Trang gốc

Trang web BuddhaSasana

VU Times font

 

BUDDHAGHOSUPPATTI
Cuộc Đời Ngài Buddhaghosa

Tỳ khưu Indacanda dịch

Lưu ý: Ðọc với phông chữ VU Times (Viet-Pali Unicode)


MỤC LỤC

Phần Giới Thiệu
Lời Mở Đầu

Chương 1: Thời niên thiếu của Buddhaghosa
Chương 2: Xuất gia trở thành tỳ khưu
Chương 3: Tiếp độ cha thoát ly tà kiến
Chương 4: Đi đến đảo Laṅkā (Tích Lan)
Chương 5: Trí tuệ nhạy bén của Buddhaghosa
Chương 6: Được phép phiên dịch Chú Giải
Chương 7: Hoàn tất việc phiên dịch
Chương 8: Về lại Jambudīpa và từ trần

-ooOoo-

PHẦN GIỚI THIỆU

Tác phẩm Buddhaghosuppatti là tài liệu dài nhất ghi lại cuộc đời của vị Chú Giải Sư vĩ đại Buddhaghosa. Ngài Buddhaghosa đã soạn nên bộ sách nổi tiếng Visuddhimagga (Thanh Tịnh Đạo) được đánh giá là cẩm nang tu tập cho hàng Phật tử xuất gia cũng như tại gia vì đã cô đọng lại những gì tinh hoa của lời Phật dạy. Ngài là vị đầu tiên đã tổng hợp lại các bộ Chú Giải đã có từ trước, trong đó đa phần được ghi lại bằng ngôn ngữ Sīhaḷa của xứ Tích Lan. Ngài đã hoàn tất phần chú giải về Tạng Luật và Tạng Diệu Pháp. Về Tạng Kinh, ngài đã hoàn tất phần chú giải của Kinh Trường Bộ, Kinh Trung Bộ, Kinh Tương Ưng Bộ, Kinh Tăng Chi Bộ, và một số thuộc về Kinh Tiểu Bộ.

Văn bản Buddhaghosuppatti được thực hiện do công sao lục và hiệu đính của học giả James Gray dựa vào các tài liệu tìm thấy ở Miến Điện. Theo phần mở đầu và kết thúc của văn bản này, chúng ta chỉ biết được câu chuyện này được “vị trưởng lão tên Mahāmaṅgala thuật lại đúng theo sự học hỏi từ các vị giáo thọ sư tiền bối” và có thể xác định được tài liệu này được thực hiện ở Sri Lanka nhờ vào chi tiết ghi rằng ngài trưởng lão Mahinda “đã thiết lập Giáo Pháp ở trên hòn đảo Tích Lan này.” James Gray cũng cho biết đã không tìm được tư liệu gì về vị trưởng lão Mahāmaṅgala cũng như văn bản Buddhaghosuppatti ở Sri Lanka và tỏ vẻ ngạc nhiên về điểm này. James Gray phỏng định rằng đây là vị Maṅgala sống vào khoảng thế kỷ thứ 13 là thầy dạy học của Videha và là tác giả của các tác phẩm Sidatsaṅgarava, Rasavāhinī, và Samantakūṭavaṇṇanā; các tác phẩm này không còn được lưu truyền đến ngày nay. Theo Dr. Somapala Jayawardhana, ở tác phẩm Jinakālamālī được thực hiện vào năm 1417 có đề cập đến tài liệu này, do đó điều được ghi nhận là tác phẩm Buddhaghosuppatti đã được thực hiện vào trước thời điểm trên. [1]

Về nội dung, tác phẩm Buddhaghosuppatti giới thiệu cho chúng ta một số tư liệu về cuộc đời của ngài Buddhaghosa không tìm thấy hoặc được trình bày hơi khác trong các tài liệu như Mahāvaṃsa, Sāsanavaṃsa, Saddhammasaṅgaha, v.v... ví dụ như tên cha và mẹ của ngài Buddhaghosa, việc được thỉnh cầu và hạ sanh từ cõi trời Đạo Lợi, sự thông thạo về kinh Vệ Đà, câu chuyện cậu bé Ghosa và vị đại trưởng lão, sự xuất gia và học tập Tam Tạng lúc còn nhỏ tuổi, việc thọ tỳ khưu giới, ý nghĩ xúc phạm đến thầy tế độ và nguyên do của việc đi đến hòn đảo Laṅkā, việc tế độ người cha thoát khỏi tà kiến, cuộc trao đổi giữa hai vị trưởng lão Buddhaghosa và Buddhadatta ở giữa biển khơi, việc chứng kiến hai người nữ tỳ dòng bà-la-môn mắng nhiếc lẫn nhau, được đức vua biết đến, việc giải thích điểm khúc mắc cho vị Tăng Thống, chi tiết về việc thực hiện tác phẩm Visuddhimagga đến ba lần, việc cư ngụ ở Lohapāsāda (Lâu đài bằng đồng), câu chuyện cúng dường của người thợ trèo cây thốt-nốt, buổi thuyết giảng Giáo Pháp bằng ngôn ngữ Saṅkrit, bốn đặc điểm kỳ diệu ở Buddhaghosa, sự cúng dường Pháp bảo, trở về lại Jambudīpa thăm lại thầy tế độ và song thân, từ trần và tái sanh vào cõi trời Đẩu Suất, việc trở thành Tối Thượng Thinh Văn của đức Phật Metteyya (Di Lặc) trong ngày vị lai. Tuy nhiên, trong câu chuyện này một số chi tiết có tính cách huyền học đã được hư cấu thêm, đồng thời một số tư liệu xét rằng không được chính xác nếu so sánh với các dữ kiện đã được các nhà học giả đương thời xác định.

Trong bản dịch tiếng Việt, các câu kệ thơ Pāli được ghi lại bằng văn xuôi và trình bày chữ nghiêng; mỗi câu kệ Pāli tương đương với hai hoặc ba dòng văn Việt được trình bày thành từng đoạn tách biệt. Các câu đối thoại cũng được trình bày chữ nghiêng trong ngoặc kép và không xuống hàng sau mỗi lời nói của từng nhân vật.

Mục đích của chúng tôi trong khi nghiên cứu tài liệu này nhằm tìm hiểu về văn phong Pāli qua các thời kỳ khác nhau nên thời gian đầu tư cho công việc ghi lại tiếng Việt của tài liệu này rất hạn chế, vì thế không tránh khỏi nhiều điều sai sót. Ngưỡng mong quý độc giả niệm tình hỷ xả. Mọi sự góp ý phê bình xin email về: dinda@u.washington.edu

Nhân đây, chúng tôi cũng xin chân thành tán dương sự sách tấn và ủng hộ của các vị: Ven. Khánh Hỷ, Ven. Chánh Kiến, Sư Cô Diệu Linh, Sư Cô Hạnh Bửu, Dr. Bình Anson, Chú Nguyễn Hữu Danh, Anh Phạm Trọng Độ, Bà Nguyễn văn Chuân, Bà Ba Diệu Đài, Bà Diệu Giới, gia đình Cô Sáu Dép, Cô Tư Khánh Huy, Cô Lê Thị Huế, gia đình Trương Tuyết Anh, Phật tử Ngọc Ngân, v.v... Thành tâm cầu chúc quý vị luôn đạt được nhiều hạnh phúc trong cuộc sống thế gian và thể nhập niềm an lạc vô biên trên bước đường tu tập giải thoát.

Công đức này xin dâng đến Hòa Thượng trụ trì và chư Tăng chùa Sri Jayawardhanaramaya, Colombo, Tích Lan, đã bảo bọc và tạo điều kiện thuận lợi cho chúng tôi trong công việc tu học và nghiên cứu Phật Pháp trong thời gian qua.

Mong sao hết thảy chúng sanh đều được tiến hóa trong ánh hào quang của Chánh Pháp.

Colombo, ngày 24 tháng 02 năm 2005
Bhikkhu Indacanda
(Trương đình Dũng)

-ooOoo-

 Kính lễ đức Thế Tôn, bậc A-la-hán, đấng Chánh Biến Tri!

LỜI MỞ ĐẦU

Tôi xin đảnh lễ Tam Bảo là nguồn thanh lọc mọi điều ác xấu rồi sẽ trình bày cuộc đời của ngài Buddhaghosa đúng theo sự thật.

Hỡi các bậc hiền nhân đạo đức, các vị là những người thiện tri thức đã bỏ qua công chuyện khác và tụ hội lại. Xin các vị hãy chú tâm lắng nghe câu chuyện ấy.

Và những ai lắng nghe Chánh Pháp rồi giảng giải lại và thực hành theo sẽ được ngợi khen trong đời hiện tại và sẽ chứng đạt Niết Bàn trong ngày vị lai.

Vì thế, các vị hãy chăm chú lắng nghe cuộc đời ngài Buddhaghosa. Cuộc đời của ngài đã được tiên đoán bởi bậc Chánh Đẳng Giác và là nguồn đem lại niềm an lạc cõi trời và giải thoát.

-ooOoo-

 

CHƯƠNG I: THỜI NIÊN THIẾU CỦA BUDDHAGHOSA

Như thế, vào khoảng năm thứ 236 kể từ khi bậc Chánh Đẳng Giác viên tịch Niết Bàn, đại đức trưởng lão Mahinda cùng với các vị có thần thông đã đi đến và trong lúc cư ngụ đã thiết lập Giáo Pháp ở trên hòn đảo Tích Lan này. Hơn nữa, sau khi đã thiết lập Giáo Pháp và trong lúc tồn tại cho đến hết tuổi thọ, trưởng lão Mahinda đã thuyết giảng cho nhiều người, đã gieo niềm tin cho nhiều người, rồi đã viên tịch Niết Bàn vào cảnh giới Niết Bàn không còn dư sót. Vị trưởng lão tên Buddhaghosa đã xuất hiện vào sau thời kỳ của vị ấy. Và việc xuất hiện của vị ấy được biết đến như thế nào?

Nghe rằng, vào một thời kỳ nọ, ở không xa cội Đại Bồ Đề có ngôi làng tên là Ghosa. Tại sao? Ngôi làng có tên là làng Ghosa vì đó là chỗ trú ngụ đông đúc của nhiều đứa trẻ chăn bò. Đức vua đã trị vì vương quốc ở tại nơi ấy. Vị bà-la-môn tên Kesī là quân sư của đức vua và còn là vị thầy giỏi giang, đáng quý, đáng mến. Vợ của vị ấy tên là Kesiṇī. Về việc ấy, người xưa đã nói rằng:

Vị bà-la-môn tên là Kesī được đức vua yêu quý, mến chuộng.
Và hàng ngày vị ấy dạy cho đức vua ba bộ Vệ Đà.
Vợ của vị ấy là nữ bà-la-môn khôn khéo tên Kesiṇī,
là người siêng năng, được vị bà-la-môn yêu thương, và còn quý trọng nữa.

