BuddhaSasana Home Page

Vietnamese, with Unicode Times font


Tìm hiểu về Giáo dục Phật giáo (2)

Thích Nữ Hạnh Từ


(tiếp theo)

CHƯƠNG IV: ÐỐI TƯỢNG CỦA GIÁO DỤC PHẬT GIÁO

1. Ðối tượng của giáo dục:

Ðể hiểu sâu hơn về đối tượng của giáo dục này, trước tiên chúng ta cùng sơ lược về vài điểm chính yếu sau:

* Khái niệm về đối tượng của Giáo dục học:

Giáo dục học là khoa học về việc giáo dục con người, khoa học về sự hình thành nhân cách con người trong quá trình người giáo dục và người được giáo dục hoạt động có tổ chức một cách đặt biệt.

Lãnh vực nhận thức của Giáo dục học là những tri thức về khái niệm, tính chất, đặc điểm về tổ chức hoạt động trong việc giáo dục con người. Phạm vi nhận thức của Giáo dục học bao gồm việc giáo dục thế hệ trẻ đang lớn lên và những người đang trưởng thành. Việc giáo dục con người là một quá trình giáo dục, quá trình này có sự vận động, diễn ra trong thời gian, không gian nhất định, có nội dung quy luật và động lực của nó. Giáo dục với tư cách là một hiện tượng xã hội được nhiều nghành khoa học xã hội nghiên cứu; Kinh tế học, Xã hội học, Ðạo đức học, Tâm lý học, Khoa học quản lý...Giáo dục học khác với các nghành khoa học nên chổ có nghiên cứu bản chất trong của quá trình giáo dục bằng cách tìm hiểu cấu trúc và cơ chế của quá trình đó. Nó coi giáo dục là một quá trình hình thành cá nhân một cách có ý thức, có mục đích, có tổ chức, nó soi sáng các quy luật của quá trình đó, nghiên cứu lý luận và phương pháp của hoạt động Giáo dục, giáo dưỡng.

* Quá trình Giáo dục là đối tượng của Giáo dục học:

Quá trình Giáo dục là quá trình hình thành cá nhân con người được tổ chức một cách có mục đích và có kế hoạch, căn cứ vào những mục đích và những điều kiện do xã hội quy định, được thực hiện thông qua các hoạt động giáo dục và học tập trong một thời gian và không gian nhất định; nhằm giúp người học chiếm lĩnh những kinh nghiệmp xã hội của loài người, nhờ đó mà hình thành các phẩm chất năng lực của cá nhân theo những yêu cầu của xã hội. Quá trình giáo dục theo quan niệm trên đây chính là đối tượng nghiên cứu của giáo dục học. Giáo dục học nghiên cứu quá trình Giáo dục trong tính tổng thể, tính toàn vẹn của nó, cũng như các bộ phận, các yếu tố của quá trình đó.

Quá trình giáo dục tổng thể bao gồm quá trình dạy học và quá trình giáo dục nghĩa hẹp (gồm các quá trình giáo dục bộ phận; quá trình đức dục; thể dục và lao động.) Ngoài ra, quá trình giáo dục này còn được gọi là quá trình giáo dục nghĩa rộng và đào tạo. Trong lãnh vực nghiên cứu khoa học giáo dục và nhà trường còn được gọi là quá trình sư phạm tổng thể.

* Cơ Cấu của quá trình giáo dục:

Quá trình giáo dục tổng thể cũng như các quá trình bộ phận đều được tạo thành bởi các yếu tố sau: Chủ thể giáo dục (người giáo dục) khách thể (hoặc đối tượng) Giáo dục (người học), mục đích giáo dục, nội dung, phưong pháp, phương tiện, hình thức tổ chức giáo dục. Tham gia vào quá trình giáo dục (mình có những điều kiện giáo dục bên ngoài [môi trường kinh tế - sản xuất], chính trị, văn hóa xã hội) và điều kiện bên trong (môi trường sư phạm và cơ sở vật chất thiết bị trong nhà trường.)

Một vài điểm chính yếu được đề cập trên, là chỉ định nghĩa theo cách giáo dục học của thế học. Riêng về cách định nghĩa "Ðối tượng của Phật Giáo Việt Nam". Theo Giáo Sư Tiến Sĩ Thượng Tọa Thích Chơn Thiện cho rằng: Ðối tượng của giáo dục là con người, chỉ có con người mới có văn hóa và giáo dục. Không phải là con người trong ý nghĩa "con người là con vật có lý trí", bởi lý trí không thể là yếu tố quyết định hiện hữu của con người toàn diện. Ở một mặt nào đó lý trí là phần giúp tạo nên một giá trị khác với loài động vật khác, nhưng ở mặt khác lý trí chính là nhân tố gây ra nhiều phiền não, khổ đau cho con người. Cũng không phải là con người trong ý nghĩa "con người là con vật có tôn giáo", bởi vì các tôn giáo hình thức đã phó thác con người cho một đấng sáng thế nào ấy, đã đánh mất vị trí làm chủ con người, và vì không nhân danh tôn giáo hình thức, con người vẫn có thể xuất hiện như con người chính nó rất hiện thực và nhân bản. Con người ở đây là con người trong tương quan xã hội với các dòng tâm - sinh - vật lý đang trôi chảy trước mắt. Chính con người này đang tiếp thu các nội dung giáo dục, mà không phải là chiếc máy truyền đạt của giáo dục đòi hỏi phải đáp ứng với yêu cầu phát triển của các cá nhân, tiếp thu và đáp ứng tâm lý của đối tượng tiếp thu thế nào để đem lại hạnh phúc cho các cá nhân và tập thể mà cá nhân đang sống. Với điều kiện này đòi hỏi đến kỷ thuật, tâm lý và phương pháp truyền đạt kiến thức như là một phần của nội dung Giáo dục.

