BuddhaSasana Home Page
This document is written in Vietnamese, with Unicode Times font


Chú Giải Luật Thiện Kiến
Hán dịch: Tăng-già-bạt-đà-la - Việt dịch: Tỳ kheo Tâm-Hạnh


  

Quyển thứ ba

-ooOoo-

Vì dân chúng, quý đại đức thuyết giảng kinh Vô-thỉ-giới. Vào một ngày khác, quí đại đức thuyết giảng kinh Hỏa-tụ. Tuần tự như vậy cho đến bảy ngày, có tám ngàn năm trăm người đắc đạo quả. Từ khu vườn này, Phật pháp được lưu truyền quang minh rực rỡ nên có tên là vườn Quang-Minh (Jotivana).

Sau bảy ngày ấy, đến vương cung, thuyết kinh Không-lười-biếng (Mahàappamàdasutta) xong, các đại đức đến núi Chi-đế-da (Cetiyagiri).

Bấy giờ, vua bàn luận cùng các đại thần: - Các vị Tỳ-kheo này giáo hóa chúng ta làm cho được an trú vững chắc trong Phật pháp. Những vị đại đức ấy đã đi chưa?

Các quan tâu, chư tăng tự đến và ra đi, nên không thưa với đại vương?

Vua và hai phu nhân đi xe quí cùng ngàn vạn xe ngựa rầm rộ theo sau chúng tăng đến núi Chi-đế-da. Ðến nơi, để đoàn xe ngựa lại, vua đích thân đến nơi các đại đức. Thấy vua mệt nhọc, hơi thở hào hển, Ma-Hê-Ðà hỏi: - Ðại vương, vì sao hơi thở mệt nhọc như vậy?

Vua thưa: - Các vị đại đức đã giáo hóa chúng con làm cho được an trú vững chắc vào giáo pháp, con vội muốn biết thời gian quí vị lên đường.

Ðáp: - Chúng tôi không đi, vì muốn tiền an cư ba tháng.

Vua hỏi: - An cư ba tháng là thế nào?

Ðáp: - Theo pháp của sa-môn là an cư ba tháng. Ðại vương biết cho, chúng tôi không có trú xứ, mà ngày an cư đã sắp đến.

Khi ấy, cùng 55 người anh em đang đứng cạnh vua, một đại thần tên A-Lật-Trừu (Arittha) tâu: - Ðại vương, chúng tôi muốn gia theo các đại đức.

Vua đáp: - Lành thay! Cho phép các vị xuất gia.

Sau khi được phép, những người này đến gặp đại đức Ma-Hê-Ðà và được độ làm sa-môn, tóc chưa rơi hết xuống đất đã chứng quả La-hán.

Sau khi ra lệnh xây dựng 68 cái cốc đá (lena) ngay trước hang động chính (kantakacetiyangana), nhà vua trở về kinh đô.

Ngài Ma-Hê-Ðà lại giáo hóa mười người anh em của vua làm cho họ tin tưởng vững chắc với Phật pháp. Các Tỳ-khưu an cư ba tháng hạ trong các cốc đá ở núi Chi-đế-da. Khi ấy, lại có 60 vị đắc quả La-hán (Sampadvàsatthi-62).

Sau ba tháng an cư, đến ngày mười lăm tháng chín (7, 8?) , tự tứ xong, các Tỳ-kheo thưa vua: - Mùa hạ đã qua, chúng tôi ở đây xa cách thầy mình đã lâu (Ciradittho no mahàràja sama-sambuddho), đang muốn trở lại đất Diêm-phù-lỵ để thăm viếng sư trưởng.

Vua đáp: - Con xin dâng bốn loại cúng dường đến pháp sư. Lại còn có những người khác nhờ pháp sư mà được thọ trì ba qui y, năm học giới, hiện nay vì sao quí ngài buồn ý?

Ðáp: - Trước đây, chúng tôi sống dưới sự chăm nom của sư trưởng, ngày đêm cúng dường lễ bái, hiện nay ở đây không có thầy nên buồn rầu.

Nhà vua thưa: - Trước đây các đại đức nói đức Phật đã nhập Niết-bàn, bây giờ lại nói có thầy.

Các đại đức đáp: - Ðức Phật tuy đã vào Niết-bàn nhưng xá-lị (sarìradhàtuyo) vẫn còn.

Vua thưa: - Con đã hiểu ý quí đại đức muốn con xây dựng tháp. Nếu như vậy, xin quí đại đức ch?n cho nơi hoàn hảo.

Nhà vua lại suy nghĩ: Ðịa điểm có thể chọn được nhưng làm sao có xá-lị?

Ma-Hê-Ðà nói: - Nhà vua hãy tính toán cùng với sa di Tu-Ma-Na.

Vâng lời các đại đức, đến gặp sa di Tu-Ma-Na, nhà vua hỏi: - Thưa đại đức! Lúc này, làm sao con thỉnh được xá-lị của đức Như Lai?

Tu-Ma-Na đáp:- Lành thay đại vương! Chỉ cần sửa sang đường sá, quét dọn sạch sẽ, treo cờ và tràng phan, rãi hoa, đốt hương, trang hoàng thật đẹp, vua cùng thân quyến đều thọ trì tám giới, đem tất cả âm nhạc, voi của vua được trang sức với chuỗi ngọc, trên che lọng trắng, đi đến viên lâm Ma-ha-na-già (Màhànàgavanùyyàna) thì được xá-lị của Như Lai.

Vua khen ngợi: - Lành thay! Và làm theo lời dạy.

