tránh giới luật này bằng cách nói rằng đây chỉ là giới nhỏ nhặt, không áp dụng được trong đời sống xuất gia ngày nay; bởi vì Đức Phật đã từng nói rằng Tăng đoàn "có thể bỏ các điều học nhỏ nhặt và ít quan trọng" (Tiểu Phẩm, Chương 11).

Thế nhưng, đây có phải là điều học nhỏ nhặt hay không?

- "Này các tỳ khưu, đây là bốn vật làm ô nhiễm đối với mặt trăng và mặt trời. Khi bị ô nhiễm bởi những vật làm ô nhiễm này, mặt trăng và mặt trời không còn cháy sáng, không còn rực rỡ, không còn chói lọi. Bốn vật ấy là gì? Mây là vật làm ô nhiễm ... sương mù là vật làm ô nhiễm ... khói bụi là vật làm ô nhiễm ... hiện tượng nguyệt và nhật thực là vật làm ô nhiễm đối với mặt trăng và mặt trời. Khi bị ô nhiễm bởi vật làm ô nhiễm này, mặt trăng và mặt trời không còn cháy sáng, không còn rực rỡ, không còn chói lọi.

Này các tỳ khưu, cũng tương tợ như vậy, đây là bốn vật làm ô nhiễm đối với sa-môn và Bà-la-môn. Khi bị ô nhiễm bởi những điều làm ô nhiễm này, các Sa-môn và Bà-la-môn không còn cháy sáng, không còn rực rỡ, không còn chói lọi. Bốn điều ấy là gì?

Này các tỳ khưu, có những Sa-môn và Bà-la-môn uống rượu, uống men say, không chừa bỏ việc uống rượu và men say ... có những Sa-môn và Bà-la-môn thực hiện việc đôi lứa, không chừa bỏ việc đôi lứa ... có những Sa-môn và Bà-la-môn thích thú vàng bạc, không chừa bỏ việc thọ lãnh vàng bạc .... có những Sa-môn và Bà-la-môn chấp nhận cuộc sống bằng sự nuôi mạng không chân chánh, không chừa bỏ sự nuôi mạng không chân chánh. Khi bị ô nhiễm bởi những điều làm ô nhiễm này, các Sa-môn và Bà-la-môn không còn cháy sáng, không còn rực rỡ, không còn chói lọi." (Tiểu Phẩm, Chương 12; Kinh Các Uế Nhiễm, Tăng Chi IV.50)

Rõ ràng, qua đoạn kinh trên, Đức Phật đã khẳng định giới luật cấm thọ nhận tiền bạc là một điều giới rất quan trọng.

Không thọ nhận tiền bạc luôn luôn là một trong các điều giới căn bản cho những ai đã xuất ly khỏi đời sống thế tục. Tiền bạc là mực thước của tài sản, và đối với nhiều người, tài sản vật chất là cứu cánh của đời sống. Khi vị tu sĩ khước từ tiền bạc, vị ấy chứng tỏ rõ ràng quyết định từ bỏ các mục tiêu trong thế tục. Chỉ một hành động đó, các vị ấy tách rời khỏi đa số quần chúng và trở thành một sự nhắc nhở thường xuyên, rằng đời sống dựa trên căn bản tranh giành để tích lũy tiền bạc không phải chỉ là một lối sống duy nhất. Qua hành động từ bỏ tiền bạc, các vị đó từ bỏ quyền lực để chi phối thế gian và để thỏa mãn dục lạc bản thân. Vì thế, có lần một thôn trưởng hỏi Đức Phật rằng các tu sĩ, nam và nữ, được quyền thọ nhận tiền bạc hay không, Ngài tuyên bố:

"Này Thôn trưởng, các Sa-môn Thích tử không được phép dùng vàng bạc. Các Sa-môn Thích tử không được giữ vàng bạc. Các Sa-môn Thích tử không được nhận lấy vàng bạc. Các Sa-môn Thích tử đã từ bỏ châu báu và vàng bạc. Họ đã ly khai vàng và bạc. Ðối với ai được dùng vàng bạc, người ấy cũng sẽ chấp nhận năm phần dục lạc. Ðối với ai chấp nhận năm phần dục lạc, người ấy hoàn toàn thọ trì phi Sa-môn pháp, phi Thích tử pháp." (Tương Ưng, IV.42.10; Tiểu Phẩm, Chương 12).