Theo như Trường A Hàm, Trung A Hàm và Khởi Thế Kinh, Ðức Phật dạy: Khi vận mệnh suy thoái và các tiêu cực của loài người đã tới, thì sẽ có 4 hiện tượng suy đồi và tiêu vong, cụ thể là những quốc gia kém phước đức và gây nhiều tội ác, thì toàn thể nhân dân phải tích cực học làm những điều thiện và tránh những điều ác. Nghĩa là từ quan chức đến thường dân cố gắng đồng tâm nhất trí, để chuyển hóa 4 cộng nghiệp thành 2 việc làm nhân ái hợp lòng dân và đáp ứng những nguyện vọng chung của mọi người, bởi lẽ 4 hiện tượng suy thoái xảy ra là do:

1) Vận mệnh chung của đất nước.

2) Chính những người dân đã gây ra tội ác, đi ngược lại những quy luật thiên nhiên và những luật lệ cũng với truyền thống văn minh cao đẹp của dân tộc.

3) Do các nhà lãnh đạo quốc gia thiếu nhiệt tình giúp đở nhân dân không đủ phẩm chất tài đức, lợi dụng chất năng của mình để tham nhũng.

Bởi vậy, mới có 4 hiện tượng suy đồi như sau:

- Nghèo đói, thất nghiệp.
- Bệnh tật trầm trọng.
- Chiến tranh chém giết lẫn nhau.
- Ngu si, thất học và gian ác.

Muốn chuyển biến, đổi mới toàn bộ 4 việc tiêu cực nêu trên, nhà nước và nhân dân cùng cương quyết lật ngược lại bằng điều phước thiện cụ thể:

1) Hiện đại hóa và công nghiệp hóa nông nghiệp, ngư nghiệp, lâm nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, đại công nghiệp hóa, trồng trọt hoa màu chăn nuôi gia súc, để cho mọi người có cơm ăn, việc làm theo tiến trình văn minh và thực tiển.

2) Phải xây thêm bệnh viện, viện xá, chuẩn y viện và những văn phòng y tế, cùng giáo dục và đào tạo các bác sĩ, y sĩ, dược sĩ và y tá để phục vụ khắp nơi.

3) Tổ chức những hội đoàn tương thân tương ái để giao dịch, làm ăn trao đổi những kinh nghiệm về kinh tế thị trường vượt lên những tranh chấp quyền lợi, biên giới lãnh thổ và những ý hệ chính trị.

4) Xây dựng thêm các thường học, đào tạo thêm các chuyên viên, để trực tiếp giảng dạy về chữ nghĩa văn hóa, khoa học, kỷ thuật và chuyên nghiệp cho nhân dân, nhất là cho các giới trẻ. Ðể hiểu biết và thực hành trong nếp sống cụ thể hằng ngày, truyền đạt cho họ biết yêu chân lý, biết làm việc thiện, và biết làm tốt đẹp cuộc đời, ngay trong thời gian hiện tại và trên khắp quê hương, đất nước mình, bằng đời sống văn minh và môi trường trong sạch.

Ðiều này cho ta thấy đối tượng của giáo dục là con người, thế mà một số định nghĩa đầy đủ về con người cho đến nay vẫn là một đề tài nghiên cứu chưa ngã ngũ. Như vậy, chứng tỏ con người chưa thật biết mình. Xem con người như một sản phẩm đặt biệt cao cấp của thượng đế, hay xem con người là một sinh vật có lý trí đều là những quan điểm mơ hồ. Ðiều ấy kể là những vấn đề do con người đặt ra, trong đó có giáo dục, đến từ kinh nghiệm, từ mong ước được vươn lên, nhất là mong ước được thích ứng, hài hòa với thiên nhiên, xã hội và chính mình. "Bản chất con người là một tương hòa các quan hệ xã hội", con người lại có bản năng và lý trí, có tâm hồn và đạo đức... Con người lại có nhân tính riêng, hay còn gọi là nhân cách. Giáo dục nhằm đào tạo con người phát triển vươn lên về nhiều phương diện. Song son với việc thu nhập kinh nghiệm, kiến thức và kỷ năng, con người cần được giáo dục để tự nhận biết mình, để phát triển nhân cách của mình theo đường hướng lý tưởng của xã hội qua việc giáo dục cá nhân, gia đình, đoàn thể và xã hội.

a) Giáo dục cá nhân:

Do các cá nhân có nhiều sự khác biệt về vật lý, tâm lý, tâm linh, giai cấp xã hội và khả năng, nên học đường ngày nay cần có đường hướng giáo dục cá nhân. Mục đích của cuộc sống con người gồm hai bổn phận: Bổn phận đối với chính bản thân và bổn phận đối với chính tha nhân.