Các đại đức cùng đi đến núi Chi-đế-da. Ðến nơi, Ma-Hê-Ðà bảo sa di: - Lành thay! Này Tu-Ma-Na, con hãy đi vào đất Diêm-phù-lỵ, gặp vua A-Dục, tổ phụ của con-đem ý của ta, trình bày rằng bạn thân của đại vương là vua Thiên-Ái Ðế-Tu nước Sư-tử đã tin Phật pháp, đang muốn xây tháp. Ðại vương có xá lị, xin ban tặng vào lúc này. Khi được xá-lị rồi, con hãy lên cõi trời Ðao-lỵ, nói với Ðế thích (Sakka devarajànam) rằng ngài có hai xá-lị (Dve dhàtuyo) một là răng bên phải (dakkhinadàtha) để lại cho Ðế-thích cúng dường, hai là xương vai phải (dakkhinakkhaka) thì đưa con đem về. Con lại hỏi Ðế-thích là trước đây Ngài có nói cùng hộ vệ đi đến nước Sư-tử, sao nay lại an nhiên không đi?

Tu-Ma-Na thưa: Lành thay!

Sau khi vâng lệnh, Tu-Ma-Na mặc y mang bát, bay lên hư không, trong chốc lát hạ xuống trước cửa thành nước Ba-thát-lỵ-phất ở Diêm-phù-lỵ, vào gặp nhà vua tâu: - Ðại vương Ma-Hê-Ðà sai con đến...

Nghe nói lại sự việc xong, vua rất vui mừng và nhận lấy bát của sa di, dùng dầu thơm lau sạch bát rồi mở rương bằng bảy báu, lấy xá-lị màu trắng sáng như ngọc quí đặt vào đầy bát, trao cho sa di.

Nhận bát xá-lị, sa di đến cung trời Ðế-thích.

Thấy sa di, Ðế-thích thưa: - Ðại đức Tu-Ma-Na! Có việc gì mà ngài đến đây?

Ðáp: - Trước đây, thiên vương đã khuyến khích các đại đức đến nước Sư-tử mà đến nay thiên vương vẫn chưa đến.

Ðế-thích đáp: - Con đến đó để làm việc gì?

Sa di hỏi: - Này Ðế-thích! Ngài có hai xá-lị, một là răng bên phải thì để lại đây, hai là xương vai phải thì đưa cho tôi để cúng dường.

Sau khi khen ngợi: Lành thay! Lành thay! Ðế-thích lấy chìa khóa mở tháp bảy báu (manithùpa) cao rộng một do-tuần, lấy xá-lị trao cho Tu-Ma-Na...

Nhận xá lị xong, Tu-Ma-Na hạ xuống núi Chi-đế-da. Các đại đức tên Ma-Hê-Ðà, Uất-Ðịa-Du, Uất-Ðế-Du, Bạt-Ðà-Sa, Tham-Bà-Lầu... đem xá lị của vua A-Dục ban cho tôn trí vào núi Chi-đế-da, xương vai thì được đưa đến viên lâm Ma-ha-na vào buổi chiều.

Trước đây lệnh sửa sang đường sá... của sa di, lúc này các việc đã hoàn tất. Nhà vua cỡi voi, tay cầm lọng trắng che trên xá-lị đi đến núi Chi-đế-da. Vua suy nghĩ: - Nếu đây là xá lị của đức Như Lai thì voi tự quì xuống, lọng trắng tự hạ, khiến cho xá-lị ngự trên đầu ta.

Vua nghĩ chưa xong voi quì sát đất lọng trắng tự hạ, hộp đựng xá-lị (dhàtucangotaka) ngự ngay trên đầu vua. Ngay khi ấy, thân thể khoan khoái như được uống cam lộ nên vua hỏi: - Thưa đại đức! Xá-lị ngự ngay trên đầu của con, phải làm sao đây?

Ðáp: - Ðặt trên đầu voi.

Bấy giờ, vua bưng hộp xá-lị đặt trên đầu voi. Ðược đội xá-lị, voi rất sung sướng, cất tiếng rống lên để cúng dường xá-lị. Trên không trung, nổi mây tuôn mưa, thích ứng tùy loại chúng sinh, mặt đất chấn động cho đến tận thủy biên. Thấy xá-lị của Phật đã đến vùng biên địa, trời, rồng, quỉ thần rất hoan hỷ, nói kệ:

Xá-lị của Như Lai,
Từ Ðao-lỵ giáng hạ,
Như mặt trăng tròn sáng,
Ðến giáo hóa biên địa.
Ngự yên trên đầu voi,
Voi rống lên cúng dường
.

Khi ấy, vây quanh voi, âm nhạc tuyệt diệu được tấu lên để cúng dường xá-lị. Quay lưng về hướng Ðông, voi quay mặt đi về phía Tây, đến cửa thành thì vào ngay trong thành. Trong thành, nhân dân cung kính cúng dường, ra khỏi thành phía Nam, đi vòng theo hướng Tây về vườn tháp (Thùpàràma), đến chỗ đất được chọn (Pahecivatthu) ở vườn tháp, nó đứng xoay lại (về hướng Ðông). Ngay trong vườn tháp này, thời quá khứ có tôn trí xá-lị của ba đức Phật. Thời xưa, nước Sư-tử tên là đảo Âu-xà (ojadìpa), nước tên Vô-úy (Abhayapura), vua hiệu Vô-Úy (Abhaya), núi Chi-đế-da tên là Ðề-bà-cưu-thát (Devakùtapabbata). Khi ấy, vườn tháp này tên là vườn Ba-lỵ-da (patiyàràma). Bấy giờ, đức Phật Cưu-Lưu-Tôn (Kakusandha) xuất hiện ở thế gian. Vị Thanh-văn của đức Phật này tên là Ma-Ha-Ðề-Bà (Mahàdeva) cùng với 1000 Tỳ-kheo đến cư trú ở Ðề-bà-cưu-thát, cũng như Ma-Hê-Ðà trú ở núi Chi-đế-da. Bấy giờ, chúng sinh ở đảo Âu-xà bị khổ não vì nhiễm bệnh. Dùng thiên nhãn quán sát, thấy chúng sinh có khổ não như vậy, Phật Cưu-Lưu-Tôn cùng với bảy vạn Tỳ-kheo đi đến đảo Âu-xà, diệt trừ các tật bệnh. Sau khi diệt các bệnh, Như Lai thuyết pháp cho nhân dân trong nước, có tám vạn bốn ngàn người được đạo quả. Sau đó, Như Lai để lại bình lọc nước (dhamamakaraka) trong nước này rồi trở về nước cũ. Nhân dân xây tháp và tôn trí bình lọc nước ấy trong tháp, gọi là Ba-lỵ-da. Ma-Ha-Ðề-Bà rải hoa cúng dường và cùng nhân dân ở lại nước này.

