BuddhaSasana Home Page
This document is written in Vietnamese, with Unicode Times font


Chú Giải Luật Thiện Kiến
Hán dịch: Tăng-già-bạt-đà-la - Việt dịch: Tỳ kheo Tâm-Hạnh


  

Quyển thứ mười tám
(tiếp theo)

Phụ lục

-ooOoo-

Phẩm Ðại đức Xá Lợi Phất hỏi Ô Ba Ly về luật hành

(Nam truyền luật tạng, tập 5, trang 329, V.3-8).

Phần Kệ tụng:

Xá Lợi Phất hỏi Ô Ba Ly (U-bà-li, Upali):

Bao nhiêu tội về thân
Bao nhiêu tội về miệng
Che dấu bao nhiêu tội
Xúc chạm bao nhiêu loại?

Ô Ba Ly nói kệ đáp với Xá Lợi Phất:

Do thân có sáu tội
Tội miệng cũng có sáu
Che dấu có ba tội
Xúc chạm có năm tội.

Câu hỏi 2:

Trời sáng bao nhiêu tội?
Ba lần xướng, bao tội?
Mấy trường hợp tám việc
Tất cả tụ bao nhiêu? (Sabbasamgaho - tất cả học xứ)

Ðáp:

Trời đã sáng, ba tội.
Ba lần xướng có hai
Ðây là một tám sự
Một gồm tất cả sự

Hỏi 3:

Như Lai kiết giới rõ
Luật có bao nhiêu tướng
Tội trọng luật mấy loại
Dấu tội thô mấy loại?

Ðáp:

Như Lai phân biệt dạy
Luật gồm có hai tướng
Tội trọng luật có hai (Ba-la-di + tăng tàn)
Dấu tội thô cũng hai.

Hỏi 4:

Giữa tụ lạc bao tội
Qua sông có bao nhiêu
Ăn thịt gì Thu Lan
Thịt gì Ðột-cát-la?

Ðáp:

Giữa tụ lạc có bốn
Qua sông cũng có bốn
Một loại thịt Thu Lan
Chín loại Ðột-cát-la.

Hỏi 5:

Ðêm, nói chuyện mấy tội?
Ngày, nói chuyện mấy tội?
Ðem cho bao nhiêu tội?
Nhận lấy bao nhiêu tội?

Ðáp:

Ban đêm, nói hai tội
Ngày, nói cũng hai tội
Ðem cho có ba tội
Nhận lấy có bốn tội
.

Hỏi 6:

Mấy tội đối thủ sám?
Mấy tội phải yết ma?
Làm rồi không thể sám
Như Lai đã chế rõ
.

Ðáp:

Năm tội sám hối được
(Thứ?) sáu tội phải yết ma
Một tội không thể sám
Như Lai phân biệt kết
.

Hỏi 7:

Quan trọng, luật có mấy?
Phật dạy nghiệp thân miệng
Vị phi thời mấy loại
Mấy loại tứ yết ma?

Ðáp:

Luật do hai quan trọng (thân miệng)
Thân miệng cũng như vậy
Vị phi thời một loại
Một bạch tứ yết ma

Hỏi 8:

Ba-la-di mấy loại
Bao nhiêu đất hòa hợp
Bao nhiêu đêm thất dạ (mất ngày)
Kết hai ngón mấy giới?(Ny. Ba-dật-đề 5)

Ðáp:

Ba-la-di có hai
Ðất cộng trú có hai
Mất đêm cũng có hai
Giới hai ngón có hai

Hỏi 9:

Ðánh thân có mấy loại
Có mấy loại phá tăng
Tội bắt đầu bao nhiêu
Tác bạch rồi bao nhiêu?

Ðáp:

Ðánh thân có hai loại
Nhân phá tăng có hai
Mới làm có hai tội
Bạch rồi cũng có hai
.

Hỏi 10:

Sát sanh có mấy tội
Tội trọng miệng mấy loại
Mắng chưởi bao nhiêu loại
Làm mai có mấy loại?

Ðáp:

Sát sanh có ba tội
Tội trong miệng có ba
Mắng chưởi cũng có ba
Làm mai có ba tội.

Hỏi 11:

Thọ đại giới mấy người
Yết ma gồm mấy loại
Ðuổi hẳn có mấy loại
Thuyết một lời mấy loại
?

Ðáp:

Không thọ với ba người
Yết ma gồm ba người
Ðuổi hẳn cũng có ba
Một lời cũng có ba

Hỏi 12:

Giới trộm có mấy tội
Giới dâm có mấy tội
Cố giết có mấy loại
Ném bỏ có bao nhiêu?

Ðáp:

Giới trộm có ba tội
Giới dâm có bốn tội
Giết đúng có ba tội
Vì vứt bỏ có năm
(vứt bỏ cho chết có 5. Xem luật tạng Nam truyền, trang 338 - chú 5)

Hỏi 13:

Dạy giới tỳ kheo ny
Mấy Ba Dạ, Ðột Kết
Bao nhiêu mới dự vào
Y có bao nhiêu loại?

Ðáp:

Trong việc dạy giới ny
Ba Dạ, Ðột kết la.
Có bốn tin Phật dạy
Cho y, hai loại tội
.

Hỏi 14:

Phật dạy ny có mấy
Ba la Ðề có mấy
Ăn hạt giống có mấy
Ba-dật-đề, đột La?

Ðáp:

Phật dạy pháp của ny
Ba La Ðề có tám
Ba Dạ Ðề, Ðột kết
Vì ăn dùng hạt sống.

Hỏi 15:

Ði có bao nhiêu tội?
Ðứng có bao nhiêu tội?
Ngồi có bao nhiêu tội?
Ngủ có bao nhiêu tội?

Ðáp:

Khi đi có bốn tội
Khi đứng có bốn tội
Khi ngồi có bốn tội
Khi ngủ có bốn tội.

Hỏi 16:

Bao nhiêu Ba-dật-đề?
Tất cả không một loại
Chẳng trước cũng chẳng sau
Bị phạm cùng một lúc.

Ðáp:

Có năm Ba-dật-đề
Loại này không phải một
Chẳng phải trước hay sau
Bị tội trong một lúc

Hỏi 17:

Bao nhiêu Ba-dật-đề
Tất cả chẳng phải một
Không trước cũng chẳng sau
Bị tội trong một lúc?

