[BuddhaSasana]

[Unicode Fonts]


       

Phật giáo Việt Nam và hướng đi nhân bản đích thực
Trần Thạc Ðức, 1967


Lễ nhạc của Phật giáo Việt Nam


Trong gần một thế kỷ nay, lễ nhạc của Phật giáo Việt Nam đã không nắm vững được kỹ thuật kỳ diệu và cao tuyệt của lễ nhạc thời xưa. Cái sa sút ấy chứng tỏ sự suy đồi của đạo Phật vè mọi mặt: giáo lý, hành trì, tu chứng và truyền bá. Lễ nhạc là phần phát hiện bên ngoài của một văn hóa. Mà văn hóa đạo Phật là một nền văn hóa siêu việt thì cố nhiên lễ nhạc của Phật giáo, phản ảnh của nền văn hóa siêu việt ấy, cũng phải có những bản sắc siêu việt.

Chúng tôi rất lấy làm buồn tủi khi thấy kho tàng quý giá của tiền nhân để lại hiện nay không còn được quý trọng như xưa; người ta đã hờ hững xem thường, và đôi khi còn muốn hủy hoại đi nữa là khác.

Nghiên cứu lại lễ nhạc Phật giáo Việt Nam ta thấy văn hóa Phật giáo Việt Nam ngày xưa đã lên đến một trình độ khó diễn tả bằng lời nói. thật vậy, chúng tôi đã say mê những nét sáng sủa huy hoàng, những nét trầm hùng uy nghiêm, những nét nhẹ nhàng uyển chuyển, những nét giải thoát nhiệm màu khi bước chân vào ngôi nhà lễ nhạc Phật giáo.

Từ một nghi thức tụng niệm, một khóa lễ hàng ngày cho đến một nét nhạc xưng dương Tam Bảo, tất cả đều diễn tả một trỉnh độ tu chứng thanh thoát, một tâm niệm giải thoát vô ưu.

Hãy đi tìm nếp sống văn minh của những Phật tử ngày xưa trong lễ nhạc! Ta sẽ thấy tâm hồn ta nhẹ nhàng thanh thoát khi thoáng thấy nếp sống an hòa tịnh lạc của họ. Ta sẽ ước ao trỡ về với nếp sống thuần tịnh để tâm hồn khỏi vướng bận những rộn ràng của kiếp sống xao động hiện nay.

Hãy tìm đến một ngôi chùa xưa nằm yên lặng bên một nếp đồi, dưới rừng thông xanh đậm và cao vút. Mái chùa uốn cong nhè nhẹ, không vươn lên một cách ngạo nghễ như những kiến trúc lắm tiền nhiều bạc của Trung Hoa. Tam quan hùng mạnh uy nghiêm nhưng vẫn hiền từ đón tiếp chúng ta như một bà mẹ trìu mến nhìn đứa con đi xa mới về quê cũ. Tâm hồn ta yên tĩnh khi bước vào sân chùa, vòng quanh hồ bán nguyệt thả sen, đi lên chùa dưới hàng sến cao vút như những chiếc lọng to lớn. Trong hơi gió thoảng, ta nghe tiếng chuông gia trì khoan thai điểm trong nhịp mõ đều đều và ấm áp. Tiếng mõ trầm trầm và lâng lâng kia không phải có ra do một sự tình cờ. Ðó là công phu của bao nhiêu ngày tháng. Gỗ dùng để đục chạm nên chiếc mõ ấy được lựa chọn hằng tháng trong các thứ cây. Nghệ thuật đục mõ đã quyết định âm thanh của mõ. Có những chiếc mõ mà tiếng ấm như nắng mùa xuân, dịu như lời nói ôn tồn của vị sư già ngồi xếp bằng trên tọa cụ, bên cạnh chiếc án thư đen bóng. Chúng ta hãy đến các ngôi chùa xưa nhất để thọ trì một thời kinh và để thử xem âm thanh của những chiếc mõ. Toàn là những thứ mõ rất quý giá mà âm thanh thật ngọt ngào êm dịu. Buổi chiều đứng trên hồ sen nghe tiếng mõ trầm trầm đưa tiếng kinh lan rộng, tâm hồn ta thanh thoát không biết chừng nào. Nhưng đến các chùa mới lập, ta sẽ không thế nào chịu nổi khi nghe tiếng mõ chát như ổi non và loãng như nước gạo. Một người thợ đục mõ vừa đem lên chùa Linh Sơn hơn bốn mươi chiếc mõ con để dùng cho tư gia, mà chúng tôi đã không chọn được chiếc nào có âm thanh đạo vị và giải thoát.

