[BuddhaSasana]

[Unicode Fonts]


       

Phật giáo Việt Nam và hướng đi nhân bản đích thực
Trần Thạc Ðức, 1967


Hướng đi của người Phật tử Việt Nam


Người Phật tử có một đường lối sống. Ðường lối ấy chúng ta phải tìm hiểu kỹ càng. Không có gì nguy hiểm bằng sự liều lĩnh nhắm mắt bước càn không suy xét cẩn thận. Ðức Phật đã từng dạy chúng ta :"Làm thân con lạc đà chở nặng, chưa phải là khổ. Ngu si không biết hướng đi mới là nỗi đau khổ thứ nhất của chúng sanh." Vậy có được một sự hiểu biết về đường đi nẻo bước là vấn đề quan trọng nhất. Ðó là chánh kiến - những kiến giải chân chính về cuộc đời. Không có chánh kiến, ta sẽ lầm đường lạc nẻo. Không có chánh kiến, ta sẽ sa vào hố mê mờ thất bại.

Trước một thế giới không ổn định, sống trong một thời đại mà chân giả khó phân, người phật tử lại càng phải nhận thức được đâu là tà, là chính. Ta phải tìm một hướng đi chính đáng để rồi chỉ một lòng một chí đi theo hướng ấy, mà không sợ rơi vào những cạm bẫy của dục vọng, của ma vương.

1- Sáng suốt nhận định đường lối, hay là cứ mê tín theo một định kiến sai lầm?

Chúng ta biết rằng đạo Phật không bao giờ dung những sự mê tín. Trong cuộc đời, ta gặp bao nhiêu là sự kiện mà tự ta không thể nào giải nổi. Những sự thành bại suy vong, những điều danh sắc tài lợi, cho đến những rủi may tình cờ xẩy ra cho ta hay cho một người khác làm cho ta băn khoăn và bực bội. Trong cuộc sống ta thấy nhiều mâu thuẫn lớn lao. Ðời sống đầy đau thương làm ta càng băn khoăn suy nghĩ về ý nghĩa cuộc đời.

Nếu mê chấp ở những dị đoan, ta sẽ sinh ra sợ hãi các ma quỷ thánh thần ở gốc đa, bến nước, tìm đến các nhà bói toán đồng cốt, lo sát sinh cúng tế và đốt vàng, đốt mã. Ta sẽ thấy rằng xen vào trong đời sống ta, có nào là những thần linh, ma quỷ và tưởng đâu rằng phúc họa rủi may là tự ở những lực lượng thần bí ấy đưa đến chứ không phải do ta tạo ra. Không! Ta phải học hỏi Phật pháp để có thể thấy rằng quyết định sự thành bại nên hư trong đời ta không phải sự rủi may hay là số phận mà chính là hành động ngôn ngữ và ý nghĩ của chúng ta vậy.

Nếu mê chấp ở khoa học mà người ta cho là "vạn năng" ta sẽ vội vàng và cạn cợt mà phũ nhận nhiều hiện tượng mà chính cái khoa học vạn năng ấy không giải thích được. Ta sẽ khiếp nhược trước những kỳ công mà khoa học đem lại được cho loài người. ta làm sao thấy được rằng văn minh cơ khí con đẻ của khoa học ấy đã thấy mình bất lực trước vấn đề sống. Con người tưởng rằng với khoa học có thể chinh phục được thiên nhiên. Nhưng than ôi, khí giới chinh phục thiên nhiên ấy ngày nay đang quay trở về đe dọa nhân loại. Chỉ một chút lở lầm, chỉ một sự vụng về hay một cơn giận dữ thôi cũng đủ làm cho những quả bom nguyên tử hay khinh khí nổ tung và đưa nhân loại đến chỗ diệt vong. Không! Ta phải học Phật để thấy rõ rằng nếu lý trí con người không được hướng dẫn bởi một lòng thương chân chính, thì khoa học đại biểu cho lý trí kia phải mua lấy trăm ngàn thất bại. Hơn thế nữa, nếu trước những thắc mắc lớn lao của con gnười về bản thể, về thực tại, về những giá trị tiêu chuẩn, khoa học đã không bao giờ dám đề cập đến thì ta thấy rằng khoa học không thể nào giải quyết được toàn diện vấn đề sống của con người.