Vào thời Phật Câu-Na-Hàm-Mâu-Ny (konàgamana), đảo Sư-tử này tên là đảo Bà-La (varadìpa), nước tên Bạt-xà-ma (Vaddhamàna), vua hiệu Sa-diệt-địa (Samiddha); núi Chi-đế-da tên Kim-đỉnh (Suvannakùta). Khi ấy, nước Ba-la bị hạn hán mất mùa nặng nề, tất cả chúng sinh bị đói kém rất khổ não. Quán sát thế gian với thiên nhãn, thấy sự đói khổ ở đảo Bà-la, đức Phật Như Lai Câu-Na-Hàm-Mâu-Ni cùng 1000 Tỳ-kheo đi đến đảo này. Nhờ thần lực của Phật nên trời đổ mưa, ngũ cốc sung túc. Sau đó, vì nhân dân trong nước, Phật thuyết pháp làm cho tám vạn bốn ngàn người đắc đạo quả. Phật để lại Tỳ-kheo Tu-Ma-Na (Mahasumana) cùng tăng chúng 1000 vị và dây thắt lưng (kàyabandhana) của Ngài. Sau khi Như Lai cùng đại chúng trở về nước cũ, mọi người xây tháp, tôn trí dây thắt lưng của Ngài vào tháp để thờ phụng cúng dường.

Vào thời Phật Ca-Diếp (Kassapa), đảo Sư-tử tên là Mạn-đà (Mandapipà); nước tên Tỳ-Sa-La (Visàla); vua tên Chi-Diễn-Na (Jayanta); núi Chi-đế-da tên Tu-bà-cưu-thát (Subhakùta). Bấy giờ, tại đảo Mạn-đà có chiến tranh lớn làm cho nhiều chúng sinh bị khổ não. Quán sát thế gian bằng thiên nhãn, thấy đảo Mạn-đà đang bị khổ não lớn, Như Lai cùng hai vạn Tỳ-kheo đến đảo này. Nhờ năng lực của Phật, chiến tranh được chấm dứt. Vì nhân dân, đức Phật thuyết pháp vi diệu, có tám vạn bốn ngàn người đắc đạo-tích... Phật để lại một Tỳ-kheo tên Tát-Bà-Nan-Ðà ( Sabbananda) cùng 1000 Tỳ-kheo và chiếc y tắm (Udakasàtika). Nhân dân trong nước xây tháp lớn, tôn trí chiếc y tắm của Phật vào tháp để thờ phụng cúng dường. Ðó là những tên gọi của vườn tháp. Vào thời ba đức Phật quá khứ, nơi này đều được chọn để xây tháp. Nhưng ba cõi vô thường, nay chỉ còn vùng đất trống. Ngay tại nền tháp cũ, chư thiên đã trồng nhiều loại cây gai. Vì sao? Ðể ngăn ngừa sự ô uế.

Khi ấy, voi lớn đội xá-lị, tự nhiên đi đến ngay nền tháp cũ. Vua và dân chúng chặt phá gai góc làm cho chỗ này phẳng như bàn tay. Ðến phía Bắc nền tháp cũ, tại chỗ cây Bồ đề (Bodhirukkhatthàna) voi đứng lại hướng về phía tháp. Muốn đưa xá-lị xuống nhưng voi không chịu. Vua hỏi Ma-Hê-Ðà: - Thưa đại đức! Làm sao thỉnh xuống?

Ðáp: - Không thể đưa xuống ngay, trước tiên vua phải xây nền cao đến đỉnh đầu voi, mới đưa xuống được.

Khi ấy, mọi người cùng nhau đắp nền móng đất. Trong suốt ba bốn ngày voi vẫn đội xá-lị đứng yên. Sau khi làm nền, vua lại bạch: - Ðại đức, tháp có hình gì?

Ma-Hê-Ðà đáp: - Như hình đống lúa.

Vua khen ngợi và xây một tháp nhỏ ngay trên nền tháp rồi cúng dường bằng nhiều cách để chuẩn bị đưa xá-lị xuống. Nhân dân cả nước đem theo hương hoa âm nhạc đến để chiêm bái xá-lị.

Khi mọi người đã tập họp đến, từ đỉnh đầu voi, xá-lị bay lên hư không cao bảy cây Ða-la, hiện ra nhiều sự biến hóa với năm màu ròng, khi tuôn nước, khi phun lửa, hoặc biến hiện đồng thời không khác gì thần lực của Thế Tôn thị hiện ở cây Kiền-thát-am-bà (Gandambamùla) khi Ngài còn tại thế. Ðây không phải là thần lực của Ma-Hê-Ðà và chư thiên. Vì sao? Lúc còn tại thế, Như Lai có lệnh cho xá-lị rằng sau khi Ta diệt độ, hãy đến nước Sư-tử, khi vào vườn tháp thì hiện ra các thần lực.

Do lệnh của Như Lai nên lúc này xá-lị hiện ra như vậy.

Pháp sư nói rằng có bài kệ:

Phật vượt trên nghĩ bàn.
Giáo pháp cũng như vậy.
Nếu ai có tín tâm,
Công đức không nghĩ, bàn.

(Evam acintiyà Buddhà, buddhadhammà acintiyà, acintiyesu pasannànam vipàko hoti acintiyo).

