BuddhaSasana Home Page

VU Times font


THERAVĀDA
Phật Giáo Nguyên Thủy

Lời Vàng Bậc Thánh
Sớ giải Trưởng Lão Tăng-Ni Kệ

Bhikkhu Kusalapuñño
(Tỳ khưu Thiện Phúc)
Ấn bản 2007

 

Lưu ý: Ðọc với phông chữ VU Times (Viet-Pali Unicode)


  

PHẦN II

Sớ giải Trưởng Lão Ni Kệ

*

1- KỆ NGÔN CỦA TRƯỞNG LÃO NI DHAMMADINNĀ

Được biết trưởng lão ni Dhammadinnā đã nói lên bài kệ này:

"Ai với tâm ước muốn
Chứng đạt quả vô sanh
Và không bị trói buộc
Trong tất cả dục lạc
Vị ấy được gọi là
Bậc ngự đến dòng trên"

Trong thời giáo pháp của đức Thế Tôn Padumuttara, vị trưởng lão ni Dhammadinnā nầy sanh trong một gia đình nghèo tại thành Haṃsavatī.

Lớn lên, nàng phải đi làm thuê để kiếm sống. Một hôm, lúc sáng sớm nàng ôm bình đi múc nước, nhìn thấy vị trưởng lão đang khất thực nàng phát tâm trong sạch, lấy phần ăn sáng của mình dâng vào bát trưởng lão với hai tay thành kính.

Sau khi nhận phần bánh của nàng, vị trưởng lão tìm một chỗ thích hợp gần đó và ngồi xuống thọ thực, thấy trưởng lão ngồi thọ dụng, nàng vô cùng hoan hỷ, chờ trưởng lão dùng xong nàng cung thỉnh Ngài đến nhà cúng dường thực phẩm, với lòng bi mẫn muốn tiếp độ nàng, nên trưởng lão đã nhận phần thực phẩm.

Suốt hôm ấy, nàng vô cùng thoả thích với thiện sự của mình. Kế đó, do biết được đức hạnh của nàng, ông bà chủ đã nhận nàng về làm con dâu trong nhà.

Một hôm, nàng cùng mẹ chồng đi đến tịnh xá nghe pháp, nhìn thấy Đức Thế Tôn biểu dương một tỳ khưu ni đệ nhất hạnh thuyết pháp, thoả thích với hình ảnh đó, nàng đã cung thỉnh bậc Đạo Sư cùng chư Tăng về nhà cúng dường đại thí. Khi Thế Tôn cùng chư Tăng thọ thực xong, nàng đến đảnh lễ dướng chân Thế Tôn phát nguyện rằng "Do phước báu mà con đã trong sạch cúng dường trai thực, xin cho con thành tựu vị trí đệ nhất thuyết pháp trong giáo pháp của Đức Phật vị lai như trưởng lão ni kia vậy".

Đức Thế Tôn bèn dùng Phật nhãn quán chiếu, thấy nguyện vọng của nàng sẽ được thành tựu, để niềm hoan hỷ của nàng càng tăng trưởng thêm, bậc Đạo Sư đã tuyên bố những quả báo tốt đẹp sẽ phát sanh đến nàng và Ngài thuyết pháp tuỳ hỷ rồi cùng chư Tăng ngự về tịnh xá.

Do tích trữ nhiều thiện sự nên sau khi mạng chung, nàng được sanh lên cõi Đạo Lợi.

Đến thời giáo pháp của Đức Thế Tôn Kassapa, nàng tái sanh làm công chúa con của đức vua Kiṅki tại thành Bārānasī.

Nàng là con thứ sáu trong bảy người con của đức vua Kiṅki có tên là Sudhammā.

Sáu chị em của công chúa Sudhammā là: thứ nhất công chúa Samanī, thứ nhì công chúa Samanaguttā, thứ ba công chúa Bhikkhunī, thứ tư công chúa Bhikkhu-dāsikā, thứ năm công chúa Dhammā và người em út là công chúa Sanghadāsī.

Trong thời Đức Phật hiện tại, sáu nàng công chúa nầy trở thành những đệ tử xuất sắc của bậc Đạo Sư đó là:

1) Trưởng lão ni Khemā vị đại đệ tử tối thắng về trí tuệ.
2) Trưởng lão ni Uppalavannā vị đại đệ tử tối thắng về thần thông.
3) Trưởng lão ni Patācārā.
4) Trưởng lão ni Kuṇḍalakesī
5) Trưởng lão ni Kisāgotamī.
6) Công chúa Suddhammā trở thành trưởng lão ni Dhammadinnā
7) Đại tín nữ Visākhā

Đức vua Kiṅki là người đệ tử thuần thành, là người đàn tín của Thế Tôn Kassapa, cho nên bảy nàng công chúa nầy cũng trở thành những tín nữ ngoan đạo và hết lòng hộ độ Tam Bảo.

Một hôm, sau khi nghe pháp nơi Thế Tôn, các nàng công chúa nầy có ý muốn xuất gia, cùng nhau đến xin phụ vương nhưng Ngài không chấp thuận, dù không được xuất gia nhưng các nàng vẫn không xao lãng lý tưởng xuất ly, thọ trì thập giới và tinh cần thực hành phạm hạnh suốt 20.000 năm. Sau khi thân hoại mạng chung, các nàng công chúa đều được sanh lên cõi Đạo Lợi.

Đến thời giáo pháp của Đức Thế Tôn chúng ta, nàng được sanh trong một gia đình tại thành Rājagaha (Vương Xá). Khi lớn lên nàng được gả cho trưởng giả Visākha.

Một hôm, trưởng giả Visākha đến tịnh xá nghe bậc Đạo Sư thuyết pháp, dứt thời pháp, ông chứng quả Bất Lai. Về đến nhà, lúc bước lên lầu Dhammadinnā đưa tay ra đón chồng nhưng Visākha không cầm tay nàng. Lúc dùng cơm Visākha cũng lặng lẽ ăn không nói một lời, Dhammadinnā cảm thấy lạ, muốn hiểu duyên cớ, nàng lên tiếng hỏi rằng: "Thưa phu quân, vì sao hôm nay chàng không cầm tay thiếp, thậm chí lúc dùng cơm chàng cũng không nói một lời, có phải thiếp đã làm điều gì sai chăng?".

Trưởng giả Visākha đáp:

"Nầy Dhammadinnā, nàng không có điều gì sai, kể từ hôm nay tôi sẽ không xúc chạm với thân phụ nữ và không nói những lời phù phiếm về vật thực vì tôi đã tỏ ngộ giáo pháp, nếu nàng thích thì cứ ở lại đây, nếu không thích nàng hãy cầm lấy những tài sản ưng ý và trở về nhà của mình".

Dhammadinnā bèn nói:

"Thưa phu quân, thiếp sẽ không nuốt đồ mửa của chàng đâu, xin chàng hoan hỷ cho phép thiếp xuất gia".

Trưởng giả Visākha đáp:

"Lành thay, nầy Dhammadinnā".

Rồi Visākha đưa nàng đến trú xứ tỳ khưu ni trên chiếc kiệu vàng. Sau khi xuất gia xong nàng thọ trì đề tài thiền quán; vì muốn sống viễn ly yên tịnh, nàng đi đến thầy tế độ thưa rằng:

"Bạch thầy, tâm con không thích chỗ đông người, ồn ào, xin thầy cho con đến một nơi yên tịnh gần làng".

Các vị tỳ khưu ni đưa nàng đến một nơi thích hợp gần làng. Sống tại đấy không bao lâu, nhờ duyên lành chín muồi và sự tinh cần tu tập, nàng chứng quả Alahán với tứ vô ngại giải.

Giai thoại nầy, nàng đã kể trong tập Apadāna:

"Lui từ hiền kiếp này
Đến một trăm ngàn kiếp
Bậc chiến thắng ma vương
Padumuttara
Ngự sanh trong thế gian
Bấy giờ ta tái sanh
Trong một gia đình nghèo
Tại Haṃsavati

Phải làm thuê để sống
Một hôm, vào buổi sáng
Trên đường đi múc nước
Ta thấy vị trưởng lão
Danh xưng Sujāta
Là bậc có trí tuệ
Thu thúc trong giới hạnh
Vừa rời khỏi tịnh xá
Dâng phần bánh của mình
Với hai tay tôn kính
Vị trưởng lão nhận xong
Ngồi dùng tại nơi ấy
Ta vô cùng hoan hỷ
Cung thỉnh Ngài về nhà
Dâng một phần thực phẩm
Sau đó gia đình chủ
Biết thiện hạnh của ta
Nhận ta làm con dâu
Rồi ta cùng mẹ chồng
Đến tịnh xá nghe pháp
Nhìn thấy đức Thế Tôn
Biểu dương một ni sư
Đệ nhất hạnh thuyết pháp
Thoả thích hình ảnh đó
Ta cung thỉnh Thế Tôn
Cùng đại chúng tỳ khưu
Về cúng dường đại thí
Khi Thế Tôn dùng xong
Phủ phục dưới chân Ngài
Ta thành tâm chú nguyện
Bấy giờ, Đấng Thiện Tuệ
Với âm giọng dịu ngọt
Ngài phán với ta rằng
Nầy tín nữ hiền thục
Với tâm tư trong sạch
Hộ độ Ta, chúng Tăng
Tìm cầu nghe diệu pháp
Tăng trưởng với đức hạnh
Ngươi hãy nên hoan hỷ
Với quả trổ như ý
Kể từ đại kiếp nầy
Đến một trăm ngàn kiếp
Có vị Chánh Đẳng Giác
Hồng danh Gotama
Ngự sanh trong thế gian
Ngươi sẽ thừa tự pháp
Của Đức Thế Tôn ấy
Là vị đại đệ tử
Tên Dhammadinnā
Khi nghe những lời ấy
Ta vô cùng hoan hỷ
An trú với từ âm
Hộ độ Đại Ẩn Sĩ
Bậc dẫn dắt đặc thù
Đầy đủ với vật dụng
Cho đến khi mạng chung
Do thiện sự khéo làm
Từ bỏ thân nhân loại
Ta sanh cõi Đạo Lợi
Đến thời kỳ giáo pháp
Thế Tôn Kassapa
Ta sanh trong hoàng tộc
Tại Bārānasī
Ta là con thứ sáu
Trong bảy nàng công chúa
Của đức vua Kiṅki
Tên là Sudhammā
Đức phụ hoàng của ta
Là đệ tử cư sĩ
Và là người đàn tín
Của Phật Kassapa
Một hôm chị em ta
Sau khi nghe diệu pháp
Do Thế Tôn thuyết giảng
Hoan hỷ muốn xuất gia
Nhưng phụ hoàng không cho
Dù vậy chị em ta
Vẫn không rời lý tưởng
Tinh cần hành phạm hạnh
Suốt hai mươi ngàn năm
Do thiện nghiệp khéo làm
Sau khi ta mạng chung
Được sanh cõi Đạo Lợi
Đến kiếp cuối cùng này
Ta sanh nhà trưởng giả
Đầy đủ với dục lạc
Tại Rājagaha
Khi ta vừa trưởng thành
Tươi rạng ngời xuân sắc
Ta gả về làm vợ
Trưởng giả Visākha
Một hôm khi nghe pháp
Từ nơi Đức Thế Tôn
Chàng chứng quả Bất Lai
Trở thành bậc trí tuệ
Rồi ta xin phép chàng
Xuất gia tỳ khưu ni
Tu tập không bao lâu
Ta chứng đạt quả vị
Alahán, vô lậu
Cho đến một ngày nọ
Chàng cận sự nam ấy
Đi đến chỗ ta ở
Nêu câu hỏi thâm sâu
Ta giải đáp rành rẽ
Tất cả các câu ấy
Bậc chiến thắng ma vương
Hoan hỷ lời giảng giải
Biểu dương ta như vầy
Ta không thấy vị nào
Thù thắng hạnh thuyết pháp
Như Dhammadinnā
Hỡi nầy chư tỳ khưu
Các ngươi hãy ghi nhớ
Dhammadinnā nầy
Chính là bậc hiền trí
Ta được Đức Thế Tôn
Tán thưởng là hiền trí
Lời Phật dạy làm xong
Gánh nặng đã đặt xuống
Nhổ lên các ái hữu
Vì, đích gì xuất gia
Bỏ nhà sống không nhà
Mục đích đó ta đạt
Ta thuần thục biến hoá
Thiên nhĩ tha tâm thông
Thấu rõ các tiền kiếp
Thiên nhãn được thanh tịnh
Các lậu hoặc chấm dứt
Chặt đứt mọi trói buộc
Lời Phật dạy làm xong".

Sau khi chứng quả Alahán, trưởng lão ni Dhamma-dinnā suy nghĩ rằng:

"Tâm của ta đã chấp dứt mọi phiền não, bây giờ ta phải làm gì, ta sẽ đến Rājagaha đảnh lễ bậc Đạo Sư và tiếp độ các quyến thuộc".

Rồi trưởng lão cùng với các tỳ khưu ni trở về thành Rājagaha.

Cận sự nam Visākha hay tin trưởng lão ni Dhammadinnā trở về. Để thẩm nghiệm sự giác ngộ của trưởng lão ni, chàng đã nêu lên các câu hỏi thâm sâu vi tế, trưởng lão ni Dhammadinnā đã giải đáp rành rẽ, rõ ràng như cắt cành sen bằng con dao bén. Cận sự nam Visākha đi đến bậc Đạo Sư thuật lại cuộc luận đạo của mình với trưởng lão ni Dhammadinnā, bậc Đạo Sư đã tán thán trưởng lão ni với lời rằng:

"Nầy Visākha, tỳ khưu ni Dhammadinnā là bậc hiền trí".

Rồi bậc Đạo Sư lấy sự việc ấy làm nhân, Ngài tuyên bố giữa chư Tăng rằng: "Nầy chư tỳ khưu ni Dhamma-dinnā là người thù thắng hơn Ni chúng về hạnh thuyết pháp".

Và trong quá trình tu chứng, trước khi thành đạt đạo quả Alahán, trưởng lão ni Dhammadinnā đã nói lên bài kệ nầy:

"Ai với tâm ước muốn
Chứng đạt quả vô sanh
Và không bị trói buộc
Trong tất cả dục lạc
Vị ấy được gọi là
Bậc ngự đến dòng trên"

*

2- KỆ NGÔN CỦA TRƯỞNG LÃO NI NANDĀ

Để giáo giới tỳ khưu ni Nandā, bậc Đạo Sư đã phán bài kệ, nhờ bài kệ này, tỳ khưu ni Nandā được chứng quả Alahán và nàng đã xem đây là bài kệ tâm đắc của mình

"Nầy Nandā hãy nhìn
Tấm thân chỗ quy tụ
Nhiều bệnh tật, bất tịnh
Đầy hôi hám khả ố
Hãy hướng tâm tu tập
An trú bất tịnh tướng"
"Hãy tu tập vô tướng
Từ bỏ mạn tuỳ miên
Do thắng tri mạn ấy
Ngươi sẽ được an tịnh"

Trong thời giáo pháp của Đức Thế Tôn Vipassī, tỳ khưu ni Nandā nầy sanh làm con gái của một gia chủ giàu có.

Khi lớn lên, nàng được duyên lành nghe pháp nơi bậc Đạo Sư và trở thành một tín nữ nhiệt thành hộ độ Tam Bảo.

Sau khi Đức Thế Tôn niết bàn, mọi người đóng góp chung hùn xây dựng bảo tháp tôn thờ Xá lợi, nàng đã phát tâm trong sạch cúng dường bảo tháp Xá lợi cây lọng vàng và trang hoàng với nhiều châu báu.

Do thiện sự đó, sau khi mạng chung nàng được sanh lên thiên giới.

Đến thời kỳ giáo pháp của Đức Thế Tôn chúng ta, nàng sanh làm công chúa của đức vua Khemaka tại thành Kapilavatthu và có tên là Nandā.

Công chúa Nandā có một dung sắc xinh đẹp, khả ái, đáng nhìn nên nàng được mọi người ban tặng danh xưng là Abhirūpanandā (Nandā xinh đẹp).

Khi nàng trưởng thành, có một vị hoàng tử rất thương yêu nàng, trong ngày thành hôn, vị hoàng tử ấy đã mệnh chung. Đức vua và mẫu hậu cưỡng bức nàng xuất gia, dù trong lòng nàng không muốn.

Sau khi xuất gia, nàng vẫn kiêu hãnh với sắc đẹp của mình và nàng không dám đến yết kiến bậc Đạo Sư vì nghĩ rằng:

"Bậc Đạo Sư thường khiển trách về sự luyến ái xác thân và dùng nhiều phương tiện trình bày mối hiểm hoạ của xác thân nầy".

Đức Thế Tôn biết trí tuệ nàng đã thuần thục, Ngài bèn dạy Mahāpajāpati tập hợp các tỳ khưu ni lại để nghe giáo giới. Tới phiên mình, tỳ khưu ni Abhirūpa-nandā nhờ vị khác đi thế. Đức Thế Tôn biết được phán rằng: "Khi tới phiên tỳ khưu ni phải tự mình đi, không được nhờ vị khác".

Không thể làm trái lời dạy bậc Đạo Sư, nên nàng đã cùng với chư Ni đến nghe giáo giới. Đức Thế Tôn dùng thần thông hoá ra một thiếu nữ kiều diễm, chỉ cho một mình nàng thấy, khi Đức Thế Tôn biết nàng bị cuốn hút bởi hình ảnh người thiếu nữ tuyệt trần ấy, Ngài khiến cho người thiếu nữ từ từ già nua với những thể trạng suy sụp. Nhìn thấy cảnh tượng đó, nàng bị xúc cảm mạnh, rồi để giáo hoá nàng, bậc Đạo Sư đã nói hai bài kệ rằng:

"Nầy Nandā hãy nhìn
Tấm thân chỗ quy tụ
Nhiều bệnh tật, bất tịnh
Đầy hôi hám khả ố
Hãy hướng tâm tu tập
An trú bất tịnh tướng"
"Hãy tu tập vô tướng
Từ bỏ mạn tuỳ miên
Do thắng tri mạn ấy
Ngươi sẽ được an tịnh"

Vừa dứt bài kệ, tỳ khưu ni Abhirūpanandā phát triển tuệ quán chứng quả Alahán.

Trưởng lão kể lại giai thoại nầy trong tập Apadāna như sau:

"Trong thành Aruṇavati
Có một vị hoàng đế
Tên là Aruṇa
Bấy giờ ta sanh làm
Hoàng hậu của đức vua
Ta sống trong an lạc
Đầy đủ mọi vật chất
Một hôm, ngồi yên tịnh
Ta chợt nghĩ như vầy
Nay ta được hạnh phúc
Do đời trước đã gieo
Nếu ta không tạo phước
Ta sẽ rơi đoạ xứ
Chìm đắm trong đau khổ
Khi hiểu rõ như thế
Trong lòng ta hân hoan
Liền đi đến đức vua
Quỳ thưa những lời nầy
Từ khi thiếp tiến cung
Hầu hạ cho hoàng thượng
Thiếp sống trong an lạc
Đầy đủ mọi vật chất
Duy chỉ có một điều
Thiếp không được tạo phước
Xin Ngài hãy thương tình
Ban cho một sa môn
Để thiếp được cúng dường
Đức vua đã hoan hỷ
Chấp thuận lời thỉnh cầu
Ban nàng một sa môn
Với các căn thanh tịnh
Ta vô cùng hoan hỷ
Nhận bát từ tay Ngài
Đặt vào đầy cả bát
Những vật thực thượng vị
Sau đó, ta dâng Ngài
Một cặp y đặc biệt
Với thiện nghiệp khéo làm
Mạng chung từ kiếp nầy
Ta sanh cõi Đạo Lợi
Một ngàn lần được làm
Hoàng hậu của Thiên vương
Một ngàn lần được làm
Hoàng hậu Chuyển luân vương
Và nhiều lần được làm
Hoàng hậu đại hoàng đế
Cùng nhiều quả phước khác
Phát sanh từ thiện sự
Dâng y và đặt bát
Ta có màu da đẹp
Như màu của hoa sen
Ta là nữ nhân đẹp
Khả ái và đáng nhìn
Lần cuối cùng ta sanh
Trong hoàng tộc Thích Ca
Con vua Khemaka
Chủ nhân nhiều cung nữ
Khi hôn sự không thành
Phụ vương cùng mẫu hậu
Ép buộc ta xuất gia
Tu tập được bảy ngày
Ta tỏ ngộ Thánh Đế
Ta luôn được sung túc
Về y phục, vật thực
Dược phẩm cùng trú xứ
Đây chính là kết quả
Việc để bát cúng dường
Trong kiếp ba mươi mốt
Kể từ hiền kiếp nầy
Ta đã cúng dường gì
Chính do thiện sự đó
Ta không biết khổ cảnh
Ta chỉ biết cảnh giới
Cõi trời và cõi người
Cảnh giới khác không biết
Đây chính là kết quả
Việc đế bát cúng dường
Ta sanh dòng cao quý
Giàu có gia sản lớn
Không sanh dòng thấp hèn
Đây chính là kết quả
Việc để bát cúng dường
Kính bạch Đại Ẩn Sĩ
Con thuần thục thần thông
Thiên nhĩ, tha tâm thông
Chứng đạt túc mạng trí
Và thiên nhãn thanh tịnh
Các lậu hoặc đoạn tận
Sanh hữu mới không còn
Kính bạch bậc Đại hùng
Con với trí thấu đạt
Trong tứ vô ngại giải
Nay là kiếp cuối cùng
Con thiêu đốt phiền não
Lời Phật dạy làm xong".

*

3- KỆ NGÔN CỦA TRƯỞNG LÃO NI ABHAYAMĀTĀ

Được biết trưởng lão ni Abhayamātā đã nói lên bài kệ rằng:

"Thưa mẫu thân khả kính
Hãy quán xác thân nầy
Từ bàn chân trở lên
Từ đấu tóc trở xuống
Chứa đầy vật bất tịnh
Hôi thối đáng nhờm gớm"
"Ta an trú như vậy
Mọi tham dục nhổ sạch
Nhiệt não được đoạn trừ
Tâm mát lạnh, tịch tịnh"

Trong thời giáo pháp của Đức Thế Tôn Tissa, vị trưởng lão ni nầy, sanh trong một gia đình Bàlamôn.

Do từng gieo duyên lành với chư Phật quá khứ nên khi nhìn thấy Đức Phật Tissa đi khất thực, nàng phát tâm trong sạch đặt thực phẩm cúng dường.

Nhờ phước báu thành kính để bát đến Đức Phật, khi mệnh chung nàng được sanh lên thiên giới.

Đến thời kỳ giáo pháp của Đức Thế Tôn chúng ta, nàng sanh tại thành Ujjenī. Vì nàng vô cùng xinh đẹp nên được ban tặng danh hiệu là hoa khôi của kinh thành và tên là Padumavatī.

Đức vua Bimbisāra (Bình Sa Vương) nghe tin về sắc đẹp của nàng bèn gọi quan tế tự đến dạy rằng:

"Nầy hiền khanh, ta nghe tại thành Ujjenī có một hoa khôi tên Padumavatī, trẫm muốn gặp mặt nàng".

Quan tế tự đáp:

"Thưa vâng, tâu đại vương".

Rồi với sức mạnh chú thuật, quan tế tự triệu đến một dạ xoa tên Kumbhīra, dạ xoa dùng thần lực đưa đức vua đến thành Ujjenī, tại nhà của nàng Padumavatī.

Đêm hôm đó đức vua đã chăn gối với nàng, khi biết mình có mang, nàng đã thông báo cho đức vua biết. Đức vua nói rằng: "nếu sanh con trai nàng hãy nuôi dưỡng cho thật tốt, khi con lớn hãy dẫn vào cung cho trẫm".

Và đức vua ban cho nàng chiếc nhẫn có khắc tên, rồi Ngài trở về hoàng cung.

Thời gian thấm thoát vừa tròn mười tháng, nàng hạ sanh một hoàng nam, trong ngày lễ đặt tên, nàng đặt tên cho con là Abhaya (Vô uý).

Khi Abhaya được bảy tuổi, nàng đưa Abhaya đến yết kiến đức vua và nói với con rằng:

"Đức vua Bimbisāra là phụ vương của con".

Đức vua nhìn thấy đứa bé, trong lòng đã dâng lên một tình cảm phụ tử, Ngài bèn nhận nuôi dưỡng bảo bọc nó trong hoàng cung.

Về sau, khi đức vua Bimbisāra bị thái tử Ajātasattu sát hại, hoàng tử Abhaya bị xúc động mạnh, chán nản đời sống thế tục, chàng đến xuất gia trong giáo pháp. Nhờ tinh cần nỗ lực và trí tuệ chín muồi không bao lâu tôn giả Abhaya chứng đạt quả vị Alahán.

Một hôm Padumavatī vì thương nhớ con đã đi đến thăm viếng. Nhân cơ hội nầy tôn giả Abhaya thuyết pháp tế độ thân mẫu, sau thời pháp bà khởi niềm tin, đến xin xuất gia tại trú xứ tỳ khưu ni.

Nhờ thời pháp của tôn giả Abhaya cùng với thiện duyên giải thoát chín muồi, sau khi xuất gia tu tập không bao lâu, bà cũng được chứng quả Alahán.

Trưởng lão Abhayamāta đã kể lại giai thoại nầy trong tập Apadāna như sau:

"Ta thấy Đức Thế Tôn
Hồng danh là Tissa
Đang ngự đi khất thực
Ta phát tâm trong sạch
Đặt thực phẩm cúng dường
Bậc Đạo Sư nhận xong
Ngài đứng tại chỗ ấy
Nói lời tuỳ hỷ rằng
Người nào tâm thành kính
Dâng thực phẩm vào bát
Người ấy khi mạng chung
Được sanh cõi Đạo Lợi
Ba mươi sáu lần sanh
Làm hoàng hậu Đế Thích
Năm mươi lần sanh làm
Hoàng hậu chuyển luân vương
Khi đi đến cõi người
Luôn sống trong an lạc
Rồi cuối cùng xuất gia
Đoạn tận các phiền não
Đạt vô lậu Nípbàn
Đức Thế Tôn Tissa
Sau khi phán như vậy
Ngài bay lên hư không
Như hạc chúa giữa trời
Trong kiếp chín mươi hai
Kể từ hiền kiếp này
Ta tạo thiện sự nào
Chính do thiện nghiệp đó
Ta không biết khổ cảnh
Đây chính là kết quả
Đặt bát cúng dường Phật
Nay là kiếp cuối cùng
Ta thiêu đốt phiền não
Lời Phật dạy làm xong".

Sau khi chứng quả Alahán, do tâm đắc bài kệ giáo giới của trưởng lão Abhaya, trưởng lão ni đã hân hoan xướng lên bài kệ ấy:

"Thưa mẫu thân khả kính
Hãy quán xác thân nầy
Từ bàn chân trở lên
Từ đấu tóc trở xuống
Chứa đầy vật bất tịnh
Hôi thối đáng nhờm gớm"
"Ta an trú như vậy
Mọi tham dục nhổ sạch
Nhiệt não được đoạn trừ
Tâm mát lạnh, tịch tịnh"

*

4- KỆ NGÔN CỦA TRƯỞNG LÃO NI UBBIRI

Bậc Đạo Sư đã cảnh tỉnh nàng với bài kệ rằng:

"Hỡi này Ubbiri
Ngươi vào rừng than khóc
Ôi Jīvā thân yêu
Ngươi hãy bình tâm lại
Hỡi này Ubbiri
Chính trong mộ địa này
Có cả tám vạn tư
Con ngươi tên Jīvā
Vậy ngươi khóc cho ai?"

Sau khi chứng quả Alahán, nàng nói lên bài kệ rằng:

"Mũi tên khó nhìn thấy
Đâm dính trong tâm con
Con đã nhổ ra được
Đoạn trừ mọi sầu muộn
Nơi đứa con đã chết"
"Nay mũi tên được nhổ
Mọi ham muốn chấm dứt
Kính bạch bậc Ẩn Sĩ
Con xin quy y Ngài
Giáo pháp cùng Tăng chúng"

Trong thời giáo pháp của Đức Thế Tôn Padumut-tara, nàng sanh trong một gia đình tại thành Haṃsavati.

Một hôm, cha mẹ nàng đi đến nhà người bạn tham dự một cuộc lễ, do không kết giao với ai, nàng đành phải ở nhà.

Lúc bấy giờ, có một vị trưởng lão Alahán, đi khất thực ngang qua cửa, nàng nhìn thấy, khởi ý muốn cúng dường, bèn bước ra thưa rằng:

"Bạch Ngài, xin thỉnh Ngài vào nhà".

Khi trưởng lão vào nhà, nàng quỳ xuống đảnh lễ ngũ thể đầu địa, rồi nàng sắp đặt một sàng toạ dâng đến trưởng lão. Sau khi trưởng lão ngồi trên sàng toạ ấy, nàng nhận bát để đầy vật thực và thành kính dâng đến trưởng lão, trưởng lão nói lời tuỳ hỷ phúc chúc rồi rời khỏi nơi ấy.