Tuy nhiên, vào lúc bấy giờ, do việc học tập Phật Pháp được giảng dạy bằng ngôn ngữ Sīhaḷa[2] nên những người ở các xứ khác không biết đến việc học tập Phật Pháp. Khi ấy, có vị trưởng lão nọ có thần thông và hoàn toàn đoạn tận các lậu hoặc nhận thấy nguyên nhân ấy nên đã suy nghĩ rằng: “Có vị đại trưởng lão nào sẽ phiên dịch lời giảng dạy của đức Thế Tôn từ ngôn ngữ Sīhaḷa rồi giảng dạy bằng ngôn ngữ của xứ Magadha hay không?” Hơn nữa, sau khi suy nghĩ vị trưởng lão đã nhìn thấy thiên tử Ghosa đang ngụ tại cõi trời Đạo Lợi có khả năng phiên dịch lời giảng dạy của đức Thế Tôn từ ngôn ngữ Sīhaḷa và giảng dạy bằng ngôn ngữ của xứ Magadha. Rồi ngay trong lúc đang suy nghĩ, vị trưởng lão đã hiện ra trước mặt Chúa Trời Sakka ở cung trời Đạo Lợi.

Chúa Trời Sakka cũng đã đảnh lễ vị trưởng lão rồi hỏi rằng: “Bạch ngài, ngài đi đến đây vì lý do gì?” Vị ấy đã đáp rằng: “Tâu đại vương, hiện nay Giáo Pháp của đức Thế Tôn là khó hiểu đối với những người xứ khác vì được giảng dạy bằng ngôn ngữ Sīhaḷa. Vả lại, ở cung trời Đạo Lợi có một vị thiên nhân gọi là thiên tử Ghosa là vị có trí tuệ vì được tái sanh với ba nhân thiện và có được sự chuẩn bị trong thời chư Phật quá khứ; vị ấy có khả năng phiên dịch lời giảng dạy của đức Thế Tôn từ ngôn ngữ Sīhaḷa và giảng giải bằng ngôn ngữ của xứ Magadha.”

Chúa Trời Sakka cũng đã nói rằng: “Bạch ngài, nếu là vậy thì xin ngài hãy cùng đi,” rồi đã đến gặp thiên tử Ghosa, ôm vai, và nói rằng: “Thiên tử quý mến, có một vị đại trưởng lão hoan hỷ với ngài và muốn ngài hạ sanh vào thế giới loài người.”

Vị ấy đã đồng ý (nói rằng): “Tâu thiên vương, thần mong muốn sanh về cõi trời cao hơn. Tại sao cuộc sống ở thế giới loài người lại có nhiều khổ đau và có nhiều xáo trộn? Do đó, thần không muốn đi đến thế giới loài người. Tuy nhiên, nếu Giáo Pháp của đức Thế Tôn là khó hiểu đối với những người xứ khác thì thần sẽ đi đến thế giới loài người.

Sau khi nhận được sự đồng ý của vị ấy, Chúa Trời Sakka đã thông báo cho vị trưởng lão. Vị trưởng lão ấy đạt được sự đồng ý của vị thiên tử cũng đã trở về lại (trần gian).

Vào lúc bấy giờ, vị trưởng lão ấy là bạn bè thân thuộc của bà-la-môn Kesī. Vào lúc hừng sáng, vị ấy đã cầm lấy y và bình bát đi đến nhà của vị bà-la-môn để thọ thực. Sau bữa ăn, vị trưởng lão đã nói với vị bà-la-môn rằng: “Vào ngày thứ bảy kể từ ngày hôm nay, ông chớ có xao lãng. Ông sẽ có được người con trai đại phước đại trí.” Nói xong, vị trưởng lão đã ra đi.

Vào ngày thứ bảy, thiên tử Ghosa đã chú nguyện, rồi mệnh chung, và đã tái sanh vào trong bụng của nữ bà-la-môn Kesiṇī. Vị ấy đã lọt lòng mẹ sau mười tháng. Vào lúc sanh ra, gia nhân của vị bà-la-môn gồm có các đầy tớ và những người làm công, v.v... đã mời mọc lẫn nhau bằng những âm thanh và lời nói như là: “Hãy ăn đi, hãy uống đi, v.v...”; vì thế, họ đã đặt tên cho đứa bé là “Bé trai Ghosa.”[3]

Tuy mới được bảy tuổi, đứa bé trai ấy đã học các bộ Vệ Đà và chỉ trong vòng bảy năm đã đạt được sự thông thạo cả ba bộ Vệ Đà. Vào một ngày nọ, cậu bé bà-la-môn Ghosa đã ngồi ở bệ tượng thần Visnu và ăn đậu. Khi ấy, các vị bà-la-môn khác nhìn thấy cậu bé Ghosa ấy ngồi ở bệ tượng thần Visnu đang ăn đậu khiến họ trở nên vô cùng giận dữ nói rằng: “Này, thằng bé Ghosa, tại sao mày lại ngồi ăn đậu ở bệ tượng thần giáo thọ Visnu của bọn ta vậy? Hơn nữa, nếu không biết gì đến sự tự trọng thì làm sao ngươi hiểu được ba bộ Vệ Đà?” Ghosa vẫn ngồi ở bệ tượng thần Visnu vừa ăn đậu vừa hỏi về sự việc có liên quan đến Visnu và đã nói lên lời kệ này:

Hạt đậu cũng có tên là Visnu; vậy vật được gọi là Visnu là vật nào?
Trong cả hai vật này, làm thế nào tôi biết vật nào là Visnu?

Nghe được điều ấy, các vị bà-la-môn đã nhìn mặt lẫn nhau không thể thốt lên câu trả lời nên đành im lặng. Sau đó, các vị bà-la-môn khác đã kể lại sự việc ấy cho bà-la-môn Kesī. Bà-la-môn Kesī đã hỏi con trai của mình rằng: “Này con, có phải con đã làm như thế?” “Thưa cha, đúng vậy.” Bà-la-môn Kesī đã xoa dịu các vị bà-la-môn rằng: “Hãy nhìn tôi đây, xin chớ có giận. Nó còn nhỏ dại đâu có biết gì,” rồi đã dàn hòa.

Vào một ngày nọ, khi đi đến để giảng dạy bộ Vệ Đà cho đức vua, bà-la-môn Kesī đã dẫn theo đứa con trai của mình để cho nó học hỏi thêm. Cậu bé bà-la-môn Ghosa đã cầm lấy tấm da dê lót ngồi rồi cùng đi với người cha. Ngay trong lúc đang giảng giải cho đức vua, vị bà-la-môn đã gặp phải điểm khúc mắc trong một chương của bộ Vệ Đà. Vị bà-la-môn đã không hiểu được ý nghĩa hay nội dung và có điều nghi ngờ nên đã xin phép đức vua rồi quay trở về nhà của mình.

Ghosa nhận biết cha mình không hiểu được điểm khúc mắc nên đã dùng trí tuệ bản thân phân tích điểm khúc mắc ấy rồi ghi vào cuốn sách và để đó. Ngay khi vừa nhìn thấy dòng chữ ấy, bà-la-môn Kesī đã hiểu được ý nghĩa và nội dung của các bộ Vệ Đà nên đã mừng rỡ. Điểm khúc mắc ấy đã trở nên minh bạch ở trong trí của vị bà-la-môn ấy. Khi ấy, bà-la-môn Kesī ấy đã hỏi các người hầu rằng: “Dòng chữ này đã do ai viết?” Các người hầu đã đáp rằng: “Thưa chủ nhân, còn ai viết dòng chữ ấy ngoài người con trai của chủ nhân.” Bà-la-môn Kesī đã hỏi con trai của mình rằng: “Này con, có phải con đã viết dòng chữ ấy?” Ghosa đã đáp rằng: “Thưa cha, đúng vậy.”

Vô cùng mừng rỡ, vị bà-la-môn trong lúc ca ngợi người con trai của mình đã thốt lên hai câu kệ rằng:

Dầu con còn trẻ tuổi nhưng đã nổi tiếng là ‘người có trí tuệ.’
Người nào có được con trai giống như con, người ấy là người xuất sắc và đứng đầu thiên hạ.
Giờ đây, con thật hạnh phúc khi đã đạt được địa vị như là bất tử.
Chính con mới là cha của ta, và ta giống như là con trai của con vậy.

Sau khi ca ngợi người con trai của mình như vậy, vị ấy đã trình lên đức vua. Đức vua sau khi nghe được điều ấy đã trở nên vô cùng mừng rỡ, ôm choàng lấy Ghosa, siết chặt, rồi hôn ở đầu, và nói rằng: “Này khanh yêu quý, khanh hãy là con trai của trẫm; trẫm sẽ là cha của khanh.” Nói xong, đã thốt lên lời kệ này:

Này khanh, khanh có trí tuệ cao quý và là hạng nhất trong số các bà-la-môn. Trẫm hoan hỷ với trí tuệ của khanh và ban cho khanh ngôi làng thượng hạng.

Hoàn tất phần chuyện của chương thứ nhất
về thời niên thiếu của Buddhaghosa.

-ooOoo-

 

CHƯƠNG II: XUẤT GIA TRỞ THÀNH TỲ KHƯU

Từ đó trở đi, trong lúc học tập kinh Vệ Đà cậu bé bà-la-môn đã học thuộc lòng sáu ngàn câu kinh Vệ Đà mỗi ngày. Vào một ngày nọ, vị đại trưởng lão đã đi đến gia đình người bạn là bà-la-môn Kesī để thọ dụng bữa ăn thường kỳ của bản thân và đã đứng ở giữa căn nhà. Khi ấy, một thanh niên bà-la-môn đã mang lại tấm lót ngồi của cậu bé bà-la-môn Ghosa trải ra rồi thỉnh vị đại trưởng lão ngồi. Vị đại trưởng lão vẫn tỏ vẻ thản nhiên và đã ngồi lên tấm lót ngồi của cậu bé bà-la-môn Ghosa. Sau đó, khi nhìn thấy vị đại trưởng lão ấy đang ngồi lên tấm lót ngồi của bản thân, cậu bé bà-la-môn Ghosa đã trở nên vô cùng giận dữ giống như là con rắn con bằng ngón tay cái đang bị đánh đập. Giận dỗi vì điều ấy, cậu bé đã tắt hẳn nụ cười và đã thóa mạ vị đại trưởng lão rằng: “Lão sa môn trọc đầu này vô liêm sĩ, không biết tự lượng bản thân! Tại sao cha của ta lại phải nuôi ăn? Người này có biết về kinh Vệ Đà không? Hay là có biết về loại chú thuật nào khác?” Tuy nhiên, sau khi mắng mỏ lại suy nghĩ như vầy: “ Ta sẽ hỏi lão sa môn trọc đầu về kinh Vệ Đà khi lão đã ăn xong và đã rời bàn tay khỏi bình bát.”