Còn chuông! Ðó là một công phu tinh tế hơn nhiều. Nghệ thuật pha đồng, nắn khuôn để tạo nên một cái chuông có âm thanh thiền vị không phải là một nghệ thuật thô sơ. Hình dáng của chuông, sự dày mỏng của những bộ phận trong chuông, công thức pha trộn các thứ kim khí đã quyết định giá trị của tiếng nói nhà thiền. Nghe tiếng đại hồng chung của chùa Linh Sơn Ðà Lạt rồi về Huế nghe tiếng chuông Từ Hiếu hay Linh Mụ, ta thấy khác nhau đến thế nào! Ðại hồng chung của hai ngôi cổ tự, âm thanh mới thiền vị làm sao. Trầm lặng và ấm áp, thanh tao. Trong khi ấy chuông chùa Linh Sơn chỉ là một tiếng đồng lạnh lẽo, rời rạc và âm thầm. Nghệ thuật đúc chuông chỉ còn sót lại ở nhóm đạo hữu khuôn Dương Biều, nhưng ai có thể quyết chắc rằng nghệ thuật đó đã không mất dần giá trị cũ? Tiếng chuông của chùa Viên Giác Cầu Ðất tượng trưng cho nghệ thuật Dương Biều làm sao so sánh với tiếng chuông Báo Quốc, tiêu biểu cho nghệ thuật đúc chuông ngày xưa?

Giá Dương Biều chịu khó trở về nghe lại tiếng chuông ngày xưa và quan sát hình thức cùng cách chế biến của những quả hồng chung cổ điển , cố gắng để đào luyện một tâm hồn đạo vị và một khiếu thẩm âm tinh tế, chúng tôi tin chắc rằng Dương Biều có thể đưa cao nghệ thuật đúc chuông lên như cũ được.

Mãi nói chuyện về chuông mõ, ta bước vào Lạc Nghĩa Ðường mà không hay. Nhìn cách bài trí trong Lạc Nghĩa Ðường, ta cảm thấyngát hương thiền vị. Ba chữ Lạc Nghĩa Ðường xương kính uy nghi ngự trên tấm hoành gỗ lim nâu bóng, mát dịu. Tường vôi màu khói hương nhạt. Những bức đố, những trường kỷ, những bồ đoàn có hộc tộ, cho đến những cột kèo chạm trổ tinh vi đều mang một màu nâu bóng làm mát dượi cả gian nhà. Nếu ta ở ngoài nắng vào, ta sẽ thấy mát mẻ như tắm mình trong dòng nước trong. Màu sắc thanh nhã và uy nghi làm cho ta không dám nói lớn tiếng và không dám lê guốc hững hờ trên nền gạch nâu sẩm màu. Thật khác hẳn với cách trang hoàng của các ngôi chùa mới: từ cái khăn trải bàn màu rực rỡ, đến những bức họa lắm màu treo trên tường, những bộ bàn ghế đánh véc ni bóng lộn, những bình hoa giấy lòe loẹt... cho đến những lá cờ năm sắc treo cùng nơi khắp chốn làm ta nhức mắt như khi bước vào một hiệu tạp hóa của người Tàu. Thật không còn gì là đạo vị nữa!