Nếu mê chấp ở chính trị, ta sẽ thấy rằng ngoài phương tiện chính trị mà mình mê theo ấy, không còn phương tiện nào nữa để có thể cải tạo đời sống và cải tạo con người. Ta sẽ dễ dàng nghe theo những người chủ trương chỉ cần dùng sự tổ chức của con người cũng đủ để san bằng phẳng lại cái xã hội bất công và xấu xa. Ta cũng dễ dàng nghe theo những tuyên truyền đường mật, cũng sẽ bị hấp dẫn bởi những danh từ quá đẹp đẽ mà người ta nêu lên thật nhiều để làm cho sự thực bớt phần xấu xa. Danh từ quả đã có một hấp dẫn lực mạnh mẽ! Ta lại sẽ yên trí rằng chỉ trong một tổ chức xã hội tốt đẹp con người mới tốt đẹp được và công việc đầu tiên là cải tạo xã hội chứ không phải đào luyện con người. Không! Ta phải học Phật để thấy rằng bao giờ hành động con người vì động lực từ bi lợi tha để hoạt động thì bấy giờ xã hội mới được cải tạo tốt đẹp. Ðứng ra làm chính trị để cải tạo xã hội là những ai? Nếu đó toàn là những người chỉ tuân theo tiếng gọi của dục vọng tham si, nếu đó toàn là những người đặt danh lợi cá nhân lên trên đoàn thể, thì than ôi! Xã hội sẽ bị nát nhầu thêm, tối tăm thêm, và đau khổ thêm. Không ai chối cải rằng chính trị là một phương tiện. Nhưng đạo Phật dạy rằng con người phải có được một bản lĩnh nào đó thì những phương tiện mới có thể không phản lại ý muốn tốt đẹp của mình. Xem xét lại bản thân để chuyển được nghiệp mình, đó là công việc cần thiết mà không ai bỏ qua được.

Ðạo Phật dạy chính kiến và không dùng mê tín. Vậy ta phải luôn luôn học tập để nhận rõ đường đi, để khỏi bị quyến rủ bởi những hình dáng rực rỡ bên ngoài.

2- Tin tưởng vào tương lai, hay bi quan trước hiện tại?

Ðứng trước một hiện tại nào không được tốt đẹp, sống trong một thời đại mà những nguy nan của xã hội càng lúc càng trầm trọng, lắm lúc ta chợt thấy bi quan. Tình hình quốc tế căng thẳng, nước nhà lại bị chia hai, dân chúng khổ đau; trước những thảm trạng đó, người dân Việt Nam có tâm huyết đả cuống cuồng lên mà lo chạy chữa bằng nhiều phương tiện khác nhau. Người Việt không ai là không yêu nước thương nòi, nhưng người Việt có thể lỡ lầm gây nên tai họa cho giống nòi khi dùng phương tiện sai lầm. Ở đây chỉ là phạm vi đạo đức, ta không nên bàn đến chính trị. Chúng ta chỉ cần thấy rằng lòng yêu nước phụng sự dân tộc phải được hướng dẫn sáng suốt, phải được thể hiện bằng những phương tiện nào không đưa đến những hậu quả tàn sát, tàn sát nhân mạng và tàn sát nhân phẩm.

Mạng người phải được xem là quí báu đã đành. Nhưng bản vị của con người chứa đựng một nhân phẩm, một Phật tính kia, cũng không thể bị chà đạp. Chúng ta là những Phật tử, chúng ta sợ nhất sự chà đạp và tàn sát. Chúng ta chỉ có thể áp dụng những phương tiện nào tránh được sự chà đạp và sự tàn sát mà thôi.

Nhìn xung quanh rồi tự nhìn mình, ta thử hỏi nhân loại có phải đang sùng thượng những phương tiêẹn kia chăng? Hành động chà đạp và tàn sát đã đưa đến nhữnh hậu quả tai hại ghê gớm, nhân loại đã sắp bừng tỉnh. Chúng ta chớ nên bi quan. Hãy cố gắng nêu cao bằng hành động giá trị củ sinh mạng và của linh giác cùng khả năng kiến tạo của con người. Hàng triệu người Phật tử hãy tỏ bằng hành vi bằng ngôn ngữ ý niệm tôn trọng sự sống, tôn trọng sự thật. Chúng ta sẽ liên kết thành một lực lượng vĩ đại, chúng ta có một hướng đi đúng theo chánh pháp và chúng ta sẽ bỏ rơi những hạng người chủ trương dùng những phương tiện bắt phải tàn sát và chà đạp. Chúng ta sẻ thắng. Nhân loại (hẹp hơn là dân tộc Việt Nam) sẽ đi đến an lạc và thái bình, nếu nhân loại nhận thấy cần sát cánh bên nhau trong ánh sáng từ bi trí tuệ. Chúng ta cũng sẽ được an lạc nếu ta biết hướng theo những tiêu chuẩn kia để mà chuyển được ác nghiệp của ta thành thiện nghiệp.