Do thiện sự đó, sau khi mệnh chung nàng được sanh cõi Đạo Lợi, thọ hưởng những thiên sản đặc thù trên cõi ấy.

Đến thời kỳ giáo pháp của Đức Thế Tôn chúng ta, nàng tái sanh trong một gia đình giàu có tại thành Sāvatthī, được cha mẹ đặt tên là Ubbiri.

Do phước báu quá khứ, nên nàng có dung sắc xinh đẹp khả ái. Vừa lớn lên nàng được đưa vào hậu cung của đức vua Kosola.

Vài năm sau, nàng sanh một cô công chúa rất dễ thương và đặt tên là Jīvā, đức vua Kosala thấy đứa con, Ngài rất hài lòng, bèn tấn phong nàng làm hoàng hậu. Nhưng ít lâu sau con nàng qua đời, nàng vô cùng đau khổ, ngày nào cũng đi đến mộ địa than khóc.

Một hôm, nàng đến yết kiến bậc Đạo Sư, rồi sau đó nàng đi đến bờ sông Aciravatī đứng than khóc, bậc Đạo Sư thấy vậy, Ngài ngồi tại hương thất phóng hào quang đến phán hỏi rằng:

"Vì sao con khóc?"

Nàng thưa rằng:

"Vì tiếc thương bé Jīvā nên con khóc, bạch Thế Tôn".

Bậc Đạo Sư phán rằng:

"Tại mộ địa nầy có đến tám mươi bốn ngàn con gái của ngươi bị thiêu, vậy ngươi than khóc cho ai".

Rồi Ngài chỉ cho nàng chỗ thiêu xác những đứa con đã chết và nói lên bài kệ rằng:

"Hỡi này Ubbiri
Ngươi vào rừng than khóc
Ôi Jīvā thân yêu
Ngươi hãy bình tâm lại
Hỡi này Ubbiri
Chính trong mộ địa này
Có cả tám vạn tư
Con ngươi tên Jīvā
Vậy ngươi khóc cho ai?"

Nàng dùng trí tuệ suy quán theo lời dạy, với pháp âm vi diệu của bậc Đạo Sư cùng với duyên lành chín muồi, nàng đứng tại chỗ ấy phát triển tuệ quán chứng quả Alahán.

Giai thoại sau đây được nàng kể trong tập Apadāna:

"Ta là thợ kết hoa
Tại Haṃsavatī
Một hôm, cha mẹ ta
Bận công việc ra ngoài
Ta ở nhà một mình
Nhìn thấy vị trưởng lão
Đang bộ hành khất thực
Giữa ánh nắng thiêu đốt
Ta sắp đặt sàng toạ
Bước ra thưa như vầy
Ngoài trời nắng nóng bức
Không gợn một chút gió
Đã đến thời thọ thực
Kính bạch bậc Ẩn Sĩ
Sàng toạ được lau trải
Con xin dâng đến Ngài
Xin Ngài hãy tiếp độ
Ngồi trên sàng toạ ấy
Vị trưởng lão thanh tịnh
Tâm tư khéo điều phục
Ngự lên sàng toạ ấy
Ta nhận bát của Ngài
Đặt vào đầy vật thực
Do thiện nghiệp khéo làm
Khi từ bỏ thân này
Ta sanh cõi Đạo Lợi
Rồi một toà thiên cung
Cao sáu mươi do tuần
Rộng ba mươi do tuần
Được trang hoàng rực rỡ
Với các loại châu báu
Phát sanh đến cho ta
Tám mươi lần ta làm
Hoàng hậu đức Đế Thích
Bảy mươi lần ta sanh
Hoàng hậu Chuyển luân vương
Dù sanh trong kiếp nào
Ta cũng được đầy đủ
Sung túc về tài sản
Đây chính là kết quả
Việc cúng dường sàng toạ
Ta chỉ sanh hai cõi
Cõi người và cõi trời
Không biết các cõi khác
Đây chính là kết quả
Việc cúng dường sàng toạ
Ta chỉ sanh hai dòng
Là dòng tộc vua chúa
Và dòng Bàlamôn
Đây chính là kết quả
Việc cúng dường sàng toạ
Ta là người phụ nữ
Thành tựu về dung sắc
Khả ái và đáng nhìn
Đây chính là kết quả
Việc cúng dường sàng toạ
Ta luôn được hầu hạ
Cung phụng rất đầy đủ
Nuôi dưỡng thật chu đáo
Hôm nay được giác ngộ
Ta từ bỏ hoàng cung
Trở thành bậc xuất gia
Trong kiếp một trăm ngàn
Kể từ hiền kiếp nầy
Ta đã cúng dường gì
Chính do thiện sự đó
Ta không biết khổ cảnh
Đây chính là kết quả
Việc cúng dường sàng toạ
Nay là kiếp cuối cùng
Ta thiêu đốt phiền não
Nhổ lên gốc sanh hữu
Chặt đứt mọi trói buộc
Không còn các lậu hoặc
Việc đến yết kiến Phật
Là việc đến tốt đẹp
Tam minh ta chứng đạt
Lời Phật dạy làm xong".

Hoan hỷ với quả chứng của mình, nàng đã nói lên bài kệ rằng:

"Mũi tên khó nhìn thấy
Đâm dính trong tâm con
Con đã nhổ ra được
Đoạn trừ mọi sầu muộn
Nơi đứa con đã chết"
"Nay mũi tên được nhổ
Mọi ham muốn chấm dứt
Kính bạch bậc Ẩn Sĩ
Con xin quy y Ngài
Giáo pháp cùng Tăng chúng"

*

5- KỆ NGÔN CỦA TRƯỞNG LÃO NI SUKKĀ

Một vị thọ thần sau khi được nghe pháp nơi trưởng lão ni, quá hoan hỷ pháp thoại, đã tán thán với bài kệ rằng:

"Hỡi thị dân Vương Xá
Các ngươi đang làm gì
Giống như người nằm mê
Bị say vì uống mật
Các ngươi không đi đến
Trưởng lão ni Sukkā
Nghe nàng thuyết lời Phật"
"Đối với bậc trí tuệ
Khi uống nước chánh pháp
Nước thuần tịnh bất tử
Tâm tư được an lạc
Ví như người lữ hành
Trải qua dặm đường xa
Được nước mưa mát lạnh".

Và trước khi niết bàn hoan hỷ với quả chứng của mình, trưởng lão ni Sukkā đã nói lên bài kệ rằng:

"Tỳ khưu ni Sukkā
An trú pháp thanh tịnh
Rời bỏ mọi tham ái
Tâm tư khéo định tĩnh
Chiến thắng cả quần ma
Đạt được thân cuối cùng"

Trong thời giáo pháp của Đức Thế Tôn Vipassī, trưởng lão ni Sukkā sanh trong một gia đình tại thành Bandhumatī.

Khi trưởng thành, nàng tháp tùng với các tín nữ khác đi đến tịnh xá nghe pháp. Sau khi nghe pháp thoại nơi bậc Đạo Sư, nàng khởi niềm tin và xin xuất gia trong giáo pháp.

Do phước duyên quá khứ, cùng với sự chuyên cần học hỏi Thánh điển Phật ngôn, nàng trở thành bậc đa văn, vị pháp sư lỗi lạc trong hàng Ni chúng.

Sống phạm hạnh cho đến khi mãn thọ, nàng được sanh lên cõi Đâu Xuất.

Nàng là người hữu duyên, hữu phúc được diện kiến và được xuất gia trong giáo pháp của đức Chánh Đẳng Gáic Sikhī, đức Chánh Đẳng Giác Vessabhū, đức Chánh Đẳng Giác Kakusandha, đức Chánh Đẳng Giác Konāgamana, đức Chánh Đẳng Giác Kassapa và do phước duyên khéo tích trữ, khi xuất gia trong giáo pháp của chư Thế Tôn ấy, nàng luôn là bậc đa văn, bậc pháp sư xuất chúng trong hàng Ni giới.

Đến thời kỳ giáo pháp của Đức Thế Tôn chúng ta, nàng sanh trong một gia đình quyền quý tại thành Rāja-gaha (Vương Xá) và được đặt tên là Sukkā.

Do duyên lành quá khứ, nên từ nhỏ nàng đã có niềm tin trong sạch nơi Tam Bảo và trở thành một tín nữ ngoan đạo.

Về sau, khi được nghe pháp nơi trưởng lão ni Dhammadinnā, với trí tuệ hiểu pháp, nàng cảm nhận rằng đời sống thế tục nhiều phiền muộn, nhiều đau khổ và nàng đã xin xuất gia nơi trú xứ của trưởng lão ni Dhammadinnā.

Do là người từng thông hiểu pháp học và pháp hành trong giáo pháp của chư Phật quá khứ, nên khi đang cạo tóc nàng đã phát triển tuệ quán chứng đạt Alahán cùng với tuệ phân tích.

Trong tập Apadāna đã ghi lại giai thoại về trưởng lão như sau:

"Trong kiếp chín mươi mốt
Kể từ hiền kiếp nầy
Có vị Chánh Đẳng Giác
Hồng danh Vipassī
Bậc có đôi mắt sáng
Tỏ ngộ tất cả pháp
Sanh lên trong thế gian
Bấy giờ ta tái sanh
Trong gia đình giàu có
Tại Bandhumatī
Lớn lên được nghe pháp
Nơi bậc Đại Ẩn Sĩ
Ta tịnh tín Tam Bảo
Từ bỏ mọi ràng buộc
Xuất gia tỳ khưu ni
Do học pháp nghiệm pháp
Ta thành bậc đa văn
Trì pháp và biện tài
Thuyết giảng pháp lưu loát
Đem lợi ích nhiều người
Mệnh chung từ kiếp ấy
Ta sanh cõi Đâu Xuất
Trở thành vị thiên nữ
Có uy lực to lớn
Trong kiếp ba mươi mốt
Kể từ hiền kiếp nầy
Bậc chiến thắng ma vương
Hồng danh là Sikhī
Hào quang như ánh lửa
Toả sáng cả một vùng
Ngự sanh trên thế gian
Bấy giờ ta xuất gia
Trong giáo pháp của Ngài
Là ngươi thông hiểu pháp
Và xiển minh chánh pháp
Sau khi ta mạng chung
Được sanh cõi Đạo Lợi
Cũng trong kiếp ba mốt
Kể từ hiền kiếp nầy
Bậc dẫn dắt thế gian
Hhồng danh Vessabhū
Ngự sanh trên thế gian
Do thiện căn dẫn dắt
Ta tu trong giáo pháp
Của bậc Đạo Sư ấy
Trở thành người trì pháp
Và xiển minh chánh pháp
Cho đến khi thọ mãn
Ta sanh lên thiên giới
Ngay trong hiền kiếp nầy
Có vị Chánh Đẳng Giác
Tên Kakusandha
Ngự sanh trên thế gian
Cũng như Chư Phật trước
Ta đi đến xuất gia
Trong giáo pháp của Ngài
Ta học pháp, trì pháp
Làm sáng tỏ chánh pháp
Mệnh chung từ kiếp trước
Ta sanh cõi Đạo Lợi
Cũng trong hiền kiếp nầy
Đức Thế Tôn hồng danh
Konāgamana
Bậc tối thượng muôn loài
Ngự sanh trên thế gian
Ta cũng được xuất gia
Trong giáo pháp của Ngài
Trở thành bậc đa văn
Trì pháp, xiển minh pháp
Và trong hiền kiếp nầy
Bậc Ẩn sĩ cao thượng
Hồng danh Kassapa
Bậc nương tựa của đời
Không có kẻ đối nghịch
Đạt tận cùng của tử
Ngự sanh trên thế gian
Rồi ta được xuất gia
Trong giáo pháp của Phật
Ta học tập Diệu Pháp
Thông thạo phép vấn đạo
Kính bạch Đại Ẩn Sĩ
Con có giới thanh tịnh
Sống có tàm có uý
Thiện xảo trong tam học
Và thuyết giảng chánh pháp
Với phước lành đào tạo
Sau khi ta mạng chung
Được sanh cõi Đạo Lợi
Trong kiếp cuối cùng nầy
Ta sanh nhà trưởng giả
Giàu có, nhiều châu báu
Tại Rājagaha
Một hôm, Đức Thế Tôn
Ngự vào thành Vương Xá
Với các căn thanh tịnh
Với màu da sáng chói
Như vàng ròng Siṅgī
Cùng đại chúng tỳ khưu
Đầy trang nghiêm thánh thiện
Cảm hoá bởi uy đức
Và diệu pháp của Ngài
Ta phát tâm tịnh tín
Hộ độ cúng dường Ngài
Rồi duyên lành đã đến
Ta được nghe Chánh Pháp
Nơi vị trưởng lão ni
Tên Dhammadinnā
Ta nhàm chán, xuất gia
Trong lúc đang cạo tóc
Tâm ta được giải thoát
Khỏi lậu hoặc phiền não
Do duyên hạnh quá khứ
Ta trở thành pháp sư
Thuyết pháp đến hội chúng
Một hôm với pháp thoại
Ta khiến cho nhiều người
Chứng đạt được Thánh quả
Rồi một vị thiên tử
Lãnh hội được pháp ấy
Tâm tư đầy hoan hỷ
Kính một trưởng lão ni
Đi khắp thành Vương Xá
Tán thán nàng như vầy:
Hỡi thị dân Vương Xá
Các ngươi đang làm gì
Giống như người nằm mê
Bị say vì uống mật
Các ngươi không đi đến
Trưởng lão ni Sukkā
Nghe nàng thuyết lời Phật
Đối với bậc trí tuệ
Khi uống nước Chánh Pháp
Nước thuần tịnh bất tử
Tâm tư được an lạc
Ví như người lữ hành
Trải qua dặm đường xa
Được nước mưa mát lạnh
Kính bạch Đại Ẩn Sĩ
Con thuần thục hoá thông
Thiên nhĩ, tha tâm thông
Con chứng túc mạng trí
Thiên nhãn con thanh tịnh
Các lậu hoặc chấm dứt
Sanh hữu mới không còn
Kính bạch bậc Đại Hùng
Con có trí thấu đáo
Nghĩa, pháp, ngữ, biện tài
Con thiêu đốt phiền não
Nhổ lên gốc sanh hữu
Chặt đứt mọi trói buộc
Tam minh con chứng đạt
Lời Phật dạy làm xong".

Sau khi chứng quả Alahán, nàng trở thành vị pháp sư lỗi lạc, có khoảng năm trăm tỳ khưu ni đoanh vây.

Một hôm, nàng vào thành Vương Xá khất thực, dùng xong nàng trở về trú xứ tỳ khưu ni, nàng đã thuyết pháp đến hội chúng lớn đang câu hội tại đấy, pháp thoại hay đến nỗi các tỳ khưu ni như cảm thấy được nhận từ nàng những hương vị ngọt ngào, thấm nhuần nước bất tử và tất cả đều thành kính lắng tâm nghe pháp.

Lúc bấy giờ, có một vị chư thiên ngự trên cội cây cuối con đường kinh hàng của trưởng lão ni, hoan hỷ với pháp thoại của nàng, đã đi khắp nơi trong thành Vương Xá tán thán đức hạnh của nàng với hai bài kệ rằng:

"Hỡi thị dân Vương Xá
Các ngươi đang làm gì
Giống như người nằm mê
Bị say vì uống mật
Các ngươi không đi đến
Trưởng lão ni Sukkā
Nghe nàng thuyết lời Phật"
"Đối với bậc trí tuệ
Khi uống nước chánh pháp
Nước thuần tịnh bất tử
Tâm tư được an lạc
Ví như người lữ hành
Trải qua dặm đường xa
Được nước mưa mát lạnh".

Sau khi nghe những lời tán thán của vị chư thiên, dân chúng hân hoan lũ lượt kéo nhau đến trú xứ của trưởng lão ni Sukkā, lắng nghe nàng thuyết pháp với tâm thành kính và toàn thể thính chúng ấy đều nhận được những lợi ích từ pháp thoại của nàng.

Rồi khi tuổi thọ đã tận, trước giờ niết bàn, hoan hỷ với quả chứng của mình, trưởng lão ni đã xướng lên bài kệ rằng:

"Tỳ khưu ni Sukkā
An trú pháp thanh tịnh
Rồi bỏ mọi tham ái
Tâm tư khéo định tĩnh
Chiến thắng cả quần ma
Đạt được thân cuối cùng"

*

6- KỆ NGÔN CỦA TRƯỞNG LÃO NI SELĀ

Ác ma đến nói với trưởng lão ni Selā bài kệ như sau:

"Niết bàn không có thật
Nàng được lợi ích gì
Với hạnh viễn ly nầy
Nàng hãy hưởng dục lạc
Chớ hối tiếc về sau".

Trưởng lão ni Selā trả lời ác ma với bài kệ như sau:

"Các dục như gươm giao
Chém nát các uẩn ta
Những dục mà ngươi gọi
Là lạc thú cuộc đời
Nay những dục lạc ấy
Với ta không hấp dẫn"
"Ta đã đoạn trừ được
Mọi hỷ tham trên đời
Và phá tan si ám
Hỡi nầy ác ma kia
Ngươi hãy biết như vậy
Hỡi nầy ác ma kia
Ngươi đã bị bại trận".

Ngược dòng thời gian cách đây một trăm ngàn đại kiếp, vị trưởng lão ni nầy sanh trong một gia đình giàu có tại thành Haṃsavatī.

Khi trưởng thành, cha mẹ gả nàng cho một công tử môn đăng hộ đối. Sống hạnh phúc bên chồng được nhiều trăm năm. Một hôm, chàng công tử ấy bị bịnh qua đời khiến nàng vô cùng buồn khổ, nhưng vẫn tiếp tục sống với cuộc đời goá bụa, cho đến một ngày kia, nàng nhận thấy rằng:

"Thời gian cứ lặng lẽ trôi qua, tuổi thanh xuân của ta cũng dần dần biến mất, sự vô thường quá ư khắc nghiệt đã cướp lấy những vật yêu quý của ta".

Khiến nàng phát sanh kinh tởm, nàng rời khỏi nhà, đi lang thang khắp nơi, từ am thất nầy đến am thất nọ, từ vu viện nầy đến tu viện kia, với mục đích duy nhất là tìm cầu chân hạnh phúc.

Một hôm, nàng dừng lại trước cội đại thọ sum xuê tươi tốt, chỗ giác ngộ của Đức Thế Tôn, nàng nhìn cội bồ đề suy nghĩ rằng:

"Nếu Đức Thế Tôn là bậc Vô thượng, không ai sánh bằng, thì xin cây bồ đề hãy biểu diễn thần lực cho tôi thấy, ngay lập tức cội bồ đề phát quang tuần tự như ý của nàng, các cành nhánh đều hoá thành vàng chiếu sáng khắp các hướng, nhìn thấy sự kỳ diệu như thế, nàng vô cùng hoan hỷ tịnh tín và thể hiện sự tôn kính bằng cách ngồi chấp hai tay trên đầu tại đấy suốt bảy ngày. Đến ngày thứ bảy, nàng đã thành kính cúng dường năm ngọn đèn đến cội bồ đề. Do phước nghiệp ấy, sau khi mệnh chung, nàng được sanh lên cõi Đạo Lợi.

Đến thời kỳ giáo pháp của Đức Thế Tôn chúng ta, nàng sanh làm công chúa con của đức vua Ālāvi, tên là Selā và nàng còn một tên gọi nữa là Ālāvikā (người xứ Ālāvī).

Khi bậc Đạo Sư cảm hoá được đức vua Ālāvī, Ngài bèn giao y bát cho vua cầm rồi ngự vào thành Ālāvī cùng đức vua.

Công chúa đi yết kiến bậc Đạo Sư và đức vua. Sau khi nghe pháp, nàng khởi niềm tin trong sạch nơi Tam bảo và trở thành một tín nữ mộ đạo.

Một hôm, nàng phát sanh động tâm và đến xin xuất gia nơi các tỳ khưu ni, nhờ duyên lành tròn đủ, trí tuệ chín muồi nàng đã chứng đạt Alahán ngay sau đó.

Trưởng lão kể lại giai thoại nầy trong tập Apadāna:

"Bấy giờ ta chợt hiểu
Vô thường đang xói mòn
Trên thân thể của ta
Ta nhàm chán tất cả
Đi lang thang khắp nơi
Trong Haṃsavatī
Để tìm chân hạnh phúc
Ta thấy cội bồ đề
Trong ngày trăng hạ tuần
Với niềm tin trong sạch
Ta ngồi xuống tại đấy
Chấp hay tay trên đầu
Tâm tư đầy thành kính
Và ta nghĩ như vầy
Nếu Phật là Vô thượng
Không có ai sánh bằng
Thì xin cội bồ đề
Hãy thị hiện thần lực
Hãy phát toả hào quang
Cho ta ngay bây giờ
Tức thì cội cây ấy
Chiếu sáng như ý ta
Hào quang ấy màu vàng
Toả sáng khắp các hướng
Ta ngồi dưới cội cây
Suốt bảy ngày bảy đêm
Khi đến ngày thứ bảy
Ta cúng năm ngọn đèn
Đặt chung quanh nơi ấy
Bấy giờ đèn của ta
Chiếu sáng tận mặt trời
Do thiện nghiệp khéo làm
Sau khi ta mạng chung
Được sanh cõi Đạo Lợi
Phước kết quả đến ta
Một toà thiên cung đẹp
Tên là Ngũ Đăng Cung
Cao một trăm do tuần
Khắp thiên cung toả sáng
Với ánh sáng ngọn đèn
Người xoay mặt hướng đông
Nếu muốn ta sẽ thấy
Cả phía trên, phía dưới
Và luôn cả chiều ngang
Nếu muốn ta sẽ thấy
Nghiệp tốt và nghiệp xấu
Mà người đang thực hiện
Dù ở tận nơi nào
Cây cối hoặc núi đồi
Không ngăn cản mắt ta
Tám mươi lần ta sanh
Hoàng hậu đức Đế Thích
Một trăm lần ta làm
Hoàng hậu Chuyển Luân Vương
Ta đến sanh hữu nào
Dù cõi người hay trời
Đều có đèn chiếu sáng
Chung quanh chỗ ta ở
Mệnh chung từ thiên giới
Tái sanh vào mẫu thai
Mắt của ta không khép
Nhiều ngọn đèn toả sáng
Trong sanh đường của ta
Đây chính là kết quả
Việc lúc năm ngọn đèn
Đến kiếp cuối cùng nầy
Do duyên lành tròn đủ
Ta chứng đạt vô sanh
Lúc chỉ vừa bảy tuổi
Biết được đức hạnh ta
Đạo sư truyền cụ túc
Dù nhập thiền ở đâu
Gốc cây hay nhà trống
Lâu đài hay mộ địa
Đều có năm ngọn đèn
Chiếu sáng chung quanh ta
Thiên nhãn ta thanh tịnh
Thiện xảo trong thiền định
Chứng đạt các thắng trí
Đây chính là kết quả
Việc cúng năm ngọn đèn
Phạm hạnh ta đã thành
Việc nên làm đã làm
Giờ không còn lậu hoặc
Kính bạch bậc Đại Hùng
Người tên là Ngũ đăng
Xin lễ dưới chân Ngài
Trong kiếp một trăm ngàn
Kể từ hiền kiếp nầy
Ta cúng dường vật nào
Do việc cúng dường ấy
Ta không biết khổ cảnh
Đây chính là kết quả
Việc cúng năm ngọn đèn
Ta thiêu đốt phiền não
Nhổ lên gốc sanh hữu
Chặt đứt mọi trói buộc
Chấm dứt các lậu hoặc
Tam minh ta chứng đạt
Lời Phật dạy làm xong".

Sau khi chứng quả Alahán, nàng trú tại Sāvatthī.

Một hôm, sau khi thọ thực xong nàng rời khỏi thành Sāvatthī, đi đến rừng Andha để chỉ tịnh ban ngày, dưới một cội cây.

Lúc bấy giờ, ác ma muốn phá sự độc cư an tịnh của nàng, dưới hình thức một người lạ, đã đến và nói bài kệ nầy:

"Niết bàn không có thật
Nàng được lợi ích gì
Với hạnh viễn ly nầy
Nàng hãy hưởng dục lạc
Chớ hối tiếc về sau".

Nghe những lời ấy, vị trưởng lão ni nghĩ rằng:

"Đây là ác ma muốn quyến rũ ta trở về với dục lạc, không cho ta đi đến Niết bàn, nó không biết rằng ta đã đoạn tận các lậu hoặc, quả là si mê, thôi được ta sẽ cho nó sáng mắt, nàng bèn nói lên hai bài kệ rằng:

"Các dục như gươm giáo
Chém nát các uẩn ta
Những dục mà ngươi gọi
Là lạc thú cuộc đời
Nay những dục lạc ấy
Với ta không hấp dẫn"
"Ta đã đoạn trừ được
Mọi hỷ tham trên đời
Và phá tan si ám
Hỡi nầy ác ma kia
Ngươi hãy biết như vậy
Hỡi nầy ác ma kia
Ngươi đã bị bại trận"
.

*

7- KỆ NGÔN CỦA TRƯỞNG LÃO NI BHADDAKĀPILĀNĪ

Được biết trưởng lão ni Bhaddakāpilānī đã nói lên bài kệ rằng:

"Trưởng lão Đại Ca Diếp (Mahākassapa)
Là con của Thế Tôn
Là bậc thừa tự pháp
Tâm tư khéo định tĩnh
Thấu rõ các tiền kiếp
Thấy nhàn cảnh khổ cảnh
Đạt đến bờ vô sanh
Viên thành nhờ thắng trí
Là Ẩn sĩ, phạm chí
Tỏ ngộ được tam minh
Bhaddakāpilāni
Cũng chứng đạt tam minh
Như Ngài Kassapa
Đã đoạn tận sự chết
Đây là thân cuối cùng
Chiến thắng cả quần ma"
"Thấy nguy hại ở đời
Hai chúng tôi xuất gia
Trở thành bậc lậu tận
Đã điều phục được mình
Dập tắt mọi ái dục
Đạt tịch tịnh (giải thoát)"

Thưở quá khứ, trong thời kỳ giáo pháp của Đức Thế Tôn Padumuttara, trưởng lão ni nầy sanh trong một gia đình giàu có tại thành Haṃsavatī.

Khi đến tuổi trưởng thành, nàng được gả cho trưởng giả Videha. Videha là một cận sự nam thuần thành trong giáo pháp, chàng thường xuyên đi đến tịnh xá nghe Phật thuyết pháp.

Một hôm, lúc đến nghe pháp, chàng nhìn thấy Đức Thế Tôn biểu dương một vị đại thinh văn đệ nhất hạnh đầu đà, thoả thích hình ảnh đó, nghe pháp xong chàng cung thỉnh Đức Thế Tôn cùng chư Tăng về nhà cúng dường suốt bảy ngày. Đến ngày thứ bảy khi Đức Thế Phật cùng chư Tăng thọ thực xong, tay rời khỏi bát, chàng trưởng giả đến quỳ dưới chân Thế Tôn chú nguyện vị trí ấy.

Sau khi dùng Phật nhãn quán chiếu, Đức Thế Tôn đã phán bài kệ rằng:

"Nầy cận sự nam tín thành, con hãy hoan hỷ, trong một trăm ngàn kiếp nữa vào thời kỳ giáo pháp của Đức Chánh Đẳng Giác Gotama, nguyện vọng của con sẽ được thành tựu, con sẽ là người thừa tự giáo pháp của Đức Thế Tôn ấy có tên là Kassapa".

Nghe lời tiên tri của Bậc Đạo Sư, trưởng giả Videha vô cùng hoan hỷ, chàng tích cực hộ độ Đức Phật cùng chư Tăng đầy đủ với những vật dụng.

Nói về vợ của trưởng giả Videha, sau khi về làm vợ của Videha, nàng hết lòng phụng sự chồng, thực hiện đầy đủ những bổn phận đối với chồng và được trưởng giả rất mực thương yêu. Những lúc rảnh rỗi nàng thường cùng với trưởng giả đi nghe pháp và trở thành một tín nữ ngoan đạo.

Một ngày nọ, lúc đến tịnh xá nghe pháp, nàng thấy Đức Thế Tôn tán thán một vị tỳ khưu ni thù thắng với hạnh túc mạng thông, hoan hỷ với vị trí ấy, trong những dịp cùng chồng cúng dường, nàng đã âm thần chú nguyện cho mình.

Khi Đức Thế Tôn niết bàn, trưởng giả Videha đã kêu gọi quyến thuộc cùng bạn bè họp lại xây dựng một ngôi bảo tháp cao bảy do tuần, thành tựu bằng các châu báu chói như ánh mặt trời và rực rỡ như cây chúa trổ hoa để cúng dường bậc Đạo Sư.

Lúc bấy giờ, vợ trưởng giả Vedeha cho bảy người thợ làm bảy trăm ngọn đèn, lấy một loại dầu đặc biệt có hương đổ vào đầy bình, lửa từ bảy trăm ngọn đèn cháy sáng rực để cúng dường Đức Thế Tôn. Rồi nàng cho thợ làm bảy trăm cái bình cúng dường bảo tháp cho trồng hoa xung quanh, cho trang hoàng cờ xí và bảo tháp được thành tựu bằng vật báu này, chiếu sáng rực rỡ như ánh mặt trời.