Ðáp:

Có chín Ba-dật-đề
Chẳng phải cùng một loại
Chẳng trước cũng chẳng sau
Bị tội trong một lúc
.

Hỏi 18:

Bao nhiêu Ba-dật-đề
Chẳng phải cùng một loại
Sám hối bằng (thân?) miệng
Như Lai giảng dạy rõ?

Ðáp:

Có năm Ba-dật-đề
Chẳng phải cùng một loại
Sám hối bằng một lời
Như Lai giảng dạy rõ
.

Hỏi 19:

Bao nhiêu Ba-dật-đề
Chẳng phải cùng một loại
Sám bằng bao nhiêu lời
Như Lai giảng dạy rõ?

Ðáp:

Có chín Ba-dật-đề
Chẳng phải cùng một loại
Sám hối bằng một lời
Như Lai đã dạy rõ.

Hỏi 20:

Bao nhiêu Ba-dật-đề
Chẳng phải cùng một loại
Sám hối bằng tên riêng
Như Lai đã dạy rõ?

Ðáp:

Có năm Ba-dật-đề
Chẳng phải cùng một loại
Sám hối bằng tên riêng
Như Lai giảng dạy rõ.

Hỏi 21:

Bao nhiêu Ba-dật-đề
Chẳng phải cùng một loại
Sám hối tên tánh tụ
Như Lai đã giảng rõ?

Ðáp:

Có chín Ba-dật-đề
Chẳng phải cùng một loại
Sám hối bằng tên tụ
Như Lai đã giảng rõ.

Hỏi 22:

Khuyên ba lần mấy tội
Vì ăn có bao nhiêu
Khi ăn có bao nhiêu
Do ăn có bao nhiêu?

Ðáp:

Lần thứ ba ba tội
Vì ăn có sáu tội
Khi ăn có ba tội
Năm lọai gây tội ăn
.

Hỏi 23:

Tất cả quá ba lần
Nơi phạm tội có mấy
Hỏi tội bao nhiêu (người)
Tránh sự có bao nhiêu?

Ðáp:

Tất cả quá ba lần
Có năm trường hợp tội
Khéo đáp tội năm người
Gây tránh sự năm người.

Hỏi 24:

Luận sự bao nhiêu người
Diệt bằng bao nhiêu pháp
Mấy trường hợp vô tội
Có mấy chỗ thành thiện?

Ðáp:

Quyết sự phải có năm
Dùng năm người để diệt
Năm hạng người thanh tịnh
Theo ba chỗ thành thiện.

Hỏi 25:

Ðêm, thân phạm mấy tội
Ngày, thân phạm mấy tội
Khi thấy bao nhiêu tội
Khất thực bao nhiêu tội?

Ðáp:

Ðêm, thân phạm hai tội
Ngày, thân phạm hai tội
Khi thấy bị một tội
Khất thực có một tội.

Hỏi 26:

Biết ân có mấy lọai
Theo người thành sám hối
Bị đuổi có bao nhiêu
Thiện hạnh có bao nhiêu?

Ðáp:

Biết ân có tám lọai
Theo người thành sám hối
Bị đuổi có ba hạng
Bốn mươi ba thiện hạnh.

Hỏi 27:

Bao nhiêu chỗ nói dối
Bảy ngày có bao nhiêu
Mấy pháp Ba La đề (xá ny)
Sám hối có mấy hạng?

Ðáp:

Nói dối có năm chỗ
Pháp bảy ngày có hai (Nam-Luật 5, trang 33, 3 dòng 10)
Mười hai Ðề xá ny
Sám hối lại có bốn.

Hỏi 28:

Nói dối có mấy phần
Bố tát có mấy phần
Sứ giả có mấy phần
Ngoại đạo có mấy pháp?

Ðáp:

Tám phần thành nói dối
Bố tát cũng có tám
Sứ giả cũng có tám
Ngoại đạo có tám pháp.

Hỏi 29:

Thọ giới có mấy lời
Ðứng kính với mấy hạng
Mời ngồi với mấy hạng
Giáo giới ny có mấy?

Ðáp:

Thọ đại giới tám lời
Ðứng kính với tám hạng
Mời ngồi với tám hạng
Tám pháp giáo giới ny
.

Hỏi 30:

Mấy hạng người không lạy
Cũng không chấp tay chào
Có mấy Ðột-cát-la
Dùng y có mấy loại?

Ðáp:

Mười hạng người không lạy
Cũng không chấp tay chào
Có mười Ðột-cát-la
Dùng y lại có mười.

Hỏi 31:

Làm bất thiện mấy điều
Như Lai giảng dạy rõ
Trong luật, phần Chiêm Bà
Tác pháp đều bất thiện?

Ðáp:

12 tác pháp bất thiện
Như Lai giảng dạy rõ
Trong luật, phần Chiêm Bà
Tác pháp đều bất thiện.

Hỏi 32:

Theo câu đại đức hỏi
Tôi đã tùy ý đáp
Ðáp theo từng câu hỏi
Không còn một nghi ngờ.

 

Giải thích:

Ðáp: 1. Thân đắc; 2. Miệng đắc; 3. Thân miệng đắc; 4. Thâm tâm đắc; 5. Tâm miệng đắc; 6. Thân miệng tâm đắc.

Thân nghiệp có sáu tội: bắt đầu là dâm, nộ (giận). Khẩu nghiệp có sáu tội: bắt đầu là lừa gạt nói dối.

Che dấu (phú tàng) có ba tội: 1- Tỳ kheo ny che dấu tội trọng thì phạm Ba-la-di. 2- Tỳ kheo che dấu tội trọng của người khác thì phạm Ba-dật-đề. 3- Tỳ kheo che dấu tội trọng của mình thì phạm Ðột-cát-la. Ðây là ba tội do che dấu.

Xúc chạm nhau có năm tội:

1. Tỳ kheo ny xúc chạm (nam) phạm Ba-la-di.
2. Tỳ kheo xúc chạm (nữ) phạm Tăng tàn.
3. Tỳ kheo xúc chạm vào y phục của người nữ phạm Thu-lan-giá.
4. Tỳ kheo dùng y xúc chạm ngưỡi nữ phạm Ðột-cát-la.
5. Tỳ kheo dùng ngón tay chọc (lét) tỳ kheo khác phạm Ba-dật-đề. Ðây là năm tội.