Trong hai bổn phận này, bổn phận đối với chính mình là cần trước nhất. Trước hết, ta phải xây dựng chân chính bản thân mình sau mới nghĩ đến việc xây dựng cho người khác, bởi thế Giáo Sư Tiến Sĩ Russell N. Cassell có viết:

"Hướng dẫn được con người là một khoa học:
Trước là tìm giúp người này tự tìm hiểu lấy mình.
Hai là tìm cách giúp họ nhận định rõ ràng những điều hiểu biết ấy về bản thân mình.
Ba là tìm cách giúp họ nhận lấy trách nhiệm về sự tự do lựa chọn.
Và sau hết tìm cách giúp họ tự vạch lấy một con đường lối hành động ăn khớp với sự lựa chọn đó."1

Thật ra, mỗi con người là một cá nhân độc nhất, là một cơ cấu phức tạp gồm những nhu cầu tinh thần, thể chất, tình cảm, xã hội với những mức độ trưởng thành và những tiềm năng khác nhau. Thanh thiếu niên là một cá nhân đáng được quan tâm một cách đúng mức vì chúng là những chồi non của xã hội, của đất nước nên chúng ta có nhiệm vụ hướng dẫn, tìm hiểu để giúp chúng vượt qua khúc quanh của cuộc đời. Muốn được vậy chúng cần phải ý thức bổn phận đối với chính mình, tha nhân, gia đình, quốc gia và nhân loại. Cho nên, dù ở trường hợp nào người hướng dẫn cần phải quan tâm và đạt được mục tiêu tổng quát của khoa hướng dẫn: "Nhằm vào sự phát triển cá nhân toàn diện, nhằm vào tất cả vấn đề của cuộc sống cá nhân và tương quan cá nhân"2. Nhưng muốn đạt đến mục tiêu hướng dẫn và thi hành ấy một cách hữu hiệu chúng ta nên lược qua một vài phương thức: Hội đàn, Khải đạo, Tổ chức sinh hoạt tập thể trong và ngoài học đường...đều là những phương thức hướng dẫn thông dụng trong các lĩnh vực gia đình, học đường và xã hội. Nhưng điều kiện cần đủ để đạt đến mục tiêu trên là nắm vững và tôn trọng tinh thần các quy luật... "Tinh thần hướng dẫn có tính cách tư vấn và khuyến cáo hơn là cưỡng định...chấp nhận mọi thái độ, mọi hành vi dù không tốt đẹp để tìm hiểu và sửa chữa.

Quy luật hướng đòi hỏi người hướng dẫn phải có nhiều đức tính nhẫn nại và tháo vát, biết lắng nghe để tìm hiểu hơn là phát biểu nhằm cho mình mà quên cả tha nhân"

Như vậy hệ thống giáo dục cá nhân là phương thức giáo dục đánh thức những tiềm năng cao quý nơi mỗi con người. Ðể rõ hơn chúng ta hãy nghe Thượng Tọa Thích Chơn Thiện nhận định trong Luận Án Tiến Sĩ, p. 124:

"Một hệ thống giáo dục cá nhân yêu cầu có các tinh thần giáo dục về trách nhiệm cá nhân, tự tin, tự nỗ lực, tự chế, tự chấp nhận, tự tri...không có các tinh thần ấy, hệ thống giáo dục cá nhân không thể hữu hiệu."

b) Giáo Dục Gia Ðình:

Có lẽ sẽ không ai bác bỏ rằng gia đình chính là tế bào của xã hội, là những đơn vị hợp thành xã hội. Giữa gia đình và xã hội có mối liên quan chặt chẻ với nhau: Trong có ấm thì ngoài có êm, quan hệ gia đình thuận hòa, tốt đẹp sẽ góp phần làm cho kỷ cương của xã hội được củng cố và phát triển. Bởi gia đình có đào tạo giáo dục nên những người tốt thì xã hội mới có những công dân tốt.

Gia đình là tế bào của xã hội. Thế nên, củng cố gia đình là củng cố nền tảng xã hội và phát triển gia đình tức phát triển xã hội. Nghĩa là mỗi thành viên trong gia đình phải dự phần vào việc phát triển cuộc sống xã hội, gia đình khép kín là một trở ngại cho xã hội. Ngoài ra gia đình còn là một hình thức cộng đồng và được gắn bó v?i nhau bởi mối quan hệ hôn nhân và huyết thống.

Nói là môi trường đầu tiên của xã hội, tất cả bằng tình cảm thông qua tình cảm mà thuyết phục và giáo dục và được đứa trẻ tiếp nhận một cách hồn nhiên vô tư, từ đó tác động một cách trực tiếp, cá nhân làm cho đứa trẻ phát triển cả hai phía cạnh thể chất lẫn tinh thần, bằng sự giáo dưỡng của cha mẹ. Gia đình còn là một thiết chế xã hội tương đối ổn định, gia đình có truyền thống gương mẫu giá trị riêng, mỗi đứa trẻ sinh ra trong gia đình đều có sự tiếp nhận các truyền thống khuôn mẫu riêng có ấy của gia đình.

