BuddhaSasana Home Page
This document is written in Vietnamese, with Unicode Times font


Mười Ngày Thiền Tập
Thiền sư Khippapanno Kim Triệu (1997)


 

 

[02]

Ngày Thứ Nhì

Mục đích hành thiền Minh Sát Tuệ


Hôm nay là ngày thứ nhì của khóa thiền mùa Đông năm 1986. Sư xin đề cập đến mục đích hành thiền của chúng ta.

Nếu quý vị có đọc sách hay nghe thuyết pháp thì quý vị thường thấy hay nghe danh từ Araham hay A-La-Hán. A-La-Hán có nghĩa là gì? A-La-Hán là bậc đã giác ngộ giáo lý của Đức Phật, là bậc thánh ng Cúng. ng Cúng có nghĩa là người đáng thọ lãnh vật cúng dường của người tại gia. Vì khi một bậc trong sạch như vậy thọ lãnh vật cúng dường, người thí chủ sẽ được nhiều phước báu, được sự an vui và hạnh phúc trong đời này cũng như trong đời sau. Chỉ có bậc đắc quả A-La-Hán mới đáng thọ lãnh vật cúng dường vì các Ngài không còn Tham Sân Si trong nội tâm. A-La-Hán cũng có nghĩa là đã diệt trừ điều ác hay kẻ thù. Kẻ thù đây là phiền não hay Tham Sân Si chồng chất trong lòng của mọi chúng sanh.

Muốn biết rõ ý nghĩa của từ A-La-Hán, chúng ta cần biết sơ qua bốn bậc được đắc đạo quả trong giáo lý của Đức Phật. Những bậc này là Sơ quả, Nhị quả, Tam quả và Tứ quả, hay Tu-Đà-Hườn, Tư-Đà-Hàm, A-Na-Hàm và A-La-Hán. Họ cũng được gọi là Ariya, nghĩa là thánh nhân. Gọi là thánh nhân vì các Ngài đã thấy rõ giáo lý của Đức Phật và tâm không còn thối chuyển trên con đường giải thoát. Họ đã chứng nghiệm được Tam tướng của vạn vật gọi là Vô Thường, Khổ Não, Vô Ngã, hay Tứ Diệu Đế. Đức Phật gọi bốn bậc đắc đạo quả trên là đệ tử của Ngài.

Bốn bậc thánh được đắc đạo quả do nhờ thực hành Minh Sát Tuệ (Vipassana). Nếu không có Tuệ Minh Sát sẽ không bao giờ đắc được đạo quả. Để đạt được đạo quả của Đức Phật, cần phải có đường lối đi và phương pháp thực hành. Đường lối đi là Bát Chánh Đạo, phương pháp thực hành là Tứ Niệm Xứ.

Tâm đắc quả là tâm gặt hái được pháp cao thượng. Giây phút đầu tiên khi tâm kinh nghiệm được đạo quả gọi là Maggacitta hay Đạo tâm. Chỉ trong một giây phút, người ấy bước vào dòng thánh, và đạo tâm ấy không bao giờ trở lại với người ấy nữa. Kế đó là quả của Huệ tâm liên tục phát sanh đến người đó. Nếu hành giả kinh nghiệm như vậy lần đầu tiên thì gọi là đắc đạo quả Tu-Đà-Hườn.

Nếu muốn tiến nữa trên con đường đạo, người đó phải tiếp tục tu hành. Người đó lại bắt đầu từ Tứ Niệm Xứ và Bát Chánh Đạo. Sau khi thực hành một thời gian, khi có trí tuệ đầy đủ và duyên lành, người ấy sẽ kinh nghiệm đạo tâm lần thứ nhì. Cũng trong một giây phút thôi rồi Đạo tâm diệt mất, tiếp liền là Quả tâm. Đây là bậc Tư-Đà-Hàm.

Khi vị này muốn thực hành đến đạo quả cao hơn thì cũng phải thực hành Tứ Niệm Xứ và Bát Chánh Đạo như trên. Khi duyên lành đầy đủ, vị này đắc đạo quả thứ ba gọi là A-Na-Hàm quả. Cũng vậy, nếu tinh tấn tu hành nữa thì vị này sẽ đắc A-La-Hán quả. Đây là công phu cuối cùng của một bậc thánh nhân. Đến đây các Ngài không còn hành trì công phu gì nữa vì phiền não đã hết sạch trong tâm. Như vậy, chúng ta hiểu đạo quả theo thứ tự và biết được danh từ A-La-Hán mà trong kinh sách thường đề cập.

Khi thấy đạo trong một giây phút, đó gọi là Đạo tâm hay tâm kinh nghiệm Niết-Bàn. Niết-Bàn thật ra không phải là xứ sở, cũng không phải là nơi có thể dùng những phương tiện vật chất mà đến đó được. Hành trình đây là hành trình của tâm. Chúng ta thực hành trong Danh Sắc thì phải kinh nghiệm qua Danh Sắc. Ý nghĩa thật sự của Niết-Bàn rất khó hiểu. Chỉ trừ khi hành giả có duyên lành kinh nghiệm qua, rồi mới biết được vị của Niết-Bàn.