Ta hãy nhìn xem bộ ghế "quá đường" nằm chính giữa. Chỗ ấy là nơi vị Thượng Tọa trưởng lão ngồi, và dù khi người không ngồi đấy mà đi ngang qua, tự nhiên ta cũng pnải cúi đầu. Trong đại chúng, không một ai dám có tư tưởng ngồi thử lên đấy xem có cảm giác thế nào, vì đạo hạnh uy nghi của vị trưởng lão làm mọi người kính sợ. Ở đây tùy theo tuổi tu và tùy theo đức hạnh, có một trật tự tôn ty rất hợp lý và nghiêm nhặt. Không một vị tăng nào ngồi ngang Thượng Tọa. Các bậc tỳ kheo nhỏ tuổi và các thầy Sa Di mỗi khi hầu chuyện phải đứng một bên, hoặc nếu người cho phép sẽ bắc chiếc ghế con ngồi ghé một bên rất khiêm tốn. Nói gì đến các vị cư sĩ tại gia; khi vào chùa, họ không dám động mạnh và khi gặp Thượng Tọa, lắm người sụp xuống đảnh lễ. Sự tô nghiêm về lễ giáo này không có một tý gì là "phong kiến" hay "giai cấp" cả; ở đây không hề có sự bó buộc: nhân cách và đạo đức của người tu hành đã cảm hóa được mọi người. Và lễ nghi chính là do tinh thần đạo đức hình thành.

Ðảnh lễ một vị đại đức, tâm hồn ta thấy an tịnh, thuần kính, không phải như khi ta bị cưỡng ép phãi giữ lễ độ trước một vị công chức hống hách. Ta tìm thấy trong những lễ nghi thuần cẩn ấy một nếp sống có uy hướng, có mục đích, những tâm hồn thuần cẩn kính tín, khẩn thiết và chí thành. Chúng tôi không biết ăn làm sao nói làm sao khi thấy lối tiếp khách của một vài ngôi chùa mà tăng tục bình đẳng một cách sổ sàng; lắm người xem bậc tăng già không ra gì, không biết sự thuần cẩn của họ làm sao mà có được để họ tự xưng mình là Phật tử? Hoặc giả cũng vì tại các bậc tăng già ấy chưa có một đạo đức thâm sâu để phát ra một nhân cách đáng sùng thượng cũng nên.

Trên chiếc tủ cổ kính dưới bức "Lạc Nghĩa Ðường" dựng một thạch bản có những đường vân hình một vị Bồ Tát đang ngồi thiền tọa. Ðối diện với bức "Lạc Nghĩa Ðường" là một bức hoành bằng gỗ màu cánh dán, trên khắc mười lăm lời đại nguyện của một vị tổ khai sơn. Phía tả, chân dung đức Quan Thế Âm bằng nét thủy mạc linh động, lồng trong một chiếc khung thật lớn. Nét vẽ thần diệu diễn tả được một phần nào vẻ thanh tú và từ bi của một đấng đại sĩ. Lối trang hoàng thật thanh nhã, thật công phu, sự sắp đặt trong ngôi nhà thật có thứ tự sít sao, màu sắc và hỉnh dáng ăn khớp với nhau để tạo nên một khung cảnh thiền vị, khác hẳn lối trang hoàng ồn ào của những phòng khách của các chùa "tân thời" ngày nay.

Tiếng guốc mộc khoan thai báo cho ta biết rằng nhà tu hành sắp ra. Ta đứng dậy đến đón chào Người. Nụ cười hiền dịu của Ngài làm cho ta dịu cả tâm hồn. Người ngồi xuống tràng kỷ và cho phép ta ngồi trên chiếc bục kê sát một bên. Trong khi chú điệu soạn khay pha trà, dáng điệu nhẹ nhàng và cung kính trong chiếc áo năm thân màu lam, ta lễ phép đáp lại một vài câu hỏi hiền từ của nhà tu hành đáng kính. Màu áo nâu sẫm cũa Người, sao ta thấy tinh khiết và đẹp đẽ quá chừng. Màu nâu sồng là một màu thanh đạm, trầm mặc, nhưng kiên nhẫn, chứa đầy hùng lực. Thật là một màu sắc được chọn lọc của đạo Phật nước nhà, thích hợp với tinh thần nước nhà, thích hợp với tinh thần đạo lý Ðông Phương và ngát màu quê hương xứ sở.