Bình Anson lược dịch
Perth, Tây Úc,
Tháng 10-2007


Ghi chú:

1) Nguyên tác Anh ngữ: Vinaya - Monks and Money, Ajahn Brahmavamso, Buddhist Society of Western Australia, Newsletter, January-March 1996.
2) Chúng tôi ghi thêm các đoạn kinh tương ứng để làm rõ nghĩa nội dung bài viết (Bình Anson).


Giới luật cấm thọ nhận vàng bạc - Duyên sự

Trích: "Phân tích giới Tỳ khưu - Chương Ưng xả, Phần Tơ tầm", Tạng Luật,
Tỳ khưu Indacanda dịch Việt (2006)

1) Ưng xả đối trị (nissaggiya pācittiya), điều 18

Lúc bấy giờ, đức Phật Thế Tôn ngự tại thành Rājagaha (Vương Xá), Veluvana (Trúc Lâm), nơi nuôi dưỡng các con sóc. Vào lúc bấy giờ, đại đức Upananda con trai dòng Sākya là vị thường tới lui với gia đình nọ và là vị nhận bữa ăn thường kỳ. Khi nào gia đình ấy có được vật thực loại cứng hoặc loại mềm, phần chia trong số đó được để dành cho đại đức Upananda con trai dòng Sākya. Vào lúc bấy giờ, gia đình ấy có được miếng thịt nhằm lúc chiều tối. Trong số đó, phần chia của đại đức Upananda con trai dòng Sākya được để dành lại. Đến canh cuối của đêm, đứa bé trai của gia đình ấy thức dậy khóc lóc rằng:

- Hãy cho con thịt.

Khi ấy, người đàn ông ấy đã nói với người vợ điều này:

- Hãy cho đứa bé phần chia của ngài đại đức. Sau khi mua phần khác tôi sẽ dâng ngài.

Sau đó vào buổi sáng, đại đức Upananda con trai dòng Sākya đã mặc y, cầm y bát, đi đến gia đình ấy, sau khi đến đã ngồi xuống trên chỗ ngồi được sắp đặt sẵn. Khi ấy, người đàn ông ấy đã đi đến gặp đại đức Upananda con trai dòng Sākya, sau khi đến đã đảnh lễ đại đức Upananda con trai dòng Sākya rồi ngồi xuống ở một bên. Khi đã ngồi xuống một bên, người đàn ông ấy đã nói với đại đức Upananda con trai dòng Sākya điều này:

- Thưa ngài, hôm qua lúc chiều tối có được miếng thịt. Trong số đó, phần chia của ngài đại đức đã được để dành. Thưa ngài, vào canh cuối của đêm, đứa bé trai này đã thức dậy khóc lóc rằng: "Hãy cho con thịt." Phần chia của ngài đại đức đã được cho đến đứa bé. Thưa ngài, hãy để vật gì đó được mang lại với một đồng  tiền (kahāpana)?

- Này đạo hữu, đồng tiền đã được ta từ bỏ.

- Thưa ngài, đúng vậy. Đã được từ bỏ.

- Này đạo hữu, hãy trao cho ta chính đồng tiền ấy.

Khi ấy, người đàn ông ấy đã trao đồng tiền cho đại đức Upananda con trai dòng Sākya rồi phàn nàn, phê phán, chê bai rằng:

- Chúng tôi nhận lãnh tiền bạc như thế nào thì các sa-môn Thích tử này thọ lãnh tiền bạc y như thế.

Các tỳ khưu đã nghe được người đàn ông ấy phàn nàn, phê phán, chê bai. Các tỳ khưu ít ham muốn, tự biết đủ, khiêm tốn, có hối hận, ưa thích sự học tập, các vị ấy phàn nàn, phê phán, chê bai rằng:

- Vì sao đại đức Upananda con trai dòng Sākya lại thọ lãnh tiền bạc?

Sau đó, các vị tỳ khưu ấy đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này Upananda, nghe nói ngươi thọ lãnh tiền bạc, có đúng không vậy?

- Bạch Thế Tôn, đúng vậy.

Đức Phật Thế Tôn đã khiển trách rằng:

- Này kẻ rồ dại, vì sao ngươi lại thọ lãnh tiền bạc vậy? Này kẻ rồ dại, sự việc này không đem lại niềm tin cho những kẻ chưa có đức tin, hay làm tăng thêm niềm tin của những người đã có đức tin. Này kẻ rồ dại, hơn nữa chính sự việc này đem lại sự không có niềm tin ở những kẻ chưa có đức tin và làm thay đổi (niềm tin) của một số người đã có đức tin.

Và này các tỳ khưu, các ngươi nên phổ biến điều học này như vầy: "Vị tỳ khưu nào nhận lấy hoặc bảo nhận lấy vàng bạc hoặc ưng thuận (vàng bạc) đã được mang đến thì (vật ấy) nên được xả bỏ và (vị ấy) phạm tội pācittiya (ưng đối trị)."