Sau đó, khi vị đại trưởng lão đã thọ thực xong, bàn tay đã rời khỏi bình bát và còn đang ngồi, cậu bé đã hỏi rằng: “Này ông trọc đầu, ông có biết về kinh Vệ Đà không? Hoặc có biết về loại chú thuật nào khác không?

Nghe được điều ấy, vị đại trưởng lão đã kiềm lại nỗi vô cùng mừng rỡ và nói rằng: “Này con Ghosa, ta biết về kinh Vệ Đà của con, và ta còn biết loại chú thuật khác nữa.”

Cậu bé đã nói rằng: “Nếu ông biết về kinh Vệ Đà thì hãy đọc lên.

Khi ấy, vị đại trưởng lão đã đọc tụng ba bộ Vệ Đà. Sau khi đã đề cập phần đầu, phần giữa, và phần cuối của ba bộ Vệ Đà, vị ấy đã khéo phân tích và đọc tụng kinh Vệ Đà được ví như là cuộn chỉ rối đã được bậc trí tuệ tháo gỡ. Khi hoàn tất việc đọc tụng, vị trưởng lão đã súc miệng với nước từ trong bình nước của mình rồi đã ngồi xuống.

Cậu bé đã nhìn vị trưởng lão tỏ vẻ hổ thẹn, rồi lại nói rằng: “Này ông trọc đầu, tôi muốn biết chú thuật của ông. Ông hãy đọc chú thuật của ông đi.

Để làm hài lòng cậu bé, vị trưởng lão đã đọc các đầu đề của Vi Diệu Pháp: “Các pháp thiện, các pháp bất thiện, các pháp vô ký.”[4] Ngay từ ban đầu, trong lúc phân tích ý nghĩa của ba đầu đề trên, vị trưởng lão đã nói rằng: “Này con Ghosa, gọi là pháp thiện nghĩa là có đặc điểm đưa đến kết quả tốt và không có tội, có tính chất tiêu diệt điều xấu, là pháp đưa đến sự trong sạch, là nền tảng căn bản cho việc đạt đến kết quả tốt, và làm cho thành tựu cõi trời. Gọi là pháp bất thiện nghĩa là có đặc điểm đưa đến kết quả xấu và có tội, có tính chất là sự không trong sạch, là nền tảng căn bản của việc suy nghĩ không đúng đắn, và làm cho thành tựu cõi khổ. Gọi là pháp vô ký nghĩa là có đặc điểm không liên quan đến hai pháp trên, hoặc là không đưa đến nghiệp quả với sự nâng đỡ pháp thiện lẫn pháp bất thiện.

Đấng Mâu Ni, bậc đã chế ngự các giác quan, đã nói lời rằng: ‘Nhờ vào thiện pháp mà luôn luôn thành tựu bốn cảnh giới tốt đẹp;’[5] ta đã đạt được điều ấy. Kẻ ác đã nói rằng: ‘Tâm ý ác trong các ác pháp và phi ác pháp;’ ta đã vượt qua điều ấy nhờ vào sự đoạn tận các ác pháp và phi ác pháp.

Là vị giảng giải và phân tích về hành và vô hành, đấng Chiến Thắng đã nói về tâm hành và tâm vô hành. Trong vấn đề hành hoặc vô hành đối với các pháp tốt đẹp hoặc không tốt đẹp, ta đã vượt qua trạng thái hành và vô hành ấy.

Vị đại trưởng lão đã nói rằng: “Hết thảy có hai mươi mốt tâm thiện, mười hai tâm bất thiện, ba mươi sáu tâm dị thục, hai mươi tâm duy tác,” rồi đã giảng giải về Chánh Pháp. Sau khi lắng nghe đầu đề về Vi Diệu Pháp, Ghosa đã bối rối nói rằng: “Này ông, chú thuật của ông có tên là gì vậy?” “Này con, điều này được gọi là chú thuật của đức Phật.” Ghosa đã hỏi rằng: “Vậy người tại gia như tôi có thể học tập chú thuật của đức Phật hay không?” Vị đại trưởng lão đã nói rằng: “Chỉ có người xuất gia như ta mới có thể học tập chú thuật của đức Phật bởi vì bản thể của người tại gia không được thanh tịnh và có nhiều điều chướng ngại.

Vào một ngày nọ, trong lúc quán xét về các vấn đề trong ba bộ Vệ Đà, Ghosa đã nhìn ra phần đầu, phần giữa, và đã suy nghĩ: “Không có phần cuối!” rồi đã thốt lên lời cảm hứng rằng:

Phật Pháp là vô giá
khiến ta được hoan hỷ.
Nương tựa vào Pháp Phật
mọi khổ sầu tiêu tan.

Hơn nữa, Ghosa sau khi suy tính đã đi đến lạy cha mẹ và xin phép xuất gia. Bị song thân từ chối, Ghosa đã liên tục nài nỉ và còn nói rằng: “Thưa cha mẹ, sau khi xuất gia với vị đại trưởng lão và học tập chú thuật của đức Phật, khi đã ghi nhớ nằm lòng thì con sẽ hoàn tục rồi quay về lại.”

Sau đó, người cha và người mẹ đã mang theo vật cúng dường và đưa Ghosa đi đến chỗ trú ngụ của vị đại trưởng lão trình bày rằng: “Bạch ngài, đứa cháu trai này của ngài có ý muốn được xuất gia với ngài, xin ngài hãy xuất gia cho nó.”

Khi ấy, vị trưởng lão đã cạo sạch râu tóc cho cậu bé và đã tẩy uế mùi tại gia thế tục bằng các loại bột trầm hương tẩm nước, sau đó đã cho quấn vải trắng, trao cho đề mục thiền về thể trược, và đã cho xuất gia.

Bạch ngài, đề mục thiền về thể trược là thế nào?” Vị trưởng lão đã nói rằng: “Tóc, lông, móng, răng, da.” Rồi đã nói thêm: “Hơn nữa, tất cả chư Phật đều không xao lãng đề mục thiền về thể trược. Chính tất cả chư Phật khi ngự trên bảo tọa giác ngộ đều nương tựa vào đề mục thiền về thể trược, sau đó đã dùng trí tuệ thể nhập ba tướng trạng[6] rồi chứng đắc quả vị A-la-hán. Vì thế, đức Thế Tôn đã nói rằng:

‘Đấng Toàn Giác đã dạy
đề mục thiền thể trược.
Người hành thiền thể trược
thoát khỏi mọi khổ đau.

Bởi thế, nên tu tập,
triển khai thiền thể trược
cao quý và toàn thiện,
sẽ chứng đạt Niết Bàn.’”

Sau khi nghe được điều ấy và trong lúc tu tập thiền về đề mục thể trược, Ghosa đã vững tin vào Tam Bảo, đã thọ trì mười giới, đã làm sanh lên ba hiện tướng trong năm nghiệp xứ, và có được niềm tin bất động vào Giáo Pháp của đức Phật. Sau khi thành tựu được niềm tin, Ghosa đã nói với vị trưởng lão ấy rằng: “Bạch ngài, con đã hiểu rằng Giáo Pháp của đức Phật làm chấm dứt luân hồi và là nguyên nhân của sự tiêu diệt các khổ đau do sự tái sanh trong các cõi. Còn kinh Vệ Đà của con thì vô vị, rỗng tuếch, và không ổn định nên các thánh nhân như chư Phật, v.v... đã chối từ.”

Và Ghosa đã thành tựu việc xuất gia. Từ đó trở đi, mỗi một ngày Ghosa đã học thuộc lòng sáu mươi ngàn câu kệ ngôn, và đã học hỏi hoàn tất Tam Tạng chỉ trong một tháng. Sau khi đã học xong Tam Tạng và đến khi đủ tuổi đã được tu lên bậc trên và đạt được tứ tuệ phân tích. Và vị ấy được nổi tiếng ở toàn thể xứ Jambudīpa với danh hiệu là Buddhaghosa. Vị ấy đã được chư thiên và nhân loại thương yêu quý mến. Các tài liệu cổ có đề cập rằng:

Sanh lên trong dòng tộc bà-la-môn ở vùng lân cận cội Đại Bồ Đề, vị có tên là Buddhaghosa được ví như là vị Phật ở trên trái đất. Vị ấy được chư thiên và nhân loại tôn vinh, được các bà-la-môn tôn vinh, được hội chúng tỳ khưu tôn vinh. Vị ấy đã đạt được sự tôn vinh trường cửu.

Hoàn tất phần chuyện của chương thứ nhì
về việc trưởng lão tên Buddhaghosa
được thầy tế độ cho xuất gia và tu lên bậc trên.

-ooOoo-

 

CHƯƠNG III: TIẾP ĐỘ CHA THOÁT LY TÀ KIẾN

Vào một ngày nọ, trong lúc đang thiền tịnh ở nơi thanh vắng, ý nghĩ suy tầm đã khởi đến Buddhaghosa rằng: “Về phương diện Phật Pháp trí tuệ của ta là trội hơn, hay của thầy ta là trội hơn?” Khi ấy, vị thầy tế độ ấy là bậc đã hoàn toàn diệt tận các lậu hoặc đã dùng tâm biết được ý nghĩ suy tầm ấy nên đã nói rằng: “Này Buddhaghosa, tâm tư của con lúc này khiến ta không được hoan hỷ. Nếu con suy xét tận tường thì điều suy tư ấy là không phù hợp với sa-môn, con cần phải bày tỏ sự hối lỗi đối với ta.”

Sau khi nghe được lời nói của thầy tế độ, Buddhaghosa đã sanh tâm sợ hãi và trở nên hoảng hốt nên đã khẩn cầu thầy tế độ rằng: “Bạch ngài, đó là tội lỗi của con, xin ngài hãy tha thứ cho con.

