BuddhaSasana Home Page
This document is written in Vietnamese, with Unicode Times font


Lá thư bạn đạo
Nghệ sĩ Tiến sĩ Bạch Tuyết
Sài gòn, 2001


  

[11]

Cho tròn chữ Hiếu

-ooOoo-

Vạn vật sinh ra trong trời đất theo một trình tự bất di bất dịch. Mọi thứ cứ tuần tự xoay chuyển, đổi thay có trước có sau, ở trong ra ngoài, từ trên xuống dưới... và ngược lại. Trong thế giới muôn trùng ấy, sự có mặt của con người cũng được xác định trong khoảng biến thiên từ giới vô sinh đến giới hữu sinh, từ giới vô tình sang giới hữu tình. Và trong mỗi giới đều bao hàm tính biến đổi, tính di truyền và đào thải, tính luân hồi và bất tận... Phác thảo một sơ đồ về bản chất hiện hữu của mỗi đời người như thế để hình dung sự mầu nhiệm của việc chúng ta có mặt trên cuộc đời, sống trong từng giây khắc, tồn tại trong chuỗi quá trình pháp luân thường chuyển của vũ trụ nhân sinh. Cha mẹ ta sinh ra ta... Cha mẹ ta lại được sinh ra từ ông bà ta. Ông bà ta lại được sinh ra từ ông bà cố của ta ... Và nếu cứ trở ngược về với cội nguồn như thế, hẳn ta sẽ đan kết một chuỗi dài trong vô cùng. Mỗi đời người, may mắn lắm, họa hằn lắm thì cũng chỉ tưởng niệm được cửu huyền thất tổ, với 9 đời mẹ 7 đời cha. Con cháu hậu sinh tổ chức mỗi kỳ húy nhật tưởng nhớ các bậc tiền bối thì cũng chỉ trong vòng 5 - 7 đời trở lại so với mốc hiện tại mà thôi... Ðó là chưa tính tới bao đời bao kiếp khác như lời của Ðức Phật chỉ dạy. Và có lẽ chúng ta sẽ ngu ngơ tự hỏi đâu là cái dấu chấm đầu tiên cho mỗi hành trình đời người, và lời giải đáp sẽ là lũy thừa cho điểm xuất phát và điểm cuối cùng.

Từ đây, ta chợt nhận ra, để sự có mặt này xuất hiện, sự sinh trưởng này tồn tại, ta thọ ơn không phải chỉ một đời mà bao kiếp. Mỗi một hạt bụi trong ta là sự kết tinh từ vô thỉ vô chung, để ở khoảng cách gần nhất, dễ nhận biết nhất ta được sản sinh từ cha mẹ ta. Do đó, cũng nơi từng khoảng cách gần hay xa ấy, dễ nhận ra hay khó nhận biết ấy, mà lòng biết ơn, chữ hiếu đễ cũng được người đời nhận thức một cách sâu xa. Chín tháng mười ngày mang nặng đẻ đau, trọn một đời ta không thể trả nổi. Chỉ có bấy nhiêu sự vâng lời, học hành, thành danh, thành nhân để gọi là trả ơn người sinh thành dưỡng dục. Cái chữ Hiếu mà từ thuở sinh ra ta đã thuộc nằm lòng, đã biết nắn nót viết bằng chữ in hoa tiếp tục theo đuổi trong ta qua mấy chặng đường gian nan. Ðã có những lúc ta vô tình bỏ quên khi sai quấy một điều gì trong suy nghĩ, ta hồ đồ trong mỗi hành vi, dẫn đến những hậu quả, khiến cha mẹ ta phiền não, lo lắng. Cũng đã có lúc, ta đấu tranh giữa sự chọn lựa tốt và xấu, được và mất mà ranh giới quá mong manh, nhỏ bé. Trở lực nào cản ngăn ta không rơi qua mặt trái nếu không vì lòng hiếu đễ canh cánh bên lòng, e sợ điều gì làm tổn hại đến tâm trí của bậc song thân.... Ở hình thức thứ nhất của Hiếu, những biểu hiện trên là kim chỉ nam cho lương tâm và bổn phận của mỗi người con khi có mặt trên đời. Và cũng ở hình thức trực tiếp này mà chữ Hiếu được nhìn nhận l thước đo đạo đức, phẩm hạnh của một con người. Xét đến cùng, đây chính là chuẩn mực của một thứ tình cảm mang tính cội rễ. Ngay cả người sinh ta ra, dưỡng nuôi ta mà còn không biết yêu thương, kính trọng, gìn giữ, nâng niu, thì nói gì đến những cung bậc tình cảm và những quan hệ gia đình, xã hội khác. Nền đạo đức chính thống của tư tưởng Nho gia cũng đã xét đoán chữ Hiếu theo hình thức này...