*

2) Ưng xả đối trị (nissaggiya pācittiya), điều 19

Lúc bấy giờ, đức Phật Thế Tôn ngự tại thành Sāvatthi, Jetavana, tu viện của ông Anāthapinika. Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu nhóm Lục Sư tiến hành việc trao đổi bằng vàng bạc dưới nhiều hình thức. Dân chúng phàn nàn, phê phán, chê bai rằng:

- Vì sao các sa-môn Thích tử lại tiến hành việc trao đổi bằng vàng bạc dưới nhiều hình thức, giống như những kẻ tại gia hưởng dục vậy?

Các tỳ khưu đã nghe được dân chúng phàn nàn, phê phán, chê bai. Các tỳ khưu ít ham muốn, tự biết đủ, khiêm tốn, có hối hận, ưa thích sự học tập, các vị ấy phàn nàn, phê phán, chê bai rằng:

- Vì sao các tỳ khưu nhóm Lục Sư lại tiến hành việc trao đổi bằng vàng bạc dưới nhiều hình thức?

Sau đó, các vị tỳ khưu ấy đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, nghe nói các ngươi tiến hành việc trao đổi bằng vàng bạc dưới nhiều hình thức, có đúng không vậy?

- Bạch Thế Tôn, đúng vậy.

Đức Phật Thế Tôn đã khiển trách rằng:

- Này những kẻ rồ dại, vì sao các ngươi lại tiến hành việc trao đổi bằng vàng bạc dưới nhiều hình thức? Này những kẻ rồ dại, sự việc này không đem lại niềm tin cho những kẻ chưa có đức tin, hay làm tăng thêm niềm tin của những người đã có đức tin. Này những kẻ rồ dại, hơn nữa chính sự việc này đem lại sự không có niềm tin ở những kẻ chưa có đức tin và làm thay đổi (niềm tin) của một số người đã có đức tin.

Và này các tỳ khưu, các ngươi nên phổ biến điều học này như vầy: "Vị tỳ khưu nào tiến hành việc trao đổi bằng vàng bạc dưới nhiều hình thức thì (vật ấy) nên được xả bỏ và (vị ấy) phạm tội pācittiya (ưng đối trị)."

*

3) Ưng xả đối trị (nissaggiya pācittiya), điều 20

Lúc bấy giờ, đức Phật Thế Tôn ngự tại thành Sāvatthi, Jetavana, tu viện của ông Anāthapiṇḍika. Vào lúc bấy giờ, đại đức Upananda con trai dòng Sākya là rành rẽ về việc may y. Vị ấy đã làm y hai lớp (saṅghāṭi) được nhuộm khéo léo và được sửa soạn khéo léo từ các loại vải cũ, sau khi làm xong đã khoác vào. Khi ấy, có vị du sĩ ngoại đạo nọ mặc tấm choàng trị giá cao đã đi đến gặp đại đức Upananda con trai dòng Sākya, sau khi đến đã nói với đại đức Upananda con trai dòng Sākya điều này:

- Này đại đức, y hai lớp này của ngài đẹp thật. Hãy đổi cho tôi với tấm choàng này.

- Này đạo hữu, hãy biết lấy.

- Này đại đức, được rồi. Tôi biết mà.

- Này đạo hữu, tốt thôi. Rồi đã trao đổi.

Sau đó, vị du sĩ ngoại đạo ấy đã khoác lên y hai lớp ấy rồi đi đến tu viện của các du sĩ ngoại đạo. Các du sĩ ngoại đạo đã nói với vị du sĩ ngoại đạo ấy điều này:

- Này huynh đệ, y hai lớp này của ngươi đẹp thật. Ngươi nhận được từ đâu vậy?

- Này các huynh đệ, đã được trao đổi bằng tấm choàng kia của tôi.

- Này huynh đệ, y hai lớp này của ngươi sẽ được bao nhiêu ngày? Chính tấm choàng kia của ngươi mới giá trị.

Khi ấy, vị du sĩ ngoại đạo ấy (nghĩ rằng): "Các du sĩ ngoại đạo đã nói sự thật. Y hai lớp này của ta sẽ được bao nhiêu ngày? Chính tấm choàng kia của ta mới giá trị" rồi đã đi đến gặp đại đức Upananda con trai dòng Sākya, sau khi đến đã nói với đại đức Upananda con trai dòng Sākya điều này:

- Này đại đức, đây là y hai lớp của đại đức. Hãy cho lại tôi tấm choàng.