Nàng đã cùng với chồng cúng dường hộ độ đến Đức Phật và chư Tăng, thực hiện nhiều thiện sự cho đến khi mệnh chung, cả hai được sanh lên thiên giới. Trong những kiếp luân chuyển sanh tử, nàng đã gắn bó với chồng như gốc với thân vậy.

Nàng đã kể lại những giai thoại nầy trong tập Apadāna:

Vào thời kỳ giáo pháp của Đức Thế Tôn Vipassī, tại thành Bandhumatī, có một vị Bàlamôn được nhiều người ca tụng là người tốt, là người giàu có, đầy đủ với đức hạnh và tài sản. Nhưng sau đó chàng bị suy sụp tài sản, rơi vào nghèo khó.

Lúc bấy giờ, ta là vợ của vị Bàlamôn ấy, thỉnh thoảng ta cùng chồng đi đến nghe pháp nơi Đức Thế Tôn.

Một hôm, chàng đến tịnh xá nghe Thế Tôn thuyết pháp, dứt thời pháp chàng phát tâm trong sạch hoan hỷ cởi tấm vải đang choàng trên người, dâng đến bậc Đạo Sư và trở về nhà với độc nhất một tấm vải che thân. Khi về đến nhà, chàng mới nói với ta rằng:

"Mình ơi! Mình hãy tuỳ hỷ phước, tôi đã dâng tấm vải choàng đến Thế Tôn rồi!"

Nghe vậy, ta chấp tay tỏ lời tuỳ hỷ rằng:

"Lành thay thưa phu quân, thiếp rất hoan hỷ việc cúng dường của chàng".

Và hai vợ chồng cùng chia xẻ nhau niềm vui phước báu.

Khi mệnh chung ta và chàng đều được sanh lên thiên giới. Dứt tuổi thọ trên thiên giới, chàng được sanh làm vua trị vì tại thành Bārāṇasī, còn ta tái sanh làm hoàng hậu của vua, do duyên tiền kiếp nên đức vua rất sủng ái ta.

Một hôm, đức vua nhìn thấy tám vị Phật Độc Giác đang đi khất thực, Ngài đã đặt vào bát chư Phật những vật thực thượng vị. Sau đó, đức vua đã xây dựng một phước xá đặc biệt, cho trang hoàng xinh đẹp rồi dâng đến chư Phật Độc Giác.

Đức vua cùng ta hết lòng hộ độ chư Độc Giác Phật và trị vì đất nước theo chánh pháp.

Mệnh chung từ kiếp ấy, đức vua được sanh trong một gia đình Bàlamôn giàu có tại thành Bārāṇasī còn ta được sanh làm vợ của chàng.

Một hôm, sau khi cãi vã với cô em chồng, nhìn thấy cô ta để bát cúng dường Đức Phật Độc Giác với tâm bực tức đố kỵ ta suy nghĩ rằng:

"Nếu cô ta đặt bát cúng dường Đức Phật, thì cô ta sẽ được thành tựu tài sản, sao ta có thể để cho cô ấy đạt được điều đó".

Nghĩ vậy, ta bèn đi đến lấy bát từ tay Đức Phật, trút bỏ tất cả thực phẩm trong bát, rồi múc bùn đổ đầy lại, dâng đến Đức Phật, khi làm như vậy ta bị nhiều người chỉ trích rằng:

"Hỡi kẻ ngu si kia, Đức Độc Giác có lỗi gì với ngươi chăng, sao ngươi lại làm như vậy?"

Cảm thấy hổ thẹn với những lời ấy, ta đi đến xin bát, đổ bùn ra rửa sạch rồi lau khô bằng bột thơm, xong ta lấy những thực phẩm thượng vị đặt đầy vào bát, dâng đến Đức Độc Giác.

Đến thời kỳ giáo pháp của Đức Thế Tôn Kassapa, ta tái sanh làm con gái của vị trưởng giả giàu có tại thành Bārāṇasī, do việc múc bùn đổ vào bát Đức Phật Độc Giác, nên thân thể ta có mùi hôi thối, khiến mọi người xa lánh ta.

Khi Đức Thế Tôn Kassapa niết bàn, chồng ta, cùng nhiều người lo xây dựng bảo tháp, ta đã gom góp tất cả những tư trang, làm thành một phiến vàng và tẩm phiến vàng ấy với một loại nước thơm đặc biệt, được tinh chế từ bốn loại hương liệu đặt nơi bệ thờ của bảo tháp. Do phước lành nầy, khiến mùi hôi từ thân thể ta tự biến mất.

Mệnh chung, ta cùng chàng được sanh lên thiên giới, mãn thọ từ thiên giới, chàng tái sanh trong một gia đình giàu có tại xứ Kāsī, tên là Sumitta. Khi lớn lên ta được gả về làm vợ chàng, chàng rất thương yêu ta và gia đình ta thật là hạnh phúc.

Trong kiếp nầy, ta và chàng đã dâng Đức Phật Độc Giác một tấm vải đặc biệt và thường xuyên cúng dường hộ độ vật dụng đến Ngài.

Sau kiếp sống ấy, chàng tái sanh tại làng Koliya, do duyên nợ tiền kiếp ta cũng được làm vợ chàng.

Lúc bấy giờ, chàng đã lãnh đạo năm trăm gia đình làng Koliya, hộ độ năm trăm vị Phật Độc Giác và xây dựng những phước xá, cung thỉnh quý Ngài an cư ba tháng mùa mưa.

Trong suốt ba tháng, gia đình ta cùng các dân làng đã cúng dường hộ độ đầy đủ tứ vật dụng đến chư Phật. Khi ra hạ, những gia đình tại đây đã cùng nhau dâng tam y đến quý Ngài.

Mạng chung từ kiếp ấy, chàng tái sanh làm vua tên là Nanda, trị vì một đại quốc độ và có nhiều uy lực.

Lúc bấy giờ, ta được làm hoàng hậu của vua và là chỗ sủng ái của Ngài, Ngài là một vị vua nhân từ hiền đức, rất thương yêu dân, Ngài hướng dẫn mọi người sống theo thiện pháp. Nhờ tận tâm hết lòng chăm lo đất nước nên dân chúng thời ấy sống trong cảnh thanh bình thịnh vượng và ta cũng rất hạnh phúc bên Ngài.

Khi tuổi thọ đã mãn, Ngài được sanh làm vua Brahmadatta trị vì tại thành Bārāṇasī và ta cũng được làm hoàng hậu Ngài.

Trong kiếp nầy, đức vua và ta đã thỉnh năm trăm vị Phật Độc Giác về ngụ tại vườn thượng uyển và hằng ngày cúng dường hộ độ thực phẩm đến quý Ngài.

Khi chư Phật lần lượt niết bàn, đức vua và ta xây dựng bảo tháp tôn thờ xá lợi của quý Ngài.

Chứng kiến từng bậc khả kính tuần tự ra đi theo định luật vô thường, ta và đức vua bị xúc động mạnh, rồi quyết định từ bỏ tất cả, đi vào vườn thượng uyển xuất gia làm đạo sĩ.

Nhờ tu tiến và chứng đạt thiền tứ vô lượng tâm, nên sau khi mạng chung ta và đức vua được sanh lên phạm thiên giới.

Khi hết tuổi thọ từ cõi phạm thiên ta sanh trong một gia đình Bàlamôn Kosiya tại thành Sāgala.

Cha của ta tên là Kapila, mẹ tên là Sucīmati sống tại thị trấn Madda. Do là tiểu thư độc nhất trong một gia đình giàu có nên từ nhỏ ta được nuôi dưỡng rất chu đáo và được nhiều người hầu hạ.

Do tích trữ nhiều phước lành, nên ta có một dung sắc xinh đẹp, khả ái đáng nhìn. Khi trưởng thành do duyên nợ nhiều kiếp, ta được gả về làm vợ cho Bàlamôn trưởng giả Pipphali tại làng Mahātittha.

Một hôm, khi đi khảo sát những thuở ruộng, bấy giờ nhằm mùa dọn đất, những người nông dân cày xới đất lên, cuốn theo những loài côn trùng nằm ngổn ngang, Pipphali nhìn thấy những đàn chim sà xuống xớt lấy những con côn trùng đang hoảng hốt lẩn trốn, bị động tâm bởi những cảnh tượng ấy, chàng trở về nhà với nét mặt buồn bã ủ dột, khi ta đến vấn an, chàng mới nói rằng:

"Này hiền thê! Toàn bộ gia sản này ta giao lại cho nàng, ta không thể tiếp tục sống đời cư sĩ nữa, ta sẽ xuất gia".

Nghe vậy, ta nói với chàng:

"Thưa phu quân! thiếp sẽ không nhận gia sản nầy đâu vì thiếp cũng có ý định xuất gia".

Thế là ta và chàng từ bỏ mọi ràng buộc của thế tục, trở thành bậc xuất gia.

Lúc bấy giờ, hệ thống Ni chúng chưa được thành lập, ta đã sống tại trú xứ du sĩ năm năm. Khi bậc Đạo Sư cho phép nữ giới xuất gia, ta đã đến thọ cụ túc giới nơi trưởng lão ni Mahāpajāpati Gotamī (dì mẫu Phật), tu tập không bao lâu, ta chứng đạt quả vị Alahán.

Sau khi chứng quả Alahán, do hạnh nguyện quá khứ và do nỗ lực hiện tại, trưởng lão ni Bhaddakāpilāni trở thành vị thù thắng về túc mạng thông. Do biết rõ hạnh nguyện và thành quả của nàng, nhân một buổi hội họp của chư Tăng tại Jetavanavihāra (Kỳ viên tịnh xá), bậc Đạo Sư đã biểu dương nàng là vị đệ nhất về túc mạng thông trong hàng Ni chúng.

Một hôm, để tán thán đức hạnh của trưởng lão Mahākassapa và xác chứng quả vị giải thoát của mình, trưởng lão ni Bhaddakāpilānī đã nói lên bài kệ rằng:

"Trưởng lão Đại Ca Diếp
Là con của Thế Tôn
Là bậc thừa tự pháp
Tâm tư khéo định tĩnh
Thấu rõ các tiền kiếp
Thấy nhàn cảnh khổ cảnh
Đạt đến bờ vô sanh
Viên thành nhờ thắng trí
Là Ẩn sĩ, phạm chí
Tỏ ngộ được tam minh
Bhaddakāpilāni
Cũng chứng đạt tam minh
Như Ngài Kassapa
Đã đoạn tận sự chết
Đây là thân cuối cùng
Chiến thắng cả quần ma"
"Thấy nguy hại ở đời
Hai chúng tôi xuất gia
Trở thành bậc lậu tận
Đã điều phục được mình
Dập tắt mọi ái dục
Đạt tịch tịnh (giải thoát)"

*

8- KỆ NGÔN CỦA TRƯỞNG LÃO NI NANDĀ (2)

Được biết trưởng lão ni Nandā đã nói lên bài kệ rằng:

"Khi ta không phóng dật
Như lý quán thân nầy
Thấy cả nội ngoại phần
Theo thực tánh của nó
Ta phát sanh nhàm chán
Nội tâm được ly tham
Không dễ duôi, không luỵ
Đạt an bình, tịch tịnh"

Trong thời giáo pháp của Đức Thế Tôn chúng ta, nàng tái sanh trong hoàng tộc Thích Ca và được đặt tên là Nandā.

Do có dung sắc xinh đẹp, nên nàng được mọi người ban tặng cho một danh xưng nữa là Sundarī-nandā (hoa khôi Nandā).

Khi Đức Thế Tôn giác ngộ vô thượng Chánh Đẳng Giác, Ngài tuần tự ngự trở về thành Kapilavatthu để tiếp độ quyến thuộc, Ngài đã độ cho thái tử Nanda và thái tử Rāhula xuất gia. Khi đức vua Suddhodana (Tịnh Phạn) qua đời, dì mẫu Mahāpajāpatigotamī và nàng Yaso-dhara (mẹ Rāhula) xuất gia, Nandā suy nghĩ rằng:

"Hoàng huynh của ta đã từ bỏ ngôi vị chuyển luân vương, xuất gia trở thành bậc Toàn Giác, bậc tối thượng trong thế gian, thái tử Rāhula con của Ngài cũng đã xuất gia, hoàng huynh Nanda, mẫu hậu Mahāpajāpatigotamī cùng hoàng tỷ Yasodhara cũng đã xuất gia hết rồi, vậy ta ở nhà làm gì? Thôi ta hãy xuất gia".

Như vậy nàng xuất gia không phải vì lòng tin mà chính vì tình cảm quyến luyến quyến thuộc. Mặc dù đã xuất gia nhưng nàng vẫn tự kiêu với thân sắc, sợ bậc Đạo Sư quở trách nên nàng không đến yết kiến Ngài.

Trưởng hợp của nàng cũng tương tự như câu chuyện của tỳ khưu ni Abhirūpanandā, chỉ khác là khi nàng thấy một thiếu nữ mỹ miều do Đức Phật hoá hiện và chứng kiến nhan sắc ấy từ từ bị biến dịch, bị tàn lụi, nàng vô cùng kinh cảm. Nhờ duyên lành tròn đủ, nàng lấy đề mục ấy suy quán dựa trên tam tướng vô thường, khổ vô ngã, khi biết tâm nàng đã chuyên chú trên đề mục, bậc Đạo Sư bèn giáo hoá nàng bằng bài kệ rằng:

"Nầy Nandā, hãy nhìn
Thân nầy đầy bịnh hoạn
Bất tịnh và hôi thối
Hãy hướng tâm an trú
Trên đề mục bất mỹ
Thân nầy như thế nào
Thân của ngươi cũng vậy
Thân ngươi như thế nào
Xác thân nầy cũng vậy
Thân nầy đầy uế trược
Mùi hôi thối xông lên
Chỉ kẻ ngu ưa thích
Quán thân nầy như vậy
Đêm ngày không xao lãng
Không lâu sẽ thấu triệt
Bằng trí tuệ của mình".

Dựa trên lời dạy bậc Đạo Sư, nàng phát triển tuệ quán, chứng quả Dự Lưu, và để giúp nàng đạt được những quả vị cao hơn, bậc Đạo Sư dạy tiếp rằng:

"Này Nandā, trong tấm thân nầy không có một chút gì tinh tuý cả, chỉ là một đống xương, tô đắp bằng máu thịt, bị già chết chi phối".

Như được nói trong tập Pháp cú rằng:

"Thân nầy làm bằng xương
Tô đắp bằng máu thịt
Tại đây già và chết
Mạn, lừa đảo ngự trị".

Vừa dứt pháp thoại, nàng đã chứng quả Alahán.

Nàng đã kể lại giai thoại nầy trong tập Apadāna như sau:

"Trong kiếp một trăm ngàn
Kể từ hiền kiếp nầy
Bậc chiến thắng ma vương
Padumuttara
Bậc giác ngộ các pháp
Sanh lên trong thế gian
Ngài là bậc thiện xảo
Trong phương pháp giáo hoá
Ngài chỉ dạy chúng sanh
Cho tỏ ngộ chân lý
Ngài tiếp độ muôn loài
Vượt qua bể luân hồi
Với lòng đầy bi mẫn
Ngài ban rải lợi ích
Ngài là Đại Ẩn Sĩ
Có hào quang toả sáng
Như ánh sáng vàng ròng
Đầy đủ đại nhân tướng
Tuổi thọ trăm ngàn năm
Với chừng ấy thọ mạng
Ngài đã giúp nhiều người
Thoát khỏi vòng sanh tử
Bấy giờ ta tái sanh
Trong gia đình trưởng giả
Với tài sản to tát
Tại Haṃsavatī
Rồi ta đến lễ Phật
Nghe Ngài giảng Chánh pháp
Ta khởi tâm tịnh tín
Cung thỉnh bậc Đạo Sư
Cùng đại chúng tỳ khưu
Về cúng dường trai phạn
Sau buổi lễ đại thí
Quỳ dưới chân Thế Tôn
Ta hướng tâm phát nguyện
Trở thành vị đệ nhất
Về phương diện chứng thiền
Trong thời Phật vị lai
Bấy giờ đức Thiện Thệ
Bậc Nương tựa tam giới
Đã nói với ta rằng
Nguyện vọng nầy của ngươi
Chắc chắn sẽ thành tựu
Trải qua trăm ngàn kiếp
Trong thời kỳ giáo pháp
Của Đức Chánh Đẳng Giác
Hồng danh Gotama
Ngươi sẽ thừa tự Pháp
Của Đức Thế Tôn ấy
Sẽ là nữ thinh văn
Với danh xưng Nandā
Đến giáo pháp không lâu
Cũng chứng ngộ Thánh Đế
Khiến Đạo Sư hoan hỷ
Với quả vị vô sanh
Đạt lậu tận Niết bàn
Nghe những lời tiên tri
Ta vô cùng hoan hỷ
Càng tích cực hộ độ
Thế Tôn và Tăng chúng
Sống câu hữu với từ
Thương xót cả muôn loài
Do thiện nghiệp khéo làm
Sau khi ta mạng chung
Được sanh cõi Đạo Lợi
Mãn thọ cõi Đạo Lợi
Ta sanh cõi Dạ Ma
Mệnh chung cõi Dạ Ma
Ta sanh cõi Đâu Xuất
Chết từ cõi Đâu Xuất
Ta sanh cõi hoá lạc
Mãn thọ cõi hoá lạc
Ta sanh cõi tha hoá
Và do thiện nghiệp ấy
Nhiều kiếp ta được sanh
Làm hoàng hậu thiên vương
Hoàng hậu Chuyển Luân vương
Và hoàng hậu Đại đế
Dù sanh ở loại nào
Ta luôn được an lạc
Trong kiếp cuối cùng nầy
Ta sanh làm công chúa
Của đức vua Tịnh Phạn
Tại Ca tỳ la vệ (Kapilavatthu)
Trong ngày ta chào đời
Khiến quyến thuộc hoan hỷ
Nên đặt tên Nandā
Và khi ta lớn lên
Thành tựu về dung sắc
Khiến mọi người khen tặng
Sundarīnandā
(nàng Nandā xinh đẹp)
Hoàng huynh ta xuất gia
Trở thành bậc Chánh Giác
Cao quý trong tam giới
Một vị hoàng huynh nữa
Cũng thành bậc Lậu tận
Chỉ còn lại mình ta
Sống cuộc đời cư sĩ
Mẹ ta huấn thị rằng
Hỡi nầy con thân yêu
Con sanh dòng Thích Ca
Là em của Đức Phật
Nanda xuất gia rồi
Con được lợi ích gì
Với đời sống tại gia
Hiện giờ con son trẻ
Thành tựu về dung sắc
Được mọi người khen ngợi
Rồi trải qua không lâu
Cũng bị già tàn phá
Hiện nay con không bệnh
Nhưng rồi cũng sẽ bệnh
Con sống dù bao lâu
Cuối cùng cũng phải chết
Thế nên con hãy bỏ
Thế tục nhiều bụi phiền
Chớ hệ luỵ trong sắc
Bậc trí thường chê trách
Hãy sống đời phạm hạnh
Dù mê thời xuân sắc
Nhưng khi nghe mẹ dạy
Ta cũng đi xuất gia
Hình tướng ta thành tựu
Nhưng tâm lý chưa có
Khi mẹ dạy pháp hành
Nghe xong ta gác lại
Thế rồi, bậc Chiến Thắng
Với tấm lòng đại bi
Mục đích tiếp độ ta
Ngài hoá hiện thiếu nữ
Rất xinh đẹp, kiều diễm
Khả ái hơn ta nhiều
Nhìn nàng ta cuốn hút
Trong lòng ta nghĩ rằng
Hãy đến nầy người đẹp
Nàng quả thật rất đẹp
Khiến mắt ta dính vào
Hãy nói điều nàng muốn
Và hãy xưng tên họ
Cho tôi được tỏ tường
Bây giờ chưa phải lúc
Để ta hỏi điều này
Xin nàng cho hãy cho tôi
Được tựa vào người nàng
Cho tôi được ngủ chung
Dầu chỉ trong chốc lát
Kế đó, nàng đi đến
Nằm tựa trên mình ta
Một vật cứng từ đâu
Rồi trúng vào mặt nàng
Mặt bị sưng phồng lên
Từ từ nó vỡ ra
Đầy cả mủ và máu
Hôi thối như xác chết
Khắp thân thể sưng phồng
Với màu da tái sạm
Tứ chi đều run rẩy
Hơi thở mạnh dồn dập
Cất tiếng rên thống thiết
Trông thật đáng thương tâm
Nàng khổ tôi cũng khổ
Chìm trong sự thất vọng
Vì thần tượng sụp đổ
Nét đẹp của nàng đâu
Gương mặt như trăng rằm
Mũi thon cao xinh xắn
Với đôi mắt bồ câu
Bờ môi đẹp màu son
Và cổ tròn khả ái
Của nàng nay đâu rồi
Tất cả không còn nữa
Hôi thối như xác chết
Trước vòng eo thon thả
Và cặp mông căng tròn
Giờ đầy những uế trược
Ôi sắc là vô thường
Toàn bộ thân thể này
Đầy bất tịnh hôi thối
Đáng sợ, đáng nhàm chán
Như xác nơi mộ địa
Chỉ kẻ ngu ưa thích
Khi ấy hoàng huynh ta
Với tấm lòng đại bi
Thấy tâm ta sầu não
Đã phán bài kệ rằng
Nầy Nandā hãy nhìn
Thân này đầy bệnh hoạn
Bất tịnh và hôi thối
Hãy hướng tâm an trú
Trên đề mục bất mỹ
Thân này như thế nào
Thân của ngươi cũng vậy
Thân của ngươi thế nào
Xác thân này cũng vậy
Thân này đầy uế trược
Mùi hôi thối xông lên
Chỉ kẻ ngu ưa thích
Quán thân này như vậy
Đêm ngày không xao lãng
Không lâu sẽ thấu triệt
Bằng trí tuệ của mình
Nghe xong bài kệ ấy
Khiến lòng ta kinh cảm
Nương theo lời Phật dạy
Ta phát triển tuệ quán
Chứng đạt Alahán
Khi ta ngồi nơi đâu
Đều an trú thiền định
Rõ biết đức hạnh ta
Giữa Tăng, Ngài biểu dương
Ta đệ nhất thiền định
Mọi phiền não đốt sạch
Nhổ tận gốc sanh hữu
Chặt đứt dây trói buộc
Đoạn tuyệt các lậu hoặc
Tam minh ta chứng đạt
Lời Phật dạy làm xong"

Sau khi đắc quả Alahán, nhìn lại quá trình tu chứng của mình, nàng xướng lên bài kệ rằng:

"Khi ta không phóng dật
Như lý quán thân nầy
Thấy cả nội ngoại phần
Theo thực tánh của nó
Ta phát sanh nhàm chán
Nội tâm được ly tham
Không dễ duôi, không luỵ
Đạt an bình, tịch tịnh"

*

9- KỆ NGÔN CỦA TRƯỞNG LÃO NI BHADDĀKUṆḌALAKESĀ

Được biết trưởng lão ni Bhaddākuṇḍalakesā đã nói lên bài kệ rằng:

"Khi trước sống một y
Nhổ tóc, không súc miệng
Theo hạnh Nigantha
Không lỗi xem có lỗi
Có lỗi xem là không"
"Rời trú xứ, nghỉ trưa
Trên ngọn núi Linh Thứu
Ta thấy Đức Thế Tôn
Bậc không có bụi phiền
Với Tỳ khưu đoanh vây"
"Quỳ gối, ta đảnh lễ
Đối diện ta chấp tay
Ngài phán với ta rằng
Hãy đến nầy Bhaddā
Lời phán truyền như thế
Là cụ túc của ta"
"Ta đi khắp Aṅgā
Magadha, kāsī
Cùng xứ Kosala
Thọ dụng của tín thí
Năm mươi năm không nợ"
"Với người phật tử nào
Cúng dường y đến ta
Bậc thoát khỏi phiền trược
Thì người phật tử ấy
Gặt hái công đức lớn"

Trong thời giáo pháp của Đức Thế Tôn chúng ta, nàng tái sanh trong một gia đình trưởng giả tại thành Rājagaha (Vương Xá) và tên là Bhaddā. Vì là con độc nhất của gia đình giàu có nên nàng rất được cha mẹ thương yêu, cưng chiều và nhiều người hầu hạ.

Khi trưởng thành, một hôm nàng nhìn thấy tên trộm tên Sattuka, con của quan tế tự trong thành bị quân lính áp giải ngang nhà để đem đến pháp trường xử trảm, vì phạm vào trọng tội có đủ nhân chứng, vật chứng. Do duyên tiền kiếp nên nàng cảm thấy thương yêu tên tội phạm vô ngần. Nàng nằm sấp trên giường than khóc rằng:

"Nếu được chàng, ta sẽ sống, bằng không chắc ta sẽ chết".

Người cha vì quá thương con nên đã hối lộ một ngàn đồng vàng cho quan lính và đưa Sattuka đến gặp nàng.

Sống với nhau được ba hôm, nhìn thấy những đồ trang sức quý gái của nàng, Sattuka khởi lòng tham, muốn chiếm đoạt, bèn nói với nàng rằng:

"Nầy em Bhaddā, khi bị lính bắt, anh có phát nguyện với chư thiên ngự tại hòn núi bỏ kẻ trộm (vì vực núi nầy là nơi quăng những tên tội phạm trộm cắp) là khi nào anh được thả, anh sẽ mang lễ vật đến tạ ơn, vậy em hãy giúp anh chuẩn bị những lễ vật, để chúng ta đi tạ ơn".

Vâng lời chàng, Bhaddā sắp đặt đầy đủ các lễ vật, trang điểm xong nàng cùng chồng đi đến ngọn núi ấy.

Khi đến chân núi, Sattuka nghĩ rằng: "Nếu tất cả cùng lên núi thì làm sao ta thực hiện được", Sattuka bèn cho nhóm tuỳ tùng dừng lại tại đấy, rồi cầm lấy túi đựng lễ vật cùng với Bhaddā đi lên núi. Trên đường đi hắn biểu lộ những thái độ không thân ái với nàng khiến nàng cảm thấy nghi ngờ.

Khi đến đỉnh núi, hắn nói rằng:

"Nầy Bhaddā, nàng hãy lộ hết những nữ trang trên người, cởi áo ngoài ra gói những nữ trang ấy lại".

Bhaddā hỏi rằng:

"Thưa phu quân, em có làm điều gì sái quấy chăng?"

Hắn đáp: "nầy nàng ngu, ngươi nghĩ rằng ta đến đây để cúng tế à, nói thật cho nàng biết, ta dụ nàng đến đây để cướp những nữ trang của nàng".

Nàng nói: "Thưa phu quân, những đồ trang sức nầy là của ai và thân em là của ai?".

Hắn đáp: "Ta không biết gì về sự phân chia nầy cả".

Nàng nói: "Thôi được thưa phu quân, nhưng cầu xin chàng cho em một đặc ân, được đeo những nữ trang nầy và hôn chàng lần cuối cùng".

Hắn chấp thuận và khi biết hắn đã nhận lời, nàng giả bộ ôm hôn hắn rồi liền xô hắn xuống vực, tên trộm ấy rơi xuống vực sâu tan xương nát thịt.

Vị chư thiên ngự tại ngọn núi thấy sự thông minh, sự bình tĩnh ứng xử của nàng, đã khen ngợi với bài kệ rằng:

"Không phải là lúc nào
Đàn ông cũng thôn gminh
Với phụ nữ nhạy bén
Cũng thành người thông minh
Không phải là lúc nào
Đàn ông cũng thông minh
Phụ nữ ứng xử nhanh
Cũng trở thành người trí"

Rồi Bhaddā suy nghĩ:

"Sự việc xảy ra như vầy, ta không thể trở về nhà được, rời khỏi nơi đây, ta chỉ còn cách xuất gia thôi".

Nàng bèn đi đến trú xứ của nhóm ngoại đạo Nigantha xin xuất gia.

Nhóm Nigantha hỏi nàng:

"Nàng muốn xuất gia ở bậc nào?"

Nàng đáp:

"Bậc thượng trong giáo phái của quý Ngài như thế nào, hãy cho tôi xuất gia như vậy."

Các Nigantha nói: "lành thay", rồi xúm lại nhổ tóc xuất gia cho nàng. Không lâu sau, tóc nàng mọc ra và quăn lại, từ đó nàng mới có tên là Kuṇḍalakesā (nàng tóc quăn).

Sau khi học hỏi giáo lý của tông phái nầy, nàng nhận thấy rằng, nơi giáo phái nầy không có gì huyền nhiệm đặc biệt, nàng bèn từ giã chúng Nigantha và tìm đến các vị danh sư thọ giáo học đạo. Cuối cùng với tài trí hùng biện sắc sảo của nàng khiến không có ai dám tranh luận, nàng đi khắp nơi và khi đến khu làng hay thị trấn nào nàng vun lên một đống cát gần cổng ra vào, cắm một nhánh cây diêm phù và căn dặn những đứa trẻ ở gần đó rằng:

"Người nào muốn tranh luận với ta thì hãy dẫm lên cành cây diêm phù nầy".