Minh tướng (sáng sớm) xuất hiện có ba tội:

Một đêm, sáu đêm, bảy đêm, mười đêm, quá một tháng khi minh tướng xuất hiện thì phạm Ny tát kỳ Ba-dật-đề. Tỳ kheo ny ở qua đêm một mình, khi minh tướng xuất hiện, phạm tăng tàn. Tỳ kheo tự che dấu tội, minh tướng xuất hiện, phạm Ðột-cát-la. Ðây là ba loại tội khi minh tướng xuất hiện (thì phạm).

Ba lần xướng có hai loại: 1- Tỳ kheo. 2- Tỳ kheo ny. Khi đang thuyết giới (vị yết ma) xướng ba lần (người) có tội mà không phát lộ, phạm Ðột-cát-la. Ðây là hai loại tội từ ba lần xướng lên.

Trong luật nói tám sự thành tội: là tội Ba-la-di của tỳ kheo ny.

Tất cả tụ (nhóm) có một: trong phần tựa của giới có nói: nhớ có tội phải phát lộ. Phát lộ về (cả) năm thiên giới, nên nói có một tụ (nhóm).

Như Lai giảng giải rõ: giảng giải phân biệt sự khinh trọng về giới tướng.

Luật chú trọng về hai (nghiệp) là thân và miệng.

Trong luật , (giới) trọng có hai là Ba-la-di và Tăng tàn.

Che tội thô cũng có hai là Ba-la-di và Tăng tàn.

Giữa tụ lạc có bốn: một tỳ kheo và tỳ kheo ny hẹn nhau đi, tỳ kheo đi bước thứ nhất, phạm Ðột-cát-la; đến cương giới tụ lạc, tỳ kheo phạm Ba-dật-đề; một chân bước vào cương giới, một chân ở ngoài, tỳ kheo ny phạm Thu-lan-giá; cả hai chân vào cương giới, (tụ) phạm tăng tàn. Ðây là bốn tội giữa tụ lạc.

Qua sông có bốn tội: tỳ kheo và tỳ kheo ny hẹn nhau đi chung thuyền, Vừa bước đi, tỳ kheo phạm Ðột-cát-la. bước lên thuyền, tỳ kheo phạm Ba-dật-đề. Bước một chân lên bờ, tỳ kheo ny phạm Thu-lan-giá. Bước cả hai chân lên bờ, tỳ kheo ny phạm Tăng tàn. Ðây là bốn tội về qua sông.

(Ăn) Một loại thịt, bị phạm thu lan dá là thịt người.

(Ăn) chín loại thịt phạm Ðột-cát-la: là thịt voi, ngựa, chó...

Nói chuyện trong đêm có hai tội: (ban đêm) tỳ kheo ny cùng với đàn ông vào phòng tối, đến chỗ khuất kề tai nói nhỏ, phạm Ba-dật-đề. (Ðêm) tỳ kheo ny cùng đàn ông ở một chỗ cách xa nhau ngoài hai khủy tay, phạm Ðột-cát-la. Ðây là hai tội nói chuyện ban đêm.

Ban ngày cũng có hai: tỳ kheo ny cùng đàn ông ở chỗ khuất trong phạm vi hai khủy tay rưỡi, phạm Ba-dật-đề; ngoài hai khủy tay rưỡi, phạm Ðột-cát-la. Ðây là hai tội về ban ngày.

Về bố thí có ba: với ác tâm, tỳ kheo đem cho thuốc độc để giết người, phạm tội Ba-la-di; giết phi nhân, phạm Thu-lan-giá; giết súc sanh, phạm Ba-dật-đề. Ðây là ba tội về cho.

Về nhận lấy, có bốn tội: người nữ dùng tay đưa cho, tỳ kheo nắm lấy, phạm tăng tàn; tỳ kheo nhận lấy sự dâm dục của người nữ cho, phạm Ba-la-di. Tỳ kheo nhận lấy y của tỳ kheo ny không phải thân quyến, phạm Ny tát kỳ Ba-dật-đề. Với tâm dâm dục, tỳ kheo ny biết đàn ông kia (cho với) tâm dâm dục mà vẫn nhận lấy thức ăn của họ, phạm Thu-lan-giá. Ðây là bốn tội do nhận lấy.

Năm tội có thể sám hối: Thu-lan-giá (Dubbhàsita), Ba-dật-đề, Ba-la-đề Ðề-xá-ny, Ðột-cát-la, ác thuyết. Ðây là năm tội có thể sám hối. Tội thứ sáu cần phải yết ma (để sám hối): Tăng già bà thi sa.

Một tội không thể sám hối là Ba-la-di.

Luật có hai loại (tội) trọng là Ba-la-di và tăng tàn.

Thân, miệng cũng như vậy: sự chế định giới luật căn cứ vào thân, miệng.

Một loại vị ngon dùng phi thời: tô tỳ diêm (nước súp loãng) làm bằng ngũ cốc được dùng phi thời. Gọi là một loại vị ngon (súp) dùng phi thời.

Một (pháp) bạch tứ yết ma là sai (người đi) giáo giới tỳ kheo ny.

Ba-la-di có hai: tỳ kheo và tỳ kheo ny.

Ðất hòa hợp (cộng trú xứ) có hai: 1. Hòa hợp về thân, 2. Hòa hợp về pháp.

Mất đêm cũng có hai: 1. Hành Ba-lợi-bà-sa. 2. Hành Ma-Na-đỏa.

Kết giới về hai ngón tay có hai: 1. Tỳ kheo ny tẩy tịnh. 2. Tóc trên đầu dài; (cả hai) không được để quá hai ngón tay (chồng lên).

(Tự) đánh đập thân mìnhcó 2 tội: tỳ kheo ny tự đánh mình phạm Ðột-cát-la; khóc, phạm Ba-dật-đề.

Nhân hai việc (mà) phá tăng: 1. yết ma. 2. nhận lấy thẻ.

(Khi) mới làm có hai tội: 1. Tỳ kheo làm (thì) có tội bắt đầu (làm). 2. Tỳ kheo ny làm (thì) có tội bắt đầu (làm).

Tác bạch cũng có hai tội: 1. Bạch yết ma.2. Ðơn bạch.

Sát sanh có ba tội:

- Giết người: phạm Ba-la-di.