Ðạo Phật Việt Nam từ ngàn xưa đã được nhìn qua màu nâu sồng thanh nhã và trầm hùng. Các vị tăng già chỉ đắp y vàng khi vào lễ Phật và khi giảng kinh thuyết pháp. Pháp phục, vì vậy, được tôn trọng ngang với kinh điển. Tăng già của Cao Miên, Tích Lan dùng y vàng luôn trong cả ngày nên màu vàng trở thành tầm thường, không gợi được niềm cung kính tuyệt đối như màu vàng của "vàng son điện thép" của Ðại Hùng Bảo Ðiện. Một vài vị tăng già sang Xiêm, sang Tích Lan, sang Lào, khi về, muốn cho tăng già Việt Nam đổi phẩm phục, dùng y vàng. Các vị ấy không có kiến thức về nền văn hóa của nền Phật Giáo dân tộc và cổ truyền của đất nước, cho nên mới có ý tưởng vong bản và ngoại lai đó. Màu sắc nâu sồng của Phật giáo nước nhà đã trở nên thiêng liêng, mang đầy hồn dân tộc, hồn đất nước, chứa đựng bao nhiêu ý nghĩa về đức tánh trầm hùng, tượng trưng cho một nền phật giáo lịch sử có những thời đại huy hoàng như Lý, Trần ngày trước. Màu sồng của Phật Giáo Việt Nam bất diệt! Tinh thần Phật giáo truyền thống và dân tộc đòi hỏi như thế, và không cho chúng ta đi xa mất gốc.

Khi các bậc tăng già Việt Nam hành lễ, thì có áo hậu màu khói hương và ngoài thì đắp y ngũ điều, thất điều, hay nhị thập ngũ điều, tùy theo trường hợp khinh trọng và tùy theo giới lạp đức hạnh của mình. Trang nghiêm và thành kính không biết chừng nào mà kể.

Sau khi đã cung kính nhận lấy hai lần chén trà thơm ngát mùi hoa mộc hoa sói, chúng ta đứng dậy xin đi vãng cảnh chùa. Vị tăng già đáng kính với nụ cười hiền dịu, bảo chú điệu lấy nón cho Ngài, rồi đưa chúng ta đi ra vườn cảnh.

Dưới ánh nắng mai, hình dáng nhà tu hành dưới chiếc nón lá thật rộng vành - có đến hai mươi mấy vành là ít, trông khoan tha, điềm đạm và ung dung một cách lạ lùng. thật là hiện thân của đạo hạnh, của giải thoát. Ta nhớ lại là đã trông thấy một vài vị tăng đội mũ tây, cỡi xe đạp phóng nhanh trên đường đô thị. Sao mà khó nhìn đến thế! Trông một vị đội mũ tây, ta thấy mất đi hết một nửa con người của nhà tu hành, và cảm thấy khó chịu. Có lẽ các vị cho là tiện lợi. Chúng tôi đồng ý là có thể đặt ra những thứ che đầu thích hợp và tiện dụng hơn nón lá, nhưng với điều kiện hình htức cũa các thứ ấy phải thích ứng với tinh thần đạo đức Ðông phương. Nhìn một vị tăng đội mũ đi giày, tôi tưởng như đang nhìn một giáo sĩ Tây phương đang đi làm việc xã hội. Không, Phật giáo Việt Nam phải có những hình bóng tăng già tượng trưng cho nền đạo từ bi và giãi thoát: Toàn thể con người của một nhà tu phải là một bài thuyết pháp không lời. Ðội cái mũ Tây và có những cử động lăng xăng thiếu khoan thai, thiếu phong độ, tức là đã phản với hình thức và nội dung của bài thuyết pháp ấy.

Chúng ta viếng cảnh những mộ tháp và để ý nhỉn lối kiến trúc cổ điển của Phật giáo dân tộc. Những đường cong thanh tú, những trạm trổ tinh vi mà mỗi nét mỗi hình tượng trưng cho mỗi ý đạo: khổ, không, vô thường, vô ngã, diễn tả một tinh thần phong phú đạo lý, lành mạnh, vững chắc trước mọi biến thiên. Nhìn những kiến trúc đặc biệt ấy của tiền nhân rồi nghĩ đến các ngôi chùa mới dựng, ta hoảng hốt thấy rằng kiến trúc của Phật giáo Việt Nam hiện thời đang đi đến chỗ phá sản. Nhiều chùa đã xây dựng như nhà tây. Phần nhiều đều lai: lai đình miễu còn khá, lai Cao Miên, lai rạp hát, lai Tây và hại nhất là lai nhà thờ. Ngôi chùa sư nữ nào đó ở Phan Thiết đã có những cửa đi xây dựng theo kiểu "art gothique" của nhà thờ Thiên Chúa. Không khéo, vào các chùa ấy và nghe hát những "bản nhạc Phật" mới sáng tác theo điệu Gia Tô, ta sẽ tưởng lầm là ta lạc vào một cái nhà thờ mất. Nguy hại cho nền Phật giáo dân tộc biết chừng nào! Mong rằng từ nay những ngôi chùa mới, như chùa Xá Lợi hay một ngôi chùa toàn quốc tương lai chẳng hạn, sẽ trở về với kiến trúc cao đẹp của Phật giáo Việt Nam cổ điển và nếu có dung cải, sẽ dung cải theo những luật tắc nằm sẵn trong kiến trúc truyền thống.