Ðức Thích-Ca Như Lai đã đến đảo Sư-tử này ba lần. Lần thứ nhất, sau khi giáo hóa dạ xoa, Ngài ra sắc lệnh: Sau khi Ta niết-bàn, xá-lị của Ta an trụ ở nơi này. Lần thứ hai, giáo hóa Long vương và cháu trai. Hai lần này, Như Lai đến một mình. Lần thứ ba có một trăm Tỳ-kheo tùy tùng, đến Ma-ha Chi-đế-da, vườn tháp, nơi cây Bồ đề, chỗ Già-bà -tỳ-căn-na-la-ny thuộc phía Ðông vùng đất Già-na (Mutiyangana, Dìghavàpi, kalyàni-cetiyatthàna) Như Lai nhập định. Sau khi Phật nhập Niết-bàn, lần thứ tư, xá-lị đến là lần cuối. Nhân dân cả nước nhờ vào lượng nước do thần lực xá-lị tuôn ra mà không còn bị đói khát. Khi ấy, mọi người đều thấy xá-lị từ không trung hạ xuống, rồi ngự trên đầu vua. Ðược xá-lị ngự trên đầu, với suy nghĩ: Ta được làm thân người có lòng tin vững chắc, vua cúng dường trọng thể rồi tôn trí xá-lị vào tháp. Khi ấy, mặt đất chấn động sáu cách. Bấy giờ, có vương đệ tên Vô-Úy cùng 1000 người đều xuất gia, 500 đồng tử ở trung tâm đất nước cũng xuất gia, lại có 500 đồng tử khắp nước cũng xuất gia. Như vậy tăng dần lên có đến ba vạn người xuất gia.

Sau khi đại tháp được xây dựng xong, đại phu nhân cùng em gái vua, trời, rồng, dạ-xoa, càn-thát-bà cùng nhau cúng dường.

Sau lễ cúng dường, Ma-Hê-Ðà trở về vườn Ma-già ( Meghavanùyyana). Nghe A-Nậu-La (Anulà) tâu rằng muốn xuất gia, vua buồn bã thưa với Ma-Hê-Ðà: - Ðại đức! Phu nhân A-Nậu-La muốn xuất gia, xin ngài tế độ cho.

Ma-Hê-Ðà đáp: - Sa-môn chúng tôi không được độ người nữ. Tôi có em gái tên Tăng-Già-Mật-Ða đang ở nước Ba-thát-lỵ-phất, hãy đến đó thỉnh sang. Cây Bồ đề của ba vị Phật thời quá khứ đều được đem đến trồng ở nước này. Hiện nay, cũng nên trồng cây Bồ đề của Bổn-sư chúng tôi ở đây. Thế nên, đại vương nên sai sứ giả đến gặp vua A-Dục cầu Tỳ-kheo ny Tăng-Già-Mật-Ða và thỉnh cây Bồ đề đến trồng ở đây.

Khen ngợi chấp thuận lời dạy này, vua gọi các đại thần cùng nhau bàn luận. Vua bảo người cháu trai:

- Cháu có thể đến nước Ba-thát-lỵ-phất ở Diêm-phù-lỵ, thỉnh Tăng-Già-Mật-Ða và nhận lấy cây Bồ đề không?

Người cháu đáp: - Xin vâng, con sẽ đi nhưng nhà vua phải cam kết trước là cho phép con được xuất gia, bằng không con xin ở lại.

Vua đáp:- Lành thay! Nếu được Tỳ-kheo ny Tăng-Già-Mật-Ða và cây Bồ đề đến đây thì ta sẽ cho phép cháu xuất gia.

Người cháu vua trước tiên nhận lời dạy bảo của Ma-Hê-Ðà, rồi vâng lệnh vua. Ma-Hê-Ðà dùng thần thông làm cho A-Phiêu-Xoa cháu nhà vua đến cảng Câu-la ở Diêm-phù-lỵ (Jambukolapattana) rồi từ đó đi thuyền vượt biển đến nước Ba-thát-lỵ-phất chỉ trong một ngày.

Khi ấy, phu nhân A-Nậu-La cùng 500 đồng nữ và 500 người cung nữ của vua đều thọ mười giới (dasa-sìlàni), mặc y ca-sa, ra khỏi thành, xây dựng khu nhà cư trú riêng ở bên thành.

Ðến nơi, A-Phiêu-Xoa tâu vua: - Con trai của đại vương là Ma-Hê-Ðà ra lệnh cho thần đến đây, thưa như thế này bạn thân của đại vương là Thiên-Ái Ðế-Tu có phu nhân tên A-Nậu-La muốn xuất gia nhưng không có thầy tế độ. Xin đại vương ban cho Tỳ-kheo ny Tăng-Già-Mật-Ða và cây Bồ đề (Mahàbodhi).

Sau khi truyền lại lệnh của Ma-Hê-Ðà, sứ giả đến gặp Tỳ-kheo ny thưa: - Ðại đức! Anh của ngài là Ma-Hê-Ðà sai con đến đây nói rằng phu nhân của vua Thiên-Ái Ðế-Tu là A-Nậu-La cùng 500 đồng nữ và 500 cungnữ thân quyến cùng muốn xuất gia, nay thỉnh đại đức làm thầy tế độ, xin ngài đến ngay.

Nghe tin của anh mình, Tỳ-kheo ny vội vàng đến gặp nhà vua tâu rằng: - Ðại vương! Anh con báo tin phu nhân vua Thiên-Ái và các người nữ khác muốn xuất gia hành đạo, thỉnh con làm thầy tế độ. Họ đang đợi chờ nên con muốn đi, xin thưa cho đại vương biết.