- Giết phi nhân: phạm Thu-lan-giá.

- Giết súc sanh: phạm Ba-dật-đề.

Tội nặng về lời nói có ba: dạy người trộm, dạy người chết, nói với người là mình đắc pháp Thánh lợi.. Ðây gọi là lời nói có ba tội trọng.

Mắng chưỡi cũng có ba: bằng tâm dâm dục. mắng nữ căn và hậu môn (của họ) phạm hai tăng tàn. Mắng các phần khác trên thân phạm Ðột-cát-la. Ðây là ba tội.

Làm mai mối có ba tội: khi nhận lời, phạm Ðột-cát-la; đi đến nói, phạm Thu-lan-giá; trở lại báo tin, phạm tăng tàn.

Ba hạng người không được thọ (đại giới):1. Ở xa không nghe. 2. Thân thể không đầy đủ. 3. Căn không hoàn bị. Không đủ y bát thuộc về phần thân thể. Người bị 13 già nạn thuộc về các căn không hoàn bị.

Tiến hành tụ (yết ma) có ba trường hợp: 1. Biệt chúng. 2. Bạch không thành tựu. 3. Yết ma không thành tựu. Ðây gọi là ba.

Ðuổi hẳn cũng có ba: 1. Tỳ kheo ny đem thân mình vu báng người khác (phạm giới Ba-la-di) như tỳ kheo ny Từ Ðịa. 2. Sa di phá hoại sa di (bằng cách) hành dâm vào hậu môn người kia. 3. Nói làm việc dâm dục không chướng ngại đạo pháp. Ðây gọi là ba tội bị đuổi hẳn.

Một lời nói cũng có ba: một (lời) yết ma, cả ba người đồng thời đắc giới.

Giới trộm có ba tội: trộm năm tiền phạm Ba-la-di; bốn tiền phạm Thu-lan-giá; ba tiền xuống đến một tiền phạm Ðột-cát-la.

Giới dâm có bốn tội: 1. Với nữ căn, Ba-la-di. 2. Với tử thi người nữ hư rã một nữa, Thu-lan-giá; 3.không tiếp xúc bốn bên (căn người nữ) Ðột-cát-la. 4.Tỳ kheo ny làm nam căn giả đưa vào trong căn mình, Ba-dật-đề. Ðây là bốn tội.

Giết chặt bỏ hẳn cũng có ba: giết người, Ba-la-di; chặt cây cỏ, Ba-dật-đề; tự cắt bỏ nam căn,Thu-lan-giá. Ðây là ba nhân phạm tội.

Vứt bỏ có ba: 1. Có tâm cố giết nên vứt bỏ thuốc độc, nếu người bị chết (vì thuốc ấy) phạm Ba-la-di; phi nhân chết, Thu-lan-giá; súc sanh chết, Ba-dật-đề. Ðây là ba loại vứt bỏ.

Lại có ba loại (vứt bỏ): tỳ kheo (làm xuất) vứt bỏ tinh, tăng tàn; vứt bỏ đại tiểu tiện trên cỏ sống, Ba-dật-đề; vứt bỏ (đại tiểu tiện) trong nước, trên đất sạch, Ðột-cát-la. Khạc nhổ cũng như vậy. Ðây là ba tội về vứt bỏ.

Ba-dật-đề và Ðột-cát-la: giáo giới tỳ kheo ny đến chiều tối, phạm Ba-dật-đề. Trước thuyết pháp, sau thuyết bát kính pháp, phạm đột cát la.

Có bốn quy định (theo lời) Phật dạy: 1. Phòng ở; 2. Giới; 3. Làm đúng pháp; 4. Không làm đúng pháp.

Cho y có hai loại tội: cho y đến tỳ kheo ny đầy đủ giới không bà con, phạm Ba-dật-đề, cho y đến tỳ kheo ny không đầy đủ giới, phạm Ðột-cát-la. (Ny) không đầy đủ giới là ny chỉ được tỳ kheo ny bạch tứ yết ma nhưng chưa được đại tăng bạch tứ yết ma. Ðây là hai tội về cho y.

Ba la đề có tám: là tám Ba-la-đề Ðề-xá-ny của tỳ kheo ny.

Ba-dật-đề, Ðột-cát-la: tỳ kheo ny xin hạt giống phạm Ba-dật-đề; khi ăn, Ðột-cát-la.

Ði có bốn tội: tỳ kheo cùng hẹn đi với người nữ, khi bắt đầu đi, Ðột-cát-la; đến thôn xóm, phạm Ba-dật-đề. Tỳ kheo ny đi một mình, phạm Thu-lan-giá; đến thôn xóm, phạm tăng tàn.

Ðứng có bốn tội: tỳ kheo ny và đàn ông đứng ở chỗ khuất, phạm Ba-dật-đề; xa ngoài tầm tay, Ðột-cát-la. Tỳ kheo ny nào khi trời rạng sáng mà không đi theo bạn, ở trong tầm tay, phạm Thu-lan-giá; ở ngoài tầm tay, phạm tăng tàn.

Ngồi và ngủ cũng như vậy.

Ba-dật-đề có năm: bơ, dầu, đường, cục mật, mỡ (đựng) riêng từng lọ, nhận lấy để quá bảy ngày, dùng bị năm Ba-dật-đề.

Loại ấy chẳng phải một hạng: bơ, mật v.v...

Chẳng phải trước hay sau: nhận lấy (các loại trên) (nhiều lần) để tập trung một chỗ và dùng một lúc, đều bị tội.

Có chín Ba-dật-đề: xin chín thứ thức ăn ngon bị chín tội Ba-dật-đề.

(Loại) Tội ấy chẳng phải là do một thứ: về hình thức bơ, dầu, cá, thịt khác nhau.

Tất cả đều sám hối bằng khẩu nghiệp: chín tội Ba-dật-đề ở trên, dùng chung một lời (văn) sám hối thì được hết tội.

(Ðối với) năm loại Ba-dật-đề: nói ra tên họ để sám hối, liệt kê tên tội để sám hối.

(Ðối với) chín loại Ba-dật-đề: gồm chung lại một loại để sám hối và nêu tên tội ra để sám hối.