Pháp học có giảng giải để chúng ta biết được bề ngoài của Niết-Bàn. Nhưng cũng như muốn biết rõ hương vị trái xoài, ta phải ăn xoài. Còn nếu ta chỉ nhìn hay nghe người khác tả lại thì chỉ tưởng tượng thôi mà không biết hương vị thật sự của trái xoài. Niết-Bàn cũng vậy. Muốn biết Niết-Bàn ta phải thực hành và khi kinh nghiệm qua, ta mới biết được vị của Niết-Bàn.

Đạo tâm có năng lực diệt trừ phiền não. Bậc Sơ Quả khi qua kinh nghiệm đạo tâm, đắc được 3 pháp. Một là người đó không còn chấp linh hồn hay có cái ta tồn tại mãi mãi, biết rõ trong con người có thântâm. Hai là hết hoài nghi trong Tam-Bảo, hiểu rõ Phật, Pháp, Tăng. Ba là không còn giới cấm thủ, và người đó chỉ tin tưởng vào nhân quả, trì giới, bố thí, tham thiền, mà không còn mê tín dị đoan.

Bậc Nhị Quả, ngoài 3 pháp trên, còn giảm bớt tham ái và sân hận. Quả thứ nhì có khả năng làm Tham và Sân yếu đi. Vị này vẫn còn 2 pháp chướng ngại đó (2 kiết sử), chúng chỉ yếu đi thôi. Đến bậc Tam Quả, A-Na-Hàm, người đó diệt hẳn tham dụcsân hận. Người ấy không còn tham ái trong cõi Dục Giới này, nghĩa là không còn dính mắc ở Sắc tốt, Thinh hay, Hương thơm, Vị ngon, Thân xúc nữa. Bậc A-Na-Hàm chỉ còn dính mắc ở cõi Sắc Giới và Vô Sắc Giới. Chỉ đến đạo tâm thứ tư, người ấy mới diệt phiền não hoàn toàn và chứng ngộ được đạo quả A-La-Hán. Khi đắc quả A-La-Hán, các vị ấy không còn dính mắc ở cõi người cũng như cõi trời Dục giới, Sắc Giới, và Vô Sắc Giới, chẳng khác gì như ngọn đèn tắt vậy.

Bậc Sơ quả hay Tu-Đà-Hườn (Nhập Lưu) diệt 3 sợi dây chướng ngại và không đi vào 4 đường ác đạo (a-tu-la, ngạ quỷ, địa ngục, súc sinh). Người ấy chỉ sanh vào cõi người hoặc cõi trời, và luân hồi nhiều nhất là bảy kiếp. Bậc Nhị quả hay Tư-Đà-Hàm (Nhất Lai) chỉ còn trở lại thế gian này một kiếp thôi vì tâm vị này đã giảm tham ái và sân hận. Sau đó vị này sẽ đắc A-Na-Hàm hay A-La-Hán nên sẽ tái sanh lên cõi trên và không còn trở lại cõi người nữa. Bậc A-Na-Hàm (Bất Lai) chỉ sanh về cõi Phạm Thiên cho tới ngày đắc A-La-Hán quả.

Trong bốn đạo quả, ba quả đầu vẫn còn dính mắc, còn đạo quả A-La-Hán hoàn toàn trong sạch. Có câu hỏi: Vậy thì người đời có thể đắc được đạo quả A-La-Hán cao thượng này chăng? Trong thời kỳ Đức Phật còn tại thế cũng như sau khi Ngài nhập diệt, có vô số kể cả những cư sĩ tại gia đắc A-La-Hán. Khi đắc A-La-Hán, vị này phải tìm cách xuất gia cho kịp trong thời gian bảy ngày. Vì quả A-La-Hán là quả vị cao, hình thức phàm bên ngoài không thể nào chứa đựng nổi. Nếu vị ấy xuất gia kịp thời thì sẽ sống cho đến hết tuổi thọ. Bằng không, vị ấy sẽ nhập Niết-Bàn trong vòng bảy ngày. Tìm được y bát để xuất gia hay không là do phước báu của vị ấy trong kiếp trước. Nếu trong kiếp trước vị ấy có bố thí y phục thì kiếp này sẽ tìm được y phục kịp thời, nếu không thì không kịp. Vì vậy, sự đắc đạo quả không phân chia giai cấp tại gia hay xuất gia. Không phải chỉ xuất gia mới đắc đạo quả còn tại gia thì không đắc đạo quả.

Làm sao biết được ai đắc quả A-La-Hán? Ta không thể biết được vì chúng ta không thể biết tâm người đó, mà chỉ đoán qua hành động và giới hạnh của vị ấy. Khi thấy vị này có giới hạnh trong sạch và phẩm hạnh cao thượng, ta đoán có lẽ Ngài là một vị A-La-Hán. Hoặc giả chính vị ấy thốt ra thì ta mới biết, bằng không, ta không thể biết chính xác được.