Vị thầy tế độ đã nói rằng: “Nếu con muốn ta thứ lỗi thì con hãy đi đến hòn đảo Laṅkā rồi phiên dịch lời dạy của đức Phật từ ngôn ngữ Sīhaḷa sang ngôn ngữ của xứ Magadha, được vậy thì ta sẽ thứ lỗi cho con,” rồi đã im lặng.

Buddhaghosa đã nói rằng: “Bạch ngài, nếu ngài muốn con đi đến hòn đảo Laṅkā thì con cũng mong muốn như vậy, chỉ xin ngài vui lòng đợi đến khi con tế độ cho cha con thoát khỏi tà kiến.” Nói rồi đã xin phép thầy tế độ đi trở về nhà của mình.

Bà-la-môn Kesī khi nhìn thấy người con trai của mình đã suy nghĩ rằng: “Hôm nay con trai của ta sẽ trở thành người tại gia, khuôn mặt con trai ta có vẻ hoan hỷ,” nên đã vui mừng hỏi Buddhaghosa rằng: “Có phải hôm nay con sẽ hoàn tục và trở thành người tại gia?

Nghe được điều ấy, Buddhaghosa đã im lặng. Vị ấy đã đi đến chỗ ngụ của mình rồi cho dựng lên hai liêu cốc lợp ngói phía bên trên, tô vữa đất sét, lót ván sàn. Và ở một liêu cốc, vị ấy đã cho gắn hai chốt gài phía bên trong lẫn bên ngoài, sau đó đã xếp đặt củi lửa, son quánh, gạo, nước, sữa, bơ lỏng, bơ đặc, v.v... rồi đã thiết kế hệ thống, sau đó đã đưa người cha của mình vào bên trong căn phòng và đã khiến hệ thống ấy đóng cánh cửa lại.

Bà-la-môn Kesī đã hỏi rằng: “Này con, ta là cha của con. Tại sao con lại làm như vậy?

Buddhaghosa đã nói rằng: “Đương nhiên cha là cha của con. Tuy nhiên, cha là người tà kiến, không mộ đạo và không đặt niềm tin vào Giáo Pháp của đức Phật; vì thế con phải trách phạt cha như thế này.

Người cha đã nói rằng: “Cha không hành động theo tà kiến; hãy mở cửa cho cha.” Vị ấy lại nói rằng: ““Nếu cha không hành động theo tà kiến thì cha hãy tán dương ân đức của đức Phật như vầy: ‘Đức Thế Tôn ấy là bậc A-la-hán, v.v...’[7] Cha nói rồi thì con sẽ mở cửa cho cha.”

Nói xong, Buddhaghosa còn răn đe người cha bằng nỗi kinh sợ ở địa ngục nữa: “Thưa cha, cha mà không từ bỏ hành động tà kiến thì khi chết đi cha sẽ bị sanh vào địa ngục avīci.”

Hơn nữa, trong khi quở trách người cha về hành động tà kiến, vị ấy còn lên các lời kệ này:

Khi không thấy chim công với mào lông ở đầu và giọng hót du dương, khi ấy người ta đã hiến dâng thịt và trái cây đến loài quạ.

Khi chim công có đầy đủ phẩm chất đã đi đến núi Meru thì lợi lộc và vinh quang của loài quạ bị tiêu hoại.

Khi nào đức Phật là vị Pháp Vương là đấng Quang Minh không xuất hiện, tại nơi ấy người ta đã dâng cúng đến các sa-môn và bà-la-môn phàm nhân khác.

Khi đức Phật là bậc đầy đủ phẩm hạnh đã thuyết giảng Giáo Pháp, khi ấy lợi lộc và vinh quang của các ngoại đạo bị tiêu hoại.

Cũng tương tợ như những con đôm đốm trong đêm hạ huyền, sự rạng rỡ của các ngoại đạo giống như là ánh sáng của loài đôm đốm vậy.

Và khi mặt trời có đầy đủ hào quang xuất hiện thì ánh sáng của các loài đôm đốm biến mất.

Ở nơi này, các ngoại đạo dầu có đông đảo cũng chỉ giống như bầy đôm đốm; đức hạnh của họ làm rạng rỡ thế gian tương tợ như ánh sáng của các con đôm đốm nhấp nháy trong đêm hạ huyền.

Và khi đức Phật với hào quang vô lượng xuất hiện ở trên đời, các ngoại đạo bị mất đi vẻ rạng rỡ giống như loài đôm đốm khi mặt trời mọc lên.

Vị bà-la-môn Kesī ấy đã trải qua ba ngày và đến ngày thứ tư đã hồi tưởng lại lời của người con trai mình nói về ân đức Phật và đã thốt lên rằng: “Đức Thế Tôn ấy là bậc A-la-hán, v.v...” Vi ấy đã có được niềm tin trong sạch đối với Tam Bảo và đã tuyên bố: “Kể từ hôm nay, tôi xin quy y Tam Bảo cho đến trọn đời,” sau đó đã nói rằng: “Này con, đức Thế Tôn ấy là bậc Đạo Sư của cha, và cha là cận sự nam.” Vị bà-la-môn Kesī ấy, sau khi nương tựa vào ân đức Phật và trong khi đoạn tuyệt với tà kiến của mình, đã đạt đến quả vị Tu Đà Hườn.

Buddhaghosa đã làm cánh cửa mở ra rồi đã tắm rửa cho người cha của mình bằng nước thơm, sau đó đã cúng dường với các vật thơm và tràng hoa, v.v..., rồi đã xin người cha tha thứ sự sai trái của mình.

Và bà-la-môn Kesī sau khi thành tựu quả vị Tu Đà Hườn và trong lúc tán dương bậc Chánh Đẳng Giác đã nói lên những lời kệ này:

Đấng Đạo Sư của tôi là vị có những đức tính cao quý, là vị xứng đáng sự hướng vai phải đi nhiễu xung quanh (để tỏ lòng tôn kính), là bậc đã hoàn toàn giác ngộ tất cả các pháp, và là vị đứng đầu các bà-la-môn.

Đấng Đạo Sư của tôi là vị có đầy đủ trí tuệ và đức hạnh (Minh Hạnh Túc), là vị đã khéo đạt đến tất cả các pháp (Thiện Thệ), là vị hiểu biết khắp cả thế gian, và là vị đứng đầu các bà-la-môn.

Đấng Đạo Sư của tôi là vị cao quý hơn tất cả (Vô Thượng Sĩ), là đức Thế Tôn, là bậc nhiếp phục các đấng nam nhân tương tợ ví như người đánh xe thuần hoá các con ngựa (Điều Ngự Trượng Phu), và là vị đứng đầu các bà-la-môn.

Hơn nữa, sau khi lắng nghe lời nói của người cha mình, Buddhaghosa đã sanh tâm hoan hỷ và đã thốt lên lời tùy hỷ với người cha rằng: “Lành thay! Lành thay!

Hoàn tất phần chuyện của chương thứ ba
về phương thức tiếp độ người cha thoát ly tà kiến
đã được thực hiện bởi Buddhaghosa.

-ooOoo-

 

CHƯƠNG IV: ĐI ĐẾN ĐẢO LAṄKĀ (TÍCH LAN)

Và sau khi đã giúp cho người cha của mình thành tựu quả vị Tu Đà Hườn và xin cha tha thứ cho sự sai trái của mình, Buddhaghosa đã từ giã người cha và quay trở về với thầy tế độ. Do đã được thầy tế độ phái đi, nên Buddhaghosa đã cư trú theo như ý thích rồi từ biệt vị ấy để đi đến hòn đảo Laṅkā. Buddhaghosa đã cùng với đám đông thương buôn đi đến bến tàu, lên thuyền, và ra khơi. Đúng vào ngày Buddhaghosa khởi hành thì vị đại trưởng lão Buddhadatta cũng đang rời khỏi hòn đảo Laṅkā. Vị đại trưởng lão nghĩ rằng: “Chúng ta sẽ trở về xứ Jambudīpa” rồi đã cùng với các người thương buôn lên thuyền và ra khơi.

Buddhaghosa cũng đang ra đi bằng thuyền ở đại dương đã ba ngày. Còn Buddhadatta cũng đang trở về bằng thuyền ở đại dương đã ba ngày. Do năng lực của chư thiên đứng đầu là Chúa Trời Sakka, v.v... hai chiếc thuyền của hai vị trưởng lão đã va chạm vào nhau rồi đứng yên.

Khi ấy, các thương buôn sau khi nhận ra điều ấy đã sanh tâm hoảng hốt và ngó nhìn lẫn nhau. Về phần hai vị trưởng lão, Buddhaghosa trong khi đi ra bên ngoài đã nhìn thấy các người thương buôn đồng hành với mình có tâm hoảng hốt nên đã hỏi những người thương buôn kia rằng: “Này quý ông, có vị xuất gia nào đi trên tàu của các vị không?” Các thương buôn đồng hành với Buddhadatta đã trả lời rằng: “Có ngài Buddhadatta.” Nghe được điều ấy, Buddhadatta đã đi ra bên ngoài và nhìn thấy vị trưởng lão nên vô cùng mừng rỡ hỏi rằng: “Này sư đệ, sư đệ tên là gì?” Vị kia đáp rằng: “Buddhaghosa.” “Sư đệ đi đâu vậy?” “Thưa sư huynh, đệ đi đến hòn đảo Laṅkā.” “Đi vì mục đích gì?” “Vì lời dạy của đức Phật được ghi lại bằng ngôn ngữ Sīhaḷa nên đệ đi để phiên dịch lời dạy của đức Phật rồi ghi lại bằng ngôn ngữ của xứ Magadha.

Buddhadatta đã nói rằng: “Huynh đã được phái đi để phiên dịch lời dạy của đức Phật rồi ghi lại bằng ngôn ngữ của xứ Magadha nhưng huynh chỉ hoàn tất được các cuốn sách là Jinalaṅkāra, Dantadhātu, Bodhivaṃsa, và chưa làm được Chú Giải Aṭṭhakathā và Sớ Giải Ṭīkā. Nếu đại đức phiên dịch Phật Pháp từ ngôn ngữ Sīhaḷa và thực hiện bằng ngôn ngữ của xứ Magadha thì hãy thực hiện Chú Giải Aṭṭhakathā và Sớ Giải Ṭīkā của Tam Tạng.” Rồi đã khích lệ Buddhaghosa, sau đó đã biếu vị ấy trái cây haritakī là vật đã được Chúa Trời Sakka tặng cho mình, cùng với cây viết làm bằng sắt và cục đá mài, rồi đã tỏ lòng tùy hỷ. Vị ấy cũng đã chỉ dẫn công dụng của vật ấy rằng: “Khi nào đệ bị bệnh ở mắt hoặc bị đau ở lưng phát khởi thì hãy lấy trái cây haritakī này xát ở cục đá mài rồi thoa lên chỗ đau, bệnh của đại đức sẽ bớt ngay,” rồi đã trao cho Buddhaghosa.