Lần thứ ba bị ba tội: tỳ kheo ny nào theo kẻ bị cử tội, được can gián ba lần mà không bỏ, phạm Ba-la-di. Tỳ kheo bị tăng can gián ba lần không bỏ, phạm tăng tàn. Tỳ kheo và tỳ kheo ny có ác kiến, được can gián ba lần mà không bỏ, Ba-dật-đề.

Do ăn bị sáu tội: Thế nào là sáu?

1. Vì thức ăn nên tự xưng đắc pháp thượng nhân.
2. Vì ăn uống nên làm mai mối.
3. Vì ăn uống nên nói rằng người nào ở chùa này thì đắc đạo quả nhưng không nêu rõ tên họ ra, phạm Thu-lan-giá.
4. Vì ăn uống, không có bệnh mà xin thức ăn ngon.
5. Vì ăn uống, không có bệnh, tỳ kheo ny xin thức ăn ngon, phạm Ba-la-đề Ðề-xá-ny.
6. Vì muốn ăn uống ngon, tỳ kheo không có bệnh, xin cơm, phạm Ðột-cát-la.

Ðây là sáu tội do thức ăn.

Ăn đúng giờ có ba tội:

1. tỳ kheo ăn thịt người, phạm Thu-lan-giá.
2. Ăn thịt voi, ngựa, rồng (rắn), chó... phạm Ðột-cát-la.
3. tỳ kheo ny ăn tỏi (Lasuna) phạm Ba-dật-đề

Vì năm món ăn mà bị tội:

Biết người đàn ông có tâm ô nhiễm, tỳ kheo ny xin họ được thịt người, tỏi, thức ăn ngon, thịt voi ngựa; nhận thức ăn của đàn ông có tâm ô nhiễm, phạm Tăng tàn; ăn thịt người phạm Thu-lan-giá; ăn tỏi phạm Ba-dật-đề; xin thức ăn ngon phạm Ba-la-đề Ðề-xá-ny; ăn thịt voi ngựa... phạm Ðột-cát-la. Ðây gọi là tội do năm loại thức ăn.

Tất cả quá ba lần: tỳ kheo ny theo kẻ bị cử tội, can gián lần thứ nhất mà không bỏ, Ðột-cát-la; yết ma lần thứ nhất mà không bỏ, Thu-lan-giá; yết ma lần thứ ba mà không bỏ, Ba-la-di. Ðây là ba loại tôi do ba lần can gián.

Phạm tội có năm chỗ: tỳ kheo ny theo kẻ bị cử tội, tác bạch xong, không bỏ, Ðột-cát-la; yết ma lần thứ nhất xong, không bỏ, Thu-lan-giá; yết ma lần thứ ba xong, không bỏ, Ba-la-di. Nếu muốn phá tăng, can gián ba lần không bỏ, tăng tàn. Có ác kiến, được can gián ba lần không bỏ, Ba-dật-đề.

Ðây gọi là năm tội.

Khéo đáp tội có năm: tỳ kheo, tỳ kheo ny, thức xoa ma na, sa di, sa, di ny, cả năm chúng đều có tội khi can gián ba lần mà không bỏ.

Tránh sự cũng có năm: năm chúng (xuất gia) đều có bốn tránh sự.

Sự việc (bàn) luận lại có năm: tránh sự do sự bàn luận của năm chúng.

Dùng năm pháp để diệt: năm chúng diệt tránh sự của năm chúng.

Thanh tịnh có năm loại: năm chúng phạm tội (mà biết) sám hối (thì đều) được thanh tịnh.

Trong ba chỗ (trường hợp) thành thiện: chỗ của tăng, chỗ của chúng, chỗ của bạch y. (Cả) ba chỗ đều thanh tịnh, được gọi là thiện.

Thân nghiệp về đêm có hai tội: tỳ kheo ny và đàn ông cùng nhau vào phòng ban đêm, thân cận trong tầm tay phạm Ba-dật-đề, ngoài tầm tay phạm Ðột-cát-la.

Thân nghiệp về ban ngày có hai tội: ban ngày, tỳ kheo ny cùng đàn ông ở chỗ khuất, thân cận trong tầm tay, Ba-dật-đề; ngoài tầm tay, Ðột-cát-la.

Khi thấy, bị một tội: tỳ kheo cố nhìn căn của người nữ, phạm tội Ðột-cát-la.

Xin thức ăn bị một tội: tỳ kheo không bệnh, không được xin thức ăn (ngon) cho mình, (nếu xin được) phạm Ðột-cát-la.

Thấy (biết) ăn có tám hạng: trong phần kiền độ Câu Diệm Di đã nói rõ.

Y (chỉ) vào người khác để thành sám hối: sự sám hối của năm chúng xuất gia cần phải nhờ vào người khác để mà sám hối.

Bị đuổi đi có ba: 1. Che dấu (tội lỗi). 2. Không chịu sám hối. 3. Aùc kiến.

Hành động tốt bốn mươi ba pháp: người bị đuổi mà thi hành bốn mươi ba pháp thì được vào chúng, không hành pháp này không được nhập chúng.

Nói dối có năm tội: Ba-la-di, Tăng tàn, Thu-lan-giá, Ba-dật-đề, Ðột-cát-la.

Pháp bảy ngày có hai: Một, thuốc bảy ngày, thọ pháp bảy ngày đi ra ngoài cương giới. Ðây gọi là hai.

Mười hai Ðề-xá-ny: tỳ kheo ny có tám Ba-la-đề Ðề-xá-ny, tỳ kheo có bốn pháp Ba-la-đề Ðề-xá-ny hợp lại là mười hai.

Sám hối lại có bốn: Ðề bà Ðạt đa (Devadatta) sai ngươì hại Phật, cúng dường A Nâu Lâu Ðà (là) Ưu Ba ly Ly xa tử, bị chúng tăng tác yết ma phú bát. Tỳ kheo Sa bà Ca, bốn người này cùng đến Phật xin sám hối.

Nói dối có tám phần (quán): sinh tâm muốn dối, miệng nói ra lời dối, nói dối xong, biết là nói dối, che dấu sự hiểu biết, nói ra việc khác, người nghe hiểu rõ lời muốn nói, với tâm tà vạy. Ðây gọi là phần (quán).

Bố tát (ngày trai giới) cũng có tám: tám giới.