Trong Pháp Cú kinh đức Phật dạy:

"Như người ngồi nhà vụng lợp
nước mưa sẽ rỉ vào
tâm không tu cũng vậy
tham dục vĩ vã vào" (PC, 13)

"Như ngôi nhà khéo lợp
nước mưa không thấm vào
tâm khéo tu cũng vậy
tham dục khó lọt vào" (PC, 14)

Qua hai đoạn kinh ẩn dụ trên cho thấy môi trường giáo dục gia đình rất quan trọng trong trách nhiệm và bổn phận của người cha và người mẹ, sự truyền đạt đúng đắn tốt đẹp thì con cái được một ý thức lễ giáo tốt đẹp, ngược lại chúng sẽ trở nên hư hỏng, hoang đàng và bất trị.

Xã hội ngày nay đang phản ảnh tình trạng thiếu niên rơi vào tình huống tha hóa tri thức và đạo đức, nạn thất nghiệp và vấn đề phạm pháp ngày càng phát triển, phải chăng do cha mẹ thiếu tinh thần trách nhiệm giáo dưỡng, con cái quá buông thả và không kỷ luật trong việc học hành kể cả việc giải trí vui chơi từ thuở nhỏ của con cái mình, làm cho đứa trẻ mất niềm tinh nơi cuộc sống vào buổi đầu đời. Chúng không được cha mẹ thương yêu chìu chuộng, tạo một cảm giác lành mạnh, người cha thì quá độc tài, lạnh lùng và nghiêm khắc, chúng thật sự mất hẳn niềm tin vui hạnh phúc với một cảm giác thẩm mỹ về nét đẹp tinh thần làm tâm hồn chúng trở nên cô đơn và xa lạ đối với những người sanh ra chúng.

Giáo dục gia đình còn là sự giao tiếp, bổn phận, sự cư xử giữa người với người dựa theo lời dạy của Ðức Phật trong kinh Thiện Sanh, thuộc Trường Bộ kinh: (Sinhlovada Digha Nikaya), quy định 6 quan hệ vào quyền hạn của mỗi thành viên trong gia đình, ăn ở và đối xử với nhau cho hợp tình hợp lý của một nề nếp chung gương mẫu. Ðó là:

Tương hệ giữa cha mẹ - con cái.
Tương hệ giữa thầy - trò.
Tương hệ giữa chồng - vợ.
Tương hệ giữa bạn bè.
Tương hệ giữa chủ - thợ.
Tương hệ giữa tu sĩ - cư sĩ.

Sáu mối quan hệ trên nói lên rằng đời sống là mối tương quan, tương duyên giữa con người và xã hội: "Mỗi người vì mọi người, mọi người vì mỗi người" không thể sống mà chỉ biết cá nhân cũng không thể sống bị cá nhân đánh mất hoàn toàn. Vì giải thoát thì phải là vấn đề cá nhân, nhưng về hạnh phúc tương đối ở đời thì phải là hạnh phúc của tương giao.

c) Giáo dục xã hội:

Nhà trường và gia đình là mối tương quan sinh động, quân bình đem các tiến bộ cho cá nhân và xã hội. Và để có thể góp phần tích cực vào việc xây dựng và phát triển xã hội, giáo dục phải xứng đáng đóng được vai trò hướng dẫn của mình. Vai trò giáo dục này không chỉ hạn chế trong việc cung ứng cấp thời mà phải biết tìm hiểu chiều hướng phát triển lâu dài, hàng mấy mươi, mấy trăm năm của xã hội.

"Càng ngày người ta càng nhận thấy vai trò quan trọng của giáo dục không phải là nhằm nơi cung cấp những người thợ cho xã hội, mà là ở nơi cung cấp những trái tim, những khối óc cho xã hội."

Thật vậy, chính những trái tim, khối óc ấy đem lại cho xã hội những luồng máu mới, những nhiệt tình mới, những sáng kiến mới làm cho xã hội luôn trẻ trung sinh động và tiến hóa thêm lên.

"Chỉ có thế chúng ta mới mong xây dựng được một xã hội thái bình, một Niết Bàn tại trần thế, một xã hội trong đó liên hệ giữa người và người là mối liên hệ tích cực, hướng thượng, hổ tương và thân ái."

Giáo dục xã hội là giáo dục góp phần phát triển, làm thay đổi bộ mặt của xã hội. Và chính giáo dục đã góp phần đào tạo những người quản lý nhà văn hóa, những nhà hoạt động xã hội và một đội ngũ công nhân lành nghề năng động sáng tạo, nắm vững công nghệ:

"Giáo dục và tiến bộ xã hội có mối liên hệ với nhau. Muốn cho đất nước ta phát triển, đầu tư một cách đúng mức và cần quan tâm hơn nữa đến nghành giáo dục. Và đến lượt mình, giáo dục tốt sẽ tạo ra một nguồn nhân lực dồi dào với số lượng lớn có giá trị cao về mọi mặt."