Ði vãng cảnh chùa xong, ta xin phép nhà tu vào chánh điện lễ Phật. Thời kinh sáng chưa chấm dứt. Chúng ta cởi giày, bỏ guốc, mặc áo tràng lam và trước khi bước vào chánh điện, ta nhẫm lại câu mà các vị tăng già mỗi khi nhìn thấy Phật, đều đọc lên để xưng tán:

" Kiến Phật tướng hảo, đương nguyện chúng sinh, đắc thanh tịnh nhãn kiến nhất thiết Phật" - Thấy tướng đẹp của Phật, xin nguyện cho chúng sinh đều đắc được pháp nhãn thanh tịnh để thấy được tất cả chư Phật mười phương."

Các tăng già mỗi khi đi, đứng, làm việc, đều ý thức được công việc mình làm và luôn luôn nhiếp được thiện niệm nhờ đọc những câu kệ như thế. Thử lật cuốn "Tỳ Ni Nhật Dụng Thiết Yếu" ra xem, ta sẽ thấy nếp sống tinh thần của nhà tu giàu thịnh và ý nghĩa không biết mấy mà nói. Rửa tay, các vị đọc: "Dĩ thủy quán chưởng, đương nguyện chúng sanh, đắc thanh tịnh thủ, thọ trì Phật pháp" - "Lấy nước rửa tay, nguyện cho chúng sinh đều được hai bàn tay trong sạch để thi hành và nắm giữ Phật pháp."

Ý nghĩa bao gồm trong những câu ấy thật sâu xa, xúc tích, cho đến một việc tầm thường nhất như khi đi đại tiểu tiện các vị cũng đọc :"Ðại tiểu tiện thời, đương nguyện chúng sanh, khử tham sân si, quyên trừ tội pháp" - "Khi đại tiểu tiện, xin nguyện chúng sinh tống ra ngoài những tham sân si và dứt sạch mọi tội lỗi."

Ðáng kính phục thay, nếp sống đạo vị ấy. Tất cả chỉ là nghi lễ và lễ nghi. Lễ nghi với đạo là một. Thấy một giòng nước rửa mặt, rửa chân, ngồi ngay thẳng, thắp một cây đèn, uống một tách nước...các ngài đều đọc một câu đầy ý nghĩa để nhiếp phục tâm niệm. Buổi khuya, nghe chuông tỉnh dậy, cho đến buổi chiều tĩnh tọa để an nghỉ, suốt ngày, nhà tu hành nhiếp được tâm niệm trong chánh đạo, trách gì chánh niệm không chánh thành tựu. Ðọc hết cuốn sách ấy, ta đã thấy được cái cao đẹp vô biên của nếp sống đạo lý.

Nhưng kìa, tiếng chuông gia trì đã ngân nga trong trẻo dịu dàng và ấm áp. Qua khói trầm hương, ta nhìn thấy Ðức Phật với nụ cười muôn thuở. Nghệ thuật điêu khắc xưa đã diễn tả được nhiều đức từ bi, trí tuệ và hùng lực. Thi sĩ Thanh Tịnh, một đêm đứng trước bàn thờ Phật của một ngôi chùa cổ chốn Thần kinh, đã cảm động mà có hai câu thơ:

"Gió luồn khe cửa, chao đèn Phật,
Một nụ cười xưa phát thệ nguyền"