Sứ giả cũng có tám: Ðiều đạt dùng phi pháp muốn phá tăng, tăng sai người đầy đủ tám đức đến bảo rằng hành động của Ðiều Ðạt là phi Phật pháp tăng , đây chỉ là hành động (riêng) của Ðiều Ðạt.

Ngoại đạo có tám pháp: ngoại đạo muốn xuất gia, hành tám pháp Ba lị bà sa là: không đi đến năm nơi không nên đi đến, nghe khen ngợi Phật, pháp, tăng thì hoan hỷ.

Tám lời thọ giới: tỳ kheo ny bạch tứ yết ma (rồi đến) tỳ kheo bạch tứ yết ma.

Ðứng dậy cung kính cũng có tám: tám kính pháp của tỳ kheo ny.

Chuẩn bị chỗ ngồi cũng có tám: khi đại chúng tập họp, tám vị thượng tọa ngồi theo thứ tự, các vị còn lại tùy theo đó mà ngồi.

Tám pháp giáo giới cho ny: tỳ kheo nào có tám đức mới được nhận việc giáo giới cho tỳ kheo ny.

Không nên lễ bái mười hạng người tỳ kheo ny, thức xoa ma na, sa di, sa di ny, ưu bà tắc, ưu bà di bị phạm giới, người ngủ, người đang ăn, người đang đại tiểu tiện, người đang xỉa răng. Không nên chấp tay chào với mười hạng người trên.

Có mười Ðột-kiết-la: nếu lễ bái hay chấp tay chào mười hạng người trên thì bị tội Ðột-kiết-la.

Dùng y lại có mười: cho phép được mặc mười loại y.

Mười hai hành động bất thiện: bạch không đúng, phi pháp biệt chúng, phi pháp hòa hợp chúng, pháp biệt chúng. Trong pháp bạch yết ma có bốn phi pháp; trong pháp bạch nhị yết ma có bốn phi pháp; trong pháp bạch tứ yết ma có bốn phi pháp. Bốn phi pháp trong ba trường hợp yết ma gom lại là mười hai phi pháp.

Chú Giải Luật Thiện Kiến

- Quyển 18 -


Bắt đầu dịch 01/06/1997
 Dịch xong đêm 05/05/1999
(Tức 20/03 Kỷ Mão, PL. 2542)

TÂM HẠNH


Nguyện hồi hướng công đức của pháp bảo này đến tất cả hữu tình và Phật sự này được viên mãn.

Cầu an cho các Phật tử hỗ trợ công tác phiên dịch này:

- Quốc Hưng, pd Nguyên Hạnh
- Quang Hùng, pd Tâm Minh
- Hoàng Hải, pd Nguyên Trí
- Thùy Linh
- Hoàng Phong, pd Tâm Ðức.

Luôn luôn an lạc như ý trong hào quang của Tam bảo.


PHỤ ĐÍNH:

Có phải Trung Quốc đã bảo tồn được bản chú giải Luật Tỳ khưu tiếng Sinhala đã thất truyền?

Ananda W.P. Guruge,
Trưởng phòng Học vụ và Trưởng khoa Phật giáo Quốc tế,
Đại học Hsi Lai, California, Hoa Kỳ.

Vào năm 1996, trong một cuộc thảo luận về vua Asoka (A-dục) do tôi chủ trì tại Đài Bắc, Tiến sỹ Lin Chung-An, giáo sư về vật lý học thiên thể của Đại học quốc gia Đài Bắc, cho biết bộ Tam Tạng của Trung Quốc được xuất bản ở Nhật Bản từ năm 1924 có bao gồm tài liệu lịch sử truyền bá Phật giáo vào Tích Lan. Ông cũng nói rằng tài liệu đó đề cập chi tiết về vua Asoka và liệt kê những phái đoàn truyền giáo được ngài Tỳ khưu Moggaliputa Tissa (Mộc-kiền-liên Đế-tu) cử đi.

Nhận được thông tin tham khảo của ông, tôi đã kiểm tra bộ Đại chính Tân tu Đại tạng kinh Trung Quốc và phát hiện ra rằng bản kinh số 1462 - Shan-jian-lu-piposha - (Thiện kiến luật tỳ-bà-sa) được trình bày bởi các nhà biên tập Nhật Bản như là một bản dịch của bộ Samantapasadika. Samantapasadika là bản chú giải về Luật Tỳ khưu mà ngài Buddhaghosa (Phật Minh) đã dịch từ bản tiếng Sinhala cổ sang tiếng Pàli vào thế kỷ thứ 5. Tôi rất thích thú khi phát hiện ra bản dịch sang chữ Hán từ bài luận tiếng Pàli của xứ Tích Lan này. Đó có thể là bản duy nhất trong số rất nhiều phiên bản tiếng Sankrit đã được dịch sang tiếng Trung Quốc một cách hệ thống trong hơn hai ngàn năm qua.

Thế kỷ thứ 5 sau Công nguyên (CN) là giai đoạn rất có ý nghĩa về quan hệ giữa Trung Quốc và Tích Lan trong lĩnh vực Phật học. Nổi bật là chuyến đi của ngài Pháp Hiền (Fa-hian), phái đoàn truyền giáo của các ni sư Tích Lan do Tỳ khưu ni Devasara dẫn đầu đến Trung Quốc thành lập Giáo đoàn Tỳ khưu ni, và việc ngài Pháp Hiền dịch tạng Luật thuộc Di-sa-tắc bộ (Mahisasaka Vinaya) sang chữ Hán. Tôi cho rằng có thể ngài Pháp Hiền hoặc bà Devasara đã đem quyển Samantapasadika truyền vào Trung Quốc.

Gần đây, tôi bắt đầu duyệt lại quyển sách "Minh quân Asoka: Tiểu sử chi tiết", do tôi viết về cuộc đời nhà vua, phiên bản Ấn ngữ của nhà xuất bản Motilal Banarssidas, và kiểm tra lại các nguồn tư liệu Trung Quốc về vua Asoka. Cho đến nay, tất cả các nhà nghiên cứu về vua Asoka đều dựa vào tài liệu chữ Hán của ông Jean Przyluskis về vị hoàng đế này. Tuy nhiên, sách đó được xuất bản mãi từ năm 1923. Vì thế, không thấy đề cập đến tập Shan-jian-lu-piposha (Thiện kiến luật tỳ-bà-sa). Tôi cho rằng cần phải có một công trình nghiên cứu chi tiết về tác phẩm này, để làm sáng tỏ các nguồn tư liệu gốc Trung Quốc về vua Asoka.