Có như thế chúng ta mới thực hiện được mục tiêu cao cả "Người giàu nước mạnh, xã hội công bằng và công minh" để hướng tới hòa nhập và sự phát triển chung cùng với các dân tộc khác vững bước vào thế kỷ 21. Tuy nhiên trong xã hội có rất nhiều mối quan hệ khác nhau, rất đa dạng và phong phú. Do vậy, khi nói đến giáo dục xã hội thì phải liên tưởng đến giai cấp xã hội. Và giai cấp xã hội là gì? Người viết xin được giới thiệu qua để làm sáng tỏ thêm cuộc sống được tốt đẹp, thăng hoa thêm cách nhìn của đức Phật. Về giai cấp xã hội:

Ðức Phật cho rằng lý thuyết giai cấp chỉ là một cái chấp của tri thức, và "những người nào còn chấp trước lý thuyết giai cấp thì còn rất xa sự thành tựu vô thượng trí đức" (Dhammapada) Ngài là vị tỵ tổ cách mạng; tự Ngài phế đế bài phong, phá tan thành sắt giai cấp ở xã hội Ấn lúc bấy giờ, nâng đở giai cấp hạ tiện, chủ trương thuyết sống hòa đồng (lục hòa) Ngài đã thành công một cách rực rỡ mà không tốn một mũi tên và chẵng hao một giọt máu của nhân loại. Quyền cao tước trọng, công danh phú quý tột bậc trên đời, còn ai hơn Ngài. Thế mà Ngài xã bỏ ngôi vua để đổi lấy đời du sĩ, nhằm hóa độ chúng sanh cầm đuốc chân lý soi sáng cho mọi loài. Ngài tự đề xướng thuyết bình đẳng được khẳng định trong kinh Sutta - Nipata - Verse 136 như sau:

"Không có giai cấp Bà La Môn do giòng giống sanh ra;
Không có giai cấp Pariah do giòng giống sanh ra;
Bằng việc làm cụ thể, mới có thể gọi là Pariah
Bằng việc làm cụ thể mới có thể gọi là Bà La Môn"

Câu nói ấy là câu nói đầu tiên của bình đẳng đã hiện thân trong đức Phật Thích Ca. Nó có giá trị như một lời tuyên ngôn trước nhất của mặt trận bình đẳng chống lại sự bất công của giai cấp xã hội. Mặt khác, Ngài còn giảng dạy một cách rõ ràng rằng chỉ có những tính cách di truyền mới có thể coi là nguồn gốc trong giòng giống qua câu nói: "Không có giai cấp dòng máu cùng đỏ, trong giọt nước mắt cùng mặn". Vì thế, trong khi đi vào quần chúng với lòng từ bi rộng lớn, với nếp sống phản ảnh, vấn đề trọng đại phải thực hiện và tiêu diệt nguyên nhân của mọi sự thù hận, chém giết bằng cách khuyết sung chất người về giai cấp đang bị xã hội, đè nén, tù hãm, thầm kín trong tâm tư mọi cá thể, giai cấp chỉ là những chiếc áo để thay, và vì tình thương trong con người mới là một thực thể, khai thác và nuôi dưỡng. Nhưng con người không phải ai cũng tiến bộ như nhau, song khi tìm hiểu họ, ta sẽ không phân định theo từng khu vực ảnh hưởng của giai cấp mà cần xét đoán chân tướng nội tâm của họ, họ phát huy khả năng phục vụ. Muốn đạt được điều này trước tiên chúng ta phải tự mình ý thức được một cách khiêm tốn và mạnh mẽ rằng: không có một cá nhân nào khác có thể cải thiện được chúng ta. Khi mỗi cá nhân của chúng ta được cải thiện thời đương nhiên gia đình chúng ta, học đường chúng ta, xã hội chúng ta, quốc gia chúng ta sẽ được cải tiến và cải thiện theo. Nếu cá nhân xấu thì xã hội sẽ bị ảnh hưởng, còn như cá nhân tốt đẹp thì xã hội tốt đẹp, xã hội tốt đẹp thời cá nhân cũng tốt đẹp luôn. Thật sự không có một ranh giới chia xẻ giữa cá nhân và xã hội, đó chính là bức thông điệp giáo dục xã hội mà Ðức Phật đã gởi đến chúng ta cách đây 2550 năm.

2. Ðối tượng giáo dục của Phật giáo:

a) Ðối với tu sĩ Phật giáo:

Chính các Tăng Ni là đối tượng cần quan tâm giáo dục trước hết, để trở thành vai trò nồng cốt trong công cuộc giáo dục đạo Phật. Bởi các chùa hiện nay thường hay mắc phải hai khuyết điểm:

- Một là tuyển người xuất gia quá dễ dãi.

- Hai là phương pháp dạy đạo đức chưa được hoàn mỹ và kỷ lưỡng cho lắm.

Do đó hiện nay tư cách Tăng Ni đang bị than phiền rất nhiều và cộng thêm lối sống sinh hoạt tu tập của các chùa không đáp ứng được mục tiêu giáo dục quần chúng, vì Tăng Ni không có trình độ theo kịp với xã hội bên ngoài và không được định hướng đúng đắn. Thế nên, mong rằng các nhà chức trách trong Ban Giáo Dục Tăng Ni cần phải có một phương sách cao và triệt để hơn, mạnh mẽ hơn để nâng cao trình độ Tăng Ni cần phải có một bước tiến dài. Ðồng thời cần nên yêu cầu các chùa chiền, tu viện, thiền viện v.v... phải thận trọng về việc thu nhận người xuất gia và không nên ưa chuộng số đông.

b) Những nổi niềm trong sinh hoạt Tăng Ni hiện nay:

Hưởng ứng phong trào nâng cao dân trí, phát triển xã hội, Tăng Ni trẻ quyết tâm học tập Phật học lẫn thế học khắp cả ba miền. Theo như thống kê hiện nay số lượng Tăng Ni cư trú trên địa bàn thành phố khá đông, chứng tỏ sự ham tu hiếu học và ý chí cầu tiến của Tăng Ni trong thời phát triển thật đáng tuyên dương. Song bên cạnh đó là những nỗi niềm không kém phần quan trọng là vì sự sinh hoạt đời sống vật chất ở thành phố rất cao. Nếu như ở một ngôi chùa làng quê mỗi ngày chi phí cho 4 hoặc 5 người tiêu dùng chỉ từ 5 đến 10 ngàn đồng, nhưng trái lại đối với cuộc sống quân bình ở thành phố thì một người phải.

Tương đương với số tiền đó. Như vậy khoảng ngân sách cho học phí, tài liệu, giáo án, phương tiện đi lại v.v... phải mất từ ba trăm đến bốn trăm ngàn đồng cho một tháng, như thế một số tiền lớn ấy tìm đâu ra giữa cuộc sống kinh tế bon chen nơi phồn hoa đô hội, trong khi Tăng Ni sinh chỉ là những người tu và chỉ biết lo đi "ăn học".

Theo một số Tăng Ni sinh cho biết phần lớn họ đi học như thế là do sự cần cầu giáo pháp của Ðức Phật, thế nên bằng mọi giá họ vẫn kiên trì theo đuổi Phật học, vì không muốn rơi vào tình trạng quê hèn, kém dở hay thiếu văn hóa, và để có một trình độ, một nơi cư trú đi học mong lấy cho được mảnh bằng. Họ phải đấu tranh dành quyền sống, chấp nhận mọi gian khó...có lẽ họ tâm đắc với câu: "Fear and disappear when ignorances dispelled by knowlege" "Sự sợ hải và lo lắng sẽ không còn, khi ngu si bị xua tan bởi kiến thức".

Ðiều này đã nói lên lòng can đảm, ý chí phi thường qua những cuộc dấn thân, đi tìm sự học đạo của giới trẻ đầy nhiệt huyết trong cuộc sống hôm nay.

Ngày nay, trong hệ thống giáo đoàn Phật giáo chúng ta với số lượng Tăng Ni hiện tại rất nhiều, nhưng số lượng cao đó không có nghĩa là Phật giáo tiến lên, mà ngược lại đó là nổi niềm lo lắng lớn lao, niềm thao thức trăn trở của các bật tôn túc, những vị lãnh đạo Giáo hội.

Về mặt này có thể đúc kết một số nét như sau:

- Các vị lãnh đạo trong giáo hội cần hoan hỷ và quan tâm hơn nữa trong nghành giáo dục - Nhằm nâng đở cho một số Tăng Ni đứng tuổi thiếu căn bản về đạo học (nội điển) vì trong sự tu phải có sự học song hành, kiến thức và đạo đức đi đôi.

- Các vị trong Ban lãnh đạo cần liên hệ tốt hơn với Tăng Ni sinh trong việc ăn ở tu học, quý Phật tử hảo tâm và quý vị Trụ trì có đệ tử cho đi tu học nên bám sát tình hình thực tế nâng đở kịp thời giúp các Tăng Ni sinh có một nguồn an ủi tinh thần cũng như vật chất trong quá trình tu học.

- Tăng Ni sinh là những người thừa kế sứ mạng truyền trì mạng mạch của tương lai Phật giáo, cần phải có tâm đức, trí đức và hạnh đức một cách xứng đáng, để không cô phụ tấm lòng thương tưởng của chư tôn đức và tính tâm của bao Phật tử hết lòng ủng hộ.

 

CHƯƠNG V: CÁC TINH THẦN CỦA GIÁO DỤC PHẬT GIÁO

Khi chúng ta vọng về vấn đề Giáo dục Phật giáo thì có rất nhiều mục tiêu yêu cầu của xã hội, nhưng dù gì đi nữa thì đối tượng của giáo dục là con người, do đó giáo dục phải nhằm giúp con người tự tin khám phá ra mình, phát triển nhân cách của mình trong mối tổng hòa các quan hệ xã hội. Giáo dục còn trang bị cho con người kinh nghiệm, kiến thức và kỷ năng đủ để đưa con người đi tìm hạnh phúc. Bên cạnh đó, nền giáo dục còn thể hiện được các tinh thần giáo dục theo giáo lý Ðức Phật qua tinh thần vô ngã vị tha, tinh thần bao dung và tinh thần nhập thế.

1. Tinh thần vô ngã vị tha:

Xưa nay máu đã chảy quá nhiều do chiến tranh và thù hận, những tiếng khóc than rên xiết vẫn không tạm ngừng ngớt trên thế gian này, nên cuộc chiến sẽ không bao giờ chấm dứt như luân hồi bất tận. Nguồn gốc thảm họa chiến tranh đó là do lòng ích kỷ nhỏ nhen của loài người đã biến thế gian thành bãi chiến trường. Với những cảnh tượng giành giựt cấu xé tàn hại lẫn nhau để rồi gây nên cảnh tượng tương tàn tương sát trên thế gian này. Muốn tạo được thế giới hòa bình, một xã hội an lạc hạnh phúc, không gì bằng đường lối tạo chính mỗi cá nhân, sống với tinh thần vô ngã vị tha.