Sau khi lắng nghe bài kệ đảnh lễ ở phần mở đầu của Jinalaṅkāra rằng:

 Tôi thành tâm đảnh lễ
đến đấng Thiện Thệ ấy,
vị không còn mong mỏi
lạc thú hay khổ não,
và không quan tâm đến
sự chết hay tuổi thọ,
là vị đã từ bỏ
tái sanh và hiện hữu,
luôn cả sự thành tựu
hoặc sự không thành tựu
có khả năng đưa về
cõi dục hoặc phi dục.

Buddhaghosa đã nói rằng: “Thưa sư huynh, tác phẩm của sư huynh được thực hiện vô cùng thâm thúy, sau này những nam tử xuất thân gia đình danh giá không thể hiểu được ý nghĩa, còn những người dốt thì hoàn toàn không có khả năng lĩnh hội.”

Buddhadatta đã nói rằng: “Này sư đệ Buddhaghosa, huynh đã đi đến hòn đảo Laṅkā trước đệ để phiên dịch lời dạy của đức Phật. Tuy nhiên huynh thì yểu thọ và không sống bao lâu nữa, vì thế huynh không thể phiên dịch Phật Pháp. Chính đệ hãy thực hiện cho tốt đẹp.

Khi cuộc thảo luận của hai vị trưởng lão về phương diện Pháp Học được chấm dứt như thế ấy, hai chiếc thuyền của những người thương buôn đã tự động tách rời và ra đi. Trong hai chiếc thuyền đó, chiếc thuyền của Buddhaghosa trực chỉ tiến về hòn đảo Laṅkā còn chiếc thuyền của Buddhadatta di chuyển quay đầu hướng về Jambudīpa. Sau đó, Buddhadatta cùng với những người thương buôn đã đến được Jambudīpa. Vị ấy đã sống thêm một số ngày[8] và đã làm tròn đủ các pháp của sa-môn, sau đó đã mệnh chung và tái sanh về cung trời Đẩu Suất. Hơn nữa, những người thương buôn do nhờ công đức dâng cúng bốn món vật dụng đến vị trưởng lão sau khi từ trần đã sanh về cõi trời Đạo Lợi.

Buddhaghosa cùng với những người thương buôn cũng đã đến được hòn đảo Laṅkā. Họ đã neo thuyền ở khu vực lân cận bến cảng Dvijaṭhāna và cư ngụ tại đó.

Hoàn tất phần chuyện của chương thứ tư
về việc ra đi và cập bến đảo Laṅkā của Buddhaghosa.

-ooOoo-

 

CHƯƠNG V: TRÍ TUỆ NHẠY BÉN CỦA BUDDHAGHOSA

Trong những ngày Buddhaghosa cư ngụ ở trên hòn đảo Laṅkā, có hai người nữ tỳ của dòng bà-la-môn đã mang hũ đi lấy nước. Trong hai cô, một cô nữ tỳ của dòng bà-la-môn đến trước đã lấy nước ở bến tàu rồi đi lên. Tuy nhiên, đúng vào lúc cô ta đang đi lên, có một cô nữ của dòng bà-la-môn đến sau đang đi xuống bến tàu ấy một cách vô cùng vội vã. Hũ nước của cô nữ tỳ của dòng bà-la-môn đang đi lên bị va chạm vào hũ của cô kia nên đã bị vỡ tan.

Cô nữ tỳ của dòng bà-la-môn có cái hũ bị vỡ đã tức giận mắng nhiếc cô kia rằng: “Đồ con nhà đầy tớ! Đồ con cái nhà thổ! Ngươi ngu như con bò không biết gì cả!” và đã chưởi mắng cô kia bằng nhiều cách thức chưởi mắng còn hơn thế nữa.

Cô kia ngay khi vừa nghe được lời mắng nhiếc đến mình cũng đã nổi giận rồi đã mắng nhiếc, đã chưởi rủa cô kia tương tợ như thế. Chỉ trong giây lát, thậm chí các lời mắng nhiếc chưởi rủa của hai cô nữ tỳ có số lượng còn nhiều hơn cả một tụng phẩm.

Sau khi nghe được việc ấy, Buddhaghosa đã suy nghĩ rằng: “Ở đây không có người nào khác. Hai người nữ tỳ này sau khi mắng nhiếc lẫn nhau sẽ buộc ta làm người chứng và sẽ kể lại cho các chủ nhân của họ. Khi ấy, họ sẽ hỏi ta. Và ta sẽ đưa ra vào lúc thẩm vấn,” rồi đã ghi chép và lưu lại lời mắng nhiếc của cả hai người vào cuốn tập của mình: “Trong hai cô, một cô nói lời mắng nhiếc như thế này, cô kia nói lời mắng nhiếc như thế này.”

Sau khi lộ vẻ mệt mỏi vì việc ra sức mắng nhiếc lẫn nhau quá lâu, hai cô đã đi về nhà và kể lại cho các chủ nhân của họ. Tuy nhiên, chủ nhân của cô nữ tỳ có cái hũ bị vỡ không được hài lòng nên đã gây gỗ với chủ nhân của cô kia, sau đó đã đi đến nơi xử án của đức vua và trình lên việc ấy.

Sau khi xét đoán, đức vua không thể giải quyết vụ kiện nên đã hỏi rằng: “Ai là người làm chứng cho các ngươi?” Trong hai cô, một cô đã phân trần với đức vua rằng: “Tâu bệ hạ, ở bến tàu có người khách lạ là vị tu sĩ bị hội chúng hành phạt; vị ấy là người chứng cho tiện nữ.” Cô kia cũng đã chỉ ra chính vị trưởng lão ấy và đã phân trần với đức vua y như thế.

Khi ấy, đức vua sau khi lắng nghe sự việc ấy đã phái sứ giả đi đến hỏi vị trưởng lão. Buddhaghosa cũng đã nói rằng: “Lời mắng nhiếc của hai người đàn bà dòng bà-la-môn đã được tôi nghe không thiếu sót. Tuy nhiên, chúng tôi là người xuất gia nên không có lưu tâm,” rồi đã trao tận tay người sứ giả cuốn tập ghi chép của mình có ghi lại lời mắng nhiếc và nói rằng: “Này đạo hữu, hãy trình đức vua xem chính cuốn tập ghi chép này.”

Người sứ giả đã nhận lấy cuốn tập rồi đã trình đức vua xem. Đức vua đã cho người đọc lên rồi hỏi hai người nữ tỳ rằng: “Này hai cô, hai ngươi đã nói lên những lời mắng nhiếc như thế, có đúng không vậy?” Cả hai người đã đáp rằng: “Tâu bệ hạ, đúng vậy.”

Đức vua đã nói rằng: “Người không mang vật nặng cần phải tránh đường cho người đang mang vật nặng,” nói xong đã ra lệnh hành phạt người nữ tỳ của dòng bà-la-môn có cái hũ không bị vỡ.

Sau đó, đức vua có ý muốn gặp vị trưởng lão nên đã hỏi những người bà-la-môn rằng: “Người có trí tuệ nhạy bén như thế trú ngụ ở nơi nào?” Những người bà-la-môn tà kiến đố kỵ với đức hạnh của vị trưởng lão nên đã tâu rằng: “Tâu bệ hạ, người bị hội chúng hành phạt này đi đến với mục đích thương mãi không xứng đáng để bệ hạ gặp.

Đức vua sau khi nghe được điều ấy đã trở nên hoan hỷ với đức hạnh của vị trưởng lão, và trong lúc ngợi khen đã thốt lên hai lời kệ này:

Vị sa-môn như thế này chưa được từng thấy trước đây ở tại nơi này, ngay cả trong toàn bộ số đông các sa-môn ở trên hòn đảo Laṅkā.

Người nào tôn kính cúng dường đến vị đầy đủ giới hạnh, có trí tuệ nhạy bén và kiên trì khổ hạnh như thế này sẽ được sanh về cõi trời.

Sau khi đã nói về đức hạnh của Buddhaghosa với hai lời kệ như thế, đức vua đã giữ im lặng.

Hoàn tất phần chuyện của chương thứ năm
về việc Buddhaghosa đã dùng trí tuệ của bản thân thuật lại
câu chuyện của hai nữ tỳ dòng bà-la-môn.

-ooOoo-

  

CHƯƠNG VI: ĐƯỢC PHÉP PHIÊN DỊCH CHÚ GIẢI

Sau sự việc đó, vị trưởng lão Buddhaghosa đã đi đến để đảnh lễ ngài đại trưởng lão là vị Tăng Thống[9] ở hòn đảo Laṅkā. Sau khi đảnh lễ vị ấy, Buddhaghosa đã ngồi ở một góc phía sau các vị tỳ khưu đang học về Luật và Vi Diệu Pháp với ngài đại trưởng lão Tăng Thống.

Vào một ngày nọ, vị Tăng Thống trong lúc dạy cho các tỳ khưu đã gặp một điểm khúc mắc thuộc về Vi Diệu Pháp. Vị ấy không nhận ra cũng không hiểu được ý nghĩa của điểm khúc mắc ấy nên đã trở nên bối rối rồi đã giải tán các vị tỳ khưu, sau đó đi vào phòng trong ngồi xuống suy nghĩ về điểm khúc mắc ấy.

Hơn nữa, ngay khi vị ấy vừa đi vào, Buddhaghosa biết được vị đại trưởng lão không hiểu được điểm khúc mắc thuộc về Vi Diệu Pháp nên đã rời chỗ ngồi đứng dậy, ghi xuống và lưu lại nội dung ý nghĩa của điểm khúc mắc ấy ở trên tấm ván kê đầu rồi đi về chiếc thuyền của mình.