Cảm giác thật là cảm giác hiền dịu của ta khi đứng trước cảnh tôn nghiêm cuea chánh đdiện. Lối thờ tự, tuy mới nhìn thấy như phiền phức, nhưng thật ra có một trật tự không thể nào thay đổi. Mổi bàn, mỗi tượng, mỗi nhạc khí chuông, mõ, linh, tang, trống đều có một địa vị nhất định không thể thay đổi. Trật tự ấy có một ý nghĩa sâu sắc, chứa đựng một triết lý, biểu lộ cả một văn minh tinh thần cao đẹp. Các nhà mỹ thuật hãy đến viếng các ngôi chùa xưa để ngắm những tượng La Hán để rồi khiếp đảm trướcnhững nét kỳ diệu của điêu khắc cổ điển Phật giáo Việt Nam. Ở miền Nam, hãy đến chùa Vĩnh Tràng Mỹ Tho, vì ở đấy cũng có nhiều di tích của nghệ thuật ấy.

Nhắc chi đến cách bài trí bàn Phật bây giờ cho đau lòng. Tượng Phật chỉ chuộng màu sắc loè loẹt. Ðèn điện trơ tráo, đèn ống phơi bày văn minh cơ khí một cách kỳ dị. Không phải là ta không thể dùng điện, nhưng hãy dùng kín đáo, và không thể bỏ nến vì nến là một trong những thứ phải có để cúng dường Tam Bảo cho trang nghiêm.

Ta lặng nghe tiếng xướng uy nghiêm của vị chủ lễ, tiếng xưng tán Tam Bảo trang trọng mà quy kỉnh như ánh nến lung linh trang nghiêm. Tiếng chuông mõ khoan thai mở đầu cho khóa lễ. Phải có một tâm hồn điềm đạm và trang nghiêm lắm mới điểm được những tiếng chuông và những tiếng mõ trang trọng như thế kia. Chúng tôi nhớ lại một buổi lể của Gia Ðình Phật Tử, cũng mõ ấy chuông ấy, nhưng chát chúa và lủng củng vô cùng, bởi tánh tình các em còn nóng nảy, vụt chạc, hờ hững. Ta lại gần để xin thỉnh một tiếng chuông. Nhẹ nhàng, ta cầm dùi chuông lên, trong lòng yên tĩnh, ta nhẹ tay đưa dùi chuông sát nhẹ vành chuông: một tiếng ngân trong sáng vọng ra êm ái mà thuần dịu.

Nhưng nếu tâm hồn không bình tĩnh, ta sẽ đánh lên những tiếng chuông mà nếu thâu thanh lại, ta thấy không thể nào dùng được. Một vị cao tăng đã nói với chúng tôi rằng người có thẻ xét biết trình độ tu chứng và giải thoát của một người, khi nghe giọng tụng kinh và tiếng chuông mõ của người ấy.

Một bài tán hương được cử lên, tang mõ cùng điểm trong một sự nhịp nhàng tuyệt đối. Bài tán là một bài thơ phổ nhạc thiền. Ta hãy lắng mà nghe. Nếu ta mang nặng một tâm hồn trần tục, ta sẽ không cảm nhận được những nét nhạc giải thoát siêu tuyệt ấy. Giá trị văn thơ và triết lý của các bài thơ đã là đáng kể; nét nhạc diễn tả ý thơ lại càng đáng cho ta khâm phục hơn nữa.

Viết về cổ nhạc Phật giáo, nhạc sĩ Nguyễn Hữu Ba nói: "Trong âm nhạc giữa đời, chúng ta nghe có điệu như máu sôi, lửa cháy, như quỷ khóc, tù van, có khúc như say đắm dâm ô, như reo cười múa hát. Thật chúng đã tượng trưng đúng cho cảnh vui buồn tương đối của trò đời giả dối vậy. Trái lại, âm nhạc nhà Phật là phản ảnh của đời sống an lạc đạm bạc của tâm hồn bình dị, thanh khiét, của đạo màu giải thoát khổ đau... Nội tâm thì bình tĩnh an vui, ngoại cảnh thì thanh thoát hồn nhiên, nên âm nhạc nhà Phật đã thấm nhuần tinh thần thoát tục siêu phàm, không vướng chút gì gọi là u sầu, phiền lụy. Ở đây có những nét nhạc lung linh như nến, uyển chuyển như khói trầm, nhẹ nhàng như hương sen, có những nét nhạc sáng sủa nbư vàng, huy hoàng như vàng son điện tháp; có những nét nhạc trầm hùng và tỏa rộng như chuông chiều, oai nghiêm như đại cổ." (Giác Ngộ, số 3 ra ngày 15-5, Kỷ Sửu)