Vua đáp: Sau khi Ma-Hê-Ðà anh con và cháu Tu-Ma-Na ra đi, ta như người bị chặt mất tay chân. Ðã lâu, ta không còn gặp hai người ấy nên ngày đêm tâm tư buồn bã. Gặp mặt con, ta cũng tạm vui, giờ đây con lại ra đi, chắc ta phải chết, thôi con đừng đi.

Tăng-Già-Mật-Ða đáp: - Ðại vương! Tin tức của anh con rất quan trọng không thể không làm. Sát-lỵ phu nhân A-Nậu-La rất muốn xuất gia, đang đợi con; thế nên con phải đi đến đó.

Vua nói: - Nếu tin tức của anh con quan trọng như vậy thì con nên đi cùng với cây Bồ đề (Mahàbodhim gahetvà gacchàmi).

Tăng-Già-Mật-Ða thưa: - Cây Bồ đề đang ở đâu?

Ðáp: - Ðang ở chỗ A-lan-nhã.

Trước tiên vua có ý chiết cây Bồ đề, nhưng không được dùng dao chặt thì làm sao lấy được, phân vân không biết tính sao, nên hỏi đại thần Ðề-Bà.

Ðề-Bà đáp: - Các đại đức Tỳ-kheo tất biết rõ.

Sau khi khen ngợi, vua thỉnh chư tăng thọ trai. Sau bữa ăn, vua thưa các Tỳ-kheo: - Có thể truyền cây Bồ đề của Như Lai sang nước Sư-tử (Lankàdì) không?

Chúng tăng đề cử Mục-Kiền-Liên Ðế-Tu trả lời vì tôn giả biết rõ việc này.

Tôn giả đáp: - Cây Bồ đề có thể sang nước Sư-tử. Vì sao? Khi còn tại thế, Như Lai đã đưa ra năm sắc lệnh. Khi sắp vào Niết-bàn, nằm trên bảo sàng, Phật ra lệnh rằng:

1- Trong tương lai, có vua A-Dục chiết cây Bồ đề đưa sang nước Sư-tử, lấy cành cây Bồ đề ở hướng Nam đem đi, không cần dùng dao chặt mà tự nhiên đứt ra, rồi vào bồn bằng vàng.

2- Nếu đúng là cây Bồ đề của Ta thì sau đó rời khỏi bồn bay lên hư không và đi vào trong mây.

3- Sau khi vào trong mây và ở đó bảy ngày, cây tự nhiên hạ xuống, ở yên trong bồn bằng vàng (suvannakatàha), phát triển tươi tốt phủ lá, kết trái. Lá cây màu vàng ròng với nhiều hiện tượng xẩy ra không thể nói hết.

4- Cây Bồ đề sang nước Sư-tử thì có thể trồng được. Khi bắt đầu trồng thì có nhiều hiện tượng thần thông hiện ra.

5- Khi một đấu xá-lị của Ta (donamatta-dhàtuyo) đến nước Sư-tử thì hiện ra tướng hảo của Ta như còn tại thế với 32 tướng bậc đại nhân, 80 vẻ đẹp, ánh sáng rực rỡ hơn cả nhật nguyệt.

Nghe năm sắc lệnh này, vua rất vui mừng, đi bộ từ nước Ba-thát-lỵ-phất đến chỗ cây Bồ đề, đem theo nhiều vàng ròng.

Vị trời thợ giỏi của Thiên Ðế-thích tên là Tỳ-xá (Vissakammadevaputta) biết được ý vua nên hóa thành thợ rèn đứng cạnh vua. Vua bảo: - Này thợ rèn! Hãy đem vàng này làm thành cái bồn.

Người thợ hỏi: - Ðại vương! Bồn lớn cỡ nào?

Vua đáp: - Ðây là nghề của ngươi, hãy tự biết lấy.

Thợ thưa: - Lành thay! Thần sẽ làm ngay.

Nhận vàng, với thần thông, thợ dùng tay nặn ra cái bồn vàng chu vi chín khuỷu tay (hattha), cao chừng năm khuỷu tay, dày tám tấc. Miệng bồn được viền tròn như vòi voi chúa.

Khi ấy, vua A-Dục thống lĩnh đại chúng với ngàn xe vạn ngựa, dài bảy do tuần, rộng ba do tuần, trang bị cờ xí (dhajapatàka) rợp trời, các loại trân bảo, hoa hương chuỗi ngọc, vang lừng âm nhạc, cùng các vị Tỳ-kheo đưa nhau ra khỏi nước đi đến vây quanh cây Bồ đề. Với ngàn vị tiểu quốc vương chung quanh, vua A-Dục ở giữa đứng nghênh đón cây Bồ đề. Nhà vua và mọi người cùng chiêm ngưỡng đại thọ Bồ đề và cành phía Nam. Khi ấy, cây hiện thần lực làm cho cả cây biến mất chỉ còn hiện ra một cành dài bốn khuỷu tay. Thấy thần lực của cây như vậy, nhà vua rất hoan hỷ nên đem tất cả đất đai ở cõi Diêm-phù và vương phục anh lạc, hương hoa, các vật để cúng dường và đảnh lễ khắp tám hướng cây Bồ đề. Nhà vua lại lễ bái, dâng vương vị khắp cả cõi Diêm-phù-lỵ cho cây Bồ đề.

Sau khi lễ bái, vua bạch với chư tăng với lời thệ nguyện: - Nếu con được phép lấy nhánh cây Bồ đề đưa sang nước Sư-tử thì cây Bồ đề hiện ra như cũ cùng với cành phía Nam.

Sau khi làm tòa sư tử bằng bảy báu và tôn trí bồn vàng trên tòa, vua A-Dục lên tòa cao, tự cầm bút vẽ với bột đá hùng hoàng (Suvannatulikam gahetvà manosilàya lekhamkatvà), phát lời thệ nguyện: Nếu cây Bồ đề chấp thuận việc đi sang nước Sư-tử với tín tâm của con thì cành đại thọ Bồ đề tự nhiên rơi vào trong bồn vàng.