Trái lại, vị đại trưởng lão Tăng Thống trong lúc loay hoay suy nghĩ về ý nghĩa của điểm khúc mắc ấy nhưng vẫn không hiểu được nội dung và ý nghĩa của điều ấy, đến khi từ phòng trong đi ra và ngay khi đang ngồi xuống thì dòng chữ ấy đã hiện ra. Sau khi nhìn thấy, liền hỏi các vị sư rằng: “Dòng chữ này do ai ghi lại?” Các vị sư đã nói rằng: “Bạch ngài, có lẽ do vị tỳ khưu vãng lai đã ghi lại.” Vị ấy đã hỏi rằng: “Vị ấy đâu rồi?” rồi đã ra lệnh cho các vị sư rằng: “Các ngươi hãy tìm kiếm rồi đưa vị ấy lại gặp ta.

Các vị sư trong lúc tìm kiếm đã nhìn thấy và đã mời Buddhaghosa đi đến gặp vị Tăng Thống.

Vị Tăng Thống ấy cũng đã hỏi rằng: “Nghe nói dòng chữ này đã được đại đức ghi lại?” Khi được đáp rằng: “Bạch ngài, đúng vậy,” vị Tăng Thống ấy đã giới thiệu cho hội chúng tỳ khưu nói rằng: “Nếu vậy thì hội chúng tỳ khưu nên học hỏi về Tam Tạng với đại đức.”

Buddhaghosa cũng đã khước từ việc ấy và trình bày cho vị ấy biết nguyên nhân đi đến của bản thân rằng: “Bạch ngài, tôi đã từ Jambudīpa đi đến hòn đảo Laṅkā không nhằm mục đích giảng dạy cho hội chúng tỳ khưu. Tuy nhiên, tôi đi đến nhằm phiên dịch lời dạy của đức Phật từ ngôn ngữ Sīhaḷa và ghi lại bằng ngôn ngữ của xứ Magadha.”

Nghe được điều ấy, vị Tăng Thống đã vô cùng hoan hỷ nói rằng: “Nếu đại đức đã đi đến và nói rằng: ‘Tôi sẽ ghi lại lời dạy của đức Phật bằng ngôn ngữ của xứ Magadha.’ Vậy đại đức hãy đúc kết lại Tam Tạng với lời kệ đã được đức Phật nói lên rằng:

‘Ai đoạn ô nhiễm này?

- Người trí an trú giới,
tu tập định và tuệ,
vị tỳ khưu tinh cần,’[10]
rồi đưa cho chúng tôi xem.”

Buddhaghosa đã đồng ý đáp rằng: “Lành thay!” rồi đã trở về lại chỗ trú ngụ của mình.

Trong ngày hôm ấy, khi bóng đêm cùng với vòm tinh tú đang lan tỏa, Buddhaghosa đã khởi đầu bằng bài kệ: “Ai đoạn ô nhiễm này? - Người trí an trú giới, tu tập định và tuệ, vị tỳ khưu tinh cần” và đã viết nên tác phẩm Visuddhimagga (Thanh Tịnh Đạo) một cách vô cùng nhanh chóng. Hơn nữa, sau khi hoàn tất Buddhaghosa (nghĩ rằng): “Ta sẽ cất đi,” rồi đi ngủ.

Khi ấy, Chúa Trời Sakka đã lấy trộm và đem đi tác phẩm Visuddhimagga đã được vị trưởng lão ghi lại và cất giữ. Đến khi thức giấc, vị trưởng lão không nhìn thấy tác phẩm của mình nên đã viết lại tác phẩm Visuddhimagga khác một cách thật vô cùng nhanh chóng với ánh sáng của cây đèn. Rồi vị ấy cũng đã hoàn tất và đặt cuốn sách ở trên đầu của mình rồi đi ngủ lại. Và Chúa Trời Sakka lại lấy trộm cuốn sách và đem đi. Vị trưởng lão ngủ được chốc lát lại thức dậy và đã không nhìn thấy cuốn sách. Nghe rằng trong lần thứ nhì Chúa Trời Sakka đã lấy trộm cuốn sách thứ nhì và đem đi vào canh giữa của đêm.

Vị trưởng lão sau khi thức giấc đã không nhìn thấy cuốn sách ấy nên đã viết lại tác phẩm Visuddhimagga khác một cách thật vô cùng nhanh chóng với ánh sáng của cây đèn. Đến khi viết xong đã buộc chặt vào y rồi đi ngủ. Chúa Trời Sakka đã đặt ở cạnh đầu của vị trưởng lão hai cuốn sách đã lấy trước đây rồi ra đi. Vào lúc hừng sáng của đêm, Buddhaghosa sau khi thức dậy đã nhìn thấy các tác phẩm do chính bản thân viết ra được vị Thiên Vương đặt ở cạnh đầu của mình nên đã mừng rỡ, và sau khi làm công việc vệ sinh cơ thể đã cầm lấy hai cuốn sách cùng với cuốn sách đã được buộc vào mình đem trình lên cho vị trưởng lão Tăng Thống ở hòn đảo Laṅkā xem.[11]

Nghe rằng trong ba cuốn sách đó, mỗi một cuốn chứa đựng một triệu chín trăm hai mươi ba ngàn mẫu tự. Vị Tăng Thống sau khi nhìn thấy ba cuốn sách cũng đã sửng sốt hỏi rằng: “Tại sao lại là ba cuốn sách?” Sau khi nghe được lý do, vị ấy trong nỗi ngạc nhiên đã cho đọc lên ba cuốn sách ấy. Ở bất cứ đoạn nào trong ba cuốn sách, các âm như là a, vi, v.v... của các giới từ hoặc các tiếp đầu ngữ đã được vị trưởng lão viết xuống thì chúng cùng lúc được đọc ra y như là đã được sao chép lại. Sau khi nhìn thấy sự giống nhau như thế của các từ a, vi, v.v..., vị Tăng Thống đã vô cùng hoan hỷ và đã cho phép Buddhaghosa rằng: “Đại đức hãy phiên dịch lời dạy của đức Phật sang ngôn ngữ của xứ Magadha đi.” Hơn nữa, sau khi cho phép và trong lúc ngợi khen trí tuệ và đức hạnh của Buddhaghosa vị ấy đã thốt lên hai lời kệ rằng:

Vị nào được nhận biết là có trí tuệ như thế này, tức là tứ tuệ phân tích, và rành rẽ tất cả các pháp; vị ấy được xem như là đức Phật.

Chính đại đức đã thành tựu trí tuệ và là vị đứng đầu tất cả chúng tôi. Chính đại đức là vị luôn hiểu rõ Giáo Pháp của đấng Mâu Ni ấy.

Từ đó trở đi, ở trên hòn đảo ấy vị ấy đã được dân chúng trên hòn đảo Laṅkā biết tiếng với tên là Buddhaghosa. Vì thế, các tài liệu cổ đã nói rằng:

Được biết tiếng với tên là Buddhaghosa ở trên toàn bộ hòn đảo, vị ấy luôn vượt trội mọi người, tương tợ như đức Phật ở trên trái đất vậy.

Hoàn tất phần chuyện của chương thứ sáu
về việc vị đại trưởng lão ở trên hòn đảo Laṅkā đã cho phép
Buddhaghosa phiên dịch Chú Giải.

-ooOoo-

 

CHƯƠNG VII: HOÀN TẤT VIỆC PHIÊN DỊCH

Sau khi đã cư trú theo như ý thích, Buddhaghosa đã thỉnh cầu hội chúng trú xứ thích hợp cho bản thân nhằm mục đích ghi chép lời dạy của vị Đại Hiền Triết. Vị đại trưởng lão đã cho phép Buddhaghosa cư ngụ ở Lohapāsāda. Nghe rằng tòa lâu đài bằng đồng ấy có bảy tầng.[12] Sáu tầng trong số đó có sáu vị đại trưởng lão cư ngụ. Sáu tầng ấy thế nào? Một vị chuyên hành trì giới luật trong sạch sống ở tầng thứ nhì, một vị chuyên thọ trì các hạnh đầu đà sống ở tầng thứ ba, một vị thuộc lòng Tạng Kinh sống ở tầng thứ tư, một vị thuộc lòng Tạng Vi Diệu Pháp sống ở tầng thứ năm, một vị thuộc lòng Tạng Luật sống ở tầng thứ sáu, một vị gắn bó với thiền quán tu tập về ba tướng trạng[13] nhằm thành tựu đạo quả sống ở tầng thứ bảy. Ở tầng trệt bên dưới của tòa lâu đài thì vắng vẻ, không có bất cứ vị tỳ khưu nào.

Và Buddhaghosa đã sống trong sự thanh vắng ở tầng dưới của mình. Nghe rằng vị ấy là vị thọ trì các pháp đầu đà và rành rẽ tất cả Pháp Học. Hơn nữa, hàng ngày trong lúc cư ngụ Buddhaghosa đã phiên dịch Giáo Pháp của đức Thế Tôn từ ngôn ngữ ở trên hòn đảo rồi đã ghi lại bằng ngôn ngữ của xứ Magadha.

Trong ngày, khi đi khất thực vào lúc sáng sớm vị ấy cũng đã nhìn xem lá cây thốt-nốt bị rụng xuống rồi trên đường từ ngôi làng là nơi khất thực đi trở về đã nhặt lấy. Và điều này được biết đến như là “phận sự” của vị ấy.

Sau đó vào một ngày nọ, có người thợ trèo cây thốt-nốt khôn ngoan, kinh nghiệm, và chất phát sau khi nhìn thấy việc làm của Buddhaghosa đã rải lá thốt-nốt không bị lủng không bị rách ở chỗ đi khất thực của vị ấy rồi ẩn đi. Đến khi hoàn tất việc khất thực, vị trưởng lão đã nhặt lấy lá rồi ra đi.

Người ấy đã đi theo sau Buddhaghosa và khi nhìn thấy công việc ghi chép của vị trưởng lão đã sanh tâm hoan hỷ. Cho đến một ngày nọ, người ấy đã mang lại giỏ thức ăn và cúng dường đến vị trưởng lão. Buddhaghosa đã nói với người ấy rằng: “Này đạo hữu cư sĩ, vị ngụ ở tầng lầu bên trên của tôi là vị thâm niên hơn, đạo hữu hãy dâng phần vật thực của đạo hữu đến vị ấy.”

Người ấy nghe theo vị trưởng lão đã mang giỏ thức ăn dâng đến vị đại trưởng lão cư ngụ ở tầng lầu trên.