3- Giác ngộ quyền bản tính? Giác ngộ bản tính?

Chúng ta có những quyền lợi mà chúng ta không biết, những quyền lợi ấy của chính chúng ta. Những quyền lợi nào? Quyền tự do, quyền công dân, quyền hưởng thụ, quyền... nhiều lắm. Còn động lực nào mạnh hơn động lực của lòng vị kỷ! Ðánh vào quyền lợi, thức lòng vị kỷ dậy, là một việc làm đưa lại những kết quả ghê gớm. Không có yếu tố trí tuệ và tình thương, sự giác ngộ quyền lợi chỉ là động lực của sự tương tàn tương sát... ở trong một con người, có chứa sẵn một bậc thánh và một con thú. Nếu chỉ biết chọc cho con thú bừng tỉnh dậy thì nguy cho con người lắm lắm...

Cho nên sự giác ngộ quyền lợi không quan trọng bằng sự giác ngộ bản tính, hoặc ít ra là phải đi theo với sự giác ngộ bản tính. Chúng ta phải quay về bản thân mà quan sát, mà chiêm nghiệm. Phải sống đời sống tâm linh để nhận rõ rằng tâm thức ta gồm đủ cả hạt giống thiện ác và mở cuộc thanh trừng vĩ đại bên trong nội giới. Sự thanh trừng đó càng được thực hiện bao nhiêu, ta lại càng giác ngộ được bản tính của ta bấy nhiêu.

Sự giác ngộ đó làm ta bừng tỉnh và ta không còn mờ mắt trước những cám dỗ của ngoại giới nữa. Khi đó, hành động của ta sẽ đúng với chánh pháp và lo gì ta không giúp ích được cho dân tộc và xã hội.

4- Tin vào năng lực con người, hay là vào những thế lực ngoài con người?

Con người có hoàn toàn tự do trong cuộc sống không? Con người có chịu trách nhiệm về sự thành bại nên hu của mình không? Con người có đủ khả năng để tự giải phóng không? Ðó là những câu hõi căn bản về giá trị con người. Nếu mọi sự thành bại nên hư của con người không do con người định đoạt, nếu con người chỉ là một bọt bèo yếu đuối không có khả năng, không có đủ tự do để tự tiến bộ, để tự giải phóng thì quả thật gía trị con người không là bao lăm cả. Ý chí và năng lực chúng ta sẽ tiêu mòn, nếu ta nhận thấy ta bất lực, nếu ta nhận thấy ta không có quyền gì vượt khỏi ý muốn của một đấng tối cao và linh thiêng.

Con người do nghiệp lực quá khứ và hiện tại mà có một sắc thân sinh hoạt trong một hoàn cảnh xã hội. Ðạo Phật dạy rằng con người phải cải thiện nghiệp nhân để có một nghiệp quả tốt đẹp hơn. Nghiệp quả tốt đẹp ấy chính là một con người tốt sống trong một hoàn cảnh đẹp. Sự tốt đẹp này không phải do một đấng thiêng liêng nào ban xuống mà do ở chính sự chuyển nghiệp của con người.

Có những kẻ không mê tín các lực lượng siêu nhiên nhưng lại mê tín ở năng lực rèn đúc của một tổ chức xã hội. Họ bảo:"Xã hội tốt đẹp sẽ đào luyện những con người tốt đẹp". Những kẻ ấy cũng ngây thơ không kém gì. Ðã đành con người có thể tốt đẹp trong một xã hỗi tốt đẹp. Nhưng làm thế nào để thực hiện được cái xã hội tốt đẹp ấy? Có phải trước tiên cần có những con người tốt đẹp đã chăng? Hơn nữa, đã chắc đâu một xã hội tốt là một cái lò rèn người tốt. Ðừng quan niệm sự "rèn người" một cách quá máy móc. Sự thực đã chứng minh rằng sống cùng một hoàn cảnh, hai con người có thể trở thành khác nhau như một trời một vực. Con người là một bản thể kỳ diệu, là một ẩn số, người ta đâu có thể tự hào hiểu biết nó được đến gốc rễ mà dám tự phụ dùng lò rèn luyện nó! Cho nên người Phật tử không tin ở những gì ngoài con người mà chỉ căn cứ vào động lực tạo nghiệp của con người.