Khi vua phát nguyện này, cây hiện lại như xưa. Dùng bột thơm làm đất đặt đầy trong bồn vàng, vua cầm bút vẽ mười nét lên chỗ cong của cành cây. Chín nét để mọc rễ ra, nét thứ mười để cành cây rời ra. Rễ cây dài bốn tấc và có nhiều rễ con đan vào nhau như mạng lưới. Cành lớn dài mười khuỷu tay và có năm nhán đều dài bốnkhuỷu tay và có năm trái cùng hàng ngàn nhánh nhỏ. Thấy thần thông của cây Bồ đề như vậy, vua rất hoan hỷ cùng nhau hướng về cây, lớn tiếng khen ngợi. Chư tăng tụng kệ, các tiểu vương tùy tùng và mọi người đều reo hò khen ngợi. Ðịa thần kinh ngạc kêu vang lớn tiếng. Âm thanh vang tận hư không, truyền dần như vậy cho đến cõi Phạm thiên.

Khi ấy, tự nhiên cành cây rời khỏi thân cây chính rồi rơi vào bồn bằng vàng và mọc ra trăm rễ, ăn tận đáy bồn. Lại có mười rễ xuyên qua đáy bồn, 90 rễ nhỏ mọc ra chung quanh, phát triển suốt ngày đêm. Ðồng thời, mặt đất chấn động sáu cách; trên hư không chư thiên tấu các loại âm nhạc; núi rừng cây cỏ đều rung động mạnh như người đang múa; chư thiên vỗ tay; dạ xoa quỉ thần đều cười vui vẻ; vua A-tu-la thổi ốc ca ngợi (Thutịappa); Phạm vương hoan hỷ; sấm chớp vang lừng cả hư không; các thú bốn chân kêu rống chạy loạn xạ; chim chóc kêu vang bay rộn rã, vua A-Dục cùng các tiểu vương cùng nhau tấu âm nhạc. Những âm thanh này vang lên tận cõi Phạm thiên. Bấy giờ, trái Bồ đề phát ra hào quang sáu màu chiếu sáng cả thế giới Ta-Bà (Cakkavàla), tận cõi Phạm thiên. Cây Bồ đề bay lên hư không, đứng yên trong bảy ngày. Sau bảy ngày, đại chúng chỉ thấy hào quang chứ không thấy bồn vàng và cây.

Bước xuống khỏi tòa Sư-tử bảy báu, vua cúng dường cây Bồ đề trong bảy ngày. Sau bảy ngày, cây lại phóng ánh sáng khắp thế giới Ta-bà, chiếu lên tận cõi Phạm thiên rồi xoay trở lại. Trên hư không, các đám mây đều sáng rực trong suốt. Từ trên hư không, thân cây Bồ đề như ngọc anh lạc với hoa trái sum suê hạ xuống bồn vàng. Thấy cây đã vào trong bồn, vua rất hoan hỷ, lại đem cả cõi Diêm-phù-lỵ cúng dường đến cây Bồ đề nhỏ suốt bảy ngày.

Ngày tự tứ mười lăm tháng tám, vào buổi chiều cây Bồ đề hạ xuống bồn vàng. Bảy ngày sau, cây vọt lên hư không và ở đó bảy ngày rồi hạ xuống bồn vàng. Nhà vua đem cả cõi Diêm-phù-lỵ dâng cho cây Bồ đề làm vua suốt bảy ngày, vào ngày chúng tăng bố tát mười lăm tháng chín, trong một ngày, từ nơi phát sinh, cây Bồ đề nhỏ được đưa đến phía Ðông thành Ba-thát-lỵ-phất, ngự yên dưới cây Sa-la và phát triển rậm rạp. Thấy như vậy, vua rất hoan hỷ, lại đem cả cõi Diêm-phù-lỵ dâng lên, lễ bái phong cây Bồ đề làm vua.

Sau khi cúng dường, vua thưa với Tăng-Già-Mật-Ða: - Ðã đến lúc lên đường.

Ðáp: - Lành thay! Thưa đại vương.

Vị này cùng tám bộ quỉ thần hộ tống cây Bồ đề, tám hạng đại thần, tám hạng Bà-la-môn, tám hạng cư sĩ, tám hạng người cụ-ba-già, tám người lộc-la-xa, tám người ca-lăng-già (attha bràhmanakulàni, attha kutumbikakulàni, attha gopakakulàni, attha taracchakulàni, attha kàlingakulàni). Nhà vua ra lệnh đưa theo tám bình đựng vàng, tám bình đựng bạc, chở theo nước để tưới cây Bồ đề. Sau khi mọi việc đã được thực hiện đúng theo lệnh, vua cùng đại chúng tuần tự hộ tống cây Bồ đề ra đại lộ với sự cúng dường ngày đêm của trời, rồng, dạ-xoa, càn-thát-bà, a-tu-la đi đến cảng Ða-Ma-Tiêu (Tàmalitthi). Ðến nơi, vua đích thân bưng cây Bồ đề bước xuống, lúc nước ngập đến cổ thì đưa lên cho Tăng-Già-Mật-Ða trên thuyền.

Vua bảo với A-Phiêu-Xoa (Arittha): -Này A-Phiêu-Xoa! Tại nước này, ta đã ba lần đem đất Diêm-phù-lỵ dâng lên và phong vương cho cây Bồ đề. Ðích thân ta đội cây Bồ đề đi xuống nước đến tận cổ để đưa lên thuyền. Ta ra lệnh cho khanh, nếu cây Bồ đề đến quý quốc, khanh hãy tâu với vua khanh phải đích thân lội xuống nước đến tận cổ để đón nhận cây Bồ đề và đội trên đầu, tổ chức các nghi thức cúng dường như ta đã làm.

Sau khi nhà vua ra sắc lệnh, thuyền rời bến. Khi ấy, vùng biển chung quanh thuyền một do tuần không có sóng, vua suy nghĩ: Cây Bồ đề của Phật đang rời khỏi nước ta.