Cho đến nay, tất cả các nguồn tư liệu gốc của Trung Quốc được biết đến và sử dụng đều miêu tả vua Asoka như đã được đề cập trong tư liệu Avadana (Thí dụ kinh) bằng tiếng Sankrit. Về mặt lịch sử, các nguồn tư liệu này không đáng tin cậy và các thông tin đó cũng không tương hợp với những gì được biết về vua Asoka qua các sắc lệnh và bút tích khắc trên đá của nhà vua, còn lưu lại cho đến nay. Thật khó tin rằng người Trung Quốc chỉ bảo tồn được một phiên bản rời rạc của vị Hộ Pháp vĩ đại nhất này.

Với sự hỗ trợ tích cực của vị đồng nghiệp, giáo sư Darui Long (Trợ lý trưởng phòng Học vụ của Đại học Hsi Lai), tôi đã so sánh từng dòng trong nhiều phần của hai bộ Samantapasadika và Shan-jian-lu-piposha. Khi tiến hành việc này, chúng tôi thấy sự việc trở nên rất rõ ràng: Shan-jian-lu-piposha không phải là một bản dịch trực tiếp từ bộ Samantapasadika.

Thứ nhất, tên "Piposho" hay "Vipasa" - phần cuối của tên Trung Quốc được phát âm như vậy, là tên gọi Sankrit của một bản luận: Vibasha = Atthakatha (tỳ-bà-sa, quảng thích, chú thích, chú giải). Phần còn lại của tên (Shan-jian, thiện kiến) có thể được dịch lược là "làm sáng tỏ", "kiểm nghiệm kỹ lưỡng" hay "làm rõ" (Shan-jian: Thiện-kiến còn là vương hiệu của vua Asoka - người dịch).

Từ "toàn diện" được chuyển tải bởi từ "Samanta" lại không có trong tên của bản Hán văn. "Lu" có nghĩa là Vinaya (Luật). Shan-jian-lu-piposha nghĩa là "Bộ Luận làm sáng tỏ hoặc làm rõ nghĩa, hoặc kiểm nghiệm kỹ lưỡng (ý nghĩa của) tạng Luật".

Samantapasadika hiển nhiên là một cái tên được đặt cho bản dịch của ngài Buddhaghosa, Ngài thường đặt những tiêu đề thu hút sự chú ý như vậy cho tất cả các bản dịch của mình.

Thứ hai là về Niên đại. Người ta cho là ngài Sanghabhadra (Chúng Hiền), từ Tích Lan đến Quảng Đông ở miền nam Trung Quốc vào năm 488 sau CN, là người đã dịch bộ Shan-jian-lu-piposha. Ngài đã dịch bộ luận này với sự cộng tác của một nhà sư Trung Quốc tên là Sang-I -- nhà sư này đã từng ở Sri Lanka và sau đó trở về Trung Quốc vào năm 429. Bản dịch này được hoàn tất vào khoảng năm 488-489. Có thể nào ngài Sanghabhadra đã mang theo một phiên bản tiếng Pàli của Samantapasadika khi ngài đi thuyền đến Trung Quốc vào khoảng năm 486-487?

Để khẳng định điều này, cần phải xác định thời gian ngài Buddhaghosa dịch bộ chú giải Luật bằng tiếng Sinhala sang tiếng Pàli. Chúng tôi không có tư liệu về thời gian chính xác, nhưng theo bộ Mahavamsa (Đại sử), ngài Buddaghosa đã đến Tích Lan từ vùng lân cận Mahabodhi ở Bồ đề Đạo tràng trong thời trị vì của vua Mahanama (406-428). Trong những năm đầu tiên cư ngụ tại Mahavihara (Đại tự viện), tỉnh Anuradhapura, Tích Lan, ngài đã dành thời gian để sáng tác bộ Thanh tịnh đạo (Visuddhimagga). Giả sử bộ Samantapasadika là bộ chú giải đầu tiên ngài dịch, thì cũng khó có khả năng ngài Sanghabhadra, là người chắc chắn thuộc bộ phái Abhayagiri (Vô úy sơn), đã tiếp cận được phiên bản tiếng Pàli đó. (Chú thích: trong thời kỳ đó, Tích Lan có 2 bộ phái đối nghịch nhau: Đại tự viện và Vô úy sơn - người dịch).

Mặt khác, bộ phái Abhayagiri cũng có những bộ luận riêng của mình bằng tiếng Sinhala, được gọi là Uttaraviharatthakatha mà vẫn còn tồn tại cho đến khi bộ Mahavamsa Tika (Đại sử luận) hay Vamsatthappasini xuất hiện vào thế kỷ thứ 9. Bộ luận về Mahavamsa phải dựa vào bộ Uttaraviharatthakatha để có được những thông tin chi tiết về vua Asoka và tổ tiên của nhà vua. Vì vậy tôi đã kiểm nghiệm giả thiết rằng ngài Sanghabhadra đã mang đến Trung Quốc không phải là bộ Samantapasadika của Buddhaghosa mà là một phiên bản của bộ Uttaraviharatthakatha.

Để đưa ra giả thiết này, tôi dựa trên chứng cứ quan trọng từ hai bộ sách, mà cả 2 bộ này đều sử dụng rất nhiều thi kệ. Trong bộ Samantapasadika, hầu hết những câu thơ trong đó đều được trích dẫn từ Dipavamsa (Đảo sử), bộ biên niên sử đầu tiên của Tích Lan, ra đời vào khoảng thế kỷ 4-5. Những câu thơ tương ứng trong bộ Shan-jian-lu-piposha thì hoặc là có nguồn gốc từ quá khứ hoặc từ các vị pháp sư (fa-shih). Bản chữ Hán không có một đề cập nào về bộ Dipavamsa, do đó đã chỉ ra một cách rõ ràng rằng bản gốc của nó còn cổ hơn cả bộ biên niên sử đầu tiên lẫn bộ Samantapasadika. Nó có thể là một phiên bản của bộ Atthakatha (Chú giải) bằng tiếng Sinhala, được xen kẽ với những câu thơ tiếng Pàli. Đây là một tư liệu gốc cho các bộ luận bằng tiếng Pàli của các ngài Buddaghosa, Dharmapala, v.v... và bộ Dipavamsa, Mahavamsa và một tác phẩm khảo cứu chính được tác giả cuốn Pàli Vamsathappakasini sử dụng.