Sau bảy ngày không có ai dẫm lên, nàng liền đem cành cây ấy đến nơi khác.

Lúc bấy giờ, Đức Thế Tôn sau khi Chuyển pháp luân, Ngài tuần tự du hành đến thành Sāvatthī và ngự tại Jetavana (Kỳ Viên Tịnh Xá).

Nàng Kuṇḍalakesā đi khắp nơi từ làng mạc, thị trấn đến kinh đô, lần lượt cũng đến thành Sāvatthī và cắm cành cây diêm phù lên đống cát gần cổng thành, căn dặn những đứa trẻ rồi nàng đi vào thành.

Sáng hôm ấy, tôn giả Sārīputta, vị tướng quân chánh pháp một mình vào thành, nhìn thấy cành cây, tôn giả bèn hỏi các đứa trẻ rằng:

"Vì sao cành cây nầy được cắm ở đây".

Các đứa trẻ giải thích cho biết, nghe xong, tôn giả nói với chúng rằng:

"Nếu là vậy, các ngươi hãy dẫm lên cành cây nầy đi".

Các đứa trẻ vâng lời Ngài cùng nhau dẫm lên cành cây ấy.

Nàng Kuṇḍalakesā sau khi thọ thực xong trở ra thành thấy cành cây bị dẫm, bèn hỏi những đứa trẻ. Khi biết tôn giả Sārīputta cho dẫm, nàng suy nghĩ rằng:

"Cuộc tranh luận nầy, nếu không có nhiều người tham dự thì sẽ không thú vị" Nàng bèn đi đến các con đường thông báo rằng:

"Thưa quý vị, xin quý vị hãy đến chứng kiến cuộc tranh luận giữa tôi với sa môn thích tử".

Sau khi quy tụ được một số đông quần chúng, nàng cùng họ đi tìm tôn giả. Bấy giờ Ngài đang ngồi dưới một cội cây, đến nơi nàng nói lên những lời hỏi thăm xã giao, rồi đứng một bên hỏi rằng:

"Thưa tôn giả, cành cây diêm phù tôi cắm, có phải Ngài đã cho những đứa trẻ dẫm lên chăng?"

Tôn giả đáp:

"Đúng vậy, ta đã cho các đứa trẻ dẫm lên".

Nàng nói rằng:

"Nếu là vậy, thì sẽ có cuộc tranh luận giữa tôi với Ngài".

Tôn giả nói: "Xin mời Bhaddā".

Nàng nói: "Thưa tôn giả, Ngài hỏi trước hay tôi?"

Tôn giả: "Thông thường ta sẽ hỏi trước, nhưng giờ nàng cứ hỏi điều nàng biết".

Thuận theo ý tôn giả, nàng nêu lên những câu hỏi theo kiến thức của mình. Tôn giả đã giải đáp sáng tỏ những câu hỏi ấy.

Khi không còn gì để hỏi, nàng đành im lặng.

Tôn giả nói: "Nàng đã nêu lên nhiều vấn đề hỏi ta, bây giờ đến lượt ta chỉ hỏi nàng một điều thôi".

Nàng: "Xin tôn giả cứ hỏi đi".

Tôn giả hỏi rằng: "Ekaṃ nāma kiṃ - Thế nào là một pháp".

Nàng Kuṇḍalakesā tìm không thấy nút thắt đầu, không thấy nút thắt cuối ví như người lạc giữa màn đêm u tịch, bèn thú nhận rằng:

"Tôi không biết thưa Ngài".

Tôn giả nói: "Chỉ với một pháp, ngươi còn chưa biết, thì những pháp khác sao ngươi có thể biết được".

Rồi tôn giả thuyết pháp cho nàng, dứt pháp thoại, nàng khấu đầu dưới chân tôn giả thưa rằng:

Bạch tôn giả, con xin quy y nơi Ngài".

Tôn giả khuyên: "Nầy Bhaddā, chớ có quy y ta, ngươi hãy đến quy y nơi Thế tôn, bậc Đạo Sư của trời người".

Nàng nói: "Con sẽ làm theo lời Ngài dạy - Bạch Ngài".

Chiều lại nàng đi đến yết kiến bậc Đạo Sư, đảnh lễ ngũ thể đầu địa, rồi đứng một bên, bậc Đạo Sư thấy căn cơ nàng đã thuần thục bèn phán rằng:

"Dầu có ngàn câu kệ
Nhưng không chút lợi ích
Tốt hơn nói một câu
Nghe xong được tịnh lạc"
.

Vừa dứt bài kệ, cũng trong tư thế đứng ấy nàng chứng quả Alahán với tứ tuệ phân tích.

Nàng đã kể lại giai thoại nầy trong tập Apadāna:

"Cách nay trăm ngàn kiếp
Có Đức Phật hồng danh
Padumuttara
Sanh lên trong thế gian
Bấy giờ, ta tái sanh
Trong gia đình trưởng giả
Giàu có nhiều báu vật
Tại Haṃsavati
Một hôm ta đi đến
Yết kiến bậc Đại Hùng
Nghe Ngài giảng chánh pháp
Lòng tịnh tín phát sanh
Ta đến quy y Ngài
Trở thành cận sự nữ
Rồi ta thấy Thế Tôn
Bậc đầy lòng từ bi
Biểu dương trưởng lão ni
Với tên gọi Subhā
Đệ nhất hàng ni giới
Về sự giải thoát mau
Nghe những lời Phật phán
Ta lấy làm thoả thích
Với vị trí như thế
Rồi ta cung thỉnh Ngài
Cùng đại chúng tỷ kheo
Về cúng dường trai phạn
Khi Ngài thọ thực xong
Quỳ dưới chân Đạo sư
Ta nguyện vị trí ấy
Lúc ấy Bậc Đại Hùng
Nói lời tuỳ hỷ rằng
Này tín nữ Bhaddā
Con nguyện vị trí nào
Sẽ đạt vị trí ấy
Chúc con được an lạc
Do thiện nghiệp khéo làm
Sau khi ta mệnh chung
Được sanh cõi Đạo Lợi
Mãn thọ từ cõi ấy
Ta sanh cõi Dạ Ma
Rồi sanh cõi Đâu Xuất
Ta sanh cõi Hoá Lạc
Cuối cùng Tha Hoá Thiên
Dù sanh ở cõi nào
Chính do phước nghiệp ấy
Ta được làm hoàng hậu
Của Thiên vương các cõi
Khi sanh xuống cõi người
Ta được làm hoàng hậu
Của Đức Chuyển Luân Vương
Và được làm hoàng hậu
Của các đại vương quốc
Ta luôn được an lạc
Trong hai cõi nhân thiên
Vào thời kỳ giáo pháp
Thế Tôn Kassapa
Bậc có đại uy danh
Bậc tối thượng Đạo Sư
Có đức vua Kiki
Trì vì xứ Kāsī
Ngài là cận sự nam
Là vị đại đàn tín
Của Phật Kassapa
Bấy giờ ta tái sanh
Làm công chúa thứ tư
Của vua Kāsī ấy
Tên Bhikkhudāsī
Sau khi nghe pháp Phật
Ta thích đời xuất gia
Nhưng phụ vương không cho
Dù không được xuất gia
Nhưng bảy chị em ta
Không sao lãng lý tưởng
Thọ trì đủ mười giới
Sống phạm hạnh trọn vẹn
Đến hai chục ngàn năm
Bảy chị em ta là
Công chúa Samaṇī
Samaṇaguttā
Thứ ba Bhikkhunī
Bhikkhudāsikā
Thứ năm nàng Dhammā
Thứ sáu Sudhammā
Và Saṅghadāsikā
Chuyển sanh hiện nay là
Trưởng lão ni Khemā
Uppalavaṇṇā
Nàng Patācārā
Kisagotamī
Nàng Dhammadinnā
Và tín nữ Visākhā
Do thiện nghiệp khéo làm
Từ kiếp ấy mệnh chung
Được sanh cõi Đạo Lợi
Nay là kiếp cuối cùng
Ta sanh tại Vương Xá
Trong gia đình trưởng giả
Giàu có, tài sản lớn
Khi ta vừa trưởng thành
Nhìn thấy tên tử tội
Bị giải đi hành quyết
Ta sanh lòng luyến ái
Với tên tội phạm ấy
Cha ta vì thương con
Lấy một ngàn tiền vàng
Hối lộ quan hữu trách
Để cứu thoát phạm nhân
Sau đó, dẫn hắn đến
Ông giao tận tay ta
Do duyên từ kiếp trước
Khiến ta đam mê hắn
Yêu thương hắn vô ngần
Tên trộm vì tham muốn
Nữ trang quý của ta
Hắn bịa chuyện tế lễ
Nơi ngọn núi bỏ trộm
Với mục đích giết ta
Đoạt những trang sức ấy
Bấy giờ vì giữ mạng
Ta cúi đầu lễ bái
Chấp tay nói như vầy
Những vàng ngọc quý này
Xin chàng cứ lấy đi
Và tha cho Bhaddā
Bhaddā hứa trở thành
Nô tỳ tốt của chàng
Tên trộm Sattuka nói với ta rằng:
"Bhaddā ngươi phải chết
Ngươi chớ có van xin
Ta không tha ngươi đâu".
Ta nói với Sattuka:
"Từ khi thiếp hiểu biết
Cho đến ngày hôm nay
Thiếp chưa từng yêu ai
Thắm thiết như yêu chàng
Trước giờ phút biệt ly
Không còn gặp nhau nữa
Xin chàng hãy cho thiếp
Ôm hôn, nhiễu quanh chàng
Lần cuối cùng của thiếp".
Rồi ta xô tên trộm
Rơi xuống vực núi sâu
Ta giết Sattuka
Ví như lông con thú
Sát hại chính nó vậy
Người nào biết xử lý
Kịp thời những sự việc
Đang xảy ra trước mắt
Người ấy sẽ thoát khỏi
Bức hiếp của kẻ thù
Giống như ta thoát khỏi
Tên trộm Sattuka
Sau khi trừ mối hoạ
Ta tìm đến xuất gia
Nơi phái Nigantha
Không thấy sự huyền diệu
Từ trong giáo điển nầy
Rời bỏ chúng ta đi
Tìm học các danh sư
Cuối cùng không ai dám
Đến tranh luận cùng ta
Rồi phước duyên đưa đẩy
Ta đến thành Sá Vệ (Sāvatthī)
Được diện kiến Trưởng lão
Bậc tướng quân chánh pháp
Ngài đã nhiếp phục ta
Khuyên ta đến Thế Tôn
Vâng theo lời dạy ấy
Ta đến lễ Đạo Sư
Ngài thuyết giảng Chánh pháp
Nghe xong, ta tỏ ngộ
Trở thành bậc Vô lậu
Phận sự với Đạo Sư
Ta đã làm xong rồi
Lời dạy của Đạo Sư
Ta cũng thực hành xong
Gánh nặng đã đặt xuống
Ái hữu đã nhổ sạch
Vì đích gì xuất gia
Bỏ nhà sống không nhà
Mục đích ấy ta đạt
Pháp đoạn trừ triền phược
Đã được ta tác chứng
Trí tuệ ta thông suốt
Trong tứ vô ngại giải
Tam minh ta chứng đạt
Lời Phật dạy làm xong.

Sau khi chứng quả Alahán, nàng đã xin xuất gia, bậc Đạo Sư truyền đạt giới cho nàng, nàng đi đến tịnh xá của các tỳ khưu ni, sống với sự an lạc giải thoát, nhìn lại quá trình tu chứng của mình, nàng đã nói lên bài kệ rằng:

"Khi trước sống một y
Nhổ tóc, không súc miệng
Theo hạnh Nigantha
Không lỗi xem có lỗi
Có lỗi xem là không"
"Rời trú xứ, nghỉ trưa
Trên ngọn núi Linh Thứu
Ta thấy Đức Thế Tôn
Bậc không có bụi phiền
Với Tỳ khưu đoanh vây"
"Quỳ gối, ta đảnh lễ
Đối diện ta chấp tay
Ngài phán với ta rằng
Hãy đến nầy Bhaddā
Lời phán truyền như thế
Là cụ túc của ta"
"Ta đi khắp Aṅgā
Magadha, kāsī
Cùng xứ Kosala
Thọ dụng của tín thí
Năm mươi năm không nợ"
"Với người phật tử nào
Cúng dường y đến ta
Bậc thoát khỏi phiền trược
Thì người phật tử ấy
Gặt hái công đức lớn"

*

10- KỆ NGÔN CỦA TRƯỞNG LÃO NI PAṬĀCĀRĀ

Được biết trưởng lão ni Paṭācārā đã nói lên bài kệ rằng:

"Với cây cày, cày ruộng
Gieo hạt giống xuống ruộng
Nông dân thu tài sản
Nuôi dưỡng vợ và con"
"Ta đầy đủ giới hạnh
Hành theo lời Đạo Sư
Không lười, không phóng dật
Sao không chứng Niết bàn"
"Khi ta đang rửa chân
Ta chú ý vào nước
Thấy những dòng nước rửa
Chảy chỗ gần, chỗ xa
Nhờ vậy tâm được định
Như ngựa tốt khéo luyện
Rồi ta cầm cây đèn
Bước vào am thất mình
Ta đi đến chiếc giường
Cầm lấy cây then cửa
Kéo tim đèn khỏi dầu
Cùng lúc ấy tâm ta
Thoát khỏi mọi phiền não
Như ngọn đèn tắt vậy".

Trong thời giáo pháp của Đức Thế Tôn chúng ta, nàng tái sanh trong một gia đình trưởng giả.

Khi trưởng thành, nàng đem lòng yêu thương người đầy tớ trong nhà, hay tin cha mẹ sắp gả mình cho một chàng trai môn đăng, nàng bèn lấy một số tiền trốn đi với tình nhân và sống tại một ngôi làng nhỏ hẻo lánh. Khi sắp sanh, nàng nói với chồng rằng:

"Mình ơi! Em sắp sanh rồi mà ở đây chúng ta chẳng có được một người thân để nhờ cậy khi hữu sự, vậy chàng hãy đưa em trở về nhà cha mẹ đi".

Người chồng vì sợ ông bà chủ, nên cứ hẹn lần hẹn lựa, khi biết rằng chàng không muốn đưa mình về, chờ lúc chồng đi vắng, nàng thu dọn gọn những đồ vật trong nhà và nhờ người láng giềng nhắn lại cho chồng là nàng đã trở về nhà cha mẹ.

Về đến nhà hay tin vợ đi rồi, người chồng suy nghĩ: "Vì ta mà nàng trở thành không nơi nương tựa", liền tức tốc đuổi theo và gặp vợ giữa đường. Lúc ấy nàng vừa sanh con xong, nàng suy nghĩ:

"Sanh con rồi, giờ thì không cần thiết trở về nhà cha mẹ nữa".

Rồi nàng bế con cùng chồng quay trở lại nhà của mình.

Khi mang thai lần thứ hai, cũng như lần trước, chỗ khác nhau là vợ chồng tay bồng tay bế cùng nhau trở về làng, đi được một đỗi, dầu sái mùa nhưng chẳng biết gió từ đâu nổi lên, kéo theo những cụm mây đen giăng phủ cả bầu trời rồi mưa như thác đổ trút xuống trắng cả bầu trời, người vợ bị kiệt sức vì mới sanh, làm sao chống chọi trước mưa to gió lớn, nàng bèn nói với chồng:

"Mình ơi! Em và con không thể chịu đựng được nữa, mình đi tìm cành cây về che tạm cho em và con đi".

Người chồng ngó quanh, nhìn thấy một bụi cây gần gò mối, liền đi lại chặt những cành cây ấy, nghe động đậy, một con rắn độc từ gò mối bò ra, cắn người chồng chết tại chỗ.

Chồng đi đã lâu nhưng không thấy trở về, nàng vô cùng hoang mang lo lắng, không có gì để che chắn mưa gió, nàng phải tỳ hai tay và hai đầu gối xuống đất vừa che mưa gió vừa để úm cho con, nàng đã chịu đựng với tư thế ấy suốt đêm.

Trời vừa sáng, nàng một tay bế, một tay dẫn con đi tìm chồng, lần theo con đường chồng đi, nàng nhìn thấy xác chồng nằm chết cạnh gò mối. Nàng đau khổ than khóc vì chồng chết và cũng tự trách mình rằng:

"Chính vì ta mà chàng phải chết".

Gạt những giọt lệ tử biệt, nàng tay bế tay dắt con trở về cha mẹ. Đi được một đỗi, gặp dòng sông nước lớn và chảy xiết do trận mưa đêm qua, nàng không thể cùng một lúc đem hai con qua sông, nàng bèn để đứa lớn bên nầy, ẵm đứa nhỏ qua trước, đến bờ nàng tìm những nhánh cây nhỏ trải lót, quấn con với một tấm vải cũ và đặt nằm trên những cành lá ấy, rồi quay lại rước đứa lớn, đi được nửa dòng nàng quay lại thăm chừng; một con diều hâu nhìn thấy đứa bé cứ tưởng là cục thịt nó xà xuống xớt lấy bay lên hư không, nhìn thấy con bị diều hâu gắp đi, người mẹ vỗ tay kêu la với ý xua đuổi nhưng vô hiệu quả vì nó đã bay xa.

Đứa lớn ở bên nầy, nghe mẹ vỗ tay kêu lớn, tưởng kêu nó, nó bèn chập chững bước xuống và bị nước cuốn đi.

Chồng bị rắn cắn chết, đứa nhỏ bị diều hâu tha đi, đứa lớn bị nước cuốn trôi khiến nàng vô cùng đau khổ, vừa đi vừa khóc nàng nghĩ rằng:

"Đời ta giờ chẳng còn gì cả, ngoại trừ cha mẹ là nguồn an ủi duy nhất của thôi".

Về gần đến thành Sāvatthī, nàng hỏi thăm tin tức về cha mẹ mới hay trận mưa giông đêm qua làm sập nhà đè chết cha mẹ và đứa em trai của nàng, sáng nay những người láng giềng đã đem cả ba đi thiêu trên cùng một giàn hoả.

Sự vô thường đã liên tục cướp đi từ tay nàng niềm vui và sự sống, cho đến nguồn hy vọng cuối cùng của nàng cũng bị sụp đổ, với tấm thân bé nhỏ làm sao nàng chịu đựng nổi sự đau khổ quá ư to lớn ấy, nàng như điên như dại, không màn đến lớp vải che thân, vừa đi vừa khóc than rằng:

"Hai con ta đã chết
Người chồng cũng mệnh chung
Cha mẹ và em trai
Cùng thiêu chung giàn hoả"

Từ đó nàng có tên là Paṭācārā (kẻ không mặc xiêm y). Một số người gặp nàng, họ xua đuổi, quăng rác lên đầu nàng, họ ném đất, ném cát lên người nàng.

Lúc bấy giờ, bậc Đạo Sư đang ngự toạ thuyết pháp giữa hội chúng lớn tại Jetavanavihāra (Kỳ viên tịnh xá), từ xa Ngài thấy nàng đang thất tha, thất thểu và biết rằng duyên lành giải thoát của nàng đã chín muồi, với uy lực khiến nàng hướng thẳng về tịnh xá, hội chúng thấy nàng đi đến, nói rằng:

"Hãy ngăn cản, chớ cho bà điên ấy vào đây"

Bậc Đạo Sư phán rằng:

"Chớ có ngăn cản nàng"

Và khi nàng sắp bước vào hội chúng, Ngài phán rằng:

"Hãy tỉnh lại, này thiếu phụ".

Nghe âm giọng từ hoà êm ấm của bậc Đạo Sư rót vào tai, nàng bừng tỉnh, cảm nhận được mình chẳng có mảnh vải che thân, nàng phát sanh hổ thẹn, bèn ngồi sụp xuống, một người thiện nam liền ném cho nàng tấm vải, sau khi khoác tấm vải ấy, nàng tiến đến đảnh lễ ngũ thể đầu địa và thưa rằng:

"Bạch Ngài, xin Ngài hãy là chỗ nương tựa của con, một con diều hâu đã xớt lấy đứa con nhỏ, đứa lớn bị dòng nước cuốn đi, người chồng bị rắn cắn chết, cha mẹ và em trai bị nhà sập đè chết, cùng thiêu chung một giàn hoả, chỉ trong một đêm đến sáng những người thân yêu đã lần lượt bỏ con ra đi, giờ đây con chẳng còn một người thân, chằng còn một chỗ nương tựa nào cả, xin Ngài từ bi là chỗ nương tựa cho con".

Bậc Đạo Sư phán rằng:

"Này Paṭācārā, ngươi chớ có nghĩ rằng chỉ dựa vào sự nương tựa này sẽ làm cho ngươi hết đau khổ, này Paṭācārā từ vô thuỷ luân hồi, nước mắt ngươi đổ xuống vì cha chết, mẹ chết, chồng chết, con chết, quyến thuộc chết, còn nhiều hơn nước trong bốn biển nữa".

Rồi Ngài nói lên bài kệ rằng:

"Nước ở trong bốn biển
Ít hơn nước mắt người
Đổ xuống vì sầu muộn
Thế nên, này tín nữ
Sao ngươi còn dễ duôi".

Sau khi Đức Thế Tôn thuyết giảng về sự luân hồi đầy nước mắt như vậy, sự sầu muộn của nàng được nhẹ dần, thấy tâm nàng đã được lắng dịu phiền muộn và sẵn sàng lãnh hội giáo pháp, bậc Đạo Sư bèn giảng tiếp rằng:

"Này Paṭācārā, một người khi mệnh chung dầu cha mẹ, quyến thuộc có thương yêu đến mấy cũng không thể giúp đỡ, không thể làm chỗ nương tựa được, hiểu như vậy, các bậc hiền trí trau dồi giới đức, thanh lạc ô nhiễm hướng đến Niết bàn".

Rồi Ngài nói lên bài kệ rằng:

"Dầu cha mẹ, con cái
Luôn cả các quyến thuộc
Cũng không thể cứu giúp
Khi thân hoại mạng chung
Thấy được sự thật này
Bậc trí thu thúc giới
Thanh lọc, hướng Niết bàn"

Dứt bài kệ Paṭācārā chứng đạt quả Dự Lưu và ngỏ lời xin xuất gia, bậc Đạo Sư đưa nàng đến trú xứ các tỳ khưu ni cho xuất gia.

Sau khi thọ cụ túc giới, nàng nỗ lực tu tập để mong đạt được quả vị cao hơn.

Một hôm, nàng cầm bình múc nước rửa chân, xối lần đầu, nước từ chân nàng chảy được một đoạn ngắn rồi dứt, xối, lần thứ nhì, nước chảy xa hơn, xối lần thứ ba, nước chảy xa hơn một chút rồi dứt. Dựa trên nền tảng nầy, nàng suy tư:

"Cũng vậy, loài hữu tình có một số chết trong buổi sơ niên như nước ta xối lần đầu, một số chết trong buổi trung niên như nước ta xối lần thứ hai, một số chết trong buổi lão niên như nước ta xối lần thứ ba".

Bấy giờ bậc Đạo Sư đang ngự toạ trong hương thất, biết được dòng tư tưởng của nàng, Ngài phóng hào quang như đang đứng trước mặt và dạy rằng:

"Nầy Paṭācārā, như vậy cuộc sống của loài hữu tình, cuối cùng cũng phải chết, thế nên với người thấy được sự sanh diệt của ngũ uẩn, dầu sống chỉ một ngày vẫn quý hơn người sống cả trăm năm mà không thấy được sự thật ấy".

Rồi Ngài nói lên bài kệ rằng:

"Dầu sống chỉ một ngày
Thấy được pháp sanh diệt
Quý hơn sống trăm năm
Không thấy pháp sanh diệt"

Dứt bài kệ, tỳ khưu ni Paṭācārā chứng đạt quả vị Alahán với tứ tuệ phân tích.

Sau khi chứng quả Alahán, nàng quán lại quá trình tu chứng của mình khi còn là hữu học và nhân duyên đưa đến quả cao, nàng cảm xướng bài kệ rằng:

"Với cây cày, cày ruộng
Gieo hạt giống xuống ruộng
Nông dân thu tài sản
Nuôi dưỡng vợ và con"
"Ta đầy đủ giới hạnh
Hành theo lời Đạo Sư
Không lười, không phóng dật
Sao không chứng Niết bàn"
"Khi ta đang rửa chân
Ta chú ý vào nước
Thấy những dòng nước rửa
Chảy chỗ gần, chỗ xa
Nhờ vậy tâm được định
Như ngựa tốt khéo luyện
Rồi ta cầm cây đèn
Bước vào am thất mình
Ta đi đến chiếc giường
Cầm lấy cây then cửa
Kéo tim đèn khỏi dầu
Cùng lúc ấy tâm ta
Thoát khỏi mọi phiền não
Như ngọn đèn tắt vậy".

*

11- KỆ NGÔN CỦA TRƯỞNG LÃO NI KHEMĀ

Ác ma đến cám dỗ nàng với bài kệ rằng:

"Hỡi nầy nàng Khemā
Nàng vừa trẻ vừa đẹp
Ta đang độ thanh xuân
Với cung đàn năm điệu
Ta cùng nhau tận hưởng"
Nàng nói với ác ma rằng:
"Với thân hôi thối nầy
Mỏng manh, nhiều bệnh hoạn
Ta ghê tởm, nhàm chán
Dục ái được nhổ sạch"
"Các dục như gươm giáo
Các uẩn là thớt chặt
Dục lạc mà ngươi nói
Nay với ta không còn"
"Sự thoả thích trong dục
Đã được ta đoạn trừ
Luôn cả khối si ám
Cũng bị ta phá tan
Nầy ác ma, hãy biết
Ngươi đã bị thất bại"
"Với những người kém trí
Tri kiến bị lệch lạc
Lễ bái các vì sao
Thờ lửa trong rừng sâu
Chúng tưởng rằng thanh tịnh"
"Còn ta, ta đảnh lễ
Bậc Chánh Giác, Thượng Nhân
Thoát khỏi mọi khổ đau
Như vậy được gọi là
Hành lời dạy Đạo Sư".

Ngược dòng thời gian cách nay một trăm ngàn đại kiếp, có vị Chánh Đẳng Giác hồng danh Padumuttara, bậc tỏ ngộ các pháp, sanh lên trong thế gian.

Lúc bấy giờ, ta sanh trong một gia đình trưởng giả giàu có, tại thành Haṃsavatī.

Một hôm, ta đi đến yết kiến bậc Đại Hùng, nghe Ngài giảng Chánh Pháp, ta khởi tâm tịnh tín, xin quy y tam bảo trở thành một tín nữ ngoan đạo. Khi được cha mẹ cho phép, ta đã cung thinh Đức Thế Tôn cùng chư tỳ khưu Tăng về nhà cúng dường thực phẩm suốt bảy ngày.

Đến ngày thứ bảy, nhân sự tùng sự Đức Thế Tôn đã biểu dương một vị tỳ khưu ni thù thắng hơn chư Ni về hạnh trí tuệ. Sau khi nghe những lời ấy, ta lấy làm thoả thích, tiến đến đảnh lễ dưới chân Thế tôn và chú nguyện vị trí ấy.

Bậc Đạo Sư phán với ta rằng:

"Nầy tín nữ, nguyện vọng của ngươi sẽ được thành tựu, trải qua một trăm ngàn đại kiếp, có vị Chánh Đẳng Giác hồng danh Gotama sanh lên trong thế gian, ngươi sẽ trở thành tỳ khưu ni tên là Khemā, sẽ là người thừa tự giáo pháp của Đức Thế Tôn ấy và sẽ trở thành vị đại đệ tử đệ nhất hạnh trí tuệ trong hàng Ni chúng.

Do những thiện nghiệp ấy, sau khi mệnh chung, ta được tái sanh lên cõi Đạo Lợi, mãn thọ cõi Đạo Lợi, ta được sanh lên cõi Dạ Ma, từ bỏ thân cõi Dạ Ma, ta được sanh lên cõi Đâu Xuất, mệnh chung cõi Đâu Xuất, ta tái sanh cõi Hoá Lạc và cuối cùng ta được sanh cõi Tha Hoá Tự Tại, đỉnh cao của các cõi trời dục giới. Cũng do phước nghiệp ấy, trong các tầng trời tái sanh, ta đều được làm hoàng hậu của vị Thiên Vương cõi ấy.

Mạng chung từ thiên giới, sanh xuống cõi người, ta được làm hoàng hậu của Đức Chuyển Luân Vương và được làm hoàng hậu của vị vua quốc độ.

Trong những kiếp luân chuyển giữa hai cõi người trời, ta luôn được an lạc và thọ hưởng đầy đủ những thiên sản, nhân sản cao sang đặc thù.

Trong kiếp thứ chín mươi mốt, có vị Chánh Đẳng Giác hồng danh Vipassī sanh lên trong thế gian.