Ở hình thức thứ hai, nhân rộng ra, thâm sâu hơn, chữ Hiếu còn được đặt trong sự vô giới hạn của một đời người, một gia đình, một biểu hiện cụ thể nào đấy. Bởi, như đã nêu trên, sự có mặt mầu nhiệm của mỗi chúng ta là tinh lọc cả nghiệp lẫn duyên của bao đời, bao hạt bụi xưa và nay, bao khối vật chất - tinh thần kết tụ. Ta không chỉ biết ơn bấy nhiêu mà từ trong vô cùng, nơi mà đất, nước, gió, lửa đi qua, có một khoảng không ta chưa hề trực nhận, có một vùng ý niệm mà ta chưa kiểm soát. Ai dám khẳng định và kết luận rằng ta không hề tồn tại trong khoảng trống ấy. Bởi chính khoảng không ấy là dấu nối giữa cái sắc và danh, giữa hôm qua và hôm nay, giữa cái còn và mất, giữa ý niệm và vật chất... Cả loài hoa, ngọn cỏ, cả giun dế hay loài động vật vi sinh, ta cũng thầm mang ơn bởi đất này, khí này, gió này sinh tồn và bất tử cũng chính nhờ thế giới của hoa cỏ, lá cây tái sản sinh và trao đổi vật chất, cũng chính nhờ sự mất của bông hoa này là cái bắt đầu của loài hoa khác, của vi sinh vật này để xuất hiện một động vật bậc cao hơn... Vậy thì mỗi hơi thở này, mỗi bước đi này ta không nương tựa vào nhau trong thế giới muôn trùng này, thì thử hỏi ta thoắt đến, thoắt đi chỉ tự mình ta chăng! Ở hình thức thứ hai, Hiếu đã trở thành Ðạo. Nếu Hiếu tồn tại trong mỗi người con thì Ðạo lại tồn tại trong mỗi con người. Hiếu và đạo quan hệ biện chứng để thống nhất và quán xuyến mỗi suy nghĩ và hành vi của chúng ta đầy đủ và trọn vẹn, có trước - sau, có riêng - chung, có nhân - quả ... Hiếu và đạo là phương pháp để chúng ta nhận thức sâu sắc - không một cách cụ thể và xác đáng, soi rọi bước chân người lánh xa cái ác, phát huy cái thiện, sống tốt với muôn loài sao cho ngày ra đi thanh thản nhẹ nhàng không bị đọa trong sáu nẻo luân hồi sinh tử.

Ngày lễ Vu Lan lại đến với mọi người, mọi sinh vật trong trời đất, là dịp chúng ta bày tỏ lòng hiếu với mẹ cha, cái đạo với bà con hàng xóm. Sâu thẳm đất trời còn nặng trĩu lòng biết ơn đấng Từ Phụ. Người chỉ đường cho chúng sinh thoát khỏi biển khổ trầm luân, hướng về bờ Giác.

-ooOoo-

Ðầu trang | Mục lục | Trang kế


Chân thành cám ơn Tỳ kheo Thiện Minh đã gửi tặng phiên bản vi tính (Bình Anson, tháng 04-2001).


[Trở về trang Thư Mục]

update: 14-04-2001