Nhạc sĩ Nguyễn Hữu Ba quả đã thấy được phần nào kho tàng quý giá của Phật giáo Việt Nam. Phải có một tâm hồn thanh thoát, mới cảm thấy được tất cả tính chất siêu việt của ý nhạc, mới cảm thấy được cái hay "ai nhi bất thương, lạc nhi bất dâm", cái đẹp của tín ngưỡng, của giải thoát. Nguyển Hữu Ba lại đã nghĩ rất đúng khi ông viết: "Nhạc nhà Phật rất cao siêu, có nhiều nhạc điệu lạ kỳ, rất hay, đối với nhạc ngoài đời đã không kém mà lại có chỗ cao siêu hơn. Nhạc điệu nhà Phật hoàn toàn có màu sắc Việt Nam, không chịu ảnh hưởng nước nào; chẳng những thế, không giống gì nhạc điệu của các ngành kia." (Trong bài đã dẫn) "Không giống" vì đây là nhạc giải thoát. Lượng và phẩm của nhạc Phật rất đáng kể, nhưng tiếc thay, không ai chịu nghiên cứu, sưu tầm, bảo vệ; hiện giờ có nhiều nhạc điệu đã thất truyền. Sự thất truyền ấy đang theo thời gian mà thực hiện đến toàn vẹn. Mong rằng người ta dẹp ngay những bài hát Phật "cải cách" lại, để trở về tìm nguồn trong kho tàng Phật nhạc để rồi duy trì cổ nhạc và sáng tác, với kỹ thuật Tây Phương, những nhạc phẩm mới cho Phật giáo Việt Nam, những nhạc phẩm có thể tiêu biểu cho tinh thần đạo Phật của dân tộc.

Những bài hát lai Tây và loại nhạc nhà thờ cần phải được loại ra khỏi nền Phật nhạc. Tâm hồn chúng ta sẽ biến cải nếu ta cứ bị nghe mãi những nét nhạc ngoại lai không có tinh thần từ bi trí tuệ và giải thoát.

Một ban nghiên cứu và sưu tầm phải thu lượm tất cả những bài thơ phổ nhạc của đạo Phật để tìm hiểu, phân tích, truyền bá, bảo tồn, và phát huy. Phật tử Việt Nam sẽ tìm nguồn cảm hứng ở đây để sáng tác, phải cố tu tập cho tâm hồn thanh thoát để sáng tác.

Ngay đến cách tụng niệm cũng đã là những bản nhạc thần diệu rồi. Bài "Nguyện Tiêu" và "Nguyện Sanh" với giọng thiết tha, bai "Lăng Nghiêm" trầm trầm thanh thoát như canh định, bài "Hồng Danh" nhịp điệu bổng trầm, chú "vãng sanh" lâng lâng như bay bổng sang Tịnh Ðộ. Mỗi bài một lối tụng, tùy theo nội dung và ý nghĩa của từng bài. Ðến như các bài nhạc thỉ tuyệt diệu: Bài "Nhất Ðiện" với nhạc điệu siêu tuyệt tả cảnh vô thường "thân hình bào ảnh tợ ngân sương"; bài "Ái hà thiên xích lãng" diễn tả tâm niệm tinh tấn và cảnh thăng trầm của "khổ hải vạn trùng ba"; bài "Tọa bồ đề tòa" với những nét cao vút như đỉnh Tuyết Sơn và đẹp như ánh sao băng diễn tả giờ Thành Ðạo "Nhất Ðổ Minh tinh, đạo thành giáng pháp lâm"; bài "Hương tài nhiệt" diễn tả nét lung linh của khói hương, tràng phan, nét uyển chuyẽn của "Chư Phật Bồ Tát hạ thiên cung" trong lúc "Hương yên liêu nhiễu liên hoa động"...