Giáo lý vô ngã vị tha là hình ảnh của một con người hoàn toàn bằng hành động, lời nói, ý tưởng quên mình vì người, sống làm việc cho tha nhân. Nghĩa là một hệ thống giáo lý nhằm hướng dẫn con người có một đời sống cao rộng bao la, tự tại và lý tưởng, thay vì mãi mãi bị ràng buộc điên đảo trong một bản ngã chật hẹp và không thật. Như vậy, con người phải hướng đến một đời sống cao thượng vô ngã, vì vô ngã là vô tận, không bị chi phối bởi định luật vô thường biến đổi của các pháp trên thế gian: "Có và không, thịnh và suy, vinh và nhục, khen và chê..." Con người phải xã bỏ cái ta giả dối, ích kỷ thì đời sống con người đạt được tự tại an lạc trên thế gian này.

Nói chung, đến với giáo dục bằng tinh thần vô ngã, vị tha thì người con Phật không bao giờ trốn tránh cuộc đời để tìm nguồn hạnh phúc an lạc cho riêng mình. Vì như vậy chỉ là ích kỷ, tự tạo cho mình một cuộc sống lẽ loi. Trong khi đức Phật dạy chúng ta là người đệ tử Phật chân chánh luôn sống tu tập chính mình để thể hiện rõ nét tích cực vô ngã đi vào cuộc đời bằng những hành động dấn thân, với tinh thần hướng thượng đã đưa ý thức "sống" lên tầm cao của thời đại, xây dựng một nền văn hóa cho dân tộc. Tinh thần vô ngã vị tha này đã ảnh hưởng rất sâu sắc qua những câu ca dao, tục ngữ:

Nhiễu điều phủ lấy giá sương
Người trong một nước phải thương nhau cùng

Lá lành đùm lá rách

Thương người như thể thương thân.

Những câu trên đây hàm chứa tinh thần vô ngã vị tha rất đầy nhân cách và cũng là cơ sở làm thăng hoa một dân tộc, một truyền thống giáo dục cao đẹp trong Phật giáo luôn luôn thương yêu đùm bọc lẫn nhau.

Cùng với đạo lý vô ngã vị tha này, tinh thần bai dung cũng đóng vai trò quan trọng trong đường hướng giáo dục Phật giáo.

2. Tinh thần bao dung:

Là một hệ thống giáo dục Phật giáo không chỉ lấy những tư tưởng nào đó mang nhãn hiệu đạo Phật, mà cần biết phải sử dụng, chấp nhận các tư tưởng nào chân chánh, dù tư tưởng đó thuộc một tôn giáo nào khác, một cộng đồng khác. Cũng như đạo Phật không phải là nhãn hiệu đạo Phật mà đạo Phật có nghĩa là chân lý. Ðiều đó có nghĩa là đạo Phật nêu lên được nền tảng của chân lý và luôn luôn đóng góp những chân lý mới được khám phá, và chính là tinh thần bao dung mang tính giáo dục của Phật giáo.

3. Tinh thần nhập thế:

Ðến với giáo dục bằng tinh thần nhập thế là nơi dấu chân xưa của các vị Bồ Tát, lấy cuộc đời khổ đau làm trường rèn luyện, xem nghịch cảnh chướng duyên là tiêu hướng kiên trì, để làm nở hoa giải thoát trên mảnh đất tam giới. Có như thế chúng ta mới làm sống dậy dòng sinh hoạt trí huệ thực chứng của Ðức Phật khơi mở hơn 25 thế kỷ qua:

"Không xuất thế thì không có gì khả dĩ hơn được cuộc đời, không có gì khả dĩ hướng dẫn được cho cuộc đời và làm đẹp cho cuộc đời. Còn không nhập thế thì không phải là đạo Phật nữa, bởi vì từ bi và trí huệ, bản chất của đạo Phật, trong trường hợp này, sẽ không có chỗ sử dụng".

 

CHƯƠNG VI: KẾT LUẬN

Nhìn lại bối cảnh lịch sử Việt Nam, chúng ta thấy suốt chiều dài lịch sử trong việc giữ nước và dựng nước, tôn giáo đóng vai trò hết sức quan trọng, trong đó bao gồm cả nền giáo dục Phật giáo đã gắn liền với dân tộc làm chất keo sơn, nhờ đó Việt Nam được độc lập tự chủ. Vì Ðạo Phật luôn lấy con người làm trung tâm giáo dục nhằm mục đích chuyển hóa con người từ mê đến giác, đạo Phật không xa lìa cuộc đời, không tách khỏi cuộc đời, "Ðạo" và "Ðời" là một nhất thể, đạo vốn là đời được giác ngộ giải thoát khỏi các lậu hoặc phiền não, đem đến đời sống hạnh phúc chân thực cho con người, đoạnh trừ mọi khốn khổ đau thương và ưu phiền của kiếp sống. Thế nên, Ðức Phật từ khi thành đạo cho đến lúc Niết Bàn, trên bước đường truyền bá chánh pháp, Ngài chỉ dạy mọi phương cách đạt đến hiểu biết chính xác, thấy rõ thật chất của mọi việc để ứng xử đúng đắn được an vui giải thoát cho bản thân mình và những người liên hệ. Trong suốt bốn 49 năm tận tụy với chức năng của vị thầy giáo hóa liên tục không ngừng nghĩ bằng trí tuệ hoàn toàn sáng suốt, việc làm thánh thiện và phương pháp giảng dạy sâu sắc, hiệu nghiệm, Ðức Phật Thích Ca quả là giáo dục tuyệt vời.

