BuddhaSasana Home Page
This document is written in Vietnamese, with Unicode Times font


Kinh Khéo nói
(Subhasitâ)

Hòa thượng Thích Thiện Châu


I - Chánh kinh

Tại Sâvatthi, vườn Jeta.

Tại đây, Thế tôn gọi các Tỳ kheo: - này các Tỳ kheo - Vâng Thế tôn, các Tỳ kheo đáp Thế tôn.

Thế tôn nói như sau: Ðủ bốn đức tánh, các Tỳ kheo, lời nói được xem là lời lành, không phải lời ác, vô tội và không bị người trí chỉ trích. Những gì là bốn?

Các Tỳ kheo, Tỳ kheo nói lời lành, không lời ác; nói đúng pháp (1), không phi pháp; nói ái ngữ (2), không ác ngữ; nói đúng đắn, không sai quấy. Ðủ bốn đức tánh này, các Tỳ kheo, lời nói được xem là lời lành, không phải lời ác, vô tội và không bị người trí (3) chỉ trích.

Thế tôn nói như thế. Sau khi nói như thế, Thiện thệ (4) lại nói thêm: Thiện nhơn (5) nói rằng thứ nhất nói lời lành; thứ hai nói đúng pháp, chớ nói phi pháp; thứ ba nói ái ngữ, chớ nói ác ngữ; thứ tư nói chân thật, chớ nói sai quấy.

Lúc bấy giờ, tôn giả Vangisa từ chỗ ngồi đứng dậy, đắp thượng y trên một vai, chắp tay hướng về Thế tôn và bạch Thế tôn: Thế tôn soi sáng cho con, Thế tôn soi sáng cho con

Thế tôn nói: Vangisa, mong rằng ngươi được soi sáng.

Rồi tôn giả Vangisa tán thán trước mặt Thế tôn với những bài kệ thích đáng:

"Ai nói những lời không gây khổ cho mình, không làm hại kẻ khác, ấy là lời lành. Ai nói ái ngữ, lời làm người hoan hỉ. Lời nói không độc ác, ấy là ái ngữ, chân thật, lời bất tử, ấy là thường pháp. Thiện nhân an trú trong chân lý, nghĩa pháp. Lời Phật nói đưa đến Niết bàn an ổn. Chấm dứt khổ đau, ấy là lời tối thượng."

II - Chú thích

(1) Pháp: dịch từ Dhamma hay Dharma, có nghĩa là chân lý, sự thật về khổ, vô thường, vô ngã, là lời dạy của các bậc giác ngộ như bốn chân lý vi diệu, hay kết quả do thực hành theo chân lý như niết bàn.

(2) Ái ngữ là lời nói dễ nghe, dịu dàng, làm cho người nghe hoan hỉ.

(3) Người trí, chỉ các bậc có trí tuệ và đức hạnh.

(4) Thiện thệ (Sugata), một hiệu khác của Phật, có nghĩa là bậc đi trong đời một cách khéo léo không sai lầm, té ngã.

(5) Thiện nhân: dịch từ Santo. Có lẽ chữ Saint có gốc từ chữ Santo

III - Giải thích

Bài kinh này được rút ra từ Tương Ưng Bộ (Samyuttanikâya, PTS trang 188-189). Nội dung thật là dễ hiểu. Không có gì là lý thuyết mà rất là thực tiễn. Gồm những đạo lý để sống đẹp và ích.

Trong cuộc sống, con người có thể gây ra tội lỗi bằng hành động nơi thân hay bằng lời nói nơi miệng. Tuy nhiên so với thân thì miệng dễ gây nên tội lỗi hơn. Do đó khi nói đến tu dưỡng, chúng ta không những nên tu thân mà còn nên tu miệng và, cao hơn nữa, nên tu ý.

Về tu miệng, Phật dạy chúng ta "khéo nói" mà không dạy "cấm khẩu". Khéo nói là nói lời lành, nghĩa là nói những lời không gây khổ cho mình, không làm hại kẻ khác, nói đúng pháp, nghĩa là nói những điều hợp với chân lý khiến người nghe hết khổ được vui, nói ái ngữ, nghĩa là nói những lời dịu dàng, dễ nghe, vui lòng người; nói những điều đúng với sự thật, là không nói thêm bớt, không nói những điều sai quấy.

Ðức Phật, sau khi đắc đạo cho đến đêm viên tịch, suốt 45 năm, nói rất nhiều. Lời nói của Phật được ghi chép thành kinh điển (5 bộ kinh = 11 lần dày hơn Thánh kinh của Thiên Chúa giáo). Lời là đạo lý có khả năng giúp chúng ta đạt đến an vui lâu dài, Niết bàn. Bài kinh thực tiễn này cũng như bao nhiêu bài kinh khác của Phật quả thật là những lời nói khéo léo và quí báu đối với chúng ta, những kẻ đang sống trong thời đại ồn ào, đau khổ về những lời nói không khéo léo của chúng ta và những người chung quanh. Một câu nói không khéo có thể làm chết người, tan gia đình, sụp đổ nước nhà. Ngày nay, với kỹ thuật ấn loát, điện thoại, truyền thanh, v.v... những lời nói không khéo của văn nghệ sĩ và những người "quyền thế" có thể gây ra tai hoạ cho chính họ và loài người. Do đó, không chỉ những người tu hành mà tất cả những ai muốn sống đẹp ích đều nên tu hạnh khéo nói.

Thích Thiện Châu dịch từ Pâli


Source: Người Cư Sĩ, France, http://www.multimania.com/cusi/


[Trở về trang Thư Mục]

 last updated: 25-10-2002