Do thiện căn dẫn dắt, ta đi đến yết kiến bậc Đạo Sư, được nghe diệu pháp nơi Ngài, ta khởi niềm tin trong sạch xin xuất gia. Xuất gia tỳ khưu ni xong, ta tinh cần học tập kinh điển Phật ngôn và thực hành phạm hạnh trong giáo pháp của bậc Đại Hùng ấy đến mười ngàn năm. Do phước duyên quá khứ và sự nỗ lực hiện tại, lúc bấy giờ ta trở thành bậc đa văn, bậc Pháp sư giỏi và là người có trí tuệ sắc bén.

Nhờ phạm hạnh thanh tịnh nên sau khi mệnh chung ta được sanh lên cõi Đâu Xuất.

Cũng trong hiền kiếp nầy, có vị Chánh Đẳng Giác hồng danh Konāgamana sanh lên trong thế gian.

Lúc bấy giờ, ta tái sanh trong một gia đình giàu có, tại thành Bārāṇasī.

Ta cùng với chị Dhanañjānī và chị Sumedhā kiến tạo một dãy Tăng xá thật lớn và một ngôi tịnh xá trang nhã dâng đến Đức Phật cùng Chư Tăng.

Mệnh chung từ kiếp ấy, ta sanh lên cõi Đạo Lợi, trở thành một thiên nữ có uy danh thù thắng hơn các thiên nữ khác.

Trong thời giáo pháp của Đức Thế Tôn Kassapa. Vào thời ấy, đức vua xứ Kāsī, danh hiệu là Kiki, trị vì tại thành Bārāṇasī, là một cận sự nam thuần thành, một đại đàn tín của Đức Thế Tôn Kassapa.

Lúc bấy giờ, ta sanh làm trưởng nữ của đức vua Kiki và tên là Samaṇī. Sau khi nghe được chánh pháp nơi Thế Tôn, ta khởi niềm tin, xin xuất gia nhưng phụ vương không cho.

Mặc dù không được xuất gia, nhưng bảy chị em ta: ta, công chú Samaṇaguttā, công chúa Bhikkhuṇī, công chúa Bhikkhudāsikā, công chúa Dhammā, công chúa Sudhammā và công chúa Saṅghadāsikā, không xao lãng lý tưởng xuất ly, hằng ngày chăm lo hộ độ cúng dường Đức Phật cùng chư Tăng, thọ trì thập giới và sống đời phạm hạnh tại gia suốt hai chục ngàn năm.

Do thiện nghiệp ấy, sau khi mệnh chung, ta được sanh lên cõi Đạo Lợi. Dù sanh ở cõi nào, ta cũng là người đầy đủ về an lạc, đầy đủ về tài sản, đầy đủ về sắc đẹp, đầy đủ về tuỳ tùng và đầy đủ về trí tuệ.

Trong kiếp cuối cùng, ta sanh làm công chúa yêu quý của đức vua Madda tại thành Sāgala. Ngày ta chào đời, cả thành Sāgala đều cộng hưởng sự an lạc.

Do hiện tượng đó, nên phụ vương mới đặt tên cho ta là Khemā (niềm an lạc) khi trưởng thành ta có dung sắc và làn da xinh đẹp, phụ vương đem hiến dâng ta cho đức vua Bimbisāra. Từ đó, ta trở thành hoàng hậu của một quốc độ lớn và cũng là nơi sủng ái của đức vua.

Tự biết mình đẹp, nên hằng ngày ta cứ mân mê trau chuốt thân sắc và không thích nghe những lời chỉ trích về sắc thân nầy.

Lúc bấy giờ, đức vua Bimbisāra vì muốn tiếp độ ta, Ngài cho những ca sĩ ca hát, ca tụng về tịnh xá Trúc Lâm rằng:

"Tịnh xá Trúc Lâm là một nơi khả ái, khả hỷ, có nhiều phong cảnh nên thơ hữu tình, người nào chưa thấy tịnh xá Trúc Lâm cũng như người ấy chưa thấy Nandavana - Hỷ Lâm (một khu rừng khả ái khả hỷ của Thiên Vương Đế Thích và chư thiên cõi Đạo Lợi) người nào nhìn thấy tịnh xá Trúc Lâm cũng như được thấy Nandavana - rừng hoan hỷ của cõi trời Đạo Lợi vậy. Ai viếng thăm tịnh xá Trúc Lâm, tâm người ấy sẽ vui thích lạ thường và chiêm ngưỡng hoài không biết chán".

Nghe những lời ca tụng về tịnh xá Trúc Lâm, khiến lòng ta nôn nao muốn đi đến chiêm ngưỡng, bèn ngỏ lời xin đức vua, đức vua hoan hỷ cho nhiều tuỳ tùng đưa ta đi xem Trúc Lâm với lời phán rằng:

"Này hoàng hậu hữu phước, xin mời nàng hãy đi xem Trúc Lâm cho thoả chí, nơi ấy được tô điểm với hào quang xinh đẹp của Đức Thế Tôn".

Ta thưa rằng:

"Muôn tâu bệ hạ - khi nào Đức Thế Tôn ngự vào thành Rājagaha (Vương Xá) khất thực, khi ấy thần thiếp mới đến chiêm ngưỡng tịnh xá Trúc Lâm".

Nhưng sau đó, ta cũng đi đến Trúc Lâm cùng với các tuỳ tùng, vào đến Trúc Lâm rồi, mới thấy khác hơn những điều ta tưởng. Ta nhìn thấy một vị tỳ khưu trẻ, đang thực hành pháp tinh tấn, ta suy nghĩ rằng:

"Vị tỳ khưu này, đang độ thanh xuân, có thân hình khả ái, lại từ bỏ những thú vui thế tục, vào đây xuất gia, sống đời phạm hạnh, thật đáng thán phục".

Rồi ta nhìn thấy bậc Đạo Sư đang ngồi tự tại, sau lưng có một thiếu nữ xinh đẹp hầu quạt, ta bèn suy nghĩ rằng:

"Thiếu nữ nầy, có màu da sáng như vàng, có đôi mắt đẹp như hoa sen, có bờ môi đỏ như quả chà là chín, chỉ mới thoáng nhìn một chút mà đã khiến cho trái tim nầy, cặp mắt nầy bị cuốn hút vào rồi. Gương mặt nàng thật đẹp, cặp nhũ nàng căng tròn như búp sen, eo nàng thon thả, mông đầy đặn, đồ trang sức, xiêm y của nàng thật lộng lẫy, chiêm ngưỡng hoài không biết chán. Nhìn nàng ta chợt nghĩ:

"Vẻ đẹp của nàng thiếu nữ nầy đặc biệt quá, ta chưa từng thấy bao giờ".

Rồi dần dần nàng thiếu nữ ấy trở thành trung niên, trở thành lão niên với mặt sạm da nhăn, răng rụng, tóc bạc, lưng còm, tay chân run rẩy, nước miếng chảy ra, nhìn thấy cảnh tượng ấy, lòng ta đầy kinh cảm, nghĩ rằng:

"Thân nầy thật bất tịnh, đáng nhàm chán, chỉ có kẻ ngu mới ưa thích.

Lúc bấy giờ, bậc Đạo Sư với lòng bi mẫn, thấy tâm ta kinh cảm như vậy, Ngài phán lên bài kệ rằng:

"Nầy Khemā hãy nhìn
Tấm thân đầy bịnh hoạn
Bất tịnh và hôi thối
Chỉ kẻ ngu ưa thích
Hãy chuyên tâm tu tập
Với đề mục bất tịnh
Hãy trú thân hành niệm
Hãy nhàm chán trong sắc
Nàng nầy như thế nào
Thân ngươi cũng thế ấy
Thân ngươi như thế nào
Nàng nầy cũng thế ấy
Ngươi hãy mau từ bỏ
Sự say đắm trong thân
Cả bên trong, bên ngoài
Hãy chuyên nhất tu tập
Pháp vô tưởng giải thoát
Hãy đoạn mạn tiềm miên
Ngươi sẽ được an lạc
Do mạn ấy không còn
Những ai đắm say dục
Rơi vào dòng bộc ái
Ví như nhện sa lưới
Do chính mình bủa giăng
Những ai chặt bộc ái
Từ bỏ mọi dục lạc
Sẽ thoát ly thế sự
Sống với hạnh xuất gia".

Biết tâm ta đã sẵn sàng, bậc Đạo Sư bèn thuyết kinh Mahānidāna để dẫn dắt ta, lắng nghe kinh, ta chợt nhớ lại quá khứ, ta đã thọ trì bài kinh nầy nơi Đức Phật Kassapa, lấy bài kinh làm nền tảng, ta phát triển tuệ quán, chứng đạt quả Dự Lưu.

Rồi ta phủ phục dưới chân bậc Đạo Sư với mục đích sám hối ta thưa rằng:

"Kính bạch bậc tỏ ngộ các pháp, con xin đảnh lễ Ngài. Kính bạch bậc Đại Bi, con xin đảnh lễ Ngài. Kính bạch bậc đã vượt qua luân hồi, con xin đảnh lễ Ngài. Kính bạch bậc ban bố pháp bất tử, con xin đảnh lễ Ngài vì si mê tà kiến, vì tham dục chi phối, con không đến yết kiến Ngài, bậc nương nhờ của thế gian, con xin sám hối những lỗi lầm ấy, con là người đam mê trong thân sắc, con nghĩ rằng Ngài không sẵn lòng tiếp độ nên con không đến yết kiến Ngài, bậc đầy lòng từ bi tiếp độ, bậc ban bố pháp cao quý, con xin sám hối lỗi lầm ấy.

Lúc bấy giờ, bậc Đạo Sư phán với ta rằng:

"Vừa đủ rồi, nầy Khemā".

Rồi ta đảnh lễ, nhiễu quanh Ngài, trở về hoàng cung, ta đi đến đức vua thưa rằng:

"Muôn tâu Bệ Hạ, thật kỳ diệu thay, phương cách hoàn hảo của Bệ Hạ, thiếp muốn chiêm ngưỡng Trúc Lâm và đã chiêm ngưỡng bậc Ẩn Sỹ ly phiền não. Nếu Bệ Hạ hoan hỷ chấp nhận, thì thiếp xin được xuất gia trong giáo pháp của Đức Thế Tôn".

Lúc bấy giờ, đức vua Bimbisāra chấp tay lên nói với ta rằng:

"Nầy hiền muội, huynh chuẩn y lời cầu xin của muội, mong rằng việc xuất gia của muội sẽ được thành tựu như ý".

Xuất gia được bảy tháng, một hôm khi nhìn thấy nguyên nhân sanh diệt của ngọn đèn, dựa trên nền tảng đó ta suy quán thân nầy, khiến ta nhàm chán tất cả hành và chứng quả Alahán.

Ta là người thuần thục trong hoá thông, trong thiên nhĩ thông và tha tâm thông, ta thấu đáo các tiền kiếp, thiên nhãn ta thanh tịnh và đoạn tận các lậu hoặc. Nay sanh hữu không cỏn, trí tuệ ta thấu triệt trong tứ vô ngại giải, thiện xảo trong thất thanh tịnh, lão luyện trong Kāthāvatthu (Ngữ Tông), thông suốt trong Abhi-dhamma (Vi diệu pháp).

Một hôm, đức vua Pasenadikosala đến hỏi ta, phần vi tế trong Toraṇavatthu ta đã giải đáp cặn kẻ rõ ràng. Rồi đức vua Pasenadi đi đến yết kiến bậc Đạo Sư thuật lại cuộc luận đạo ấy. Bậc Đạo Sư đã xác chứng lời giải đáp của ta.

Do biết rõ hạnh nguyện của ta và kết hợp với nhân hiện tại, bậc Đạo Sư đã biểu dương ta, đệ nhất về trí tuệ trong hàng Ni chúng.

Một hôm, lúc đang ngồi tịnh dưới gốc cây, ác ma hoá thân thành chàng thanh niên, đi đến quyến rũ ta với bài kệ rằng:

"Hỡi nầy nàng Khemā
Nàng vừa trẻ vừa đẹp
Ta đang độ thanh xuân
Với cung đàn năm điệu
Ta cùng nhau tận hưởng"

Ta đã trả lời ác ma với bài kệ như vầy:

"Với thân hôi thối nầy
Mỏng manh, nhiều bệnh hoạn
Ta ghê tởm, nhàm chán
Dục ái được nhổ sạch"
"Các dục như gươm giáo
Các uẩn là thớt chặt
Dục lạc mà ngươi nói
Nay với ta không còn"
"Sự thoả thích trong dục
Đã được ta đoạn trừ
Luôn cả khối si ám
Cũng bị ta phá tan
Nầy ác ma, hãy biết
Ngươi đã bị thất bại"
"Với những người kém trí
Tri kiến bị lệch lạc
Lễ bái các vì sao
Thờ lửa trong rừng sâu
Chúng tưởng rằng thanh tịnh"
"Còn ta, ta đảnh lễ
Bậc Chánh Giác, Thượng Nhân
Thoát khỏi mọi khổ đau
Như vậy được gọi là
Hành lời dạy Đạo Sư".

*

12- KỆ NGÔN CỦA TRƯỞNG LÃO NI MAHĀPAJĀPATĪGOTAMĪ

Được biết trưởng lão ni Mahāpajāpatīgotamī đã nói lên bài kệ rằng:

"Kính bạch bậc Giác Ngộ
Con xin đảnh lễ Ngài
Ngài là bậc Tối thượng
Giữa mọi loài chúng sanh
Ngài giải khổ cho con
Cùng rất nhiều người khác"
"Liễu tri mọi đau khổ
Đoạn sạch nhân sanh khổ
Tu tập bát Thánh đạo
Ta chứng đạt pháp tịch diệt"
"Trong quá khứ chúng ta
Từng là mẹ, là con
Từng là anh, là em
Là ông bà của nhau
Không biết sự thật ấy
Ta mới bị luân hồi"
"Nay ta thấy Thế Tôn
Thân nầy thân cuối cùng
Sanh tử được đoạn tận
Kiếp sống mới không còn"
"Xin Ngài hãy nhìn xem
Các vị đệ tử ấy
Sống tinh cần nhất hướng
Luôn kiên trì nỗ lực
Hoà hợp cùng tác chứng
Pháp siêu thế đặc thù
Để cúng dường Đạo Sư"
"Nàng Mahāmāyā
Sanh đức Gotama
Để lợi ích phần đông
Vì Ngài đã giải toả
Khổ uẩn của chúng sanh
Bị già chết tàn phá".

Ngược dòng thời gian cách nay một trăm ngàn đại kiếp, có đức Chánh Đẳng Giác hồng danh Padumuttara, bậc tỏ ngộ các pháp, sanh lên trong thế gian.

Lúc bấy giờ, trưởng lão ni tái sanh trong một gia đình quan đại thần giàu có, uy danh tại thành Haṃsa-vatī.

Một hôm, nàng và phụ thân cùng các tuỳ tùng đi đến tịnh xá yết kiến bậc Đạo Sư, nhìn thấy bậc Đạo Sư như đức Thiên vương Vāsava, đang làm cho mưa pháp rơi xuống, là bậc không còn lậu hoặc, với hào quang thù diệu chiếu sáng như mặt trời giữa mùa thu, khiến tâm nàng tịnh tín, ngồi lắng nghe diệu pháp của Ngài.

Nàng nhìn thấy bậc chúa tể muôn loài, biểu dương một tỳ khưu ni Mātucchā vị trí là bậc kỳ cựu nhất trong hàng Ni chúng. Thỏa thích với hình ảnh đó, nàng bèn cung thỉnh Đức Thế tôn cùng Tăng chúng về thiết đại lễ cúng dường suốt bảy ngày, đến ngày thứ bảy sau khi Đức Phật cùng chư Tăng thọ thực xong, nàng đến đảnh lễ dưới chân Thế Tôn, chú nguyện vị trí ấy.

Bậc Đạo Sư sau khi dùng Phật nhãn quán chiếu vị lai, Ngài phán giữa hội chúng rằng:

"Nầy chư tỳ khưu, nàng tín nữ nào với tâm trong sạch cung thỉnh Như Lai cùng Tăng chúng cúng dường suốt bảy ngày, ta tiên đoán người ấy, các ngươi hãy lắng nghe: trải qua một trăm ngàn đại kiếp có vị Chánh Đẳng Giác hồng danh Gotama, là bậc Đạo Sư của thế gian, nàng tín nữ ấy sẽ là người thừa tự giáo pháp, sẽ trở thành đại thinh văn danh xưng Gotamī, sẽ là bậc dì Mẫu nuôi dưỡng sinh mạng của Đức Thế Tôn ấy và sẽ trở thành bậc kỳ cựu nhất trong hàng Ni chúng".

Sau khi nghe lời tiên đoán của bậc Đạo Sư, nàng ô cùng hoan hỷ, càng tích cực hộ độ Đức Phật và Tăng chúng với tứ vật dụng, thực hành trọn vẹn những phận sự của người tín nữ đối với tam bảo.

Do những thiện nghiệp ấy, sau khi mạng chung, nàng tái sanh lên cõi Đạo Lợi, được hưởng đầy đủ những thiên lạc thù thắng hơn các thiên nữ khác với mười phương diện là sắc, thinh, hương, vị, xúc, tuổi thọ, dung sắc, an lạc, uy danh và sự sáng chói. Nàng được làm hoàng hậu khả ái đáng nhìn của Đức Thiên Vương Đế Thích.

Đến mãn thời kỳ giáo pháp của Đức Thế Tôn Kassapa, nàng tái sanh trong một ngôi làng của dân nô lệ thành Bārāṇasī. Khi lớn lên, nàng được gả cho người trưởng làng.

Một hôm, có năm vị Phật Độc Giác ngự vào làng khất thực, nhìn thấy quý Ngài với lục căn thanh tịnh, màu da sáng chói, đầy đủ uy nghi chánh hạnh của bậc Sa Môn, nàng phát tâm trong sạch, đặt bát cúng dường. Sau khi khất thực xong, chư Phật Độc Giác đi vào rừng Isipatana.

Lúc bấy giờ, thời tiết đã vào mùa mưa, nàng cùng chồng lãnh đạo năm trăm gia đình nô lệ trong làng, xây dựng năm ngôi tịnh thất, đắp con đường kinh hành, sắp đặt các lu nước cùng đầy đủ các vật dụng cần thiết; sau khi hoàn tất, nàng đã cung thỉnh chư Phật Độc Giác an cư mùa mưa trong các ngôi tịnh thất ấy.

Hằng ngày, nàng tổ chức cho năm trăm phụ nữ trong làng thay phiên nhau cúng dường thực phẩm đến chư Phật Độc Giác và tuần tự như thế suốt ba tháng.

Mãn mùa mưa, nàng đã vận động mỗi gia đình hùn một tấm vải choàng gộp lại may năm bộ tam y, dâng đến năm vị Phật Độc Giác. Chư Phật thọ nhận tam y, nói lời phúc chúc hoan hỷ đến các thí chủ, rồi bay về núi Gandhamādana, trước sự chứng kiến của năm trăm nàng tín nữ ấy.

Do khéo tích trữ nhiều thiện nghiệp, nên sau khi mệnh chung nàng được sanh lên cõi Đạo Lợi, mãn thọ trên cõi ấy, nàng tái sanh vào gia đình trưởng nhóm thợ dệ, trong một làng dệt tại thành Bārāṇasī.

Một hôm, nàng nhìn thấy năm trăm vị Phật Độc Giác (trước kia là thái tử của hoàng hậu Padumavatī) đang ngự đi khất thực, nàng phát tâm tịnh tín, thành kính đảnh lễ Chư Phật và đặt thực phẩm cúng dường. Chư Phật thọ thực xong, bay về núi Gandhamādana.

Trong kiếp cuối cùng, nàng tái sanh trong hoàng tộc của đức vua Mahāsuppabuddha, thành Devadaha. Nàng được đặt tên theo họ là Gotamī và là em của công chúa Mahāmāyā.

Trong ngày lễ đặt tên, các vị Bàlamôn xem tướng, tiên đoán rằng:

"Về sau con của hai nàng công chúa nầy sẽ trở thành vị Chuyển Luân Vương".

Khi hai nàng trưởng thành, đức vua Suddhodana (Tịnh Phạn) làm lễ rước cả hai về hoàng cung của mình.

Sau khi bậc Đạo Sư giác ngộ, Ngài chuyển pháp luân tế độ quần sanh, rồi Ngài tuần tự ngự về thành Kapilavatthu tiếp độ phụ vương cùng quyến thuộc, trong dịp nầy, đức vua Tịnh Phạn đã chứng đạt quả vị Vô Sanh và viên tịch niết bàn ngay sau đó.

Với sự băng hà của đức vua khiến bà Gotamī động tâm mạnh và có ý muốn xuất gia.

Lần đầu, Bà đến xin bậc Đạo Sư nhưng Ngài không chấp thuận. Lần thứ hai, bà tự cắt tóc, đắp y casa và sau khi giảng xong bài kinh Kalahavivāda, Bà cùng với năm trăm công nương dòng Thích Ca đi đến thành Vesālī nhờ Đại đức Ānanda vào năn nỉ xin bậc Đạo Sư. Rồi bà được xuất gia, thọ cụ túc giới cùng tám trọng pháp.

Một hôm, bà đến yết kiến bậc Đạo Sư, đảnh lễ xong, Bà đứng một bên, bậc Đạo Sư đã chỉ dẫn một đề tài thiền quán, Bà tín thọ lời dạy Thế Tôn, rồi nhiệt tâm tinh cần tu tập, không bao lâu Bà cũng được chứng quả Alahán cùng với lục thông và tuệ phân tích. Còn năm trăm vị tỳ khưu ni ấy, sau khi nghe tôn giả Nandaka ban lời giáo giới, tất cả đều chứng đạt lục thông.

Một hôm, nhân dịp Chư Tăng câu hội đông đảo tại Jetavanavihāra (Kỳ Viên Tịnh Xá), ngự toạ giữa tăng chúng, bậc Đạo Sư đã biểu dương Bà là bậc kỳ cựu nhất trong hàng Ni chúng.

Ngày nọ, trong lúc ngồi suy niệm ân đức của bậc Đạo Sư và những thành quả mà mình đạt được, Bà đã hoan hỷ cảm xướng bài kệ rằng:

"Kính bạch bậc Giác Ngộ
Con xin đảnh lễ Ngài
Ngài là bậc Tối thượng
Giữa mọi loài chúng sanh
Ngài giải khổ cho con
Cùng rất nhiều người khác"
"Liễu tri mọi đau khổ
Đoạn sạch nhân sanh khổ
Tu tập bát Thánh đạo
Ta chứng đạt pháp tịch diệt"
"Trong quá khứ chúng ta
Từng là mẹ, là con
Từng là anh, là em
Là ông bà của nhau
Không biết sự thật ấy
Ta mới bị luân hồi"
"Nay ta thấy Thế Tôn
Thân nầy thân cuối cùng
Sanh tử được đoạn tận
Kiếp sống mới không còn"
"Xin Ngài hãy nhìn xem
Các vị đệ tử ấy
Sống tinh cần nhất hướng
Luôn kiên trì nỗ lực
Hoà hợp cùng tác chứng
Pháp siêu thế đặc thù
Để cúng dường Đạo Sư"
"Nàng Mahāmāyā
Sanh đức Gotama
Để lợi ích phần đông
Vì Ngài đã giải toả
Khổ uẩn của chúng sanh
Bị già chết tàn phá".

Trong tập Apadāna đã ghi lại giai thoại về thời Niết bàn của trưởng lão ni Mahāpajāpatīgotamī như sau:

Một thời, Đức Thế Tôn ngự tại Kūṭāgāra, rừng Mahāvana (Đại Lâm), thành Vesālī.

Lúc bấy giờ, trưởng lão ni Mahāpajāpatīgotamī, dì mẫu của bậc Đạo Sư, sống an lạc tại tịnh xá tỳ khưu ni cùng với năm trăm vị tôn ni lậu tận.

Trong lúc ngồi yên tịnh, Bà khởi lên tư tưởng như sau:

"Việc Niết bàn của Đức Thế Tôn, của hai vị thượng thinh văn, của Rāhula, Ānanda và Nanda ta không được chứng kiến vì nay đã đến thời ta niết bàn, ta cần phải đến xin phép bậc Đạo Sư, rồi mới từ bỏ thọ hành niết bàn".

Năm trăm vị tỳ khưu ni ấy cũng có sự suy nghĩ tương tự.

Lúc bấy giờ, quả địa cầu rung động, rung chuyển, trống chư thiên cũng tự nhiên vang tiếng. Các chư thiên ngự tại tịnh xá tỳ khưu ni sầu khổ, than khóc, thật đáng thương vô cùng.

Rồi các tỳ khưu ni cùng các chư thiên ấy đi đến trưởng lão ni, phủ phục dưới chân Bà thưa rằng:

"Kính bạch Ni trưởng, chúng con được thấm nhuần dòng nước bất tử tại tịnh xá nầy, mới đây từ nơi sâu thẳm, quả địa cầu bỗng nhiên rung động, rung chuyển, trống chư thiên cũng tự vang tiếng và chúng con nghe tiếng than khóc. Kính bạch Ni trưởng, phải chăng có nguyên nhân gì phát sanh?".

Trưởng lão ni Mahāpajāpatigotamī bèn thuật lại dòng tư tưởng của mình; kế đó, các vị tỳ khưu ni cũng lần lượt kể lại sự suy nghĩ của mình, xong chư Ni ấy thưa rằng:

"Kính bạch Ni trưởng, nếu Người muốn niết bàn thì chúng con sẽ niết bàn theo, chúng con sẽ rời khỏi ngôi nhà tam giới, đi đến thành phố thù diệu niết bàn cùng với người".

Trưởng lão ni nói rằng:

"Khi các con đi Niết bàn, thì ta còn biết nói gì".

Rồi Bà rời khỏi tịnh xá cùng với Chư Ni ấy, vừa bước ra cổng, Bà dừng lại nói với các chư thiên ngự tại tịnh xá rằng:

"Hãy hoan hỉ cho ta, đây là lần nhìn cuối cùng nơi tịnh xá Ni nầy, trong chỗ nào không có già, không có chết, không có tạo tác, không có thương yêu, không có xa lìa những vật thương yêu, nơi ấy các bậc hiền trí gọi là Asankhatasathāna (vô vi xứ)".

Nghe những lời ấy các vị còn phàm than thở rằng"

"Thật đáng buồn tủi, chúng ta là những người phước mỏng, tịnh xá Ni nầy từ nay sẽ trống vắng, và nơi đây sẽ không còn những tỳ khưu ni thanh tịnh như vầy nữa, ví như những vì sao sẽ không còn khi mặt trời xuất hiện".

Trưởng lão ni Gotamī cùng năm trăm tỳ khưu ni đi Niết bàn ví như dòng song Gaṇgā cùng với năm trăm con sông xuôi về biển cả vậy.

Các tín nữ thấy trưởng lão ni đang đi trên đường, họ cùng nhau rời khỏi nhà, đến phủ phục dưới chân Bà than rằng:

"Kính bạch Ni trưởng, chúng con tịnh tín nơi Người, giờ Người đành bỏ chúng con để chúng con trở thành người bơ vơ không nơi nương tựa, Ni trưởng ơi! Xin chớ vội niết bàn".

Để giải toả nỗi sầu muộn của các tín nữ ấy, trưởng lão ni khuyên rằng:

"Chớ có than khóc nầy các con, hôm nay các con cần phải vui mừng, vì sự khổ ta đã biến tri rồi, nguyên nhân sanh khổ ta đã đoạn trừ rồi, sự diệt khổ ta đã tác chứng rồi, và Thánh đạo ta cũng đã tu tập rồi, phận sư đối với bậc Đạo Sư ta đã thực hành rồi, lời Ngài dạy ta cũng đã làm xong, gánh nặng ta đã đặt xuống, ái hữu đã được ta nhổ sạch. Vì mục đích gì, những người rời bỏ nhà xuất gia sống không nhà, mục đích ấy ta đã chứng đạt rồi, mọi kiết sử đã được chấm dứt.

Các con ơi! chớ có sầu muộn vì ta, trưởng lão Koṇḍañña, trưởng lão Ānanda, trưởng lão Nanda vẫn còn, trưởng lão Rāhula cũng vẫn còn, chư Tăng vẫn sống hoà hợp an lạc, sao các con lại buồn.

Các con ơi! ước nguyện nào mà ta đã khởi tập, từ quá khứ xa xưa ước nguyện ấy sẽ thành tựu với ta trong ngày hôm nay, lúc nầy là lúc đánh trống hoan hỷ, những giọt nước mắt của các con sẽ có lợi ích gì? Nếu các con quý mến và biết ơn ta, các con hãy tinh cần an trú trong thiện pháp đi.

Việc ta năn nỉ xin bậc Đạo Sư cho hàng phụ nữ xuất gia và được Ngài chấp thuận, điều đó khiến ta vô cùng hoan hỷ, xin các con hãy tuỳ hỷ theo đi".