Khi "Tìm hiểu về giáo dục Phật giáo" ta nhận thức được mục đích của Giáo Dục Phật Giáo là muốn cải thiện con người và tổ chức xã hội con người, và vạch ra phương hướng cải tạo thân tâm để đưa con người đến sự sống đi ra dần khỏi các phiền não, hướng đến giác ngộ giải thoát. Mỗi người phải tự mình thực nghiệm con đường giáo dục ấy sẽ có sự đóng góp đáng kể vào sự phát triển của một xã hội, như một sứ giả người Anh đã đánh giá:

"Phật Giáo đã mang lại sự tiến bộ cho thế giới văn minh và văn hóa chính đáng nhiều hơn bất cứ ảnh hưởng nào khác trong tiến trình nhân loại." (Dịch giả: Tâm Quang, trang 99).

Qua những gì đã được đề cập của bản luận văn này cho thấy được Ðức Phật là một nhà giáo dục vĩ đại, một con đường giáo dục Phật giáo đáng được nghiên cứu và áp dụng rộng rãi. Con đường giáo dục ấy rất giá trị trong hướng giáo dục con người chính nó và có nhiều gợi ý khác rất cần thiết cho một đường hướng giáo dục môi sinh, giải quyết nhiều khủng hoảng của cá nhân và xã hội cần được thời đại đi sâu vào các công trình nghiên cứu, phát hiện, triển khai và ứng dụng thiết thực.

Do vậy, thế hệ hôm nay tiếp nối thực hiện và khơi mở dòng sinh lực "nền giáo dục Phật giáo" này là chúng ta thực hiện được hoài bảo của Thế Tôn và được gần gũi Ngài dẫu có xa cách bao thế kỷ. Có như thế chúng ta mới xứng đáng là hàng Thích tử, chuyển vận cổ xe pháp vào đời "vì lợi ích thế gian". Ðây chính là tâm hướng cảm nhận của người viết muốn bộc bạch qua bản luận văn ngắn ngủi và giới hạn này.

Ni Sinh Thích Nữ Hạnh Từ
Trường Cao Cấp Phật Học TP. H.C.M.
Khóa IV

-ooOoo-

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Kinh Trung Bộ I, II, III. VNCPHVN, ấn hành 1992.

Phật Học Khái Luận, TT. Thích Chơn Thiện - Ban GD Tăng Ni ấn hành 1993.

Tâm Lý GD - Lê Hoàng Thanh Dân, NXB Trẻ, 1964.

Trích trong "GDPG" của TT. Thích Chơn Thiện, ấn hành 1997.

Sư Phạm Lý Thuyết - Lê Hoàng Thanh Dân & TGK, NXB Trẻ, 1971.

Từ Ðiển Tiếng Việt - Hoàng Phê & TGK, NXB Giáo Dục, Hà Nội, 1994.

Giáo dục và ý nghĩa cuộc sống - Hoài Khanh, NXB Ca Dao, 1993.

Hội thảo GDPG trong thời hiện đại - VNCPHVN tổ chức 23-09-1996.

Báo Giác Ngộ số 116 (15-10-1995). GHPGVN - THPGVN.

Tuần báo Giác Ngộ bộ mới số 2 (13-04-1996).

Lý thuyết về nhân tính qua kinh tạng Pàli - Luận Án Tiến Sĩ của học giả Thích Chơn Thiện.

Tập Văn Thành Ðạo - PL: 2538, ấn hành 1994.

Hội nghị Ban Thường Trực Hội Ðồng Trị Sự GHPGVN - 6 & 7 - 1996. VP II TWGHPGVN (Thiền Viện Quãng Ðức).

Giáo dục học đại cương - Nguyễn An - lưu hành nội bộ, 1998.

Các vấn đề giáo dục - Lê Hoàng Thanh Dân, NXB Trẻ, 1970.

Ibid - Tuệ Sĩ, NXB An Tiêm, 1970.

Kinh Pháp Cú - HT. Thích Minh Châu - Trường Cao Cấp Phật Học Việt Nam cơ sở II, ấn hành năm 1990.

Giáo dục & tiến bộ xã hội - Ngô Văn Lê - bài phát biểu tại hội thảo GDPG, ấn hành 1995.

Tác phẩm "How to live without fear and worry in the present life of K.SRIDHAMMANDA" - Tỳ Kheo Thích Tâm Quang - PL: 2539, ấn hành 1995.

Ðạo Phật Hiện Ðạo Hóa - HT. Thích Nhất Hạnh, NXB Lá Bối, 1968.

(trở về Phần 1)

-ooOoo-

Ðầu trang | Phần 1

Source: Phật học thường thức, http://www.phathocthuongthuc.com


[Trở về trang Thư Mục]
updated: 05-05-2002