Khi suy nghĩ như vậy, vua rơi nước mắt ướt cả cổ. Thuyền đã đi rồi, vua trông theo, thấy từ nước biển có nhiều loại hoa hiện ra theo sau thuyền để cúng dường xá-lị. Trên hư không, các loại hoa rơi xuống và vang lừng tiếng nhạc cúng dường. Thần biển lại dâng các loại hoa hương để cúng dường cây Bồ đề. Sự cúng dường kế tiếp như vậy truyền tận đến cung long vương (nàgabhavana). Long vương muốn ra ngoài để chiếm lấy cây Bồ đề. Ðể bảo vệ, Tỳ-kheo ny Tăng-Già-Mật-Ða hóa ra vua Kim-sí-điểu.

Thấy thần lực của Tỳ-kheo ny như vậy, Long vương đảnh lễ sát chân, thưa: - Lúc này, con muốn thỉnh cây Bồ đề và đại đức đến cung điện của con để được cúng dường bảy ngày.

Nhân đó, cây Bồ đề và đại chúng đều vào Long cung. Long vương đem vương vị của mình dâng lên cho cây Bồ đề và cúng dường suốt bảy ngày. Vào ngày mồng một tháng mười, long vương đích thân đưa cây Bồ đề đến bến cảng Diêm-phù-câu-na-vệ (Jambukolap ttana), chỉ trong một ngày.

Vua A-Dục trông theo, khi không còn thấy cây Bồ đề thì khóc lóc trở về.

Khi ấy, theo lời dặn trước đây của sa di Tu-Ma-Na, vua Thiên-Ái ra lệnh sửa sang đường sá, quét sọn sạch, dựng cờ phướn và các vật cúng dường. Từ cổng thành phía Bắc đến cảng Câu-na-vệ, đất thẳng như bàn tay đang chờ đợi cây Bồ đề đến. Dùng thần lực, Tăng-Già-Mật-Ða làm cho trong thành vua trông thấy cây Bồ đề đang đi đến. Nhà vua ra khỏi thành, tung rãi năm màu hoa khắp nơi, tấu các loại âm nhạc và chỉ trong một ngày đi đến tận cảng Câu-na-vệ.

Lội xuống nước đến tận cổ, nhà vua suy nghĩ: - Cây Bồ đề của Phật đã đến nước ta rồi.

Vua đang suy nghĩ thì cây Bồ đề phóng ra hào quang sáu màu. Thấy như vậy, rất hoan hỷ, nhà vua liền đội cây Bồ đề trên đầu. Cùng với vua, có mười sáu người quí tộc kỳ cựu (Solasa jàtisampannakulàni) cung nghinh cây Bồ đề đem lên bờ. Suốt ba ngày, vua đem cả đảo Sư-tử cúng dường cây Bồ đề. Hết ba ngày, đến ngày thứ tư, mười sáu người quí tộc biết rõ quốc sự đội cây Bồ đề tuần tự đi đến nước A-dật-la-đà. Ðến nơi, nhân dân cả nước vui mừng cùng nhau lễ bái cúng dường.

Ðến ngày 14 tháng 10, từ cửa phía Bắc, cây Bồ đề đi vào trung tâm thành phố, rồi đi ra bằng cửa phía Nam. Cách cửa thành phía Nam 500 cung (dhanu) là nơi đức Như Lai từng nhập định. Chẳng những chỉ có đức Phật Thích-Ca Mâu-Ny mà chư Phật quá khứ cũng từng nhập định ở đây. Cây Bồ đề của Phật Câu-Na-Vệ tên là Ma-ha-sa-lỵ-bà (mahàsirìsabodhi). Cây Bồ đề của Phật Câu -Na-Hàm tên Ưu-đàm-bát (Udumbabocdhi). Cây Bồ đề của Phật Ca-Diếp tên Ny-câu-đà (Nigrodhabodhi). Tại vườn Di-già, sa di Tu-Ma-Na ra lệnh xây dựng nền khu vườn và bố trí phòng ốc, xếp đặt nơi trồng cây Bồ đề, sửa sang đàng hoàng cung thất để vua trú ngụ.

Khi ấy, mặc tước phục của vua ban, mười sáu người quí tộc cùng hộ tống cây Bồ đề đến trồng ngay trước cửa cung vua. Vừa đặt xuống, cây bay lên hư không cao tám mươi khuỷu tay chiếu ra hào quang sáu màu, sáng rực cả nước Sư-tử, lên tận cõi Phạm-thiên. Thấy các hiện tượng biến hóa của cây Bồ đề như vậy, mọi người rất vui mừng, cả vạn người cùng phát tâm niệm Phật, tuần tự chứng quả A-la-hán, cùng nhau xuất gia.

Ánh sáng mặt trời chưa tắt thì cây vẫn còn trên hư không. Sau khi mặt trời lặn, cây Bồ đề như chòm sao chổi (Rohininakkatta), từ hư không hạ xuống đất. Và mặt đất chấn độnh mạnh.

Ma-Hê-Ðà cùng Tăng-Già-Mật-Ða với nhà vua và nhân dân đều tập trung đến cây Bồ đề. Trông thấy nhánh phía Bắc có một trái chín đang rời khỏi thân cây, mọi người lấy dâng cho Ma-Hê-Ðà. Ma-Hê-Ðà lấy hạt đưa cho vua để trồng. Nhận lấy hạt, vua đặt vào trong bồn vàng giữa đất tốt và phủ bột thơm lên. Trong khoảnh khắc, hạt mọc ra tám cây con cao bốn khuỷu tay. Thấy như vậy, vua kinh ngạc khen ngợi, lấy lọng trắng che ở trên, lễ bái tôn cây Bồ đề nhỏ làm vua.