Trong Phật Giáo Nguyên Thủy, có nhiều sách trong Tam Tạng Pàli có đề cập: Phật là đấng giác ngộ. Như thế, có bao nhiêu bậc giác ngộ? Tam Tạng Pháp Bảo có chia rõ: một là Samma-Sambuddha, Phật Chánh Đẳng Chánh Giác; hai là Pacceka-Buddha cũng gọi là Bích Chi Phật hay Độc Giác Phật, ba là Araham hay cũng gọi là Thanh Văn Phật (Savakabuddha).

Buddha là bậc Giác Ngộ Chánh Đẳng Chánh Giác (Samma-Sambuddha), tự Ngài giác ngộ, không thầy chỉ dạy. Bậc Chánh Đẳng Chánh Giác có nhiều đức hạnh Ba-La-Mật, cho nên khi giác ngộ rồi, Ngài không quên đi một chi tiết nào. Ngài có nhiều đức hạnh để tế độ chúng sanh. Ngài biết rõ quá khứ, vị lai, biết rõ chúng sanh nào có thể tế độ hay không tế độ được.

Bậc Độc Giác cũng tự giác ngộ, nhưng không có những oai lực khác như của bậc Chánh Đẳng Chánh Giác. Giác ngộ xong, Ngài không nhớ những phương pháp để tế độ cho chúng sanh để giác ngộ như Ngài. Còn bậc A-La-Hán cũng là bậc giác ngộ nhưng do nhờ Đức Chánh Đẳng Chánh Giác tế độ, chỉ dạy. Một vị A-La-Hán cũng có khả năng hướng dẫn người khác đắc đạo quả như Ngài vậy.

Tu hành bao lâu thì được đắc đạo quả? Căn cứ theo kinh kệ trong Tam Tạng Pali, Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác thuộc về hạnh trí tuệ như Đức Thích Ca Mâu Ni phải tu 4 A-tăng-kỳ 100 ngàn kiếp mới đắc đạo quả và hướng dẫn chúng ta được như vậy. Trên quả đất này có tất cả 5 vị Chánh Đẳng Chánh Giác, mỗi vị có thời gian giáo lý khác nhau như 80 ngàn năm hay 5 ngàn năm, v.v... Và trong lúc không có giáo lý của Đức Chánh Đẳng Chánh Giác nào thì Đức Phật Độc Giác ra đời. Đức Phật Độc Giác phải tu 2 A-tăng-kỳ 100 ngàn kiếp và đắc đạo quả trong thời kỳ không có giáo lý của Đức Toàn Giác. Ngài tự giác ngộ vì duyên lành của Ngài rất nhiều.

Cũng theo kinh kệ trong Tam Tạng Pàli, có 3 loại A-La-Hán: một là A-La-Hán thường, hai là đại A-La-Hán, ba là đại đệ tử của Đức Phật. Sở dĩ có phân loại như thế là do các Ngài có lời nguyện trong kiếp xưa. Có hằng hà sa số bậc A-La-Hán thường. Các vị này tinh tấn tu hành trong một kiếp, 10 kiếp hay 100 kiếp, v.v... đắc đạo quả A-La-Hán và diệt hết phiền não trong tâm. Đại A-La-Hán thì có 80 vị đã từng tu hành trong 100 ngàn kiếp trái đất. Những vị này, ngoài dứt bỏ hết phiền não, còn có những pháp Ba-La-Mật riêng. Như Ngài Ananda thuộc hết Tam Tạng Pháp Bảo, còn Ngài Ca-Diếp thì giỏi về Luật.

Còn đại đệ tử Phật có 2 vị là Ngài Xá-Lợi-Phất và Ngài Mục-Kiền-Liên. Ngài Xá- Lợi-Phất có trí tuệ và Ngài Mục-Kiền-Liên có thần thông bậc nhất trong hàng đệ tử của Đức Phật. Một vị đại đệ tử của Đức Phật tu một A-tăng-kỳ 100 ngàn kiếp - một A-tăng-kỳ bằng thời gian hột cải bỏ vào 14 kilômét vuông, mà cứ mỗi 100 năm mới bỏ vào một hột.

Vậy ta thấy quả A-La-Hán là mục đích chúng ta đang nhắm đến. Phương pháp thực hành ta biết được là nhờ Đức Phật để lại. Khi hành trì tròn đủ thì ta cũng có kinh nghiệm qua giáo lý ghi chép trong Tam Tạng hay do các vị thiền sư thuyết giảng. Sư đã hướng dẫn hành thiền các nơi trong 20 khóa đã qua. Riêng tại chùa Kỳ Viên này (Hoa Thịnh Đốn, Hoa Kỳ), quý vị đã hành thiền được 12 khóa, và đã biết cách thực tập trong các oai nghi. Khi Tham Sân Si sanh lên, quý vị biết là Tham Sân Si. Khi biết như vậy là quý vị đi trên con đường đạo.

Thời giáo lý đến đây xin tạm dứt. Trước khi dứt, Sư xin cầu nguyện Hồng Ân Tam Bảo hộ trì cho quý vị được sự an vui, tinh tấn tu hành, mau đến nơi giải thoát./.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật

[^]


Bài trước | Mục lục | Bài kế


[Trở về trang Thư Mục]

update: 14-08-2000