Thứ ba là Cấu trúc của bộ sách. Cuốn Samantapasadika mở đầu bằng một đoạn văn rất dài gọi là "Bahiranidanavannana" - "mô tả về ngoại nhân" (nguồn gốc bên ngoài), hay còn gọi là bối cảnh lịch sử. Đây chính là phần được gọi là Atthakatha-Mahavamsa bằng tiếng Sinhala. Sau đó thì mỗi phần xuất hiện một nơi, như đã được thấy ở trong Suttavibhanga của tạng Luật.

Tuy nhiên, bản Hán văn Shan-jian-lu-piposha được chia làm 18 chương. Trong đó có 4 chương mô tả bối cảnh lịch sử từ khi Đức Phật nhập diệt cho đến ngày tạng Luật được một nhà sư Tích Lan giảng dạy ở Thuparama, tỉnh Anuradhapura, dưới sự hướng dẫn của Trưởng lão Mahinda (ngài Mahinda là con trai vua Asoka, đem Phật giáo Theravada truyền sang Tích Lan - người dịch). Rõ ràng là phiên bản mà ngài Sanghabadra sử dụng có kết cấu khác hẳn bộ Samantapasadika, trừ phi người Trung Quốc có thói quen chia bộ sách ra thành nhiều chương ngắn hơn.

Thứ tư, về Nội dung: chính nhờ vào việc phân tích nội dung mà chứng cớ thuyết phục nhất đã được tìm thấy. Mặc dù cả hai bản đều đề cập đến cùng một thông tin nhưng chúng khác nhau ở chỗ là chủ đề và văn phong rất khác nhau. Bộ Shan-jian-lu-piposha thể hiện thông tin một cách ngắn gọn, súc tích về 3 kỳ Kết Tập Kinh Điển, trong khi lại triển khai, mở rộng các cuộc đối thoại và mô tả tình huống. Một số đoạn mô tả của bộ Samantapasadika (ví dụ cuộc viếng thăm của Đức Phật và các vị Phật thời trước) lại rất cô đọng trong bản dịch Hán văn. Trong số đó, không thể bỏ qua là đoạn đề cập đến việc mang giống cây Bồ Đề (từ Bồ đề Đạo tràng sang Tích Lan - người dịch) mà phiên bản tiếng Pàli đã dành cho hẳn 10 trang. Nhưng bản Shan-jian-lu-piposha đề cập đến đoạn này lại rất ngắn, chỉ trong 4 trang. Mặt khác, thông tin về vua Asoka và tổ tiên của ông lại nhiều chi tiết hơn và phù hợp với phiên bản gốc, gần với bộ Dipavamsa (Đảo sử) hơn là bộ Mahavamsa (Đại sử).

Một manh mối khác là việc phiên âm các tên riêng sang tiếng Hán. Hầu hết các tên riêng đều ngắn và cho thấy là mang gốc tiếng Sinhala cổ, chứ không mang gốc tiếng Pàli.

Giáo sư Long và tôi có kế hoạch phân tích sự khác biệt về văn bản một cách chi tiết hơn trong tương lai. Tuy nhiên, những gì được ghi nhận ở đây đã chứng minh rằng những vấn đề trên không thể nảy sinh chỉ đơn giản do ngài Sanghabadra sử dụng 2 phiên bản tiếng Pàli khác nhau. Những sự sai biệt này vượt quá phạm vi lỗi sao chép hay do sự đọc hiểu khác nhau.

Kết luận:

Kết luận mà tôi muốn rút ra từ phần trình bày ở trên là: bản Hán văn Shan-jian-lu-piposha có thể là phần duy nhất chúng ta có được của bộ Attakatha (Chú giải) bằng tiếng Sinhala đã thất truyền. Phần giới thiệu về lịch sử có thể là một phiên bản của Atthakatha-Mahavamsa bằng tiếng Sinhala của bộ Uttaraviharatthakatha thuộc bộ phái Abhayagiri (Vô úy sơn).

Sự phát hiện này có 2 ý nghĩa:

* Đối với các học giả về truyền thống lịch sử Tích Lan: Bộ chú giải Luật chữ Hán cung cấp một tư liệu về lịch sử Tích Lan không những cổ hơn cả các bộ Dipavamsa, Samantapasadika và Mahavamsa mà còn là một nguồn tư liệu hàng đầu được sử dụng một cách chọn lọc trong tất cả các tác phẩm này và cả bộ luận Mahavamsa của thế kỷ thứ 9-10.

* Đối với các học giả Trung Quốc, bộ Shan-jian-lu-piposha là một bằng chứng nữa về mối quan hệ gần gũi giữa Trung Quốc và Tích Lan trong việc hình thành hệ thống Tăng đoàn Phật giáo ở Trung Quốc và sự ra đời của tạng Luật Trung Quốc - là sự hợp tác, do kết quả của những sáng kiến của ngài Tao-an (Đạo An) và chuyến đi và lưu lại Tích Lan của ngài Pháp Hiền. Nó cũng nói lên rằng Trung Quốc đã bảo tồn truyền thống Nam phương trong bối cảnh lịch sử của đạo Phật, bao gồm cả ba kỳ Kết Tập Kinh Điển, lịch sử vương triều ấn Độ và Tích Lan cổ, một lịch sử chính xác hơn về vua Asoka, và một biên niên sử đáng tin cậy.

Đối với học giả của cả hai nước, một giai đoạn nghiên cứu mới đã được mở ra: Liệu Trung Quốc có thể còn những manh mối nào nữa về thời cổ xưa của nền văn hóa Tích Lan, đang chờ đợi được khám phá trong kho tàng mênh mông các phiên bản dịch thuật về Phật pháp?

(theo nhật báo Daily News, Sri Lanka, 30-07-2003).

Tâm Hạnh và Đồng Lộc dịch,
B
ình Anson hiệu đính, 03-09-2003.

-ooOoo-

Chương trước | Ðầu trang | Mục lục


Chân thành cám ơn Tỳ kheo Thiện Minh đã gửi tặng phiên bản điện tử (Bình Anson, 01-2001)


[Trở về trang Thư Mục]

revised: 12-09-2003