Theo đúng cách thức ấy, chỉ một giỏ thức ăn ấy đã được đưa đến vị trưởng lão ngụ ở tầng lầu thứ bảy. Và vị ngụ ở tầng trên hết đã nói với người ấy rằng: “Buddhaghosa ở tầng trệt có đức hạnh trội hẳn chúng tôi. Hàng ngày, vị ấy đang ghi chép lời dạy của đức Phật. Hãy dâng cho chính vị ấy.” Nghe được điều ấy, người ấy đã mang giỏ thức ăn từ tầng lầu thứ bảy đi trở xuống rồi lại dâng đến Buddhaghosa.

Buddhaghosa đã thọ nhận (nói rằng): “Lành thay! Lành thay!” Hơn nữa, sau khi thọ nhận, Buddhaghosa đã bảo phân chia thành bảy phần rồi bảo đem sáu phần dâng đến sáu vị trưởng lão. Đây chính là pháp thực hành của vị ấy.

Trong khi ghi chép Phật Pháp, Buddhaghosa đã đạt đến sự hoàn tất sau thời gian ba tháng.[14] Sau khi đã trải qua mùa an cư mưa và đã hành lễ Pavāraṇā, Buddhaghosa đã thông báo vị Tăng Thống rằng Giáo Pháp đã được bản thân phiên dịch xong.[15]

Vị Tăng Thống đã tùy hỷ rằng: “Lành thay! Lành thay!” Hơn nữa, trong lúc ca ngợi đức hạnh của Buddhaghosa vị ấy đã nói lên hai bài kệ rằng:

Giáo Pháp, tức là lời dạy của đức Phật tối thượng, khó mà lãnh hội. Do nhờ công đức phiên dịch, chúng ta sẽ hiểu được một cách dễ dàng.

Cũng giống như người bị mù không nhìn thấy sự bằng phằng hay lồi lõm, tương tợ như thế chúng ta không hiểu được Giáo Pháp đã được đức Phật thuyết giảng.

Sau đó, vị Tăng Thống cũng đã cho chất các cuốn sách đã được trưởng lão Mahinda cho ghi chép lại thành đống ở khu vực lân cận ngôi đại bảo tháp là khu vực thiêng liêng rồi cho châm lửa đốt. “Nghe rằng tất cả các cuốn sách đã được trưởng lão Mahinda cho ghi chép lại bằng ngôn ngữ Sīhaḷa khi đã được chất thành đống có khối lượng bằng chiều cao của bảy con voi hạng trung.” Các vị giáo thọ sư tiền bối đã nói như thế và chúng tôi đã nghe được như thế.

Sau khi tất cả các cuốn sách thực hiện bằng ngôn ngữ Sīhaḷa đã được thiêu đốt, Buddhaghosa đã xin phép hội chúng về thăm viếng song thân: “Bạch các ngài, tôi muốn đi Jambudīpa.” Nói xong đã chuẩn bị để lên thuyền với những người thương buôn. Vào đúng thời điểm bản thân vị ấy bước lên thuyền, các vị tỳ khưu cư trú ở đảo Sīhaḷa đã chê bai về khả năng thành thạo trong lãnh vực ngôn ngữ Saṅkrit rằng: “Phải chăng vị trưởng lão này chỉ biết Tam Tạng Phật Pháp mà không biết về ngôn ngữ Saṅkrit?

Nghe được lời nói chê bai của các vị ấy, những người thương buôn đồng hành với vị trưởng lão đã kể lại cho vị ấy.

Vị trưởng lão nghe được điều ấy đã nói rằng: “Tốt lắm! Tốt lắm!” rồi đã thông báo cho vị đại trưởng lão Tăng Thống cư ngụ ở hòn đảo Laṅkā rằng: “Bạch ngài, ngày mai ngày rằm là ngày lễ Uposatha, tôi sẽ thuyết giảng bằng ngôn ngữ Saṅkrit. Xin hãy cho tứ chúng tụ hội lại ở khuôn viên ngôi đại bảo tháp.”

Rồi vào sáng sớm, trong lúc chứng tỏ khả năng về ngôn ngữ Saṅkrit trước tứ chúng, Buddhaghosa đã bước lên Pháp tọa rồi đứng và nói lên những lời kệ bằng ngôn ngữ này.

Nghe rằng có bốn đặc điểm kỳ diệu ở Buddhaghosa. Là bốn điều gì? Nếu tập thể các tỳ khưu đi đến để gặp Buddhaghosa, do sự gặp gỡ họ trở nên hoan hỷ với vị ấy. Nếu Buddhaghosa thuyết giảng Giáo Pháp ở nơi nào, tập thể các tỳ khưu do được thuyết giảng cũng trở nên hoan hỷ với vị ấy. Khi nào Buddhaghosa không thuyết giảng thì tập thể các tỳ khưu không được hài lòng. Nếu tập thể các tỳ khưu ni, tập thể các nam cư sĩ, tập thể các nữ cư sĩ đi đến để gặp Buddhaghosa, do sự gặp gỡ họ trở nên hoan hỷ với vị ấy. Nếu Buddhaghosa thuyết giảng Giáo Pháp ở nơi nào, do được thuyết giảng họ cũng trở nên hoan hỷ với vị ấy. Khi nào Buddhaghosa không thuyết giảng thì họ không được hài lòng. Như thế là bốn đặc điểm kỳ diệu ở Buddhaghosa tương tợ như trường hợp đại đức Ānanda vậy. Do đó, vào thời thuyết giảng của Buddhaghosa, tứ chúng đã cởi ra các tấm vải, y phục, ngọc ngà, châu báu, đồ trang sức, v.v... của mỗi một người rồi đặt ở dưới bàn chân của vị trưởng lão để cúng dường Pháp Bảo. Hơn nữa, nghe nói các vật cúng dường như các tấm vải, v.v... có khối lượng chất ở trên lưng của con voi khổ trung bình cao đến bảy cánh tay.

Tuy nhiên, Buddhaghosa đã không màng đến các vật ấy và đã từ Pháp tọa bước xuống đảnh lễ hội chúng, xin phép vị đại trưởng lão thâm niên, rồi cùng với các thương buôn lên thuyền khởi hành về hướng Jambudīpa. Đến khi Buddhaghosa đã ra đi, mọi người gồm có hành khất, du sĩ, sa-môn, bà-la-môn, v.v... đã tùy theo ý thích nhặt lấy các vật cúng dường Pháp bảo của vị trưởng lão rồi ra đi.

Hoàn tất phần chuyện của chương thứ bảy
về việc thuyết giảng Giáo Pháp
được thực hiện bằng ngôn ngữ Saṅkrit với sự thành thạo
bởi bản thân vị trưởng lão tên Buddhaghosa.

-ooOoo-

  

CHƯƠNG VIII: VỀ LẠI JAMBUDĪPA VÀ TỪ TRẦN

Sau khi đã chứng tỏ khả năng của bản thân về ngôi ngữ Saṅskrit, vị trưởng lão đã quay trở về Jambudīpa. Ngay trong cuộc hành trình ở giữa biển khơi, vị ấy trong lúc giáo huấn các thương buôn đã nói lên hai lời kệ này:

Giống như chúng ta nương vào con thuyền để vượt qua biển cả và con thuyền phụ thuộc vào chúng ta sẽ đến được bến tàu.

(Y như thế) chúng ta nương vào con thuyền trí tuệ sẽ đến được bến bờ cao thượng. Nương vào con thuyền phước báu, chúng ta sẽ hưởng được an lạc cõi trời.

Khi tàu cập bến, Buddhaghosa đã từ giã những người thương buôn đồng hành với mình rồi đã cầm lấy y và bình bát cá nhân đi đến gặp vị thầy tế độ và đã kể lại công việc phiên dịch của mình đối với Phật Pháp tức là Pháp Học. Và sau khi kể lại, Buddhaghosa đã giải tỏa được hình phạt của thầy tế độ và đã được tha thứ về lỗi lầm của bản thân, sau đó đã đảnh lễ thầy tế độ rồi xin phép đi về thăm cha mẹ.

Sau khi gặp lại, người cha và người mẹ đã đảnh lễ người con trai của mình rồi đã dâng đến vị ấy vật thực hảo hạng, sau đó đã sám hối tội lỗi với vị ấy. Họ đã biết được thời điểm từ trần của bản thân, và trong khi lâm chung đã tưởng niệm đến ân đức của Phật, rồi đã tái sanh vào cung trời Đẩu Suất và ngự ở cung điện bằng vàng. Ngay cả một số người bà-la-môn như các nô tỳ và những người làm công của họ cũng đã tin tưởng vào sự giáo huấn của vị trưởng lão, đến khi chết đi đã tái sanh vào cõi trời; một số đã đi theo nghiệp quả tương xứng.

Hơn nữa, sau khi bày tỏ lời tôn kính của mình đối với Tam Bảo nhằm mục đích khiến cho những người tốt được hoan hỷ với Tam Bảo, vị trưởng lão trong lúc khuyên bảo rằng: “Quả vậy, các người nên thực hiện sự tôn kính như thế ấy đối với Tam Bảo,” và trong lúc trình bày ý nghĩa của Tam Bảo đã nói rằng:

Đức Thế Tôn là dòng giõi thanh tịnh. Hiển nhiên, Ngài chính là đức Phật. Giáo Pháp đã được đức Thế Tôn thuyết giảng có chín thể loại và là Pháp tối thượng ở thế gian.

Về tạng (piṭaka) có ba tạng là Tạng Luật, Tạng Kinh, và Tạng Vi Diệu Pháp. Về bộ kinh (nikāya) có năm bộ kinh là Trường Bộ Kinh, Trung Bộ Kinh, Tương Ưng Bộ Kinh, Tăng Chi Bộ Kinh, và Tiểu Bộ Kinh. Về thể (aṅga) có chín thể là sutta, geyya, veyyākaraṇa, gāthā, udāna, itivuttaka, jātaka, abbhūtadhamma, vedalla.[16] Về Pháp uẩn có 84.000 Pháp uẩn: Có 42.000 Pháp uẩn ở Vi Diệu Pháp, 21.000 Pháp uẩn ở Luật, và 21.000 Pháp uẩn ở Kinh. Về hội chúng có bốn. Về Đạo có bốn, Quả có bốn; tổng cộng là tám hạng Thánh.

Sau khi trình bày ý nghĩa của Tam Bảo và trong lúc bày tỏ sự tôn kính của bản thân, vị ấy đã nói lên lời kệ này:

Dầu chỉ một lần chắp tay hướng về Phật Bảo, Pháp Bảo, và Tăng Bảo, tôi có thể dập tắt hoàn toàn ngọn lửa khổ đau của hiện hữu.