Vua trồng một cây con ở cảng Diêm-phù-câu-na-vệ, một cây ở trong thôn Bà-la-môn, Bạc-câu-la (tavakkabràhmana), một cây ở cửa Thu-tiêu, một cây trồng trong vườn tháp, một cây trồng ở chùa Ma-ê-thủ-la (Íssaranimmà avihàra), một cây trồng ở trung tâm núi Chi-đế-da (cetiyapabbata), một cây trồng ở thôn Lâu-ê-na (Rohanajanapada), một cây trồng ở thôn Giai-la (Kàtaragàma). Bốn trái còn lại trên cây, tuần tự chín rụng xuống và mọc ra 32 cây con đều được trồng khắp một do tuần chung quanh khu vườn tháp. Như vậy cây Bồ đề được trồng khắp cả nước Sư-tử. Nhờ vào cây Bồ đề nên khắp đất nước này được an ổn không có tai họa.

Bấy giờ, phu nhân A-Nậu-La cùng 1000 người nữ đến gặp Tăng-Già-Mật-Ða và được vị này độ cho thành Tỳ-kheo ny. Sau khi được độ, các vị này tuần tự chứng quả A-la-hán. A-Phiêu-Xoa cháu của vua cùng 500 người cùng xuất gia và sau đó tuần tự chứng quả A-la-hán.

Một hôm, vua cùng Ma-Hê-Ðà đi lễ cây Bồ đề, đến thiết-điện (lohapàsàdatthàna). Nhân dân dâng hoa lên vua, vua cúng dường hoa cho Ma-Hê-Ðà pháp sư. Sau khi nhận hoa, pháp sư cúng dường thiết-điện. Khi hoa rơi xuống đất, mặt đất chấn động. Thấy đất chấn động, vua hỏi: - Thưa đại đức! Vì sao đất này bỗng nhiên chấn động?

Ðáp: - Ðại vương! Tương lai, chư tăng sẽ thuyết giới ở điện này, thế nên đất hiện ra điềm lành ấy.

Tiếp tục đi đến vườn xoài, có người dân lên vua trái xoài thơm ngon. Nhà vua đem cúng dường cho Ma-Hê-Ðà. Sau khi dùng, Ma-Hê-Ðà đưa hạt cho vua và bảo đem trồng. Vua trồng ngay và tưới nước lên đất. Mặt đất lại chấn động. Vua hỏi: - Vì sao mặt đất chấn động?

Ðại đức đáp: - Tương lai, tăng chúng sẽ tập trung ở đây nên đất hiện ra điềm lành ấy (pubbanimitta).

Sau khi rãi hoa khắp tám phương làm lễ, vua tiếp tục đi đến Chi-đế-da (mahàcetiyatthàna). Có người dâng hoa Chiêm-bặc (Campakapuppha) lên vua. Vua dâng hoa và làm lễ tại chỗ Ma-Hê-Ðà. Vừa lễ xong, mặt đất lại chấn động. Vua hỏi: - Vì sao mặt đất chấn động?

Ðáp: - Tương lai, tại nơi này sẽ xây dựng tháp thờ Như Lai nên đất hiện ra điềm lành ấy.

Vua thưa: - Con sẽ xây tháp.

Ma-Hê-Ðà đáp: - Vua không phải xây vì ngài có nhiều việc phải làm. Trong tương lai, có cháu ngài là Mộc-Xoa-Già-Ma-Ni A-Bà-Da (Dutthagàmini Abhaya) sẽ xây đại tháp.

Vua hỏi: - Thưa đại đức! Công đức xây tháp của con cháu của con, con có được hưởng không?

Ðáp: - Không được!

Vua lại tạo điều kiện để góp phần công đức bằng cách dựng một trụ đá cao 12 trượng và khắc trên trụ: Trong tương lai, cháu của ta tên Mộc-Xoa-Già-Ma-Ni A-Bà-Da sẽ xây đại tháp tại đây.

Vua lại thưa hỏi: - Hiện nay, Phật pháp đã đâm rễ vững chắc vào nước Sư-tử chưa?

Ma-Hê-Ðà đáp: - Chưa!

Hỏi: - Ðến bao giờ?

Ðáp: - Nếu người dân nước Sư-tử xuất gia cha mẹ họ là người nước Sư-tử, nên không lẫn với người nước khác. Sau khi xuất gia, họ sẽ giữ gìn pháp tạng và luật tạng. từ đó về sau, Phật pháp mới đâm rễ vững chắc vào nước Sư-tử.

Ðược vua hỏi cho rõ thêm, đại đức đáp: - A-Nổ-Xoa cháu vua xuất gia làm Tỳ-kheo. Vị này đối với Phật pháp rất tinh tấn dũng mãnh.

Vua lại hỏi: - Lúc này, con phải làm gì?

Ðáp: - Nên làm nhà tập họp (Mandapa) của chúng tăng.

Vua đáp: - Lành thay!

Bấy giờ, nhà vua có đại thần tên Di-Già-Bàn-Trà (Meghavannàbhaya). Tại chỗ ở của vị này, ngôi nhà tập họp được dựng lên giống như cung điện của vua A-Xà-Thế. Nhờ vào uy đức của vua, ngôi nhà đã hoàn tất với các loại âm nhạc và được tự nhiên phân bố đến khắp nơi (sakasakasippe ppayojetvà).

Vua suy nghĩ: Ta hãy đi xem Phật pháp mọc rễ (vững chắc vào xứ này).

Có trăm ngàn người tùy tùng theo vua cùng đi đến vườn tháp.

Luật Thiện Kiến Tỳ-Bà-Sa

- Quyển Thứ Ba -

-ooOoo-

Chương trước | Ðầu trang | Mục lục | Chương kế


Chân thành cám ơn Tỳ kheo Thiện Minh đã gửi tặng phiên bản điện tử (Bình Anson, 01-2001)


[Trở về trang Thư Mục]

update: 10-02-2001