Bao nhiêu là màu sắc , là âm điệu là hình bóng, là nghĩa lý thâm uyên.

Rồi ta sẽ xin phép nhà tu xem qua nghi thức của các lễ Cầu An, Cầu siêu, Khai kinh, Mông Sơn, Truyền giới... Trong mỗi nghi thức, ta sẽ khám phá ra được một quan niệm về nhân sinh, một nếp sống an lành , hiếu nghĩa, từ bi, xem trọng sự lợi sinh và giải thoát của muôn loài. Ở đây, lý trí và tình cảm điều hòa trong một nếp sống vị tha, đạo hạnh,ngát mùi dân tộc và đượm hương giải thoát. Nếu còn nhiều thì giờ, chúng ta hãy đọc lên một vài đoạn văn trong khoa "Mông Sơn" để thấy lòng từ bi lan đến thập loại chúng sinh, vài đoạn văn trong sách Truyền giới "Ðại Học" để thấy tất cả sự quan hệ của nếp sống tinh thần của người tu học. Mỗi câu xướng, mỗi cử động trong nghi thức chứa đựng một ý nghĩa mà suốt từ đầu đến cuối, một sự sắp đặt toàn mỹ ăn nhịp theo với mục đích của khóa lễ: Sám hối bao giờ cũng trước phát nguyện, phát nguyện bao giờ cũng trước hồi hướng và nghi thức bao giờ cũng chấm dứt bằng Tam Tự Quy để hành giả quay về với sơ niệm tốt đẹp cũa đời đạo hạnh.

Trong lễ nhạc, trong các nghi thức, nếu nhgiên cứu, ta sẽ thấy cả một nếp sống tâm linh cao đẹp, phong phú, một nền văn minh tinh thần siêu việt, một khuynh hướng giải thoát an lạc.

Sau khi được lãnh thọ bữa trai phạn tinh khiết và thanh đạm, chúng ta xin phép trở về. Nhà tu hành sẽ đưa chúng ta ra tam quan và hẹn ngày tái ngộ. Chúng ta bước ra khỏi chùa với một tâm hồn an lạc và tin tưởng.

Nhưng nghĩ rằng lể nhạc của đạo Phật hiện đã hao mòn và hiện giờ còn bị người hắt hủi, chúng ta thấy buồn vô hạn. Vì đâu nghệ thuật đạo Phật hiện giờ sút kém ngày xưa như thế? Phải chăng vì trình độ tu học của tăng đồ và của cư sĩ không được như xưa?

"Hữu ư trung tắc hình ư ngoại". Tâm hồn như thế nào thì cách sinh hoạt thế ấy. Sinh hoạt văn hóa của giới Phật tử ngày nay chứng tỏ một khả năng tu chứng thấp kém, bạc nhược. Nếu các bậc tăng già thực hiện được đời sống tâm linh giải thoát an lạc, nếu các vị cư sĩ tín nhiệm vững vàng, không lợi danh, không khinh suất thie đâu đến nỗi mà lễ nhạc đi vào con đường phá sản. Vậy chúng ta đốt hương nguyện cầu cho cácvị tăng già được nhiều người có tu chứng, có sở đắc tâm linh; cho các vị cư sĩ lấy lại tín tâm thuần cẩn, để văn hóa - chân tướng - của đạo Phật được hiển lộ, lợi ích cho quần sinh. Sống trong lễ nhạc ấy, ta mới có được "thực tu", "thực chứng".

Vì sự biểu hiện bên ngoài cần thiết như vậy, nên ta lại phải cố gắng trở về với kho tàng lễ nhạc cũ để gội mình trong đó, đễ thấm nhuần, để chiêm nghiệm, để sáng tạo, để loại trừ những hình thức lố bịch phản tinh thần Phật giáo, phản tinh thần dân tộc, những hình thức đang mai mỉa hai ngàn năm lịch sử huy hoàng cũa nền đạo đất nước, và cuối cùng để xây dựng nếp sống cao đẹp, thuần túy và phong phú mà tiền nhân đã xây dựng được một cách vẻ vang.


[Mục lục][Chương kế]


[Thư Mục chính]

Last updated: 31-01-2000

Web master: binh_anson@yahoo.com
binh_anson@hotmail.com