5- Sống vì chánh pháp hay sống vì danh lợi?

Ta đã hiểu rằng sốn đúng theo chánh pháp nghĩa là tạo an lạc cho mình và cho mọi người. Như thế, đời sống ta có một định hướng, và bao nhiêu hành động của ta sẽ do một động cơ chính thúc đẩy: Ðộng cơ chánh pháp. Danh lợi sẽ không chuyển nổi ta, thúc đẫy ta được. Ta sẻ không vì hiếu danh hiếu lợi mà lăn vào phụng sự cho những nhóm người vì muốn lợi dụng ta đã đem danh lợi ra quyến rũ ta. Người Phật tử hãy sống cho thực tế, đừng lãng mạn. Lắm khi ta vì một tiếng khen, vì một sắc đẹp, vì một chút tự hào mà ta dám hy sinh thân mạng, dù sự hy sinh đó là vô nghĩa. Sự hy sinh chỉ có giá trị khi nào ta vì người mà hy sinh chứ không phải là vì mình, vì tiếng khen mình mà hy sinh.

6- Nhắm vào cứu cánh hay là nhắm vào phương tiện?

Khi chúng ta làm một công việc gì, chúng ta thường nghĩ đến kết quả tốt đẹp mà công việc ấy sẽ đem đến. Lý nhân quả dạy chúng ta rằng phương tiện tốt đẹp thì cứu cánh sẽ tốt đẹp. Nhưng chữ tốt đẹp ở đây ta phải hiểu với nghĩa rộng rải của nó. Bởi vì có những phương tiện và những cứu cánh mới trông thì hình như tốt mà kỳ thực không tốt đẹp tý nào. Ðó là vì ta chưa đặt chúng nằm đúng trúng vị trí không gian và thời gian.

Bố thí cho kẽ nghèo hèn, đây hẳn là một phương tiện đẹp. Nhưng nếu sự bố thí ấy chỉ do động lực hiếu danh thúc đẫy thì phương tiện này đã bớt đẹp đi nhiều lắm. Ðôi khi bố thí mà không đắn đo suy xét để vô tình dung dưỡng bọn ác nhân, bọn vô đạo, lười biếng thì đấy nhất định không còn là một phương tiện đẹp nữa. Vậy phải xét đến phương tiện ở cả hai phương diện nội dung và ngoại diện, hơn nữa, phải nghĩ đến cứu cánh.

Nhưng cứu cánh ở đây không phải là một cứu cánh giả tạm, mà là hậu quả còn mãi của những phương tiện. Ăn trộm thì bị tù và bị những thiệt hại khác như mất danh dự, bị khinh ghét, hậu quã còn kéo dài mãi về sau. Nhưng trước khi bị những tai họa ấy, người ăn trộm có thể sung sướng tiêu xài số tiền vừa lấy cắp. Sự sung sưóng này không thể gọi là cứu cánh, là hậu quả cuối cùng được. Phải xét đến cứ cánh ở cả hai phương diện nội dung và ngoại diện, hơn nữa, phải nhìn lại phương tiện.

Bởi vậy, nói rằng phương tiện đẹp thì cứu cánh đẹp cũng chưa đủ, mà nói rằng cứu cánh chứng minh cho phương tiện lại càng sai lầm. Phải cân nhắc kỹ lưỡng và nhất là phải ý thức rằng những phương tiện nào không phải do dục vọng ích kỷ thúc đẫy phần nhiều là những phương tiện đẹp.

Hạ một tên cướp để cứu mấy trăm mạng người, hành động ấy của một tiền nhân không thể gọi là phương tiện xấu. Nhưng ta nên nhớ rằng ta chỉ có thể làm được việc đó nếu ta vì tâm đại hoàn toàn vị tha. Ta sẽ chuốc lấy đau khổ thất bại nếu ta bị dục vọng đánh lừa. Những kẻ chỉ xét phương tiện trên hình thức có thể chỉ là những kẻ thiếu sáng suốt, nhưng những kẻ nào chỉ nhắm đến thứ hậu qủa nông cạn kia, thì những kẻ ấy lại là những kẻ mù quáng gây loạn cho thiên hạ.


[Mục lục][Chương kế]


[Thư Mục chính]

Last updated: 31-01-2000

Web master: binh_anson@yahoo.com
binh_anson@hotmail.com