Sau khi trưởng lão ni khuyên nhủ các tín nữ như thế, Bà cùng với chư Ni đi đến chỗ bậc Đạo Sư, đảnh lễ Ngài và thưa rằng:

"Kính bạch bậc Thiện Thệ, con là mẹ của Ngài. Kính bạch bậc Đại Tuệ, Ngài là cha của con. Kính bạch bậc Thế Y, Ngài là người ban an lạc cho con. Kính bạch bậc Đại Sa Môn, Ngài là sanh mẫu của con. Kính bạch Đức Thế Tôn, pháp thể Ngài được tăng trưởng từ những giọt sữa của con, nhờ những giọt sữa nầy mà Ngài đã hết khát trong một lúc, còn tâm con được lớn mạnh từ dòng sữa Chánh Pháp của Ngài, nhờ dòng sữa nầy mà con vĩnh viễn chấm dứt mọi thèm khát. Kính bạch bậc Đại Ẩn Sĩ, được làm mẹ của Chuyển Luân Vương là một vinh hạnh lớn lao của hàng phụ nữ, nhưng mẹ như vậy được gọi là mẹ trong biển luân hồi. Kính bạch Ngài con bị chìm trong biển luân hồi, được Ngài cứu thoát khỏi dòng luân hồi ấy. Đối với phụ nữ muốn làm mẹ của Chuyển Luân Vương đã là khó, nhưng bội bội phần khó hơn là làm Phật mẫu. Kính bạch bậc Đại Hùng, danh xưng Phật mẫu ấy con cũng đã được rồi, sự ước muốn dầu nhỏ hay lớn nay với con đã chấm dứt. Đời sống phạm hạnh mà con đã dầy công thực hành chỉ với mục đích duy nhất là từ bỏ ngũ uẩn niết bàn. Kính bạch bậc Dứt Khổ xin Ngài từ bi chấp thuận cho con, xin Ngài hoan hỷ duỗi hai bàn chân có đầy căm xe và cờ thật mềm mại như hoa sen, con sẽ đảnh lễ bàn chân ấy. Kính bạch bậc Dẫn Dắt, xin Ngài từ bi hiện thân với đầy đủ tướng tốt, sáng chói như khối vàng, sau khi chiêm ngưỡng con sẽ niết bàn".

Bậc Đạo Sư bèn hiển lộ kim thân đầy đủ với ba mươi hai đại nhân tướng, được tô điểm với hào quang xinh đẹp như mặt trời toả ánh sáng êm dịu trong buổi hoàng hôn. Rồi trưởng lão Mahāpajāpatīgotamī với trọn lòng thành kính phủ phục dưới chân Thế Tôn, thưa rằng:

"Con xin đảnh lễ bậc dòng dõi mặt trời, chúa của muôn loài, Ngài là ngọn cờ chiến thắng của dòng dõi mặt trời, con xin quy y Ngài lần cuối cùng, để rồi không còn gặp lại Ngài nữa. Kính bạch bậc Cao Quý của thế gian, thông thường các phụ nữ gây nên những lỗi lầm rồi mệnh chung, nếu con có lỗi lầm gì, xin Ngài từ bi xá những lỗi lầm ấy cho con.

Lại nữa, con đã cố nài nỉ Ngài cho hàng phụ nữ xuất gia. Kính bạch bậc Thượng Nhân, nếu đây là một lỗi lầm, thì xin Ngài từ bi xá lỗi ấy cho con. Kính bạch bậc Đại Hùng, các tỳ khưu ni đồ chúng của con, nếu có phạm lỗi gì, xin Ngài từ bi tha thứ.

Đức Thế Tôn phán rằng:

"Nầy Gotamī người trang điểm với đức hạnh, làm sao có lỗi lầm với người sắp niết bàn, Như Lai sẽ nói gì, khi Tăng chúng của Ta thanh tịnh không khiếm khuyết".

Lúc bấy giờ năm trăm vị tỳ khưu ni, đi nhiễu quanh Đức Thế Tôn, ví như các vì sao di chuyển quanh Tu di sơn vương vậy. Còn trưởng lão ni, sau khi phủ phục dưới chân Thế Tôn, Bà đứng lên, hướng nhìn Ngài thưa rằng:

"Mắt của chúng con không bao giờ biết no đủ khi ngắm nhìn Ngài, tai của chúng con không bao giờ biết no đủ với kim ngôn của Ngài, tâm của chúng con duy nhất được no đủ với vị pháp của Ngài.

Kính bạch bậc Cao Cả của muôn loài, khi Ngài tuyên thuyết Chánh Pháp để diệt trừ phiền não cho hội chúng, những người nào được diện kiến Ngài, những người ấy gọi là người có phước. Kính bạch bậc Thượng Đức, những người nào đảnh lễ dưới chân Ngài, những người ấy gọi là người có phước.

Kính bạch bậc Thượng Nhân, những người nào được nghe pháp âm vi diệu của Ngài có công năng ly khổ đắc lạc, những người ấy gọi là người có phước".

Kế đó, trưởng lão ni trình bạch về việc Niết bàn của mình trước chư tỳ khưu Tăng, xong Bà đến đảnh lễ tôn giả Rāhula, tôn giả Ānanda, tôn giả Nanda và nói như vầy:

"Các con ơi! Mẹ nhàm chán xác thân nầy, xác thân nầy như là chỗ ở của rắn độc, chỗ ngụ của bệnh hoạn, ngôi nhà của khổ, hành xứ của già và chết, đầy dẫy những bụi phiền, yếu đuối phải dựa vào người khác, chính vì vậy, Mẹ mới mong niết bàn. Các con ơi! Hãy hiểu cho Mẹ".

Tôn giả Nanda và tôn giả Rāhula là bậc ly sầu, vô lậu, kiên cố bất động, trí tuệ, tinh cần, suy nghĩ rằng:

"Cả tam giới nầy, do duyên tạo tác không vững chắc, không có lõi ví như cây chuối, như trò ảo thuật hay như bào ảnh, trưởng lão ni Mahāpajāpatīgotamī, người nuôi dưỡng Đức Phật, rồi cũng không thể tránh khỏi cái chết, các pháp hữu vi là vô thường".

Lúc bấy giờ, tôn giả Ānanda còn là bậc hữu học, Ngài không chịu nổi cảnh biệt ly như thế, ràn rụa nước mắt, thật đáng thương tâm.

Thấy tôn giả Ānanda sầu não như thế, Bà đến an ủi rằng:

"Con ơi! Ai cũng đều phải chết, con không nên sầu muộn vì sự chết của Mẹ nhờ vào lời cầu xin của con, Mẹ mới được bậc Đạo Sư cho phép xuất gia. Con ơi! Con chớ bi ai, con hãy gắng gìn giữ giáo pháp, Mẹ nhìn con lần nầy là lần cuối cùng. Với người đi trong hướng nào để không xuất hiện nữa thì Mẹ sẽ đi trong hướng ấy".

Rồi Đức Thế Tôn nói với trưởng lão ni rằng:

"Nầy Gotamī, những kẻ ngu nào hoài nghi sự giác ngộ của chúng sanh, ngươi hãy hiển thị thần thông, để cho những kẻ ngu ấy từ bỏ tà kiến".

Sau khi đảnh lễ Đức Thế Tôn, trưởng lão ni bay lên hư không, biểu diễn thần thông, theo sự cho phép của Bậc Đạo Sư, Bà hoá hiện một thân thành nhiều thân, nhiều thân thành một thân, làm cho xuất hiện, làm cho biến mất, đi xuyên qua vách tường, vách núi như đi nơi chỗ trống, độn thổ trồi lên ngang qua đất liền như ở trong nước, đi trên mặt nước không bị chìm xuống như trên đất liền, bay lên hư không như loài chim, tự thân bay đến cõi phạm thiên, trưởng lão ni dùng thần thông lực biến hoá đủ loại, rồi thưa rằng:

"Kính bạch bậc Đại Hùng, con hành theo lời dạy của Ngài, đã chứng đạt lợi ích, con xin đảnh lễ dưới chân của Ngài".

Trưởng lão ni bèn ngự xuống từ hư không, đảnh lễ bậc Đạo Sư, xong Bà ngồi một nơi phải lẽ, thưa rằng:

"Kính bạch Đại Ẩn Sĩ, nay con thọ được một trăm hai mươi tuổi, với chừng ấy cũng vừa đủ, con xin từ biệt niết bàn".

Lúc bấy giờ, năm trăm tỳ khưu ni đồ chúng của trưởng lão ni, cùng nhau bay lên hư không với uy lực thần thông các tôn Ni sáng chói như những vì sao di hành chung nhau, chư tôn Ni ấy đã hoá hiện nhiều loại thần thông như những thợ vàng thuần thục chế biến nhiều loại trang sức vậy.

Sau khi hoá hiện nhiều loại thần thông, các tỳ khưu ni ấy, hạ xuống từ hư không, đảnh lễ bậc Đạo Sư, rồi ngồi một nơi phải lẽ, thưa rằng:

"Kính bạch bậc Đại Hùng, trưởng lão ni Gotamī, là người tiếp độ chúng con, nay chúng con đã tỏ ngộ giáo pháp, chấm dứt các lậu hoặc, thiêu đốt mọi phiền não, nhổ tận gốc sanh hữu, chặt đứt mọi kiết sử như người thợ chặt dây. Việc chúng con đi đến với Thế Tôn là việc đến tốt đẹp, tam minh chúng con đã chứng đạt, lời Phật dạy làm xong. Chúng con thuần thục trong hoá thông và thiên nhĩ thông. Kính bạch Đại Ẩn Sĩ, chúng con thuần thục tha tâm thông, chứng ngộ túc mạng minh, thiên nhãn được thanh tịnh, đoạn tận các lậu hoặc, sanh hữu mới không còn. Kính bạch bậc Đại Hùng, chúng con có trí tuệ thấu triệt trong tứ vô ngại giải, trí ấy phát sanh từ chỗ của Ngài. Kính bạch Đại Ẩn Sĩ, xin Ngài hoan hỷ cho phép chúng con niết bàn".

Bậc Đạo Sư phán rằng:

"Nầy các tỳ khưu ni, khi các ngươi ngỏ lời xin niết bàn, Như lai còn gì để nói, nay các ngươi hãy làm những gì, nghĩ là hợp thời".

Rồi Trưởng lão ni cùng chư Ni ấy, đãnh lễ bậc Đạo Sư, từ chỗ ngồi đứng dậy ra đi, Đức Thế Tôn cùng hội chúng tiễn Trưởng lão ni đến tận cổng. Trưởng lão ni cùng chư Ni phủ phục dưới chân bậc Đạo Sư thưa rằng:

"Đây là lần đảnh lễ cuối cùng của chúng con và lần diện kiến nầy cũng là lần diện kiến sau cuối, để rồi chúng con sẽ không con gặp lại Ngài nữa, vì lát nữa đây chúng con sẽ niết bàn".

Kế đó, Trưởng lão ni cùng chư Ni đi về Tịnh xá của mình an tọa trên chỗ ngồi,

Lúc bấy giờ, các tín nữ trong kinh thành, nghe tin về Trưởng lão ni, cùng nhau đi đến Tịnh xá, đảnh lễ dưới chân bà, rồi than van khóc lóc thật đáng thương, với tâm trạng đầy sầu muộn, họ thưa rằng:

"Kính bạch Ni trưởng, người là chỗ nương tựa của chúng con, xin người đừng bỏ chúng con mà niết bàn, chúng con khấu đầu cúi xin người".

Trưởng lão ni xoa đầu một tín nữ là người có niềm tin, có trí tuệ, là bậc huynh trưởng của các bậc tín nữ ấy, khuyên như vầy:

"Các con ơi! Khi sầu muộn có nghĩa rơi vào cạm bẩy của ác ma, như vậy thật không nên, các pháp hữu vi là vô thường, mỗi con người cuối cùng rồi cũng phải biệt ly, các con chớ có sầu muộn làm gì".

Nói xong, Trưởng lão ni tuần tự nhập Sơ thiền, Nhị thiền, Tam thiền, Tứ thiền, nhập thiền không vô biên xứ, , nhập thiền thức vô biên xứ, nhập thiền vô sở hữu xứ, nhập thiền phi tưởng phi phi tưởng xứ. Sau khi, nhập thiền theo chiều xuôi, Trưởng lão ni bèn nhập thiền theo chiều nghịch, rồi nhập trở lại từ sơ thiền cho đến tứ thiền, xuất tứ thiền bà viên tịch niết bàn ví như ngọn đèn hết dầu rồi tắt vậy.

Năm trăm vị tỳ khưu ni ấy, cũng đồng lượt niết bàn với Ni turởng Gotamī.

Lúc bấy giờ, quả địa cầu rung chuyển, sấm chớp vang trời, trống chư thiên cũng tự vang tiếng, các chư thiên nhỏ lệ mưa hoa từ hư không rơi xuống, ngọn Tu Di sơn vương cũng rung chuyển, đại dương cũng nổi sống. Các hàng chư thiên, Long vương, Atula và Phạm thiên đều đồng tâm kính tiếc tự thốt lên lời rằng:

"Các pháp hữu vi là vô thường, ví như Trưởng lão ni nầy cuối cùng cũng hoại diệt, tất cả chúng sanh hợp nhau rồi tan là chỗ cuối cùng, mạng sống nầy cũng đi theo qui luật ấy".

Bậc Đạo Sư phán gọi Tôn giả Ānanda đến dạy rằng:

"Nầy Ānanda, người hãy đi thông bào cho chư Tăng biết việc Niết bàn của trưởng lão ni".

Lúc ấy, tôn giả Ānanda với tâm trạng sầu thảm, đôi mắt ứa lệ, cất tiếng rằng:

"Xin chư Tỳ trong hướng đông, hướng nam, hướng tây và hướng bắc, hãy đến vân tập, vị trưởng Ni, người đã làm cho thân cuối cùng của bậc Đaọ Sư lớn lên bằng sữa, với danh xưng Mahāpajāpatigotamī đã niết bàn, ví như vì sao mặt trời mọc vậy, xin quý Ngài hãy tạo sự tôn trọng đối với Phật mẫu đi".

Chư Tỳ khưu nghe lời bố cáo ấy, vội vã đi đến, có một số vị đến bằng Phật lực, có một số vị thiện xảo trong thần thông, cùng đến bằng thần thông rồi cùng nhau đưa linh sàng của trưởng lão ni Gotamī, an trú trong hỏa đài cao quí, đặc biệt được làm toàn bằng vàng rất đẹp, bốn vị Thiên vương đưa vai tiếp nhận hỏa đài, đức Đế Thích cùng các chư thiên cũng đến tiếp nhận hỏa đài, tổng cộng có năm trăn hỏa đài do Thiên tử Vissukamma hóa tạo, có màu sắc rực rở như mặt trời giữa mùa thu, các vị chư thiên tuần tự khiêng linh sàng của năm trăm tôn Ni an trú vào hỏa đài. Các bệ hỏa đài được trải đầy hoa, các chư thiên cúng dường bông hoa vật thơm và ca múa, nhóm long cung, Atula và phạm thiên cũng đến cúng dường Phật mẫu.

Dẫn đầu đoàn tang lễ là nhân loại, chư thiên, long vương, Atula và phạm thiên, kế là năm trăn hỏa đài an trí nhục thể của năm trăm vị tôn Ni, tiếp theo là hỏa đài của trưởng lão ni Gotamī, sau cùng là Đức Phật cùng chư Tăng.

(Đây là một lễ tang vô cùng tôn nghiêm, long trọng và hi hữu, với sự tham dự của Đức Thế Tôn và nhiều vị đại Thinh văn).

Tang lễ của Đức Phật không được đầy đủ như thế, khi Đức Thế Tôn niết bàn, không có mặt hai vị chí thượng thinh văn và một số vị đại Thinh văn.

Mọi người giúp nhau làm bệ hỏa đài thành tựu bằng vật thơm và rãi đầy bột thơm, rồi thiêu nhục thể chư tôn Ni trên bệ ấy, lửa thiêu đốt tất cả chỉ còn lại Xá - lợi.

Nhìn quanh cảnh ấy, tôn giả Ānanda than rằng:

"Trưởng lão ni Gotamī đã viên tịch niết bàn, nhục thể của bà cũng bị thiêu đốt hết, rồi không bao lâu nữa Thế Tôn cũng sẽ niết bàn".

Sau đó, bậc Đạo Sư dạy tôn giả Ānanda nhặt Xá -lợi của trưởng lão ni Gotamī đặt vào bát của bà, rồi dâng lên Đức Phật. Bậc Đạo sư cầm bát đựng Xá - lợi phán rằng:

"Vì hữu vi là thực tánh vô thường nên dù trưởng lão ni Gotamī, là bậc Ni trưởng trong hàng Ni chúng cũng phải niết bàn, ví như thân cây lớn có lõi rắn chắc, dù to lớn nhưng rồi cũng bị hư hoại. Hãy nhìn nầy Ānanda, Phật mẫu niết bàn chỉ còn lại xá-lợi, cũng không có sự sầu bi nào cả".

Tôn giả Ānanda thưa rằng:

"Thật vi diệu thay là mẹ của ta, bà niết bàn chỉ còn lại Xá - lợi, không có sự sầu bi nào cả".

Đức Thế Tôn phán rằng:

"Trường lão Ni Gotamī đã vượt qua biển luân hồi, đã đoạn trừ nhân khiến cho nhiệt não, trở thành bậc an tịnh, Gotamī là bậc hiền trí, bậc đa tuệ, bậc quãng tuệ và là bậc kỳ cựu nhất trong hàng Ni chúng".

Nầy chư Tỳ khưu, các người hãy thọ trì như vầy Gotamī là bậc thuần thục trong hóa thông, thiên nhĩ thông và tha tâm thông, đã chứng ngộ túc mạng minh, thiên nhãn được thanh tịnh và đoạn tận các lậu hoặc, sanh hữu mới không còn, với trí tuệ thấu triệt tứ vô ngại giải, vì vậy không nên sầu muộn đến Gotamī ấy. Hành tướng (gati) của lửa khi bị dập tắt, không ai biết được như thế nào, hành tướng của người thoát khỏi phiền não, thoát khỏi bộc lưu, chứng đạt pháp bất động cũng không ai biết được dường thế ấy. Do vậy, các ngươi hãy tự mình làm chỗ nương tựa, lấy niệm xứ làm con đường đi, khi các ngươi tu tập thất giác chi thì sẽ chấm dứt mọi khổ đau.

*

13- BÀI KỆ NGÔN CỦA TRƯỞNG LÃO NI UPPALAVAṆṆĀ

Được biết trưởng lão ni Uppalavaṇṇā đã nói lên bài kệ rằng:

"Cả hai mẹ và con
Cùng có chung một chồng
Cảnh ngộ thật hy hữu
Khiến ta động tâm mạnh
Với lông tóc dựng ngược"
"Khả ố thay các dục
Đầy bất tịnh hôi thối
Nhiều gai gốc phiền muộn
Tại đấy mẹ và con
Làm vợ chung một chồng"
"Thấy các dục nguy hại
Thấy xuất ly an lạc
Ta rời bỏ xuất gia
Sống cuộc đời không nhà"
"Chứng tri túc mạng minh
Thiên nhãn ta thanh tịnh
Trí tuệ biết tâm người
Cùng thiên nhĩ trong sạch"
"Ta chứng đạt hóa thông
Đoạn tân các lậu hoặc
Tác chứng sáu thắng trí
Lời phật dạy làm xong"
"Với uy lực thần thông
Ta hóa xe tứ mã
Đảnh lễ dưới chân Phật
Bậc nương tựa của đời".

Một hôm ác ma đi đến lung lạc nàng với bài lệ rằng:

"Nàng đi đến gốc cây
Đang nở hoa xinh đẹp
Nàng đứng chỉ một mình
Đơn độc không bạn hữu
Chứ bộ nàng không sợ
Cám dỗ, kẻ làng chơi".
Trường lão Ni đáp:
"Trăm ngàn kẻ làng chơi
Đến vây quanh cám dỗ
Mảy lông ta không động
Hỡi nầy ác ma kia
Chỉ với một mình ngươi
Sẽ làm gì được ta"
"Ta có thể biến mất
Vào bụng ngươi cũng được
Hay đứng giữa lông mày
Nhưng ngươi chẳng thấy ta"
"Vì tâm ta thuần thục
Thần túc khéo tu tập
Tác chứng sáu thắng trí
Lời Phật dạy làm xong".
"Các dục như gươm giáo
Các uẩn là thớt chặt
Các dục mà người gọi
Là lạc thú cuộc đời
Nay những dục lạc ấy
Với ta không còn nữa"
"Luôn cả khối si ám
Cũng bị ta phá tan
Hỡi này, ác ma kia
Ngươi hãy biết như vậy
Ngươi đã bị bại trận".

Trong thời Giáo Pháp của Đức Tôn Padumuttara, vị Trưởng lão ni nầy tái sanh trong một gia đình trưởng giả giáu có, tại thành Haṃsavatī.

Một hôm, nàng cùng với đại chúng đi đến Tịnh xá nghe pháp, nhìn thấy bậc Đạo Sư biểu dương một vị Tỳ khưu ni đệ nhất về thần thông trong hàng Ni chúng. Thỏa thích với hình ảnh đó, nàng cung kỉnh bậc Đạ Sư cùng chư Tăng về cúng dường trai phạn suốt bảy ngày và cúng dường y, xong nàng cúi đầu dưới chân bậc Đạo Sư, chú nguyện như vầy:

"Kính bạch bậc Đại Hùng, do phước báu nào mà con đã trong sạch cúng dường thực phẩm và y đến Ngài cùng chư Tăng, cầu xin cho con được thành tựu vị trí như tôn Ni kia vậy".

Lúc bấy giờ, bậc Đạo Sư phán với nàng rằng:

"Nầy tín nữ, người có tấm lòng cao quí, trong tương lai trải qua 100 ngàn đại kiếp có vị Chánh Đẳng Giác hồng danh Gotama, là bậc Đạo Sư của thế gian, ngự sanh lên. Ngươi sẽ trở thành người thừa tự Giáo pháp của Đức Thế Tôn ấy, là người có đại thắng trí, hành theo lời dạy của bậc đạo Sư, chấm, dứt các lậu hoặc và trở thành đại Thinh văn đệ nhất về thần thông, với danh xưng là Uppalavaṇṇā.

Sau khi nghe lời tiên đoán của bậc Đạo Sư, nàng vô cùng hoan hỷ, từ đó nàng càng tích cực hơn trong các thiện sự, an trú trong giới hạnh của người cư sĩ, sống từ bi bác ái đối với mọi loài và hết lòng hộ độ Đức Phật cùng Tăng chúng.

Nhờ các thiện nghiệp ấy nên sau khi mệnh chung, nàng được sanh lên cõi Đạo Lợi.

Trong kiếp thứ chín mươi mốt, có vị Chánh Đẳng Giác hồng danh Vipassī, bậc tỏ ngộ các pháp, sanh lên trong thế gian.

Vào thời ấy, nàng tái sanh trong một gia đình triệu phú tại thành Bārāṇasī, xứ Kāsī.

Do thiện duyên đời trước, nên từ nhỏ nàng được hấp thụ ánh sáng Chánh pháp, và trở thành một tín nữ ngoan đạo.

Nàng thường xuyên hộ độ cúng dường tứ sự đến Đức Phật cùng Tăng chúng, do muốn được dung sắc xinh đẹp nên nàng luôn cúng dường hoa sen đến Đức Phật và chú nguyện cho mình có một dung sắc xinh đẹp như hoa sen.

Trong thời Giáo pháp của Đức Thế Tôn Kassapa, nàng sanh làm công chúa thứ hai của đức vua Kiki tại thành Bārāṇasī, xứ Kāsī và tên là Samanagutta.

Phụ vương của nàng là một cận sự nam sùng kính Tam bảo và là một đại đàng tín của Đức Phật Kassapa, nhờ vậy mà từ nhỏ nàng luôn có cơ hội đặt bát cúng dường Đức Phật cùng chư Tăng.

Khi lớn lên, nàng được thấm nhuần hương vị Chánh pháp từ nơi Đức Phật, nàng thỏa thích đời sống xuất gia, nhưng phụ vương không cho.

Mặc dầu không được xuất gia, nhưng bảy chị em nàng vẫn không xao lãng ý tưởng xuất ly thọ trì thập giới, tinh tấn thực hành phạm hạnh suốt 20 ngàn năm.

Do những phước lành ấy, sau khi mệnh chung, nàng được sanh lên cõi Đạo Lợi.

Mãng thọ từ cõi trời, nàng tái sanh trong một gia đình nghèo, tại ngôi làng của dân lao động.

Một hôm, trên đường đi ra đồng gặt lúa, nàng nhìn thấy đóa sen mới nở dưới ao nước bên vệ đường, bèn lội xuống ao, hái lá sen và vài lá sen.

Khi ra đến chồi, nàng ngồi rang cốm và gói 500 hạt cốm vào những lá sen.

Lúc bấy giờ, tại núi Gandhamādana có một vị Độc Giác Phật vừa xuất thiền diệt, Ngài ôm bát ngự đi khất thực, không xa chòi lá của nàng, nhìn thấy Đức Độc Giác với những bước chân từ tốn thoát tục, nàng phát tâm trong sạch, cầm lấy gói cốm cùng đóa sen rời khỏi chòi lá, đến đặt vào bát của Ngài.

Khi Ngài vừa bước đi, nàng suy nghĩ rằng:

"Thông thường, các bậc xuất gia không cần hoa, vậy ta hãy nhận lại đóa hoa để trang điểm cho mình".

Nghĩ vậy nàng bèn đến lấy đóa hoa sen từ tay đức Độc Giác, cầm đóa sen trên tay, nàng chợt nghĩ:

"Nếu Ngài không cần dùng hoa, thì Ngài sẽ ngăn không nhận, vậy là Ngài thật sự cần dùng".

Nàng bèn đặt đóa sen trên bát và xin sám hối Ngài. Sau khi sám hối xong, nàng thành tâm chú nguyện rằng:

"Kính bạch Ngài, do phước mà con trong sạch cúng dường những hạt cốm, xin cho con có được những đứa con trai bằng với số lượng hạt cốm ấy và do quả phước cúng dường hoa sen, xin cho hoa sen hãy mọc lên dưới mỗi bước chân của con".

Đức Độc Giác nói lời tùy hỷ phúc chúc rồi bay về núi Gandhamādana trước sự chứng kiến của nàng. Ngài bèn lấy đóa sen đặt nơi bậc thang để làm vật chùi chân cho chư Phật Độc Giác và thọ dụng những hạt cốm.

Với thiện sự ấy, sau khi mệnh chung nàng được sanh lên thiên giới và có hoa sen mọc lên đỡ lấy những bước chân của nàng. Mãng thọ từ thiên giới, nàng tái sanh trong hoa sen, tại một ao sen gần chân núi, cạnh chân núi này có một vị đạo sĩ nương trú.

Vào buổi sáng, đạo sĩ lần xuống ao rửa mặt, nhìn thấy hoa sen ấy có vẻ khác thường, ông thầm nghĩ:

"Hoa sen này to hơn những đóa kia, nhưng những đóa kia đã nở hết rồi, sau đó hoa này vẫn còn búp, chắc là có nguyên nhân trong đóa sen ấy".

Nghĩ vậy, vị đạo sĩ bèn lội xuống nước hái lấy đóa sen ấy, khi bàn tay đạo sĩ vừa chạm vào, tức thì những cánh sen nở ra, đạo sĩ nhìn thấy một cô bé nằm trong đóa sen, vừa thấy đứa bé từ trong lòng đạo sĩ đã dâng lên một mối tình phụ tử thiêng liêng, ông liền bê đóa sen ấy về am thất của mình và đặt trên giường.

Do phước báu của đứa bé, mỗi khi nó khát sữa, mút tay, thì có một dòng sữa phát sanh từ đầu ngón tay của bé khiến nó không bao giờ bị đói khát.

Khi đóa hoa ấy héo, vị đạo sĩ bèn hái một đóa mới về thay, khi đứa bé biết đi, có hoa sen mọc lên đỡ lấy mỗi bước đi. Càng lớn, làn da và dung sắc của đứa bé càng trở nên tươi sáng và xinh đẹp, khi đạo sĩ vào rừng hái trái, đứa bé phải ở lại một mình trong am thất.

Khi nàng trưởng thành, theo thường mỗi buồi sáng vị đạo sĩ vào rừng hái trái.

Một hôm, sau khi vị đạo sĩ rời am thất vào rừng, tình cờ có một người thợ săn đi ngang qua am thất, nhìn thấy nàng, đầy kinh ngạc, ông ta nghĩ rằng:

"Nếu nàng ấy là người, sau lại có một dung sắc đặc thù như thế".

Nghĩ vậy, người thợ săn bèn núp vào một góc cây chờ vị đạo sĩ trở về. Khi đạo sĩ trở về, nàng bước ra tiếp nhận gánh trái cây và bình đựng nước.

Thấy vậy, người thợ săn biết chắc nàng là người, bèn đi đến đạo sĩ. Vị đạo sĩ lấy khoai củ, trái cây và nước uống mời người thợ săn rồi hỏi rằng:

"Nầy ông bạn, ông định nghĩ lại đây hay sẽ đi".

Người thợ săn đáp:

- Tôi sẽ đi bạch Ngài.

Vị đạo sĩ nói:

- Những gì ông đã thấy, sau khi rời khỏi nơi đây, xin ông đừng tiếc lộ với bất cứ ai được chăng?