- Này đạo hữu, không phải ta đã nói với đạo hữu rằng: "Này đạo hữu, hãy biết lấy." Ta sẽ không cho lại.

Khi ấy, vị du sĩ ngoại đạo ấy phàn nàn, phê phán, chê bai rằng:

- Ngay cả người tại gia còn cho lại vật ấy đến người tại gia có sự luyến tiếc. Sao vị xuất gia lại không cho lại vị xuất gia?

Các tỳ khưu đã nghe được vị du sĩ ngoại đạo ấy phàn nàn, phê phán, chê bai. Các tỳ khưu ít ham muốn, tự biết đủ, khiêm tốn, có hối hận, ưa thích sự học tập, các vị ấy phàn nàn, phê phán, chê bai rằng:

- Vì sao đại đức Upananda con trai dòng Sākya lại tiến hành việc mua bán với du sĩ ngoại đạo?

Sau đó, các vị tỳ khưu ấy đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này Upananda, nghe nói ngươi tiến hành việc mua bán với du sĩ ngoại đạo, có đúng không vậy?

- Bạch Thế Tôn, đúng vậy.

Đức Phật Thế Tôn đã khiển trách rằng:

- Này kẻ rồ dại, vì sao ngươi lại tiến hành việc mua bán với du sĩ ngoại đạo vậy? Này kẻ rồ dại, sự việc này không đem lại niềm tin cho những kẻ chưa có đức tin, hay làm tăng thêm niềm tin của những người đã có đức tin. Này kẻ rồ dại, hơn nữa chính sự việc này đem lại sự không có niềm tin ở những kẻ chưa có đức tin và làm thay đổi (niềm tin) của một số người đã có đức tin.

Và này các tỳ khưu, các ngươi nên phổ biến điều học này như vầy: "Vị tỳ khưu nào tiến hành việc mua bán dưới nhiều hình thức thì (vật ấy) nên được xả bỏ và (vị ấy) phạm tội pācittiya (ưng đối trị)."

-ooOoo-

PHỤ ĐÍNH

Các điều khoản tương đương trong các bộ Luật thuộc Hán tạng

1) Luật Hữu bộ:

Trong 30 pháp Ni-tát-kỳ Ba-dật-để-ca (nissaggiya pācittiya) của Luật Hữu bộ ("Căn bản thuyết nhất thế hữu bộ Tỳ-nại-da", Tỳ khưu Tâm Hạnh dịch):

- Bí-sô nào tự tay cầm vàng bạc, tiền, v.v... hay bảo người cầm, Ni-tát-kỳ Ba-dật-để-ca.

- Bí-sô nào đổi chác các thứ để cầu lợi, Ni-tát-kỳ Ba-dật-để-ca.

- Bí-sô nào buôn bán các thứ, Ni-tát-kỳ Ba-dật-để-ca.

2) Luật Ma-ha Tăng-kỳ (bản dịch của Hòa thượng Thích Phước Sơn):

Trong 30 pháp Ni-tát-kì Ba-dạ-đề (nissaggiya pācittiya):

- Nếu Tỉ-kheo tự tay cầm sinh sắc, tợ sắc hoặc sai người cầm nắm với ý tham trước thì phạm Ni-tát-kì Ba-dạ-đề.

- Nếu Tỉ-kheo mua bán các thứ thì phạm Ni-tát-kì Ba-dạ-đề.

- Nếu Tỉ-kheo mua bán các thứ sinh sắc, tợ sắc thì phạm Ni-tát-kì Ba-dạ-đề.

[Ghi chú: Sinh sắc chỉ cho vàng; Tợ sắc chỉ cho bạc; Sinh sắc tợ sắc chỉ cho các loại tiền tệ dùng ở thị trường.]

3) Luật Tứ phần (bản dịch của Hòa thượng Thích Trí Thủ):

Trong 30 pháp Ni-tát-kỳ Ba-dật-đề (nissaggiya pācittiya):

- Tỳ-kheo nào, tự tay cầm tiền, hoặc vàng, bạc hoặc bảo người cầm, hoặc để xuống đất mà nhận, Ni-tát-kỳ Ba-dật-đề.

- Tỳ-kheo nào, kinh doanh tài bảo dưới mọi hình thức, Ni-tát-kỳ Ba-dật-đề.

- Tỳ-kheo nào, kinh doanh mậu dịch dưới mọi hình thức, Ni-tát-kỳ Ba-dật-đề.

-ooOoo-


[Trở về trang Thư Mục]
updated: 02-11-2007