Khi hoàn tất việc tôn kính đến Tam Bảo, và trong lúc giải thích về nghiệp quả của những hành động được thực hiện nhằm mục đích bôi nhọ Giáo Pháp đức Thế Tôn của những kẻ có giới hạnh xấu xa có tâm lơi lỏng trong việc gìn giữ giới và những hành động dối trá vì mục đích mạng sống, vị ấy đã nói lên lời kệ này:

Bởi vì giống như việc loài dã can với bản chất của giống chó rừng không ăn thịt sư tử là vua chúa của các loài thú; chính loài giòi bọ thỏa thích với thịt sống được sanh lên ở trong cơ thể nghiến ngấu thịt của loài sư tử chứ không phải các loài thú săn mồi nào khác.

Tương tợ như thế, các ngoại đạo dù thành tựu thần thông cũng không làm nhơ Chánh Pháp của đấng sư tử dòng Sākya đã thành tựu Niết Bàn; chính những tỳ khưu xấu xa trong Giáo Pháp có đầu cạo trọc và khoác y hai lớp mới là những kẻ bôi nhọ Chánh Pháp đã được thuyết giảng bởi đức Phật Chánh Đẳng Giác.

Khi hoàn tất việc giải thích về nghiệp quả của những tỳ khưu xấu xa có các hành động đã được thực hiện nhằm mục đích bôi nhọ Giáo Pháp của đức Thế Tôn, thêm vào đó trong lúc trình bày về việc vận hành ngày đêm của các hơi thở ra hơi thở vào của tất cả chúng sanh, Buddhaghosa đã nói lên lời kệ này:

Hơi thở ra và hơi thở vào vận hành hơn một trăm ngàn tám trăm lần vào ban ngày, ngay cả ban đêm cũng giống y như thế.

Hơn nữa, sau khi trình bày xong và trong lúc đang ngồi trên chiếc giường tử biệt của bản thân xem xét lại thọ hành, Buddhaghosa biết rằng tuổi thọ còn rất ngắn ngủi nên đã đảnh lễ vị thầy tế độ rồi xin phép vị ấy đi đến cội Đại Bồ Đề, sau đó đã thực hiện các nghi thức cúng dường gồm tất cả các phận sự, v.v... ở tại cội Đại Bồ Đề. Trong lúc tán dương về cội Đại Bồ Đề, vị ấy đã nói lên hai lời kệ này:

Đấng Toàn Giác là vị có hai bàn chân tuyệt vời. Nương tựa vào cội Bồ Đề, đấng Toàn Giác đã tiêu diệt đội binh của Ma vương và đạt đến Giác Ngộ.

Cũng giống người như cúng dường đến đức Phật, người nào thể hiện sự quý trọng và thành kính cúng dường đến cội Bồ Đề người ấy sẽ được thoát khỏi mọi khổ đau.

Sau khi đã tán dương như thế và biết được cái chết của bản thân đã gần kề, vị ấy đã suy nghiệm rằng: “Cái chết có ba loại: sự tịch diệt hoàn toàn, sự diệt trong sát na, và sự chết thông thường. Trong đó, sự tịch diệt hoàn toàn tức là sự chết của vị đã đoạn tận các lậu hoặc, sự diệt trong sát na nghĩa là sự diệt trong các lộ trình tâm như là tâm hộ kiếp, v.v... có sự sanh lên và diệt đi không ngừng nghỉ, và sự chết thông thường nghĩa là sự chết của tất cả chúng sanh,” và đã nghĩ rằng: “Trong ba cách ấy, đối với ta sẽ là sự chết thông thường.” Hơn nữa, vào ngày tử biệt trong lúc tưởng niệm đến đức hạnh của đức Phật và giới hạnh của bản thân, Buddhaghosa đã từ trần rồi tái sanh vào cõi trời Đẩu Suất ngự ở cung điện rộng mười hai do tuần cùng với một ngàn tiên nữ tùy tùng.

Đến khi Bồ Tát Metteyya thành tựu quả Toàn Giác ở cõi nhân loại này, Buddhaghosa sẽ là vị Thinh Văn nổi bật và đứng đầu về phương diện trí tuệ cá nhân, không bị vướng mắc trong tất cả các Pháp của đức Thế Tôn Metteyya ấy. Và vị ấy sẽ được đức Thế Tôn Metteyya xác định vị trí hàng đầu đến bảy lần rằng: “Buddhaghosa chính là vị rành rẽ về Pháp và Luật, có sự hiểu biết rộng, toàn hảo về trí tuệ, và thiện xảo về trí tuệ trong số các đệ tử của ta.”

Hơn nữa, khi vị trưởng lão Buddhaghosa từ trần, nhằm mục đích thiêu đốt thi thể của vị ấy tất cả chư thiên và nhân loại gồm có sa-môn, bà-la-môn, v.v... đã cho thực hiện giàn hỏa thiêu bằng gỗ trầm hương và kiến tạo nên giàn hỏa thiêu bằng châu ngọc quý giá rồi đã đặt thi thể của vị ấy cùng với chiếc giường bằng vàng lên trên giàn hỏa thiêu bằng gỗ trầm hương rồi đã phát hỏa với lòng tôn kính. Đến khi hoàn tất việc hỏa thiêu thi hài của vị ấy, dân chúng gồm có các bà-la-môn, v.v... đã nhận lấy các xá-lợi rồi an vị ở những địa điểm thiêng liêng ở khu vực lân cận cội Đại Bồ Đề và đã xây dựng bảo tháp. Do kết quả của việc hoan hỷ với đức hạnh của vị trưởng lão và sự cúng dường đến vị ấy, tất cả những người ấy sau khi từ trần cũng đã sanh về các cõi trời và thọ hưởng các thành tựu thiên đường tương xứng với nghiệp đã làm. Hơn nữa, sau khi vị trưởng lão ấy đã từ trần và ngự ở cõi trời Đẩu Suất, trong khi chỉ trích những kẻ trí tồi tự tán dương chính mình nghĩ rằng: “Chúng ta có trí tuệ,” các vị giáo thọ sư tiền bối đã nói lên các lời kệ này:

Khi Buddhaghosa đã từ trần, thậm chí vô số kẻ trí tồi và dốt nát đã mải mê suy tưởng rằng: “Chúng ta có trí tuệ.”

Khi Buddhaghosa còn tại tiền, những người có trí tuệ cũng không có được hào quang trí tuệ, tương tợ như mặt trăng vào lúc nguyệt thực.

Vì thế, người trí nên buông bỏ sự khen ngợi là “bậc trí;” sau khi tự chế bản thân vị ấy sẽ không đánh mất niềm an lạc.

Hoàn tất phần chuyện của chương thứ tám
giới thiệu về vị đại trưởng lão tên Buddhaghosa
có sự thông minh sắc sảo và trí tuệ nhạy bén
do vị trưởng lão tên Mahāmaṅgala thuật lại
đúng theo sự học hỏi từ các vị giáo thọ sư tiền bối.

-ooOoo-


[1] Jayawardhana, Somapala. Handbook of Pali Literature. Colombo: Karunatratne and Sons Ltd. 1994, p.32.

[2] Ngôn ngữ sử dụng ở Sri Lanka (Tích Lan) vào thời cổ xưa.

[3] Ghosa có nghĩa là âm thanh, tiếng động, giọng nói, v.v...

[4] Kusalā dhammā, akusalā dhammā, abyākatā dhammā.

[5] Là: dục giới, sắc giới, vô sắc giới, và Niết Bàn.

[6] Tilakkhaṇa: ba pháp tướng là vô thường, khổ não, và vô ngã.

[7] Tức là tán dương rằng: “Itipi so Bhagavā Arahaṃ Sammāsambuddho ...

[8] Chi tiết này không chính xác vì ngài Buddhadatta đã sống một thời gian dài hơn và đã thực hiện bản tóm tắt các bản Chú Giải Luật và Chú Giải Abhidhamma của ngài Buddhaghosa (B. C. Law, The Life and Work of Buddhaghosa, New Delhi: Asian Educational Services, 1997, p. 43; G. P. Malalasekera, The Pāli Literature of Ceylon, Kandy: Buddhist Publication Society, 1994, p. 107).

[9] Saṅgharāja: Vua Sãi, Sãi Vương.

[10] Kinh Tương Ưng, Thiên Có Kệ, Tương Ưng chư thiên

[11] Việc tác phẩm Visuddhimagga (Thanh Tịnh Đạo) được ghi chép thành ba lần trong một đêm là điều khó có thể chấp nhận.

[12] Lohapāsāda ban đầu là chín tầng, nhưng sau bị hoả hoạn rồi được thực hiện lại chỉ năm tầng rồi nâng cấp thành bảy tầng (John Still, Index to the Mahāvaṃsa, New Delhi: Asian Educational Services, 1996, p. 29.

[13] Ba hiện tướng (tilakkhaṇa) là vô thường, khổ não, vô ngã.

[14] Về thời gian Buddhaghosa đã đầu tư để thực hiện các Chú Giải cần được xét lại; Saddhammasaṅghaha (Diệu Pháp Yếu Lược) ghi là 1 năm cũng khó tin. Học giả Somapala Jayawardhana ước lượng ít nhất là 10 năm (Sđd., tr. 30).

[15] Tam Tạng Pāli được do ngài Mahinda du nhập từ Ấn Độ vẫn được bảo quản bằng phương thức truyền khẩu sau đó được ghi xuống lá thốt-nốt thành sách vào thế kỷ thứ nhất trước Tây lịch. Còn ngài Buddhaghosa chỉ tổng hợp các Chú Giải đã có sẵn gồm có một số chú giải do ngài Mahinda được truyền thừa ở Ấn Độ rồi giảng dạy lại và một số chú giải đã được thực hiện ở Tích Lan bằng ngôn ngữ Sīhaḷa. Các bản chú giải đã được ngài Buddhaghosa ghi lại bằng ngôn ngữ của xứ Magadha, ngày nay gọi là Pāli.

[16] Phần phân tích câu kệ 28 chương 1 của bản dịch Saddhammasaṅgaha - Diệu Pháp Yếu Lược có giải thích chi tiết về chín thể loại này.

-ooOoo-

Ðầu trang

 

Chân thành cám ơn Tỳ khưu Indacanda đã gửi tặng bản vi tính (Bình Anson, 02-2005)

[Trở về trang Thư Mục]
last updated:
03-03-2005