Người thợ săn đáp:

- Nếu Ngài không muốn, thì tôi sẽ không nói đâu. Mặc dầu hứa với đạo sĩ như vậy, nhưng người thợ săn vẫn làm dấu nơi gốc cây, nơi con đường với ấy định sẽ quay lại.

Người thợ săn đi đến thánh Bārāṇasī, vào yết kiến đức vua, đức vua phán hỏi rằng:

"Khanh đến có chuyện chi chăng?"

Người thợ săn thưa:

"Muôn tâu Hoàng thượng, thần là thợ săn của Ngài, thần đã gặp một thiếu nữ thật đặc biệt ở gần chân núi, nên đến báo tin cho Hoàng thượng".

Rồi thuật lại mọi chuyện cho đức vua, sau khi nghe xong đức vua vội vã đi đến chân núi, dựng lều trại một chỗ không xa, rồi cùng với người thợ săn và một số vệ quân ngự đến am thất.

Lúc bấy giờ, vị đạo sĩ vừa thọ thực xong, đang ngồi nghĩ, đức vua tiến đến xá chào vấn an đạo sĩ, rồi ngồi xuống một nơi phải lẽ, đặt những vật dụng dành cho bậc xuất gia cạnh chân của đạo sĩ và phán rằng:

"Trẩm có một vài công việc cần phải giải quyết tại đây - Bạch đạo trưởng"

Đạo sĩ thưa rằng:

"Xin Đại vương cứ nói"

Đức vua phán: - Trẩm được người trình báo rằng, tại vùng này có một số kẻ ác, chúng có thể gây bất lợi cho Đạo trưởng, xin đạo trưởng hãy đi cùng với trẩm.

Đạo trưởng thưa: - Muôn tâu bệ hạ, đối với tâm tư con người thật khó khiến cho vừa ý, bần đạo có đứa con nuôi, nó sinh ra và lớn lên tại chốn hoang liêu cô tịch nầy, chẳng biết nó sẽ sống ra sao giữa chốn phồn hoa đô hội.

Đức vua phán: - Nếu Trẩm thương yêu nàng, trẩm sẽ hết lòng bảo bộc và đặt nàng ở ngôi vị cao quí nhất.

Nghe Đức vua nói vậy, đạo sĩ bèn gọi:

"Này Padumavatī thân yêu – Con hãy ra đây"

Nàng từ trong am thất bước ra vái chào, đạo sĩ nói với nàng:

"Này con thân, con đã trở thành thiếu nữ rồi, nơi đây không còn thích với con nữa, con hãy đi theo đức vua".

Nàng đáp: - Lành thay! – Thưa cha.

Rồi quỳ xuống bái biệt người cha thân yêu cùng với những giọt nước mắt.

Đức vua thấy vậy an ủi rằng:

"Nàng hãy yên tâm, trẩm sẽ bảo bộc cha của nàng, rồi đức vua đặt một số tiền vàng, ngay phía trước để làm nghi lễ rước nàng về hoàng cung.

Từ khi đức vua được nàng, Ngài không quan tâm đến những cung phi khác, chỉ vui vầy hoang lạc với riêng nàng, khiến các cung phi ấy sanh lòng ganh ghét muốn hãm hại nàng.

Một hôm, họ đi đến đức vua thưa rằng:

"Muôn tâu bệ hạ, người phụ nữ nầy, chẳng phải là loài người đâu, bệ hạ có từng thấy hoa sen mọc lên trên đường đi chăng, nàng nầy chắc chắn là Dạ xoa, xin bệ hạ hãy trục xuất nó khỏi kinh thành đi".

Nghe xong, đức vua im lặng.

Sau đó, tại vùng biên địa dấy loạn, đức vua nghĩ rằng:

"Hoàng hậu Padumavatī sắp đến ngày khai hoa, ta không thể đem nàng theo" đức vua đành để hoàng hậu ở lại kinh thành thống lĩnh sĩ tướng ra nơi biên địa.

Khi biết Hoàng hậu Padumavatī sắp đến ngày sanh nở, do lòng ganh ghét ngắm ngằm từ lâu, các cung phi bèn đút lót các tỳ nữ của Hoàng hậu và dặn rằng:

"Khi nào Hoàng hậu hạ sanh ngươi hãy mang đứa bé đi và lấy một khúc gổ thoa máu lên thay vào đó" không lâu sau, Hoàng hậu hạ sanh một vị Thái tử, vị Thái tử nầy sanh từ thai bào, còn 499 vị Thái từ còn lại, sanh từ thấp sanh.

Sau khi sanh xong, Hoàng hậu bị hôn mê, người nữ tỳ biết tình trạng của nàng, bèn thoa máu lên khúc gổ đem vào thay, rồi thông báo cho các cung phi, 500 cung phi mỗi người nhận một vị Thái tử gởi đến ngôi làng của người thợ tiện và đặt mỗi vị trong một cái hộp gổ phía ngoài có làm dấu.

Khi Hoàng hậu thức tỉnh, bèn gọi nữ tỳ đến hỏi rằng:

"Ta sanh rồi chưa?"

Nữ tỳ đáp:

"Thưa nương nương, nương nương chẳng có sanh một đứa bé nào cả", rồi đặt khúc gổ thoa máu trước mặt nàng thưa rằng:

"Đây là đứa con sanh ra từ thai bào của nương nương".

Nhìn khúc gổ, nàng vô cùng đau khổ, bảo đứa tỳ nữ rằng:

"Ngươi hãy chẻ khúc gổ ấy và đem quăng bỏ, ta sẽ phải hổ thẹn nếu có người biết chuyện này".

Nữ tỳ vâng lệnh Hoàng hậu chẻ khúc gổ và quăng vào lò lửa.

Nói về Đức vua từ biên cương trở về, do tin vào giờ lành, Ngài phán truyền cho nghĩ ngoài cổng thành.

Lúc bấy giờ, các cung phi hay tin bèn đi ra tiếp đoán đức vua và thưa rằng:

"Muôn tâu bệ hạ, có lẽ bệ hạ không tin những lời của bọn thiếp, nếu vậy xin bệ hạ cho gọi nữ tỳ của Hoàng hậu đến tra hỏi, Hoàng hậu của Ngài hạ sanh một khúc gổ".

Đức vua chưa kịp tra xét sự việc lại quả quyết rằng:

"Nàng nầy chắc chắn không phải là loài người, bèn đuổi nàng ra khỏi Hoàng cung. Khi nàng rời khỏi Hoàng cung những đóa sen cũng tự biến mất, đồng thời làn da trên thân thể của nàng cũng tái nhợt đi, nàng một mình thơ thẩn trên đường".

Lúc ấy, có một bà cụ nhìn thấy nàng, tự nhiên trong lòng bà phát sanh một tình thương như là con của mình, bèn cất tiếng hỏi rằng:

"Nầy con, con sẽ đi về đâu?"

Nàng đáp: - Thưa bà, tôi là người lữ hành đang đi tìm quán trọ.

Bà lạo nói: - Con hãy đến chổ nầy.

Rồi dẫn nàng đến một phước xá sắp đặt vật thực nuôi nàng và nhận nàng làm con nuôi. Nàng đã tạm ở chổ đó với đời sống như vậy.

Sau khi Hoàng hậu Padumavatī ra đi, 500 cung phi đi đến đức vua thưa rằng:

"Muôn tâu bệ hạ, khi bệ hạ xua quân đi dẹp loạn, chúng thiếp có khấn nguyện rằng: - Nếu bệ hạ chiến thắng trở về, chúng thiếp sẽ làm lễ tạ ơn chư thiên tại dòng sông Gaṅgā, cúi xin bệ hạ hãy ân chuẩn lời thỉnh cầu của chúng thiếp".

Đức vua hoan hỷ chấp thuận lời thỉnh cầu ấy, và cùng ngự đến bờ sông Gaṅgā. Các cung phi mang theo những hộp gổ được phủ kín vải. Khi đến bờ sông, các nàng ôm những hộp gổ ấy nhảy xuống nước và thả trôi các chiếc hộp. Những chiếc hộp trôi đi một đoạn bị dính vào lưới.

Các quan lính kéo lưới lên, thấy những chiếc hộp, đem đến trình với đức vua. Đức vua quan sát những chiếc hộp phán hỏi rằng:

"Nầy các khanh cái gì ở trong những chiếc hộp ấy?".

- Muôn Tâu Hoàng thượng, chúng thần không biết.

Đức vua bèn cho mở các hộp ấy ra xem, chiếc hộp của Thái tử Mahāpaduma được mở đầu tiên, trong thời gian, các Hoàng tử ở trong hộp do quả phước từ nơi đầu ngón tay của các vị phát sanh dòng sữa, khi các Hoàng tử đói nút ngón tay của mình như được mẹ cho bú vậy, và đức trời Đế Thích cho khắc chữ bên trong hộp để đức vua tin chắc rằng: các cậu bé này được sanh từ bào thai của Hoàng hậu Padumavatī và là Hoàng tử của đức vua Bārāṇasī.

Lúc bấy giờ, 500 cung phi kẻ thù hãm hại Hoàng hậu Padumavatī, xin đức vua tra xét kỹ việc này, vừa mở hộp đức vua nhìn thấy đứa bé và dòng chữ, từ nơi sâu thẳm của trái tim nói với đức vua rằng: - Đây chính là Hoàng tử của Ngài. Đức vua vui mừng bế Hoàng tử lên phán truyền rằng:

"Các khanh chuẩn bị ngựa, hôm nay trẩm sẽ đi vào thành, Đức vua ngự lên tòa lâu đài đặt một ngàn đồng tiền vàng trên cổ voi, cho đánh trống báo tin với mọi người rằng:

"Người nào gặp Hoàng hậu Padumavatī, người ấy sẽ được thưởng 1000 đồng tiền vàng này", sau khi nghe lời bố cáo ấy Padumavatī nói với mẹ rằng:

"Thưa mẹ, xin mẹ hãy đến nhận 1000 đồng tiền vàng ấy đi".

Bà lão đáp: "Sao mẹ có thể nhận số tiền ấy được?"

Lần thứ hai..., lần thứ ba, nàng nói với bà... bà bèn hỏi rằng:

"Mẹ sẽ nói như thế nào để nhận số tiền ấy".

Nàng đáp: "mẹ cứ nói con gái tôi đã gặp Hoàng hậu Padumavatī rồi nhận tiền".

Bà lão nghĩ thầm: "Sự việc này chẳng biết hư thật ra sao?".

Nghĩ vậy nhưng rồi bà cũng đế chổ nhận thưởng, quan lính tại đấy hỏi bà rằng:

"Có phải bà đã gặp Hoàng hậu Padumavatī chăng? – Thưa bà".

Bà lão đáp: "tôi chưa từng gặp, nhưng con gái tôi đã gặp".

Các quan lính hỏi: "Thưa bà, con gái bà hiện ở đâu?".

Bà lão đáp: - Con tôi đang ở nhà và dẫn quan lính đến gặp con mình vừa thấy Hoàng hậu, các quan lính quỳ mọp xuống.

Lúc bấy giờ, bà lão mới biết rằng cô con nuôi của mình chính là Hoàng hậu Padumavatī, bà bèn nói:

"Hoàng hậu của vua mà không được sự bảo vệ, như vậy thật không xứng đáng".

Các quan lính vội vã quét dọn căn nhà sạch sẽ, cho treo màn chung quanh và cho lính bảo vệ nơi cổng, rồi trở về Hoàng cung trình với đức vua.

Đức vua gởi kiệu vàng đến rước nàng, Hoàng hậu truyền lịnh đến quan lính rằng:

"Ta sẽ không trở về bằng cách nầy, khi nào đức vua cho trải vải đặc biệt từ đây cho đến Hoàng cung, cho căn vải phía trên và gửi đầy đủ các vật trang sức đến ta, sau khi trang điểm xong ta sẽ đi bộ về triều bằng cách ấy dân chúng trong kinh thành vinh quang của ta".

Đức vua truyền lịnh rằng:

"Các khanh hãy làm theo ý của Hoàng hậu".

Sau đó, Hoàng hậu Padumavatī trang điểm với nhiều loại trang sức và ngự trở về Hoàng cung, lúc ấy mỗi bước chân của Hoàng hậu đều có hoa sen mọc lên đỡ bàn chân của nàng. Sau khi phô bày sự vinh quang của mình đến đại chúng, Hoàng hậu ngự về Hoàng cung và ban tặng vải trải cùng nhiều phẩm vật đến người mẹ nuôi của mình.

Nói về đức vua truyền gọi 500 cung phi đến đến trước mặt Hoàng hậu và phán rằng:

"Này ái hậu, trẩm ban tặng 500 cung phi này cho nàng để làm nô tỳ".

Hoàng hậu đáp: "Lành thay, tâu bệ hạ", xin bệ hạ cho thông báo khắp thành rằng: "bệ hạ đã ban 500 cung phi ấy đến cho thiếp".

Đức vua bèn cho đánh trống bố cáo rằng: "500 kẻ thù của Hoàng hậu Padumavatī, ta đã ban cho nàng để làm nô tỳ".

Khi Hoàng hậu biết rằng khắp thành mọi người đều biết các cung phi ấy đã trở thành nô tỳ, nàng bèn hỏi đức vua rằng:

"Tâu bệ hạ, thiếp muốn trả tự do cho các nô tỳ ấy được không?".

Đức vua phán: "này ái hậu, nếu nàng muốn thì được".

Hoàng hậu thưa: Tâu bệ hạ, vậy cầu xin bệ hạ đánh trống cho báo tin rằng:

"500 cung phi đức vua ban tặng cho Hoàng hậu để làm nô tỳ, nay Hoàng hậu đã trả tự do cho các người ấy".

Sau khi trả tự do cho 500 cung phi, Hoàng hậu bèn giao cho 499 vị Hoàng tử, cho các phụ nữ ấy nuôi dưỡng, còn nàng chỉ nuôi một mình Hoàng tử Mahā-paduma.

Khi các vị Hoàng tử đến độ tuổi chơi đùa, đức vua cho xây dựng một khu vui chơi trong vườn Thượng Uyển dành cho các Hoàng tử.

Khi được 16 tuổi tất cảc các Hoàng tử đều thích chơi đùa dưới ao Maṅgala có đầy hoa sen trong vườn Thượng Uyển.

Một hôm, nhìn thấy những hoa sen mới nở tươi thắm, và những hoa sen cũ bị rơi rụng từng cánh, các Hoàng tử suy tư rằng:

"Đây chính là trạng thái già, những hoa sen này tuy không có tâm thức, nhưng nó vẫn bị sự biến hoại, thế nên chúng ta không nên hoài công nghĩ rằng sự già sẽ không đến với thân thể chúng ta, thật vậy thân này rồi cũng đi theo định luật ấy".

Rồi các vị Hoàng tử lấy hình ảnh đó làm đề tài thiền quán, phát triển trí tuệ chứng đạt quả vị Độc Giác và ngự tọa trong tư thế thiền định trên các cánh hoa sen.

Sau đó, nhóm quan quân tùy tùng của các Hoàng tử, thấy trời đã xế chiều bèn thưa rằng:

"Giờ đã đến thời, xin thỉnh quý Ngài hồi cung".

Các vị Hoàng tử im lặng, nhóm tùy tùng về trình với đức vua rằng:

"Muôn tâu Hoàng thượng, quý Hoàng tử ngồi trên những cánh sen, khi chúng thần thỉnh về các vị không chịu lên tiếng".

Đức vua truyền rằng: "các khanh hãy để cho các Hoàng tử ngồi như thế".

Các vị Hoàng tử vẫn tịnh tọa suốt đêm dưới sự bảo vệ của nhóm tùy tùng cho đến khi trời sáng.

Các quan lính tùy tùng thấy vậy thưa rằng:

"Thưa quý Hoàng tử, trời đã sáng, xin quý Ngài hãy biết như vậy".

Các Hoàng tử đáp: "chúng tôi không phải là Hoàng tử, chúng tôi là Độc Giác".

Nhóm tùy tùng thưa rằng: "thưa quý Hoàng tử, theo bọn thần biết, thông thường đức Độc Giác không phải như vầy, là Phật Độc giác phải cạo râu tóc và có tám vật phụ tùng trên mình".

Các vị Hoàng tử bèn đưa tay phải lên vuốt đầu, tức thì hình tướng cũ biến mất, trên người có đầy đủ tám vật phụ tùng.

Kế đó quý Ngài bay về núi Nandamūlaka trước tầm mắt của đại chúng.

Hoàng hậu Padumavatī hay tin đó, nàng sầu muộn than thở rằng:

"Trước ta có nhiều con, giờ trở thành người không có con".

Do sự sầu muộn đó, khiến nàng mệnh chung và tái sanh trong một gia đình nghèo gần cổng thành Rājagaha.

Lớn lên, nàng được một chàng trai cùng làng cưới về.

Một hôm, đem cơm ra đồng cho chồng, nhìn thấy tám vị Phật Độc gáic trong số 500 người con của nàng kiếp trước từ núi bay xuống để đi khất thực, nàng bèn nói với chồng rằng:

"Thưa phu quân, chàng hãy nhìn xem đó là chư Phật Độc giác, chúng ta thỉnh quý Ngài đến cúng dường nha".

Người chồng đáp: "Thông thường các vị Sa môn chim nầy, phi hành như vậy ở nơi khác, các vị Sa môn chim ấy không phải là đức Độc giác đâu".

Chư Phật Độc giác bèn ngự xuống không xa chỗ của hai vợ chồng, người vợ phát tâm trong sạch dâng phần cơm của mình đến chư Phật và thỉnh rằng:

"Sáng mai con xin thỉnh tám vị hoan hỷ đến nhận thực phẩm".

Chư Độc giác đáp: "Lành thay, này tín nữ, mong rằng sự trong sạch thành kính của ngươi hãy có trong sáng mai, tám tọa cụ cũng hãy có, cho dù ngươi thấy có nhiều vị Độc giác khác, nhưng ngươi nên giữ tâm của mình cho tịnh tín hoan hỷ".

Sáng hôm ấy, nàng trải tám tấm tọa cụ và sắp đặt những lễ vật cúng dường, rồi ngồi chờ.

Tám vị Độc giác nhận lời mời, bèn thông báo cho chư Độc giác khác rằng:

"Hỡi các bậc dứt khổ, hôm nay xin quý Ngài chớ đi nơi khác, quý Ngài hãy đến tiếp độ mẹ của mình đi".

Khi chư Phật ngự đến, mặc dầu số lượng rất đông, nhưng nàng vẫn không có một sự lúng túng nào, nàng vô cùng hoan hỷ cung thỉnh quý Ngài vào nhà, an tọa trên chỗ ngồi, nàng chỉ sắp đặt có tám tọa cụ, nhưng kỳ diệu thay tọa cụ vẫn tiếp tục phát sanh cho vị thứ chín, thứ mười và cuối cùng là vị thứ 500. Ngôi nhà của nàng tín nữ cũng tự nới rộng ra vừa với số lượng 500 vị.

Sau khi chư Phật an vị xong, nàng bèn dâng những thực phẩm đã được chuẩn bị cho tám vị Phật Độc giác và rồi thực phẩm cũng tự phát sanh đầy đủ để nàng cúng dường đến toàn thể chư Độc giác.

Cúng dường thực phẩm xong, nàng cầm tám nắm hoa sen đến đặt cạnh chân chư Độc giác và thành tâm chú nguyện rằng:

"Kính bạch quý Ngài, do phước báu mà con đã trong sạch cúng dường hoa sen, trong kiếp vị lai xin cho thân thể của con có màu giống như những đóa sen nầy vậy".

Chư Độc giác sau khi nói lời tùy hỷ phúc chúc, quý Ngài bay về núi Gandhamādana.

Mệnh chung từ kiếp ấy, nàng được sanh lên thiên giới. Đến thời Đức Phật hiện tại, nàng tái sanh trong gia đình trưởng giả giàu có, tại thành Sāvatthī. Vì nàng có làn da giống như màu hoa sen nên cha mẹ đặt tên là Uppalavaṇṇā.

Khi lớn lên, nàng trở thành một thiếu nữ vô cùng xinh đẹp, nghe danh tiếng của nàng nhiều vị vua trong cõi Diêm phù cùng nhau gửi sứ thần đến nhà trưởng giả xin cưới nàng.

Vị trưởng giả suy nghĩ: "Ta không thể đáp ứng sự mong muốn của các vị vua ấy được, với cách duy nhất nầy mới mong ổn thỏa cho tất cả".

Ông bèn gọi con gái đến hỏi rằng: "này con thân yêu! Hoàn cảnh của gia đình ta như vậy, con xuất gia được chăng?".

Mặc dù là một tiểu thơ xinh đẹp, đài các, nhưng do thiện duyên giải thoát chín mùi, căn cơ thuần thục, nên khi nghe cha hỏi vậy, nàng không do dự nhận lời rằng:

"Thưa cha con sẽ xuất gia".

Vị trưởng giả bèn đưa nàng đến trú xứ Tỳ khưu ni cho xuất gia.

Sau khi xuất gia không lâu, trong một dịp quét dọn Chánh điện, nàng lấy ánh lửa ngọn đèn làm cảnh, chú niện đề mục lửa (Tejokasina) chứng được ngũ thiền, lầy thiền làm nền tảng, nàng phát triển thiền quán chứng quả Alahán với lục thông và tứ vô ngại giải.

Một lần nọ, Đức Thế Tôn ngự đến vườn xoài của gia chủ Gaṇḍa gần cổng thành Sāvatthī để thực hiện song thông.

Lúc bấy giờ, trưởng lão ni Uppalavaṇṇā đi đến yết kiến bậc Đạo Sư, sau khi đảnh lễ Ngài, bèn thưa như vầy:

"Kính bạch Thế Tôn, nếu Thế Tôn cho phép con sẽ thực hiện song thông".

Khi được bậc Đạo Sư chấp thuận, trưởng lão ni đã rống lên tiếng rống con sư tử với loại song thông.

Nhân sự việc đó, trong việc hội hợp của chư tỳ khưu Tăng tại Kỳ viên Tịnh xá, bậc Đạo Sư ngự tọa giữa Tăng chúng đã tán dương trưởng lão ni Uppalavaṇṇā là vị đệ nhất về thần thông trong hàng Ni chúng.

Trưởng lão ni sống an lạc trong thiền định, trong thánh quả.

Một hôm, trong lúc ngồi suy quán đến sự nguy hiểm, sự hạ liệt và sự uế nhiễm của các dục xuyên qua sự kiện hai mẹ con có chung một chồng, nàng bèn xướng lên ba bài kệ của một tỳ khưu ni đồng trú:

"Cả hai mẹ và con
Cùng có chung một chồng
Cảnh ngộ thật hy hữu
Khiến ta động tâm mạnh
Với lông tóc dựng ngược".
"Khả ố thay các dục
Đầy bất tịnh hôi thối
Nhiều gai gốc phiền muộn
Tại đấy mẹ và con
Làm vợ chung một chồng"
"Thấy các dục nguy hại
Thấy xuất ly an lạc
Ta rời bỏ xuất gia
Sống cuộc đời không nhà".

Tương truyền rằng: Tại thành Sāvatthī, có hai vợ chồng thương buôn sống với nhau thời gian, nhưng người vợ không biết mình có thai.

Một hôm, người chồng mua sắm nhiều hàng hóa chắt đầy lên cổ xe, đi đến thành Rājagaha (Vương Xá) để bán.

Thời gian trôi qua bào thai lớn dần và gần đến ngày khai hoa, người mẹ chồng thấy vậy nói với nàng rằng:

"Con trai ta vắng nhà đã lâu, giờ nàng lại có thai, có phải nàng đã làm điều xấu chăng?"

Nàng dâu đáp:

"Thưa mẹ, ngoài con trai của mẹ, con không hề biết người đàn ông nào khác".

Người mẹ chồng không tin lời nàng và đã đuổi nàng ra khỏi nhà.

Rời khỏi nhà, nàng đi tìm chồng lần hồi nàng cũng đến thành Rājagaha. Bất chợt nàng chuyển bụng, nàng ghé vào ngôi phước xá vệ đường và hạ sanh một bé trai với dung sắc như vàng, nàng đã để con nằm trong phước xá rồi ra ngoài tìm nước.

Lúc bấy giờ, có một người thương buôn đi ngang qua phước xá, nghe tiếng trẻ thơ khóc, ông ta dừng lại nhìn thấy đứa bé nằm bơ vơ, ông nghĩ rằng:

"Có lẽ đứa bé này là con của người đàn bà không chồng, nên mới bỏ rơi nó, ta sẽ nhận nó về làm con", bèn bế đứa bé ấy đem giao cho người vú.

Mẹ của đứa bé, sau khi xong công việc quay lại phước xá không thấy con, nàng vô cùng đau khổ và nàng không ghé vào thành Rājagaha mà vẫn tiếp tục đi.

Một tên tướng cướp gặp nàng đem lòng yêu thương và lấy nàng làm vợ. Sống với tên tướng cướp một thời gian, nàng sanh một đứa con gái.

Một hôm, trong lúc đứng bế con nàng tranh cãi với chồng, vì cơn tức giận nàng quăng đứa con lên giường, đầu đứa bé chạm vào thành bị rách da chảy máu, vì sợ chồng nàng đành bỏ trốn đến thành Rājagaha.

Lúc bấy giờ, con trai của nàng đã trưởng thành, không biết nàng là mẹ mình, bèn lấy nàng làm vợ.

Sau đó, con gái của tên tướng cướp cũng lớn lên trở thành thiếu nữ, do nhân duyên xui khiến chàng thành niên đã gặp và cưới con gái tên tướng cướp về làm vợ.

Thế là chàng thanh niên đã cưới bà mẹ và người em khác cha cùng làm vợ.

Đến một hôm, trong lúc ngồi bắt chí cho cô vợ bé của chồng, nhìn thấy vết sẹo, nàng nghĩ rằng:

"Chẳng biết nàng nầy có phải là con gái của ta chăng?", bèn hỏi quê quán, cha mẹ, sau khi biết được sự thật nàng bị động tâm mạnh, bèn đi đến Tịnh xá Tỳ khưu ni xin xuất gia.

Sau khi xuất gia, trong lúc ngồi yên tịnh, nàng quán lại cuộc đời của mình và nói lên ba bài kệ trên.

*

14- BÀI KỆ NGÔN CỦA TRƯỞNG LÃO NI SUMEDHĀ

Được biết trưởng lão ni Sumedhà đã nói lên các bài kệ như vậy:

"Ta sanh làm công chúa
Của đức vua Koñ ca
Tại Manāvatī
Tên gọi Sumedhā"
"Sumedhā có giới
thuyết giảng pháp lưu thoát
Và là bậc Đa văn
Nương lời dạy Đạo Sư
Rồi ta đến yết kiến
Phụ vương cùng mẫu hậu
Cung kính ta thưa rằng:"
"Kính thưa cha và mẹ
Xin lắng nghe lời con
Con thỏa thích niết bàn
Dầu sanh làm chư thiên
Cũng không được bền vững
Huống hồ các dục lạc
Rỗng không vị ngọt ít
Nguy hại lại rất nhiều"
"Các dục thật cay đắng
Ví như nọc rắn độc
Chỉ kẻ ngu tham đắm ấy
Sau khi thân mạng chung
Chúng rơi vào khổ cảnh
Chịu đau khổ lâu dài"
"Đối với những kẻ ngu
Không thu thúc thân khẩu(ý)
Chồng chất các ác nghiệp
Khiến khổ đọa triền miền"
"Với những kẻ ngu ấy
Thiếu trí, thiếu tác ý
Bị khổ, tập che phủ
Khi được nghe Chánh Pháp
Cũng không thể giác ngộ"
"Kính thưa cha và mẹ
Những ai chưa giác ngộ
Pháp được phật khéo thuyết
Chúng hoan hỉ tái sanh
ước muốn sanh thiên giới"
"Các cõi là vô thường
Và sinh mạng chư thiên
Cũng không được bền vững
Nên các kẻ ngu ấy
Phải tiếp tục sanh tử"
"Chúng sanh trong khổ cảnh
Không có sự an lạc
Cỏi trời và cỏi người
Có được sự an lạc
Khi rơi vào khổ cảnh
Sự xuất gia không có"
Xin phụ vương mẫu hậu
Cho phép con xuất gia
Trong pháp luật Thế Tôn
Con sẽ sống thiểu dục
Tinh cần đoạn sanh tử"
"Sẽ có lợi ích gì
Với tấm thân đầy tội
Trống rỗng, không có lõi
Chỉ kẻ nhu ưa thích
Xin hoan hỉ chấp thuận
Cho con được xuất gia
Con sẽ quyết đoạn trừ
Ái tham trong sanh hữu"
"Nay thời Phật ra đời
Phi thời đã đi qua
Thời cơ con đã đến
Cho đến suốt cuộc đời
Con sẽ không tổn hại
Giới luật và phạm hạnh"
"Rồi ta lại quỳ thưa
Với cha mẹ như vầy
Nếu còn là cư sĩ
Cho dù phải mệnh chung
Con quyết không ăn uống"
"Mẹ sầu muộn khóc than
Cha nước mắt đầy mặt
Cố thuyết phục ta rằng"
"Con ơi! Hãy đứng dậy
Có gì để khổ đau
Khi con được cả nuớc
Vāranavatī
Và vua AniKa
Đẹp trai xứng với con"
"Con sẽ là hoàng hậu
Của vua AniKa
Nầy con, thật khó thay
Đời sống bậc xuất gia
Gìn giữ các giới luật
Và sống đời phạm hạnh"
"Danh, vị và quyền lực
Sản nghiệp và hạnh phúc
Đang dang rộng chờ con
Con vẫn còn son trẻ
Hãy thọ hưởng dục lạc
Hãy nhận lời cầu hôn"
"Sau khi nghe lời ấy
Ta quỳ thưa như vầy
Thưa phụ vương mẫu hậu
Danh, vị và các thứ
Thật sự chẳng có chi
Vì rằng thế gian nầy
Là giả tạm, trống rỗng
Ở đây tu hoặc chết
Sẽ có đến cho con
Con không nhận cầu hôn"
"Thân này đầy uế trược
Bất tịnh và ôi thối
Đáng ghê tởm nhàm chán
Như bao da đựng xác
Trong thân luôn chảy ra
Những hôi hám nhơ nhớp
Kẻ ngu lại bám chấp"
"Con biết thân xác ấy
Ví như vật khả ố
Tô đắp bằng máu thịt
Chỗ ở của vòi bọ
Thực phẩm của cầm thú
Thế nên sao con lại
Ban nó cho kẻ khác"
"Không lâu thân thể này
Cũng xa rời tri thức
Các quyến thuộc ghê tởm
Quăng bỏ nơi mộ địa
Làm mồi cho cầm thú
Chúng ghê tởm trở về
tắm gội thân sạch sẽ
quyến thuộc còn như vậy
Huống chi là người khác"
"Phần đông đều mê chấp
Nơi thân giả tạm này
Được gân xương kết dính
Là tấm thân hôi thối
Đầy nước miếng nước mắt
Đầy phẩn và nước tiểu"
"Nếu thân được mổ sẽ
Lộn nội phần ra ngoài
Dù mẹ cũng ghê tởm
Không chịu nổi mùi hôi"
"Các bậc thiện trí thức
Đã khéo phân tích rằng
Chính do uẩn, xứ, giới
Tác thành tấm thân này
Với sanh tử khổ đau
Thế nên, sao còn lại
Mong muốn việc hôn nhân"
"Mỗi ngày trăm ngọn giáo
Đâm thấu vào thân này
Dầu bị suốt trăn năm
Như vậy còn tốt hơn
Vì khổ ấy cuối cùng
Rồi cũng được chấm dứt"
"Những ai vào qui ngưỡng
Trong pháp luật Đức Phật
Sống với hạnh thiểu dục
Tinh cần đoạn sinh tử
Sẽ chứng ngộ niết bàn"
"Thưa Phụ vương, hôm nay
Con quyết chí xuất gia
Của cải có ích gì
Thứ rỗng không, tạm bợ
Con ghê tởm các dục
Như vật nôn của chó
Như thốt nốt đứt đọt"
"Lúc bấy giờ, Đức vua
Anikaratta
Hôn phu của công chúa
Vây quanh với tùy tùng
Ngự đến rước công chúa
Theo như giờ đã định"
"Khi hay tin Đức vua
Anika ngự đến
Ta dùng con dao bén
Cắt mái tóc đen mịn
Đóng kín tòa cung điện
Và chứng được Sơ thiền"
"An trú trong thiền định
Rồi vua A-ni-ka
Tuần tự ngự vào thành
Tại cung ta tu tập
Đề mục tưởng bất tịnh"
"Khi ta đang tu tập
Đức vua Anika
Trang điểm với vàng ngọc
Bước lên tầng cung điện
Chấp tay ta van rằng"
"Này nàng Sumedhā
Trẫm xin trao cho nàng
Danh vị và uy quyền
Sản nghiệp và hạnh phúc
Nàng hãy còn son trẻ
Xin hãy hưởng dục lạc
Thật khó kiếm ở đời"
"Trẩm giao nàng vương quốc
Nàng tùy ý thọ hưởng
Và làm các công đức
Nàng chớ có buồn chán
Khiến cha mẹ khổ tâm"
"Ta đáp lời vua rằng
Hiện này Sumedhā
Không mong cầu dục lạc
Đã viễn ly si mê
Xin chớ vui thích dục
Hãy thấy dục nguy hiểm"
"Đức vua Madhātu
Vị chúa tể bốn châu
Hưởng dục lạc tột đỉnh
Nhưng đến khi mạng chung
Cũng chưa được thỏa lòng"
"Dầu có mưa bảy báu
Đầy khắp cả mười phương
Tuy vậy cũng không làm
Tâm con người thỏa mãn
Và chết trong khát vọng"
"Các dục như gươm giáo
Dục như đầu rắn hổ
Dục như bó đuốc cháy
Ví như khúc xương khô"
"Các dục là vô thường
Không bền, cay đắng nhiều
Sự nguy hiểm càng nhiều
Là nguồn gốc đau khổ
Kết quả là đau khổ
Như hòn sắt cháy đỏ"
"Các dục như trái độc
Như miếng thịt (hư thối)
Các dục như huyển mộng
Dục như của vay mượn"
"Các dục như gươm giáo
Là bịnh tật, ung nhọt
Là khổ lao, vất vả
Dục như hố than hừng
Là cội nguồn đau khổ
Là hiểm họa, đao phủ"
"Như vậy, dục khổ nhiều
Và là pháp chướng ngại
Xin Ngài hãy quay về
Tôi không thể yêu thương
Trong vòng xoay của khổ"
"Ai giúp gì cho tôi
Khi đầu tôi đang cháy
Khi già, chết đeo đuổi
Tôi cần phải nổ lực
Thiêu hủy già và chết"
"Rồi ta thấy mẹ cha
Cùng vua Anika
Ngồi ngoài cửa than khóc
Ta bèn thưa như vầy"
"Từ vô thỉ luân hồi
Kẻ ngu luôn than khóc
Vì cha chết mẹ chết
Vì anh chết em chết
Vì chính mình phải chết"
"Từ vô thỉ luân hồi
Nước mắt, máu chúng sanh
Tuôn chảy không dừng nghỉ
Và xương của chúng sanh
Chất cao thành đồi núi"
"Nước mắt, máu chúng sanh
Đổ xuống trong luân hồi
Như nước trong bốn biển
Và xương trong một kiếp
Bằng núi Vipula"
"Lấy cả đất Diêm phù
Nắn thành từng hạt táo
Như vậy sẽ rất nhiều
Nhưng cũng không nhiều bằng
Số lượng cha và mẹ
Từ vô thỉ luân hồi"
"Cỏ cây và cành lá
Trên khắp cõi Diêm phù
Cũng không thể sánh bằng
Số lượng cha và mẹ
Từ vô thỉ luân hồi"
"Như khúc gỗ bị bọng
Trôi lênh đênh trên biển
Khó thay để rùa mù
Đưa đầu vào bọng cây
Tuy vậy còn dễ hơn
Được tái sanh làm người"
"Hãy suy nghiệm thân nầy
Rỗng không như bọt nước
Hãy suy quán các uẩn
Là vô thường biến hoại
Hãy suy niệm địa ngục
Đầy nhục hình thống khổ"
"Nước bất tử sẵn có
Sao còn lại mong cầu
Với năm loại cây nóng
Khi hoan hỉ các dục
Ta sẽ bị cay nóng
Hơn năm loại cây nóng"
"Nước bất tử sẵn có
Sao lại còn mong cầu
Với các dục nhiệt não
Khi người vui thích dục
Người sẽ bị thiêu đốt
Tâm xao động, nhiệt não"
"Pháp xuất ly sẵn có
Sao còn lại mong cầu
Với các dục thù địch
Các dục đầy lo sợ
Là kẻ thù nguy hiểm"
"Pháp giải thoát sẵn có
Sao còn lại mong cầu
Với các dục giết trói
Những ai ham thích dục
Dục là vật giết trói
Sẽ cảm thọ khổ đau"
"Dục ví như bó đuốc
Sẽ đốt cháy người cầm
Sẽ đốt cháy những ai
Không chịu buông bó đuốc"
"Chớ bỏ hạnh phúc lớn
Do nhân dục lạc nhỏ
Chớ như cá nuốt câu
Phải đau khổ về sau"
"Chớ quanh quẩn trong dục
Ví như chó bị xích
Dục lạc khiến cho như
Kẻ nô lệ đói khát
Bị con chó làm hại"
"Với người đắm trong dục
Sẽ khổ đau khôn xiết
Hãy từ bỏ các dục
Rỗng không, không thường hằng"
"Pháp không già sẵn có
Sao lại còn mong cầu
Dục chất chứa sự già
Khi tái sanh có mặt
Già chết sẽ ngự trị"
"Niết bàn – không có già
Niết bàn – không có chết
Niết bàn – không già chết
Không có sự sầu muộn
Không bị kẻ thù hại
Không lệch lạc, sợ hãi
Không có sự nhiệt não"
"Chính pháp niết bàn nầy
Được nhiều người tác chứng
Những ai có Chánh cần
Sẽ đạt được bất tử
Với người không tinh cần
Thì không thể chứng đạt"
"Đức vua Anika
Đứng dậy chắp hai tay
Cầu xin Phụ vương rằng
Xin đại vương chấp thuận
Cho công chúa xuất gia
Vì nàng đã tỏ ngộ
Chân lý và giải thoát"
"Khi cha mẹ cho phép
Ta xuất gia tu tập
Thoát khỏi mọi sầu muộn
Chứng đạt sáu thắng trí"
"Pháp vi diệu niết bàn
Rồi cũng được phát sanh
Cho nàng Sumedhā
Trước giờ phút niết bàn
Tôn ni Sumedhā
Thuật lại tiền kiếp mình
Với các bài kệ sau"
"trong thời Đức Thế Tôn
Ko-nā-ga-ma-na
Ta cùng với hai bạn
Là Dhanañjanī
Và tín nữ Khemā
Xây dựng ngôi Tịnh xá
Cúng dường đến Tăng chúng
Chính do công đức ấy
Ta được sanh thiên giới
Làm Hoàng hậu Thiên vương
Có uy lực to lớn
Khi sanh xuống cõi người
Ta được làm Hoàng hậu
Nữ báu Chuyển Luân Vương
Việc xây dựng Tăng xá
Là nhân, là nguồn sanh
Cho thiên sản, nhơn sản
Là nền tảng, là duyên
Của việc đến Giáo pháp
Của việc dập tắt khổ
Đối với người mến pháp"
"Những ai có lòng tin
Hiểu lời dạy Thế Tôn
Sẽ nhàm chán sanh hữu
Khi đã nhàm chán rồi
Tất sẽ được ly tham".

Trong thời Giáo pháp của Đức Thế Tôn Konāga-mana, nàng tái sanh trong một gia đình Bà la môn giàu có, do quá khứ tích trữ nhiều duyên lành nên từ nhỏ nàng đã có tâm trong sạch hoan hỉ với Tam bảo và trở thành một tín nữ ngoan đạo.

Khi lớn lên nàng thường xuyên đến chùa nghe pháp và chăm lo hộ độ cúng dường đến Đức Phật cùng Chư tăng.

Một hôm, nàng cùng với hai người bạn là Dhanañ-janī và Khemā, cả ba phát tâm trong sạch xây dựng một ngôi Tănh xá thật trang nhã, sắp đặt đầy đủ các thứ cúng dường đến Chư Tăng có Đức Phật làm tọa chủ.

Do phước lành ấy, sau khi mệnh chung, nàng được sanh lên cõi Đạo Lợi, mệnh chung cõi Đạo Lợi nàng được sanh lên cõi Dạ Ma, mãn thọ cõi Dạ Ma nàng sanh lên cõi Đâu Xuất, chết từ cõi Đâu Xuất, nàng sanh lên cõi Hóa lạc, mệnh chung cõi Hóa lạc nàng được sanh lên cõi Tha Hóa Tự Tại.

Nàng đã tuần tự tái sanh trong năm cõi trời dục giới và trong những tầng trời ấy nàng đều được làm Hoàng hậu của đức Thiên vương cõi ấy.

Đến thời Giáo Pháp của Đức Thế Tôn Kassapa, nàng tái sanh trong một gia đình trưởng giả rất giàu có.

Lúc bấy giờ, tại xứ Kāsī thành Bāraṇasī có một vị Hoàng đế rất nhân hậu hiền đức, danh hiệu là Kiki. Ngài là một thiện nam sùng đạo và cũng là một đại đàn tín của Thế Tôn Kassapa.

Đức vua Kiki có bảy người con, bảy cô công chúa nầy đều là những tín nữ thuần thành với Tam Bảo.

Nàng tiểu thư con nhà trưởng giả là thân hữu thiện hữu của bảy cô công chúa ấy, họ đã cùng nhau tu tập, giữ giới và chăm lo hộ độ cúng dường tứ sự đến Đức Phật cùng Tăng chúng.

Do khéo gìn giữ phạm hạnh cùng các thiện sự cúng dường, nên sau khi mệnh chung, nàng được sanh lên cõi Đạo Lợi.

Đến thời Giáo pháp của Đức Thế Tôn chúng ta, nàng tái sánh làm công chúa của đức vua Koñca, tại kinh thành Mantāvatī, và được đặt tên là Sumedhā.

Khi công chúa trưởng thành, phụ vương cùng mẫu hậu hứa gã nàng cho đức vua Anikaratta trị vì tại thành Vāraṇavatī. Nhưng khi còn bé nàng đã thường cùng với các công chúa trang lứa và các nữ tỳ đi đến Tịnh xá tỳ khưu ni nghe pháp, do thấm nhuần Giáo pháp và do duyên lành giải thoát đã tròn đủ nên tâm tư nàng luôn hướng đến một đời sống xuất ly không ưa thích dục lạc. Vì vậy khi nghe phụ vương cùng mẫu hậu bàn tính việc hôn lễ của mình, nàng thưa rằng:

"Thưa phụ vương và mẫu hậu, con không thích đời sống tại gia cư sĩ, con chỉ muốn xuất gia".

Đức vua cùng hoàng hậu không chấp nhận việc xuất gia của công chúa, bằng nhiều phương cách hai vị đã cố gắng nài nỉ thuyết phục nàng, nhưng cũng không làm cho nàng xiêu lòng chuyển ý.

Lúc bấy giờ, công chúa suy tính tìm một giải thoát để khiến cho cha mẹ chấp thuận cho nàng xuất gia, nàng nghĩ rằng:

"Chỉ với cách nầy cha mẹ mới ưng thuận cho ta xuất gia".

Rồi nàng tự cầm dao tự cắt tóc mình, lấy những sợi tóc ấy làm đề mục, nàng chú tâm đến bất tịnh tướng và chứng được sơ thiền tại chỗ ấy.

Sau khi chứng đạt sơ thiền, nàng đã khiến cho những người tại đấy gồm có đức vua hoàng hậu, vị hôn phu của nàng, vua Anikaratta cùng các tùy tùng đều phát khởi niềm tin trong Giáo pháp.

Rồi cha mẹ đã chấp thuận cho nàng xuất gia, nàng rời bỏ hoàng cung, đi đến tịnh xá tỳ khưu ni xin xuất gia.

Xuất gia không bao lâu, nhờ duyên lành giải thoát chín muồi cùng với sự nhiệt tâm tinh cần tu tập, nàng đã chứng đạt quả vị Alahán với tứ tuệ phân tích.

Sau khi chứng quả Alahán, trưởng lão ni Sumedhā nhìn lại cuộc đời của mình, nàng đã cảm xướng lên các bài kệ như vầy:

"Ta sanh làm công chúa
của đức vua Koñca
Tại Mantāvatī
Tên gọi Sumedhā"
"Sumedhā có giới
Thuyết giảng pháp lưu loát
Và là bậc Đa văn
Nương lời dạy Đạo sư
Rồi ta đến yết kiến
Phụ vương cùng mẫu hậu
Cung kỉnh ta thưa rằng":
"Kính thưa cha và mẹ
Xin lắng nghe lời con
Con thỏa thích niết bàn
Dầu sanh làm chư thiên
Cũng không được bền vững
Huống hồ các dục lạc
Rỗng không, vị ngọt ít
Nguy hại lại rất nhiều"
"Các dục thật cay đắng
Ví như nọc rắn độc
Chỉ kẻ ngu tham đắm
Do tâm tham đắm ấy
Sau khi thân mạng chung
Chúng rơi vào khổ cảnh
Chịu đau khổ lâu dài"
"Đối với những kẻ ngu
Không thu thúc thân khẩu (ý)
Chồng chất các ác nghiệp
Khiến khổ đọa triền miên"
"Với những kẻ ngu ấy
Thiếu trí, thiếu tác ý
Bị khổ, tập che phủ
Khi được nghe Chánh pháp
Cũng không thể giác ngộ"
"Kính thưa cha và mẹ
Những ai chưa giác ngộ
Pháp được Phật khéo thuyết
Chúng hoan hỉ tái sanh
Ước muốn sanh thiên giới"
"Các cõi là vô thường
Và sinh mạng chư thiên
Cũng không được bền vững
Nên các kẻ ngu ấy
Phải tiếp tục sanh tử"
"Chúng sanh trong khổ cảnh
Không có sự an lạc
Cõi trời và cõi người
Có được sự an lạc
Khi rơi vào khổ cảnh
Sự xuất gia không có"
"Xin phụ vương mẫu hậu
Cho phép con xuất gia
Trong Pháp luật Thế Tôn
Con sẽ sống thiểu dục
Tinh cần đoạn sanh tử"
"Sẽ có lợi ích gì
Với tấm thân đầy tội
Trống rỗng, không có lõi
Chỉ kẻ ngu ưa thích
Xin hoan hỷ chấp thuận
Cho con được xuất gia
Con sẽ quyết đoạn trừ
Ái tham trong sanh hữu"
"Nay thời Phật ra đời
Phi thời đã đi qua
Thời cơ con đã đến
Cho đến suốt cuộc đời
Con sẽ không tổn hại
Giới luật và phạm hạnh"
"Rồi ta lại quỳ thưa
Với cha mẹ như vầy
Nếu còn là cư sĩ
Cho dù phải mệnh chung
Con quyết không ăn uống"
"Mẹ sầu muộn khóc than
Cha nước mắt đầy mặt
Cố thuyết phục ta rằng"
"Con ơi! Hãy đứng dậy
Có gì để khổ đau
Khi con được cả nước
Vāranavatī
Và vua Anika
Đẹp trai xứng với con"
"Con sẽ là Hoàng hậu
Của vua Anika
Nầy con, thật khó thay
Đời sống bậc xuất gia
Gìn giữ các giới luật
Và sống đời phạm hạnh"
"Danh, vị và quyền lực
Sản nghiệp và hạnh phúc
Đang dang rộng chờ con
Con vẫn còn son trẻ
Hãy thọ hưởng dục lạc
Hãy nhận lời cầu hôn"
"Sau khi nghe lời ấy
Ta quỳ thưa như vầy
Thưa phụ vương mẫu hậu
Danh, vị và các thứ
Thật sự chẳng có chi
Vì rằng thế gian nầy
Là giả tạm, trống rỗng
Ở đây, tu hoặc chết
Sẽ có đến cho con
Con không nhận cầu hôn"
"Thân nầy đầy uế trược
Bất tịnh và hôi thối
Đáng ghê tởm nhàm chán
Như bao da đựng xác
Trong thân luôn chảy ra
Những hôi hám nhơ nhớp
Kẻ ngu lại bám chấp"
"Con biết thân xác ấy
Ví như vật khả ố
Tô đắp bằng máu thịt
Chỗ ở của vòi bọ
Thực phẩm của cầm thú
Thế nên sao con lại
Ban nó cho kẻ khác"
"Không lâu thân thể này
Cũng xa rời tri thức
Các quyến thuộc ghê tởm
Quăng bỏ nơi mộ địa
Như khúc gỗ vô dụng"
"Thân ấy quăng mộ địa
Làm mồi cho cầm thú
Chúng ghê tởm trở về
Tắm gội thân sạch sẽ
Quyến thuộc còn như vậy
Huống chi là người khác"
"Phần đông đều mê chấp
Nơi thân giả tạm này
Được gân xương kết dính
Là tấm thân hôi thối
Đầy nước miếng nước mắt
Đầy phẩn và nước tiểu"
"Nếu thân được mổ xẻ
Lộn nội phần ra ngoài
Dù mẹ cũng ghê tởm
Không chịu nổi mùi hôi"
"Các bậc thiện trí thức
Đã khéo phân tích rằng
Chính do uẩn, xứ, giới
Tác thành tấm thân này
Với sanh tử khổ đau
Thế nên, sao con lại
Mong muốn việc hôn nhân"
"Mỗi ngày trăm ngọn giáo
Đâm thấy vào thân này
Dầu bị suốt trăm năm
Như vậy còn tốt hơn
Vì khổ ấy cuối cùng
Rồi cũng được chấm dứt"
"Những ai vào qui ngưỡng
Trong Pháp luật Đức Phật
Sống với hạnh thiểu dục
Tinh cần đoạn sanh tử
Sẽ chứng ngộ niết bàn"
"Thưa phụ vương, hôm nay
Con quyết chí xuất gia
Của cải có ích gì
Thứ rỗng không, tạm bợ
Con ghê tởm các dục
Như vật nôn của chó
Như thốt nốt đứt đọt"
"Lúc bấy giờ, đức vua
Anikaratta
Hôn phu của công chúa
Vây quanh với tùy tùng
Ngự đến rước công chúa
Theo như giờ đã định"
"Khi hay tin đức vua
Anika ngự đến
Ta dùng con dao bén
Cắt mái tóc đen mịn
Đóng kín tòa cung điện
Và chứng được sơ thiền"
"An trú trong thiền định
Rồi vua A-ni-ka
Tuần tự ngự vào thành
Tại cung ta tu tập
Đề mục tưởng bất tịnh"
"Khi ta đang tu tập
Đức vua Anika
Trang điểm với vàng ngọc
Bước lên tầng cung điện
Chấp tay van ta rằng"
"Này nàng Sumedhā
Trẫm xin trao cho nàng
Danh vị và uy quyền
Sản nghiệp và hạnh phúc
Nàng hãy còn son trẻ
Xin hãy hưởng dục lạc
Thật khó kiếm ở đời"
"Trẫm giao nàng vương quốc
Nàng tùy ý thọ hưởng
Và làm các công đức
Nàng chớ có buồn chán
Khiến cha mẹ khổ tâm"
"Ta đáp lời vua rằng
Hiện nay Sumedhā
Không mong cầu dục lạc
Đã viễn ly si mê
Xin chớ vui thích dục
Hãy thấy dục nguy hiểm"
"Đức vua Mandhātu
Vị chúa tể bốn châu
Hưởng dục lạc tột đỉnh
Nhưng đến khi mạng chung
Cũng chưa được thỏa lòng"
"Dầu có mưa bảy báu
Đầy khắp cả mười phương
Tuy vậy cũng không làm
Tâm con người thỏa mãn
Và chết trong khát vọng"
"Các dục như gươm giáo
Dục như đầu rắn hổ
Dục như bó đuốc cháy
Ví như khúc xương khô"
"Các dục là vô thường
Không bền, cay đắng nhiều
Sự nguy hiểm càng nhiều
Là nguồn gốc đau khổ
Kết quả là đau khổ
Như hòn sắt cháy đỏ"
"Các dục như trái độc
Như miếng thịt (hư thối)
Các dục như huyển mộng
Dục như của vay mượn"
"Các dục như gươm giáo
Là khổ lao vất vả
Dục như hố than hừng
Là cội nguồn đau khổ
Là hiểm họa, đao phủ"
"Như vậy, dục khổ nhiều
Và là pháp chướng ngại
Xin Ngài hãy quay về
Tôi không thể yêu thương
Trong vòng xoay của khổ"
"Ai giúp gì cho tôi
Khi đầu tôi đang cháy
Khi già, chết đeo đuổi
Tôi cần phải nổ lực
Thiêu hủy già và chết"
"Rồi ta thấy mẹ cha
Cùng vua A-ni-ka
Ngồi ngoài cửa than khóc
Ta bèn thưa như vầy"
"Từ vô thỉ luân hồi
Kẻ ngu luôn than khóc
Vì cha chết mẹ chết
Vì anh chết em chết
Vì chính mình phải chết"
"Từ vô thỉ luân hồi
Nước mắt, máu chúng sanh
Tuôn chảy không dừng nghỉ
Và xương của chúng sanh
Chất cao thành đồi núi"
"Nước mắt, máu chúng sanh
Đổ xuống trong luân hồi
Như nước trong bốn biển
Và xương trong một kiếp
Bằng núi Vipula"
"Lấy cả đất Diêm phù
Nắn thành từng hạt táo
Như vậy sẽ rất nhiều
Nhưng cũng không nhiều bằng
Số lượng cha và mẹ
Từ vô thỉ luân hồi"
"Cỏ cây và cành lá
Trên khắp cõi Diêm phù
Cũng không thể sánh bằng
Số lượng cha và mẹ
Từ vô thỉ luân hồi"
"Như khúc gỗ bị bọng
Trôi lênh đênh trên biển
Khó thay để rùa mù
Đưa đầu vào bọng cây
Tuy vậy còn dễ hơn
Được tái sanh làm người"
"Hãy suy nghiệm thân nầy
Rỗng không như bọt nước
Hãy suy quán các uẩn
Là vô thường biến hoại
Hãy suy niệm địa ngục
Đầy nhục hình thống khổ"
"Nước bất tử sẵn có
Sao lại còn mong cầu
Với năm loại cay nóng
Khi hoan hỉ các dục
Ta sẽ bị cay nóng
Hơn năm loại cay nóng"
"Nước bất tử sẵn có
Sao lại còn mong cầu
Với các dục nhiệt não
Khi người vui thích dục
Người sẽ bị thiêu đốt
Tâm xao động, nhiệt não"
"Pháp xuất ly sẵn có
Sao lại còn mong cầu
Với các dục thù địch
Các dục đầy lo sợ
Là kẻ thù nguy hiểm"
"Pháp giải thoát sẵn có
Sao lại còn mong cầu
Với các dục giết trói
Dục là vật giết trói
Những ai ham thích dục
Sẽ cảm thọ khổ đau"
"Dục ví như bó đuốc
Sẽ đốt cháy người cầm
Sẽ đốt cháy những ai
Không chịu buông bó đuốc"
"Chớ bỏ hạnh phúc lớn
Do nhân dục lạc nhỏ
Chớ như cá nuốt câu
Phải đau khổ về sau"
"Chớ quanh quẩn trong dục
Ví như chó bị xích
Dục lạc khiến cho như
Kẻ nô lệ đói khát
Bị con chó làm hại"
"Với người đắm trong dục
Sẽ khổ đau khôn xiết
Hãy từ bỏ các dục
Rỗng không, không thường hằng"
"Pháp không già sẵn có
Sao lại còn mong cầu
Dục chất chứa sự già
Khi tái sanh có mặt
Già chết sẽ ngự trị"
"Niết bàn không có già
Niết bàn không có chết
Niết bàn không già chết
Không có sự sầu muộn
Không bị kẻ thù hại
Không lệch lạc, sợ hãi
Không có sự nhiệt não"
"Chính pháp niết bàn này
Được nhiều người tác chứng
Những ai có chánh cần
Sẽ đạt được bất tử
Với người không tinh cần
Thì không thể chứng đạt"
"Đức vua Anika
Đứng dậy chắp hai tay
Cầu xin phụ vương rằng
Xin đại vương chấp thuận
Cho công chúa xuất gia
Vì nàng đã tỏ ngộ
Chân lý và giải thoát"
"Khi cha mẹ cho phép
Ta xuất gia tu tập
Thoát khỏi mọi sầu muộn
Chứng đạt sáu thắng trí"
"Pháp vi diệu niết bàn
Rồi cũng được phát sanh
Cho nàng Sumedhā
Trước giờ phút niết bàn
Tôn ni Sumedhā
Thuật lại tiền kiếp mình
Với các bài kệ sau"
"Trong thời Đức Thế Tôn
Ko-nā-ga-ma-na
Ta cùng với hai bạn
Là Dhanañjānī
Và tín nữ Khemā
Xây dựng ngôi Tăng xá
Cúng dường đến Tăng chúng
Chính do công đức ấy
Ta được sanh thiên giới
Làm hoàng hậu thiên vương
Có uy lực to lớn
Khi sanh xuống cõi người
Ta được làm hoàng hậu
Nữ báu Chuyển Luân Vương
Việc xây dựng Tăng xá
Là nhân, là nguồn sanh
Cho thiên sản, nhân sản
Là nền tảng, là duyên
Của việc đến Giáo pháp
Của việc dập tắt khổ
Đối với người mến pháp"
"Những ai có lòng tin
Hiểu lời dạy Thế Tôn
Sẽ nhàm chán sanh hữu
Khi đã nhàm chán rồi
Tất sẽ được ly tham"

-ooOoo-

 Ðầu trang | 01 | 02 | 03 | Mục lục



[Trở về trang Thư Mục]
last updated: 02-09-2007